Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã sống thêm bốn mươi năm nữa, khi mà mọi khao khát lẫn bản ngã của ngài đã tiêu tan. Nhiều người thắc mắc: “Tại sao ngài vẫn sống sau khi đã giác ngộ?”, bởi khi nhiệm vụ đã hoàn thành thì lẽ ra ngài cũng nên ra đi. Và quan trọng là, làm sao một con người lại có thể tồn tại khi không còn khát vọng hay ham muốn gì nữa?
Ở đây có một điều sâu sắc mà chúng ta cần hiểu. Khi khát vọng hay ham muốn mất đi, nguồn năng lượng đó vẫn còn tồn tại. Khát vọng của con người chỉ là một dạng năng lượng, chính vì thế mà ta hoàn toàn có thể chuyển hóa khát vọng thành một điều khác. Cơn giận có thể biến thành sắc dục và ngược lại. Sắc dục có thể chuyển thành sự tham lam, chính vì thế mà một người quá tham lam sẽ trở nên kém gợi tình. Nếu cực kỳ tham lam, anh ta sẽ không hề có chút đam mê sắc dục, và do đó sẽ sống một cuộc đời tịnh dục vì mọi nguồn năng lượng sống mà anh ta có được đều đã dồn vào tính tham lam của mình. Ngược lại, một người cực kỳ đam mê sắc dục sẽ không có chỗ cho sự tham lam tồn tại vì họ không còn năng lượng nào dành cho nó cả. Ở những người đè nén và kiềm chế ham muốn sắc dục, ta sẽ nhìn thấy sự giận dữ hiện ra trong ánh mắt, trên gương mặt của họ vì năng lượng sắc dục đã chuyển hóa thành sự giận dữ.
Cũng chính vì vậy mà một số thầy tu thường hay giận dữ. Sự giận dữ đó được thể hiện qua bước đi, cách nhìn của họ. Sự thinh lặng của họ chỉ là vẻ bên ngoài, bởi họ sẽ lập tức nổi nóng khi ta chạm đến họ.
Điều gì sẽ xảy ra khi con người không còn khát khao, ham muốn? Nguồn năng lượng đó không hề biến mất vì bản chất của năng lượng là vĩnh cửu và không gì có thể hủy diệt nó. Hãy thử hỏi một nhà vật lý học xem và họ sẽ trả lời bạn rằng năng lượng không thể bị hủy diệt. Khi giác ngộ, nguồn năng lượng vốn trước kia tồn tại trong Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở nhiều dạng thức khác nhau (như tham, sân, si...) vẫn còn đó, dù rằng bấy giờ ở ngài đã không còn những khát khao, ham muốn như trước. Khi đó, nguồn năng lượng ấy được chuyển hóa sang một dạng thức khác, đó chính là lòng từ bi.
Trong cuộc sống thường nhật, năng lượng của ta thường xuyên bị chuyển hóa thành những dạng thức khác nhau (như sắc dục, tham lam, sân hận…), do đó ta sẽ bị cạn kiệt năng lượng và không thể nào khởi sinh được lòng từ bi. Chỉ khi nào mọi ham muốn mất đi thì năng lượng trong ta mới trở thành năng lượng từ bi được.
Ta cũng không thể gieo trồng từ bi. Khi nào ta đã gạt bỏ hết mọi ham muốn thì tự khắc từ bi sẽ đến với ta. Hãy nhớ rằng ham muốn luôn đi kèm với một mục tiêu nhất định, trong khi tình thương hay lòng từ bi thì không hề có mục đích. Đó chỉ đơn thuần là một nguồn năng lượng thăng hoa.
Từ bi chính là đỉnh cao của tình thương
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tạo ra một hiện tượng mới giữa thế giới thần bí thời đó khi đề cập đến lòng từ bi. Ngài đã tạo ra một ranh giới thiêng liêng đầy tính lịch sử so với thời đại trước đó, khi mà mọi người cho rằng chỉ thiền định thôi là đủ và chẳng ai nhấn mạnh lòng từ bi đi đôi với thiền định. Lý do là vì trước đó người ta cho rằng thiền định giúp con người giác ngộ, thăng hoa và tìm ra bản ngã của chính mình, như thế đã là quá đủ, chẳng còn ai đòi hỏi gì thêm nữa. Xét về phương diện cá nhân thì chỉ thiền thôi đã là quá đủ. Nhưng theo Đức Phật, con người cần phải giàu lòng nhân ái, tử tế và thương người hơn nữa, điều này thậm chí còn nên có trước khi ta thiền định.
Vốn dĩ có một lý giải mang tính khoa học đằng sau điều này. Đơn giản là trước khi giác ngộ nhờ thiền định, nếu đã sẵn có một trái tim nhân hậu và giàu lòng từ bi, chắc chắn ta sẽ có thể giúp những người khác cũng đạt đến cái đẹp, cái thanh cao và niềm vui đích thực như mình. Chính vì thế mà Đức Phật đã dạy con người trước hết nên có lòng từ bi để giúp cho mọi người cùng giác ngộ như mình. Nhưng tại sao ta phải bận tâm đến người khác khi bản thân đã đạt đến sự giác ngộ? Đức Phật muốn dạy chúng ta không nên ích kỷ mà phải biết giúp nhau cùng giác ngộ, và đó là một sự thay đổi to lớn. Nếu con người chỉ biết yêu thương bản thân và tận hưởng cho riêng mình thì việc giác ngộ chẳng khác nào một sự ngăn cản không cho anh ta tiếp tục những niềm vui đó. Cũng chính vì thế mà trong số hàng trăm người giác ngộ, chỉ có một vài người trở thành bậc thầy.
Không phải ai giác ngộ cũng trở thành bậc thầy. Bởi để đạt được điều đó, bạn phải có lòng từ bi và bản thân bạn sẽ cảm thấy xấu hổ nếu chỉ biết tận hưởng những điều tuyệt vời mà sự giác ngộ mang đến cho mình. Khi đó, bạn muốn giúp mọi người thoát ra khỏi u minh và xem đó là một niềm vui chứ không phải là sự cản trở. Nói cách khác, bạn sẽ luôn sống trong niềm vui thăng hoa vì được nhìn thấy nhiều người xung quanh cũng thăng hoa nhờ giác ngộ. Bạn sẽ không còn là một cái cây nở hoa trơ trọi giữa rừng nữa mà xung quanh bạn sẽ là cả một khu rừng tưng bừng nở hoa. Sự giác ngộ của bạn khi đó sẽ giúp tạo nên một cuộc cách mạng cho thế giới này.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ giác ngộ mà còn là hiện thân của một cuộc cách mạng về giác ngộ. Mối quan tâm của ngài về con người và thế gian này là vô cùng to lớn. Ngài dạy các đệ tử tập thiền định và một khi đã đạt đến trạng thái an lạc thì hãy chia sẻ với mọi người chứ không nên giữ cho riêng mình, bởi càng cho đi thì khả năng nhận lại của ta càng lớn. Cho đi không có nghĩa là bạn mất đi mà ngược lại, điều đó sẽ giúp bạn nhân rộng những gì mình có. Một người chưa bao giờ biết đến từ bi sẽ không biết được thế nào là cho đi hay chia sẻ.
Một đệ tử, vốn là một người thế tục và hết lòng đi theo Đức Phật, thưa rằng: “Con sẽ làm theo như thế… nhưng có một ngoại lệ. Con sẽ dâng hiến mọi niềm vui, thành quả thiền định và tất cả của cải cho thế gian ngoại trừ gã hàng xóm đốn mạt kia”.
Nghe thế, Đức Phật bèn nói: “Vậy con hãy quên hết thế gian đi và chỉ cần trao tặng cho người kia là đủ”.
Đệ tử không hiểu bèn hỏi lại: “Ngài nói gì cơ?”.
Đức Phật giảng giải thêm: “Vì chỉ khi nào con chia sẻ được với người hàng xóm đó thì con mới có thể giải phóng mình khỏi những thù hận đối với thế gian này”.
Từ bi đơn giản là biết chấp nhận những khiếm khuyết của con người mà không đòi hỏi họ phải hành xử như bậc thánh nhân. Sự mong mỏi đó là một điều tàn nhẫn, bởi họ sẽ không thể nào đạt được điều đó và điều này sẽ khiến bạn đánh giá thấp họ, dẫn đến làm suy giảm lòng tự tôn của chính họ. Như vậy là bạn đã hủy hoại chân giá trị của họ theo cách hết sức nguy hiểm.
Một trong những điều cốt lõi của từ bi là biết nhìn nhận chân giá trị của con người, là giúp mọi người hiểu rằng những gì xảy ra cho bạn cũng có thể xảy ra với họ, rằng chẳng ai phải tuyệt vọng, chẳng ai là kẻ vô giá trị, rằng giác ngộ là một điều hết sức tự nhiên mà bất kỳ ai cũng có thể đạt được.
Tuy nhiên, hai chữ “giác ngộ” đó phải được thốt ra từ chính những người đã giác ngộ, bởi chỉ có họ mới tạo được niềm tin vì đã là chứng nhân đối với việc này. Khi được những người này thốt ra, tự thân hai chữ đó đã mang trong mình một hơi thở, một sự sống và đi thẳng đến trái tim của người nghe. Còn nếu hai chữ này được một học giả thốt ra thì lại là một vấn đề khác, bởi người đó không chắc chắn về những gì họ đang nói hay đang viết. Nói cách khác, bản thân họ cũng còn nghi ngờ về hai chữ này chẳng khác gì bạn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một trong những vĩ nhân góp phần tạo nên cuộc cách mạng về nhận thức cho nhân loại. Công đóng góp của ngài là vô cùng to lớn, không thể kể hết, trong đó phải nhắc đến phần cốt lõi nhất, chính là lòng từ bi. Bạn cần nhớ rằng khi bạn mở lòng từ bi, điều đó không có nghĩa là bạn trở nên cao hơn người khác, bởi nếu không thì những gì bạn làm sẽ không còn ý nghĩa nữa. Hãy nhớ rằng bạn không có quyền làm nhục người khác khi tỏ lòng từ bi, bởi nếu không thì bạn sẽ không còn từ bi chút nào nữa.
Từ bi là một thứ tình thương của sự trưởng thành, khác hẳn với tình yêu thông thường vốn non nớt và dành cho những người trẻ tuổi. Bạn càng vượt thoát khỏi tình yêu thông thường càng tốt, bởi tình yêu thông thường thường mù quáng. Loại tình yêu đó không liên quan đến sự trưởng thành về mặt tâm hồn, chính vì thế mà thường gây nên bao cay đắng dù rất hấp dẫn, đầy thử thách, hứng thú và có thể khiến người ta chết đi nếu phải từ bỏ.
