“Điều duy nhất khiến tôi cảm thấy mệt mỏi chính là sự nhượng bộ.”
- Rosa Parks
Ngày nay, tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm, và là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, nhưng tác động tiêu cực của nó đã không còn mạnh mẽ và rộng khắp như thời kỳ trước thập niên 1960. Người da màu đã dần lấy lại quyền bình đẳng của họ trong mọi hoạt động xã hội cũng như chính trị. Nước Mỹ từng có Luther King, người đàn ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do của người da đen. Lịch sử nước Mỹ cũng không thể không nhắc đến Rosa Parks (tên đầy đủ của bà là Rosa Louise McCauley Parks), người phụ nữ đầu tiên dũng cảm đi tiên phong trong các cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen. Họ là biểu tượng cho lòng can đảm và ý chí sắt đá trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Rosa Parks (1913-2005)
Rosa Parks sinh ra ở thành phố Tuskegee, bang Alabama, Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng Hai năm 1913. Từ khi còn nhỏ, sức khỏe của Rosa đã không tốt do căn bệnh viêm amiđan mãn tính. Khi cha mẹ ly hôn, bà và em trai Sylvester theo mẹ đến sống cùng với ông bà ngoại trong một nông trại ở Pine Level, một nơi thưa thớt dân cư cách Montgomery (thủ phủ bang Alabama) gần 40 ki-lô-mét. Rosa ở nhà, học may vá và phụ giúp mẹ trong công việc may chăn mền cho đến năm mười một tuổi thì mẹ bà đăng ký cho bà theo học trường dành cho nữ sinh tại Montgomery. Sau đó Rosa tiếp tục theo học một trường trung học thực nghiệm dành cho người da đen. Nhưng chẳng bao lâu sau, bà buộc phải tạm ngưng việc học để ở nhà lần lượt chăm sóc cho bà ngoại và mẹ bị bệnh.
Rosa Parks bắt đầu được nhiều người biết đến từ một sự kiện xảy ra vào ngày 1 tháng Mười Hai năm 1955. Bà đã không làm theo lời người tài xế xe buýt tên là James Blake khi anh ta yêu cầu bà đứng lên nhường chỗ cho một hành khách da trắng. Sự việc đáng chú ý này được coi là một bước ngoặt quan trọng mở ra phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen tại Mỹ.
Vì hành động chống đối nói trên, bà bị bắt giữ và đưa ra tòa, khiến cho cộng đồng người da đen và những người có tư tưởng tiến bộ hết sức phẫn nộ. Một phong trào tẩy chay không sử dụng hệ thống xe buýt Montgomery đã diễn ra do mục sư Martin Luther King khởi xướng, kéo dài tới 381 ngày. Đây là một trong những phong trào đấu tranh có quy mô lớn nhất và thành công nhất chống lại nạn phân biệt chủng tộc trong lịch sử nước Mỹ. Rosa Parks trở thành một tấm gương nêu cao tinh thần dũng cảm đấu tranh vì quyền bình đẳng của con người. Những hoạt động xã hội mà bà tham gia không mệt mỏi được xem là những bước đi tiên phong cho phong trào đấu tranh vì quyền con người trên khắp thế giới.
Từ khi Luật Jim Crow(1) được thông qua ở các bang thuộc miền Nam nước Mỹ, người da đen bị phân biệt đối xử trong hầu hết mọi sinh hoạt hằng ngày của họ, kể cả trên các phương tiện giao thông công cộng. Các dịch vụ vận chuyển như xe buýt và tàu lửa vào thời bấy giờ luôn phân chia một cách rõ ràng khu vực ghế ngồi dành riêng cho người da đen và người da trắng. Một điều tệ hơn nữa là xe buýt đưa rước học sinh không có chỗ ngồi nào dành cho học sinh da đen. Rosa nhớ lại, khi bà còn học tiểu học ở Pine Level, xe buýt đưa rước học sinh chỉ dùng để đón những học sinh da trắng, còn những học sinh da đen thì phải chạy theo xe tới trường. Bà nói: “Tôi trông thấy điều bất công ấy khi xe buýt chạy qua trạm mỗi ngày, nhưng trong nhận thức của tôi lúc bấy giờ, đó là một quy luật mặc nhiên của cuộc sống mà chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc học cách chấp nhận nó. Sự phân biệt đối xử trên xe buýt là một trong những sự việc đáng chú ý đầu tiên khiến tôi nhận ra luôn có hai thế giới, một của người da đen và một của người da trắng. Hai thế giới này gần như hoàn toàn tách biệt”.
