Thế là hết mùa thu. Mấy hôm nay đã chớm đông nhưng tiết trời chẳng mấy lạnh. Ngày nào vào giờ này tôi cũng thường lên xe buýt trở về nhà sau một ngày làm việc. Gần một tuần nay nàng thường lên xe ở bến Láng, bến nằm bên đường lưng quay về sông Tô, con sông nước quanh năm đen như mực thối. Bến nàng đợi thường leo teo khách, khi xuống cũng chẳng mấy người.
Xe dừng, có tiếng bước nhẹ. Nàng lướt tới cuối xe, mỉm cười với tôi, hàm răng đều và bóng như ngọc. Tôi chợt thấy lòng nhẹ nhõm và hãnh diện. Lần thứ mấy tôi và nàng ngồi chung ghế, chẳng thể nhớ. Chiếc xe chuyển động rồi lắc mình như con chó bông cúm run rẩy dưới nắng. Khói đen loang dài trên đường. Dòng xe gắn máy dừng lại. Có người chau mày ném theo chiếc xe buýt ánh nhìn hằn học.
- Mùa hè qua rồi, thế là bớt khổ được vài tháng. - Nàng bâng quơ.
Tôi nhìn nàng rồi cười:
- Tưởng chỉ người khác mới thấy nóng.
- Ai mà chả nóng hả chú, kêu nó có mát được đâu!
Vẫn như mọi lần, chỉ ngần ấy câu rồi nàng ôm chiếc túi giả da, đầu hơi cúi chìm dần vào giấc ngủ. Quanh nàng tất cả như ngưng lại, chỉ nhịp thở nhè nhẹ thách thức mọi sự nhốn nháo diễn ra trên đường phố.
Lần đầu thấy xe dừng trả khách, rồi đón khách bến này tới bến khác, thấy nàng vẫn ngủ, tôi ái ngại. Lẽ nào quên mất phải xuống đâu đó rồi. Tôi khẽ chạm vào vai nàng:
- Này cô.
Nàng ngơ ngác:
- Gì thế ạ?
- Xe sắp tới bến cuối rồi.
- Cháu biết, đến nơi sẽ tự thức dậy mà chú.
Chỉ ngần ấy câu rồi nàng cúi xuống ngủ tiếp như thể đang trong nhà mình. Giữa hai hàng ghế mỗi khi xe vào cua đám sinh viên đứng lố nhố lại xô nhau dúi dụi. Khách xe buýt đều vẻ mặt như nhau, không ai nhìn ai, cũng chẳng ai chuyện với ai. Tất cả đều dửng dưng cảnh giác. Người Thủ đô bây giờ là thế, hay đó là thứ văn hoá xe buýt? Người Thủ đô, những người trên xe liệu có ai, hay cũng chỉ dân ngụ cư như mình?
Những muốn thoát khỏi ý nghĩ vẩn vơ, tôi nhìn qua lớp kính. Dòng người đi xe máy lẫn ô tô lướt như bay trên đường.
Nàng vẫn ngủ. Sẽ như mọi khi nàng sẽ xuống xe cạnh hồ Linh Đàm, một hồ nước đẹp đang bị người ta đào bới và bụi mù trời. Nhà nàng gần đó hay chỉ là thuê trọ? Không hiểu sao tôi muốn nàng thức giấc và được nghe nàng nói. Trong muôn người thường ngày đi về trên tuyến sao tôi chỉ muốn nói chuyện với nàng? Nàng cũng thế. Nàng bảo:
- Cháu nghe người ta nói lên xe không nên bắt chuyện với người lạ, không hiểu tại sao cháu lại thấy yên tâm khi nói chuyện với chú.
Tôi gật đầu đáp lại. Thật thú vị khi trên đời có người thành thật thổ lộ, mình là kẻ được tin cậy. Một lời khen nâng cấp cho thể diện khiến ta nắn nót phong cách.
- Hôm nào cô cũng thế sao?
Nàng hơi ngẩn người rồi hiểu ra:
- Vâng, công việc mà, lên xe nhắm mắt một chút cũng đỡ mệt chú à.
