Người mù không thể nào giúp được người mù.
Những người chưa bao giờ thấy ánh sáng sẽ không thể nào dẫn đường cho kẻ khác tìm thấy ánh sáng. Những người chưa bao giờ biết được bất tử là gì sẽ không thể giúp kẻ khác rũ bỏ nỗi sợ Thần Chết. Những người chưa bao giờ sống một đời trọn vẹn với tất cả trái tim, những người chưa bao giờ mỉm cười bằng nụ cười của trái tim sẽ không thể giúp kẻ khác sống một cuộc đời đích thực và chân thành. Những người đạo đức giả sẽ không thể giúp kẻ khác sống một đời chân thực.
Những người không dám là chính mình, không hiểu biết gì về bản thân mình, không có khái niệm gì về cá nhân mình, hay những người vẫn đánh mất chính mình và sống một cuộc đời giả tạo vì những định kiến, dư luận xã hội sẽ không thể giúp kẻ khác tìm thấy chính mình, ngay cả khi họ có ý tốt muốn làm điều đó.
Làm sao bạn có thể giúp kẻ khác thổi lên ngọn lửa cuộc đời trong khi bạn sống trong sự âm ỉ? Bạn chỉ có thể làm được điều đó khi bạn cũng sống một cuộc đời đích thực, cháy trọn vẹn với ngọn lửa nội lực của mình. Để có thể truyền lan ngọn lửa đó, trước tiên bạn phải cháy hết với cuộc đời của chính mình.
Một kẻ chột mà dẫn đường người khác thì cả hai rồi sẽ rơi xuống giếng. Bạn phải sáng mắt thì mới có thể dẫn kẻ mù đến gặp thầy thuốc, chắc chắn là như thế. Bạn chỉ có thể chia sẻ với kẻ khác những gì mình có. Nếu bạn đau khổ, bạn chỉ có thể chia sẻ với kẻ khác sự đau khổ của mình. Và khi hai kẻ đau khổ gặp nhau, sự đau khổ đó không chỉ nhân đôi mà sẽ nhân lên gấp bội. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với hạnh phúc hay tất cả những trải nghiệm khác.
Bạn muốn thế giới này như thế nào thì bạn phải là người làm gương trước về điều đó. Bạn phải trải nghiệm điều đó để chứng minh triết lý sống của mình. Bạn không thể nào chỉ tranh luận suông bởi tranh luận và lập luận không hề giúp bạn trong việc này mà chỉ trải nghiệm mới có thể giúp bạn truyền tải đến mọi người về tình yêu, về thiền định, về sự tĩnh lặng nội tâm và về cả niềm tin tôn giáo.
Nếu như chưa từng trải nghiệm một điều gì đó thì bạn đừng cố tìm cách giúp đỡ người khác trong chuyện đó, vì làm thế bạn chỉ càng khiến cho sự việc trở nên rối rắm hơn. Bản thân người đó đã đang rối rắm lắm rồi. Chiều dài lịch sử xã hội loài người đã đủ để khiến cho tất cả chúng ta phải gặp không ít rắc rối trong đời sống hiện tại. Tốt hơn cả là xin bạn đừng giúp kẻ khác nếu chưa trải qua điều đó bởi làm thế rất nguy hiểm cho người đó.
Trước hết, bạn hãy trải nghiệm sự việc để nắm rõ bản chất của nó. Chỉ khi đó bạn mới có thể nắm tay kẻ khác và giúp họ đi trên con đường đó.
Có một điều không dễ làm trong cuộc sống này, chính là giao tiếp. Để có thể diễn đạt được chính xác điều mình muốn nói, bạn phải học cách làm điều đó. Bằng không, những gì bạn nói có thể sẽ hủy hoại cuộc đời của kẻ khác.
Trước tiên, hãy làm trong sạch bản thân để bạn có thể nhìn rõ bản thân hơn bao giờ hết. Chỉ khi đó, bạn mới có thể giúp người khác. Ý muốn giúp đỡ người khác là một điều tốt, nhưng đó không phải là thứ duy nhất bạn cần khi giúp người khác.
Người xưa có nói rằng con đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý nguyện tốt đẹp. Có hàng triệu người đang giúp người khác với thiện ý, bằng lời khuyên chân thành mà thậm chí không cần biết đến người đó có làm theo hay không. Tuy nhiên, họ cứ thao thao bất tuyệt vì thấy vui khi được giúp đỡ người khác và không cần biết liệu có ai làm theo những gì mình khuyên nhủ hay không.
Niềm vui được chỉ bảo người khác thực chất xuất phát từ cái tôi cá nhân và nó tinh tế đến mức ta khó mà nhận ra điều này. Bạn trở thành kẻ hiểu biết, còn người nghe thì ở vào vị trí của kẻ ngờ nghệch. Trong thế gian này, lời khuyên chính là thứ duy nhất ai ai cũng cho đi mà không có kẻ nào nhận lấy. Thực ra thì đó lại là một điều tốt vì những lời khuyên đó đa phần là do những kẻ chưa từng trải nghiệm đưa ra nên cũng đồng nghĩa với việc họ thật sự chẳng biết gì, mặc dù họ làm điều đó với một thiện ý nhất định.
Mong bạn hãy nhớ một điều cơ bản rằng, nếu muốn thay đổi thế giới thì trước hết bạn phải thay đổi chính bản thân mình. Cuộc cách mạng đó phải diễn ra từ bản thân trước tiên, chỉ khi đó bạn mới có thể chạm đến trái tim của kẻ khác. Vũ điệu tuyệt vời đó phải bắt nguồn từ chính bạn, để rồi sau đó bạn sẽ được chứng kiến điều kỳ diệu xảy ra, khi tất cả cùng hòa chung vũ điệu ấy.
Tương tự, tình yêu, lòng biết ơn, tôn giáo và cả sự nổi loạn đều mang tính lan truyền. Nhưng trước hết, bạn cần tự thắp lên ngọn lửa trong mình, ngọn lửa mà bạn muốn nhìn thấy nó nhảy múa trong mắt của kẻ khác.
Lòng tốt và những ảo ảnh tương tự
Từ bi là sự thăng hoa đỉnh cao của nhận thức. Nó giải phóng mọi ràng buộc, bóng tối và tẩy sạch mọi chất độc. Khi đó, đam mê hóa từ bi. Đam mê giống như hạt giống, còn lòng từ bi chính là bông hoa nở rộ của hạt giống đó.
Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng từ bi không phải là lòng tốt và ngược lại. Lòng tốt xuất phát từ cái tôi cá nhân và nó có tác dụng củng cố cho cái tôi. Khi bạn đối xử tốt với một ai đó, bạn cảm thấy mình là người tốt, là kẻ đáng khen. Tận sâu bên dưới nghĩa cử đó chính là sự sỉ nhục mà bạn đang dành cho kẻ kia và bạn đang cảm thấy vui với sự sỉ nhục đó. Chính vì thế mà người ta không bao giờ toàn tâm biết ơn kẻ đã giúp đỡ mình, bởi đâu đó vẫn tồn tại chút cảm giác ghen ghét, giận dữ và mầm mống báo oán ở người được bạn giúp. Đó là vì lòng tốt chỉ có hình thức bên ngoài là từ bi, còn sâu bên trong thì không phải như thế mà chính là những động cơ ngầm nào đó.
Trong khi đó, từ bi là phi động cơ. Bạn cho đi chỉ vì bạn có chứ không phải vì kẻ khác cần. Bạn không hề cân nhắc, tính toán khi cho đi. Bạn cho đi vì cuộc sống của bạn đang tràn ngập điều đó. Từ bi mang tính ngẫu nhiên và tự nhiên như hơi thở vậy, còn lòng tốt là một thái độ có sắp đặt, mang tính ngụy trang khéo léo và tính toán.
Hẳn bạn từng nghe người ta nói rằng: “Những gì mình không muốn thì cũng đừng làm với kẻ khác”. Thực chất, câu nói này đã cho thấy bạn làm việc tốt chỉ vì bạn cũng muốn được kẻ khác đối xử tốt với mình. Đó là một hành động ích kỷ, xuất phát từ cái tôi cá nhân và thật ra là chỉ biết nghĩ cho bản thân. Bạn không hề phụng sự kẻ khác, bạn cũng không yêu thương ai hết mà tất cả chỉ nhằm thu lấy điều tốt đẹp cho chính bạn. Đó là cái tôi cá nhân dưới dạng thức thông thái, cao cấp. Trong khi đó, từ bi là một hình thức cho đi mà không hề tính toán chỉ vì đó là bản chất của bạn và bạn không thể làm khác đi được.
Vì thế, tôi muốn bạn hãy nhớ rằng từ bi không phải là lòng tốt. Mặt khác, bạn cũng cần phải hiểu từ bi chính là lòng tốt đích thực và duy nhất. Bạn không “tử tế” với kẻ khác, bạn cũng chẳng vĩ đại gì hơn họ mà chỉ đơn giản là bạn đang lan truyền đến họ những năng lượng tốt đẹp mà bạn nhận được từ vũ trụ này. Năng lượng đó đến từ nhân loại và trở về với chính nhân loại, bạn không hề cản trở con đường lưu chuyển của nó.
Khi Alexander đến Ấn Độ, ông đã gặp Diogenes, một trong những người sáng lập nên trường phái triết học Hoài nghi, mà trước nay Alexander vẫn ấp ủ ước mơ được gặp gỡ bởi ông nghe nói rằng tuy Diogenes không có trong tay thứ gì cả nhưng chẳng ai trên thế gian này lại có thể giàu hơn ông ta. Hẳn là trong ông ta phải có một thứ gì đó rất đặc biệt. Người ta bảo ông ấy là một kẻ ăn mày mà cũng lại là một hoàng đế. Chính vì thế, Alexander đã quyết tâm tìm đến gặp con người đặc biệt này.
Alexander đến gặp Diogenes vào lúc sáng sớm khi mặt trời mọc. Ông ấy nằm dài trên cát, trên người không mặc thứ gì. Alexander bèn nói:
– Tôi rất vui được gặp ông. Dường như những gì mọi người kể cho tôi nghe về ông quả thật là đúng. Chưa bao giờ tôi gặp một ai hạnh phúc hơn ông. Tôi có thể làm được gì cho ông không?
Diogenes đáp:
– Chỉ cần ông đứng xích qua một bên là được rồi, ông đang che mặt trời đấy. Và nhớ là đừng bao giờ che mặt trời nữa nhé. Ông thật nguy hiểm vì có thể che không cho mặt trời đến với mọi người. Làm ơn đứng xích qua một bên.
