Nàng hẹn, xuân này anh nhớ về quê nhé! Tôi gật đầu nhận lời. Vẻ như chưa yên tâm, nàng lại bảo: “Anh phải hứa kia! Bao năm quên đường về rồi!”. Giọng như thầm trách. “Nhất định anh sẽ về mà!”. Không giấu nổi niềm vui, nàng nói: “Anh hứa rồi đấy, đừng để mọi người mong”. Vậy là người bản Giuồng vẫn chưa quên kẻ bao năm tha hương. Lòng chợt bồi hồi.
Nàng là kỷ niệm, nỗi nhớ trong tôi. Là dòng suối hiền hòa chảy quanh chân núi. Tiếng chim hót gọi bình minh trên những cánh rừng phủ trắng sương mây. Là nắng mai trải vàng đồi cỏ với lũ trâu bò tha thẩn. Là tiếng nô đùa vọng vang núi của đám trẻ mục đồng. Cảnh vật, âm thanh như nâng bầu trời lên cao hơn, có bóng chim ưng chao cánh giữa vời vợi xanh thẳm. Tôi cùng lũ bạn lớn lên từ nơi đó, trưởng thành theo từng mùa qua. Cho tới khi tôi thành trai bản, em là thiếu nữ, nhìn nhau e ấp, thẹn thùng. Giờ vẫn còn tiếc nuối, sao ngày ấy dại khờ. Không đã có được em. Người con gái nết na, xinh đẹp nổi tiếng khắp Háng Sléng. Chuyện xưa, xưa rồi nghe như còn tiếng thở dài.
Tuổi vị thành niên, có một chiều tôi nhận ra từ lúc nào mình hay nghĩ tới em. Rồi nhớ, nhớ đến bần thần. Một ngày không thấy mặt đứng ngồi không yên. Hình như em cũng tâm trạng như tôi. Luôn nghĩ cách để gặp. Khi gặp nàng thẹn thùng, tôi bối rối, chỉ lời “yêu em” mà không thể nói ra. Trách mình nhát. Nhủ lòng, can đảm hơn nữa lên, lần tới nhất định sẽ nói. Ở bản Giuồng, cả những làng lân cận, có đứa trai đã nghiêng ngó nhà nàng. Thắc thỏm âu lo, thầm ghen nữa.
Cho đến ngày tôi nhận giấy báo nhập ngũ. Sớm mai lên đường.
Đêm “đắp nọi”, Ba mươi tháng Giêng âm lịch, người Tày lại gói bánh chưng dâng bàn thờ tổ tiên, kính báo kết thúc những ngày vui Tết, chuẩn bị bước vào vụ mới. Cũng là ngày bản Giuồng tôi chuẩn bị mở hội Nàng Hai. Lễ hội cầu mùa, cầu quốc thái dân an cho một năm mới đến. Đêm nay sẽ gặp nàng bày tỏ nỗi lòng. Nếu không, sẽ không biết đến khi nào. Kháng chiến đang kỳ ác liệt.
Tôi đến nhà em. Thấy tôi, pa mé em vui lắm. Họ chúc tôi mai lên đường chân cứng đá mềm, bom đạn giặc Mỹ bị mù mắt. Hòa bình trở về vẹn nguyên. Lời thật thà, mộc mạc có cả nỗi thầm lo. Bởi ở bản Giuồng đã có người chiến trận không về. Tôi cúi đầu cảm tạ mà mắt tìm quanh. Biết tôi nghĩ gì, mé từ tốn: “Niên năm nay được bản chọn làm nàng Slở, đến nhập lễ hội Nàng Hai từ chiều rồi”. Giấu nỗi bồn chồn, tôi cúi chào, bước vội xuống cầu thang.
