Ngay từ đầu sẽ không có nhiều khác biệt giữa người can đảm và kẻ hèn nhát. Điểm khác biệt duy nhất là kẻ hèn nhát lắng nghe và làm theo nỗi sợ, trong khi người can đảm gạt nỗi sợ của mình sang một bên và tiến về phía trước. Người can đảm dấn thân vào nơi vô định bất chấp mọi nỗi sợ.
Can đảm có nghĩa là dám dấn thân vào nơi vô định bất chấp mọi nỗi sợ. Can đảm không có nghĩa là không biết sợ. Bạn sẽ đạt đến trạng thái không sợ hãi nếu cứ tiếp tục can đảm. Không sợ hãi chính là hương thơm tỏa ra từ lòng quả cảm tuyệt đối.
Khi đi vào vùng biển chưa có tên trên bản đồ, giống như Columbus đã làm, bạn sẽ sợ hãi, vô cùng sợ hãi, bởi không ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Bạn đang rời khỏi bến đỗ an toàn, nơi mà bạn hoàn toàn thấy yên ổn, nhưng thiếu mất một điều – sự phiêu lưu. Việc bước chân vào chốn vô định khiến lòng bạn dâng tràn cảm xúc. Nhịp tim bạn bắt đầu rộn rã, một lần nữa, bạn được sống, được sống đúng nghĩa. Từng thớ thịt trên cơ thể bạn trở nên căng tràn sức sống bởi bạn đã chấp nhận thử thách của cái vô định.
Việc chấp nhận thử thách của cái vô định bất chấp mọi nỗi sợ chính là lòng can đảm. Nỗi sợ vẫn còn đó, nhưng nếu bạn không ngừng chấp nhận thử thách, dần dần nỗi sợ sẽ biến mất. Niềm vui mà trải nghiệm ấy mang đến, cùng với nó là cảm giác hân hoan tột độ, sẽ khiến bạn đủ mạnh mẽ, chính trực và ngày càng nhạy bén. Lần đầu tiên, bạn bắt đầu cảm nhận được rằng cuộc sống không còn nhàm chán mà là một cuộc phiêu lưu. Rồi nỗi sợ sẽ dần biến mất, bạn sẽ bắt đầu chủ động tìm đến những chuyến phiêu lưu.
Nhưng về cơ bản, can đảm là dám đánh đổi cái đã biết để tìm đến cái hư vô, đánh đổi cái quen thuộc để tìm đến những điều xa lạ, đánh đổi sự tiện nghi ấm cúng để tìm đến cái bất tiện, không thoải mái, đánh đổi cuộc hành hương gian nan để tìm đến một nơi vô định. Không ai biết được liệu mình có thể làm được hay không. Đấy là một cuộc chơi may rủi, nhưng chỉ có người tham gia mới biết được cuộc sống là gì.
ĐẠO CỦA LÒNG CAN ĐẢM
Cuộc sống không tuân theo suy luận lô-gic của bạn mà diễn ra theo cách riêng của nó, không hề bị xáo trộn. Bạn phải lắng nghe cuộc sống chứ cuộc sống sẽ không lắng nghe những suy luận lô-gic của bạn. Cuộc sống chẳng bận tâm về điều đó.
Khi đi vào cuộc sống, bạn nhìn thấy điều gì? Một cơn bão dữ dội kéo đến, rồi những cây to bị quật đổ. Theo cách suy luận lô-gic của Charles Darwin, chúng hẳn phải sống sót bởi chúng là những thân cây to lớn nhất, mạnh mẽ và tràn đầy sức sống nhất. Hãy nhìn vào thân cây cổ thụ ba ngàn năm tuổi, cao hàng chục mét mà xem. Sự hiện diện của nó cũng đủ tạo nên sức mạnh, mang đến cảm giác về sức mạnh và quyền năng. Hàng triệu nhánh rễ lan tỏa và bám sâu vào lòng đất, thân cây vươn cao sừng sững. Hẳn nhiên là cây đã tranh đấu, nó không muốn chịu thua, không muốn đầu hàng, nhưng khi cơn bão qua đi, nó đã đổ nhào, đã chết, không còn sự sống và toàn bộ sức mạnh kia cũng biến mất. Cơn bão quá dữ dội – cơn bão luôn như thế bởi nó đến từ cái tổng thể, trong khi cây chỉ là một cá thể.
Nhưng có nhiều loài cây nhỏ và cỏ dại mà khi cơn bão đến, cây cúi rạp xuống nhường đường, và cơn bão không thể làm hại được nó. Ít ra là nó cũng được tắm sạch, toàn bộ bụi bẩn tích tụ trên thân cây đều được rửa sạch. Cơn bão đã giúp các loài cây nhỏ và cỏ dại có cơ hội được tắm gội sạch sẽ, và khi cơn bão qua đi, chúng lại vươn cao nhảy múa. Cỏ dại không có rễ bám sâu, thậm chí một đứa trẻ cũng có thể nhổ cỏ lên được, nhưng nó đã đánh bại cơn bão. Vậy, điều gì đã xảy ra?
Cỏ dại đi theo cách của Đạo, cách của Lão Tử, còn cây to đi theo cách của Charles Darwin. Cây to hành động một cách rất lô-gic: nó tìm cách kháng cự, tìm cách thể hiện sức mạnh của mình. Nếu tìm cách phô diễn sức mạnh, bạn sẽ bị đánh bại. Hitler, Napoleon, Alexander Đại đế đều là những cây to khỏe. Tất cả họ đều bị đánh bại. Còn Lão Tử giống như loài cây nhỏ – không ai có thể đánh bại chúng vì chúng luôn sẵn sàng nhường bước. Làm sao bạn có thể đánh bại người luôn nhường bước mình, người luôn nói rằng “Tôi thua rồi”, “Hãy tận hưởng chiến thắng của ngài đi, không cần gây thêm bất kỳ rắc rối nào nữa. Tôi thua rồi”. Ngay cả Alexander Đại đế cũng cảm thấy bất lực trước Lão Tử, ông ta không thể làm được gì. Điều đó đã xảy ra, nó đã xảy ra đúng như vậy…
Dandamis, một khất sĩ (sannyasin) sống vào thời khi Alexander còn ở Ấn Độ. Khi chuẩn bị lên đường đến Ấn Độ, Alexander được bạn bè yêu cầu mang về một khất sĩ bởi vì loài hoa hiếm thì chỉ mọc ở Ấn Độ. Họ bảo:
– Hãy mang về một khất sĩ. Ngài sẽ đem về nhiều thứ nhưng đừng quên một khất sĩ. Chúng tôi muốn tận mắt nhìn thấy khất sĩ trông thế nào.
Lên đường ra trận, Alexander miệt mài chinh chiến đến mức gần như quên mất điều đó, nhưng trên đường trở về, khi đến biên giới Ấn Độ, ông chợt nhớ ra. Vì sắp rời ngôi làng cuối cùng của Ấn Độ nên ông ra lệnh cho binh lính vào làng hỏi xem liệu có một khất sĩ nào quanh đây. Thật tình cờ là Dandamis cũng đang có mặt tại làng, ngay cạnh bờ sông, nên người dân đáp:
– Ngài hỏi thật đúng lúc, ngài đã đến thật đúng lúc. Có nhiều khất sĩ nhưng rất khó tìm ra một khất sĩ thực thụ, và ông ấy hiện đang ở đây. Ngài có thể đến gặp vị thánh nhân đó.
Alexander cười nói:
– Ta không đến đây để gặp vị thánh nhân nào cả. Binh lính của ta sẽ đi tìm bắt ông ta. Ta sẽ đem ông ta về nước.
Dân làng nói:
– Mọi việc sẽ không dễ dàng như vậy đâu…
Alexander không tin điều đó – có gì khó cơ chứ? Ông đã chinh phục các hoàng đế, các vị vua hùng mạnh, vậy thì với một kẻ ăn mày, một khất sĩ, có gì khó khăn cơ chứ? Binh lính của ông đến gặp Dandamis – người này đang đứng trần truồng cạnh bờ sông. Họ nói:
– Alexander Đại đế mời ông theo ngài ấy về nước. Một cuộc sống sung túc, nhàn hạ, hay bất cứ điều gì ông muốn, đều sẽ được đáp ứng. Ông sẽ được đối xử như một thượng khách.
Vị khất sĩ trần truồng cười đáp:
– Hãy đi bảo với chủ của các anh rằng người tự gọi mình là Đại đế thì không thể nào vĩ đại được. Và không ai có thể đưa ta đi đâu. Một khất sĩ luôn di chuyển như mây, trong trạng thái hoàn toàn tự do. Ta không là nô lệ của bất cứ ai.
Binh lính nói:
– Hẳn ông đã nghe về Alexander Đại đế. Đó là một người nguy hiểm. Nếu bị từ chối, Ngài sẽ không nghe mà chém đầu ông ngay lập tức!
Vị khất sĩ nói:
– Tốt hơn hết là các anh hãy đưa chủ nhân của các anh đến đây, có thể ông ấy sẽ hiểu được điều ta muốn nói.
Thế là Alexander buộc lòng phải đến vì binh lính trở về báo:
– Đó là một con người kỳ lạ. Có điều gì đó không lý giải được tỏa ra từ người này. Ông ấy trần truồng nhưng lại khiến người ta không cảm nhận được điều đó – mà chỉ sau này mới nhớ ra. Ông ấy mạnh mẽ đến mức sự hiện diện của ông ấy khiến ta không còn nhớ đến thế gian này. Ông ấy có sức hút như một thỏi nam châm, bao quanh ông là sự tĩnh lặng tuyệt đối, và tất cả như được thắp sáng từ bên trong. Một người đáng gặp, nhưng người đàn ông tội nghiệp đó sẽ không thể tránh được rắc rối bởi vì ông ta nói rằng không ai có thể đưa ông đi đâu, rằng ông không phải là nô lệ của bất cứ ai.
Alexander lăm lăm thanh kiếm trong tay đến gặp Dandamis. Dandamis cười nói:
– Hãy bỏ kiếm xuống, nó chẳng có tác dụng gì ở đây. Hãy cất vào bao đi, nó vô dụng vì ông chỉ có thể chém được thân thể ta, thứ mà ta đã rời bỏ từ lâu. Kiếm của ông không chém được ta, vậy nên hãy cất nó đi, đừng trẻ con như thế.
Tương truyền rằng đấy là lần đầu tiên Alexander nghe theo lệnh của người khác, bởi chính sự hiện diện của người này đã khiến Alexander không còn nhớ mình là ai. Ông tra kiếm vào bao và nói: “Ta chưa từng gặp người nào tuyệt vời như thế!”. Và khi quay về trại, Alexander nói: “Thật khó giết một người đã sẵn sàng chết. Giết anh ta là việc làm vô nghĩa. Bạn có thể giết một người tranh đấu, ít ra điều đó còn có chút ý nghĩa, nhưng thật không thể nào giết được người đã sẵn sàng chết và nói ‘Đầu của tôi đây. Ông có thể chặt nó’”.
Thực tế, Dandamis đã nói: “Đầu của tôi đây. Ông có thể chặt nó. Khi đầu ta rơi xuống, ông sẽ thấy nó rơi trên cát và ta cũng thấy nó rơi trên cát, bởi vì ta không còn ở thân thể này. Ta là nhân chứng”.
Alexander đã kể lại điều này với những người bạn ở quê nhà: “Có những khất sĩ mà ta đáng ra có thể đem về nhưng họ không phải là khất sĩ. Thế rồi, ta tình cờ gặp một người thực sự hiếm có. Đúng vậy, đóa hoa thật thì hiếm thấy, nhưng không ai ép buộc được ông ấy bởi vì người đó không sợ chết. Khi một người đã không sợ chết, làm sao bạn có thể buộc anh ta làm điều gì?”.
Chính nỗi sợ đã biến bạn thành nô lệ. Khi không sợ, bạn sẽ không còn là nô lệ nữa. Trên thực tế, chính nỗi sợ buộc bạn biến người khác thành nô lệ trước khi họ tìm cách biến bạn thành nô lệ.
Người không sợ hãi sẽ không sợ bất cứ ai và cũng không khiến ai sợ mình. Nỗi sợ hoàn toàn biến mất.
CON ĐƯỜNG CỦA TRÁI TIM
Can đảm (courage) là một từ rất thú vị, có nguồn gốc từ tiếng La-tinh – trong đó cor có nghĩa là trái tim. Vậy nên can đảm có nghĩa là sống bằng trái tim, và chỉ những người yếu đuối mới sống bằng lý trí. Vì sợ, họ luôn tạo ra một rào chắn suy luận lô-gic an toàn bao quanh mình. Vì sợ, họ đóng mọi cánh cửa – bằng thần học, bằng các khái niệm, từ ngữ, lý thuyết – và ẩn nấp bên trong những cánh cửa đóng kín này.
