Tất cả chúng ta ai cũng ích kỷ, trừ những kẻ đạo đức giả.
Từ “ích kỷ” gắn liền với ý nghĩa bị chê trách và bị tất cả mọi tôn giáo lên án. Tất cả đều muốn bạn phải biết nghĩ đến người khác, giúp đỡ mọi người xung quanh.
Tôi nhớ có lần một bà mẹ bảo con rằng: “Hãy giúp đỡ mọi người”. Thế là đứa bé hỏi lại: “Thế còn mọi người thì sao ạ?”. Người mẹ đáp: “Thì họ sẽ giúp những người khác”. Đứa bé nghe thế bèn hỏi tiếp: “Sao kỳ vậy mẹ? Tại sao mình không tự giúp bản thân trước, thay vì nghĩ đến việc phải luôn giúp đỡ mọi người và làm cho mọi thứ trở nên phức tạp một cách không cần thiết ạ?”.
Con người vốn dĩ là ích kỷ. Tuy nhiên vẫn có những khoảnh khắc chúng ta chia sẻ với người khác, chẳng hạn như khi bạn đang vui tột đỉnh. Còn khi chúng ta đang khốn khổ, chúng ta đang mù lòa thì chẳng ích gì nếu chúng ta giúp cho những kẻ khốn khổ hay mù lòa khác.
Trong một lớp học nọ, cô giáo bảo học sinh rằng: “Mỗi tuần các em hãy cố gắng làm một việc tốt, chẳng hạn như giúp một người mù qua đường”.
Tuần sau, cô hỏi lại các học sinh: “Các em còn nhớ cô đã dặn gì vào tuần trước không?”. Có ba em giơ tay trả lời. Cô giáo có vẻ không vui: “Như vậy là không tốt rồi, cả lớp mà chỉ có ba em làm theo lời cô dặn. Nhưng thế cũng tốt, các em đã làm gì nào?”. Em thứ nhất đáp: “Em làm y hệt lời cô dặn là dắt một cụ bà mù lòa qua đường”. Cô giáo nói: “Tốt lắm! Chúa ban phúc cho em”. “Thế còn em làm gì nào?”, cô hỏi em thứ hai. “Em làm y hệt lời cô dặn là dắt một cụ bà mù lòa qua đường”. Và rồi em thứ ba cũng trả lời y như thế. Cô giáo bắt đầu lúng túng, không hiểu chúng tìm đâu ra nhiều cụ bà mù lòa đến thế. Các em bèn nói: “Cô biết không, thật ra đó chỉ là một cụ bà thôi và chúng em giúp bà ấy qua đường. Mà cụ già thật là khó tính, bà ấy không chịu qua đường, đã thế còn đánh và mắng chúng em nữa!”.
Chúng ta được dạy phải giúp đỡ kẻ khác, thế nhưng trong lòng chúng ta thì trống rỗng. Chúng ta được dạy phải yêu thương kẻ khác, trong khi lại không biết cách yêu thương bản thân. Và một người không biết yêu quý bản thân sẽ chẳng thể nào yêu quý ai khác được, nếu có chăng thì đó chỉ là sự giả tạo.
Điều cơ bản ở đây là bạn cần yêu thương bản thân vô bờ, khi đó tình yêu ấy tự khắc sẽ tuôn trào đến mọi người xung quanh. Tôi không chống lại việc chia sẻ, nhưng tôi hoàn toàn không chấp nhận chủ nghĩa từ thiện. Tôi ủng hộ tinh thần chia sẻ, nhưng trước hết bạn phải có thứ gì đó để chia sẻ với người khác. Khi đó, bạn sẽ không cảm thấy mình bị bắt buộc phải chia sẻ với người khác mà ngược lại, bạn phải cảm ơn họ vì đã không chối từ điều bạn cho họ.
Quan điểm chính của tôi là mỗi cá nhân chúng ta cần sống một cuộc đời hạnh phúc, an nhiên và phong phú hết mực có thể. Khi đó, tự khắc chúng ta sẽ chia sẻ cùng mọi người, tựa như áng mây trĩu nước sẽ đem mưa đến khắp nơi. Khi đó, chúng ta sẽ thấy chia sẻ là niềm vui và được nhiều hơn là nhận.
Tuy nhiên, chúng ta cần thay đổi cách thức dạy dỗ lẫn nhau. Chúng ta không nên bảo nhau phải chia sẻ. Nếu bạn đang sống khổ sở, làm sao bạn có thể chia sẻ? Nếu bạn mù lòa, làm sao bạn có thể chỉ đường cho người khác? Do vậy, tôi muốn chúng ta phải sống thật ích kỷ trước đã để có thể trở thành những con người có đời sống phong phú, tràn trề hạnh phúc, khi đó chúng ta mới có cái để chia sẻ cùng mọi người một cách tích cực.
Mỗi cái cây cần tích nước cho rễ, cành, lá, hoa và quả của chúng. Để rồi một ngày nó sẽ tỏa hương lan xa, ban trái ngọt cho đời. Nếu không làm vậy, tất cả cây cối sẽ chết hết và cả nhân loại sẽ chẳng còn gì ngoài những cái xác khô dưới mồ.
Cuộc sống cần phải giống như một vũ điệu và bất kỳ cuộc đời của ai cũng chính là một vũ điệu. Cuộc sống phải như âm nhạc, tự nó sẽ chia sẻ đến tất cả mọi người. Và một trong những quy luật nền tảng của sự tồn tại chính là bạn càng chia sẻ hạnh phúc thì hạnh phúc sẽ càng nhân rộng.
Hãy sống để yêu thương và dẹp bỏ các nguyên tắc
Trong Thánh kinh (Matthew 22) có đoạn nói rằng:
Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Jesus để thử ngài rằng: “Thưa thầy, trong sách Luật Moses, điều răn nào là điều răn quan trọng nhất?”. Jesus đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của ngươi”. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Toàn bộ Luật Moses và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.
Hai từ “điều răn” và “yêu mến” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng tượng trưng cho hai tâm trí trái ngược của con người. Lý trí sẽ không đi liền với tình cảm, và hễ là tình cảm thì sẽ không có chỗ cho lý trí. Lý trí mang tính phi tôn giáo, bởi đó là chính trị, là xã hội. Còn tình cảm thì mang tính cá nhân, tôn giáo và phi chính trị, xã hội.
Moses, Manu, Marx hay Mao là những con người thuộc về lý trí, họ mang luật lệ đến với thế giới này. Còn Jesus, Krishna, Phật hay Lão Tử là những người đại diện cho tình yêu. Họ mang lại cho thế giới này một cái nhìn hoàn toàn khác, phi lý trí.
Tôi biết một câu chuyện về Frederick Đại đế, vua của nước Phổ và là một con người lý trí.
Một hôm, có một phụ nữ tìm đến và than vãn với ông về chồng của bà ta rằng: “Thưa ngài, chồng tôi đối xử rất tệ bạc với tôi”.
Nghe thế, Frederick bèn đáp: “Đó không phải là việc của ta”.
Câu nói đó thể hiện rất rõ con người lý trí của Frederick. Một cái đầu thiên về lý trí sẽ chẳng bao giờ biết đến yêu thương. Nó chỉ biết nghĩ đến công lý, phán xét chứ không bao giờ nghĩ đến lòng từ bi, trắc ẩn. Chính vì thế nó sẽ không bao giờ công minh. Công lý mà thiếu lòng từ bi thì sẽ chẳng bao giờ công bằng, trong khi sự từ bi trông có vẻ chẳng công bằng chút nào lại chính là công lý đích thực. Bởi bản chất tự nhiên của từ bi chính là sự công minh, sự công minh đó gắn liền với từ bi như hình với bóng. Ngược lại, từ bi không hề là chiếc bóng của công lý bởi tình yêu là một điều có thật. Điều này cũng tương tự như hình bóng sẽ đi theo bạn chứ bạn không bao giờ đi theo hình bóng của chính mình. Và đây cũng là một trong những điều gây tranh cãi nhất trong lịch sử loài người, rằng Thượng đế là hiện thân của tình yêu hay công lý.
Người lý trí sẽ cho rằng Thượng đế là công lý nhưng lại không biết thế nào là Thượng đế bởi đó chỉ là tên gọi khác của tình yêu. Người lý trí sẽ chẳng bao giờ chạm đến phạm trù đó. Lúc nào họ cũng lên án và phán xét mọi thứ xung quanh, từ xã hội, cơ cấu kinh tế cho đến lịch sử và luôn đổ trách nhiệm lên người khác. Trong khi đó, người theo chủ nghĩa yêu thương sẽ luôn tự chịu trách nhiệm mà không tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Khi bạn thật sự yêu thương một ai đó, bạn sẽ không nói đến những nguyên tắc hay luật lệ. Trong tình yêu không có sự hiện diện của nguyên tắc hay luật lệ bởi tình yêu chính là thứ luật lệ tối thượng. Nó không cần đến bất kỳ thứ luật lệ nào khác nữa mà chỉ cần tồn tại một mình thôi là đã đủ. Và khi đã được tình yêu bảo vệ thì bạn sẽ không còn cần đến bất kỳ sự bảo vệ nào khác nữa. Tình yêu thì mong manh và dễ tổn thương, còn nguyên tắc thì đầy sự phòng thủ, tự vệ. Đừng sống một cuộc đời đầy nguyên tắc, bởi nếu thế bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Hãy sống để yêu thương chứ đừng phán xét, bằng không bạn sẽ luôn phòng thủ để rồi cuối cùng nhận ra rằng thật ra mình chỉ đang bảo vệ cái tôi trống rỗng mà thôi. Song song đó, lúc nào bạn cũng sẽ tìm đủ mọi cách để làm điều đó.
Tôi được biết một câu chuyện về Oscar Wilde như sau:
Vở kịch đầu tay của ông lên sân khấu hoàn toàn thất bại và khi được một người bạn hỏi: “Mọi thứ diễn ra thế nào?”, ông đáp rằng: “Vở diễn thành công rực rỡ, chỉ có khán giả là thất bại thảm hại”.
Đó là một con người theo chủ nghĩa lý trí, lúc nào cũng tìm cách bảo vệ cái tôi của mình, trong khi vốn dĩ cái tôi đó luôn hư ảo, rỗng tuếch như bong bóng xà phòng. Hãy nhớ rằng khi bạn sống với một cái nhìn đầy nguyên tắc, luật lệ, thì cũng đồng nghĩa là bạn bắt đầu bỏ lỡ cuộc đời của chính mình.
Bạn phải bị tổn thương để hiểu được thế nào là đời. Bạn phải sống với một tinh thần và tâm hồn hoàn toàn rộng mở để đón nhận cuộc đời này. Bạn phải dám chết để có thể thật sự sống và hiểu về cuộc đời này. Bởi nếu sợ chết, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể biết được đời là gì vì sự sợ hãi đã ngăn cản trải nghiệm và hiểu biết. Nếu bạn không sợ cái chết, sẵn sàng chết để biết cuộc đời này là như thế nào thì bạn sẽ trải nghiệm được một cuộc đời bất tận. Đằng sau những nguyên tắc và luật lệ chính là sự sợ hãi, còn tình yêu là biểu hiện của một tâm hồn không biết sợ hãi.
Bạn có để ý rằng khi yêu, bạn sẽ không còn sợ hãi? Tình yêu càng lớn, nỗi sợ càng tan biến đi. Và khi bạn thật sự yêu một ai đó, sự sợ hãi sẽ biến mất hoàn toàn. Sự sợ hãi chỉ xuất hiện khi trong bạn không có tình yêu. Sự sợ hãi cũng như những nguyên tắc và luật lệ, chúng chỉ tồn tại khi tình yêu vắng bóng bởi xét về cơ bản thì nguyên tắc và luật lệ chỉ là một sự phòng thủ của bản thân khi chúng ta sợ hãi và muốn tự bảo vệ chính mình.
