Chúng ta thường được nuôi dạy để trở thành một hình mẫu lý tưởng nào đó và điều này hết sức phi thực tế.
Theo đuổi khuôn mẫu lý tưởng vốn là một căn bệnh phổ biến của nhân loại.
Khi một đứa trẻ được sinh ra đời, những người thân của nó thường kỳ vọng nó sẽ trở thành người này hay người nọ khi lớn lên. Hình ảnh được kỳ vọng đó sẽ theo đuổi đứa trẻ và nó có cảm giác phải trở nên giống như thế, đồng thời cũng khiến nó cảm thấy bị áp lực vì thực chất đó không phải là con người vốn có của mình.
Cứ thế, người ta cố sắp đặt thực tế trên những điều phi thực tế và sự kỳ vọng đó khiến chúng ta không thể sống trọn với hiện tại mà cứ mãi mơ mộng về tương lai. Sự kỳ vọng đó trở thành cơn ác mộng thường trực và cho dù bạn có cố gắng như thế nào đi nữa thì cũng cảm thấy mình còn khiếm khuyết vì chưa đạt đến hình ảnh lý tưởng. Chính điều đó khiến bạn luôn cảm thấy cuộc sống của mình không trọn vẹn vì không bao giờ thỏa mãn được những điều kỳ vọng.
Bạn chỉ là một con người bình thường và đang sống trong một thời đại nhất định tại một nơi chốn nhất định với những giới hạn nhất định. Hãy học cách chấp nhận những giới hạn đó. Những người cầu toàn luôn mấp mé bờ vực của sự điên loạn. Lúc nào họ cũng bị ám ảnh trong cuộc sống vì cảm thấy tất cả những gì mình làm vẫn chưa đủ tốt. Bạn cần hiểu rằng chẳng có gì là hoàn hảo hay tuyệt đối, và mọi thứ vốn dĩ là như thế.
Điều mà tôi muốn gửi gắm đến bạn ở đây là hãy sống cho trọn vẹn, chứ không phải sống một cuộc đời hoàn hảo. Đây là hai điều hoàn toàn khác nhau. Đừng quan tâm đến sự hoàn hảo mà hãy là chính mình một cách trọn vẹn nhất. Sống trọn vẹn ở đây nghĩa là bạn hãy sống với thực tại và làm tất cả mọi thứ một cách toàn tâm toàn ý nhất. Có thể bạn sẽ không hoàn hảo, nhưng sự khiếm khuyết đó của bạn sẽ luôn đong đầy những cái đẹp của cuộc sống.
Đừng bao giờ cố sống hoàn hảo vì như thế bạn sẽ tự tạo ra cho mình nhiều điều lo nghĩ. Cuộc sống vốn dĩ đã có quá nhiều mối lo toan, vì thế bạn đừng nên tạo thêm chúng cho mình.
Chuyện kể rằng có lần nhà xã hội học người Mỹ Garfinkel, một người hay lo lắng và bận rộn, ngồi trên tàu lửa với một chú bé khoảng ba tuổi. Cứ vài ba phút ông lại phát vào mông đứa trẻ một cái.
Người phụ nữ ngồi đối diện thấy vậy bèn bảo: “Nếu ông đánh đứa nhỏ thêm một lần nữa, tôi sẽ khiến ông gặp rắc rối nhớ đời đấy!”.
Garfinkel bèn trả lời: “Rắc rối ư? Thưa bà, cộng sự của tôi đã cuỗm hết tiền của và chạy trốn cùng với vợ tôi bằng xe của tôi. Con gái tôi thì mang thai sáu tháng và đứa bé không có cha. Hành lý của tôi bị thất lạc, tôi lại bị đi nhầm tàu và thằng nhỏ này đã nhai hết mấy cái vé tàu và nôn đầy khắp người tôi. Thế vẫn chưa đủ ư, bà định cho tôi thêm rắc rối ư?”.
Cuộc sống vốn đã rất phức tạp, thế nên ta hãy đối xử tử tế hơn với bản thân mình. Đừng tạo thêm những hình mẫu lý tưởng để buộc mình phải hướng đến. Cuộc sống luôn đầy những rắc rối nhưng chúng ta vẫn có thể giải quyết chúng được. Nếu bạn lên nhầm tàu, bạn vẫn có thể đổi tàu. Nếu mất vé tàu, chúng ta vẫn có thể mua lại chúng. Nếu vợ hoặc chồng bỏ đi, bạn vẫn có thể tìm cho mình một người bạn đời khác. Bạn có thể giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống, nhưng với những rắc rối do sự cầu toàn mang lại thì không.
Có người muốn trở thành Đức Jesus nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, bởi Tạo hóa không bao giờ có sự lặp lại. Có người lại muốn trở thành Đức Phật và họ cũng đang làm điều không thể vì điều đó trái với quy luật của tự nhiên. Bạn chỉ có thể là chính bạn mà thôi, vì thế hãy sống cuộc đời mình cho thật trọn vẹn. Cho dù bạn đang ở đâu và đang làm gì đi nữa thì hãy làm cho thật trọn vẹn. Hãy làm bằng tất cả tâm huyết của mình, như khi bạn đang thiền vậy. Đừng lo nghĩ liệu nó có hoàn hảo hay không bởi nó sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo cả. Chỉ cần bạn làm điều đó một cách trọn vẹn là đủ. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui trong việc mình làm, cảm thấy hài lòng và như được tái nạp một nguồn năng lượng mới.
Mỗi việc bạn làm một cách trọn vẹn sẽ tạo nên những điều mới mẻ và không bao giờ cho bạn cảm giác ràng buộc với điều đó. Hãy yêu thật trọn vẹn, rồi bạn sẽ thấy mình không có nhu cầu phải ràng buộc với người mình yêu. Nhưng nếu tình yêu của bạn chỉ nửa vời, bạn sẽ cảm thấy có những mối ràng buộc nảy sinh. Tương tự, hãy sống thật trọn vẹn, bạn sẽ không sợ chết, còn nếu chỉ sống nửa vời, bạn sẽ luôn cảm thấy sợ chết.
Hãy quên từ “hoàn hảo” đi, đó là một trong những từ tệ hại nhất. Lẽ ra từ này phải được xóa khỏi mọi ngôn ngữ trên thế giới cũng như trong suy nghĩ của nhân loại. Chưa từng có ai và sẽ chẳng bao giờ có ai là hoàn hảo cả. Ngay cả nếu như có Thượng đế thì những gì Người đã tạo ra cho nhân loại cũng còn có sai sót. Và số lượng sai sót đó nhiều đến mức bạn không thể đếm xuể. Người đã, đang và sẽ luôn yêu thích những gì mình làm ra cho dù chúng không hề hoàn hảo.
Các tôn giáo đều cho rằng Thượng đế thật hoàn hảo, riêng tôi lại không thấy như thế. Theo tôi, Thượng đế chỉ sống trọn với những gì mà Người làm. Thượng đế thiêng liêng, Thượng đế trọn vẹn nhưng Người không hề hoàn hảo, cho dẫu Người vẫn đang cố gắng để làm điều đó… Nếu Thượng đế hoàn hảo thì ngày nay thế giới đã tàn lụi bởi khi sau sự hoàn hảo sẽ là sự kết thúc và chấm hết vì sẽ không còn tương lai hay những điều tương tự. Cây cối vẫn đang lớn lên, trẻ con đang lớn lên và vạn vật vẫn đang tiếp diễn. Và Thượng đế cũng đang không ngừng cải thiện mọi thứ thông qua những cuộc tiến hóa của xã hội loài người từ vượn đến người, và từ người đến thần thánh.
Teilhard de Chardin, nhà triết học theo chủ nghĩa lý tưởng người Pháp, cho rằng có một điểm omega khi mà ở đó mọi thứ đều trở nên hoàn hảo. Thế nhưng không hề có điểm nào như thế cả và điều đó là không thể. Thế giới luôn chuyển động để tiến lên, lúc nào trong xã hội cũng tồn tại những cuộc tiến hóa và loài người luôn không ngừng phát triển. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ đạt đến sự hoàn hảo, bởi vì nếu thế thì mọi thứ sẽ chấm hết tại đó. Thượng đế vẫn đang cải thiện thế giới và đó là minh chứng cho thấy Người hạnh phúc với việc làm đó, vì nếu không thì Người đã bỏ dở công việc này chứ không tiếp tục đầu tư công sức vào đó. Và một khi Thượng đế còn thấy hạnh phúc với bạn thì không có lý gì mà bạn không cảm thấy hạnh phúc với chính bản thân mình. Trước hết, hãy hạnh phúc với bản thân. Hãy xem hạnh phúc là giá trị tối cao. Cho dù bạn làm gì đi nữa thì hãy luôn cảm thấy hạnh phúc với việc mình làm, chỉ thế thôi. Đừng bận tâm đến việc nó có hoàn hảo hay không.
Tại sao phải bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo kia chứ? Điều đó chỉ khiến bạn thêm lo lắng, căng thẳng và luôn sống trong cảm giác bất an, mâu thuẫn với chính bản thân mình. Khi bạn không cảm thấy hài lòng với bản thân, bạn sẽ cảm thấy mâu thuẫn với chính mình. Đừng đòi hỏi bản thân điều không thể mà hãy sống thật tự nhiên, thoải mái, yêu mến bản thân và mọi người.
Hãy nhớ rằng một người không thể yêu thương bản thân thì sẽ không thể yêu thương ai khác. Một người cầu toàn thường không chỉ khắt khe và đòi hỏi với bản thân mà còn với cả những người khác. Một người thích chỉ trích và lên án bản thân cũng sẽ đối xử như thế với mọi người. Tuy nhiên, những đòi hỏi của họ là không thể.
Tôi không hề có ý định viết sách này để giúp bạn hoàn hảo hơn vì đó là một việc làm vô nghĩa. Thông qua quyển sách này, tôi chỉ muốn giúp bạn được là chính mình trong cuộc sống. Nếu bạn chưa hoàn hảo thì cũng tốt, còn nếu bạn đã hoàn hảo thì cũng tốt.
Bạn cũng đừng cố trở thành một người khiếm khuyết bởi điều đó cũng chính là một kỳ vọng và sẽ khiến bạn bị áp lực. Rất có thể tự thân bạn đã là một người hoàn hảo, và như thế nếu nghe theo tôi bạn sẽ gặp rắc rối. Bạn không cần thiết phải trở thành một người như thế. Nếu bạn đã hoàn hảo thì hãy cứ là một người hoàn hảo!
Hãy yêu quý bản thân và đừng phán xét chính mình.
Có lần tôi được nghe một câu chuyện như sau:
Một người nọ cắm trại câu cá ở vùng North Woods. Và vào một đêm nọ, bên đống lửa trại, người hướng dẫn viên kể lại chuyện đi câu cá với mục sư Harry Emerson Fosdick.
Người hướng dẫn viên nói: “Ông ta là người tốt, trừ tật chửi thề”.
Người khách đi câu bèn hỏi lại: “Ồ, ý anh là mục sư Fosdick mà ăn nói thô tục ư?”.
“Đúng vậy đấy”, người hướng dẫn viên nói. “Có lần ông ấy câu được con cá vược khá to. Khi ông ấy sắp kéo nó lên thuyền thì bỗng nó vuột khỏi cái móc câu và lặn mất. Thế là tôi nói với ông ấy ‘Khỉ gió, thật là xấu hổ!’. Ông ấy không nói gì, chỉ đáp lại: ‘Phải đấy!’. Và đó cũng là lần duy nhất tôi thấy ông ấy sử dụng ngôn ngữ đó”.
Rõ ràng đây là tư tưởng của một người cầu toàn. Vị mục sư kia hoàn toàn chẳng hề ăn nói thô tục gì cả, ông ấy chỉ nói “Phải đấy!”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến một người cầu toàn nhìn thấy sự khiếm khuyết và lên án.
Người cầu toàn là kẻ loạn thần kinh. Họ không chỉ loạn thần kinh mà còn khiến cho những người xung quanh cũng như thế. Vì thế đừng trở thành người cầu toàn, và nếu xung quanh bạn có ai như thế thì hãy tránh xa họ trước khi họ làm ô nhiễm tâm trí của bạn.
Thật ra, cội nguồn của chủ nghĩa cầu toàn chính là cái tôi quá lớn. Một người khiêm tốn sẽ chấp nhận cuộc đời chỉ là sự tương đối và có những giới hạn riêng của nó, trong khi người cầu toàn sẽ tự đặt cho mình những lý tưởng hoàn hảo để vươn tới và lấy đó làm vật trang trí cho cái tôi của mình.
Theo định nghĩa của tôi thì khiêm tốn nghĩa là không cố gắng để trở thành hoàn hảo. Và người khiêm tốn sẽ sống một cuộc đời trọn vẹn hơn vì họ không có gì để chối bỏ hay rũ bỏ. Họ chấp nhận con người thật của mình cho dù nó tốt hay xấu. Họ có một cuộc đời phong phú vì chấp nhận trọn vẹn những gì thuộc về mình, từ sự tham lam, giận dữ đến ham muốn tình dục… tất tần tật mọi thứ đều được họ chấp nhận mà không hề chối bỏ. Sự chấp nhận đó sẽ khiến cho điều kỳ diệu diễn ra: Những cái xấu lần lượt biến mất và người khiêm tốn ngày càng trở nên đồng điệu với chính mình.