Con đường của trái tim là con đường can đảm. Đó là sống cùng với những yếu tố gieo rắc nỗi bất an, sống trong tình yêu và sự tin cậy. Đó là dám dấn bước vào chốn vô định. Đó là để cho quá khứ là quá khứ và để tương lai được diễn ra theo những gì sẽ diễn ra. Can đảm là dám chọn con đường chông gai mà tiến bước. Cuộc sống vốn nhiều hiểm nguy và chỉ có những kẻ hèn nhát mới có thể tránh được nguy hiểm, nhưng khi đó họ đã chết. Người còn đang sống, thực sự sống, sẽ luôn đi vào chốn vô định. Ở đó có hiểm nguy rình rập nhưng anh ta chấp nhận mạo hiểm. Trái tim luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro; trái tim là kẻ liều lĩnh. Cái đầu là nhà kinh doanh; cái đầu luôn tính toán, luôn tinh ranh. Trái tim thì không như vậy.
Trái tim luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro; trái tim là kẻ liều lĩnh. Cái đầu là nhà kinh doanh; cái đầu luôn tính toán, luôn tinh ranh.
Can đảm là một từ đẹp đẽ và rất thú vị. Nhà thơ là người sống bằng trái tim. Sống bằng trái tim là luôn tìm tòi, khám phá ý nghĩa; rồi dần dần trái tim bắt đầu lắng nghe âm thanh của những điều chưa biết. Cái đầu không làm được điều này, nó cách xa những điều chưa biết. Cái đầu chứa đầy những thứ đã biết.
Tâm trí là gì? Đó là tất cả những điều bạn đã biết. Đó là quá khứ, là cái chết, là cái đã qua. Tâm trí không là gì ngoài quá khứ và những ký ức được tích lũy từ quá khứ. Trái tim là tương lai, trái tim luôn chứa đầy hy vọng, trái tim luôn hướng đến một nơi nào đó trong tương lai. Cái đầu nghĩ về quá khứ, còn trái tim hướng tới tương lai.
Tương lai vẫn chưa đến, tương lai vẫn chưa hiện hữu, nhưng tương lai là một khả năng có thật – nó sẽ tới và đang trên đường tới. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, tương lai sẽ trở thành hiện tại, và hiện tại trở thành quá khứ. Quá khứ đã được sử dụng nên không còn khả năng. Bạn đã rời khỏi nó, nó đã cạn kiệt, đã chết, giống như nấm mồ. Tương lai giống như hạt mầm, nó đang xuất hiện, luôn xuất hiện. Bạn luôn chuyển động. Hiện tại là sự dịch chuyển, dần hướng đến tương lai.
Mọi người sống trên thế giới này đều mong muốn được sống chân thật, bởi chỉ có chân thật mới đem lại một cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Sao ta phải giả dối? Bạn phải can đảm tìm hiểu sâu hơn một chút: Vì sao bạn sợ hãi? Thế giới này có thể làm gì được bạn? Mọi người có thể cười cợt bạn, tốt cho họ thôi. Tiếng cười luôn là liều thuốc bổ, tốt cho sức khỏe. Mọi người có thể cho rằng bạn điên… nhưng bạn không thể trở thành kẻ điên chỉ vì người khác nghĩ bạn như thế.
Và nếu bạn luôn thành thật với niềm vui, nước mắt, nhịp điệu của mình, sớm muộn gì cũng sẽ có người hiểu bạn, có người bắt đầu tham gia vào lữ đoàn của bạn. Bản thân tôi đã bắt đầu con đường này một mình, rồi mọi người tìm đến và nó trở thành một lữ đoàn rộng khắp. Và tôi không mời một ai cả, tôi chỉ làm theo cảm nhận của trái tim.
Trách nhiệm của tôi là hướng đến trái tim mình, không hướng tới bất kỳ ai khác trên thế gian. Vậy nên trách nhiệm của bạn là cũng chỉ hướng đến sự hiện hữu của riêng bạn. Đừng chống lại nó, bởi chống lại nó là tự hủy hoại bản thân. Và điều đó thì có lợi gì? Ngay cả khi mọi người tôn trọng bạn, nghĩ rằng bạn là người sống rất đúng mực, rất đáng kính thì những điều đó cũng không làm phong phú thêm cho sự hiện hữu của bạn. Chúng sẽ không mang đến cho bạn sự thấu hiểu nào thêm về cuộc sống và vẻ đẹp phi thường của nó.
Bao nhiêu triệu người đã sống trên trái đất này trước bạn? Bạn thậm chí còn không biết tên của họ – dù họ từng sống hay không cũng không có gì khác biệt. Đã có những thánh nhân và cả những tội đồ, đã có những người rất đáng kính và có đủ kiểu người lập dị, gàn dở nhưng tất cả đều đã biến mất, thậm chí không để lại một dấu vết nào.
Mối quan tâm duy nhất của bạn là chăm sóc và bảo vệ những phẩm chất mà bạn có thể đem theo khi cái chết hủy hoại thân xác bạn, tâm trí bạn bởi chúng là bạn đồng hành duy nhất của bạn. Đây là những giá trị thực duy nhất, và những người đạt được những phẩm chất này mới là những người sống thực sự, còn những người khác chỉ đang giả vờ sống.
Chỉ tồn tại không phải là sống. Hãy nhìn vào cuộc sống của bạn. Bạn có gọi đó là phúc lành không? Bạn có gọi nó là món quà của sự hiện hữu không? Liệu bạn có muốn cuộc đời này cứ được trao đi trao lại cho bạn không?
Đừng nghe theo kinh sách, hãy lắng nghe trái tim bạn. Trái tim là kinh sách duy nhất mà tôi muốn chỉ cho bạn: lắng nghe thật chăm chú, thật có ý thức và bạn sẽ không bao giờ bị sai. Bạn sẽ không bao giờ bị chia tách hay phân tâm khi lắng nghe trái tim mình. Khi lắng nghe trái tim, bạn sẽ bắt đầu di chuyển đúng hướng mà không cần phải suy nghĩ điều gì là đúng, điều gì là sai.
Bí quyết chứa đựng trong nghệ thuật sống mới của loài người là lắng nghe trái tim mình một cách chăm chú, có ý thức và tỉnh táo. Hãy đi theo trái tim, tới bất kỳ nơi nào mà trái tim đưa bạn tới. Đúng là đôi khi nó sẽ đưa bạn đến chỗ nguy hiểm, nhưng hãy nhớ rằng những nguy hiểm ấy là cần thiết để bạn trưởng thành. Đôi khi, nó sẽ khiến bạn lạc lối nhưng những lần lạc lối đó là một phần của quá trình trưởng thành. Bạn sẽ nhiều lần vấp ngã và rồi đứng dậy, bởi đây chính là cách để con người tập hợp sức mạnh.
Đừng tuân theo các quy tắc áp đặt từ bên ngoài. Không có quy tắc nào đúng cả, bởi quy tắc là thứ được tạo ra bởi những người muốn thống trị bạn! Đúng là đôi khi vẫn có những con người vĩ đại được khai sáng trên thế giới này – như Đức Phật, Chúa Jesus, Mohammed. Họ không tạo ra các quy tắc, mà trao đi tình yêu của mình. Nhưng rồi các tín đồ tập hợp lại và bắt đầu tạo ra các quy tắc ứng xử. Khi Người thầy qua đời, khi ánh sáng đã tắt và tất cả chìm vào bóng tối, họ bắt đầu mò mẫm tìm kiếm các quy tắc để neo bám vào, bởi lúc này ánh sáng mà họ đã từng nhìn thấy không còn ở đó nữa. Giờ đây, họ phải dựa vào các quy tắc.
Những gì Chúa Jesus đã làm là lời thì thầm từ trái tim của Ngài, còn những gì mà một số tín đồ Cơ Đốc giáo đang làm không phải là lời thì thầm từ trái tim họ. Họ là những kẻ bắt chước, và khoảnh khắc bạn bắt chước là bạn đang xúc phạm đến phẩm giá và bản chất nguyên thủy của mình, xúc phạm đến Đấng tối cao.
Đừng bao giờ bắt chước, hãy luôn là nguyên bản. Đừng trở thành một bản sao. Nhưng đấy lại là điều đang diễn ra trên khắp thế giới – toàn những bản sao.
Cuộc sống sẽ thực sự là một điệu múa nếu bạn là nguyên bản, và bạn được sinh ra là nguyên bản. Hãy xem sự khác biệt giữa Krishna và Đức Phật. Nếu Krishna làm theo Phật, hẳn chúng ta đã không có cơ hội nhìn thấy một trong những con người đẹp nhất trên Trái đất này. Hoặc nếu Phật làm theo Krishna, hẳn Ngài chỉ là một mẫu sao chép tội nghiệp. Hãy thử tưởng tượng Đức Phật thổi sáo – hẳn Ngài sẽ quấy rối giấc ngủ của nhiều người bởi Ngài không phải là người thổi sáo! Hãy thử tưởng tượng Đức Phật nhảy múa, điều đó trông thật buồn cười, ngớ ngẩn!
Tương tự như vậy đối với Krishna. Ngồi dưới gốc cây mà không có sáo, không có mũ lông công, không có quần áo đẹp – chỉ ngồi đó nhắm mắt như một kẻ ăn xin khốn khó, không ai nhảy múa xung quanh, không có vũ điệu lời ca nào, hẳn Krishna sẽ trông thật đáng thương, nghèo khổ. Phật là Phật, Krishna là Krishna, còn bạn là chính bạn. Và bạn không thể nào thấp kém hơn bất kỳ ai khác. Hãy tôn trọng chính mình, tôn trọng tiếng nói bên trong bạn và làm theo nó.
Phật là Phật, Krishna là Krishna, còn bạn là chính bạn. Và bạn không thể nào thấp kém hơn bất kỳ ai khác. Hãy tôn trọng chính mình, tôn trọng tiếng nói bên trong bạn và làm theo nó.
Và hãy nhớ, tôi không đảm bảo rằng điều đó lúc nào cũng đưa bạn đi đúng hướng. Nó sẽ đưa bạn đi sai đường nhiều lần, bởi vì để đến được cánh cửa đúng, bạn phải gõ lên nhiều cánh cửa sai. Nếu bỗng nhiên vớ được cánh cửa đúng, bạn sẽ không thể nhận ra là nó đúng. Vì vậy hãy nhớ, không có nỗ lực nào bị lãng phí khi xét đến mục đích cuối cùng, tất cả đều góp phần đưa bạn đạt đến trạng thái trưởng thành viên mãn nhất.
Vậy nên đừng do dự, đừng lo lắng quá nhiều về việc đi sai đường. Đó là một trong những vấn đề của con người: Con người được dạy bảo đừng làm sai bất cứ việc gì, và rồi họ trở nên do dự, lo lắng, sợ làm sai đến mức họ bị mắc kẹt. Họ không dám cử động, bởi điều gì đó không đúng có thể xảy ra.
Hãy cứ phạm sai lầm khi có thể, nhưng hãy nhớ một điều: đừng lặp lại cùng một sai lầm. Và rồi bạn sẽ trưởng thành. Một phần của tự do là lạc lối. Thậm chí, đi ngược lại với Thượng đế cũng là một phần phẩm cách của bạn. Đôi khi việc đi ngược lại với Thượng đế cũng chứa đựng vẻ đẹp của nó. Đây là cách bạn bắt đầu có xương sống, nếu không bạn cũng sẽ không có xương sống giống như hàng triệu loài khác.
Hãy quên tất cả những điều bạn đã được dạy bảo: “Cái này đúng, còn cái kia sai”. Cuộc sống không cố định như vậy. Điều được cho là đúng hôm nay có thể sai vào ngày mai, điều được cho là sai ở giây phút này có thể đúng ở giây phút kế tiếp. Bạn không thể phân loại cuộc sống theo cách đó, bạn không thể dán nhãn cho nó một cách dễ dàng như kiểu cái này đúng, còn cái kia sai. Cuộc sống không phải là một hiệu thuốc nơi các chai đều được dán nhãn và bạn biết rõ thứ đựng bên trong mỗi chai đó. Cuộc sống là một bí ẩn: khoảnh khắc này, nó đúng và phù hợp; nhưng khoảnh khắc khác, khi thời gian trôi qua, khi biết bao dòng nước đã chảy qua sông Hằng, nó không còn đúng và phù hợp nữa.
Vậy thế nào là đúng? Đó là thứ hòa hợp với hiện hữu, còn những thứ không hòa hợp với hiện hữu là sai. Bạn phải thật tỉnh táo, bởi nó được quyết định trong từng khoảnh khắc. Bạn không thể dựa vào những câu trả lời có sẵn về cái gì đúng và cái gì sai. Chỉ những kẻ ngốc mới dựa vào những câu trả lời sẵn bởi khi đó họ không cần phải thông minh. Bạn đã biết cái gì đúng và cái gì sai, bạn có thể học thuộc lòng danh sách đó bởi nó không quá khó nhớ.