Tôi thoáng nhận ra ngữ điệu vừa ngân lên kia phảng phất miền núi. Tuy không bồi những từ đệm quen thuộc của người vùng cao nhưng có gì đó cứ lắng sâu ở cuối câu, một lối nói tự nhiên mang phong vị phương ngữ khó thay đổi, nhất là khi phát âm tiếng Kinh dễ nhận ra ở những từ có dấu “ngã” thành dấu “sắc”. Nàng cũng thế. Có thể nàng về thị thành phần nào quen lối nói thị thành, nhưng chất dân tộc thỉnh thoảng vẫn lấp ló trong câu nói dài. Nàng khiến tôi tò mò, nhưng nhìn vẻ mặt mệt mỏi tôi không muốn quấy rầy giấc ngủ của nàng.
Tháng Mười một trời nhanh tối, hàng cây ven đường lấp loá ánh đèn. Hình như trời lất phất mưa. Những giọt nước lấm tấm trên mặt kính như bụi. Chiếc xe buýt từ từ tấp vào lề đường. Bến Láng, hôm nay cũng chỉ mình nàng. Chiếc áo khoác len hồng xuất hiện. Nàng nhìn tôi khuôn mặt tươi rói. Nhiều ánh mắt cùng hướng về phía nàng. Nàng đến và ngồi xuống bên tôi vẻ hồn nhiên. Tôi hỏi:
- Ngủ luôn chứ?
Tôi chợt nhận ra hồi này mình thường hỏi nàng trống không.
- Hôm nay thưa việc nên cháu cũng đã có thời gian để ngủ rồi chú à.
- Đang làm công việc gì thế?
- Cháu làm cho một công ty! Mà sao… cháu có hỏi chú chuyện gì đâu?
- Xin lỗi cô.
- Cháu đùa đấy, nói thế thì chẳng còn chuyện gì để nói phải không chú?
- Ừ, mà phải thôi, sao người ta cứ tò mò những chuyện riêng tư?
- Không sao, thận trọng với người khác thôi nhưng với chú thì không.
Tôi nghĩ đó là những lời khen thành thật, trong lòng thấy dễ chịu. Chiếc điện thoại rung trong túi áo, tôi lấy ra nghe. Giọng thư ký toà soạn dè dặt: “Chú ơi, mai cháu xin phép lên cơ quan muộn, sớm cháu phải đến làm việc với nhà in…”. Tôi chợt nhớ và nói: “Nhớ xem kỹ bài viết về nhà văn Ma Văn Kháng nhá”. “Cháu biết rồi, ngày nhà giáo Việt Nam mà”.
- Chú là nhà báo à?
- Đại loại thế.
Khuôn mặt nàng bừng lên:
- Thích thật đấy, làm nhà báo được đi đây đi đó. Cháu cũng muốn được đi nhiều nơi.
Tôi khẽ cười:
- Giữa Thủ đô, sướng nhất rồi còn đòi hỏi gì.
Nàng khẽ thở dài rồi chậm rãi:
- Có phải ai sống ở Thủ đô cũng là người Thủ đô đâu, như cháu đây chắc gì biết đến sung sướng. Chú người Hà Nội gốc phải không?
Nàng im lặng. Ánh mắt xa xăm. Có cảm giác hình như nàng chẳng mấy quan tâm đến điều mình vừa hỏi. Có thể tôi trả lời, cũng có thể chẳng vấn đề gì nếu tôi im lặng. Đột nhiên tôi nảy ý định, biết đâu người cùng quê. Từ lâu lắm tôi chưa được gặp người dân tộc mình. Sao thèm nghe tiếng quê nhà. Sau thoáng cân nhắc tôi khẽ hỏi bằng tiếng Tày:
- Bấu sư cần Hà Nội, cần dú đông phja lùng mà xày. (Không phải người Hà Nội, là người miền núi xuống ở đây thôi).
Nàng tròn mắt nhìn tôi. Có gì đó hân hoan bừng trên nét mặt.
- Cháu biết ngay mà, người miền núi đi tới đâu cũng không giấu được đâu, chú cũng thế, từ lúc gặp cháu đã đoán chú là người Việt Bắc hay Tây Bắc gì đó. - Tới đây nàng bỗng nhớ ra mình phải nói gì đó, chứ không phải thứ ngôn ngữ này. Nàng chuyển giọng như hát - Lan to cần đông phja xày (Cháu cũng người miền núi đấy).
