Ngày 01 tháng 12
Có hai loại người khó mà tìm thấy trên thế gian. Đó là hai loại người nào? Một là người chủ động giúp đỡ người khác, loại còn lại là người nhận ân huệ và biết cảm kích.
Ngày 02 tháng 12
Bạn nên giống như một hòn đảo biệt lập, xem bản thân mình chính là nơi ẩn náu cho mình, không còn tìm một nơi để nương tựa nào khác. Hãy để Phật pháp trở thành hòn đảo biệt lập và chốn ẩn náu an toàn cho bạn. Làm thế nào để đạt được điều này? Bạn hãy buông bỏ tất cả mọi cám dỗ và những điều khiến bạn phải chán ghét, mà hãy tích cực, tỉnh táo và chuyên tâm quán sát những nhân tố vật chất trong cơ thể mình, những tác dụng cảm giác ở nơi thụ, những tác dụng của nhận thức ở trong tưởng, những tác dụng của ý chí ở trong hành, tác dụng của ý thức ở trong thức. Trong hiện tại hay sau khi ta nhập Niết bàn, nếu người nào có thể tu tập như vậy và tích cực học hỏi, nhất định sẽ đắc quả giải thoát.
Ngày 03 tháng 12
Rơi xuống dòng sông chảy cuồn cuộn,
Bị dòng nước xoáy cuốn trôi,
Người như vậy làm sao có thể giúp đỡ người khác sang sông?
Tương tự như vậy, người chưa học Phật pháp, chưa từng nghe người trí thuyết giảng,
Bản thân còn đang ngu muội, còn nhiều nghi vấn,
Người như vậy làm sao có thể giúp đỡ người khác giác ngộ?
Bước lên con tàu vững chắc với đầy đủ bánh lái, mái chèo,
Dựa vào kỹ thuật, sự cẩn thận và kinh nghiệm,
Có thể giúp nhiều người cùng sang sông.
Tương tự như vậy, người trí đã tu tập,
Học vấn uyên bác, niềm tin kiên định, bản thân giác ngộ Phật pháp,
Có thể giúp nhiều người chuyên tâm lắng nghe Phật pháp đạt giác ngộ.
Vì vậy, nên kết giao làm bạn với người trí, có học vấn,
Người có nhận thức, hiểu nghĩa lý và làm theo Phật pháp,
Người như vậy sẽ được vui vẻ hạnh phúc.
Ngày 04 tháng 12
Đức hạnh thanh lọc trí tuệ, trí tuệ thanh lọc đức hạnh. Khi cái này tồn tại, cái kia nhất định cũng tồn tại. Người có đức hạnh nhất định sẽ có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định sẽ có đức hạnh, sự kết hợp giữa đức hạnh và trí tuệ là tối cao.
Ngày 05 tháng 12
Khi buông bỏ niềm vui và nỗi khổ, khi những niềm vui và nỗi khổ trong quá khứ đều biết mất, con người sẽ bước vào giai đoạn Tứ thiền - giai đoạn không có niềm vui và nỗi khổ. Lúc này tâm trí đã thực sự được bình tĩnh và chuyên chú thanh lọc trở nên tinh khiết và trong sáng. Anh ta ngồi xuống, dùng chính sự tinh khiết và trong sáng này bao phủ, lấp đầy, thẩm thấu toàn thân, đi tới mọi ngóc ngách trên toàn cơ thể.
Giống như một người ngồi trên mặt đất, toàn thân từ đầu đến chân bị che kín bởi một tấm vải trắng, chạm vào mọi nơi trên cơ thể. Tương tự như vậy, một người được sự tinh khiết và trong sáng bao phủ, lấp đầy, thẩm thấu toàn thân, không nơi nào là không chạm tới.
Ngày 06 tháng 12
Chúng ta vui vẻ, tràn đầy yêu thương,
Sống trong đám đông đầy rẫy sân hận,
Chúng ta vẫn sống tràn đầy tình yêu thương.
