Một vùng núi non hoang vắng, cây cối rậm rạp. Con đường lâm nghiệp đỏ au, ngoằn ngoèo, lồi lõm sống trâu, miên man miên man rồi mất dạng giữa đại ngàn. Đường xác xơ đất và thật vắng. Thỉnh thoảng có con thú hoang nào đó vụt chạy qua đường rồi lại âm âm trong bóng cây, bóng núi. Trập trùng những rậm rạp của rừng cùng gồ gãy, gập ghềnh của núi…
May mà có hai người đang đi khiến lối rừng đỡ hiu hắt nguội lạnh! Họ không song hàng mà là kẻ trước người sau bằng một khoảng cách đủ cho họ, nhất là người đi sau thấy rõ người đi trước. Họ là hai kẻ khác giới đang đi trên một con đường.
Nhẫn ăn mặc bộ quần áo quê mùa, dáng mệt nhọc bước chậm đi trước. Theo sau cô là một người đàn ông vai ba lô, đầu mũ lá. Mới đầu họ cách nhau khá xa sau cứ gần dần…
- Cô gì ơi!
Anh gọi tôi?
Lúc này bên tôi chỉ có rừng núi và cô! Cô là cô Nhẫn phải không? Còn tôi tên là Hùng!
Nhẫn có vẻ khó chịu:
Sao anh lại biết tên tôi? Mà tôi có phải tên là thế đâu? Anh nhầm đấy.
Người thanh niên thành thật:
Cô đừng giấu tôi nữa. Tôi xin lỗi vì đã nhìn trộm tên lúc ở bến xe cô đưa giấy thông hành mua vé ô tô lên Sơn Thượng mà!
Lạ thật!
Người thanh niên cười:
Bình thường thôi mà Nhẫn! Ra vẻ khó hiểu, Nhẫn nói:
Tôi chưa bao giờ quen ai nhanh thế này!
Cô cười tôi phải không?
Nhẫn lúng túng:
Dạ không, nhưng…
Sợ chứ gì!
Có cái gì gần đúng như thế! Người thanh niên nhẩn nha:
Trông cô như người có hoàn cảnh?
Anh…
Nhìn mắt cô tôi biết. Bướng bỉnh, gân guốc và đau đớn? -…!?
-…?!
Nhẫn thốt lên:
- Trời, sao thế này!
Người thanh niên cười vui:
Thôi không nói chuyện linh tinh nữa!
Anh…
Tôi có tên mà. Tôi là Hùng, giới thiệu lúc nãy rồi, Nhẫn cứ gọi đi đừng ngại!
Anh chắc cũng có việc gì nên mới lên đây?
Đúng vậy. Tôi đi tìm việc làm. Nghe nói trên Sơn Thượng này nông trường đang tuyển người. Hình như Nhẫn cũng…
Người con trai vẻ thăm dò. Đôi mắt anh là đôi vẻ sáng ánh, tin cậy. Lời anh nói có gì hơi ngần ngừ nhưng âm sắc rành rẽ. Nhẫn phỏng đoán vậy và cũng muốn thổ lộ:
Anh đoán đúng đấy. Em lúc này cũng rất cần có việc làm. Nghe mách trên Sơn Thượng cần người nên cũng liều đi!
Người thanh niên tự nhiên hơn:
Ta giống nhau! Nếu Nhẫn bớt sợ rồi thì cho tôi đi cùng có được không? Từ đây đến chỗ nông trường bộ cũng còn xa. Mình cùng đi trên một con đường biết đâu lại hiểu nhau hơn…
Nhẫn cũng tự nhiên dần bằng cách gọi hẳn tên người mới gặp:
Anh Hùng nói gì mà ghê vậy! Biết đâu khi biết chuyện về Nhẫn anh lại sợ hơn!
Người thanh niên có tên là Hùng nhoẻn cười:
Người như thế này thì có gì đáng sợ. Nào Nhẫn đưa túi đây tôi xách cho. Mình đi nhanh lên không trời tối mất! Đường càng chiều càng vắng. Miền núi này không đông đúc như dưới xuôi mình đâu. Đưa túi đây tôi xách giùm cho đừng ngại.
Cảm ơn anh! Có gì mà ngại đâu ạ!