Tôi cười và nói với nàng:
- Mung lẻ chắc cần lầu dá, cần du bủng tâừ (Nhìn là đã biết ngay người mình rồi, người vùng nào)?
- Cần lầu cà rải za la vơ, lan dú Háng Xléng Cao Phình xày. (Đúng là người mình thật rồi, cháu ở phố chợ Háng Xleng Cao Bình đây mà).
Vẻ mặt nàng, giọng nói nàng bỗng trở nên xúc động. Có lẽ nàng cũng như tôi, từ lâu lắm giờ mới được cất lên thứ ngôn ngữ tưởng đã ngủ quên trong tâm thức. Thứ ngôn ngữ mỗi khi cất lên nó khiến cho những người miền núi chúng tôi như được bay bổng trong âm điệu thiêng liêng và vô cùng cảm kích, nhắc con người nhớ về nguồn cội, sắc áo chàm với hương thơm ngái xanh, những ngọn núi cánh rừng, những dòng sông con suối, những giàn cọn cần mẫn bên sông, tiếng bò rống, tiếng nghé ọ âm âm vách núi, bóng người với những đôi thạ trên vai thấp thoáng nương xa…
Nàng kể cho tôi nghe món bánh kiến quê nàng. Hoá ra tôi và nàng là người khác huyện nhưng cùng tỉnh. Từ nhỏ tôi đã được nghe đến món bánh kiến kẹp lá vả Háng Xléng, món ăn đặc sản vùng quê này. Nàng nói lâu rồi chưa được về quê, nhớ lắm.
Nhiều ánh mắt nhìn về phía cuối xe. Có lẽ họ tò mò vì chúng tôi đang nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ khác lạ. Giọng nàng bỗng lắng xuống:
- Quê mình đẹp nhưng nghèo chú nhỉ.
Tôi chưa kịp trả lời thì xe đã dừng lại bên hồ Linh Đàm. Nàng vội chào tạm biệt rồi xuống xe.
- Mai gặp lại chú nhá, nhớ giữ chỗ cho cháu.
Tôi nhìn theo bóng nàng khuất dần trên con đường dẫn vào một ngõ nhỏ ven hồ.
Ba ngày, rồi một tuần qua đi không thấy nàng xuất hiện. Bến Láng vẫn leo teo vài khách. Hàng ngày tôi vẫn đi về trên chuyến xe buýt đúng giờ như mọi bận. Có lẽ vì ngại kẹt đường, cũng có thể muốn được nhìn thấy nàng. Để làm gì tôi không dám đến tận cùng ý nghĩ để gọi ra nguyên do. Những phút bên nàng tôi như được gặp lại vẻ mộc mạc thuần khiết tưởng chỉ còn trong ký ức. Hình như nàng biết mình đẹp, một vẻ đẹp nhuần nhị tự nhiên như bông cúc núi sót lại giữa mùa đông giá, chẳng cần tô điểm vẫn ngời lên nét sơn nữ với những kết tụ tinh tuý ẩn trong làn da ánh mắt, cũng có thể vì lý do nào đó nàng không thích hợp với mỹ phẩm nên không dùng hoặc không có thời gian để pha loãng mình ngõ hầu hoà hợp với cuộc sống đương thời. Bên ghế tôi ngồi một tuần qua đã là người khác. Nàng về quê hay có việc phải đi đâu đó, hay gặp chuyện gì chăng? Tôi nhận ra mình vẫn chưa biết tên nàng, đang làm gì, ở đâu? Sao bỗng dưng bận tâm về điều đó, về nàng ấy? Tôi bỗng muốn lôi ý nghĩ mong manh trong lòng ra và ném nó đi thật xa. Mình lẩm cẩm thật rồi, trẻ đã qua già sắp đến rồi kia mà, sao lố bịch thế vậy? Biết ta nghĩ gì liệu nàng có còn hồn nhiên? Không biết nữa? Nhưng không hiểu sao tôi không thể thoát ra khỏi những ám ảnh về nàng.
