Ngày 01 tháng 11
Đức Thế Tôn nói với ngài Xá Lợi Phất: “Xá Lợi Phất! Hãy nói với ta, một đệ tử thánh thiện luôn giữ vững Chính tín, chuyên tâm nghiêm túc, thì người đó có điều nghi vấn hoặc điều gì chưa rõ về Như Lai hay giáo lý của Như Lai không?”
“Không có! Thưa Thế Tôn. Đệ tử thánh thiện dựa vào niềm tin và sức mạnh để tinh tiến, kiên trì không mệt mỏi để xóa bỏ hành vi xấu, phát huy hành vi tốt. Ý chí của anh ta rất kiên cường, sức mạnh to lớn, gánh vác trách nhiệm hành thiện mà không hề do dự, cố gắng để làm việc thiện. Sức mạnh của anh ta được kiểm soát bởi sức mạnh của Chính tinh tiến.”
“Đệ tử thánh thiện luôn giữ vững Chính tín, có thể khiến cho tâm niệm rõ ràng, khéo phân biệt, có thể ghi nhớ những sự việc xảy ra từ lâu. Ý niệm rõ ràng của anh ta được kiểm soát bởi sức mạnh của Chính niệm.”
“Một đệ tử thánh thiện luôn giữ vững Chính tín, Chính tinh tiến, Chính niệm, có thể khiến những tạp niệm tự nó tiêu tan, khiến tinh thần và tâm trí được tập trung hơn. Tâm niệm của anh ta có được tập trung hay không là do sự kiểm soát của Chính định.”
“Đệ tử thánh thiện giữ vững Chính tín, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định, có thể thấu hiểu luân hồi là vô tận. Từ trước tới nay, chúng sinh vẫn luôn thăng trầm trong vòng xoay vô tận của cuộc sống do bị trói buộc bởi lòng tham và sự ngăn cản của vô minh. Vượt qua được sự ngu muội tăm tối này, sẽ đến được giai đoạn an lạc, tuyệt diệu, dập tắt mọi vọng tưởng, buông bỏ mọi nền tảng của luân hồi, diệt trừ dục vọng, hòa bình yên tĩnh nhập Niết bàn. Loại trí tuệ này được kiểm soát bởi sức mạnh của Chính kiến.”
Đệ tử thánh thiện, hết lần này đến lần khác đều cố gắng tinh tiến, hết lần này đến lần khác cố gắng niệm niệm được rõ ràng hơn, hết lần này đến lần khác cố gắng khiến tâm niệm chuyên nhất, hết lần này đến lần khác tu tập Chính niệm, thấu hiểu mọi thứ; hết lần này đến lần khác tăng trưởng niềm tin. Anh ta nghĩ: “Trước đây ta chỉ nghe đến những sự việc này, nay ta đã được đích thân trải nghiệm.” Niềm tin này được kiểm soát bởi sức mạnh của Chính tín.
Ngày 02 tháng 11
Cây không hề phân biệt khi che bóng mát cho người. Tương tự như vậy, người tích cực tu tập thiền định không nên phân biệt đối xử với chúng sinh. Thay vào đó, anh ta nên nuôi dưỡng lòng nhân từ, đối xử công bằng với tất cả mọi người, đối xử với kẻ cướp, kẻ giết người, kẻ địch hay là bản thân mình đều giữ vững suy nghĩ: “Làm thế nào để những chúng sinh này có thể loại bỏ được sự thù địch, không còn làm hại lẫn nhau nữa? Làm thế nào để có thể sống trong hòa bình, vui vẻ và an toàn? Họ sẽ chăm sóc bản thân như thế nào?”
Ngày 03 tháng 11
Một người họ hàng của Thế Tôn là Tôn giả Tissa khóc lóc đến gặp Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi: “Này Tissa, đã xảy ra chuyện gì? Tại sao ngươi lại đến bên cạnh ta mà khóc nức nở như vậy?”
“Bạch Đức Thế Tôn, tất cả là do các Tỳ kheo khác luôn cười nhạo và trêu chọc con.”
“Tissa à, đó là do con nói năng sắc sảo, nhưng lại không thể chịu đựng được những lời nói sắc sảo của người khác. Con đã xuất gia tu hành rồi thì không nên miệng lưỡi sắc bén như vậy nữa, cũng nên chịu đựng được những kiểu ăn nói sắc sảo của người khác. Nếu con còn miệng lưỡi sắc bén thì cũng nên chịu đựng sự ăn nói sắc sảo của người khác.”
Nói đến đây, Đức Thế Tôn ngâm thêm một bài kệ:
Vì sao Tissa tức giận? Đừng tức giận.
Khiêm tốn hòa nhã là điều có lợi nhất,
Kiềm chế cơn giận, sự kiêu ngạo và lòng tự phụ là tốt nhất,
Vì vậy, chúng ta mới xuất gia tu hành.
Ngày 04 tháng 11
Làm thế nào để một người quán sát cảm nhận? Khi cảm thấy vui vẻ, anh ta sẽ nghĩ: “Mình thấy thật vui.” Khi cảm thấy đau khổ, anh ta sẽ nghĩ: “Mình cảm thấy đau khổ.” Khi cảm thấy bình thường anh ta sẽ nghĩ: “Mình không thấy vui cũng chẳng thấy đau khổ.” Khi cảm thấy vui vẻ, đau khổ hay bình thường thì anh ta hiểu rằng đó là những cảm giác trần tục. Hay khi cảm thấy niềm vui, nỗi đau hay cảm giác bình thường không phải là trần tục, anh ta biết rằng đó không phải là cảm giác trần tục. Anh ta quan sát cảm giác nội tại và bên ngoài theo cách đó, anh ta suy nghĩ cặn kẽ về yếu tố khiến phát sinh cảm giác và yếu tố làm cảm giác mất đi. Anh ta cũng phát hiện ra sự tồn tại của cảm nhận. Anh ta cứ tiếp tục tu tập như vậy cho tới khi đạt đến giai đoạn có trí tuệ và tập trung chú ý. Người như vậy có thể tự lập, không cố chấp với mọi vật trên thế gian.
