Núi Vũ hiện phía trời xa. Nơi đó là làng tôi. Bản Phia Vu (núi Vũ) tên núi là tên làng nơi tôi được sinh ra, lớn lên. Rời quê đã mấy chục năm, nhưng lúc nào cũng nhớ về. Vì mưu sinh, lo toan khác nữa nên tôi ít có dịp trở lại, nếu có cũng thi thoảng. Đôi ba ngày thăm họ hàng, người thân lại vội đi. Thời gian chẳng mấy nhưng phần nào thỏa nỗi nhớ. Cái sự bình yên, đầm ấm khiến lòng thoải mái nhất là được nói tiếng nói của mình với người đồng tộc. Như hồi sinh thói quen phần nào đã bị đóng hộp cất giữ trong cái vẻ khôn khéo, chừng mực của dân thị thành. Thị thành ngụ cư thôi nhưng vẫn gắng theo đòi cho hòa đồng. Nay như chim về núi, không phải giả diễn, khuôn co, gò giọng khi trò chuyện. Ăn uống, nói cười thoải mái, thật lòng. Ai cũng thế, người nào cũng thế, chuyện đáng nói thì nói, không cất kín miệng cười. Ít nói là tính cách người rừng núi. Bản chất đó dường như còn nguyên ở một người tôi hằng quý mến; cứ mỗi khi có dịp về quê tôi thường ghé thăm. Là chú Tài. Chú Tài năm nay đã gần tám mươi, hơn tôi gần hai chục tuổi. Lẽ thường gọi anh, không hiểu sao tôi lại toàn gọi chú. Mãi thành quen không đổi nữa. Chẳng sao, chỉ là cách gọi. Ngày tôi còn bé chú hay rủ đi câu tận sông Quy. Con sông thăm thẳm lắm cá nhiều tôm. Tìm được nơi bóng mát, bên chân thác chú cháu ngồi thả câu. Chỉ hơn canh giờ chú đã giật được một khương đầy. Khương là cái giỏ đan bằng nan tre, cổ thắt, đáy rộng hình bầu dục xếp chật cá mõm lợn. Dù liên tục chuyển chỗ, không hiểu sao tôi chỉ câu được vài con cà rày, loài cá bụng trắng, lưng đen to cỡ hai ngón tay. Chiều xuống, thu cần đi về, tôi vừa chạy cho kịp bước chú, vừa ngó khương cá chú đeo bên hông. Chú nhìn xuống tôi:
- Cho tao xem khương của mày.
- Chẳng được mấy con, xem làm gì, xấu hổ lắm chú.
- Có sao đâu, một con cũng của mình câu được mà, đưa đây.
Tôi miễn cưỡng nghiêng khương cho chú ngó. Chú nhìn thoáng, rồi bảo:
- Ừ, ít lại toàn cá nhỏ! Đi câu ngoài chọn được chỗ tốt, phải biết kiên nhẫn nữa. Chuyển chỗ nhiều chỉ được loại cá một gắp chín con không đủ miếng thôi.
Không biết chú định truyền cho tôi kinh nghiệm hay an ủi? Bóng núi đổ dài mặt đường, trời chiều chuyển màu tím thẫm. Chuyển bó cần qua vai trái, chú lại bước như chẳng bận tâm điều gì.
Về đến nhà, đổ cá ra chậu, thấy lạ! Mình chỉ câu được mấy con cà rày sao có cả những con cá pác mu (cá mõm lợn)? Đếm có năm con tất cả, to cỡ bốn ngón, dài tầm gang tay người lớn, con nào miệng cũng cong dày như mõm lợn. Nhớ lúc chú bảo cho xem chắc lúc ấy chú đã lén bỏ cá của chú sang giỏ tôi? Mình đâu có thể câu được cá này, loài cá thơm ngon vào loại bậc nhất chỉ chuyên ăn rêu bám trên những đá ngầm chân thác. Muốn câu được phải có thứ mồi riêng. Vậy là chú đã hào phóng chia cho tôi thành quả của mình. Lòng khấp khởi nhưng cũng thấy hơi ngượng.