Mười điều răn – quá đơn giản! – bạn biết cái gì đúng và cái gì sai. Nhưng cuộc sống không ngừng thay đổi. Nếu Moses trở lại, tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ không trao cho bạn Mười điều răn. Sau ba ngàn năm, làm sao ông ấy vẫn có thể trao cho bạn những điều răn kia? Ông ấy sẽ phải nghĩ ra điều gì đó mới mẻ hơn.
Nhưng theo cách hiểu của tôi thì như thế này, bất cứ khi nào được đưa ra, những điều răn đó luôn gây khó khăn cho mọi người bởi vào thời điểm được đưa ra thì chúng đã lạc hậu. Cuộc sống chuyển động quá nhanh, nó luôn ở trạng thái động, không phải tĩnh. Cuộc sống không phải là một cái ao tù, nó là dòng sông Hằng không ngừng tuôn chảy. Nó không bao giờ giống nhau ở hai khoảnh khắc nối tiếp. Vậy nên điều gì đó đúng vào khoảnh khắc này có thể sẽ không còn đúng vào khoảnh khắc tiếp theo.
Vậy phải làm gì? Cách duy nhất là giúp mọi người nhận biết được rằng chính bản thân họ có thể quyết định cách đáp lại trước những thay đổi của cuộc sống.
Có một câu chuyện thiền như sau:
Hai vị sư trụ trì ở hai ngôi chùa nọ kình chống nhau đến mức họ bảo các đồ đệ của mình đừng bao giờ nhìn sang ngôi chùa bên kia.
Mỗi thầy đều có một chú tiểu theo hầu và làm việc vặt. Vị sư chùa thứ nhất bảo với chú tiểu của mình:
– Đừng bao giờ trò chuyện với chú tiểu chùa kia. Họ là những con người nguy hiểm.
Nhưng trẻ con thì vẫn là trẻ con. Một ngày kia, chúng tình cờ gặp nhau trên đường, chú tiểu chùa thứ nhất hỏi chú tiểu chùa thứ hai:
– Cậu đi đâu đấy? Chú tiểu kia đáp:
– Đến bất cứ nơi nào gió đưa tớ đến.
Chú tiểu ấy hẳn đã lắng nghe những lời dạy lớn lao về Thiền trong ngôi chùa kia nên mới trả lời rằng “Đến bất kỳ nơi nào gió đưa tớ đến”. Một câu trả lời vĩ đại, thuần Đạo.
Nhưng chú tiểu chùa thứ nhất quá bối rối, bực bội và không tìm được lời đáp. Thất vọng, giận dữ và cũng cảm thấy có lỗi... “Thầy đã dặn không được nói chuyện với những người này. Họ thực sự nguy hiểm. Trả lời kiểu gì vậy? Nó làm mình bẽ mặt”.
Chú tiểu đến gặp thầy và thuật lại những gì đã xảy ra:
– Con xin lỗi thầy vì đã nói chuyện với nó. Thầy nói đúng, những người đó thật kỳ lạ. Đây là câu trả lời gì vậy? Con hỏi nó một câu đơn giản ‘‘Cậu đi đâu đấy?’’, và con biết nó cũng đang đi chợ giống như con thôi, nhưng nó lại trả lời ‘‘Đến bất kỳ nơi nào gió đưa tớ đến’’.
Sư thầy nói:
– Ta đã dặn mà con không nghe. Giờ thì nghe đây, ngày mai, con đến đứng ở chỗ cũ. Khi nó đến, con hãy hỏi ‘‘Cậu đi đâu đấy?’’, và nó sẽ đáp ‘‘Đến bất cứ nơi nào gió đưa tớ đến’’. Khi đó, con hãy tỏ ra triết lý một chút ‘‘Nếu cậu không có chân thì sao?’’ – bởi vì linh hồn là vô thể và gió không thể đưa linh hồn đi bất cứ đâu.
Vì muốn chuẩn bị thật tốt, suốt đêm, chú tiểu kia lặp đi lặp lại câu trả lời thầy dặn. Và tờ mờ sáng hôm sau, cậu đến đứng ở ngay chỗ cũ, cũng đúng lúc chú tiểu chùa kia vừa đến. Chú tiểu này mừng lắm, vì giờ cậu sẽ cho chú tiểu kia biết thế nào là triết lý thực sự. Vì thế, cậu hỏi:
– Cậu đi đâu đấy? – Và chờ đợi… Nhưng chú tiểu kia đáp:
– Tớ ra chợ mua rau đây.
Giờ thì cậu biết làm gì với triết lý mà thầy đã dạy?
Cuộc sống là như thế. Bạn không thể chuẩn bị cho nó, bạn không thể sẵn sàng cho nó. Đó chính là vẻ đẹp, sự kỳ diệu của cuộc sống. Nó luôn đến bất ngờ, luôn khiến bạn không ngờ tới. Nếu có mắt, bạn sẽ nhìn thấy rằng mỗi khoảnh khắc là một sự bất ngờ và không có câu trả lời sẵn nào có thể áp dụng được.
CON ĐƯỜNG CỦA TRÍ NĂNG
Trí năng là thứ sống động, không bị gò bó. Trí năng cởi mở, và cũng dễ bị tấn công. Trí năng không thiên vị, trí năng là sự can đảm vận hành mà không cần kết luận. Và vì sao tôi nói trí năng là can đảm? Can đảm bởi vì khi vận hành theo kết luận, kết luận sẽ bảo vệ bạn, kết luận cho bạn sự đảm bảo, an toàn. Bạn biết rõ điều đó, bạn biết cách tìm đến nó. Vận hành mà không cần kết luận là vận hành một cách vô tư, có phần ngây ngô. Không có gì đảm bảo, bạn có thể bị sai, có thể bị lạc lối.
Người sẵn sàng dấn thân vào cuộc hành trình được gọi là chân lý cũng phải sẵn sàng mắc sai lầm, phải có khả năng chấp nhận rủi ro. Người đó có thể bị lạc lối, nhưng đấy là cách để đến đích. Sau nhiều vấp ngã, lạc lối, họ sẽ biết cách để không bị lạc. Khi phạm phải sai lầm, họ sẽ biết được sai lầm là gì và biết cách không lặp lại. Biết được sai lầm là gì, họ sẽ đến gần hơn với sự thật, với chân lý. Đó là hành trình khám phá của riêng mỗi người, bạn không thể dựa vào kết luận của người khác.
Khi phạm phải sai lầm, họ sẽ biết được sai lầm là gì và biết cách không lặp lại. Biết được sai lầm là gì, họ sẽ đến gần hơn với sự thật, với chân lý. Đó là hành trình khám phá của riêng mỗi người, bạn không thể dựa vào kết luận của người khác.
Bạn được sinh ra là vô trí. Hãy để điều này chìm sâu vào trái tim bạn bởi qua đó cánh cửa sẽ mở ra. Nếu bạn được sinh ra là vô trí, vậy thì tâm trí chỉ là một sản phẩm xã hội. Nó chẳng phải là tự nhiên, nó đã được vun trồng. Nó đã được đặt lên bạn. Tận sâu bên trong, bạn vẫn tự do, bạn có thể thoát khỏi nó. Người ta không thể nào thoát khỏi tự nhiên nhưng có thể thoát khỏi cái giả tạo vào bất cứ lúc nào họ muốn.
Sự hiện hữu đến trước tư duy. Do đó, hiện hữu không phải là trạng thái của tâm trí, mà vượt ra ngoài tâm trí. Hiện hữu là cách để biết về những thứ nền tảng, không phải để tư duy. Khoa học có nghĩa là tư duy, triết học có nghĩa là tư duy, thần học có nghĩa là tư duy. Đi theo lối sống chân chính, đúng đắn của bản thể nội tâm(*) thì không có nghĩa là tư duy. Cách tiếp cận đúng theo lối sống nguyên thủy ấy là cách tiếp cận không tư duy. Cách này gần gũi, mật thiết hơn, đưa bạn đến gần thực tại hơn. Nó vứt bỏ mọi rào cản, nó khai thông cho bạn và bạn bắt đầu tuôn chảy vào cuộc sống. Bạn không nghĩ rằng mình tách biệt. Bạn không nghĩ rằng mình xa cách, đơn độc. Bạn gặp gỡ, hòa quyện và hội nhập vào thực tại.
(*) Dharma (tiếng Sanskrit) có nghĩa là lối sống, phát xuất từ cội rễ. Dharma thường được chuyển dịch thành religion (tiếng Anh) nghĩa là tôn giáo. Chỉ khi con người sống đúng với những gì thuộc về bản thể nội tâm (lối sống nguyên thủy) thì sẽ thật sự hiện hữu và vượt thoát khỏi tư duy.
Tư duy chỉ có thể nghĩ về điều đã biết… nó nhai lại những thứ đã nhai. Tư duy không bao giờ là nguyên bản. Làm sao bạn có thể nghĩ về những điều chưa biết? Bất cứ điều gì mà bạn có thể xoay xở để nghĩ đều thuộc về cái đã biết. Bạn có thể tư duy chỉ bởi vì bạn biết. Xét ở khía cạnh hiệu quả nhất, tư duy có thể tạo ra những tổ hợp mới. Bạn có thể nghĩ về một con ngựa biết bay, được làm bằng vàng, nhưng không có gì mới. Bạn biết rằng chim biết bay, bạn biết vàng, bạn biết ngựa, bạn kết hợp cả ba yếu tố đó với nhau. Tư duy có thể tạo ra những tổ hợp mới, nhưng nó không thể biết được những điều chưa biết. Cái không biết vẫn nằm ngoài khả năng tư duy. Vì vậy, tư duy đi theo đường vòng, biết về những điều đã biết và cứ thế lặp lại. Nó cứ nhai đi nhai lại. Tư duy không bao giờ nguyên bản.
Tiếp cận thực tại một cách hoàn toàn nguyên bản, tiếp cận thực tại mà không qua bất kỳ trung gian nào – tiếp cận thực tại như thể bạn là người đầu tiên tồn tại – chính là giải thoát. Sự mới mẻ đó chính là giải thoát.
Chân lý là trải nghiệm, không phải niềm tin. Chân lý không bao giờ xuất hiện qua việc nghiên cứu về nó; chân lý phải được đương đầu, phải được đối mặt. Người nghiên cứu về tình yêu cũng giống như người nghiên cứu về dãy núi Himalaya bằng cách nhìn vào bản đồ núi. Bản đồ không phải là dãy núi! Và nếu cứ tin vào bản đồ, bạn sẽ bỏ lỡ dãy núi thật. Nếu quá bị ám ảnh bởi bản đồ thì thậm chí dãy núi kia có xuất hiện trước mắt, bạn cũng sẽ không thể nhìn thấy nó.
Chân lý là vậy đấy. Dãy núi ở trước mắt bạn nhưng trong mắt bạn chỉ có toàn bản đồ núi, những bản đồ của cùng một dãy núi được tạo ra bởi các nhà thám hiểm khác nhau. Người thì leo lên ngọn núi từ phía Bắc, còn người thì leo lên từ phía Đông. Họ đã tạo ra nhiều kiểu “bản đồ” khác nhau: kinh Koran, kinh Thánh, kinh Gita – những “bản đồ” khác nhau của cùng một chân lý. Nhưng bạn chỉ nhìn thấy bản đồ, bị chúng đè nặng đến mức bạn không thể nhúc nhích. Bạn không thể nhìn thấy dãy núi đang sừng sững ngay trước mắt mình, những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng tinh khôi sáng lấp lánh trong ánh bình minh. Bạn không có mắt để nhìn thấy nó.
Con mắt định kiến là con mắt mù lòa, trái tim chứa đầy kết luận là một trái tim chết. Quá nhiều giả định tiên nghiệm và trí óc của bạn bắt đầu mất đi sự sắc bén, vẻ đẹp cùng sự mãnh liệt của nó. Nó trở nên mờ đục.
Trí óc mờ đục là thứ mà người ta gọi là trí thức. Cái gọi là giới trí thức thực sự không thông minh lắm đâu. Trí thức là một bộ hài cốt. Bạn có thể đính lên đó ngọc trai, kim cương, ngọc lục bảo, nhưng hài cốt vẫn là hài cốt.
Khoa học có nghĩa là rõ ràng, tuyệt đối rõ ràng về các sự kiện. Nếu biết rõ các sự kiện, bạn sẽ không thể cảm nhận được sự bí ẩn – càng biết rõ thì sự bí ẩn càng biến mất. Sự bí ẩn cần đến một trạng thái mơ hồ nhất định, sự bí ẩn cần điều gì đó không xác định, không phân định ranh giới. Khoa học liên quan đến sự kiện, còn sự bí ẩn thì không. Sự bí ẩn liên quan đến tồn tại.