Ngày 05 tháng 11
Các vị thần không thể chắc chắn rằng một người có trái tim đã được giải thoát thì nó thuộc về đâu. Cho dù họ có nghĩ rằng: “Tâm thức này thuộc về Như Lai” thì cũng không đúng. Tại sao như vậy? Vì Như Lai là không có dấu vết. Tuy nhiên, ta lại giải thích rằng, vẫn có những ẩn sĩ và Bà la môn hiểu một cách không chính xác: “Sa môn Cồ Đàm là người theo chủ nghĩa hư vô, vì điều ông ấy giảng dạy là loại bỏ, tiêu diệt và làm cho những thực thể biến mất.” Ta hoàn toàn không nói những điều này. Trước đây và hiện tại, ta chỉ dạy thế nào là khổ và làm sao để diệt khổ.
Ngày 06 tháng 11
Một người xót thương cho những nỗi khổ của chúng sinh, vì lợi ích của chúng sinh, vì niềm vui của chúng sinh, niềm vui và lợi ích của con người cũng như các vị thần, nên người ấy đã sinh ra trên thế gian này. Người đó là ai? Đó là Như Lai, là vị Thánh, là vị Phật đã giác ngộ hoàn toàn.
Ngày 07 tháng 11
Một người phàm phu hay là người đệ tử thánh thiện, anh ta đều phải trải qua cảm giác hạnh phúc, khổ đau, hay cảm giác không hạnh phúc cũng không khổ đau. Sự giống và khác nhau giữa hai loại người này là gì?
Khi một người phàm phu phải trải qua cảm giác khổ đau, người đó sẽ lo lắng, đau khổ, buồn phiền, đấm ngực, khóc lóc, tâm trí hỗn loạn. Cả tinh thần và thể xác của họ đều cảm thấy như vậy. Điều này giống như một người sau khi bị trúng một nhát phi tiêu lại bị tấn công thêm bởi một mũi phi tiêu khác, người đó phải chịu đựng nỗi đau của hai mũi phi tiêu, đó là cảm nhận của người phàm phu. Khi cảm thấy khổ đau, họ sẽ oán hận, chống đối, kết quả sẽ nảy sinh cảm giác phẫn uất và phản kháng mạnh mẽ. Bị giày vò bởi nỗi khổ niềm đau, họ sẽ đi tìm cảm giác khoái lạc nơi các giác quan. Tại sao như vậy? Vì người phàm phu ngoài việc tìm kiếm khoái lạc nơi các giác quan, thì họ không còn cách nào khác để thoát khỏi khổ đau. Khi hưởng thụ cảm giác khoái lạc của các giác quan, ham muốn khoái lạc ngày một mạnh mẽ hơn. Họ không biết chân tướng sinh ra hay biến mất của cảm giác tham lam đó là như thế nào, không hiểu sự nguy hiểm và sự thỏa mãn của cảm giác khoái lạc này là như thế nào, cũng không biết phải làm sao để loại bỏ chúng. Bởi do thiếu hiểu biết về những điều này, nên không hiểu gì về cảm giác không khổ đau cũng không hạnh phúc. Cho dù là khổ đau, hạnh phúc, hay không hạnh phúc cũng không khổ đau thì họ đều xem đó là sự trói buộc. Họ sẽ bị ràng buộc bởi sinh, lão, bệnh, tử, đau thương, khóc lóc và tuyệt vọng. Chúng ta nói rằng, người đó đang bị ràng buộc bởi nỗi khổ niềm đau.
Khi một người đệ tử thánh thiện trải nghiệm nỗi đau, người đó sẽ không lo lắng, đau thương, buồn khổ, đấm ngực, than vãn hay tinh thần hoảng loạn, họ thấy đó chỉ đơn giản là cảm giác về thể xác. Điều này cũng giống như một người chỉ bị một mũi phi tiêu bắn trúng, không còn phải chịu đựng sự tấn công của những mũi phi tiêu tiếp theo. Những người đệ tử thánh thiện đã trải qua rèn luyện chính là như vậy. Khi cảm thấy khổ đau, họ sẽ không kháng cự, oán hận, thì sẽ không sản sinh ra oán hận hay thái độ phản kháng mạnh mẽ. Dưới sự giày vò bởi nỗi khổ niềm đau, họ không đi tìm sự khoái lạc ở các giác quan. Tại sao như vậy? Vì họ biết được có những cách khác để giải thoát khỏi đau khổ. Vì không tận hưởng thú vui từ các giác quan, họ không thèm muốn bất kỳ khoái lạc nào. Họ biết rõ sự sinh ra và biến mất của những ham muốn này, thấu hiểu việc thỏa mãn những ham muốn này sẽ nguy hiểm như thế nào, họ cũng biết rõ làm thế nào để thoát khỏi chúng. Có được những kiến thức đó, không còn vô tri trước những cảm thụ không hạnh phúc cũng không khổ đau nữa. Cho dù họ cảm thấy khổ đau, hạnh phúc, hay là không hạnh phúc cũng không khổ đau, họ cũng không còn bị trói buộc bởi những cảm giác đó. Họ đã được giải thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, đau thương, khóc lóc và tuyệt vọng. Chúng ta nói rằng, người đó đã được thoát khỏi sự ràng buộc bởi nỗi khổ niềm đau.