Từ bi không phải là điều gì đó to tát mà bạn ban tặng cho kẻ khác, đôi khi nó chỉ đơn giản là hành động xích sang một bên để không che mặt trời của kẻ khác. Nói rộng hơn thì nó đồng nghĩa với việc bạn chỉ cần đừng ngăn cản Thượng đế đến với nhân loại, trong đó có cả chính bạn. Hãy trở thành một công cụ để vũ trụ có thể đến với nhân loại. Hãy tưởng tượng bạn sẽ giống như một ống trúc rỗng để ánh sáng thiêng liêng của vũ trụ có thể xuyên chảy qua bạn. Chỉ có ống trúc rỗng mới có thể làm thành cây sáo và cho phép giai điệu của Thượng đế trỗi dậy.
Từ bi không xuất phát từ bản thân bạn mà từ chính vũ trụ thiêng liêng. Trong khi đó, lòng tốt xuất phát từ bạn, đó là sự khác biệt trước tiên mà bạn cần nắm rõ. Lòng tốt là một thái độ biểu hiện qua việc làm của bạn, còn từ bi là một điều gì đó thuộc về Tạo hóa thiêng liêng. Tất cả những gì bạn cần làm để có từ bi là đừng ngăn cản nó đến với nhân loại và chính bạn. Cũng như hãy để mặt trời soi rọi đến vạn vật trong nhân gian này.
Lòng tốt giúp củng cố cái tôi cá nhân, còn từ bi chỉ xuất hiện khi cái tôi không còn nữa.
Thiền định chỉ có một “sách kinh” duy nhất, đó chính là vũ trụ thiêng liêng. Người đạo Hồi có kinh Koran, người đạo Hindu có kinh Veda, người Thiên Chúa giáo có kinh thánh, người Do Thái có kinh Talmud. Còn thiền định sẽ không có kinh sách nào cả mà đó chính là vũ trụ này. Đó cũng chính là vẻ đẹp của thiền. Kinh sách của thiền hiện diện trong từng viên đá, trong từng tiếng hót véo von của loài chim, trong từng chuyển động đang tồn tại xung quanh bạn.
Từ bi là khi bạn để cho giai điệu sống tuyệt đẹp đó hòa cùng nhịp đập trái tim mình, tuôn chảy trong con người bạn để bạn được là một với vũ trụ. Bạn phải tan chảy và biến mất để cho giai điệu đó tồn tại. Quả thật là như thế, bởi khi đó bạn đã hoàn toàn quên mất bản thân mình rồi.
Trong khi đó, lòng tốt khiến cho người ta trở nên kiêu hãnh vì quá chú trọng đến cái tôi của bản thân. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy rằng những người tốt bụng thường có cái tôi rất lớn, lớn hơn cả những người tàn nhẫn. Điều này nghe rất lạ, bởi ít ra thì người ác còn ít nhiều cảm thấy tội lỗi, còn người tốt sẽ cảm thấy mình hoàn hảo, lúc nào cũng thánh thiện hơn người và tốt hơn kẻ khác. Người tốt nhận thức rất rõ những gì mình đang làm, do vậy mỗi nghĩa cử mà họ làm sẽ càng mang lại thêm cho họ năng lượng và sức mạnh. Mỗi ngày, họ càng trở nên vĩ đại hơn và tất cả chỉ là một hành trình giúp củng cố cái tôi cá nhân.
Tôi xin được nhắc lại với bạn, rằng từ bi không phải là cái mà chúng ta vẫn gọi là lòng tốt. Tuy từ bi vẫn có phần cốt lõi của sự tử tế trong đó, nghĩa là thái độ dịu dàng, cảm thông, chia sẻ, hữu ích và sáng tạo, nhưng nó diễn ra tự nhiên và hoàn toàn không dính dáng đến bạn. Từ bi đến từ sự hiện hữu của vạn vật và bạn chỉ là một nhịp cầu giúp nó chạm đến vạn vật. Bạn đóng vai trò tương tự như mảnh kính giúp ánh sáng đi xuyên qua mà không hề cản trở nó. Đó là lòng tốt thuần túy không hề có cái tôi cá nhân trong đó.
Điều thứ hai bạn cần nắm rõ là từ bi không phải là cái mà chúng ta vẫn gọi là tình yêu. Nó cũng mang yếu tố cốt lõi của tình yêu nhưng lại không phải là tình yêu như chúng ta vẫn biết. Tình yêu mà chúng ta biết đến chỉ là sự đam mê, quyến rũ và là một dạng bóc lột người khác dưới mỹ từ tình yêu.
Bạn nói yêu một ai đó, nhưng liệu bạn đã từng yêu ai thật sự hay chưa? Hay bạn chỉ đơn thuần là sử dụng một ai đó chứ không phải là yêu họ? Và dĩ nhiên như thế không thể gọi là tình yêu. Trong thực tế, việc sử dụng một người khác lại là một hành động đáng lên án nhất trong cuộc sống, bởi nó chẳng khác gì tội phạm. Đừng bao giờ sử dụng người khác như một phương tiện cho cuộc sống của mình mà hãy biết tôn trọng bản thân họ. Chỉ khi đó, bạn mới thật sự yêu họ.
Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những tình huống chồng sử dụng vợ như một phương tiện trong cuộc sống của mình và ngược lại. Người ta không bị hủy diệt bởi sự căm ghét, thù hận mà chính bởi thứ tình cảm được cho là tình yêu. Chính vì gọi đó là tình yêu mà người ta cũng không xem xét lại thứ tình cảm này, bởi tất cả những gì nhân danh tình yêu đều đẹp đẽ và đúng đắn. Thực tế không phải như vậy. Loài người luôn đau khổ vì thứ tình cảm gọi là tình yêu này. Và nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy thật ra đó chỉ thuần túy là sự si mê, quyến rũ, vốn hoàn toàn không phải là tình yêu. Mục tiêu của si mê là sở hữu, trong khi mục tiêu của tình yêu chân chính là cho đi. Phương châm của sự si mê là “Hãy lấy thật nhiều và cho thật ít. Nếu như phải cho đi thì hãy cho tí chút như đang nhử mồi”. Đó là thứ tình cảm đầy tính mặc cả. Bạn biết mình phải cho đi thứ gì đó thì mới có thể nhận lại cái khác, nhưng với công thức là cho ít nhận nhiều. Điều này chẳng khác gì việc mua bán! Nếu được mà không cần phải mất gì cả thì tốt; còn nếu phải cho đi mới nhận được thì hãy cho ít thôi và đừng quên giả vờ là bạn đã cho rất nhiều để cuỗm lại thật to từ kẻ khác.
Sự si mê cũng đầy tính bóc lột, trong khi tình yêu thật sự thì không. Như vậy, từ bi không phải là tình yêu nếu hiểu theo nghĩa thông thường, nhưng cũng chính là tình yêu nếu hiểu theo nghĩa đích thực của nó. Từ bi chỉ biết cho đi mà không màng đến chuyện nhận lại. Tuy nhiên, những gì bạn nhận lại sẽ có giá trị gấp bội phần. Sự nhận lại đó lại là một điều hoàn toàn khác, chẳng hề dính dáng gì đến bạn. Nếu bạn mong chờ được đáp đền xứng đáng thì bạn sẽ chẳng nhận được thứ gì cả và rơi vào trạng thái vỡ mộng.
Mọi chuyện tình rồi cũng rơi vào sự vỡ mộng. Bạn có nhận thấy là những đôi yêu nhau rồi cũng đi đến sự buồn khổ, tuyệt vọng, cảm thấy bị lừa dối? Trong khi đó, từ bi không hề có hệ lụy vỡ mộng bởi nó không bắt đầu bằng ảo ảnh. Từ bi không đòi hỏi sự đáp trả nơi người nhận bởi người cho không cần đến điều đó. Thứ nhất là do người cho nghĩ rằng: “Những gì mình cho đi là của trời đất ban tặng chứ chẳng phải của mình. Vậy thì tại sao mình phải mong chờ được đền ơn đáp trả? Ngay cả đến lời cảm ơn mình cũng không màng”.
Đó là những gì đã xảy ra cho người đàn ông tìm đến Chúa Jesus để được chữa lành. Ông ta mắc bệnh nhiều năm mà chẳng có thầy thuốc nào chữa được. Chính vì vậy mà khi được Jesus chữa lành, ông cảm thấy biết ơn vô hạn. Tuy nhiên, đáp lại, Chúa Jesus đã nói rằng: “Không, anh đừng cảm ơn ta mà hãy cảm ơn Thượng đế. Đó là nhân duyên giữa anh và Thượng đế, ta chẳng can dự gì cả. Chính niềm tin đã chữa lành cho anh, nó đã giúp cho năng lực của Thượng đế chữa cho anh lành bệnh. Ta chỉ là nhịp cầu không hơn không kém nối liền giữa niềm tin đó và năng lực của Thượng đế. Anh không cần phải bận tâm và cảm ơn ta. Hãy cảm ơn Thượng đế và niềm tin của chính anh. Có điều gì đó đã giúp nối liền giữa anh và Người. Ta chẳng là gì cả”.
Đó là một ví dụ về lòng từ bi. Khi bạn có lòng từ bi, bạn sẽ cho đi mà không hề cảm thấy là mình đang cho đi. Khi đó, điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi sự đền đáp được thể hiện bằng hàng ngàn cách thức khác nhau. Bạn cho đi tình yêu, và từ khắp nơi tình yêu sẽ bắt đầu lan tỏa. Người có lòng từ bi sẽ chẳng bao giờ mong muốn nhận lại điều gì từ kẻ nhận bởi anh ta không hề tham lam. Như vậy, điều thứ hai bạn cần ghi nhớ là từ bi không phải là cái mà chúng ta vẫn gọi là tình yêu nhưng lại chính là tình yêu đích thực.
Điều thứ ba là, từ bi là minh tuệ chứ không phải là trí tuệ. Minh tuệ vượt xa mọi giới hạn của hiểu biết, tư duy, lập luận, lý lẽ bởi tất cả những thứ đó đều nằm trong một phạm vi nhất định. Người có lòng từ bi sẽ có minh tuệ chứ không phải là trí tuệ. Anh ta sẽ nhìn thấu và xuyên suốt mọi sự việc, không gì có thể che giấu được anh ta. Và điều đó không phải là do tư duy lập luận mà nhờ vào tuệ nhãn.
Hãy nhớ rằng người có lòng từ bi sẽ cực kỳ thông thái nhưng lại không nhìn sự việc qua lăng kính của trí thức hay logic. Anh ta hiểu biết nhưng không tư duy. Một khi đã hiểu biết thì bạn đâu còn phải tư duy nữa. Bạn chỉ suy nghĩ khi bạn không hiểu biết, thế thôi. Chính vì bạn không biết nên bạn mới phải suy nghĩ. Còn một khi đã biết, đã thấy thì bạn đâu cần phải suy nghĩ nữa.
Người có lòng từ bi thì hiểu biết, còn kẻ trí thức thì suy nghĩ. Người có trí tuệ thì tư duy, còn người có minh tuệ thì ngược lại. Anh ta cực kỳ thông minh nhưng sự thông minh đó không hề vận hành theo phương thức tư duy mà theo trực giác.