Nhẫn đưa túi cho Hùng. Anh nhấc lên, nói ngay:
Túi gì mà nhẹ thế này?
Cả gia tài nhà em đấy!
Túi đồ của tôi cũng chả có gì nặng hơn. Cùng cảnh mà. Rồi Nhẫn sẽ hiểu. Mình đi thôi.
Hùng nhìn Nhẫn âu yếm, thương cảm!
Trong đầu Hùng lúc ấy vang lên lời của ai đó…
Cháu Hùng này!
Bác cứ gọi con là con!
Ta muốn lắm chứ.
Xin bác cứ dạy! Việc gì con cũng sẵn sàng.
Nhưng đây là việc của ta, của riêng chúng ta. Việc chẳng dễ nói nhưng không thể không làm! Việc này chỉ con và ta biết thôi nhé. Đây là việc riêng, luôn nhớ như thế. Với bác đó là một món nợ. Nợ tình nợ nghĩa. Trả cả đời cũng không hết được đâu con ạ!
Con hiểu! Trong việc riêng này có cả nỗi chung nữa. Con biết việc mình phải làm. Xin bác cứ yên tâm.
Con đi đi! Gian khổ lắm đấy khi mà sống trên đất mình mà mình không được là mình. Dù thế nào cũng không được làm người mà ta muốn quan tâm phải khổ con nhé! Bác chịu nhiều ân nghĩa của gia đình ấy lắm!
Xin tuân lệnh!
Tếu nào. Đây có phải là trận đánh đâu. Con đi đi cho kịp. Nhớ lo mọi chuyện chu đáo cho bác. Cái gánh mà mẹ con bà ấy đang gánh nặng quá. Bác muốn ghé vai gánh giúp nhưng không được phép. Việc này chỉ cháu giả trang là hợp. Xin nhắc lại: Chuyện này chỉ có ta và con biết thôi. Lộ ra là cả hai bác cháu mình bị kỷ luật nặng đấy. Bác là bác liều. Nhưng bác nghĩ là nghiệp vụ cho phép nếu mình biết tế nhị ứng xử và giữ kín.
Giờ có khi người mà ta quan tâm sắp tới bến xe rồi đấy!
Xin bác tin con. Con đi…!
Thấy mặt người đồng hành ngẩn ra Nhẫn vội hỏi:
Anh Hùng sao mà ngẩn người ra thế? Hùng lúng túng:
Không!
Còn dối em nữa?
Thật mà! Tôi dối Nhẫn tôi chết! Nhẫn nhìn chăm chắm vào Hùng:
Nhìn đôi mắt anh kìa?
Mắt tôi làm sao?
Nhớ ai phải không? Sao không rủ người ấy đi cùng? Không dối em được đâu!
Hùng ấp úng:
Tôi đang chỉ có một mình. Mỗi mình thôi. Cũng có hoàn cảnh của nó đấy. Lúc nào tôi sẽ kể cho Nhẫn nghe. Cuộc sống cũng éo le lắm. Nhẫn có tin không?
-…
Nhẫn không tin à?
Em cũng không biết nữa.
Nhưng tôi là Hùng mà. Tôi là tôi đây chứ có phải là ai khác đâu mà Nhẫn ngại?
Em không biết thật mà!
Cảnh giác thế. Cũng có thể! Mới biết nhau mà. Mình xin lỗi. Thời gian còn nhiều. Biết đâu mình lại được làm cùng một đội sản xuất với nhau. Rồi Nhẫn sẽ hiểu!
Ta đi nhanh thôi anh!
Nhẫn không giận về sự vội vàng của tôi chứ?
Anh đừng nặng lòng về điều này. Chuyện bình thường ý mà…
Nhẫn trìu mến nhìn Hùng. Sự gần gũi có dần theo bước chân họ buổi đầu trên con đường cùng về Sơn Thượng!
Nhẫn đã có cảm tình hơn với Hùng nhưng cô vẫn nghi nghi.