Chúng ta vui vẻ, khỏe mạnh,
Sống giữa một đám đông bệnh tật,
Chúng ta vẫn sống thật khỏe mạnh.
Chúng ta vui vẻ, hài lòng thỏa mãn,
Sống giữa một đám đông đầy lòng tham,
Chúng ta vẫn sống hài lòng và thỏa mãn.
Ngày 07 tháng 12
Đừng truy tìm quá khứ,
Đừng khát vọng tương lai,
Quá khứ đã đi qua,
Tương lai còn chưa đến.
Nếu quan sát những gì đang xảy ra ở đây, ngay bây giờ,
Thấu rõ chân tướng của nó,
Không hề dao động và thay đổi,
Hãy để họ nuôi dưỡng khả năng quán sát đó.
Ngày 08 tháng 12
Khi ở trong rừng sâu, giữa những rễ cây,
Hay giữa bãi đất trống,
Chỉ cần nghĩ đến Đức Phật,
Bạn sẽ không còn run rẩy hay sợ hãi.
Nếu bạn không nghĩ đến Đức Phật,
Là người tốt nhất, cao nhất, chí thiện nhất,
Thì hãy nghĩ đến Phật pháp,
Đó là những lời dạy toàn diện nhất,
Nếu không nghĩ tới Phật pháp,
Thì hãy nghĩ tới chúng Tăng,
Là những tấm gương tốt nhất trên thế gian.
Ngày 09 tháng 12
Hãy lắng nghe! Người tỉnh táo,
Đánh thức những kẻ đang ngủ say;
Tỉnh táo chiến thắng ngủ say,
Người tỉnh táo sẽ không thấy sợ hãi.
Duy trì tỉnh táo, tâm niệm rõ ràng, ung dung đĩnh đạc,
Bình tâm tĩnh trí, an nhiên hạnh phúc,
Vào lúc thích hợp, tập trung tinh thần, học tập Phật pháp,
Sẽ vượt qua được bóng tối.
Vì vậy, bạn nên thức tỉnh bản thân, duy trì tỉnh táo,
Người tích cực sẽ phân biệt được thiện ác, duy trì thiền định,
Chặt đứt được xiềng xích của sinh tử,
Đạt được trí tuệ tối cao ở kiếp này.
Ngày 10 tháng 12
Ta sẽ chỉ cho con biết thế nào là gánh nặng, nhận ra gánh nặng, nắm lấy gánh nặng và buông bỏ gánh nặng. Vậy gánh nặng là gì? Đó chính là năm uẩn. Thế nào là năm uẩn? Chính là thân, thụ, tưởng, hành, thức. Những điều này chính là gánh nặng. Thế nào gọi là nhận biết gánh nặng? Nhận thức được đây là ai, sinh sống ở đâu, đây chính là nhận biết gánh nặng. Thế nào gọi là nắm lấy gánh nặng? Chấp trước vào các niềm vui của các cảm quan, chấp trước vào sự hình thành hoặc không hình thành, đó chính nắm lấy gánh nặng. Thế nào gọi là buông bỏ gánh nặng? Buông bỏ, tiêu diệt, từ bỏ ham muốn, giải thoát khỏi các ham muốn, khiến nó không còn tồn tại, đó chính là buông bỏ gánh nặng.
Năm uẩn là gánh nặng,
Con người là gánh nặng;
Cầm lấy nó, đau khổ vô cùng,
Buông bỏ nó, hạnh phúc vô bờ.
Nếu bạn buông bỏ được gánh nặng này,
Không còn cầm lấy những gánh nặng khác,
Ham muốn sẽ được nhổ bỏ tận gốc
Bạn sẽ được như ý nguyện, sẽ được tự do.