Và điều thứ tư là, từ bi không gắn liền với cảm xúc. Cảm xúc sẽ đi liền với tình cảm, trong khi người có lòng từ bi tuy có cảm nhận nhưng phi cảm xúc. Họ vẫn cảm nhận được sự việc nhưng không hề có cảm xúc yêu thương, ghét bỏ.
Họ sẽ làm những gì cần phải làm nhưng không hề bị xúc động bởi sự việc. Đây là điều hết sức quan trọng, bởi một khi đã hiểu thế nào là từ bi, bạn sẽ biết được thế nào là Phật.
Khi đau khổ, người tình cảm sẽ khóc. Khi thấy nhà cháy, người tình cảm sẽ gào khóc và đấm vào ngực. Nhưng họ sẽ không giúp được gì. Còn người có lòng từ bi sẽ không khóc mà hành động, bởi họ biết rằng nước mắt là vô ích. Nước mắt không thể dập tắt ngọn lửa; nước mắt không thể biến thành thuốc giúp kẻ ốm đau hết bệnh; nước mắt cũng không thể giúp một người khỏi chết đuối. Nếu chỉ biết đứng gào khóc nhìn một kẻ đang chết đuối, bạn không phải là người có lòng từ bi. Người từ bi sẽ lập tức nhảy xuống sông để cứu người kia. Anh ta hành động ngay lập tức, không do dự một tích tắc nào. Hành động của anh ta diễn ra tức thì, ngay khi vừa nhìn thấy cảnh tượng ấy thì anh ta đã hiểu là mình phải lao xuống nước để cứu người. Chính xác hơn thì không phải anh ta đã hiểu mà là Thượng đế đã chuyển tải điều đó đến anh. Việc hiểu và hành động của anh ta là hai mặt của cùng một vấn đề và chúng không thể tách rời nhau.
Bạn đừng nhầm lẫn giữa người có lòng từ bi và người đa cảm. Người này đôi lúc có thể khiến ta nhầm lẫn là người có lòng từ bi, tuy nhiên họ sẽ chẳng bao giờ hành động để giúp ai mà chỉ tạo thêm rắc rối. Họ sẽ chần chừ thay vì giúp người ngay lập tức. Người có lòng từ bi rất nhanh và quyết đoán. Họ không khóc than, cũng chẳng bi lụy mà chỉ biết hành động. Họ không lạnh lùng cũng chẳng cuồng nhiệt. Họ ấm áp mà cũng điềm tĩnh, an nhiên. Đó cũng là nghịch lý của người từ bi. Họ ấm áp vì mang trong lòng một trái tim nhân ái nhưng lúc nào cũng giữ cho mình thái độ điềm tĩnh, an nhiên. Cho dù có việc gì xảy ra đi nữa thì họ cũng điềm tĩnh, an nhiên để hành động. Chính nhờ vậy mà họ mới có thể giúp được người khác.
Bạn cần nắm rõ bốn điểm chính yếu này của lòng từ bi để có thể hình dung được từ bi là gì. Từ bi xuất hiện ngẫu nhiên, không thể do ta chọn lựa. Bởi nếu không thì đó là lòng tốt chứ không phải là từ bi. Từ bi đến tự nhiên, chẳng thông qua sách kinh nào. Bạn không thể cứ yêu thương nhiều hơn là sẽ có lòng từ bi, mà bạn cần phải thay đổi chất lượng của tình thương yêu đó. Người ta thường không muốn thừa nhận một điều là “mình chưa bao giờ thật sự yêu ai”. Và một khi đã không muốn thì họ sẽ không bao giờ nhìn ra điều đó. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ không bao giờ thay đổi và mãi mãi mọi tình yêu đều kết thúc trong vỡ mộng.
Nhớ về mẹ của mình, nhà văn Leo Tolstoy cho biết bà là một phụ nữ rất tốt, tốt theo đúng nghĩa đen mà tôi đã giải thích chứ không phải là từ bi. Bà tốt đến mức mỗi lần đi xem phim, bà cứ khóc suốt vì cảm thương cho các nhân vật trong phim. Gia đình của Tolstoy thuộc dòng dõi quý tộc, vì thế mỗi khi mẹ ông đi xem hát thì có một người đầy tớ mang theo thật nhiều khăn tay để hầu bà. Tolstoy cho biết, ông rất ngạc nhiên khi thấy giữa trời đông giá của nước Nga, khi tuyết rơi đầy trời, mẹ ông để mặc người đánh xe ngồi bên ngoài hứng chịu cái lạnh giá trong khi bà ngồi trong nhà hát. Bà chẳng đoái hoài gì đến người đánh xe đang khổ sở và phát ốm vì lạnh ngoài kia. Ấy vậy mà bà lại có thể khóc sướt mướt vì bộ phim đang xem.
Những người tình cảm không mất một xu nào khi họ khóc lóc hay tỏ lòng cảm thương. Tuy nhiên, người có lòng từ bi có thể mất cả mạng sống để thể hiện sự từ bi của mình. Người từ bi thường rất thực tế trong khi người tình cảm thường sống trong mộng mơ, tình cảm mơ hồ, viển vông. Như vậy, từ bi không đến từ cảm xúc. Vậy thì nó đến bằng con đường nào đây? Đó chính là con đường thiền định. Như thế chúng ta phải hiểu được thiền định là gì.
Theo Đức Phật thì thiền được định nghĩa bằng một từ duy nhất là “tịnh”. Theo ngài, “khi tâm tịnh nghĩa là thiền”.
Thiền là một trạng thái nhận-biết-phi-niệm. Trạng thái đó phi cảm xúc, phi tình cảm và cũng không vẩn vơ bất kỳ suy nghĩ nào. Khi đó, bạn vẫn nhận biết sự việc xung quanh nhưng chỉ có thế mà thôi, không còn điều gì khác nữa. Làm thế nào để bạn có thể đạt đến trạng thái đó? Người ta gọi đó là hua t’ou, nghĩa là phi-niệm hay không-lời. Tâm trí của chúng ta lúc nào cũng tồn tại vô vàn ý niệm nối tiếp nhau, cái này đi cái khác đến. Và giữa hai ý niệm nối tiếp ấy sẽ có một khoảng lặng không suy tư gọi là hua t’ou. Và chúng ta thường bỏ lỡ những giây phút đó vì không có điều gì nhắc nhở chúng ta từ bên trong. Tất cả những gì bạn cần làm là nhìn thấy điều đó đang diễn ra và ý thức được rằng lúc nào bạn cũng mang trong mình một kho báu. Thiền không đến từ nơi đâu xa xôi mà đến từ trong chính chúng ta. Bạn chỉ cần nhận biết, nuôi dưỡng và chăm sóc nó, rồi nó sẽ lớn lên.
Chính khoảng lặng giữa hai suy nghĩ là cánh cửa giúp bạn đến với thiền định. Hua t’ou có nghĩa đen là “trước lời”, hàm ý chỉ khoảnh khắc trước khi một ý niệm được sinh ra. Ngay khi một suy nghĩ nào đó xuất hiện thì người ta gọi đó là hua wei, nghĩa là “sau lời”. Và khi một ý niệm đã trôi qua hay lời nói đã thốt ra, sẽ xuất hiện một khoảng lặng khác trước khi một ý niệm mới lại đến. Và đây chính là khoảnh khắc mà thiền định chú trọng đến.
Đức Phật dạy rằng: “Chúng sanh không nên sợ việc khởi niệm mà nên sợ mình chậm trễ không nhận biết chúng”. Đây quả là một cách nhìn hoàn toàn mới về ý niệm mà trước Đức Phật chưa từng có ai nêu ra.
Khi một ý niệm nào đó xuất hiện, nếu bạn nhận biết ngay nó từ đâu tới, đang diễn ra như thế nào và đi đâu thì không sao cả. Đây là một thói quen mà lâu dần sẽ biến thành một thành trì hữu ích cho bạn. Đây cũng chính là trải nghiệm đầu tiên của thiền định.
Trong thiền tông có một hình ảnh ví von về sự động và bất động rất hay. Ví dụ như có một người lữ khách dừng chân tại một quán trọ để nghỉ ngơi hoặc ăn tối. Sau đó, anh ta lại tiếp tục lên đường vì không có nhiều thời gian để nấn ná lại lâu hơn. Trong khi đó, người chủ quán trọ lại không đi đâu cả. Người ra đi là người khách, còn người ở lại là người chủ trọ. Tương tự, bạn chính là ý thức của bản thân, là người chủ trọ, còn những ý niệm cũng giống như người khách trọ kia đến rồi đi. Bạn lúc nào cũng ở đó, không thay đổi, mãi mãi là chính mình.
Bạn hãy thử nhìn lại mà xem. Có lúc bạn ốm đau, có lúc bạn khỏe mạnh. Có lúc bạn đau khổ, có lúc bạn hạnh phúc. Ngày xưa bạn còn bé nhỏ, rồi bạn lớn lên và già đi. Ngày xưa bạn khỏe mạnh, ngày nay bạn yếu ớt. Tất cả những điều đó đến rồi đi, chỉ có nội thân của bạn là không đổi. Chính vì thế mà khi soi lại nội thân, bạn sẽ thấy nó không hề có tuổi tác. Nội thân của bạn không hề già đi vì bạn cũng chính là mình của ngày xưa. Bạn không hề thay đổi về mặt nội tại. Để tính tuổi tác, bạn phải dựa vào lịch, nhật ký hoặc giấy khai sinh, nghĩa là một điều gì đó thuộc về ngoại thân. Trong khi đó, nội thân của bạn không hề bị lão hóa hay bị tác động bởi thời gian. Cho dù trời có đẹp hay xấu thì bạn vẫn là bạn, không thay đổi.
Cũng giống như bầu trời vậy, tuy đôi khi có những đám mây đen trôi ngang nhưng bầu trời thì vẫn là bầu trời. Và khi mây trắng cũng thế, bầu trời cũng không hề thay đổi. Mây đến rồi đi, còn bầu trời thì vẫn ở lại và không đổi.
Bạn chính là bầu trời, còn những ý niệm chính là những áng mây. Nếu bạn chú ý đến các ý niệm của mình từng phút một và không bỏ lỡ một ý niệm nào thì bạn đã khởi lên được tính bồ tát trong mình. Đây cũng chính là khởi đầu của sự tỉnh thức. Bạn sẽ không còn mê muội, không còn bị lẫn trong những đám mây đến rồi đi kia. Khi đó, bạn hiểu rằng mình tồn tại mãi mãi. Đột nhiên, bạn sẽ không còn lo lắng về điều gì nữa. Chẳng gì có thể thay đổi bạn, mãi mãi là như thế, vậy nên bạn đâu còn phải lo lắng hay tức giận chi nữa? Tại sao bạn phải lo lắng khi mà không gì còn có thể làm thay đổi bạn nữa? Mọi thứ rồi sẽ đến và đi, như những con sóng trên bề mặt. Trong khi sâu thẳm trong lòng bạn sẽ không hề có một con sóng nào nữa. Bạn tồn tại, là chính mình, và thật sự hiện hữu. Trong thiền, người ta gọi đó là trạng thái đạt đến chánh niệm, hay chính là vai trò của người chủ trọ trong ví dụ nói trên.