“Tự nhiên lại có chuyện này. Vô tình hay là duyên cớ. Sao anh ta lại xuất hiện như là có sự xúi bẩy, sắp đặt. Rất có thể người ta cử người này đi theo dõi mình. Sợ quá. Cái con bé Nhẫn này có làm gì sai trái đâu mà phải theo dõi chứ. Đã bỏ chạy rồi mà vẫn có người đuổi theo. Cha ơi, cha ở đâu mà để mẹ con con phải khổ thế này? Cái con người này lành hay dữ? Người muốn gì mà sao nụ cười của người, ánh mắt của người lại hiền hậu đến vậy?”
Giờ đến lượt Nhẫn nhé?
Sao ạ?
Nhớ ai phải không?
Anh chỉ giỏi đoán mò!
Nhìn đôi mắt của Nhẫn tôi biết!
Không làm thầy bói với em được đâu!
Không phải thế à?
Sống lâu cùng nông trường rồi anh Hùng sẽ hiểu. Em như cây mọc giữa ngày chả có gì mà anh Hùng phải băn khoăn, khó biết!
Hùng nhíu mày:
Kìa Nhẫn. Sao Nhẫn lại nói thế?
Mất lòng trước được lòng sau anh ạ! Đâu phải tự dưng…
Xin lỗi, nếu tôi nói điều gì chưa phải.
Ôi chết, sao anh lại nói thế…
Mà thôi. Ta đi đi. Chiều muộn rồi. Không khéo chưa đến nơi đã tối. Thời gian còn dài mà Nhẫn ạ! Xin Nhẫn tin tôi…
Hùng nắm chặt tay Nhẫn. Nhẫn ngơ ngác nhìn Hùng:
Xin Nhẫn tin tôi…
Trước sau Hùng chỉ một câu nói ấy với Nhẫn.
Thời gian như liều thuốc thử.
Nông trường thành ngôi nhà của Nhẫn và Hùng. Giữa chốn heo hút ấy họ có nhau. Lòng chân thành với nhau đã vượt lên trên số phận. Nhẫn kính trọng và thầm yêu Hùng. Trước sau Hùng chỉ mới dám coi Nhẫn như đứa em gái. Hùng chỉ dám vậy. Thời gian chưa cho phép anh đi quá điều mà người bác đã dặn. Đúng ra là anh không được gợi ý về chuyện này. Anh là người có trách nhiệm đỡ đần và che chở cho Nhẫn kết hợp cùng một số nhiệm vụ khác…
Đội trưởng đội sản xuất bảo anh lái máy kéo tên Hùng rằng chúng mày quen nhau lâu thế sao không cưới quách đi cho yên cửa yên nhà, hay là ngại cô ta có lý lịch. Có sao đâu phải sợ. Đã lên đây làm nghề trồng cây, vỡ đất ảnh hưởng đến ai đâu. Nghề lao động chân tay, cơ bắp mà. Yêu thì rủ nhau đăng ký rồi cưới quách đi, chúng tớ dựng rạp cho. Hùng chỉ cười. Nhẫn biết chuyện này, lòng thầm mong…
Chuyện đổ vỡ với Ngươn, uất quá cô cầm cành củi đánh Ngươn rồi sợ bỏ trốn. Không lâu sau, được nhắn tin lành, Nhẫn đã về nhà với mẹ rồi cùng mẹ ra ủy ban viết kiểm điểm nhận lỗi trước nhà chức trách, trước ông chủ nhiệm bố Ngươn và trước cả Ngươn nữa. Có việc xử nhẹ này là từ Ngươn. Phải chăng trong anh ta vẫn còn tình cảm với Nhẫn hay là lòng tốt bản năng của con người xui khiến. Ngươn đã xin giảm nhẹ tội cho Nhẫn và nhận lỗi gây ra từ cô có phần là từ lỗi lớn của mình.
Nhẫn ở nhà thui thủi bên mẹ. Cả ngày Nhẫn chỉ quanh quẩn vào ra nơi xó nhà, vườn tược. Cô đã khóc rất nhiều về sự dại dột của mình với Ngươn và lo sợ nhỡ ra…
Bà Mơ nén lòng đau rắn mặt khuyên con:
Con cứ bình tâm. Nói được với mẹ là con nhẹ lòng rồi. Mẹ biết được điều ấy ở con mẹ cũng nhẹ lòng. Nhược bằng nhỡ có điều gì đó xảy ra thì mình đẻ mình nuôi. Lúc ấy nó là con ai cháu ai, máu chảy ruột mềm ai ai đấy nỡ làm, sao mà bỏ được. Có gan làm có gan chịu con ạ.