Tình yêu là một thế lực mù quáng. Những người thành công trong tình trường lại không bao giờ có được người mình yêu bởi những chuyện tình đẹp nhất thường dang dở, như Romeo và Juliet của phương Tây hay Laila và Majnu, Shiri và Farhad, Soni và Mahival của phương Đông. Họ bị ngăn cản bởi xã hội, người thân và mọi thứ. Và tôi nghĩ đó cũng là một điều hay, bởi nếu họ đến được với nhau thì có lẽ đã không còn những chuyện tình đẹp lưu lại trong nhân gian.
Majnu đã rất may mắn vì không có được Laila. Bởi chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra khi tình yêu mù quáng của hai người đó gặp nhau. Khi cả hai đều mù quáng và thiếu tỉnh táo, kết quả chắc chắn không thể nào là một sự đầm ấm, hòa hợp mà chỉ là một chiến trường thấm đẫm sự mâu thuẫn, xúc phạm và thống trị.
Thế nhưng, khi đam mê chuyển hóa thành sự nhận biết và tỉnh thức, tình yêu ấy sẽ trở thành một thứ tình thương cao hơn, đó là từ bi. Tình yêu thường chỉ hướng đến một người và khát vọng sâu xa nhất của chúng ta khi yêu là muốn sở hữu người mình yêu. Điều này cũng xảy ra ở người mà ta yêu, chính vì thế nó tạo ra địa ngục trần gian cho cả hai.
Trong khi đó, từ bi không nhắm đến một người cụ thể nào cả. Đó không phải là một mối quan hệ tình cảm mà chỉ đơn giản là chính con người của bạn. Bạn tận hưởng từ bi đối với cỏ cây, muông thú, loài người một cách vô điều kiện mà không đòi hỏi sự đáp trả. Do đó, từ bi là một dạng thức tự do, đã thoát khỏi tình yêu sinh lý học mù quáng.
Trước khi giác ngộ, bạn cần hiểu rằng mình không nên kìm hãm năng lượng yêu thương có trong bản thân. Những tín ngưỡng cũ kỹ thường dạy mọi người phải loại bỏ các hình thức thể hiện tình yêu trong cuộc sống, thế là bạn kìm hãm năng lượng, trong khi đó là nguồn năng lượng mà bạn có thể chuyển hóa thành từ bi.
Như vậy, chính sự đè nén tình yêu đó sẽ ngăn cản sự phát triển của lòng từ bi. Do đó, những vị thánh của bạn chẳng khác nào những bộ xương khô và trong mắt họ không hề có sự tồn tại của lòng từ bi. Hãy thử sống với một vị thánh trong vòng hai mươi tư giờ, bạn sẽ hiểu được thế nào là địa ngục ngay tại trần gian.
Nhà triết học Bertrand Russell nhấn mạnh rằng: “Nếu có địa ngục và thiên đường, tôi sẽ muốn đến địa ngục”. Tại sao? Bởi vì thiên đường sẽ đầy rẫy những vị thánh khô khan, lãnh đạm và sống mà cũng như chết rồi. Theo Bertrand Russell, ông không thể nào “chịu đựng được sự chung sống đó cho dù chỉ là một phút. Và hãy tưởng tượng xem, điều gì sẽ xảy ra khi bạn phải sống bên cạnh những xác chết không hề biết đến tình yêu, tình bạn cũng như những kỳ nghỉ…?”.
Một vị thánh thì vẫn sẽ là một vị thánh suốt bảy ngày trong tuần. Họ không được phép làm người bình thường cho dù chỉ là trong một ngày Chủ nhật. Họ phải tuân thủ sự cứng nhắc đó, và sự cứng nhắc này sẽ ngày càng lớn cùng với thời gian.
Tôi trân trọng lựa chọn sống ở địa ngục của Bertrand Russell vì tôi thấu hiểu điều mà ông ta muốn nói – đó là ở địa ngục, bạn sẽ tìm thấy tất cả những con người giàu sức sống và tình yêu trên thế gian này. Đó là những nhà thơ, họa sĩ, nhà sáng tạo, vũ công, diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ và cả những người nổi loạn bất tuân theo giáo điều. Địa ngục mới là thiên đường thật sự, bởi thiên đường thật ra chỉ là địa ngục mà thôi!
Mọi thứ đã đi sai lệch khỏi con đường của chúng chỉ vì một lý do cơ bản là chúng ta đã kìm hãm năng lượng tình yêu trong mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có công lớn khi dạy chúng sanh rằng: “Đừng kìm hãm năng lượng tình yêu có trong con mà hãy tinh luyện nó thông qua việc thiền định”. Như vậy, từng bước một, thiền định sẽ giúp bạn tinh luyện năng lượng tình yêu và biến nó thành lòng từ bi. Để rồi trước khi bạn đạt đến đỉnh cao của thiền định, tức là sự giác ngộ, bạn sẽ gần như có được lòng từ bi. Khi đó, bạn có thể san sẻ nguồn năng lượng dạt dào của mình, bấy giờ vốn bao gồm mọi năng lượng trên thế giới này, đến bất kỳ ai sẵn sàng đón nhận thông qua lòng từ bi. Khi đó, bạn đã thật sự là một bậc thầy.
Để giác ngộ không khó, nhưng để trở thành một bậc thầy như trên là một điều không dễ vì nó đòi hỏi khả năng thiền định lẫn lòng từ bi. Chỉ từ bi không, hay thiền định không thì không khó, nhưng khi ta kết hợp cả hai lại là một vấn đề phức tạp.
Những người đã đạt đến đỉnh cao của thiền định nhưng lại không chia sẻ kinh nghiệm của mình vì không có từ bi sẽ không thể cống hiến cho sự tỉnh thức của thế giới này. Họ không hề góp phần gia tăng tính nhân đạo. Chỉ có những bậc thầy nói trên mới có thể giúp nâng cao sự tỉnh thức của nhân loại.
Có thể bạn sẽ thấy điều này là khó hiểu, nhưng thực sự là khi một người đã đạt đến sự giác ngộ, họ thường có xu hướng quên đi thế giới xung quanh vì cảm giác thăng hoa và hài lòng tuyệt đỉnh sẽ khiến cho họ không còn tâm trí để nghĩ đến hàng triệu người khác cũng đang trên con đường tìm đến sự tỉnh thức này. Một khi đã có lòng từ bi, chắc chắn họ sẽ không thể quên nghĩ đến mọi người vì đó chính là lúc họ có thể chia sẻ và cho đi. Càng cho đi, bạn sẽ càng cảm thấy vui hơn. Và nếu bạn có thể chia sẻ sự tỉnh thức của mình thì sự tỉnh thức đó sẽ càng trở nên sống động, sâu sắc, hoan hỉ và phong phú hơn.
Thường thì sự giác ngộ chỉ mang tính một chiều đối với nhiều người. Nhưng khi đã đạt đến đỉnh cao của thiền định, đa số mọi người sẽ chìm đắm trong sự thăng hoa của tỉnh thức. Nó trở nên đa chiều, đa diện và góp phần tạo ra hương sắc cho thế giới này. Và bạn đừng quên rằng mình cũng nợ thế gian này một điều gì đó vì bạn sinh ra vốn dĩ đã là con của trái đất này.
Tôi nhớ Zarathustra có nói rằng: “Đừng bao giờ phản bội lại trái đất. Ngay cả trong vinh quang rực rỡ cũng đừng quên trái đất này vì đó chính là bà mẹ của bạn. Và cũng đừng quên nhân loại. Có thể trong số đó có những kẻ thù của bạn hoặc họ từng tìm cách hủy diệt bạn, đầu độc bạn, bóp chết bạn, nhưng đừng bao giờ quên nghĩ đến họ. Bởi họ đã làm tất cả những điều đó một cách vô thức. Nếu bạn không thể tha thứ cho họ thì ai sẽ làm điều đó đây? Và chính sự tha thứ đó sẽ làm cho bạn trở nên giàu có tột bậc”.
Hãy cẩn trọng và đừng bao giờ làm điều gì đi ngược lại với từ bi, ví dụ như khi bạn ghen tỵ, hơn thua hay cố tìm cách thống trị người khác. Những lúc đó, bạn sẽ nhận biết ngay vì từ bi trong bạn bắt đầu bị do dự và lung lay. Bạn có thể hủy diệt từ bi của mình vì những điều ngu xuẩn vốn chẳng mang lại cho bạn điều gì ngoài sự lo lắng, giận dữ, khó khăn và khiến bạn hoang phí cuộc đời quý báu của mình.
Từ bi đồng nghĩa với khả năng thấu hiểu sâu sắc trước mọi việc. Người có lòng từ bi sẽ không bị những điều nhỏ nhặt vốn xảy ra hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống gây phiền toái. Một cách gián tiếp, điều này sẽ giúp bạn tích lũy và chắt lọc thêm ngày càng nhiều năng lượng từ bi song song với việc thiền định. Để rồi đến cái ngày đầy hồng phúc, khi bạn thật sự giác ngộ và đạt đến đỉnh cao của thiền định, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy trong mình sự từ bi. Khi đó, cuộc sống của bạn sẽ mở ra một trang hoàn toàn mới và bạn có thể mang lại hạnh phúc cho thế giới này.
Theo Đức Phật, những người đã đạt đến đỉnh cao của thiền định – là sự giác ngộ – sẽ được chia ra làm hai loại: một là arhata (nghĩa là người đã giác ngộ nhưng không có tâm từ bi), và hai là bodhisattva (nghĩa là người luôn chú trọng đến lòng từ bi theo lời Phật dạy). Loại người thứ hai không vội vã dù đã về đến đích. Họ giống như những người đi trên thuyền, khi thuyền đã cập bến, họ vẫn còn chưa muốn lên bờ vì còn muốn nấn ná lại bên đây bờ, nơi còn rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ của họ. Thay vì tận hưởng thành quả tìm kiếm cả cuộc đời ngay lập tức, họ muốn chia sẻ niềm vui, sự hiểu biết, tình thương và sự giác ngộ của mình với những người cũng đang trên con đường tìm kiếm chúng. Chính họ sẽ tạo nên niềm tin cho những người khác, vì họ đã trải qua những điều mình nói: “Phải, khi đã đạt đến độ chín muồi, bạn sẽ đến được bến bờ bên kia, nơi không còn khổ đau hay sinh lão bệnh tử, nơi mà từng phút giây của cuộc sống là một bản nhạc bất tận”. Và trước khi từ giã thế giới này, họ muốn ít nhất cũng nói cho người khác biết được cảm giác đó như thế nào.