Thông thường, tất cả chúng ta thường lẫn lộn giữa vai trò của chủ trọ và khách trọ, chính vì thế mà ta đau khổ. Khi những người khách trọ đến, chúng ta quá quyến luyến và thân mật, do vậy mà khi họ sửa soạn ra đi thì ta lại khóc thương và bịn rịn, cứ luẩn quẩn theo chân họ suốt để chia tay. Đến khi họ đã đi rồi mà ta vẫn còn nhớ thương, đau buồn. Rồi người khách tiếp theo lại đến, chúng ta lại tiếp tục nhớ thương và đau khổ, để rồi họ lại ra đi…
Tất cả những khách trọ đều đến rồi đi. Họ không thể nào ở lại vì bản chất của họ vốn dĩ chỉ là khách trọ.
Có bao giờ bạn để ý thấy những ý niệm cũng không bao giờ đọng lại lâu trong suy nghĩ của bạn? Chúng đến rồi đi, cái nọ nối tiếp cái kia và chúng sẽ không bao giờ ở lại với bạn, cho dù bạn có muốn như thế. Không tin thì bạn hãy thử mà xem. Thỉnh thoảng chúng ta cũng thử tìm cách giữ lại một ý niệm hay một từ nào đó trong tâm trí mình. Nhưng điều đó chỉ kéo dài được vài giây, rồi thì bao nhiêu ý nghĩ khác xảy đến liên quan đến công việc, gia đình, con cái… mà ta phải bận tâm. Để rồi ta bỗng nhận ra rằng ý niệm đó đã biến mất từ lúc nào!
Khách trọ mãi mãi chỉ là khách trọ, họ sẽ chẳng bao giờ ở lại. Một khi đã biết rằng mọi thứ xảy ra với bạn rồi sẽ ra đi thì tại sao bạn phải lo lắng? Hãy để chúng tự đến và tự đi, còn bạn thì ở lại. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được sự an nhiên, tĩnh tại trong tâm hồn. Đây là trạng thái vô ưu. Đừng lao xao, cũng đừng vùng vẫy trong đau buồn, thống khổ. Mọi ưu tư sẽ chấm dứt khi bạn là bạn, là người chủ trọ chứ không phải là người khách trọ. Chỉ cần bạn đừng nhầm lẫn điều đó thôi là đủ rồi. Khi đó, cuộc sống của bạn sẽ được bao phủ bởi sự an lạc, nhiệm màu và tươi đẹp.
Điều đó đã xảy ra với Đức Phật, một câu chuyện thật đẹp đẽ. Mời bạn hãy đọc chậm chậm, thật chậm và thật kỹ câu chuyện sau để đừng bỏ sót một chi tiết nào:
Một hôm đến giờ trưa, Đức Phật bèn chỉnh trang lại y phục, cầm lấy cái bình bát và đi vào thành Sravasti để khất thực. Sau khi đi hết nhà này sang nhà khác, ngài bèn trở về chỗ cũ của mình. Ăn xong, ngài bèn cởi áo cà sa ra, rửa chân, sửa soạn chỗ và ngồi xuống.
Hãy đọc thật chậm, như thể bạn đang xem một đoạn phim quay chậm…
Một hôm đến giờ trưa, Đức Phật bèn chỉnh trang lại y phục, cầm lấy cái bình bát và đi vào thành Sravasti để khất thực. Sau khi đi hết nhà này sang nhà khác, ngài bèn trở về chỗ cũ của mình. Ăn xong, ngài bèn cởi áo cà sa ra, rửa chân, sửa soạn chỗ và ngồi xuống.
Hãy tưởng tượng cảnh Đức Phật làm tất cả những điều đó và ngồi xuống…
Đó là hình ảnh sinh hoạt thường nhật của Đức Phật, một cuộc sống bình thường như cuộc sống của bao người khác. Tuy nhiên, có một điều rất riêng mà không phải ai cũng biết.
Đức Phật chỉ làm những việc hết sức bình thường thôi mà, có gì là đặc biệt đâu chứ? Ngài rửa chân, sửa soạn chỗ ngồi, ngồi xuống, cởi áo cà sa, cất cái bình bát, đi ngủ rồi lại trở dậy lặp lại những việc mà ai ai cũng làm.
… Tôn giả Tu Bồ Đề, một trong số các đệ tử, khuỵu chân quỳ xuống, chắp tay lại và tôn kính nói với Đức Phật rằng “Thật là đặc biệt! Thật là hiếm có!”.
Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng bề mặt thì quả là tất cả những việc đó không có gì là hiếm có. Việc Đức Phật về, cởi áo cà sa, cất cái bình bát, sửa soạn chỗ và ngồi xuống đều không có gì là bất thường cả. Và vị Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhiti), một trong các đệ tử lớn của Đức Phật và cũng là người nhìn ra nhiều câu chuyện đẹp về Đức Phật, đã nhìn thấy điểm đặc biệt của nó.
… Tôn giả Tu Bồ Đề, một trong số các đệ tử, khuỵu chân quỳ xuống, chắp tay lại và tôn kính nói với Đức Phật rằng “Thật là đặc biệt! Thật là hiếm có!”.
Những sinh hoạt thường ngày của Đức Phật chẳng khác gì của người bình thường, nhưng ẩn trong đấy có một điều gì đó rất khác biệt mà những người vẫn gặp ngài thường ngày không hề nhận ra.
Vào ngày hôm đó, bỗng nhiên Tôn giả Tu Bồ Đề đã khám phá ra điều này – “Thật là đặc biệt! Thật là hiếm có!”.
Đức Phật đã sống cùng các đệ tử của ngài đến ba mươi năm, ấy vậy mà họ vẫn không hiểu biết gì về những hành động thường nhật của ngài. Chính vì không biết nên họ nghĩ rằng đó là những việc hết sức bình thường và bỏ qua. Họ chỉ nghĩ rằng ngài cũng giống như bao người khác, chính vì thế mà nghi ngờ và không tin vào những gì Đức Phật nói. Nếu như Tôn giả Tu Bồ Đề không nhìn ra vấn đề này thì cũng chẳng ai biết đến Phật là gì.
Nếu như không có vị Tôn giả Tu Bồ Đề kia thì chẳng có ai nhìn thấy điều đang diễn ra bên trong Đức Phật. Đó chính là việc Đức Phật đã thật sự đóng vai trò người chủ trọ của đời mình. Từng giây từng phút, ngài sống trọn vẹn với cuộc sống nội thân an nhiên, vĩnh hằng. Ngài thiền trong từng phút giây của đời mình. Ngay cả khi rửa chân, ngài cũng làm điều đó với tất cả sự tỉnh thức của tâm trí. Ngài luôn hiểu rõ “cái chân này không thuộc về ta”, “cái bình bát này không thuộc về ta”, “cái áo cà sa này không thuộc về ta”, “cơn đói này không thuộc về ta”, và “tất cả mọi thứ xung quanh đều không thuộc về ta. Ta chỉ là một chứng nhân, một người quan sát tất cả những thứ đó xảy ra”.
Đó chính là điều kỳ diệu, là vẻ đẹp không từ nào có thể tả xiết của Đức Phật. Ngài lúc nào cũng an nhiên, tự tại. Đó cũng chính là thiền. Bạn chỉ có thể có được điều này khi nhận biết rõ đâu là người chủ trọ, đâu là các khách trọ – dòng ý niệm – và tách biệt khỏi những mối bận tâm về chúng. Các ý niệm đến rồi sẽ đi, cảm xúc cũng đến rồi đi, những ước mơ cũng đến rồi đi, các trạng thái vui buồn cũng đến rồi đi, nắng rồi lại mưa… Tất cả đều thay đổi, ngoại trừ chính bạn.
Nếu có điều gì bất biến thì đó chính là nội thân của bạn. Là sự thánh hóa trong mỗi chúng ta. Hiểu được điều đó, trở thành điều đó và sống trong điều đó cũng chính là bạn đã định. Thiền là phương thức, còn định là mục tiêu để bạn đạt đến. Thiền chính là kỹ thuật giúp bạn nhận ra mình không phải là người khách trọ. Còn định chính là hóa thân thành người chủ trọ, xem nội thân là trọng tâm.
Phật tại tâm mỗi đêm ta ngủ,
Phật tại tâm mỗi sáng ta đi,
Phật tại tâm khi ta ngồi lẫn đứng,
Phật tại tâm khi ta nói lẫn im lặng.
Chưa bao giờ Phật bỏ nội thân,
Phật với thân như hình với bóng,
Nên chỉ cần nghe tiếng nội thân,
Là ta gặp Phật của chính mình.
“Phật tại tâm mỗi đêm ta ngủ”, trong bạn luôn có Phật và cũng không có Phật. Trong bạn là trần gian lẫn niết bàn. Trong bạn có cả thế giới vật chất lẫn tinh thần. Trong bạn có tất cả mọi điều huyền bí về sự tồn tại, là nơi gặp gỡ, là ngã đường giao nhau giữa thế gian này và cả vũ trụ thiêng liêng. Bạn chỉ là nhịp cầu nối hai thế giới đó lại với nhau. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu bạn đặt mình thiên về thế gian này thì bạn sẽ thuộc về thế gian này. Còn nếu bạn thay đổi trọng tâm và bắt đầu chú ý đến tâm thức, bạn chính là Thượng đế. Tất cả bắt đầu từ một sự thay đổi nhỏ đó.
“Phật tại tâm mỗi đêm ta ngủ, Phật tại tâm mỗi sáng ta đi”. Lúc nào Phật cũng ở đó với bạn, bởi tâm thức luôn ở đó cùng bạn.
“Phật tại tâm khi ta ngồi hay đứng”, cả người chủ trọ lẫn khách trọ lúc nào cũng hiện diện ở đó. Khách trọ thì luôn thay đổi, nhưng sẽ luôn có một người không đổi ở lại và đó chính là người chủ trọ. Ngôi-nhà-trọ-nội-thân đó của bạn sẽ không bao giờ vắng bóng người, trừ khi bạn nhầm lẫn đặt mình vào vai trò người khách trọ và ra đi. Hãy là người chủ trọ luôn an nhiên ngồi đó, không bị bất kỳ khách trọ nào làm phiền. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được sự bình an tuyệt diệu đầy hồng phúc.