Ngày 08 tháng 11
Gia tài của một Tỳ kheo là gì? Đó chính là đem tấm lòng từ bi hỷ xả lưu chuyển khắp muôn nơi. Vị Tỳ kheo đó có trái tim từ bi hỷ xả, dồi dào, vô lượng, không chút sân hận hay ác ý. Đồng thời, đem chúng chiếu tỏa khắp mọi nơi trên thế giới. Đó chính là gia tài của một Tỳ kheo.
Ngày 09 tháng 11
Xá Lợi Phất bạch với Đức Thế Tôn: “Con tin rằng từ cổ chí kim, thậm chí trong tương lai cũng không thể có vị Bà la môn hay ẩn sĩ nào đạt được giác ngộ hơn Thế Tôn .”
“Này Xá Lợi Phất, cách nói của con quá là quyết đoán, giống như tiếng gầm đầy tự tin của một con Sư tử. Tại sao như vậy? Không lẽ con biết được tư tưởng, đức hạnh, lời
giảng dạy của chư Phật trong quá khứ?”
“Không, thưa Thế Tôn.”
“Con biết được tâm niệm của chư Phật trong tương lai sao?”
“Không, thưa Thế Tôn.”
“Vậy còn ta, con biết được tâm niệm, đức hạnh, lời giáo huấn và sự giải thoát của ta sao?”
“Không, thưa Thế Tôn.”
“Vậy thì, Xá Lợi Phất, con không biết được tâm niệm của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai, tại sao con có thể gầm lên như một chú Sư tử đầy tự tin, lời nói đầy quyết đoán vậy chứ?”
“Thưa Thế Tôn, tuy con không biết được tâm niệm của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng con hiểu về Phật pháp. Giả sử, có một thành phố với những tường thành vững chắc, những tòa nhà cao tầng và một cánh cổng lớn. Cánh cổng đó được canh giữ bởi một người rất tinh anh và đầy cảnh giác, chỉ cho những người quen vào thành, người lạ đều bị chặn ở bên ngoài. Trong lúc đi tuần tra tường thành, anh ta không hề thấy một lỗ hổng nào, dù chỉ là một lỗ nhỏ đủ lọt một nửa con mèo. Vì vậy, anh ta biết rằng, bất cứ ai muốn vào thành, nhất định phải đi qua cổng lớn. Theo con thấy, Phật pháp cũng như vậy, chư Phật trong quá khứ đều đạt được giác ngộ thông qua việc loại bỏ được Ngũ chướng1, loại bỏ phiền não của Chính kiến, thiết lập Tứ niệm xứ, hiểu về chân tướng của Thất giác chi2. Cho nên các chư Phật trong tương lai cũng vậy thôi. Là Ngài, là Thế Tôn, là Thánh giả, là Phật Đà Chính Đẳng Chính Giác cũng vậy mà thôi.”
1. Ngũ chướng: Theo quan niệm Phật giáo, Ngũ chướng là năm chướng ngại mà các nhà tu hành thường vướng phải, đó là: Phiền não chướng (Chướng ngại của phiền não), Nghiệp chướng (Chướng ngại của nghiệp ác), Sinh chướng (Chúng sinh làm chướng ngại), Pháp chướng (Chướng ngại của sự vật), Sở tri chướng (Chướng ngại của sự hiểu biết).
2. Thất giác chi: Là bảy Bồ đề phần, là nhóm thứ sáu trong ba mươi bảy Bồ đề phần, nó có thể đưa người tu tập đến giác ngộ, bao gồm: trạch pháp (phân tích, biết phân biệt đúng sai), tinh tiến (chăm chỉ, kiên trì), hỷ (tâm hoan hỷ), khinh an (tâm thức khinh an, sảng khoái), niệm (tỉnh giác), định (có sự tập trung lắng đọng), xả (lòng buông xả, không bám chấp).
Ngày 10 tháng 11
Một người vừa mang lại lợi ích cho bản thân và người khác là người như thế nào? Động tác của anh ấy nhanh nhẹn, nắm bắt được những lời dạy hữu ích, hiểu được ý nghĩa từng câu chữ của Phật pháp, ghi nhớ và làm theo lời Phật dạy. Anh ấy còn có giọng nói hay, khi nói thường dùng lời lẽ nho nhã, rõ ràng, âm thanh thanh thoát dễ nghe. Anh ấy dạy cho các bạn đồng tu, động viên, khích lệ họ, khiến họ vui vẻ.
Ngày 11 tháng 11
Những tạp chất lẫn lộn trong vàng gồm có: bụi, cát, sỏi và đá vụn. Người đãi vàng hoặc những người học việc phải rửa nó dưới dòng nước để loại bỏ cát bụi. Sau khi hoàn thành quy trình này, vẫn còn sót lại một số cát và sỏi nhỏ. Những người đãi vàng lặp lại quy trình này, sau khi rửa xong, sẽ còn sót lại một chút ít cát. Họ lại tiếp tục quy trình đó cho đến khi cuối cùng chỉ còn lại vàng. Tiếp đến, thợ kim hoàn hoặc người học việc đem số vàng cát đó bỏ vào nồi nung để nấu chảy nó. Lúc này vàng tuy đã được nung chảy nhưng vẫn chưa phải là nguyên chất, vẫn còn lẫn một số tạp chất. Nó không dễ uốn cong, không thể gia công, chưa có độ bóng, còn giòn và dễ gãy, không thể dùng để làm đồ trang sức. Lại thêm một thời gian nữa, khi thợ kim hoàn nấu chảy vàng, đổ nó ra và loại bỏ các tạp chất khác đi. Lúc này vàng dễ dàng uốn cong hơn, có thể gia công, sáng bóng, không còn giòn và dễ gãy nữa, có thể sử dụng được. Nó có thể được dùng trong mọi trường hợp, ví dụ làm đĩa vàng, nhẫn, vòng cổ, dây chuyền v.v. Một người tích cực phát triển tấm lòng cao thượng cũng như vậy.