Nhà chú Tài ở ngay đầu bản, chỉ có hai mẹ con. Cha chú mất năm chú mười bảy tuổi. Trước khi từ giã cõi đời ông đã kịp truyền lại cho con nghề đục chó đá và cả võ nghệ nữa. Nghề đục đá không chỉ đòi hỏi khéo tay, còn phải có sức. Sức chú Tài khỏi bàn, chú cao gần mét tám, bữa ăn bảy bát cháo ngô chưa thấy no. Chú bảo ngần này tuổi chưa khi nào được bữa căng bụng. Không vì thế mà sức kém. Đang trẻ mà. Quai đá, chọn đá vần lên xe ngựa, chở về nhà chỉ mình chú lo. Đục đẽo chó đá không phải lúc nào cũng sẵn việc. Chỉ ngày nông nhàn hay ai đến đặt làm chuẩn bị cho lễ vào nhà mới mới xuống tay. Mùa về vẫn lên nương, lên rẫy tra hạt đỗ, hạt ngô, cày bừa ruộng thấp. Là người chăm chỉ, giỏi võ, vui vẻ dễ mến, gái bản xa, bản gần mê chú lắm, nhưng chú chỉ đem lòng yêu một người. Người ấy là chị Đàn. Chị Đàn con lão Nhí với bà Sìn, người cùng xóm, xinh nhất bản, nhất xã có khi nhất cả huyện luôn, mọi người nói với nhau thế. Nghe người bản kháo mé chú vui lắm. Còn gì bằng, cùng làng, cùng mó nước, chung ăn cho gần đường thăm hỏi.
Nghe tin chú Tài sắp nhập ngũ, có người bảo, là con trai độc có ai bắt phải đi. Nhưng chú làm đơn rồi. Còn nói đi bộ đội được ăn no, đi cho biết. Nhưng sẽ phải cưới vợ trước khi lên đường. Nghe mẹ chắc nịch, Tài gãi đầu đồng ý, hẹn Đàn ra rừng Lũng Ang nói chuyện. Nghe Tài ngỏ lời, Đàn bẽn lẽn cười. Cười thế là đồng ý rồi đúng không? Má Đàn đỏ như trái đào, đầu khẽ gật.
Lộc mệnh hai người được nhà gái đưa thầy tào xem. Thổ sinh kim, hợp. Chọn được ngày, lễ ăn hỏi được tổ chức. Gà, xôi, trà, thuốc, trầu vỏ mỗi thứ một mâm phủ giấy hồng điều đội sang nhà gái. Lão Nhí cười muốn rách mép. Phấn khởi vì cưới được con rể sức vâm, bốn hổ ăn không hết thịt. Lão cũng đồng ý luôn khi nhà trai xin ngày đón dâu. Lẽ thường, hỏi đến cưới phải một năm, để cha mẹ vợ còn được hưởng lễ vịt bầu rằm tháng bảy, gà thiến Tết Nguyên đán cho bõ công sinh thành đứa con gái xinh, nở mũi với thiên hạ. Nhưng vì Tài sắp đi bộ đội nên lão bỏ qua. Lão bảo:
- Tôi đồng ý, nhưng đám cưới phải được tổ chức trước ngày rể Tài nhập ngũ một tháng. Không muộn hơn được đâu. Ăn rượu tháng mười là vào mùa no ấm, sẽ no ấm cả đời.
Đám cưới được tổ chức. Ba ngày cả bản được ăn uống no say mừng cho cặp trai thanh gái tú. Tài, Đàn đến các mâm mời rượu, nhận lời chúc phúc. Ăn chẳng mấy, uống thì nhiều, chẳng hiểu sao cô dâu, chú rể không bị say. Ngày vui của mình, đang tưng bừng thế sao có thể say được. Lăn ra đấy ai lo tiếp khách gần, khách xa cho. Đêm cuối, đợi các phù dâu ra về, Tài hít một hơi chật ngực bước vào phòng cô dâu. Sau mấy ngày ồn ào không gian trở nên yên tĩnh. Tiếng thở của Đàn khe khẽ đều đều. Tài đến ngồi xuống bên giường, khẽ hỏi:
- Ngủ rồi à?
Không thấy đáp. Tài luồn tay qua dưới chăn, nắm chân Đàn khẽ lay:
- Cảm rượu chết rồi hay sao, không thấy thở đâu né.
Câu đùa làm Đàn suýt bật cười. Không thể đợi lâu hơn, Tài lật chăn, ôm lấy Đàn, ngạc nhiên:
- Bấy lâu mặc nhiều áo, tưởng không có gì, thế mà đầy tay vớ.
Đàn giữ tay Tài lại:
- Không biết xấu hổ đâu á. Có ai nghe thấy thì biết trốn vào đâu.