(1) Luật Jim Crow là đạo luật thi hành sự phân biệt chủng tộc, được ban hành từ những năm 1870 bởi các cơ quan lập pháp của các tiểu bang đứng đầu là người da trắng theo đảng Dân chủ ở miền Nam Hoa Kỳ. Luật này được thi hành cho đến năm 1965. Cụ thể, luật Jim Crow ra lệnh thi hành phân biệt chủng tộc tại tất cả các nơi công cộng, bao gồm cả các toa tàu và xe buýt liên bang.
Mặc dù trong quyển hồi ký của bà (có tựa là Quiet Strength) cũng có nhắc đến một vài kỷ niệm đẹp thời thơ ấu khi bà được những người da trắng tốt bụng giúp đỡ, nhưng quá nhiều điều bất công diễn ra hằng ngày và ở khắp nơi không cho phép Rosa Parks bỏ qua hay thờ ơ với nạn phân biệt chủng tộc đang đè nặng lên số phận của những người da đen khốn khổ. Khi nhóm Ku Klux Klan(2) diễu hành trên con đường trước nhà, bà không quên được hình ảnh người ông của mình đã đứng trước cửa để phòng vệ với một khẩu súng trường lăm lăm trong tay. Trường kỹ nghệ Montgomery, ngôi trường dành cho trẻ em da đen, đã hai lần bị đốt cháy bởi những kẻ quá khích, thậm chí giáo viên trong trường còn bị cộng đồng người da trắng theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tẩy chay.
(2) Nhóm Ku Klux Klan, thường được gọi là KKK hay Klan, là một nhóm người Mỹ da trắng cực đoan có tư tưởng thù ghét người Mỹ gốc Phi.
Năm 1932, Rosa kết hôn với Raymond Parks, một người làm nghề hớt tóc ở Montgomery. Raymond trở thành một thành viên của tổ chức NAACP(3), đúng vào thời điểm tổ chức này đang quyên góp tiền để ủng hộ Scottsboro Boys, một nhóm thanh niên da đen bị vu oan là cưỡng hiếp hai phụ nữ da trắng.
(3) Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP: từ viết tắt của National Association for the Advancement of Colored People).
Sau khi kết hôn, Rosa làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, từ giúp việc nhà cho đến làm hộ lý tại bệnh viện. Với sự động viên và ủng hộ hết lòng của chồng, bà đã học xong bậc phổ thông vào năm 1933. Vào thời điểm mà chỉ có chưa đến bảy phần trăm người Mỹ gốc Phi có bằng tốt nghiệp trung học thì đây quả thật là một nỗ lực đáng khâm phục của bà. Mặc dù Luật Jim Crow đã gây cho Rosa cũng như cộng đồng người da đen vô vàn khó khăn nhằm hạn chế họ tham gia các hoạt động chính trị, nhưng các phong trào đấu tranh cũng đã giúp họ giành được quyền bầu cử, sau khi đã thất bại hai lần trước đó.
Từ tháng Mười Hai năm 1943, Rosa tham gia các phong trào đấu tranh cho quyền công dân của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Ngoài ra bà còn tham gia vào phong trào vì nhân quyền của tổ chức NAACP tại Montgomery và được bầu làm thư ký của Chủ tịch hội, khi đó là ngài Edgar Nixon. Sau này, trong quyển hồi ký, Rosa đã chia sẻ về việc này như sau: “Tôi là người phụ nữ duy nhất ở đó. Họ cần một thư ký, còn tôi thì cảm thấy quá vinh dự nên không thể nói lời từ chối”. Rosa giữ chức vụ đó cho đến năm 1957.
Trong những năm 1940, Rosa và chồng đều là thành viên của tổ chức League of Women Voters (tạm dịch: Hội Liên hiệp Nữ cử tri). Rosa cũng nhận việc trông coi nhà cửa và là thợ may cho một cặp vợ chồng người da trắng, Clifford và Virginia Durr. Là những người có tư tưởng tự do về chính trị và không thành kiến với người da đen, gia đình Durr sau đó đã trở thành bạn của bà và thậm chí còn giúp đỡ về mặt tài chính để bà theo học trường Highlander Folk, một trung tâm giáo dục ủng hộ quyền lợi của người lao động và bình đẳng chủng tộc ở thị trấn Monteagle thuộc bang Tennessee, vào mùa hè năm 1955.