Nếu một xã hội được xây dựng trên nền tảng luật lệ và nguyên tắc, xã hội đó sẽ không ngừng sống trong sợ hãi. Ngược lại, nếu một xã hội được xây dựng trên nền tảng tình yêu, người dân sẽ không còn sợ hãi và chẳng cần đến luật pháp. Khi đó, các tòa án, thiên đường lẫn địa ngục sẽ không còn cần thiết nữa. Địa ngục là một sản phẩm của lý trí vì nó liên quan đến sự trừng phạt và kết tội. Luật pháp nói rằng nếu bạn làm sai, bạn sẽ bị trừng phạt và nếu bạn làm đúng, bạn sẽ được khen thưởng. Tương tự, các tôn giáo cũng dạy rằng người tốt sẽ lên thiên đường còn kẻ xấu sẽ bị đày xuống địa ngục. Những người sáng tạo ra khái niệm địa ngục hẳn phải là những người vô cùng tàn bạo. Cứ nhìn cái cách họ mô tả về địa ngục cũng đủ thấy họ khiến cho những người khác phải khiếp sợ như thế nào. Đồng thời, người ta cũng nghĩ ra khái niệm thiên đường, một nơi tốt đẹp dành riêng cho họ và cho những người nào đi theo họ. Còn địa ngục là dành cho những ai không tin và không đi theo họ. Tất cả những thứ này đều thiên về lý trí, về sự trừng phạt mà trừng phạt vốn dĩ không phải là một việc làm hiệu quả.
Sự trừng phạt không chấm dứt được tội ác. Tội ác càng ngày càng gia tăng, bởi thực chất lý trí và tội phạm chính là hai mặt của một đồng xu. Tất cả những đầu óc thiên về lý trí về cơ bản đều phạm tội, ngược lại tất cả những đầu óc tội phạm đều có tiềm năng trở nên lý trí. Chúng chỉ là hai phần của một thế giới chung. Tội phạm ngày càng gia tăng, còn luật pháp thì ngày càng trở nên phức tạp và rối rắm.
Sự trừng phạt lẫn các phiên tòa không giúp con người trở nên tốt đẹp hơn mà chỉ khiến anh ta trở nên tệ hại hơn. Tương tự, những khái niệm như khen thưởng, ngưỡng mộ hay thiên đường cũng không có ích lợi gì bởi địa ngục xuất phát từ sự sợ hãi còn thiên đường xuất phát từ lòng tham. Cả lòng tham lẫn sự sợ hãi đều có vấn đề.
Điều mà chúng ta cần chính là một thái độ hoàn toàn khác biệt gọi là tình yêu. Chúa đã mang tình yêu đến thế giới này. Ngài đã phá bỏ cả một nền tảng các nguyên tắc và luật lệ của xã hội đầy tội ác, chiến tranh, bạo lực và gây hấn, chính vì thế ngài đã bị kết tội xử tử. Ngài đã đặt một viên gạch nền tảng chính yếu và chúng ta cần thấu hiểu dòng chữ sau thật cặn kẽ:
“Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Jesus để thử ngài rằng…”. Rõ ràng người thông luật này đã hỏi Chúa Jesus với mục đích lôi kéo ngài từ bỏ ngai vàng của tình yêu thương và về với thế giới của những nguyên tắc, luật lệ và tội ác. Trong đời mình, Jesus đã nhiều lần bị lôi kéo một cách khéo léo như thế. Nếu không hiểu biết và nhận ra dụng ý của họ, hẳn ngài đã bị rơi vào cái bẫy của họ. Họ đưa ra những câu hỏi mà cho dù bạn có trả lời như thế nào đi nữa thì cũng sập bẫy.
Trong Kinh thánh có một câu chuyện như sau về Chúa Jesus.
Một hôm, khi ngài đang ngồi bên một dòng sông thì có một đám đông tiến đến, mang theo một người phụ nữ. Họ bảo chị ta là một kẻ tội lỗi và hỏi Jesus rằng: “Ngài bảo chúng tôi phải làm thế nào đây?”. Họ hỏi vậy là có dụng ý thử xem Jesus quyết định thế nào vì theo luật lệ xưa, khi một người phụ nữ phạm tội ngoại tình thì sẽ bị ném đá đến chết. Chỉ cần Jesus bảo rằng phải ném đá chị ta đến chết, lập tức họ sẽ hỏi ngay: “Thế thì những lời rao giảng về tình yêu của ngài đâu rồi? Chẳng lẽ ngài lại không tha thứ cho cô ta hay sao? Vậy ra thứ tình yêu mà ngài nói chỉ là lý thuyết suông ư?”. Lúc đó, Jesus rõ ràng sẽ bị sập bẫy. Ngược lại, nếu ngài trả lời: “Hãy tha thứ cho cô ta”, lập tức họ sẽ bảo rằng: “Vậy là ngài chống lại luật ư?”. Rõ ràng, họ cố tình đưa Jesus vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Thế nhưng những người theo chủ nghĩa lý trí không ngờ rằng một người sống với tâm hồn tràn đầy yêu thương còn có thể nhìn nhận sự việc theo một cách thứ ba khác hẳn với hai khả năng trên. Đây là điều mà họ không bao giờ có thể làm được vì một cái đầu lý trí chỉ có thể nghĩ theo hai chiều trái ngược nhau, hiểu nôm na là “có” hoặc “không”. Họ không bao giờ biết đến khả năng thứ ba là “không-có-mà-cũng-chẳng-không”, là một điều hoàn toàn khác hẳn.
Jesus đã đáp rằng: “Ai trong số các người chưa từng phạm tội, dù chỉ là trong suy nghĩ hay hành động, thì hãy bước ra đây và cầm lấy đá để ném chết người đàn bà này?”. Thế là chẳng có ai nhúc nhích cả.
Có những người chưa bao giờ làm điều tội lỗi nhưng lại luôn phạm tội từ trong suy nghĩ. Và suy cho cùng thì việc phạm tội từ trong suy nghĩ hay ở hành động đều giống nhau cả.
Đám đông dần dần tản đi, những kẻ đứng đầu từ từ lùi lại về phía sau. Những công dân danh giá của thị trấn, những chuyên gia về luật pháp của địa phương bắt đầu biến mất. Jesus đã trả lời theo cách thứ ba, ngài chẳng nói “Có”, mà cũng chẳng nói “Không”.
Đám đông ai về nhà nấy, chỉ còn lại người đàn bà và Jesus. Chị ta quỳ xuống và nói: “Tôi là một người đàn bà xấu xa, một kẻ tội lỗi. Ngài hãy trừng phạt tôi”.
Jesus bèn nói: “Ta là ai mà có quyền phán xét cô, đây là việc giữa cô và Đức Chúa của cô. Ta là ai mà có quyền can dự vào việc đó kia chứ? Nếu cô đã nhận ra việc mình làm là sai thì đừng phạm tội nữa”.
Những tình huống tương tự như thế vẫn thường xảy ra luôn và những kẻ thích phán xét muốn Jesus phải lâm vào tình thế tranh cãi mà họ sẽ giành phần thắng. Những lúc như thế, cho dù bạn trả lời là có hay không thì vẫn bị đánh bại.
Tuy nhiên, Jesus không bao giờ bị đánh bại vì ngài không bao giờ tranh cãi. Đó là một trong những dấu chỉ cho thấy ngài có một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương, bác ái. Chính vì điều đó mà ngài luôn ngự trị trên đỉnh cao của từ bi mà không bao giờ bị rơi xuống vực thẳm của sự phán xét hay kết tội.
“Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Jesus để thử người rằng: ‘Thưa thầy, trong sách Luật Moses, điều răn nào là điều răn quan trọng nhất?’”. Đây là một câu hỏi khó. Đâu mới là nền tảng của các nguyên tắc và luật lệ? Câu trả lời không đơn giản, bởi mọi luật lệ đều dựa trên nền tảng của một luật lệ nào đó và tất cả chúng đều có liên hệ với nhau.
Chính vì vậy mà chúng ta không thể xác định được đâu là luật nền tảng.
Ở Ấn Độ, người ta vẫn cứ mãi tranh cãi về việc phải chọn giữa sự thật và bạo lực. Bởi nếu bạn nói ra sự thật, bạo lực sẽ xảy ra. Còn bằng ngược lại thì sẽ tránh được nạn bạo lực. Thế thì bạn phải làm sao đây?
Ví dụ, khi bạn đang đứng trên đường thì có một nhóm cảnh sát đến hỏi xem có thấy một tên tù nhân vượt ngục nguy hiểm đi ngang qua đấy không. Bạn có nhìn thấy anh ta, nhưng nếu nói ra sự thật, bạn sẽ khiến người đó phải chết. Hoặc bạn có thể nói dối là không thấy và người đó sẽ được sống. Thế thì bạn sẽ phải chọn điều nào đây? Thật là một việc chẳng dễ chút nào. Liệu nguyên tắc nào ở đây mới là nguyên tắc nền tảng?
“Jesus đáp: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của ngươi’”. Một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng ở đây Jesus đã chẳng hề trả lời câu hỏi mà thay vào đó lại mở ra một điều khác mang ý nghĩa quan trọng hơn. Ngài chẳng hề rời khỏi đỉnh cao của tình yêu thương khi nói rằng điều răn quan trọng nhất chính là “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của ngươi”. Ngài đã dùng tình yêu để trả lời cho một câu hỏi thiên về lý trí. Thực chất, ngài chẳng hề trả lời câu hỏi đó và những gì ngài nói chính là lời giải đáp duy nhất.
Có một điều sâu sắc mà bạn cần hiểu rõ đó là một người mù không thể chỉ dẫn cho người mù hay một người rối trí không thể giúp kẻ khác sáng suốt mà chỉ càng làm cho sự việc thêm phức tạp, nan giải. Chỉ có kẻ sáng mới có thể dẫn lối cho kẻ mù, hay người hiểu biết mới có thể hướng dẫn cho kẻ dốt. Ấy vậy mà trong xã hội hiện nay, mọi người ai cũng muốn giảng dạy cho kẻ khác. Chẳng gì rẻ tiền hơn một lời khuyên bởi nó chẳng tốn kém gì cả. Chỉ cần bạn có nhã ý hỏi là kẻ khác đã sẵn lòng cho ngay một lời khuyên mà cả hai đều không nhận ra rằng mình đều không hơn gì nhau, vì vậy mà lời khuyên cũng trở nên vô ích, thậm chí là còn có hại. Chỉ những người có quan điểm rõ ràng hơn, trí óc minh mẫn hơn và tâm hồn thuần khiết hơn mới có thể giúp được bạn. Chỉ những người như thế mới có thể trả lời các câu hỏi của bạn được.