- Người già đi ngủ rồi, chỉ bóng đêm nghe thôi.
Thơm quá, lạ quá! Ngôi nhà bỗng chốc như chổng mười sáu cột ngược lên trời. Không còn nghe tiếng gió rù ròa vọng đến từ đại ngàn. Tài thấy mình như đang bơi trên dòng sông, rồi hối hả ngụp sâu trong tràn trề hạnh phúc. Tiếng rên rỉ tựa ánh chớp thúc vào đêm bình yên. Tài thì thầm vào tai Đàn: “Sẽ không bao giờ quên giây phút này. Nghe đây, vài hôm nữa anh đi, ở nhà gắng giữ gìn, đừng để xảy ra chuyện tai tiếng dân bản cười chê”. Đàn khẽ đáp: “Từ nay đã là gái có chồng, không đợi anh còn đợi ai”. Tài vuốt má Đàn: “Thì cứ nói trước, mình xinh thế không lo sao được”. Đàn bảo: “Anh yên tâm lên đường, em ở nhà biết phải cư xử thế nào...”.
Mấy hôm sau đám cưới, tôi tìm sang nhà chú Tài chơi. Đang gõ búa đục đá, thấy tôi, chú Tài cười cười như đang có điều gì vui. Tôi dè dặt: “Vợ mới đón về, chắc không còn được đi câu với nhau nữa đâu chú Tài nhỉ?”. Chú tủm tỉm: “Lấy vợ vào có khác đi thật mày ạ! Có cái bận không nói ra với nhau được đâu. Mày còn nhỏ quá, lớn lên khắc biết. Thôi, bao giờ tao về lại đi câu với nhau”. Chú đứng dậy, phủi bụi đá trên quần áo, vẫy tôi lại gần: “Mày lại đây chú truyền cho vài đường. Mười ba tuổi học võ được rồi”. Vừa nói chú vừa vung tay, đá chân cắt gió vù vù khởi động. Chú cao to, mỗi đòn đánh ra thấy dài rộng khắp sân trông vừa dũng mãnh, lại vừa nhanh gọn. Sau mấy động tác thị phạm, chú kéo tôi lại gần: “Đàn ông bản Phia Vu ai cũng biết võ, mày cũng không thể ngoại lệ. Học võ từ tuổi này tiếp thu sẽ nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Đây là lùng mạ (xuống tấn), hai chân mở bằng vai, người chùng, nắm tay đặt ngang hông, mắt nhìn thẳng, không chớp nhớ chưa? Thế, thế! Trọng tâm dồn xuống hai chân; bắt đầu chuyển thế slang ma nè, tả ma nè, sli pình ma (phải này, trái này, trực diện này). Thật nhanh, mạnh, dứt khoát, luyện mãi thủ túc sẽ dần cứng như lõi nghiến...”. Tôi làm theo những chỉ dẫn như một cái máy chép. Cũng không khó mấy. Dần dà quen, dần dà nhớ. Tôi hứa sẽ cố gắng luyện tập. Chú ôn tồn: “Phải kiên trì, những thế này mới chỉ là cơ bản. Luyện đến khi nào cơ thể liên kết, liên hoàn thành thục thì mới chỉ là biết võ thuật. Còn khi đối kháng, muốn thắng đối thủ nhất định phải có võ công. Võ công phải khổ luyện nhiều mới thành. Khi đã thâm hậu lại phải biết đòn hiểm. Đòn hiểm nhất là đòn phản đòn. Công phu phá tài lực. Đỡ hay tránh đều luôn có miếng phản đòn. Từ từ rồi sẽ hiểu. Phải nhớ, người có võ phải làm chủ bản thân. Không được ngứa chân, ngứa tay tự ý bắt nạt, gây thương tích cho người khác. Chỉ ra đòn tự vệ lúc thật cần thiết thôi, nhớ chưa?”.
Những câu nhớ chưa, nhớ chưa được chú nhắc đi nhắc lại như muốn găm vào trí óc non nớt của tôi. Hôm đó tôi thực sự đã bị hấp dẫn bởi các thế võ được chú thị phạm. Mắt sáng quắc, bước di chuyển nhanh, mạnh, uy dũng như một con trăn gió khổng lồ quăng mình còn in trong ký ức đến tận bây giờ.