“Phật tại tâm khi ta nói hay im lặng”, ngay cả khi bạn nói thì vẫn có một điều gì đó im lặng trong sâu thẳm nơi bạn. Khi bạn si mê, khát khao thì vẫn tồn tại một con người thứ hai trong bạn không hề si mê hay khát khao. Hãy quán chiếu và bạn sẽ nhận ra điều đó. Bạn vừa gần gũi mà cũng vừa xa cách. Bạn cũng giống như dầu và nước, tuy có thể tuôn chảy trong một bình đựng nhưng vẫn là hai chất lỏng khác nhau. Lằn ranh giữa người chủ trọ và khách trọ là rất mong manh, tuy vậy đó vẫn là hai vị trí khác nhau. Khách trọ đến rồi sẽ đi và không ngừng thay đổi, còn chủ trọ thì ở lại và mãi mãi chỉ là một.
“Chưa bao giờ Phật bỏ nội thân, Phật với thân như hình với bóng, nên chỉ cần nghe tiếng nội thân, là ta gặp Phật của chính mình”. Đừng tìm kiếm Phật ở đâu xa bởi Phật luôn ở tại tâm chúng ta, khi chúng ta là người chủ trọ.
Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để giữ cho tâm luôn ở vị trí của người chủ trọ. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn một phương thức cổ điển nhưng vô cùng hữu hiệu, là một trong những cách mà Đức Phật đã dạy:
“Hãy tách rời nội thân khỏi tất cả mối quan hệ hiện có để xem mình là ai. Hãy tưởng tượng bạn không phải là con của cha mẹ bạn, không phải là vợ hay chồng của người bạn đời hiện tại, không phải là cha mẹ của con mình, không có người thân hay bạn bè quen biết nào, chẳng phải là công dân của một đất nước nào… để chỉ còn lại duy nhất bạn là chính bạn.”
Tất cả những gì bạn cần làm là tách rời nội thân khỏi mọi mối quan hệ xã hội xung quanh. Mỗi ngày dành ra chút thời gian để ngồi trong tĩnh lặng và tách rời khỏi cuộc sống xung quanh, tương tự như khi bạn tắt nguồn điện thoại vậy. Đừng nghĩ đến việc bạn là vợ hay chồng, là cha hay mẹ, là người làm công hay ông chủ, là người da màu hay da trắng, là người phương Tây hay người châu Á… chỉ đơn giản bạn là chính bạn.
Hãy tách khỏi một ngàn lẻ một mối quan hệ bên ngoài và tự hỏi “Mình là ai?”. Khi đó, bỗng dưng bạn sẽ nhận ra mình không thể trả lời câu hỏi này bởi bạn đã tách rời khỏi mọi mối quan hệ. Bạn không thể trả lời “Mình là một bác sĩ”, hay “Mình là một giáo sư”, hay “Mình là một người phụ nữ”...
Hãy tách rời khỏi mọi thứ và bạn sẽ được là chính bạn. Khi đó, người chủ trọ sẽ được ở một mình, không còn xao động bởi những khách trọ nữa. Những lúc như thế sẽ rất tốt cho chính bạn, vì khi đó bạn sẽ có dịp nhìn lại nội thân một cách chân thật nhất. Những vị khách trọ sẽ khiến tâm bạn lao xao, chia trí và xáo trộn. Họ sẽ đòi hỏi bạn phải làm việc này hay việc kia, chẳng hạn như “Bữa sáng của tôi đâu?”, “Trong phòng có bọ”, “Máy nước nóng bị hỏng rồi”... Khi đó, dĩ nhiên bạn sẽ phải đáp ứng những yêu cầu của họ ngay lập tức.
Một khi đã hoàn toàn tách biệt khỏi mọi mối quan hệ xung quanh, sẽ chẳng còn ai có thể làm phiền bạn nữa. Đột nhiên bạn sẽ chỉ còn lại với chính mình, một sự cô độc thuần túy. Bạn sẽ giống như một hòn đảo trinh nguyên, hoang sơ, như đỉnh Hy Mã Lạp Sơn kia chưa từng có dấu chân ai đặt đến.
Đó mới chính là sự trinh nguyên đích thực. Khi bạn ở trong trạng thái đó, Thượng đế sẽ đến với bạn.
Một trong những phương thức cổ xưa của người Ấn để có con là họ chỉ làm tình khi thật sự đã thiền sâu. Bởi càng tịnh tâm khi yêu, bạn sẽ càng mời gọi được những linh hồn trưởng thành hơn đến để làm con cái mình.
Một khi đã thật sự ở vào trạng thái người chủ trọ, bạn sẽ được đón chào một người khách quý, đó chính là Thượng đế. Khi đã tách biệt khỏi mọi thứ xung quanh và đối diện với chính mình, hãy tự hỏi “Nội thân này là gì?”. Lúc đó bạn sẽ không thể nào trả lời được vì đã cắt đứt mọi mối liên hệ xã hội với bản thân. Đó chính là lúc bạn bắt đầu đi vào quá trình thiền. Và một khi đã đi vào được trạng thái đó, bạn sẽ ngộ.
Thiền sư Bankei và kẻ cắp – câu chuyện về lòng vị tha
Khi thiền sư Bankei tổ chức khóa thiền kéo dài nhiều tuần tại một vùng hẻo lánh, rất nhiều đệ tử từ các nơi ở Nhật Bản đến tham dự. Một lần nọ, người ta bắt gặp một đệ tử ăn cắp đồ và báo lại với thiền sư Bankei để đuổi người này đi. Thế nhưng thiền sư Bankei lại phớt lờ chuyện đó.
Sau đó, người này lại tái diễn thói ăn cắp và bị bắt gặp, và một lần nữa Bankei lại bỏ qua. Điều này khiến cho các đệ tử khác nổi giận và viết thư đề nghị thiền sư phải đuổi người đó đi, nếu không tất cả họ sẽ bỏ về.
Khi đọc lá thư đề nghị, thiền sư Bankei đã cho gọi tất cả mọi người lại và nói rằng: “Các huynh đệ thông thái, các huynh đệ biết đâu là đúng đâu là sai. Các huynh đệ có thể tìm đến nơi khác để tu tập nếu muốn, còn con người tội nghiệp này thậm chí còn chưa biết thế nào là đúng hay sai. Thế thì nếu tôi không dạy cho anh ta thì ai sẽ làm điều đó? Nếu mọi người có bỏ đi hết thì tôi vẫn sẽ giữ anh ta lại đây”.
Kẻ cắp nghe thế liền giàn giụa nước mắt và từ đó anh ta tuyệt nhiên không còn nghĩ đến việc ăn cắp nữa.
Câu chuyện trên diễn ra tại một khóa tu thiền, thế nên bạn phải hiểu thế nào là thiền. Để hiểu được điểm cốt lõi của câu chuyện, bạn phải thật sự hiểu được thiền ở trạng thái sâu là như thế nào. Những câu chuyện như thế này không phải là những câu chuyện bình thường bởi chúng cần có một kiến thức nền tảng để hiểu, nếu không bạn sẽ không hiểu được ý nghĩa câu chuyện là gì.
“Khi thiền sư Bankei tổ chức khóa thiền kéo dài nhiều tuần tại một vùng hẻo lánh, rất nhiều đệ tử từ các nơi ở Nhật Bản đến tham dự”. Những đệ tử này có mặt ở khắp nơi vì con người vốn dĩ mang đầu-óc-tiền-bạc, cho dù họ có tiền hay không có tiền thì vẫn là giống nhau.
“Một lần nọ, người ta bắt gặp một đệ tử ăn cắp đồ và báo lại với thiền sư Bankei để đuổi người này đi. Thế nhưng thiền sư Bankei lại phớt lờ chuyện đó”.Tại sao thiền sư lại phớt lờ chuyện đó? Tại vì cả kẻ cắp lẫn các học trò khác đều vì tiền.
Cả hai đều là kẻ cắp, và kẻ cắp này chỉ tìm cách đánh cắp từ kẻ cắp kia mà thôi. Trong xã hội này, nếu bạn lấy thứ gì của ai đó thì bạn sẽ trở thành kẻ cắp, còn nếu bạn có thứ gì đó thì bạn cũng là kẻ cắp không hơn không kém. Có hai loại kẻ cắp trên đời này: loại thứ nhất là kẻ cắp được tôn trọng, được xã hội nhìn nhận, cấp phép; và loại thứ hai là những người tự làm điều đó một cách bất hợp pháp, không được cấp phép.
Những người khôn ngoan không bao giờ đi ngược lại pháp luật mà tìm cách lách luật để đánh cắp. Nhưng cũng có những người kém thông minh hơn. Họ nhận thấy rằng nếu chỉ biết tuân thủ luật pháp thì sẽ chẳng bao giờ có được gì tất, thế là họ phá luật và bắt đầu làm những chuyện phạm pháp. Tuy nhiên, động cơ của tất cả mọi người đều là vì tiền. Chính vì thế mà thiền sư Bankei đã bỏ qua chuyện đó.
“Sau đó, người này lại tái diễn thói ăn cắp và bị bắt gặp, và một lần nữa Bankei lại bỏ qua”. Bởi ông biết rằng tất cả họ là như nhau.
Một kẻ phạm tội nếu thực hiện thành công phi vụ thì được người khác ngưỡng mộ, còn nếu không thì sẽ phải vào tù. Hay nói cách khác, kẻ cắp thành công thì được tôn làm vua, còn thất bại thì chỉ là kẻ cắp. Thế thì Alexander vĩ đại là ai? Chỉ là một kẻ cắp vĩ đại, và ông ta là một kẻ cắp thành công.
Các chính trị gia cũng là những kẻ cắp. Họ tìm cách hủy diệt những kẻ cắp khác, chẳng hạn như tội phạm buôn lậu.
Nhưng tận sâu trong họ chính là những kẻ cắp vĩ đại nhất, chỉ có điều là họ làm mọi thứ một cách hợp pháp hay ít nhất là cũng thể hiện cho mọi người thấy rằng họ đang làm những việc hợp pháp. Và họ thành công, hay ít ra là vậy khi họ còn có quyền lực trong tay. Một khi quyền lực tan biến thì những câu chuyện đẹp đẽ về họ cũng biến mất theo.
Một chính trị gia khi bị phế truất sẽ trở thành một hình ảnh thảm hại trong mắt mọi người. Họ sẽ giống như Richard Nixon hoặc Indira Gandhi. Khi quyền lực đã tan biến và không còn bảo vệ cho bạn được nữa thì mọi thứ sẽ được phơi bày. Ví dụ, bạn sẽ không thể nào kính trọng một người được nữa nếu biết rõ anh ta đã làm giàu bằng cách nào. Nhưng nếu thật sự giàu sang, anh ta sẽ có thể khiến cho mọi người phải im lặng về việc đó. Và rồi với trí nhớ nhỏ nhoi của mình, mọi người chẳng mấy chốc sẽ quên mất điều đó.
Tôi có đọc một quyển sách lịch sử nói về việc hai mươi người bị trục xuất khỏi nước Anh vì họ làm cướp biển. Và rồi sau ba mươi năm, một số trong đó đến Úc và một số thì đến Mỹ để sinh sống. Có người trong số họ trở thành nhân viên chính quyền của Mỹ, có người thì kinh doanh bất động sản hay ngân hàng. Tất cả hai mươi con người đó đều trở thành những người được kính trọng trong xã hội.