Một người chu đáo cẩn thận, suy nghĩ thấu đáo, khi từ bỏ sự ô uế của thân, khẩu, ý sẽ thường xuyên kiểm tra chúng hoặc loại bỏ chúng một cách triệt để, không để chúng lại tiếp tục khởi lên. Sau đó, nếu cho dù vẫn còn tồn tại một chút ý niệm không trong sạch, ví dụ như tà dâm, sân hận, tàn ác đeo bám anh ta. Anh ta sẽ một lần nữa loại bỏ tất cả những ý niệm không trong sáng này. Sau khi loại bỏ chúng, nếu tiếp tục còn một chút ý nghĩ không trong sạch nào, ví dụ như suy nghĩ về người thân, đất nước, danh vọng. Với người có suy nghĩ thấu đáo, chu đáo cẩn thận sẽ một lần nữa kiểm tra những ý niệm không trong sạch đó hoặc loại bỏ nó một cách triệt để, khiến nó không còn tiếp tục khởi lên nữa. Đến lúc này, anh ta chỉ còn lại ý niệm của Phật pháp. Ở giai đoạn này, sự tập trung của anh ta vẫn chưa được bình tĩnh, cao siêu, cũng chưa đạt tới cảnh giới ổn định và chuyên chú. Sự tập trung này vẫn chịu ảnh hưởng của các thói quen. Nhưng một ngày nào đó, tâm niệm của anh ta sẽ ổn định, chuyên tâm và tập trung hơn, sức tập trung của anh ta không còn chịu sự kiểm soát của thói quen nữa, mà nó có thể bình tĩnh, cao siêu, ổn định và chuyên chú. Cho dù tâm niệm di chuyển tới cánh cửa tri thức nào, anh ta đều có thể lý giải được.
Ngày 12 tháng 11
Giống như một người đi dạo trong rừng, đến một con đường mà người xưa từng đặt chân tới. Anh ta đi men theo con đường đó, đến một một thành cổ mà người xưa từng sống. Bên trong thành có công viên, rừng rậm, hồ nước và tường bao quanh, đúng là một nơi thật đẹp. Giả sử nếu người này bẩm báo với các vị quan hoặc Quốc vương về điều mà anh ta phát hiện ra: “Đại nhân, thần phát hiện một ngôi thành cổ, mong ngài hãy cho trùng tu lại.” Lại giả thiết rằng ngôi thành cổ này được xây dựng lại và trở nên phồn vinh, người đến sống đông đúc và tiếp tục phát triển mở rộng thêm. Tương tự như vậy, ta nhìn thấy một con đường cổ, một con đường cổ mà chư Phật ngày xưa từng đi qua. Đó sẽ là một con đường như thế nào? Nó chính là Bát chính đạo.
Ngày 13 tháng 11
Làm thế nào để tu tập quán chiếu nội tâm? Khi lòng tham khởi lên, thì ta biết tâm đang nghĩ đến tham; khi lòng tham không khởi lên, ta biết tâm không nghĩ đến tham. Khi sân hận khởi lên, ta biết tâm đang nghĩ đến sân hận; khi sân hận không khởi lên, ta biết tâm không nghĩ đến sân hận. Khi si mê khởi lên, ta biết tâm đang nghĩ đến si mê, khi lòng si không khởi lên, ta biết tâm không nghĩ đến si mê. Khi tâm chuyên nhất, ta biết tâm đang chuyên chú; khi tâm bị tán loạn, ta biết tâm đang bị tán loạn. Khi tâm nhờ việc tu tập mà được phát triển, ta biết tâm của mình nhờ tu tập mà được phát triển. Khi tâm chưa tu tập để phát triển, ta biết tâm chưa tu tập để phát triển. Khi tâm có tâm thức cao hơn đang hoạt động, ta biết được tâm có tâm thức cao hơn đang hoạt động; khi tâm không có tâm thức cao hơn đang hoạt động, ta biết rằng tâm không có tâm thức cao hơn đang hoạt động; khi tâm tập trung, ta biết tâm đang tập trung; khi tâm không tập trung, ta biết tâm đang không tập trung. Khi tâm được giải thoát, ta biết tâm được giải thoát; khi tâm không được giải thoát, ta biết tâm không được giải thoát.
Chúng ta nên dùng cách này để quán chiếu nội tâm của mình từ trong ra ngoài. Biết nguyên nhân sinh ra và mất đi của mỗi tâm niệm, biết được sự tồn tại của mỗi tâm niệm và phát triển nó, khiến nó đạt được yêu cầu của việc tu tập trí tuệ và chuyên chú. Tâm niệm của con người nếu có thể độc lập, thì không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì trên thế gian.
Ngày 14 tháng 11
Có năm phần hỗ trợ cho sự tinh tiến. Đó là những gì? Con người phải có niềm tin vào sự giác ngộ của Đức Phật; cơ thể con người phải khỏe mạnh, tiêu hóa tốt, không nóng không lạnh, mới thích hợp để nỗ lực tinh tiến; phải thành thật trước vị thầy hướng dẫn và các bạn đồng tu, không lừa dối, không đạo đức giả. Con người phải cố gắng loại bỏ những hành vi xấu, trau dồi những hành vi tốt đẹp. Con người phải có ý chí kiên định, sức mạnh kiên cường, không trốn tránh và sẵn sàng gánh vác trọng trách Phật pháp. Con người phải có trí tuệ, có thể hiểu rõ chân tướng sinh ra và mất đi của vạn vật, có thể biết cách vượt qua nỗi đau khổ một cách triệt để.