Ngày 11 tháng 12
Một lần nọ, vào lúc hoàng hôn, sau khi ngồi thiền, Đức Thế Tôn quay lưng về hướng Tây, mượn ánh nắng để sưởi ấm. Tôn giả A Nan đến diện kiến Ngài. Khi dùng hai bàn tay xoa xoa vào hai chân để sưởi ấm, A Nan kinh ngạc nói: “Thật là kỳ lạ, điều này thật sự kinh ngạc! Da của Thế Tôn không còn sáng bóng, lấp lánh nữa, cơ ở tay chân chùng nhão, toàn vết nhăn, lưng cũng còng xuống, cơ thể và ngũ quan cũng đều thay đổi.”
“A Nan à, sự thật là vậy đó, thanh xuân vốn bao gồm cả sự già nua, mạnh khỏe bao gồm cả bệnh tật, sinh mệnh bao gồm cả cái chết.”
Ngày 12 tháng 12
Một lần nọ, Đức Thế Tôn nói với đại chúng: “Trước đây có một người làm nghề diễn xiếc, anh ta đặt một cây cột gỗ xuống rồi nói với các học trò: ‘Con hãy trèo lên khúc gỗ này và đứng lên vai ta.’ ‘Vâng, thưa thầy!’ Người học trò trả lời xong thì làm theo lời thầy. Người thầy lại nói: ‘Con của ta, con hãy chăm sóc bảo vệ ta, ta cũng sẽ chăm sóc bảo vệ con. Như vậy chúng ta bảo vệ lẫn nhau, cùng diễn xiếc, cùng nhận tiền thưởng, sau đó con sẽ bước xuống thanh gỗ này một cách an toàn.’ Nhưng người học trò lại nói: ‘Không, không, thầy à, như vậy không được! Thầy phải bảo vệ bản thân, con cũng phải bảo vệ chính mình. Chúng ta diễn xiếc, nhận tiền thưởng, xong con sẽ xuống khỏi thanh gỗ này an toàn, như vậy mới đúng.’” Thế Tôn lại kể tiếp: “Giống như lời người đệ tử nói với thầy của mình ‘Con tự bảo vệ lấy chính mình’, con nên rèn luyện nền tảng của sự tập trung, đồng thời cũng có nghĩa là ‘bảo vệ người khác’. Trong lúc bảo vệ bản thân, đồng thời cũng nên bảo vệ người khác. Trong lúc bảo vệ người khác, đồng thời cũng nên bảo vệ chính mình. Làm thế nào để thông qua việc bảo vệ bản thân đồng thời cũng có thể bảo vệ được người khác? Đó là thông qua việc thường xuyên thiền định. Làm thế nào để thông qua việc bảo vệ người khác đồng thời cũng bảo vệ chính mình? Đó là nhờ vào sự khoan dung, nhẫn nại, không làm tổn thương người khác, nhân ái và từ bi.”
Ngày 13 tháng 12
Đức Như Lai không sống cuộc đời sung túc, cũng không quay về quá khứ để sống cuộc đời sung túc. Ngài cố gắng tu hành mà không chút do dự. Đức Như Lai là một vị Phật Chính Đẳng, Chính Giác viên mãn. Hãy mở rộng đôi tai mà lắng nghe, con đường bất tử bất diệt đã được khám phá, ta sẽ chỉ dạy, truyền thụ Phật pháp.
Ngày 14 tháng 12
Kẻ ngu nuôi lòng hận thù,
Đi lắng nghe lời dạy của người chiến thắng,
Người đó không thể trưởng thành từ diệu pháp,
Tựa như hạt giống thối không thể nảy mầm trên đồng ruộng.
Nếu người mang trái tim vui vẻ,
Đi lắng nghe lời dạy của người chiến thắng,
Người đó sẽ cắt đứt được phiền não,
Giác ngộ được cảnh giới bất động,
Đạt được sự bình yên tối cao,
Người đó bình tĩnh và không có phiền não.
Ngày 15 tháng 12
Tôn giả A Nan đến gặp Đức Thế Tôn và thưa rằng: “Cuộc sống của Tăng đoàn có đến một nửa là gần gũi và làm bạn với thiện mỹ.”
“Không thể nói như vậy A Nan ạ, không thể nói như vậy! Cuộc sống của Tăng đoàn toàn bộ đều gần gũi và làm bạn với thiện mỹ chứ không chỉ có một nửa.”
