Ngày 01 tháng 10
Giả sử có một đứa bé sơ sinh chưa biết gì đang nằm đó. Trong lúc vú nuôi không để ý, đứa bé ấy liền bỏ một cành cây hoặc viên đá vào miệng. Vú nuôi nhìn thấy thì cố gắng lấy những thứ kia ra khỏi miệng đứa bé. Nhưng dị vật không dễ lấy ra, bà vú sẽ dùng một tay giữ đầu đứa bé, một tay cố gắng lấy dị vật ra; cho dù có thể xảy ra chảy máu thì bà vú vẫn buộc phải làm vậy. Tại sao? Vì những dị vật đó sẽ gây hại cho đứa bé; còn sở dĩ bà vú làm như vậy là xuất phát từ sự nhân từ, tình yêu và sự thương xót đối với đứa bé. Nhưng khi đứa bé đó đã lớn khôn, có trí tuệ, bà vú không cần phải trông coi nó nữa và nghĩ rằng: “Đứa trẻ này có thể tự chăm sóc cho bản thân nó rồi, nó sẽ không làm chuyện dại dột nữa.”
Tương tự như vậy, con người vì thiếu niềm tin, thiếu tinh thần trách nhiệm, liêm sỉ, nghị lực và trí tuệ dẫn đến việc không chịu tu tập và hành thiện, nên mới cần đến ta đôn đốc. Nhưng khi con người có thể tự mình tu tập và hành thiện, ta không cần phải đôn đốc nữa và nghĩ rằng: “Giờ đây người kia đã có thể tự chăm sóc cho bản thân mình rồi, không còn làm chuyện dại dột nữa.”
Ngày 02 tháng 10
Trong một tập thể sống hòa thuận không xảy ra tranh chấp, nếu có người phạm lỗi, bạn không nên vội vàng kết tội họ, nên xem xét người đó trước, trong lúc sửa sai cho người đó, nên nghĩ: “Mình không tức giận, thì anh ta cũng không tức giận. Như vậy, vì không tức giận nên anh ta sẽ nhanh chóng thấy rõ chân tướng và dễ thuyết phục hơn. Như vậy mình vẫn có thể khiến anh ta từ bỏ điều xấu xa mà làm điều tốt.” Nếu bạn nghĩ được như vậy thì có thể bắt đầu lên tiếng sửa sai cho người đó.
Nếu bạn nghĩ: “Tuy mình không tức giận, nhưng anh ta sẽ tức giận. Nếu vậy, bởi vì tức giận nên khả năng lý giải của anh ta sẽ bị giảm sút; nhưng cũng dễ thuyết phục. Mình vẫn có thể khiến anh ta từ bỏ điều xấu mà làm điều tốt.” Nếu bạn nghĩ được như vậy thì có thể bắt đầu lên tiếng sửa sai cho người đó.
Nếu bạn nghĩ rằng: “Mình tức giận, anh ta lại không tức giận. Như vậy, vì không phẫn nộ, tức giận nên khả năng lý giải của anh ta tốt hơn, nhưng sẽ càng khó để thuyết phục. Thế nhưng mình vẫn có thể giúp anh ta từ bỏ điều xấu mà làm điều tốt.” Nếu bạn nghĩ được như vậy thì có thể bắt đầu lên tiếng sửa sai cho người đó.
Nếu bạn nghĩ: “Mình tức giận, anh ta cũng tức giận. Như vậy vì tức giận mà khả năng lý giải của anh ta sẽ bị giảm sút, càng khó để thuyết phục hơn; nhưng mình vẫn có thể giúp anh ta từ bỏ điều xấu mà làm điều tốt.” Nếu bạn nghĩ được như vậy thì có thể bắt đầu lên tiếng sửa sai cho người đó.
Nếu bạn nghĩ: “Mình tức giận, anh ta cũng vậy. Như vậy vì tức giận nên khả năng lý giải của anh ta sẽ bị giảm sút, càng khó bị thuyết phục, nhưng mình lại không đủ năng lực để giúp anh ta từ bỏ điều xấu làm điều tốt.” Trong tình huống này bạn nên dùng tâm xả để đối xử với anh ta.
