Quảng trường chính của làng Santpedor.
Các buổi sáng của năm 1979
Trên con đường dẫn tới ngôi nhà mà Pep đã ở suốt thời thơ ấu, ta sẽ bắt gặp một cảnh tượng kỳ vĩ vắt ngang qua thung lũng rộng lớn nơi có ngôi làng nhỏ Santpedor. Không khí rất trong lành, nhưng ta có thể ngửi được mùi đất khô trong gió. Xa xa phía chân trời, Montserrat, ngọn núi “hình răng cưa” mang tính biểu tượng của Catalonia, vươn lên khỏi thung lũng như một tấm hình cắt giấy khổng lồ, tạo thành một bức phông nền hùng vĩ cho ngôi làng mộng mơ nằm cách Barcelona 70 kilomet.
Một trong những ngôi nhà đầu tiên mà ta nhìn thấy ở vùng ven của ngôi làng chỉ có 7.500 nhân khẩu này là nơi ở mới của bố mẹ Guardiola. Do chính tay bố của Pep, một thợ xây, xây nên, ngôi nhà là một khối kiến trúc ba tầng hiện đại nằm ngay sát con đường chính, trong một khu vực nơi những căn nhà mới tỏ ra lạc lõng giữa đa số những căn nhà cũ. Hướng về khu trung tâm của Santpedor, ta sẽ bắt gặp một số nhà máy cũ kỹ gợi nhớ lại giai đoạn phát triển công nghiệp chưa xa của ngôi làng, hoàn toàn tương phản với những cổng vòm đã có từ thời Trung cổ. Santpedor là kiểu làng mà ở đó người ta luôn chào hỏi nhau trên đường, bất kể là có quen hay không. Nếu quen nhau, họ sẽ dừng lại để trò chuyện về những chủ đề đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Những con đường lớn bắt đầu chập lại thành những mê lộ nhỏ hẹp, những con phố có tuổi đời nhiều thế kỷ cùng dẫn tới hai quảng trường chính của Santpedor, Placa Gran và Placa de la Generalitat. Quảng trường thứ hai từng được gọi với cái tên Placa de Berga, nhưng bây giờ thì nó được biết tới nhiều hơn với tên gọi “quảng trường nơi Guardiola ra đời”.
Vào các buổi sáng của năm 1979, một cậu bé tám tuổi gầy gò bước ra khỏi căn nhà số 15 Placa de la Generalitat, rồi tiến thêm mấy bước về phía trung tâm của quảng trường với một quả bóng kẹp dưới nách. Được người trong làng gọi bằng cái tên “Guardi”, thằng bé, với đôi chân khẳng khiu như hai cây sậy, sẽ gọi thêm bạn bè, trong đó có một cô bé tên là Pilar, ra chơi cùng mình. Nó sẽ đá quả bóng vào tường cho tới khi nào bạn bè ra đủ để chia đội thi đấu.
Thời đó chưa có PlayStations, và phố xá cũng không nhiều xe tới mức cần đèn giao thông hay có thể gây nguy hiểm cho đám trẻ con đang mê mải với trò chơi bóng đá đường phố. Pep thường đá bóng trước khi đi học, và trên đường đi học về. Quả bóng lúc nào cũng kè kè bên người. Nó có thể tổ chức một trận đấu vào giờ ra chơi, giờ ăn trưa, trên các con đường lát đá, hay bên vòi phun nước. Nó thậm chí còn chơi bóng trong giờ ăn tối của cả nhà, nhiều tới mức mẹ nó chán chả buồn mắng mà chỉ nói, “Bỏ quả bóng ra năm phút và lại đây ngồi đi!”, như biết bao đứa trẻ và bà mẹ khác ở nhiều thành phố và ngôi làng khác khắp nơi trên thế giới.
Những ngày đó, mọi chuyện dễ chịu hơn rất nhiều; không có nhiều “nghi thức”, ít sự “quan liêu” hơn, như Guardiola vẫn hay nói. Việc duy nhất bạn cần làm là đến quảng trường với một quả bóng và cứ thế chơi cho tới khi trời tối mịt thì nghỉ; đơn giản vậy thôi. Không cần tới một sân bóng đúng chuẩn, không cần tổ chức các trận đấu, và cũng chẳng phải giới hạn thời gian. Không có cột gôn hay lưới, và cũng chẳng có những tấm biển cảnh báo bọn trẻ không được chơi những trò chơi với bóng.
Một cánh cửa garage bằng kim loại được trưng dụng để làm khung thành, và lúc nào cũng nổ ra tranh cãi xem ai sẽ phải về trông gôn. Pilar không bao giờ muốn làm thủ môn; cô bé có lực sút rất tốt và khống chế bóng cũng rất tài tình (sau này, đội bóng đá nữ của làng bên cạnh sẽ được hưởng lợi từ những ngày Pilar chơi bóng với Pep và lũ bạn).
Một tranh cãi thường xuyên khác là đội nào sẽ có Pep. Và dù Pep về đội nào thì chiến thuật cũng chỉ có một: cứ đưa bóng cho Pep để cậu chàng kiểm soát trận đấu. Tất cả bạn bè đều biết rằng cậu giỏi hơn hẳn phần còn lại, rằng cậu có thứ gì đó mà những người khác không có. Cuối cùng, để đỡ phải cãi nhau, bọn trẻ thống nhất Pep sẽ là người được chọn quân cho cả hai đội - để lực lượng hai bên ít nhiều cân bằng. Điều đó cũng có nghĩa là ngay từ khi còn nhỏ, Pep đã tiếp nhận vai trò thủ lĩnh không một chút đắn đo.
Và nếu, trong một trận đấu có thể kéo dài hết cả ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật, một trong các cầu thủ lỡ chân sút hỏng một thứ gì đó ở quảng trường, chỉ cần một cái nhoẻn miệng từ Pep cũng đủ để kéo cậu và lũ bạn ra khỏi rắc rối.
Ngày nay, xe cộ có thể chạy xuyên qua quảng trường, thậm chí đỗ ngay khu trung tâm. Đó không còn là nơi mà bọn trẻ có thể chơi bóng nữa.
Khi Pep trở lại Barcelona để dẫn dắt đội dự bị, người ta thường xuyên bắt gặp anh lang thang trên các con đường ở vùng nông thôn xung quanh Santpedor trong những chuyến “xả stress” chóng vánh ở quê nhà. Pep cũng thường xuyên tìm về với ngôi làng của mình trong thời gian đang cân nhắc, thậm chí là tự tranh cãi với bản thân, xem có nên nhảy từ đội dự bị lên đội Một hay không. Trong bốn năm Pep bận rộn thay đổi thế giới bóng đá với tư cách là huấn luyện viên của đội bóng xuất sắc nhất hành tinh, người ta không mấy khi thấy anh trở lại Santpedor, nhưng hình ảnh của anh vẫn hiện diện ở khắp nơi trong làng. Sân vận động của làng được đặt theo tên anh; nhiều quán bar trang trí bằng ảnh của anh; trên một viên đá ở trung tâm của quảng trường có một bản khắc mà câu lạc bộ cổ động viên địa phương làm ra để thể hiện tình yêu với FC Barcelona - câu lạc bộ này (nhờ Pep) đã có thêm hơn 100 hội viên mới trong vòng bốn năm qua. Bóng đá trẻ phát triển mạnh tới mức các đội bóng ném trong làng bị đẩy vào tình trạng chật vật tồn tại vì thiếu nhân sự. Tất cả trẻ con đều chỉ muốn chơi bóng đá. Và, nếu được hỏi, chúng sẽ nói một cách đầy tự hào rằng chúng đến từ ngôi làng CỦA Guardiolta: Santpedor.
Có một chút Pep ở Santpedor, nhưng rõ ràng là cũng có rất nhiều Santpedor trong Pep. Ở đây người ta trò chuyện với nhau bằng tiếng Catalonia, cũng là thứ ngôn ngữ được sử dụng trên các bảng hiệu và tên đường. Người ta treo Senyera - ngọn cờ riêng của xứ Catalonia - trên các ban công, và trên tường các tòa nhà bỏ hoang là những bức graffiti thể hiện tình yêu của người dân nơi đây với quốc gia (tự trị) của họ, cũng như tinh thần Catalonia mãnh liệt bên trong họ. Ngôi làng thậm chí còn có vinh dự được đặt tên là “Carrer de Barcelona”, một danh hiệu thời Trung cổ mà đi cùng với nó là rất nhiều đặc quyền và ưu đãi về thuế. Santpedor chính là “đường tới Barcelona”, thủ phủ của Catalonia và là điểm đến đã thay đổi cuộc đời của Pep.
Pep là một người Catalonia kiêu hãnh. Những phẩm chất mà Pep tự hào nhất, có giáo dục và bặt thiệp, đều được thừa hưởng từ bố mẹ anh, những thành viên của nhà Guardiola và nhà Sala, những người mà cũng như mọi cặp bố mẹ khác trong làng, đều giản dị và đáng kính. Họ là những người gieo hạt. Hay thực ra hạt giống đã được chính Santpedor gieo từ trước?
Người bạn thân của Pep, David Trueba, nghĩ là cả hai. “Hầu như chẳng ai để ý tới một chi tiết nền tảng là: Guardiola là con của một thợ xây. Với Pep, bố anh - Valentí, chính là hình mẫu về sự liêm chính và chăm chỉ. Anh lớn lên trong một gia đình Santpedor điển hình luôn đề cao những giá trị cũ, những giá trị đã có từ thời bố mẹ chẳng có tiền bạc hay tài sản gì để trao lại cho con cái, ngoài phẩm giá và những nguyên tắc. Nếu định phân tích hay đánh giá Guardiola, anh phải khắc cốt ghi tâm một sự thật rằng bên trong bộ vest bóng bẩy hay chiếc áo len cashmere đắt tiền kia là con trai của một người thợ xây. Những đôi giày Italia xa xỉ không thể làm anh quên đi gốc gác hài cỏ của mình.”
Khi Pep nhớ lại về thời niên thiếu trong ngôi làng của mình, về bố mẹ, về những trận đấu bất tận trên quảng trường, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí anh không phải là một khoảnh khắc cụ thể nào đó, mà là cảm giác hạnh phúc. Đấy là niềm vui ở trạng thái nguyên sơ nhất. Cảm giác ấy vẫn trở lại mỗi khi anh về lại làng để thăm bố mẹ, thăm dì Carmen, bác José, hay bất kỳ người họ hàng nào vẫn còn sống ở Santpedor, và cùng họ ngồi hàn huyên trên quảng trường. Cho đến khi người hâm mộ kéo tới và khiến cho sự yên bình bị phá vỡ.
Trở lại với thời điểm Pep vẫn còn là một cậu nhóc. Khi mặt trời lặn trên quảng trường cũng là lúc Pep trở về nhà. Cậu sẽ để bóng vào một góc riêng trong phòng ngủ của mình, một không gian hết sức khiêm tốn được trang trí bởi không gì hơn ngoài tấm ảnh khổ lớn của Michel Platini, thần tượng của cả thế giới bóng đá thời điểm Guardiola 10 tuổi. Guardiola chưa bao giờ được xem Platini chơi bóng - những ngày đó, truyền hình không thường xuyên phát bóng đá quốc tế - nhưng cậu đã nghe bố và ông nội nói rất nhiều về tài năng của cầu thủ đang chơi cho Juventus, về phẩm chất thủ lĩnh và sức hút của ông. Tất cả những gì Pep được biết về Platini đều là qua lời kể của người lớn, và tất nhiên cả bức ảnh chụp cầu thủ lịch lãm người Pháp khi ông đang nâng niu trái bóng, đầu ngẩng cao để bao quát toàn bộ mặt sân và chọn lựa đường chuyền tiếp theo. Pep ngay lập tức bị phong thái của Platini thu hút. Năm năm sau, một cậu bé nhặt bóng ở Camp Nou có tên Pep Guardiola sẽ tha thiết xin Platini chữ ký sau một trận đấu, để rồi rút ra được một bài học quan trọng về cuộc đời. Nhưng chúng ta sẽ nói tới câu chuyện này sau.
Ở trường dòng của làng, Pep luôn thể hiện mình là một học trò ngoan. Cậu vẫn thường được gọi là tros de pa - nghĩa đen trong tiếng Catalonia là “một mẩu bánh mì”, còn nghĩa bóng là “một đứa trẻ ngoan”. Không chỉ say sưa học hành, Pep còn luôn sẵn lòng hỗ trợ làm các công việc trong nhà thờ. Hành động gần với sự nổi loạn nhất mà Guardi từng làm là trốn đi trong một dịp hiếm hoi bố bảo anh giúp ông xây nhà. Pep có một vẻ ngoài thánh thiện, đó là lý do cậu thường được phân đóng vai thiên thần trong những vở kịch trình diễn dịp Giáng sinh ở làng.
Khi lên bảy, Pep chuyển tới học ở La Salle de Manresa, một ngôi trường Công giáo cách nhà vài dặm. Đó là cuộc thoát ly đầu tiên của Pep. Môi trường mới rất nghiêm khắc, và cậu phải học cách thích nghi thật nhanh. Thầy Virgilio là người dạy cậu những từ tiếng Anh đầu tiên, ngôn ngữ mà sau này Pep có thể sử dụng một cách thuần thục mỗi khi cần đến, thường là trong các buổi họp báo ở Champions League trước sự chứng kiến của báo chí thế giới. Pep cũng dùng được tiếng Ý, bên cạnh, tất nhiên, tiếng Catalonia và tiếng Tây Ban Nha. Ồ, và cả tiếng Pháp nữa.
Ở La Salle, những đặc điểm nổi trội trong tính cách của Pep tiếp tục hình thành và phát triển. Pep tỏ ra là một người khắt khe với bản thân, may mắn sở hữu một sức cuốn hút tự nhiên và bị ám ảnh bởi bóng đá; nhưng trên hết, cậu đã thể hiện mình là một người rất biết lắng nghe, và như một miếng bọt biển, không ngừng hấp thụ kiến thức từ mọi người xung quanh, đặc biệt là những người già. So với bạn bè đồng trang lứa, Pep gầy và cao hơn cả, có thể đó là hệ quả của việc cậu chẳng bao giờ chịu đứng yên một chỗ - ít ra thì đó là điều mà mẹ của cậu luôn nghĩ. Dẫu thế, cậu vẫn luôn là người đầu tiên được các đội trưởng lựa chọn và thường xuyên là người tham gia duy nhất trong trò chơi ưa thích của cậu: tâng bóng. Lý do Pep thường xuyên chơi trò đó một mình là bởi chẳng có ai muốn thi thố với cậu. Đó là hành động quá vô nghĩa - cậu đâu thể bị đánh bại.
Ở một trong những trận đấu như thế tại La Salle, hai tuyển trạch viên của câu lạc bộ Club Gimnàstic de Manresa đã phát hiện ra khả năng của Pep. Họ nhanh chóng bị thu hút bởi tố chất lãnh đạo và khả năng chuyền bóng của “thằng nhóc lòng khòng”. Được sự cho phép của bố, Pep bắt đầu tập luyện ở Gimnàstic, khoảng hai hay ba lần mỗi tuần, và ở đây, cậu nhanh chóng được truyền thụ những nguyên tắc quan trọng: “Không giẫm lên bất kỳ ai, nhưng cũng không được để cho bất kỳ ai giẫm lên mình; luôn ngẩng cao đầu; tối đa hai chạm; giữ cho bóng sát mặt đất.” Nếu bí quyết vàng cho thành công là rèn luyện, Pep đã khởi đầu ở một học viện lý tưởng.
Có lẽ việc một đứa trẻ tới từ ngôi làng của Pep ủng hộ Barcelona là điều hoàn toàn tự nhiên. Cả làng chỉ có duy nhất một cổ động viên của Espanyol, kình địch cùng thành phố của Barcelona. Run rủi thế nào, người cổ động viên đặc biệt đó lại là ông nội của Pep. Gia đình Pep thậm chí còn treo ảnh của Espanyol trong nhà để tưởng nhớ ông. Nhưng tình cảm của người ông không hề ảnh hưởng tới lựa chọn của Pep: “Ông tôi là người tốt bụng nhất thế giới, ông sở hữu một trái tim lớn tới mức tôi cảm giác nó lúc nào cũng muốn bật ra khỏi lồng ngực. Ông là người rất giàu lòng trắc ẩn, nên ông thấy mình gần như có nghĩa vụ phải ủng hộ những đội nhỏ hơn, những đội yếu hơn. Trong ngôi làng của chúng tôi, không có thêm bất kỳ cổ động viên Espanyol nào ngoài ông.”
Một đồng đội của Pep ở Gimnàstic có một người họ hàng sở hữu vé mùa của FC Barcelona. Có lần, Pep hỏi anh ta rằng liệu một hôm nào đó cậu có thể mượn nó để tới Camp Nou xem bóng đá được hay không. Và thế là vào năm 1981, cậu bé 10 tuổi Pep Guardiola lần đầu tiên được đặt chân vào sân bóng kỳ vĩ ấy, trong trận đấu giữa FC Barcelona và Osasuna ở La Liga. Con phố dẫn tới sân biến thành một dòng sông người, và mỗi người lại vẫy không ngừng một lá cờ Barcelona. Pep đã được trải qua “một cảm giác khó tin” của niềm vui, sự phấn khích, của việc được trở thành một phần của cái gì đó lớn lao, một kiểu giác ngộ. Ngồi trên hàng thứ bảy của khán đài bắc, ngay phía sau và hơi chếch một chút so với khung thành, cậu thì thầm với bạn những lời mà có lẽ hàng nghìn đứa trẻ đã nói trước đó: “Tớ sẵn sàng trả tiền triệu để có thể được chơi trên sân bóng đó vào một ngày nào đó.”
Thực tế, trong khi còn ở Gimnàstic, Pep đã có cơ hội chơi một vài trận giao hữu với các đội trẻ của FC Barcelona. Những trận đấu ấy đã mang tới cho cậu nhiều bài học giá trị liên quan tới những hạn chế của chính cậu và của đội bóng. Pep là cầu thủ giỏi nhất trong đội Gimnàstic ấy, nhưng cậu cảm thấy có rất nhiều cầu thủ khác cũng như cậu, thậm chí giỏi hơn, đang khoác trên người chiếc áo xanh-đỏ của FC Barcelona.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, ông Valentí giấu cậu con trai mười một tuổi của mình để âm thầm điền vào một mẫu đơn được đăng trên một tờ báo thể thao: đơn đăng ký tham gia thử việc ở Barca. “Bên Barcelona muốn gặp con đấy”, ông nói với con trai vài ngày sau đó, trong sự ngạc nhiên tột độ của thằng bé. Tất nhiên là Pep, trong tâm trạng căng thẳng và với một thân hình vẫn còn rất mảnh khảnh, tới thử việc. Cậu đã chơi tệ. Và cậu biết điều đó. Đêm ấy cậu không thể nào ngủ được. Người ta gọi cậu trở lại vào ngày tiếp theo nhưng cũng chẳng khá hơn là bao. Trong buổi thử việc, Pep được xếp chơi ở vị trí của cầu thủ tấn công biên; cậu thiếu cả tốc độ lẫn sức mạnh để có thể tỏa sáng. Nhưng cậu vẫn còn một cơ hội nữa. Lần này, huấn luyện viên xếp cậu chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Đột nhiên Pep trở thành một con người khác. Trái bóng như bị hút về phía cậu, và từ đó, cậu có thể tổ chức các pha tấn công hay kiểm soát nhịp điệu. Thế là quá đủ.
Barcelona quyết định chọn cậu. Nhưng ông Valentí giữ kín thông tin này, cho tới khi ông chắc chắn rằng Barcelona là lựa chọn tốt nhất cho con. Ông và Dolors, mẹ của Pep, đều cảm thấy lo lắng khi chứng kiến những chuyến đi căng thẳng và đáng sợ tới Barcelona đã có tác động tiêu cực thế nào tới tinh thần của Pep; khi trở về nhà, cậu bé trở nên lầm lì hơn, lúc nào cũng tỏ ra bất an và chuyện ăn uống cũng lộn xộn. Sau khi thảo luận với vợ, ông Valentí quyết định từ chối lời đề nghị của Barcelona. Họ tin rằng Pep còn quá trẻ để tới La Masia, quá non nớt để có thể sống một mình xa gia đình, và chưa đủ mạnh mẽ để có thể thi thố hay đương đầu với các thách thức.
Mấy năm sau đó, bóng đá vẫn là phần chủ đạo trong nhịp sống của gia đình Guardiola. Họ thường xuyên di chuyển tới Manresa và các vùng khác trong khu vực để Pep, lúc này đã được mang băng đội trưởng của Gimnàstic, chơi các trận đấu ở giải vô địch và các trận giao hữu. Giấc mơ Barca có vẻ như đã bị lãng quên.
Vài năm sau, FC Barcelona lại gọi điện cho gia đình Guardiola. Ông Valentí nhấc máy và lắng nghe lời đề nghị của họ.
“Chúng ta cần phải nói chuyện”, ông nói với con trai sau một buổi tập với Gimnàstic. Cả gia đình, gồm vợ chồng ông và Pep, lúc này đã mười ba tuổi, quây quần bên bàn ăn tối. Người bố cố gắng giải thích, theo cách tốt nhất có thể, với cậu con trai tuổi teen rằng bên ngoài ngôi làng và ngôi trường Công giáo của cậu, còn có một cuộc sống khác; ông cố chuẩn bị tâm lý cho cậu trước những điều có thể xảy ra khi cậu rời nhà; rằng việc học phải là ưu tiên; rằng tới Barcelona là bước vào một thế giới mới mà ở đó mức độ yêu cầu, trách nhiệm và kỳ vọng đều cao hơn một bậc. Cho tới thời điểm đó, trong đời Pep, bóng đá chỉ đơn thuần là một trò chơi. Nhưng, như lời ông Valentí nói lúc ấy, Pep đang có cơ hội thay đổi cuộc đời và kiếm sống được từ môn thể thao mà cậu yêu thích, ở đội bóng mà cậu ngưỡng mộ.
Pep hiểu hết những điều bố muốn nói, và cậu cũng hiểu mình có thể được gì và mất gì trong chuyện này. Pep từng quyết định rằng nếu Barcelona không trở lại với một đề nghị, cậu sẽ từ bỏ giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, bởi vì cậu không thể chịu đựng việc bị từ chối thêm một lần nào nữa. Nhưng Barca đã trở lại thật. Quyết định cuối cùng đã được đưa ra. Pep Guardiola đang chuẩn bị rời nhà và bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân thuộc; cậu đang chuẩn bị chuyển tới một thành phố lớn, và ở đó cậu sẽ làm tất cả những gì có thể để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cậu chuẩn bị bước vào hành trình theo đuổi giấc mơ chơi bóng cho FC Barcelona.
Đứa trẻ nhảy khỏi giường tầng ở La Masia, Barcelona
Một buổi tối đầu tháng 8, cuối những năm 1980
Không lâu sau khi nhận được cuộc gọi từ Barcelona, Pep, cùng với bố mẹ và em trai Pere, tới thăm các cơ sở của Barcelona ở La Masia, một nông trang cũ được cải tạo thành nơi ở cho các học viên trẻ đến từ các khu vực ngoài Barcelona. Nằm trên tầng hai của chiếc giường tầng, Pep mở cửa sổ của căn phòng mà cậu chia sẻ với bốn bạn khác; cửa vừa mở ra, Pep đã không kìm được mà hét toáng lên, “Wow, mẹ ơi, nhìn kìa! Ngày nào con cũng sẽ mở cái cửa sổ này để có thể nhìn ngắm Camp Nou!”
Khi chuyển tới La Masia, cậu không mang theo tấm poster có hình Platini mà cậu dùng để trang trí cho căn phòng của mình. Dù Pep có nhận ra hay không, bóng đá đã rẽ sang một hướng mới, nhưng, với Pep, nó vẫn chỉ là một trò chơi. Mỗi khi nhìn lại, Pep đều không cho rằng những ngày đầu tiên của anh ở câu lạc bộ là giai đoạn khó khăn về mặt tình cảm, dù anh thừa nhận rằng việc phải bỏ lại sau lưng tất cả những gì mà anh biết, trong đó có tất cả những người bạn thân, là điều rất khó khăn với một cậu bé mới mười ba tuổi. Chỉ sau một đêm, Pep bỗng thấy những mối liên kết gia đình bị đứt đoạn, đồng thời xuất hiện những mối quan hệ mới cần được thiết lập và củng cố. Thi thoảng, vào buổi tối, cậu sẽ xuống tầng trệt của trang viện cũ và dùng điện thoại trả tiền để gọi về cho bố mẹ. Nhưng không giống như nhiều đứa trẻ khác phải trải qua cảnh nhớ nhà khủng khiếp, bởi vì chúng ở quá xa gia đình, những cuộc gọi của Pep diễn ra không thường xuyên bởi vì hầu hết các ngày cuối tuần, cậu sẽ được trở về ngôi làng của mình, vốn chỉ cách khoảng một giờ chạy xe. Bây giờ anh vẫn kể về giai đoạn ấy như là quãng thời gian giúp anh mở rộng tầm mắt, đầy những điều mới mẻ, những khám phá, và ngay cả những thiếu thốn cũng giúp anh trưởng thành nhanh chóng hơn. Chính việc bị chia cắt với gia đình và bạn bè đã khiến anh và đồng đội trở nên kiên cường hơn.
Bố anh lại nhớ về thời gian ấy theo kiểu khác: “Mỗi lần gọi điện là thằng bé lại nức nở trong điện thoại; nó thường khiến cho trái tim của chúng tôi tan nát.”
Ký ức quả là thích trêu đùa. Cuộc sống căng thẳng, mệt mỏi trên cương vị huấn luyện viên của Pep đã tạo ra một hiệu ứng thú vị: những ký ức tuổi trẻ như bị viết lại, và anh bắt đầu nhìn về quãng thời gian trước đây với một tâm trạng có sự đan xen giữa nỗi u buồn và lòng ghen tị với sự vô tư không bao giờ có thể tìm lại được. Rõ ràng là bây giờ anh đã quên tất cả những ký ức đau đớn nhất - những điều tồi tệ đã bị “ghi đè lên” bởi những điều tốt đẹp. Nhưng cũng chính anh một thập kỷ trước đã viết rằng đôi lúc anh cảm thấy “bơ vơ” giữa “Ngôi Nhà Lớn”, cách mà bọn trẻ dùng để gọi trụ sở của Barca. Câu lạc bộ đã cho Pep và các cầu thủ trẻ khác mọi thứ mà chúng cần, đặc biệt là “tình cảm và sự bình yên trong tâm hồn khi biết rằng bất kỳ lúc nào tôi cần, họ sẽ lập tức có mặt để ngăn không cho những rắc rối của tôi cản lối những giấc mơ của tôi. Và thực tế đó - rằng họ luôn sẵn lòng có mặt bên chúng tôi - quan trọng với tôi tới mức tôi không bao giờ thôi biết ơn họ, và luôn tự nhủ rằng tôi sẽ không bao giờ có thể báo đáp hết được.”
Một ngày của các cậu bé ở La Masia bắt đầu với bữa sáng có sữa chua, ngũ cốc, bánh mì, mứt và sữa. Không giống như đứa trẻ khác cùng thế hệ, các cầu thủ trẻ ở La Masia được phép giải trí bằng cách xem chung một chiếc TV được hẹn giờ để tắt vào đúng mười một giờ mỗi tối. Nhưng lũ trẻ còn tìm được những trò tiêu khiển hay ho hơn nhiều so với các chương trình truyền hình được phát trên TV. Mỗi khi đêm xuống, bất chấp “lệnh giới nghiêm”, Pep và các bạn cùng phòng sẽ tập trung trước cửa sổ và cùng nhau thưởng thức một trong những “đặc sản” của khu vực: cảnh những cô gái bán hoa lượn lờ tới lui trên con phố dẫn tới những cánh cổng của La Masia. Nhưng theo thời gian, rồi lũ trẻ cũng quen với sự có mặt của họ tới mức chẳng thèm quan tâm nữa.
Những tiếng nức nở trên giường ngủ cũng trở thành một phần trong “bản giao hưởng” mỗi tối, nhưng Pep nhanh chóng nhận ra rằng khóc lóc chẳng hề khiến cậu cảm thấy tốt hơn. Nói gì thì nói, cậu và các bạn cũng đang được sống trong giấc mơ của mình. Thế nên tốt hơn cả là tập trung vào những gì mình cần phải làm, mà trong trường hợp của Pep, gồm cả việc tham gia một chương trình cải thiện thể chất, bởi vì các huấn luyện viên, dù thấy rõ tiềm năng của Pep, luôn cảm thấy lo lắng về khổ người mảnh khảnh của cậu.
Pep có thể nói về bóng đá không ngừng trong những chuyến đi dài tới các vùng khác nhau của Catalonia để thi đấu - cũng chính những chuyến đi đó đã giúp cậu hiểu biết nhiều hơn về quê hương của mình. Cậu không ngừng học hỏi từ những gì mà cậu thấy xung quanh, từ các đội bóng khác, từ các huấn luyện viên, hay những đồng đội lớn tuổi hơn. Một lần nọ, Pep rủ thêm mấy đồng đội của mình thực hiện lại một tình huống phối hợp đá phạt mà cậu nhìn thấy trong một trận đấu của đội B vào cuối tuần trước đó. Pha phối hợp đó dẫn tới bàn thắng, và huấn luyện viên của họ đã hỏi: “Ý tưởng này là của ai? Các con lấy nó từ đâu?” “Từ các anh lớn ạ”, cậu bé mười lăm tuổi Pep Guardiola dõng dạc trả lời. Đó là La Masía - một ký túc xá của đại học bóng đá, nơi ranh giới giữa cầu thủ và huấn luyện viên thường bị xóa mờ.