Theo Đức Phật, suy cho cùng thì từ bi cũng là một dạng khát khao. Đó là sự khát khao được giúp đỡ người khác và chính điều đó sẽ là một sợi dây mong manh giữ chân bạn lại, không để bạn rời bến bờ này, luôn gắn bó với thế giới này. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi, vạn sự rồi cũng tan biến, trừ sợi dây tình thương mong manh kia. Và ngài đã nhấn mạnh rằng hãy nắm chặt lấy sợi dây đó càng nhiều càng tốt, cũng như giúp đỡ tất cả những ai cần bạn giúp đỡ.
Khi đã giác ngộ, bạn không nên giữ riêng cho mình điều đó mà nên chia sẻ nó với càng nhiều người càng tốt. Đó là cách duy nhất giúp nhân loại gia tăng tỉnh thức.
Khi bạn giác ngộ, đây cũng là lúc bạn hồi đáp lại cho cuộc đời một điều gì đó, bởi bạn không thể nào đáp trả lại tất cả những gì mà cuộc đời đã mang đến cho mình.
Nếu thiền là bông hoa thì từ bi chính là hương thơm
Bất kỳ ai cũng đều sẵn có trong mình một hạt mầm từ bi để nở rộ, giống như bông hoa luôn sẵn sàng để tỏa hương. Và hương thơm của bông hoa từ bi ấy chỉ có thể lan tỏa khi con người nội tại của bạn thăng hoa. Bạn không thể rèn luyện để có lòng từ bi. Bạn cũng không thể điều khiển nó bởi nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Thông qua thiền định, đến một ngày nào đó tự nhiên bạn sẽ cảm nhận được một hiện tượng kỳ lạ xảy đến với mình, đó là sự xuất hiện của lòng từ bi. Lòng từ bi đó sẽ lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong con người bạn.
Nếu không có thiền, nguồn năng lượng trong bạn chỉ tồn tại dưới dạng thức đam mê; nhưng nếu có thiền, nó sẽ chuyển hóa thành lòng từ bi. Đam mê và từ bi không phải là hai dạng năng lượng khác nhau mà thực chất chúng là một, là một dạng năng lượng mà thôi. Chính thiền định đã giúp biến đổi năng lượng này từ đam mê thành lòng từ bi. Nếu như đam mê chuyển động lùi, thì từ bi lại tiến lên phía trước; nếu động cơ chính của đam mê là sự khát khao, thì nền tảng của từ bi là sự buông bỏ; và nếu đam mê là vì bạn muốn tìm cách quên đi những khổ đau trong cuộc sống, thì từ bi lại mang đến cho bạn hạnh phúc thăng hoa đến nỗi chỉ muốn chia sẻ điều đó với mọi người. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy mình giống như một nụ hoa đã nở rộ và hoàn thành sứ mệnh nên không còn phải tìm kiếm bất cứ điều gì hay đi đến bất kỳ nơi đâu nữa.
Khi đó, bạn sẽ bắt đầu chia sẻ nguồn năng lượng thăng hoa trong mình. Nguồn năng lượng ngày nào chuyển động trong bóng tối của đam mê giờ sẽ tuôn tràn trong ánh sáng mà không còn bị chi phối bởi bất kỳ điều kiện hay khát khao nào nữa. Nó không còn bị ảnh hưởng bởi bất kỳ động cơ nào khác, chính vì vậy mà tôi gọi nó là hương thơm. Một bông hoa có thể bị giới hạn về mặt không gian nơi nó lớn lên nhưng hương thơm của nó thì không. Hương thơm ấy có thể lan tỏa đến những phương trời mới, đơn giản là nhờ nương theo những làn gió.
Thiền định cũng giống như một bông hoa vậy. Nó xuất phát từ chính bạn và tồn tại trong chính bạn. Nhưng lòng từ bi thì không như thế. Lòng từ bi sẽ không ngừng lan tỏa đi khắp chốn, đến với những ai đang cần được yêu thương và giúp đỡ. Đức Phật đã ra đi nhưng lòng từ bi của ngài vẫn còn đó. Một bông hoa rồi sẽ tàn và trở về với đất mẹ, nhưng hương thơm của nó một khi đã lan tỏa thì còn mãi. Đức Phật hay Chúa Jesus đã ra đi, nhưng hương thơm từ bi của họ vẫn còn mãi. Những ai đón nhận được điều đó chắc chắn sẽ cảm động và dấn thân vào hành trình mới của chính mình.
Lòng từ bi không hề bị giới hạn bởi bông hoa, cho dù nó xuất phát từ bông hoa nhưng lại không thuộc về bông hoa đó. Bông hoa chỉ là phương tiện để nó tồn tại và lan tỏa một khi bông hoa đó nở rộ.
Đây là điều bạn cần phải thấu hiểu, bởi nếu không thì những gì bạn đạt được sẽ không phải là hương hoa từ bi đích thực. Sự từ bi do rèn luyện mà có thực chất cũng chỉ là sự đam mê nhưng dưới tên gọi khác mà thôi. Lý do là vì nó cũng chỉ là một dạng năng lượng bị thúc đẩy bởi sự khát khao mà ra và có thể trở nên nguy hiểm với người khác vì bạn có thể phá hủy hoặc tạo dựng mọi thứ dưới tên gọi của lòng từ bi. Thực chất, đó không phải là sự từ bi đích thực mà chỉ là từ bi giả tạo.
Điều quan trọng trước tiên bạn cần nhớ là từ bi không thể do rèn luyện mà có. Đây là điều mà phần lớn các tín ngưỡng bỏ sót. Ngày xưa, Đức Phật có được lòng từ bi thông qua thiền định, còn ngày nay các Phật tử lại bảo nhau tu tập để có lòng từ bi. Cũng như Chúa Jesus đã có được lòng trắc ẩn thông qua chiêm nghiệm, nhưng ngày nay các con chiên lại phải rèn luyện lòng trắc ẩn, ấy vậy mà họ chỉ mang lại chiến tranh và tàn phá cho thế giới này.
Từ bi sẽ mang đến cho bạn sự tự do, nhưng nhất thiết nó phải đến từ thiền định và đó là cách duy nhất để làm điều đó. Đức Phật từng nói lòng từ bi là một sản phẩm và bạn không thể nào có được điều đó trực tiếp mà không thông qua thiền định. Như vậy, để hiểu được thế nào là từ bi, bạn nhất thiết phải hiểu được thế nào là thiền định. Khi đó, lòng từ bi tự khắc sẽ đến với bạn như là một kết quả tất yếu.
Lòng từ bi chính là công cụ đánh giá giúp bạn biết mình đã thiền đúng hay sai cách. Nếu bạn thiền đúng, tất yếu bạn sẽ cảm nhận được lòng từ bi trong chính mình và ngược lại. Nhiều người sai lầm khi nghĩ rằng mọi hình thức thiền định đều đúng nhưng thực tế không phải vậy, rất có thể cách bạn đang thiền là sai. Ví dụ, những cách thiền chỉ giúp bạn tập trung sâu là sai vì nó sẽ không dẫn đến kết quả là có được lòng từ bi. Những cách thiền đó chỉ khiến bạn càng khép kín hơn là mở rộng tâm hồn. Nếu bạn thu nhỏ phạm vi tập trung và chỉ biết đến một điều gì đó, quên đi mọi thứ đang tồn tại xung quanh thì bạn sẽ càng trở nên căng thẳng. Quả thật như vậy, bản thân ý nghĩa của từ “tập trung” đã ngầm chứa sự căng thẳng trong đó.
Tập trung có những ích lợi riêng của nó nhưng đó không phải là thiền. Chúng ta cần sự tập trung khi nghiên cứu khoa học hay khi làm thí nghiệm. Những lúc đó, bạn cần phải tập trung toàn bộ tư tưởng vào một vấn đề và quên đi tất cả những thứ còn lại. Cả thế giới dường như chỉ hiện diện trong một vấn đề mà bạn đang tập trung giải quyết mà thôi. Chính vì thế, các nhà khoa học thường bị tật đãng trí. Những người tập trung quá mức thường trở nên đãng trí vì họ không còn đón nhận những thứ khác đang xảy ra xung quanh mình.
Có một giai thoại vui về vị giáo sư nọ.
Một hôm, ông nói với các sinh viên của mình rằng: “Thầy có mang theo một con ếch vừa bắt được từ dưới hồ để lớp chúng ta nghiên cứu hình dáng bên ngoài, và sau đó sẽ giải phẫu nó”. Vừa nói ông vừa cẩn thận mở cái túi ra, hóa ra trong đó lại là một chiếc bánh mì được gói ghém cẩn thận. Vị giáo sư nọ tròn mắt ngạc nhiên và nói: “Chết, thầy nhớ mình đã dùng bữa trưa rồi mà!”.
Đây là điều thường thấy ở những nhà khoa học. Tâm trí của họ chỉ hướng đến một điều duy nhất và do đó trở nên bị hạn hẹp. Dĩ nhiên là điều đó cũng có lợi ích riêng của nó, bởi như thế thì tâm trí của họ sẽ trở nên sắc bén như một mũi kim, có những khám phá đột phá và không bị lệch hướng, nhưng đồng thời cũng bỏ lỡ cả cuộc đời tươi đẹp xung quanh mình.
Đức Phật không chú trọng đến việc tập trung tư tưởng mà tập trung vào sự nhận biết. Ngài không tìm cách thu hẹp sự nhận thức mà ngược lại, luôn tìm cách phá bỏ mọi rào cản để hoàn toàn có thể thức tỉnh và nhận biết mọi sự việc đang hiện diện. Xung quanh chúng ta lúc nào cũng có vô vàn âm thanh, nhịp điệu sống đang diễn ra. Chẳng hạn như, khi tôi đang chia sẻ cùng bạn những điều này thì ngoài kia là bao nhiêu âm thanh – tiếng chim muông, tiếng gió, tiếng tàu xe… Bạn lắng nghe tôi, tôi nói với bạn và bên cạnh đó còn có hàng triệu điều khác đang diễn ra nữa. Thế giới quanh ta thật phong phú và sống động.
Khi bạn chỉ biết tập trung vào một điều duy nhất trong cuộc sống, bạn sẽ bỏ phí chín mươi chín phần trăm còn lại. Nếu bạn đang tập trung giải một bài toán, bạn sẽ chẳng thể nào nghe được tiếng chim hót. Khi đó, tiếng chim hót, tiếng chó sủa, tiếng trẻ nô đùa sẽ trở thành những điều làm bạn rối trí. Và để tập trung trọn vẹn, con người đã tìm cách chạy trốn khỏi cuộc sống bằng cách tìm đến Himalayas, trốn vào hang động hay sống cô độc để có thể tập trung nghĩ đến Thượng đế. Thế nhưng Thượng đế không phải là một vật thể nào đó mà là tất cả sự tồn tại của thế giới này ngay tại giây phút này. Thượng đế nghĩa là toàn thể, là tất cả. Chính vì thế mà khoa học sẽ không bao giờ hiểu hết về ngành Thượng đế học. Bởi bản chất cốt lõi của khoa học là tập trung nghiên cứu cho nên khoa học sẽ không bao giờ nắm bắt được thế nào là sự thần thánh, thiêng liêng.
