Thời gian đi qua tôi, qua em như dòng sông dửng dưng trôi, bỏ lại bờ cỏ nối tận chân rừng, với lũ trâu, lũ bò và bọn trẻ mục đồng mờ bóng sương mây. Có tiếng hú gọi nhau xuyên vách núi. Sông ở rừng là đây. Nguồn đến từ muôn khe suối, lách qua rừng và điệp trùng non cao. Có cánh chim ưng dừng lưng trời, ngó nghiêng mặt đất những muốn kéo thời gian ngưng lại. Em và tôi cùng bao đứa trẻ hồn nhiên lớn, rồi nối nhau rời quê khiến bờ bãi ngày một thưa vắng. Ta, đứa con xa làng Bường chỉ trở về bằng hoài niệm. Em có bao giờ trở về không? Em phương Nam ấy bây giờ ra sao? Mỗi độ thu qua đông tới ta lại thấy nhớ bờ bãi ấy. Nơi ghi dấu ấn tuổi thơ, vui sướng, hồn nhiên và đôi khi có thoáng buồn vu vơ. Nơi tình yêu đầu của ta với cô bé nhỏ xinh, mùa thu em thường mặc chiếc áo xanh cổ vịt, mùa đông lại chiếc áo bông màu hoa đào. Em bảo khi ấy nếu anh hỏi, làm vợ anh nhé, em sẽ gật đầu. Hồi đó em biết con tim mình thầm yêu, dù chỉ là tình yêu con trẻ, nhưng là vệt nắng đầu đời trong veo lan trong trời thu xanh ngắt còn thắm mãi đến bây giờ. Anh bảo, trẻ con mà em, nào ai dám. Ừ, ngày đó nhút nhát, vì thế anh mới không có được em.
Ngày anh rời quân ngũ về lại làng bên sông, em đã là gái có chồng. Anh bế con em, đứa con lẽ ra là con anh, nhưng điều đó sẽ không bao giờ nữa. Vô tình anh chạm bàn tay em. Em e lệ rút tay về, rồi cúi xuống, má đỏ bừng. Chỉ ngần ấy thôi, cả hai ngậm ngùi, ván đã đóng thuyền. Ngày mai thuyền sẽ về phương Nam. Chủ nhân của nó là bạn thân của anh, cái thằng hồi nhỏ đã mắm khăng bay vào đuôi lông mày anh, vết sẹo giờ vẫn nằm đuôi mắt. Thấy anh sang chơi, ẵm đứa con gái nhỏ xinh của nó, nó mừng ra mặt, vội đặt chảo rượu lên bếp lò, rồi nhanh tay vặt lông con gà, nấu bát canh gừng. Một bữa ăn được thao tác thật nhanh. Rượu trong đõ gốm nhỏ xuống vò tong tanh nghe như âm thanh dây trong cây đàn tính. Rượu chảy đến đâu, uống đến đó. Nóng, êm và thơm lạ kỳ. Sa-kê của Nhật sao bằng rượu quê. Hai thằng say rũ, rồi gác chân lên cổ nhau miên man trong một chiều bình yên, như thể chẳng hề có chuyện gì, như thể chẳng ai thấy gì trước đó. Anh tỉnh rượu. Em bước về phía bếp lửa.
- Trông anh buồn cười lắm.
Anh ngơ ngác nhìn em, mắt long lanh lửa. Em hỏi:
- Uống chè rừng anh nhé?
Ừ, đó là loại cây thuốc, hãm nước giải rượu không gì bằng. Mát và dễ chịu đến lạ. Hình như hương rừng đang ngấm vào từng đường máu trong cơ thể. Em khẽ bộc lộ như sợ chồng mình nghe tiếng:
- Lần đầu anh Lung uống rượu đấy. Ba con hổ ăn không hết thịt nhưng rượu thì yếu lắm. Chắc mừng vì gặp bạn.
Vẫn biết Lung là kẻ không hay rượu, thứ vừa đắng vừa cay nồng chẳng thể hấp dẫn được cái thằng luôn chỉn chu phong cách. Lung có biết ngày xưa tôi yêu em, dẫu quá khứ nhút nhát đến giờ vẫn được giấu kín. Bâng khuâng và tiếc nhớ mơ hồ. Lung ngon giấc trên chiếc chiếu nan cật giang, những sợi nan ngả màu ngà óng như quang dầu, đầu gối lên khúc gỗ vuông. Vẻ mặt bình yên. Từ lúc gặp lại chẳng biểu lộ ngờ vực hay canh chừng. Vẫn như xưa, thân thiết và hồn nhiên như cây cỏ. Bao nhiêu cuộc bỏ rông lũ trâu bò tự kiếm ăn nơi bờ bãi trèo cây hái quả, lội sông bắt cá. Có lần trèo hái bứa ta làm rơi con dao vào cổ tay Lung, vết sẹo còn kia. Ta gờn gợn đưa tay vuốt nhẹ đuôi lông mày. Sau này được đi nhiều nơi ta mới biết trò chơi này đâu cũng có. Lung có cú mắm khăng lợi hại, con khăng bay căng và cắt gió như cánh quạt. Lần đó ta đã tóm trượt. Lung lo lắng và sợ hãi khi thấy ta bưng góc mắt, máu tràn qua các kẽ ngón tay. Ai dạy mà nó biết hái một nắm lá cứt lợn nhai nát rồi đắp lên góc mắt ta cầm máu. Nó dỗ dành và an ủi ta với vẻ ân hận vô cùng.