“Trẻ con thì đứa nào cũng chỉ muốn chơi bóng đá, sống cùng bóng đá, và La Masía là nơi cho phép chúng làm điều đó”, Pep nhớ lại. “Bất kỳ thời gian nào trong ngày cũng là lý tưởng để ôm lấy trái bóng và tổ chức nhanh một trận đấu, hoặc để đi xem những cầu thủ khác tập luyện như thế nào. Thi thoảng, khi được đề nghị tới La Masía để nói chuyện, tôi thường hay yêu cầu bọn trẻ trả lời câu hỏi: “Mỗi tối, khi các cháu chuẩn bị đi ngủ, hãy tự hỏi xem liệu mình có yêu bóng đá hay không; mình có sẵn sàng bật dậy, ngay lúc đó, ôm lấy trái bóng và chơi thêm một lúc hay không.” Nếu câu trả lời là “không”, thì đó là thời điểm thích hợp để bắt đầu tìm kiếm một việc gì đó khác để làm.
Sống trong một ngôi trường bóng đá còn có những lợi ích khác. Lũ trẻ ở La Masía luôn có cơ hội trở thành những khán giả đặc biệt ở Camp Nou nếu được giao nhiệm vụ phát tờ rơi trong những ngày diễn ra trận đấu, hoặc, may mắn hơn nhưng cũng phải chờ đợi lâu hơn, trở thành những cậu bé nhặt bóng. Có một bức ảnh trong đó chàng trai trẻ Pep đang ở trên sân và hớn hở vỗ tay trong lúc một vài cầu thủ Barcelona đang công kênh huấn luyện viên Terry Venables sau khi FC Barcelona đánh bại Gothenburg để giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp C1 năm 1986.
Cũng trong vai trò của một cậu bé nhặt bóng, Pep đã học được một bài học ngoài dự kiến trong lúc chờ đợi thần tượng Michel Platini ra sân để khởi động trước một trận đấu giữa Barcelona và Juventus. Cậu nhóc đã mơ về thời khắc này trong nhiều tuần; đó chính là cơ hội đầu tiên để cậu có thể nhìn thấy người hùng thời thơ ấu của mình bằng xương bằng thịt. Cậu cũng đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch hoàn hảo để có được chữ ký của Platini. Thủ sẵn bút và giấy trong túi quần, Pep định sẽ tiếp cận ngôi sao người Pháp khi anh ta bước sang phần sân đối diện để khởi động với các đồng đội - cậu biết đó là cơ hội duy nhất để cậu xin được chữ ký của Platini mà không gặp rắc rối. Cabrini, Bonini, Brio lần lượt bước ra sân, và sau đó là Michael Laudrup. Nhưng Platini thì chẳng thấy đâu. Hóa ra siêu sao người Pháp không phải lúc nào cũng ra sân để khởi động với toàn đội. “À”, Pep nghĩ, “tức là không phải tất cả mọi cầu thủ đều được đối xử công bằng; hóa ra họ chẳng hề giống nhau.” Bút và giấy thế là vẫn nằm yên trong túi.
Tấm poster của Platini mà Pep không mang theo tới La Masía vẫn ở yên trong phòng ngủ của cậu ở Santpedor thêm một vài năm nữa, nhưng dần dần một cầu thủ khác, người này dễ tiếp cận hơn hẳn, đã chiếm được vị trí trung tâm trong trái tim của Pep. Đó là Guillermo Amor, tiền vệ tương lai trong đội hình của Johan Cruyff, người lớn hơn Pep bốn tuổi và cũng là một “cư dân” của La Masía.
“Ở thời điểm em bắt đầu để ý tới mọi việc mà anh làm, em mới có mười ba tuổi”, Pep viết về Amor cách đây một thập kỷ, trong cuốn tự truyện của anh có tựa đề My People, My Football. “Em không chỉ theo dõi tất cả các trận đấu của anh, mà còn các buổi tập nữa; em luôn để ý tới thái độ của anh, bởi vì anh đối xử với mọi người cứ như thể cuộc sống của anh phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ với những người ấy. Các buổi thực hành bóng đá của em thường diễn ra vào lúc 7 giờ tối ở sân bên cạnh; nhưng em thường đến sớm hơn hai tiếng để có thể học ké lớp học lý thuyết trên sân số 1: em muốn xem anh di chuyển như thế nào, động viên các đồng đội ra sao, xem cách anh xin bóng, cách anh lắng nghe và giành được sự tôn trọng của tất cả mọi người xung quanh. Hôm nay em muốn bày tỏ sự biết ơn với anh vì tất cả những khoảnh khắc mà anh đã mang đến cho bọn em ở La Masía ngày ấy, dù là trên sân số 1, trong các bữa ăn, trong phòng thay đồ, trong những ngày nghỉ, lúc ở khách sạn khi phải làm khách, hay thậm chí là trên truyền hình.”
Mỗi khi Amor trở về sau một trận đấu sân khách với đội B - lúc đó có cả Tito Vilanova, trợ lý và là người kế vị của Pep trên cương vị huấn luyện viên trưởng ở Camp Nou trong tương lai - Pep sẽ quấn lấy anh để hỏi về tỉ số và lối chơi mà đội đã thể hiện. “Bọn anh thắng” là câu trả lời quen thuộc. Trong vòng vài năm tiếp theo, Amor, người mang trên mình tất cả những giá trị mà một cầu thủ của Barcelona phải có, trở thành một người anh lớn đối với Pep, lúc đó đã hiểu được rằng định hình giá trị của câu lạc bộ không phải là gạch vữa ở sân hay ở khu tập luyện, mà chính là ADN bóng đá mà những người như Guillermo chia sẻ. Bởi thế nên khi Pep đưa ra những quyết định lớn đầu tiên với tư cách huấn luyện viên trưởng của Barcelona, quyết định bán Ronaldinho và Deco hay chấp thuận bổ nhiệm Amor vào vị trí giám đốc bóng đá trẻ, mong muốn của anh là trả lại tầm ảnh hưởng trung tâm trong phòng thay đồ về tay những cầu thủ do câu lạc bộ tự đào tạo.
Guardiola vẫn là một cậu thiếu niên lòng khòng với lượng cơ hạn chế, một thể trạng trái ngược với một cầu thủ bóng đá lý tưởng. Nhưng trong cái khó bao giờ cũng ló cái khôn, vì không có đủ tốc độ và sức mạnh để vượt qua đối thủ, Pep đã thay năng lực thể chất bằng năng lực trí óc. Dần dần trong cậu hình thành một khả năng nhận biết không gian có một không hai. Cậu có thể loại bỏ ba cầu thủ đối phương chỉ bằng một đường chuyền, có thể tùy ý làm cho sân bóng rộng ra hay hẹp đi, để trái bóng luôn luôn phải di chuyển nhiều hơn cầu thủ. Thông thường khi bọn trẻ bắt đầu chơi bóng, chúng sẽ muốn học cách rê dắt. Guardiola thì không: cậu học cách chuyền trước.
La Masía, bây giờ đã được dùng với một nghĩa khác, để chỉ hệ thống đào tạo trẻ của Barcelona, đã và không bao giờ thiếu tài năng. Đó là kết quả của một quá trình theo đuổi và phát triển kéo dài suốt hơn ba thập kỷ một phong cách bóng đá đang được cả thế giới tán tụng. “Nhiều người nghĩ nó cũng giống như công thức của Coca-Cola”, nhà báo người Catalonia Ramón Besa viết, “có thể hiểu là một công thức bí mật để tạo ra thành công.” Trên thực tế, chẳng có gì là bí mật. Tất cả bắt nguồn từ một ý tưởng đơn giản nhưng mang tính cách mạng: kiểm soát bóng, phối hợp, phòng ngự bằng cách tấn công và không ngừng tìm kiếm lối vào khung thành đối thủ; xem việc tìm ra những tài năng lớn nhất bất chấp những hạn chế về hình thể là yếu tố then chốt của quá trình tuyển chọn. Ngoài ra còn phải đề cao chất lượng kỹ thuật và đảm bảo các cầu thủ trẻ thấu hiểu mọi khía cạnh của trò chơi. Đó là một triết lý dựa trên kỹ thuật và tài năng, không hơn, không kém. “Tôi không bao giờ quên điều đầu tiên mà các thầy nói khi tôi tới Barca lúc nhỏ”, tiền vệ của Barca Xavi Hernández nói. “Ở đây, các cậu không bao giờ được phép để mất bóng.”
Mô hình Barcelona là kết quả của việc câu lạc bộ luôn theo đuổi bóng đá đẹp (trong những năm 1950, đội bóng xứ Catalonia đã chiêu mộ một loạt ngôi sao người Hungary gồm Ladislao Kubala, Sándor Kocsis và Zoltán Czibor, những thành viên trụ cột trong đội hình đội tuyển xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm đó) và cũng là của những ý tưởng mang tính cách mạng được mang tới bởi hai người đàn ông: Laureano Ruíz và Johan Cruyff. Laureano là một huấn luyện viên rất ương ngạnh. Chính ông là người, vào những năm 1970, đã tạo ra ở Barcelona một chương trình tập luyện chuyên biệt dựa hoàn toàn vào tài năng và kỹ thuật, và tới mùa thứ hai ở câu lạc bộ, đã có thể thuyết phục tất cả các đội trẻ cùng theo chương trình này. Dưới thời Cruyff, kiểm soát bóng trở thành quy tắc đầu tiên và quan trọng nhất. “Nếu ta có bóng, đối thủ sẽ không có và không thể tấn công ta được”, Cruyff nhắc đi nhắc lại mỗi ngày. Nghĩa là, nhiệm vụ bây giờ chính là tìm kiếm những cầu thủ có khả năng giữ bóng, có ý thức và sự linh hoạt về vị trí.
Trên tất cả, La Masía, như mọi lò đào tạo chất lượng khác, luôn hướng tới việc giúp các thành viên phát triển cả về kỹ năng bóng đá lẫn khía cạnh con người, và gieo vào họ một cảm giác gắn kết, một sự định danh mạnh mẽ, như Xavi giải thích: “Đâu là điều quan trọng nhất ở đội Barcelona này? Phần lớn chúng tôi đều đi ra từ ‘Ngôi Nhà Lớn’ - từ đây, đây là đội bóng của chúng tôi, nhưng ‘chúng tôi’ ở đây không chỉ có các cầu thủ, mà cả các huấn luyện viên, các bác sĩ, các chuyên gia trị liệu, những người làm các công việc không tên nữa. Tất cả chúng tôi đều là culés, đều là cổ động viên của Barca, chúng tôi là một gia đình, luôn bên nhau, cùng nhau chinh phục những thử thách theo cách của riêng mình.”
Bất chấp thực tế rằng từ năm 2001, trang viện cũ này đã không còn được dùng để làm nơi ở cho học viên nữa, cuộc cách mạng khởi phát từ đây ba thập kỷ trước vẫn tiếp tục và đạt tới đỉnh cao cùng sự xuất hiện với tư cách huấn luyện viên trưởng đội Một của Guardiola, người luôn đặt niềm tin vào những “sản phẩm” hoàn thiện nhất của La Masía. Năm 2010, La Masía trở thành học viện đầu tiên đào tạo ra ba cầu thủ cùng có mặt trên bục podium trong cùng một lễ trao giải Ballon d’Or là Andrés Iniesta, Lionel Messi và Xavi Hernández.
“Tôi đã trải qua những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời ở La Masía”, Pep nhớ lại. “Đó là quãng thời gian tôi chỉ phải tập trung vào một giấc mơ duy nhất không thể bị thỏa hiệp mà tôi từng có: chơi bóng cho đội Một Barca. Cảm giác lo lắng phải thể hiện đủ tốt để được Johan Cruyff chú ý tới có thể được diễn tả ra thành lời. Không có khát khao đó, không ai trong chúng tôi có thể được như ngày hôm nay. Vinh quang là chuyện khác. Tôi đang nói tới tình yêu bóng đá và cảm giác được kỳ vọng thôi.”
Ngay cả khi Pep đã xoay xở để vượt qua được sự thiếu hụt về thể chất và lọt vào tầm chú ý của các huấn luyện viên, cậu vẫn còn thiếu bước đi quyết định: được triệu tập vào đội Một. Nhưng khi Johan Cruyff cần một số bốn, một người dẫn dắt lối chơi cho đội bóng từ vị trí phía trước hàng thủ, vị huấn luyện người Hà Lan không mảy may bận tâm tới thể trạng mỏng mảnh của Pep. Ông cho triệu tập cậu bởi ông có cảm giác rằng cậu có thể đọc trận đấu và biết chuyền bóng.
Vào cái ngày tháng 5 năm 1989 ấy, Pep đã phải bỏ lại hết, kể cả cô bạn gái mà cậu vừa mới quen, vơ vội bộ đồ thi đấu và cùng đội Một lên đường để chơi một trận giao hữu ở Banyoles. Đột nhiên, hoàn toàn ngoài dự tính, chàng trai trẻ có màn ra mắt đội Một Barcelona. Lúc đó anh mười tám tuổi. Nếu có lúc nào đó Pep hi vọng rằng vị thế mới của mình có thể gây ấn tượng với cô bạn gái, thì cảm giác ấy cũng không tồn tại lâu. Cruyff tỏ ra vô cùng thất vọng với màn ra mắt của anh. “Cậu còn chậm hơn cả bà nội tôi nữa” - vị huấn luyện viên nói với anh trong giờ nghỉ. Theo thời gian, Pep dần hiểu được phương pháp mà Cruyff thường sử dụng khi chỉ trích các cầu thủ. “Khi ông tấn công anh mạnh mẽ nhất, khi anh cảm thấy tệ hại nhất, đó là lúc ông giúp anh nhiều nhất. Nhưng vì đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi với một huấn luyện viên, người lại rất quan trọng với tôi, những gì ông nói tác động tới tôi sâu sắc đến mức tôi không bao giờ có thể quên được.”
“Chậm hơn cả bà nội của tôi” - những từ đó đánh dấu sự bắt đầu của một trong những mối quan hệ bền chặt và giàu ảnh hưởng nhất trong lịch sử bóng đá.
Một buổi tập. Camp Nou.
Sáng muộn, mùa đông năm 1993
Theo những nguyên tắc Johan Cruyff định ra ở Barcelona, các huấn luyện viên cần phải là những người có khả năng thị phạm. Họ cần phải biết chơi bóng, luôn có mặt trên sân trong các buổi tập và thường xuyên đưa ra những chỉ dẫn, bởi vì chẳng có gì hiệu quả hơn việc dừng trận đấu lại để sửa lỗi, hướng dẫn, để giải thích vì sao cần phải chuyền bóng tới cầu thủ kia, di chuyển tới vị trí đó hay thay đổi một yếu tố nào đấy trong kỹ thuật của họ. Carles Rexach, người đã làm trợ lý cho Cruyff suốt tám năm ở Barcelona, đúc kết: “Một từ của Johan trong một buổi tập có giá trị hơn hàng trăm giờ giảng giải trước bảng đen.”
Phong cách huấn luyện ấy được Pep sao chép lại và hiện tại vẫn đang áp dụng vào các buổi tập của mình; nhưng với một cầu thủ trẻ, uy danh của Cruyff có thể biến ông thành một người khó nói chuyện. Vị thế biểu tượng của Cruyff cùng với niềm tin tuyệt đối của ông vào những phương pháp và ý tưởng của chính mình thường tạo ra một kiểu giao tiếp gần như là áp đặt.
Vào một ngày nhiều nắng nhưng lạnh, trên một sân bóng nằm xen giữa La Masía và Camp Nou, Cruyff quyết định nhắm vào Guardiola. “Hai chân!” - ông gào lên về phía cậu học trò. Laudrup và những người khác cười ồ lên. “Hai chân, hai chân!” Ông cố gắng giúp Pep loại bỏ nỗi sợ hãi cái chân trái của chính mình. Nếu anh nhận bóng bằng chân trái, anh có thể, chỉ bằng một cái chạm khẽ, chuyển nó sang chân phải, và tung ra một đường chuyền. Và ngược lại. Vấn đề với Pep là anh cảm thấy không thoải mái. “Hai chân, nhóc!” Cruyff vẫn không ngừng gào lên.
Johan Cruyff chính là người có nhiều ảnh hưởng với Guardiola nhất: ông vừa là vị huấn luyện viên gắn bó với Pep lâu nhất (sáu năm), vừa là người mà Pep yêu quý và tôn trọng nhất. Cruyff còn là người trao cho anh cơ hội được chơi bóng trong màu áo đội Một Barcelona; theo chiều ngược lại, Pep cũng chính là mẫu cầu thủ mà Cruyff đã tìm kiếm - một chân chuyền chơi ngay phía trước hàng phòng ngự, người có thể tạo ra nền tảng để từ đó bắt đầu mọi pha tấn công của Barcelona. Ông cũng dạy các cầu thủ của mình cách theo kèm một cầu thủ đối phương, dạy họ phải biết tập trung tấn công vào những điểm yếu của đối thủ trong khi phát huy hết những điểm mạnh của mình; hay nói cách khác, cách chiến đấu trong những trận chiến mà mình có thể thắng. Pep thực sự được mở mắt. Dưới sự chỉ bảo của Cruyff, anh biết rằng với thể trạng của mình, anh không thể đánh bại một tiền vệ trung tâm to lớn và mạnh mẽ trong các cuộc không chiến, vì thế, thay vì cố thi nhảy cùng anh ta, Pep sẽ đợi. Phương châm của Cruyff là: “Đâm đầu vào làm gì? Hãy duy trì khoảng cách, phán đoán xem anh ta sẽ đánh đầu đưa trái bóng về đâu và chờ tới khi nó nảy xuống. Trong khi anh ta nhảy nhót lung tung, các anh hoàn toàn nắm quyền kiểm soát.” Nhưng với Pep thì mọi chuyện không dễ dàng như thế, ít nhất là trong thời gian đầu. Sau khi ra mắt trong trận đấu với Banyoles, Guardiola đã phải chờ thêm mười tám tháng trước khi có cơ hội chơi cho đội Một thêm một lần nữa, dù người ta không phải không biết tới những gì anh thể hiện trong màu áo đội B. Vào mùa hè năm 1990, Barcelona cần một tiền vệ trung tâm mới sau khi Luis Milla, người thường chơi ở vị trí đó, chuyển sang Real Madrid, còn Ronald Koeman thì chấn thương. Cryff và trợ lý Charly Rexach đề nghị câu lạc bộ mua Jan Molby của Liverpool. Ông chủ tịch hỏi về những phương án thay thế, và Rexach gợi ý Guardiola. Cruyff hầu như không còn nhớ gì về màn ra mắt đáng thất vọng của Pep, nên ông quyết định xuống đội B xem anh chơi bóng.
Thật không may, vào cái ngày mà Cruyff tới xem, Pep lại dành nguyên trận đấu trên băng ghế dự bị. “Anh bảo với tôi là cậu ta hay lắm, vậy mà cậu ta thậm chí còn không ra sân!” - ông gào lên với Rexach. “Tôi hỏi ai là cầu thủ giỏi nhất ở các đội trẻ. Ai cũng nói đó là Guardiola, nhưng hôm nay cậu ta thậm chí còn không khởi động. Tại sao lại thế, nếu cậu ta là người giỏi nhất?”
Cruyff tỏ ra giận dữ. Có người nói với ông rằng Pep không đủ sức mạnh, và rằng ở vị trí của anh, huấn luyện viên thường ưu tiên sử dụng những cầu thủ khỏe hơn, nhanh hơn hay năng động hơn. Đáp lại, Cruyff lạnh lùng: “Một cầu thủ giỏi không cần phải là người to khỏe.”
Và sau đó là một quyết định đã góp phần định hình lịch sử của câu lạc bộ.
Ngày đầu tiên được triệu tập trở lại tập luyện với vị huấn luyện viên người Hà Lan, Pep đến sớm, đầy háo hức. Khi mở cửa phòng thay đồ, anh thấy một số cầu thủ đang đứng bên cạnh Cruyff và Angel Mur - chuyên gia trị liệu của đội, đồng thời cũng là một người truyền bá những nguyên tắc, lịch sử và ý tưởng của Barcelona. Pep bước vào, đầu cúi thấp. Rồi anh cứ đứng yên đó chờ đợi được chỉ bảo. “Đây là ngăn tủ của cậu. Thay đồ đi”, Cruyff bảo. Không có thêm bất kỳ lời nào.
Vào ngày 16 tháng 12 năm 1990, Pep, lúc đó mười chín tuổi, có màn ra mắt chính thức ở La Liga trong trận đấu với Cádiz ở Camp Nou, là trận đấu mà thần tượng đồng thời là người thầy của anh, Guillermo Amor, bị treo giò. Ít phút trước giờ bóng lăn, Pep chịu một đợt tấn công hoảng loạn: mồ hôi chảy ròng ròng, tim thì đập với tốc độ một nghìn dặm một giờ. “Bàn tay tôi ướt nhẹp mồ hôi, còn cả người thì căng cứng.” Rất may là lần này đợt tấn công đó qua đi rất nhanh. Nhưng có những lần khác, cơ thể của Pep đã hoàn toàn phản bội anh, khiến cho anh phải chịu tiếng là hay bỏ cuộc trước một trận đấu lớn. “Cậu ta thực sự sống cùng trận đấu, thực tế là hơi quá”, Rexach nhớ lại. Ở tuổi mười chín, Pep Guardiola đã được sánh ngang trong đội hình xuất phát với những Zubizarretta, Nando, Alexanco, Eusebio, Serna, Bakero, Goiko, Laudrup, Salinas và Txiki Beguiristain - những cái tên sẽ cùng nhau tạo nên một trong những giai đoạn rực rỡ nhất lịch sử câu lạc bộ trong một thời gian rất ngắn nữa thôi. Hôm đó, họ đánh bại Cádiz với tỉ số 2-0.
Màn ra mắt chính thức của Guardiola đánh dấu một khoảnh khắc có thể xem là bước ngoặt của câu lạc bộ; lịch sử Barcelona có thể chia làm hai nửa, trước và sau màn ra mắt ấy. Dù Laureano Ruíz là huấn luyện viên đầu tiên thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới việc chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo trẻ ở Barca, chính Cruyff mới là người thực sự xác lập ý tưởng lớn, hay triết lý, và chẳng có ai đại diện cho sự chuyển tiếp ấy tốt hơn Guardiola. Pep là người khởi dựng nên di sản về một vị trí gần như là thần thánh ở Barca: vị trí số bốn (xuất phát từ vị trí số năm ở Argentina, là tiền vệ chơi ở phía trước hàng thủ, người vừa phải phòng ngự lại vừa phải tổ chức tấn công). Đúng là Luis Milla đã chơi ở vị trí ấy trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên Cruyff, nhưng Guardiola mới là người đã nâng nó lên một tầm cao mới.
Pep chỉ chơi có ba trận cho đội Một trong mùa giải ra mắt, nhưng tới mùa giải tiếp theo, Cruyff quyết định đặt anh chàng Guardiola mảnh khảnh vào vị trí trung tâm trong đội bóng lịch sử của ông, và khi làm điều đó, ông đã thiết lập một hình mẫu lối chơi và định nghĩa một vị trí. Vị trí số bốn ở Barcelona đã có những thay đổi với tốc độ như tốc độ thế giới bóng đá chuyển dịch sang một phong cách chơi giàu tính thể chất hơn, và La Masía đã lần lượt cho ra lò những cầu thủ như Iniesta, Fàbregas, Thiago Alcantara và cả Mikel Arteta, chứng minh di sản của Guardiola là lâu bền.
“Guardiola buộc phải thông minh”, sau này Cruyff nói. “Lúc đó cậu ta chẳng có lựa chọn nào khác. Cậu ta có đôi chút giống tôi. Anh phải có rất nhiều kỹ thuật, di chuyển trái bóng thật nhanh, cố gắng tránh va chạm - và để tránh va chạm, anh buộc phải có khả năng quan sát tốt. Đó là một hiệu ứng domino. Rồi dần dần anh sẽ có cái nhìn sắc bén về những chi tiết, về vị trí của các cầu thủ. Anh có thể áp dụng điều này khi là cầu thủ cũng như khi là huấn luyện viên. Guardiola đã học theo cách đó - vì có một thể trạng như thế - và cậu ta đã rất may mắn khi có được một huấn luyện viên từng có những trải nghiệm tương tự.”
Sau khi đã ổn định ở đội Một, Pep nhận được một lời khuyên tuyệt vời từ Rexach, và anh vẫn thường nhắc lại nó với các tiền vệ: “Khi cậu có bóng, cậu nên đứng ở một phần sân mà từ đó cậu có thể chuyền bóng cho bất kỳ cầu thủ nào trong số mười cầu thủ còn lại; rồi sau đó, hãy xác định lựa chọn tốt nhất.”
Guardiola đã nhiều lần nói rằng nếu anh là một cầu thủ mười chín tuổi ở Barcelona ngày nay, anh sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, bởi vì anh quá mỏng người và quá chậm. Cùng lắm, như anh hay nói, anh chỉ có thể chơi bóng cho một đội nào đó ở hạng ba. Điều đó có thể đúng ở thời điểm cách đây một thập kỷ và có thể cũng đúng ở nhiều đội bóng hàng đầu ngày nay, nhưng không đúng với FC Barcelona, ở thời điểm này. Dải chuyền bóng và tốc độ tư duy nhanh của anh hoàn toàn phù hợp với đội bóng mà anh huấn luyện, và đừng quên cả những kỹ năng lãnh đạo của anh nữa. Những ngày còn thi đấu, anh nhanh chóng cho mọi người thấy rằng anh không chỉ chuyền bóng cho các đồng đội, anh còn thường xuyên nói chuyện với họ nữa.
“Đơn giản thôi, Michael!” - một lần, chàng trai trẻ hai mươi mốt tuổi Guardiola hét lên với Laudrup, người lúc đó đã là một siêu sao tầm quốc tế. Trước đó, cầu thủ người Đan Mạch đã cố gắng đi bóng qua ba cầu thủ đối phương ở quá gần vạch giữa sân - mất bóng ở khu vực đó là quá nguy hiểm. “Thế mới là đơn giản”, Michael trả lời với một cái nháy mắt sau khi thực hiện pha bóng thành công. Nhưng anh biết chàng trai trẻ đó nói đúng. Chỉ bảy tháng sau ngày ra mắt, Pep không chỉ là một cầu thủ thường xuyên đá chính, mà còn là một thủ lĩnh với tầm ảnh hưởng lớn lao trong đội hình Barca xuất sắc nhất trong lịch sử, ít nhất là cho tới trước năm 2008, với bốn chức vô địch La Liga liên tiếp từ năm 1991 tới 1994.
Mùa 1991-92, Barcelona giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp C1 với Sampdoria ở Wembley. Với Pep, cả trên cương vị một culé lẫn một cầu thủ, đó là sự hiện thực hóa giấc mơ. Đội bóng của anh chưa bao giờ giành được danh hiệu đó.
Đêm trước trận đấu, trong buổi tập cuối cùng ở London, tiền đạo Julio Salinas và Pep tranh cãi về số bậc thang dẫn tới ban công nổi tiếng của sân vận động cổ kính đó, nơi người ta sẽ trao cúp cho nhà vô địch. “Có ba mươi mốt bậc, tôi khẳng định thế”, Pep khăng khăng. Với anh, tính chính xác là rất quan trọng, vì anh không nuốt trôi nổi những câu chuyện mang màu sắc thần thoại hay những nghi thức trong bóng đá. Salinas thì lại thích khiến cho Pep phát điên lên, nên trước sau chỉ nhất mực phủ định những gì mà anh nói. Zubizarreta, lúc ấy là thủ môn, không thể chịu nổi cuộc tranh cãi thêm một phút nào nữa: “Cách tốt nhất để giải quyết chuyện này là thắng trận đấu ngày mai! Các cậu có thể đếm số bậc thang trong lúc bước lên bục nhận giải, thế được chứ?”
Mười bảy tháng sau ngày ra mắt, vào ngày 20 tháng 5 năm 1992, đúng như kỳ vọng, Guardiola thấy tên mình xuất hiện trong đội hình xuất phát cho trận chung kết châu Âu. Trước khi cùng nhau tiến ra sân, Johan Cruyff chỉ nhắn nhủ các học trò một câu đơn giản: “Hãy ra đó và tận hưởng trận đấu.” Đó là một phát ngôn thể hiện toàn bộ triết lý bóng đá của Cruyff và là trung tâm trong những nguyên tắc của ông; nhưng với nhiều người, sự đơn giản của nó, trước một trận đấu quan trọng như thế, có thể bị xem là một sự sỉ nhục với nghề huấn luyện viên.
Khi các cổ động viên Barcelona, các cầu thủ và các quan chức của họ đang ăn mừng một cách điên dại sau khi Ronald Koeman ghi bàn từ một pha đá phạt trực tiếp trong những giây cuối cùng của hiệp phụ thứ hai, ít nhất có một người mang trên mình chiếc áo của Barca đang mải bận tâm tới một điều khác. Giữa lúc cả sân vận động như muốn nổ tung trong khi các cầu thủ Barcelona lần lượt nâng cao danh hiệu vẫn được gọi với biệt danh “Đôi Tai Cũ”, Zubi âm thầm tiến về phía Guardiola và nói: “Cậu sai rồi, nhóc, có ba mươi ba bậc thang cơ. Tôi vừa đếm rồi, từng bậc một.”
“Ciutadans de Catalunya, ja teniu la copa aquí” (Hỡi những người Catalonia, cúp về đây rồi), Pep Guardiola gào lên từ ban công của cung điện Generalitat ở Barcelona, nơi đặt các văn phòng của Chính phủ Catalonia. Việc những người hùng trở về Barcelona giới thiệu danh hiệu C1 đầu tiên với toàn thành phố ở chính nơi mà gần mười lăm năm trước, cựu Tổng thống Catalonia, Josep Tarradellas, đã nói một câu tương tự để thông báo sự trở về sau thời gian đi đày (“Ciutatans de Catalunya, ja soc aquí” - “Hỡi những người Catalonia, ta đã về đây”) không hề là một sự trùng hợp vô tình. Guardiola, biểu tượng Catalonia trong đội bóng, trong câu lạc bộ, hiểu rõ tầm quan trọng của sự kiện FC Barcelona đăng quang danh hiệu siêu cường châu Âu. Từ bây giờ, câu lạc bộ đã xác lập được vị thế biểu tượng của cả quốc gia.