Ngày 16 tháng 12
Trong một cảnh giới không có bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa; không có vô biên xứ, vô tưởng xứ, vô không xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có thế gian, phi thế gian, thế gian và phi thế gian, không nhật không nguyệt; không có kiếp sau, tử vong, nắm giữ, vì vậy cũng không có sinh không có diệt. Nó không vững chắc mà cũng không biến động, không bắt nguồn từ bất cứ điều gì. Đây mới thực sự là chấm dứt đau khổ.
Ngày 17 tháng 12
“Thưa Thế Tôn, trên đời có ba loại hương thơm chỉ có thể bay theo gió mà không thể nào bay ngược chiều gió. Đó là mùi thơm của rễ cây, mùi thơm của gỗ và mùi thơm của hoa. Trên thế gian này có loại hương thơm nào vừa có thể bay thuận chiều gió đồng thời cũng có thể bay ngược chiều gió không ạ?”
“Này A Nan, đúng là có một loại hương thơm như vậy. Cho dù ở bất kỳ thôn xóm nào hay khu vực nào, chỉ cần có thiện nam tín nữ quy y Phật, Pháp, Tăng, thụ trì năm giới, tính tình lương thiện, không keo kiệt, sẵn sàng bố thí, vui vẻ giúp người, sẵn sàng chia sẻ, thì hương thơm này có thể bay theo gió cũng có thể bay ngược chiều gió.”
Ngày 18 tháng 12
Niềm vui khi được nghe tiết tấu của năm loại nhạc khí1,
Cũng không bằng niềm vui có được khi tập trung vào một điều,
Niềm vui có được khi chú tâm quán sát sự vật.
1. Cầm sắt, Kèn, Trống, Chuông, Khánh.
Ngày 19 tháng 12
Bahiya ở vùng Bark Gorment hỏi chúng Tăng: “Thưa các vị, Đức Thế Tôn là đấng tối cao tôn kính nhất, vị Phật Chính Đẳng Chính Giác đó hiện đang ở đâu?”
“Đức Thế Tôn đã vào thành khất thực rồi.”
Sau khi nghe xong, Bahiya lập tức rời Kỳ Viên, vội vã đến thành Xá Vệ và tìm thấy Thế Tôn đang đi khất thực. Chỉ thấy Thế Tôn là người có dung mạo tuấn tú, thần sắc ôn hòa, tâm bình khí tĩnh, trang nghiêm điềm tĩnh như một chú voi đã được huấn luyện tốt.
“Thưa Thế Tôn, xin Ngài hãy dạy con Phật pháp, để con có thể có niềm vui và hạnh phúc lâu dài.”
“Bahiya này, con đến thật không đúng lúc, ta đang đi khất thực.”
Sau khi Bahiya liên tiếp nài nỉ, Thế Tôn cuối cùng mới nói: “Con nên rèn luyện bản thân như sau: ‘Trong thị giác chỉ có những gì mình nhìn thấy, trong thính giác chỉ có những gì mình nghe thấy, trong cảm giác chỉ có những gì mình cảm nhận được, trong nhận thức chỉ có những gì mình nhận biết được. Nếu làm được như vậy sẽ không còn ‘bởi vì’ nữa. Khi không còn ‘bởi vì’ nữa thì sẽ không còn ‘cho nên’; khi không còn ‘cho nên’ thì cũng không còn cái gọi là hiện hữu, ở đây, ở kia, ở giữa đây và kia nữa. Đó chính là sự chấm dứt đau khổ.”
Chỉ thông qua lời dạy đơn giản này, Bahiya ngay lập tức được giải thoát khỏi phiền não.
Ngày 20 tháng 12
Tôn giả Bhaddiya là con trai của Kaligodhas, ông thường xuyên vào trong rừng, dưới những gốc cây hẻo lánh không bóng người rồi hét to lên: “Thật là vui sướng thay! Thật là vui sướng thay!”