Ngày mai Lung sẽ đưa gia đình về Nam. Con thuyền rồi cập bến bờ nào? Ta bâng khuâng thương bờ bến làng Bường. Ta nhớ nó ngay cả khi đang ngồi bên con sóng nhuộm đỏ hoàng hôn tớp táp vỗ bờ. Ta oán trách thời gian dửng dưng trôi, dửng dưng để mặc trẻ nhỏ lớn lên, trưởng thành, rồi chia tay mỗi thằng về một chân trời góc bể. Để lại phía sau con rắn xanh khổng lồ bên dòng sông lững lờ ngược Bắc như kẻ phụ tình. Đất nước này có con sông nào như thế? Bằng Giang xanh trôi. Ta nghe đâu đây vọng tiếng mõ trâu lốc cốc… lốc cốc. Âm thanh đứt nối nhắc nhớ mùa trâu bò thả rông. Mùa thả rông là những tháng cuối năm lúc nông nhàn lũ súc vật được về với cội nguồn hoang dã. Rừng đấy, cỏ đấy mặc sức kiếm ăn không cần người canh chừng chăn dắt. Mùa bật đất theo tiếng mõ người ta lại đi tìm về.
Chuyện tưởng hôm nao thoắt đã bao năm. Lung tỉnh rượu. Nó bảo:
- Chờ lát nữa tắt nắng đi tắm sông.
Ta gật đầu như nghe lệnh. Cái thằng vẫn tính nết áp đặt, định thế nào khó thay đổi. Nếu chiều nay không có ta, một mình nó vẫn sẽ ra sông. Nhưng đây là một lời rủ rê quyến rũ sao có thể từ chối. Ta từng mơ ước hôm nay, được trở về vùng vẫy trên con sông tuổi thơ. Nước ngắt xanh lờ lững như mơ ngủ.
Sông êm ả giữa hai bờ tre rủ. Nước xỏa trên lưng Lung tạo sóng nhỏ như nếp mây trắng cuối chân trời. Ta gắng bơi theo nhưng vẫn tụt lại. Từ bé Lung đã đã được mệnh danh cá kình. Cả xóm Bường không ai có thể cắt nước nhẹ và nhanh như nó. Nó có thể ngủ dưới nước được nữa kia. Những khi thảnh thơi Lung nằm ngửa, hai tay khoanh ngực nổi lềnh phềnh mặt nước, bất động hàng giờ.
Ta sải tay bơi theo. Tới giữa sông, Lung dừng lại. Ta nhớ chỗ đó có một mô đá ngầm, cát bồi lắng quanh chân tạo nên một chỗ có thể dừng nghỉ mỗi khi bơi ngang tới đây. Chỗ này nước ngập ngang ngực, nhưng nếu trượt chân có thể bị hút vào một xoáy nước. Xoáy nước đó làng Bường gọi là “vằng ngược”. Từng có bao người bị “vằng ngược” nuốt chửng. Có người may mắn thoát chết kể lại, khi đó như thể bị lôi xuống âm ti buốt lạnh, tức thở tưởng không bao giờ còn thấy mặt trời. Thoát chết là may mắn cộng với bản năng sinh tồn giúp người ta chống chọi, tự dỗ mình, đừng cuống, nín hơi thật sâu cho tới khi bị cuốn vào một bờ đá ngầm, lấy hết sức đạp thật mạnh vào đó, đẩy mình thoát lên. Lúc nhô khỏi mặt nước đã thấy cách xa “vằng ngược” hơn nửa cây số. Từ nhỏ ta chưa bao giờ dám bơi ra đây. Cả làng Bường chỉ vài người, trong đó có Lung thỉnh thoảng vẫn bơi ra chỗ con xoáy như phễu loáng bóng khổng lồ. Giờ Lung đang đứng trên mô đá. Nó vẫy ta bơi đến. Có nên không? Ngày nhỏ sợ, chẳng lẽ đến bây giờ vẫn ám ảnh? Những cái chết mất xác ngày nào khiến ta ớn lạnh. Như đọc thấy nỗi ái ngại trong não ta, Lung toét miệng cười, hàm răng trắng lóa long tong nước. Nó ngụp một hơi thật sâu rồi bật người nhảy lên. Nó muốn chứng tỏ, chẳng có gì đáng sợ. Nhìn xem, mọi chuyện đều ổn. Ta hít một hơi sâu, bơi đến. Bàn chân chạm vào mặt đá cứng trơn, nước ngập tới vai. Bấy lâu vẫn tưởng chỗ này nước lặng, hóa ra chảy khá mạnh. Để đứng yên ta phải dang tay khoát nước giữ thăng bằng.