Tôi không ủng hộ những vị thánh nhưng tôi ủng hộ những người sống một cuộc đời mang ý nghĩa thánh hóa. Thánh nhân là những người cầu toàn, còn người sống một cuộc đời thánh hóa, như các thiền sư, thì lại hoàn toàn khác.
Sau đây là một câu chuyện mà tôi được nghe kể lại về Jacobson, một ông lão chín mươi tuổi đã sống sót qua những cuộc tàn sát ở Ba Lan, các trại tập trung ở Đức và những cuộc bài xích người Do Thái.
Ông ngồi giữa thánh đường Do Thái và cầu nguyện: “Ôi Thượng đế, liệu có thật người Do Thái chúng con là những người mà Người đã chọn không vậy?”.
Trên không trung vang vọng lại một câu trả lời rằng: “Phải Jacobson, người Do Thái chính là những người mà Ta đã chọn!”.
Người đàn ông bèn đáp lại: “Vậy chẳng phải đã đến lúc Người chọn những người khác hay sao?”.
Bạn hãy nhớ rằng những người cầu toàn là những người được Thượng đế chọn. Trong thực tế, khi bạn nhận ra mình đang tự chuốc lấy đau khổ vì những mục tiêu lý tưởng đã đặt ra cho bản thân, bạn sẽ tự giải phóng mình khỏi những lý tưởng đó. Lúc đó, bạn chỉ đơn giản sống với hiện tại, cho dù hiện tại đó là như thế nào. Đó chính là một sự biến đổi to lớn.
Đừng cố trở thành người mà Thượng đế chọn, hãy cứ là chính bạn mà thôi.
Chỉ có từ bi mới chữa lành được mọi thứ
Tất cả mọi bệnh tật của con người là do thiếu tình yêu mà ra. Tất cả những điều sai trái xảy ra cho con người đều ít nhiều liên quan đến tình yêu. Tất cả là do chúng ta không thể yêu hoặc được yêu trong cuộc sống. Đó là do chúng ta không thể chia sẻ con người vốn có của mình, và đó chính là một sự đau khổ, là nguyên nhân gây ra mọi sự phức tạp trong cuộc sống.
Những vết thương trong lòng ấy được thể hiện ra bên ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau, từ bệnh tật thể xác cho đến tinh thần. Và tận sâu trong lòng, chúng ta phải chịu đựng vết thương lớn nhất, đó chính là sự thiếu vắng tình yêu trong cuộc sống. Nếu như cơ thể chúng ta cần thức ăn để sống thì linh hồn chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu. Thiếu vắng tình yêu thì linh hồn sẽ không tồn tại.
Bạn nghĩ mình có linh hồn và tin như thế vì sợ cái chết. Nhưng thực ra chỉ khi nào bạn yêu và được yêu thì bạn mới thật sự cảm nhận được rằng ngoài thể xác và tâm trí thì mình còn có linh hồn.
Và chỉ có từ bi mới chữa lành được mọi thứ. Từ bi chính là hiện thân của loại tình yêu thuần khiết nhất. Đó chính là cấp độ cao nhất của tình yêu khi hai cá thể tiếp xúc dưới dạng tinh thần, trong khi tình dục là cấp độ thấp nhất của tình yêu khi hai cá thể tiếp xúc bằng thể xác. Trong tình yêu có cả sự từ bi lẫn tình dục vì vừa có thể xác lẫn tinh thần. Tình yêu chính là cấp độ trung gian giữa tình dục và từ bi.
Bạn cũng có thể gọi từ bi chính là đỉnh cao của thiền định và từ bi chính là dạng năng lượng cao nhất của loài người.
Trong tình dục, chúng ta sử dụng người khác và xem người bạn tình như là một phương tiện, một vật thể. Chính điều đó khiến chúng ta cảm thấy tình dục là tội lỗi. Và cũng chính tình dục khiến chúng ta cảm thấy mình có sự gắn kết với bạn tình vì chúng ta chỉ thật sự tự do khi được là một con người, còn khi chúng ta được so sánh như một thứ vật thể thì chúng ta sẽ không thể cảm thấy tự do được nữa.
Ví dụ như chiếc ghế mà bạn sử dụng không thể nào tự do được. Nếu bạn khóa cửa phòng và bỏ đi đâu đó một thời gian thì khi quay lại, chiếc ghế vẫn nằm đó y như cũ. Do là một vật thể nên nó không thể tự dịch chuyển hay tái sắp xếp lại. Nhưng nếu đó là một con người, họ sẽ không thể nào giống như cũ, cho dù chỉ là sau một giây phút thôi. “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, bạn không thể nào gặp một người hai lần giống hệt như nhau, bởi con người cũng giống như một dòng sông luôn chảy không ngừng. Con người không thể nào biết được điều gì sẽ xảy ra vì tương lai luôn là một cánh cửa mở.
Nhưng đối với một vật thể thì tương lai lại là một cánh cửa đóng. Một hòn đá thì mãi mãi vẫn chỉ là một hòn đá và nó không có khả năng phát triển để trở thành một thứ gì khác được. Trong khi đó, con người luôn chuyển động không ngừng. Họ có thể tiến tới và cũng có thể bước lùi, có thể sa xuống địa ngục và cũng có thể lên thiên đường nhưng sẽ chẳng bao giờ giống như cũ.
Bạn hãy quan sát một đôi tình nhân mà xem, khi sự lãng mạn chưa chấm dứt, khi tuần trăng mật hãy còn dang dở thì cả hai đều rất háo hức bước vào đời nhau, cùng khám phá những điều chưa biết. Trong khi đó, một đôi vợ chồng trông chẳng khác gì hai nấm mồ đứng cạnh nhau. Họ giống như hai vật thể đã chết đang giúp nhau và ép buộc nhau duy trì tình trạng đó. Đó chính là mối mâu thuẫn muôn đời trong hôn nhân. Chẳng ai muốn trở thành một vật thể cả!
Trong tình yêu, người ta thường kính trọng nhau khi mới yêu. Khi bạn yêu một người phụ nữ và ân ái với họ, bạn cảm ơn họ vì điều đó. Nhưng một ông chồng khi ân ái với vợ lại hiếm khi nói điều đó vì họ xem đó là điều mặc nhiên. Có thể lúc trước khi còn chưa quyết định đi đến hôn nhân, thuở còn tán tỉnh và quyến rũ nhau thì chúng ta có thể nói cảm ơn nhau. Nhưng một khi đã yên bề gia thất, liệu có mấy ai còn làm được điều đó cho nhau? Khi đó, vợ chồng sống vì nhau nhưng sự biết ơn đã không còn nữa.
Trong tình yêu đích thực tồn tại thái độ biết ơn sâu sắc. Bạn hiểu người kia không phải là một vật thể mà họ là một linh hồn, một cá thể, một điều gì đó rất riêng và vĩ đại. Tình yêu đích thực khiến cả hai đều cho nhau sự tự do tuyệt đối. Dĩ nhiên đó là một mối quan hệ cho và nhận nhưng với thái độ tôn trọng lẫn nhau. Còn trong tình dục chỉ là mối quan hệ cho và nhận nhưng không có sự tôn trọng.
Còn đối với từ bi, bạn chỉ đơn thuần là cho đi mà không màng đến việc nhận lại. Bạn chỉ đơn giản là chia sẻ với mọi người. Thế nhưng bạn sẽ nhận lại được gấp vạn lần những gì mình đã cho theo một cách tự nhiên nhất.
Trong tình yêu, khi cho đi một điều gì đó, tận đáy lòng người ta vẫn hằng mong sẽ nhận lại được một điều gì đó. Và nếu không được như thế, chúng ta sẽ bắt đầu than phiền, và cho dù không nói ra thì điều đó vẫn được thể hiện dưới hình thức nào đấy, cho thấy bạn đang không vui hoặc cảm thấy bị lừa dối. Tình yêu trông có vẻ giống như một cuộc mặc cả tinh tế vậy.
Nếu như trong từ bi bạn chỉ cho đi thì trong tình yêu, bạn cảm thấy biết ơn vì người kia đã cho bạn một điều gì đó. Trong từ bi, bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì người kia đã nhận cái bạn cho mà không từ chối. Trong bạn tràn đầy năng lượng để chia sẻ như những bông hoa nở rộ phải tỏa hương.
Từ bi là đỉnh cao của tình yêu, tuy sẽ nhận lại gấp vạn lần cái đã cho nhưng bạn thật sự không màng đến điều đó. Và nếu không nhận lại được gì thì bạn cũng không than phiền vì điều đó. Còn nếu có thì bạn chỉ ngạc nhiên mà thôi. Nếu không thì cũng không sao vì bạn không hề đem trái tim của mình ra để mặc cả khi ban tặng cho người khác. Chỉ đơn giản là vì bạn như một đám mây mọng nước ắt phải mang mưa đến cho mặt đất. Và đám mây đó phải cảm ơn mặt đất vì nhờ vậy mà đám mây ấy bớt nặng nề.
Tương tự như một bông hoa khi nở rộ thì phải tỏa hương trong gió. Đó là một điều hết sức tự nhiên chứ không hề mang tính mặc cả hay trao đổi. Đến độ to nhất định thì bông hoa bắt buộc phải nở bung ra và tỏa hương đi xa chứ nó không thể cưỡng lại điều hết sức tự nhiên ấy. Trong cuộc đời này, cơn thịnh nộ lớn nhất là khi bạn không thể giải tỏa nỗi lòng, không thể chia sẻ và thể hiện bản thân. Người đáng thương nhất là người không có gì để chia sẻ hoặc có thứ gì đó để chia sẻ nhưng lại không có khả năng hoặc không biết nghệ thuật để làm điều đó.
Nếu so sánh giữa hai người thì một người chỉ biết đến tình dục sẽ có đời sống nghèo nàn hơn một người biết thế nào là tình yêu. Người có lòng từ bi sẽ là người có đời sống phong phú, giàu có nhất. Cuộc đời của họ là vô hạn và họ chỉ đơn giản cho đi trong cuộc sống mà không màng đến cả một lời cảm ơn. Tất cả là vì trong họ có một tình yêu hết sức lớn lao. Và tôi gọi tình yêu đó chính là liệu pháp để chữa lành mọi vết thương.
Những người Thiên Chúa giáo tin rằng Chúa Jesus đã làm nhiều điều kỳ diệu. Theo tôi, ngài chẳng làm gì kỳ diệu cả mà sự kỳ diệu chính là ở lòng trắc ẩn của ngài. Ngài chỉ như là một chiếc hồ lớn tràn đầy năng lượng yêu thương, và khi ngài di chuyển đến đâu cũng sẽ có rất nhiều người theo. Bất kỳ ai sẵn sàng chia sẻ sẽ được chia sẻ.
Chúa Jesus, Đức Phật, Mahavir hay Krishna đều là những bậc thầy chữa lành vết thương cho loài người ở những mức độ khác nhau.
Theo sự quan sát của tôi thì hầu hết những người phương Tây tìm đến tôi chẳng bao giờ đặt ra những câu hỏi về thể xác của họ. Họ hiếm khi hỏi tôi: “Tôi bị nhức đầu kinh niên. Osho, hãy giúp tôi!”, hoặc “Osho, mắt tôi yếu quá!”, hay “Trí nhớ của tôi kém quá!”… Thế nhưng người Ấn Độ thường đề nghị tôi giúp về những vấn đề liên quan đến cơ thể họ.
Và tôi tự hỏi vì sao lại như thế? Tại sao những người Ấn Độ chỉ quan tâm đến các vấn đề về sức khỏe thể chất? Bởi họ chỉ gặp những vấn đề đó mà thôi. Một đất nước nghèo nàn nhưng lại không có những vấn đề về tinh thần, trong khi những đất nước giàu có lại có những vấn đề về tinh thần.
Thời của Đức Phật chính là thời hoàng kim của Ấn Độ, khi đất nước này đang ở vào đỉnh cao của nó. Lúc đó, Ấn Độ cực kỳ giàu có và dư thừa của cải, trong khi cả thế giới còn lại đang sống trong nghèo khổ. Thế nhưng dòng người tìm đến Ấn Độ lại mang đầy tâm bệnh cần được chữa trị.
Trong khi đó, Chúa Jesus lại sống trong một quốc gia nghèo nàn và những người tìm đến với ngài lại không hề có tâm bệnh, bởi trong thực tế để có tâm bệnh thì ít nhất người ta cũng phải có cái ăn, cái mặc. Do vậy mà người nghèo thường chỉ có những mối lo hết sức cơ bản xoay quanh cuộc sống thường nhật.
Tôi có một người thân đã đến đây để thiền và sinh hoạt được một tháng. Ngày cuối cùng, tôi hy vọng ông ấy sẽ hỏi mình một câu nào đó ý nghĩa, ấy thế mà ông ấy lại bảo rằng con trai ông ấy đang gặp chuyện không hay về tài chính! Ông ấy sống ở đây một tháng, lắng nghe tôi thuyết giảng cả một tháng, thế nhưng điều duy nhất khiến ông ấy băn khoăn chỉ là việc con trai của ông ấy đang gặp khó khăn. Ông ấy làm nghề lái taxi và chiếc xe của họ hay bị trục trặc mỗi ngày. Ông ấy nhờ tôi: “Osho, hãy giúp tôi làm điều gì đó!”.
Tôi đâu phải là một người thợ máy, thế nên tôi bảo ông ấy hãy bán chiếc xe đó đi để mua một chiếc khác. Ông ấy đáp: “Chẳng ai chịu mua nó đâu, nên ông làm ơn giúp tôi với!”.