Ngày 15 tháng 11
Một người nếu vì tôn kính, cung kính, sùng kính Phật pháp mà trở nên dễ gần, lời nói cũng thân thiện gần gũi hơn, ta gọi đó là người dễ nói chuyện.
Ngày 16 tháng 11
Như Lai sống tự tại, giải thoát khỏi sự ràng buộc của sắc (vật chất), thụ (tác dụng của cảm giác), tưởng (tác dụng của nhận thức), hành (tác dụng của ý chí), thức (tác dụng của ý thức), luân hồi, bại hoại, tử vong, dục vọng v.v. giống như những bông sen màu trắng, xanh hoặc hồng mọc lên trong nước, vươn lên khỏi mặt nước, không còn bị nhuốm bùn bẩn. Tương tự vậy, Như Lai đã giải thoát khỏi những ràng buộc như vậy, tâm không còn chướng ngại, hoàn toàn tự do tự tại.
Ngày 17 tháng 11
“Ta sẽ kể về câu chuyện dùng bè qua sông mà không quá chấp niệm vào chiếc bè, từ đó các con sẽ rút ra được một vài điều. Hãy nghe cho kỹ, ta sẽ kể ngay đây. Giả sử có người đang đi trên đường, đến trước một dòng sông lớn, bờ bên này nguy hiểm chết người, bờ bên kia an toàn kiên cố. Nhưng không có thuyền hay cầu có thể sang sông. Người này nghĩ: ‘Bờ bên này nguy hiểm chết người, bờ bên kia an toàn kiên cố, nhưng không có thuyền hay cầu để vượt sông. Sao ta không gom cỏ và cành cây lại kết thành một chiếc bè, rồi ngồi lên trên và dùng tay chèo sang bờ bên kia?’ Nghĩ vậy anh ta liền kết một chiếc bè và an toàn sang được bờ bên kia. Sau đó anh ta lại nghĩ: ‘Nhờ có chiếc bè này mà ta sang sông an toàn, sao ta không vác theo chiếc bè này rồi tiếp tục lên đường?’”
“Này các Tỳ kheo, anh ta làm như vậy có phải là cách xử trí đúng đắn dành cho chiếc bè không? Các con có ý kiến gì không?”
“Không, thưa Thế Tôn.”
“Vậy phải làm gì với chiếc bè?”
“Người đó nên nghĩ rằng: ‘Chiếc bè này từng giúp ích cho ta, nhờ ngồi lên nó và dùng tay để chèo ta mới có thể an toàn sang bờ bên này. Sao ta không để nó ở đây rồi tiếp tục lên đường chứ?’ Đó mới là cách xử trí đúng đắn dành cho chiếc bè. Hiểu được ví dụ này, các con nên biết rằng ngay cả những điều tốt đẹp nhất cũng nên buông bỏ, huống hồ là những điều xấu càng không phải bận tâm.”
Ngày 18 tháng 11
Một ngày nọ, khi Đức Thế Tôn đang ngồi ở hương thất Gardha Kuti tại tinh xá Kỳ Viên, dùng thiên nhãn quán sát bình minh ở trần thế, quán thấy một người nghèo ở Alavi có những khả năng tiềm ẩn có thể chứng đắc quả vị Dự lưu. Đức Thế Tôn liền đem theo năm trăm vị Tỳ kheo cùng tới Alavi. Người dân ở Alavi khẩn thiết mời Thế Tôn ở lại, người nghèo kia nghe tin Đức Thế Tôn tới cũng quyết tâm tới nghe Ngài giảng pháp. Nhưng đến ngày giảng pháp thì bò của anh ta đi lạc. Anh ta do dự nghĩ: “Ta nên đi tìm bò trước hay nghe giảng pháp trước?” Cuối cùng anh ta quyết định đi tìm bò, ngày hôm đó anh ta lên đường từ sáng sớm. Người dân ở Alavi sắp xếp chỗ ngồi và đồ cúng dường cho Đức Thế Tôn và chúng Tăng. Sau khi kết thúc bữa ăn, họ đem bình bát của Đức Thế Tôn đi rửa sạch sẽ. Thế Tôn ngỏ lời cảm ơn và nói: “Ta đi hơn ba mươi dặm đường tới đây là vì một người. Anh ta hiện đang đi tìm con bò nhà anh ta đi lạc trong rừng. Chờ khi anh ta quay lại, ta sẽ bắt đầu giảng pháp.” Nói xong Ngài liền im lặng.
Trước khi trời tối, người nghèo kia tìm thấy bò và đưa về chuồng. Anh ta nghĩ: “Giờ cũng không có việc gì khác, ta có thể đi đỉnh lễ Đức Thế Tôn rồi. Tuy đói khát, nhưng anh không về nhà, ngược lại còn cố gắng đến chỗ Đức Thế Tôn một cách nhanh nhất. Sau khi kính lễ Đức Thế Tôn, anh ta liền lùi sang một bên rồi ngồi xuống. Thế Tôn hỏi người phụ trách đồ ăn: “Có còn chút thức ăn nào nữa không?”
“Thưa Thế Tôn, vẫn còn một chút.”
“Vậy hãy mang lên đây cho người này ăn.”
Người phụ trách đưa anh chàng kia tới ngồi vào vị trí Đức Thế Tôn vừa chỉ, mang một chút cháo, thức ăn có cả cứng và mềm lên cho anh ta. Người đó ăn uống và súc miệng xong, vì không còn cảm giác đói khát nữa nên tâm cũng trở nên tĩnh lặng hơn. Thế Tôn liền bắt đầu giảng pháp theo từng cấp độ, nói về Tứ diệu đế. Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, người đó liền chứng quả Dự lưu.