Ngày 03 tháng 10
Trên đời chỉ có bốn thứ có thể phát ra ánh hào quang,
Không tìm được cái thứ năm làm được điều đó.
Đó là, ánh mặt trời ban ngày, ánh trăng ban đêm,
Ánh sáng của ngọn lửa soi rọi cho mọi nơi vào ban ngày và ban đêm
Nhưng trong tất cả những thứ có thể phát ra ánh sáng
Đức Phật là rạng ngời nhất.
Ngày 04 tháng 10
Chúng ta không nên đi theo những loại người nào? Bất cứ những ai thua kém mình về đức hạnh, định lực và trí tuệ thì không nên đi theo, phụng sự hay cung kính người đó, trừ khi việc này xuất phát từ sự quan tâm và lòng thương xót với người đó.
Chúng ta nên đi theo những người nào? Phàm là những người có đức hạnh, định lực và trí tuệ tương đương với mình thì nên đi theo, phụng sự và cung kính người đó, nên nghĩ rằng: “Đức hạnh, định lực và trí tuệ của chúng ta đều đạt đến mức độ nhất định, cuộc trò chuyện của chúng ta nhất định đều tập trung vào chúng nhiều hơn, như vậy sẽ đem đến lợi ích và an lạc cho chúng ta.”
Chúng ta nên đi theo, phụng sự, cung kính, sùng bái ai? Phàm là những người có đức hạnh, định lực và trí tuệ cao hơn chúng ta, thì chúng ta nên đi theo, phụng sự, cung kính, sùng bái họ và nên nghĩ rằng: “Mình sẽ lấy họ làm gương để bổ sung những điều mình còn khiếm khuyết trong đức hạnh, định lực và trí tuệ.”
Ngày 05 tháng 10
Một Tỳ kheo, nếu chỉ trong một cái búng tay có thể nhớ lại, phát triển và quan tâm tới lòng nhân từ, thì có thể được xem là một Tỳ kheo chân chính. Công sức thiền định của vị ấy không hề lãng phí. Vị Tỳ kheo đó có thể tu tập theo sự chỉ dạy của vị thầy hướng dẫn, lại có thể tiếp nhận những lời khuyên, là một Tỳ kheo đáng để mọi người cúng dường. Đối với một người luôn biết phát triển lòng nhân từ, thì ta còn gì để nói nữa chứ?
Ngày 06 tháng 10
Khi một Tỳ kheo đang đi bộ, vị ấy biết rõ: “Tôi đang đi bộ.” Khi đứng yên, vị ấy biết rõ: “Tôi đang đứng yên.” Khi ngồi xuống, vị ấy biết rõ: “Tôi đang ngồi xuống.” Khi nằm xuống, vị ấy biết rõ: “Tôi đang nằm.” Bằng cách đó, bất kể cơ thể chuyển động như thế nào, vị ấy đều có thể biết rõ điều đó.
Hơn nữa, khi vị Tỳ kheo đó tiến lên hoặc quay lại, đều có thể quan sát rõ ràng động tác của mình. Khi tiến lên nhìn, co tay hay thẳng tay, cầm áo khoác, áo cà sa hay là bình bát, thì vị ấy đều có thể nhìn rõ từng hành động của mình.
Khi ăn cơm, uống nước, nhai hay thưởng thức thức ăn, khi đại tiểu tiện, đi, đứng, ngồi, khi nằm ngủ hay tỉnh giấc, nói chuyện hay trầm tư, vị ấy đều có thể nhìn thấy rõ ràng từng hành động của mình.
Khi vị Tỳ kheo ấy cần mẫn, chăm chú, kiên quyết như vậy, thì mọi kế hoạch hay ký ức đều có thể cắt đứt, nội tâm hoàn toàn yên tĩnh, an nhiên, tập trung và nhập định. Chúng ta cũng nên rèn luyện sự chuyên chú của bản thân như vậy.