Có ba tình huống có thể xảy ra đối với một cuộc trò chuyện. Một là cả hai đều là những người thích nói mà không quan tâm đến người đối diện. Họ mải miết nói nhưng chẳng đi đến đâu cả. Họ nói nhưng không hề biết mình nói gì hoặc chẳng hề có ý định thật sự như những gì mình nói; họ nói chỉ đơn giản để lấp khoảng trống và chẳng khác gì hai cái máy. Hai là cuộc trò chuyện giữa hai người đã giác ngộ. Họ chẳng hề nói gì cả vì không còn cần thiết phải nói. Giữa họ là một bầu không khí lặng im, họ hiểu nhau mà không cần phải lên tiếng. Nếu như trong tình huống thứ nhất cả hai đều nói nhiều mà không thấu hiểu thì trong trường hợp này cả hai lại không hề nói một lời, giữa họ chỉ có sự thấu hiểu. Mỗi ngày có hàng triệu câu chuyện thuộc tình huống thứ nhất diễn ra trên thế gian này. Còn tình huống thứ hai lại rất hiếm khi xảy ra, có khi phải mất hàng ngàn năm mới gặp. Tình huống còn lại, tình huống thứ ba, chính là khi một người đã giác ngộ trò chuyện với một kẻ bình thường. Họ thuộc hai cấp độ khác nhau, tương tự một người thì đi bằng máy bay trên trời, còn một người thì đi bằng xe hơi dưới mặt đất. Người thuộc cấp độ cao hơn sẽ trả lời những câu hỏi của người kia và đây là cách duy nhất có thể giúp được người thuộc cấp độ thấp hơn.
Trở lại câu chuyện về Chúa Jesus, người thông luật đã hỏi ngài rằng: “Thưa thầy, trong sách Luật Moses, điều răn nào là điều răn quan trọng nhất?”. Anh ta không hỏi về tình yêu nhưng Jesus đã cố gắng dẫn dắt anh ta hướng về phía đó và làm thay đổi toàn bộ ngữ cảnh của câu chuyện. Ngài sẽ đưa bạn đến với một không gian hoàn toàn mới lạ, đến với những điều mà bạn chưa từng biết đến.
“Jesus đáp: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của ngươi’”. “Hết lòng” nghĩa là với trọn tất cả mọi cảm xúc của bạn. Đó cũng chính là ý nghĩa của lời cầu nguyện, bởi khi mọi cảm xúc của bạn hòa thành một, tự đáy lòng bạn sẽ thốt lên lời cầu nguyện đích thực. Bạn nói lên điều đó với trọn vẹn tâm tư, tình cảm lẫn sự thiết tha hướng về điều mà mình chưa từng biết đến, đó là Thượng đế.
“Hết trí khôn” nghĩa là đỉnh cao của sự thiền định, khi mà tất cả mọi ý niệm của bạn đã lắng đọng và hòa thành một thể duy nhất. Khi đó, những ý nghĩ lao xao sẽ biến mất, cũng như khi tất cả những cảm xúc hòa thành một thì bạn sẽ không còn cảm nhận bất kỳ một cảm xúc nào nữa. Khi đó, bạn sống trọn vẹn với nội thân mà không bị chi phối bởi bất kỳ cảm xúc nào. Cũng giống như khi bạn đun nước sôi vậy, nước dần nóng lên, đến 99oC thì vẫn còn là nước nhưng rồi đột nhiên, khi đạt đến mức 100oC thì bỗng chuyển sang thể khí.
Những lúc trong lòng ngổn ngang mọi cảm xúc, bạn sẽ rối rắm như một mớ bòng bong. Nhưng khi mọi cảm xúc đã hòa nhập làm một, đột nhiên trong bạn sẽ có sự biến đổi lớn, giống như nước sôi đạt đến nhiệt độ 100oC vậy. Khi đó, bạn cũng sẽ bắt đầu giống như hơi nước bay lên một tầm cao mới.
Tương tự, khi tất cả mọi suy nghĩ của bạn hòa làm một, bạn sẽ không còn suy luận hay đưa ra lý lẽ nữa. Chúng ta suy nghĩ khi trong đầu tồn tại nhiều ý niệm khác nhau, nhưng khi tất cả những ý niệm đó đã hòa làm một, bạn sẽ đạt đến trạng thái không-suy-nghĩ.
Như vậy, Jesus đã đúc kết lại cả ý nghĩa của Thiên chúa giáo bằng những điều hết sức đơn giản như sau:
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng…”, đó chính là ý nghĩa của sự cầu nguyện.
“… hết trí khôn của ngươi”, đó chính là đỉnh cao của thiền định.
“… hết linh hồn…”, đây chính là khái niệm siêu việt nằm ngoài giới hạn của suy nghĩ và cảm xúc. Đó là nội thân, là ý thức nằm ngoài giới hạn của thế giới vật chất.
Tất cả những gì chúng ta biết chỉ là cảm xúc và tư duy, như hai góc đáy của một tam giác. Chúng ta chỉ có thể đạt đến đỉnh của hình tam giác đó khi đạt đến đỉnh cao của thiền định, đến trạng thái không-suy-nghĩ. Đó là nơi tư duy và tình cảm giao nhau, được gọi là tâm hồn hay nội thân của bạn.
“Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất”. Mãi đến lúc này ngài mới sử dụng đến ngôn ngữ của một người thông luật, sau khi đã nói những gì mình muốn nói. Lời đầu tiên là của một người ở cấp độ đi máy bay, còn lời thứ hai là của một người ở cấp độ đi xe hơi. Và ngài đã cố gắng tạo ra một nhịp cầu để nối hai cấp độ ấy với nhau.
“Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất”. Tình yêu chính là điều răn quan trọng nhất và thứ nhất, dù rằng trong thực tế thì tình yêu chẳng thể gọi là điều răn bởi bản chất của tình yêu là không gượng ép hay bắt buộc. Làm sao bạn có thể kiểm soát tình yêu khi mà tình yêu vốn dĩ to lớn hơn chúng ta rất nhiều? Bạn có thể ra lệnh cho một tân binh “rẽ trái” hay “rẽ phải” nhưng làm sao bạn có thể buộc người khác phải “yêu” hay “không yêu”?
Dĩ nhiên là vẫn có những trường hợp người ta giả vờ như thể đang yêu thương thật sự. Và điều đáng lên án nhất trong cuộc đời này là chúng ta cứ ép buộc kẻ khác phải yêu thương một ai đó. Ngay từ bé, chúng ta đã được dạy rằng “phải yêu thương ông bà, cha mẹ…”. Và thế là trẻ con cứ thế răm rắp làm theo vì chúng đâu biết rằng tình yêu vốn dĩ phải mang tính tự nguyện.
Chúng ta không tìm thấy tình yêu thật sự là vì chúng ta đã phải cố gắng quá nhiều. Tất cả chúng ta ai cũng tìm kiếm tình yêu dưới nhiều tên gọi khác nhau và thất bại không phải vì ta không cố gắng mà là do chúng ta cố gắng quá mức.
Tình yêu diễn ra một cách tự nhiên và không ai có thể ra lệnh cho nó. Những tình yêu diễn ra theo mệnh lệnh vốn dĩ đã sai lệch ngay từ ban đầu. Đừng bao giờ bảo một đứa trẻ “Con phải yêu thương mẹ”, vì đó là điều tội lỗi. Hãy yêu thương trẻ, rồi tự nó sẽ nảy sinh tình yêu với bạn. Đừng bao giờ bảo rằng “Con phải thương mẹ vì mẹ là mẹ của con. Con phải yêu thương mẹ”. Đừng biến tình yêu thành một thứ mệnh lệnh buộc người khác phải thi hành, bằng không con bạn sẽ mãi mãi không biết thế nào là yêu thương đích thực. Hãy yêu thương con trẻ, rồi một ngày chính tình yêu đó sẽ khiến cho một tình yêu khác nảy mầm. Giữa bạn và con trẻ khi đó sẽ phát sinh một thứ tình cảm yêu thương đồng điệu sâu sắc. Và điều quan trọng là giai điệu hòa hợp đó tự nảy sinh mà không cần bạn phải có bất kỳ sự cố gắng nào cả. Tất cả những gì bạn làm là thư giãn trong tình yêu thương của mình dành cho con cái và đón nhận lại tình yêu của chúng.
“Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình’”. Trong khi điều răn thứ nhất là hãy yêu mến Đức Chúa, mà nói một cách rộng ra chính là Thượng đế, là Tạo hóa thiêng liêng, là tình yêu, thì điều răn thứ hai chính là “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”, vì Chúa hay Phật rất khó tìm nhưng người thân cận thì luôn hiện hữu xung quanh bạn. Bạn cần một chiếc cầu nối, một điều gì đó quen thuộc để yêu thương trước đã, bởi nếu bạn thật sự muốn yêu thương Thượng đế, trước hết bạn phải biết yêu thương tha nhân vì đó là những người gần gũi với bạn nhất. Dần dà, tình yêu thương trong bạn sẽ lan tỏa đến vạn vật, đến thế giới xung quanh, cũng như những vòng sóng lan tỏa trên mặt hồ khi ta ném một hòn sỏi xuống nước vậy. Tuy nhiên, để có thể lan tỏa đến các bến bờ xa thì trước hết cần phải có sự va chạm giữa hòn sỏi và mặt nước để tạo ra những vòng sóng đầu tiên. Tương tự, trước hết bạn phải bắt đầu tình yêu thương của mình đối với những người quen mà bạn biết. Dần dà, thứ tình yêu đó sẽ lan tỏa sang cả chim muông, vạn vật,… Chỉ khi đó bạn mới có thể yêu thương vũ trụ này.
Như vậy, nếu bạn biết yêu thương nhân loại nghĩa là bạn đã có được bước khởi đầu đáng kể. Thế nhưng điều đang diễn ra trong thế giới bất hạnh này lại đi theo chiều ngược lại: người ta yêu Chúa, yêu Phật nhưng lại giết lẫn nhau. Theo họ, chính vì yêu Thượng đế của mình mà họ phải tàn sát lẫn nhau. Tất cả mọi Thượng đế của họ đều là giả mạo, vì nếu họ thật sự biết thế nào là Thượng đế, họ sẽ yêu thương lẫn nhau. Thậm chí họ sẽ yêu cả chim muông, cây cối, bởi khi đó bản chất của họ là từ tâm. Do vậy, nếu bạn không biết thương yêu đồng loại thì chẳng có đền đài tôn giáo nào có thể giúp bạn, tất cả chỉ là một sự lừa dối mà thôi.
Bạn có thể nói “Không” với Thượng đế dưới những tên gọi khác nhau nhưng đừng bao giờ nói “Không” với nhân loại, vì nếu thế thì nhịp cầu nối tiếp giữa bạn với Tạo hóa thiêng liêng, với tình yêu đích thực đã bị cắt đứt. Bạn có thể nói “Không” với đền đài nhưng đừng bao giờ nói không với tình yêu vì đó chính là ngôi đền đích thực. Mọi đền đài khác đều là những hình ảnh không thật bởi chỉ có một đền đài đích thực mà thôi, đó chính là tình yêu. Chỉ cần đừng bao giờ nói “Không” với tình yêu, bạn sẽ tìm thấy sự thánh hóa trong cuộc đời này.
“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”, bởi toàn bộ nhân loại này thực chất chính là bạn dưới những hình dáng, gương mặt khác nhau mà thôi. Người hàng xóm của bạn cũng chính là bạn, chỉ có điều là với một diện mạo khác.
Trên thế giới có rất nhiều dòng sông được đặt tên theo một màu sắc nào đó. Bản thân dòng sông tự nó không hề có màu sắc, tuy nhiên chúng bị nhuốm màu khác nhau là do những thảm thực vật hay đặc thù địa hình hai bên bờ mà ra. Nếu dòng sông chảy qua sa mạc, nó sẽ có một màu khác. Nếu dòng sông đi ngang một khu rừng, nó sẽ mang màu khác. Hoặc giả dòng sông chảy ngang một vùng bùn lầy, nó sẽ có màu khác. Nhưng bản thân dòng sông thì không có màu và mọi dòng sông, cho dù là xanh, đỏ, vàng hay trắng, đều chảy ra biển và hòa vào đại dương.