Chính vì thế mà thiền sư Bankei đã bỏ qua việc ăn cắp đó. Ông không quan tâm mấy đến việc này vì “thế gian là như thế”. Một người với đầu-óc-không-tiền-bạc như ông sẽ không chú tâm đến chuyện đó.
“Điều này khiến cho các đệ tử khác nổi giận và viết thư đề nghị thiền sư phải đuổi người đó đi, nếu không tất cả họ sẽ bỏ về”. Việc này cho thấy những học trò đến đó không phải để thiền. Bởi nếu có, họ phải hiểu được một số điểm cơ bản của thiền là đầu-óc-không-tiền-bạc, là bạn phải biết buông bỏ vật chất ở một mức độ nhất định. Họ phải thấy rằng việc một ai đó đánh cắp vài đồng bạc không phải là một việc lớn, không phải là việc sinh tử.
Bạn không chấp nhận kẻ cắp vì hắn lấy tiền của bạn. Nhưng bạn đã kiếm tiền bằng cách nào? Chắc chắn là bạn cũng lấy nó từ ai đó theo một cách khác, bởi chẳng ai trên thế gian này sinh ra mà đã cầm sẵn tiền trong tay. Tất cả những gì chúng ta sở hữu là do chúng ta tuyên xưng như thế, nhưng thực chất thì chẳng có cái gì thuộc về bất cứ ai cả. Khi đã đạt đến đỉnh cao của thiền, bạn sẽ sống với thái độ đó, rằng chẳng có thứ gì thuộc về ai cả. Khi đó, bạn sẽ không còn bận tâm đến các thứ sở hữu nhiều như trước nữa. Thế nhưng con người vốn dĩ mang đầu-óc-tiền-bạc, do vậy mà những mâu thuẫn, bè phái mới xảy ra. Khi thấy thiền sư Bankei hai lần buông tha cho kẻ cắp, họ bắt đầu nghĩ “Ông ta là thầy kiểu gì thế? Có vẻ như ông ta đang dung túng cho kẻ cắp thì phải?”. Họ không thể nào hiểu được tại sao thiền sư lại bỏ qua chuyện đó mà không hiểu rằng ông làm thế vì muốn họ buông bỏ đầu-óc-tiền-bạc cố hữu của mình đi. Quả thật ăn cắp là một việc xấu, nhưng đầu-óc-tiền-bạc cũng chẳng tốt hơn gì mấy.
Khi thấy thầy bỏ qua việc đó hai lần, họ đã nổi giận và viết thư đề nghị trục xuất kẻ cắp, bằng không tất cả họ sẽ bỏ đi. Bạn thấy đó, mâu thuẫn và bè phái đã ngay lập tức xảy ra, kèm theo là sự phản kháng, chống đối.
Rõ ràng họ đến đó không phải để thiền chút nào, bởi nếu có thì họ đã hành xử khác đi. Lẽ ra họ đã phải thương xót cho kẻ cắp vì hắn ta quá thèm khát tiền bạc. Lẽ ra họ nên góp chút ít tiền cho kẻ cắp đó và bảo hắn rằng “Đây, anh hãy cầm lấy số tiền này thay vì phải đi ăn cắp”. Nếu được như thế thì mới có nghĩa là họ đến đây để thiền thật sự.
Thế nhưng ngược lại, họ đồng tình đề nghị thiền sư đuổi kẻ cắp đi; và không chỉ thế, họ còn hăm dọa sẽ bỏ đi hết nếu thầy không làm như vậy.
Và họ không thể hăm dọa một thiền sư như Bankei.
“Khi đọc lá thư đề nghị, thiền sư Bankei đã cho gọi tất cả mọi người lại và nói rằng: ‘Các huynh đệ thông thái, các huynh đệ biết đâu là đúng đâu là sai. Các huynh đệ có thể tìm đến nơi khác để tu tập nếu muốn, còn con người tội nghiệp này thậm chí còn chưa biết thế nào là đúng hay sai. Thế thì nếu tôi không dạy cho anh ta thì ai sẽ làm điều đó? Nếu mọi người có bỏ đi hết thì tôi vẫn sẽ giữ anh ta lại đây’.”
Ở đây có nhiều điểm mà bạn cần hiểu rõ. Khi gọi họ là “các huynh đệ thông thái”, thiền sư Bankei đã cố tình chế nhạo họ một cách thâm thúy. Thiền sư không hề có ý khen họ thông thái mà ngược lại muốn nói rằng họ là những kẻ ngốc. Và tất cả những kẻ ngốc thường nghĩ rằng mình khôn ngoan. Thực tế, khi một người tự cho mình là khôn ngoan thì đó chính là dấu hiệu cơ bản cho thấy họ là một kẻ ngốc. Những người khôn ngoan thường không nghĩ rằng họ thông thái, trong khi kẻ ngốc luôn nghĩ mình là người khôn.
Tất cả những học trò ở đó đều là kẻ ngốc. Họ không hiểu rằng họ đến đó không phải để sở hữu tiền hay kiếm tiền mà là để có được một điều khác lớn lao hơn, vĩ đại hơn. Thật ra thì chính thiền sư đã cho tất cả bọn họ một dịp để nhận ra điều này và nếu là những người biết thiền thật sự, họ phải cảm ơn ông về điều đó. Họ đã vượt hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn dặm đường để đến đây thiền. Họ lặn lội đến đây vì nghe danh tiếng của thiền sư Bankei và ước mong được tu tập cùng thầy. Ấy vậy mà khi có kẻ ăn cắp vài đồng thì họ quên tuốt mọi thứ. Lẽ ra họ cũng phải cảm ơn kẻ cắp vì đã giúp họ tỉnh ngộ và nhận ra rằng đầu óc của họ chỉ biết đến tiền.
Khi thiền sư Bankei nói: “Các huynh đệ thông thái”, ngài có ý muốn nói rằng: “Các bạn là những kẻ ngốc nhưng tự cho mình là người khôn ngoan, biết đâu là phải trái. Các bạn cố dạy cho ta biết đâu là đúng sai. Các bạn muốn ta ‘đuổi kẻ này đi, bằng không thì các bạn sẽ bỏ đi hết’. Các bạn đang tìm cách sai khiến ta phải làm điều mà các bạn muốn. Các bạn nghĩ mình biết đâu là phải trái ư? Vậy thì các bạn có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn, vì nếu là kẻ khôn ngoan, các bạn sẽ học được ở khắp mọi nơi. Còn kẻ cắp này là anh chàng ngốc, làm sao hắn đi đâu cho được?”.
Đến đây hẳn bạn đã hiểu ra sự châm biếm của câu chuyện. Người khôn chẳng bao giờ cho rằng họ khôn. Ngược lại, kẻ dốt thì luôn nghĩ mình khôn ngoan. Cuộc sống vốn dĩ phức tạp với những ranh giới rất mong manh khiến cho bạn không thể nào quyết định dễ dàng rằng mình sai hay đúng. Trong thực tế, một người với chút ít hiểu biết sẽ không bao giờ để mình bị rơi vào cái bẫy cho rằng mình biết tuốt.
Những người đệ tử nghĩ rằng họ biết phân biệt phải trái, rằng kẻ cắp là sai và thiền sư phải đuổi anh ta đi. Nếu như thiền sư không làm thế thì ông cũng sai nốt. Họ quá tin vào sự khôn ngoan của mình mà không nhìn thấy lòng từ bi cũng như đẳng cấp thiền của vị thiền sư. Họ không thấy rằng vị thiền sư đó đã hóa Phật, rằng Benkei là một trong những thiền sư vĩ đại nhất. Họ không nhìn ra ai đang hiện diện trước mắt mình mà lại tìm cách chống đối và hăm dọa ông.
Con người vốn dĩ ngu dốt và luôn làm những điều ngu dốt suốt quãng đời của mình. Và họ thường làm những điều ngu dốt nhất vào lúc Phật đang hiện diện ở đó mà không nhận ra vì thiếu hiểu biết. Cứ thế, họ lặp đi lặp lại cuộc sống non nớt và nói những điều vô bổ.
Đôi khi dạy dỗ một người nghĩ rằng họ đúng sẽ khó hơn dạy một người cho rằng họ sai. Dạy một phạm nhân sẽ dễ hơn là dạy một thánh nhân. Dạy một người mà tận sâu trong thâm tâm họ biết mình đã làm sai sẽ dễ dàng hơn vì họ sẵn sàng tiếp thu và bản thân họ cũng muốn thoát khỏi tình trạng đó. Nhưng với một người nghĩ rằng “Tôi không làm gì sai cả” thì bạn không có cách nào để thay đổi họ được vì trong thâm tâm anh ta nghĩ rằng “Mình hoàn hảo” và không có gì cần phải chỉnh sửa hay thay đổi.
Sở dĩ thiền sư nói: “Nếu mọi người có bỏ đi hết thì tôi vẫn sẽ giữ anh ta lại đây” là vì ở con người tội nghiệp kia vẫn còn tiềm năng để hoàn thiện và phát triển.
Chuyện kể rằng có một tên giết người đến gặp Đức Phật để quy y. Anh ta sợ mọi người sẽ không cho mình vào gặp Đức Phật nên tìm lúc vắng người mà đến. Đến nơi, anh ta không đi vào cửa trước mà leo tường để vào.
Chẳng may lúc đó Đức Phật đi hành khất không có nhà, thế là anh ta bị mọi người bắt trong lúc đang leo tường. Anh ta phân trần với các đệ tử của Đức Phật rằng: “Tôi không có ý đến đây để trộm cắp gì cả. Tôi chỉ sợ mọi người không cho vào nên buộc phải leo tường. Ở đây ai ai cũng biết tôi và ai ai cũng căm ghét tôi cả. Vậy nên tôi sợ mọi người không cho mình vào. Có thể mọi người không tin nhưng tôi muốn đến đây để xin làm đệ tử”.
Thế là mọi người dắt anh ta đến gặp Sariputra, một trong các đại đệ tử của Đức Phật, đồng thời cũng là một chiêm tinh gia có khả năng dùng thần giao cách cảm để đọc quá khứ của một người. Mọi người bảo với Sariputra rằng: “Trong kiếp này anh ta là một tên tội phạm khét tiếng, một kẻ giết người tàn nhẫn. Có lẽ anh ta đã tạo nghiệp từ trong các kiếp trước, mong huynh hãy xem giúp anh ta đã làm những gì”.
Sariputra nhìn lại tám mươi ngàn kiếp trước của người đàn ông đó và thấy rằng trong kiếp nào anh ta cũng y hệt như thế! Ngay cả Sariputra cũng phải sợ anh ta, bởi anh ta là một người quá nguy hiểm. Anh ta đã từng là một kẻ sát nhân, một tên tội phạm trong suốt tám mươi ngàn kiếp! Rõ ràng, đây là một con người tội lỗi triền miên và việc thay đổi anh ta là điều không thể. Ngay cả Đức Phật cũng chẳng thể làm được gì.
