Giả sử có thể ghi hình lại mọi thứ diễn ra trong đầu mình suốt hai mươi bốn giờ, vậy thì cuộn băng
video đó sẽ bao gồm những giấc mơ đêm, các mộng tưởng ban ngày, những lời bạn thầm nói với chính mình, những điều bạn cầu nguyện, những bài hát, ký ức trôi nổi bồng bềnh, cùng tất cả những chuyện vặt vãnh dở hơi cứ bám riết tâm trí bạn.
Lại giả sử toàn bộ tư liệu này có thể được chiếu trong rạp hát, trên hệ thống đa màn hình, đa âm thanh. Hẳn sẽ là một buổi trình diễn gây chấn động đây, tôi đoán vậy. Ngay cả những chương trình ca nhạc MTV, các bộ phim khoa học viễn tưởng, phim tình cảm dành cho người lớn… cộng lại cũng không thể sánh kịp với những gì đang diễn ra đằng sau cánh cửa đóng chặt dẫn đến gian phòng bí mật trong tâm trí chúng ta.
Từ khóa ở đây chính là từ “bí mật”.
Đời sống xã hội của chúng ta xoay quanh công việc và cuộc sống, nơi những nguyên tắc, pháp luật và các tục lệ khiến chúng ta cứ phải răm rắp tuân theo.
Trong khi đó, đời sống riêng tư của chúng ta lại gắn với sự hiện diện của gia đình, bạn bè và hàng xóm, vốn là những người mà chúng ta phải quan tâm, tôn trọng, tuy những nguyên tắc, lề thói được đặt ra không chặt chẽ bằng đời sống xã hội.
Thế nhưng trong đời sống bí mật của mình, tức là những gì diễn ra trong tâm trí mỗi người, hầu như mọi thứ đều có thể xảy ra.
Khi chẳng còn ai khác ở xung quanh, chính mỗi người mới có thể trả lời cho những điều mình suy nghĩ và hành động. Phân chia thành “thực tế” hay “hư cấu” không còn thích đáng ở đây nữa. Liệu những giấc mơ có là hiện thực không? Liệu những gì bạn tưởng tượng có thật hay không?
Bên trong những giới hạn chật chội của khối thịt xương là cả một không gian bất tận. Trong khoảng không rộng mở đó có thể là công viên giải trí, một sở thú, rạp xiếc, một thư viện, bảo tàng, nhà hát hoặc một khung cảnh nào đó còn lạ lẫm hơn Sao Hỏa.
Chúng ta đề cập đến chính mình bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít – “tôi” – nhưng bên trong đó có lẽ luôn tồn tại nhiều hơn một cá thể. Dường như lúc nào trong tâm trí tôi cũng có những cuộc đối thoại bất tận giữa tôi và một bản thể khác. Và kỳ quặc thay, bản thể đó lại thường thông minh hơn tôi.
Có vẻ tôi và bản thể đó có rất nhiều bạn đồng hành. Cả một đám đông nhốn nháo bên cạnh chúng tôi: một đứa trẻ và cha mẹ nó, một cụ già thông thái, một người thợ máy, một gã thâm hiểm, một gã ngốc, một nhà khoa học, một diễn viên hài, một nhạc sĩ, một vũ công, một vận động viên, một nhà ảo thuật, một vị giáo sư, một chàng Romeo, một lão giám thị, một viên cảnh sát, một người lính cứu hỏa, vân vân và vân vân, cùng vô vàn bản thể khác nữa. Tất cả bấy nhiêu con người cùng sinh sống tại một thị trấn nhỏ ngay trong chính con người tôi. Và lúc nào người dân của cả cái thị trấn ấy cũng hội họp sôi nổi.
Tôi có thể khiến bạn liên tưởng đến các nhân vật đa tính cách thỉnh thoảng bắt gặp trên mấy câu chuyện đăng báo. Tôi thì thấy chuyện đó cũng chẳng có gì mới. Tôi lui về một bệnh viện tâm thần, theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này – chốn ẩn náu an toàn ngay trong tâm trí mình. Và thế là chẳng có vấn đề gì nữa cả. Miễn là tôi buông rèm và đóng chặt cửa, không cho ai thâm nhập nơi ấy, mọi việc sẽ ổn thôi. Miễn là tôi tự chịu trách nhiệm lấy đời sống nội tâm bí mật đó của mình, thế giới bên ngoài kia sẽ thấy tôi là một con người sáng suốt đang có cuộc sống bình thường. Nhưng liệu tôi có như vậy không? Đôi khi cũng khó mà nói được.