Chúng Tỳ kheo nghe thấy đều nghĩ: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Tôn giả Bhaddiya hẳn đã chán ghét cuộc sống tu hành! Ông ta đang hồi tưởng lại cuộc sống vinh hoa phú quý của vương tộc thời ông ấy còn là một cư sĩ.”
Chúng Tỳ kheo liền đem việc này trình lên Đức Thế Tôn. Thế Tôn liền gọi Bhaddiya đến hỏi: “Này Bhaddiya, mọi người nói rằng con thường vào trong rừng sâu, đến dưới những gốc cây ở nơi vắng vẻ không một bóng người để hét to lên ‘Thật là vui sướng thay! Thật là vui sướng thay!’ có đúng như vậy không?”
“Đúng vậy, thưa Thế Tôn.”
“Tại sao con lại làm như vậy?”
“Trước đây, khi con còn tận hưởng niềm vui của cuộc sống vương giả, tuy trong ngoài hoàng cung đều có lính canh bảo vệ an toàn cho con, nhưng con vẫn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, run rẩy và sợ sệt. Nhưng giờ đây con sống một mình trong rừng lại không hề sợ hãi chút nào. Con có sự bảo đảm, có niềm tin, không sợt sệt, chính vì vậy con mới hét to lên: ‘Thật là vui sướng thay! Thật là vui sướng thay!’.”
Ngày 21 tháng 12
Người đã giác ngộ luôn có bản tính và thiên hướng từ bi. Anh ta khao khát giảm bớt đau khổ cho chúng sinh, thậm chí nguyện hi sinh thân mình để hoàn thành mục tiêu. Trước khi hoàn thành được mục tiêu đó, anh ta nguyện phấn đấu, nỗ lực trên con đường dài đầy gian khổ. Anh ta không sợ hãi, cũng không vì nỗi đau của luân hồi mà nản chí. Điều này hoàn toàn là vì lợi ích của chúng sinh.
Ngày 22 tháng 12
Người nông dân có ba nhiệm vụ cấp bách. Đó là ba nhiệm vụ gì? Người nông dân phải nhanh chóng cày xới đồng ruộng, nhanh chóng gieo hạt và nhanh chóng tưới nước vào đồng ruộng. Nhưng họ không có quyền lực hay phép thần thông để ra lệnh rằng: “Hãy khiến hạt giống của ta hôm nay nảy mầm, ngày mai kết hạt, ngày kia chín.” Điều này là không thể! Điều này chỉ thực hiện được khi thời hạn của nó đã đến. Tương tự như vậy, Tỳ kheo có ba nhiệm vụ cấp bách. Đó là nhiệm vụ gì? Họ phải tu tập đức hạnh cao hơn, tư tưởng cao hơn và trí tuệ cao hơn. Nhưng họ cũng không có quyền lực hay phép màu để ra lệnh: “Hãy khiến cho ta hôm nay, ngày mai hoặc ngày kia có thể gột rửa sạch mọi nhơ nhớp bẩn thỉu.” Điều đó là không được! Chỉ khi nào thời gian tu tập đã đủ thì mới thực hiện được. Vì vậy con nên rèn luyện bản thân mình bằng cách: “Tôi phải nghiêm túc thành khẩn thực hiện ba nhiệm vụ này.”
Ngày 23 tháng 12
“Buông bỏ những thứ không thuộc về mình, hãy buông bỏ nó! Có thể buông bỏ được nó chính là niềm vui và hạnh phúc của con. Vậy những gì không thuộc về con? Thân (yếu tố vật chất), thụ (tác dụng của cảm giác), tưởng (tác dụng của nhận thức), hành (tác dụng của ý chí), thức (tác dụng của ý thức) tất thảy đều không phải của con, vì vậy con nên buông bỏ chúng. Buông bỏ được chúng, con sẽ thấy hạnh phúc và vui vẻ. Điều này cũng giống như một người gom tất cả cỏ cây, cành khô ở trong Kỳ Viên lại một chỗ để đốt hoặc tùy ý xử lý, chúng ta sẽ nghĩ: ‘Người này gom chúng ta lại đây là để đốt đi hoặc là sẽ tùy ý xử trí sao?’”