Ngoại hình của chúng ta khác nhau vì chúng ta sinh sống ở những vùng miền khác nhau, tuy nhiên bản chất cốt lõi của mọi con người đều giống nhau. Có người da trắng, da vàng, da đen, da đỏ, da nâu… nhưng tất cả chỉ là những địa hình sinh sống mà chúng ta xuất thân. Đó không phải là màu sắc của riêng ta, bởi bản thân con người vốn dĩ không có màu. Cơ thể của chúng ta khác nhau vì chúng ta được sinh ra ở những vùng miền khác nhau, tư duy của chúng ta khác nhau vì chúng ta lớn lên ở những xã hội khác nhau nhưng thực chất chúng ta không hề khác nhau.
Jesus bảo rằng: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Khi bạn biết yêu bản thân mình, bạn sẽ biết yêu những người xung quanh. Có một điều hết sức cơ bản mà dường như những con chiên của Chúa đều không nhớ đến, đó là bạn phải biết yêu bản thân mình. Bởi nếu không biết yêu bản thân, bạn sẽ không thể nào biết yêu thương người khác được. Một số bài giảng của tôn giáo hiện nay bảo ta phải biết tự phán xét bản thân, phải căm ghét bản thân vì đã làm những điều tội lỗi. Hãy yêu lấy bản thân bạn, bởi bạn chính là nhịp cầu gần nhất để đến với sự thánh hóa. Đó chính là vòng sóng đầu tiên cần được lan tỏa.
Hãy yêu lấy bản thân mình, đó cũng chính là nền tảng cơ bản nhất nếu bạn muốn trở thành một tín hữu thực thụ.
Một số tôn giáo thường bảo con người là tội lỗi, và chúng ta phải phán xét bản thân mình. Nhưng thực chất bạn không phải là kẻ tội lỗi gì cả, mà chính xã hội và những giáo điều của nó đã khiến bạn tin là thế. Xã hội và những tôn giáo khác nhau đã khiến chúng ta hiểu sai về cuộc đời này. Hãy chấp nhận bản thân như nó vốn vậy và yêu lấy chính mình. Chỉ khi đó bạn mới có thể yêu mến đồng loại. Nếu không yêu bản thân, làm sao bạn có thể yêu ai khác đây? Nếu như bạn không thể làm được điều gì khác thì ít nhất là hãy biết yêu quý bản thân mình. Từ đó, bạn sẽ cảm nhận được tình yêu thương dành cho đồng loại và thế giới xung quanh.
Vấn đề lớn nhất của thế giới hôm nay chính là người ta không còn yêu quý bản thân nữa. Chúng ta chán ghét bản thân nhưng lại muốn yêu một ai đó, và đây là điều không thể, bởi bài học về tình yêu thương phải được thực hành trước tiên ngay từ chính bản thân.
Nếu bạn hỏi Freud và các nhà phân tâm học khác, họ sẽ cho bạn biết rằng khi một đứa trẻ được sinh ra, đầu tiên nó chỉ biết yêu bản thân nó. Rồi lớn lên một chút, nó chỉ ưa thích những đứa trẻ cùng giới tính, ví dụ như con trai chỉ thích chơi với con trai và ngược lại. Đến khi lớn thêm chút nữa, chúng ta mới bắt đầu thích người khác giới. Đối với tình yêu cũng thế. Trước hết, bạn cần biết yêu thương bản thân mình, kế đến là hàng xóm láng giềng hoặc người thân cận, rồi mới đến nhân loại nói chung. Điều cơ bản vẫn là bản thân. Do vậy, hãy chấp nhận bản thân và đừng chối bỏ bản thân. Trong bạn có sự hiện diện của Tạo hóa thiêng liêng, và Thượng đế yêu quý bạn vô cùng nên đã xây hẳn một ngôi đền thiêng ngay trong chính nội thân của bạn. Nếu chối bỏ bản thân nghĩa là bạn đã chối bỏ con đường ngắn nhất đến với sự thánh hóa, và do vậy bạn không thể nào yêu thương Thượng đế được.
Khi Chúa Jesus nói “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”, ngài muốn nói trước hết hãy yêu lấy bản thân và từ đó bạn sẽ biết yêu thương người thân cận của mình.
“Tất cả Luật Moses và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Thực chất thì chỉ có một điều răn mà thôi, đó chính là yêu thương và yêu thương. Một khi đã hiểu được thế nào là tình yêu thương, bạn sẽ hiểu được mọi thứ còn lại. Ngược lại, nếu không hiểu thế nào là yêu thương thì tất cả mọi điều bạn hiểu biết đều trở nên vô nghĩa. Hãy quên tất cả những điều đó và trở lại sống như một đứa trẻ, nghĩa là bắt đầu yêu lại chính bản thân mình.
Bạn cần phải ném viên sỏi đầu tiên của tình yêu thì những vòng sóng nhỏ nhất mới xuất hiện. Tôi biết một câu chuyện của người Đan Mạch kể về chú nhện nọ sống trên trần nhà của một cái kho thóc cũ. Một hôm, chú đu người xuống thấp hơn thì phát hiện ra ở đó có rất nhiều ruồi và lại dễ bắt. Thế là chú quyết định sống luôn ở đó và dệt cho mình một cái mạng nhện. Nhưng rồi một hôm, chú phát hiện ra sợi dây cũ mà trước kia chú dùng để đu xuống đây và nghĩ rằng nó chỉ tổ vướng víu nên bứt đi. Thế là cả cái mạng nhện của chú cũng sụp đổ vì mất đi sợi dây trụ cột.
Loài người chúng ta cũng giống như thế, tất cả chúng ta ai cũng được nối kết với vũ trụ bằng một sợi dây vô hình. Thế nhưng chúng ta lại quên mất điều đó, chúng ta quên rằng chúng ta phải trở về với nơi mình đã ra đi. Đó là một vòng tròn hoàn chỉnh và nó giúp cuộc đời của chúng ta trở nên trọn vẹn. Có thể bạn, cũng như chú nhện kia, cảm thấy sợi dây này vướng víu và cản trở mình, ví dụ như nó không cho phép bạn hành xử bạo lực, gây hấn hay căm ghét người khác theo ý mình muốn. Đôi lúc bạn cũng như chú nhện kia chỉ muốn cắt phăng sợi dây đó đi cho đỡ vướng víu.
Dẫu bạn là ai, làm gì và có ở trong bóng tối thì vẫn luôn có một tia sáng từ Thượng đế, từ vũ trụ thiêng liêng tìm đến bạn. Đó chính là cội nguồn sự sống của bạn, vì vậy hãy luôn tìm kiếm sợi dây đó vì đó chính là con đường đưa bạn về với ngôi nhà của nội thân. Dẫu bạn có đang ở đâu và xa xôi đến mấy thì sợi dây đó vẫn luôn tồn tại, vũ trụ thiêng liêng vẫn luôn nhớ đến bạn dù có thể bạn quên mất điều đó. Hãy tìm kiếm trong nội thân bạn những gì có thể giúp bạn nối kết với Thượng đế. Khi đó, bạn sẽ tìm thấy lời răn của Chúa và hiểu rằng chỉ có tình yêu thương chứ không phải bất kỳ kiến thức nào khác mới có thể giúp bạn tìm về với Cội nguồn. Tiền bạc, danh vọng và quyền lực không thể giúp bạn làm điều đó mà chỉ có duy nhất tình yêu thương mà thôi. Khi bạn sống bằng tất cả yêu thương, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô biên vì chạm đến được sự muôn màu của cuộc sống.
Chúa và Phật cũng giống như những con ong chăm chỉ tìm kiếm những bông hoa tươi đẹp trong thung lũng. Loài ong khi tìm được những nơi có hoa thơm thường kể cho nhau nghe về nơi đó để tất cả cùng tìm đến đấy. Chúa và Phật đã tìm thấy thung lũng đầy những bông hoa ngát thơm của sự vô tận nên đã mách bảo cho loài người hãy tìm đến đấy theo họ.
Nếu bạn cố gắng tìm hiểu và tìm kiếm, bạn sẽ nhận ra rằng tình yêu thương mới chính là điều cốt lõi nhất đối với bản thân. Đừng để cho cái cây tình yêu đó héo hon vì không được vun xới, ngược lại hãy chăm sóc nó cẩn thận để nó trở thành một cái cây to, để những đàn chim thiên đường bay về làm tổ và hót véo von, để những lữ khách mệt mỏi có thể dừng chân nơi cái cây tình yêu trong bạn, để bạn có thể chia sẻ cùng họ tình yêu thương của mình.
Tội lỗi và sự trừng phạt
Án tử hình là một bằng chứng rõ nét nhất cho thấy văn minh chỉ là một khái niệm chứ chưa được hiện thực hóa. Có lẽ chúng ta phải xét đến mọi khía cạnh để lý giải xem vì sao cho đến ngày nay án tử hình vẫn còn được áp dụng tại nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng tử hình không phải là một sự trừng phạt đúng nghĩa. Nếu như bạn không thể ban thưởng cho ai đó bằng một mạng sống thì bạn cũng không thể nào trừng phạt họ bằng cách tước đi mạng sống của họ. Đây là một logic hết sức đơn giản và chẳng thể nào khác đi được. Nếu như bạn không ban cho ai đó sự sống thì bạn lấy quyền gì để giết họ?
Tôi nhớ đến một câu chuyện có thật như sau:
Có hai kẻ tội phạm tìm thấy một kho báu trong lâu đài nọ. Trước đó đã có rất nhiều người tìm cách đột nhập vào đấy để trộm kho báu nhưng không được, ấy vậy mà hai kẻ trộm kia lại thành công. Kho báu rất lớn và một trong hai tên trộm nảy sinh ý nghĩ giành hết cho riêng mình. Để làm được điều đó, hắn phải giết chết tên còn lại nhưng làm thế thì có thể sẽ khiến cho hắn bị bắt. Suy đi tính lại, hắn thấy mình không thể liều lĩnh vì bây giờ trong tay hắn là một khối tài sản khổng lồ.
Thế là hắn đã giải quyết theo một cách hết sức khôn ngoan. Hắn biến mất tăm và loan tin rằng mình đã bị tên kia giết cùng những bằng chứng do hắn dựng ra như chiếc khăn tay có thêu tên hắn để lại hiện trường, dấu vân tay của kẻ trộm thứ hai trên khẩu súng và trong khẩu súng mất hai viên đạn… Thế là tên trộm thứ hai không thể chối cãi được nữa và phải lãnh án tử hình mặc dù biết tất cả chỉ là một màn kịch được dàn dựng lên để bạn hắn ôm trọn kho báu.
Thế nhưng tên trộm thứ hai này đã vượt ngục trước khi lãnh án. Mười hai năm sau, hắn biết được tên trộm thứ nhất đã chết sau khi thay đổi hình dạng và trở thành một chính trị gia được
kính trọng. Hắn bèn tìm đến gặp đúng ông quan tòa ngày xưa và bảo rằng: “Tôi là người mà ông đã tuyên án tử hình cách đây mười hai năm và tôi đã vượt ngục. Tôi hoàn toàn vô tội nhưng tôi không có bằng chứng để chứng minh điều đó”.
Trong thực tế, chúng ta không có bằng chứng cho sự vô tội. Bằng chứng là để kết tội, còn sự vô tội không hề có bằng chứng.
Tên trộm thứ hai nói: “Bây giờ thì người mà ông kết tội tôi giết cách đây mười hai năm đã qua đời, do vậy tôi không thể nào giết cùng một người hai lần được. Và khi ông tuyên án tử hình cho một người vô tội thì ai mới là người có tội, tôi hay ông?”.
Câu chuyện này mang rất nhiều hàm ý trong đó.