Đối với người nghèo, họ chỉ quan tâm đến những khó khăn thường nhật trước mắt. Nhưng khi người ta giàu hơn thì những mối bận tâm của họ cũng khác đi và thuộc cấp độ cao hơn. Chỉ có những nước giàu có mới mắc nhiều tâm bệnh, còn những nước nghèo thì không.
Tôi không nói người nghèo thì không có những mối lo toan về mặt tinh thần vì vẫn có những ngoại lệ, nhưng một quốc gia nghèo thì quả là không có những căn bệnh về mặt tinh thần như thế. Một quốc gia nghèo khổ chỉ biết nghĩ đến thuốc men, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ. Đó là một điều hết sức tự nhiên và logic.
Chúa Jesus được sinh ra trong một thế giới hết sức nghèo khổ. Thế nhưng không phải ngài đã cứu chữa cho mọi người mà chính mọi người đã tự chữa lành cho mình. Chúa Jesus từng nói: “Chính đức tin đã chữa lành cho các ngươi”. Khi bạn có niềm tin, bạn sẽ dễ dàng đón nhận lòng từ bi. Tất cả những điều kỳ diệu mà Đức Phật hay Mahavir làm đều vô hình và chỉ có những người thật sự tin mới nhìn thấy.
Tuy nhiên, cho dù bạn giàu hay nghèo và ở cấp độ nào đi nữa thì từ bi vẫn có ý nghĩa chữa lành đối với bạn. Từ bi là một dạng tình yêu đã được chắt lọc đến thuần khiết, và với nó bạn chỉ biết cho đi chứ không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào.
Đức Phật thường dạy các đệ tử rằng: “Sau mỗi lần ngồi thiền, hãy thực hành từ bi ngay lập tức vì trong lúc thiền, tình yêu thương sẽ lớn lên và lấp đầy tâm các con. Sau khi thiền, hãy mở rộng lòng từ bi với thế gian để các con có thể chia sẻ tình yêu thương cho thế giới xung quanh và giải phóng nguồn năng lượng đó để nó đến được với mọi người”.
Tôi cũng muốn nói với bạn như thế. Hãy để cho nguồn năng lượng tràn đầy và lòng từ bi trong bạn lan tỏa sau mỗi lần ngồi thiền. Hãy giải phóng nó, bạn sẽ cảm thấy như trút được gánh nặng và trở nên thư giãn, tĩnh tại, bình yên; rồi những gì bạn gửi gắm đi sẽ giúp ích cho mọi người xung quanh. Hãy kết thúc mỗi buổi thiền bằng cách giải phóng tình yêu thương có trong bản thân và gửi gắm nó đến thế giới xung quanh.
Người ta kể lại rằng khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa, có người đến bảo với ông rằng: “Tôi đã làm theo lời ngài chỉ dạy, tôi thiền và cảm nhận được lòng từ bi đối với cả vũ trụ, bao gồm cả con người, muông thú, hòn đá, dòng sông… Thế nhưng tôi không thể nào mở lòng từ bi với người hàng xóm của mình. Điều đó là không thể được! Theo ngài thì tôi có thể xem đây là ngoại lệ được không? Nhưng làm thế quả thật rất khó, khó vô cùng. Tôi không thể yêu mến họ được”.
Bồ Đề Đạt Ma đáp rằng: “Thế thì ông hãy quên chuyện thiền đi, vì từ bi mà phải loại bỏ một ai đó thì đấy không còn là từ bi nữa”.
Từ bi là hoàn toàn mở rộng lòng mình đối với tất cả con người, vạn vật và muông thú xung quanh, không loại trừ một ai hay điều gì. Bởi thế, nếu bạn cảm thấy mình không thể từ bi đối với một ai đó thì hãy quên điều này đi vì từ bi không gắn liền với một cá nhân bất kỳ mà liên quan đến nội thân của bạn. Hãy từ bi một cách vô điều kiện, vô tư và tự nhiên. Khi đó, bạn sẽ trở thành nguồn sức mạnh chữa lành cho thế giới đầy đau khổ này.
Chúa Jesus không ngừng lặp đi lặp lại: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Ngài cũng dạy rằng: “Hãy yêu kẻ thù như chính mình”. Nếu phân tích kỹ hai câu này thì bạn sẽ thấy người thân với kẻ thù chính là một. Và điều mà ngài muốn nói ở đây rất đơn giản, đó là tình thương, sự từ bi không có bất kỳ rào cản nào. Hãy yêu thế giới này như yêu chính bạn, bởi vũ trụ này cũng chính là bạn dưới nhiều hình thức khác nhau mà thôi. Người hàng xóm chính là một hiện thân khác của bạn, kẻ thù của bạn cũng thế, mặc dù có thể bạn không chú ý và nhận thấy chính mình trong người khác.
Từ bi là một liệu pháp giúp chữa lành nhân loại, nhưng để có thể làm điều này, trước tiên bạn phải từ bi với chính mình. Nếu không biết yêu bản thân, bạn sẽ không thể yêu ai khác được. Nếu không tử tế với bản thân, bạn sẽ không thể tử tế với người khác. Những người được gọi là thánh nhân thật ra chỉ đang giả vờ như họ rất tử tế với mọi người, bởi họ rất khắt khe với bản thân. Bạn không thể nào đối xử tốt với người khác nếu không đối xử tốt với bản thân mình. Xét về mặt tâm lý thì điều đó quả thật là không thể.
Bạn cư xử với bản thân mình như thế nào thì cũng sẽ xử sự như thế với người khác. Nếu bạn căm ghét bản thân, bạn cũng sẽ căm ghét mọi người. Yêu quý bản thân dường như là một điều rất xa lạ, bởi chúng ta vẫn nghĩ để yêu thương, ta cần có một ai đó. Nhưng nếu không thực hành yêu quý bản thân, bạn sẽ không thể nào thực hành điều đó với người khác.
Chúng ta thường lớn lên trong sự kỳ vọng của mọi người xung quanh và luôn có cảm giác mình chưa đủ tốt, chưa đủ hoàn hảo và rằng chúng ta có thể trở thành những người giỏi giang hơn, tốt đẹp hơn. Chính vì thế mà chúng ta hiếm khi chấp nhận con người vốn có của mình. Lúc nào xung quanh chúng ta cũng là những kỳ vọng lẽ ra không nên có, và khi không đạt được những kỳ vọng đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình kém cỏi, đáng trách. Chính điều đó là nguyên nhân sâu xa khiến con người cảm thấy căm ghét bản thân mình.
Làm sao bạn có thể yêu quý mọi người khi mà trong lòng luôn đầy cảm giác căm ghét bản thân đây? Nếu có thì đấy chỉ là sự giả tạo mà ta cố tạo ra để mọi người xung quanh nhìn thấy, chứ tận sâu trong lòng chúng ta không yêu quý một ai cả. Sự giả tạo ấy chỉ tồn tại được một thời gian, sau đó mọi thứ sẽ trở về với thực tế ngược lại.
Mọi tình yêu trên thế gian này đều luôn ở bên bờ vực thẳm vì không sớm thì muộn tình yêu cũng sẽ chết đi. Lý do là vì mọi người thường giả vờ mình đang yêu và cả hai đều bảo rằng họ yêu nhau. Ví dụ, cha nói yêu con và con nói yêu cha; anh em nói yêu thương nhau… Cả thế giới này đều nói về tình yêu, hát về tình yêu và dường như chẳng có nơi nào là không có sự hiện diện của tình yêu. Tình yêu trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao nhà thơ, nhà văn… Và dường như tất cả chỉ là một sự bù đắp, vì khi không thể thật sự yêu thương, chúng ta cần có một hình thức nào đó để tin rằng mình đang yêu, chẳng hạn như qua văn chương, thơ ca, âm nhạc… Chúng ta đưa vào thơ ca, âm nhạc, tiểu thuyết và phim ảnh những điều mình thiếu thốn trong cuộc sống. Tình yêu hoàn toàn vắng bóng trong cuộc sống của chúng ta chỉ vì điều kiện tiên quyết vẫn chưa xảy ra, đó là chúng ta phải biết yêu quý bản thân mình.
Trước hết, hãy chấp nhận con người vốn có của mình và rũ bỏ mọi cái “nên là”. Đừng bao giờ nghĩ đến cụm từ “phải như thế này” hay “phải như thế kia”. Bạn không cần phải trở thành một ai khác; bạn không nhất thiết phải làm những điều không thuộc về bản chất của mình. Hãy thả lỏng và là chính bạn. Hãy tôn trọng bản sắc riêng của mình và dũng cảm để thể hiện nó chứ đừng sao chép tính cách của người khác.
Bạn không nhất thiết phải trở thành Phật, Jesus hay bất kỳ ai khác mà chỉ cần là chính mình. Jesus chưa bao giờ
mong muốn trở thành Abraham hay Moses, cũng như Phật chưa bao giờ cố gắng để trở thành Krishna hay Patanjali. Chính vì thế mà Jesus mới là Jesus, và Phật mới là Phật.
Khi không phải cố để trở thành một ai đó, bạn sẽ cảm thấy thanh thản và hài lòng với chính mình. Những mâu thuẫn nội tại sẽ biến mất, bạn sẽ cảm thấy hài hòa với chính mình, với hiện tại và không còn phải tranh đấu cho một điều gì nữa. Tâm hồn bạn sẽ trở nên trong trẻo. Chính trong sự trong trẻo ấy bạn sẽ cảm nhận được lòng từ bi và biết yêu quý bản thân mình. Bạn sẽ thấy hạnh phúc với chính mình đến nỗi giả sử Thượng đế có hỏi bạn: “Con có muốn trở thành một ai khác không?”, thì chắc chắn bạn sẽ đáp ngay: “Tại sao phải thế ạ? Con đã quá tuyệt rồi! Cảm ơn Người, nhưng bản thân con đã hoàn hảo lắm rồi”.
Giây phút mà bạn có thể nói với vũ trụ: “Tôi hạnh phúc với chính mình, tôi hoàn hảo với chính mình”, bạn sẽ chấp nhận bản thân và nhờ đó sẽ chấp nhận thế giới xung quanh. Khoảnh khắc đó theo phương Đông được gọi là shraddha, nghĩa là tin cậy hoàn toàn.
Khi bạn chối bỏ bản thân, bạn sẽ chối bỏ Tạo hóa đã tạo ra mình. Khi bạn nói: “Mình nên giống như thế này…”, nghĩa là bạn đang tìm cách cải thiện Tạo hóa. Đó là điều không thể, và việc lội ngược dòng ấy sẽ trở nên vô ích vì chắc chắn bạn sẽ thất bại.
Càng thất bại thì bạn càng thêm căm ghét bản thân. Càng thất bại, bạn sẽ càng lên án bản thân. Càng thất bại, bạn càng thấy mình kém cỏi. Chính vì thế, bạn sẽ không thể nào có được sự từ bi trong lòng. Từ bi chỉ đến khi bạn hoàn toàn là chính mình. Khi đó, bạn chấp nhận “Đây là con người vốn có của mình”, và bạn cảm thấy mình không cần phải theo đuổi một hình mẫu lý tưởng nào cả. Chỉ khi đó, bạn sẽ lập tức cảm thấy mình trọn vẹn và hạnh phúc!
Đóa hoa hồng nở rạng rỡ vì chúng không phải cố gắng để trở thành hoa sen. Còn những đóa hoa sen cũng nở rộ xinh đẹp vì chúng chưa từng chú ý đến những loài hoa khác. Vạn vật trong thế giới này vốn dĩ đều đẹp với bản chất tự nhiên của mình mà không cần phải cạnh tranh hay bắt chước lẫn nhau. Nói cách khác, mọi thứ đều đẹp theo cách riêng của chúng.
Chỉ cần bạn nắm vững điểm mấu chốt này, hãy là chính mình và đừng cố gắng trở thành một ai khác cả vì đó là điều không thể. Bạn chỉ có thể là chính mình mà thôi!
Cho dù bạn có chối bỏ hay chấp nhận bản thân và bạn có vui hay buồn vì điều đó thì bạn cũng vẫn là chính bạn. Một khi đã chấp nhận con người vốn có của mình, bạn sẽ cảm nhận được tình yêu thương từ bản thân. Chỉ khi đó bạn mới bắt đầu có thể chấp nhận những người khác!
Bạn có nghĩ rằng sẽ rất khó nếu phải sống chung với một vị thánh nhưng lại thoải mái hơn nếu sống chung với một kẻ tội đồ? Đó là vì thánh nhân sẽ không ngừng phán xét bạn thông qua ánh mắt, cử chỉ, thái độ, cách nói chuyện của họ đối với bạn. Họ sẽ không bao giờ nói với bạn mà là nói về bạn. Lúc nào cũng có những áng mây lý tưởng che mờ mắt họ, làm cho họ không bao giờ thật sự nhìn thấy con người vốn có của bạn. Lúc nào trong tâm trí của họ cũng bị những hình ảnh lý tưởng xa xôi chiếm ngự, và do vậy họ sẽ không ngừng so sánh bạn với chúng. Kết quả là bạn sẽ luôn trở nên kém cỏi, khiếm khuyết trong mắt họ. Chính cách nhìn đó của họ đã biến bạn thành kẻ tội đồ! Sống với một thánh nhân là điều không dễ, bởi họ thậm chí còn không chấp nhận bản thân thì làm sao có thể chấp nhận bạn? Lúc nào họ cũng chỉ hướng đến những mục tiêu xa xôi.