Cũng như nhiều người da đen khác, Rosa cảm thấy vô cùng phẫn nộ khi Emmett Till, một cô bé ở tuổi vị thành niên người da đen, bị sát hại dã man vào tháng Tám năm 1955. Vào ngày 27 tháng Mười Một năm 1955, chỉ bốn ngày trước sự kiện Rosa từ chối nhường chỗ ngồi của mình trên xe buýt, bà đã tham gia một cuộc biểu tình ở Montgomery để phản đối vụ sát hại cùng với những vụ giết người đẫm máu vừa xảy ra trước đó mà nạn nhân đều là người da đen.
Những sự kiện dẫn đến phong trào tẩy chay xe buýt tại Montgomery
Năm 1944, ngôi sao thể thao Jackie Robinson(4) cũng từng gặp rắc rối tương tự với một sĩ quan quân đội ở Fort Hood, Texas vì đã từ chối di chuyển ra chỗ ngồi ở phía sau xe buýt. Jackie bị đem ra xét xử trước tòa án quân sự, nhưng sau đó được xử trắng án. Trong thời gian này, những nhà hoạt động xã hội da đen cũng khởi kiện ra tòa án liên bang việc bắt giữ Claudette Covin, nữ sinh da đen mười sáu tuổi của trường trung học Booker T. Washington ở Montgomery. Vào ngày 2 tháng Ba năm 1955, Covin đã bị bắt giữ bằng vũ lực trên một chuyến xe buýt công cộng khi cô từ chối nhường chỗ cho một hành khách da trắng. Lúc ấy, Covin đang hoạt động tích cực trong hội đồng thanh niên của tổ chức NAACP, nơi Rosa đang là người dẫn dắt.
(4) Jack Roosevelt “Jackie” Robinson (1919-1972) là cầu thủ người Mỹ gốc Phi đầu tiên chơi tại giải bóng chày liên bang của Mỹ trong thời kỳ hiện đại.
Ở Montgomery, bốn dãy ghế đầu tiên trên xe buýt được dành riêng cho người da trắng. Vào thời bấy giờ, các xe buýt ở Mỹ luôn “đánh dấu” khu vực dành riêng cho người da đen. Người da đen cũng có thể ngồi ở những dãy ghế giữa cho đến khi phần ghế dành cho người da trắng có đủ người. Khi đó, họ phải di chuyển về phía các băng ghế sau, hoặc phải đứng khi cần nhường chỗ cho hành khách người da trắng. Nếu như không còn chỗ nào thì họ buộc phải rời xe buýt. Người da đen không được phép ngồi dọc lối đi dành cho người da trắng. Nói chung trên xe buýt, người da trắng luôn được ưu tiên hàng đầu.
Càng về sau càng có nhiều người da đen nhận ra rằng cách đối xử phân biệt như vậy là bất công. Rosa Parks là một trong số đó. Vụ việc bất công trên xe buýt xảy ra vào một ngày mưa tầm tã năm 1943. Khi ấy người tài xế xe buýt yêu cầu Rosa phải rời khỏi xe bằng cửa sau. Khi đi ra bằng cửa trước, bà đánh rơi ví. Rosa ngồi xuống một lát ở chỗ ngồi dành cho người da trắng để nhặt chiếc ví lên. Gã tài xế xe buýt liền nổi nóng và cho xe phóng đi ngay khi bà còn chưa kịp đặt nốt chân kia xuống đường. Thế là Rosa phải cuốc bộ hơn tám cây số để về nhà, trong cơn mưa tầm tã.
Mười hai năm sau sự kiện trên, vào khoảng sáu giờ, thứ Năm ngày 1 tháng Mười Hai năm 1955, sau một ngày làm việc vất vả, Rosa Parks đón xe buýt ở đại lộ Cleverland để về nhà ở khu Montgomery. Rosa trả tiền xe và ngồi vào chiếc ghế trống ở hàng đầu tiên trong khu vực dành cho người da đen. Ban đầu, bà không nhận ra rằng người tài xế của chuyến xe buýt này và chuyến xe bão táp mười hai năm về trước là một. Tất cả các ghế dành cho người da trắng đã kín chỗ. Khi chiếc xe đến trạm dừng thứ ba ở trước nhà hát Empire Theater, thêm một vài hành khách da trắng nữa bước lên.
Khi người tài xế để ý thấy các hàng ghế dành cho hành khách da trắng ở phía đầu xe đã đầy người và vẫn còn hai hay ba người phải đứng, anh ta nhìn về các hàng ghế dành cho người da đen và yêu cầu bốn người da đen đang ngồi phải rời khỏi chỗ. “Khi tài xế đi về phía chúng tôi và khoát tay yêu cầu chúng tôi phải rời khỏi chỗ của mình, tôi cảm thấy bên trong mình nung nấu một quyết tâm…”, Rosa viết trong hồi ký của bà.