Ta chợt nhận ra đôi mắt Lung ánh những tia rất lạ. Có gì đó bí ẩn đang được che đậy trong vẻ mặt bình thản. Chẳng cần đưa tay giữ thăng bằng, Lung vẫn đứng vững trong dòng chảy mạnh.
- Lần đầu bơi tới đây phải không?
Ta gật đầu thú nhận với vẻ xấu hổ của kẻ bị bắt thóp non gan. Lung liếc sang, vẻ đắc thắng. Ta không thể hình dung chuyện gì đang sắp xảy ra. Dưới chân mặt đá trơn nhẫy. Chợt nghe nó hỏi:
- Này Nhâu, nếu rơi xuống “vằng ngược” này mày tính sao?
- Làm sao biết, tao còn chưa một lần tới đây.
- Lúc này thấy thế nào?
- Vẫn rờn rợn như ngày xưa.
- Chỉ những kẻ tim thỏ, gan chuột mới thấy sợ thôi.
Ta hoang mang nhìn Lung. Nó dửng dưng như không. Hình như nó có ý gì đó. Thử lòng can đảm của ta ư, đâu cần phải thế? Điều gì khiến nỗi ái ngại thấm lâu đến vậy. Ta bỗng thấy ghét ta quá.
Giọng nó khào khào:
- Chờ gì nữa, thử một lần cho biết đi.
Vừa nói nó vừa đẩy vai ta. Bị mất thăng bằng ta chới với, nước xô mạnh đẩy ta rời khỏi mô đá ngầm, trôi tuột vào miệng phễu. Đột nhiên ta thấy mình bị hút vào một hố sâu buốt lạnh. Ta cố căng mắt nhìn nhưng tất cả đều một màu đen ngột ngạt. Tai và ngực bị sức ép của nước nén chặt inh inh. Ta lọt thỏm giữa mênh mông trống trải. Chẳng có bờ đá nào dưới này như lời đồn. Cảm nhận cái chết đang đến. Có lẽ chỉ hai phút nữa, nếu không cách nào thoát khỏi xoáy nước lẫn bùn cát này tất cả sẽ chấm dứt. Ta bỗng oán giận sự quá trớn của Lung. Sao có thể lấy sinh mệnh bạn bè ra đùa bỡn. Ta đâu có phải cá kình, chuyện đó Lung biết mà. Ta ra sức vùng vẫy để khỏi bị hút xuống sâu hơn và cố ngoi về khoảng sáng mờ xa tít. Một dòng chảy mạnh bất ngờ đẩy ngang khiến đầu va vào một vật cứng. Không để ý cơn đau, ta bám vào đó với cố gắng tuyệt vọng. Có lẽ chỉ một phút, không, chỉ vài chục giây nữa sẽ hoàn toàn ngạt thở. Mặt và ngực căng phồng như bong bóng. Mọi thứ sắp nổ tung. Ta phát hiện chỗ tay bám là vách đá. Một miệng hang ngầm. Biết lối ra là đâu? Vậy thì chắc chết rồi. Vừa lúc ta nhìn thấy một bóng đen lướt đến. Một con cá khổng lồ? Một tu ngược chuyên ăn thịt người? Không phải, chỉ thấy nó vụt bơi đến, đã thấy mình bị túm tóc kéo theo. Lâu lắm! Cảm giác thời gian ngoi tới mặt nước có lẽ dài hơn cả một ngàn năm. Ta gục xuống bên bờ thở dốc. Là Lung ư? Ở tuổi này sao vẫn lối nghịch như con trẻ? Biết nói gì lúc này. Vẻ mặt bình thản quá, chẳng biểu lộ gì có thể đọc. Giá nó thanh minh hay tỏ ra hối hận, hoặc gì đó. Giá như, giá như… nhưng chẳng gì cả, nó lẳng lặng đứng dậy, nước tong tóc nhỏ xuống vết chân in sâu mặt cát. Chừng mươi bước nó quay lại, khẽ nói:
- Về thôi.
Chỉ thế thôi ư? Cảm giác như vừa để rơi mất thứ gì đó thân thiết. Ta không còn hứng ở lại một đêm như đã định. Có gì đó bấy lâu thân quen đang dần rời xa, nuối tiếc mơ hồ. Ta đến từ biệt. Lung đi đâu đó. Em lặng lẽ quay vào nhà với vẻ mặt cố tỏ ra bình thản, nhưng thoáng có nỗi buồn phảng phất trên môi cười.
Sau gần tám năm ta trở về làng Bường là thế. Chợt như kẻ lạ, như lãng quên trong ký ức người quê nhà. Ta bỗng trở nên yếu đuối và buồn lặng lẽ. Giờ lại đi, trở về với bản báo ngoài thành phố ồn ào ta vừa xin vào làm việc. Biết bao giờ trở lại nơi từ bao lâu ta luôn nhớ về, những vệt nắng dài bên sông, tiếng mõ trâu lốc cốc như thúc vào chiều âm thanh lỗi nhịp, gương mặt bạn bè, gương mặt em hóa kỷ niệm rồi. Lòng thổn thức tiếc nhớ tháng năm cũ. Liệu có còn làng Bường nữa trong ta? Từ mai em cũng đã theo chồng về Nam, đến miền đất Tây Nguyên dằng dặc cách xa, sẽ chỉ còn một chấm mờ ký ức.