Thứ hai. Một ngày đầu tuần chẳng có gì đặc biệt. Tan tầm tôi vội ra bến, leo lên chiếc xe buýt yên vị nơi hàng ghế cuối. Hình như tới hôm nay tôi không còn nghĩ nhiều đến nàng. Tôi tự an ủi hãy coi đó chỉ như bóng chim mặt nước. Nhưng giá như, giá như nàng đừng mang vẻ đẹp tinh khôi và hồn nhiên như thế, vẻ chân mộc hoang sơ sao gần gũi lạ kỳ, cứ mơ mơ hồ hồ khiến ta ngây ngất như lạc vào rừng cổ tích. Cổ tích, cổ tích, với tôi từ nay nàng đã thành cổ tích rồi. Tôi thấy mình được an ủi bởi ý nghĩ đó. Nhưng cũng từ đây tôi nhận ra mình chỉ là một kẻ yếu đuối. Thấp thoáng đâu đó giọng nói của nàng, miệng cười của nàng, âm điệu Tày ngân lên thiết tha từ cặp môi thắm đỏ như cánh đào của nàng tựa như sao băng cuối chân trời, nó nhắc tôi nhớ về quê nhà, nơi từ lâu tôi chỉ còn được gặp trong tâm tưởng. Thì ra tôi chưa thể xóa đi hình ảnh nàng. Tôi vẫn muốn gặp nàng hoặc nhìn thấy từ xa cũng được, như thế tôi sẽ yên tâm nàng vẫn bình an và sống vui vẻ.
Xe dừng lại bến Láng đón khách rồi lại đi tiếp. Vẫn không thấy nàng đâu. Lại một ngày nữa qua đi. Tôi nghe trong lòng tiếng thở dài.
Xe chầm chậm dừng lại. Dưới mái che ven đường chợt thấp thoáng ai như nàng đứng đó? Đúng kia rồi! Không chỉ một mình, cạnh nàng còn có hai thanh niên đầu trọc, mặt căng thẳng. Có vẻ như nàng đang phân bua gì đó. Một gã nắm quai chiếc túi trong tay nàng giật mạnh, nàng giữ chặt và giằng lại. Bất ngờ nàng chạy vụt lên xe. Một tên đuổi theo định túm áo nàng, vừa lúc cửa xe buýt tự động đóng kín. Hai gã đầu trọc vừa đuổi theo vừa đập vào thành xe thùm thùm, chửi rủa hăm doạ gì đó.
Nàng bước về phía cuối xe, lưỡng lự. Không còn vẻ hồn nhiên như mọi ngày. Thoáng im lặng qua, tôi khẽ nói:
- Ngồi xuống đi.
Nàng ngập ngừng và ngồi xuống ghế. Mùi nước hoa quen thuộc chẳng gợi lên điều gì. Chuyện vừa xảy ra cứ len vào tâm trí. Tôi chợt thấy lòng gợn ngần ngại, có gì đó như ánh nắng mai lung linh đang dần phai. Trong mắt nàng sao hôm nay đầy vẻ bất an? Đã có chuyện gì xảy ra? Có vướng mắc gì với bọn người kia, hay chỉ tình cờ gặp lũ cướp đường cướp chợ? Nếu thế lại đi một nhẽ, nhưng hình như không phải thế, mắt nàng thấp thoáng lo lắng như thể đang bị uy hiếp và cái nỗi ấy khiến tâm trí nàng không yên.
Nàng mở túi xách lấy ra mảnh giấy lau, rồi kín đáo miết nhẹ lên môi. Tôi ngoảnh nhìn ra cửa xe. Lần đầu tiên tôi thấy nàng dùng mỹ phẩm. Cặp môi đó đâu cần tới thứ son hồng. Nàng phải biết mình đã được tạo hoá ban một đặc ân lớn rồi mới phải. Nàng vò tờ giấy trong tay, khẽ hỏi:
- Chú à, lúc nãy chú có nhìn thấy gì không?
Có gì đó thật buồn trong giọng nói của nàng. Tôi tránh điều nàng hỏi:
- Có, thấy có người hôm nay lạc bến.