Sự kiện chỉ là một phần rất nhỏ của tồn tại, còn khoa học giải quyết nhiều phần bởi vì giải quyết nhiều phần thường dễ dàng hơn. Quy mô của chúng nhỏ hơn, bạn có thể phân tích, không bị choáng ngợp và có thể nắm giữ chúng trong tay. Bạn có thể mổ xẻ chúng, có thể dán nhãn cho chúng, bạn hoàn toàn có thể chắc chắn về số lượng, thuộc tính, khả năng của chúng – nhưng chính quy trình đó giết chết sự bí ẩn. Khoa học là kẻ giết chết sự bí ẩn.
Nếu muốn trải nghiệm sự bí ẩn, bạn sẽ phải đi vào thông qua một cánh cửa khác, từ một chiều hướng hoàn toàn khác. Chiều hướng của tâm trí là chiều hướng của khoa học, chiều hướng của thiền là chiều hướng của sự kỳ diệu, bí ẩn.
Thiền đưa bạn vào chốn không có tên trên bản đồ. Thiền sẽ từng bước đưa bạn vào cõi tan biến, nơi người quan sát và người được quan sát hòa làm một. Điều đó không thể thực hiện trong khoa học – bởi người quan sát phải là người quan sát, người được quan sát phải là người được quan sát, và sự phân định rõ ràng đó phải được duy trì thường xuyên. Với khoa học, không một khoảnh khắc nào bạn được phép quên chính mình, không một giây phút nào bạn được phép trở nên thích thú, mềm lòng, choáng ngợp, say đắm và yêu thương đối tượng được quan sát. Bạn phải tách rời, bạn phải thật lạnh lùng – lạnh lùng, tuyệt đối dửng dưng. Chính sự dửng dưng ấy giết chết sự bí ẩn.
Nếu thực sự muốn trải nghiệm sự bí ẩn, bạn sẽ phải mở một cánh cửa mới trong bản thể của mình. Tôi không nói rằng hãy chấm dứt công việc của một nhà khoa học, tôi chỉ nói rằng khoa học có thể vẫn là một hoạt động ngoại vi đối với bạn. Hãy là nhà khoa học khi ở trong phòng thí nghiệm; còn khi đã ra ngoài, hãy quên hết mọi điều về khoa học. Khi đó, hãy lắng nghe tiếng chim – không theo cách khoa học! Ngắm nhìn những bông hoa – cũng không theo cách khoa học, bởi vì khi bạn nhìn một bông hồng theo cách khoa học, nó sẽ là một thứ hoàn toàn khác. Nó không còn là bông hồng mà nhà thơ nhìn ngắm.
Trải nghiệm không phụ thuộc vào đối tượng, trải nghiệm phụ thuộc vào chính người trải nghiệm, vào tính chất của hoạt động trải nghiệm.
Hãy nhìn vào bông hoa, trở thành bông hoa. Ca hát, nhảy múa quanh bông hoa. Cơn gió mát lành, ánh mặt trời ấm áp, và bông hoa đang ở giai đoạn xuân sắc nhất. Bông hoa nhảy múa trong gió, vui sướng, hát ca. Hãy hòa nhịp cùng bông hoa! Hãy vứt bỏ sự dửng dưng, xa cách. Vứt bỏ tất cả những thái độ khoa học kia. Hãy trở nên linh hoạt hơn, tan chảy hơn, hòa nhập hơn. Hãy để bông hoa trò chuyện với trái tim bạn, để bông hoa đi vào bản thể của bạn. Hãy mời bông hoa bước vào – bông hoa là khách! Và rồi bạn sẽ được nếm trải hương vị của sự bí ẩn.
Đây là bước đi đầu tiên hướng tới sự bí ẩn, và bước đi tối thượng là: hãy trở thành người tham gia vào mọi điều bạn đang làm. Bước đi, đừng chỉ bước đi một cách máy móc, đừng chỉ quan sát bước đi đó – hãy trở thành chính bước đi. Nhảy múa, đừng nhảy theo kiểu đúng kỹ thuật; nó không liên quan đến kỹ thuật. Bạn có thể nhảy đúng kỹ thuật nhưng bạn sẽ bỏ lỡ toàn bộ niềm vui của nó. Hãy tan biến vào điệu nhảy, trở thành điệu nhảy, và quên đi người đang nhảy.
Khi trạng thái hợp nhất sâu sắc đó bắt đầu diễn ra trong nhiều giai đoạn của cuộc sống, khi bạn bắt đầu có những trải nghiệm về sự biến mất, trạng thái vô ngã, hư không… khi bông hoa ở đó, còn bạn thì không... khi cầu vồng ở đó, còn bạn thì không… khi những đám mây lang thang trên bầu trời, còn bạn thì không… khi không có ai ở bên trong bạn, chỉ có sự im lặng thuần khiết, sự im lặng vẹn nguyên, không bị xao lãng, không bị quấy rầy bởi lô-gic, ý nghĩ, xúc cảm, tình cảm – đó chính là khoảnh khắc của thiền. Tâm trí không còn nữa, và khi tâm trí mất đi, sự bí ẩn sẽ xuất hiện.
CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG TIN
Lòng tin là trí thông minh vĩ đại nhất. Vậy sao mọi người không có lòng tin? Bởi vì họ không tin tưởng trí thông minh của mình. Họ e ngại, họ sợ rằng mình có thể bị lừa. Họ sợ, đó là lý do vì sao họ hoài nghi. Hoài nghi bắt nguồn từ nỗi sợ. Hoài nghi là một kiểu không an tâm về trí năng của mình. Bạn không tự tin đến mức có thể tin tưởng và đi vào trong nó. Lòng tin cần có trí năng vĩ đại, sự can đảm vĩ đại, tính chính trực vĩ đại. Nó cần một trái tim vĩ đại để đi vào bên trong. Nếu không đủ thông minh, bạn bảo vệ chính mình bằng sự hoài nghi.
Nếu thông minh, bạn luôn sẵn sàng đi vào chốn vô định bởi bạn biết rằng cho dù cả thế giới đã biết này biến mất và bạn bị bỏ lại một mình, bạn vẫn có thể cư ngụ ở đó. Bạn vẫn có thể xây một ngôi nhà tại chốn vô định kia. Bạn tin vào trí thông minh của mình. Sự hoài nghi luôn ở trạng thái cảnh giác, còn trí thông minh luôn để mở vì nó biết: “Bất kể điều gì sắp xảy ra, tôi vẫn có thể đón nhận thử thách và có cách hồi đáp thích hợp”. Tâm trí bình thường vốn dĩ không có lòng tin. Kiến thức cũng là thứ tầm thường.
Hiện hữu trong trạng thái không biết chính là trí thông minh, đó là nhận thức. Mỗi khoảnh khắc xảy ra đều sẽ biến mất, không để lại dấu vết hiện hữu nào. Người nào bước ra từ đó sẽ lại thuần khiết, sẽ lại trong sáng, sẽ lại hồn nhiên như đứa trẻ.
Cuộc sống không phải là một bài toán. Xem nó như là bài toán nghĩa là bạn đã đi sai bước. Cuộc sống là sự bí ẩn cần được sống, được yêu thương, được trải nghiệm.
Đừng tìm cách hiểu cuộc sống. Hãy cứ sống thôi! Đừng tìm cách hiểu tình yêu. Hãy đi vào tình yêu. Khi đó, bạn sẽ biết và sự hiểu biết đó bắt nguồn từ trải nghiệm của bạn. Sự hiểu biết đó sẽ không bao giờ phá hủy sự bí ẩn: càng hiểu biết, bạn càng nhận ra rằng vẫn còn nhiều điều chưa biết.
Trên thực tế, một tâm trí luôn theo đuổi những lời giải thích là một tâm trí sợ hãi. Bởi vì quá lo sợ, anh ta muốn mọi thứ phải được giải thích. Người đó không thể đi vào điều gì trước khi được nghe giải thích về nó. Với những lời giải thích, người đó mới cảm thấy rằng lúc này mảnh đất ấy quen thuộc, rằng mình biết về địa lý, mình có thể đi theo bản đồ, sách hướng dẫn và thời gian biểu. Người đó chưa bao giờ sẵn sàng bước vào chốn vô định, không có tên trên bản đồ, không có hướng dẫn. Nhưng cuộc sống là như thế, và không bản đồ nào có thể dùng được vì cuộc sống không ngừng thay đổi. Mỗi khoảnh khắc đều là hiện tại. Không có gì cũ dưới ánh mặt trời – mọi thứ đều mới. Chỉ có sự thay đổi là bất biến, chỉ có sự thay đổi là không bao giờ thay đổi.
Mọi thứ khác cũng luôn thay đổi, vì vậy bạn không thể dựa vào bản đồ; vào thời điểm khi được lập ra, bản đồ ấy đã trở nên lỗi thời. Vào thời điểm được đưa ra, nó đã không còn hữu ích, cuộc sống đã thay đổi những con đường trên đó. Cuộc sống đã bắt đầu một trò chơi mới. Bạn không thể dùng bản đồ để đương đầu với cuộc sống bởi vì cuộc sống không thể đong đếm được, và bạn không thể đương đầu với cuộc sống bằng những cuốn cẩm nang hướng dẫn vì cẩm nang hướng dẫn chỉ hữu ích khi mọi thứ trì trệ. Cuộc sống không trì trệ, nó năng động, nó là một quy trình. Bạn không thể lập bản đồ về nó. Nó là thứ không đo lường được, nó là một bí ẩn không thể đong đếm được. Đừng yêu cầu lời giải thích.
Và tôi gọi đây là sự trưởng thành của tâm trí: là khi ai đó đạt đến trạng thái nhìn vào cuộc sống mà không đặt bất kỳ câu hỏi nào, chỉ đơn giản đi sâu vào nó một cách can đảm và không sợ hãi.
Cả thế giới này đầy rẫy những tín đồ giả mạo – nhà thờ, đền chùa... luôn đầy những người sùng đạo. Và bạn có thấy thế giới này hoàn toàn phi tôn giáo không? Với quá nhiều người sùng đạo, thế giới này thật phi tôn giáo – sao phép màu có thể diễn ra? Tôn giáo không có thật. Lòng tin của mọi người là thứ “bị gieo cấy”. Lòng tin đã trở thành tín ngưỡng, không phải trải nghiệm. Họ đã được dạy bảo phải tin, chứ họ không được dạy bảo phải biết – đó chính là điều nhân loại đã bỏ lỡ.
Đừng tin. Nếu bạn không thể tin tưởng thì tốt hơn hết là hoài nghi vì thông qua hoài nghi, một ngày nào đó, lòng tin mới có thể nảy sinh. Bạn không thể sống mãi với sự hoài nghi. Hoài nghi là căn bệnh; đấy là trạng thái không khỏe mạnh. Bạn không thể nào thỏa mãn khi sống trong hoài nghi; khi đó bạn sẽ luôn run rẩy, khi đó bạn sẽ luôn đau đớn và do dự. Khi sống trong hoài nghi, bạn sẽ chìm vào cơn ác mộng. Rồi một ngày nào đó, bạn sẽ bắt đầu tìm cách thoát ra khỏi nó. Vậy nên theo tôi, thà là một kẻ vô thần còn hơn là kẻ hữu thần, một kẻ hữu thần giả mạo.
Bạn đã được dạy phải tin tưởng – ngay từ thời thơ ấu, tâm trí của mọi người đã được định đoạt là phải tin – tin vào Thượng đế, tin vào linh hồn, tin vào điều này, tin vào điều kia. Giờ đây, niềm tin đã ăn sâu vào tận xương tủy bạn, nhưng đấy vẫn là niềm tin – chứ không phải là hiểu biết. Chừng nào còn chưa hiểu biết thì bạn vẫn chưa thoát khỏi nó. Chỉ có sự hiểu biết mới giải thoát cho bạn. Mọi niềm tin (tín ngưỡng) đều là thứ vay mượn; người khác đã trao chúng cho bạn, chúng không phải là sự nở hoa của chính bạn. Vậy làm sao thứ vay mượn có thể đưa bạn đến với chân lý?
Hãy vứt bỏ tất cả những gì bạn đã lấy từ người khác. Thà là một kẻ ăn mày còn hơn giàu có – giàu có không phải từ mồ hôi công sức của bạn mà từ những thứ ăn cắp; giàu có bằng những thứ vay mượn, giàu có nhờ được kế thừa. Không, thà là kẻ ăn mày nhưng theo cách của riêng bạn. Sự nghèo khó đó chứa đựng sự phong phú bởi nó là sự thật, còn sự giàu có về niềm tin thực chất lại rất nghèo nàn. Những niềm tin đó không thể nào đi vào tận sâu bên trong, nếu có cũng chỉ ở lớp vỏ bên ngoài. Chỉ cần khều nhẹ, sự hoài nghi sẽ xuất hiện.