Cho đến giờ mỗi lần nhớ lại đôi khi tôi thấy mình cố chấp. Sao có thể ngờ vực bạn mình? Rồi thầm rủa mình hạng tiểu nhân vô sỉ, sao có thể đắm đuối với người con gái đã thuộc về người khác, người khác ấy đâu phải kẻ lạ. Sao không xua đuổi sự cám dỗ bằng lý trí mà để trái tim mù như bị ma quỷ dẫn lối. Lúc nàng đưa con cho ta bế, ta làm như vô tình nắm tay nàng. Sự đường đột khiến nàng bất ngờ. Trong thoáng thật ngắn, nàng để yên cho ta nắm tay, bàn tay thon và mềm mại. Hình như nàng cũng đã đợi giây phút này từ lâu. Hình như nàng muốn ta hiểu tình yêu ngày xưa ấy chưa phai mờ trong tim nàng. Ta còn thấy ở sự run rẩy đó một lời trách móc, sao lâu quá chẳng tin gì, đi mãi như không bao giờ trở về nữa vậy. Ngay phút đó nàng chợt tỉnh ngộ, giờ còn gì nữa đâu, rồi ái ngại gỡ tay khỏi tay ta, má bừng hồng như bắt hơi lửa. Chỉ ngần đó thôi, nhưng cũng đủ dằn vặt tận bây giờ. Ta thấy mình có lỗi, vô tình khơi nên mối tình đã chôn vùi trong quá khứ. Sự nông nổi ngày đó lẽ ra phải kiềm chế. Cho đến giờ ta vẫn không biết có nên tự trách mình nữa không?
Ta chẳng còn nghĩ đến nếu không có đợt công tác vào đây. Tây Nguyên đầy nắng gió. Bạt ngàn hoa dã quỳ rộ vàng khắp nơi nhắc ta thêm nhớ làng Bường. Mùa này đang thu, nơi nơi chân núi, vệ đường quê nhà hoa cúc dại đang nở. Nhìn những dải dã quỳ rực trong nắng gió Tây Nguyên ta như thể gặp lại cố nhân. Trên xe, Hồng Chiến ở Tạp chí Chư Yang Sin luôn miệng kể cho ta nghe về loài hoa này:
- Dã quỳ là biểu tượng của Tây Nguyên đấy anh ạ.
- Quê mình gọi hoa này là cúc dại.
- Thế ra Cao Bình cũng có hoa dã quỳ?
- Ừ, nhưng không nhiều như ở đây.
Hồng Chiến kể cho ta nghe một thời hắn từng là thợ săn cự phách. Không rừng nào ở Đắk Lắk hắn không đặt chân. Hồi còn là giáo viên, bị kỷ luật do hiểu lầm, không được lên đứng lớp, hắn khoác súng vào rừng săn bắn chim thú nuôi thân. Giờ thì khác, cứ nhìn thấy súng ống, tên nỏ là người nổi gai như lên cơn sốt. Hắn bảo, nhớ lại ngày ấy thấy hối hận và xót xa lắm. Rồi hắn quay sang nói với tôi:
- Làm việc ở huyện khoảng một tiếng lấy đủ tư liệu cho bài viết xong em sẽ đưa anh xuống xã Ea Tam, ở đó toàn người Cao Bình anh ạ.
Đồng hương ư? Trong tôi chợt dâng cảm xúc. Cũng đang muốn gặp một vài người để xem cuộc sống của họ từ ngày xa quê có gì đổi khác. Tôi thầm cảm ơn Chiến, không có gã làm sao có chuyến đi này. Tôi ngầm quan sát, thằng cha này dân Thanh Hóa mà có nước da nâu đen và bóng hệt người bản địa.
- Ông đúng là thổ công, chỗ nào cũng biết, chắc ngày trước…
Chiến cướp lời:
- Thôi, đừng nhắc lại nữa anh.
Không hình dung trước hắn thế nào, tôi thấy Chiến chân chất và lành, chứ đâu có dáng dấp của một tay thợ săn chuyên nghiệp lặn lội rừng rậm núi cao, tóc dài, râu rậm, quần áo mốc thếch, rách tươm. Giờ hắn là một cây viết ký cự phách, nhất là những bài viết về rừng rất sinh động và sâu sắc.
Xe đến trung tâm huyện lỵ, Hồng Chiến mở cửa xe nhảy xuống:
- Em đưa anh vào nhà ông anh kết nghĩa của em uống nước, em sẽ đến hỏi Văn phòng Ủy ban xem cuộc họp Thường trực huyện đã kết thúc chưa, rồi ta hẵng đến làm việc.
Tôi gật đầu đồng ý.