Theo Luật Jim Crow, người bán vé hay tài xế được quyền chỉ định chỗ ngồi cho các hành khách, nhưng không có quy định hành khách phải chuyển chỗ hay nhường chỗ nếu xe buýt đông hoặc không còn chỗ trống. Tuy vậy trong thực tế, do thành kiến sẵn có với người da đen, các tài xế thường buộc các hành khách da đen phải xuống xe khi trên xe đã kín chỗ.
Có thể nói Rosa Parks là người đầu tiên trong lịch sử dám ngang nhiên chống lại bộ luật mang nặng tính phân biệt chủng tộc này tại Alabama. Hành động dũng cảm của bà đã trở thành biểu tượng cho phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi. Trong một buổi phỏng vấn được phát trên sóng radio vào năm 1956 vài tháng sau khi bị bắt, khi được hỏi tại sao bà quyết định không rời khỏi chỗ ngồi của mình trên xe buýt, Parks trả lời: “Tôi biết tất cả những quyền con người mà mình xứng đáng được hưởng, vì tôi là một công dân bình đẳng như mọi công dân khác của Montgomery, bang Alabama”.
Trong quyển tự truyện My Story, Rosa đã kể chi tiết động cơ thúc đẩy bà làm việc đó: “Người ta luôn nói rằng tôi không nhường chỗ chỉ vì tôi quá mệt mỏi sau một ngày làm việc, nhưng không phải vậy. Lúc ấy tôi không mệt tí nào cả, hay đúng hơn là như mọi ngày. Tôi cũng không phải là người đã có tuổi, mặc dù một số người cho rằng đây là nguyên nhân của việc tôi không nhường chỗ. Lúc ấy tôi chỉ mới bốn mươi hai tuổi, và điều duy nhất khiến tôi thấy mệt mỏi là việc phải nhượng bộ liên tục trước nạn phân biệt chủng tộc”.
Bị bắt vì không nhường ghế cho người da trắng (ngày 1 tháng Mười Hai năm 1955)
Rosa Parks từ chối nhường chỗ, nên cảnh sát đã đến ngay lập tức và bắt giữ bà. Khi bị đưa đi, bà đã hỏi lý do vì sao mình bị bắt giữ. Viên cảnh sát lạnh lùng trả lời: “Tôi không rõ lắm, nhưng luật là luật, và bà đã bị bắt”. Sau này Rosa nói: “Tôi chỉ biết một điều rằng lần bị bắt đó sẽ là lần cuối cùng tôi phải chịu tủi nhục như vậy trong đời”. Rosa bị kết tội vi phạm điều ba, chương sáu của Luật Jim Crow được thông qua bởi chính quyền thành phố Montgomery, mặc dù bà không hề ngồi vào chỗ dành cho người da trắng. E. D Nixon và Clifford Durr đã bảo lãnh bà ra khỏi trại giam vào buổi chiều ngày 1 tháng Mười Hai. Chiều hôm đó, Nixon đã bàn bạc rất kỹ với giáo sư Jo Ann Robinson về trường hợp của Rosa. Nixon cũng tới tham vấn vị chưởng lý người Mỹ gốc Phi Fred Gray. Họ nhất trí là sẽ tuyên chiến với bộ luật phân biệt chủng tộc này bằng cách sẽ kêu gọi phong trào tẩy chay hệ thống xe buýt. Nixon dành ra một buổi tối để trao đổi và thảo văn kiện gửi tới những nhà lãnh đạo da đen ở Montgomery, kêu gọi sự ủng hộ của họ.
Bốn ngày sau đó, Rosa Parks phải ra tòa vì hành vi gây rối trật tự công cộng và vi phạm quy định của địa phương. Phiên tòa kéo dài ba mươi phút. Rosa bị xử có tội và lãnh án phạt 10 đô-la cộng với 4 đô-la án phí. Rosa kháng án, đồng thời chính thức tuyên chiến với Luật Jim Crow. Năm 1992, trong một cuộc phỏng vấn, bà nhớ lại: “Tôi không chấp nhận bị ngược đãi. Tôi không cho phép họ lấy đi chỗ ngồi mình đã trả tiền. Vẫn còn những cơ hội để tôi đứng lên bày tỏ thái độ của mình trước sự bất công. Tôi không thể để mình bị bắt. Tôi có nhiều việc cần làm và cũng không muốn mình phải kết thúc trong tù. Khi đối mặt với quyết định của mình, tôi không hề do dự, bởi tôi cảm thấy mình đã phải chịu đựng quá lâu. Chúng ta càng nhượng bộ có nghĩa là chúng ta càng thỏa hiệp với cách đối xử phân biệt chủng tộc của những người da trắng”.