Bạn tin vào Thượng đế; nhưng rồi công việc làm ăn của bạn thất bại và bỗng nhiên sự hoài nghi xuất hiện. Bạn nói: “Tôi không tin, tôi không thể tin vào Thượng đế”. Bạn tin vào Thượng đế, rồi người thân của bạn qua đời, thế là sự hoài nghi xuất hiện. Bạn tin vào Thượng đế, nhưng chỉ bởi cái chết của người thân mà niềm tin đó bị phá hủy sao? Lòng tin thật sự thì không bao giờ bị phá hủy – một khi đã có lòng tin, không gì có thể phá hủy nó được. Không có gì, tuyệt đối không gì có thể phá hủy nó.
Vậy nên hãy nhớ, có sự khác biệt rất lớn giữa lòng tin và niềm tin. Lòng tin mang tính cá nhân, còn niềm tin mang tính xã hội. Với lòng tin, bạn phải trưởng thành; còn với niềm tin, bạn đứng yên tại chỗ; cho dù là ai, bạn vẫn có thể bị áp đặt niềm tin. Hãy vứt bỏ niềm tin. Nỗi sợ sẽ hiện hữu – bởi nếu bạn vứt bỏ niềm tin, sự hoài nghi sẽ xuất hiện. Niềm tin kìm hãm sự hoài nghi, khiến cho sự hoài nghi ẩn mình đâu đó. Đừng lo nghĩ về nó; hãy để sự hoài nghi xuất hiện. Mọi người đều phải đi qua đêm tối trước khi nhìn thấy ánh mặt trời. Mọi người đều phải trải qua sự hoài nghi. Hành trình càng dài, đêm tối càng sâu thẳm. Nhưng sau hành trình dài và đêm tối sâu thẳm ấy, bình minh sẽ hé sáng, khi đó bạn sẽ biết rằng tất cả đều xứng đáng. Lòng tin không thể được “gieo cấy” – và đừng bao giờ cố gieo cấy nó; đó là những gì đã được toàn thể nhân loại thực hiện. Lòng tin bị gieo cấy sẽ trở thành niềm tin. Hãy khám phá lòng tin bên trong chính con người bạn, đừng gieo cấy nó. Hãy đi sâu hơn vào bản thể của bạn, vào tận cội nguồn của bản thể đó và khám phá.
Cuộc truy tìm đó sẽ cần đến lòng tin bởi bạn sẽ đi vào những điều chưa biết. Cần phải có lòng tin và sự can đảm vô biên bởi vì bạn đang rời xa các tập quán và tục lệ truyền thống, bạn đang rời xa đám đông. Bạn đang đi vào biển lớn, không biết liệu có tồn tại bến bờ nào không.
Tôi không thể để bạn bước vào hành trình truy tìm đó mà không giúp bạn chuẩn bị lòng tin. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng tôi có thể làm được gì? Đây chính là cuộc sống. Chỉ những người có lòng tin lớn mới có khả năng hoài nghi lớn, truy tìm lớn.
Người có lòng tin nhỏ bé chỉ có thể hoài nghi đôi chút. Người không có lòng tin chỉ có thể giả vờ rằng mình hoài nghi. Anh ta không thể đi sâu tìm hiểu. Chiều sâu đó xuất phát từ lòng tin – và nó là một rủi ro.
Trước khi để bạn đi vào vùng biển chưa có tên trên bản đồ, tôi phải giúp bạn chuẩn bị cho hành trình dấn thân đơn độc này – tôi có thể tiễn bạn lên tàu. Trước hết, bạn phải biết về vẻ đẹp của lòng tin, niềm hân hoan tột độ của con đường trái tim, để khi bước vào đại dương bao la của thực tại, bạn sẽ có đủ dũng khí bước tiếp. Bất kể điều gì xảy ra, bạn sẽ có đủ lòng tin vào chính mình.
Hãy hiểu như thế này: làm sao bạn có thể tin tưởng ai khác nếu không tin vào chính mình? Điều đó không thể xảy ra. Nếu hoài nghi chính mình, làm sao bạn có thể có lòng tin? Điều cần thiết nhất là trái tim phải cởi mở trước khi trí năng biến thành sự hiểu biết. Đó là sự khác biệt giữa trí tuệ và sự hiểu biết.
Hiểu biết là khi trí năng hòa nhịp với trái tim.
Trái tim biết cách tin tưởng.
Trí năng biết cách tìm kiếm.
Có một câu chuyện cổ như sau:
Có hai người ăn xin sống ở rìa làng. Một người bị mù, còn một người cụt cả hai chân. Một ngày kia, khu rừng cạnh làng, nơi hai người ăn xin trú ngụ, xảy ra hỏa hoạn. Dĩ nhiên, họ là đối thủ của nhau – làm nghề giống nhau, kiếm sống từ những con người giống nhau – và luôn hằn học với nhau. Họ là kẻ thù, không phải bạn...
Xin nói thêm là những người làm cùng nghề không thể nào là bạn. Điều đó rất khó bởi đấy là vấn đề cạnh tranh khách hàng – bạn lấy mất khách hàng của ai đó. Những người ăn xin “đánh dấu” khách hàng của họ: “Hãy nhớ đây là khách hàng của tôi; đừng có mà làm phiền họ”. Bạn không biết người ăn xin sở hữu bạn là ai, nhưng một người ăn xin nào đó trên phố đã sở hữu bạn. Anh ta hẳn đã chiến đấu và giành chiến thắng, và giờ bạn thuộc sở hữu của người đó…
Tôi từng nhìn thấy một người ăn xin gần trường đại học. Ông ta luôn ở đó, gần trường đại học, bởi vì những người trẻ tuổi thường rộng rãi; người lớn tuổi ngày càng trở nên keo kiệt hơn, sợ hãi hơn. Cái chết đang đến gần, giờ đây tiền bạc dường như là thứ duy nhất hữu ích. Nếu họ có tiền, người khác có thể giúp họ; nếu họ không có tiền, ngay cả con cái cũng không buồn quan tâm đến họ. Những người trẻ tuổi thường tiêu hoang. Họ trẻ, họ có thể kiếm được tiền; cuộc sống còn dài ở phía trước.
Ông ta là một người ăn xin giàu có nhờ các sinh viên đại học… Tại Ấn Độ, một sinh viên chỉ vào được đại học nếu xuất thân từ gia đình giàu có, nếu không, sẽ rất chật vật. Một vài sinh viên nghèo cũng có thể vào đó được nhưng mọi thứ sẽ rất gian nan. Tôi cũng xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Vào ban đêm, tôi làm công việc biên tập cho một tờ tạp chí, còn ban ngày tôi đi học. Suốt nhiều năm, tôi chỉ ngủ không quá ba hoặc bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày – tranh thủ bất cứ khi nào có thời gian.
Vậy nên, người ăn xin này có thế lực rất mạnh. Không một người ăn xin nào khác có thể vào được phố đại học này, thậm chí vào cửa cũng bị cấm. Mọi người đều biết trường đại học này thuộc sở hữu của ai – chính là người ăn xin đó! Một ngày kia, tôi bỗng nhìn thấy một chàng trai trẻ; còn ông lão ăn xin không có ở đó. Tôi hỏi anh ta:
– Chuyện gì đã xảy ra vậy? Người đàn ông lớn tuổi kia đâu rồi?
Anh ta đáp:
– Ông ấy là bố vợ của tôi. Ông ấy đã tặng trường đại học này cho tôi.
Giờ mọi người ở đây không ai biết rằng chủ sở hữu đã thay đổi, nó đã thuộc về một người chủ khác. Chàng trai trẻ nói:
– Tôi đã cưới con gái ông ấy.
Ở Ấn Độ, bạn sẽ nhận được của hồi môn khi kết hôn với con gái người khác. Bạn không chỉ kết hôn với người con gái, mà còn được bố vợ tặng cho thứ gì đó. Nếu giàu có, ông ấy sẽ tặng một chiếc xe hơi, một ngôi nhà. Nếu không được đến mức đó thì ít ra cũng là một chiếc xe máy, hoặc một chiếc xe đạp, không thứ này thì thứ khác, như một chiếc ra-đi-ô, chiếc đài bán dẫn, chiếc ti-vi – và một ít tiền mặt. Nếu bố vợ thực sự giàu có, con rể sẽ có cơ hội đi nước ngoài, đi học, trở thành người có học thức, trở thành bác sĩ, kỹ sư – và toàn bộ chi phí sẽ do bố vợ trả.
Con gái của người ăn xin lấy chồng và chàng trai trẻ được nhận của hồi môn của cô dâu là toàn bộ ngôi trường đại học. Chàng trai nói:
– Từ hôm nay, con phố này và trường đại học này thuộc về tôi. Và bố vợ đã chỉ cho tôi ai là khách hàng của mình.
Khi gặp người đàn ông kia, tôi nói:
– Thật tuyệt! Ông đã làm tốt khi trao của hồi môn cho con rể.
– Vâng, – ông ấy nói. – Tôi chỉ có một đứa con gái nên muốn làm điều gì đó cho con rể của mình. Tôi đã cho nó chỗ tốt nhất để làm ăn. Giờ tôi lại phải nỗ lực tìm kiếm thế độc quyền của mình trên thị trường. Đó là việc không hề dễ dàng bởi có quá nhiều người ăn xin, những người có thâm niên đã chiếm hết khách hàng. Nhưng không có gì phải lo lắng, tôi sẽ xoay xở được. Tôi sẽ tống khứ vài kẻ ra khỏi nơi này.
Và chắc chắn ông ấy đã làm điều đó.
... Vì vậy, khi khu rừng bốc cháy, hai người ăn xin suy nghĩ trong chốc lát. Họ là kẻ thù của nhau, thậm chí không nói chuyện với nhau, nhưng đây là tình huống khẩn cấp. Người mù nói với người cụt chân: “Cách thoát thân duy nhất lúc này là anh hãy ngồi lên vai tôi, sử dụng đôi chân của tôi và tôi sẽ dùng đôi mắt của anh. Đó là cách duy nhất để sống sót”.
Tình huống đã trở nên rõ ràng và dễ hiểu. Người đàn ông cụt chân không thể thoát ra ngoài được, anh ta không thể một mình băng qua khu rừng – khu rừng đang bốc cháy. Anh ta có thể di chuyển đôi chút nhưng điều đó chẳng giúp ích gì. Lúc này cần có một lối thoát nhanh chóng. Chắc chắn người mù cũng không thể thoát ra được. Anh ta không biết lửa cháy chỗ nào, không biết con đường nằm ở đâu, và cũng không biết chỗ nào cây đang cháy, chỗ nào không. Không nhìn thấy đường nên anh ta sẽ bị lạc. Nhưng cả hai đều là những người thông minh, họ vứt bỏ thái độ thù địch, làm bạn và cứu mạng mình.
Đây là câu chuyện ngụ ngôn phương Đông, nói về trí năng và trái tim của bạn. Nó không liên quan gì đến những người ăn xin, nó liên quan đến bạn. Nó không liên quan đến vụ cháy rừng, nó liên quan đến bạn – bởi vì bạn đang cháy. Mỗi khoảnh khắc bạn đều đang cháy, đều đang chịu đựng trong đau khổ, phiền muộn. Đứng một mình, trí năng của bạn mù quáng. Nó có chân, nó có thể chạy nhanh, có thể di chuyển nhanh, nhưng vì bị mù nên nó không thể chọn đúng hướng để đi. Và chắc chắn nó sẽ luôn trượt chân vấp ngã, tự làm mình bị thương và cảm thấy cuộc sống vô nghĩa. Đây là điều mà giới trí thức vẫn nói: “Cuộc sống thật vô nghĩa”.
Nguyên nhân khiến cuộc sống trở nên vô nghĩa đối với họ là vì trí năng mù quáng tìm cách nhìn thấy ánh sáng. Điều đó không thể xảy ra.
Bên trong bạn có một trái tim với khả năng nhìn thấy, cảm nhận nhưng không có chân nên không thể chạy. Nó vẫn luôn ở tại nơi vốn có, vẫn đập, vẫn chờ đợi… một ngày nào đó, trí năng sẽ hiểu và biết sử dụng con mắt của trái tim.
Khi nói đến lòng tin, tôi muốn nói đến con mắt của trái tim. Và khi nói đến hoài nghi, tôi muốn nói đến đôi chân của trí năng.
Theo sự chỉ dẫn của trái tim, trí năng sẽ trở nên thông minh. Từ đây, sự chuyển hóa năng lượng sẽ diễn ra. Con người sẽ trở nên thông thái.
Phối hợp cùng nhau, cả hai có thể thoát khỏi đám cháy một cách dễ dàng. Nhưng hãy nhớ, trí năng phải chấp nhận đặt trái tim trên vai mình. Phải như vậy! Trái tim không có chân, chỉ có mắt, còn trí năng phải lắng nghe trái tim và làm theo chỉ dẫn của trái tim.