Tên trộm nói tiếp: “Nếu như năm xưa tôi đã bị tử hình thì câu chuyện này ngày nay sẽ ra sao? Nếu như giờ đây biết người mà ông cho là đã bị giết vẫn còn sống thì liệu ông có trả lại mạng sống cho tôi được không? Nếu như ông không thể trả lại mạng sống cho tôi thì ông lấy quyền gì để tước nó đi?”.
Người ta bảo rằng ông quan tòa sau đó đã từ chức và xin lỗi tên trộm. Ông ta bảo: “Có lẽ tôi đã phạm rất nhiều tội ác trong cuộc đời mình”.
Có một thực tế trong cuộc sống này đó là trừ khi bạn chứng minh được mình là vô tội thì bạn mới không phải là kẻ phạm tội. Điều này đi ngược lại mọi lý tưởng nhân đạo, dân chủ, tự do và sự tôn trọng đối với mỗi con người. Trong khi đó, theo lẽ tự nhiên thì bạn chỉ bị gọi là tội phạm khi bạn có bằng chứng phạm tội.
Loài người chúng ta thường nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. Nếu giết người là phạm tội thì làm thế nào chúng ta có thể loại trừ tội phạm ra khỏi xã hội bằng chính hình thức phạm tội đó?
Giết người rõ ràng là phạm tội. Án tử hình chính là hình thức xã hội thực thi đối với một cá nhân nào đó đang trong cơn tuyệt vọng. Với tôi đó không phải là án phạt mà là một hình thức tội phạm.
Và bạn có hiểu tại sao xã hội lại kết án tử hình người ta không? Là vì xã hội muốn trả thù những cá nhân không muốn tuân theo các luật lệ, nguyên tắc của xã hội. Thay vì tống giam hoặc tử hình một người, lẽ ra xã hội cần đưa người đó vào một trung tâm chăm sóc thể chất, tinh thần hoặc tâm lý. Đó là những người cần sự thương yêu của xã hội chứ không phải sự trừng phạt.
Người chết thì đã chết, ngay cả chúng ta có giết kẻ sát nhân thì người chết cũng không thể sống lại. Nếu như có thể làm cho những người đã chết sống lại thì tôi hoàn toàn ủng hộ việc tử hình những tên sát nhân, tiếc rằng điều đó là hoàn toàn không thể. Người đã khuất thì không thể quay trở lại, và bạn chỉ có thể làm được một điều duy nhất là giết nốt kẻ sát nhân, nghĩa là bạn đang tìm cách gột rửa máu bằng máu.
Trong lịch sử nhân loại đã từng xảy ra nhiều câu chuyện mà bạn có thể chưa được biết. Hàng trăm năm trước, ở một số quốc gia, người ta cho rằng những người điên chỉ là những kẻ giả vờ bệnh hoặc bị ma quỷ nhập. Lại có quốc gia tin rằng phải trừng phạt những kẻ tâm thần. Những người tâm thần được điều trị bằng cách bị đánh đập dã man đến đổ máu. Họ tìm cách lấy bớt máu của người điên vì cho rằng những người này có quá nhiều năng lượng. Và lẽ tự nhiên khi bị mất máu, bệnh nhân tâm thần sẽ trở nên yếu ớt hơn nhưng người ta thấy thế lại tin rằng họ đã chữa bệnh thành công.
Một người tâm thần khi bị đánh đập đôi khi bỗng trở nên tỉnh táo, chính vì thế mà người ta lại càng tin rằng đánh đập là phương pháp đúng đắn để điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Tuy nhiên, trường hợp đó chỉ chiếm có 1% trong số các ca điều trị theo phương pháp này, và 99% các bệnh nhân còn lại đều bị tra tấn không cần thiết. Thế nhưng người ta chỉ dựa vào những trường hợp ngoại lệ đó mà tạo ra luật.
Người ta nghĩ rằng những người điên bị ma quỷ ám, và do vậy mà khi ta đánh một người điên nghĩa là ta đang đánh ma quỷ chứ không phải đánh người bệnh và việc này làm cho ma quỷ sợ hãi và bỏ đi, giúp cho người bệnh trở lại bình thường. Và đôi khi người bệnh bỗng trở nên tỉnh táo lại nhưng trường hợp này chỉ chiếm có 1% không hơn không kém.
Tôi đã từng đến một nơi nổi tiếng về việc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần. Ở đó có hàng trăm người điên khác nhau sống trong một ngôi đền bên bờ sông và ông thầy tu ở đó trước đây hẳn đã từng làm nghề đồ tể đến hàng trăm kiếp. Ông ta trông giống hệt một tên đồ tể và rất biết cách đánh đập người khác. Những người điên bị xiềng, bị đánh đập, bị bỏ đói và cho uống thuốc xổ cực mạnh. Bị bỏ đói và cho uống thuốc xổ trong nhiều ngày khiến cho các bệnh nhân ở đây không còn sức lực và trở nên tỉnh táo đôi chút, bởi để điên loạn thì trước hết bạn cũng cần phải có một chút năng lượng!
Xã hội càng phát triển, đời sống càng sung túc và xa hoa thì càng có nhiều người điên, trong khi xã hội càng nghèo đói thì càng có ít kẻ tâm thần. Để trở thành một kẻ tâm thần đòi hỏi trước tiên bạn phải có một tâm trí, trong khi một kẻ sắp chết đói sẽ không còn đủ dinh dưỡng để nuôi sống tâm trí nữa. Trong trạng thái suy dinh dưỡng trầm trọng, họ không thể nào có đủ sức để suy nghĩ hay điên loạn nữa. Chính vì vậy mà tâm thần là bệnh của người giàu chứ không phải của người nghèo.
Khi bạn bỏ đói một người và cho họ uống thuốc xổ thì họ sẽ bị tẩy ruột và đói lả. Lúc đó họ chỉ còn là một thân xác vô thần, chẳng quan tâm gì đến tâm trí nữa.
Đôi khi tôi cũng thấy có một bệnh nhân ở ngôi đền đó lành bệnh, nhưng tỉ lệ đó vô cùng hiếm hoi và trớ trêu thay, mọi người lại lấy điều đó để đồn thổi đi xa và do vậy mà hàng trăm người điên khác lại được đưa đến đây. Thế là ngôi đền bỗng trở nên giàu có. Tôi đã đến đấy vài lần nhưng chỉ gặp được một người điên lành bệnh duy nhất, còn tất cả những người khác được trả về nhà trong trạng thái đói lả, yếu ớt vì bị đánh đập, thậm chí có người chết vì cách điều trị của ông thầy tu đó.
Thế nhưng ở Ấn Độ, người ta lại cho rằng nếu bạn được một thầy tu chữa bệnh trong đền thờ – vốn là một nơi linh thiêng – thì dù bạn có chết đi, họ vẫn không xem đó là một tội ác mà ngược lại, họ xem đó là ân phước vì bạn được ra đi ở một nơi linh thiêng như thế. Theo họ, bạn sẽ được tái sinh với một tâm trí minh mẫn hơn, thông thái hơn. Do đó, người ta không xem việc chữa trị đấy là một tội ác và người ta cứ tiếp tục cách điều trị ấy cho người điên qua hàng thế kỷ ở khắp nơi trên thế giới.
Ngày nay, người điên được giam vào một nơi riêng biệt, giữa bốn bức tường cô độc. Chúng ta làm như thế vì không còn biết phải làm như thế nào nữa và cách này có thể giúp chúng ta quên đi sự tồn tại của họ.
Tôi có một người bạn có ông chú bị tâm thần. Gia đình họ rất khá giả và tôi cũng thường đến chơi nhà họ nhưng không hề biết điều này, mãi cho đến nhiều năm sau đó tôi mới biết rằng họ xích ông chú trong gian hầm dưới nhà.
Khi tôi hỏi tại sao họ lại làm thế thì họ bảo rằng: “Ông ấy bị điên. Chỉ có hai cách, hoặc là giữ ông ấy tại nhà nhưng phải xích lại, và dĩ nhiên là không thể để ông ấy sống ở nhà trên nơi khách khứa có thể nhìn thấy và sợ hãi, còn người thân thì đau lòng. Còn nếu gửi ông ấy vào trại thì sẽ làm hủy hoại thanh danh của gia đình, thế nên họ đã nghĩ ra cách giam ông ấy dưới hầm nhà. Hằng ngày chỉ có người đầy tớ mang thức ăn đến cho ông ấy và chẳng ai có thể nhìn thấy người điên này”.
Nghe vậy, tôi thuyết phục bạn tôi cho tôi gặp ông ấy.
Anh ta nói: “Nhưng tôi không đi cùng với anh đâu, ông ấy rất nguy hiểm vì bị điên mà! Dù bị xích nhưng ông ấy vẫn có thể nguy hiểm đấy”.
Tôi bèn đáp: “Cùng lắm thì ông ấy giết tôi thôi, anh đứng sau tôi sẽ chạy thoát được mà. Cứ để tôi gặp ông ấy”.
Thấy tôi cứ nhất định muốn gặp người chú đó, anh bạn bèn tìm cách lấy chìa khóa cửa do người đầy tớ cất giữ để dẫn tôi đi. Tôi là người đầu tiên từ thế giới bên ngoài mà ông ấy gặp sau ba mươi năm bị giam giữ, trừ anh đầy tớ hằng ngày vẫn mang thức ăn thức uống đến. Và có lẽ ông ấy đã từng bị điên nhưng hiện tại thì không. Tất cả những người điên đều nói: “Tôi không điên”, nhưng chẳng có ai thèm lắng nghe họ cả. Chính vì thế khi người đàn ông này nói với anh đầy tớ rằng: “Hãy nói với gia đình tôi rằng tôi không bị điên”, thì anh ta chỉ cười mà thôi. Tuy có nghe anh đầy tớ kể lại điều đó nhưng chẳng ai trong gia đình mảy may quan tâm đến.
Khi gặp ông ấy, tôi đã ngồi trò chuyện với ông. Ông ta cũng tỉnh táo như bất kỳ người bình thường nào, thậm chí còn hơn cả họ khi nói rằng: “Ba mươi năm qua sống ở đây là một trải nghiệm vô cùng lớn lao mà tôi có được. Thật ra tôi cảm thấy may mắn vì được thoát khỏi thế giới điên loạn ngoài kia. Họ cứ nghĩ tôi điên, hãy để họ nghĩ như thế vì điều đó cũng chẳng có hại gì. Thực tế là tôi may mắn vì không phải sống trong thế giới điên loạn ngoài kia. Anh nghĩ sao?”.
Tôi đáp: “Ông hoàn toàn chính xác. Thế giới ngoài kia bây giờ điên loạn hơn cách đây ba mươi năm. Ba mươi năm qua đã xảy ra nhiều cuộc cách mạng trên nhiều mặt, trong đó có cả sự điên loạn của xã hội. Ông không nên tiếp tục bảo mọi người là mình đã hết điên, vì nếu không họ sẽ gửi ông vào trại bên ngoài đấy. Ông đang sống một cuộc đời tươi đẹp và hoàn hảo, giữa một không gian đủ rộng để đi lại…”.
Ông ấy nói: “Đi bộ là môn thể dục duy nhất mà tôi có thể thực hiện ở đây”.
Thế là tôi dạy cho ông ấy cách thiền. Tôi giải thích với ông ấy rằng: “Ông đang sống trong một điều kiện hoàn hảo để tu tập thành Phật vì không có gì làm ông phải lo lắng, suy nghĩ hay vướng bận cả. Ông đang được Ơn trên ban phúc”. Và trong lần gặp sau cuối trước khi ông ấy qua đời, tôi đã nhìn thấy trong ánh mắt và trên nét mặt của ông ấy một sự biến đổi hoàn toàn.
