Miền Nam được hoàn toàn giải phóng Một ngày rạng rỡ. Có rất nhiều cờ hoa mừng đón ngày non sông về một mối. Ngày sung sướng nhất của làng, của nước. Ngày sung sướng nhất của mỗi con người mà cuộc đời của họ gắn liền cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất giang sơn.
Nhiều cuộc sum họp cảm động.
Nhiều cuộc qua lại thăm hỏi, chúc tụng nhau. Không khí tươi vui phấn khởi là vẻ đẹp của toàn dân tộc trong những ngày Tổ quốc thống nhất.
Mẹ con bà Mơ không ở trong không khí hoành tráng ấy. Họ ngơ ngác, bơ vơ, lạc lõng.
Khi nghe đài rộn rã hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hai mẹ con bà Mơ chỉ biết ôm nhau khóc.
Những giọt lệ đau đớn, tủi hờn. Bà Mơ già hơn tuổi rất nhiều. Mái tóc bà xơ ra, sợi sợi thưa thớt.
Sau ngày chiến thắng không đêm nào là đêm bà ngủ được ngon giấc. Nhiều hôm chỉ chợp mắt được một tí gà đã gáy sáng.
Tội nhất là Nhẫn. Tuổi đã ngót ba mươi mà chẳng có nổi một tấm chồng. Một lần đầu yêu vội cũng là một lần đổ vỡ đớn đau. Một lần yêu mến tiếp muốn gửi gắm cả đời thì người ta chỉ coi như em gái. Cái cây đến tuổi mà chẳng hoa, chẳng quả. Đời con sao mà oan trái. Đáng ra cái này bố phải chịu, mẹ phải chịu!
Bà Mơ thổn thức:
- Nhẫn ơi…
Nhẫn ôm chặt lấy tấm thân gầy của mẹ:
- Sao mẹ lại khóc?
Bà Mơ rưng rưng nước mắt hỏi con:
- Khổ thân con tôi quá!
Biết tấm lòng mẹ, Nhẫn an ủi bà:
Con thương mẹ mà…
Con không trách bố mẹ ư ?
Nhẫn thở dài. Hơi thở đã có vẻ già nua:
Số phận thôi mẹ ạ! Nghĩ nhiều cũng vậy. Lo nhiều càng thấy lo hơn. Càng ngày con càng thấy thấm thía!
Có tiếng người đông đúc, ồn ã. Rồi tiếng thùng thùng vang lên. Đấy là tiếng trống ếch rền rền ngoài ngõ. Rồi tiếng hô khẩu hiệu chào mừng ngày đại thắng. Tiếng người reo hò, ca hát. Không thể không bộc lộ cảm xúc của mình trong ngày hạnh phúc vĩ đại này của toàn đất nước. Đây là niềm tự hào lớn lao của mỗi con người!
Với mẹ con bà Mơ, họ như đang ngoài cuộc!
Người mẹ dấm dứt cõi lòng mình nói với con gái:
Ông ấy làm khổ vợ khổ con. Mẹ thương con quá Nhẫn ơi! Đầu còn xanh tuổi còn trẻ mà phải gánh vác chuyện người lớn thế này tội cho con tôi biết bao nhiêu. Mẹ xin tạ tội với con. Mẹ không bao giờ nghĩ mình là vợ một tên phản bội. Lại còn thằng Hùng nữa. Nó tốt là vậy mà sao? Cũng vì cái kẻ phản bội kia mà các con không được nên vợ nên chồng…
Nhẫn vẻ sốt ruột:
Anh ấy đã đi B được gần hai năm rồi. May mà không dính líu tới con đấy. Giờ thì không biết còn hay đã hy sinh rồi. Anh ấy là người tốt lắm con không làm sao có thể quên được!
Cũng phải quên thôi. Mình đến với người ta mà làm khổ cho người ta thì đến làm gì. Giờ đất nước thống nhất rồi may ra chuyện kia sẽ đỡ nặng nề hơn. Mẹ cũng đã cao tuổi. Mẹ chỉ mong cho con gái mẹ có yên ấm được một tấm chồng! Nhiều lúc mẹ cứ nghĩ dại. Giá có ai góa vợ mà đem lòng thương, con lấy lại cũng được. Cũng có ông ở làng bên hơi cao tuổi hơn con, vợ mất mấy năm rồi, có nhờ người đánh tiếng với mẹ, mẹ lưỡng lự mãi hôm nay mới dám nói với con!