Khoa học không ngừng tập trung nghiên cứu để đi tìm những cái nhỏ bé hơn nữa, từ phân tử rồi đến nguyên tử, rồi đến các điện tử, proton, neutron… nhưng lại hoàn toàn quên mất cái to lớn, bao la của tổng thể. Các nhà khoa học sẽ chẳng bao giờ biết đến sự ngoan đạo vì sự tập trung của họ. Vì thế khi nghe mọi người hỏi: “Osho, hãy chỉ cho chúng tôi cách tập trung, chúng tôi muốn biết về Thượng đế”, tôi khá lúng túng vì rõ ràng họ không hiểu được những điều cơ bản của sự tìm kiếm này.
Nếu như bản chất của khoa học là tập trung vào một điều duy nhất thì mục đích tối thượng của thiền định đúng nghĩa là tập trung vào đích đến. Bản chất cốt lõi của tôn giáo là nhắm đến cái tổng thể của toàn thể sự việc trong cùng một lúc. Và để có được điều đó, bạn phải có sự tỉnh thức đối với tất cả mọi khía cạnh chứ không chỉ giới hạn trong một khung cửa nào đó. Hãy đứng dưới mặt trời giữa bầu trời rộng mở, đó là thiền định. Thiền định đúng nghĩa không có một khuôn khổ giới hạn, nó không phải là một khung cửa. Nó không phải là sự tập trung chú ý mà là sự nhận biết.
Thế thì bạn phải làm gì? Việc lặp đi lặp lại phương thức thiền siêu việt (ngồi thiền hai lần mỗi ngày, mỗi lần từ mười lăm đến hai mươi phút và nhắm mắt) sẽ chẳng giúp được gì cho bạn cả. Phương pháp này rất phổ biến ở Mỹ vì được lý giải cẩn thận bởi nghiên cứu khoa học. Đây cũng là phương pháp thiền duy nhất mà người ta có thể thực hiện các nghiên cứu khoa học có liên quan. Nhưng nó chỉ là sự tập trung chứ không phải là thiền định đúng nghĩa, do đó mà hoàn toàn có thể giải thích được dưới góc độ khoa học. Bộ môn thiền này đã được nghiên cứu bởi nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm và lĩnh vực nghiên cứu tâm lý bởi vì nó không phải là thiền định đích thực. Nó chỉ là một hình thức tập trung và cũng được xếp cùng chung loại với sự tập trung trong khoa học, chính vì thế mà có một mối dây liên hệ giữa hai điều này. Thiền định đích thực rất bao la, rộng lớn đến vô cực và không một nghiên cứu khoa học nào có thể chạm đến. Chỉ có lòng từ bi mới là thước đo thể hiện một người có đạt đến đỉnh cao của thiền định đích thực hay không mà thôi. Bước sóng alpha cũng không giúp được giúp ta trong việc đo lường này, bởi bản thân nó cũng thuộc về trí tuệ trong khi thiền định đích thực vượt khỏi tầm trí tuệ của con người.
Vậy thì đến đây có lẽ bạn đang tự hỏi: “Thế nào là thiền định đích thực?”. Tôi sẽ mô tả cho bạn nghe về một số đặc điểm cơ bản của thiền định đích thực. Thứ nhất, thiền không phải là một hình thức tập trung mà là sự thư giãn, thả lỏng để tìm về với chính mình. Càng thư giãn, bạn càng cảm thấy tâm hồn mình thêm rộng mở và mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ thấy mình bớt cứng nhắc và linh hoạt hơn, rồi đột nhiên nhận ra sự hiện hữu của chính mình. Thư giãn nghĩa là đưa bản thân bạn vào một trạng thái không làm gì cả, vì nếu bạn tập trung vào một điều gì đó, chắc chắn bạn sẽ tiếp tục bị căng thẳng. Đó là trạng thái không-làm-gì-cả. Bạn chỉ đơn giản ngồi tận hưởng cảm giác thư giãn, mắt nhắm lại và lắng nghe mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình. Bạn đừng nghĩ rằng những âm thanh đó sẽ chi phối việc thiền định của bạn, vì như thế nghĩa là bạn đang chối bỏ Tạo hóa. Bởi Tạo hóa có thể đang tìm đến bạn dưới hình thức một tiếng chim hót, một tiếng chó sủa, tiếng trẻ con khóc hay thậm chí là tiếng kêu la của người mất trí. Điều quan trọng là hãy đón nhận chứ đừng chối bỏ tất cả những điều đó.
Hãy chấp nhận, bởi khi bạn chối bỏ bất kỳ điều gì thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tạo ra căng thẳng cho chính mình. Mọi sự chối bỏ đều tạo ra căng thẳng. Hãy học cách chấp nhận. Chấp nhận chính là cách để bạn được thư giãn. Hãy chấp nhận tất cả những gì đang xảy ra xung quanh mình và để cho chúng được trở thành một tổng thể thống nhất. Bởi bạn có thể không biết rằng tận sâu trong tất cả vạn vật đều có mối liên hệ với nhau. Từ chim muông, bầu trời, trái đất cho đến bạn và tôi, tất cả đều có mối liên hệ với nhau. Đó là một hệ sinh thái thống nhất. Nếu như mặt trời biến mất, cây cối cũng sẽ mất đi.
Nếu cây cối không còn thì chim chóc cũng biến mất theo. Và khi đó thì chính bạn cũng sẽ không thể tồn tại. Vạn vật đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó đừng chối bỏ bất cứ điều gì, bởi nếu bạn chối bỏ chúng thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang chối bỏ chính mình.
Nếu bạn chối bỏ, phủ nhận, giận dữ đối với mọi thứ xung quanh thì cũng có nghĩa là bạn đang chối bỏ một điều gì đó trong chính mình. Hãy lắng nghe tiếng chim hót với lòng thư thái mà không cảm thấy bị phiền toái hay giận dữ, bạn sẽ nhận ra trong tâm hồn mình cũng rộn rã tiếng chim. Những chú chim đó sẽ không còn là người lạ hay kẻ làm phiền nữa mà đột nhiên tất cả, cùng với chính bạn, sẽ trở thành một gia đình chung. Với tôi, người nắm rõ điều này chính là người tu hành chân chính. Nếu bạn tôn thờ một tín ngưỡng nào đó thì cũng tốt, nhưng nếu bạn không có tín ngưỡng nào cả thì thậm chí còn tốt hơn. Chỉ cần hiểu được rằng vạn vật là một tổng thể thống nhất thì nhất định người đó lúc nào cũng như đang ở trong ngôi đền thiêng của chính mình và hướng về Đấng Tạo hóa linh thiêng.
Tuy nhiên, nếu bạn đang tập trung vào một nghi thức tu hành ngu xuẩn nào đó, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tiếng chim hót kia thật phiền toái. Bạn sẽ không thấy rằng đó mới chính là Tạo hóa. Tiếng hót đó tuy vô nghĩa nhưng rộn ràng niềm vui, là hiện thân của một nguồn năng lượng dồi dào đang tuôn chảy mà lũ chim đang muốn chia sẻ với vạn vật xung quanh, với cây cối, với những bông hoa và với bạn. Chúng không có gì để nói với bạn cả mà chỉ đơn giản hiện hữu là chính chúng mà thôi.
Khi bạn thư giãn, bạn sẽ chấp nhận cuộc sống. Hãy nhớ rằng việc chấp nhận sự tồn tại của vạn vật xung quanh chính là cách duy nhất giúp bạn cảm thấy thư giãn. Nếu bạn để cho những điều nhỏ nhặt làm mình khó chịu thì hơn ai hết, chính thái độ của bạn mới là kẻ gây nên sự phiền toái đó. Hãy ngồi im, lắng nghe tất cả những gì đang diễn ra quanh bạn và thư giãn tâm hồn. Chấp nhận và thư giãn, rồi đột nhiên bạn sẽ nhận ra một nguồn năng lượng lớn trỗi dậy trong mình và biểu hiện đầu tiên của nó chính là hơi thở sâu hơn của bạn. Thường thì hơi thở của bạn rất ngắn, và để có được hơi thở sâu, bạn phải nỗ lực như khi tập yoga chẳng hạn. Tuy nhiên, khi bạn thư giãn và chấp nhận mọi thứ xung quanh, bạn sẽ không cần phải gắng sức mà vẫn có được hơi thở sâu đó. Càng thư giãn, hơi thở của bạn càng sâu hơn. Nó sẽ chậm lại, sâu hơn, có nhịp điệu hẳn hoi và mang lại cho bạn cảm giác vui sướng. Và rồi bạn sẽ nhận ra rằng hơi thở chính là chiếc cầu nối giữa bạn với thế giới xung quanh.
Hãy quan sát và đừng làm gì cả. Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải cố gắng quan sát, bởi nếu không bạn sẽ lại rơi vào trạng thái căng thẳng và bắt đầu tập trung vào hơi thở của mình. Chỉ cần thư giãn, hoàn toàn thư giãn, thả lỏng và nhìn ngắm mọi thứ xung quanh… bởi suy cho cùng thì bạn có cần phải làm gì nữa đâu. Bạn ngồi đây và không cần phải làm điều gì cả, mọi thứ đã được bạn chấp nhận, không còn mâu thuẫn, không còn chối bỏ, không còn đấu tranh… chỉ có hơi thở trở nên sâu hơn. Bạn chỉ cần nhìn ngắm vạn vật. Đúng vậy, chỉ cần nhìn ngắm vạn vật mà thôi. Đừng cố gắng để ngắm nhìn mọi thứ. Đây chính là điều mà Đức Phật gọi là vipassana, nghĩa là nhận biết hơi thở của bạn, hay satipatthana, nghĩa là nhận thức dòng năng lượng chảy trong hơi thở của mình. Bạn không cần phải cố gắng hít thở sâu, cũng đừng cố gắng hít vào hay thở ra gì cả. Bạn chỉ ngồi thư giãn, hít thở tự nhiên, rồi mọi thứ sẽ đến với bạn.