“Không, thưa Thế Tôn”
“Tại sao vậy?”
“Vì chúng không phải là con, không thuộc về con.”
“Tương tự như vậy, thân, thụ, tưởng, hành, thức đều không thuộc về các con.”
Ngày 24 tháng 12
Thuở nọ, có một vị Tỳ kheo tên là Thera sống một mình và cảm thấy yêu thích cuộc sống cô độc này. Thera một mình đi vào thôn xóm rồi lại quay về, ngồi lặng lẽ một mình và cũng đi lại một mình. Một số Tỳ kheo đem chuyện này bạch Đức Thế Tôn. Thế Tôn liền gọi vị Tỳ kheo đó đến và hỏi: “Mọi người nói con sống tách biệt một mình và rất ưa thích cách sống này, có phải như vậy không?”
“Đúng là như vậy ạ.”
“Vì sao con lại sống một mình và tại sao lại tôn vinh cách sống này?”
“Con vào làng rồi lại đi về một mình, con đứng ngồi và đi lại một mình.”
“Điều này đúng là cuộc sống một mình. Nhưng hãy để ta nói với con một cách sống một mình còn hoàn thiện viên mãn hơn. Đó là buông bỏ những khát khao dục vọng của quá khứ, tương lai và hiện tại, thì cuộc sống một mình của con sẽ trở nên hoàn thiện và viên mãn.”
Ngày 25 tháng 12
Mọi người nên tự rèn luyện bản thân, hãy nghĩ rằng: “Cho dù nhận được quần áo, thức ăn, nơi ở, thuốc thang như thế nào, chúng ta cũng nên thỏa mãn, chúng ta bằng lòng với những gì mình nhận được, tuyệt đối không dùng những biện pháp không chính đáng để đạt được chúng. Chúng ta không nên vì không lấy được quần áo, đồ ăn mà trở nên phiền muộn, cũng không nên vì không lấy được chúng mà trở nên cố chấp và say đắm chúng, càng không nên vì để đạt được chúng mà phạm lỗi, hãy nhìn thấu những mầm mống gây họa ẩn chứa trong đó và né tránh những mầm họa này một cách khôn ngoan khéo léo.” Mọi người hãy nên rèn luyện bản thân theo cách đó.
Ngày 26 tháng 12
Ta từ lúc có nhà
Đến lúc không còn nhà
Cũng không phát giác ra,
Trong lòng luôn ấp ủ,
Nỗi sân hận thấp hèn:
“Mong cho chúng bị giết,
Mong cho chúng bị hại,
Mong cho chúng ngu dốt.”
Suy nghĩ xấu xa đó,
Đã từ lâu không còn.
Bây giờ thì ngược lại,
Ta từng phát giác ra,
Trong lòng ôm từ niệm,
Vô lượng lại viên mãn,
Làm theo lời Phật dạy,
Tu hành theo trình tự.
Ta là bạn đại chúng,
Là trợ thủ đắc lực,
Thương xót các chúng sinh,
Nuôi dưỡng lòng yêu thương,
Vui mừng không lừa dối,
Lòng ngập tràn yêu thương,
Tâm không hề dao động,
Nuôi dưỡng lấy Thánh cảnh,
Người xấu không đạt được.
Ngày 27 tháng 12
Từ những lời nói của một người trong cuộc trò chuyện, có thể biết được anh ta có giỏi thảo luận vấn đề hay không. Nếu khi được hỏi, anh ta lại trốn tránh vấn đề, chuyển chủ đề, vẻ mặt ủ rũ, bực bội hoặc không vui, chứng tỏ người này không giỏi thảo luận vấn đề.