Những người nghiên cứu chuyên sâu về thế giới bí mật của con người như Freud và Jung đã dùng các hình ảnh ẩn dụ để mô tả cách chúng ta duy trì đời sống nội tâm mà không gây ra những xáo trộn trong đời sống xã hội và cuộc sống riêng tư của mình. Họ đề cập đến nào là người gác cổng, siêu ngã, rồi người răn dạy và cha mẹ nội tâm.
Hình ảnh ẩn dụ của riêng tôi là “hội đồng”.
Và bản thể thông thái kia hình như là vị Chủ tịch. Tôi hay nghĩ về cái hội đồng của tôi như những kẻ chuyên đặt cược khi họ cứ luôn nói những câu đại loại như: “Nếu anh cướp ngân hàng, cá mười ăn một là cảnh sát sẽ gô cổ anh và rồi anh tha hồ bóc lịch trong tù”. Hoặc, “Nếu anh kể rằng anh thường nói chuyện với Chúa, mọi người sẽ nghĩ anh là một con chiên ngoan đạo. Nhưng nếu anh nói Chúa đáp lời anh, cá mười ăn một rằng thiên hạ sẽ nghĩ anh điên”.
***
Đa số chúng ta dành phần lớn thời gian để dồn lực làm những điều cực kỳ hấp dẫn, tuy vẫn thực hiện
một cách an toàn những công việc xã hội và trong cuộc sống riêng tư. Hầu hết những gì diễn ra trong nội tâm bí mật đó không hề sai quấy. Đôi khi chúng thú vị thật, nhưng thường thì cũng trần tục và bình thường thôi – không kịch tính hay ma quái gì. Chỉ giống như hoạt động bảo trì hậu trường cần thiết, giúp chúng ta phân loại thông tin, dữ liệu để xếp chúng lại với nhau: những thứ nào còn dùng được và thứ nào không, thứ nào còn hữu ích và thứ nào không.
Trong tiếng Pháp có thuật ngữ rất hay để chỉ một khía cạnh của đời sống nội tâm.
Đó là la perruque.
Nó có nghĩa là “bộ tóc giả” và là một từ lóng để ám chỉ sự giả đò. Thuật ngữ này được dùng trong trường hợp bạn làm chuyện riêng trong khi lại làm bộ như đang làm công việc mà bạn được trả lương. Nếu bạn là một nhân viên đánh máy nhưng thay vì gõ văn bản, bạn lại ngồi viết thư tình trong giờ làm việc thì đó chính là la perruque. Khi bạn dùng điện thoại công ty để gọi vài cuộc vào mục đích riêng, tranh thủ mua sắm vài thứ lặt vặt trong lúc đi công tác, mơ mộng giữa lúc làm việc hoặc thậm chí là dùng thời gian làm việc để ghi ra những việc cần làm cuối tuần, tất cả đều là la perruque – dành thời gian cho cuộc sống riêng tư, núp dưới cái mác tiến hành việc công sở. Đó không phải là hành vi ăn cắp. Đó chỉ là sự thừa nhận rằng đời sống xã hội, đời sống riêng tư và đời sống nội tâm của bạn diễn ra đồng thời và song song. La perruque trong giờ làm việc lại được “trả về” bằng khoảng thời gian bạn nghĩ đến công việc lúc bạn đang đi nghỉ mát đấy thôi.
***
Chuyện gia đình thường ngày cũng không thiếu đời sống nội tâm.
Con trai cả của tôi giờ đã trưởng thành. Ba mươi hai tuổi, chững chạc lắm rồi. Nó hiểu biết về tiền bạc, tình dục, tình yêu, công việc – cả thành công lẫn thất bại. Trong nhiều khía cạnh, chúng tôi đã trở thành bạn của nhau.