Sự thông thái bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ giữa trái tim và trí năng. Khi đã học được nghệ thuật tạo ra sự đồng thuận giữa nhịp đập của trái tim và hoạt động của trí năng, bạn sẽ nắm giữ trong tay toàn bộ bí mật, chiếc chìa khóa vạn năng để mở toang mọi điều bí ẩn.
CON ĐƯỜNG CỦA SỰ HỒN NHIÊN
Vấn đề thật sự không phải về lòng can đảm, vấn đề nằm ở chỗ cái đã biết là cái chết, còn cái chưa biết là sự sống.
Neo bám vào cái đã biết là neo bám vào xác chết. Bạn phải nhận thấy điều gì quen thuộc với bạn, điều bạn đã từng sống với nó – nó đã mang đến cho bạn điều gì? Bạn đã đạt được gì? Bạn vẫn không thấy trống rỗng ư? Không cảm thấy vô cùng bất mãn, vô nghĩa và thất vọng ư? Bằng cách nào đó, bạn vẫn xoay xở che giấu sự thật và nói dối để tỏ ra mình vẫn bận rộn, vẫn liên quan.
Đây chính là vấn đề: thấy rõ rằng mọi thứ bạn biết đều thuộc quá khứ, nó đã trôi qua. Nó giờ là một phần của nghĩa địa. Bạn muốn sống trong nấm mồ, hay muốn sống một cuộc sống tràn đầy năng lượng? Đây không chỉ là vấn đề của hôm nay, mà còn cho cả ngày mai, ngày mốt, và vẫn sẽ tồn tại cho đến ngày bạn trút hơi thở cuối cùng.
Bất kể điều gì bạn biết, tích lũy được – thông tin, kiến thức, trải nghiệm – đều sẽ kết thúc ngay khoảnh khắc mà bạn khám phá xong. Giờ đây, việc mang vác những lời lẽ trống rỗng đó, thứ tải trọng chết chóc đó, đang nghiền nát cuộc đời bạn, đè nặng lên vai bạn, ngăn bạn bước vào một cuộc sống hân hoan, sống động.
Người hiểu biết là người chết đi sau mỗi khoảnh khắc của quá khứ và được tái sinh trở lại cho tương lai. Hiện tại của người ấy luôn là sự biến đổi, tái sinh, hồi sinh. Điều này không liên quan đến lòng can đảm, mà là điều đầu tiên cần hiểu, là sự sáng tỏ.
Không ai có thể trao cho bạn lòng can đảm. Đấy không phải là thứ có thể được trao tặng như một món quà. Đấy là thứ vốn có từ lúc bạn được sinh ra, chỉ là bạn không tạo điều kiện cho nó phát triển, bạn không cho phép nó được khẳng định mình.
HỒN NHIÊN LÀ BAO GỒM CẢ LÒNG CAN ĐẢM VÀ SỰ SÁNG TỎ.
Hồn nhiên không phải là thứ có thể đạt được. Nó không phải là thứ do học hỏi mà có. Nó giống như hơi thở, thứ có sẵn từ lúc bạn được sinh ra.
Hồn nhiên là bản chất của mọi người. Không ai được sinh ra mà không hồn nhiên.
Không cần phải can đảm nếu bạn hồn nhiên, cũng không cần phải sáng tỏ bởi chẳng gì có thể trong sáng hơn sự hồn nhiên. Vậy nên toàn bộ vấn đề ở đây là làm cách nào để bảo vệ được sự hồn nhiên của riêng mình.
Làm sao con người được sinh ra mà không có sự hồn nhiên? Bạn đã bước vào thế giới này như một tabula rasa(*), không có gì được viết lên bạn. Bạn chỉ có tương lai, không có quá khứ. Đó là ý nghĩa của sự hồn nhiên.
(*) Tabula rasa (tiếng La-tinh) có nghĩa là phiến đá trắng, ý nói con người được sinh ra với một tâm hồn trong trắng không tì vết.
Quá khứ làm biến chất bởi nó cho bạn ký ức, trải nghiệm, kỳ vọng. Tất cả những điều này khi được kết hợp cùng nhau sẽ khiến bạn tinh khôn nhưng không sáng suốt. Chúng khiến bạn xảo quyệt nhưng không thông minh. Chúng có thể giúp bạn thành công trong đời nhưng tận sâu bên trong, bạn là kẻ thất bại. Và tất cả những thành công của thế giới này đều trở nên vô nghĩa so với sự thất bại mà bạn sẽ phải đối mặt, bởi cuối cùng chỉ có cái tôi bên trong mới ở lại với bạn. Tất cả đều biến mất: vinh quang, quyền lực, tên tuổi, danh vọng – tất cả đều biến mất như những chiếc bóng.
Cuối cùng, chỉ còn lại những gì mà bạn mang theo từ đầu. Bạn chỉ có thể lấy đi khỏi thế giới này những gì bạn đã mang đến.
Ở Ấn Độ, những người thông thái luôn xem thế giới này như là phòng chờ ở nhà ga, không phải là nhà. Bạn sẽ không ở trong phòng chờ đó mãi mãi. Không thứ gì trong căn phòng chờ đó thuộc về bạn – bàn ghế, những bức tranh treo tường… Bạn sử dụng chúng – bạn ngắm các bức tranh, bạn ngồi trên ghế, bạn nằm trên giường – nhưng không thứ gì thuộc về bạn. Bạn chỉ có mặt ở đây vài phút, hoặc nhiều nhất là vài giờ, rồi sau đó bạn sẽ ra đi.
Đúng vậy, những gì bạn đã mang vào phòng chờ sẽ đi theo cùng bạn. Nó là của bạn. Bạn đã mang gì vào thế giới này? Thế giới này chắc chắn là phòng chờ. Sự chờ đợi có thể không diễn ra bằng giây, phút, giờ, ngày, mà diễn ra bằng năm; nhưng có gì khác biệt giữa việc chờ đợi bảy giờ hoặc bảy mươi năm?
Trong bảy mươi năm, bạn có thể sẽ quên rằng mình chỉ đang ở trong phòng chờ. Bạn có thể bắt đầu nghĩ có lẽ mình là chủ sở hữu, có lẽ đây là ngôi nhà mà bạn đã xây nên. Bạn bắt đầu gắn bảng tên mình lên đó.
Vì đi đây đi đó khá nhiều nên tôi đã gặp những người viết tên mình lên nhà tắm của phòng chờ. Họ khắc tên mình lên bàn ghế của phòng chờ. Việc ấy trông thật ngớ ngẩn, nhưng lại là những gì con người thường làm.
Có một câu chuyện rất ý nghĩa trong kinh sách cổ của đạo Jain (Kỳ Na giáo). Ở Ấn Độ, người ta tin rằng một người sẽ được gọi là chakravartin nếu anh ta trở thành hoàng đế trị vì thế giới. Từ chakravartin có ý nghĩa đơn giản... trong đó chakra là bánh xe. Ngày xưa, cách để tránh nổ ra những cuộc chiến và bạo lực không cần thiết đó là: đánh cỗ xe ngựa bằng vàng với những con ngựa khỏe, đẹp đi từ vương quốc này đến vương quốc khác. Nếu vương quốc kia không ngăn cản và để cho xe ngựa chạy qua, thế có nghĩa là vương quốc ấy chấp nhận vị chủ của cỗ xe ngựa là người cai quản của mình, khi đó không cần phải đánh nhau nữa.
Cỗ xe ngựa sẽ di chuyển theo cách này, bất cứ nơi nào người ta cản nó lại, nơi đó sẽ có chiến tranh. Nếu cỗ xe ngựa không bị ngăn cản tại bất cứ đâu, khi đó sẽ không có chiến tranh và vị thế thống lĩnh sẽ được xác lập: ông ấy trở thành một chakravartin – người có bánh xe di chuyển khắp nơi và không ai có thể ngăn cản được.
Dĩ nhiên, để làm được như vậy, cần có nhiều quyền lực hơn Alexander Đại đế. Chỉ việc phái cỗ xe ngựa đó thôi đòi hỏi phải có nguồn sức mạnh to lớn. Cần biết rằng nếu cỗ xe bị chặn lại, nơi đó sẽ có một cuộc tàn sát đẫm máu. Một khi người này đã được công nhận, nếu ông ta muốn chinh phục ai thì không gì có thể ngăn cản.
Nhưng có một cách văn minh hơn – không cần tấn công, không cần giết chóc, chỉ cần gửi một thông điệp tượng trưng. Thế nên cỗ xe ngựa sẽ di chuyển cùng với lá cờ của nhà vua, và nếu các vị vua khác cảm thấy rằng chẳng cần phản kháng – đấu tranh chỉ chuốc lấy thất bại, bạo lực và sự tàn phá không cần thiết – họ sẽ chào đón và ném những bông hoa lên cỗ xe ngựa.
Cách này dường như văn minh hơn nhiều so với những gì các nước đế quốc đã làm. Chỉ việc phái một cỗ xe ngựa thật đẹp – nhưng điều đó có nghĩa là bạn phải tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của mình; và không chỉ bạn, mọi người cũng phải tin tưởng vào sức mạnh ấy. Chỉ như thế thì bức thông điệp tượng trưng mới có thể phát huy tác dụng. Cho nên mọi vị vua đều có tham vọng trở thành chakravartin vào một ngày nào đó.
Người có thể trở thành chakravartin thì ngàn năm có một. Ngay cả Alexander Đại đế cũng không phải là người chinh phục được cả thế giới này, vẫn còn nhiều nơi mà ông ta chưa chạm tới. Và ông ấy lại chết khi còn rất trẻ, chỉ mới 33 tuổi – thậm chí không đủ thời gian để chinh phục thế giới. Chưa nói gì đến việc chinh phục, ông ấy thậm chí còn chưa biết được hết thế giới này! Một nửa thế giới vẫn chưa được biết đến, ngay cả nửa đã biết kia Alexander Đại đế cũng không chinh phục được. Người đàn ông mà tôi sắp kể cho bạn nghe sau đây là người đã trở thành chakravartin.
Chuyện kể rằng khi một chakravartin qua đời – bởi vì hàng ngàn năm mới xuất hiện một chakravartin cho nên ông ấy là một cá thể hiếm hoi – ông ấy được chào đón nồng nhiệt trên thiên đường và được đưa đến một nơi đặc biệt.
Theo câu chuyện được truyền tụng trong đạo Jain, trên thiên đường có một ngọn núi song song với dãy Himalaya. Dãy Himalaya được làm từ đá, đất và băng, còn dãy núi trên thiên đường được gọi là Sumeru. Sumeru có nghĩa là ngọn núi tối thượng: không gì có thể cao hơn nó, không gì có thể tuyệt mỹ hơn nó – ngọn núi bằng vàng khối, với những khối đá bằng kim cương, hồng ngọc và ngọc lục bảo.
Khi chết, chakravartin được đưa đến núi Sumeru để khắc tên mình lên đó. Đây là một cơ hội hiếm hoi, hàng ngàn năm mới xảy ra một lần. Dĩ nhiên, người đó vô cùng phấn khích vì được khắc tên mình lên núi Sumeru. Vị hoàng đế này trở thành thành viên của một dòng dõi gồm những nhân vật siêu phàm.
Người gác cổng trao cho ông ấy các công cụ để khắc tên. Ông muốn mang theo một vài người thân cận – những người đã tự kết liễu đời mình khi hoàng đế của họ sắp băng hà – họ không thể sống thiếu ông. Hoàng hậu, tể tướng, tướng chỉ huy, tất cả những con người tuyệt vời quanh ông đều tự kết liễu đời mình để được đi theo ông.
Vị hoàng đế muốn người gác cổng cho tất cả cùng vào xem ông khắc tên mình lên núi, bởi có gì vui nếu đi một mình, tự khắc tên mình và không ai ở đó để chứng kiến.
Người gác cổng nói:
– Hãy nghe theo lời khuyên của tôi bởi vì đây là nghề cha truyền con nối. Cha tôi từng là một người gác cổng, ông nội tôi cũng là người gác cổng; suốt nhiều thế kỷ, gia đình chúng tôi là những người canh gác ngọn núi Sumeru này. Hãy nghe lời tôi. Đừng mang họ theo, nếu không ông sẽ hối hận.
Vị hoàng đế không thể nào hiểu được nhưng cũng không phản đối bởi người gác cổng được lợi gì khi ngăn cản ông làm điều đó cơ chứ?
Người gác cổng nói:
– Nếu ngài vẫn muốn họ nhìn thấy, hãy đi khắc tên mình trước, sau đó quay lại và dẫn họ vào xem. Kể cả lúc này tôi cũng không phản đối nếu ngài vẫn muốn đưa họ vào.