Chiến đưa tôi đến một ngôi nhà lợp tôn nằm bên vệ đường. Cửa xếp mở toang, nền nhà lấm lem dầu mỡ, trước hiên phụ tùng, săm lốp xe máy treo lủng lẳng. Một người đàn ông mặc áo phông nhom nhem, tóc cắt cua đang ngồi loay hoay tháo ốc máy bình chứa dầu chiếc xe Dream. Như đọc được điều ái ngại trong tôi, Chiến vồn vã:
- Là ông anh kết nghĩa của em đấy. Cũng là đồng hương với anh. Cứ ngồi đây chờ em mươi phút, em sẽ quay lại.
Hai chân tôi như bị hút xuống hè đường, mắt không rời cánh tay đang cầm cờ lê xoắn ốc vít thoăn thoắt điệu nghệ. Không cần quay lại, người đàn ông có cái đầu húi cua nói vọng ra:
- Bạn chú Chiến thì vào nhà ngồi chơi. Đang bận tay, chờ lát nữa là xong việc ngay thôi mà.
Giọng nói sao nghe quen quá vậy? Tôi hồi hộp. Chỗ cổ tay có một vết sẹo như con vắt xanh bám. Có lẽ nào? Lối nói của người miền núi quê tôi hơi lắng xuống ở cuối câu nghe thân thiện và gần gũi không thể lẫn. Tôi bước đến sau gã, khẽ hỏi:
- Lung phải không?
Cái đầu húi cua cùng tấm lưng gày khẽ quay lại. Thoáng sững sờ thoắt biến, neo lại trong mắt sự lãnh đạm u ẩn. Có vẻ gì đó như khó chịu, miễn cưỡng khiến chiếc cờ lê trong tay gã cứ trượt qua đầu ốc vít như thợ vụng học nghề. Hình như gã nghĩ mình sẽ được tiếp một ai khác chứ không phải tôi. Hay gã không muốn bạn bè chứng kiến mình đang trong cảnh lấm lem nhọc nhằn. Sao thế chứ? Tôi nào có gì khác, gặp bạn cũ ở quê người còn vui nào bằng. Đó là bạn tôi, một thằng bạn từ hồi nhỏ, một con cá kình, một chấm nhỏ trong những chấm nhỏ bên bờ sông Bằng lẫn trong sương mây và khói lam chiều lãng đãng. Tôi chợt buồn, một nỗi buồn thoáng chút thất vọng chiếm lĩnh tâm tưởng.
Hắn hơi già đi nhưng nước da vẫn không chịu đồng hóa với dân bản địa, thứ màu nâu đặc trưng tuy không thể xâm lấn bề ngoài nhưng phần nào đã hun vào hắn những nét khắc khổ. Ném chiếc cờ lê vào đống giẻ lau ngay cạnh hộp đồ nghề, hắn lẳng lặng bước về phía chiếc bàn gỗ kê gần cửa. Sao kiệm lời quá vậy? Tôi không thể cứ vồn vã trong khi nó dửng dưng như không. Đã xảy ra chuyện gì, liệu có liên quan tới tôi? Là thuyền trưởng một con tàu kia mà, tự nó đã điều khiển con tàu đó vào tới đây để tìm cơ hội đổi đời. Bao năm qua nó làm ăn, sinh sống ra sao nào ai biết. Tôi cũng đã rất muốn biết về những ngày đó của nó và em nhưng từ lâu đã bặt tin. Có lẽ đã chín năm rồi. Gặp lại nhau là thế này ư? Tôi thấy bất bình và khó xử. Tôi chợt nghe nó gọi:
- Về đây ngồi uống chén nước đi.
Tôi đến ngồi bên chiếc bàn cáu đen dầu mỡ. Lòng chưa hết ái ngại:
- Sao thế hả Lung?
Vẫn vẻ mặt bình thản, Lung hỏi lại:
- Gì cơ?
- Có còn nhớ nhau nữa không mà mày bày cái bộ mặt khó đoán vậy?
- Mẹ mày thằng Nhâu, có chui dưới bùn lên tao vẫn nhận ra. Bây giờ còn gì nữa mà mày vẫn không chịu buông tha tao?
Tôi bất ngờ và thảng thốt. Vệt sáng lạnh toát ra từ ánh mắt như mơ ngủ đã một lần tôi thấy trên sông Bằng ngày nào, giờ lại lia vào tôi rất nhanh, rồi thoắt biến một cách ma mãnh. Cái gì là “buông tha”? Chẳng lẽ tôi là nguyên nhân của chuyện gì đó? Đây không phải tính cách của Lung, một thằng sống khoan hòa và luôn biết kiềm chế. Không để tôi lên tiếng, nó hỏi:
- Mày đã xuống xã Ea Tam chưa?
- Chưa, vừa mới đặt chân đến đây.
