Tôi và vợ đã sống trên một chiếc nhà thuyền vài năm, thoạt nghe có vẻ rất lãng mạn theo phong cách của người Bô-hê-miêng. Tuy nhiên, trên thực tế thì chúng tôi chẳng khác gì đang sống trong một cái ổ chuột nổi lềnh bềnh.
Loại nhà thuyền này dùng cho một cộng đồng nhỏ bé, chật hẹp. Cuộc sống của chúng tôi cứ chồng chéo lên nhau, quây quần như một ngôi làng nhỏ. Nhà này sống nối tiếp nhà kia theo đúng nghĩa đen của nó, chung những ranh giới nước mong manh, cùng hệ thống nước thải và cùng thả neo chồng chéo lên nhau, dập dềnh trên sóng nước. Chúng tôi đổ rác chung bãi tại đầu cầu tàu. Bất kỳ tai ương nào đến hay đi cũng nhanh chóng ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi. Do lối sống gần nhau đó mà chúng tôi có thể nghe và thấy nhiều thứ đang diễn ra trong các ngôi nhà và gia đình xóm giềng.
Tại sao người ta lại thích sống như thế này? Và cả chúng tôi nữa? Nhiều lần tôi cứ tự hỏi mình. Phải thừa nhận là lối sống này đòi hỏi bạn phải có một cái nhìn phi truyền thống về chuyện nhà cửa và bạn chọn cách sống này không phải do tình cờ. Đó là một sự chọn lựa có chủ tâm hẳn hoi, một cách sống có chủ tâm hẳn hoi.
Tuy vậy, cuộc sống này cũng có những lợi điểm của nó. Lúc nào nơi đây mọi người cũng sẵn sàng giúp đỡ và đồng hành với nhau. Nhà bên cạnh luôn sẵn sàng chia sẻ với bạn sữa, bia, rượu hay bánh mì mà bạn quên mua. Bạn cần dụng cụ hay vật tư để sửa chữa hay lời khuyên ư? Lúc nào cũng có ngay bên cạnh. Vào tháng Tám bạn sẽ có cảm giác cứ như mình đang đi nghỉ hè vậy, chỉ có điều là ngay tại nhà mình thôi.
Cuộc sống ở cái ngôi làng nổi này thật sự thu hút tôi. Tôi thích sống gần những con người này. Tôi so sánh cuộc sống của mình với họ. Tôi học hỏi từ họ và cảm thấy cuộc sống của mình trở nên phong phú hơn nhờ những thứ họ trao, những thứ mà chính họ cũng không biết là lại sánh ngang với những món quà.
Ví dụ như những bữa tiệc trà nắng.
Người phụ nữ sống cạnh nhà chúng tôi là một y tá trưởng. Bệnh nhân của bà là những người mắc bệnh ung thư và bà hiểu biết rất nhiều về cái chết cũng như tình trạng chết dần. Cuộc sống của bà vô cùng bận rộn. Bà vừa đi học vừa đi làm bán thời gian, nuôi hai đứa con nhỏ và một người chồng trong không gian chật hẹp của một nhà thuyền. Dưới bến, bà trồng hoa trong các chậu, hộp, còn trên bờ, bà có hẳn một vườn rau. Nhiều lúc chỉ quan sát nhịp sống của bà thôi cũng đã thấy kiệt sức và tôi tránh nhìn những lúc bà đang hối hả.
Mặc cho cuộc sống bận rộn, mùa Hè bà vẫn giữ thói quen uống trà nắng.
Nhâm nhi và thưởng thức một cách chậm rãi.
Trong chiếc bình khoảng bốn lít trong suốt đựng đầy nước lạnh, bà treo các túi nhỏ đựng trà và gia vị. Cứ buổi sáng, trước khi đi làm bà lại đặt cái bình trên boong thuyền, trên một cái bàn kim loại và mặc cho ánh nắng “đun” món trà.
Chiều muộn khi đi làm về, bà đổ món trà nắng ấy ra một cái ly, thêm ít đá, lát chanh và ít bạc hà trồng trong vườn. Rồi bà ngồi xuống một cái ghế dưới tán dù, thưởng thức mùa hè trong ly trà nắng.
Có chuyện này tôi muốn kể.
Vào mùa hè thỉnh thoảng có những hôm tôi ở nhà suốt cả ngày và làm việc ngoài boong thuyền. Tôi cứ quan sát mãi cái món trà của bà, ngắm nó chuyển từ màu vàng nhạt sang vàng sẫm như hổ phách. Tôi nghĩ đến tất cả những nguồn năng lượng đã được trút vào món nước đó. Tôi nghĩ đến thời gian và công sức. Nó giúp tôi trầm tĩnh lại, chậm rãi lại và loại bỏ sự hối hả trong cuộc sống.
Thú thật là có hơn một lần tôi đã qua bên ấy để cùng bà làm món trà nắng. Tôi thận trọng đổ nước vào bình, có lần còn cho cả hoa bồ công anh vào đấy mà bà hàng xóm vẫn không nói gì. Đôi khi trong tình bạn có những thứ không cần phải thảo luận hay bàn bạc.
Gần đây tôi đã thử làm món trà trăng. Và nó đã có kết quả!
Giờ đây tôi đang nghĩ đến món trà sao mùa Đông và trà nhật thực.
Ánh sáng từ những trận mưa sao băng hoặc sao chổi sẽ giúp ủ cho món trà của tôi tuyệt vời hơn.
Vợ tôi thì bảo tôi bị mấy món trà này hớp hồn mất rồi. Chính xác!