Hơi thở sẽ như một nhịp cầu với hai phần rõ rệt, một sẽ đến để hòa vào bạn, còn một sẽ đi để hòa vào thiên nhiên. Với phần thứ nhất, bạn có thể hít sâu hay thở ra thật mạnh nếu muốn, và cũng có thể không cần phải làm gì cả thì nó cũng vẫn diễn ra như thế. Với phần thứ hai, bạn có thể hiểu rằng đó không phải là bạn đang thở mà chính Tạo hóa đang thở trong bạn. Khi bạn thư giãn, chấp nhận cuộc sống xung quanh, hãy thả lỏng để tìm về với nội tại bản thân, đột nhiên bạn sẽ nhận ra rằng mình không còn đang thở nữa mà là hơi thở tự đến và tự đi theo một nhịp điệu kỳ diệu. Thế thì ai đã làm điều đó? Chính là Tạo hóa đang thở trong bạn. Tạo hóa đến rồi đi, rồi lại đến theo từng hơi thở. Mỗi khoảnh khắc đó sẽ làm mới chính bạn, cho bạn không ngừng sống lại.
Khi đó, tự động bạn sẽ quán chiếu được hơi thở của mình, và đó chính là biểu hiện của thiền định đích thực. Bạn có thể làm được điều này ở bất kỳ nơi đâu, thậm chí là giữa chốn phố chợ đông người, bởi âm thanh náo nhiệt ở đó cũng chính là hiện thân của Tạo hóa thiêng liêng. Nếu bạn im lặng để lắng nghe, bạn sẽ nhận ra rằng ngay cả âm thanh huyên náo đó cũng có nhịp điệu riêng của nó. Nó sẽ không còn là sự phiền toái hay khiến bạn phải phân tâm nữa. Trong sự tĩnh lặng của riêng mình, bạn sẽ nhìn thấy được rất nhiều điều và cảm nhận được vô vàn dòng năng lượng chuyển động xung quanh. Chỉ cần biết cách chấp nhận vạn vật, bạn sẽ cảm nhận được điều đó ở bất cứ nơi nào bạn đến.
Bản thân chú chim không phải là điều quan trọng mà điều quan trọng nằm ở chỗ thông qua đó bạn sẽ cảm nhận được một thứ gì đó vô cùng vĩ đại và tuyệt vời, đầy thiêng liêng, huyền bí và hân hoan. Điều kỳ diệu này vẫn không ngừng diễn ra xung quanh bạn, chỉ có điều bạn đã bỏ lỡ mất nó mà thôi.
Khi đã đạt được trạng thái thiền định nói trên và hòa nhịp với Tạo hóa, tất yếu bạn sẽ có được lòng từ bi. Tự khắc lúc ấy bạn sẽ thấy mình biết yêu thương vạn vật, và kẻ khác sẽ không còn là người xa lạ mà trở thành một phần của chính bạn. Khi ấy, “cái cây” sẽ không chỉ là một cái cây độc lập mà có liên quan đến bạn. Tất cả mọi thứ đều liên đới với nhau. Bạn chạm vào một chiếc lá thì cũng như bạn đang chạm đến tất cả các vì sao vì vạn vật đều là một. Tất cả là một tổng thể thống nhất.
Mới tối hôm kia thôi tôi có đọc một bài viết nói về khả năng đánh hơi, ngửi mùi. Và khứu giác gần như đã bị đánh mất ở con người, trong khi đó muông thú lại có một cái mũi rất thính. Một con ngựa có thể đánh hơi mùi cách xa hàng dặm. Một con chó cũng có khứu giác tốt hơn chúng ta. Chỉ cần đánh hơi, nó có thể nhận biết người chủ của mình, và sau nhiều năm gặp lại nó vẫn nhận ra chủ của nó trong khi con người thì không.
Điều gì đã xảy ra đối với khứu giác của loài người? Chúng ta đã bị tai họa gì chăng? Chẳng có nền văn hóa nào trên thế giới này lại kìm hãm khứu giác của con người, ấy vậy mà nó vẫn bị hạn chế. Nguyên nhân là do tình dục mà ra. Ngày nay, cả thế giới loài người có đời sống tình dục bị kìm hãm, ngăn triệt và khứu giác lại có mối liên hệ chặt chẽ với tình dục. Trước khi giao phối, loài chó sẽ đánh hơi bạn tình và chúng chỉ giao phối nếu ngửi được sự đồng điệu từ sâu trong hai cơ thể. Khi đánh hơi được sự hòa hợp từ mùi hương của nhau, chúng hiểu rằng hai cơ thể đã thật sự đồng điệu và sẵn sàng hòa quyện làm một, cho dù chỉ là trong thoáng chốc.
Do tình dục bị đè nén và kìm hãm trên toàn thế giới, cho nên khứu giác của loài người cũng bị đè nén theo. Nếu bạn hỏi ai đó: “Anh có nhìn thấy…?”, hay “Anh có nghe thấy…?”, thì chẳng ai phật lòng cả. Nhưng nếu bạn hỏi họ: “Anh có mùi không?” thì ắt hẳn họ sẽ cảm thấy không vui. Bởi suy cho cùng thì khứu giác cũng chỉ là một khả năng của con người, giống như thính giác hay thị giác mà thôi và không nên bị lên án như thế.
Có một giai thoại vui về giáo sư Johnson, một nhà tư tưởng học người Anh.
Một hôm, ông đang ngồi trên chiếc xe ngựa chở khách thì có bà nọ bước lên. Bà ta nói: “Thưa ngài, ngài có mùi!”.
Vốn là một chuyên gia về ngôn ngữ, ông bèn đáp: “Không thưa bà, bà phải nói là tôi hôi, còn bà thì ngửi!”.
Xét về mặt ngôn ngữ học thì quả đúng là vậy – “Tôi hôi, anh ngửi”. Nhưng rõ ràng, có vẻ như những từ ngữ liên quan đến khứu giác này đã bị mọi người ngầm chỉ trích. Điều gì đã xảy ra với việc ngửi mùi của chúng ta? Khi tình dục bị đè nén, rõ ràng khứu giác cũng bị đè nén theo. Một trong năm khứu giác đã bị làm cho tê liệt, do vậy mà tâm trí của con người cũng bị tê liệt theo. Bởi nếu vận dụng đầy đủ năm giác quan, bộ não của chúng ta sẽ có đủ năm yếu tố thông tin. Nay khứu giác đã bị hạn chế mà chúng ta không hề hay biết, nghĩa là một phần năm cuộc sống đã bị triệt tiêu và điều này có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến chúng ta.
Tình dục bị kìm hãm dẫn đến khứu giác của chúng ta cũng bị hạn chế, và cũng chính vì thế mà hơi thở của chúng ta cũng trở nên nông hơn, vì nếu bạn hít thở thật sâu, bạn sẽ chạm đến trung khu tình dục có trong bản thân. Mọi người thường nói với tôi rằng: “Khi chúng ta hít thở sâu, chúng ta sẽ cảm nhận được khoái cảm nhiều hơn”. Quả thật, chúng ta thường hít thở sâu hơn khi quan hệ tình dục. Và bạn sẽ khó đạt được cực khoái khi không hít thở sâu. Hơi thở sâu sẽ đi thẳng vào trong cơ thể bạn, chạm đến trung khu tình dục và vuốt ve nó. Nhưng do tình dục đã bị kìm hãm, do hơi thở bị đè nén, cho nên con người khó mà thiền định. Thử nhìn lại những gì chúng ta đang làm mà xem! Chúng ta đã kìm hãm tình dục, dẫn đến đè nén hơi thở trong khi hơi thở chính là chiếc cầu nối giữa bạn và vũ trụ này.
Gurdjieff, một nhà huyền môn, triết gia, bậc thầy tâm linh và nhà soạn nhạc đầu thế kỷ hai mươi, đã đúng khi nói rằng cách hành xử của hầu hết các tôn giáo đều có vẻ như đi ngược lại với Thượng đế. Họ luôn nói về Thượng đế nhưng về mặt cơ bản, dường như họ đang đi ngược lại sự ngoan đạo. Với hơi thở nông, chiếc cầu nối giữa con người và Thượng đế đã gãy. Bạn sẽ không thể nào đi sâu, sâu nữa vào tận con người nội tại của mình.
Đức Phật xem hơi thở là một yếu tố mang tính nền tảng. Một hơi thở sâu, thư thả và đầy nhận biết sẽ mang lại cho bạn sự tĩnh lặng vô biên, cảm giác thư giãn tột cùng và giúp bạn hòa thành một với cái tổng thể của vũ trụ. Bạn sẽ không còn là một hòn đảo riêng lẻ nữa mà bắt đầu hòa điệu với vũ trụ. Khi đó, bạn sẽ không còn là một nốt nhạc lẻ loi nữa mà sẽ trở thành một phần của dàn nhạc giao hưởng. Khi đó, lòng từ bi sẽ trỗi dậy.
Lòng từ bi chỉ xuất hiện khi bạn nhìn ra rằng vạn vật lẫn con người xung quanh đều có mối liên hệ với bạn. Nó chỉ xuất hiện khi bạn nhận ra mình là một phần của thế giới này và tất cả mọi người xung quanh đều là một phần của chính bạn. Không ai tồn tại riêng lẻ. Khi tấm màn ảo tưởng về sự độc lập, riêng lẻ đó biến mất, bạn sẽ nhìn thấy lòng từ bi.
Trong thế giới loài người, mối quan hệ gần nhất với lòng từ bi chính là tình thương giữa người mẹ và đứa con của họ. Người ta vẫn gọi đó là tình yêu, nhưng lẽ ra chúng ta không nên gọi như thế. Tình cảm đó thiên về sự từ bi hơn là tình yêu, bởi nó không hề chứa đựng yếu tố đam mê trong đó. Tình thương của người mẹ dành cho con là thứ tình cảm gần giống với lòng từ bi nhất. Tại sao ư? Bởi vì người mẹ biết rằng đứa con chính là một phần thân thể của mình, là một phần cuộc sống của bà. Ngay cả khi đứa con đã được sinh ra và lớn lên, bà vẫn luôn cảm nhận được một mối dây đồng điệu với con mình. Có thể bà không biết chuyện gì đang xảy ra với con nhưng vẫn có thể cảm nhận và có cùng tâm trạng với con. Khi con đau khổ, người mẹ cũng đau khổ theo. Khi con buồn, người mẹ cũng chẳng vui. Những lúc đó, người mẹ tự nhiên cảm thấy có điều gì không ổn xảy ra trong cơ thể mình, chẳng hạn như cảm giác khó chịu ở bao tử hay bị đau đầu… Ngày nay, ngành tâm lý học chuyên sâu đã chỉ ra rằng giữa người mẹ và người con luôn tồn tại một mối dây gắn bó vô hình được tạo nên từ những bước sóng năng lượng rất tinh tế, và cả hai có cùng chung một tần sóng.