Đêm đầu xuân trời vẫn lạnh. Trăng chênh chếch đỉnh non. Tiếng lượn slương, lượn cọi, tính tẩu vọng đến từ Thiêng Hai (lều hành lễ đón Nàng Hai “Nàng Trăng” được dựng trên đám ruộng giữa làng) càng khiến lòng thêm bồn chồn. Em được chọn vào vai nàng Slở để nhập hồn nàng trăng ư? Bên nàng Slở còn người em là nàng Gường ai sẽ vào vai ấy? Được chọn ngồi đó e khó gặp rồi. Đêm nay hai người sẽ tại vị để làm lễ thoát hồn trần, nhập hồn tiên khi đón được Mẹ Trăng từ cung Hằng Nga đến. Chỉ sáng mai, khi lễ buổi đầu tạm dừng may ra có thể gặp. Vậy thì không kịp, lúc đó có lẽ tôi đã xa đây rồi. Buồn mênh mang. Những âm thanh vọng lại từ Thiêng Hai như càng thêm giục giã. Tôi muốn nhìn thấy em, từ xa cũng được. Vội chạy về phía đuốc lửa sáng rực góc trời.
Từ nhỏ tôi đã được vui chơi trong hội làng. Lễ hội mở đầu xuân, đậm sắc thái tâm linh, văn hóa người Tày. Tưng bừng diễn xướng với các bài lượn, bài cúng tế được hát suốt trong quá trình lễ hội diễn ra; để nghênh đón Mẹ Trăng xuống hạ giới ban hạt giống, con giống, diệt sâu bọ giúp con người. Bảo vệ con người không bệnh tật ốm đau, không thiên tai địch họa; mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, no ấm hạnh phúc. Trung tâm lễ hội là lều Thiêng Hai. Trước lều là các loài hoa rừng tết vòng treo trên những sào trúc, rực rỡ đèn nến cùng những ngọn lửa bốc cao. Trong lều Thiêng Hai có nàng Slở, nàng Gường. Slở là trăng chị, Gường là trăng em. Bên các nàng còn có Mẻ Cốc (Mẹ Trăng), cùng mười tám thiếu nữ đồng trinh trong vai các nàng tiên đứng trước ban thờ, và một thầy tào hành lễ. Ngoài ra còn hai nam thiếu niên có vai trò mang lễ, mở đường cho hành trình lên Cung Nguyệt cầu xin, đón các tiên trăng xuống ban phúc lành cho nhân thế. Truyền rằng, lễ hội có tự ngàn đời. Để tỏ lòng tri ân người tài đức có công với dân, nghi lễ sau này còn thêm hình thức mới. Mới nhưng cũng đã có hơn bốn trăm năm rồi. Ấy là hai nhân vật nàng Slở, nàng Gường xuất hiện giữa Thiêng Hai vậy.
Năm nay người được bản chọn nhập vai nàng Slở, nàng Gường đang ngồi kia. Hai nàng ngồi xếp bằng, tay phất quạt múa theo nhịp đàn ca. Tôi bỗng thấy như lạc chốn bồng lai. Mơ mơ, bay bay. Lễ tống linh hồn người ra ngoài để nhập hồn Mẹ Trăng và các Nàng Trăng đã xong. Từ lúc này hai nàng đã là Slở, là Gường, thân là người trần, nhưng hồn đã là tiên nữ. Slở mặc áo vàng, khăn đội có dải vải vàng vắt chéo. Gường mặc áo đỏ, khăn cũng vắt chéo một dải vải đỏ. Mắt hai nàng sáng như sao. Lúc thăm thẳm như trôi trong bồng bềnh sương khói. Tôi gắng len đến gần để thấy nàng rõ hơn mà không thể. Người ken đặc như cây rừng.
Chợt tỉnh cơn mơ, nhớ lý do mình tới đây. Nhưng lòng còn bồi hồi lắm. Nhìn kìa, chưa khi nào thấy Niên đẹp như lúc này. Đẹp, mà sao như cách vời trần thế! Muốn có lại cảm xúc mơ mơ, bay bay như lúc mới đến mà bất lực. Muốn gọi tên em “Niên ơi” mà không thể cất lời. Ngậm ngùi, nàng giờ đã là Tiên Trăng. Đêm nay không còn là của riêng tôi nữa. Tôi lặng lẽ ra về. Lòng chơi vơi mang nỗi buồn không gì so sánh.