Lung cầm chiếc ấm rót nước vào chén, vẻ mặt nhạt hoét. Cái vẻ ấy như muốn tống khứ kẻ ngồi trước mặt, lại như đang dồn nén khinh bỉ. Tôi không muốn mình trở thành một trong hai đối tượng đó. Điều gì đã xảy ra khiến nó thay đổi? Bao năm cách xa có lúc nào tôi không nghĩ đến bạn mình, nhớ đến Miên. Đó là những người mà tôi yêu quý. Quá khứ đã qua rồi, hương tóc em trong buổi thu xưa cũng đã vùi vào ký ức. Đã bao lần tôi nhắc mình không bao giờ được nhớ lại chiều đó khi rời quân ngũ trở về làng Bường, đã làm như vô tình để nắm lấy tay em. Mỗi lần nhớ lại, hình ảnh Lung vô tư ngủ trên chiếc chiếu nan cứ ám ảnh và cắn rứt ta. Cứ nghĩ Lung vẫn chưa hề biết chuyện gì nên lòng cũng phần nào được an ủi. Nhưng dẫu sao chuyện đó vẫn bám riết. Ta hình dung như một gã ăn trộm báu vật của bạn, bao năm qua mà vẫn chưa cách nào trả lại. Thứ ăn trộm đó giá là vật có hình hài màu sắc sẽ dễ dàng biết bao, nhưng lại là thứ chỉ như khí trong bao la, biết cách nào gom cho được mà trả. Hay mình đã quá lo xa, có thể là một chuyện khác. Nhưng đó là chuyện gì phải được vỡ lẽ. Tính cách áp đặt của nó lúc này không còn thích hợp. Không thể để nó lấn át, nhưng phải lựa, nó có vẻ đang bị kích động.
- Lần đầu tao vào Tây Nguyên, không nghĩ lại được gặp mày ở đây. Bao nhiêu chuyện tao muốn biết, mà sao mày có vẻ coi tao như kẻ lạ?
- Kẻ lạ?
Lung khẽ nhếch miệng cười gằn. Kiểu cười thừa đó liệu có phải dành cho tôi, hay cho cả nó? Lung im lặng, nhìn ra cửa. Đất này nắng gió như dư thừa đẩy những rẫy cà phê nghiêng mình dưới trời xanh ngắt. Thỉnh thoảng trên con đường thảm nhựa rực nắng một vài chiếc công nông chở đầy phân bón và nông cụ chạy ngược chiều nhau. Những chuyển động trong không gian có vẻ như chẳng ý nghĩa gì với Lung. Nó buông một câu lọt thỏm rồi dừng lại. Chừng như như thế là quá đủ cho một câu chuyện chẳng mấy hứng thú. Nhưng bất ngờ Lung khẽ từng lời như chỉ để riêng mình nghe:
- Còn gì đáng để nói nữa. Từ ngày kéo nhau vào đây, với tao mọi thứ đã chấm dứt cả rồi. Chuyện buồn đã mở lỗ huyệt chôn chặt, bới lên làm gì thây ma ấy. Nhưng thấy mặt mày, lòng tao như bị dao sắc cứa đau buốt.
Tôi ư, sao tôi có thể là một phần nguyên nhân của chuyện gì đó? Tôi đang muốn hỏi về Miên, về những đứa con của nó, về những ngày tháng lăn lộn nơi đất khách quê người, nhưng có gì đó mách bảo, đừng thò những chuyện đó ra lúc này. Nét mặt Lung thoáng chau. Sự đau khổ hằn trong ánh mắt đang cúi nhìn xuống nền đất. Hãy để mặc nó, đừng hy vọng tìm lời an ủi. Tôi hiểu Lung, chẳng khi nào thổ lộ riêng tư với ai. Ngoài năm mươi tuổi hình như tính cách vẫn không thay đổi. Nhưng đến mức này chắc hẳn đã có chuyện gì đó. Để nói ra được ngần ấy lời ẩn khuất có lẽ đã vượt quá mức chịu đựng.
Tôi ấp úng:
- Không hiểu Lung à, tao không hiểu mày đang nói gì?
- Mày phải tự biết chứ. Bấy lâu tao vẫn nghĩ mình khôn ngoan hơn người, hóa ra lại là một kẻ dốt nát, cố sống, cố chết đoạt lấy thứ không phải của mình. Cái thứ luôn khuấy động sự yên tĩnh trong tao, luôn làm tim tao nhói lên mỗi khi nghĩ đến, đó là ai chẳng lẽ mày không biết sao? Mày tưởng Miên đã gửi lòng cho ai trước khi tao đến tao không biết sao? Ngày nhập ngũ mày đã cầm tay ai ấp lên ngực mình không ai biết sao? Tao đã lấy được người mình say đắm nhưng cũng lại sợ cái ngày ấy đến, đó là khi hết chiến tranh người ấy sẽ trở về. Nỗi bất an đã đẩy tao đến quyết định đưa Miên rời khỏi làng Bường, tao đâu muốn thế, cái làng bên sông Bằng ấy mỗi khi hiện về trong nỗi nhớ vẫn nhói trong ngực tao đây. Hồi đó sao mày không biến đi cho khuất mắt? Hay qua ngày tao vào Nam rồi hãy về thế có hơn không? Tao đã giả bộ cười, thực ra đã muốn đập vỡ cái mặt mày khi mày đưa tay đón con gái tao từ tay Miên. Sao