Thần giao cách cảm là hiện tượng dễ gặp nhất ở mối quan hệ mẹ con so với các mối quan hệ khác. Tương tự đối với những trường hợp anh chị em song sinh. Người ta đã tiến hành rất nhiều thực nghiệm ở nước Nga nhằm tìm hiểu xem liệu có thể dùng thần giao cách cảm như một phương thức thông tin trong chiến tranh hay không. Và kết quả cho thấy những cặp anh chị em song sinh có khả năng thần giao cách cảm với nhau. Nếu một trong hai người bị cảm cúm, người còn lại dù ở cách xa hàng dặm cũng sẽ bị cảm cúm. Họ có chung một tần sóng năng lượng và cùng chịu ảnh hưởng bởi những thứ giống nhau. Đó là vì họ đã từng sống chung trong một bào thai, là một phần thân thể của nhau.
Tình cảm của người mẹ dành cho con giống với lòng từ bi nhất vì họ luôn có cảm giác đứa con chính là một phần thân thể của mình. Mẹ đồng nghĩa với tình thương, mẹ nghĩa là cảm nhận những gì người khác đang cảm thấy. Một người khi đã đạt đến đỉnh cao của thiền định và giác ngộ, họ sẽ trở thành một người mẹ.
Khi bạn đã đạt đến một tầm cao nhất định trong thiền, bạn sẽ dần nhận ra nhiều thay đổi ở bản thân, nghĩa là trở nên thanh nhã, đón nhận, mềm mỏng và rộng lòng yêu thương hơn. Khi đó, tự khắc lòng từ bi sẽ không ngừng tuôn chảy trong bạn, như một thứ hương thơm tự nhiên.
Đa số những gì bạn gọi là từ bi thường ẩn chứa bên trong nó một cội rễ của sự đam mê, một động cơ nào đó. Hãy chiêm nghiệm, lần sâu theo cảm xúc của bạn những lúc bạn cảm thấy thương cảm cho một ai đó, bạn sẽ tìm ra một động cơ nào đó nằm sau nó. Ngay cả nếu như bạn cảm nhận được (hay bạn nghĩ là bạn cảm nhận được, hoặc giả vờ như đang cảm nhận được) lòng từ bi trong mình, hãy phân tích và đào sâu cảm xúc, bạn sẽ nhận ra một động cơ nào đó nằm sau chúng. Chính vì đó không phải là cảm xúc thuần túy nên nó không thể gọi là lòng từ bi. Hãy nhớ rằng sự thuần khiết chính là yếu tố cơ bản của lòng từ bi, bởi nếu không có điều này thì tất cả chỉ là hình thức. Chúng ta ai cũng được dạy để hành xử theo một hình thức nào đó, ví dụ như cách cư xử với chồng/vợ, với con cái, với bạn bè và với gia đình. Cái gì chúng ta cũng được dạy tất. Tuy nhiên, bạn không thể nào học để có được lòng từ bi. Chỉ khi nào bạn rũ bỏ mọi hình thức, mọi kiểu cách và phương thức thì nó mới trỗi dậy trong bạn. Từ bi vốn dĩ mang tính tự nhiên, vượt lên trên hình thức. Nó sống động như một ngọn lửa tình yêu.
Cuộc sống vốn dĩ đã trở nên chai sạn, giả tạo và đầy tính hình thức vì bạn cứ phải làm theo một số khuôn mẫu nào đó. Và cho dù chỉ miễn cưỡng làm những điều đó thì bạn cũng đã bỏ lỡ một phần rất lớn của cuộc sống, bởi cuộc sống vốn dĩ mang tính tự nhiên và bạn chỉ thật sự sống khi hoàn toàn sống động như chính nó. Nếu ngọn lửa trong bạn chỉ chứa toàn những trách nhiệm, nguyên tắc và các hình thức thì bạn thật sự đang sống mòn và bị cuốn lê theo cuộc sống. Có thể bạn vẫn cảm thấy thoải mái, thuận tiện trong lối sống mòn đó nhưng đó không thể nào là sống đích thực.
Một cuộc sống thật sự sẽ luôn đầy rẫy các sự kiện và sự xáo trộn riêng của nó. Và nó không cần phải có những nguyên tắc nào cả, bởi bản thân cuộc sống vốn dĩ đã có những nguyên tắc cơ bản riêng mà không cần phải tuân theo bất cứ nguyên tắc nào khác từ bên ngoài.
Để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này.
Một ngày đông giá nọ, một võ sĩ samurai đến đền của thiền sư Eisai để cầu xin sự giúp đỡ.
– Tôi nghèo khổ, ốm đau còn gia đình tôi thì đang chết vì đói.
Xin thầy hãy giúp tôi!
Vốn sống khổ hạnh, thiền sư Eisai không có gì để cho người đàn ông nọ. Ngài định bảo anh ta ra về thì chợt nghĩ đến pho tượng Phật Dược Sư trong sảnh. Ngài gỡ vòng hào quang của bức tượng ra đưa cho anh ta và bảo rằng:
– Đây, anh hãy đem đi mà bán. Nó sẽ giúp anh vượt qua khổ nạn này.
Hoang mang và thất vọng, người đàn ông nọ cầm lấy vật ấy ra về. Thấy vậy, một trong các đệ tử của thiền sư bức xúc bảo rằng:
– Thật là phạm thượng! Tại sao thầy lại làm như vậy?
– Phạm thượng ư? Ta chỉ làm theo suy nghĩ của Đức Phật mà thôi, mà ngài thì luôn từ bi, rộng lượng. Nếu như ngài nghe thấy lời của vị samurai kia thì ắt hẳn ngài còn dám cắt bỏ một phần thân thể của mình để cho anh ta.
Trên đây là một câu chuyện ngắn hết sức giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Chắc chắn bạn luôn có một thứ gì đó có thể trao tặng cho người khác. Ngay cả khi bạn không có thứ gì để cho đi thì bạn vẫn có thể tìm ra một điều gì đó để tặng họ. Vấn đề nằm ở thái độ của bạn. Nếu không có gì để trao tặng cho người khác thì bạn vẫn có thể mỉm cười với họ; nếu không có gì để cho đi thì bạn vẫn có thể ngồi xuống với họ và nắm lấy tay họ. Vấn đề ở đây không phải là món đồ vật chất mà chính là ý nghĩa của hành động cho đi.
Như bao Phật tử khác, thiền sư Eisai cũng rất nghèo. Ông sống một cuộc đời thanh đạm và không có thứ gì để cho người khác. Lối thường chúng ta vẫn nghĩ rằng gỡ hào quang của Phật để cho người đàn ông nọ là một hành động xúc phạm đến đấng linh thiêng. Đó là một hành động mà không người có đạo nào dám nghĩ đến. Tuy nhiên, chỉ có những người tu hành đích thực mới có thể làm như thế. Đó là lý do vì sao tôi bảo rằng lòng từ bi không hề có nguyên tắc nào cả, bởi nó vượt lên trên cả những luật lệ, phép tắc. Bản chất của sự từ bi là hoàn toàn tự nhiên và không tuân theo bất kỳ hình thức nào cả.
Ở Nhật Bản và Trung Hoa, người ta thường làm vòng hào quang bằng vàng xung quanh tượng Phật. Thiền sư Eisai đã nhớ ra vật này khi gỡ nó xuống cho người đàn ông kia. Hành động đó khiến cho người đàn ông nọ cũng hết sức hoang mang vì điều này vượt ngoài sức tưởng tượng của anh ta. Bản thân anh ta cũng xem đó là một hành động xúc phạm đến đấng bề trên. Chỉ đụng đến bức tượng thôi cũng đã đủ phạm trọng tội, ấy vậy mà thiền sư nọ đã dám gỡ cả vòng hào quang để tặng cho anh ta!
Đây chính là điểm khác biệt giữa một người tu hành đích thực và một người gọi-là-tu-hành. Típ người thứ hai luôn tìm kiếm những luật lệ, luôn tìm cách phân định đúng sai. Ngược lại, típ người thứ nhất mới thật sự sống đời sống tu hành. Đối với họ, không có gì là sai hay đúng. Bởi tất cả những gì bạn làm xuất phát từ lòng từ bi thì đều đúng đắn cả.
Ngay cả đệ tử của thiền sư Eisai cũng cho rằng điều mà thầy của anh ta làm là sai. Tuy nhiên, lời giải thích của thiền sư Eisai đã cho chúng ta thấy việc chỉ biết làm theo một điều gì đó hoàn toàn khác với việc làm một cách có hiểu biết. Khi bạn chỉ biết làm theo những gì người khác làm, bạn sẽ trở nên mù quáng và phải tuân theo những quy tắc, luật lệ nào đó. Còn nếu bạn hiểu biết, bạn cũng sẽ làm theo nhưng với sự sáng suốt của riêng mình. Khi đó, mỗi quyết định của bạn đều là một sự hồi đáp với nhận thức trọn vẹn, và do vậy những gì bạn làm đều đúng cả.
Một vị thiền sư nọ xin được tá túc trong ngôi chùa vào một đêm đông giá lạnh. Ông run rẩy vì ngoài trời rất lạnh và đầy tuyết. Cảm thương cho tình cảnh của người này, vị sư trụ trì bảo:
– Thầy có thể ngủ lại đây đêm nay, nhưng chỉ một đêm nay thôi vì đây không phải là quán trọ. Sáng mai thầy sẽ phải rời khỏi nơi này.
Giữa đêm hôm đó, vị sư trụ trì bỗng nghe thấy có một tiếng động lạ bèn chạy ra xem thì không thể tin vào mắt mình. Vị thiền sư nọ đang sưởi ấm bên một đống lửa ngay trong ngôi chùa và một pho tượng Phật bằng gỗ đã bị mất.
Vị sư trụ trì kêu lên:
– Bức tượng đâu rồi?
Vị thiền sư nọ bèn chỉ vào đống lửa và nói:
– Trời lạnh quá, tôi run cả người.
Vị sư trụ trì nói:
– Thầy có mất trí không? Thầy có hiểu mình đang làm gì không? Đó là tượng Phật. Thầy đã đốt Đức Phật!
Nghe thế, vị thiền sư nọ nhìn vào đống lửa đã tàn và dùng một chiếc que để khều tàn lửa.
Vị sư trụ trì bèn hỏi tiếp:
– Thầy đang làm gì vậy?
Vị thiền sư đáp:
– Tôi đang tìm xá lợi của Đức Phật.
– Rõ ràng là thầy bị mất trí rồi! Đó là một bức tượng Phật bằng gỗ, làm gì có xá lợi mà tìm?
Nghe vậy, vị thiền sư bảo tiếp:
– Đêm vẫn còn dài và trời càng lúc càng lạnh hơn. Sao mình không dùng đến hai bức tượng Phật này luôn nhỉ?