Bao năm biền biệt, chưa một lần gặp lại em. Mối tình đầu chưa ngỏ lời, chưa nắm tay nhưng kỷ niệm không bao giờ phai. Không có được nhau e cũng số phận. Trời đã định phận tôi bao năm chiến trường, hòa bình về rồi đi học. Học xong làm việc tại một tỉnh trong Nam, xa quê đến bây giờ. Có lần gặp người quen, nghe kể, sau ngày tôi đi, không lâu sau Niên cũng theo học Đại học Nông nghiệp Việt Bắc. Rồi lấy chồng mãi tận đồng bằng. Lấy chồng xa, quê nhà cũng thành xa, nàng ít có cơ hội trở về. Rồi nghe, chồng Niên mất vì bạo bệnh, em đã về bản Giuồng. Lại trở về ư? Phận người sao lênh đênh. Cứ như sinh ra để làm vật thí nghiệm cho thế lực vô hình nào đó ngoài vũ trụ. Ngẫm thấy buồn. Thương nàng biết bao. Giờ mình cũng đã có gia đình, nghĩ vậy có còn thích hợp? Chẳng sao! Chỉ nhớ thương thôi mà. Dẫu còn vấn vương chút tình cũ. Nhưng có ai còn chấp với quá khứ. Nghĩ thế, tôi thu xếp trở về. Gặp lại em tại ngôi nhà sàn pa mé để lại. Bồi hồi. Nói với nhau bao chuyện mà chẳng thể nhớ nói những chuyện gì. Có điều đều tránh nhắc chuyện cũ. Có gì đâu mà nhắc! Khi tình yêu chỉ lặng thầm. Chia tay, em hẹn tôi nhớ về quê dịp đầu xuân năm tới. Khi bản mở lễ hội Nàng Hai.
Tôi trở về như hẹn. Gặp nhau em khẽ cười, bâng quơ: “Giá như ngày đó cũng thế”. Lòng phân vân. Có phải em còn ý trách.
Nỗi nhớ bao năm đang trước mặt kia. Nét xưa đã dần phai, nhưng vẫn đó vẻ dịu dàng một thủa. Người ta bảo người đẹp, đẹp tới lúc già quả thế thật. Tóc em chưa sợi bạc, nụ cười vẫn tỏa sáng như nắng mai. Hai đứa ngồi cạnh bếp lửa. Lửa nhắc nhớ đêm nào. Đêm đó tôi đã rất buồn, đau khổ nữa. Có nên kể lại em nghe? Phân vân lắm. Nhiều lần tự hỏi, ngày đó em có yêu tôi như tôi yêu em? Băn khoăn tận bây giờ. Em cất giọng đằm thắm:
- Em biết, đêm đó anh đã đến nhà em, rồi đến lễ hội. Thật không may, vừa lúc biết tin anh nhập ngũ cũng là khi em được bản chọn làm nàng Slở. Ngay kết thúc đêm lễ đầu, em sang nhà thì mọi người bảo, anh đi rồi! Em đã rất buồn. Từng có với nhau bao kỷ niệm vậy mà một lời chia tay cũng không thể. Thời gian dần trôi, cuốn em vào bao lo toan bận rộn. Lại bặt tin anh, chẳng biết ở đâu để có thể liên lạc. Đành buông. Thật khó khăn khi dứt khỏi lòng hoài niệm nhung nhớ, thả mình vào cuộc sống như bao người. Lấy chồng, rồi sinh con. Quên thì không, nhưng ngẫm thấy, ở đời nhiều lúc muốn níu giữ thứ gì đó tốt đẹp của mình cho riêng mình cũng thật không dễ chút nào. Lại là phận đàn bà như em nữa.
Em khẽ thở dài. Tiếng nghe thật mỏng nhưng ngầm chứa cảm xúc dồn nén. Trong ngực tôi chợt như có tiếng vó ngựa khua. Ra là ngày đó em cũng yêu tôi lắm. Cũng thương thầm nhớ vụng như tôi vậy. Bồi hồi, xao xuyến.