Chú Tài nhập ngũ vào ngày đầu tháng mười, năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám cùng với ba người bạn cùng làng. Nhưng đằng đẵng ba năm sau ngày đi không có tin thư gì gửi về. Có lời đồn chú đã hy sinh trong một trận bom địch đánh trúng đội hình đơn vị ở phía bắc Kon Tum. Tin dữ về đến bản, lọt vào tai mé chú. Ngày ngày mé ra ngồi bên cầu thang, nhìn về phương Nam buồn bã trông ngóng. Chị Đàn thỉnh thoảng mới qua thăm mé. Tục lệ người Tày ở đây là vậy. Khi nào có con, dâu mới về ở hẳn nhà chồng. Từ lúc nghe tin dữ, Đàn cũng đứng ngồi không yên. Bên nhau chẳng được mấy ngày nhưng đã hóa hòn than trong lòng. Biết Tài có còn trở về? Có lửa mới sinh khói, không dưng thiên hạ đồn. Buồn nhớ nặng cả chân tay. Bạn gái rủ đi hát sly, hát lượn, Đàn lẳng lặng theo cùng. Đi cho vợi lo buồn. Lượn hoa tình cũng giúp lòng khuây khỏa. “Hai ta không ở cùng làng, khi nghe anh lượn muốn sang theo về”. Là hát thế thôi chứ có tình ý ong ve gì với ai. Nhưng đâu có được như nghĩ lúc đầu, là chỉ để bớt cô đơn phiền muộn, nào ngờ động lòng trộm nhớ người dưng. Người dưng ấy là Báo Cải. Báo Cải không cao to được như Tài nhưng lại có cái mồm dẻo như bột nếp ăn chày. Mặt xương gày nhưng lại có cặp môi đỏ như hoa chuối. Nó không phải đi bộ đội vì pa nó có quyền thế. Báo Cải có tài lượn hoa tình, ứng đối nhanh lại ẩn ý sâu xa. Nghe nó hát ai nào cũng sướng tai. Gái chưa chồng nghe rồi quên đường về. Gái có chồng thì động lòng xao xuyến. Ước được chạm tay, nghe hơi thở của nhau. Báo Cải cũng mê Đàn lắm. Nó đã gửi lời hoa, lời nụ vào câu hát tới Đàn. Những ẩn ý đã khiến Đàn bâng khuâng. Báo Cải chưa có vợ, nhưng nó đã biết làm cái việc của đàn ông với đàn bà, con gái từ lâu. Đàn xinh đẹp thế sao không mê cho được. Cho dù đã là gái có chồng bộ đội đang chiến đấu ở miền Nam thì đã sao! Mê nhau rồi thì chẳng gì có thể ngăn nổi.
Những cuộc vui với đám bạn thưa dần, từ nay chỉ những hẹn riêng hai người với nhau. Hồi đầu, tháng đôi lần, rồi vài ba lần, giờ thì thường xuyên gặp. Quen mùi nhau rồi không gặp nhớ lắm! Có lúc Đàn quên mình đã là gái có chồng. Báo Cải cũng đã như kẻ nghiện. Là nghiện nhan sắc của Đàn vậy. Trên đời sao có người đẹp thế. Nhất định sẽ lấy về làm vợ thôi. Tin Tài hy sinh chẳng mấy nữa sẽ có giấy báo tử về. Rồi Báo Cải sẽ cưới Đàn. Vui lâng lâng. Vui thì huýt sáo mồm ấy là thói quen. Báo Cải chúm môi huýt một điệu lượn hoa tình: “Ngỡ em tiên ở trên giời, quanh đi quẩn lại là người trần gian… em ới em ơi”.
Có ai như Báo Cải, lo âu, khổ đau nhà khác lại là hy vọng khấp khởi của mình. Nhưng thật không may cho Báo Cải, chú Tài vẫn còn sống và đeo ba lô trở về Phia Vu lừng lững như một cây nghiến đại ngàn. Vừa bước đến chân cầu thang chú đã cất tiếng gọi mé. Từ bếp mé bước như chạy ra ngoài sàn. Thật không tin nổi con của mé đã trở về. Mé nhìn Tài nghẹn ngào:
- Ta biết nhất định con sẽ trở về mà. Lời đồn ác là của lũ bụng đen, bụng tối muốn cướp lấy thứ tốt của người khác thôi mà… con ơi.