Người điên cần đến các phương pháp thiền thích hợp để có thể thoát khỏi cơn điên của mình. Còn tội phạm thì cần đến sự hỗ trợ về mặt tinh thần và tâm lý. Sâu thẳm trong họ là những cơn bệnh và chúng ta không thể nào trừng phạt một người đang ốm. Đó không phải là lỗi của họ. Một kẻ giết người hẳn phải mang trong lòng tư tưởng giết người từ rất lâu chứ không thể là hành động bộc phát ngay lập tức.
Khi có một người phạm tội sát nhân, chúng ta cần nhìn lại xã hội mà họ đang sống và chính xã hội đó mới phải chịu trách nhiệm về việc này. Tại sao một việc như thế lại xảy ra trong xã hội? Người ta đã làm gì để anh ta phải đi đến hành động giết người kia? Tại sao anh ta lại có ý muốn hủy diệt người khác như vậy? Chúng ta được sinh ra với tư chất sáng tạo và xây dựng, do đó một người chỉ có thể đi ngược lại xu hướng tự nhiên này khi bản chất tự nhiên đó bị cản trở, ức chế. Chính xã hội ngăn cản và phá vỡ tư chất này, đồng thời chuyển hướng nó sang một con đường khác hẳn. Điều đó làm cho con người bị hoang mang và không biết mình đang làm gì, cũng như tại sao mình lại làm như vậy. Họ bị dẫn dắt qua nhiều ngã rẽ khác nhau, trở nên rối rắm và đi xa điểm xuất phát ban đầu.
Chẳng ai muốn hay đáng phải chịu án tử hình. Trong thực tế chúng ta không cần đến án tử hình hay bất kỳ hình phạt nào cả vì sự trừng phạt sẽ không bao giờ giúp cải thiện một con người. Số lượng tội phạm ngày càng gia tăng và người ta không ngừng xây thêm nhà tù. Quả thật điều này kể cũng lạ vì với số lượng tòa án, nhà tù và những hình phạt gia tăng nhiều như hiện nay thì lẽ ra lượng tội phạm phải giảm đi mới phải. Và theo thời gian thì số lượng nhà tù cũng như tòa án phải giảm theo mới phải. Thế nhưng những gì đang diễn ra lại không phải như thế.
Đó là do chúng ta đã dựa trên một cơ sở hoàn toàn sai lệch. Chúng ta không thể nào dạy dỗ một con người bằng cách trừng phạt họ. Hàng bao năm nay, những vị quan tòa, các chuyên gia vẫn luôn cho rằng: “Chúng ta không thể dạy dỗ mọi người mà không trừng phạt họ. Nếu không có sự trừng phạt, tất cả mọi người sẽ phạm tội. Chính vì thế chúng ta phải trừng phạt để họ sợ mà không dám phạm tội”. Họ cho rằng sợ hãi là cách duy nhất để giáo dục và dạy dỗ con người, trong khi điều đó hoàn toàn sai lầm! Sự trừng phạt chỉ khiến cho người ta quen với cảm giác sợ hãi, theo đó nỗi sợ hãi thật sự sẽ không còn tồn tại nữa. Họ nắm rõ những gì sẽ diễn ra: “Cùng lắm thì mình sẽ bị đánh đập. Nếu kẻ khác lấy được thì mình cũng sẽ lấy được. Hơn nữa, cả trăm kẻ trộm thì chỉ có một, hai kẻ bị bắt. Nếu mình không dám đánh liều một phen với tỉ lệ ít ỏi 2% kia thì thật phí!”.
Sự trừng phạt chẳng giúp ai rút ra được bài học. Ngay cả người bị trừng phạt cũng không nhận ra bài học mà bạn muốn anh ta học. Nhưng anh ta lại học lấy một điều là phải “mặt dày mày dạn” hơn. Khi một người bị đưa vào tù, anh ta sẽ xem đó là “nhà” của mình vì nơi đó anh ta sẽ gặp rất nhiều người giống như mình. Anh ta sẽ thấy đó mới chính là xã hội thực sự của mình, còn thế giới bên ngoài không phù hợp với mình. Tất cả họ đều hiểu nhau rất rõ, và ở đây có cả những chuyên gia thực thụ, còn anh ta chỉ mới ở đẳng cấp nghiệp dư về ngón nghề phạm tội.
Có một người nọ bị tống giam vào ngục; và trong bóng tối, anh ta nhìn thấy một ông già. Ông già ấy mới hỏi anh ta rằng: “Cậu ở đây bao lâu?”.
Anh ta bèn đáp: “Mười năm”.
Ông già bèn nói: “Thế thì cậu có thể ở gần lối cửa. Chỉ có mười năm! Cậu chỉ là một tên tội phạm nghiệp dư. Tôi ở đây tới năm mươi năm, nên cậu cứ ở gần cửa vì cậu sẽ sớm ra thôi”.
Thế nhưng với mười năm sống chung với một tội phạm có thâm niên như thế, dĩ nhiên anh ta sẽ học được mọi ngón nghề, chiến lược lẫn phương pháp thực hiện hành vi tội ác của nhau. Nhà tù chẳng khác gì một trường đại học chuyên huấn luyện kỹ năng phạm tội mà các học viên trong đó được học miễn phí nhờ chi phí của chính phủ. Ở đó, bạn sẽ gặp đủ mọi tội phạm đã đạt đến trình độ “chuyên gia” ngoài sức tưởng tượng của bạn và dĩ nhiên những tù nhân mới sẽ có dịp học hỏi từ họ.
Tôi đã từng đến thăm nhiều nhà tù và bầu không khí ở những nơi đó đều giống nhau. Tôi có một ý nghĩ sau khi đến những nơi đó là, người ta không bị bỏ tù vì phạm tội mà chỉ vì họ đã để bị bắt khi phạm tội. Do đó, người ta càng phải làm thế nào để làm sai một cách đúng đắn, nghĩa là để phạm tội mà không bị bắt. Và mọi tù nhân đều sẽ học được điều đó trong chính nhà tù. Thậm chí một số tù nhân còn nói với tôi rằng: “Chúng tôi rất mong đến ngày được thả vì chúng tôi đã học được rất nhiều thứ và muốn thực hành ngay. Trước khi bị bắt, chúng tôi chỉ mới biết lý thuyết mà chưa có kinh nghiệm thực hành. Để có kinh nghiệm thực hành, chỉ nhà tù mới có thể dạy chúng tôi điều đó”.
Một khi đã vào tù ra khám thì người ta sẽ không thấy nơi nào dễ chịu hơn trong đó và chẳng chóng thì muộn, họ cũng sẽ quay trở lại nhà tù. Dần dà, nhà tù sẽ trở thành xã hội thay thế của họ. Ở đó, họ cảm thấy như ở nhà vì mọi thứ thật dễ chịu và không bị ai khinh thường bởi ai cũng là phạm nhân. Ở đó, chẳng có ai là thánh nhân, tất cả đều là những con người khốn khổ với đầy khiếm khuyết. Trong khi đó, ở xã hội bên ngoài, họ cảm thấy bị ruồng bỏ, xa lánh.
Ở chỗ tôi sống có một anh chàng gần như sống thường trực trong tù. Anh ta thật đẹp trai, tên của anh ta là Barkat Mian và hằng năm anh ta sống gần như đến chín tháng trong tù, chỉ có ba tháng còn lại là ở xã hội bên ngoài. Trong ba tháng đó, tuần nào anh ta cũng phải đến đồn cảnh sát để trình diện. Ấy vậy mà tôi với anh ta lại là những người bạn tốt của nhau. Gia đình tôi rất giận dữ khi biết tôi chơi với anh ta, họ nói: “Tại sao con cứ đi lại với Barkat? Người ta sẽ nhìn vào bạn bè của con để đánh giá con đấy”.
Tôi bèn đáp: “Con hiểu, nhưng như vậy thì con cũng sẽ giúp mọi người bớt khinh thường Barkat đi một chút, âu đó cũng là điều tốt”.
Họ bèn nói: “Đến bao giờ con mới chịu nhìn ra sự việc đây?”.
Tôi nói: “Con chỉ nhìn sự việc đúng với bản chất của nó thôi. Barkat không hề làm suy giảm hình ảnh của con mà ngược lại, con đang giúp mọi người coi trọng cậu ấy hơn. Chẳng lẽ mọi người chỉ nhìn thấy cái xấu trong con người của Barkat mà không thấy được cái tốt ở con ư? Như vậy nghĩa là mọi người không tin vào con mà chỉ biết nhìn vào mặt xấu của Barkat. Cho dù mọi người có nghĩ như thế nào đi nữa thì con vẫn tin vào chính mình. Barkat không thể nào khiến con hư hỏng theo anh ta được. Nếu có chăng thì con mới là người làm hỏng anh ta”.
Barkat là một gã đẹp trai, tốt bụng và thường hay bảo tôi rằng: “Anh không nên chơi với tôi làm gì. Nếu có chuyện cần gặp và nói chuyện với tôi thì chúng ta có thể gặp ở chỗ không ai thấy, bên bờ sông ngoài rìa thị trấn ấy”. Anh ta sống ở khu nghĩa trang, nơi mà không có ai lai vãng trừ khi có người chết. Người ta không cho anh sống chung với mọi người trong thị trấn. Chẳng ai muốn cho anh ta thuê nhà trong thị trấn cho dù anh ta có trả nhiều tiền bao nhiêu đi nữa. Tóm lại là chẳng ai muốn chứa anh ta trong nhà.
Có lần tôi hỏi Barkat: “Tại sao anh lại trở thành một tên trộm?”.
Anh ta đáp: “Lần đầu tiên bị bỏ tù, tôi hoàn toàn ngây thơ và vô tội nhưng lúc đó tôi nghèo quá nên không có tiền mướn luật sư, và những người muốn tôi bị bỏ tù là vì họ muốn chiếm toàn bộ tài sản của cha mẹ tôi bao gồm đất đai, nhà cửa. Cha mẹ tôi qua đời khi tôi mới có mười bốn, mười lăm tuổi. Để làm được điều đó, họ buộc phải đẩy tôi ra khỏi con đường đi của họ. Họ bỏ đồ vào túi tôi rồi vu khống cho tôi ăn trộm, và tôi đã bị tống vào tù vì không thể chối cãi trước món đồ nằm gọn trong túi mình. Khi tôi ra tù, nhà cửa đất đai của tôi đã bị bán sạch. Họ hàng của tôi đã thanh toán tất cả và thế là tôi trở thành người vô gia cư”.
“Bởi thế mà lần đầu tiên khi bị bỏ tù tôi hoàn toàn ngây thơ, nhưng khi ra tù thì tôi đã không còn ngây thơ nữa vì tôi đã ‘tốt nghiệp trường lớp trong nhà tù’. Khi nghe tôi kể vì sao bị bỏ tù, lúc đó tôi chỉ mới có mười bảy tuổi, mọi người trong tù bảo tôi rằng ‘Đừng lo, chín tháng tù sẽ qua mau thôi, nhưng trong thời gian này chúng ta sẽ dạy chú em cách trả thù tất cả mọi người’.”
“Thế là trước tiên tôi trả thù chính những người họ hàng của mình, và điều này dễ như trở bàn tay. Họ đã ép tôi trở thành tên trộm thì bây giờ tôi sẽ là một tên trộm thực thụ. Tôi bám theo họ và cuỗm tất cả những gì họ có. Thế nhưng anh có thể trốn thoát mười vụ, còn đến vụ thứ mười một thì bị bắt. Nhưng khi anh càng có tuổi và có kinh nghiệm thì khả năng bị bắt càng ít hơn. Cho dù có bị bắt thì cũng chẳng sao, bởi trong thực tế thì nhà tù là một nơi thư giãn, là nơi mà anh chẳng phải bận tâm đến việc đi làm hay tất tần tật những thứ khác. Một vài tháng sống trong tù hóa ra lại tốt cho sức khỏe bởi anh phải tuân thủ theo mọi giờ giấc sinh hoạt của nhà tù – ăn, ngủ, thức giấc và lao động đúng giờ. Và lại có đủ thức ăn mà không lo bị chết đói.”