Sariputra bèn nói: “Hãy tống cổ anh ta đi ngay lập tức, bởi ngay cả Đức Phật cũng sẽ không làm được gì cho anh ta cả. Đây là một kẻ tội lỗi triền miên. Ta mới chỉ nhìn được tám mươi ngàn kiếp trước của anh ta, nhưng như thế cũng đã quá đủ rồi”.
Người đàn ông đó cảm thấy bị tổn thương vì nhận ra mình chẳng còn cơ hội nào để hoàn lương. Khi sống, anh ta đã không thể đến với Phật thì đành quyết định tự tử. Anh ta đi đến góc tường gần cổng chính, định dập đầu vào đó để tự tử thì đột nhiên Đức Phật về tới và trông thấy cảnh đó. Ngài bèn ngăn anh ta lại, cho anh ta vào và bắt đầu khai sáng cho anh ta.
Bảy ngày sau đó, người đàn ông này đã đắc đạo. Bấy giờ đến lượt mọi người hoang mang vì điều đó. Sariputra đến gặp Đức Phật mà hỏi rằng: “Thưa thầy, sao lại thế ạ? Lẽ nào tất cả những gì con hiểu biết về chiêm tinh đều vô nghĩa hay sao? Con đã nhìn thấy tám mươi ngàn kiếp trước của anh ta. Và nếu như anh ta có thể đắc đạo chỉ trong vòng có bảy ngày thì việc soi kiếp có còn ý nghĩa gì nữa? Làm sao lại như thế được ạ?”.
Đức Phật bèn đáp: “Con nhìn vào quá khứ nhưng lại không thấy được tương lai của anh ta. Và quá khứ chỉ là quá khứ! Bất cứ khi nào một người quyết định thay đổi thì anh ta sẽ thay đổi được. Giây phút đó rất quan trọng. Và một người đã sống tám mươi ngàn kiếp trong đau khổ thì anh ta sẽ hiểu rất rõ điều đó là như thế nào, vì thế anh ta đã quyết định thay đổi. Quyết định đó mang tính vĩnh hằng và vô tận. Chính vì thế mà chỉ trong bảy ngày anh ta đã đắc đạo. Sariputra, con vẫn chưa đắc đạo. Con là một người tốt và đã từng có những kiếp sống tốt đẹp nên con không cảm nhận được gánh nặng của quá khứ. Lúc nào con cũng cảm thấy mình là một người đúng đắn. Con đã từng là brahmin trong nhiều kiếp, là học giả được tôn kính. Nhưng con hãy nhìn người đàn ông này xem. Anh ta phải gánh một gánh nặng của tám mươi ngàn kiếp và muốn được giải phóng khỏi điều đó. Anh ta thật sự muốn được giải phóng khỏi gánh nặng đó và điều kỳ diệu đã đến, chỉ trong bảy ngày mà anh ta đã được tự do khỏi gánh nặng cầm tù đó. Chính gánh nặng của quá khứ đã khiến anh làm được điều đó”.
Đây là điều cơ bản mà chúng ta phải hiểu về sự thay đổi ở một con người. Những người cảm thấy tội lỗi sẽ dễ dàng thay đổi hơn, trong khi những người luôn cảm thấy mình tốt đẹp và đúng mực sẽ rất khó thay đổi. Đó là lý do vì sao tôi sẽ không chú ý lắm nếu một người đã có tín ngưỡng tìm đến mình. Nhưng nếu đó là một người chưa có bất kỳ đức tin nào cả thì tôi thật sự quan tâm vì hiểu rằng họ còn có cơ hội để thay đổi.
Chính vì thế mà thiền sư Bankei đã nói: “Nếu tôi không dạy cho anh ta thì ai sẽ làm điều đó? Nếu mọi người có bỏ đi hết thì tôi vẫn sẽ giữ anh ta lại đây”. Chính lòng từ bi của thiền sư đã khiến cho kẻ cắp không còn là kẻ cắp nữa, anh ta đã được tẩy sạch mọi tội lỗi. Anh ta trào lệ và những giọt lệ đó đã rửa sạch tâm hồn anh ta.
Bí quyết của cuộc đời nằm ở chỗ đừng bao giờ nghĩ rằng mình đúng, cũng đừng bao giờ giả vờ là mình đúng. Đừng bao giờ để bản thân bạn rơi vào cái bẫy suy nghĩ đó. Bên cạnh đó, cũng đừng bao giờ cho rằng ai đó là sai. Bởi đúng sai là hai suy nghĩ luôn tồn tại cùng nhau, và khi nghĩ mình đúng thì lập tức bạn sẽ cho rằng ai đó là sai. Đừng bao giờ kết án người khác và cũng đừng bao giờ tự khen bản thân bởi nếu không bạn sẽ bị lạc lối. Hãy chấp nhận mọi người như họ vốn có. Suy cho cùng thì bạn là ai mà có quyền quyết định liệu họ sai hay đúng? Nếu họ sai thì đó là gánh nặng mà họ phải hứng chịu, còn nếu họ đúng thì cuộc đời của họ sẽ được ban phúc. Còn bạn, bạn không là ai cả nên cũng đừng kết tội người khác.
Khi bạn kết tội một người, lập tức bạn đã tạo cơ hội cho cái tôi của bản thân trỗi dậy. Đó là lý do vì sao người ta thích kết tội kẻ khác, vì khi đó họ sẽ cảm thấy mình là tốt lành, đúng mực. Nếu có ai đó giết người, lập tức những người khác sẽ cảm thấy “Ít ra thì mình cũng hiền lương và không giết người”. Hoặc giả nếu có ai đó ăn cắp, họ sẽ cảm thấy “Mình trong sạch và không hề ăn cắp”. Những điều như thế sẽ ngày càng làm cho cái tôi của bạn lớn mạnh. Người ta không ngừng nói về tội lỗi của kẻ khác, họ cường điệu chúng và vui thú vì thấy kẻ khác phạm tội, vì điều đó khiến họ cảm thấy mình trong sạch. Thế nhưng chính suy nghĩ đó lại là rào cản không cho họ tiến bộ và đắc đạo được.
Hãy sống với lòng từ bi, sự minh tuệ và nhân ái. Hãy thôi kết tội kẻ khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đúng, cũng như tự thấy mình là thánh nhân. Đừng bao giờ như thế cả.
Hãy sống một cuộc đời bình thường, không là ai cả. Khi đó, bạn sẽ là người chủ trọ của nội thân, là chính mình.
Yêu thương đích thực
Chúng ta thường tìm cách thay đổi người khác hơn là tôn trọng và yêu quý họ vô điều kiện dưới danh nghĩa giúp đỡ họ. Bạn nghĩ sao về điều đó?
Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc thật sự giúp đỡ và việc tìm cách thay đổi một người. Khi bạn giúp đỡ một ai đó nghĩa là bạn giúp cho họ được là chính họ, còn khi bạn cố tìm cách thay đổi một người nghĩa là bạn đang tìm cách làm cho họ trở thành theo ý bạn. Khi bạn thay đổi một người, bạn không hề quan tâm đến họ mà đã có sẵn một ý tưởng và chỉ muốn biến đổi họ theo ý tưởng đó. Và trong trường hợp này thì ý tưởng đó mới là quan trọng, còn bản thân người đó thì không.
Thật ra, việc tìm cách thay đổi một ai đó để họ hành xử theo ý bạn là một điều thô bạo. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang tìm cách để hủy diệt con người họ, do vậy đó không thể nào là tình yêu hay lòng từ bi. Khi bạn từ bi, bạn sẽ luôn để cho người khác được là chính họ. Sự từ bi chỉ mang lại cho bạn năng lượng chứ không đưa ra phương hướng cho bạn. Năng lượng đó sẽ giúp bạn tiến lên, tự nhiên như hạt giống sẽ phải nẩy mầm vậy và bạn không hề cảm thấy bị thúc ép hay gò bó.
Khi tôi nói “Hãy giúp kẻ khác”, nghĩa là tôi có ý nói hãy giúp họ được là chính mình. Khi tôi nói thế giới này phi tôn giáo vì có quá nhiều kẻ truyền đạo, nghĩa là tôi muốn nói quá nhiều người đang tìm cách thay đổi, biến hóa người khác theo lý tưởng của mình. Con người phải quan trọng hơn những lý tưởng mà chúng ta có. Và cả nhân loại này cũng không thể quan trọng hơn một người, bởi nhân loại là ý tưởng còn con người là một thực thể sống.
Hãy quên khái niệm nhân loại đi và nhớ đến yếu tố cá thể con người. Người ta dễ dàng hy sinh con người cho khái niệm nhân loại. Hãy giúp kẻ khác nhưng đừng lấy họ làm vật hy sinh. Bạn là ai mà tự cho mình quyền hy sinh kẻ khác như thế kia chứ? Mỗi chúng ta là một cá thể, do đó đừng sử dụng người khác như là phương tiện cho đời mình.
Đó cũng chính là ý nghĩa mà Chúa Jesus đã nói: “Sabbath được tạo ra là để cho con người chứ không phải con người sinh ra là để cho Sabbath”. Tất cả vạn vật được tạo ra là để dành cho con người, chúng ta là báu vật tối thượng. Mọi ý tưởng của Thượng đế đều là để dành cho con người chứ không phải con người là để phụng sự cho ý Chúa. Hãy hy sinh mọi thứ vì con người chứ đừng làm điều ngược lại. Làm được điều đó nghĩa là bạn đang thật sự giúp đỡ kẻ khác.
Nếu bạn hy sinh một ai đó thì nghĩa là bạn không hề giúp họ mà ngược lại, bạn đang hủy diệt, tàn phá họ. Khi đó, bạn chẳng khác gì một tên tội phạm.
Hãy chia sẻ tình thương và sự quan tâm của bạn nhưng để cho người khác tự tiến bước theo số phận của riêng họ. Chúng ta không ai được biết về số phận đó, chẳng ai biết được việc gì sẽ xảy ra cho từng người. Hãy để cho bông hoa tự nở và tỏa hương theo cách riêng của nó và đừng quên rằng mỗi chúng ta là một cá thể duy nhất. Chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ lặp lại sự tồn tại một cá thể y hệt như chúng ta. Bởi bản chất của cuộc sống là không hề lặp lại mà luôn tiến lên và chứa đầy những điều mới mẻ.
Nếu bạn muốn biến một ai đó thành Thượng đế thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tàn phá cuộc đời họ. Thượng đế là duy nhất và chẳng ai có thể lặp lại hình ảnh đó. Và quan trọng hơn cả là bạn không cần thiết phải làm điều đó! Đừng cố giúp một người trở thành Phật mà hãy để họ là chính họ, như vậy là đã giúp họ khai tâm Phật. Cả bạn lẫn họ không hề biết được số phận của mình sẽ ra sao và chỉ có tương lai mới làm được điều đó. Đến một ngày nào đó, cả bạn lẫn họ sẽ ngạc nhiên khi bông hoa nội tâm nở rộ. Đó là bông hoa của quyền năng vĩnh hằng luôn tồn tại trong mỗi chúng ta.