“Tôi sẽ không bao giờ quên được buổi tối hôm ấy ở Wembley, đó chính là ký ức tuyệt vời nhất của tôi. Không khí tiệc tùng còn kéo dài tới cả các trận đấu tiếp theo ở Liga”, Guardiola nhớ lại. Chỉ sau đó vài ngày, Barcelona, với hàng tiền vệ được dẫn dắt bởi chàng trai trẻ Pep, đã giành chức vô địch quốc gia lịch sử một cách đầy kịch tính. Vào ngày cuối cùng của mùa giải, Real Madrid hành quân tới Tenerife với tư cách đội đầu bảng; họ sẽ giành chức vô địch nếu thắng, điều mà với nhiều người là gần như hiển nhiên. Nhưng sau khi dẫn trước 2-0 trong hiệp một, Madrid đã chơi tệ hại trong hiệp hai và rồi thua trận, đồng nghĩa với việc tự tay dâng chức vô địch cho đại kình địch Barcelona.
Đó là giai đoạn Cruyff đang cố gắng biến một câu lạc bộ mà trước năm 1992, đã thu được những thành công trong nước nhưng lại không thể hiện được mình ở sân chơi châu lục, thành một quyền lực bóng đá của thế giới. Thực tế, những gì mà Cruyff làm được còn hơn cả việc tạo ra một hình mẫu bóng đá độc nhất vô nhị. Ông còn thách thức các cổ động viên Barcelona đối mặt với những nỗi sợ hãi của họ để vượt qua tâm lý nạn nhân, vốn đã là một thành tố thường trực trong sự định danh câu lạc bộ kể từ đầu thế kỷ. Đội bóng này, là tập hợp của những tài năng xuất sắc như Ronald Koeman, Hristo Stoichkov, Romário, Michael Laudrup, Andoni Zubizarreta, José Mari Bakero, và tất nhiên là với Pep Guardiola thao túng mọi việc từ hàng tiền vệ, gắn liền với thứ bóng đá đẹp mắt nhưng hiệu quả, nhanh nhưng mượt mà, và dần dần được biết đến với biệt danh “Dream Team” (đội bóng trong mơ).
Năm 1992 tiếp tục trở thành một năm kỳ diệu với Pep trên tư cách cầu thủ, khi mà không lâu sau thành công ở Cúp C1, anh thấy mình đang ăn mừng chiến tích giành Huy chương Vàng ở Thế vận hội Barcelona. Nhưng Guardiola lại có những kỷ niệm không mấy vui vẻ với đội tuyển quốc gia: “Thời gian đó với tôi như cát trượt qua các kẽ tay”, anh nhớ lại.
Đội tuyển Olympic Tây Ban Nha được triệu tập một tháng trước khi giải đấu bắt đầu ở một trại tập luyện cách Barcelona khoảng 700km, gần Palencia ở phía bắc Tây Ban Nha. Ở đó, theo Pep, anh đã hành xử “như một thằng đần”. “Tôi có thể nói thẳng như thế bởi vì đó chính xác là những gì mà tôi cảm thấy khi nhớ lại việc tôi tự tách mình khỏi tập thể và biến mình thành một kẻ ngoài cuộc như thế nào. Tôi không có ý muốn hòa nhập, cũng chẳng thể hiện được tinh thần đoàn kết mà những thành viên của một đội bóng có chung mục tiêu cần phải làm. Các đồng đội của tôi dù tốt đến mấy thì ít nhất cũng đã cho rằng tôi là một kẻ ích kỷ, một tên ngốc. Cuối cùng, khi tỉnh cơn mê, tôi lại có thể tận hưởng niềm vui chơi bóng với một đội tuyển gồm toàn những cầu thủ tuyệt vời, những người mà tôi đã có thể thiết lập nên những tình bạn bền vững tồn tại cho tới tận bây giờ. Tình bạn ấy chính là một thắng lợi, và nó cũng có giá trị chẳng kém gì chiếc Huy chương Vàng mà chúng tôi giành được.” Một vài trong số những thành viên của đội Olympic Tây Ban Nha đó - Chap Ferrer, Aberlardo, Luis Enrique (lúc đó ở Real Madrid), Alfonso và Kiko - rồi đây sẽ cùng nhau tạo thành bộ khung của đội tuyển quốc gia trong vòng một thập kỷ tiếp theo.
Cũng mùa hè ấy, Guardiola bị gán cho một tiếng xấu: anh bị cho là hơi lạ lùng, hơi khác biệt so với một cầu thủ bình thường. Đó là cái mác mà anh đã không làm cách nào rũ bỏ được. Nếu việc anh tự tạo khoảng cách với phần còn lại của đội tuyển khiến một số người cảm thấy khó chịu, thì sự nghiêm túc mà anh thể hiện trong các trận đấu và khi tập luyện lại khiến những người khác cảm thấy sợ hãi, bởi vậy lại khiến cho anh trở nên cách biệt hơn với những kẻ không có nhu cầu tìm hiểu bóng đá một cách thực sự. José Antonio Camacho, huấn luyện viên đội tuyển của Pep trong ba năm, đồng tình với quan điểm này. “Tôi xem Guardiola thuộc mẫu người bí ẩn. Từ cách anh ấy ăn mặc - tuyền một màu đen - tới việc anh ấy đôi lúc trở nên hết sức trầm mặc, lúc nào cũng phân tích, suy nghĩ việc này, việc kia: tại sao chúng ta thắng, tại sao chúng ta thua, tại sao anh ấy lại để mất bóng. Đôi khi sự ám ảnh của anh ấy trở nên thái quá.”
Cũng trong năm ấy, khả năng chọn ra đường chuyền chuẩn nhất, khả năng thiết lập nhịp điệu của trận đấu, chạm bóng một nghìn lần mỗi trận nhưng mỗi lần không quá một giây, và niềm tin vào phong cách chơi bóng mà Cruyff xây dựng, của Guardiola đã được công nhận ở quy mô thế giới với danh hiệu Trofeo Bravo dành cho cầu thủ trẻ triển vọng nhất châu Âu.
Anh thăng tiến với tốc độ tên lửa: chỉ sau có hai năm từ ngày ra mắt, anh đã được thừa nhận là cầu thủ đẳng cấp thế giới. Những năm tiếp theo, Pep tiếp tục giành thêm những chức vô địch quốc gia liên tiếp. Nhưng rồi cú trượt chân lớn đầu tiên xuất hiện, mà với Pep, nó dạy anh nhiều bài học hơn bất kỳ một thắng lợi nào. Đó là ngày 18 tháng 5 năm 1994. Dream Team hùng mạnh được đánh giá là cửa trên trong trận chung kết Champions League với Milan của Fabio Capello ở Athens. Thất bại 4-0 trở thành một miếng bánh khiêm tốn dành cho Barcelona, một bài học về những tác hại của việc trở nên quá tự tin, thậm chí tới mức tự mãn. Tệ hơn cả, nguyên nhân của thất bại không phải là ở khả năng phòng ngự hay ở chiến thuật, mà là tinh thần. Tất cả chỉ vì thiếu sự chuẩn bị: “Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng mình chuẩn bị đá với một nhóm ô hợp. Chúng tôi bước ra sân với niềm tin rằng chúng tôi là đội mạnh hơn, thế rồi họ vả vào mặt chúng tôi bốn phát. Sự vượt trội của họ rõ ràng tới mức tôi chỉ muốn trận đấu kết thúc càng nhanh càng tốt”, Pep viết về trận đấu nhiều năm sau đó.
Sau kỷ nguyên vàng 1990-94, Cruyff càng ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc tìm ra những giải pháp cũng như công cụ khích lệ mới để giải quyết những vấn đề của đội bóng, dẫn tới việc vị huấn luyện viên người Hà Lan đưa ra những quyết định lạ lùng trong hai mùa cuối cùng ở câu lạc bộ. Một trong số đó cho thấy sự nhạy cảm của Pep. Khi thủ thành Zubizarreta, đội trưởng, thủ lĩnh, người mà Guardiola xem như anh trai, bị Cruyff yêu cầu rời câu lạc bộ, Pep bị sốc nặng. Anh cố kìm nén cho tới buổi tối cả đội tập trung trong một nhà hàng để tri ân người đàn ông mà họ vẫn trìu mến gọi bằng cái tên “Zubi”. Giữa chừng, Pep biến mất và khi được tìm thấy, anh đang đứng một mình trong góc tối, nước mắt chảy thành dòng. Chỉ Zubi mới có thể an ủi được anh.
Tới năm 1994, Guardiola đã khẳng định được mình với tư cách là nhà đạo diễn lối chơi của Barca. “Nhiệm vụ của tôi là di chuyển trái bóng tới các khu vực khác nhau trên sân để đồng đội của tôi có thể dứt điểm”, anh nói. Sự ra đi của Zubizarreta đã biến Guardiola thành thủ lĩnh mới trong đội; anh chịu trách nhiệm truyền đạt lại những chỉ đạo của Cruyff cả trong lẫn ngoài sân bóng.
Nhưng cũng có đôi khi, dù hiếm thôi, anh quên mất vai trò của mình là gì. Anh xem bóng đá là một môn thể thao đồng đội, nhưng tình yêu với nó đã biến anh thành một fan hâm mộ vô điều kiện của những cầu thủ xuất sắc nhất. Sự ngưỡng mộ của anh đặc biệt được dành cho những cầu thủ kỳ diệu có khả năng biến các trận đấu thành những màn trình diễn. Khi Romário mới gia nhập câu lạc bộ, Cruyff muốn cầu thủ người Brazil cùng ông và Pep, đội trưởng của đội, ra ngoài ăn tối. Vị huấn luyện viên đã bị sốc khi thấy sự ngưỡng mộ, thậm chí là sùng kính, mà Pep dành cho cầu thủ tân binh. Tới mức tranh thủ khi Romário đi vào nhà vệ sinh, Cruyff đã phải nhắc nhở Pep chớ có hành động như một thằng nhóc mười lăm tuổi vô tình gặp phải thần tượng nữa.
Thật không may, chất lượng của đội hình đã xuống cấp rõ rệt sau đêm định mệnh đó ở Athens. Với mười một danh hiệu, Cruyff chính là huấn luyện viên thành công nhất của Barcelona (sau này Pep sẽ vượt qua ông), và ông vẫn là huấn luyện viên có thời gian tại vị dài nhất. Tuy nhiên, trong hai mùa giải cuối trước khi ra đi vào năm 1996, ông không giành thêm được danh hiệu nào và bị cuốn vào cuộc chiến công khai, gay gắt với chủ tịch câu lạc bộ, Josep Lluís Nuñez.
Trong mùa giải cuối cùng nắm đội (1995-96), Cruyff mua Luís Figo từ Sporting Lisbon, nhưng kết quả trên sân vẫn không được cải thiện là bao. Cái kết đã được báo trước ngay khi Barca chính thức hết cơ hội vô địch La Liga, ở thời điểm mùa giải còn hai trận nữa, và ngay sau khi họ bị Bayern Munich loại ở vòng bán kết UEFA Cup và bị Atlético de Madrid đánh bại trong trận chung kết Cúp Nhà Vua. Mối quan hệ giữa Cruyff với Chủ tịch Nuñez đã tới mức không thể hàn gắn, và cuối cùng thì chuyện gì phải đến cũng đến vào ngày 18 tháng 5, ngay trước buổi tập cuối cùng chuẩn bị cho trận sân nhà cuối cùng của FC Barcelona, với Celta Vigo. Sau một cuộc tranh cãi gay gắt giữa Cruyff với Phó Chủ tịch Joan Gaspart trong văn phòng của huấn luyện viên trưởng ở Camp Nou, người đàn ông đã dẫn dắt Barcelona tới thời kỳ thành công nhất trong lịch sử bị sa thải.
Vị huấn luyện viên người Hà Lan dù thế nào cũng sẽ không tiếp tục sau khi mùa giải kết thúc, nhưng ông vẫn muốn ở lại cho tới hết mùa và ra đi một cách đường hoàng trong mùa hè. Mâu thuẫn với những người đứng đầu đã tước cơ hội đó khỏi tay ông, và việc ông phát hiện ra rằng câu lạc bộ đã có động thái bổ nhiệm Sir Bobby Robson làm người thay thế mình càng khiến cho ông có cảm giác bị sỉ nhục. Trong cả giai đoạn biến động ấy, Guardiola chọn cách hành xử như phần lớn các cầu thủ vẫn làm - đứng từ xa quan sát trong khi mọi thứ lần lượt đổ vỡ.
Trong trận đấu đầu tiên của kỷ nguyên hậu Cruyff, sân Camp Nou ngập tràn những băng rôn thể hiện sự ủng hộ với vị huấn luyện viên người Hà Lan, cảm ơn ông vì tất cả những thành công mà ông đã mang tới cho câu lạc bộ. Đội bóng bị chia làm hai nửa, giữa một bên là những người ủng hộ Cruyff và bên kia là những người ủng hộ Nuñez. Cuối cùng, ngay cả người đàn ông đã thay đổi cả lịch sử của Barcelona cũng không thể trụ vững dưới áp lực khủng khiếp ở câu lạc bộ, vì những xung đột hậu trường và bởi mối quan hệ ngày càng tệ đi với ban lãnh đạo. Cruyff đã ra đi, nhưng một trong những di sản trường tồn nhất của ông thì vẫn ở lại, dưới hình hài của Pep Guardiola, chàng tiền vệ trung tâm mảnh khảnh đã trở thành cả biểu tượng lẫn hiện thân cho những triết lý mà vị huấn luyện người Hà Lan mang tới.
Ở vị trí của Cruyff bây giờ là Sir Bobby Robson, huấn luyện viên sáu mươi ba tuổi vui tính, người nhanh chóng được các trụ cột trong đội đặt cho biệt danh “Grandad Miquel”, theo tên của ngôi sao trong đoạn quảng cáo về một loại rượu giá rẻ. Robson không bao giờ hiểu được tiếng Tây Ban Nha cũng như các cầu thủ của ông, nhưng nói gì thì nói, ông đã phải chịu đựng những so sánh bất công với bậc thầy người Hà Lan, người mà cái bóng có thể che mờ bất kỳ ai.
Một trong những buổi tập đầu tiên của Sir Bobby Robson ở Camp Nou. Sáng muộn, 1996
Vào một buổi sáng, không lâu sau khi tới Barcelona, Sir Bobby Robson dùng một mẩu phấn vẽ nguệch ngoạc chiến thuật mà ông muốn triển khai lên sàn phòng thay đồ, trong khi José Mourinho ở bên cạnh đều đặn dịch những gì ông nói từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha. Các cầu thủ trao cho nhau những cái nhìn ngơ ngác trong khi trước mặt họ, ông già khốn khổ đang vừa quỳ vừa vẽ những ký hiệu chẳng ai hiểu nổi lên sàn. Chính ở thời điểm đó, ngay khi triều đại của Sir Bobby Robson vừa mới bắt đầu, vị huấn luyện viên người Anh đã đánh mất phòng thay đồ. Từ đó về sau, các cầu thủ đã âm thầm phát triển một hình thức tự quản lý giữa họ với nhau. Thường thường, Mourinho sẽ dịch những lời của Robson, rồi thêm vào những hướng dẫn bổ sung, rõ ràng hơn; thỉnh thoảng, ý bổ sung còn vượt cả ý chính. Pep và José nhanh chóng bắt được sóng của nhau, và rồi họ kết nối, chuyện trò và tự đưa ra những quyết định liên quan tới việc huấn luyện. Có thể chuyện này không xảy ra thường xuyên như José vẫn thích kể trong các câu chuyện của ông, nhưng có lẽ nó xảy ra thường xuyên hơn so với thừa nhận của Pep.
Guardiola từng viết trong cuốn My People, My Football rằng: “Charly Rexach luôn nói rằng để có thể trở thành một huấn luyện viên, anh phải dành 30% để nghĩ về bóng đá và phần còn lại về tất cả những gì xung quanh đội bóng. Tôi chỉ hiểu điều đó trong mùa giải Robson làm việc với chúng tôi. Tôi tới từ một trường phái bóng đá khác. Tôi quá quen với những phương pháp của Cruyff tới mức tôi cho rằng tất cả huấn luyện viên đều giống như ông. Robson thì lại cho rằng chúng tôi cần phải khác đi và đó không phải là những gì mà tôi mong đợi. Ông ấy đã đúng, nhưng trước khi nhận ra điều đó, chúng tôi đã mất ba hay bốn tháng gì đó. Quá trễ! Trong bóng đá, anh cần phải dũng cảm. Luôn luôn dũng cảm. Chỉ cần mở mồm ra phàn nàn là coi như chúng tôi đã chết. Chúng tôi phải hành động, trong khi không bao giờ được phép quên đi cam kết hướng tới một mục đích chung. Cả Robson lẫn các cầu thủ đều cùng chiến đấu vì một mục đích: Barca. Nhưng tới thời điểm suy nghĩ của chúng tôi và của ông ấy gặp nhau, mọi chuyện đã trở nên quá muộn.”
Pep cho rằng khái niệm “tự quản lý” chỉ là cách người ngoài tự hiểu về những gì xảy ra dưới thời Robson. Nhưng nói như Pep dễ gây hiểu nhầm, bởi vì thực sự đó chính xác là những gì đã xảy ra. Vào giờ nghỉ giữa hai hiệp của trận chung kết tranh Cúp Tây Ban Nha 1997 với Real Betis, Sir Bobby Robson ngồi một mình trong một góc của phòng thay đồ ở Bernabéu. Tỉ số vẫn đang là 1-1 và các cầu thủ Barcelona muốn nắm lấy tiên cơ, tấn công vào những điểm yếu mà họ đã phát hiện ra bên cánh trái của hàng phòng ngự Betis, đồng thời khai thác những khoảng trống giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ của đối thủ. Các cầu thủ, chứ không phải huấn luyện viên, trao cho nhau những chỉ dẫn, với sự can thiệp từ Mourinho. Trận đó Barcelona thắng 3-2 sau hiệp phụ để giành danh hiệu thứ ba - Cúp Tây Ban Nha, Siêu Cúp Tây Ban Nha, Cúp C2 - trong một mùa giải đã khắc sâu vào tâm trí của nhiều người với hình ảnh Ronaldo nhảy múa xung quanh hay xuyên qua các hàng phòng ngự ở La Liga.
Sự tự tin của Guardiola đã tăng lên đáng kể, thể hiện rõ nhất qua cách anh liên tục đặt ra các câu hỏi (Tại sao chúng ta lại làm việc này? Tại sao chúng ta không bắt đầu phát triển theo hướng này, hướng kia? Tại sao chúng ta không di chuyển những cầu thủ kia về vị trí đó trong khi trái bóng đang ở hướng khác?). Một biểu hiện là anh không ngại đưa ra những lời khuyên cho đồng đội. “Tôi phát bệnh với Pep, trong phòng thay đồ, hắn ta có thể dành cả ngày để hỏi về cái này hay nói về cái kia. Hắn khiến tôi ong hết cả đầu!” Laurent Blanc, người chơi cho Barcelona trong thời gian Sir Bobby Robson nắm đội, nói. Cầu thủ người Pháp thời gian ấy tỏ ra không mấy ấn tượng với “sự nhẫn nại” của Pep, một cách nói lịch sự để miêu tả cái tính bị ám ảnh thái quá của anh.
Chức vô địch La Liga đã lảng tránh Barcelona và những màn ăn mừng cứ thưa thớt dần rồi im hẳn khi mùa giải trôi về cuối. Tâm trạng đã không tốt lại còn tồi tệ hơn sau khi Sir Bobby Robson phát hiện ra rằng mới đến tháng Tư, câu lạc bộ đã đạt được thỏa thuận mời Louis van Gaal về tiếp quản Camp Nou từ mùa giải tiếp theo.
Với Guardiola, đó là một cơ hội để học hỏi từ vị kiến trúc sư đã tạo ra một tập thể Ajax vô cùng thành công mà anh hết sức ngưỡng mộ. Nhưng rồi bi kịch ập xuống.
Đầu mùa giải tiếp theo, trong trận đấu với đội bóng Latvia, Skonto FC ở Champions League vào tháng 8, Guardiola dính một chấn thương cơ và chấn thương này đã không được kiểm tra, chữa trị cho tới khi quá muộn. Anh chỉ nhận ra có điều gì đó không ổn khi trên đường tới một cửa hàng đặc sản, anh vất vả lắm mới chạy được sang bên kia đường trước khi đèn cho người đi bộ bật đỏ. Cứ tưởng chỉ là một chấn thương cơ bắp chân bình thường, hóa ra vì nó mà Pep đã mất gần trọn mùa giải 1997-98. Anh tìm tới hết chuyên gia này tới chuyên gia nọ trong một hành trình gần như là bất tận để tìm hiểu chính xác điều gì đang xảy ra. Phải tới cuối mùa giải đó - là mùa giải mà Barcelona giành cú đúp La Liga và Cúp quốc gia dưới sự chỉ đạo của vị huấn luyện viên trưởng mới - Pep mới được chữa trị đúng cách, nhưng việc phải lên bàn mổ đã khiến anh bỏ lỡ World Cup 1998 trên đất Pháp, kỳ World Cup thảm họa của Tây Ban Nha.
Quá trình hồi phục chấn thương diễn ra chậm chạp và nhọc nhằn. Phải mười lăm tháng sau cú tăng tốc qua đường định mệnh ấy, Guardiola mới có thể chơi một trận cho đội Một Barcelona trong tình trạng không còn bị ám ảnh bởi chấn thương. Lúc ấy, mùa giải 1998-99 đã trôi qua được gần nửa chặng đường: Pep tái xuất vào ngày 5 tháng 12 trong trận đấu với Deportivo La Coruña trên sân Riazor.
Thời điểm ấy, có những kẻ độc mồm độc miệng cho rằng việc Pep dính chấn thương bí ẩn và phải vắng mặt trong thời gian dài đúng lúc van Gaal bắt đầu mùa giải đầu tiên ở câu lạc bộ không phải là một sự trùng hợp đơn thuần, rằng Pep đã cố tình né tránh để không phải làm việc với huấn luyện viên người Hà Lan. Đúng là dù đã giành hai chức vô địch La Liga và một Cúp Tây Ban Nha trong ba năm bão tố của nhiệm kỳ đầu ở Barcelona, van Gaal thường xuyên mâu thuẫn, thậm chí đối đầu với giới truyền thông địa phương. Nhưng từ đó kết luận rằng người hùng của Catalonia, Guardiola, cũng có mối quan hệ không êm đẹp với vị huấn luyện viên người Hà Lan là quá hồ đồ. Van Gaal rất nhanh chóng xác định Pep chính là người thay thế tự nhiên Guillermo Amor trong vai trò đội trưởng, còn Pep cũng rất háo hức được học hỏi từ vị huấn luyện viên mà anh rất ngưỡng mộ. Hai người cũng thường xuyên thảo luận về bóng đá, chiến thuật, lựa chọn vị trí và các dạng bài tập. “Cùng với Juanma Lillo, ông ấy chính là huấn luyện viên mà tôi nói chuyện cùng nhiều nhất. Đặc biệt là trong thời gian đầu, bởi vì càng về sau, mối liên hệ giữa chúng tôi càng giảm đi, cả về số lượng lẫn chất lượng”, Pep nhớ lại.
Đó là một minh chứng cho sự tôn trọng mà hai người họ dành cho nhau. Khi tôi tiếp cận với van Gaal, đề nghị được phỏng vấn đặng yêu cầu ông tiết lộ nhiều nhất có thể về mối quan hệ cá nhân giữa ông với Pep, vị huấn luyện viên người Hà Lan - lúc đó còn đang trong giai đoạn áp dụng lệnh cấm vận với truyền thông - tỏ ra rất thoải mái khi nói về Guardiola, cựu cầu thủ và cựu học trò của ông.
Theo van Gaal, ông nhanh chóng nhận ra rằng, ngay từ khi Pep còn là một cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm, anh đã sở hữu một khả năng lãnh đạo thiên phú, có thể dẫn dắt cả những cầu thủ đồng trang lứa lẫn những bậc đàn anh: “Tôi chọn Guardiola làm đội trưởng bởi vì tôi biết cậu ta có thể nói chuyện về bóng đá. Anh có thể thấy là ngay từ ngày đó anh ta đã là một ‘cầu thủ chiến thuật’. Anh ta, ngay ở thời điểm đó, đã có thể nói chuyện như một huấn luyện viên - không nhiều cầu thủ làm được như thế. Vị trí phù hợp nhất cho Guardiola là số bốn, vị trí ở trung tâm của hàng tiền vệ, bởi từ đó anh ta có thể quan sát toàn bộ thế trận và anh ta sở hữu một cá tính đủ mạnh để có thể thống trị nó. Anh ta trẻ hơn Amor và Nadal, nhưng anh ta là đội trưởng của tôi. Trong một buổi họp khi tôi thông báo cho Guardiola rằng tôi đã chọn anh làm đội trưởng, anh ta nói rằng, ‘Ở FCB, mọi chuyện không diễn ra theo cách ấy, ở đây thường thì cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội cũng chính là đội trưởng.’ Nhưng tôi vẫn quả quyết, ‘Không, cậu là người duy nhất tôi có thể nói chuyện một cách bằng vai phải lứa, cậu chính là đội trưởng của tôi.’ Cậu ta thường bảo những cầu thủ khác như Figo nên đứng ở đâu: phía trước cậu ta, ở hai cánh, nói chung là ở đâu mà cậu ta có thể chuyền bóng được. Pep là một chàng trai rất am tường chiến thuật và cũng là một người tốt, và bởi thế, cậu ta có thể thuyết phục được những đồng đội của mình.”
Khi mối quan hệ giữa người đội trưởng của Barcelona và huấn luyện viên của anh phát triển hơn, vị thế của Pep cũng được nâng lên và anh không chỉ là người truyền đạt những chỉ đạo của van Gaal tới các cầu thủ khác ở trên sân. Hơn thế, anh còn thường xuyên gợi ý những cách tiếp cận khác mà anh cho là có lợi nhất cho đội bóng.
Van Gaal đưa ra một ví dụ về cách hai người phối hợp để cố gắng tìm ra một giải pháp: “Pep lúc nào cũng khiêm tốn. Đúng là khi chúng tôi nói chuyện, cậu ta vẫn thường gợi ý các ý tưởng, nhưng lúc nào cũng theo cách khiêm nhường. Để ví dụ, tôi sẽ kể cho anh nghe chuyện đã xảy ra với Stoichkov. Hristo không muốn tuân theo những luật lệ của tôi. Kỷ luật là sống còn, rất quan trọng. Nếu không có kỷ luật ngoài sân, cũng sẽ không có kỷ luật trong sân. Tôi luôn luôn phải nói thẳng với cầu thủ người Bulgaria trước mặt các cầu thủ khác, rằng: ‘Anh không nghe lời, tôi không thể giữ anh trong đội.’ Tôi thậm chí còn buộc anh ta phải xuống tập với đội dự bị. Nhưng các cầu thủ cho rằng đó không phải là một ý hay, vì thế Guardiola, lúc đó đã là đội trưởng rồi, nói với tôi rằng tôi nên cho anh ta thêm một cơ hội. Tôi nói với cậu ta, ‘Vậy được thôi, tôi không có vấn đề gì, đội bóng vẫn là quan trọng nhất. Nhưng anh ta không được phép phạm luật thêm lần nào nữa.’ Thế là Hristo được trở lại tập luyện với đội Một, nhưng chẳng mấy chốc anh ta lại gây chuyện và tôi buộc phải chỉnh anh ta một lần nữa. Pep tới gặp tôi và nói, ‘Lần này Ngài cứ làm thôi, chúng ta đã cho anh ta một cơ hội nhưng anh ta không biết nắm lấy nó.’ Cậu ta biết Stoichkov quan trọng thế nào với đội bóng nhưng cũng biết rằng ở đâu cũng phải có những luật lệ, những giới hạn. Rằng đội bóng luôn phải là trên hết.”
Yêu cầu đó - đặt quyền lợi đội bóng lên trên mọi cá nhân - là điều mà Pep sẽ được trực tiếp trải nghiệm, khi mà trong nhiệm kỳ thứ hai làm huấn luyện viên FC Barcelona, mùa giải 1999-2000, van Gaal đã đẩy Pep tiến sát hơn tới đoạn kết của sự nghiệp cầu thủ và buộc anh phải chuyển dần sang giai đoạn tiếp theo của hành trình, từ cầu thủ trở thành một huấn luyện viên. “Nhân tiện, tôi chính là người đã đẩy Guardiola ra khỏi đội để lấy chỗ cho Xavi”, van Gaal kể lại. “Tôi nghĩ là Pep hiểu. Các cầu thủ phải hiểu rằng huấn luyện viên thay đổi nhân sự không chỉ vì tài năng mà còn vì tương lai. Ta phải nghĩ tới sự phát triển và nếu ta nhìn thấy một cầu thủ xuống phong độ trong khi một cầu thủ khác đang tiến bộ, ta phải hành động nhanh chóng. Thực ra không dễ để một cầu thủ có thể hiểu được điều này, sâu thẳm trong lòng có lẽ Guardiola không thể. Nhưng cuối cùng thì câu lạc bộ đã được hưởng lợi từ điều đó. Guardiola đã có những bước tiến lớn - cậu ta ra đi với tư cách một cầu thủ và rồi trở lại với tư cách một huấn luyện viên. Mọi sự đều vận động trong một vòng tròn khép kín. Văn hóa của một câu lạc bộ, của mọi câu lạc bộ, là thứ mang tính sống còn; các cầu thủ cần phải được dạy về nhu cầu phải bảo tồn nó. Lúc này đây, các bạn đang có những cầu thủ trụ cột - Xavi, Iniesta, Puyol - cố gắng áp dụng những bài học về khả năng lãnh đạo mà họ học được từ Pep dưới tư cách một cầu thủ và một thủ lĩnh.”