- Giờ thì cuộc đời em thế này đây, lại trở về bản Giuồng chúng mình. Nhưng em bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Ở đây không khí trong lành, dễ chịu lắm anh ạ. Nhớ lại ngày đó mà lòng vẫn chưa thôi day dứt...
Phải nói để em biết, tôi đã buồn thế nào.
- Đêm đó anh đã định nói với em…
Tôi nhận ra giọng mình run rẩy, chìm lút. Em khẽ bảo:
- Không cần đâu, em hiểu mà. Dù hồi ấy anh chưa dám nói nhưng em đọc được trong mắt anh. Em cũng thế. - Em cúi đầu, mắt chớp chớp - Có điều, ngày đó chúng mình còn trẻ quá. Mà thôi, không nói chuyện này nữa.
Tâm trạng tôi trở nên thoải mái hơn. Có lẽ em đã đưa ra đề nghị đúng lúc. Để làm gì nếu khơi lại chuyện cũ. Giờ đã khác. Tất cả đã ở sau lưng rồi. Thương quý nhau chân thành há chẳng hơn sao. Hôm nay đã 14 tháng Hai âm. Năm nay em có được giao việc gì trong lễ hội? Tôi nghe em thì thầm:
- Đồ lễ dâng tổ tiên em đã chuẩn bị xong. Lễ hội năm nay em cũng sẽ chung vui cùng mọi người. Tầm tuổi em giờ chỉ có thể vào vai Mẻ Cốc, nhưng vai này chọn người kỹ lắm, phải là phụ nữ có gia đình yên ấm, hòa thuận, trọn vẹn mọi bề. Gia cảnh như em sao có thể. Nhưng em không hối tiếc đâu. Đời đã một lần gặp may rồi. Là cái năm em được chọn vào vai nàng Slở. Anh không biết khi ấy như thế nào đâu. Lạ lắm! Như được bay trong không gian ngát hương cùng muôn tia nắng lung linh vậy. Em hiểu, do sớm phải xa quê, dẫu từng nghe chuyện về lễ hội nhưng có thể có những điều anh chưa biết. Anh có muốn nghe em kể không?
Tôi gật đầu đáp lại.
Truyền rằng, cuối thế kỷ mười sáu (1598) khi Kinh thành Thăng Long rơi vào tay nhà Lê - Trịnh, vua Mạc đã đưa ba vạn người theo lên Cao Bằng cát cứ. Hoàng thành chọn đặt tại Cao Bình. Hơn tám mươi năm củng cố binh mã, xây đắp thành lũy, nhà Mạc nhiều lần phải căng sức chống lại các cuộc tấn công của nhà Lê. Cuộc nội chiến cuối cùng kết thúc vào năm 1677. Thành Cao Bình thất thủ. Hoàng gia cùng các quan triều sống sót tản mát khắp rừng sâu núi thẳm. Người bị bắt, bị giết. Có người không chịu rơi vào tay quân nhà Lê đã tự vẫn. Trong đó có người vợ cả của vua Mạc Kính Vũ cùng hai công chúa Mạc Kim Dung và Mạc Hoa Tiên đã gieo mình xuống vực Giả Vuồng (vực vợ vua) sông Bằng tự tử. Vua Mạc Kính Vũ cùng quan quân còn lại rút lui về thành Phục Hòa cố thủ.