Ngày 5 tháng Mười Hai năm 1955, một nhóm khoảng mười tám người đã tụ tập ở nhà thờ Mt. Zion (nhà thờ dành cho người Mỹ gốc Phi) để thảo luận kế hoạch tẩy chay xe buýt. Nhóm đã thống nhất thành lập một tổ chức có tên là MIA(5) để dẫn dắt phong trào đấu tranh. Người đứng đầu tổ chức là một mục sư trẻ tuổi của nhà thờ Dexter Avenue, một người cho đến lúc đó vẫn ít người biết đến, đó là Martin Luther King, Jr.
(5) Montgomery Improvement Association: Tổ chức tiến bộ Alabama.
Cũng tối hôm đó, năm mươi người lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã tập trung lại để thảo luận về kế hoạch hành động nhằm phản đối việc bắt giữ Rosa Parks. Rosa là nguyên đơn lý tưởng cho vụ kiện chống lại luật phân biệt chủng tộc của liên bang và chính quyền thành phố. Mục sư Luther King tuyên bố: “Rosa Parks là một trong những công dân điển hình. Cô ấy không chỉ là một công dân da đen điển hình mà còn là một trong những công dân mẫu mực nhất của Montgomery”.
Thế là phong trào tẩy chay xe buýt để chống nạn phân biệt chủng tộc lớn nhất trong lịch sử đã bắt đầu. Đây là một phong trào có quy mô lớn, gây được sự chú ý của xã hội và tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Mỹ gốc Phi từng bước giành được quyền bình đẳng của mình. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy đây là cuộc đấu tranh vô cùng cam go và cho đến ngày nay, nạn phân biệt chủng tộc vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Những năm sau đó
Sau khi bị bắt, Rosa Parks đã trở thành biểu tượng của phong trào nhân quyền trên toàn nước Mỹ nhưng đồng thời, bà phải chịu nhiều vất vả và bất công hơn nữa. Rosa mất việc ở cửa hàng. Chồng bà cũng bỏ việc sau khi người chủ cấm ông nói bất cứ lời nào về vợ mình hay về vụ xét xử bà. Năm 1957, Raymond và Rosa Parks phải rời khỏi Montgomery đến sống ở thành phố Hampton, Virginia, không chỉ vì bà không kiếm được việc làm ở quê nhà Alabama mà còn nhận được vài lời hăm dọa. Ở Hampton, bà tìm được công việc phục vụ tại một khách sạn nhỏ. Những năm sau đó, Rosa cùng chồng và mẹ của bà chuyển đến sống ở Detroit, bang Michigan. Tới năm 1964, cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc của bà và Luther King xem như thắng lợi hoàn toàn khi Luật Dân quyền năm 1964 (Civil Rights Act of 1964) và Luật về Quyền Bầu cử năm 1965 (Voting Rights Act of 1965) bãi bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc.
Năm 1965, Rosa được nghị sĩ đảng Dân chủ John Conyers nhận vào làm thư ký và lễ tân cho văn phòng của ông ở thành phố Detroit. Bà làm công việc này cho đến năm 1988 thì về hưu. Nghị sĩ Conyers đã nhận xét về Rosa Parks như sau: “Bạn luôn phải tôn trọng Rosa Parks, vì bà ấy vô cùng bình dị và trong sáng, một con người thật đặc biệt… Trên đời này sẽ chỉ có duy nhất một Rosa Parks như vậy mà thôi”.
Rosa đã cho xuất bản hai quyển sách: một quyển là tự truyện, có tựa là My Story (tạm dịch: Chuyện đời tôi) và quyển thứ hai là hồi ký Quiet Strength (tạm dịch: Sức mạnh thầm lặng).
Rosa Parks qua đời ở tuổi chín mươi hai vào ngày 24 tháng Mười năm 2005 tại thành phố Detroit. Trong những ngày đó, chính quyền hai thành phố Montgomery và Detroit ra thông báo rằng tất cả các chỗ ngồi trên xe buýt trong thành phố sẽ được quấn băng đen để tưởng nhớ bà.
Rosa Parks đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý vì những đóng góp không mệt mỏi của mình cho phong trào nhân quyền, cũng như những nỗ lực của bà nhằm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ và trên thế giới. Bà được Quốc hội Mỹ tặng danh hiệu “Người khai sinh phong trào dân quyền hiện đại”.