Di sản của van Gaal ở FC Barcelona có lẽ là một trong những yếu tố gây hiểu lầm nhiều nhất trong lịch sử câu lạc bộ, chủ yếu do hậu quả của mối quan hệ không êm đẹp giữa ông với giới truyền thông địa phương. Họ đã dựng lên và nhồi nhét vào đầu công chúng những ký ức theo cách mà họ mong muốn, dần dần biến nhận định thành thực tế, nhất là với các thế hệ tương lai. Ví dụ, truyền thông Catalonia thường đứng về phía các cầu thủ tài năng nhưng đầy rắc rối như Stoichkov và Rivaldo, cùng lúc đó lại vẽ nên chân dung van Gaal như là một kẻ lạnh lùng, hà khắc, người không thể nào hiểu được giá trị của FC Barcelona cả với tư cách một câu lạc bộ cũng như một thể chế quốc gia. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như thế. Đúng, Johan Cruyff chính là người đã vẽ nên bản đồ án về truyền thống chơi bóng của câu lạc bộ. Nhưng van Gaal mới là người xứng đáng nhận được nhiều sự ngợi khen vì đã từ những nền tảng đó xây dựng và phát triển những phương pháp luận, những hệ thống đã trở thành bệ phóng cho những thành công hiện tại của Barcelona. Điều mà van Gaal có thể không nhận ra là ảnh hưởng của những bài giảng của ông đối với Pep, người mà như chúng ta thấy, xem ông là một yếu tố then chốt trong những thành công gần đây của đội bóng. “Tôi không biết ông ấy có phải là huấn luyện viên xuất sắc nhất trên thế giới như ông ấy vẫn thường nói hay không”, Guardiola nói, “nhưng chắc chắn ông ấy là một trong những người giỏi nhất. Tôi học được rất nhiều từ ông ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn hỏi ông ấy, rằng nếu được làm lại tất cả một lần nữa, ông ấy có tiếp tục làm những gì mà ông ấy đã làm hay không?”
Dẫu vậy, quãng thời gian dưới quyền van Gaal của Pep không hề thiếu những vấn đề. Việc anh phải nghỉ dài ngày vì chấn thương đã dẫn tới những cuộc thương thảo hợp đồng mới không mấy dễ chịu mà vì chúng, Pep càng ngày càng rời xa ban lãnh đạo đội bóng, và cũng nhờ chúng mà anh có được những trải nghiệm cay đắng về sự tàn nhẫn và khắc nghiệt của thế giới bóng đá với những người kiếm sống từ nó.
Cũng trong giai đoạn mà Pep phải ngồi ngoài vì chấn thương đó, Chủ tịch câu lạc bộ, Josep Lluís Nuñez, đã gần như tra khảo một trong những bác sĩ về tình hình sức khỏe của anh. Khi nhận được một bản báo cáo tích cực, Nuñez vẫn gặng hỏi: “Được rồi, nhưng đầu của anh ta thì sao? Có làm sao không? Anh ta không thấy có vấn đề gì trong đầu à?”
Pep phát hiện ra rằng chủ tịch đã nghi ngờ anh, nhưng, tệ hơn nữa, trên những đường phố của Barcelona lúc đó lan truyền một tin đồn độc địa rằng những chấn thương “bí ẩn” của Guardiola thực chất có liên quan tới việc anh đã nhiễm virus HIV. Pep lờ mờ đoán ra nơi khởi phát của những tin đồn kinh khủng đó: chúng không tới từ các thành viên trong đội, các đồng nghiệp hay thậm chí cả các phóng viên, và cũng chẳng phải từ cổ động viên của đối thủ. Tất nhiên là anh không dám đưa ra kết luận nào cả, nhưng có một sự thật là ban lãnh đạo đội bóng đã không làm gì để dập tắt những tin đồn và bảo vệ người đội trưởng của họ.
Với Pep, rất khó để tận hưởng niềm vui chơi bóng ở một câu lạc bộ khi không nhận được sự ủng hộ và tôn trọng từ ban lãnh đạo. Bầu không khí xung quanh đội bóng ngày càng trở nên nặng nề và cảm xúc của Pep lại càng tồi tệ hơn sau khi người bạn thân, người đồng đội Luís Figo khiến cho cả thế giới rung động với việc chuyển sang khoác áo Real Madrid. Đó là một triệu chứng khác của những rạn nứt và chia rẽ giữa chủ tịch và ban lãnh đạo câu lạc bộ, giữa phòng thay đồ và các cổ động viên. Câu lạc bộ từ chỗ là thánh địa của bóng đá trong giai đoạn đỉnh cao với những thành công của Dream Team đã bị biến thành một mảnh đất cằn nơi tâm lý bi quan và những lời buộc tội lẫn nhau thống trị. Trong ngày Figo trở lại Camp Nou, các cổ động viên đã trút xuống đầu cầu thủ chạy cánh người Bồ Đào Nha một cơn cuồng nộ chưa từng thấy. Hành động của Figo, đối với họ, là tột cùng của bội bạc và phản trắc, và họ đã biến Camp Nou, nơi cách đây vài tháng Figo còn được tôn vinh như một người hùng, trở thành một lò lửa của sự thù hận. Âm thanh mà các cổ động viên tạo ra khi Figo bước chân lên thảm cỏ của sân Camp Nou trong trang phục màu trắng của Real Madrid được ví với âm thanh của một chiếc máy bay phản lực. Bầu không khí thù địch mà các cổ động viên Barcelona tạo ra có thể đã gửi được tới Figo thông điệp mà họ muốn, nhưng chẳng cải thiện được là bao bầu không khí ủ dột ở một câu lạc bộ vốn đã ngập trong tiêu cực.
Pep cố cách mấy cũng không thể nào chấp nhận nổi nguồn năng lượng thù hận khủng khiếp mà các cổ động viên dồn về phía Figo, cha đỡ đầu của một trong những đứa con của anh. Bầu không khí xung quanh toàn bộ sự việc chỉ càng khiến cho cảm giác bất an trong anh lớn dần lên. Rốt cuộc anh cũng cảm thấy quá đủ và quyết định, khoảng mười hai tháng trước khi hợp đồng của anh hết hạn vào mùa hè năm 2001, rằng đã tới lúc anh phải rời FC Barcelona. “Một khi cậu ấy đã quyết định thì không gì có thể xoay chuyển được”, người đại diện của Pep, Josep María Orobitg, người được Pep yêu cầu không liên hệ với Barcelona để mở các cuộc đàm phán liên quan tới việc gia hạn hợp đồng cho anh, nói. Không cần nói cũng biết đó không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng như miêu tả của Pep thì “Tôi đặt lên bàn cân những gì mà tôi sẽ thu được nếu ra đi, và biết rằng chúng nặng hơn những gì mà tôi sẽ có nếu ở lại.”
Pep nói lời chia tay hai tháng trước khi mùa giải kết thúc trong một cuộc họp báo chật kín người và đầy cảm xúc ở Camp Nou. Anh quyết định một mình ngồi trước microphone, bên cạnh không có đại diện của ban lãnh đạo như lệ thường. Chủ tịch của câu lạc bộ ở thời điểm đó, Joan Gaspart, người hiếm khi bỏ lỡ cơ hội xuất hiện trước ống kính, vô tình lại đang bận đi công tác. Pep, bằng giọng nói đứt đoạn vì xúc động, thông báo: “Tôi đến đây khi vẫn mới chỉ là một cậu bé mười ba tuổi, nay tôi đã ba mươi tuổi và là bố trong một gia đình nhỏ. Sự nghiệp của tôi đang trượt qua những kẽ tay, và tôi muốn kết thúc nó ở nước ngoài, sau khi đã trải nghiệm những đất nước khác, những nền văn hóa và những giải đấu khác. Tôi cảm thấy như được giải phóng - bình tâm hơn, thoải mái hơn.”
Vào ngày 24 tháng 6 năm 2001, sau mười một mùa giải với đội Một, Pep Guardiola, đội trưởng của Barca, cầu thủ ưu tú nhất trong lịch sử của đội bóng và là biểu tượng cuối cùng của đội hình Dream Team vẫn còn chơi bóng ở Camp Nou, cất bước khỏi đội bóng mà anh yêu quý. Anh ra đi sau khi đã chơi 379 trận, ghi chỉ 10 bàn nhưng giành 16 danh hiệu, trong đó có 6 chức vô địch quốc gia, 1 Cúp C1, 2 Siêu cúp châu Âu, 2 Cúp Nhà vua, 4 Siêu cúp Tây Ban Nha và 1 Cúp C2. Ngày ra đi, anh còn hơn cả một cầu thủ vĩ đại: anh chính là biểu tượng cho cá tính Catalonia của đội bóng trong một kỷ nguyên chứng kiến một dòng chảy ồ ạt của các cầu thủ nước ngoài.
Sau trận đấu cuối cùng ở Camp Nou, trận lượt về vòng bán kết Cúp Tây Ban Nha với Celta - mà Barcelona thất bại và bị loại, Pep cố nán lại, chờ cho tới khi tất cả mọi người đã rời khỏi sân vận động. Vợ anh, Cristina, cũng có mặt để động viên anh. Đó là việc mà cô vẫn làm kể từ ngày họ gặp nhau lần đầu tiên, khi anh bước vào cửa hàng của gia đình cô ở Manresa. Một lần shopping bình thường với mục đích mua một chiếc quần jean cuối cùng lại dẫn tới một mối quan hệ rồi sẽ trở thành nguồn sức mạnh và chốn bình yên cho Pep trong những thời khắc khó khăn nhất của sự nghiệp. Những thời khắc như thời khắc này. Cùng với người đại diện Josep María Orobitg, anh từ phòng thay đồ bước xuống đường hầm rồi lại bước lên những bậc thang dẫn tới đường piste của sân Camp Nou. Guardiola đứng đó, trong lần cuối cùng với tư cách một cầu thủ, để nói lời tạm biệt với sân bóng anh lần đầu tiên nhìn thấy khi còn là một cậu bé mười tuổi ngồi ở ngay sau khung thành ở khu khán đài bắc cách đây hai thập kỷ. Anh cố gắng thâu hết vào mình sự yên lặng trên sân vận động trống vắng, nhưng không hề cảm thấy muốn khóc. Cảm xúc chủ đạo của anh lúc đó là sự nhẹ nhõm, khi vừa rũ bỏ được một gánh nặng đáng kể khỏi đôi vai.
Trong phòng ăn của một căn nhà tại ngôi làng ở Italia, Luciano Moggi ngồi ăn trưa giữa một nhóm vệ sĩ.
Buổi trưa, hè 2001
“Lúc Pep rời đi, đó là một quãng thời gian khó khăn”, Charly Rexach nhớ lại. “Người ta gọi anh bằng tất cả những gì mà họ có thể nghĩ ra được, anh cũng phải chịu không ít lời chỉ trích cay nghiệt, và đương nhiên là bị đổ lỗi cho những việc đã xảy ra. Các cầu thủ tự đào tạo bao giờ cũng là nơi để người ta trút hết những bực bội. Pep cảm thấy kiệt quệ, anh đã phải dằn vặt rất nhiều. Anh không phải là kiểu người có thể nhún vai mặc kệ tất cả. Và bởi bị quá tải, nên khi quyết định ra đi, anh cảm thấy như mình vừa được giải phóng.”
Pep mới ba mươi tuổi ở thời điểm anh chơi trận cuối cùng cho câu lạc bộ và vẫn đang có phong độ tốt, nên việc người ta kỳ vọng anh sẽ chuyển tới một trong những câu lạc bộ hàng đầu ở châu Âu là điều đương nhiên. Những lời đề nghị bắt đầu đổ về. Inter, AC Milan, Roma, Lazio, gần như tất cả các đại gia của bóng đá Italia lúc đó đều muốn có anh. Paris Saint-Germain và một vài đội bóng Hy Lạp cũng bày tỏ sự quan tâm. Ở Anh, việc Pep thành người tự do đã đánh động Tottenham, Liverpool, Arsenal, Manchester United, Wigan, West Ham và Fulham. Nhưng Pep chỉ muốn chơi cho đội bóng đã luôn choán lấy tâm trí anh từ lúc anh còn là một cậu bé chơi bóng ở quảng trường làng. Anh muốn ký hợp đồng với Juventus, như Platini, thần tượng trong tấm poster treo trên tường phòng ngủ của anh ở Santpedor.
Theo Jaume Collell trong cuốn tiểu sử tuyệt vời về Guardiola, những cuộc thương thảo giữa Pep và Juventus diễn ra như trong kịch bản phim mafia. Câu chuyện bắt đầu với một cuộc gọi tới người đại diện của Pep, Josep María Orobitg, thông báo rằng có một người từ Juventus muốn sắp xếp một cuộc gặp gỡ bí mật với ông. Sau đó, một chiếc xe được cử tới để đón Orobitg ở Barcelona và đưa ông qua một loạt những con đường nhỏ để tới Turin. Không ai trên xe nói bất kỳ điều gì cho tới khi chiếc xe cuối cùng cũng dừng lại trước một nhà nghỉ rẻ tiền ở một địa điểm hẻo lánh. “Orobitg bước lên tầng và nhìn thấy Luciano Moggi, Tổng giám đốc của Juventus”, Collell viết. “Ông ta đang ngồi ở một chiếc bàn tròn, xung quanh là những vệ sĩ đầu cạo trọc và đeo kính đen, đúng kiểu hay thấy trong phim. Một bà giúp việc mập mạp tiếp pasta không ngơi tay nhưng cũng hầu như chẳng nói gì. Đột nhiên, tất cả vệ sĩ đồng loạt rời đi. Chỉ còn lại hai người với nhau, Moggi và Orobitg đạt được thỏa thuận chỉ trong vòng chưa đầy ba phút.” Orobitg nói thực ra cuộc thảo luận kéo dài bốn mươi lăm phút, nhưng ông đồng ý với cách Collell mô tả về khung cảnh lúc đó. Vấn đề là hai bên chưa ký kết với nhau một văn bản nào cả.
Manchester United cũng đã để ý tới Pep từ lúc anh còn khoác áo Barcelona, nhưng phải tới lúc đó người đại diện của anh mới có thể lắng nghe những gì họ muốn nói, bởi vì Pep không cho phép ông thương thảo với bất kỳ câu lạc bộ nào khác trong khi anh vẫn còn là cầu thủ của Barcelona. Sir Alex Ferguson gây rất nhiều áp lực với người đại diện, bởi vì lúc đó ông đang lên kế hoạch cho mùa giải mới và xem Pep như là một cầu thủ trụ cột trong những kế hoạch của mình. Ferguson thậm chí còn gửi tới Orobitg một tối hậu thư: Ông muốn có một cuộc gặp gỡ trực tiếp theo kiểu mặt đối mặt với tiền vệ của Barcelona. Guardiola tỏ ra lưỡng lự và cuối cùng anh từ chối Sir Alex Ferguson. Chuyện đến đó là khép lại. Ferguson rất giận dữ nhưng Pep chẳng có gì phải hối tiếc. “Có lẽ tôi đã chọn sai thời điểm”, Sir Alex sau này nói vậy.
Trong cuộc họp báo trước trận chung kết Champions League 2011 ở Wembley, khi Pep nói rằng Ferguson đã làm đúng khi không ký hợp đồng với mình, anh đã cố lờ đi không nhắc tới lý do thực sự khiến vụ chuyển nhượng thất bại. Sau sáu hay bảy tháng thương lượng, sau nhiều cuộc gặp giữa con trai của Ferguson đồng thời là một người đại diện - Francis Martin - với Pep và người đại diện của anh, và sau khi Pep đã từ chối những ưu đãi khổng lồ về tài chính, Manchester United quyết định dừng lại. Thay vào vị trí của Pep, họ mua về Juan Sebastián Verón, ngoài ra còn mua thêm Ruud van Nistelrooy và Laurent Blanc. Mùa giải Premier League năm đó, Man United chỉ về đích ở vị trí thứ ba.
Inter, Arsenal, Liverpool và Tottenham cũng cố gắng thuyết phục Pep về với mình trong các cuộc thương thảo. Inter là đội tỏ ra nhiệt tình nhất, nhưng Juventus vẫn là đích đến ưu tiên đối với Pep. Thế nhưng, ba tháng sau chuyến đi tới Turin nói trên, dù giữa Chủ tịch Juve, Umberto Agnelli, Moggi và những người đại diện của Pep vẫn duy trì mối liên hệ thường xuyên, một điều lạ lùng đã xảy ra: đội bóng Italia nói rằng cuộc gặp bí mật đó - bao gồm cả pasta, các vệ sĩ và chuyến đi từ Barcelona - chưa từng diễn ra và giữa các bên chưa từng có bất kỳ thỏa thuận nào.
Cách giải thích hợp lý nhất cho cú quay đầu của Juve là Moggi vừa sa thải huấn luyện viên Carlo Ancelotti, người thông qua ý tưởng chiêu mộ Pep, và thay thế ông bằng Marcello Lippi. Juventus vừa bán Zinedine Zidane cho Real Madrid và đột nhiên họ thay đổi chiến lược: với số tiền 76 triệu euro thu về từ phí chuyển nhượng Zidane - khoản phí kỷ lục ở thời điểm đó - đội bóng Italia quyết định sẽ xây dựng một đội bóng trẻ trung hơn, bằng cách đưa về Pavel Nedved, Lilian Thuram, Marcelo Salas và Gianluigi Buffon.
Khi mùa hè qua đi, bất ngờ nổi lên những cơ hội và lựa chọn từ những nơi ít ai ngờ. Real Madrid thậm chí còn tìm gặp anh ở Paris. “Các ông điên rồi à!?” Guardiola trả lời trong một cuộc nói chuyện chỉ kéo dài có hai phút.
Thời hạn đăng ký cầu thủ cho Champions League đã hết khiến cho Pep càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội gia nhập một trong những đội bóng hàng đầu. Anh thậm chí còn suýt ký hợp đồng với Arsenal vào ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mùa hè, nhưng vì vụ chuyển nhượng Patrick Vieira sang Real Madrid đổ vỡ, bản hợp đồng đưa Guardiola tới bắc London cũng không còn hiệu lực.
Đó là một quãng thời gian khó khăn với Pep, nhất là khi báo chí Catalonia, theo yêu cầu của một số kẻ thù của anh đã đăng tải những thông tin bịa đặt, rằng không có đội bóng nào muốn có Pep, với mục đích giúp cho Barcelona tránh khỏi bị chỉ trích vì đã để mất một cầu thủ giỏi.
Khi cơ hội được chơi bóng ở Champions League đã không còn, Pep quyết định chấp nhận lời đề nghị từ đội bóng Serie A - Brescia. Huấn luyện viên của đội, Carlo Mazzone, nói thẳng với Pep ngay khi anh vừa tới rằng anh có mặt ở đó chẳng qua là vì ông chủ tịch, chứ bản thân ông ta thì không muốn có anh. Guardiola chấp nhận thực tế đó, và quyết tâm sẽ chứng minh giá trị của mình thông qua những gì anh làm trên sân cỏ. Anh ký hợp đồng vào ngày 26 tháng 9 năm 2001, khi mùa giải đã khởi tranh, nhưng phải tới ngày 14 tháng 10 anh mới có trận ra mắt, trong màu áo Chievo Verona.
Chỉ trong vòng một tháng rưỡi sau ngày Pep gia nhập Brescia, huấn luyện viên và cũng là bạn của Pep, Juanma Lillo nhớ lại, “Đội bóng Italia đã chơi theo cách của Pep, thay vì theo cách của huấn luyện viên trưởng, nhưng Mazzone đủ khôn ngoan để không phản đối những ý tưởng mà Pep mang tới cho đội bóng. Một ngày, Pep yêu cầu cung cấp video về đối thủ tiếp theo để các cầu thủ và ban huấn luyện có thể phân tích. Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử câu lạc bộ này.” Thực tế là, thay vì xem việc chuyển tới Brescia như là một bước lùi trong sự nghiệp, Pep lại xem đó là một cơ hội để được trải nghiệm một phong cách bóng đá mới đồng thời cũng là cơ hội để anh có thể làm giàu cho kiến thức chiến thuật của mình. Ở thời điểm đó, anh đã quyết định rằng anh muốn tiếp tục làm công việc liên quan tới bóng đá ngay cả khi đã kết thúc sự nghiệp thi đấu. Bóng đá là đam mê, là nỗi ám ảnh, là điều mà anh biết rõ nhất, trong khi Serie A lại được xem là giải đấu tiến bộ nhất trong những chiến thuật phòng ngự kể từ thời Sacchi. Đội Milan của ông trong những năm 1980 được cho là đã đặt ra những chuẩn mực liên quan tới cường độ vận động và chiến lược phòng ngự trong suốt hai thập kỷ - và Pep quyết tâm học hỏi được nhiều nhất có thể trong thời gian anh ở Italia.
Sân tập của Brescia.
Một buổi sáng lạnh giá, tháng 11 năm 2001
Thời gian dưỡng thương dằng dặc, cuộc chia tay với Barcelona hay những thất bại trên sân cỏ bỗng trở thành chẳng là gì cả nếu so với cú sốc tâm lý mà Pep phải chịu sau khi thất bại trong một bài kiểm tra doping lúc còn ở Brescia; đầu tiên là sau trận đấu với Piacenza vào ngày 21 tháng 10 năm 2001, và tiếp đến là sau trận đấu với Lazio vào ngày 4 tháng 1 - chỉ hai tuần sau đó. Nhà chức trách tiếp tục gửi thêm những mẫu khác tới một phòng thí nghiệm ở Rome để phân tích sâu hơn. Và kết quả ủng hộ cáo buộc rằng Pep đã sử dụng nandrolone, một dạng steroid đồng hóa được cho là có tác dụng cải thiện sức mạnh và sức bền của người sử dụng và có những đặc tính tương tự của testosterone.
Guardiola nhận tin anh dương tính với chất cấm trong lúc đang tập đá phạt vào cuối một buổi tập. “Tôi nhìn thấy Carletto Mazzone nói chuyện gì đó với bác sĩ của đội. Khoảnh khắc ấy, cuộc nói chuyện ấy, đã thay đổi cuộc đời tôi, nhưng phải sau đó tôi mới biết điều đó”, Pep kể lại. “Họ cùng tiến tới chỗ tôi và thông báo thông tin mà họ vừa nhận được. Khi tôi trở lại phòng thay đồ, nhìn vào danh sách các cuộc gọi nhỡ trong điện thoại, tôi biết rằng cả thế giới đã bắt đầu đánh giá tôi.”
Cũng trong ngày hôm đó, Pep gọi cho Manel Estiarte, người từng được gọi là Maradona trong môn bóng nước (water polo), nhà cựu vô địch Olympic từng có thời gian thi đấu ở Italia, và là một người bạn rất thân của Pep. “Cậu có biết luật sư nào không? Tớ sắp có việc phải nhờ tới”, anh hỏi Manel. Ngày hôm sau, Manel tìm gặp Pep. Anh đã nghĩ rằng ông bạn của mình chắc là suy sụp và cần được vỗ về lắm, và anh cũng đã chuẩn bị sẵn mấy lời an ủi, nhưng khi tới nơi, trước mặt anh là một Pep như bình thường: rắn rỏi, đầy suy tư, ám ảnh. Guardiola đã thức trắng cả đêm trước đó, cố gắng nghiên cứu tất cả những sự kiện tương tự tình huống mà anh vừa bị vướng vào, ngốn ngấu những tài liệu luật có liên quan và nghiền ngẫm mọi tiền lệ. Thay vì buông xuôi và chấp nhận số phận, Pep dồn hết tâm trí để tìm kiếm một giải pháp. Anh quyết tâm chiến đấu tới cùng, và sẽ không phó mặc hết mọi việc cho luật sư. Pep xem đây là việc cá nhân, nên anh quyết tâm kiểm soát vận mệnh của mình thay vì trao nó vào tay những người khác.
Nhưng bất chấp quyết tâm chiến đấu chống lại định mệnh của Pep, vẫn luôn có những thời điểm lòng quyết tâm của anh bị thử thách, và những lúc như thế, anh luôn có Manel Estiarte ở bên để hỗ trợ và giữ cho anh không chìm vào tuyệt vọng. Chính Pep đã kể lại chuyện này khi viết lời dẫn cho cuốn tự truyện All My Brothers của nhà cựu vô địch bóng nước: “Trong suốt bảy năm trời, lúc nào tớ cũng tin rằng mình chưa bao giờ làm điều gì sai. Ngay từ ngày đầu tiên, bất cứ khi nào có ai đó chỉ vào tớ và nói rằng ‘Guardiola là một kẻ xấu’, cậu sẽ luôn đến bên tớ và bảo vệ tớ. Những chuyện như thế, làm sao mà tớ có thể quên được. Chính cậu và vận may của cậu đã nhấn vào cái nút đó trên teletext để chỉ cho tớ một con đường, để rồi, sau bảy năm, cái người đã chỉ tay về phía tớ sẽ phải nói rằng ‘Guardiola không phải là một kẻ xấu’, rằng tớ là một người tốt. Đúng thế, nó là định mệnh, tớ có thể chắc chắn về điều đó, nhưng vì cậu luôn tin tưởng nên tớ mới gặp may. Cậu chính là người đã mang vận may tới cho tớ. Vận may mà tớ rất, rất cần. Vận may ấy chính là một món quà, là danh hiệu giá trị nhất mà tớ từng giành được trong sự nghiệp thể thao của mình.”
Tới đây, bạn có thể đang thắc mắc, teletext thì liên quan gì tới tất cả những chuyện này? Cái mà Pep Guardiola đang nói tới là cuộc điện thoại mà anh nhận được từ người bạn Estiarte vào một Chủ nhật nọ, nhiều tháng sau khi Ủy ban Olympic Quốc gia Italia thông báo kết quả kiểm tra nandrolone là dương tính. Manel gọi vào lúc Pep còn đang mơ màng trên sofa, anh nói như hét, giọng đầy phấn khích. Estiarte sau đó giải thích rằng trên teletext Italia, anh vô tình xem được một phóng sự về một khám phá mới liên quan tới các trường hợp bị dương tính với nandrolone. Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) quy định rằng nếu mật độ nandrolone trong mẫu nước tiểu không quá 2 nanogram (một phần tỉ gram) mỗi mililit, như thế là chưa đủ để khẳng định có sự lạm dụng chất này. Bởi vì theo những gì họ vừa phát hiện được, cơ thể con người có thể tự sản xuất ra một lượng nandrolone tương đương 9 nanogram mỗi mililit nước tiểu, là mật độ nandrolone đo được trong mẫu nước tiểu của Pep (trái lại, mật độ này ở chuyên gia chạy nước rút người Canada lên tới 2.000 nanogram mỗi mililit). Khoảnh khắc ấy đến hoàn toàn tình cờ, nhưng lại mang tính quyết định, rồi đây sẽ giúp khép lại một quá trình kiện tụng kéo dài được xem như một bài test với sức mạnh tinh thần của Pep.
“Tôi tin rằng mình sẽ thắng”, Pep đã quả quyết như thế không biết bao nhiêu lần. Pep đã phải nhận một án treo giò bốn tháng, nhưng ngay từ khoảnh khắc Ủy ban Olympic Quốc gia Italia ra phán quyết, anh đã phát động một cuộc chiến pháp lý kéo dài cho tới khi anh chứng minh được sự vô tội của mình. Anh chưa bao giờ thừa nhận những cáo buộc, hay bất kỳ án phạt kéo theo nào. Anh thậm chí còn nói rằng, “Hệ thống pháp lý Italia không dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi vô tội.”
Vào tháng 5 năm 2005, Tòa Brescia tuyên phạt anh 2.000 euro và bảy tháng tù giam. Pep được hưởng án treo do anh không có tiền sự nào, nhưng đối với anh, đấy vẫn là một cú sốc quá kinh khủng. “Các anh có nghĩ rằng tôi cần tới chất cấm mới có thể đá được với Piacenza không?” Pep không ngừng nhắc lại câu hỏi này với những người anh gặp.
Với Pep, đây là một vấn đề liên quan tới những giá trị nhân bản, sự thật và những lời dối trá. Người ta đang buộc tội anh vì một việc mà anh không làm và anh đã sẵn sàng dốc sạch túi để chiến đấu chứng minh sự vô tội. Thực tế là cánh luật sư có thể khiến anh phải vét tới đồng xu cuối cùng, nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là anh bảo vệ được phẩm giá của mình. Các đồng minh, trong đó có Estiarte, thì sợ rằng Pep đã bị cuốn quá sâu vào vụ việc. Có thể anh là người dễ bị ám ảnh, nhưng họ lo anh sẽ để cho mình rơi vào tình trạng kiệt quệ. “Bỏ đi, dù gì cũng xong rồi, sẽ chẳng ai nhớ tới nó đâu”, một người bạn của Pep khuyên anh sau khi có án phạt. “Có tôi, tôi sẽ nhớ, và tôi biết rằng đó là một lời nói dối, đó không phải là sự thật”, Pep trả lời. Anh sẽ không bỏ cuộc chừng nào còn chưa chứng minh được sự trong sạch của mình.
Trong cuốn tiểu sử, Collell kể lại một sự việc cho thấy bản chất lố bịch của toàn bộ quy trình xét xử. Vào mùa xuân năm 2005, người đại diện của Guardiola, Josep María Orobitg, xin phép rời khỏi phòng xử án để đi vệ sinh. Một người đàn ông đã theo Orobitg tới tận nhà vệ sinh, chủ động đứng cạnh ông, rồi thì thầm vào tai ông những lời bí ẩn: “Đôi khi phải hi sinh kẻ vô tội để có thể thắng một trận chiến.” Người nói ra câu ấy là một nhân vật rất có vai vế.
Cuối cùng, vào ngày 23 tháng 10 năm 2007, Tòa phúc thẩm Brescia tuyên Pep Guardiola vô tội, sau khi các bằng chứng khoa học khẳng định những kết quả kiểm tra được dùng làm cơ sở cho những lời buộc tội trước đó đều thiếu độ tin cậy. Tất cả xuất phát từ khám phá tình cờ của Estiarte trên teletext. “Tôi sẽ đóng gói đống hồ sơ và để chúng vào một cái hộp. Tôi không muốn nói về nó nữa, nhưng nếu một ngày nào đó có ai muốn điều tra vụ này, họ có thể mở cái hộp ấy ra”, Pep nói với người bạn thân là phóng viên Ramón Besa.