mày có thể làm trò con vượn, con khỉ ngay trước mặt tao. Mày tưởng lúc đó tao chết rượu rồi ư? Đừng hòng, tao chỉ không thích uống đó thôi, nếu cần hết cả vò cũng không làm tao ngã. Thật xấu xa. Tao đã diễn trò say rượu để khỏi nhìn thấy cái cảnh cho đến giờ vẫn thấy ngượng mỗi khi nhớ lại. Tao đâu có phải kẻ nhỏ nhen ti tiện, nhưng cái cách mày làm với Miên bữa đó nó tầm thường và đáng khinh lắm. Nó như dao cùn cứa vào gan ruột đau buốt và nhức nhối. Lúc đó chỉ ước có phép lạ biến tất cả thành cát bụi. Cả cái tên Nhâu của mày cũng không còn dấu vết trong ký ức người làng Bường. Nhưng đó chỉ là mơ ước vô vọng. Và rồi tao đã nghĩ ra. Chiều đó trên sông chỗ “vằng ngược” ấy, mày đã chết. Ừ, khoái thật! Có kẻ nào rơi xuống đó mà không ra ma. Tao nhắm mắt và tận hưởng giây phút kẻ đáng ghét nộp mình cho thủy phủ. Tao đã bấm thời gian. Nó đang ngớp những hơi cuối cùng, lát nữa thôi sẽ không còn tung tích. Nhưng rồi không hiểu sao tao lại phải cứu mày? Tao thấy tao lạ lắm. Cho đến giờ vẫn chưa hiểu sao lúc đó mình lại làm thế? Hoàn sinh một kẻ vừa xuất hiện đã làm Miên thay đổi không còn muốn theo tao vào Tây Nguyên. Rồi những ngày sau này khi đã vào đây, Miên vẫn bần thần mỗi khi nhắc đến tên mày. Một cái tên quả thật không nên nhớ, nó đã gợi lên trong tao sự dằn vặt đau khổ. Hóa ra chưa lúc nào Miên thôi nghĩ đến mày, dù đã có tao, có tình yêu của tao. Tao thật sự là kẻ thất bại, đã cố căng mình ra để làm việc, để vun vén chăm sóc cái gia đình bé nhỏ, ngõ hầu thay đổi được hoàn cảnh. Nhưng càng cố tao càng thấy mình bị đẩy xa ra khỏi nơi mình đang bấu víu. Bao năm đã qua, những tưởng mọi chuyện đã tạm yên, nhưng sao mày vẫn chưa chịu buông tha tao ra? Có việc làm nào của mày mà không tính toán. Còn ai hiểu mày hơn tao? Mày là một kẻ bông lơn và dai nhách đáng ghét nhất trong đám bạn bè. Mày vẫn muốn gặp lại Miên phải không? Vậy thì đi đi. Đang dưới Ea Tam ấy, có muốn gặp thì xuống đó. Thằng em kết nghĩa của tao sẽ đưa mày đi. Cơ hội nữa lại đến đấy, đừng ngại.
Mặt tôi nóng bừng, không thể mở miệng để nói được lời gì đó. Nói gì bây giờ, lúc này khác gì một kẻ ăn trộm bị bắt quả tang. Tôi không có quyền gì để an ủi, để xoa dịu, để trách nó cố chấp. Bằng ấy lời Lung nói, tôi lờ mờ đoán ra phần nào câu chuyện, một chuyện gì đó không lành đã xảy ra.
Bẽ bàng quá, giá có thể chui xuống đất trốn. Trong não như có ai quay cối đá ù ù. Trời không oi nóng nhưng mồ hôi rịn ướt tóc mai. Trời đất, ngày đó hóa ra Lung không hề say. Nó vẫn tỉnh, cái tỉnh của người uống rượu nó hiểm sâu và thủ đoạn quá. Nó đã chủ ý đẩy mình xuống “vằng ngược” sao còn ra tay cứu? Đã có thể giết người một cách sạch sẽ sao không làm tới? Tôi nào còn ý nghĩa gì với tình bạn. Một kẻ nông nổi, tồi tệ đáng ghét. Tôi thầm rủa mình, chỉ một phút hồ đồ ngộ nhận đã khiến Lung dằn vặt và ngờ vực. Sự đau khổ có lẽ đã biến nó thành con người khác. Nó đã căm ghét và thù hận tôi. Tôi đáng bị thế lắm. Ngày đó sao tôi không chết quách đi. Tôi bỗng thấy mình trở nên thừa thãi, một đống vật chất vô nghĩa lý. Bây giờ nếu có thể biến mất khỏi mặt đất tôi cũng không hề hối tiếc.
Giọng tôi lép kẹp:
- Tao là đồ chó chết. Giờ mày muốn làm gì tao cũng xin chịu Lung à.
Nói đến đây toàn thân tôi tê dại, những muốn nó đâm một nhát dao thật mạnh vào ngực mình. Tôi muốn mình bị trừng trị, như thế là đích đáng. Lúc này có lẽ chỉ khi thấy máu trong thân thể trào ra mới hả được phần nào nhục nhã.
Cặp môi mỏng của Lung khẽ nhếch lên khinh bỉ:
- Mày đã chết trong tao từ lâu rồi.
Tiếng còi xe ngoài đường đột ngột cắt ngang câu chuyện. Hồng Chiến mở cửa xe vẫy:
- Các anh trong Ủy ban huyện đang đợi, ta đi thôi anh. - Chiến nói với Lung: - Xong việc em sẽ ghé lại thăm anh.