Tài đỡ vai mé dìu vào nhà. Ai đã tung tin Tài chết rồi ư? Có đấy, trong trận bom đó đồng đội của Tài hy sinh nhiều nhưng Tài chỉ bị thương thôi. Vết thương ở ngực sau khi điều trị đã được đơn vị cho xuất ngũ. Tin chú Tài trở về loan khắp. Người người kéo đến thăm. Tôi cũng muốn thấy mặt chú. Vứt cái xảng đang đẽo dở vào góc nhà, tôi chạy xuống sàn. Nhà chú hôm nay sao vắng lạ? Có người hỏi mé:
- Là Tài đã về rồi đúng không?
- Phải mà, nó được đơn vị cho phục viên rồi.
Có tiếng thở phào.
- Nó đâu?
- Đến chỗ cần đến rồi, cứ ngồi đây đợi, lát nữa nó khắc về.
Nghe mé lấp lửng, người bản đưa mắt cho nhau. Mới về mà đã đi đâu? Hay là chuyện Đàn với Báo Cải đã lọt tai Tài? Chuyện ấy cả bản đều biết. Hai đứa nó vẫn hẹn gặp nhau làm cái việc con khỉ con vượn ở rừng. Nếu thế thì lớn chuyện rồi. Có khi còn án mạng nữa. Trong đầu tôi chợt hiện lên một cửa hang dưới chân núi. Là Lũng Ang! Lẽ nào chú đã đến đó? Có thể lắm! Lũng Ang có một bãi cỏ rộng, bao quanh là rừng cây. Lưng chừng một ngọn núi có một cửa hang. Chị Đàn với Báo Cải thường gặp nhau ở đấy. Có người từng thấy. Tôi cũng đã một lần thấy họ đứng nói chuyện với nhau. Là tình cờ thôi. Họ đến đó để nói chuyện hay còn làm gì nữa chỉ trời biết, đất biết, nhưng không ai biết. Đoán mò, nhưng toàn chuyện xấu. Tôi băng xuống cầu thang, lao về phía đó.
Lũng Ang đã trước mặt. Chân núi, giữa bãi cỏ hai người đàn ông đang đứng đối mặt nhau. Chị Đàn ngồi thụp, cầm khăn tay che mặt. Không biết chị đang khóc vì xấu hổ hay vì sợ. Tôi đến nấp sau một tảng đá. Nghĩ bụng, phen này Báo Cải no đòn. Chú Tài trong bộ quân phục đã bạc đứng lặng như một cây lim. Báo Cải không có vẻ gì núng chí, gã bình thản chờ đợi. Chú Tài tiến một bước, giọng khô khốc:
- Thằng ăn cắp, còn bôi bẩn vào nhà tao. Với mày lúc này chỉ có nói bằng tay chân thôi.
Thấy chú Tài tiến về phía mình, Báo Cải lùi lại thế thủ. Gã định nói mà không biết nói gì, muốn buông vài lời phải trái cũng không cách nào mở miệng. “Mắt Tài kìa, rực như than! Là nó muốn lấy mạng mình thật chứ chẳng chơi. Không còn đường lui, hay quay đầu bỏ chạy như một kẻ hèn nhát”. Báo Cải xoay người chuyển thế. Gã biết Tài giỏi võ có tiếng, nhưng gã đâu có kém. Trai Phia Vu ai nào chẳng được học võ từ bé. Thấy Tài vừa vung tay, Báo Cải liền né người, chủ động tung gót phóng thẳng vào mặt. Nhưng gã đâu biết đó chỉ là động tác giả. Báo Cải chưa kịp thu chân về, đạp tiếp cú nữa vào bụng dưới của Tài, đã thấy Tài áp sát, bất ngờ tung một cú đá quét vào chân trụ Báo Cải. Cú phản đòn nhanh, mạnh như chớp lóe khiến Báo Cải ngã bật ngửa ra sau, đập đầu xuống đất. Tài bật người lao tới. Bàn tay hình dao bầu, nhằm yết hầu Báo Cải đang định chém xuống, trong đầu chợt như có tiếng nói vọng đến từ trên cao. Cú đánh này sẽ đoạt mạng người! Tài đột ngột dừng tay trong ánh nhìn khiếp đảm của đối thủ. Không đánh nữa. Tài từ từ buông đối thủ, đứng dậy với ánh nhìn như lửa. Không thể giết thằng này, dẫu nó đã gây tổn thương cho Tài. Cũng không thể chửi mắng Đàn, dẫu nàng đã quên mất lời hứa. Lỗi tại đâu? Không trận bom xới tung bụi đỏ trộn máu đó đâu có tin về. Vậy là quá đủ rồi. Uất hận ứ đầy cũng đành gắng mà nén lại. Đừng làm gì nữa mà thêm đau lòng. Tìm đến ngọn nguồn tội tình từ đâu chỉ càng thêm ê chề mà thôi. Tài bước về phía Đàn, run run:
- Về thôi Đàn ơi!