Cảm xúc chủ đạo tất nhiên là một sự pha trộn giữa nhẹ nhõm và hạnh phúc, nhưng đó chưa phải là tất cả. Guardiola đã phải mang trên mình một gánh nặng lớn, và giờ anh đột nhiên cảm thấy nhẹ bẫng. Trong suốt một thời gian dài, Guardiola mệt mỏi chịu đựng sự săm soi của đám đông, lúc nào bên tai cũng văng vẳng câu hỏi đáng sợ, “Người ta sẽ nói gì?” Sự ngờ vực và hoài nghi đã đeo bám anh như hình với bóng trong suốt thời gian ấy, và giờ anh muốn phủi sạch chúng đi. Sau khi chứng minh được sự vô tội của mình, anh yêu cầu hệ thống pháp luật thừa nhận họ đã phạm sai lầm. Đó là một nhiệm vụ quá khó khăn, và thất bại là điều có thể nhìn thấy trước. Chẳng ai có thể thoát ra khỏi một vụ xử án trong tình trạng đã hoàn toàn giũ bỏ được tất cả những hoài nghi còn sót lại hay không phải chịu đựng những tổn thương ở một mức độ nào đó. Người ta sẽ nhớ tới lời buộc tội, chứ đâu có nhớ tới phán quyết cuối cùng.
Đúng vậy, Pep đã chứng minh được sự vô tội, và anh đã chiến đấu hết sức mình để có thể làm được điều đó. Cuối cùng, anh cũng tìm lại được sự trong sạch của mình, danh tiếng và phẩm giá của anh được phục hồi, nhưng anh vẫn quyết tâm làm tất cả để đảm bảo không có bất kỳ ai anh biết phải trải qua những thách thức tương tự. Thế nên, theo một cách nào đó, cuộc chiến vẫn tiếp tục.
Ngay khi có thông tin Pep được giải oan, đội trưởng của Barcelona B mà Pep đang dẫn dắt đã tới văn phòng của anh để thay mặt mọi người chúc mừng huấn luyện viên trưởng. Trong khi lắng nghe anh ta nói, Pep nhận ra rằng anh đã, một cách vô thức, tạo dựng được một mối liên hệ bền chặt với các cầu thủ, giăng xung quanh họ một tấm lưới phòng hộ và che chở cho họ như một người cha che chở các con của mình. Tình cảm ấy có lẽ bắt nguồn từ cảm giác cô độc và bị bỏ rơi mà anh phải chịu đựng trong quá trình kiện tụng kéo dài đó.
Liên đoàn Bóng đá Italia cuối cùng cũng chính thức chấp nhận phán quyết của tòa án vào tháng 5 năm 2009, lúc Pep đã bắt đầu tận hưởng những thành công trên cương vị huấn luyện viên trưởng của FC Barcelona. Khi nổ ra, vụ án doping ấy là một câu chuyện trang nhất, nhưng khi khép lại, với lời giải oan dành cho Pep, nó chỉ chiếm một góc rất khiêm tốn ở trang trong.
Sau một mùa giải ở Brescia và giữa lúc vụ kiện tụng vẫn đang diễn ra, vào mùa hè năm 2002, Guardiola ký hợp đồng với Roma. Động cơ đằng sau quyết định ấy của anh không phải là được chơi cho một đội bóng lớn hơn, mà là được làm việc, và học hỏi, từ Fabio Capello, một huấn luyện viên anh rất ngưỡng mộ bất chấp sự khác biệt trong quan điểm về bóng đá. Pep rất háo hức muốn trải nghiệm tính chặt chẽ trong hệ thống phòng ngự của Capello và khám phá những bí mật của ông trong việc tạo ra áp lực lên đối thủ. Dù được ra sân rất ít trong thời gian ở Roma, anh lại học được rất nhiều. “Anh ấy không ra sân nhiều bởi vì thời điểm đó, anh ấy đã ở vào giai đoạn cuối của sự nghiệp”, Capello nói. “Đó là một cầu thủ rất biết cư xử. Anh ấy không bao giờ yêu cầu tôi phải giải thích lý do anh ấy không được ra sân. Anh ấy đã biết triết lý bóng đá của tôi là như thế nào, nhưng anh ấy chậm, lại gặp một số vấn đề liên quan tới thể lực. Bù lại, anh ấy là một người tư duy nhanh, luôn biết mình cần phải làm gì trước khi bóng tới và cũng rất thông minh trong việc chọn vị trí. Và anh ấy là một thủ lĩnh.”
Không được ra sân nhiều ở Rome, cuối cùng, vào tháng 1 năm 2003, Guardiola quyết định trở lại Brescia, nơi anh có cơ hội làm đồng đội của Roberto Baggio và Luca Toni.
Khi hợp đồng với Brescia chuẩn bị đáo hạn cũng trong năm đó, Pep nhận được một cuộc gọi từ Paul Jewell, lúc ấy là huấn luyện viên của Wigan. “Anh ấy luôn là một trong những cầu thủ mà tôi thích nhất”, Jewell nói. “Tôi lấy được số của anh ấy từ tay đại diện người Anh của anh ấy. Tôi gọi và để lại một lời nhắn, ‘Chào Pep, Paul đấy’, đại loại như thế. Khoảng mười phút sau, anh ấy gọi lại. Anh ấy đã biết hết về chúng tôi. Anh ấy đã xem chúng tôi trên ti vi và tỏ ra ấn tượng với những pha phối hợp bóng ngắn ở hàng tiền vệ của chúng tôi. Anh ấy cũng biết [Jimmy] Bullard và [Graham] Kavanagh. Lúc đó anh ấy nhận lương 10.000 Bảng mỗi tuần. Rồi anh ấy nhận được một lời đề nghị điên rồ từ Qatar. Lẽ ra anh ấy đã có cơ hội chơi bóng cho đại gia Wigan, thế rồi cuối cùng lại phải nhận một công việc tầm phào ở Barcelona.”
Cũng ở thời điểm đó, ngay trước khi chuyển tới đội bóng Qatar Al-Ahli, Pep nhận được lời đề nghị hợp tác từ Lluis Bassat, một ứng viên trong cuộc bầu cử chủ tịch FC Barcelona diễn ra vào năm 2003, người nhận được sự hậu thuẫn từ một số người Catalonia. Bassat tiếp cận Guardiola và mời anh về làm giám đốc kỹ thuật trong dự án của ông. Pep đồng ý, nhưng với một điều kiện là ban vận động tranh cử của Bassat sẽ không hứa hẹn mua những cầu thủ ngôi sao để giành phiếu như thông lệ ở Tây Ban Nha; thay vào đó, Pep muốn “bán” cho các cổ động viên một tầm nhìn về đội bóng.
Ronaldinho được giới thiệu tới Bassat và Guardiola như là một bản hợp đồng tiềm năng, nhưng Pep muốn dành sự tập trung cho một dự án bóng đá mà trong đó, vị trí huấn luyện viên trưởng sẽ thuộc về Ronald Koeman, người đồng đội trong đội hình Dream Team, hoặc Juanma Lillo, trong trường hợp Ajax không chịu để vị huấn luyện viên người Hà Lan của họ ra đi.
Dù chủ đề chuyển nhượng chưa bao giờ được công khai, Pep đã lên sẵn trong đầu kế hoạch xây dựng một đội bóng có sự xuất hiện của Iván Córdoba, trung vệ người Colombia đang khoác áo Inter Milan; Cristian Chivu, hậu vệ đội trưởng của Ajax; Emerson, tiền vệ người Brazil của Roma; và Harry Kewell, cầu thủ chạy cánh người Australia của Liverpool.
Cuối cùng, Joan Laporta đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhờ sự hậu thuẫn của Johan Cruyff và lời hứa đưa David Beckham tới Camp Nou. Cuối cùng thì cái tên Beckham được nêu lên chỉ là một xảo thuật marketing không hơn không kém, nhưng chính nó đã giúp Laporta thành công. Trang web của Manchester United buộc phải thông báo Ủy ban Tranh cử của Laporta đã đưa ra một lời đề nghị cho Beckham sau khi thông tin bị rò rỉ. Người đạo diễn vụ rò rỉ ấy là tay đại diện cầu thủ Pini Zahavi, người đã yêu cầu Barcelona cam kết phải mua một trong các cầu thủ mà ông ta đại diện, thủ môn Rustü Recber, điều đã thành sự thật một tháng sau đó.
Thời điểm chiến dịch tranh cử của Bassat đã chắc chắn thất bại, Pep nói với ông ta, “Tôi biết rằng chúng ta tiếp cận mọi việc theo một cách khác, nhưng... nếu có cơ hội, chúng ta sẽ vẫn làm như thế, đúng không?”
Quyết định sát cánh với Bassat rồi sẽ trở lại ám ảnh Pep, bởi vì có những người, Laporta là một trong số đó, không thể nào có thể tha thứ cho anh vì đã “phản bội” Cruyff, người thầy của anh, khi hợp tác với đối thủ.
Sau chiến dịch tranh cử thất bại, Pep quyết định tới chơi bóng ở Qatar, bước đi duy nhất trong sự nghiệp của anh bị thôi thúc bởi tiền bạc: anh sẽ kiếm được 4 triệu USD từ bản hợp đồng hai năm với đội bóng mới. Năm 2004, phóng viên Gabriele Marcotti sang tận Qatar để phỏng vấn Pep, chờ đón ông ở đó là một cầu thủ đang trong giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp, buồn, nhưng không cay đắng. “Tôi nghĩ rằng những cầu thủ như tôi đã tuyệt chủng hết bởi vì bóng đá đã trở nên giàu chất chiến thuật và thể lực hơn. Thời gian để nghĩ ít hơn hẳn. Ở hầu hết các câu lạc bộ, mỗi cầu thủ đều được giao những vai trò cụ thể và khả năng sáng tạo của họ chỉ có thể được thể hiện bên trong những phạm vi đó”, Pep nói với Marcotti.
Anh lúc ấy mới 33 tuổi.
Bóng đá đã thay đổi, thể hiện rõ qua bức tranh bóng đá châu Âu ở thời điểm đó với sự thống trị của một Milan mạnh mẽ, một Juventus giàu thể lực, với việc trận chung kết Champions League diễn ra giữa Porto và Monaco, sự xuất hiện của Mourinho ở Chelsea và đi cùng anh là niềm tin các tiền vệ phải là những vận động viên điền kinh. Pep đã đúng, “tốc độ và sức mạnh” chính là triết lý bóng đá chủ lưu ở thời điểm đó, nhưng rất nhanh thôi, nó sẽ bị thách thức, đầu tiên là bởi Barcelona của Rijkaard, và sau đó là bởi chính Guardiola.
Sau 18 trận cho Al-Ahli và sau khi đã dành phần lớn thời gian nằm dài bên bể bơi trong khu liên hiệp nơi anh sống cùng Gabriel Batistuta, Fernando Hierro và Claudio Caniggia, cũng như sau khi đã hỏi cựu tiền vệ cánh của Santos nhưng giờ là huấn luyện viên Pepe Macia hàng trăm lần về đội tuyển Brazil của Pelé, Pep tới thử việc ở Man City, nơi anh có mười ngày để thể hiện mình dưới sự quan sát của Stuart Pearce vào năm 2005.
Cuối cùng Pep đã từ chối đề nghị ký hợp đồng sáu tháng của đội bóng Manchester, bởi vì anh muốn nhận được một hợp đồng dài hơi hơn. Vào tháng 12 năm 2005, anh ký hợp đồng với đội bóng Mexico Dorados de Sinaloa, nơi anh có cơ hội được dẫn dắt bởi người bạn Juanma Lillo. Ở đó, anh được học về một thứ bóng đá hoàn toàn mới, đồng thời có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những khía cạnh khác của môn thể thao vua, đặc biệt là về quản trị, chuẩn bị thể lực và dinh dưỡng. Pep và Lillo thường xuyên có những buổi thảo luận thâu đêm về chiến thuật, về huấn luyện và kỹ thuật. Đó là những buổi học làm huấn luyện viên đầu tiên của anh.
Trong một căn hộ ở Culiacán, tây bắc Mexico.
Đêm muộn, năm 2005
Sau bữa tối có thêm chút rượu vang, Pep và Lillo sẽ thức cho tới gần sáng để cùng nhau thảo luận về bóng đá, ngay cả khi đội có buổi tập trong ngày hôm ấy. Đôi khi Pep lo ngại rằng anh có thể khiến bạn mình chán đến phát khóc với những cuộc nói chuyện một chiều về bóng đá, bóng đá và chỉ bóng đá của mình. Nhưng riêng với Lillo, anh không cần phải lo lắng về điều đó. Lillo lúc nào cũng sẵn sàng cùng Pep mổ xẻ những chi tiết trong các trận đấu qua điện thoại, và thường xuyên tới thăm nhà Pep khi anh còn chơi bóng ở Serie A. Pep không nói chuyện bóng đá với ai khác nhiều như với Lillo, người cùng với Johan Cruyff đã có những ảnh hưởng lớn lao lên sự phát triển trên tư cách một huấn luyện viên của anh.
Trước đây, Pep thường cảm thấy bối rối khi bàn về một số chủ đề nhất định, như những khái niệm phòng ngự hay các phương pháp tập luyện cụ thể. Mỗi khi cần câu trả lời, anh đều tìm tới Lillo, vào bất kỳ thời gian nào trong ngày: “Anh sẽ giải quyết những tình huống kiểu này như thế nào?” “Nếu tôi làm thế này thì điều gì sẽ xảy ra?” Theo Pep, Lillo là một trong những huấn luyện viên thông minh nhất trên thế giới và là người xuất sắc nhất trong lĩnh vực phát triển một tầm nhìn bóng đá, bất chấp thực tế là thế giới thể thao đỉnh cao không mấy ưu ái ông.
Chuyến phiêu lưu Mexico của Guardiola kết thúc vào tháng 5 năm 2006 khi anh trở lại Tây Ban Nha, chính xác hơn là Madrid, để hoàn thành một khóa học huấn luyện, và tới tháng 7 năm đó, anh đã có thể tự gọi mình là một huấn luyện viên bóng đá có bằng cấp. Và rồi, vào ngày 15 tháng 11 năm 2006, Guardiola xác nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh RAC1 ở Barcelona rằng anh đã chính thức ngừng thi đấu bóng đá chuyên nghiệp. Lúc ấy, anh ba mươi lăm tuổi.
Không giống như nhiều cựu cầu thủ khác, Pep không có ý định chuyển thẳng sang vai trò huấn luyện viên đội Một ở một đội bóng lớn, vì, như anh nói ở thời điểm ấy, anh cảm thấy vẫn còn rất nhiều thứ phải học. “Trên tư cách cầu thủ, cuộc chơi đã dừng lại”, Pep nói, “nhưng sớm hay muộn gì thì tôi cũng sẽ trở lại trong tư cách huấn luyện viên. Tôi sẵn sàng huấn luyện ở mọi cấp độ, chỉ cần có ai đó mở cửa và trao cho tôi một cơ hội là được. Lúc này tôi muốn được làm việc với các đội trẻ, với lũ nhóc, bởi vì tôi không có ý định tỏ vẻ là mình đã sẵn sàng làm việc ở những trình độ cao hơn. Ta cần phải tôn trọng thực tế rằng đây là một quá trình, một đường cong học tập. Những bước đi đầu tiên là rất quan trọng, và một khi anh đã cất bước, sẽ chẳng có cơ hội thứ hai cho anh.”
Trong cuộc chia tay đầy cảm xúc trước công chúng đó, anh dành thời gian tri ân bóng đá vì những gì nó đã mang lại cho anh. “Thể thao với tôi là một công cụ học tập quan trọng; tôi học được cách chấp nhận thất bại, cách đứng dậy mỗi khi phạm sai lầm. Nó đã dạy cho tôi biết rằng đồng đội của tôi có thể giỏi hơn tôi. Dạy tôi chấp nhận thực tế huấn luyện viên của tôi có thể nói với tôi rằng tôi sẽ không được ra sân vì đã cư xử không đúng mực.”
Dù đã kết thúc sự nghiệp cầu thủ, Pep vẫn muốn tiếp tục học về bóng đá. Những kinh nghiệm có được sau khi tiếp cận với phương pháp của Cruyff, Robson, van Gaal, Mazzone hay Capello với Pep là chưa đủ, nên anh quyết định sẽ sang Argentina một chuyến để mở mang tầm nhìn. Ở đó, anh gặp Ricardo La Volpe (cựu thủ môn vô địch thế giới cùng Argentina và là cựu huấn luyện viên của đội tuyển Mexico), Marcelo Bielsa (vị huấn luyện viên được nhiều người ngưỡng mộ, từng dẫn dắt Argentina, Chile, và sau này là Athletic Bilbao) và ‘El Flano’ César Luis Menotti (huấn luyện viên đã đưa Argentina tới chức vô địch World Cup 1978) và cùng họ có những cuộc đàm đạo kéo dài về bóng đá. Menotti nói sau chuyến đi của Pep: “Pep không tới đây để hỏi chúng tôi cần phải làm gì và như thế nào. Anh ấy biết hết cả rồi.”
Cùng với bạn mình David Trueba, Guardiola đã lái xe vượt qua quãng đường 309 km từ Buenos Aires tới Rosario để gặp Bielsa. Cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn ông bóng đá ấy diễn ra trong charca, hay là villa, của Bielsa, và chỉ kết thúc sau mười một tiếng đồng hồ căng thẳng nhưng đầy giá trị. Họ nói chuyện trong trạng thái tò mò tột độ về đối phương. Họ đã cùng nhau có những cuộc tranh cãi nảy lửa, rồi lại cùng nhau tìm kiếm thông tin trên máy tính, xem xét lại các kỹ thuật, nghiền ngẫm những bản phân tích chi tiết, mô phỏng lại những tình huống trong lối chơi định hướng vị trí, mà trong quá trình đó, có lúc Trueba được giao nhiệm vụ kèm một... chiếc ghế. Họ chia sẻ những nỗi ám ảnh, những đam mê và tình yêu với trái bóng của mình, để rồi sau khi rời căn charca của Bielsa, cả hai đều tuyên bố dành cho nhau sự ngưỡng mộ vĩnh cửu.
Giữa Pep và Bielsa có rất nhiều điểm chung: họ yêu những đội bóng thống trị, là những đội muốn đóng vai chính ở trên sân, xem việc tìm thấy khung thành của đối phương là ưu tiên hàng đầu. Và họ đều không thể chịu đựng được những kẻ tìm cách bao biện sau mỗi thất bại, dù với họ, thua trận là tình trạng dễ gây suy nhược, khiến cho họ xuống tinh thần và cảm thấy bị cô lập, bởi vì họ không thể nào chịu đựng nổi cảm giác xấu hổ đến sau mỗi thất bại - họ cảm thấy mình đã phụ lòng cả tập thể mà họ dẫn dắt. Các đội bóng của Bielsa “có thể chơi tệ hay chơi tốt, nhưng tài năng thì luôn phụ thuộc vào cảm hứng còn nỗ lực thì phụ thuộc vào chính bản thân mỗi cầu thủ; thái độ là thứ chẳng ai có thể điều đình”, “el loco” nói với Guardiola, trước khi bổ sung rằng các đội bóng của ông sẽ chẳng thể giành chiến thắng nếu ông không truyền được cảm xúc của mình tới các cầu thủ. Pep vừa nghe vừa gật đầu lia lịa và không ngừng ghi chú.
Đâu phải tự dưng Pep sử dụng rất nhiều ý tưởng, phương pháp, biểu cảm, và trích cả những câu nói của Bielsa vào hai khoảnh khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp huấn luyện viên của mình - buổi ra mắt trong vai trò huấn luyện viên đội Một Barcelona trước báo giới và khi phát biểu trên sân Camp Nou trong trận đấu sân nhà cuối cùng anh dẫn dắt đội bóng. “Các anh có nghĩ rằng tôi sinh ra đã biết hết mọi thứ không?” là câu trả lời của anh khi có người thắc mắc về những sự trùng hợp đó.
Trước khi Pep rời khỏi villa của Bielsa, vị huấn luyện viên người Argentina đặt ra cho anh một câu hỏi đầy thách thức: “Tại sao cậu, với tư cách là người hiểu quá rõ tất cả những điều tiêu cực vẫn xảy ra trong thế giới bóng đá, bao gồm trong đó sự thiếu thành thật ghê gớm ở một số người, vẫn muốn trở lại và tham gia vào công tác huấn luyện? Cậu thích máu đến thế cơ à?” “Tôi cần thứ máu đó”, Pep trả lời không chút do dự.
Vào cuối quãng thời gian ở Argentina, anh cảm thấy mình đã có sự chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết; không hẳn là hoàn hảo, vì Pep sẽ không bao giờ cho phép mình được thỏa mãn hoàn toàn, nhưng ít ra thì anh cảm thấy mình đã đủ sẵn sàng để kiểm nghiệm tất cả những gì mà anh đã và vừa học được.
Trên đường trở lại Tây Ban Nha, Pep được liên hệ với một đội bóng khác của Catalonia, Nàstic de Tarragona, đội bóng đang vật lộn ở giải hạng nhất; nếu tới Nàstic, Pep sẽ là trợ lý cho Luis Enrique. Tên của Pep và Luis Enrique đều đã được ban lãnh đạo Nàstic đem ra thảo luận, nhưng cuối cùng cả hai đều bị chê là quá non kinh nghiệm, do chưa từng đảm nhiệm công tác huấn luyện ở bất kỳ đâu, và bởi vậy đã không có đề nghị cụ thể nào được đưa ra. Bù lại, một cơ hội khác xuất hiện: FC Barcelona muốn nói chuyện với Pep về việc đưa anh trở lại để đảm nhiệm một công việc nào đó ở câu lạc bộ mà anh đã chia tay bảy năm trước.
Lễ trao các giải thưởng cấp câu lạc bộ của UEFA.
Monaco, tháng 8 năm 2006
Trong khi Pep Guardiola vẫn đang khám phá bản thân và học hỏi những công cụ mới phục vụ cho sự nghiệp huấn luyện, Barca thân yêu của anh đã trở thành một kiểu “đội bóng quốc dân”. Mùa giải 2006-07 bắt đầu bằng một show tôn vinh đội bóng của Frank Rijkaard, một tập thể chỉ trong mấy mùa giải đã giành hai chức vô địch quốc gia và một danh hiệu Champions League sau khi đánh bại Arsenal của Arsène Wenger, Thierry Henry, Robert Pires và Cesc Fàbregas ở Paris. Thực tế, có rất nhiều người dự cảm rằng tập thể ấy đang trên đường trở thành đội bóng vĩ đại nhất trong lịch sử câu lạc bộ. Tại lễ trao các giải thưởng cấp câu lạc bộ của UEFA, diễn ra trong đêm trước trận Siêu Cúp châu Âu, Barcelona đã thâu tóm mọi danh hiệu cao quý nhất: đội trưởng Carles Puyol giành giải hậu vệ xuất sắc nhất, Deco giải tiền vệ xuất sắc nhất, Samuel Eto’o giải tiền đạo xuất sắc nhất và Ronaldinho là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.
Nhưng lễ vinh danh những thành tựu của đội bóng, thật nghịch lý làm sao, lại báo hiệu sự khởi đầu của kết thúc, khi những biểu hiện đầu tiên của tình trạng vô kỷ luật đã trở nên rõ ràng.
Chính chuyến đi tới Monaco là một ví dụ.
Khi trở lại khách sạn nơi toàn đội đóng quân trước trận tranh Siêu Cúp châu Âu với Sevilla, huấn luyện viên Rijkaard, trong sự ngạc nhiên của nhiều người, đã mời một nhóm nhạc pop Hà Lan tới ngồi cùng bàn với ông trong bữa tối trước ngày diễn ra trận đấu. Sau khi ăn xong, thay vì thiết quân luật, Rijkaard lại cho phép các cầu thủ được lên giường đi ngủ lúc nào tùy ý, và hệ quả đương nhiên là có không ít “chuyên gia bay đêm” mãi tới gần sáng mới mò về phòng. “Ngày hôm sau, buổi sáng trước trận đấu”, phóng viên giàu ảnh hưởng người Catalonia Lluis Canut viết trong cuốn Els secrets del Barca, “Ronaldinho được phép rời khách sạn để tham gia một buổi chụp hình với nhà tài trợ, trong khi các cầu thủ còn lại cũng được xả trại, phần lớn dành cả buổi sáng để thăm các công trình kiến trúc cổ ở Monaco.” Trái ngược hoàn toàn với Sevilla, đối thủ của Barcelona trong trận tranh Siêu Cúp. Dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Juande Ramos, người nổi tiếng nghiêm khắc và kỷ luật, họ dành cả ngày để tập luyện, nghiêm túc chuẩn bị cho trận đấu. Kết quả của quá trình chuẩn bị của hai đội là có thể thấy rõ, và thực tế thì nó đã được phản ánh chính trong tỉ số cuối cùng của trận đấu: Sevilla giành thắng lợi với tỉ số 3-0. Thất bại ấy chính là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên trong rất nhiều dấu hiệu sẽ xuất hiện xuyên suốt mùa giải.
Trong mùa hè năm 2006 đó, cán cân trong phòng thay đồ của Barcelona đã có sự thay đổi, bắt đầu từ sự ra đi của trợ lý Henk Ten Cate, người trở lại Hà Lan để làm huấn luyện viên đội Một Ajax. Vẫn được biết đến với tư cách là sĩ quan thường vụ của Rijkaard, Ten Cate rời đi kéo theo sự đổ vỡ toàn diện của hệ thống kỷ luật trong phòng thay đồ Barcelona. Người đàn ông Hà Lan, khi còn ở Camp Nou, luôn quản Ronaldinho rất chặt. Mỗi lần ngôi sao người Brazil tăng thêm vài cân - điều xảy ra một cách quá thường xuyên - Ten Cate, người rất thẳng tính, sẽ không ngần ngại gì mà không cho Ronaldinho biết chính xác điều ông đang nghĩ về cái vòng bụng mỗi lúc một phình to ra của anh, kéo Ronaldinho ra trước toàn đội và gào vào mặt anh ta rằng anh đang thể hiện “một thái độ thiếu tôn trọng với các đồng nghiệp”. Ten Cate cũng có một mối quan hệ yêu - ghét với Samuel Eto’o, nhưng tiền đạo người Cameroon khác ở chỗ anh luôn quyết tâm giành được sự tôn trọng của ông và chứng tỏ giá trị của bản thân. Rijkaard và Ten Cate là một cặp bù đắp cho nhau hoàn hảo, theo kiểu cảnh sát tốt/cảnh sát xấu, nhưng khi không còn Henk và những cú đấm tay xuống mặt bàn của ông, cách quản trị mềm mỏng của Rijkaard đã dẫn tới sự hỗn loạn.
Johan Neeskens thay Henk làm trợ lý của Rijkaard, nhưng ông không có khả năng đóng vai một ông thầy khó tính, và do vậy, việc kiểm soát quá trình rã đám về tinh thần của đội bóng trở nên hết sức khó khăn. Thực tế, không có ai chịu nhiều tác động từ việc Ronaldinho tự hạ thấp các tiêu chuẩn của mình xuống hơn chính Ronaldinho. Trong vòng chín tháng, anh từ chỗ là người khiến các cổ động viên ở Bernabéu phải đứng dậy để vỗ tay tôn vinh màn trình diễn siêu đẳng trong chiến thắng 3-0 của Barcelona, tới chỗ là trò cười cho báo giới. Anh “trình diễn” ở góc riêng của mình trong một hộp đêm ở Castelldefels nhiều hơn trên mặt cỏ của Camp Nou. Vòng bụng, chứ không phải thứ bóng đá tuyệt vời của anh, mới là thứ đập vào mắt người ta nhiều nhất. Cùng lúc đó, Eto’o dính một chấn thương đầu gối và trong một quyết định sau này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, anh được cho phép hồi phục ở một nơi khác, tách biệt khỏi cuộc sống thường nhật của đội bóng.
Rijkaard không phải không biết gì về cách hành xử của các ngôi sao, nhưng lại chọn cách nuông chiều họ, với niềm tin có phần lạc quan thái quá rằng họ đều là những người trưởng thành và đủ trách nhiệm để biết đâu là ranh giới. Đó là một sai lầm. Thế là, tới giữa mùa giải 2006-07 – một mùa giải vốn đã được bắt đầu một cách tệ hại ở Monaco, tình hình trở nên ngoài khả năng kiểm soát; đã quá muộn để có thể xoay chuyển tình thế khi mà kết quả và phong độ của Barcelona phản ánh chính xác tình trạng kỷ luật xuống cấp của họ. Thất bại ở Club World Cup trước International de Porto Alegre (có ngôi sao trẻ mười bảy tuổi Alexander Pato) vào tháng 12 chính là minh chứng cho sự dễ dãi của cả các cầu thủ và ban huấn luyện. Rijkaard thậm chí còn không thèm cho các cầu thủ xem video về đối thủ trong thời gian chuẩn bị cho trận đấu. Sau Giáng sinh, các cầu thủ Nam Mỹ (Rafa Márquez, Deco, Ronaldinho) được nghỉ thêm một vài ngày, ấy thế nhưng họ vẫn trở lại muộn. Chẳng có án phạt nào cả.
Giám đốc bóng đá Txiki Beguiristain bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Giữa mùa giải đó, trước khi bước vào kỳ nghỉ Giáng sinh, Barcelona đang đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, chỉ kém Sevilla hai điểm và nhiều hơn Madrid ở vị trí thứ ba ba điểm. Txiki biết hết tình trạng vô kỷ luật trong đội, nhưng ông không muốn can thiệp khi mà đội bóng vẫn còn đang tranh đấu cho ngôi đầu, và cũng như tất cả những người khác, hi vọng rằng đội bóng sẽ tìm lại được ít nhiều những phép màu cũ.
