Đến lúc này hẳn là bạn đã có ý tưởng về những cách vận dụng nunchi hiệu quả trong cuộc sống thường ngày. Nhưng mấu chốt vẫn là thực hành. Tôi biết một số chuyên gia tài chính cấp cao chơi cờ để mài giũa tâm trí; tương tự, người Hàn Quốc có rất nhiều trò chơi để mài giũa năng lực nunchi. Dưới đây là hai trò chơi phổ biến của người Hàn Quốc đòi hỏi vận dụng nunchi nhanh nhạy. Một trò được gọi là Trò Nunchi; trò thứ hai được gọi là muk-ji-pa. Cả hai đều là trò tương tác xã hội, thế nên không cần dụng cụ, xúc xắc hoặc trang phục thi đấu nào cả.
TRÒ NUNCHI
Trò này thường chơi kèm với uống rượu, nhưng nó thực sự rất khó thắng kể cả bạn không say. Nhiều chương trình truyền hình Hàn Quốc thường cho những nhân vật nổi tiếng và ngôi sao K-pop chơi trò này.
Về cơ bản, đây là trò đếm. Một người chơi (không quan trọng là ai; tự chọn) vừa hô số “Một!” vừa đứng lên, sau đó lại mau chóng ngồi xuống. Tiếp theo, một người vừa hô “Hai” vừa đứng lên, sau đó mau chóng ngồi xuống trở lại. Cứ tiếp tục như vậy. Nếu bạn là người cuối cùng “xác nhận” một con số, bạn thua cuộc. Nếu bạn lặp lại con số mà người khác vừa nói, bạn bị loại. Nếu hai người đứng lên và đồng thời nói cùng một con số, cả hai đều bị loại, dù đó là con số chính xác. Chơi nhiều vòng cho đến khi chỉ còn lại một người; người đó chính là người giành chiến thắng.
Trò này hoàn toàn dựa vào nunchi. Để chiến thắng, bạn phải nhanh nhạy và đoán được ý định của đối thủ. Chẳng hạn, nếu thấy ai đó có vẻ sắp đứng lên, bạn có thể dướn người về phía trước giả bộ là mình chuẩn bị đứng lên, hành động này làm rối trí đối thủ và khiến họ hô sai con số.
MUK-JI-PA
Muk-ji-pa là một biến thế của trò “đá-giấy-kéo” ở các nước phương Tây nhưng có một số điểm khác. Dịch đúng theo nghĩa đen, muk nghĩa là “đá”, ji nghĩa là “kéo” và pa nghĩa là “giấy”. (Lưu ý thứ tự các từ trong trò này không giống với phiên bản phương Tây: đá-kéo-giấy, thay vì là đá-giấy-kéo.)
Điểm khác giữa đá-giấy-kéo và muk-ji-pa:
1. Trong trò đá-giấy-kéo, cả hai người chơi đều tấn công, và có cùng mục tiêu: đưa ra thế tay trội hơn. Đá thắng kéo, kéo thắng giấy, giấy thắng đá. Nhưng trong trò muk-ji-pa thì ngược lại, một người chơi tấn công còn người kia phòng thủ, và cả hai người chơi đều không tìm cách đưa ra thế tay trội hơn. Thay vào đó, bạn cố gắng đưa ra thế tay giống với đối thủ (nếu bạn đang tấn công), hoặc một thế tay khác với đối thủ (nếu bạn đang phòng thủ).
2. Trong trò đá-giấy-kéo, nếu hai người đưa ra cùng một thế tay thì được xem là hòa. Trong trò muk-ji- pa, nếu hai người đưa ra cùng một thế tay thì bên tấn công thắng còn bên phòng thủ thua.
3. Trong trò đá-giấy-kéo, trò chơi kết thúc khi một bên đưa ra thế tay thắng thế tay của bên còn lại; chẳng hạn, nếu người chơi A ra giấy còn người chơi B ra kéo, thì B là người chiến thắng và trò chơi kết thúc. Nhưng trong trò muk-ji-pa, kết quả giấy-kéo không có nghĩa là kéo thắng; nó chỉ có nghĩa là ở lượt kế tiếp, A chơi phòng thủ còn B chơi tấn công. Trò chơi chỉ kết thúc khi mà cả hai người chơi đưa ra cùng một thế tay (ví dụ cả A và B đều ra kéo)
4. Trò đá-giấy-kéo thường kết thúc chóng vánh; chẳng hạn, ngay lượt đầu, một bên ra đá, một bên ra giấy, vậy là giấy thắng và trò chơi kết thúc chỉ sau một lượt. Ngược lại, muk-ji-pa có thể kéo dài nhiều lượt, trước khi cả hai cùng đưa ra một thế tay.
5. Để thêm phức tạp, người chơi tấn công phải hô thế tay của mình (muk, ji, pa), trong khi người chơi phòng thủ phải giữ yên lặng.
6. Đá-kéo-giấy chủ yếu là trò mang tính may rủi, trong khi muk-ji-pa là trò đòi hỏi vận dụng nunchi.
Mấu chốt để thắng trò muk-ji-pa là liệu trước đối thủ định ra thế tay nào. Một người chơi có nunchi nhanh nhạy có thể đoán được dựa vào biểu cảm khuôn mặt, phản ứng và cử chỉ cơ thể của đối thủ. Họ cũng có thể để ý thấy đối thủ có những khuôn mẫu nhất định. Chẳng hạn, ai cũng biết rằng những người mới tập chơi muk-ji-pa thường ít khi đưa ra cùng một thế tay hai lần liên tiếp, và gần như không bao giờ là ba lần liên tiếp. Một người chơi giàu kinh nghiệm ắt biết điều này và tận dụng nó làm lợi thế.
Một người chơi ít kinh nghiệm sẽ tập trung vào tay đối thủ. Một người chơi giỏi sẽ nhận thấy hành động này, và chủ động cử động tay để tung hỏa mù trước khi đưa ra thế tay; ví dụ, họ có thể xoay ngang cổ tay để đối thủ lầm tưởng là họ định ra giấy, rồi phút cuối lại quay nghiêng cổ tay và ra kéo thay vì ra giấy. người chơi giàu kinh nghiệm sẽ quan sát toàn bộ cơ thể đối thủ, chứ không chỉ chăm chú vào tay.
Hồi nhỏ, những đứa trẻ tôi quen biết mà chơi giỏi muk- ji-pa thì đều là những đứa có nunchi nhanh nhạy, và điều này rõ ràng là có ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của chúng khi trưởng thành. (Thú thật là tôi đã từ chối chơi trò này.)