Kể từ ngày thành Cao Bình thất thủ, lui về thành Phục Hòa vua Mạc Kính Vũ ngày đêm lo lắng, phiền muộn. Khi đó ngài chưa biết rằng, còn người con nữa của ngài vẫn còn sống. Ấy là công chúa út Mạc Tuyết Lan, còn có tên là Mạc Tiên Giao. Ngày xảy ra chiến sự công chúa mới tuổi mười ba, do đang mải chơi bên trường Quốc học đặt ở bản Thành mà may mắn thoát họa. Một nữ phục vụ của trường đã dắt nàng cùng con gái chạy về phương Nam. Sau nhiều ngày băng rừng, vượt suối, họ đã dừng chân ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Ba năm sống ở đây công chúa đã mang tên mới. Một cái tên không chút dấu vết để có thể luận ra gốc gác. Nàng tên Slở, chị của người em gái tên Gường, con một người mẹ Tày quê Nam Mẫu, Háng Xlo. Một chiều có người đến báo tin, vua Mạc Kính Vũ còn sống. Ngài đang củng cố lực lượng chống lại các cuộc tấn công của quân nhà Lê do tướng Đinh Văn Tả chỉ huy ở thành Phục Hòa. Thương cha, nhớ mẹ, Mạc Tuyết Lan xin phép mẹ nuôi được quay về Cao Bình tìm mọi người. Mẹ nuôi giờ đã yếu lắm, không thể cùng nàng trở về khiến bà buồn lo vô cùng. Đại ngàn mênh mông, thú dữ rình rập khắp nẻo đường liệu có yên thân? Nhưng xem ra con gái nuôi của bà quả quyết lắm. Ngăn suối ngăn sông sao có thể ngăn tình ruột thịt. Bà gọi con gái đẻ tên Gường đến nhắn nhủ: “Hãy hứa với mé, dù chuyện gì xảy ra cũng không được rời chị con dù chỉ nửa bước. Nếu cần lấy cả tính mạng ra bảo vệ nhớ chưa con?”. Gường gật đầu đáp lại lời mé dặn dò.
Cơm lam, muối vừng mé đã chuẩn bị sẵn trong nải, đến đâu đói bụng, hai chị em dừng lại ăn. Khát có nước khe, nước suối. Ngày đi, đêm nghỉ để tránh thú dữ tìm ngách hang, hốc đá ngả lưng. Lương hết, lực kiệt, sang ngày thứ năm không lê nổi chân nữa. Dồn chút hơi sức còn lại nàng nói với Gường: “Gắng lên em ơi, có lẽ sắp đến nơi có người rồi. Chị em mình sẽ được cứu”. Dứt lời Slở đã gục xuống. Thấy chị bất tỉnh, Gường kêu khóc thảm thiết. Tiếng than vang động núi rừng. Có tốp người giáo mác trong tay đang lên vọng gác trên đỉnh đèo Tu Pụt. Nghe có tiếng khóc từ một cửa hang bên đường họ cùng tiến đến. Trong hang một cô gái nước mắt đầm đìa đang ngồi ôm một thiếu nữ đã bất tỉnh. Họ vội làm cáng đưa hai người xuống đèo. Nước cháo giúp Slở, Gường dần hồi tỉnh. Một người đàn ông dáng vẻ thủ lĩnh xuất hiện, từ tốn: “Các người đang ở xóm Phiêng Lâu, Tổng Lao, Phục Hòa. Nơi đây là đại bản doanh của quân nhà Lê. Có việc gì mà các ngươi phải thân gái dặm trường nói ta nghe?”. Nàng Slở đáp: “Dạ thưa, vì cha mẹ mất sớm, hai chị em phải ở với họ hàng, nay bị ép gả chồng, vì không ưng nên đã bỏ trốn. Cứ đi mà không không biết về đâu, nay lạc tới đây.”. Không ngờ lời nói dối của nàng đã khiến người đàn ông động lòng, liền bảo: “Ta là tướng quân Đinh Văn Tả, từ hôm nay ta thu nhận các người làm nữ hầu trong đại bản doanh Tổng Lao”. Từ ngày được nhận làm hầu, Slở và Gường được đi lại tự do hơn. Tướng quân Đinh Văn Tả xem ra cũng hài lòng khi nghe được những lời khen của thuộc hạ về hai nữ hầu. Rằng, quả là trời sinh một cặp, những đêm trăng sáng nghe hai nàng hát lượn Cọi, lượn Slương mà nghe như tiên hát. Lại còn khéo tay, hay chữ. Hẳn con nhà gia