Ngày 19 tháng 11
Hỡi A tu la!
Người ta trách móc những người ít nói,
Người ta trách móc những người nói nhiều,
Người ta cũng trách móc những người nói vừa phải.
Quá khứ, hiện tại, tương lai đều như vậy,
Chưa từng có ai không bị trách móc.
Trước đây chưa từng có,
Sau này sẽ không có,
Hiện tại cũng không có,
Một người luôn được khen hay chưa từng bị trách móc.
Ngày 20 tháng 11
Hãy đặt thân mình vào một nơi thanh tịnh vắng vẻ. Người thanh tịnh vắng vẻ có thể biết rõ chân tướng sự vật.
Ngày 21 tháng 11
Thế Tôn nói: “Này A Nan, hãy đặt một chiếc sạp ở giữa hai cây Sala, ta cảm thấy không khoẻ, ta muốn đi nằm một lát.” A Nan sửa soạn theo lời dặn, Đức Thế Tôn nằm nghiêng hướng về bên phải, chân nọ đặt lên chân kia theo thế Sư tử nằm, thần trí tỉnh táo và tập trung. Đột nhiên, cây Sala chợt nở hoa trái mùa. Cánh hoa rơi xuống như mưa phủ đầy trên người Như Lai để thể hiện sự kính trọng đối với Ngài. Hoa trời, bột Đàn hương rơi xuống như mưa, nhạc trời thánh thót bốn phương tỏ lòng kính trọng với Như Lai. Đức Thế Tôn nói với A Nan: “Hãy nhìn xem hoa Sala đang nở rộ, hoa trời, bột Đàn hương, nhạc trời kìa. Nhưng đây không phải là cách kính trọng, sùng bái, kính ngưỡng dành cho Như Lai. Nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ đều gìn giữ giới luật, tu tập theo Phật pháp, đó mới là sự kính trọng, sùng bái, kính ngưỡng lớn nhất dành cho Như Lai. Vì vậy, mọi người nên gìn giữ Phật pháp, tu tập theo Phật pháp để rèn luyện bản thân.”
Ngày 22 tháng 11
Sau khi niềm vui dần dần biến mất, ta có thể duy trì được tâm trạng bình tĩnh, chuyên chú, tỉnh táo, trải nghiệm được những điều mà các bậc Thánh thường nói: “Người có tâm trí an yên và chuyên chú sẽ được hạnh phúc.” Sau đó ta sẽ được an trụ trong Tam thiền. Ta được lấp đầy bởi cảm giác hạnh phúc mà không cần phải chứa đựng niềm vui này, để toàn bộ mọi tế bào trên cơ thể đều thấm nhuần cảm giác hạnh phúc này.
Cũng giống như những đóa sen trắng, hồng, xanh mọc trong đầm. Trước khi vươn lên trên mặt nước, bông hoa hoàn toàn bị chìm ngập trong nước, bị nước lấp đầy và xuyên thấu, không có nơi nào là không ngấm nước. Tương tự như vậy, con người khi bước vào giai đoạn Tam thiền sẽ được bao bọc bởi cảm giác hạnh phúc mà không cần niềm vui, thấm đầy và xuyên thấu, khiến mọi nơi trên cơ thể đều nhuốm đầy cảm giác hạnh phúc này.
Ngày 23 tháng 11
Cũng như nước có thể tốt và xấu,
Rửa sạch tất cả các tạp chất và bụi bặm,
Tương tự như vậy,
Bạn nên mở rộng tình yêu thương đồng đều đối với cả người thân và kẻ thù,
Khi tình yêu thương được trọn vẹn,
Bạn sẽ chứng đắc Chính giác.
Ngày 24 tháng 11
Ở đâu thì bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa không tìm được chỗ dừng chân? Dài và ngắn, lớn và nhỏ, sạch và bẩn, tên gọi và hình dạng sẽ biến mất ở đâu? Đáp án chính là:
Ý thức của bậc Thánh là không có dấu vết,
Không có giới hạn và chiếu sáng vô tận,
Đất, nước, gió, lửa
Không tìm thấy chỗ dừng chân ở nơi đó.
Khi ý thức dần biến mất,
Dài ngắn, lớn nhỏ, sạch bẩn, tên gọi và hình dạng,
Cuối cùng cũng biến mất theo.
Ngày 25 tháng 11
Người có tâm niệm rõ ràng, sẽ luôn được tốt lành,
Người có tâm niệm rõ ràng, niềm vui sẽ tăng lên,
Người có tâm niệm rõ ràng, vạn sự đều tốt đẹp.
Nhưng họ vẫn không thể thoát khỏi kẻ thù.
Nếu ban đêm và ban ngày,
Đã không làm hại chúng sinh,
Lại chia sẻ tình yêu với chúng sinh,
Thì sẽ không còn chút ý niệm thù địch nào nữa.
Ngày 26 tháng 11
Tôi sẽ chỉ cho bạn biết thế nào là lo lắng và cố chấp, tôi cũng sẽ hướng dẫn cho bạn làm thế nào để buông bỏ, giải thoát khỏi lo lắng và cố chấp. Thế nào là lo lắng và cố chấp? Người phàm thường có cái nhìn như sau: “Cơ thể này là của tôi, tôi là cái này, cái này là tôi.” Những người có cách nghĩ như vậy sẽ có cảm giác bi thương, lo lắng, khổ não, đau buồn và tuyệt vọng về những thay đổi đối với cơ thể mình. Đối với thụ (tác dụng của cảm giác), tưởng (tác dụng của nhận thức), hành (tác dụng của ý chí), thức (tác dụng của ý thức), người phàm sẽ có cái nhìn và cảm nhận như vậy.