Dĩ nhiên là vị thiền sư đó đã bị tống khứ ra khỏi ngôi chùa ngay lập tức vì theo những người ở đây, con người này quả thật nguy hiểm! Trong lúc bị tống ra khỏi ngôi chùa, vị thiền sư đó bảo rằng:
– Các người đang tống một Đức Phật sống ra khỏi ngôi chùa chỉ vì một bức tượng Phật bằng gỗ sao? Đức Phật sống trong ta đang run rẩy vì lạnh đến nỗi ta phải động lòng từ bi.
Nếu Phật có hiện ra đây thì ngài cũng sẽ làm như ta mà thôi. Ngài sẽ cho ta cả ba pho tượng gỗ kia để dùng. Ta biết như vậy mà. Tận sâu trong lòng ta biết rằng ngài sẽ làm như thế.
Thế nhưng chẳng có ai thèm nghe lấy lời của vị thiền sư nọ. Người ta ném ông ra ngoài tuyết lạnh và đóng sập cửa lại. Sáng hôm sau, khi vị sư trụ trì bước ra ngoài, ông thấy vị thiền sư nọ đang ngồi cạnh một cái cột cây số, trên đỉnh có vài bông hoa và thờ phụng nó. Vị sư trụ trì bèn lại gần và hỏi:
– Thầy đang làm gì thế? Thờ phụng một cái cột đá à?
Vị thiền sư bèn đáp:
– Mỗi khi đến giờ cầu nguyện, ta sẽ tạo ra cho mình một Đức Phật để thờ phụng dù là ở bất cứ nơi đâu, bởi ngài luôn hiện diện ở khắp nơi quanh ta. Cái cột đá này cũng chẳng khác gì bức tượng Phật bằng gỗ bên trong ngôi chùa của ông.
Một lần nữa, tất cả nằm ở thái độ nhìn nhận vấn đề của chúng ta mà thôi. Nếu bạn nhìn sự việc bằng đôi mắt thờ phụng, tôn kính thì mọi thứ đều có thể trở nên thiêng liêng.
Câu chuyện về vị thiền sư Eisai đơn giản và dễ hiểu hơn vì nó thể hiện lòng từ bi của một người đối với mọi người xung quanh. Còn câu chuyện thứ hai có phần phức tạp và khó hiểu hơn vì nó thể hiện lòng từ bi theo chiều ngược lại, tức là hướng vào trong chính bản thân một người. Một người hiểu biết thật sự sẽ dễ dàng thể hiện lòng từ bi hướng ngoại lẫn hướng nội, bởi cả hai thật ra chỉ là một và xuất phát từ cùng một nguồn năng lượng mà ra. Họ hiểu rằng vạn vật, trong đó có họ, đều thiêng liêng. Và họ sống với sự hiểu biết đó.
Khi bạn sống cùng sự hiểu biết đó, trong bạn sẽ tự nhiên tồn tại lòng từ bi. Đừng bao giờ cố gắng để có lòng từ bi, chỉ cần bạn thả lỏng và thiền sâu, tự khắc bạn sẽ trở nên từ bi. Hãy để mình chìm đắm vào trạng thái thiền-buông- bỏ, rồi đột nhiên bạn sẽ cảm nhận được hương thơm của từ bi xuất phát từ sâu thẳm trong con người nội tại. Khi đó, bông hoa thiền định sẽ nở rộ trong bạn, và lòng từ bi sẽ tỏa lan đến khắp mọi thứ xung quanh cuộc sống của bạn. Hãy nhớ rằng thiền là bông hoa còn từ bi chính là hương hoa.
Mọi khát khao đều có cùng một bản chất như nhau
Điểm tương đồng và sự khác biệt của khát khao giúp đỡ mọi người với những khát khao khác là gì?
Bất kỳ khát khao nào thì cũng chỉ là một sự khát khao không hơn không kém. Cho dù đó là khát khao giúp đỡ người khác hay hãm hại người khác thì bản chất của sự khát khao vẫn là một.
Đức Phật không hề khát khao giúp đỡ mọi người. Ngài chỉ đơn thuần giúp đỡ thế nhân một cách tự nhiên mà không hề xuất phát từ một khát khao nào cả. Điều này cũng tương tự như khi một bông hoa nở rộ thì tỏa hương thơm, chứ bản thân bông hoa không hề khát khao tỏa hương theo gió hay bận tâm đến việc liệu con người có ngửi thấy hương thơm đó hay không. Nếu có thì đó cũng chỉ là tình cờ, còn nếu không thì cũng chỉ là tình cờ mà thôi. Tương tự, mặt trời mọc cũng không nhằm để đánh thức con người, để gọi bông hoa nở ra hay giúp loài chim cất tiếng hót vào buổi sáng. Tất cả mọi thứ đều diễn ra một cách tự nhiên, thuận theo bản chất vốn có của nó.
Đức Phật không hề khát khao giúp thế nhân mà ngài làm điều đó vì bản chất từ bi vốn có của mình. Tất cả những ai thiền định thành công cũng đều trở nên từ bi nhưng họ không hề nhắm đến mục đích trở thành “kẻ phụng sự cho nhân loại”. Tất cả những “kẻ phụng sự cho nhân loại” đều là trò lừa bịp, bởi họ dùng lòng từ bi để che đậy khát khao của mình đằng sau đó. Và chính vì tất cả những việc họ làm đều xuất phát từ một khát khao nào đó nên đấy không thể nào gọi là từ bi được.
Khát khao thường đi kèm với sự bóc lột. Dưới danh nghĩa từ bi hoặc những mỹ từ khác, bạn có thể trở thành kẻ bóc lột người khác. Người ta không ngừng nói về việc phụng sự cho nhân loại, về tình anh em, về tôn giáo, về Thượng đế, về chân lý… thế nhưng tất cả những lời nói đẹp đẽ đó đều chỉ tạo ra thêm nhiều cuộc chiến tranh, thêm máu đổ, nhà tan và bao con người bị thiêu sống. Đó là những gì đã và đang diễn ra trên thế giới này, và nếu như chúng ta không giúp mọi người có được cái nhìn mới, hiểu biết hơn thì mọi thứ vẫn sẽ tiếp diễn như thế.
Do đó, điều đầu tiên mà bạn cần ghi nhớ là mọi khát khao đều có cùng một bản chất như nhau, cho dù đó là khát khao giúp đỡ hay hãm hại người khác. Vấn đề cốt lõi không nằm ở sự việc chúng ta mong muốn làm mà ở chính bản chất của sự khát khao. Khát khao sẽ khiến bạn nghĩ ngợi đến tương lai mà kèm theo đó sẽ là những mối bận tâm, căng thẳng vì không biết liệu mình có làm được điều đó hay không, có thành công như mong muốn hay không. Bạn sẽ bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị thất bại và tham vọng thành công. Cho dù đó là khát khao trở nên giàu có, thành đạt hay từ bi cứu rỗi thế nhân thì tất cả cũng chỉ là một với nhiều tên gọi khác nhau mà thôi. Đây là điều cơ bản mà bạn cần nắm vững.
Một người hỏi Đức Phật rằng: “Tôi muốn giúp người, xin ngài hãy chỉ dạy cho tôi cách làm như thế nào?”. Đức Phật nhìn anh ta rồi trở nên buồn bã. Thấy vậy, anh ta hoang mang không biết tại sao và hỏi tiếp: “Tại sao ngài lại trở nên buồn như vậy? Tôi đã nói gì sai chăng?”. Đức Phật bèn đáp: “Làm sao anh có thể giúp người khác được khi còn chưa biết tự giúp mình? Anh sẽ chỉ làm hại họ dưới danh nghĩa giúp đỡ mà thôi”.
Trước hết, hãy thắp lên ngọn lửa trong tâm của bạn, rồi để nó tự thắp sáng nhận thức của mình. Khi đó, bạn sẽ không bao giờ phải băn khoăn tự hỏi như người đàn ông nói trên. Khi đó, tự nhiên bạn sẽ sống cho hiện hữu và tất cả những gì bạn làm đều sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống.
Khát khao mãi vẫn chỉ là khát khao, không hề có sự khác biệt giữa khát khao vật chất hay khát khao tâm linh. Đó là trò chơi của cái tôi cá nhân, bởi bạn sẽ tự cảm thấy mình trở nên thánh thiện hơn kẻ khác thông qua việc giúp đỡ thế nhân. Bạn sẽ cảm thấy mình thông thái hơn kẻ khác bởi bạn hiểu biết, còn họ thì không. Bạn muốn giúp đỡ mọi người vì cảm thấy mình đã đến được bến bờ thông thái, còn kẻ khác thì vẫn đang ngụp lặn trong u mê tăm tối. Bạn muốn trở thành ngọn đuốc soi đường cho mọi người. Bạn muốn trở thành bậc thầy của nhân loại và thu nhận đệ tử. Chính vì thế mà khát khao của bạn không hề mang lại lợi ích cho kẻ khác lẫn cho chính bạn. Ngược lại, nó làm hại cả người khác lẫn chính bạn. Nó là con dao hai lưỡi sẽ làm tổn thương cả người khác lẫn chính bạn.
Khi bạn đạt đến đỉnh cao của thiền định, trong bạn sẽ xuất hiện một sự từ tâm không hề xuất phát từ khát khao, ước muốn đầy tính cá nhân, ích kỷ. Khi mùa xuân đã đến trong nhận thức của bạn, khi nội tâm của bạn đã nở rộ những bông hoa thì hương hoa từ bi sẽ tự khắc lan tỏa ra xung quanh. Khi đó, bạn không cần phải khát khao làm điều đó mà nó sẽ tự động diễn ra ngoài sự kiểm soát của bạn. Ngay cả khi bạn có muốn chặn lòng từ bi thì nó vẫn cứ diễn ra và tìm đến vạn vật xung quanh, trở thành ánh sáng cho cuộc đời và là điềm báo cho một sự khởi đầu mới.
Tất cả không vì bạn khát khao làm điều đó mà chỉ là vì bạn đã được khai tuệ.
Có một pháp thiền Phật giáo tên là Maitri Bhavana, nghĩa là Pháp Quán Từ Bi. Pháp này bắt đầu bằng câu nói với chính mình rằng “Tôi muốn mình được mạnh khỏe, tôi muốn mình được an vui, tôi muốn mình tránh khỏi những chuyện thù nghịch, tôi muốn mình tránh được những ý nghĩ xấu xa có hại cho bản thân”. Sau khi cảm thụ được những điều mà các ý nghĩ này tạo ra cho bản thân, giai đoạn tiếp theo của pháp thiền này là làm thế nào để lan truyền những tư tưởng đó đến người khác mà trước hết là quán tưởng hình ảnh những người bạn yêu thương nhất để gửi đến họ những gì bạn đang cảm nhận, tiếp đến là những người bạn yêu thương ít hơn, cho đến khi bạn cảm thấy có thể thương cảm cho cả những kẻ mà bạn vốn ghét bỏ. Trước đây, tôi từng cảm thấy pháp thiền này giúp tôi mở rộng lòng mình với mọi người. Nhưng rồi tôi không thực hành nó nữa vì tự thấy pháp thiền này có điều gì đó nguy hiểm chẳng khác thuật tự thôi miên. Tuy vẫn cảm thấy đây là một pháp thiền hấp dẫn nhưng tôi không biết liệu mình có nên tiếp tục thực hành nó với một thái độ khác hay là từ bỏ nó. Xin ông vui lòng nói thêm về pháp thiền này, chân thành cảm ơn ông.