Theo tôi, chỉ những người có tâm trí đã được thánh hóa mới có thể chấp nhận bản thân và từ đó chấp nhận cả thế giới xung quanh. Theo tôi, điều quan trọng nằm ở trạng thái thánh hóa đó của tâm trí con người: trạng thái chấp nhận hoàn toàn. Và đấy cũng chính là sức mạnh chữa lành đối với những bệnh tật tinh thần lẫn thể xác của con người. Chỉ cần được sống với một người chấp nhận con người vốn có của bạn, bạn sẽ được chữa lành.
Do vậy, hãy luôn tỉnh thức, dõi theo bản thân và sống một cuộc đời tràn đầy yêu thương. Nếu bạn là người yêu thích đời sống tình dục, tôi không khuyên bạn bỏ thói quen đó mà hãy làm điều đó trong tỉnh thức, bằng tất cả sự sâu sắc, nâng nó lên tầm thiêng liêng để nó thật sự trở thành tình yêu. Còn nếu bạn đang yêu, hãy thêm vào đó lòng biết ơn, thái độ sâu sắc, niềm vui, sự hoan hỉ và thiền định để nó trở thành lòng từ bi.
Chỉ khi nào bạn có được sự từ bi trong tâm hồn thì bạn mới thật sự sống. Đó là sự nở hoa của cuộc đời. Và khi đó, hàng triệu người khác sẽ được chữa lành nhờ sự từ bi đó. Tóm lại, từ bi chính là sức mạnh chữa lành những vết thương tinh thần lẫn thể xác của con người.
Thiền và sự từ bi vô điều kiện
Một đêm nọ, khi thiền sư Shichiri Kojun đang giảng về sutras thì một tên cướp cầm thanh kiếm sắc bước vào đòi nộp tiền, nếu không thì hắn sẽ giết ngài.
Shichiri bèn bảo tên cướp rằng: “Đừng làm phiền ta. Anh hãy lấy tiền trong ngăn kéo kia”. Và ngài tiếp tục bài giảng của mình.
Lúc sau, thiền sư ngừng giảng và nói lớn: “Đừng lấy hết chỗ ấy, ngày mai ta cần ít tiền để đóng thuế đấy”.
Sau khi kẻ cướp đã gom gần hết số tiền và chuẩn bị rời đi, thiền sư bèn bảo hắn rằng: “Hãy cảm ơn khi mình được tặng quà”. Thế là tên cướp cảm ơn ngài và bỏ đi.
Vài hôm sau, tên cướp ấy bị bắt và nhận tội. Shichiri được gọi đến làm nhân chứng và ngài bảo rằng: “Người đàn ông này không phải là tên cướp, ít nhất thì theo những gì tôi biết được. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã cảm ơn tôi”. Sau khi mãn hạn tù, tên cướp đó đã đến gặp Shichira và trở thành đệ tử của ngài.
Chúa Jesus dạy rằng: “Anh em đừng xét đoán”. Đây là một câu nói mang đầy tính chất thiền nếu như ngài dừng ở đó. Nhưng có thể là đang nói với người Do Thái nên ngài đã tiếp tục: “… để khỏi bị xét đoán”. “Anh em đừng xét đoán”, chỉ bấy nhiêu thôi là đã đầy đủ ý nghĩa và không cần phải thêm gì nữa. Câu này hàm ý bảo chúng ta không nên phán xét hay đánh giá mọi thứ trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là đừng bảo “Cái này tốt” hay “Cái này xấu”, cũng như đừng bảo cái này thánh thiện còn cái kia tội lỗi. “Anh em đừng xét đoán” chính là khẳng định không có thiên thần lẫn ác quỷ.
Chúng ta không đánh giá hay phán xét người khác chỉ vì chúng ta sợ bị người khác phán xét. Suy cho cùng thì điểm cốt lõi ở đây vẫn từ cái tôi mà ra. Chính vì sợ bị phán xét hay đánh giá này kia làm ảnh hưởng đến cái tôi mà chúng ta đâm ra sợ và không dám xét đoán kẻ khác. Cái đẹp trong lời dạy này đã mất, nó không còn phảng phất chất thiền nữa mà trở nên bình thường. Câu nói đó chỉ còn là một lời khuyên tốt đẹp chứ không có tính cách mạng nữa.
Thiền dừng lại ở năm từ đầu tiên – “Anh em đừng xét đoán” – bởi triết lý của thiền là chấp nhận bản chất vốn có của con người và sự việc. Chẳng có gì là tốt và cũng chẳng có gì là xấu cả. Vạn vật tồn tại theo cách riêng của nó. Có cây cao thì cũng có cây thấp. Có người đạo đức thì cũng có kẻ vô đạo đức. Có người tốt thì cũng có kẻ xấu. Điểm cấp tiến ở đây là thiền mang tính tự nhiên, không gò bó hay ép buộc người khác phải làm cái này hay cái kia. Mọi người sẽ không cảm thấy bị giam cầm trong những giới hạn nhất định, những điều nên và không nên.
Thiền mang tính phi cầu toàn. Ngày nay, theo các nhà tâm lý học thần kinh thì chủ nghĩa cầu toàn là một dạng loạn thần kinh. Thiền là tôn giáo duy nhất mang lại cho bạn sự thư giãn tinh thần bởi bản chất của nó là chấp nhận sự vật và con người với bản chất vốn có. Phạm vi của sự chấp nhận ấy toàn vẹn đến nỗi nó không gọi một kẻ cắp là kẻ cắp nữa. Bạn hãy cùng tôi tìm hiểu để thấy rõ sự thuần khiết của thiền lẫn tính siêu việt của nó.
Thiền mang tính phi xét đoán bởi chỉ cần bạn lồng vào đó một điều kiện nào đấy thôi thì ngay lập tức nó không còn là thiền nữa. Theo tinh thần của thiền thì không có thiên thần cũng như ác quỷ. Thiền không khiến người ta trở nên tham lam vì không hứa hẹn phần thưởng lên thiên đường, và nó cũng không khiến người ta sợ hãi hay bị ám ảnh bởi hình ảnh của địa ngục.
Thiền không tưởng thưởng cũng không trừng phạt bạn. Nó chỉ đơn giản giúp bạn nhìn vào bên trong bản chất của sự vật và những gì bạn thấy sẽ giải phóng bạn khỏi mọi giới hạn thông thường. Nó giúp bạn không còn sợ hãi hay tham lam nữa. Một số tín ngưỡng khiến cho chúng ta trở nên tham lam hoặc sợ hãi. Chính những suy nghĩ về cái tốt và cái xấu đã khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi và bị tê liệt.
Thiền mang tính phi xét đoán. Đừng để nỗi sợ hãi hay tham lam cuốn lấy bạn, nếu không bạn sẽ bị chìm trong bóng tối. Sợ hãi và tham lam chính là hai mặt của một đồng xu, một kẻ sợ hãi thì luôn tham lam và một kẻ tham lam thì luôn sợ hãi. Đó là hai yếu tố không thể tách rời nhau.
Hãy luôn hiểu biết, thức tỉnh và nhìn vạn vật theo bản chất vốn có của nó. Tại sao bạn không thể chấp nhận vũ trụ này kia chứ? Bởi cho dù bạn có không chấp nhận nó thì cũng sẽ không thể thay đổi nó được. Có rất nhiều thứ chúng ta đã phản đối cả ngàn năm nay, thế mà chúng vẫn tồn tại đấy thôi. Ví dụ, xã hội chưa bao giờ vắng bóng trộm cắp, sát nhân… Chẳng có gì thay đổi cả, mọi thứ vẫn y hệt như trước nay vẫn thế. Mỗi ngày càng có thêm nhiều nhà tù được xây lên, trong khi đó luật pháp càng lúc càng trở nên phức tạp hơn, và điều đó càng khiến cho nhiều kẻ cướp cũng như các tay luật sư, quan tòa có thêm việc… Chẳng nơi đâu có sự thay đổi cả. Hệ thống nhà tù nói chung chẳng có ích lợi gì mà thậm chí còn có hại nữa. Nơi đó trở thành trường đại học cho mọi người học cách phạm tội và trở thành bậc thầy trong bộ môn này.
Một khi đã vào tù, phạm nhân sẽ trở thành “khách quen” ở đó. Một khi đã sống trong tù, người ta sẽ có xu hướng trở lại nhà tù như cơm bữa. Trong thực tế, hiếm khi có ai chỉ vào tù một lần duy nhất trong đời rồi hoàn lương bởi khi ra tù thì tên tội phạm đã trở nên lão luyện và dày dạn kinh nghiệm hơn. Thời gian ở trong tù họ sẽ nảy ra nhiều ý tưởng mới, chẳng hạn như làm thế nào để lặp lại tội ác một cách tinh vi hơn. Khi ra tù, tội phạm đã không còn ngây thơ mà sẽ trở thành chuyên nghiệp, và tờ giấy trả tự do cũng chính là tấm bằng tốt nghiệp để họ dấn sâu thêm vào con đường phạm tội. Giờ đây, họ biết nhiều thứ hơn và cũng biết cách để đạt được điều mình mong muốn tốt hơn. Họ biết phải làm sao để không bị bắt và hiểu rằng luật pháp luôn có những kẽ hở của nó.
Theo thiền, mọi thứ chỉ thay đổi khi có sự thấu hiểu chứ không phải là bị ép buộc. Và cũng chẳng có địa ngục hay thiên đường bởi thiền không nhắm đến việc phán xét hay kết tội ai cả. Nền tảng cốt lõi của thiền chính là hiểu sự vật và con người theo bản chất vốn có, không kỳ vọng điều gì lý tưởng.
Khi bạn kỳ vọng điều gì đó ở một người, bạn đang không nhìn thấy con người thực tế của họ. Những kỳ vọng “nên là” hay “phải là” chính là rào cản khiến bạn không thể nhìn ra bản chất tự nhiên của họ. Do vậy, những kỳ vọng của bạn sẽ trở nên nặng nề, cầu toàn và người đó không thể nào đạt đến mức độ như bạn mong muốn. Khi đó, họ sẽ bị xét đoán và kết tội.
Thiền không nhằm đến việc biến đổi một ai cả. Ấy vậy mà nó lại giúp người ta thật sự thay đổi. Thiền không quan tâm đến việc bạn nên là một người như thế nào, thiền chỉ quan tâm đến việc bạn là người như thế nào. Thiền giúp ta nhìn rõ một con người bằng đôi mắt đầy yêu thương và quan tâm. Và trong sự thấu hiểu đó, người ta sẽ thay đổi một cách tự nhiên, không cần đến bất kỳ sự tác động nào cả.
Thiền giúp ta thay đổi nhưng lại không đề cập đến sự thay đổi. Nó thay đổi nhưng lại không quan tâm đến sự thay đổi. Nó làm cho loài người có một thái độ sống tốt đẹp hơn. Kết quả tốt đẹp đó đến tự nhiên như một món quà và xuất phát từ sự thấu hiểu. Đó chính là vẻ đẹp của thiền, một quan điểm sống phi xét đoán một cách vô điều kiện. Không có gì là xấu mà cũng không có gì là tốt, mọi thứ chỉ đơn giản là chính chúng mà thôi.
Thiền mở ra một cách nhìn hoàn toàn mới, đó chính là sự thay đổi nghiễm nhiên vô điều kiện. Thiền giúp con người thay đổi khi có cái nhìn thấu suốt, rõ ràng hơn và đi trực tiếp vào bản chất của con người mà không bị ảnh hưởng bởi các định kiến.
Khi bạn nói người này tốt hay người kia xấu, bạn sẽ không còn tiếp cận với con người vốn có của họ nữa vì đã bị ngăn cản bởi những nhận định đó. Khi đó, bạn đã “gắn mác” cho họ và không còn tìm hiểu họ thêm nữa. Lúc này, trong mắt bạn, họ chỉ là những gì mà bạn đã “gắn mác” cho.
Hãy nhớ rằng người tốt có thể biến thành kẻ xấu và ngược lại. Đây là điều vẫn luôn xảy ra hằng ngày. Một người có thể tốt vào buổi sáng, xấu vào buổi trưa và trở lại làm người tốt vào buổi tối. Nhưng nếu bạn đã “gắn mác” họ là xấu hay tốt thì bạn sẽ không còn thật sự trò chuyện với chính họ nữa mà chỉ là với những hình ảnh bạn tự tạo ra cho họ. Lẽ dĩ nhiên là bạn sẽ đánh mất thực tế và những con người thật. Điều này sẽ tạo ra một ngàn lẻ một sự phức tạp và các vấn đề rắc rối không thể giải quyết được. Bạn có thật sự nói chuyện với vợ hoặc chồng của mình hay không? Bạn có thật sự ăn, ngủ và sống với họ không hay với một hình ảnh nào đó mà bạn đã “gắn mác” cho họ? Tôi có cảm giác rằng trong mỗi cuộc gặp gỡ giữa hai người nào đó, thực chất chẳng phải chỉ có hai người mà là bốn, vì bao gồm cả hai hình ảnh mỗi người tự “dán mác” cho nhau. Tuy nhiên, chúng ta lại quên rằng những gì mình đặt để, “gắn mác” cho người khác, là hoàn toàn không chính xác vì con người luôn thay đổi như một dòng sông đang chảy, vì con người vốn là một thực thể sống.
Khi có người hỏi Trang Tử: “Công việc của ông đã xong chưa?”, thì ông trả lời rằng: “Làm sao xong được vì ta vẫn còn sống mà!”.