Vị hoàng đế nói:
– Được. Ta sẽ đi một mình, khắc tên xong, rồi quay lại đưa mọi người vào.
Người gác cổng đáp:
– Tôi hoàn toàn tán thành điều đó.
Vị hoàng đế đi vào và nhìn thấy núi Sumeru đang tỏa sáng dưới hàng ngàn ánh mặt trời – bởi vì trên thiên đường không thể nghèo khó đến mức chỉ có một mặt trời – và một ngọn núi vàng to lớn gấp bội lần dãy núi Himalaya! Trong khoảnh khắc, vị hoàng đế không thể mở mắt ra được vì ánh mặt trời quá chói chang. Rồi ông bắt đầu tìm chỗ để khắc tên, nhưng cảm thấy quá bối rối vì không còn một chỗ trống nào; toàn bộ dãy núi đều được khắc đầy những tên và tên.
Ông không thể tin vào mắt mình. Lần đầu tiên, ông nhận ra mình là ai. Cho đến lúc này, ông vẫn nghĩ mình là một kẻ siêu phàm, ngàn năm có một. Nhưng thời gian là vĩnh hằng, thậm chí hàng ngàn năm trôi qua cũng không có gì thay đổi, quá nhiều chakravartin đã xuất hiện.
Không còn một chỗ trống nào trên ngọn núi vĩ đại nhất hành tinh ấy để ông có thể ghi lên tên họ nhỏ bé của mình.
Ông quay trở ra, và giờ thì ông đã hiểu vì sao người gác cổng khuyên ông không nên đưa hoàng hậu, tể tướng, tướng chỉ huy và những người thân tín khác theo. Thật tốt khi họ không chứng kiến tình huống này. Có thể họ vẫn tin rằng hoàng đế của họ là một người hiếm có.
Ông đưa người gác cổng vào và nói:
– Không còn chỗ trống nào cả!
Người gác cổng đáp:
– Đó là điều tôi sắp nói với ngài. Ngài chỉ cần xóa vài cái tên và viết tên mình lên. Điều này đã từng xảy ra. Tôi đã chứng kiến điều này cả đời mình, cha tôi từng nói về điều này. Ông nội tôi cũng thế. Không ai trong gia đình tôi từng nhìn thấy bất kỳ chỗ trống nào trên núi Sumeru. Bất cứ khi nào một chakravartin đến, ông ấy đều phải xóa một vài cái tên khác và khắc tên mình lên. Vì vậy, đây không phải là toàn bộ lịch sử của các chakravartin. Nó đã bị xóa đi và viết lại nhiều lần. Ngài chỉ cần làm công việc của ngài, và sau đó, nếu muốn người thân của mình nhìn thấy, ngài có thể đưa họ vào.
Vị hoàng đế nói:
– Không, ta không muốn cho họ thấy và ta cũng không muốn viết tên mình lên đó. Có ích gì chứ? Một ngày nào đó, người khác sẽ đến và xóa nó đi. Cả cuộc đời ta đã trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Đây là hy vọng duy nhất của ta, rằng Sumeru – ngọn núi vàng trên thiên đường – sẽ có tên mình trên đó. Ta đã sống vì điều này, ta đã đặt cược cuộc đời mình vì điều này; ta sẵn sàng tiêu diệt cả thế giới vì điều này. Và rồi một người nào đó có thể xóa tên ta và viết tên của họ lên. Vậy thì viết tên mình lúc này có ích gì chứ? Ta sẽ không viết đâu.
Người gác cổng cười lớn. Vị hoàng đế hỏi:
– Ông cười gì thế?
Người gác cổng đáp:
– Thật kỳ lạ, bởi vì tôi cũng đã nghe điều này từ cha ông mình – rằng các chakravartin đã đến, và khi chứng kiến toàn bộ câu chuyện, đều quay trở ra; họ không viết tên mình lên đó. Ngài không phải là người đầu tiên: bất kỳ ai còn chút trí thông minh cũng sẽ làm như thế.
Bạn có thể đạt được gì ở thế giới này? Bạn có thể mang theo những gì? Tên tuổi của bạn, uy tín của bạn, địa vị khả kính của bạn? Tiền bạc, quyền lực – cái gì? Sự uyên bác của bạn ư? Bạn không thể mang theo bất cứ thứ gì. Mọi thứ đều bị vứt lại ở đây. Và trong khoảnh khắc ấy, bạn sẽ hiểu rằng tất cả những thứ bạn sở hữu đều không phải là của bạn; chính ý tưởng sở hữu đó là sai lầm, bởi vì ý thức về sự sở hữu sẽ làm cho bạn biến chất.
Để gia tăng quyền sở hữu – có nhiều tiền hơn, nhiều quyền lực hơn, chinh phục nhiều vùng đất hơn – bạn đã làm những việc mà ngay cả bản thân cũng không thể cho là đúng. Bạn lừa dối, bạn không trung thực. Bạn có hàng trăm khuôn mặt. Bạn không thể thật lòng dù chỉ trong khoảnh khắc với bất kỳ ai hay với chính mình; bạn không thể làm được. Bạn phải giả tạo, không trung thực, giả vờ bởi đây là những thứ giúp bạn thành công trong thế giới này. Sự nguyên bản sẽ không giúp được bạn. Sự chân thật sẽ không giúp được bạn. Tính đúng đắn cũng không giúp được gì cho bạn.
Không có của cải, thành công, danh vọng... bạn là ai? Bạn không biết. Bạn là cái tên của mình, bạn là danh tiếng của mình, bạn là uy tín của mình, là quyền lực của mình? Nhưng ngoài những thứ đó, bạn là ai? Bạn xem tất cả những tài sản sở hữu này là dấu hiệu nhận dạng bản thân. Nó cho bạn cảm giác giả tạo về hiện hữu. Đó chính là bản ngã.
Bản ngã không phải là điều gì bí ẩn, mà là một hiện tượng rất đơn giản. Bạn không biết mình là ai, và sống mà không biết mình là ai thì là điều không thể. Nếu không biết mình là ai, vậy tôi đang làm gì ở đây? Khi đó, bất cứ điều gì tôi làm cũng đều trở nên vô nghĩa. Điều đầu tiên và trước nhất là phải biết mình là ai. Khi đó, tôi mới có thể hoàn thiện bản thân, khiến tôi thỏa mãn, đưa tôi về với Cội nguồn.
Bạn không biết mình là ai, vậy nên bạn cần phải có một nhân dạng giả mạo.
Bạn bước vào thế giới này với tư cách là một người quan sát hồn nhiên. Mọi người đều bước vào thế giới này theo cách tương tự, với cùng một tâm thức. Nhưng bạn bắt đầu mặc cả với thế giới. Thế giới ấy có nhiều thứ để trao cho bạn; bạn chỉ có một thứ để trao lại, và đó là tính chính trực, lòng tự trọng của bạn. Bạn không có nhiều, chỉ có một thứ duy nhất – bạn có thể gọi nó bằng bất cứ tên gọi nào: sự ngây thơ, trí thông minh, sự nguyên bản. Bạn chỉ có một thứ duy nhất.
Trẻ nhỏ vốn rất quan tâm đến mọi điều nó nhìn thấy xung quanh. Nó luôn muốn có cái này cái kia, đó là bản chất con người. Nếu nhìn vào một đứa trẻ, thậm chí một đứa bé vừa mới chào đời, bạn có thể thấy nó bắt đầu dò dẫm xung quanh; hai tay nó đang cố tìm kiếm thứ gì đó. Nó đã bắt đầu cuộc hành trình.
Trong cuộc hành trình này, nó sẽ đánh mất chính mình bởi vì bạn không thể có được điều gì trong thế giới mà không phải đánh đổi. Đứa trẻ tội nghiệp kia không thể hiểu được rằng thứ mà nó sắp cho đi có giá trị đến mức nếu cả thế giới này đứng về một phía, và tính chính trực của nó đứng ở phía còn lại, thì tính chính trực vẫn nặng ký hơn, vẫn có giá trị hơn. Đứa trẻ không thể nào biết được điều đó.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện để làm rõ điều này.
Một người cho dù giàu có đến mấy thì cuối cùng rồi cũng trở nên thất vọng – đây là kết quả tất yếu của mọi thành công. Chẳng có gì thất bại như thành công. Thành công chỉ có ý nghĩa khi bạn thất bại. Một khi thành công, bạn sẽ biết rằng mình đã bị thế giới này, mọi người và cả xã hội này lừa dối. Người đó có tất cả mọi tiền của nhưng không có được sự bình an trong tâm trí. Anh ta bắt đầu tìm kiếm sự bình an cho tâm trí của mình.
Đó là những gì đang diễn ra tại Mỹ. Ở Mỹ, ngày càng có nhiều người tìm kiếm sự bình an trong tâm trí hơn bất kỳ nơi nào khác. Và dĩ nhiên, khi bạn tìm kiếm nó, người ta sẽ có mặt để sẵn sàng trao nó cho bạn. Đây là một quy luật đơn giản của bộ môn kinh tế học: ở đâu có cầu, ở đó có cung. Cho dù bạn có thực sự cần thứ mình yêu cầu hay không, điều đó không quan trọng. Và cũng chẳng ai bận tâm về thứ sẽ được trao cho bạn.
Khi biết được nguyên tắc đơn giản này, rằng ở đâu có cầu, ở đó có cung, những người tinh khôn đã đi trước một bước. Giờ thì họ sẽ nói: “Chẳng cần đợi đến khi có cầu, bạn sẽ tạo ra cầu”. Nghệ thuật quảng cáo là thế đấy – tạo ra nhu cầu!
Trước khi xem quảng cáo, bạn không có nhu cầu, bạn chưa bao giờ cảm thấy đây là nhu cầu của mình. Nhưng sau khi xem quảng cáo, bạn bỗng cảm thấy: “Trời ạ, tôi đã bỏ lỡ nó. Tôi thật ngốc đến mức không hề biết có thứ này tồn tại”.
Trước khi người ta sản xuất thứ gì đó, tạo ra thứ gì đó, thậm chí từ nhiều năm trước, họ đã bắt đầu quảng cáo. Thứ đó chưa hiện diện trên thị trường bởi trước tiên con người phải nghĩ đến nó. Và một khi nhu cầu đã tồn tại, cung sẽ sẵn sàng phục vụ.
Lúc mới xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, không ai từng nghe về George Bernard Shaw, dĩ nhiên cũng không ai có nhu cầu. Làm sao bạn có thể nói: “Tôi muốn có cuốn sách, bộ phim của George Bernard Shaw?”. Do đó, tự thân ông phải đi từ nhà sách này đến nhà sách khác với cùng câu hỏi:
– Bạn có sách của George Bernard Shaw không?
Họ nói:
– George Bernard Shaw ư? Chúng tôi chưa từng nghe đến cái tên này.
Ông đáp:
– Lạ thật, đó là một người vĩ đại mà anh lại chưa từng nghe thấy trong khi anh đang làm chủ một hiệu sách? Anh có bị lỗi thời không đấy? Việc đầu tiên anh nên làm là có được sách của George Bernard Shaw.
Ông ấy chỉ xuất bản một cuốn sách nhưng lại bắt đầu quảng bá cho nhiều cuốn sách, bởi vì khi bạn mất công đi lại, sao chỉ quảng cáo cho mỗi một cuốn sách thôi? Và chỉ một cuốn sách không thể biến bạn thành tác giả lớn.
Ông ấy đi khắp nơi trong nhiều bộ dạng – khi thì đội mũ, khi thì đeo kính. Và mọi người bắt đầu tìm đến nhà George Bernard Shaw. Ông ấy phải làm tất cả những điều này – quảng cáo, cung cấp. Đấy là cách ông đã bán cuốn sách đầu tiên của mình. Ông ấy hỏi mọi người trên phố:
– Tôi nghe người ta nói nhiều về một cuốn sách của tác giả tên George Bernard Shaw nào đó. Họ nói nó hay lắm, hấp dẫn lắm. Bạn đã nghe chưa?
Mọi người sẽ nói:
– Chưa, chúng tôi chưa từng nghe thấy cái tên đó.
Ông nói:
– Lạ thật. Tôi từng nghĩ Luân Đôn là một thành phố văn hóa.
Và ông ấy đến các thư viện, câu lạc bộ và bất cứ nơi nào có thể tạo ra nhu cầu. Ông ấy đã tạo ra nhu cầu. Ông ấy đã bán cuốn sách của mình, và cuối cùng trở thành một trong những tác giả vĩ đại nhất.
Nếu thành công, bạn sẽ đánh mất sự bình an trong tâm trí trên con đường tìm kiếm thành công ấy. Đó là một quy trình tự nhiên. Thành công lấy đi tất cả những gì có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời: sự bình an, tĩnh lặng, niềm vui, tình yêu. Nó không ngừng lấy đi mọi thứ của bạn. Cuối cùng, đôi tay bạn chứa đầy phế liệu, tất cả những gì có giá trị đều mất đi. Và bỗng nhiên, bạn nhận ra mình cần đến sự bình an trong tâm trí.