Cái đầu húi cua của Lung hơi gật gật đáp lại, vẻ mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
Xe lăn bánh. Tôi nhớ ra mình chưa chào Lung. Nhưng điều đó với Lung lúc này có ý nghĩa gì. Tôi nhìn thấy sự khinh bỉ hiện trong mắt nhìn của nó ném theo. Trong tôi trào dâng nỗi cay đắng nhục nhã.
Hồng Chiến quay đầu về phía sau nói với tôi:
- Anh Lung trông thế nhưng hiền khô anh Nhâu ạ. Người anh kết nghĩa của em đấy, lôi em ra khỏi nghề săn bắn là anh ấy. Anh em gặp nhau rồi quen nhau cũng là tình cờ. Anh ấy đúng là người ăn rừng, ngủ rừng. Khai phá được ba héc-ta đất, cây búa mang theo từ ngày mới vào vẹt đi chỉ còn một mẩu ngắn bằng ba ngón tay, con dao quắm Phúc Sen giờ mòn như một cái liềm. Bữa đó thấy em ngang qua lán trông như con ma đói, anh ấy gọi vào uống nước. Dần dà rồi thân. Anh ấy khuyên em bỏ nghề săn. Anh bảo nghề săn bắn chim thú là ác nghiệt lắm, kiếm việc gì đó mà làm. Chú là người tháo vát, anh tin không chết đói được đâu. Thế là từ đấy em bỏ. Anh em thân nhau cũng từ ngày đó.
Chiến hơi ngưng lại:
- Anh Lung có người vợ xinh ghê, chị Miên theo anh vào trong này đồng cam cộng khổ, nhưng đến khi ăn nên làm ra không hiểu sao anh Lung lại muốn ly hôn. Em khuyên giải, bảo: “Người ta chán vợ già, mê gái non, cặp bồ cặp bịch lại một nhẽ, đây anh chẳng rắc rối những chuyện đó sao lại thế?”. Anh ấy lặng đi rồi buông một lời: “Chuyện khó giải thích lắm, chú không hiểu được đâu”. Chị Miên chỉ biết khóc. Đến ngày sắp ra tòa, hai mắt chị Miên bỗng không nhìn thấy gì. Đi khám, bác sĩ bảo chị bị mù. Nghe tin, anh Lung đờ đẫn ra mấy ngày, rồi đốt luôn giấy xin ly hôn. Bây giờ tuy hai người vẫn là vợ chồng, nhưng mỗi người một nơi, chị dưới xa Ea Tam, anh dựng hiệu sửa xe máy ngay phố huyện thỉnh thoảng mới về. Anh bảo nhà có mấy héc-ta cà phê, phải ra đây kiếm ít tiền thuê người giúp làm. Một mình không thể gánh hết việc. Tuy tình cảm hai người không còn được như trước nhưng như thế là tạm ổn. Từ ngày trở về, mọi việc anh giành hết về mình. Tuy hai người ít nói với nhau nhưng xem ra anh quan tâm chăm sóc chị hơn trước. Chiều nay xong việc em sẽ qua đón cả anh Lung về dưới Ea Tam. Thổ công đấy.
Nghe Chiến nói, tôi hình dung ra cả một quãng thời gian khốn khó Lung đã phải đối mặt. Càng nghe lòng thêm buồn. Vẫn chưa thể tin không lẽ mình là kẻ tội đồ châm ngòi bất hạnh này. Điều phiền muộn còn nhấn sâu tâm trí, đẩy tôi vĩnh viễn chìm vào những day dứt tội lỗi khó có thể tha thứ. Tôi nào dám hy vọng được Lung tha thứ. Một kẻ không đáng một xu như tôi đây, Lung coi như đã chết từ lâu rồi. Giờ với Lung, tôi chỉ còn lại sự khinh bỉ. Tôi không có quyền oán trách. Tôi chỉ có thể không bao giờ tha thứ cho mình.
Những ngón tay tôi vô tình chạm lên đuôi lông mày bên phải. Vết sẹo gợi một nỗi buồn, nỗi buồn của tuổi thơ hồn nhiên, lung linh như nắng trong vắt của bình minh mùa thu, sẽ không bao giờ trở về nữa, ngày xưa ơi. Chiều nay xuống Ea Tam ư? Nhưng không biết có nên nữa hay không. Lòng chợt ái ngại. Sự ái ngại từ trong tâm khảm khi hình dung cái miệng cười và ánh mắt khinh bỉ của Lung.
Chiến hồn nhiên:
- Thế nào anh, xong việc mình sẽ đi xuống Ea Tam luôn chứ?
Tôi bâng quơ:
- Không biết nữa.
Chiến quay xuống ghế sau nhìn tôi ngạc nhiên. Ngoài xa những thảm dã quỳ nhuộm nắng vàng tươi. Gió từ phía nam ào ạt thổi tới. Tôi ước giá có thể nắng gió quê người hãy mang tôi đi, cuốn theo cả những chuyện buồn bên sông quê ngày nào, đến một nơi vô cùng.