Thế nào gọi là buông bỏ và giải thoát khỏi sự lo lắng, cố chấp? Những đệ tử thánh thiện được nhận sự dạy dỗ tử tế sẽ có cái nhìn như sau: “Thân thể này không phải là của ta, ta không phải là cái này, cái này cũng không phải ta.” Người nghĩ được như vậy sẽ không cảm thấy buồn bã, lo lắng, đau khổ, đau buồn và tuyệt vọng về những thay đổi đối với cơ thể của họ. Đối với thụ, tưởng, hành, thức, họ sẽ có cảm nhận tương tự như vậy. Đây chính là buông bỏ và giải thoát khỏi sự lo lắng, cố chấp.
Ngày 27 tháng 11
Giả sử có một Quốc vương hoặc một đại thần chưa từng được nghe tiếng đàn Tỳ bà. Một ngày nọ, họ nghe thấy tiếng đàn Tỳ bà, liền hỏi: “Người hầu đâu, hãy nói cho ta biết đây là âm thanh gì mà sao lại vừa hay, vừa mê người, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, khiến ta phải say đắm đến như vậy?”
Người hầu trả lời:
“Đó là tiếng đàn Tỳ bà, thưa Bệ hạ!”
Quốc vương hỏi tiếp: “Mau, đem chiếc đàn Tỳ bà đó đến đây.”
Người hầu mang đàn đến, Quốc vương lại nói: “Ta không cần chiếc đàn Tỳ bà này, đem âm nhạc đến đây cho ta.”
Người hầu liền trả lời: “Tiếng đàn Tỳ bà được tạo thành từ nhiều phần khác nhau, bao gồm cả bụng đàn, vỏ đàn, cần đàn, khung đàn, dây đàn, giá đỡ dây đàn cũng như kỹ thuật của người chơi đàn. Đàn Tỳ bà sở dĩ có thể tạo ra âm thanh là nhờ tổ hợp của tất cả những điều trên, đàn Tỳ bà sở dĩ có thể tạo ra âm thanh là do sự kết hợp của nhiều thành phần khác nhau.”
Quốc vương nghe xong liền bẻ chiếc đàn thành hàng trăm mảnh, tiếp tục bẻ thành những mảnh nhỏ hơn sau đó cho vào lửa đốt. Sau đó, thu gom đám tro tàn rồi lọc qua rây, rửa trong nước để tìm ra âm nhạc. Sau khi làm như vậy, Quốc vương nói: “Cây đàn Tỳ bà này thực chất cũng chỉ là một vật tầm thường. Nhưng cho dù nó là vật gì, thì người thế gian đều bị nó mê hoặc.”
Tương tự như vậy, một người sau khi không ngừng quan sát, phân tích sắc (cơ thể, vật chất), thụ, tưởng, hành, thức, cuối cùng kết luận rằng không có cái gọi là “tôi”, “tôi là”, “của tôi”.
Ngày 28 tháng 11
Kẻ trước đây tham lam, nay không còn tham lam nữa; kẻ trước đây sân hận, nay không còn sân hận nữa; kẻ trước đây keo kiệt, nay không còn keo kiệt nữa; kẻ trước đây kiêu căng, nay không còn kiêu căng nữa; kẻ trước đây hay đố kỵ, nay không còn đố kỵ nữa; kẻ trước đây đê tiện, nay không còn đê tiện nữa; kẻ trước đây không đáng tin cậy, nay đã trở nên tin cậy hơn; kẻ trước đây xảo trá, nay không còn xảo trá nữa; kẻ trước đây rất xấu xa, nay không còn xấu xa nữa; kẻ trước đây luôn giữ tà kiến, nay không còn giữ tà kiến nữa. Từ những ví dụ này, chúng ta có thể nói rằng: người nào có thể làm theo những điều mà ẩn sĩ tu hành làm, thì người đó có thể gột rửa những điều ô uế, khuyết điểm, thiếu sót giống như ẩn sĩ, loại bỏ được đau khổ và những yếu tố khiến ta tái sinh vào cõi ác. Người đó thấy bản thân mình đã được thanh lọc, loại bỏ được những thói xấu và những điều không trong sạch. Vì vậy mà anh ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, tâm trí được tập trung hơn. Trong lòng tràn ngập tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả và đem nó phóng chiếu đi khắp muôn nơi, tới mọi ngóc ngách trên thế giới. Người đó sở hữu một trái tim đầy nhân ái, yêu thương, tùy hỷ, bình đẳng, viên mãn, không bị kiểm soát, không sân hận và xấu xa.
Ngày 29 tháng 11
Một người thân thích của Đức Thế Tôn là Tôn giả Tissa nói với chúng Tỳ kheo rằng: “Hỡi các bạn đồng môn, cơ thể của tôi tựa hồ như bị trúng độc, mắt mờ đi, đối với Phật pháp cũng không rõ ràng nữa. Tâm trí tôi bị sự lười biếng uể oải chiếm hữu, không còn thích thú với cuộc sống tu hành nữa. Niềm tin của tôi về lời dạy của Đức Phật bắt đầu dao động.”
Các Tỳ kheo liền chuyển lời này của Tissa đến Đức Thế Tôn. Thế Tôn liền nói với một Tỳ kheo: “Hãy đi đi, Tỳ kheo, hãy lấy danh nghĩa của ta, gọi Tissa tới đây cho ta nói chuyện.” Khi Tissa đến, Đức Thế Tôn hỏi ông ta: “Mọi người nói rằng cơ thể của con tựa hồ như bị trúng độc, mắt mờ đi, đối với Phật pháp cũng không rõ ràng nữa. Tâm trí con bị sự lười biếng uể oải chiếm hữu, không còn thích thú với cuộc sống tu hành nữa. Có phải như vậy không?”