Maitri Bhavana là một trong những pháp thiền xâm nhập sâu sắc nhất. Bạn không lo mình đang tự thôi miên bản thân khi thực hành pháp thiền này vì thực chất nó lại là một dạng giải trừ thôi miên. Loài người vốn dĩ đã bị thôi miên từ trước đến nay. Điều quan trọng không còn là câu hỏi bạn có đang bị thôi miên hay không nữa, bởi bạn đã bị thôi miên rồi. Cả tiến trình vận động của xã hội loài người thực chất đã là một hình thức thôi miên. Nếu bạn nghĩ mình khốn khổ thì bạn cũng đang bị thôi miên đó thôi. Hoặc giả bạn nghĩ cuộc sống của mình đang gặp quá nhiều rắc rối thì bạn cũng đang bị thôi miên bởi chính suy nghĩ đó. Bất luận bạn là ai hay là gì thì bạn cũng đã bị thôi miên rồi. Bạn lớn lên với những điều kiện, ý tưởng mà xã hội đã nhồi nhét cho bạn, và giờ đây trong bạn đã chất đầy những điều đó.
Maitri Bhavana là một dạng giải trừ thôi miên bởi mục tiêu của nó là giúp bạn lấy lại tâm trí tự nhiên vốn có của mình. Nó giúp bạn lấy lại diện mạo nguyên thủy, giúp bạn trở về với điểm vốn có mà bạn được sinh ra, khi mà xã hội và những nguyên tắc lẫn ý tưởng của nó chưa bóp méo bạn. Trẻ sơ sinh chính là hiện thân của Pháp Quán Từ Bi. Maitri Bhavana nghĩa là những cảm xúc tuyệt vời về tình yêu, tình bạn và từ bi. Một đứa trẻ khi mới sinh ra chưa hề biết ghét ai, nó chỉ biết đến tình yêu mà thôi. Tình yêu là thứ có sẵn trong nó, trong khi sự hận thù hay căm ghét là những gì mà nó học được sau này. Tương tự, chỉ sau này nó mới biết đến lòng ghen ghét đố kỵ, sự sở hữu, hận thù và bạo lực vốn là những thứ mà xã hội đã dạy cho nó.
Khi mới sinh ra, một đứa trẻ chỉ đơn giản là hiện thân của tình yêu. Chúng buộc phải là như thế vì không thể là một điều gì khác hơn được. Lúc nằm trong bụng mẹ, nó chưa bao giờ phải đối diện với kẻ thù mà luôn được bảo bọc và nuôi dưỡng trong tình yêu thương bao la của người mẹ đến tận chín tháng. Chẳng ai ghét bỏ hay thù hận gì nó. Nó chỉ biết có mẹ và tình thương của bà. Cho đến ngày được sinh ra thì tất cả những gì mà một đứa trẻ từng trải qua chỉ duy nhất là tình thương, bởi thế nó không thể nào biết được thù hận hay căm ghét là gì. Tình thương đó song hành với đứa trẻ khi nó chào đời, tạo nên diện mạo đáng yêu ban đầu của một con người. Theo ngày tháng lớn lên, nó sẽ gặp nhiều trắc trở, thử thách trong cuộc sống và bắt đầu mất niềm tin vào con người.
Có lần tôi được nghe kể lại câu chuyện như sau:
Một người đàn ông đi cùng với một cậu bé vào tiệm cắt tóc. Sau khi đã được phục vụ đầy đủ từ cắt gội, cạo râu đến cắt tỉa móng tay, anh ta bèn đặt cậu bé ngồi vào ghế.
- Tôi chạy đi mua cái cà vạt một chút, sẽ quay lại ngay nhé.
Lát sau, cậu bé đã cắt xong tóc mà anh ta vẫn chưa quay lại. Người thợ thấy vậy bèn nói với cậu rằng:
- Chắc bố cháu quên đón cháu rồi.
- Không phải là bố cháu đâu ạ. Tự dưng chú ấy đến nắm tay cháu và bảo rằng: “Đi nào, con trai. Chúng ta sẽ được cắt tóc miễn phí”.
Trẻ con vốn ngây thơ và luôn tin vào lời của người khác. Tuy nhiên, những lần bị lừa dối, bị người khác đẩy vào tình thế rắc rối sẽ khiến chúng phải phản ứng chống đỡ và theo đó mà trở nên sợ sệt, e ngại với thế giới xung quanh. Dần dà, chúng sẽ học được mọi ngón trò của thế gian và thay đổi. Chúng ta khi lớn lên đều thay đổi để thích ứng với những điều đó.
Maitri Bhavana là một pháp thiền giúp chúng ta giải trừ sự thôi miên của xã hội. Nó giúp chúng ta rũ bỏ hận thù, giận dữ, đố kỵ, ganh ghét và trở về với thế giới ngây thơ ban đầu khi chúng ta đến với trái đất này. Pháp thiền này giúp bạn bắt đầu biết cảm thấy yêu thương bản thân, bởi bạn gần gũi với chính mình hơn bất kỳ ai khác. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu chuyển tải tình yêu, tình bạn, lòng nhân ái từ bi, cảm giác an nhiên, hạnh phúc của mình đến với những người mà bạn yêu thương nhất. Tiếp đến, bạn thậm chí sẽ chuyển tải những cảm xúc tốt đẹp đó đến với những người mà bạn chỉ quý mến, rồi đến những người mà bạn không yêu cũng chẳng ghét, và cuối cùng là đến cả những người mà bạn ghét bỏ. Dần dà, bạn sẽ bắt đầu tự giải trừ thôi miên cho con người của chính mình và tạo ra khối yêu thương bao bọc xung quanh cuộc sống của mình.
Khi Đức Phật ngồi thiền, ngài đã ngồi với tâm thế như thể đang ngồi giữa lòng mẹ đầy yêu thương của năm xưa, chẳng gợn chút thù hận. Ngài đã trở về với cội nguồn bản thể của mình, nhận biết rõ điều cốt lõi trong chính mình.
Người ta có thể giết chết ngài nhưng không thể nào hủy diệt được lòng từ bi trong ngài. Ngài hiểu rằng niềm tin là điều cơ bản quan trọng đến mức khi mất niềm tin, bạn sẽ mất tất cả. Và ngược lại, bạn còn niềm tin nghĩa là bạn còn tất cả. Người ta có thể lấy đi của ngài tất cả nhưng không thể nào lấy đi niềm tin của ngài. Maitri Bhavana là một pháp thiền đẹp và vô cùng hữu ích, bởi thế bạn không nên từ bỏ nó.
Cái tôi của mỗi cá nhân chúng ta là kết quả tạo thành từ lòng sân hận, thù hằn và chống đối. Nếu muốn buông bỏ cái tôi, bạn phải biết yêu thương nhiều hơn. Bởi khi bạn sống với tình thương, cái tôi sẽ biến mất. Khi bạn sống một cuộc đời tràn ngập tình yêu thương vô điều kiện với tất cả vạn vật, cái tôi sẽ không còn chỗ để tồn tại. Cái tôi là thứ ngu xuẩn nhất mà con người từng có. Bạn thậm chí không nhận ra cái tôi quá lớn của bản thân bởi nó đã làm mờ mắt bạn.
Mulla Nasruddin và hai người bạn nói về chuyện mình giống những người nổi tiếng nào.
Người bạn thứ nhất nói:
– Mình có khuôn mặt giống Winston Churchill. Người ta thường nói vậy.
Người bạn thứ hai nói:
– Mọi người thì lại bảo mình giống Richard Nixon và thích chụp ảnh với mình.
Nghe thế, Mulla bèn nói:
– Thế thì có là gì đâu. Mình á, mọi người cứ nhầm tưởng mình là Thượng đế cơ!
Hai người bạn kia đồng thanh hỏi:
– Sao cơ? Mulla đáp:
– Thì lúc mình bị bắt vào tù lần thứ tư, vừa nhìn thấy mình là viên cai ngục đã thốt lên: “Ôi Thượng đế ơi, anh lại vào đây nữa à!”.
Cái tôi khiến chúng ta cảm thấy không có gì quan trọng hơn bản thân mình. Khi bạn yêu một ai đó, bạn sẽ cảm thấy họ quan trọng không kém chính bản thân mình. Và trong tình yêu sâu đậm, người ta thậm chí có thể hy sinh mạng sống cho người mà họ yêu. Khi đó, người khác trở nên quan trọng hơn chính bản thân bạn. Và khi điều đó lan tỏa rộng hơn với Pháp Quán Từ Bi, bạn sẽ cảm thấy dường như mình không còn tồn tại nữa, hay nói đúng hơn là cái tôi của mình đã biến mất. Bạn sẽ trải qua những giây phút cảm thấy mình không còn tồn tại nữa mà đắm chìm trong tĩnh lặng thuần túy. Đó là lúc bạn đã đạt đến đỉnh cao của thiền định là sự giác ngộ. Đức Phật gọi đó là trạng thái vô ngã. Bạn sẽ không còn phải dùng đến từ “tôi” nữa, bởi cái tôi đã biến mất và bạn đã hòa nhập thành một với nhân loại.
Khi một đứa bé được sinh ra, nó không hề biết đến từ “tôi”. Nó chỉ đơn thuần là một tờ giấy trắng không hơn không kém. Cùng với thời gian, xã hội bắt đầu viết lên tờ giấy đó nhiều thứ khác nhau và làm hạn hẹp dần ý thức của đứa trẻ thông qua việc nhào nặn một vai trò riêng biệt cho nó. Từ đó, đứa trẻ đã được “gắn mác” theo tên gọi của một vai trò nhất định và dính chặt với vai trò đó. Điều này khiến cho đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hạnh phúc, bởi chúng ta chỉ hạnh phúc khi được rộng mở tâm hồn đến vô tận. Chỉ khi đó, cả thế gian này mới có thể hòa vào làm một với bạn và bạn mới cảm thấy hạnh phúc thật sự. Tóm lại, Maitri Bhavana là một pháp quán hữu ích.