phong, dưỡng dục tử tế mới nên vậy. Đôi lần chứng kiến, tướng quân thấy những lời khen đó quả không sai. Ông càng thêm quý mến hơn. Cũng có lần không khỏi phân vân, nữ nhân tên Slở dẫu trong trang phục Tày bình dị có nét gì đó khác thường. Ý nghĩ đó chỉ thoáng qua chứ không lưu tâm trí. Ông đang lo đến việc lớn khác. Từ ngày thu được thành Cao Bình, gần tám năm đã qua vẫn chưa chiếm được thành Phục Hòa. Vua Lê xem ra không hài lòng, ngài đã ra chỉ cho tướng quân phải đánh chiếm bằng được trong năm nay. Ngửa mặt lên trời, nhìn vầng trăng vằng vặc đổ vàng khắp rừng núi mà lòng chẳng yên. Tâm tư lắm! Máu dân lành đâu phải nước lã. Cái sự chậm trễ đó đâu phải bất tài, bất lực? Ấy là ngài tâm tư về nỗi khổ chúng sinh. Bao năm nội chiến chỉ muốn kết thúc nó bằng sự hòa hợp không đổ máu. Với lại ngài cũng đã biết về thân phận của một người mà bấy lâu ngài thương thầm nhớ vụng. Ấy là nàng Slở. Nàng kém ngài gần chục tuổi, xinh đẹp tài hoa. Những năm sống ở đây nàng đã một dạ cúc cung, truyền dạy cho dân binh Tổng Lao biết bao điều hay, điều tốt. Cuộc sống yên vui thanh bình hôm nay trên vùng đất này có một phần công sức của nàng. Ngài yêu nàng vì lẽ nữa, chẳng phải cho người đi dò hỏi mới biết nàng là công chúa út của nhà Mạc. Ngài đã đoán ra từ những ngày đầu. Công chúa tìm đến đây hẳn chỉ muốn tìm gặp vua cha. Vậy mà nàng không bỏ đi, dẫu chiến tuyến chỉ ngăn cách bởi con sông Bằng. Vì lẽ gì? Hay nàng cũng đã yêu, một tình yêu với người đất này? Hay cũng đã thầm yêu ngài như tình ngài với nàng? Mong manh lắm! Nhưng dẫu sao đó cũng là tình cảm thiêng liêng. Mai đã rằm tháng Hai, sẽ là ngày động binh công thành Phục Hòa trận cuối. Ngài quyết định gặp nàng, thổ lộ nỗi niềm.
Nghe ngài bày tỏ, nàng xúc động với tình cảm chân thành. Nhưng cũng lo lắm. Ngài thật đã tin nàng, nói với nàng cả ý định sẽ tiến đánh thành Phục Hòa nay mai. Đêm đó nàng đã nghĩ rất nhiều, tâm sự với người em gái tên Gường về nỗi khổ tâm cả sự bế tắc. Ngay trong đêm nàng đã viết thư để lại rồi cùng người em ra bờ sông. Con sông hiền hòa ngập ánh trăng của đêm 14 tháng 2 năm 1685 đã đón nhận nỗi niềm khổ đau, đầy nhân nghĩa của hai sinh mạng tài sắc vẹn toàn.
Lá thư nàng để lại đến tay tướng quân Đinh Văn Tả. Trong thư nàng đã thú nhận mình là công chúa con vua Mạc Kính Vũ, người cùng đi là em gái đồng canh kết nghĩa. Vì chịu ơn cứu mạng của tướng quân, được tướng quân nặng tình ưu ái, tâm sự những đêm năm canh, nay không ủng hộ chủ đánh thành Phục Hòa là bất nghĩa, mà ủng hộ để chống lại cha mình là bất hiếu, bất trung. Trước tình cảnh éo le, bèn tìm đến cái chết để bày tỏ tấm lòng với trời đất.
Thi hài hai nàng được tìm thấy, đã được người dân mai táng trên đỉnh đồi Khau Màu Nòn (đồi ngủ say) trong nghi lễ trang trọng và tiếc thương vô hạn. Cuối năm đó tướng quân Đinh Văn Tả mới đốc quân tiến đánh thành Phục Hòa. Lạ thay, cửa thành bỏ ngỏ, không một hành động kháng cự, không giọt máu đào đổ xuống. Tất cả đều quy thuận. Nghe truyền, sau khi biết tin về cái chết của con gái, vua Mạc Kính Vũ đã vô cùng buồn bã. Ngài đã quyết định dừng cuộc chiến, lặng lẽ trao thành cho nhà Lê rồi bỏ đi biệt tích.