Nàng không để ý đến câu đùa của tôi.
- Quê mình nghèo nhưng được về đó sống vẫn hơn chú nhỉ?
- Cũng còn tuỳ ở từng hoàn cảnh nữa. - Những muốn xoá đi không khí nặng nề, tôi muốn biết những thông tin về nàng, tên nàng và công việc hiện tại nhưng nghĩ có lẽ lúc này chưa thích hợp. - Họ là những người nào thế?
Nàng nhìn xuống, mắt chớp chớp, khẽ đáp:
- Chú chẳng cần biết làm gì, cháu sẽ không làm ở đó nữa đâu. - Sau phút im lặng, nàng bâng quơ: - Có tiền sẽ hết khổ phải không chú?
Sao bỗng dưng lại hỏi thế? Tôi nhìn nàng rồi khẽ cười:
- Còn tuỳ thuộc đồng tiền kiếm ra từ đâu nữa. - Cảm thấy mình hơi quá lời, tôi vội dừng lại.
Nàng có vẻ bối rối:
- Vâng, là thế, nhưng có những người do hoàn cảnh, nhiều lúc khó chẳng biết trông vào đâu. Giá như người ta không phải ăn, phải mặc, không ốm đau bệnh tật gì thì sướng biết mấy.
Tôi không hiểu nàng đang nói cho tôi nghe hay tự an ủi bản thân? Những gì nàng vừa thổ lộ có vẻ như ẩn chứa nỗi niềm không dễ giãi bày. Nàng là ai? Sinh viên hay nhân viên công ty nào đó? Tôi lục lọi trong đầu các địa chỉ nhưng càng cố càng thấy rối, hệt như lạc vào một rừng vầu thấy cây nào cũng giống nhau. Đốt, lá tuốt tuột đều cùng một sắc màu kiểu dáng. Khó thật! Cái sự giống nhau đôi khi khiến con người ta không thể nhận biết thật, giả, xấu, tốt. Trong tôi bỗng chập chờn ý nghĩ về thân phận nàng. Sơn nữ ơi, liệu có là như thế? Lòng tôi chợt lặng đi khi hình dung những nhà hàng đèn màu, thấp thoáng bóng nàng với nụ cười lả lơi. Chẳng lẽ số phận lại nghiệt ngã thế sao? Nàng có biết đó chỉ là nơi cư trú của những con chim lạc bầy, quên mình là giống loài có tổ, nơi ngút ngàn cây và nắng gió thênh thang. Không, đó chỉ là điều tôi tưởng tượng. Nàng xinh đẹp và hồn nhiên thế kia mà, sao tôi nỡ có ý nghĩ tồi tệ như vậy. Có lẽ hôm nay chỉ là một ngày không vui với nàng. Tôi muốn nói một điều gì đó hy vọng đưa nàng trở lại tâm trạng vui vẻ.
Có tiếng nhạc chuông điện thoại. Nàng mở nghe nhưng vừa đưa lên nhìn đã vội gập lại. Nàng có vẻ hốt hoảng. Lại chuyện gì nữa đây? Tôi hình dung ra hai cái đầu húi trọc. Chẳng lẽ chúng vẫn bám theo nàng? Nỗi lo lắng len vào tâm trí. Nhất định là một lành chín dữ rồi. Tôi nghĩ đến việc mình sẽ làm gì nếu chúng xuất hiện. Tôi vẫn nhớ những cuộc đánh lộn của mình trước đây, tôi luôn chủ động và nhanh hơn đối phương. Có thể bây giờ không còn được như xưa nhưng vẫn đủ sức tự vệ. Nhất lại là với nàng, đồng hương với tôi, tôi tự tin và thanh thản chờ đợi.
Xe dừng. Khách trên xe chưa xuống đã có tiếng chân nhảy lên thình thịch. Phụ xe gắt gỏng:
- Cho khách xuống trước đã.
Phụ xe đưa tay cản đường, khách ùn lại sau lưng, nhiều người nhô ra lối cửa định xuống mà không thể, phía dưới thấp thoáng mấy cái đầu trọc đang cố len lên. Nàng đứng dậy, sắc mặt tái mét:
- Chú ơi, chúng nó đến rồi, chú cầm giúp cháu chiếc túi, cháu ở phố Đại, gần đầm sen, chú cứ hỏi tên cháu phố ấy ai cũng biết.