Ở đây ý của Trang Tử là mọi thứ chỉ chấm dứt khi ông chết đi và ông vẫn đang còn sống, do đó mọi vật cũng đang không ngừng thay đổi.
Khi một cái cây còn sống, nó sẽ không ngừng ra lá, ra hoa, những chú chim sẽ không ngừng kéo đến để làm tổ trên đó, và những người khách bộ hành vẫn tiếp tục tìm đến để trú đêm dưới cây… nghĩa là mọi thứ vẫn đang không ngừng diễn ra và thay đổi. Mọi thứ đều khả thi khi bạn còn sống. Nhưng chỉ cần bạn “gắn mác” cho ai đó là kẻ xấu, người tốt, đạo đức hay vô đạo đức, có tôn giáo hay phi tôn giáo, hữu thần hay vô thần thì tức là bạn đang cho rằng họ đã chết. Bạn chỉ nên “gắn mác” một người sau khi họ đã qua đời bằng những dòng chữ tưởng niệm trên bia mộ vì lúc bấy giờ mọi thứ đã dừng lại, như dòng sông đã không còn chảy nữa.
Hãy nhớ rằng khi bạn “gắn mác” cho một ai đó, kể cả với một đứa trẻ, ví dụ như khi bạn nói “Thằng nhỏ này ngoan ngoãn”, “Thằng nhỏ này bướng bỉnh”, “Cô bé này làm vui lòng cha mẹ”, hay “Cô bé này khiến cha mẹ buồn lòng”… bạn sẽ tạo ra nhiều rắc rối. Trước hết, người đó sẽ hành xử theo cách mà bạn đã “dán nhãn” cho họ vì họ cảm thấy phải chứng minh cho bạn thấy bạn đã đúng. Nếu một người cha bảo rằng: “Con tôi rất hư”, thì đứa nhỏ sẽ nghĩ: “Mình phải hư hỏng, nếu không thì cha mình đã nghĩ sai”. Sở dĩ như thế là vì trong vô thức, đứa nhỏ vẫn luôn nghĩ rằng cha mình là đúng. Do đó, nó sẽ càng gây ra thêm rắc rối và lúc đó người cha càng có dịp để khẳng định: “Đấy, thằng nhỏ này hư thật”.
Có ba người phụ nữ nọ đang trò chuyện với nhau và theo lẽ thường, họ không quên nói về những đứa con của mình.
Một người nói: “Con tôi mới năm tuổi mà đã làm thơ rồi đấy. Thơ hay lắm, hay đến nỗi những nhà thơ chuyên nghiệp cũng phải thấy xấu hổ!”.
Người thứ hai tiếp lời: “Thế thì có là gì đâu! Con tôi mới có bốn tuổi nhưng đã biết vẽ tranh trừu tượng, đẹp đến nỗi cả Picasso có nhìn cũng không tưởng tượng được là gì. Nhiều khi cháu chỉ cần phóng cọ vài nét thôi là đã hiện ra một bức tranh tuyệt vời. Con trai tôi quả là một họa sĩ thực thụ và ấn tượng”.
Người thứ ba nói: “Bình thường! Con tôi mới có ba tuổi thôi mà đã tự đi gặp chuyên viên phân tích tâm lý đấy!”.
Khi bạn “gắn mác” cho một đứa nhỏ, bạn sẽ vô tình hủy hoại nó. Mọi sự đặt tên như thế đều sẽ khiến đối tượng đó bị hủy hoại. Đừng bao giờ cho rằng một ai đó là thiên thần hay ác quỷ. Đám đông và sự truyền miệng sẽ khiến cho mọi người quên đi ý kiến cá nhân; nội dung được “gắn mác” đó sẽ ngày càng được khắc họa rõ nét và sâu hơn, đến một lúc nào đó sẽ khiến cho người bị “gắn mác” thật sự tin mình là như thế và sẽ hành động để chứng minh điều đó. Hãy thử tưởng tượng, một người không thể sống tử tế nếu cứ bị mọi người bảo rằng: “Mày là kẻ bất lương mà lại cố làm thánh nhân à? Liệu mà coi chừng đấy!”. Làm sao họ dám đối đầu với cả một xã hội xung quanh khi tất cả đều có một định kiến giống nhau như thế?
Bên cạnh đó, khi bạn “gắn mác” một người, họ sẽ luôn thất bại cho dù có tìm cách làm gì để chứng minh được điều bạn nói là đúng. Có thể họ luôn phải gồng mình để giả vờ chứng tỏ điều đó, nhưng rồi sẽ có những lúc họ thả lỏng và trở về với chính bản thân, chẳng hạn như khi họ đang nóng giận hay đau khổ, thì lập tức sẽ bị cho là kẻ lừa dối. Ví dụ như bao nhiêu năm nay, bạn vẫn luôn cho rằng ai đó là một người tốt, ấy vậy mà bỗng dưng hôm nay họ lấy trộm tiền của bạn. Bạn nghĩ rằng họ lừa dối bạn ư? Không phải vậy, chỉ là do bạn đã “gắn mác” cho họ như thế thôi. Thực ra họ chỉ đang hành động đúng theo con người thật của mình. Họ đã sống theo khuôn khổ mà bạn đặt ra suốt một thời gian dài và bây giờ đã đến lúc họ phải thoát khỏi nó để làm điều mình muốn.
Chẳng ai sinh ra để thỏa mãn những kỳ vọng của bạn cả. Chỉ những người yếu hèn thật sự mới phải sống một cuộc đời như thế. Một người bình thường sẽ tìm cách phá vỡ mọi kỳ vọng mà những người xung quanh áp đặt lên họ vì họ sinh ra không phải để bị cầm tù trong những ý nghĩ đó. Họ là người tự do, do vậy họ sẽ không thể nào luôn như thế vì bản chất của tự do là thay đổi không ngừng. Hôm nay họ có thể làm điều này nhưng ngày mai họ lại có thể làm điều khác, do vậy bạn không thể nào “gắn mác” cố định cho họ được. Một con người thật sự sẽ luôn thay đổi, và chỉ có những kẻ giả tạo mới luôn bất biến. Bởi bất kỳ ai cũng luôn có những điều mâu thuẫn tồn tại trong bản thân, và vì họ tự do nên họ luôn có thể làm những điều trái ngược nhau. Tất cả nằm ở sự chọn lựa của họ. Họ có thể là người hướng nội hoặc là người hướng ngoại. Họ có thể là người theo phái tả hoặc phái hữu nếu muốn…
Khi chúng ta áp đặt một tính chất nào đó lên một người, hay nói cách khác là “gắn mác” cho họ theo một tên gọi nào đó, thì tức là mãi mãi họ sẽ phải như thế. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra khi họ không còn sống nữa.
Khi bạn nói: “Chồng tôi là người rất đáng tin cậy”, tức là anh ta đã chết và sẽ không còn người phụ nữ nào quyến rũ anh ta nữa. Nhưng nếu như thế thì làm sao chính bạn có thể tiếp tục quyến rũ anh ta trong cuộc sống hằng ngày? Thực ra thì anh ta chỉ đang giả vờ tỏ vẻ như thế với bạn thôi. Khi còn sống và còn yêu thì người đàn ông vẫn còn bị hấp dẫn bởi phụ nữ đẹp. Tương tự như thế với phụ nữ. Và đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, việc họ có ngã lòng hay không trước sự hấp dẫn đó lại tùy thuộc ở họ.
Theo thiền, chúng ta hãy sống đúng với bản chất tự do của mình. Khi đó, những điều mới mẻ nằm ngoài sự mong đợi sẽ xảy ra với chúng ta. Hãy sống một cuộc đời bất tử và tử tế nhưng đừng ép mình theo các khuôn khổ đạo đức.
Thiền đã mang lại một cái nhìn hoàn toàn mới trong cuộc sống, đó là hãy sống một cuộc đời phi tính cách, nghĩa là không theo một nhãn mác nào mà người đời đặt để cho bạn.
Từ “nhân cách” đôi khi đã khiến chúng ta phải chịu nhiều đau khổ. Khi bạn nói một người có nhân cách, điều đó đồng nghĩa với việc họ đã qua đời và không còn thay đổi nữa. Một người như thế sẽ phải sống một cuộc đời đúng với tên gọi mà xã hội đã đặt để cho họ và hoàn toàn bất biến trong mắt mọi người. Nói cách khác, họ chỉ có quá khứ và không có tương lai vì mọi thứ đã dừng lại tại thời điểm họ được “gắn mác”. Họ chẳng khác gì một cỗ máy phải lặp đi lặp lại cách hành xử của mình sao cho nhất quán và không có gì mới để nói thêm cả. Họ không có gì mới để khám phá và không thể phá vỡ sự cam kết của mình. Quả thật họ là một nhân tố có lợi cho xã hội nhưng bản thân họ đã chết dù đang còn sống vì phải sống một cuộc đời như cái máy.
Chúng ta mua máy móc vì những đặc tính đã được đặt tên cho chúng. Dựa theo những tên gọi đó, chúng ta biết trước tính chất của cái máy và tin tưởng vào điều đó. Thế nhưng chúng ta lại không thể tin tưởng vào một con ngựa nếu so nó với một chiếc xe. Đó là vì con ngựa có tính cách riêng của nó, có ngày nó vui nhưng cũng sẽ có ngày nó giở chứng và không đi theo con đường bạn muốn. Có khi nó lồng lên bướng bỉnh, hoặc có lúc nó chỉ đứng im một chỗ mà không hề nhúc nhích. Đó là vì nó có linh hồn riêng và bạn không thể nào đoán đúng hoàn toàn tính cách của nó. Trong khi đó, một chiếc xe chỉ là một chiếc xe. Nó sẽ đi đến nơi bạn muốn và nó không có linh hồn hay tính cách riêng gì cả. Ngay cả nếu như bạn muốn lái nó lên vách núi nó cũng sẽ đi, còn con ngựa sẽ chùng bước vì nghĩ rằng: “Nếu ông muốn chết thì hãy đi mà chết, còn tôi thì không!”. Chiếc xe lại không như thế, nó không nói “Có” mà cũng chẳng nói “Không”.
Đôi khi trí óc của một nhà toán học vĩ đại sẽ phải nghỉ ngơi, trong khi một cái máy tính có thể làm việc suốt ngày đêm, năm này qua tháng khác. Một cỗ máy được dán mác theo nghĩa đen thực thụ và chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào đó để sử dụng. Và đó là điều mà chúng ta đang cố làm, nghĩa là đang tạo ra những chiếc máy để thay thế con người. Chẳng sớm thì muộn, con người sẽ được thay thế bằng máy móc ở khắp mọi nơi vì chúng đáng tin cậy, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Con người có tâm trạng thất thường là vì con người có linh hồn riêng của mình. Chính điều đó khiến họ chỉ thật sự là họ khi không phải gắn liền với một tính cách nhất định nào đó. Khi tôi nói một người “phi tính cách”, nghĩa là họ đã rũ bỏ quá khứ của mình, sống cho hiện tại và tương lai. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta sẽ không lường trước họ sẽ thay đổi ra sao. Bù lại, họ sẽ được nhìn, được ngắm và được cảm nhận cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình để được sống thật sự. Họ sẽ không có khái niệm phải sống như thế nào mà chỉ sống với sự tỉnh thức của nội thức. Cuộc đời của họ là một dòng chảy không ngừng và ngẫu nhiên. Họ là một thực thể sống thực thụ sẽ đón nhận và đáp lại những gì xảy ra xung quanh chứ không chỉ biết trả lời như một cái máy. Họ đáp lại cuộc sống theo từng khoảnh khắc, từng câu hỏi và từng hoàn cảnh khác nhau của hiện tại. Họ không đáp lại bằng những điều đã được lập trình từ trước. Họ đáp lại bạn và nhìn sâu vào mắt bạn. Họ không chỉ phản ứng vô thức và đáp lại bạn một cách có ý thức.
Có vị thiền sư nọ hỏi rằng: “Đức Phật muốn nói điều gì khi trao cho Ma Ha Ca Diếp bông hoa? Tại sao ngài lại nói rằng ta trao cho Ma Ha Ca Diếp cái mà ta không thể trao cho ai khác vì những người khác chỉ có thể hiểu được từ ngữ còn Ma Ha Ca Diếp hiểu được sự im lặng?”.
Chuyện kể rằng khi xưa Đức Phật cầm trên tay một bông sen đến chỗ các đệ tử. Mọi người nhìn nhau và rất ngạc nhiên không biết việc gì sẽ xảy ra. Ngài chỉ im lặng ngắm nhìn bông hoa và dường như quên cả buổi giảng dạy. Hàng phút, rồi hàng giờ trôi qua như thế, mọi người bắt đầu bồn chồn không yên. Đột nhiên Ma Ha Ca Diếp cười phá lên. Đức Phật bèn gọi ông ta đến và đưa cho ông ấy bông hoa rồi nói: “Những gì nói được bằng lời, ta đã trao cho các đệ tử kia. Những gì không thể nói bằng lời, ta trao cho ông, Ma Ha Ca Diếp. Hãy giữ lấy bông hoa cho đến khi nào ông tìm được người có thể hiểu được thông điệp qua sự im lặng”.
Một vị thiền sư đã hỏi các đệ tử rằng: “Bí mật ở đây là gì? Đức Phật đã trao cho Ma Ha Ca Diếp điều gì thông qua bông hoa đó? Điều gì đã xảy ra?”. Một đệ tử đứng lên, nhảy múa và chạy đi. Vị thiền sư đáp: “Phải, đó chính xác là điều đã xảy ra”.