Ngay lập tức sẽ xuất hiện nhà cung cấp, những người không biết gì về tâm trí, những người không biết gì về sự bình an. Tôi đã đọc cuốn sách có tựa làPeace of Mind (tạm dịch Bình an Tâm trí) của một giáo sĩ Do Thái tên Joshua Liebman. Tôi đã đọc hết cả cuốn sách; người đó chẳng biết gì về sự bình an hay tâm trí. Nhưng ông ta là một nhà kinh doanh. Ông ta đã làm rất tốt mà không cần biết gì về sự bình an của tâm trí.
Cuốn sách của ông ta là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới, bởi vì bất cứ ai muốn có sự bình an trong tâm trí đều sớm muộn cũng tìm đến cuốn sách này. Và nó được viết rất hay. Ông ta là một tay viết giỏi, có tài ăn nói, rất ấn tượng. Nhưng sự bình an trong tâm trí sẽ vẫn xa vời, thậm chí càng xa vời hơn khi bạn đọc cuốn sách ấy.
Trên thực tế, nếu một người biết bình an là gì, tâm trí là gì, anh ta không thể nào viết một cuốn sách có tựa Peace of Mind, bởi tâm trí chính là nguyên nhân gây ra mọi sự bất ổn, bất an. Bình an là khi không có tâm trí. Vì vậy, sự bình an của tâm trí, không có món hàng nào như thế tồn tại!
Nếu có tâm trí, sẽ không có bình an. Nếu có bình an, sẽ không có tâm trí. Nhưng nếu viết một cuốn sách có tựa là Peace of No Mind (tạm dịch Sự bình an của Vô trí), sẽ không có ai mua nó.
Người đàn ông giàu có nọ có tất cả mọi thứ trên đời, nhưng giờ ông ấy đang tìm kiếm sự bình an tâm trí. Ông ta đi từ hiền nhân này đến hiền nhân khác và tất cả đều đưa ra những lời khuyên tuyệt vời, nhưng lời khuyên chẳng giúp ích được ai.
Trên thực tế, chỉ có kẻ ngốc mới cho lời khuyên và chỉ có kẻ ngốc mới nhận lời khuyên. Người thông thái rất do dự khi cho lời khuyên bởi người đó biết chắc rằng thứ duy nhất trên thế gian này được cho miễn phí là lời khuyên, và thứ mà không ai lấy cũng chính là lời khuyên, vậy cớ gì phải bận tâm?
Người thông thái sẽ chuẩn bị trước cho bạn để bạn có thể đón nhận lời khuyên. Anh ta không chỉ đơn thuần cho bạn lời khuyên, bạn cần phải được chuẩn bị. Phải mất nhiều năm để chuẩn bị, và chỉ sau đó bạn mới có thể gieo hạt. Chỉ có kẻ ngốc mới luôn thả hạt giống lên đá mà chẳng bận tâm rằng mình đang lãng phí chúng.
Những hiền nhân kia đều cho anh ta lời khuyên nhưng không có lời khuyên nào hữu ích. Cuối cùng, người mà anh ta không xin lời khuyên, người chẳng nổi tiếng, ngược lại còn bị cho là kẻ ngốc trong làng – chính người ấy đã chặn anh ta giữa đường và nói: “Anh đang phí hoài thời gian của mình. Không ai trong số những người này là hiền nhân cả. Tôi biết họ rất rõ, nhưng vì tôi là kẻ ngốc nên không ai tin tôi. Có lẽ anh cũng sẽ không tin tôi nhưng tôi biết có một vị hiền nhân. Vì thấy anh cứ khổ sở tìm kiếm sự bình an cho tâm trí, tôi nghĩ là tôi nên chỉ cho anh đúng người cần tìm. Dù là kẻ ngốc, không ai hỏi tôi và tôi cũng chưa bao giờ cho ai lời khuyên, nhưng điều này thật quá sức chịu đựng. Nhìn thấy anh buồn bã và khổ sở thế, tôi không thể im lặng. Anh hãy đến tìm người này ở làng bên”.
Người đàn ông giàu có tức tốc lên ngựa tìm đến làng bên, mang theo một túi to đựng đầy kim cương. Khi đến nơi, anh ta nhìn thấy người đàn ông được nhắc đến – Mulla Nasruddin.
Anh ta hỏi Mulla:
– Ông có thể giúp tôi đạt được sự bình an trong tâm trí không?
Mulla đáp:
– Giúp ư? Tôi có thể cho ông.
Người đàn ông giàu có thầm nghĩ:
– Lạ thật. Đầu tiên là gã ngốc kia gợi ý… và chỉ vì tuyệt vọng, hơn nữa nghĩ cũng chẳng hại gì nên mình tìm đến đây. Có vẻ tên này thậm chí còn ngốc hơn bởi vì ông ta nói “Tôi có thể cho ông”.
Người đàn ông giàu có hỏi lại:
– Ông có thể cho tôi sao? Tôi đã gặp đủ các hiền nhân; tất cả đều khuyên hãy làm việc này, việc kia, tự rèn luyện bản thân, làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, xây bệnh viện… Họ khuyên tôi tất cả những điều này, và thực tế là tôi đã làm đủ cả nhưng chẳng ích gì, ngược lại còn nảy sinh nhiều rắc rối hơn. Và giờ ông nói có thể cho tôi?
Mulla nói:
– Điều đó đơn giản thôi. Anh hãy xuống ngựa đi.
Thế là người đàn ông giàu có kia bước xuống ngựa. Thấy anh ta đang cầm chiếc túi, Mulla hỏi:
– Có gì trong chiếc túi mà anh ôm chặt vào lòng thế kia? Người đàn ông đáp:
– Đây là những viên kim cương quý giá. Nếu ông có thể cho tôi sự bình an, tôi sẽ tặng ông chiếc túi này.
Nhưng trước khi anh ta kịp định thần thì Mulla đã giật chiếc túi và bỏ chạy!
Người đàn ông giàu có vô cùng choáng váng; anh ta thậm chí không biết nên làm gì. Và rồi anh ta đuổi theo người đàn ông kia. Nhưng đó là ngôi làng của Mulla, ông ta biết rõ mọi ngóc ngách của nó, và ông ta vẫn cứ chạy. Người đàn ông giàu có chưa từng chạy bao giờ và lại còn quá mập… Anh ta kêu khóc và thở hổn hển, nước mắt giàn giụa. Anh ta nói:
– Tôi đã bị lừa! Người kia đã lấy đi toàn bộ của cải một đời khó nhọc tôi mới kiếm được, ông ta đã lấy hết cả rồi.
Và đám đông đi theo, tất cả đều cười vang. Người đàn ông giàu có nói:
– Các người có phải là lũ ngốc không? Cả làng này chỉ toàn những kẻ ngốc thôi sao? Tôi đang tuyệt vọng, còn các người thay vì giúp tôi bắt trộm thì lại cười cợt.
Đám đông nói:
– Ông ấy không phải trộm, đấy là một hiền nhân thực thụ. Người đàn ông giàu có đáp:
– Chính gã ngốc ở làng tôi đã đẩy tôi vào tình cảnh này!
Nhưng rồi sau một lúc, anh ta đuổi kịp Mulla. Mulla đã quay trở lại ngồi dưới gốc cây cạnh chú ngựa. Ông ngồi xuống, vẫn cầm chiếc túi trên tay, và người đàn ông giàu có chạy đến khóc lóc. Mulla nói:
– Cầm lấy chiếc túi này đi.
Người đàn ông giàu có nhận lại chiếc túi và ôm vào lòng. Mulla nói:
– Giờ anh cảm thấy sao? Có cảm nhận được chút bình an tâm trí không?
Người đàn ông giàu có đáp:
– Vâng, thật bình an. Ông là người kỳ lạ, phương pháp của ông cũng thật lạ.
Mulla đáp:
– Chẳng có phương pháp kỳ lạ nào cả – đấy chỉ là phép tính đơn giản. Khi có được thứ gì, anh sẽ bắt đầu xem nó như điều hiển nhiên. Chỉ khi đánh mất nó, anh sẽ lập tức nhận biết về thứ mình đã mất. Anh chẳng nhận được gì mới cả; đấy chính là chiếc túi anh đã mang theo mà không cảm nhận được sự bình an trong tâm trí. Giờ đây, anh đang ôm vào lòng cũng chiếc túi đó và bất kỳ ai cũng có thể trông thấy anh bình an như thế nào! Hãy về nhà đi và đừng làm phiền mọi người nữa.
Đây chính là vấn đề của đứa trẻ, bởi vì nó đến thế giới này với sự hồn nhiên và sẵn sàng đánh đổi sự hồn nhiên ấy để mua về bất cứ thứ gì. Nó sẵn sàng mua mọi thứ rác rưởi và cho đi lòng can đảm của mình. Nó sẵn sàng mua toàn những món đồ chơi – còn gì khác ở thế giới này ngoài những món đồ chơi? – và đánh mất sự sáng tỏ của bản thân. Nó chỉ hiểu ra khi có được tất cả những món đồ chơi và không cảm nhận được niềm vui nào từ chúng, không nhìn thấy thành quả, sự thỏa mãn nào. Khi ấy, nó sẽ nhận biết được thứ mình đã mất.
Trong một thế giới tốt đẹp hơn, mọi gia đình sẽ học hỏi từ con cái. Chúng ta vội vã dạy chúng, trong khi không ai học từ chúng, chúng có nhiều thứ để dạy chúng ta. Còn chúng ta thì chẳng có gì để dạy chúng.
Chỉ vì lớn tuổi hơn và có quyền hạn hơn, bạn bắt đầu khiến chúng trở nên giống như bạn mà chẳng buồn nghĩ xem mình là ai, đã đạt đến đâu, trạng thái của bạn là gì trong thế giới nội tại. Bạn là một kẻ vô cùng nghèo khó; và bạn muốn con cái mình cũng giống như vậy sao?
Nhưng không ai nghĩ ra; nếu không, mọi người đều đã học hỏi từ những đứa trẻ. Trẻ em mang đến thật nhiều thứ từ thế giới khác bởi chúng là những làn gió tươi mới. Chúng vẫn mang trong mình sự tĩnh lặng từ nơi chúng được sinh ra, sự tĩnh lặng của bản thể nội tâm.
Hãy tin tưởng vào cái không biết. Cái đã biết chính là tâm trí. Cái không biết không thể là tâm trí. Tâm trí là nơi tích lũy những thứ đã biết. Chẳng hạn như khi bạn đến ngã ba đường, tâm trí của bạn sẽ nói: “Đi lối này, đây là con đường quen thuộc”. Nếu lắng nghe bản thể nội tâm, bạn sẽ đi theo cái không quen thuộc, cái không biết. Bản thể nội tâm luôn thích phiêu lưu. Tâm trí rất bảo thủ. Nó muốn đi theo lối mòn, con đường đã có dấu chân – con đường ít trở ngại nhất – hết lần này đến lần khác.
Cho nên, hãy luôn lắng nghe cái không biết. Và thu hết can đảm để đi vào chốn vô định.
Để trưởng thành, bạn cần phải hết sức can đảm, cần phải không sợ hãi. Những người chứa đầy sợ hãi sẽ không thể vượt ra khỏi những điều đã biết. Những điều đã biết mang đến sự thoải mái, sự đảm bảo, sự an toàn. Người ta hoàn toàn biết cách đối phó với nó. Người ta vẫn có thể đối phó với nó trong trạng thái gần như say ngủ; đấy chính là sự tiện lợi của cái đã biết.
Khoảnh khắc bạn bước qua ranh giới của những điều đã biết, nỗi sợ sẽ xuất hiện bởi lúc này bạn sẽ mù tịt, bạn sẽ không biết điều gì cần làm, điều gì không. Bạn sẽ không chắc chắn về chính mình; lúc này bạn có thể mắc sai lầm, bạn có thể bị lạc lối. Chính nỗi sợ khiến mọi người giới hạn bản thân trong những điều đã biết – khi đó, anh ta đã chết!
Cuộc sống đầy những hiểm nguy. Chỉ trải qua hiểm nguy, cuộc sống mới phát triển. Con người cần phải mạo hiểm, luôn sẵn sàng đánh đổi cái đã biết cho cái chưa biết. Và một khi nếm trải được niềm vui của sự tự do và không sợ hãi, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc bởi vì bạn biết được ý nghĩa của việc sống hết mình. Khi đó, bạn biết được ý nghĩa của việc thắp lửa nhiệt huyết cuộc sống ở cả hai đầu. Chỉ một khoảnh khắc cháy hết mình đó cũng đáng hài lòng hơn toàn bộ cuộc sống vĩnh hằng tầm thường.