Mới đây chúng tôi đi uống bia với nhau và nó thú nhận với tôi về những điều nó từng nghĩ, và giấu tôi làm hồi còn bé. Rồi tôi cũng khai thật với nó chuyện tôi biết hết những suy nghĩ và hành động lén lút đó của nó mà vẫn không làm gì cả, vì tôi không thể giải quyết được, bởi lẽ hồi bằng tuổi nó tôi cũng y như thế, có khi còn tệ hại hơn.
Dẫu trong con mắt xã hội tôi là một người cha, tận trong sâu thẳm tôi vẫn bí mật làm một cậu trai nổi loạn và một đứa trẻ sợ sệt. La perruque – sự giả đò lúc nào cũng có.
Hay một câu chuyện về bí mật gia đình.
Cha của bạn tôi qua đời đột ngột ở tuổi tám mươi hai. Bạn tôi là người con duy nhất, đã ly dị, các con anh lại sống quá xa nên không về dự tang lễ được. Quả là hiu quạnh!
Cả đời cha anh là một kỹ sư cơ khí nghiêm trang, ít bông đùa và có đầu óc thực tế. Ông không phải là người giàu trí tưởng tượng hay tình cảm. Tuy kính trọng cha mình nhưng mối quan hệ giữa hai cha con họ lại khá trịnh trọng và có phần xa cách. Và giờ đây, khi ông qua đời thì anh là người duy nhất thừa kế gia sản.
Theo pháp lý thì tài sản thừa kế là những thứ như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… tóm lại là tất cả những thứ gì hiện hữu mà ta có thể định giá và đánh thuế. Tuy nhiên, vẫn luôn có những thứ nhỏ bé – những thứ linh tinh – những món đồ lặt vặt – những thứ không biết dùng vào việc gì – được lưu giữ, thậm chí đôi khi là cất giấu ở những nơi mà bạn sẽ không bao giờ bén mảng đến khi bố mẹ bạn còn sống. Nhưng giờ thì bạn phải xem xét qua tất cả. Và quyết định xem cái nào nên giữ, cái nào nên bỏ. Vậy là cái chết đã cho phép bạn thâm nhập đời sống nội tâm của bố mẹ mình.
Thường thì đó sẽ là một ngăn tủ, ngăn trên cùng của cái tủ nhiều ngăn kéo đặt trong phòng ngủ.
Người cha trong câu chuyện này là người ngăn nắp. Ở một đầu trong ngăn kéo trên cùng là toàn bộ vớ mà ông có, tất cả được gấp và phân loại cẩn thận theo màu – nâu hoặc đen. Ở đầu bên kia là vài cái hộp nhỏ và một hộp thiếc đựng xì gà.
Trong một cái hộp bé xinh, bạn tôi tìm thấy phù hiệu của lực lượng không quân Mỹ được gỡ ra từ bộ quân phục và nón. Trong chiếc hộp khác là những món trang sức lộn xộn – kẹp cà vạt, nẹp dựng cổ áo, mấy chiếc khuy áo, vài đồng xu tiền nước ngoài và ba cái chìa khóa. Trong chiếc hộp độc đáo do thợ kim hoàn chế tác, ông để chiếc nhẫn cưới của người vợ quá cố cùng một lọn tóc đỏ của bà.
Và trong cái hộp phẳng đựng xì gà, được gói kỹ trong tờ giấy ăn, là mười cái răng bé xíu được dán rất khéo lên một tấm thiệp, bên dưới mỗi chiếc răng là dòng ghi ngày tháng bằng nét chữ viết tay của người cha. Những chiếc răng thật.
Phát hiện này khiến anh bất ngờ. Hóa ra cha anh chính là tiên răng(1).
Vậy mà bấy lâu nay anh cứ nghĩ đó phải là mẹ mình.
Thế mới hay không phải bí mật gia đình nào cũng tồi tệ cả!
(1) Theo truyền thuyết phương Tây, khi rụng mất một chiếc răng sữa, nếu đứa trẻ đặt cái răng ấy bên dưới gối khi đi ngủ thì vị tiên răng sẽ đến thăm và tặng cho đứa trẻ đó một cái răng mới.