Đàn ngẩng nhìn Tài, thảng thốt.
- Đừng nhìn nhau thế, chuyện đâu để đó đi. Từ nay sẽ không ai được nhắc chuyện này. Sắp ngày lễ cơm mới, về giúp mé gặt lúa làm cỗ cúng mùa đi Đàn ơi.
Báo Cải ngồi dậy, không ai biết gã đang bẽ bàng tới mức nào.
Phía xa, Tài đi trước, Đàn theo sau, hai người cắm cúi về bản. Con đường hun hút trong chiều vắng. Chút nắng còn lại nơi đầu núi nhuộm tím chân trời.
Sau hôm đó không ai thấy Báo Cải nữa. Có người bảo, bị đòn hiểm của Tài gã đang phải đi phục thuốc tận Quảng Nguyên; có người bảo gã đã xin đi làm công nhân ở mỏ thiếc Thin Túc. Có người khẳng định gã đã nhập ngũ. Chẳng biết nữa, toàn tin đồn. Chỉ chú Tài vẫn đây. Từ sau hôm đó mọi chuyện lại vẫn như thường. Không một lần chú nhắc lại chuyện cũ hay trách mắng vợ. Nhưng chị Đàn đã khác. Vẻ hồn nhiên ngày nào không còn nữa. Hình như chị vẫn chưa thoát khỏi nặng lòng với lầm lỗi tự mình gây ra. Tự nghĩ tự ngượng. Chú Tài ngày ngày tiếp tục công việc nương rẫy, lúc nhàn lại đục đẽo chó đá kiếm tiền. Tiền kiếm được không bao nhiêu nhưng thấy vui. Có việc để làm, đầu óc, chân tay không bị nhàn rỗi. Chú đối xử, chăm sóc chị Đàn thật chu đáo. Tới mức nhiều người không ưa. Họ bảo, chấp nhận đứa vợ từng theo trai đã là chuyện lạ, lại còn đối xử tốt với nó nữa còn lạ hơn. Chú chẳng quan tâm lời dè bỉu, đun nước cho vợ tắm, hái lá khau lùm cho vợ gội đầu, ngâm lá chàm, chắt cao cho vợ nhuộm quần áo đều một tay chú lo. Có người hỏi kháy: “Mày đã nghe lời mọc gai của người trong bản ta chưa?”. Chú hiểu họ muốn nhằm tới chuyện gì, liền khoát tay: “Kệ chúng nó, mọc dao đây cũng chẳng coi là gì nhé”. Nghe có vẻ cùn nhưng lại là miếng chặn họng hiệu quả. Nhưng cho dù chú dành sự chăm sóc cho chị Đàn nhiều tới mức nào cũng không thể kéo chị thoát khỏi những mặc cảm. Chuyện cũ vẫn đeo bám. Chỉ có điều ưu phiền không hề làm giảm đi vẻ xinh đẹp của chị. Ít khi thấy chị cười, nhưng mỗi khi cười nét mặt lại tỏa sáng như nắng nhuộm đào xuân.