“Chưa bao giờ tôi bị ốm đau trong tù, trừ khi tôi giả vờ bệnh để được đưa đến bệnh viện và xem đó như là ngày nghỉ của mình. Ở xã hội bên ngoài tôi còn bị ốm chứ trong tù thì không. Xã hội bên ngoài đối với tôi hoàn toàn xa lạ, mọi người luôn xem tôi là thứ cặn bã. Chỉ có trong nhà tù là tôi thật sự cảm thấy mình được tự do.”
Tôi bèn hỏi: “Anh nói sao? Chỉ có trong tù anh mới thấy tự do ư?”.
Barkat đáp: “Phải, chỉ có trong tù tôi mới được tự do”.
Xã hội của chúng ta là loại xã hội gì mà khi sống trong tù thì con người lại thấy tự do còn ở ngoài thì không?
Trên đây là câu chuyện điển hình của hầu hết các tên tội phạm. Ban đầu, họ phạm tội chỉ vì những điều nho nhỏ, chẳng hạn như ăn cắp vì đói hay cuỗm chăn mền vì lạnh. Đó là những vật dụng nho nhỏ cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày mà nếu không làm thế thì xã hội sẽ chẳng sản xuất ra cho họ dùng. Xã hội ngày càng sản sinh ra nhiều con người hơn nhưng lại không có đủ thức ăn, quần áo hay chỗ ở cho tất cả. Thế thì điều ắt phải xảy ra là người ta buộc phải phạm tội vì bị đặt trong hoàn cảnh túng quẫn.
Ai cũng bảo phải làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, thế nhưng tất cả mọi người đều đang làm cho mọi thứ tệ đi, bởi xã hội tệ đi đồng nghĩa với việc cần nhiều lao động hơn. Những điều tệ hơn sẽ khiến bạn cảm thấy mình tốt đẹp hơn, ví dụ như trong xã hội phải có tội phạm thì bạn mới cảm thấy mình là người đạo đức và được kính trọng, bởi nếu tất cả đều là người tốt thì sẽ chẳng ai thấy bạn là đáng kính hay danh giá cả. Có đêm mới phân biệt được ngày và ngược lại, bằng không thì chúng ta sẽ chẳng phân biệt được đâu là ngày và đâu là đêm. Nếu xã hội chỉ toàn người tốt, ắt hẳn người ta sẽ chẳng nhớ đến Chúa Jesus suốt ngần ấy năm. Chính vì xã hội của chúng ta đầy rẫy tội phạm cho nên đã hai ngàn năm trôi qua mà loài người vẫn còn nhớ đến ngài.
Tại sao bạn vẫn nhớ đến Đức Phật? Giả sử trong xã hội có hàng triệu ông Phật thì ắt hẳn chúng ta sẽ chẳng chú ý đến điều này. Khi đó, Đức Phật sẽ bị lẫn vào đám đông ngay lập tức. Thế nhưng đã hai mươi lăm thế kỷ trôi qua, ấy vậy mà Đức Phật vẫn tồn tại như một tượng đài sừng sững trên cao.
Thực ra, những vị như Đức Phật, Chúa Jesus, Tiên tri Mohammed… đều không phải là những vĩ nhân mà chính chúng ta mới là những kẻ tầm thường, nhỏ bé. Chúng ta thấy họ vĩ đại là vì bản thân mình tầm thường, thế thôi.
Tôi chẳng phải là vĩ nhân cũng chẳng phải là kẻ tầm thường, nhỏ bé. Tôi cũng chẳng có gia sản gì cả. Tôi chỉ đơn giản là tôi mà thôi. Tôi không so sánh mình với bất kỳ ai khác, vì thế chẳng ai thấp kém hơn hay cao hơn tôi cả. Chính quan điểm đó đã giúp tôi nhìn thẳng vào vấn đề và cảm thấy tử hình là một bằng chứng cho thấy loài người chúng ta vẫn chưa văn minh và chưa biết được thế nào là những giá trị của nhân loại.
Trên thế gian này chẳng có ai là phạm nhân cả, có chăng chỉ là những người đang cần đến lòng từ bi, bác ái. Họ không cần đến sự trừng phạt hay nhà tù mà ngược lại, theo tôi tất cả những nhà tù cần được chuyển thành các trung tâm chăm sóc và trị liệu tâm lý.
Sự sống & cái chết
Tôi có người em gái bị tai nạn và không còn cử động, nhìn, nghe hay nói được nữa. Liệu cô ấy chết đi thì có tốt hơn là sống như thế không?
Đây là một trong những câu hỏi hết sức cơ bản được đề cập đến trên toàn thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau. Hàng thế kỷ nay chúng ta vẫn có thói quen né tránh cái chết, xem chết chóc là một thứ đen tối và gắn liền với ma quỷ.
Ngay cả những sinh viên trường y trước khi tốt nghiệp cũng phải đọc lời thề Hippocrates, trong đó có nói rõ họ sẽ không bao giờ giúp ai tìm đến cái chết dưới mọi hình thức và nhiệm vụ của họ là làm mọi cách để cứu sống người.
Điều đó hoàn toàn đúng trong thời của Hippocrates, bởi hồi đó cứ mười đứa trẻ được sinh ra thì chỉ có một là sống sót và trưởng thành. Dân số thế giới vào thời của Đức Phật ít ỏi ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, chỉ có hai trăm triệu dân. Ngày nay, chỉ riêng Ấn Độ không thôi đã có trên một tỉ người và dân số thế giới đã lên đến hơn bảy tỉ người. Trong vòng hai mươi lăm thế kỷ, dân số thế giới đã tăng từ hai trăm triệu lên hơn bảy tỉ người trên cùng một diện tích trái đất. Bên cạnh đó, ngành y khoa đã phát triển vượt bậc.
Ngày xưa, con người chỉ dám mong sống đến bảy mươi tuổi. Suốt năm ngàn năm, các nhà khoa học đã không ngừng tìm kiếm và nghiên cứu trên các bộ xương để biết chính xác tuổi thọ của loài người xưa kia. Và người ta đã kết luận rằng trước đây tuổi thọ cao nhất của loài người là bốn mươi, chính vì thế mà hồi đó không có bậc cha mẹ nào phải chứng kiến cái chết của con mình khi về già.
Thế nhưng hồi đó người ta cũng không tính đến tỉ lệ chín trên mười đứa trẻ sẽ chết đi sau khi được sinh ra vì không sống sót qua hai năm đầu đời. Như vậy, trong thực tế thì những bậc làm cha mẹ vẫn phải chứng kiến cảnh hàng chục đứa con của mình phải chết đi khi còn non bé. Và chỉ có một trên mười đứa trẻ là sống sót qua hai tuổi để trở thành người lớn và có tuổi thọ bốn mươi.
Ngày nay có rất nhiều người sống đến một trăm tuổi và ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh những ông lão bà cụ hơn một trăm tuổi vẫn còn làm việc trên cánh đồng như người trẻ tuổi. Theo một số nhà khoa học, loài người có thể sống đến ba trăm tuổi nếu được sống trong một bầu không khí thích hợp, có chế độ dinh dưỡng thích hợp và luyện tập thể dục đúng mức. Quả thật đó là một viễn cảnh hết sức nguy hiểm, bởi chỉ cần sống đến chín mươi hay một trăm tuổi là chúng ta đã chán đời lắm rồi, huống chi mà phải sống đến ba trăm tuổi. Khi đó, gia đình sẽ không còn nhận ra bạn nữa, bởi trong ba trăm năm đó đã có biết bao nhiêu thế hệ con cháu tiếp diễn và chẳng còn liên hệ gì mấy đến bạn. Khi đó, khoảng cách giữa bạn và các thế hệ đó sẽ rất lớn.
Bạn sẽ làm gì ở tuổi ba trăm khi mà bạn đã từng sống, từng yêu, từng nếm trải mọi thăng trầm của cuộc đời – từ thành công đến thất bại, từ hạnh phúc đến đau khổ… Bạn cũng đã biết thế nào là xuân, hạ, thu, đông… Tất cả khi đó chỉ còn là sự lặp đi lặp lại, như một vòng quay không hơn không kém.
Theo tôi, khi một người đã sống đến một giai đoạn mà họ cảm thấy mình không còn hữu dụng trên cõi đời này nữa, khi họ thấy mình đã sống đủ thì họ có quyền được lựa chọn cái chết cho mình và đó không phải là điều gì phạm pháp cả. Thật ra các bệnh viện nên có một khu riêng biệt dành cho những người muốn đến đó để chấm dứt cuộc đời mình, để họ có thể được chết trong tĩnh lặng, bình yên sau khi đã được các chuyên viên y tế chăm sóc và can thiệp nhưng không phải để họ tiếp tục sống mà để họ được ra đi trong thanh thản, nhẹ nhàng nhất có thể.
Các khoa của bệnh viện nên có một chuyên viên về thiền để giúp mọi người học cách thiền trước khi qua đời, để họ có thể chết trong sự tĩnh tại của thiền định. Khi đó, cái chết sẽ trở thành một trải nghiệm có giá trị to lớn, thậm chí còn to lớn hơn cả cuộc đời mà họ đã từng sống. Và họ sẽ không phạm bất kỳ tội lỗi nào.
Bạn hãy nghĩ xem, thay vì để một người đột ngột tìm đến cái chết thì hãy để họ có ý nghĩ tìm đến các bệnh viện để chuẩn bị cho cái chết và trong thời gian đó, nếu họ thay đổi ý định thì vẫn còn kịp vì sẽ chẳng ai bắt buộc họ phải tự tử cả!
Bạn hãy nhớ rằng mọi cảm xúc chỉ là nhất thời và không có cảm xúc nào tồn tại quá vài phút đồng hồ. Chỉ cần đợi thêm vài phút đồng hồ nữa thì số phận của những người tự tử đã khác đi rất nhiều.
Ở đây, để trả lời cho câu hỏi của bạn, tôi muốn nói với bạn rằng cái chết không phải là một điều gì ghê gớm hay gắn liền với sự tăm tối, ma quỷ mà chỉ là một điều hết sức tự nhiên. Và câu hỏi này không phải dành cho một người đã già nua mà là cho một người trẻ tuổi nhưng không còn cử động, nghe, nhìn hay nói được nữa. Người đó đã mất hết mọi giác quan sống, thế thì liệu bạn có thể gọi đó là sống hay không? Họ chỉ sống đời sống thực vật và phải chịu đựng ghê gớm. Chúng ta không thể nào hiểu được sự chịu đựng đó bởi họ không bao giờ có thể kể cho chúng ta nghe. Họ sống một cuộc đời hoàn toàn cô độc, bị tách biệt thật sự với cuộc sống xung quanh. Thế thì ý nghĩa của đời sống thực vật đó ở đâu nếu như họ được sống đến bảy mươi, tám mươi hay thậm chí là chín mươi tuổi? Họ chỉ đơn thuần là một gánh nặng cho gia đình mà thôi. Họ sẽ là niềm đau của gia đình và bản thân sẽ sống một cuộc đời cầm tù không lối thoát.