Mẹ bảo sao?
Cái ông ấy ấy… -…
Mẹ chầm chậm lời;
Cũng ngoài bốn mươi. Hơi cao niên một tí nhưng… Nhẫn nhíu mày:
Mẹ?
Con tính thế nào?
Đã đến lúc người mẹ cuống lên vì duyên số của con mình. Bà Mơ như người mai mối khi mách Nhẫn đám nọ đám kia cho con chọn để mong nên duyên nên phận. Nhẫn biết nỗi lo ấy của mẹ. Nhưng vẫn bình thản thưa:
Con ở với mẹ thôi! Mẹ mắng yêu con:
Ở mãi để thành bà cô à…? Nhẫn giả nũng nịu:
Con còn trẻ mà.
Trong Nhẫn vẫn le lói một hy vọng.
Bà Mơ cười như mếu:
Bằng tuổi con có người đã...
Nhẫn ứa nước mắt:
Mẹ !?
Nhẫn luôn luôn tìm cách chối khéo những gợi ý của mẹ. Thâm tâm cô đã chọn rồi, đã có rồi. Mẹ biết nhưng mẹ lo khi người ấy vẫn biền biệt. Còn Nhẫn cô mong. Đinh ninh trong dạ một nỗi chờ. Người ra trận sẽ trở về. Cô tin như thế. Tin hơn là từ những ân cảm của anh với Nhẫn khi ở nông trường. Tuy không thật rành rẽ về tình trai gái hay tình anh em nhưng cô vẫn thầm mong có lúc nào đấy anh ấy sẽ nói.
Còn bà Mơ, bà thiết thực hơn, nóng ruột hơn. Lẽ đời là vậy. Ai cũng mong cho con khi đến tuổi có được một mái ấm, một gia đình. Với Nhẫn và Hùng bà chỉ biết qua qua vì con không nói hết. Mẹ không biết nguồn hy vọng sâu xa ấy ở con gái nên luôn sốt ruột nói lời thúc giục:
Không. Con phải có một cuộc sống riêng. Con rất cần đến một gia đình. Mẹ càng cần điều đó ở con hơn. Hay là, mẹ nhận lời cho người ta đến đánh tiếng con nhá…
Nhẫn giật mình:
Không không!
Những đứa cùng tuổi con ở làng…
Nhẫn nói ngay:
Con biết rồi mà mẹ. Nhưng hoàn cảnh mình nó khác!
Mẹ bảo phải nghe! Làng này con gái ngoài hai mươi là gái già rồi đấy Nhẫn ạ! Nay người ta quý mình, muốn tìm đến mình. Lại bất chấp hoàn cảnh…
Dạ. Con biết thế mà! Nhưng con xin mẹ cho con khất một ít thời gian nữa! Chỉ nay mai thôi…
Nay mai là bao lâu. Cái nay mai của đời người nhiều khi nó dằng dặc như không bến đỗ. Ngẫm đời mình bà Mơ biết. Giờ nỗi khổ của kiếp người ấy mẹ không muốn đồng lần đến con. Bà có lối nghĩ của bà. Chỉ mong cho nó hợp tình hợp cảnh.
Với Nhẫn lại khác.
Mẹ đâu biết hết được lòng mong mỏi tốt đẹp của con.
Nhẫn tha thiết níu vai mẹ:
- Xin mẹ thương con. Nay mai thôi…
Bà Mơ chỉ biết lắc đầu nhìn con. Mắt bà ứa lệ. Người mẹ chỉ biết khóc giờ lại khóc…
Một ngày sau đại thắng ít lâu…
Làng Đoài Thông có sự lớn, việc trọng.
Ngay từ sáng sớm mọi người đã rộn rã chuẩn bị. Cổng chào tết lá dừa được dựng lên. Thiếu nhi cổ quàng khăn đỏ được huy động ra sân đình tập trung từ lúc sáng sớm. Khẩu hiệu được chăng ngang đường ngõ, chữ vàng nền đỏ: Nhiệt liệt chào mừng những người con của quê hương chiến thắng trở về!
Tiếng nhạc lễ réo rắt những âm thanh của nhị của sáo…
Tiếng chiêng trống bình boong, thùng thùng… Đoàn người cổ động tưng bừng đi qua ngoài ngõ nơi có ngôi nhà của gia đình kẻ phản động. Mẹ con bà Mơ e ngại trước đoàn người, đứng nép nơi cánh cổng nhìn ra. Đoàn người đi cổ động nhìn mẹ con bà Mơ với con mắt ghẻ lạnh, lướt nhanh. Có người còn giơ nắm đấm vẻ doạ nạt xua đuổi. Mẹ con bà Mơ sợ quá đứng lùi lại rồi lẩn vào nhà.