Để tưởng nhớ người có công đưa hát Nàng Hai cùng những làn điệu dân ca vào nghi lễ cầu mùa mỗi độ xuân về; trước lúc quyên sinh đã để lại bức thư với nỗi niềm khổ đau mà hàm ý, muốn cuộc nội chiến tàn khốc từng gây biết bao đau khổ cho dân lành phải chấm dứt; năm 1685 tướng quân Đinh Văn Tả đã quy định, hằng năm lễ hội Nàng Hai ở Tổng Lao sẽ bắt đầu vào ngày 30 tháng Giêng, kết thúc vào ngày 23 tháng 3 (âm lịch). Trong lều trăng ngoài các thành phần, đồ cúng tế như đã có, từ nay sẽ chọn hai thiếu nữ trinh nguyên vào vai nàng Slở, nàng Gường để nhập hồn tiên. Vì hai nàng Slở, Gường đã hóa tiên kể từ đêm trăng đó rồi. Chuyện xưa giờ vẫn còn nghe kể lại. Cái đêm hai nàng gieo mình xuống sông Bằng, có người bảo, chính họ thấy có hai vệt sáng như lửa bay vút từ đáy sông lên trời. Vậy các nàng đã là tiên thật rồi! Vậy là từ bấy hai nàng trở thành trung tâm lễ hội. Chỉ hai nàng mới đón được Mẹ Trăng từ cung Hằng Nga xuống ban cho con người có cuộc sống an lành, hạnh phúc.
***
- Chuyện xưa đã bao năm, nhắc lại mà vẫn chạnh lòng.
Em gắng kiềm chế xúc cảm bằng tiếng thở dài kín đáo. Câu chuyện em kể khiến tôi thấy mình như bị tách ra. Thân vẫn đây mà hồn như phiêu diêu cõi xa lắc. Đã từng nghe chuyện về lễ hội làng mình, nhưng có lẽ đây là lần đầu tôi tường tận. Em bảo, đã được nghe chuyện này qua lời kể của mé Khèn trước ngày được giao nhập vai nàng Slở. Bữa đó em đã không cầm nổi nước mắt. Và cái đêm tôi đến tìm em trong buổi lễ khi em đã nhập hồn tiên Nàng Hai! Ấy là Nàng Trăng từ cung Hằng Nga đã đến dắt tay nàng, và cả nàng Gường nữa cứ bay lên, bay lên trên bầu trời với muôn vàn vì tinh tú. Đầu óc sáng láng, thân nhẹ như bông gạo bồng bềnh trong gió xuân. Cho tới lúc đàn phách báo hiệu đã đến lúc tiễn biệt các tiên nữ về trời mà lòng vẫn còn tiếc nuối. Ước lần nữa được nhẹ bay trong không gian lung linh huyền ảo. Nhưng đời người chỉ một lần thôi, thế cũng là hạnh phúc rồi.
Ngoài xa có tiếng gà gáy vọng về. Em nhìn tôi, khẽ bảo:
- Mình ra ngoài chút đi anh.
Tôi đứng dậy, theo em bước ra ngoài. Con suối trước nhà mùa này cạn nước. Tiếng róc rách như lời thầm thì vọng về từ quá khứ chở đầy ánh trăng xuôi về sông Bằng. Em vén quần khẽ đặt chân xuống nước. Muôn vàn mảnh vàng chợt như vỡ ra, bay lên bầu trời tràn ngập ánh trăng với những vì sao nhấp nháy như kim tuyến. Mai đã là rằm. Lễ đón Nàng Trăng từ cung Hằng Nga tới sẽ bắt đầu cho một mùa lễ hội.
Hà Nội, ngày 1 tháng 12 năm 2020