Hãy tưởng tượng nếu bạn phải sống trong tình cảnh đó mà xem: Bạn không nhìn thấy, nghe thấy hay nói gì được nữa. Bạn hoàn toàn rơi vào trạng thái hôn mê. Bản thân tôi từng chứng kiến một phụ nữ bị rơi vào đời sống thực vật đó chín tháng. Các bác sĩ bảo rằng cô ta sẽ không bao giờ nhận thức được như xưa vì hệ thống thần kinh đã chết sau một thời gian dài sống vô thức như thế. Họ cho tôi xem các hình chụp của não và cho biết tất cả các tế bào thần kinh liên quan đến sự nhận thức đã chết. Người phụ nữ đó có thể sống trong hôn mê như thế đến năm mươi năm vì lúc đó cô ta mới có hơn ba mươi tuổi. Cô ta sẽ trở thành gánh nặng triền miên cho chồng con, tất cả họ không thể làm gì để giúp cho cô ấy được nữa. Các bác sĩ cũng bất lực nốt. Thế nhưng luật pháp lại cấm bác sĩ giúp mọi người được chết, nếu làm thế thì bác sĩ sẽ trở thành tội phạm vì mang tội giết người.
Hãy nói cho mọi người biết rằng gia đình bạn đã sẵn sàng trước sự ra đi của người thân, rằng bản thân người bệnh cũng cần được giải phóng khỏi thể xác cầm tù đó để được tái sinh trong một thân xác mới với đầy đủ tai, mắt và họ lại có thể trò chuyện, đi lại. Cái chết của họ không phải là một tai ương mà chính là một ân huệ đối với họ.
Tôi chỉ muốn giúp bạn hiểu vấn đề chứ không phải tôi bảo bạn hãy làm y hệt như thế, bởi điều đó có thể là phạm pháp ở đất nước của bạn. Bạn phải tùy vào luật pháp của nước sở tại và biến nó thành một đề tài thảo luận quốc gia vì điều đó không chỉ xảy ra với những người thân của bạn. Trên thế giới hiện nay còn có rất nhiều trẻ em và người trẻ tuổi đang phải chịu đựng điều đó chỉ vì luật pháp không cho phép cái chết nhân đạo diễn ra.
Tất cả các quốc gia nên thông qua đạo luật cho phép cái chết nhân đạo, cũng như hầu hết các nước đã cho phép sử dụng biện pháp tránh thai vậy. Nếu như bạn đã cho phép mọi người ngăn cản sự sống ra đời thì ngược lại, bạn cũng nên cho phép mọi người được từ giã cuộc đời một cách trang trọng. Họ có thể sống bên gia đình, bạn bè một tháng trước khi từ giã cõi đời này.
Bạn có thể không kiểm soát được sự thai nghén nhưng ít ra bạn cũng có thể quyết định cái chết của mình. Hiện nay đã có một số chính phủ thông qua đạo luật cái chết nhân đạo để giúp mọi người kết thúc nhanh hơn cuộc sống khổ sở của họ.
Hãy để cho những con người tội nghiệp đó được ra đi. Trên thế giới này có hàng ngàn người sẵn sàng từ giã cõi đời vì phải chịu đựng sự đau đớn thể xác. Bệnh tật trầm trọng đã khiến cho họ không còn có thể tận hưởng hay làm gì được nữa.
Chúng ta nên để cho người thân được ra đi bởi thân xác ấy bây giờ chẳng khác gì ngục tù đối với họ. Nếu thật sự yêu thương họ, bạn phải từ biệt họ cho dù có phải đớn đau, khổ sở. Hãy cầu nguyện cho họ được tái sinh trong một thân xác khác tốt đẹp hơn. Hãy tạo ra một đề tài để xã hội phải quan tâm, để những người có hoàn cảnh tương tự như người thân của bạn được giải thoát, được ra đi trong thanh thản. Và quan trọng hơn cả là bạn đừng lo lắng quá, bởi nội thân của bạn sẽ chẳng bao giờ chết!
Một trong những điều mà tôi được dạy dỗ từ bé là không được ích kỷ, không được nghĩ cho riêng mình. Giờ đây, khi nghĩ đến bản thân và mong muốn được trở về với nội thân của chính mình, tôi dường như có cảm giác tội lỗi, bất an và hoang mang. Ông có thể bàn về vấn đề này được không?
Socrates đã nói: “Hãy hiểu mình trước tiên, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”. Chỉ có hiểu rõ về mình thì bạn mới có thể sống không ích kỷ. Hiểu về mình, bạn sẽ tự động hiểu về những người khác. Tất cả chúng ta không phải là những hòn đảo tách biệt mà thực tế là một lục địa nối liền.
Không ích kỷ chỉ là hệ quả của việc bạn thật sự hiểu về mình, được là chính mình và sống cho mình. Và sống vì mọi người cũng chưa phải là một hành vi tốt đẹp để bạn ghi điểm lên thiên đường. Khi đó, thái độ sống vì mọi người sẽ tự động trở thành bản chất tự nhiên của bạn và những gì bạn làm được sẽ mang lại phần thưởng cho chính bạn.
Hầu hết mọi người khi ngồi thiền đều cảm thấy mình tội lỗi vì họ cảm thấy trong khi thế giới xung quanh vẫn còn biết bao nhiêu người nghèo khổ, đói ăn, cùng vô số vấn đề cần giải quyết thì mình ngồi đó thong dong tự tại mà thiền thì thật là ích kỷ! Trước hết họ cảm thấy cần phải giúp đỡ những người khó khăn, người bệnh tật…
Thế nhưng đời người rất ngắn ngủi. Trong sáu mươi hay bảy mươi năm đó, liệu có mấy lần bạn sẽ hành xử vì mọi người như thế?
Có một người mẹ dạy con rằng: “Con không bao giờ được sống ích kỷ, phải biết giúp đỡ mọi người vì đó là nền tảng đạo lý của chúng ta”.
Đứa trẻ bèn đáp ngay: “Sao lạ vậy mẹ? Tại sao con phải giúp người khác để người khác lại giúp con? Sao mình không làm theo cách đơn giản hơn hả mẹ? Như là con sẽ tự giúp mình, còn họ sẽ tự giúp họ?”. Rõ ràng, qua lăng kính đơn giản của một đứa trẻ, ta bỗng thấy đạo lý của người lớn thật là phức tạp một cách không cần thiết.
Rõ ràng trong lịch sử loài người chưa từng có ai nhận giải Nobel nhờ việc ngồi thiền. Bởi khi thiền bạn chính là người ích kỷ nhất trái đất này: Bạn chỉ biết ngồi thiền, tận hưởng sự bình an, thanh thản, hoàn toàn tách biệt khỏi cuộc sống và giải phóng mình khỏi mọi sự cầm tù. Quả thật bạn chẳng làm gì cho mọi người xung quanh cả!
Một số người cho rằng Đức Phật chẳng phải là một thánh nhân vì ngài đã chẳng làm gì cho người nghèo, người ốm, người già cả. Bản thân ngài đã đắc đạo và đó chính là đỉnh cao của sự ích kỷ. Thế nhưng triết lý phương Đông lại có cái nhìn hoàn toàn ngược lại với điều này. Người phương Đông không ngừng suy nghĩ và chỉ khi nào bạn có được sự bình yên, hoan hỉ trong nội thân, trong sự đắc đạo thì bạn mới có thể giúp đỡ người khác. Tự thân bạn đã là một người ốm, bạn chẳng khác gì một đứa trẻ mồ côi vì mãi chưa tìm được sự bình an nội tại. Bạn cũng chẳng khác gì một người nghèo vì trong thân bạn chẳng có gì ngoài bóng tối. Thế thì làm sao bạn có thể giúp kẻ khác đây? Bản thân bạn cũng giống như người đang đuối nước, làm sao bạn có thể giúp người khác được? Biết đâu chính bạn cũng làm người khác chết đuối theo thì sao? Để làm điều đó, trước tiên bạn phải học bơi rồi mới có thể nghĩ đến chuyện cứu người.
Quan điểm của tôi ở đây rất rõ. Trước tiên hãy sống ích kỷ và khám phá mọi ngóc ngách trong đời sống nội thân lẫn tận hưởng mọi niềm vui và vẻ đẹp của cuộc sống. Khi đó, tự nhiên bạn sẽ biết giúp đỡ người khác và thật sự có khả năng để làm điều đó.
Thông thường, khi ta cho đi càng nhiều thì ta sẽ còn lại càng ít. Nhưng với đời sống tâm linh và nội thân thì càng cho đi, bạn sẽ càng nhận lại nhiều hơn. Nguyên tắc của đời sống xã hội bên ngoài và đời sống nội thân là hoàn toàn trái ngược nhau.
Trước hết, hãy tạo cho mình một đời sống nội thân phong phú, hãy trở thành một vị hoàng đế của chính mình. Khi đó, tự khắc bạn sẽ có nhiều thứ để chia sẻ với người khác và sống vì mọi người. Khi đó, bạn cũng chẳng mong sẽ nhận được sự đền đáp hay phần thưởng nào của người khác vì điều đó, thậm chí chỉ là thái độ biết ơn của họ. Ngược lại, bạn sẽ biết ơn họ vì đã đón nhận tình yêu thương, sự chia sẻ và niềm vui từ bạn. Bạn biết ơn họ vì họ đã cho phép bạn được mở rộng lòng mình và chia sẻ niềm vui, hạnh phúc đến với họ.
Lịch sử phương Đông và người phương Đông đã dành một thời gian dài để tìm ra một chân lý đơn giản, đó là trước tiên bạn phải biết yêu thương, chăm sóc tốt bản thân mình rồi mới có thể chăm sóc mọi người xung quanh.
Khi bạn dạy một người thiền, điều đó không được xem là việc làm từ thiện. Nhưng nếu bạn mở một trường học hay một bệnh viện để giúp người thì đó được xem là việc làm từ thiện. Xã hội chúng ta cho rằng việc dạy một người học các bộ môn như địa lý, lịch sử thì được cho là từ thiện, còn dạy một người biết tĩnh tâm, an lạc và bình yên thì lại không được xem là từ thiện.
Theo tôi, chẳng thể tồn tại bất kỳ sự từ thiện nào nếu không có thiền định.
Do vậy, cảm giác tội lỗi của bạn là một phản ứng có điều kiện và sai lầm. Hãy bỏ đi suy nghĩ lẫn cảm giác đó mà không cần phải đắn đo gì cả. Bạn sẽ biết sống vì mọi người khi thật sự sống cho mình. Trước hết, bạn cần có một đời sống nội thân hết sức phong phú và hạnh phúc, hạnh phúc đến mức phải chia sẻ với mọi người, cũng như đám mây nặng nước bắt buộc phải chuyển thành cơn mưa đem nước tưới cho mặt đất khô hạn.
Nhiều người đến gặp tôi và cho lời khuyên với thiện chí tốt lành. Họ bảo tôi nên “mở bệnh viện dành cho người nghèo, nhận nuôi trẻ mồ côi, cho những người hành khất quần áo và giúp đỡ những ai cần giúp đỡ”. Thế nhưng quan điểm của tôi lại hoàn toàn khác.
Theo tôi, điều tiên quyết mà một người cần đến và cần nhất chính là sự tỉnh thức nhờ thiền định mang lại. Một khi đã đạt đến đỉnh cao của thiền định, tự khắc bạn sẽ không thể nào làm tổn hại đến người khác mà chỉ biết yêu thương và chia sẻ cùng mọi người.
Tôi xin được lặp lại một lần nữa: trước hết hãy biết sống cho bản thân mình thật trọn vẹn. Hãy hiểu rõ về mình, là chính mình. Khi đó, bạn sẽ biết sống vì người khác mà không cần đến bất kỳ sự đền đáp nào.