Sau bốn tháng tập hồi phục ở nơi khác, Eto’o trở lại và thấy phòng thay đồ đã trở thành một nơi bát nháo. Anh sửng sốt trước những gì vừa được chứng kiến tới mức thông báo cho Chủ tịch Joan Laporta, đồng minh chính của anh trong câu lạc bộ. Laporta đứng về phía Eto’o và thậm chí còn đề nghị anh giữ cương vị đội trưởng, nên anh cảm thấy vững tâm hơn. Nhưng không lâu sau đó, Rijkaard cáo buộc anh không muốn ra sân trong trận đấu với Racing de Santander (Eto’o vẫn khởi động nhưng trông có vẻ không muốn vào sân dù đã được chỉ đạo), và trong khu mixed zone (khu vực để các cầu thủ có thể trả lời nhanh báo chí) sau trận, Ronaldinho nói rằng Eto’o đã khiến toàn đội thất vọng vì lẽ ra anh nên nghĩ tới đội bóng. Eto’o, vốn bốc đồng và cũng không phải là người mềm mỏng, bùng nổ dữ dội một vài ngày sau đó trong một lễ ra mắt sách. “Hắn ta là một gã tồi”, anh nói, ám chỉ Rijkaard, “Đây là một cuộc chiến giữa hai nhóm: những người ủng hộ Ngài chủ tịch và những người theo phe Sandro Rosell.”
Rosell, cựu phó chủ tịch, người trùng hợp làm sao cũng là bạn thân của Ronaldinho và có công thuyết phục ngôi sao người Brazil ký hợp đồng với câu lạc bộ, vừa từ chức không lâu sau một số bất đồng với Laporta. Eto’o cũng gửi tới Ronaldinho một thông điệp, dù không nói rõ tên anh ta: “Nếu một đồng đội nào đó lên tiếng rằng ai đó cần phải nghĩ về đội bóng, thì người đầu tiên phải làm điều đó chính là anh ta.”
Với một phòng thay đồ chẳng mấy hòa hợp như vậy, dễ hiểu là đội bóng đã bị cuốn vào một hành trình xuống dốc không thể đảo ngược trong giai đoạn cuối mùa giải 2006-07, và vì thế, chẳng giành được danh hiệu nào ở những giải đấu mà tới đầu năm họ vẫn còn nhiều cơ hội. Madrid kết thúc mùa giải bằng điểm với Barcelona, nhưng xếp trên và giành chức vô địch nhờ thành tích đối đầu tốt hơn. Tất cả đều nhất trí rằng Barcelona đã tự tay ném chức vô địch đó đi vì sự chủ quan và những khoảnh khắc mất tập trung.
Không có bằng chứng nào cho thấy sự hiện diện của “cặp song sinh xấu thói” ấy rõ hơn khi Barcelona vứt đi cơ hội vào chơi trận chung kết Cúp Nhà Vua sau khi đánh mất lợi thế dẫn trước 5-2 ở trận bán kết lượt đi với Getafe theo cách không thể lý giải nổi. Nghĩ rằng trận đấu đã an bài, Rijkaard đã để Messi ở lại Barcelona trước trận lượt về ở Madrid. Barca thua trắng bụng 4-0.
Dù chịu áp lực phải có những thay đổi trong đội Một, Laporta vẫn cho rằng những người hùng trong đội hình lịch sử của Rijkaard xứng đáng được trao thêm một cơ hội nữa. Sau tất cả, ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, chính họ, nhóm những tài năng kiệt xuất với thứ bóng đá ma thuật và cuốn hút, là những người đã mang về cho câu lạc bộ danh hiệu Champions League đầu tiên sau mười bốn năm. “Vị huấn luyện viên người Hà Lan”, Canut viết tiếp trong Els secrets del Barca, “cam kết với Laporta rằng ông đủ mạnh mẽ để có thể kiểm soát được tình hình và tìm lại phiên bản tốt nhất của Ronaldinho, người mà ban lãnh đạo đang dự định đẩy đi. Trong một lần Laporta tới thăm nhà Ronaldinho ở Castelldefels, cầu thủ người Brazil thừa nhận anh đã sao nhãng và hứa sẽ trở lại với hình ảnh của Ronaldinho trước đây.” Anh cầu xin một cơ hội để chứng tỏ rằng anh có thể thay đổi chính mình.
Cùng lúc đó, Pep Guardiola, lúc này vừa trở lại sau chuyến đi tới Argentina, nhận được một cuộc gọi từ FC Barcelona.
Một bãi biển ở Pescara.
Ngay trước giờ ăn trưa, đầu hè năm 2007
Cùng Pep theo dõi một trận bóng là một trải nghiệm khai sáng, một buổi học cùng chuyên gia. Nếu bạn có may mắn được ngồi cạnh anh trong khi một trận đấu đang diễn ra, bạn sẽ có cơ hội nghe anh chia sẻ tất cả những gì mà anh nhìn thấy. “Quả bóng lăn nhanh hơn bất kỳ con người nào, nên trái bóng là đối tượng phải di chuyển!” - chỉ trong có mười mấy từ, câu nói ấy đã toát lên toàn bộ triết lý bóng đá của anh.
“Nhìn anh ta kìa! Đấy, chính anh ta đấy! Anh ta đang lẩn trốn! Đồng đội của cậu cần phải biết chắc rằng cậu luôn luôn sẵn sàng!” - anh sẽ hét lên, tay chỉ về phía kẻ “gây tội”. “Trước khi chuyền bóng, anh cần phải biết mình nên chuyền tới đâu; nếu anh không biết, tốt nhất là nên tiếp tục giữ bóng; có thể chuyền về cho thủ môn, nhưng đừng để rơi vào chân của đối thủ”, nghe thật đơn giản, rất thường thức, nhưng đó là cốt lõi của một học thuyết thành công. “Bóng đá là trò chơi đơn giản nhất trên thế giới - đôi chân chỉ cần nghe lời cái đầu”, Pep nhận xét, nhưng cũng biết rõ hơn ai hết rằng đó không phải là điều đơn giản. Và còn một điều nữa mà trước đây Pep vẫn thường nói khi xem bóng đá: “Một ngày nào đó tôi sẽ trở thành huấn luyện viên của FC Barcelona.”
Manel Estiarte nghe được câu này nhiều hơn một lần bên cạnh những lý thuyết bóng đá khác mà Pep đã nói trong những cuộc thảo luận kéo dài tại nhà của Manel ở Pescara, Italia, nơi hai người bạn và gia đình của mình thường ở cùng nhau trong vài tuần mỗi mùa hè. Pescara có thể không phải là bãi biển đẹp nhất trên thế giới, nhưng Estiarte, có vợ là người Italia, mua được một căn nhà ở đó trong thời gian còn chơi cho đội bóng nước Pescara hồi giữa những năm 1980. Sau khi giải nghệ, anh thường trốn về đây bất cứ khi nào có thể.
Trong những mùa hè đó, những ngày tháng 7 nóng nực, ngập tràn ánh nắng và dài lê thê sẽ chầm chậm trôi qua theo cùng một nhịp điệu đơn giản: tám tiếng trên bãi biển, trở về nhà nghỉ ngơi trước bữa tối, rượu vang và những cuộc nói chuyện bổ ích tới tận khuya trước khi lên giường nghỉ ngơi để chuẩn bị lặp lại một quy trình y hệt trong ngày tiếp theo. Thế mới là nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Tất nhiên, trong những ngày này, thật khó để có thể nghỉ ngơi thư thái như thế, khi mà những du khách khác không thể không nhận ra huấn luyện viên nổi tiếng nhất thế giới trùng hợp thế nào lại đang ngồi cách họ có mấy mét, và họ cũng không thể ngăn mình không tiến tới, có thể chỉ để chia sẻ những ký ức của họ về một trận đấu nào đó. Nhưng chỉ mấy năm trước thôi, Pescara vẫn là một nơi trú ẩn mà hai người bạn có thể tìm tới và chia sẻ, trong yên bình, những giấc mơ, kế hoạch và cả mong muốn cải tạo thế giới.
Vào đầu kỳ nghỉ hè quen thuộc ở Pescara vào năm 2007, Pep đang là một người thất nghiệp. Cuộc phiêu lưu ở Mexico và chuyến đi tới Argentina vừa khép lại, và anh cũng đã thông báo giã từ sự nghiệp cầu thủ. Trong khi anh và Manel đang cùng nhau đi bộ dọc bãi biển, Pep ném ra một quả bom:
“Tớ vừa được Barca đề nghị một công việc.”
“Wow, Barcelona hả?”
“Ừ, họ muốn tớ về làm giám đốc kỹ thuật phụ trách các đội trẻ.”
“Ổn đấy, cậu thích sắp xếp, tổ chức mọi việc, và cậu cũng rất giỏi chơi với bọn trẻ.”
“Đúng, đúng; nhưng tớ cũng không biết nữa. Tớ thực sự không biết...”
“Cậu bảo cậu không biết, ý là sao!? Nhớ là cậu đang có cơ hội trở lại Barcelona đấy nhé!”
“Ý tớ là... Tớ muốn làm việc cùng với đội B. Tớ đã mường tượng ra cảnh mình huấn luyện họ. Tớ muốn bắt đầu từ đó.”
“Nhưng không phải là họ vừa bị rớt hạng và bây giờ đang chơi ở giải hạng ba sao!!??”
Ký ức về cuộc nói chuyện đó vẫn còn rất sống động trong Manel và anh nhớ là mình từng nghĩ rằng chẳng cách nào có thể thuyết phục ông bạn bắt đầu sự nghiệp huấn luyện với một đội bóng đang trượt xuống sâu hơn trên hệ thống thi đấu ở Tây Ban Nha (Tercera thấp hơn La Liga bốn bậc) là một ý tưởng tồi. Bởi vì một khi Pep đã quyết định điều gì rồi thì rất khó có thể khiến anh đổi ý. Tuy nhiên, riêng lần này, điều đó không thể ngăn được những người khác cố gắng thuyết phục Pep, rằng, anh sắp phạm phải một sai lầm.
Từ cái quảng trường trong ngôi làng nhỏ ở Santpedor, bóng đá đã đưa Guardiola đi khắp thế giới. Đó là một hành trình học hỏi kéo dài; bắt đầu với những giọt nước mắt ở La Masia, với những chỉ trích và thất bại, những giấc mơ tan vỡ, đỉnh cao và vực sâu, với những thời gian suy ngẫm và học hỏi; sự động viên từ gia đình, bạn bè, và những người thầy; những chuyến đi dài quanh vùng nông thôn Catalonia, rồi tới Wembley, Italia, Trung Đông, Mexico và Argentina. Đó cũng là một hành trình quan sát, lắng nghe, xem và chơi rất nhiều bóng đá.
Tới mùa hè năm 2007, ngay cả khi vẫn tiếp tục học hỏi, Pep cảm thấy mình đã sẵn sàng - anh muốn huấn luyện và anh biết phải làm như thế nào, với những nguồn tài nguyên gì.
Txiki Beguiristain, người lúc đó là giám đốc bóng đá của Barcelona, lại có những ý tưởng khác. Anh xem Pep là sự lựa chọn hoàn hảo cho một vị trí khác mang tính vĩ mô hơn là công việc huấn luyện mang tính cầm tay chỉ việc, bởi thế anh đã gọi điện mời Pep về làm giám đốc bóng đá trẻ của Barcelona. Txiki nhìn thấy ở Pep một điều phối viên, một nhà lý luận, người có khả năng giáo dục và truyền đạt “cách của Barca” tới những cầu thủ trẻ ở các cấp độ. Trong vị trí giám đốc bóng đá trẻ, Pep sẽ chịu trách nhiệm tổ chức bộ máy đào tạo trẻ, tuyển chọn cầu thủ và huấn luyện, giám sát các phương pháp huấn luyện và đóng một vai trò then chốt trong việc thiết kế những hệ thống mới cũng như tòa nhà mới thay thế cho La Masía cũ, nơi sẽ đặt tất cả những hệ thống ấy. Beguiristain từng có ý định rời câu lạc bộ trong mùa hè năm đó, tức một năm trước khi hợp đồng của anh hết hạn, nhưng ngay khi nghe được thông tin Pep đang xem xét trở lại Barcelona, anh sẵn sàng ở lại thêm một mùa giải nữa. Anh muốn Guardiola trở thành cánh tay phải của mình, và đã có kế hoạch đào tạo Guardiola thành người thay thế anh trong vòng mười hai tháng.
Nhưng trước khi Txiki nghĩ tới việc đề xuất ý tưởng mời Guardiola trở lại với Laporta và ban lãnh đạo, Pep cần phải xây một vài cây cầu, bắt đầu bằng việc sửa chữa mối quan hệ vốn gần như không tồn tại trong ít nhất bốn năm giữa ông với Txiki, người đồng đội cũ ở Dream Team. Pep và Cruyff cũng đã xa cách nhau một thời gian; thực tế, hai người hầu như không gặp mặt nhau kể từ khi Pep vẫn còn chơi cho Barcelona, vì một sự kiện xảy ra ngay sau khi huấn luyện viên người Hà Lan rời đội. Người thay thế cho Cruyff, van Gaal, đã đẩy ra đường một số cầu thủ do câu lạc bộ tự đào tạo - Oscar, Roger García, Albert Celades, Toni Velamazán và Rufete - và Cruyff thì không thể nào hiểu nổi tại sao Guardiola, trong vai trò đội trưởng, lại để cho điều đó xảy ra mà chẳng nói gì. Khi ông nói với Pep, “Nào, hãy làm gì để giúp đỡ những chàng trai tới từ các đội trẻ đó đi”, Pep trả lời rằng anh “không muốn can thiệp vào công việc của huấn luyện viên”, và anh cũng không thể tác động tới những quyết định của huấn luyện viên trưởng. Cruyff không vui.
Nhưng còn một lý do khác khiến cựu huấn luyện viên trưởng và cựu đội trưởng của Dream Team xa cách. Khi Pep chấp nhận đề nghị của Lluis Bassat để trở thành giám đốc bóng đá trong trường hợp chiến dịch tranh cử thành công, hành động của anh đã khiến một nhóm thành viên Dream Team - Txiki, Amor, Eusebio - cảm thấy ngạc nhiên. Họ đã cùng nhau có một thỏa thuận, dưới sự chứng kiến của Johan Cruyff, rằng sẽ không công khai ủng hộ bất kỳ ứng viên nào trước cuộc bỏ phiếu, và sẽ chỉ làm việc cho người giành chiến thắng sau cùng. Các cựu cầu thủ đều xem Pep là một thành viên của nhóm nên cảm thấy ít nhiều bị phản bội khi phát hiện ra việc anh công khai ủng hộ Bassat. Laporta (với sự ủng hộ ngấm ngầm của Cruyff) giành chiến thắng, đẩy Pep vào thế bị cô lập khỏi nhóm và kết quả là anh không còn nói chuyện với Txiki hay Johan Cruyff, thậm chí cả Laporta, trong mấy năm sau đó.
Một cuộc hẹn khám răng đã khiến Evarist Murtra, một trong những giám đốc của câu lạc bộ, đồng thời là bạn của Guardiola, đến muộn trong cuộc họp ban lãnh đạo, khi tên của Guardiola đã được xướng lên bên cạnh Alexanco trong ban lãnh đạo mới của học viện. Murtra bỏ lỡ phần trình bày của Txiki Beguiristain, trong đó có đề xuất bổ nhiệm Luis Enrique làm huấn luyện viên trưởng đội B. Vị giám đốc lịch sự đề nghị được tổng hợp lại những gì đã được trình bày trong cuộc họp, và đã cau mặt khi nghe về kế hoạch của Txiki với Pep. Tới thời điểm đó, người cựu đội trưởng đã có được các chứng chỉ huấn luyện cần thiết và cũng đã nói với Murtra rằng anh muốn làm huấn luyện viên. Khi Beguiristain rời đi, Murtra cũng xin phép đi vệ sinh. Ngay trước khi Txiki bước vào thang máy, Murtra yêu cầu anh xem lại kế hoạch của mình. “Hãy giúp tôi một việc là gọi cho Pep trước, phòng trường hợp điều anh ấy mong muốn là công việc huấn luyện”, vị giám đốc nói.
Thế là, vào mùa hè năm 2007, một cuộc gặp giữa Txiki và Pep đã được tổ chức ở khách sạn Princesa Sofía gần sân Camp Nou với nội dung chính là thảo luận về khả năng Guardiola trở lại câu lạc bộ. Beguiristain bước vào khách sạn với hành trang là tâm thế sẵn sàng tha thứ và một đề nghị đặc biệt dành cho Pep. Bất chấp gợi ý của Murtra, anh vẫn muốn người đội trưởng cũ của mình trở thành giám đốc bóng đá tương lai của câu lạc bộ.
Guardiola: “Cảm ơn về lời đề nghị đó, nhưng tôi muốn trở thành một huấn luyện viên.”
Beguiristain: “Ở đâu? Làm gì còn chỗ nào cho anh trong đội Một, ngay cả làm trợ lý cho Rijkaard cũng không...”
Guardiola: “Hãy trao đội B cho tôi, cái đội ở hạng ba ấy.”
Beguiristain: “Gì cơ!?! Anh điên rồi. Chỗ ấy thất bại chắc. Giành chức vô địch La Liga với đội Một dễ hơn nhiều so với giành quyền thăng hạng với Barca B.”
Guardiola: “Cứ để tôi nắm đội B. Tôi biết phải làm gì.”
Beguiristain: “Nhưng công việc mà tôi đang đề nghị anh hấp dẫn hơn nhiều chứ, lương cũng cao hơn nữa. Phụ trách học viện đâu phải là công việc vớ vẩn. Và đừng quên là đội B đang ở giải hạng ba đấy!”
Hồi 2007, đội B đang gặp rất nhiều khó khăn và không được xem là nguồn cung cấp tài năng như ở thời điểm hiện tại. Đội vừa bị rớt xuống hạng đấu tương đương League Two ở Anh, lần đầu tiên trong vòng 34 năm.
Nhưng Pep vẫn rất kiên quyết.
Guardiola: “Tôi muốn trở thành huấn luyện viên, tôi muốn huấn luyện. Hãy để tôi làm việc với bất kỳ đội bóng nào, bất kỳ cấp độ nào mà anh muốn, đội thiếu niên, đội nhi đồng, đội nào cũng được. Thậm chí tôi sẵn sàng chơi với trẻ mẫu giáo trên ruộng khoai tây, miễn sao là được trực tiếp làm việc với các cầu thủ.”
Beguiristain: “Anh có thể sẽ phải trả giá đắt khi cố gắng giải cứu cái đội B đó, anh điên mất rồi. Và còn một điều nữa, người ta sẽ nói gì khi chúng tôi nhét Pep Guardiola, một biểu tượng của câu lạc bộ, xuống một đội bóng hạng ba? Không ổn một tí nào cả!”
Pep trả lời bằng cách giải thích chi tiết những gì anh muốn làm với đội bóng. Anh đã biết sẽ thiết kế đội hình như thế nào, sẽ triển khai những kiểu bài tập và cách quản lý ra sao; tất cả đều đã được lên kế hoạch. “Tôi muốn làm việc với những cậu nhóc đó; tôi biết là chúng sẽ không đòi hỏi gì cả, trong khi sẵn sàng cống hiến tất cả. Tôi sẽ đưa đội bóng đó lên hạng”, Pep nhắc lại. Cuối cùng, Txiki cũng bị lòng nhiệt thành và những ý tưởng của Pep thuyết phục. Vị giám đốc bóng đá sau cuộc họp bắt đầu tìm hiểu thêm về Pep bằng cách hỏi ý kiến của những người khác về khả năng làm huấn luyện viên của anh. Anh nói chuyện với một số thành viên trong học viện, những người đã tham gia các khóa học huấn luyện cùng với Guardiola, và cả những giáo viên của anh nữa, tất cả đều đồng ý rằng Pep là một trong những học viên xuất sắc nhất mà họ từng biết. Quyết định cuối cùng được đưa ra không lâu sau cuộc gặp.
Pep Guardiola là thế, là sự pha trộn giữa sự liều lĩnh và chất thiên tài. Không có nhiều cựu cầu thủ dám từ chối lời mời trở thành giám đốc quản lý cả hệ thống học viện để cầu xin cơ hội dẫn dắt một đội dự bị đang trên đà sa sút như anh đã làm.
“Cậu có chắc là cậu biết rõ những gì mà mình đang làm không, Pep?” - bạn bè cứ hỏi đi hỏi lại câu này sau khi biết điều gì đã xảy ra vào buổi chiều hôm đó. “Ở tận giải hạng tư ư? Đó là địa ngục. Nó chẳng liên quan gì tới thứ bóng đá mà cậu biết đâu. Cậu sắp sửa bước vào một chuyến đi không những không dễ dàng mà còn rất gập ghềnh đấy. Cậu có chắc về chuyện này không?” “Ồ, tất nhiên, chắc chứ. Tôi chỉ muốn được huấn luyện” là câu trả lời duy nhất của anh. Như David Trueba viết, “Pep luôn biết rõ, cuộc sống bao gồm việc chấp nhận những rủi ro và phạm những sai lầm - nhưng bất cứ khi nào có thể, hãy trả giá cho những sai lầm của mình thay vì của người khác.”
Tuy nhiên, vẫn còn một chướng ngại vật đáng kể trên con đường dẫn tới cơ hội được làm huấn luyện viên của Pep, đó chính là có người đã được quy hoạch vào vị trí huấn luyện viên trưởng đội B. Không ai khác, chính là người bạn và cũng là đồng đội cũ của Pep, Luis Enrique. Cựu tuyển thủ Tây Ban Nha đã được một quan chức hơi nhiệt tình thái quá của Barca thông báo rằng việc anh được bổ nhiệm vào vị trí huấn luyện viên đội B cho mùa giải 2007-08 chỉ còn là vấn đề thời gian khi mà các thành viên còn lại trong ban lãnh đạo chắc chắn sẽ đồng ý với đề xuất (của Txiki). Sự xuất hiện của Pep đã khiến mọi thứ bị đảo lộn và Txiki buộc phải cho Luis Enrique biết rằng quyết định đã thay đổi.
Thế là, theo nhiều cách, cuộc đời Pep đã đi trọn một vòng. Cậu nhóc từ Santpedor may mắn nhận được cuộc gọi từ La Masía 20 năm về trước đang trên đường trở lại nơi tất cả mọi chuyện bắt đầu. Chính vì có quãng thời gian xa cách giữa anh với đội bóng, Pep sẽ có thể cống hiến được nhiều hơn so với nếu như anh ở lại.
Vào ngày 21 tháng 6 năm 2007, bảy tháng sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ, Pep Guardiola ra mắt với tư cách huấn luyện viên mới của Barcelona B.
Camp Nou. Phòng họp báo.
Chiều ngày 21 tháng 6 năm 2007
“Tôi không nhận được thêm lời đề nghị nào cả, chẳng có ai gọi cho tôi cả. Vì lý do này tôi rất biết ơn câu lạc bộ, bởi vì với tôi, việc được dẫn dắt Barca B là một đặc ân.” Đó là những gì mà Pep đã nói với cánh phóng viên có mặt trong buổi lễ giới thiệu anh ở Camp Nou vào ngày hè năm 2007 đó. Mùa giải sắp sửa diễn ra hóa ra còn hơn cả một đặc ân; nó đã trở thành một mùa giải giúp xác định những năng lực của anh dưới tư cách một huấn luyện viên bóng đá.
Ở buổi họp báo đó, Joan Laporta, người ở thời điểm ấy đã bắt đầu có nhiều biểu hiện giống như cái mà những người Mỹ vẫn gọi là “tổng thống vịt què”, đã vớt vát lại được không ít niềm tin bằng cách bổ nhiệm một cựu cầu thủ, một biểu tượng của câu lạc bộ và quốc gia. Laporta, người ngồi ngay bên cạnh Pep, cần hiệu ứng từ hào quang của anh. Nhiệm kỳ của vị chủ tịch đã khởi đầu hết sức thành công khi biến Barcelona trở thành một thế lực ở châu Âu với hai chức vô địch quốc gia và một danh hiệu Champions League giành được theo cách hết sức ấn tượng. Nhưng theo thời gian, hình ảnh của ông đã xấu đi rất nhiều bởi những chia rẽ trong nội bộ câu lạc bộ và những cáo buộc từ các thành viên cũ trong ban lãnh đạo của Laporta - trong đó có Sandro Rosell, người đã từ chức - rằng ông là một kẻ chuyên quyền và, theo một số người, là xa rời thực tế. Và tất nhiên, việc Barcelona trắng tay ở mùa giải 2007-08 càng khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Quyền lực là một thứ kỳ lạ và Laporta là ví dụ hoàn hảo cho thấy nó có thể thay đổi cả những con người giàu lý tưởng nhất theo cách như thế nào.
“Cả đời mình tôi chỉ mong được là Guardiola”, Laporta nói, cố gắng ngập mình trong ánh sáng vinh quang tỏa ra từ một người là thần tượng của cả một thế hệ cổ động viên Barcelona. Dù là người thông qua quyết định bổ nhiệm Guardiola, Cruyff lại không hề lộ diện. Ông vẫn chọn cách đứng phía sau tấm màn nhung để thao túng mọi việc, như ông vẫn luôn làm trong kỷ nguyên Laporta.
Câu lạc bộ được hưởng lợi từ danh tiếng của Guardiola, nhưng rủi ro mà họ phải chấp nhận khi quyết định bổ nhiệm anh cũng cao chẳng kém. Dẫu sao, điều quan trọng là anh không sợ thất bại. Bài nói chuyện của Pep trong lễ ra mắt trước truyền thông tuôn ra như một dòng thác những câu chữ mà chính anh đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần trên giường, trong bể bơi ở Doha hay khi đang đi bộ trên những bãi biển của Pescara. “Trong nghề huấn luyện viên, tôi chẳng là ai cả, đó là lý do tôi đón chờ cơ hội này với một sự phấn khích không thể kiểm soát được. Tôi đến đây trong tâm thế sẵn sàng làm tất cả để có thể đóng góp được điều gì đó. Tôi hiểu câu lạc bộ này và tôi hi vọng có thể giúp đỡ các cầu thủ và tiếp tục phát triển ý tưởng bóng đá mà tất cả chúng ta đều cùng theo đuổi. Thực ra, cách tốt nhất để giáo dục các cầu thủ là làm cho họ thấy rằng họ có thể chiến thắng. Tôi hi vọng cảm giác về đặc ân mà tôi đang cảm thấy cũng sẽ là cảm giác chung với tất cả các cầu thủ trong đội”, anh nói, trong một phòng họp báo không còn chỗ trống.
Guardiola thích nhấn mạnh rằng nghề chính của anh là giáo dục: anh mơ rằng, sau khi đã rời xa bóng đá chuyên nghiệp, anh sẽ được huấn luyện những cậu bé, những cầu thủ trẻ, những người “vẫn còn lắng nghe và muốn học hỏi”. Vài ngày sau lễ ra mắt, Guardiola đưa ra bài phát biểu đầu tiên với tư cách huấn luyện viên trong sự chăm chú của những cầu thủ trẻ đang háo hức được học hỏi. Anh nhớ lại là anh đã chọn một tập hợp những ý tưởng có thể thể hiện được triết lý bóng đá mà anh theo đuổi.
Anh nói với họ rằng anh có thể chấp nhận việc họ chơi không tốt, nhưng anh yêu cầu họ phải nỗ lực hết 100% trong mọi trận đấu. Anh muốn họ thể hiện như là những cầu thủ chuyên nghiệp dù họ vẫn chưa được xem là như thế và nghiêm túc trong mọi việc họ làm. “Mục tiêu là thăng hạng, để có thể làm được điều đó, chúng ta phải giành chiến thắng và chúng ta sẽ không thể giành chiến thắng nếu không nỗ lực”, anh nói với các cầu thủ. Anh cũng chỉ ra rằng các cầu thủ tấn công cần phải là những hậu vệ giỏi nhất; và các hậu vệ sẽ là những người khởi đầu mọi pha tấn công, bằng cách triển khai bóng lên phía trên.
Và bất chấp điều gì xảy ra, phong cách thi đấu là thứ không thể thỏa hiệp: “Triết lý đằng sau phong cách chơi bóng của câu lạc bộ này là như thế nào thì các anh đều biết hết rồi. Tôi tin tưởng nó. Tôi cảm nhận được nó. Và tôi muốn truyền nó tới tất cả các anh. Chúng ta cần phải có hoài bão, chúng ta cần phải giành quyền thăng hạng, không có chuyện nước đôi ở đây. Chúng ta cần phải thống trị trận đấu, và đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta không bị thống trị.”
Câu lạc bộ vừa vớ được một tài sản quý. Guardiola có ích cho thể chế không chỉ vì anh biết cách giành chiến thắng trong các trận đấu mà còn vì anh hiểu và áp dụng được những gì La Masía đã dạy anh. La Masía, cái học viện đã định hình con người anh và giúp anh trở nên mạnh mẽ, đã phát huy những điểm mạnh và che giấu những điểm yếu của anh, chính là động lực đằng sau mọi thành công của anh.
Pep bắt nhịp nhanh chóng với vai trò mới bằng cách quy tụ quanh mình dàn trợ lý là những người mà anh biết là có thể tin tưởng. Họ là một nhóm những đồng nghiệp thân thiết không rời từ lần đầu gặp nhau ở La Masía: cánh tay phải Tito Vilanova, huấn luyện viên hồi phục Emili Ricart, và huấn luyện viên thể lực Aureli Altimira. Ban huấn luyện mới nhanh chóng nhận ra rằng chất lượng kỹ thuật của những cầu thủ mà họ có trong tay ở đội B là không có gì phải bàn cãi. Nhờ quy trình tuyển chọn ưu tiên những cầu thủ trẻ thông minh, những người có thể “chơi bóng”, thay vì xem xét các đặc điểm thể chất của họ, mọi cầu thủ ở La Masía đều sở hữu kỹ thuật trên mức trung bình. Tuy nhiên, Pep cũng nhận ra rằng để có thể thành công, đội bóng cần phải được bổ sung sự quyết liệt và tăng cường độ làm việc.