Đêm đó, một vị thiền sư khác trong cùng tu viện mới nói với vị thiền sư này rằng: “Ông không nên bằng lòng nhanh như thế. Tôi nghĩ ông bằng lòng hơi sớm đấy!”.
Thế là vị thiền sư bèn tìm đến người đệ tử mà ban sáng ông đã hỏi và lặp lại đúng câu hỏi đó. Người đệ tử lại nhảy múa và vị thiền sư đã đánh anh ta! Ông nói: “Sai rồi, hoàn toàn sai!”.
Người đệ tử bèn đáp: “Nhưng sáng nay thầy bảo đúng kia mà?”.
Vị thiền sư trả lời: “Phải, câu trả lời đó đúng vào buổi sáng nhưng lại sai vào buổi tối. Con chỉ biết lặp lại như một cái máy. Lúc sáng, đó là một câu trả lời. Còn bây giờ đó chỉ là một phản ứng không hơn không kém”.
Câu hỏi có thể không thay đổi nhưng câu trả lời sẽ phải khác đi theo mỗi khoảnh khắc được hỏi. Buổi sáng, khi vị thiền sư hỏi điều đó, mặt trời đang mọc, chim muông đang hót và hàng ngàn đệ tử đang ngồi thiền. Đó là một thế giới hoàn toàn khác so với buổi tối khi chỉ có vị thiền sư và người đệ tử, khi mặt trời đã lặn và chim muông đã đi ngủ. Vị thiền sư lúc này đã khác với chính ông vào buổi sáng và câu hỏi chỉ có vẻ không thay đổi. Trong khi đó người đệ tử lại bất biến và nghĩ rằng: “Mình đã biết câu trả lời là gì”.
Trong cuộc sống, chẳng ai có thể biết chính xác câu trả lời là gì. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là đáp lại sự việc bằng những cảm xúc, suy nghĩ và hiểu biết của hiện tại. Chúng ta không thể tái sử dụng những câu nói rập khuôn, sáo mòn đã có. Chúng ta phải luôn đón nhận những gì đang xảy ra tại thời điểm đó. Và đấy chính là điều mà người đệ tử đã bỏ sót.
Một người phi tính cách sẽ không có câu trả lời, không có triết lý cũng như không có khái niệm mọi thứ phải như thế nào. Họ luôn mở rộng lòng mình để đón nhận sự việc theo bản chất vốn có của nó. Họ giống như một cái gương sẽ phản chiếu lại đúng với bản chất của sự việc hay con người mà mình đối diện.
Khi bạn đứng trước gương và cười, bạn sẽ thấy mình cười trong gương. Còn nếu bạn giận dữ, bạn sẽ thấy hình ảnh giận dữ của mình. Nếu bạn già, gương sẽ phản chiếu sự già nua của bạn; còn nếu bạn trẻ, bạn sẽ thấy hình ảnh trẻ trung của mình trong gương. Bạn không thể bảo chiếc gương: “Tại sao hôm qua hình của ta trong gương tươi cười còn hôm nay lại giận dữ? Như vậy nghĩa là thế nào? Sao mà bất nhất vậy? Ta sẽ ném ngươi ra đường”.
Chiếc gương không hề có một “nhãn mác” cố định nào cả. Và một con người thực thụ cũng giống như thế.
Bản chất của thiền là phi xét đoán, phi đánh giá và không đặt để bất kỳ tính cách nào lên một ai đó. Vì khi “gắn mác” cho một người, bạn sẽ phải đánh giá họ xem họ tốt hay xấu và bạn sẽ nghĩ đến những điều họ nên làm và không nên làm, nghĩa là sẽ xét đoán họ. Bạn cũng sẽ tạo ra sự sợ hãi và lòng tham, vì nếu không sẽ chẳng ai lắng nghe bạn. Bạn sẽ huấn luyện, trừng phạt và khen thưởng họ để đưa họ vào một khuôn khổ nhất định.
Đó chính là những gì mà cha mẹ, trường lớp, xã hội và đất nước đã làm đối với bạn. Với thiền, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ như thế là đã đủ và bạn cần thoát ra khỏi điều đó. Hãy rũ bỏ tất cả những thứ vô ích và bắt đầu một cuộc sống thật sự cho mình. Điều đó không có nghĩa là thiền sẽ khiến bạn cảm thấy rối rắm và vô phương hướng. Ngược lại, thay vì “gắn mác” cho bạn một tên gọi nào đó và lương tâm thúc đẩy để bạn trở thành một con người đúng với tên gọi đó, thiền sẽ mang lại cho bạn sự tỉnh thức.
Đây là điều khác biệt mà bạn cần chú ý và ghi nhớ: tôn giáo sẽ giúp bạn hướng đến lương tâm trong sạch, còn thiền sẽ giúp bạn có được sự tỉnh thức nội tâm. Lương tâm trong sạch nghĩa là “Cái này tốt, cái kia xấu. Hãy làm cái này, đừng làm cái kia”, còn tỉnh thức đơn giản chỉ là “Nhìn vạn vật đúng với bản chất tự nhiên của chúng như một cái gương và đáp lại điều đó”. Hãy nhớ, đáp lại chứ không chỉ đơn thuần là phản ứng lại.
Thiền giúp bạn tỏa sáng từ bên trong chứ không phải từ những gì vay mượn bên ngoài. Thiền không mang đến cho bạn chiếc áo giáp để phòng thủ bên ngoài, nó không quan tâm đến những gì bên ngoài mà chỉ đơn giản là thắp lên cho bạn một ngọn đèn bên trong nội thân. Ngọn lửa đó không ngừng lớn lên trong bạn, và đến một ngày nào đó sẽ khiến bạn tỏa sáng.
Nhưng làm thế nào mà thiền lại làm được điều này? Đó là kết quả của việc thiền định, là sự tỉnh thức khi bạn đạt đến đỉnh cao của thiền – là định. Thiền sẽ giúp bạn từ từ biết cách nhìn sự việc theo bản chất vốn có của nó, gọi là tathata, tức chân như. Lúc đó, bạn sẽ không cảm thấy phải thay đổi một tên trộm và sẽ chấp nhận bản chất vốn có của họ. Bạn cũng sẽ không cho họ là xấu và chính cách nghĩ đó sẽ giúp họ có khả năng thay đổi thành một người tốt hơn. Chính sự chấp nhận đó của bạn sẽ tạo ra sự thay đổi nơi tên trộm.
Bạn có nghiệm ra điều đó cũng đúng với chính bạn không? Khi có ai đó thật sự chấp nhận con người của bạn một cách vô điều kiện, bạn sẽ bắt đầu thay đổi. Chính sự chấp nhận đó của họ đã tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Khi có ai đó thật sự yêu thương bạn với con người vốn có của bạn, bạn có để ý thấy những điều kỳ diệu hoặc thay đổi bắt đầu xảy ra? Sự chấp nhận trọn vẹn con người vốn có của bạn mà không đòi hỏi bất cứ sự thay đổi hay kỳ vọng nào sẽ khiến bạn thêm tự tin và cho bạn thêm niềm tin để trở thành một người tốt hơn. Điều đó sẽ giúp bản thân bạn cảm nhận được con người mình. Khi đó, bạn hiểu mình không cần phải thỏa mãn bất kỳ sự kỳ vọng nào, và rằng mình được trân trọng vì chính bản thân mình.
Tình yêu đích thực là khi bạn tìm thấy một người tôn trọng bạn theo đúng nghĩa đen, chấp nhận những gì thuộc về bạn và không đòi hỏi điều gì ở bạn. Họ sẽ nói với bạn rằng: “Hãy là chính mình. Tôi yêu bạn không phải vì những gì bạn làm. Tôi yêu bạn vì con người nội thân của bạn. Tôi không quan tâm đến bề ngoài và quần áo của bạn. Tôi yêu bản chất con người bạn chứ không phải những gì bạn có. Tôi không quan tâm đến những gì bạn có mà chỉ chú tâm đến một điều duy nhất, đó là chính bạn. Và bạn thật sự xinh đẹp…”.
Đó là tình yêu thương đích thực và cũng chính vì thế mà tình yêu luôn có giá trị nuôi dưỡng. Khi bạn tìm được một người đàn ông hoặc đàn bà chỉ đơn thuần là yêu bạn chứ không vì bất kỳ lý do gì khác, tình yêu đó sẽ khiến mọi thứ thay đổi. Bạn sẽ trở thành một con người khác hẳn trước nay. Mọi phiền muộn, u buồn sẽ biến mất. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên rộn rã với những vũ điệu hoan ca. Tất cả như được chuyển sang một chương mới hoàn toàn khác lạ.
Bạn hãy để ý mà xem, tình yêu thường làm người ta trở nên ấm áp và bớt đi sự lạnh lùng, khô khan. Trái tim khi yêu sẽ không còn hờ hững với thế giới xung quanh nữa. Bạn sẽ thích ngắm hoa cỏ nhiều hơn và ngay cả bầu trời dường như cũng mang theo một thông điệp nào đó. Tất cả là do có một người đã nhìn vào mắt bạn, đã chấp nhận bạn vô điều kiện và không kỳ vọng ở bạn bất cứ điều gì. Tuy nhiên, điều này lại không hề kéo dài lâu, bởi con người vốn ngu xuẩn. Tuần trăng mật đó không sớm thì muộn rồi sẽ chấm dứt và không kéo dài quá vài ba tuần. Chẳng mấy chốc cả hai bắt đầu kỳ vọng ở nhau: “Hãy làm cái này, đừng làm cái kia”. Thế là bạn sẽ như bị rơi xuống mặt đất từ trên mây và cảm thấy nặng nề. Bấy giờ, người đàn bà bắt đầu quan tâm đến cái ví của người đàn ông, còn người đàn ông thì quan tâm đến những bữa ăn ngon miệng. Cả hai phải thu xếp gia đình, nhà cửa cùng ngàn lẻ một việc khác và không còn cảm thấy đồng điệu với bản chất của nhau nữa.
Chừng nào sự đồng điệu ấy còn tồn tại thì mọi thứ vẫn còn ổn. Bạn có thể làm cho người mình yêu một ngàn lẻ một việc mà không cảm thấy bị làm phiền. Nhưng khi tuần trăng mật ấy đã hết, bạn sẽ bắt đầu không còn “tương kính như tân” nữa. Trong thời gian vài ba tuần trăng mật đó, bạn bắt đầu “gắn mác” cho nhau. Và khi bạn làm xong việc này thì tuần trăng mật cũng chấm dứt.
Thiền tin tưởng vào tình yêu chứ không tin vào những nguyên tắc, luật lệ. Thiền không tin vào bất kỳ kỷ luật nào của con người mà chỉ tin vào bản chất nội tại của con người. Thiền giúp bạn bắt đầu tin vào vũ trụ và vạn vật. Tôn giáo sẽ bảo bạn phải tin vào Thượng đế trước hết, sau đó bạn sẽ hiểu Thượng đế là gì. Với thiền thì ngược lại, điều đầu tiên bạn cần quan tâm đến chính là thiền. Thiền sẽ giúp mang lại cho bạn niềm tin và niềm tin sẽ khiến cho vũ trụ trở nên thiêng liêng. Khi đó tathata, tức là chân như, sẽ xuất hiện.
Nếu hiểu rằng vạn vật đều có liên quan đến Thượng đế thì làm sao bạn có thể phán xét mọi thứ xung quanh mình được? Người Ấn Độ cho rằng: “Tất cả đều là linh hồn vũ trụ”, thế nhưng họ vẫn không ngừng phán xét. Họ cho rằng kẻ này là thánh nhân, người kia là tội đồ; và kẻ có tội sẽ phải đọa ngục, còn thánh nhân sẽ được lên thiên đường. Điều này nghe có vẻ buồn cười, bởi nếu tất cả đều là linh hồn vũ trụ, là Thượng đế thì chẳng lẽ Thượng đế lại là kẻ tội lỗi hay sao? Làm sao Thượng đế có thể bị đọa địa ngục được?
Khi bắt đầu biết chấp nhận vạn vật theo bản chất vốn có của chúng, đó được gọi là tathata. Đó chính là khả năng nhìn thấy nội thân của con người hay sự vật, và rằng tất cả đều là một thể thống nhất thuộc về vũ trụ này, rằng tất cả đều có liên quan mật thiết với nhau, rằng thánh nhân lẫn tội đồ đều là một phần của vũ trụ và không thể tách rời nhau, rằng cái tốt và cái xấu đều gắn bó với nhau cũng như ngày và đêm luôn song hành, như sự sống và cái chết luôn hiện diện bên nhau…
Tất cả mọi thứ đều kết nối với nhau như thể một mạng lưới.
Nhà văn Berenson mô tả như thế này:
“Đó là một buổi sớm đầu hè, khi màn sương bạc hãy còn run rẩy giăng trên cây chanh và không gian được phủ kín bởi sự âu yếm dịu dàng. Tôi nhớ mình đã trèo lên một gốc cây cụt và bỗng nhiên cảm thấy như thể bị chìm đắm trong vũ trụ bao la, một cảm giác mà tôi không thể gọi thành tên. Chỉ biết lúc đó trong tâm trí tôi không còn tồn tại bất cứ một từ ngữ nào, thậm chí là không một cảm xúc và tôi không cần đến bất cứ từ ngữ nào nữa. Tôi thấy mình và vũ trụ xung quanh là một, chỉ đơn giản là ơn phúc, thế thôi.”