Mẹ khuyên răn làm con ấm lòng. May mà chuyện ấy không xảy ra. Bí mật với Ngươn vẫn chìm trong bí mật. Tuy vậy Nhẫn vẫn ngại gặp người nọ người kia. Cô ân hận với mình và tự xấu hổ với chính mình. Đây là lý do cô xin phép mẹ, làm đơn xin đi nông trường. May mà lên đây khuất bóng chuyện cũ lại gặp được Hùng. Duyên phận như vun vén cho cô mà sao anh ấy… vẫn chỉ coi cô như người em gái, như bạn thân…
Nhẫn buồn ra mặt. Có lúc cô hỏi Hùng:
Anh ghét em lắm à? Hùng cười hiền:
Ghét hay quý thế nào chắc Nhẫn biết mà. Hùng có giấu Nhẫn điều gì đâu.
-…
Cả nông trường này ai không biết nữa!
Hùng trả lời chung chung nhưng bối rối. Nhẫn chỉ biết khóc còn Hùng thì ruột vướng víu như canh hẹ. Muốn lắm mà không dám khi chưa được phép. Cuộc sống lúc ấy sao mà nghiêm ngặt! Cái chung bao giờ cũng đi trước, vượt trước cái riêng.
Rồi một ngày Nhẫn cũng trở về quê với mẹ sau một đột biến khi Hùng có lệnh lên đường vào chiến trường B tham gia cùng đồng đội giải phóng miền Nam. Đây cũng là ngày Nhẫn bàng hoàng nhất trong đời mình.
Hùng tham gia bộ đội cùng nhiều thanh niên khác nông trường. Tổ quốc gọi ai cũng có nghĩa vụ phải đáp lời.
Hôm mặc áo lính ở nơi tập kết hai người nhìn nhau mãi chả nói được câu gì. Ấp úng bao nỗi niềm. Đôi mắt họ nói nhiều hơn tất cả. Lúc sắp chia tay Hùng nói với Nhẫn:
Nếu được Hùng sẽ xin cấp trên đi lái xe tăng thay máy kéo, Nhẫn thấy có được không?
Nhẫn cười vui, bất ngờ nắm chặt tay Hùng như muốn kéo anh sát lại với mình:
Hợp với tay nghề của anh đấy nhỉ. Người lính phải sẵn sàng mà. Nhưng nhớ phải biên thư cho em đấy.
Rõ. Nhớ rồi, thưa Nhẫn…
Nhẫn ứa nước mắt nói nhỏ:
- Em nhớ anh…
Hùng cũng ứa nước mắt theo rồi đột ngột ghé mặt thật gần mặt Nhẫn và cũng nói nhỏ:
- Chờ anh Nhẫn nhé.
Nhẫn bàng hoàng như người từng có hết lại đang sợ bị mất hết.
Chiến tranh ngày càng ác liệt hơn.
Cán bộ nông trường có người thì thào về lý lịch không rõ ràng của Nhẫn. Họ ngần ngại, nghi ngờ. Nhẫn biết chuyện, nỗi hận hờn lại dâng lên.
Một sớm Nhẫn xách chiếc hòm gỗ đựng quần áo rời nông trường ra bến xe khách xếp hàng mua vé xe về nhà.
Việc về quê với mẹ của Nhẫn cũng dễ dàng như hôm cô đến xin chân hợp đồng ở nông trường vì cô chưa được ở trong biên chế Nhà nước…
Thông cảm với chúng tôi cô Nhẫn nhá. Dẫu chỉ là phát hoang trồng cây thôi nhưng mình vẫn là người trong tổ chức. Mà đã ở trong tổ chức rồi lý lịch phải rõ ràng, lành mạnh. Cô Nhẫn thì tốt thôi nhưng…
Cháu hiểu. Các cô, các bác, các chú, các anh, các chị ở lại mạnh giỏi. Mai sớm cháu xin phép.
Về quê chăm chỉ, tiến bộ nhé.
Dạ…
Nhẫn bỗng bật khóc sau câu dạ ấy!