“Đúng như vậy, thưa Thế Tôn.”
“Này Tissa, có phải cơ thể đầy dục vọng, ham muốn, tình yêu, khát vọng, cuồng nhiệt và thèm khát đang không ngừng thay đổi? Bi thương, ưu phiền, khổ não, đau buồn và tuyệt vọng sẽ tăng lên vì điều này không, con thấy thế nào?”
“Có, thưa Thế Tôn.”
“Vậy thì thụ, tưởng, hành, thức cũng giống như vậy sao?”
“Vâng, thưa Thế Tôn.”
“Nói hay lắm! Tissa, nói hay lắm! Theo con, một cơ thể không có dục vọng, ham muốn, tình yêu, khát vọng, cuồng nhiệt thì nó có không ngừng thay đổi không? Bi thương, ưu phiền, khổ não, đau buồn và tuyệt vọng có tăng lên vì điều này không?”
“Đương nhiên là không, thưa Thế Tôn.”
“Vậy thì thụ, tưởng, hành, thức cũng giống như vậy sao?”
“Vâng, thưa Thế Tôn.”
“Nói hay lắm! Tissa, nói hay lắm! Con cho rằng thân (sắc), thụ, tưởng, hành, thức là vĩnh cửu (thường) hay là không vĩnh cửu?”
“Là vĩnh cửu, thưa Thế Tôn.”
“Khi đã hiểu rõ những điều này, những người đệ tử đã trải qua tu tập sẽ lìa xa Ngũ uẩn. Lìa xa được chúng, đam mê sẽ biến mất. Đam mê biến mất thì họ sẽ đạt được giải thoát và sẽ lĩnh hội được rằng: ‘Luân hồi đã dừng lại, tôi đã trải qua cuộc sống tu hành và làm những việc cần làm, tôi không còn phải chịu báo ứng luân hồi nữa.’ Giả sử có hai người, một người có lợi thế đi xa, một người thì không. Người không hay đi xa hỏi đường người kia. Người kia trả lời: ‘Đúng vậy! Anh bạn, chính là con đường này. Đi thêm một đoạn không xa, anh sẽ thấy một ngã rẽ, hãy men theo bên phải thêm một lúc nữa sẽ đến một khu rừng; tiếp tục đi về phía trước đến một đầm lầy; đi tiếp đi anh sẽ nhìn thấy một vách đá, tiếp tục đi về phía trước anh sẽ nhìn thấy một vùng hoang dã tuyệt đẹp.’ Ta dùng ví dụ này để minh họa cho ý ta định nói, người không hay đi xa kia đại diện cho người phàm, người hay đi xa đại diện cho Như Lai, Vô Thượng Sĩ, Chính Giác Phật Đà, ngã rẽ tượng trưng cho giai đoạn do dự không quyết đoán, con đường bên trái là tà đạo, con đường bên phải là Bát chính đạo, cánh rừng tượng trưng cho sự vô minh, đầm lầy tượng trưng cho dục vọng, vách đá tượng trưng cho sự bồn chồn bất an và tuyệt vọng, còn vùng hoang dã tuyệt đẹp kia chính là Niết bàn. Hãy phấn chấn lên Tissa, phấn chấn lên. Ta sẽ cho con lời khuyên, ủng hộ con và chỉ dẫn cho con.”
Ngày 30 tháng 11
Đức Thế Tôn nói với chúng Tăng: “Thân thể không phải là linh hồn. Nếu nó là linh hồn thì sẽ không phải chịu khổ; một người sẽ có thể nói rằng: ‘Tôi muốn thân thể tôi phải như thế này, tôi không muốn thân thể tôi như thế kia.’ Vì cơ thể không phải là linh hồn, thì chắc chắn sẽ phải chịu đựng đau khổ, còn con người không thể nói rằng: ‘Tôi muốn thân thể tôi như thế này, tôi không muốn thân thể tôi như thế kia.’ Thụ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Các con nghĩ rằng thân thể là vĩnh cửu (thường) hay là không vĩnh cửu (vô thường)?”
“Không vĩnh cửu, thưa Thế Tôn.”
“Những thứ không vĩnh cửu là đau khổ, hay là hạnh phúc?”
“Là đau khổ, thưa Thế Tôn.”
“Hãy xem những thứ vô thường và đau khổ là của tôi, là tôi, là linh hồn tôi, nhận thức như vậy có thích đáng không?”
“Không thích đáng, thưa Thế Tôn.”
“Thụ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Cho nên, bất luận là loại sắc, thụ, tưởng, hành, thức nào, là quá khứ, hiện tay hay tương lai, là thô tục hay khéo léo, là nội tại hay ngoại tại, là thấp kém hay nổi bật, là gần hay xa, tất thảy đều nên dùng kiến thức đúng đắn để lý giải rằng: ‘Đây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là linh hồn tôi.’ Nếu nhìn nhận và lắng nghe theo cách đó, người đệ tử thánh thiện sẽ không còn cố chấp với thân, thụ, tưởng, hành, thức nữa. Đã không còn cố chấp, thì đam mê biến mất. Khi đam mê không còn nữa thì sẽ được giải thoát và cũng nhận ra rằng bản thân mình là người đã được giải thoát. Anh ta sẽ ngộ ra rằng: Luân hồi đã kết thúc, mình đã trải qua cuộc sống tu hành và làm những điều cần làm, mình không còn chịu nghiệp báo và sinh tử nữa.”