Cũng trên con ngõ rền vang nhiều lời hô khẩu hiệu ấy…
Có một ông mặc áo đại cán đã bạc màu, một anh trong quân phục Quân Giải phóng xuất hiện ở lối vào Đoài Thông. Họ đến sau và cách đoàn người cổ động mừng chiến thắng một quãng dài. Họ nhìn ngắm, hỏi thăm rồi hối hả bước về phía nhà mẹ con bà Mơ. Họ nối tiếng nhau rối rít gọi vào nhà…
Nhẫn ơi!...
Nhẫn ơi…
Có người làng đi qua nói to:
Sợ quá chạy tụt vào trong nhà rồi!
Chị Mơ ơi chị Mơ, tôi đây mà!
Vẫn im ắng không một tiếng trả lời từ trong nhà. Người mặc áo đại cán đẩy cửa bước vào nhà. Theo sau ông là anh bộ đội với quân phục Giải phóng…
Không có ai ở nhà à?
Báo cáo Thủ trưởng. Hàng rào có một chỗ hổng. Chắc là vừa bị xé. Con đoán…
Bác hiểu rồi!
Hai người vội quay ra đường. Một người làng đi qua mách:
Mẹ con nhà ấy vừa dắt nhau đi về phía ngoài kia rồi. Hình như chỗ ruộng rau muống ấy. Từ tận lúc nãy kia. Đi cứ như chạy, cả hai mẹ con…
Anh bộ đội mặc quân phục Giải phóng sốt ruột:
Ta đi tiếp thôi thủ trưởng. Con đoán, nếu có đi xa lắm chắc cũng vừa ra khỏi cổng làng thôi.
Người mặc áo đại cán:
Không gặp được mẹ con bà ấy hôm nay bác ân hận lắm. Tính bà Mơ bác biết. Với không khí chiến thắng như thế này làm sao mà bà ấy chịu được. Không khéo hai mẹ con rủ nhau bỏ làng đi mất. Họ đâu có được yên trong những ngày có chiến tranh. Mất mát lớn quá con ạ. Ngoài sức tưởng tượng. Cả cái cháu Nhẫn nữa. Sau lúc anh đi B, giặc đánh phá ác liệt miền Bắc, nông trường người ta đã cho về vì chuyện có vấn đề trong lý lịch đấy cho dù con bé chỉ làm công nhân!
Bác ơi ta đi ngay thôi may còn kịp…! Giờ đoàn tụ cũng sắp đến rồi mà!
Hai người bước gấp.
Cũng lúc ấy hai mẹ con bà Mơ vừa đang bước vội bên nhau trên lối nhỏ cạnh đầm nước và vườn cây ăn quả do các cụ đoàn thể phụ lão trong thôn trồng. Gia đình có mẩu đất trâu đằm trồng rau muống ở cạnh đấy. Hai mẹ con vội vã nhìn trước nhìn sau rồi mới lội xuống làm cỏ rau. Từ xa xa thỉnh thoảng họ hướng mắt dõi về phía nhà mình…
Mẹ sợ quá. Cả ông bốn túi như công an ấy lẫn với anh mặc áo bộ đội hình như đang vào nhà ta đấy?
Hay là…
Con bảo sao…
Vô lý. Hòa bình rồi. Chả nhẽ vẫn chưa được yên! Bà Mơ ngao ngán:
Có khi vẫn còn chuyện liên quan. Cơ sự này mẹ con mình phải bỏ làng đi thôi con ạ. Mẹ xấu hổ lắm. Lên chỗ cậu Chung rồi theo mọi người vỡ đất khai hoang trong núi là tốt nhất. Mẹ chẳng còn mặt mũi nào mà ở làng nhìn mọi người nữa. Lên đấy chỉ có mấy gia đình bên ngoại may ra…
Thế nhỡ người ta biết chuyện, người ta…
Lúc ấy mẹ con mình chỉ còn mỗi cách đưa nhau ra trầm mình dưới suối cho ông ấy mát mặt. Mà bây giờ đất nước đã toàn thắng rồi mẹ nghĩ chắc chả ai còn căm thù, ghét bỏ mình ghê gớm như trước đây có chiến tranh nữa!