Tathata nghĩa là khoảnh khắc khi bạn bỗng thấy cả vũ trụ này chính là một, rằng tất cả đều kết nối với nhau và hòa cùng một giai điệu chung. Khi đó, tất cả đều cần thiết, cả cái tốt lẫn cái xấu, Chúa Jesus không thể tồn tại một mình mà phải có Judas. Nếu không có Judas thì Chúa Jesus đã không trở nên vĩ đại như thế, Kinh thánh không huyền thoại như thế. Chính Judas đã góp phần tạo nên sự tương phản và làm nền cho sự tồn tại của Chúa Jesus. Không phải ngẫu nhiên mà trong lễ rửa chân cho các đệ tử, ngài đã rửa chân cho Judas đầu tiên. Và khi từ biệt các đệ tử ra đi, ngài cũng ôm hôn Judas nhiều hơn các đệ tử khác. Judas chính là đệ tử mà ngài yêu quý nhất.
Dù Judas có xấu xa đến mức nào đi nữa thì việc ông ta bán thầy của mình chỉ với ba mươi đồng bạc ít ỏi dường như có vẻ hơi quá mức. Judas đã từng sống với Chúa Jesus rất lâu và ông ta là người đệ tử thông minh nhất. Ông ta là đệ tử duy nhất có học thức, trong thực tế là còn được đi học nhiều hơn cả Chúa Jesus. Judas là một học giả hẳn hoi.
Có vẻ như việc ông ta bán Chúa Jesus chỉ để lấy ba mươi đồng là không thể. Và khi Chúa Jesus bị tử hình thì chính Judas cũng đã tự sát vào ngày hôm sau đó. Tại sao ông ta lại tự tử? Vì ông ta đã hoàn thành nhiệm vụ và đã đến lúc để ông đi theo thầy của mình. Bạn có nghĩ một người đã bán thầy mình chỉ để lấy ba mươi đồng lại có thể cảm thấy tội lỗi không? Không thể nào. Thế thì lý do ở đây là gì? Chỉ có thể là ông ta làm theo lời dặn của thầy mình, và ông ta không thể nói “Không” với thầy của mình.
Khi hiểu rằng tất cả đều có liên quan với nhau trong vũ trụ này, bạn sẽ thấy Judas chính là một phần trong sự việc đã xảy ra với Chúa Jesus, rằng cái xấu là một phần của cái tốt và quỷ sứ cũng chính là thiên thần. Theo tôi, Judas không hẳn là một thiên thần gãy cánh mà chỉ là vì sứ mệnh tối cao của thế gian này nên Thượng đế đã chọn ông ta làm người đệ tử thân cận nhất của Chúa Jesus.
Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ cha và mẹ nên bản thân chúng ta không thể là những hòn đảo tách biệt mà phải có sự kết nối với cha mẹ mình. Rồi cha mẹ chúng ta cũng có mối dây kết nối với ông bà, tổ tiên xa hơn… Cứ thế, trong tất cả chúng ta đều có sự kết nối với vũ trụ ban sơ và tất cả những gì đã từng xảy ra với vũ trụ cũng xảy ra trong chính chúng ta. Bạn chỉ là một mắt xích nhỏ trong tổng thể vũ trụ. Tất cả những gì thuộc về vũ trụ này, dù là trong quá khứ, cũng hiện diện nơi bạn. Không chỉ có quá khứ, trong bạn còn có cả con cháu của tương lai.
Những gì bạn làm hôm nay sẽ dẫn đến những kết quả trực tiếp và từ đó cũng sẽ dẫn đến những kết quả tiếp nối. Bạn sẽ từ giã cuộc đời này nhưng những gì bạn làm sẽ tiếp diễn qua nhiều thế hệ sau.
Như vậy, trong bạn có cả quá khứ lẫn tương lai. Trong từng khoảnh khắc, tương lai và quá khứ đều giao thoa trong chính bạn. Trong bạn luôn hiện diện hạt mầm của tương lai lẫn toàn thể quá khứ. Vậy nên bạn cũng chính là toàn thể tương lai. Khoảnh khắc này là toàn thể, và bạn cũng chính là một toàn thể bởi cả vũ trụ này đang diễn ra trong chính bạn.
Người ta bảo rằng khi bạn chạm vào một ngọn cỏ thì tức là bạn cũng đang chạm đến những vì sao. Lý do là vì trong vật này có sự tồn tại của vật kia và ngược lại, do đó vạn vật đều tồn tại trong nhau. Trong thiền người ta gọi điều này là jiji muge hokkai. Điều đó được minh họa bởi khái niệm về lưới vũ trụ, còn gọi là “lưới của Indra” ở Ấn Độ. Bạn hãy hình dung một chiếc lưới lớn trải rộng khắp vũ trụ với chiều đứng biểu diễn thời gian, chiều ngang biểu diễn không gian. Tại từng điểm nơi các dây lưới gặp nhau là một hạt tinh thể tượng trưng cho một sự tồn tại. Như vậy, những hạt tinh thể sẽ phản chiếu trên bề mặt của nó không chỉ hình ảnh của những hạt khác có trên lưới mà còn phản chiếu những phản chiếu của những hạt khác lên chính mình. Đó là một sự phản chiếu vô tận và vô hạn lẫn nhau, gọi là jiji muge hokkai.
Trở lại câu chuyện mà tôi đã kể ở phần trước, khi Đức Phật cầm bông sen trong tay, tức là ngài đang thể hiện khái niệm jiji muge hokkai này. Ma Ha Ca Diếp đã hiểu được thông điệp mà Đức Phật muốn nói, rằng trong bông sen nhỏ này chứa cả toàn thể quá khứ lẫn tương lai. Rằng từ bông sen nhỏ đã nở rộ này mọi thứ khác sẽ tiếp tục nở hoa. Ma Ha Ca Diếp cười vì ông hiểu được thông điệp mà Đức Phật muốn nói đến chính là jiji muge hokkai. Vì thế Đức Phật đã trao bông hoa cho Ma Ha Ca Diếp như là một cách nhắn gửi mà không cần đến lời nói.
Do vậy, từ bi là dành cho tất cả lòng biết ơn cũng như sự kính trọng, vì tất cả đều được bao hàm trong nhau.
Trở lại với câu chuyện từ đầu tôi đã kể với bạn:
Một đêm nọ, khi thiền sư Shichiri Kojun đang giảng về sutras thì một tên cướp cầm thanh kiếm sắc bước vào đòi nộp tiền, nếu không thì hắn sẽ giết ngài.
Shichiri bèn bảo tên cướp rằng: “Đừng làm phiền ta. Anh hãy lấy tiền trong ngăn kéo kia”. Và ngài tiếp tục bài giảng của mình.
Shichiri Kojun không một lời phán xét hay kết án kẻ trộm. Ông chỉ đơn thuần chấp nhận sự có mặt của hắn, như thể đó chỉ là một làn gió vào bên trong nhà chứ không phải là một tên trộm. Ông bảo: “Đừng làm phiền ta. Anh hãy lấy tiền trong ngăn kéo kia. Anh không thấy ta đang giảng sao? Ít ra thì anh cũng nên kính trọng và đừng quấy rầy người đang giảng chỉ vì một thứ ngu xuẩn như tiền chứ. Hãy tự đi mà tìm lấy tiền và đừng làm phiền ta!”.
Ở đây, thiền sư không hề phản đối hành vi trộm cắp của tên trộm. Ông cũng không phản đối kẻ trộm vì hắn ta chỉ biết có tiền. Ông chỉ đơn thuần chấp nhận bản chất con người của hắn ta là như thế. Và hắn ta phải là như thế. Thế thì tại sao ông phải xét đoán hay lên án hắn? Ông là ai mà có quyền phán xét kẻ khác kia chứ? Chỉ cần hắn tử tế không làm phiền ông là đủ, ông không cần điều gì hơn nữa. Vậy nên ông chỉ muốn hắn đừng làm phiền ông.
“Lúc sau, thiền sư ngừng giảng và nói lớn: ‘Đừng lấy hết chỗ ấy, ngày mai ta cần ít tiền để đóng thuế đấy’”. Quả thật thiền sư là một người rất thân thiện. Ông không hề có thái độ thù nghịch gì với tên trộm ở đây cả. Chính vì thế mà ở đây không hề có sự sợ hãi. Ông không hề kết tội hắn mà chỉ có sự tôn trọng sâu sắc, vì thế ông tin rằng hắn sẽ ra đi. Khi bạn cho đi bằng cả tấm lòng, bạn có thể tin rằng ngay cả người tệ nhất cũng sẽ có đôi chút kính trọng đối với sự tôn trọng mà bạn đã dành cho họ. Họ sẽ kính trọng bạn, còn bạn có thể tin cậy họ. Khi bạn tin tưởng một người và không phán xét hay lên án họ, bạn có thể tin rằng họ cũng tin cậy nơi bạn. Chính vì thế, thiền sư đã đề nghị: “Đừng lấy hết chỗ ấy, ngày mai ta cần ít tiền để đóng thuế đấy”.
“Sau khi kẻ cướp đã gom gần hết số tiền và chuẩn bị rời đi, thiền sư bèn bảo hắn rằng: ‘Hãy cảm ơn khi mình được tặng quà’”. Đến đây, chúng ta thấy rõ sự từ bi nơi thiền sư. Ông thậm chí không gọi người kia là kẻ cắp và với câu nói đó, ông đã nhìn hắn bằng một thái độ hoàn toàn khác. Ông không muốn tên trộm cảm thấy mặc cảm vì tội lỗi, sự từ bi đó thật bao la. Nếu không làm thế, sau này tên trộm chắc hẳn sẽ cảm thấy tội lỗi vì hành động của mình: đi trộm của một nhà sư nghèo lại sẵn lòng chia sẻ, không chỉ thế mà nhà sư còn chấp nhận con người thật của hắn. Rồi tên trộm sẽ cảm thấy ăn năn, hắn sẽ không thể nào ngủ được và sáng mai sẽ phải quay lại để được tha thứ. Không, như thế thật chẳng tốt tí nào vì thiền sư không muốn tên trộm phải có bất kỳ cảm giác tội lỗi nào. Đó là toàn bộ chân lý của thiền, một tôn giáo không khiến ai phải cảm thấy tội lỗi.
Thiền sư nói: “Hãy cảm ơn khi mình được tặng quà. Đây là một món quà tặng hẳn hoi, chẳng lẽ anh không biết sao? Ta cho anh đấy chứ không phải là anh trộm đâu”. Thật là một sự khác biệt lớn dù đó cùng là một sự việc.
Thiền dạy rằng hãy cho thay vì bị cuỗm mất. Đây cũng chính là toàn bộ thái độ sống mà bạn cần thấm nhuần. Với cái chết cũng thế. Hãy trao cho nó sự sống của bạn như là một món quà. Đây là điểm khác biệt của thiền: cho là để buông bỏ, chứ không phải cho là để nhận. Theo thiền, cho là để không tạo ra bất kỳ cảm giác tội lỗi nào ở người nhận, để thế giới này không ai còn cảm thấy tội lỗi nữa.
“Thế là tên cướp cảm ơn ngài và bỏ đi. Vài hôm sau, tên cướp ấy bị bắt và nhận tội. Shichiri được gọi đến làm nhân chứng và ngài bảo rằng: ‘Người này không phải là tên cướp, ít nhất thì theo những gì tôi biết được. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã cảm ơn tôi’”. Bạn có nhìn ra vấn đề ở đây không? Đó là cả một sự tôn trọng sâu sắc và vô hạn. Một sự tôn trọng vô điều kiện với cả một người vốn là tên trộm như thế.
Nếu Shichiri này là một thánh nhân, hẳn ông đã dọa tên trộm rằng hắn sẽ phải bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn, hoặc thuyết giảng cho tên trộm một bài dài lê thê về việc sống trong sạch không trộm cắp và làm cho hắn phải sợ hãi vì sẽ bị ném vào lửa địa ngục. Ông sẽ vẽ nên một bức tranh đáng sợ về địa ngục và thuyết giảng về sự vô dụng của đồng tiền.
Trong khi đó, vị thiền sư lại không nói một lời nào về sự vô dụng của tiền. Thay vào đó, ông còn bảo hắn hãy để lại một ít vì sáng mai ông cần tiền để đóng thuế. Ở đây, ông cho tên trộm thấy tiền có mục đích sử dụng của nó. Con người không nên để tiền ám ảnh mình, cũng chẳng nên ủng hộ hay phản đối tiền. Tiền chỉ là một phương tiện sử dụng. Bạn không cần phải sống vì tiền và cũng không cần phải tẩy chay tiền. Với tôi, tiền phải được sử dụng vì nó là một công cụ.
Trong tôn giáo, người ta lên án tiền rất nhiều và họ rất sợ tiền. Thật ra, nỗi sợ đó xuất phát từ lòng tham. Nếu bạn cầm tiền trong tay và đến gặp một thánh nhân, ông ta sẽ nhắm mắt lại và không nhìn vào đồng tiền. Tiền đáng sợ đến thế ư? Tại sao ông ta phải nhắm mắt như thế? Ông ta không ngừng bảo tiền là bẩn thỉu nhưng ông ta sẽ chẳng bao giờ nhắm mắt khi nhìn những thứ bẩn thỉu. Điều này quả là phi logic. Vì nếu quả đúng thế thì ông ta sẽ phải nhắm tịt mắt suốt cả ngày vì những thứ bẩn thỉu tồn tại khắp mọi nơi. Tiền là bẩn sao? Tại sao người ta phải sợ sự bẩn thỉu đến như vậy? Nỗi sợ thật sự ở đây là gì?