Và, trên hết, họ cần phải học cách chiến thắng. Truyền được một tinh thần cạnh tranh và quyết thắng cao độ vào một đội bóng, một học viện vốn đã có thừa tài năng được xem như là một bước ngoặt đối với bóng đá cấp độ trẻ ở FC Barcelona.
Đội B bị rớt xuống tận hạng tư của hệ thống thi đấu ở Tây Ban Nha là hệ quả có thể thấy rõ của việc câu lạc bộ ưu tiên phát triển triết lý của mình nhưng lại thiếu kỹ năng để có thể triển khai nó một cách hiệu quả ở các đội trẻ. Một trong những hành động đầu tiên của Pep là giải thể đội Barcelona C, trước đó cũng chơi ở giải hạng tư, và chọn những cầu thủ tốt nhất của đội bóng đó để ghép vào đội Barcelona B mới. Anh cũng thực hiện một bước đi mang tính cách mạng là cho phép những cầu thủ trẻ 21 tuổi gia nhập đội B mới trong tối đa hai năm trước khi bán họ đi. Bằng cách cho phép những cầu thủ lớn tuổi hơn chơi bóng bên cạnh những đồng đội U-21 ở đội B, Pep đã phá vỡ truyền thống của câu lạc bộ, với hi vọng anh có thể nâng cao các chuẩn mực và làm cho đội bóng trở nên mạnh mẽ hơn.
Với việc kết hợp đội B và đội C, Pep buộc phải có một nhóm cầu thủ có tới 50 thành viên xuống chỉ còn 23, dẫn tới việc một lượng lớn các cầu thủ buộc phải rời La Masía. Một công việc không lấy gì làm vui vẻ, như miêu tả của David Trueba: “Pep muốn tìm cho các cầu thủ một đội bóng mới trước khi đẩy họ ra đường; anh phải tổ chức nhiều cuộc gặp với các phụ huynh, phải kìm nén nhiều lắm để không rơi nước mắt, bởi anh biết rằng mình đang phá hủy giấc mơ của những chàng trai trẻ từng cho rằng bóng đá còn quan trọng hơn cả cuộc sống, những người đã buộc phải tạm ngừng việc học hành để có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi giấc mơ đó. Xây dựng đội bóng ấy là cả một quá trình hao tâm tổn trí, đòi hỏi cả bản năng lẫn sức mạnh - một công việc ‘bẩn thỉu’ và bạc bẽo. Ngày nào cũng như ngày nào, anh đều phải đưa ra những quyết định kiểu như có nên để một chàng trai tên là Pedro chuyển sang Gavá hay là giữ cậu ta lại.” Đã vậy, Pep còn phải ra quyết định thật nhanh, thường là chỉ sau năm hay sáu buổi tập. Thế nên đó còn là một công việc đầy rủi ro, mà nguy cơ phạm sai lầm là rất lớn. Nhưng, một lần nữa, Pep có thể sống cùng các sai lầm, bởi vì chúng là những sai lầm của anh.
Guardiola còn nhanh chóng giới thiệu một loạt những thói quen, phương pháp làm việc, hệ thống và các phương pháp luận mà anh tích lũy được từ sự nghiệp cầu thủ vốn được trải nghiệm nhiều mẫu huấn luyện viên khác nhau. “Anh ấy đặc biệt chú ý tới các chi tiết”, Trueba nhớ lại: “Từ việc kiểm soát thói quen ăn uống, thời gian nghỉ ngơi và hồi phục của các cầu thủ; tới việc nghiên cứu đối thủ bằng cách ghi hình các trận đấu của họ và yêu cầu đội ngũ trợ lý tổng hợp thành những báo cáo trận đấu chi tiết. Và đừng quên là đội bóng của anh đang chơi ở giải hạng ba!!! Những lúc Guardiola cảm thấy anh chưa có đủ thông tin về một đối thủ nào đó, anh sẽ trực tiếp tới theo dõi các trận đấu của họ.”
Anh đòi hỏi rất cao không chỉ với bản thân mà còn với cả các cầu thủ cũng như đội ngũ dưới quyền; tuy nhiên, trong mọi việc anh làm, anh luôn ưu tiên giải thích tại sao anh lại yêu cầu họ làm những điều đó. Anh luôn là người có mặt đầu tiên và ra về cuối cùng, sáng và trưa nào cũng có mặt trên sân tập. Mọi công việc liên quan tới điều hành một đội bóng, anh kiểm soát hết: anh yêu cầu các nhân viên dưới quyền phải làm báo cáo và cập nhật hằng ngày cho anh. Không có chỗ cho chuyện hên xui. Và, nếu cần, anh sẽ nhắc nhở những người xung quanh anh rằng ai mới là ông chủ thực sự, dù chuyện này cũng không mấy khi xảy ra.
Trưa ngày 6 tháng 12 năm 2007, Barca B làm khách trên sân của Masnou và bước vào hiệp hai với lợi thế dẫn trước 2-0; tuy nhiên, họ đã vứt đi lợi thế của mình và để cho đối phương gỡ lại được một điểm. “Màn sấy tóc sau trận mới thật kinh khủng”, một cầu thủ nhớ lại. Phóng viên Luis Martín viết về ngày hôm đó trên tờ El País: “Bình thường Guardiola sẽ tự cho mình chút thời gian để phân tích lại trận đấu và tới ngày hôm sau mới truyền đạt lại với các cầu thủ. Nhưng chiều hôm đó là một ngoại lệ. Ông ấy đóng cửa phòng thay đồ lại và nói rằng nhiều người trong số chúng tôi không xứng đáng khoác áo câu lạc bộ, rằng màu áo này đại diện cho biết bao người cũng như những cảm xúc của họ, và chúng tôi đã phản bội lại tất cả. Tất cả bọn tôi đều chết khiếp”, cầu thủ kia kể tiếp.
“Guardiola có thể tha thứ mọi sai lầm của các cầu thủ, trừ sai lầm về thái độ”, Martín bình luận. Vào tháng 10 năm 2007, nhật báo Sport tiết lộ những gì mà Guardiola đã nói với các cầu thủ trong phòng thay đồ hôm ấy. Theo tờ báo này, Guardiola đã lấy những cô bé, cậu bé tham gia tranh tài trong chương trình Operación Triunfo - phiên bản Tây Ban Nha của chương trình The X Factor - ra làm gương trước các cầu thủ: “Ông ấy nói với chúng tôi rằng bọn nhóc đã được trao một cơ hội tuyệt vời và chúng đã làm tất cả những gì có thể, toàn tâm toàn ý để có thể tận dụng tối đa cơ hội có thể chỉ đến một lần trong đời này, và chúng tôi cũng phải làm như thế”, một cầu thủ kể lại. “Sau đó, khi nhìn thấy những gì mình nói nằm chình ình trên báo, ông ấy đã nổi điên lên và nói rằng tuồn những câu chuyện trong phòng thay đồ cho báo chí chính là một hành động phản bội với các đồng đội.”
Một lần khác, Guardiola đã loại Marc Valiente, một trong các đội trưởng, khỏi danh sách thi đấu, buộc anh ta phải theo dõi trận đấu từ khán đài, chỉ đơn giản vì anh ta rời phòng gym sớm hơn năm phút so với yêu cầu. Theo Luis Martín, Guardiola giải thích cho quyết định của mình bằng một câu nói đơn giản: “Không nâng tạ, không ra sân.”
Thỉnh thoảng, một vài cầu thủ của Guardiola sẽ được triệu tập lên tập cùng với đội Một của Rijkaard. Tuy nhiên, việc vị thế của họ cao lên không thể ngăn Guardiola tiếp tục xử họ để làm gương trước toàn đội. Mới tới vòng thứ ba của mùa giải, anh đã khiến cựu cầu thủ của Glasgow Celtic, Marc Crosas, choáng váng khi rút anh ta ra ở phút 46 của một trận đấu. Theo một trong các cầu thủ, “Crosas đã bị khiển trách nghiêm khắc trong giờ nghỉ vì không chịu chạy. Sang hiệp hai, ngay khi vừa để mất bóng, anh lập tức bị rút ra khỏi sân.” Có thể Guardiola hoàn toàn ý thức được hành động ấy sẽ có tác động như thế nào tới các cầu thủ trẻ hơn trong đội B. Một trong những cầu thủ trẻ đó nhớ lại: “Chúng tôi nhìn thấy những gì ông ấy làm với các anh lớn là trụ cột của đội, và tất cả đều nghĩ, không biết ông ấy sẽ làm gì với mình đây?” Các cầu thủ lớn tuổi hơn, trong khi đó, hoàn toàn hiểu được lý do Guardiola hành xử như vậy. “Ông ấy luôn đem chúng tôi ra làm gương, nhưng ông ấy cũng luôn đối xử công bằng với chúng tôi như với tất cả những người khác”, một cầu thủ nói.
Trong quá trình tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề của đội bóng, Pep dựa vào bản năng và kinh nghiệm để động viên, thôi thúc và khiến các cầu thủ trẻ thể hiện được hết khả năng của mình. Khi đội bóng giành quyền chơi các trận play-off thăng hạng, anh nói với họ: “Chúng ta đã cùng nhau đi được tới tận đây, giờ là lúc CÁC BẠN giành lấy tấm vé thăng hạng.” Nhưng một trong những phương pháp tạo động lực của Pep khiến anh tốn kha khá. “Ông ấy nói với chúng tôi rằng mỗi lần chúng tôi thắng được ba trận liên tiếp, ông ấy sẽ mời chúng tôi đi ăn trưa. Sau ba lần như thế, ông ấy có lẽ đã cháy túi!” - một cầu thủ trẻ nhớ lại.
Và đó không phải là những khoản chi duy nhất của Pep. Anh còn phải nộp phạt không ít sau khi nhận tới ba thẻ đỏ. Thi thoảng, cái mặt nạ lạnh lùng, điềm tĩnh, chỉn chu của Guardiola cũng rớt xuống. Anh sẽ quyết định rất nhanh rằng, thay vì cố gắng kìm nén cảm xúc ở bên đường piste, anh sẽ xả ra hết bằng tiếng... Italia; các trọng tài làm sao mà biết được tràng tiếng ngoại ngữ đang được phát ra từ khu kỹ thuật của Barcelona là những tiếng chửi thề nhắm vào mình!
Để kích thích các cầu thủ, Pep thường đặt ra cho họ nhiều thử thách. Một lần, khi Gai Assulin trở lại sau trận ra mắt trong màu áo đội tuyển Israel, Guardiola, nhớ lại những gì Cruyff từng nói với mình, ra cho anh ta một đề khó: “Cuối tuần này, cậu hãy ra sân và ghi cho tôi một bàn thắng.” Trận đó, anh ta kiến tạo hai bàn và ghi bàn thắng thứ ba. “Ông ấy làm điều đó thường xuyên. Lúc nào cũng có những thách thức. Cứ thúc đẩy được bản thân là sẽ có thưởng”, một cầu thủ khác kể lại. “Đây không phải là giải hạng ba, đây là đội dự bị của Barca - không phải ai muốn ở đây cũng được”, Martín kể lại trên El País rằng có lần Pep đã nói với các cầu thủ như vậy. Với Pep, được chơi bóng cho Barcelona là một vinh dự, và các cầu thủ phải thể hiện mình xứng đáng với vinh dự đó không chỉ qua những màn trình diễn trên sân, mà cả những biểu hiện bên ngoài sân. Đó là lý do anh luôn luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho các cầu thủ, cả khi thi đấu lẫn trong mọi hoạt động khác. Anh cấm sử dụng điện thoại di động trên sân tập và trên xe bus của đội. Các cầu thủ sẽ bị phạt 120 euro nếu đi tập muộn, và phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định lên giường ngủ trước 12 giờ đêm. Nếu bị bắt gặp khi đang phá luật, lần đầu tiên họ sẽ bị phạt 1.500 euro, tới lần thứ hai thì án phạt sẽ tăng lên gấp đôi. Để tới lần thứ ba, cầu thủ đó sẽ bị tống ra đường. Pep cũng triển khai một quy trình trước trận đấu rất nghiêm ngặt: chỉ tập chiến thuật vào những ngày diễn ra trận đấu; nếu phải làm khách, cả đội sẽ ăn cùng nhau ở La Masía; nếu được chơi trên sân nhà, Mini Estadi, các cầu thủ sẽ ăn uống tại nhà.
Huấn luyện viên thủ môn của đội dự bị, Carles Busquets, một lần được một đồng đội cũ hỏi cảm giác khi có Guardiola là sếp như thế nào. “Pep á?” - ông trả lời. “Anh ta sẽ làm cậu sợ chết khiếp!” Thực tế là mãi sau này Busquets mới thú nhận rằng ông thường trốn ra bãi đỗ xe để hút vội hút vàng một điếu thuốc vì Pep cấm tất cả mọi người hút thuốc trong và xung quanh phòng thay đồ.
Một trong những lý do Guardiola háo hức đến vậy với việc tự kiểm tra bản thân và kiểm tra những ý tưởng của mình với một đội bóng ở giải hạng thấp là bởi vì anh muốn xác nhận một lý thuyết cá nhân, rằng một đội dự bị, như bất kỳ đội bóng nào khác, có thể đóng vai một trường đại học bóng đá. Bởi vì tất cả các đội bóng đều hành xử và phản ứng theo cùng một cách. Dù là ở những giải đấu hàng đầu hay ở Sunday League, sẽ luôn có một cầu thủ thấy ghen tị với một đồng đội, một cầu thủ khác lúc nào cũng đến muộn, một cây hài, một kẻ phục tùng lúc nào cũng răm rắp làm theo vì sợ bị phạt, một người trầm lặng, một tên nổi loạn... Trải nghiệm này còn có tính giáo dục rất cao bởi vì nó giúp Pep nhận ra một thực tế rằng mọi đối thủ đều khác biệt: một số đội rất “hung hăng”, số khác thì tỏ ra rụt rè, một số phòng ngự sâu trong vòng cấm, số khác lại thích phản công. Làm việc với đội B mang tới cho Guardiola cơ hội hoàn hảo để thử và tìm ra giải pháp cho những kiểu vấn đề mà ông sẽ phải đối mặt khi làm việc với một đội bóng ở trình độ cao hơn, trong điều kiện được cách xa ánh sáng sân khấu và sự tọc mạch từ giới truyền thông.
Cùng lúc, anh đủ khiêm tốn để nhận ra rằng mình vẫn cần phải cải thiện ở một số mặt, nhất là trong khâu phòng ngự. Bạn đồng thời là huấn luyện viên của anh, Juanma Lillo, xem hết tất cả các trận đấu của Barca B. Khi một trận đấu kết thúc, Guardiola sẽ gọi cho ông để giãi bày những điều mà anh còn cảm thấy hoài nghi, có thể là liên quan tới cách các cầu thủ của anh khai thác không gian, hay cách họ hành xử khi không có bóng. Rodolf Borrell, người hiện đang làm việc ở Liverpool FC, từng là huấn luyện viên của một trong những đội trẻ của Barcelona ở thời điểm đó, nhớ là tuần nào Guardiola cũng tới xem các bài tập phòng ngự của ông, vừa quan sát vừa học hỏi.
Lòng nhiệt thành của Pep quả là thứ dễ lây lan. Sự xuất hiện của anh như thổi một làn gió mới mát lành tới các sân tập. Cùng lúc đó, anh cũng giúp tăng cường vị thế cho đội B. Sau tất cả, mọi người nhận ra rằng nếu Guardiola có liên quan tới một cái gì đó, thì cái đó hẳn phải là rất quan trọng. Trong thời gian trước đó, đội B gần như bị bỏ bê, nhưng nhờ ảnh hưởng của Guardiola, đội bóng đã có một cuộc lột xác ngoạn mục; những mạng nhện bị quét sạch, vị thế được nâng lên, và trên hết, sự chuyên nghiệp của đội là thứ mà ngay cả đội Một cũng không bì được.
Đúng hơn là không có.
Đội B có thể chỉ như một cái xưởng cũ sau lưng câu lạc bộ, nhưng Guardiola quyết tâm biến nó thành một tấm gương mà phần còn lại phải noi theo. Khi đội Barca B mới ấy sẵn sàng cho mùa giải, Pep dẫn dắt họ tiến lên bằng tất cả niềm kiêu hãnh của mình.
Họ để thua trận giao hữu đầu tiên dưới quyền huấn luyện viên mới, trước Banyoles, trên một sân cỏ nhân tạo nhỏ. Thất bại ấy, cùng với một khởi đầu không được như ý, là đủ để truyền thông bắt đầu móc máy khả năng huấn luyện của Pep. Guardiola “có nhiều phong cách hơn là sức mạnh”, một phóng viên viết. Người ta cứ nhắc đi nhắc lại, một cách sáo rỗng và vô căn cứ, rằng Pep, người mà thời còn là cầu thủ rất thích đọc cuốn sách Những cây cầu ở quận Madison và còn chia sẻ cuốn sách này với các đồng đội, có lẽ không đủ sự mạnh mẽ và quyền uy để có thể lên khuôn một đội bóng có khả năng giành chiến thắng trên những mặt sân hoặc là được lát cỏ nhân tạo hoặc mấp mô như ruộng bắp cải ở giải hạng ba Tây Ban Nha.
Sau khởi đầu trúc trắc, Pep nhanh chóng tìm đến Johan Cruyff, một thói quen mà anh sẽ duy trì trong những năm tiếp theo, mỗi khi cần lời khuyên. “Con có một vấn đề”, anh nói với người thầy của mình. “Có hai cầu thủ trong đội con không biết phải kiểm soát như thế nào, họ không chịu nghe lời con nói và điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới cách những người còn lại tiếp nhận thông điệp của con. Và vấn đề ở chỗ, họ là hai trong số những thủ lĩnh trong phòng thay đồ và cũng là những cầu thủ giỏi nhất. Không có họ trong đội hình thì con sẽ thua.” Cruyff trả lời một cách thẳng thừng: “Tống khứ mấy đứa ấy đi. Con có thể thua một hay hai trận, nhưng sau đó con sẽ bắt đầu chiến thắng, tới lúc đó thì con sẽ thấy mừng vì mình đã tống được hai thằng khốn ấy ra khỏi đội.”
Pep loại hai cầu thủ nói trên, bắt đầu thiết lập quyền lực trong phòng thay đồ, và gửi tới phần còn lại một thông điệp mạnh mẽ. Đội bóng bắt đầu chơi tốt lên và giành nhiều chiến thắng thật, đặc biệt là sau khi Pep ký hợp đồng với Chico (hiện đang ở Swansea), người được Tito Vilanova xác định là trung vệ mà đội bóng cần phải có. Trong đội hình xuất phát của đội Barca B đó còn có Pedro và, trong nửa sau của mùa giải, Sergio Busquets, người đã tiến thẳng từ băng ghế dự bị tới vị thế cầu thủ xuất sắc nhất trong đội. Từ giải hạng tư Tây Ban Nha, Pedro và Busquets đã vươn lên trở thành những cầu thủ hàng đầu và những nhà vô địch thế giới chỉ trong hai năm được chơi bóng dưới sự dẫn dắt của Pep.
Txiki Beguiristain trở thành khách quen ở Mini Estadi, chưa bao giờ trong bốn năm làm giám đốc thể thao của câu lạc bộ mà ông lại xem nhiều trận đấu của đội dự bị đến vậy. Càng lúc ông càng tin vào Guardiola và nhận ra những gì mà anh đang triển khai ở đội B hoàn toàn có thể áp dụng với đội Một. Chẳng hạn như sự đa dạng về đội hình. Thay vì chơi với sơ đồ 4-3-3 phổ biến nhất ở Barcelona, Pep thỉnh thoảng lại cho đội đá với sơ đồ 3-4-3 vốn gần như không còn được sử dụng kể từ thời Dream Team trừ một vài lần hiếm hoi xuất hiện dưới thời van Gaal. Những lúc khác anh lại sử dụng một số chín ảo, và thậm chí có lúc còn đẩy Busquets, một tiền vệ trung tâm, lên đá tiền đạo với sự hỗ trợ của ba cầu thủ tấn công phía sau. Thái độ quyết liệt của Pep ở bên ngoài đường piste (không ngừng sửa lỗi và ra hiệu trong các trận đấu, xem mọi trận đấu như là trận đấu cuối cùng, tập trung tới độ căng thẳng vào công việc, nhiệt thành và đôi khi hơi bị hưng phấn quá) cũng như những việc mà anh làm bên ngoài sân (yêu cầu toàn đội ăn cùng nhau, nghiên cứu đối thủ và cầu thủ của đối thủ - điều chưa từng xảy ra ở giải hạng ba) cho thấy anh là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, đã sẵn sàng cho vai trò quản lý ở bất kỳ trình độ nào. Bất kỳ đội bóng nào.
Càng về cuối mùa giải, Txiki càng tin chắc rằng tất cả những gì mà Pep đang làm, nếu cầu thiết, đều có thể áp dụng ở đội Một. Barca B kết thúc mùa giải với ngôi vị quán quân, nhờ đó giành quyền chơi các trận play-off để tranh suất thăng hạng lên giải Segunda B. Những thành tựu của Guardiola bắt đầu thu hút được nhiều sự chú ý, không chỉ trong nội bộ câu lạc bộ, nơi lực lượng những người ngưỡng mộ anh cứ tăng lên theo từng ngày, mà còn từ bên ngoài. Juanma Lillo là một trong số đó: “Những gì Pep làm được với Barca B có giá trị còn lớn hơn cả những gì anh ấy làm được với đội Một sau đó. Anh chỉ cần so sánh lối chơi của họ ở đầu mùa giải hạng ba với chính họ ở cuối mùa là sẽ biết. Đội bóng với tư cách một tập thể đã có những tiến bộ lớn, nhưng bản thân từng cá nhân cầu thủ trong tập thể ấy cũng vậy. Tới giờ tôi vẫn thấy buồn cười khi nhớ lại việc người ta từng nói rằng anh ấy quá thiếu kinh nghiệm để có thể dẫn dắt Barca B, chứ đừng nói tới đội Một.”
Và, tất nhiên, trong khi tất cả những điều đó đang diễn ra, tức là đội B tiếp tục tiến bộ và ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, đội Một lại không ngừng sa sút. Chẳng mấy nữa FC Barcelona sẽ phải tìm kiếm một huấn luyện viên mới.
Trên chuyến bay chở toàn đội tới Trung Quốc.
Mùa hè năm 2007
Với đội bóng của Rijkaard, mùa giải 2007-08 (mùa giải chứng kiến cuộc cách mạng ở đội dự bị), lại khởi đầu theo cách tệ hại chẳng khác gì mùa giải trắng tay trước đó. Những lời chỉ trích đổ về từ mọi hướng, và theo thời gian, Rijkaard dần dần đánh mất sự tôn trọng trong phòng thay đồ.
Trong khi đó, Ronaldinho ngày càng hướng nội và bắt đầu ngừng nhận những chỉ thị dù là từ bất kỳ ai. Câu lạc bộ cố gắng giấu việc anh thường xuyên vắng mặt trong các buổi tập sau những báo cáo y tế nói rằng anh bị “viêm dạ dày”. Tới giữa mùa giải, số lần anh “ở trong phòng gym” hay “cảm thấy không khỏe” nhiều hơn số lần anh xuất hiện trên sân tập.
Cầu thủ người Brazil thường xuyên xuất hiện trong phòng thay đồ với cùng bộ quần áo mà anh đã mặc vào ngày hôm trước do bận bay đêm tới mức không có cả thời gian thay quần áo, theo mô tả của Lluis Canut trong cuốn The Secrets of Barca. Anh cũng thường xuyên bị bắt gặp đang ngủ mê mệt trên bàn massage trong một căn phòng tối ở trung tâm tập luyện ngay giữa giờ tập. Và mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi mối quan hệ giữa Ronaldinho với một trong những cô con gái của Rijkaard bị phát hiện và trở thành đề tài đàm tiếu.
Hơn một lần, Deco tới sân tập trong tình trạng mất ngủ suốt đêm vì phải đưa con tới bệnh viện. Đặt sức khỏe của con cái lên trên công việc không phải là một tội lỗi gì ghê gớm. Tuy nhiên, việc anh ly thân với vợ - một trong mười vụ ly thân hoặc ly dị trong đội bóng năm đó - rõ ràng là đã khiến cho anh mất tập trung nghiêm trọng. Rafa Márquez cũng hay lẻn đi thăm cô bạn gái Jaydy Mitchell, thường là sau các buổi tập, và thỉnh thoảng còn ngủ lại. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu bạn gái anh không sống ở Madrid. Thiago Motta có lần “bay” sâu tới mức xuyên từ đêm này sang đêm kia, khiến đội bóng phải nháo nhào tổ chức một cuộc tìm kiếm để xem cầu thủ của mình đang sống chết ở phương nào. Lần đó, Motta không thoát được án phạt. Anh trở thành “vật tế thần” cho một kẻ khác, người đang ngày càng nổi danh trong giới “bay đêm” nhờ kỹ năng “samba” của mình: Ronaldinho.
Sau thất bại 1-0 trước Real Madrid ở Camp Nou, Barcelona đã kém vị trí đầu bảng bảy điểm khi mùa giải mới đi được nửa chặng đường. Tới mùa thu, trong những quan chức cấp cao của câu lạc bộ bắt đầu xuất hiện những lời xì xào về việc cần phải có một hành động thực sự quyết liệt. Rằng tốt nhất là nên loại bỏ những kẻ vô kỷ luật Ronaldinho, Deco và Eto’o để xoay trục về một thế hệ mới trẻ trung, khát khao và tham vọng hơn mà người dẫn đầu không ai khác ngoài Lionel Messi. Họ cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng của Rijkaard, không biết ông có đủ năng lực để dẫn dắt thế hệ mới ấy hay không. Tuy nhiên, Chủ tịch Laporta, vừa ngấm ngầm vừa công khai, vẫn trước sau ủng hộ vị huấn luyện viên người Hà Lan.
Tất cả những diễn biến trong nội bộ đội Một đều được cập nhật với Guardiola, một cách không chính thức, bởi các cầu thủ đội Một và những đồng minh của Laporta. Vào tháng 10, một người thậm chí còn hé lộ với Pep rằng viễn cảnh anh trở thành huấn luyện viên đội Một đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn: “Tên của anh chưa được đề cập tới một cách chính thức trong các cuộc họp ban lãnh đạo, và tôi cũng chưa nói với anh về điều đó, nhưng tin tôi đi, anh sẽ trở thành huấn luyện viên trưởng của Barcelona kể từ mùa giải tới.” Vào đầu tháng 11, tên của Pep cuối cùng cũng được xướng lên trong một cuộc họp ban lãnh đạo bởi một trong những giám đốc, người đề xuất thay Rijkaard bằng huấn luyện viên đương nhiệm của đội B. Tuy nhiên, Txiki Beguiristain kịch liệt phản đối ý tưởng ném Pep vào giữa một cuộc khủng hoảng trong thời điểm mùa giải cũng mới trôi qua được một nửa, như thế là quá nhiều và quá sớm với một huấn luyện viên còn non kinh nghiệm như anh.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều đồng tình với Txiki. Johan Cruyff tin rằng đội Một đã hết khả năng cứu vãn và do đó cần phải thay đổi ngay lập tức. Sau khi loại Marco van Basten, người chuẩn bị ký hợp đồng dẫn dắt Ajax, Cruyff gặp Txiki để bàn về năng lực của Pep. Vị cựu huấn luyện viên trưởng của Dream Team sau đó thân chinh xuống tận Mini Estadi để xem Pep và đội B của anh thể hiện như thế nào, trước khi hai người đi ăn trưa và thảo luận về bóng đá. Ngay sau đó, Cruyff nhắn tin cho Laporta: “Pep sẵn sàng rồi. Cậu ta đã thông tỏ mọi ngõ ngách của bóng đá.” Nhưng ông chủ tịch vẫn tỏ ra lưỡng lự, vẫn tin tưởng, đúng hơn là hi vọng, bất chấp tất cả những bằng chứng đều cho thấy điều ngược lại, rằng Rijkaard sẽ có thể xoay chuyển được tình hình và làm hồi sinh dù chỉ là một phần những phép màu cũ của Ronaldinho và đồng đội.
Khi thái độ chủ quan và sự vô kỷ luật đã trở nên quá rõ ràng, một số giám đốc và một nhóm ngày càng đông phóng viên bắt đầu khẳng định rằng chỉ có duy nhất một người có khả năng vãn hồi trật tự ở Camp Nou. Không phải Pep Guardiola, mà là José Mourinho. Họ đánh giá vị huấn luyện viên của Chelsea sở hữu ý chí sắt đá và sự can đảm có một không hai, giúp ông đưa ra được những quyết định đau đớn nhưng cần thiết. Nếu điều đó đồng nghĩa với việc triết lý bóng đá của câu lạc bộ phải thay đổi, thì cũng đáng: thời loạn lạc cần những hành động quyết liệt. Và, sau tất cả, Mourinho vẫn luôn mơ được trở lại Barcelona.
Vào ngày 27 tháng 11 năm 2007, Barcelona hòa 2-2 với Lyon để “lết” vào vòng knock-out của Champions League theo cách chả có gì đáng tự hào. Hai bàn thua của họ, một đến sau một tình huống phòng ngự cố định hớ hênh, một từ quả penalty không cần thiết. Rijkaard, căng thẳng và giận dữ, lần đầu tiên bị đuổi khỏi sân trong cương vị huấn luyện viên trưởng của Barcelona.
Chính ngày hôm đó, bộ phận bóng đá của câu lạc bộ đã đi tới một quyết định quan trọng, rằng Rijkaard, người vẫn còn một năm trong hợp đồng, phải ra đi.