Nhẫn chau mày vẻ nghi hoặc:
Mẹ? Nhưng sao lại có cả công an lẫn bộ đội đến nhà mình. Giá lúc ấy mẹ con mình đừng vội xé rào bỏ chạy mà đứng lại hỏi cho rõ thực hư có phải hay hơn không?
Bà Mơ lảng sang chuyện khác:
Không biết giờ sống chết ra sao?
Mẹ bảo ai?
Còn ai vào đây nữa. Cái người đẻ ra cô ấy! Mấy chục năm rồi…? Con không biết đâu. Đến đúng cái ngày ông ấy bỏ nhà ra đi hàng năm ấy mẹ vẫn thầm giấu con thắp hương làm giỗ sống đấy!
Mẹ? Mẹ có thôi đi không? Con xin mẹ…
Mẹ thôi…! Mẹ thôi mà…
Nhẫn ngửa mặt nhìn trời, thốt lên:
Trời ơi! Thà không có còn hơn. Có mà mẹ con tôi phải chịu khổ thế này thì có làm gì? Đến giờ mà người ấy vẫn làm khổ mẹ con tôi, trời ơi là trời?
Khuôn mặt mẹ con Nhẫn căng thẳng, day dứt. Tay họ quờ quờ rối rít lên đám rau sắp được hái…
Ông áo bốn túi và anh bộ đội đã dò thăm được tung tích hai người. Họ đi lại phía mẹ con bà Mơ đang lúi húi làm cỏ rau:
Bà Mơ! -…
Bà Mơ ơi, chúng tôi đây mà…!
Con chào cô.
Nhẫn ơi, bác Chất đây…!
Nhẫn ơi, anh Hùng đây mà!
-…
Anh đã về với Nhẫn đây! Sao em nhìn anh như thế? Không muốn nhận lại anh nữa à?
Nhẫn thốt lên với mình:
- Tôi mơ hay tôi tỉnh thế này?
Bà Mơ chợt nhận ra và chợt hiểu:
Ông còn tìm mẹ con tôi làm gì? Ông Chất lội ào xuống ruộng muống:
Phải tìm chứ! Không tìm được bà và cháu lúc này là bác cháu chúng tôi có tội lớn!
Bà Mơ oà khóc:
Người ta thì rạng rỡ tự hào còn mẹ con tôi…! Bác Chất ơi…
Ông Chất cũng oà khóc:
Chị cũng thế mà chị Mơ ơi…! Giờ thì không phải nói dối chị nữa rồi…
Ông nói thế là làm sao?
…
Họ cùng nhau đi vội về làng. Trước cổng nhà bà Mơ đã có một người đàn ông đeo ba lô, đội mũ cối đang đứng. Ông Chất mặt rạng rỡ nói to:
Đúng hẹn quá! Bà và cháu nhìn xem… ai đang đứng kia kìa…
Ông Khương trong bộ đồ lính đã bạc màu lặng lẽ chờ. Ông im lặng giữa mọi người, nhìn mọi người.
Bà Mơ sững người, ngất lịm trên tay Hùng. Nhẫn níu chặt lấy tay bác Chất. Tất cả như đóng khung, tĩnh lặng.
Không gian vang lên tiếng trống rước từ phía xa.
Rầm rầm lời hô khẩu hiệu:
Nhiệt liệt hoan nghênh những người con của quê hương đã chiến thắng trở về.
Nhiệt liệt! Nhiệt liệt! Nhiệt liệt…
Người đi làm nhiệm vụ thầm lặng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Mọi chuyện đã rõ…
Những giọt nước mắt của mẹ con bà Mơ thật chẳng phí hoài chút nào khi mà sau hơn ba mươi năm ông Khương từ hang ổ giặc chiến thắng trở về. Quây quanh họ lúc này là chính quyền, bà con làng xã những người đã từng một thời vô tình ghẻ lạnh, hắt hủi, nghi kỵ, canh gác, dò xét họ. Cả nhóm thợ làm nhà cho bà Mơ ngày nào nữa họ cũng là quân của ông Chất. Rồi ông bán kem năm nào đã lái xe tháp tùng cấp trên từ thành phố về mang theo một bọc to thuốc bắc nói lời tạ lỗi với bà Mơ.
Cấp trên tuổi cao, tóc bạc trắng. Ông đưa gói thuốc cho Nhẫn:
Nhẫn nhớ sắc đều cho mẹ uống.