Thiền có cách nhìn hoàn toàn khác đối với vấn đề này. Vị thiền sư không bảo rằng tiền là bẩn thỉu cũng như không dạy tên trộm đừng nên lấy tiền của người khác. Ở đây, tiền không thuộc về ai cả. Vì thế, nếu bạn nói “Mày là tên trộm”, nghĩa là bạn đang thừa nhận tiền là tài sản riêng của ai đó, và bạn tin rằng có người sở hữu nó đúng đắn còn có người thì sở hữu nó một cách sai trái hoặc ai đó có quyền sở hữu nó còn người khác thì không.
Sở dĩ việc trộm cắp bị kết tội là vì xã hội của chúng ta bị chi phối bởi tư tưởng tư bản. Theo tư tưởng tư bản, tiền thuộc về quyền sở hữu của ai đó và người khác được quyền lấy.
Thế nhưng với thiền, mọi thứ chẳng thuộc về ai cả. Làm sao bạn có thể sở hữu cả thế giới này kia chứ? Bạn đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và bạn cũng sẽ ra đi với hai bàn tay trắng. Bạn không thể sở hữu một thứ gì cả. Không ai có thể sở hữu được điều gì cả, chúng ta chỉ đơn giản là sử dụng chúng mà thôi. Vị thiền sư đã ngụ ý rằng: “Hãy lấy tiền nhưng chừa lại cho ta một ít. Tôi cũng cần tiền như anh vậy”.
Thái độ của thiền sư thật thực tế và đầy kinh nghiệm. Đồng thời, ông cũng thể hiện quan điểm tự do đối với tiền. Tại tòa, ông bảo: “Người này không phải là tên cướp...”. Thiền sư đã biến tên trộm thành một người bạn. Ông lại nói: “… ít nhất là theo những gì tôi biết được. Tôi chỉ biết mình đã cho anh ta tiền và anh ta đã cảm ơn tôi. Chỉ có thế thôi. Anh ta không nợ tôi gì cả. Anh ta đã cảm ơn tôi rồi, anh ta còn có thể làm gì khác được nữa chứ?”.
“Sau khi mãn hạn tù, tên cướp đó đã đến gặp Shichira và trở thành đệ tử của ngài”. Trước một người như thiền sư Shichiri, tên trộm không thể làm gì khác ngoài việc trở thành đệ tử của ông. Thiền sư đã biến đổi một tên trộm thành kẻ tu hành. Đây chính là thuật giả kim của một thiền sư và họ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để sử dụng nó, ngay cả đối với một tên trộm để biến hắn thành một tu sĩ.
Chỉ cần tiếp xúc với một thiền sư như thế là bạn sẽ được biến đổi, cho dù mục đích ban đầu của bạn là hoàn toàn khác. Tên trộm đến vì tiền chứ không phải vì thiền sư Shichira. Thực ra nếu biết trong đó là một thiền sư, hắn đã không dám vào. Thế nhưng hắn đã tình cờ gặp được thiền sư trong cuộc viếng thăm không mời đó. Ngay cả bản thân bạn cũng sẽ thay đổi nếu tình cờ gặp được Phật. Bạn sẽ không bao giờ còn là mình của trước kia nữa.
Một thiền sư sẽ không bao giờ thuyết giảng hay bảo bạn phải làm cái này, không làm cái kia. Đức Phật từng nói: “Thiền không có gì để nói cả nhưng thiền có nhiều thứ để biểu lộ”. Thiền sư Shichira đã mở ra cho tên trộm thấy một con đường mới. Ông đã làm thay đổi con người của anh ta một cách khéo léo. Nói cách khác, ông đã khai tâm cho tên trộm, đã xóa bỏ con người cũ của anh ta và tạo ra cho anh ta một con người hoàn toàn mới. Con người mới đó thậm chí không biết mình đã từng như thế nào trong quá khứ. Đó chính là phép mầu của một thiền sư.
Trong thiền có câu nói “Người hiểu biết sẽ chấp nhận sự sai sót”. Trái tim tôi nhảy múa khi gặp sai sót trong đời. Bạn hãy khắc ghi điều này thật kỹ, rằng “Người hiểu biết sẽ chấp nhận sự sai sót”.
Một thiền sư khác tên là Ohasama khi nói đến câu nói này đã nhận xét rằng: “Chúng ta không cần phải đi tìm chân lý vì nó hiện diện ở khắp mọi nơi, ngay cả trong những sai sót. Do đó, những ai phủ nhận sai sót cũng sẽ phủ nhận chân lý”.
Bạn có nhìn ra vẻ đẹp trong câu nói “Người hiểu biết sẽ chấp nhận sự sai sót”? Bạn có thấy tính cấp tiến và quan điểm nổi trội trong câu nói đó không? Thiền sư Shichira đã chấp nhận tên trộm chứ không chối bỏ hắn, ông đã không chối bỏ hắn vì những sai sót mà hắn đang làm vì ông hiểu đằng sau đó là sự hiện diện của Tạo hóa thiêng liêng. Nếu bạn chối bỏ sự sai sót thì cũng có nghĩa là bạn đang chối bỏ cả Thượng đế và chân lý.
Thiền sư đã chấp nhận sai sót để chấp nhận chân lý. Một khi chân lý đã hiện ra, được chấp nhận và lan tỏa, sai sót sẽ tự động biến mất. Ý nghĩa của vấn đề ở đây là bạn không cần phải chiến đấu với bóng tối mà chỉ cần thắp lên một ngọn nến. Thiền sư đã thắp lên một ngọn nến trong tên trộm đó.
Sau đây là một câu chuyện khác về thiền sư Taigan. Câu chuyện này sẽ giúp bạn thấy rõ bản chất của thiền nhiều hơn:
Một đêm nọ, khi thiền sư Taigan đang ngồi viết thư thì có một tên trộm bước vào mang theo một thanh kiếm. Thiền sư nhìn hắn và hỏi: “Anh muốn gì, tiền hay mạng sống của ta?”.
Thiền sư không để cho tên trộm nói một lời nào mà đã hỏi luôn giùm hắn. So với câu chuyện của thiền sư Shichira thì ít ra tên trộm kia còn có cơ hội để nói ra yêu cầu của hắn. Có lẽ Taigan đã được nghe về câu chuyện của thiền sư Shichira nên ông rút kinh nghiệm. Chính vì vậy mà ông đã hỏi thẳng: “Anh muốn gì, tiền hay mạng sống của ta? Anh chọn cái nào cũng được, dù hai thứ đó không liên quan đến nhau”.
Tên cướp đáp, thoáng chút sợ sệt: “Tôi đến đây vì tiền”.
Tên cướp ấy chưa bao giờ gặp một người như thế cả. Chẳng lên án cũng chẳng kết tội, chẳng gì cả. Thậm chí nếu hắn muốn thì Taigan cũng cho đi cả mạng sống của ông. Cả hai thứ ấy đều có thể bị lấy, nên tốt hơn cả là ông cho đi luôn. Một ngày nào đó, ngay đến cuộc sống này cũng sẽ không còn, thế thì tại sao ông phải lo sợ về điều đó? Thần chết rồi sẽ đến, vậy thì hãy để tên trộm được vui trong chốc lát.
Vị thiền sư bèn lấy ví ra trao cho tên cướp, rồi bảo rằng: “Của anh đây!”. Đoạn, ông lại tiếp tục ngồi viết thư như thể chưa từng có việc gì xảy ra.
Tên cướp bắt đầu cảm thấy bất an và sợ hãi bỏ đi. Đột nhiên thiền sư gọi hắn: “Này, đợi chút đã!”.
Tên cướp đứng lại, người run bắn vì sợ. “Sao anh không đóng cửa lại?”, thiền sư hỏi.
Mấy hôm sau, tên cướp đó bị bắt. Hắn cho biết: “Tôi đã đi cướp nhiều năm nhưng chưa bao giờ lại thấy sợ hãi như thế khi vị thiền sư đó gọi lại. Đến giờ tôi vẫn còn run vì sợ”.
“Người đó rất đáng sợ, tôi chẳng thể quên ông ta được. Khi nào mãn hạn tù, tôi sẽ đến gặp ông ấy. Chưa bao giờ tôi gặp một ai có phẩm chất như thế cả. Tôi cầm kiếm trong tay nhưng cái đó chẳng là gì cả. Ông ấy mới chính là một thanh kiếm thực sự! Đến giờ tôi vẫn còn run khi nhớ lại lúc ông ấy gọi ‘Này, đợi chút đã!’.”
Khi bạn gặp một thiền sư đích thực, bạn sẽ như được tái sinh thành một con người mới hẳn. Họ sẽ xóa bỏ con người cũ trong bạn một cách tài tình đến mức bạn không hề nhận ra, cho đến khi đã trở thành một con người mới. Bỗng chốc bạn sẽ nhận ra mọi thứ trở nên tươi tắn hơn, mới mẻ hơn như thể chim muông đang ca hát trong lòng bạn và hoa cỏ đang đâm chồi nảy lộc trong tâm trí bạn. Khi đó, dòng sông tù đọng xưa nay trong bạn sẽ lại tuôn chảy đưa bạn ra biển cả.
Và đây là một câu chuyện khác mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn:
Có một thiền sư nọ đã từng bị bắt vào tù vài lần.
Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe điều đó. Thiền sư mà lại bị bắt vào tù ư? Mà không chỉ một lần đâu, đến vài lần, chỉ vì ông ta ăn cắp những thứ vặt vãnh của hàng xóm. Vị thiền sư đó khiến những người hàng xóm băn khoăn không hiểu tại sao ông lại làm vậy, đến cả quan tòa cũng phải suy nghĩ về điều đó. Nhưng họ không thể làm gì khác mà phải tống ông vào tù vì ông luôn nhận tội.
Cuối cùng, những người hàng xóm bèn tập họp lại và bảo ông rằng: “Thưa ngài, xin ngài đừng ăn cắp nữa”.
Họ nói ông đã già rồi và họ sẵn sàng cho ông những thứ ông cần, chỉ cần ông đừng ăn cắp nữa. Họ nói việc ông làm khiến họ rất lo lắng và buồn. Và họ muốn biết vì sao ông cứ tiếp tục làm như vậy.
Vị thiền sư già cười lớn và đáp rằng:
“Tôi ăn cắp là để có cơ hội được gặp những tù nhân và mang đến cho họ các thông điệp nội thân.”
Theo ông, sẽ chẳng có ai giúp họ cả. Ở xã hội bên ngoài, mọi người có cơ hội được dạy dỗ vì có thầy ở khắp nơi. Ông nói: “Trong tù không có thầy, thế thì ai sẽ dạy dỗ họ đây? Đó là cách để tôi được vào và giúp họ. Khi mãn hạn tù, tôi phải tiếp tục ăn cắp một thứ gì đó để được trở lại đấy. Tôi sẽ tiếp tục làm như thế. Và trong tù tôi đã gặp những linh hồn đẹp đẽ, trong trẻo và hồn nhiên hơn rất nhiều so với bên ngoài này...”.
Một lần nọ, có người bạn của tôi trở thành thống đốc một bang của Ấn Độ và ông ấy đã cho phép tôi vào thăm các nhà tù trong tiểu bang của ông ấy. Tôi đã lui đến những nơi đó trong nhiều năm và rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng nhiều người trong tù còn hồn nhiên hơn những người ở bên ngoài. Tôi đã gặp những phạm nhân với linh hồn trong trẻo như thế và hiểu rằng tại sao vị thiền sư già nọ cứ phải trộm cắp nhiều lần để được vào tù và mang đến cho các phạm nhân trong đó những thông điệp đáng quý.
Thiền không có hệ thống giá trị. Tất cả những gì thiền mang đến cho thế giới này chỉ là sự thấu hiểu và tỉnh thức. Thông qua sự tỉnh thức, ta sẽ có được sự hồn nhiên trong trẻo, không phân biệt xấu hay tốt.
Và câu chuyện cuối cùng mà tôi muốn kể cho bạn nghe là về thiền sư Ryokan, một người yêu trẻ con mãnh liệt. Bản thân Ryokan cũng là một đứa trẻ với tâm hồn trong trẻo, ngây thơ đến mức không thể tin được ở một người lớn như thế. Ông không tinh ranh cũng chẳng khôn lỏi. Ông ngây thơ đến mức nhiều người cho rằng ông hơi bất thường.
Ryokan thích chơi với trẻ con. Ông thường chơi trốn tìm, chơi chuyền bóng… với bọn trẻ. Một tối nọ, đến lượt ông đi trốn và ông đã trốn kỹ trong đống rơm trên cánh đồng. Trời tối dần và khi không tìm thấy ông, bọn trẻ bèn bỏ về nhà.
Sáng hôm sau, một người nông dân tới dọn đống rơm để làm việc thì thấy Ryokan trong đó. Ông ta kêu lên: “Ôi, Ryokan-sama, ông làm gì ở đây thế này?”.
Thiền sư bèn đáp: “Suỵt, anh đừng nói lớn thế, bọn trẻ sẽ tìm thấy tôi mất!”.
Suốt cả đêm đó Ryokan đã ngồi đợi bọn trẻ! Sự hồn nhiền đó của ông mang đầy bản chất của thiền, bởi nó không phân biệt được giữa cái tốt và xấu, giữa cái này và cái khác. Sự ngây thơ đó được gọi là chân như và chân như chính là bản chất cốt lõi của sự ngoan đạo.