Laporta tiếp tục tỏ ra dao động, nhưng để tránh trở tay không kịp, Marc Ingla (phó chủ tịch) và Txiki Beguiristain vẫn bắt tay vào lập một Phương án B. Ingla, một doanh nhân thành công trong lĩnh vực marketing, muốn tiếp cận quy trình tuyển dụng theo cách mà các tập đoàn lớn vẫn làm khi tuyển các chức danh quản lý. Đầu tiên là phân tích hồ sơ các ứng viên, sau đó là vòng phỏng vấn và cuối cùng là ra quyết định. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới chưa từng xuất hiện trong bóng đá Tây Ban Nha.
Như Luis Martín của tờ El País giải thích, “Họ lập nên một bộ hồ sơ về vị huấn luyện mới, trong đó có tất cả những tiêu chí mà các ứng viên cần phải đáp ứng: người đó phải tôn trọng phong cách chơi bóng thừa hưởng từ Rijkaard; tạo ra một môi trường làm việc nghiêm túc và có tinh thần đoàn kết cao; giám sát sự phát triển của các đội trẻ; tập trung vào quá trình chuẩn bị và sự hồi phục của cầu thủ; duy trì kỷ luật trong phòng thay đồ; đồng thời phải tôn trọng tất cả các đối thủ và hiểu biết tương đối về giải vô địch Tây Ban Nha. Ngoài ra, huấn luyện viên mới của FC Barcelona còn cần phải hiểu sâu và có thiện cảm với câu lạc bộ, những giá trị, tầm quan trọng và lịch sử của nó.”
Ingla và Beguiristain bắt đầu với một danh sách dài những ứng viên tiềm năng. Manuel Pellegrini, Arsène Wenger và Michael Laudrup nhanh chóng bị gạch tên. Cuối cùng, chỉ còn lại một danh sách rút gọn ba người, bao gồm huấn luyện viên của Espanyol, đồng thời là cựu cầu thủ Barcelona - Ernesto Valverde, Pep Guardiola và José Mourinho. Tên của Valverde cũng nhanh chóng bị xóa khỏi bản danh sách sau khi chuyện ông được quá ít thành viên trong ban lãnh đạo ủng hộ đã trở nên quá rõ ràng. Cuối cùng chỉ còn Guardiola và Mourinho.
Một người thiếu kinh nghiệm, nhưng đang tạo ra những điều kỳ diệu với đội B và là một “người Barcelona” đích thực; và một người có thể không có ADN của câu lạc bộ, nhưng đáp ứng được tất cả mọi tiêu chí khác và nhận được sự ủng hộ của một số thành viên quan trọng trong ban lãnh đạo, bao gồm Phó chủ tịch phụ trách marketing và kinh tế, Ferran Soriano. Ông Soriano từng nói riêng với những người thân cận rằng: “Thương hiệu Mourinho kết hợp với thương hiệu Barca có thể sẽ tạo ra một sản phẩm có sức hút khủng khiếp.”
Vào tháng 1 năm 2008, Marc Ingla và Txiki Beguiristain quyết định sắp xếp một cuộc gặp với Mourinho. Họ sang Bồ Đào Nha để phỏng vấn ông và người đại diện Jorge Mendes, người lúc ấy đang có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với câu lạc bộ khi là đại diện của bộ đôi Deco và Rafa Márquez.
Cuộc gặp diễn ra trong văn phòng một chi nhánh của một ngân hàng nổi tiếng ở Lisbon, địa điểm được Mendes đề nghị để tránh những sự chú ý không cần thiết. Chuyến bay của Txiki bị trễ nên khi tới cuộc họp, ông thấy Ingla đã bắt đầu phỏng vấn vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha rồi. Mourinho đưa cho những quan chức Barcelona một cái thẻ nhớ, trong đó tổng kết triết lý bóng đá của anh cũng như chiến lược mà anh đã vạch sẵn cho Barca.
Anh đã có kế hoạch biến đổi sơ đồ 4-3-3 cổ điển bằng cách sử dụng một bộ ba tiền vệ kiểu khác - gần giống với bộ ba mà anh từng sử dụng ở Chelsea với những cầu thủ như Essien, Makelele và Lampard. Anh cũng lập ra một danh sách những cầu thủ mà câu lạc bộ cần phải mua và những người mà họ phải sớm đẩy ra khỏi cửa. Anh thậm chí còn lên sẵn một danh sách rút gọn những người mà anh cho là ứng viên lý tưởng cho vai trò trợ lý của mình ở Camp Nou: Luis Enrique, Sergi Barjuan, Albert Ferrer và cả Pep Guardiola. Rõ ràng là Mourinho nắm rất rõ nội tình của Barcelona ở thời điểm này, điều thực ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu biết rằng trợ lý của anh, André Villas-Boas, thường xuyên có mặt trên khán đài của sân Camp Nou và sau đó gửi về Mourinho những bản báo cáo hết sức chi tiết.
Mourinho nói với phái đoàn Barcelona rằng dù không phải lúc nào anh cũng cảm thấy thoải mái với bầu không khí thù địch trong các trận đấu gần đây giữa đội bóng xứ Catalonia và Chelsea, nhưng đó là một phần trong chiến thuật của anh. Cách hành xử đôi khi xấu xí trước truyền thông của anh là một sự hắc ám cần thiết, thực ra là một chi tiết sống còn trong cỗ máy tâm lý mà anh sử dụng để giành chiến thắng trong các trận đấu. Mourinho còn giải thích rằng với anh, một trận đấu bắt đầu và kết thúc trong phòng họp báo là như thế nào.
Đó là lần đầu tiên Ingla và Beguiristain ngồi nói chuyện trực tiếp với José Mourinho và cả hai đều bị ấn tượng bởi sức hút cũng như phương pháp luận bóng đá rõ ràng của anh. Họ trở lại Barcelona trong tâm trạng lạc quan bất chấp còn đôi chút lấn cấn về những đòi hỏi liên quan tới tài chính của Mourinho: anh muốn một bản hợp đồng hai năm trị giá 9 triệu euro mỗi năm, và thêm 1 triệu euro cho mỗi trợ lý.
Nhưng vẫn còn một cái “nhưng”, liên quan tới cách hành xử của José trước giới truyền thông. Cả hai đại diện của Barcelona đều cảm thấy không được thoải mái sau khi Mourinho khẳng định anh sẽ tiếp tục lao vào những trận chiến tâm lý cả trong lẫn ngoài sân bóng. Cả hai đều bị giằng xé. Họ thích Mourinho, nhưng cảm thấy lựa chọn đa nhân cách của anh ta là không ổn một tí nào. Họ cũng không thể nào hiểu nổi tại sao một Mourinho cuốn hút tới vậy lại thường xuyên trưng ra trước công chúng một bộ mặt đầy khó chịu đến vậy. Những cáo buộc không chính xác nhắm vào Frank Rijkaard, rằng vị huấn luyện viên của Barcelona đã vào phòng của trọng tài Anders Frisk ở đường hầm sân Camp Nou trong giờ nghỉ giữa hai hiệp trận lượt đi vòng knock-out Champions League mà Chelsea thắng 2-1, vẫn còn mới nguyên trong ký ức.
Thế nên, bất chấp những ấn tượng tốt đẹp từ cuộc gặp với Mourinho, Beguiristain vẫn đi tới một kết luận, Guardiola mới là người phù hợp nhất cho công việc, và anh cũng dần dần thuyết phục được những đồng sự của mình, bao gồm cả Marc Ingla, rằng sự thiếu kinh nghiệm của Pep không hẳn là một rào cản. Một số người thì không cần phải thuyết phục thêm một câu nào: Johan Cruyff chưa bao giờ muốn thấy Mourinho ở câu lạc bộ, trong khi người bạn lớn của Pep và cũng là một thành viên trong ban lãnh đạo, Evarist Murtra, thì vẫn luôn hết lòng ủng hộ anh.
Việc những người trong đội của Mourinho để rò rỉ thông tin về cuộc gặp chính là chiếc đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài mang tên hi vọng cho Mourinho, vì nó mang tới cho Barcelona một cái cớ hoàn hảo để loại anh ra. Tuy nhiên, Barcelona chưa bao giờ nói thẳng với Mourinho điều đó, như thừa nhận của Ingla: “Chúng tôi không hoàn toàn dứt khoát trong việc loại Mourinho khỏi danh sách ứng viên cho vị trí huấn luyện viên trưởng của Barca.” Vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha, sau khi mòn mỏi chờ đợi một lời đề nghị không bao giờ được gửi tới, đã ký hợp đồng với Inter Milan trong mùa hè năm đó.
Txiki, với đồng minh là José Ramón Alexanko, giám đốc học viện của Barcelona, thông báo với các giám đốc khác rằng lựa chọn đầu tiên của anh là Guardiola. “Tôi giải thích với ban lãnh đạo tại sao tôi chọn Guardiola, thay vì tại sao tôi không chọn các huấn luyện viên khác”, Beguiristain kể lại. Anh cũng nói với ban lãnh đạo rằng anh hoàn toàn ý thức được những rủi ro liên quan tới kinh nghiệm huấn luyện của Pep, nhưng rằng, trên tư cách là một cựu cầu thủ và đội trưởng thành công của Barcelona, Guardiola hiểu câu lạc bộ và các cầu thủ rõ hơn bất kỳ ai; rằng anh biết cách làm việc với một số bộ phận quan trọng trong giới truyền thông; rằng anh hiểu tính cách Catalonia và có thể xử lý những tranh chấp cả trong nội bộ lẫn với bên ngoài. Và nếu thế vẫn còn chưa đủ, Txiki nhấn mạnh, Pep đang cho thấy tất cả những dấu hiệu của việc anh đang trên đường trở thành một huấn luyện viên nổi bật.
Txiki, tự tin rằng ban lãnh đạo sẽ ủng hộ mình, thậm chí còn nói với Rijkaard rằng Mourinho sẽ không được lựa chọn, như báo chí đã dự đoán; rằng ông (Rijkaard) sẽ rất ngạc nhiên khi biết được ai sẽ là huấn luyện viên mới của đội bóng.
Tới tháng 3 năm 2008, bộ phận bóng đá và những thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo quyết định: Rijkaard sẽ phải ra đi, và sự thay thế hoàn hảo cho vị huấn luyện viên người Hà Lan ở ngay bên cạnh họ. Người đó là Guardiola.
Bây giờ việc còn lại mà họ cần làm là thuyết phục Laporta, Ngài chủ tịch.
Từ tháng 1 của mùa giải đó, Joan Laporta bắt đầu cùng Txiki và Johan Cruyff tới xem một số trận đấu của Barcelona B. Pep cảm nhận được rằng mọi cặp mắt đang đổ dồn về phía anh, nhưng chính anh cũng không chắc mình có phải là giải pháp tốt nhất cho những vấn đề của đội Một hay không. Thực tế, vào tháng Hai, sau khi chứng kiến Barcelona giành chiến thắng 3-2 một cách xứng đáng trước Celtic ở Glasgow trong một trận đấu thuộc Champions League - đội bóng tới từ Catalonia đã thể hiện được đẳng cấp để chấm dứt chuỗi thành tích ấn tượng trên sân nhà ở Cúp Châu Âu của Celtic - Pep còn tự hỏi không biết đó có phải là bước ngoặt với đội bóng của Rijkaard hay không. Anh thậm chí còn nói với những người thân cận với ban lãnh đạo Barcelona rằng anh nghĩ đội bóng sẽ tìm lại được hình ảnh vốn có và câu lạc bộ sẽ tiếp tục đặt niềm tin vào vị huấn luyện viên người Hà Lan.
Nhưng không lâu sau, Deco và Messi dính chấn thương, và đội bóng lại sa sút một lần nữa. Rồi điều mà không ai nghĩ tới, tình huống ác mộng với mọi cổ động viên và cầu thủ Barcelona, đã xảy ra: định mệnh đã an bài rằng trận đấu đầu tiên của Real Madrid sau khi họ chính thức trở thành nhà vô địch mới của La Liga sẽ là trận đấu với Barcelona. Điều đó cũng có nghĩa là các cầu thủ Barca sẽ phải chịu nhục để lập ra một pasillo - hàng rào danh dự - chào đón các cầu thủ Madrid khi họ bước ra sân trước sự chứng kiến của những khán giả phấn khích trên sân Bernabéu. Trong một động thái được xem là bỏ rơi đồng đội, Deco và Eto’o đã tự loại mình khỏi cuộc chơi bằng cách cố tình nhận thẻ vàng, những chiếc thẻ vàng bị xem là ngớ ngẩn, trong trận đấu trước đó với Valencia; do đó là thẻ vàng thứ năm trong mùa của cả hai, nên họ sẽ tự động bị treo giò ở trận kế tiếp.
Những cầu thủ quan trọng nhất trong đội, những người Catalonia và những tài năng do câu lạc bộ tự đào tạo, cho rằng như thế là quá đủ. Họ muốn một sự thay đổi, họ muốn Guardiola, người từng là một biểu tượng với thế hệ của họ. Không ít lần những trụ cột trong đội đã tìm tới Joan Laporta để nói cho Ngài chủ tịch nghe về tình trạng không thể nào chấp nhận được trong phòng thay đồ.
Sự can thiệp hằng ngày của họ đã giúp cho phòng thay đồ của đội không đến nỗi bị rã đám toàn diện. Cùng với Puyol và Xavi, những cầu thủ như Iniesta, Valdés và ngay cả Messi đã quyết liệt hành động và nỗ lực hết sức để giữ lại chút ít niềm tự hào và cả trật tự. Đó là một thời điểm quan trọng trong sự nghiệp và sự phát triển của Lionel Messi. Cầu thủ người Argentina được xem như là truyền nhân của Ronaldinho khi mới xuất hiện ở đội Một, nhưng khi cầu thủ người Brazil ngày càng trở nên lạc lối, Messi cố gắng tránh nguy cơ chết chìm cùng với người đàn anh bằng cách đi theo những người thầy có trách nhiệm hơn như Xavi và Puyol. Đó là một lựa chọn đúng đắn.
Guardiola không thể làm gì ngoài việc chứng kiến đội Một từng bước, từng bước tan rã. Anh biết hết mọi chuyện; một số trụ cột ở đội Một thường xuyên thông báo tình hình với anh, và nhiều bằng chứng, không biết theo cách nào, cũng đã tới được tay các phóng viên. Pep cuối cùng đi tới kết luận Barcelona cần một sự thay đổi sau một trận đấu nội bộ giữa các cầu thủ trẻ của anh và đội A của Rijkaard. Đầu tiên anh phát hiện Rijkaard hút thuốc, hỏi ra mới biết đó là thói quen của vị huấn luyện viên người Hà Lan. Sau đó là việc Ronaldinho bị rút ra khỏi sân chỉ sau có mười phút, còn Deco thì tỏ ra mệt mỏi thấy rõ. Các cầu thủ dự bị, lúc đó vẫn còn chơi ở giải hạng ba, đã hành cho các đàn anh ở đội Một ra bã. Một thành viên trong ban huấn luyện của Rijkaard đi tới chỗ của Guardiola và đề nghị anh bảo các cầu thủ hạ nhiệt một chút. Trước đây Pep từng hoài nghi về việc anh đủ khả năng dẫn dắt đội Một, nhưng hành động đó, trận đấu đó đã nói với anh một điều: anh có thể làm tốt hơn nhiều so với đội ngũ hiện tại.
Với việc Pep cuối cùng cũng chấp nhận vào “đội Guardiola”, người duy nhất còn lại cần phải được thuyết phục là Ngài chủ tịch.
Joan Laporta không chỉ đang phải vật lộn với lòng trung thành mà ông dành cho Rijkaard và những cầu thủ ngôi sao đã đem lại cho ông niềm vui lớn lao với chức vô địch Champions League ở Paris hai năm trước, chức vô địch châu Âu thứ hai trong lịch sử câu lạc bộ và với ông là điểm tột cùng của một giấc mơ. Ông còn muốn được nhớ tới như là một vị chủ tịch đã tin tưởng một huấn luyện viên duy nhất trong cả nhiệm kỳ. Ngoài ra, ông còn có một nỗi sợ hãi hoàn toàn có thể hiểu được: ông chuẩn bị trao quyền kiểm soát một trong những đội bóng lớn nhất trên thế giới vào tay một người đàn ông mà kinh nghiệm huấn luyện chỉ là chưa đầy tám tháng dẫn dắt một đội bóng đang chơi ở tận hạng tư. Và dù tất cả các thành viên trong ban lãnh đạo đều đứng về phía Guardiola, lại có không ít bạn bè và phóng viên không ngừng nhắc nhở ông, “Đừng làm thế, Joan, thế là tự sát, thế là liều lĩnh.” Và, tất nhiên, trong một thành phố nặng mùi chính trị như Barcelona, không thể bỏ qua thực tế rằng Pep từng ủng hộ cho đối thủ của ông trong cuộc bầu cử năm 2003. Dẫu vậy, Laporta cuối cùng cũng chịu nhượng bộ và ít nhất đã chấp nhận mời Pep ra ngoài ăn tối để thảo luận về tương lai.
Vào tháng Hai năm 2008, họ gặp nhau ở nhà hàng Drolma trong khách sạn có cái tên rất xứng tầm Majestic ở trung tâm Barcelona. Nhà hàng được gắn sao Michelin ấy sẽ là bối cảnh cho một trong những thời khắc quan trọng nhất lịch sử câu lạc bộ.
Sau khi cùng nhau nhâm nhi hết một chai rưỡi rượu vang, Laporta rốt cuộc cũng cảm thấy sẵn sàng động chạm tới “con voi” trong phòng. Theo phóng viên người Barcelona đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về câu lạc bộ, Jordi Pons, cuộc nói chuyện diễn ra như sau:
“Về nguyên tắc, nếu mọi việc diễn tiến tốt, Frank Rijkaard sẽ tiếp tục dẫn dắt đội bóng. Còn nếu không, ừm, chúng tôi đã nghĩ tới anh. Anh có thể sẽ là người thay thế cho Frank”, Ngài chủ tịch nói, có ý thăm dò.
“Nếu Frank không tiếp tục...” Pep nói như buột miệng.
“Tình hình lúc này là nếu đội bóng giành quyền vào chơi trận chung kết Champions League, Rijkaard sẽ tiếp tục. Nhưng nếu anh ta ra đi, anh sẽ trở thành huấn luyện viên của Barcelona”, Laporta nói lại cho rõ.
“Ngài không đủ dũng khí làm thế đâu!” Guardiola lại buột miệng. Những từ đó rồi sẽ được dùng làm tiêu đề cho một bài viết tuyệt vời về Pep của Jordi Pons.
Còn bản thân Pep khi nhớ lại lúc ấy cho rằng anh phản ứng như thế một phần là do rượu.
“Nhưng anh có nhận lời hay không?”
Pep tặng cho Laporta một nụ cười toét miệng đã thành thương hiệu - đó là kiểu cười mà chúng ta vẫn thường thấy trong các buổi họp báo và cũng nhờ nó, một cậu nhóc gầy gò đã bao lần thoát ra được khỏi những rắc rối trên quảng trường làng của Santpedor.
“Có chứ”, Pep nói. “Tôi sẽ nhận lời bởi vì Ngài biết rằng tôi sẽ giành chức vô địch quốc gia.”
Ngày hôm sau, sự dũng cảm được tiếp sức bởi hơi men của Pep biến thành cảm giác tự ti. Anh quyết định thổ lộ với người trợ lý tin cẩn của mình, Tito Vilanova, bắt đầu bằng việc nhắc lại cuộc nói chuyện giữa anh với Ngài chủ tịch vào tối hôm trước: “Nếu họ sa thải Frank, họ muốn tôi nắm quyền ở đội Một. Cậu có nghĩ là chúng mình đã sẵn sàng rồi không?” Người bạn trả lời không một chút lưỡng lự: “Cậu ấy hả? Cậu còn hơn cả sẵn sàng rồi.”
Laporta, như đã nói với Pep trong bữa tối hôm đó, đã gửi tới Rijkaard một tối hậu thư: ông cần phải mang về danh hiệu Champions League nếu muốn cứu vãn sự nghiệp ở Barcelona. Lúc đó, vị huấn luyện viên người Hà Lan, thời điểm ấy đã biết rằng Guardiola là người được chọn để thay thế mình, đã đáp lại bằng một cử chỉ khá hào phóng, cho thấy vì sao ông vẫn nhận được sự yêu mến và tôn trọng từ rất nhiều người trong câu lạc bộ, bao gồm cả vị chủ tịch. Rijkaard đề nghị, vì lợi ích của câu lạc bộ, mời Pep vào ban huấn luyện đội Một ngay lập tức để làm cho quá trình chuyển giao trở nên mượt mà hơn, và để anh có sự chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải tiếp theo. Nhưng Pep vẫn muốn ở lại và hoàn thành công việc còn dang dở với đội B.
Dù thế, Ingla và Txiki vẫn triển khai một kế hoạch mới, trong đó hai người làm việc và tư vấn đồng thời với cả Rijkaard lẫn Pep, họ nói về các cầu thủ, những chấn thương, quá trình hồi phục và cả việc làm thế nào để, trước hết là về mặt nguyên tắc, xốc lại cả hệ thống đang vận hành ở câu lạc bộ. Mục tiêu số một vẫn là chuyên nghiệp hóa đội Một. Với sự đồng ý của cả hai huấn luyện viên, những cuộc thương lượng để mua Seydou Keita, Dani Alves, Alexander Hleb, Gerard Piqué và Martín Cáceres được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, không có mấy tiến triển tích cực trong lòng đội Một.
Ronaldinho đã biến mất khỏi đội hình xuất phát, và thậm chí còn không có tên trong danh sách dự bị. Anh chơi trận cuối cùng trong màu áo Barcelona, thất bại 1-2 trước Villarreal, từ hai tháng trước khi mùa giải, vẫn là trắng tay, kết thúc. Một loạt những chấn thương bí ẩn được đưa ra làm lý do giải thích cho sự vắng mặt của Ronnie, người vào thời gian ấy xuất hiện ở Bikini Club nhiều hơn là ở Camp Nou.
Anh cũng không thể có mặt trong các trận bán kết Champions League trước Manchester United vào cuối tháng Tư. Barca bị cầm hòa 0-0 trên sân nhà và sau đó để thua 0-1 trên sân của United với bàn thắng duy nhất của Paul Scholes. Ngay sau đó, trong phòng chờ của sân bay Manchester, nơi phái đoàn Barcelona chuẩn bị lên chuyến bay trở về nhà, tương lai của Rijkaard đã trở nên rõ ràng hơn nhiều. Ở một đầu của phòng chờ là Laporta, người tỏ ra lo lắng trong khi đang thảo luận sâu với Ingla và Beguiristain; còn ở đầu kia, cô độc và buồn bã, là huấn luyện viên người Hà Lan.
Năm ngày sau, ban lãnh đạo chính thức quyết định Pep Guardiola sẽ là huấn luyện viên mới của FC Barcelona. Đó là một sự kiện đặc biệt. Lần đầu tiên một cậu bé từ La Masía sau khi vượt qua tất cả các tuyển trẻ trở thành người đứng đầu đội Một. Vào thứ Ba ngày 6 tháng 5 năm 2008, Laporta yêu cầu vị giám đốc là bạn của Pep, Evarist Murtra, cùng ông tới phòng khám Dexeus ở Barcelona để chúc mừng Guardiola nhân dịp anh chào đón đứa con thứ ba, Valentina. Ở đó ông nói với Pep rằng anh sẽ trở thành huấn luyện viên mới của Barcelona.
Cristina, người bạn gái lâu năm của Pep, tỏ ra lo lắng. “Đừng lo”, Pep nói. “Mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi, rồi em sẽ thấy.”
Guardiola, đúng với phong cách của anh, giữ kín thông tin về vụ thăng cấp. Bố mẹ của anh thậm chí cũng chỉ được thông báo vài giờ trước khi Laporta đưa ra thông báo chính thức, hai ngày sau đó. “Khi nào mọi chuyện xong xuôi hết, con cam kết bố sẽ là người đầu tiên được biết”, Pep nhắc đi nhắc lại với bố mình - Valentí, người, cũng như tất cả các cổ động viên Barcelona khác, đã được nghe về những tin đồn. “Trong lúc đó, bố cứ tập trung xem Barca B đi.”
Thế là, vào ngày 8 tháng 5 năm 2008, khi mùa giải còn chưa khép lại, nhưng được sự đồng ý của Rijkaard, Laporta cho phát đi thông báo chính thức của câu lạc bộ: Josep Guardiola i Sala sẽ là huấn luyện viên trưởng mới của đội Một. Tin được đưa ra vào buổi sáng sau màn lập hàng rào danh dự cho Real Madrid ở Bernabéu.
“Chúng tôi chọn anh ấy bởi những kiến thức bóng đá mà anh ấy có được”, Laporta nói với báo chí. “Anh ấy hiểu rất rõ câu lạc bộ này và anh ấy yêu bóng đá tấn công. Thực tế anh ấy chính là sự kết tinh của tất cả những gì tinh túy nhất của Dream Team. Anh ấy sở hữu một bộ óc bóng đá, nhưng đồng thời anh ấy cũng là người có giáo dục, luôn luôn tỉnh táo, luôn luôn tò mò, và không lúc nào thôi nghĩ về bóng đá. Đó là mẫu huấn luyện viên luôn được yêu mến ở Barcelona.”
Điều thú vị là Pep đã không có mặt trong buổi họp báo của Laporta và câu lạc bộ đã thông báo công khai bản hợp đồng với anh dù hai bên còn chưa chốt lại được hết các chi tiết trong bản hợp đồng đó. Nhưng tiền bạc chưa bao giờ có thể xen vào giữa Guardiola và Camp Nou. Anh được đề nghị một bản hợp đồng có thời hạn hai năm và lập tức chấp nhận. Người đại diện của anh, Josep María Orobitg, cố gắng thương lượng để bổ sung điều khoản tự gia hạn thêm năm thứ ba và những khoản thưởng riêng cho việc giành ba danh hiệu chính, nhưng cuối cùng hai bên không tìm được tiếng nói chung. “Bất kỳ điều gì anh làm đều là tốt cho tôi”, Pep nói với người đại diện của mình. Anh chỉ muốn có một bản hợp đồng công bằng và cuối cùng đồng ý nhận một khoản lương cố định khiêm tốn kèm theo một vài khoản phụ cấp tùy thành tích. Thực tế là nếu anh không được nhận thưởng, anh sẽ trở thành huấn luyện viên có thu nhập thấp thứ tư ở La Liga. Nhưng cũng chẳng vấn đề gì. “Nếu tôi làm tốt thì họ sẽ trả đủ cho tôi; nếu không thì tôi chẳng có chút giá trị nào với họ, khi đó tôi sẽ về nhà và chơi golf”, Pep nói với Orobitg.
Theo kế hoạch sẽ có một buổi ra mắt báo chí chính thức sau khi mùa giải kết thúc vào tháng 6, lần này Pep sẽ tham dự. Sở dĩ phải chờ lâu như thế bởi vì Pep muốn kết thúc những gì anh đã bắt đầu với Barca B. Họ vừa đánh bại Europa 1-0 trên sân nhà trong trận đấu cuối cùng để giành chức vô địch nhóm V khu vực của giải hạng ba; nhưng họ vẫn cần phải vượt qua các trận play-off để có suất tham dự giải Segunda B quốc gia. Sau những màn trình diễn ấn tượng ở El Castillo thuộc Gran Canaria và ở Barbastre, Barca B đã có được điều họ muốn.
Vào ngày 17 tháng 6, trong hội trường Paris ở Camp Nou, Pep Guardiola, lúc đó 37 tuổi, chính thức ra mắt với tư cách huấn luyện viên trưởng của FC Barcelona. Trên đường tới hội trường, một Guardiola đầy tự tin đã nhắc lại với Laporta lúc đó tỏ ra căng thẳng điều mà anh từng nói với ông: “Cứ thoải mái đi Ngài chủ tịch. Ngài vừa có một quyết định đúng. Chúng ta sẽ cùng nhau giành chức vô địch quốc gia.”
Nhưng Ngài chủ tịch vẫn có đủ lý do để lo lắng. Bất chấp sự tự tin của Guardiola cũng như niềm tin vào anh từ những bộ óc bóng đá đáng tin cậy nhất trong câu lạc bộ, quyết định bổ nhiệm Guardiola vẫn là một canh bạc lớn, nhất là trong bối cảnh Laporta đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Đội bóng chỉ cách đây mấy mùa giải còn khiến cả châu Âu vừa khiếp sợ vừa ngưỡng mộ đã sụp đổ hoàn toàn, và giờ thì đội hình cần phải được làm mới, những quyết định dũng cảm liên quan tới những ngôi sao sáng nhất trong đội cần phải được đưa ra, và cùng lúc đó, sự tín nhiệm dành cho Laporta đã xuống tới đáy. Barcelona lúc ấy rối như tơ vò. Nhìn đâu cũng thấy thất bại; ngay cả những đội bóng vốn rất đáng tin cậy như đội bóng rổ và đội bóng ném cũng đang trên đà sa sút. Đội bóng đã kết thúc mùa giải với 18 điểm ít hơn Madrid ở La Liga và Laporta không cách gì ngăn một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra trong mùa hè - các cổ động viên dường như đã ngán phong cách ngạo mạn của ông tới tận cổ rồi. Thực tế là có tới 60% trong số 39.389 phiếu bầu là chống lại vị chủ tịch. Nhưng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đó coi như không đạt được mục đích của nó bởi vì số phiếu chống chưa được hai phần ba như quy định. Nghĩa là Laporta không phải từ chức. Ông đã thoát hiểm. Nhưng khó khăn còn ở phía trước.
“Mùa hè năm đó không có ai ở bên ngoài câu lạc bộ có niềm tin vào Pep hay đội bóng”, Gerard Piqué nhớ lại. Báo chí tràn ngập những ý kiến tiêu cực về vụ bổ nhiệm gây tranh cãi của Pep: “Quá sớm với anh ta”, “Chắc chắn kinh nghiệm của anh ta vẫn còn quá non”... Nhưng một lần nữa, FC Barcelona và Pep Guardiola lại cho thấy họ không thích làm việc theo cách thông thường như những người khác vẫn làm.