Cháu xin bác!
Bà Mơ lắc đầu:
Tôi giờ thì cần gì phải thuốc nữa. Chỉ thương hai cụ…
Ông Khương bỗng nấc lên ôm mặt khóc. Người chiến sĩ trong thầm lặng dạn dày giờ như muốn khuỵu xuống. Nước mắt chịu đựng trong những ngày chia xa ấy đã kết thành trai ngọc thuở non sông sạch bóng quân thù, Bắc Nam liền một dải giờ đã được nức lên khi mình được trở lại là mình.
Đứa con từng mang tiếng “bất hiếu” giờ mang điều có hiếu trở về phụng thờ cha mẹ!
Người già nhất trong mọi người lúc ấy, người biếu thuốc bắc cho bố mẹ ông Khương ngày nào giờ lại mang thuốc về biếu bà Mơ khẽ vuốt mái tóc bạc của mình chầm chậm nói:
Chị có thông cảm cho chúng tôi không?!…
Thưa bác…!
Thưa chị!...
Tôi hiểu rồi, đã hiểu hết lẽ rồi ạ…
Ông tóc bạc nắm chặt lấy tay ông Khương nói:
Sao cứ đứng ngẩn ra thế. Nào xin mời đồng chí ra gần đây cho mọi người được nhận lại người đã hơn ba mươi năm tung hoành trong sào huyệt giặc và chiến thắng trở về nào! Mà thôi…! Cứ khóc nữa đi đồng đội thân yêu của tôi ạ. Nước mắt sẽ cứu rỗi những dằn vặt, ai oán, trớ trêu trong hoàn cảnh của chúng ta. Chị Mơ ơi, tất cả anh em chúng tôi, cả những đồng chí, đồng bào ở làng mình nữa xin được tạ lỗi trước vong linh hai cụ, trước chị và cháu, xin biết ơn tất cả những gì gia đình ta đã phải chịu đựng!
Ông Khương bỏ mũ ra đưa Hùng cầm.
Mái tóc ông cũng đã chớm bạc, khuôn mặt có già đi trong cái nhìn chan chứa của bà Mơ:
Trời!...Không…! Không… Bà Mơ nhào đến bên chồng… Nhẫn nhào theo mẹ…
Họ ôm chầm lấy nhau trong líu rít tiếng gọi bố, gọi mình…
Mình ơi. Tôi đã về thật với mình và con rồi. Vì tôi mà gia đình mình phải khổ? Biết nói làm sao đây Mơ ơi, Nhẫn ơi…
Có thật là mình không?
Kính mong cha mẹ tha lỗi cho con. Xin Mơ tha lỗi cho tôi! Con gái ơi bố có lỗi với con.
Không mà bố ơi! Lỗi kia là tại chiến tranh, tại quân cướp nước…
Chúng ta không có lỗi mà anh!
Người cao tuổi có mái tóc bạc trịnh trọng nói:
Cảm ơn làng xóm, cám ơn anh Chất, cám ơn cháu Hùng, cám ơn anh em ở Trung tâm nhiều…! Tôi và các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ với Lực lượng, với Tổ quốc. Người mà chúng ta phải biết ơn là chị Mơ với cháu Nhẫn đây này. Chiến công của chúng ta là ngoài sức tưởng tượng của kẻ thù. Còn sự chịu đựng của chị và cháu đây, cả những người như chị và cháu nữa là ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Họ vĩ đại trong im lặng. Cả trong đau đớn, oan ức nữa. Những chuyện chưa được chép trong chính sử. Họ là những trầm tích thầm lặng của dân tộc trong những ngày khói lửa chiến đấu đánh giặc cứu nước. Âm vang vô cùng và cũng nghiệt ngã vô cùng!
Người cao tuổi có mái tóc bạc trao hoa cho bà Mơ, trao huân chương cho ông Khương:
Huân chương của chồng cũng là công của vợ. Còn bó hoa này là của Lực lượng dành riêng tặng chị!
Bà Mơ ôm bó hoa lúng túng nhìn con, nhìn chồng, nhìn mọi người và muốn đưa lại cho người tặng.
Bà nói trong nước mắt:
Tôi không dám nhận gì cả đâu thủ trưởng ạ! Chỉ xin nhận lại nhà tôi thôi. Được nhìn thấy anh ấy trọn vẹn trở về thế này là niềm vui lớn nhất rồi!