Chị Đàn có thai. Những cái mồm mọc gai lại xì xào, biết có phải con Tài, hay lại của thằng miệng dẻo bột nếp dính chày. Không hiểu bằng đường nào mấy lời ấy lọt tai chú. Chú bình thản, bận tâm làm gì, nó đang trong bụng vợ ta, ở nhà ta ắt là con ta. Chị Đàn sinh con. Nó là thằng Sinh. Sinh có khuôn mặt giống mẹ nhưng vóc dáng càng lớn trông càng giống cha. Chú Tài mừng như vớ được vàng. Lao động không biết mệt. Xong việc nương rẫy lại lên núi phá đá. Viên rộng dài cỡ một mét vần xuống, chở về đục làm chó đá. Còn lại xếp khối, bán cho người xây nhà. Có việc, có tiền. Tiền có nuôi mẹ, vợ và con. Thợ đá quần áo, tóc tai quanh năm trắng mốc. Trắng mốc chẳng sao, ra suối ngụp một hơi lại sạch thơm. Người sạch, quần áo tinh tươm bế con mới sướng. Mà sướng quá đi. Ai có con rồi khắc biết. Nhưng chú Tài hồi này hay phải lo nghĩ. Thằng Sinh đã bốn tuổi hay ăn chóng lớn, nhưng Đàn ngày càng yếu đi. Tới mức đã phải nằm một chỗ. Tắm, gội cho chị một tay chú lo. Mỗi lần lau người, chải tóc cho vợ chú lại bảo, khỏi ốm rồi tôi sẽ đưa em về Hà Nội chơi một chuyến cho biết Thủ đô. Chị Đàn còn chưa biết thị xã Mục Mã ở đâu mơ gì Hà Nội. Cơ mà nói thật chứ không phải để động viên, chỉ cần Đàn khỏe lại, nhất định sẽ đưa đi chơi một chuyến. Tiền gom đã kha khá rồi. Nhưng hứa hẹn ấy đã không thành. Đàn đã suy kiệt dần trong một đêm đông buốt giá. Biết mình sắp đi, chị bảo anh tắm rửa thay quần áo mới cho mình. Rồi gọi anh đến, từng lời, từng lời: “Anh đừng bận lòng vì điều gì nhé, thằng Sinh là con của chúng ta đấy. Đời này em chịu ơn anh nhiều mà thấy mình có lỗi với anh nhiều lắm. Anh thật tốt với em!”. Đàn nghẹn ngào, trào lệ. Tài chưa kịp nói gì thì Đàn đã đi. Đi mà như còn chưa hết ân hận. Chẳng cần nói gì thêm nữa có được không! Đã nói với nhau rồi mà. Đã bỏ qua tất cả cho nhau từ lâu rồi kia mà Đàn ơi.
Từ ngày chị Đàn mất, chú Tài vẫn một mình. Có người khuyên nên tục huyền để có người chăm nhau lúc già. Chú bảo làm bạn thì được, lấy thì không. Kiếp người một lần vợ thế là đủ. Tình thương bây giờ phải dành để cho con trai, không nó tủi. Sinh bây giờ đã là cán bộ nông nghiệp đang công tác ngoài tỉnh. Nó đã lấy vợ, có con, nhà cửa, công việc ổn định. Nó bảo, chỉ mong pa lấy được người hợp tính tuổi già chăm sóc nhau. Giờ ở xa, ít về áy náy lắm! Chú Tài nghe nó nói thế chỉ cười. Nụ cười hiền mà cũng thật bình dị. Giờ chú để tâm hành nghề tạc chó đá. Nhu cầu xã hội ngày một nhiều. Thời nay nhiều người làm nhà, truyền thống hiện đại gì cũng cần một con chó đá đặt bên trái hiên cửa. Nhà neo, sức ít, ruộng rẫy bây giờ tạm gác lại, chú chỉ chuyên tâm đục đẽo cho kịp với khách đặt hàng. Một búa, một đục sắt coong keng, chí chát suốt ngày dưới gầm sàn. Bụi đá bung trắng quanh chỗ ngồi.
Lâu rồi không về, mai đã lại phải đi, hôm nay tôi tranh thủ đến thăm chú. Thấy có người, chú bỏ kính, ngẩng lên. Nhận ra tôi, chú khẽ cười:
- Hăn bại boong gả mâừ lừm tàng mừa bản da vớ (Nghe có người bảo mày quên đường về bản rồi)?
- Lừm rừ đảy súc ơi, chang slim slảy nới (Quên sao được chú ơi, trong gan ruột cháu đây).
Tôi hỏi:
- Hồi này có kiếm được khá không?
Chú bảo:
- Người già ăn được bao nhiêu, làm cho vui thôi.
- Cháu thấy công việc này ăn sức nhiều lắm!
- Sức tao vẫn tàm tạm, khi nào không tự ăn cháo được nữa thì buông.
- Trông chú vẫn có vẻ ổn, đến lúc ấy chắc còn lâu.
- Vỏ thôi, lõi mục rồi. Chỉ tội làm mãi thành nghiện. Là nghiện tiếng búa, tiếng đục, nghiện cả những đường cong hiện dần trên hình hài một con vật vô tri. Một ngày không thấy đá, không được đục vài nhát thấy khó ở. Mà có chuyện này lạ lắm, e người khác cười mũi ta không dám kể với ai. Giờ cháu đã về ta muốn nói cho cháu biết. Có lẽ chỉ cháu hiểu được ta thôi.