Tôi vừa định hỏi tên là gì, nàng đã vội đưa cho tôi chiếc túi rồi lẫn vào giữa đám đông trên xe.
Phía cửa phụ xe vừa né người, đã bị vả một cú vào mặt.
- Đ… mẹ thằng lơ, dám cản đường các bố.
Sau một thoáng choáng váng, phụ xe buýt nhảy ào xuống, phi hai chân vào ngực gã đầu trọc vừa ra tay với mình. Tiếng la lối thất thanh của cánh phụ nữ, tiếng người đứng ngoài hô “thôi… thôi” váng một góc phố. Tôi cất chiếc túi nàng đưa vào cặp máy tính xách tay, đứng dậy bước về phía cửa xe. Chưa biết đang xảy ra chuyện gì, nhưng có lẽ đây là cơ hội giúp nàng thoát khỏi nơi này. Chờ gì nữa, tôi nhảy xuống, lao vào đám ẩu đả. Thấy có người hỗ trợ, lái xe cũng hăng hái bỏ tay lái xông tới. Chưa kịp ra tay tôi đã nghe “bốp” một cái vào trán, mắt tối sầm. Vừa lúc có tiếng còi tuýt tuýt. Mấy gã đầu trọc tản ra. Có tiếng chửi đổng:
- Mẹ nó, mấy thằng phu kiệu, hỏng việc bọn ông, con kia đâu rồi?
- Cái túi… mẹ con đĩ, dám ăn tiền bỏ khách.
Tiếng xe máy rồ lên rồi băng đi. Cảnh sát, dân phòng có tới bốn, năm người từ đâu chạy đến. Lái xe nháy mắt với phụ. Tôi thấy mình được một cánh tay đẩy lên. Cửa xe buýt tự động khép lại. Tài xế cười nói oang oang:
- Mẹ khỉ, coi như hôm nay khỏi phải tập thể dục. Không nhanh chân là rách việc với công an - Anh ta quay sang phía phụ - Mày xem đầu ông anh kia còn chảy máu không?
Tôi nói:
- Không sao?
Phụ xe vừa ngó vào mặt tôi vừa nói:
- Ông anh già rồi, cứ để bọn em chiến, bọn này tay trái em cũng xơi được vài thằng. - Tới đây như sực nhớ ra, anh ta hỏi - Mà chúng định chơi ông anh hay ai thế?
Tôi lắc đầu. Phụ xe thoáng ngẩn ra một lúc rồi nói:
- Hay là con bé xinh xinh ngồi bên ông anh? Có lẽ bọn này tìm nó, bến trước thấy bị mấy thằng chúng nó quây. Dân đâm thuê chém mướn đấy, con nhỏ chắc nợ nần hay ân oán giang hồ gì chúng nó. Cũng may nó biến mất từ lúc nào. - Phụ xe đưa cho tôi chiếc khăn tay - Ông anh lấy khăn này băng tạm, trán vêu lên rồi đấy.
Điều gì đó khiến tôi buồn và thất vọng. Những ý nghĩ tốt đẹp về nàng như đang dần phai. Nàng phải chạy trốn vì chuyện gì, “ăn tiền bỏ khách” là thế nào? Tôi gắng không nghĩ đến điều tồi tệ, nhưng không thể thoát ra. Không có lẽ người như thế lại là gái gọi, là “hàng”, là thứ gì đó trong cuộc đời đầy bất trắc này? Có lẽ tôi đã phí hoài cảm xúc, phí hoài những suy tưởng, những ý niệm tốt đẹp về phẩm giá trong sáng của một con người, một bông hoa rừng bình dị và rất đỗi dịu dàng. Tôi bỗng thấy lòng buồn. Sao người quê ta lại khốn khổ đến thế? Vì cuộc sống con người ta có nhiều cách để kiếm tiền mà chẳng chút bận lòng, vì nó được đánh đổi bằng mồ hôi công sức từ sự đoan chính. Hỡi ôi, nàng đã không như thế, cái vẻ ngoài chỉ là vỏ che đậy thói đời bệnh hoạn. Một nỗi buồn vu vơ quây lấy tôi. Cầm chiếc túi xách giả da màu hồng trong tay tôi phân vân, tiền hay đồ vật gì đó quan trọng mà nàng sợ bị người ta lấy mất?