Chị Mơ ơi, xin chị…
Người được tặng hoa đưa hẳn bó hoa vào tay người trao tặng:
Thủ trưởng cho tôi xin mạn phép… Giọng người trao hoa nghẹn ngào:
Chị ơi, chị là người làm ra hoa mà… -…
Người làm ra hoa rụt rè trước hoa. Thơm thảo làm sao…! Người trao trả hoa phải nhận lại hoa. Mọi người rưng rưng nhìn bà Mơ lúng túng ôm hoa. Hình như đó là lần đầu trong đời mình bà được trao tặng món quà thơm thảo ấy. Họ nghe bà Mơ nghẹn ngào nói câu tình nghĩa lại như đã nghe trong thăm thẳm tận đâu đó từ nguồn cội quê hương của lòng nhân ái dân tộc nhiều đời nhân lên, truyền lại. Đó là tình chồng vợ, nghĩa nước non. Vẻ đẹp ấy được làm nên từ mồ hôi, nước mắt và máu nữa của người trong cuộc. Với gia đình bà Mơ và những người có cảnh ngộ như gia đình bà nó còn là một phẩm hạnh đặc biệt của nỗi đau. Trong nghi ngờ, tuyệt vọng và côi cút của hờn căm, ghẻ lạnh với bao nhiêu quy chụp bà vẫn lặng im như nước, mềm mại như cỏ trong một hình thể ngỡ như hóa đá vẻ ngoài mà âm thầm sống mãnh liệt nơi lồng ngực mình một nhịp đập tim người…
Người trao huân chương, trao hoa nhìn bà Mơ, như người thân với người thân ông nói câu gan ruột:
- Mừng nhất là anh đã trọn vẹn trở về như lời chị nói! Bà Mơ khẽ gật đầu nép sát vào người chồng. Ông Khương bất chợt thảng thốt, lạng người đi rồi đứng thẳng dần lại. Mọi người nhìn thấy bàn tay ông run run cầm tay bà ấp vào tấm huân chương đang gắn trên ngực mình mà ứa nước mắt…
Ngày đầu tiên được ở bên vợ, bên con ông Khương như quen, như lạ với cả chính mình. Ông đứng, ông ngồi, ông đi lại lắm lúc như thiếu như thừa. Vợ bảo chồng:
Ông cứ nghỉ ngơi đi, việc nhà đã có tôi và con lo. Đi xa về ngả lưng tí cho giãn xương giãn cốt.
Tôi là lính mà mình…
Bà cười vui:
Lính thì lính nhưng là… lính già… Ông nói vui theo:
Đã được nghỉ đâu… vẫn mà…
Câu nói của chồng như trẻ lại đến vài chục năm. Người vợ cũng như tìm lại được vẻ mình của ngần ấy thời gian trước đó.
Có nồi nước hương nhu lá bưởi tôi nấu sẵn rồi giờ mình đi tắm đi…! Còn nhớ mùi nước xông ở quê không?
Ông Khương nghẹn ngào:
Nhớ chứ. Mấy chục năm rồi giờ mới được tắm nước lá thơm của vợ. Cảm ơn mình…
Mình đừng khách khí với vợ với con. Ai lại đi cảm ơn tôi…
Ông Khương nhìn vợ rồi khẽ cúi đầu. Ông không dám nhìn bà…
- Kìa ông…
Ông nhìn vợ thấy ra việc phải làm, vội đưa tay ra nhận bộ quần áo sạch, chiếc khăn bông mới bà chuẩn bị cho.
Nhẫn ý tứ dọn chiếc chõng tre ở gian nhà ngoài để ngủ nhường căn buồng mà trước đây hai mẹ con vẫn nằm bên nhau.
Ông Khương ngượng ngượng:
Nhẫn này… bố… Nhẫn tủm tỉm cười:
Bố ơi… Mẹ còn có bao nhiêu chuyện muốn nói với bố đấy.
!!!...
Bà Mơ khẽ ửng mặt, cười thầm…
Đêm ấy…
Đêm của đời làm vợ bà Mơ được nằm trọn vẹn bên chồng, được ở hẳn trong hơi ấm của niềm trai gái hơn nhiều chục năm trước khi còn khói lửa, bom đạn cho dù đã không còn tuổi trẻ.
Tình yêu đâu có chịu già khi người biết yêu nhau, thương nhau, tin nhau, trọn vẹn tình chung thủy với nhau.
P. Q