Mắt chú bỗng trở nên xa xăm. Tôi hồi hộp chờ đợi. Không phải hạng người rỗi hơi chuyện vụn, ngẫm ngợi thế này hẳn có chuyện gì rồi. Giọng chú đều đều trầm trầm như gió lùa qua hang sâu:
- Ngày vợ ta bỏ ta đi ta buồn lắm! Như mất chân tay, mắt nhìn, đầu nghĩ vậy. Thương Đàn quá! Dẫu trước đây có lúc cô ấy đã làm ta buồn. Nói, bỏ qua cho nhau là nói vậy, thực ra đôi lúc vẫn còn gợn nghĩ lắm. Nhưng rồi càng ngày ta càng thấy thương cô ấy. Cái thương thật lòng đã làm hẹp hòi bớt dần. Đàn thực tốt và xinh đẹp biết bao. Cho đến khi mất Đàn rồi ta mới ngộ ra, là cô ấy thương ta hơn là ta thương cô ấy. Đêm đầu khi chỉ còn lại một mình, ta xuống gầm sàn đây ngồi. Buồn thương ngẩn ngơ khiến ta như kẻ mất hồn. Thế là từ nay người không bao giờ sống lại được nữa. Nghĩ mà nước mắt ướt đầm tay, thấm cả vào con chó đá đang ôm, con vật ta vừa hoàn thành trước lúc Đàn mất. Con chó đá cứng lạnh trong vòng tay chợt như ấm dần. Hình như nó đang cử động. Cái lưỡi mềm mềm, ẩm ướt của nó đang liếm nhẹ lên tay ta, má ta như muốn an ủi vỗ về. Đột nhiên ta bỗng thấy như có ai nắm tay mình kéo khỏi mặt đất. Bay bay, chơi vơi, chơi vơi. Đâu đó chợt nghe có tiếng tru dài của loài chó. Không đâu xa, tiếng tru ấy cất lên từ con vật trong tay mình đang ôm; ngay nơi trái tim đang rộn rã. Đang tỉnh chứ đâu phải mê? Đang tọa giữa mênh mông cô quạnh chứ đâu có bay bổng nơi nào. Dù cố cưỡng nhưng ta không sao thoát ra khỏi cơn hoang mê. Là ta đang rơi vào cơn mê hồn, ý thức bị đánh tráo, chìm trong mê hoặc. Ta bỗng không muốn thoát ra nữa! Muốn cứ thế bay mãi vào mênh mông. Nơi mà tất cả đều nhẹ xốp như mây ta được nắm tay Đàn, được ngắm nhìn đôi mắt rất đẹp của Đàn. Nàng đang cười và kéo ta bay lên.
Cảm giác đó còn ám ta đến tận bây giờ. Ước gì lại một lần nữa được như thế.
Trời cuối thu xanh trong. Gió từ Lũng Ang thổi về làm bay bay mái tóc dính bụi đá của chú Tài. Mắt chú nhìn xa xăm như đang dõi về phía trời Nam nơi có bóng hình những người lính trẻ, với những trận bom năm nào ở phía bắc Kon Tum. Khói lửa ngút trời, đồng đội nằm xuống trên đất ba zan thấm máu. Trong đôi mắt ấy hình như có cả những năm tháng tuổi thơ tôi được theo chú đi câu bên dòng sông Quy. Những con cá mõm lợn lấp lánh vảy bạc trong nắng sớm. Hình như có cả hình bóng chú với chị Đàn bên nhau nói cười hạnh phúc.
Chú Tài ngồi lặng như khối đá. Đôi tay thô ráp đặt trên hai đầu gối. Cạnh đó những con chó đá cũ mới bày la liệt. Những con vật chuyên phận sự gác cửa xua đuổi tà ma, quỷ dữ, ngăn những điềm xấu dữ vào nhà đều đã có người đặt mua. Đất này việc đục đẽo chó đá không chỉ riêng chú làm, còn những người khác nữa. Nhưng không phải mua đâu cũng được, chỉ uy tín chú thôi. Mua được chó đá của chú về đặt sẽ mang lại điềm lành và nhiều may mắn. Nhưng sao chú lại không được như thế? Tự làm ra cả đàn chó kia, bày khắp cả gầm sàn vậy mà chuyện buồn vẫn tìm đến nhà chú. Chẳng hiểu sao nữa?
Gió từ Lũng Ang thổi về nghe như một tiếng thở dài.
Hà Nội, tháng 7 năm 2020