Ba ngày sau chuyện xảy ra tôi vẫn đi về trên tuyến đường cũ. Có lần gặp lại “thầy trò” lái chiếc xe buýt hôm đó, họ hỏi: “Còn đau không?”. Tôi cười và lắc đầu.
Ngoài kia những dòng xe tấp nập nối nhau hối hả. Hôm nay cũng như mọi ngày, chẳng có gì khác lạ. Chỉ nàng vẫn bặt tin. Trong tôi bỗng nảy mâu thuẫn, vừa muốn gặp lại nàng lại vừa ái ngại khi nghĩ đến điều đó. Nhưng còn chiếc túi, nhắc đến nó tôi như kẻ mắc nợ. Nhất định phải gặp nàng để trả lại. Nếu không thì biết làm sao với nó đây. Tôi tò mò muốn biết bên trong túi có gì? Mấy ngày nay tôi chập chờn ý định mà không dám. Có gì đâu chứ, chỉ xem thôi. Xe buýt vẫn đều đều lăn bánh. Tôi hồi hộp kéo khoá đồng. Không tiền, không ví, chỉ một vài đồ lặt vặt của phụ nữ. Trong túi còn ngăn phụ. Gì cộm thế này? Tay tôi chạm vào một vật mềm mềm. Tôi lấy ra và mở xem. Một mảnh thổ cẩm đã cũ nhưng các nét thêu còn nguyên. Lâu lắm mới lại được nhìn thấy sắc màu rực rỡ này. Đây là mảnh thổ cẩm dùng làm mặt địu. Tôi hình dung trong sắc màu này đã thấm mồ hôi của ông bà cha mẹ nàng, các anh chị nàng nữa. Bao thế hệ đã nối nhau lớn lên trên những tấm lưng. Tay tôi bỗng chạm vào chiếc vòng bạc, chiếc vòng nằm giữa miếng thổ cẩm hiện những hoạ tiết quen thuộc. Đây hoa kim anh, đây là hươu, là hoẵng, những núi non trùng trùng nối nhau, khép kín như kiếp tử sinh, tử sinh. Nàng đã được mọi người trao gửi niềm tin thế sao? Hẳn là kẻ nết na đoan trang, biết ăn ở làm đẹp lòng kẻ trên người dưới? Là hy vọng của dân bản núi rừng. Hỡi ôi, liệu có đáng được như thế? Nhưng đây là vật quý, là gia bảo của nàng, nàng đã tin cậy gửi gắm ta phải tìm cách trả lại. Cho dù nàng có là ai, là gì. Tôi nghĩ thế và xuống xe bến Linh Đàm.
Làng Đại trước đây nay đã thành phố Đại. Những hẻm nhỏ dẫn qua những dãy nhà ống chồng tầng ngất ngưởng. Chưa lần nào tôi đặt chân tới đây, người lạ, phố lạ biết hỏi ai? Tên nàng mình cũng chưa biết. Thấy một người phụ nữ đứng tuổi đang đứng bán thịt lợn trước cửa, tôi mạnh dạn bước đến. Sau một hồi suy nghĩ, giọng chị ta bỗng như reo lên:
- A, con bé tên Lan người dân tộc, nó xinh lại ngoan nữa. Thuê nhà trong hẻm mười một ấy. Mấy năm một mình nuôi em ăn học, thằng em đang học đại học giao thông bị viêm xương chỏm khớp háng đã gần sáu tháng nay không đi lại được.
Mấy người hàng xóm cũng ghé vào góp chuyện:
- Không biết làm việc gì, cứ sáng dậy là thấy cô ấy đi đến nhá nhem mới về, nhưng tiền chẳng kiếm được bao nhiêu, ăn tiêu tằn tiện lắm, cô ấy bảo phải kiếm đủ tiền để chữa bệnh cho em, nghe nói ca phẫu thuật đắt những gần trăm triệu kia.