Từ những lời nói của một người trong cuộc trò chuyện, có thể biết được anh ta có giỏi thảo luận vấn đề hay không. Nếu khi được hỏi, anh tỏ ra khinh miệt và giễu cợt người hỏi, lời nói mang tính đả kích, chế nhạo đối phương, khi đối phương tỏ ra do dự lập tức thúc giục, chứng tỏ người này không giỏi thảo luận vấn đề.
Người không phạm phải những điều nêu trên, chứng tỏ anh ra rất giỏi trong việc thảo luận vấn đề.
Ngày 28 tháng 12
Có niềm tin với Đức Phật chính là có niềm tin với điều tuyệt vời nhất, khi đã có niềm tin vào điều tuyệt vời nhất thì thành quả gặt hái được cũng sẽ là tốt nhất.
Ngày 29 tháng 12
Đa búp đỏ là loại cây có rễ thơm nhất; Đàn hương đỏ là loại cây có gỗ thơm nhất; hoa Nhài là loài hoa thơm nhất; giống như vậy, lời dạy của Cồ Đàm chí thiện là giáo lý tối cao nhất trong các giáo lý.
Ngày 30 tháng 12
Có sự tồn tại của vô sinh, vô hữu, vô hình thành, vô tổ hợp. Nếu như không có vô sinh, vô hữu, vô hình thành và vô tổ hợp, thì không thể từ trong sinh, hữu, hình thành và tổ hợp giải thoát được. Một khi đã có vô sinh, vô hữu, vô hình thành, vô tổ hợp thì cũng có thể giải thoát khỏi vô sinh, vô hữu, vô hình thành, vô tổ hợp.
Ngày 31 tháng 12
Đức Thế Tôn nói với M’gandiya: “Cũng như một người mù bẩm sinh không nhìn thấy màu sắc, hình dạng, là mịn màng, là gồ ghề, là ngôi sao, mặt trời hay là mặt trăng. Khi nghe người khác kể về một tấm vải trắng đẹp, sạch sẽ, không một vết bẩn có thể giúp mọi người cảm thấy vui vẻ, liền lập tức đi tìm cho mình một tấm. Nhưng có thể người khác sẽ lừa anh ta, đưa cho anh ta một tấm vải thô ráp dính đầy dầu mỡ, vết bẩn và nói: “Anh bạn, đây chính là tấm vải trắng sạch đẹp.” Anh ta nhận lấy tấm vải và khoác lên người. Nếu sau này bạn bè hoặc người thân của người mù đó tìm một thầy thuốc chữa lành mắt cho anh, thầy thuốc bào chế thuốc, vệ sinh mắt và đắp thuốc cho anh, anh ta khôi phục lại thị lực, có thể nhìn thấy rõ mọi vật, tình cảm dành cho tấm vải dính đầy dầu mỡ đó cũng sẽ tan biến. Cũng không còn coi người đưa tấm vải cho anh là bạn nữa, thậm chí còn coi người đó như kẻ thù, anh nghĩ: “Từ trước đến nay, mình vẫn bị người này lấp liếm, lừa gạt.”
Tương tự như vậy, nếu ta giảng Phật pháp cho con: “Đây là sức khỏe, đây là Niết bàn.” Dần dần, con có thể hiểu rõ về sức khỏe, nhìn rõ Niết bàn. Với sự thấu hiểu này, chấp niệm về năm uẩn cũng dần tiêu tan. Thậm chí con sẽ nghĩ: “Từ trước đến nay, mình luôn bị tâm lấp liếm, lừa gạt, sự chấp trước nơi thân, thụ, tưởng, hành, thức. Vì sự cố chấp đó nên mới có sự hình thành; có sự hình thành nên mới có sinh; có sinh nên mới có lão, tử, đau thương, bi ai, đau khổ, than thở và tuyệt vọng, đây chính là nguồn gốc của mọi đau khổ.”
M’gandiya nói với Đức Thế Tôn: “Nếu Đức Cồ Đàm chí thiện dạy con Phật pháp, con có niềm tin, con sẽ đứng dậy khỏi chỗ ngồi và không còn mù quáng nữa.”