Hãy giúp đỡ, chia sẻ năng lượng và yêu thương kẻ khác. Hãy chấp nhận con người của họ và khiến họ cảm thấy được chào đón. Đừng khiến cho kẻ khác cảm thấy tội lỗi, đừng phán xét họ. Bất cứ khi nào bạn muốn thay đổi kẻ khác nghĩa là bạn đã khiến họ cảm thấy tội lỗi và điều đó chẳng khác gì thuốc độc.
Khi một ai đó bảo “Hãy sống như Đức Phật!”, nghĩa là họ đang chối bỏ con người hiện tại của bạn. Bất cứ khi nào có ai đó bảo bạn hãy giống một ai đó, nghĩa là họ không chấp nhận con người thật của bạn. Điều đó có nghĩa là họ không chào đón bạn và xem bạn như là một kẻ xâm phạm đến cuộc sống của họ. Và họ sẽ không yêu thương bạn nếu bạn không thay đổi để trở thành một ai đó. Thế thì thứ tình cảm ấy chỉ mang tính hủy diệt bạn, khiến bạn phải sống giả tạo và không được là chính mình. Vậy đó có phải là tình yêu thương đích thực hay không?
Bạn chỉ có thể là chính mình. Tất cả những thứ khác đều là giả tạo, là những chiếc mặt nạ, là những tính cách khác nhau chứ không phải là bản chất cối lõi của bạn. Bạn có thể tô điểm cho bản thân bằng tính cách của Đức Phật nhưng điều đó sẽ chẳng bao giờ chạm đến trái tim của bạn. Nó sẽ chẳng liên quan gì đến bạn cả mà chỉ là bề ngoài. Nó là một bộ mặt nhưng không phải là bộ mặt của bạn.
Vậy nên nếu có ai đó tìm cách biến bạn trở thành một người khác và nói rằng “Tôi sẽ yêu thương bạn nếu bạn sống như Phật hay Chúa…”, thì nghĩa là họ không hề yêu thương bạn. Có thể người đó yêu Chúa nhưng lại ghét bạn. Và họ cũng không thật sự yêu Chúa vì nếu có thì họ đã hiểu rằng mỗi con người là một cá thể duy nhất.
Tình yêu là một sự thấu hiểu sâu sắc. Nếu bạn yêu thương một ai đó thật sự, bạn sẽ tự động nhìn họ qua một lăng kính hoàn toàn khác, một lăng kính hết sức chân thật và rõ ràng. Khi bạn yêu thương một người, bạn sẽ nhìn thấy con người thật sự của họ và giúp họ trở thành bất cứ điều gì mà họ có thể làm được. Bạn sẽ không bao giờ mong đợi ở họ một điều gì khác cả, bởi như thế là kết tội, là chối bỏ họ. Bạn chỉ đơn thuần cho đi tình yêu của mình mà không cần đền đáp hay mong chờ một kết quả nào. Bạn chỉ đơn giản giúp đỡ họ mà không hề nghĩ đến tương lai.
Khi yêu thương đi kèm với tâm trí không nghĩ ngợi về tương lai, đó chính là một nguồn năng lượng mạnh mẽ. Khi yêu thương đi kèm với tinh thần phi vụ lợi hay động cơ, nó sẽ giúp kẻ khác rất nhiều mà không gì có thể so sánh được. Khi được một người, dù chỉ là một người, chấp nhận bạn như bạn vốn có, bạn sẽ cảm thấy mình hiện hữu và có giá trị. Bạn sẽ thấy rằng thế giới này chào đón mình và ít nhất thì vẫn có một người yêu thương bạn vô điều kiện. Điều đó cho bạn chỗ đứng, giúp bạn cảm thấy mình được là chính mình. Còn bằng ngược lại, bạn sẽ cảm thấy mình lạc lối. Khoảng cách giữa bạn và nội thân của bạn chính là cảm giác được là chính mình hay lạc lối. Chính vì thế mà khi có ai đó bảo “Hãy sống như…”, thì nghĩa là họ đang khiến bạn cảm thấy lạc lối. Khi đó, bạn sẽ sống với những chiếc mặt nạ và một con người giả tạo. Bạn sẽ có những tính cách, có nhiều thứ khác nhau nhưng không có linh hồn. Bạn thiếu đi cái cốt lõi của chính mình. Và cuộc đời của bạn chỉ là một sự dối lừa, thiếu minh tuệ.
Vậy nên khi tôi nói hãy giúp đỡ người khác, thì nghĩa là tôi muốn nói hãy tạo ra một bầu không khí yêu thương, từ bi xung quanh nơi bạn đến và giúp kẻ khác được là chính họ. Giúp cho người khác được là chính họ là điều khó nhất trên thế gian này, bởi nó đi ngược lại cái tôi của bạn. Cái tôi của bạn lúc nào cũng muốn người khác phải giống mình, phải làm theo mình. Vào những lúc như thế, cái tôi của bạn sẽ cảm thấy thích thú, hài lòng. Bạn nghĩ mình giống như bản vẽ mà mọi người phải noi theo. Nói cách khác, bạn là cái rốn của vũ trụ, còn mọi người chỉ là hạng hai.
Cái tôi của chúng ta luôn muốn kẻ khác phải thay đổi cho giống mình. Thế nhưng bạn là ai mà lại muốn thay đổi người khác như thế? Đừng tự gán cho mình trọng trách đó. Đó là điều hết sức nguy hiểm, và đó là lý do Adolf Hitler được sinh ra. Ông ta là người có tham vọng sẽ thay đổi cả thế giới này theo ý mình.
Chỉ có một cách duy nhất để thể hiện tình yêu thương đích thực, đó là yêu một người với chính con người thật của họ. Và cái hay của điều này nằm ở chỗ, chính tình yêu đó sẽ khiến họ thay đổi. Họ sẽ không thay đổi để cho giống với bạn mà là thay đổi chính con người của họ. Khi bạn thật sự yêu thương một ai đó, người đó sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhưng điều đó không hề liên quan đến bạn mà họ sẽ thay đổi theo bản chất riêng của họ.
Hãy giúp mọi người được là chính mình, được sống tự do với con người vốn có và đừng bao giờ ép buộc, lôi kéo hay trừng phạt một ai cả. Bởi vì tất cả những việc đó đều xuất phát từ cái tôi của bản thân.
Bạn quan tâm hay đang làm phiền người khác?
Chính lý tưởng đã biến sự quan tâm thành nỗi phiền toái, làm cho tình yêu bỗng trở thành thù hận, cay đắng và sự bảo vệ của bạn bỗng hóa nỗi cầm tù.
Giả dụ bạn là một người mẹ và con bạn cần đến bạn, không thể sống nếu thiếu bạn. Vai trò của bạn là tất yếu và không thể thiếu được trong cuộc sống của đứa trẻ. Con bạn cần thức ăn, cần tình thương và sự chăm sóc của bạn nhưng hoàn toàn không cần đến lý tưởng của bạn. Nó không cần đến đức tin của bạn. Nó cũng không cần bạn chỉ cho nó biết phải sống thế nào. Hãy gạt bỏ mọi lý tưởng và dành cho con một sự chăm sóc, yêu thương thuần túy. Bằng không thì sự chăm sóc đó chỉ là một sự ngụy trang khéo léo.
Khi chỉ đơn thuần nuôi dưỡng và chăm sóc con, bạn sẽ không hề mong muốn con phải trở thành một người ngoan đạo, không bắt nó phải trở thành ông này bà nọ… Bạn sẽ nói với con rằng “Mẹ yêu con và khi lớn lên con có thể chọn làm điều mình muốn. Hãy là bất cứ ai phù hợp với bản chất tự nhiên của con. Cho dù con có là ai đi nữa thì mẹ vẫn chúc phúc cho con. Cho dù con có quyết định như thế nào đi nữa thì mẹ vẫn luôn chấp nhận và chào đón con. Cho dù con có là tổng thống hay là anh thợ mộc bình thường thì mẹ vẫn luôn yêu con. Cho dù con đậu thủ khoa đại học hay thi trượt thì mẹ vẫn chào đón con. Cho dù con có tốt hay xấu thì con vẫn là con của mẹ”.
Sự quan tâm vốn dĩ là một điều đẹp đẽ, nhưng chỉ cần bạn có một ý nghĩ nào đó đằng sau đấy thì nó bỗng trở thành một sự tính toán, mặc cả và có mục đích. Phần lớn chúng ta đều yêu thương có điều kiện, chính vì thế mà thế giới này trở thành địa ngục đầy đau khổ. Không phải vì chúng ta thiếu quan tâm, mà là vì chúng ta quan tâm có điều kiện. Bậc cha mẹ quan tâm đến con cái, vợ chồng quan tâm nhau, anh em quan tâm nhau, ai ai cũng quan tâm đến nhau cả. Mọi người đang quan tâm đến nhau rất nhiều, ấy vậy mà thế giới này vẫn chẳng khác gì địa ngục. Hẳn phải có một sai lầm hết sức cơ bản nào đấy đang xảy ra.
Đó là vì mọi mối quan tâm của chúng ta đều kèm theo một điều kiện nào đó. Chúng ta quan tâm đến người khác nhưng lại muốn họ phải làm điều này hay điều kia. Có bao giờ bạn yêu thương ai đó vô điều kiện chưa? Có bao giờ bạn yêu thương ai mà không đòi hỏi họ phải thay đổi bản thân hay hoàn toàn chấp nhận con người vốn có của họ chưa? Quan tâm thật sự là khi bạn không muốn cải thiện hay thay đổi một ai đó và hoàn toàn chấp nhận con người họ theo đúng nghĩa đen. Sự quan tâm đó có ý nghĩa giúp đỡ người ấy, còn bạn sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc.
Khi bạn quan tâm đến một người mà không vụ lợi hay tính toán, họ sẽ yêu quý bạn mãi mãi. Ngược lại, họ sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho bạn. Chính vì lý do đó mà trẻ con không thể nào tha thứ được cho bố mẹ của chúng vì sự quan tâm có tính toán của họ. Theo những chuyên viên phân tích tâm lý thì đa số trường hợp rắc rối xảy ra với những người đã từng “bị” cha mẹ quan tâm quá mức khi còn nhỏ. Họ lớn lên trong sự quan tâm có tính đổi chác, mua bán của cha mẹ và luôn ấp ủ được bứt phá với những hoài bão riêng của mình xuyên suốt thời thơ ấu.
Tình yêu phải là một món quà được trao tặng phi tính toán, phi mục đích. Và nó sẽ không còn là tình yêu nữa nếu bạn có bất kỳ ý định nào đằng sau đó, dù là nhỏ nhoi.