Một bà khẽ hỏi:
- Thế chú là gì với cô ấy?
Tôi lúng túng:
- Tôi chỉ là người mới quen, tìm cô ấy có chút việc.
- Mấy hôm nay ngày nào cũng có người tìm cô Lan, có cả mấy anh đầu trọc, cứ lượn ra lượn vô. Bữa trước có người bảo thấy cô Lan dọn bát đĩa cho một nhà hàng, có người lại bảo không phải thế, cô ấy đang làm cho một công ty du lịch hay tiếp thị gì đó.
- Ôi dào, làm gì thì làm, đừng chui vào những ổ nọ ổ kia. Mà cô Lan này nhân thân cũng phức tạp lắm, nghe đâu mấy gã đầu trọc kia đến tìm bắt cô ấy, nói là cô Lan không chịu làm việc, hình như còn lừa tiền của khách rồi bỏ trốn…
- Thì trốn mất từ mấy hôm nay rồi còn gì...
Tôi quay bước ra khỏi ngõ, sau lưng những bàn tán của mấy người phụ nữ quanh phản thịt vẫn lao xao. Tôi đâu cần nghe những chuyện đó, tôi chỉ muốn đến tìm và trả lại cho nàng chiếc túi. Tôi cố vùi mình vào chuyện gì khác để khỏi bị ám ảnh những điều vừa nghe. Có vẻ những chuyện đó đang lấn át tâm trí tôi, nó mạnh hơn tôi tưởng, tôi bị đẩy rơi vào một tâm trạng thật buồn. Hoá ra tôi chỉ biết nàng xinh đẹp, nàng hồn nhiên nhưng còn nàng hiện tại thì sao? Nàng đang ở đâu trong cái thành phố mênh mông này? Có thể nào nàng và em nàng không còn nơi nương tựa, nàng đã tự xoay xở để tồn tại và để em nàng không bị thất học? Cuộc sống này có khác gì những âm thanh lỗi nhịp, làm sao nàng có thể theo được nó. Nàng từng nói về quê nhà với tình cảm thật xao xuyến, chắc nàng nhớ quê nhà lắm. Quê nhà ư, tôi cũng từng là kẻ từ đó ra đi với mơ ước ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Có lúc nào đó tôi cũng từng nghĩ về quê hương và buồn như nỗi buồn của nàng. Nhưng cái ngày mai ấy vẫn chưa đến. Với nàng bây giờ có lẽ còn khó khăn hơn muôn lần. Sẽ phải đối mặt với thực tế không như đã tưởng. Chỉ mong sao cái ngày mai ấy sẽ đến nhanh với nàng. Ta đâu có quyền phán xét nàng, chỉ mong sao đừng rơi vào những rắc rối cuộc đời. Bây giờ biết tìm nàng ở đâu để trả lại chiếc túi. Chiếc túi giả da màu hồng có một tấm thổ cẩm và chiếc vòng bạc có lẽ là vật quý nhất của nàng, nàng đã tin cậy nhờ tôi cất giữ, nhất định tôi sẽ tìm nàng để trả lại.
Tôi ngẩng lên nhìn vào bóng đêm. Trên ngọn cây chợt vang lên tiếng hót đơn độc của một loài chim. Tiếng hót nhắc tôi nhớ đến quê nhà. Tôi bỗng nhận ra đó là tiếng chim sẻ đá, một loài chim không có tiếng hót cao vút như hoạ mi, nhưng khi líu thì mê hồn kỳ lạ, âm thanh không cao sang nhưng lại ngân nga gợi cảm giác nhớ nhung và thanh bình vô cùng. Loài chim này chỉ quen sống trên những vách núi, chắc đã bị bắt đưa về đây, cơ may nào đã giúp nó thoát khỏi những chiếc lồng sắt bọc nhựa, giờ đang đậu trên ngọn cây sấu. Đó đâu phải chỗ của nó, nơi nó sống là những vách núi cao có những cây nghiến đâm ra từ kẽ nứt. Đây chỉ là nơi ngụ cư mà thôi, biết bao giờ nó tìm được đường về.