Ngày 07 tháng 10
Giả sử có một nhóm người đang lớn tiếng hò hét: “Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân! Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân!” thì cô gái kia cũng sẽ múa hát cho đám người đó xem để thể hiện sắc đẹp của mình. Như vậy số lượng người vây xem sẽ ngày một đông hơn.
Lúc ấy, lại có một người đàn ông rất quý trọng sinh mệnh, sợ hãi cái chết, thích được vui vẻ, ghét sự đau khổ đi đến, đám người đó liền nói với anh ta: “Nhìn kìa! Chàng thanh niên, chiếc bát này đựng đầy dầu, cậu phải cầm nó đi vào đám đông kia. Có một người cầm kiếm sẽ đi phía sau cậu. Nếu cậu làm đổ một giọt dầu ra ngoài thì anh ta sẽ chém đứt đầu cậu!” Các con có nghĩ rằng người thanh niên kia sẽ bỏ qua cái bát mà bị phân tâm bởi những điều xung quanh không?
“Chắc chắn là không, thưa Đức Thế Tôn.”
“Ta kể câu chuyện ngụ ngôn này với dụng ý để các con hiểu rõ ý nghĩa sâu xa bên trong của nó. Chiếc bát đựng đầy dầu tượng trưng cho ý niệm chuyên chú quán chiếu bản thân, chúng ta nên rèn luyện bản thân như vậy: chúng ta nên trau dồi chính niệm quan sát bản thân, vận dụng nó, biến nó thành một công cụ; xây dựng nó, khiến nó trở nên có ích hơn. Nó sẽ được phát triển và vận dụng thỏa đáng hơn.”
Ngày 08 tháng 10
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Một vị thầy trước khi dạy người khác thì bản thân mình phải xây dựng được năm điều. Năm điều đó là gì? Vị thầy ấy nên nghĩ: “Ta chỉ nên nói đúng thời điểm, không nên nói sai thời điểm. Ta chỉ nói đúng sự thật, không nói sai sự thật. Ta chỉ nói chuyện với giọng điệu hòa nhã, không dùng giọng điệu thô lỗ. Ta chỉ nói đúng mục tiêu, không nói những vấn đề không liên quan đến mục tiêu. Ta nói chuyện với lòng nhân ái, không mang ý nghĩ xấu xa.” Một người trước khi giảng dạy cho người khác cũng nên xây dựng năm điều này.
Ngày 09 tháng 10
Vào một đêm thanh vắng, con trai một vị thần ở trên trời, chàng Rohitassa, đến gặp Đức Thế Tôn, và chiếu sáng cả một vùng của tinh xá Kỳ Viên. Sau khi đỉnh lễ Thế Tôn, chàng Rohitassa là liền đứng sang một bên và hỏi: “Thưa Thế Tôn, đi xa có khiến mọi người hiểu rõ, nhìn thấy hoặc đến được nơi tận cùng thế giới - nơi không có sinh, lão, bệnh, tử và luân hồi hay không?”
“Ta cho rằng đi xa không thể khiến con người hiểu rõ, nhìn thấy hoặc đi tới được nơi tận cùng thế giới.”
“Lành thay! Tuyệt diệu thay! Điều Thế Tôn nói quả thật tuyệt vời. Kiếp trước con là Tôn giả Rohi Dasha, con trai của Bhoja, bằng sức mạnh siêu nhiên con có thể bay lượn trong không trung với tốc độ nhanh như tên bắn. Một bước có thể đi từ bờ tây đại dương sang bờ đông đại dương. Vậy nên con đã suy nghĩ: “Ta có thể đi tới tận cùng thế giới.” Ngoài lúc ngủ, ăn uống, nghỉ ngơi, những lúc buồn ngủ và mệt mỏi thì con đều chạy liên tục. Nhưng chạy liên tục một trăm năm, cuối cùng con vẫn không đến được nơi tận cùng thế giới.”
“Bản thân con nhận thấy, không thể đi đến nơi tận cùng thế giới để xóa bỏ phiền não. Với thân xác cao sáu thước này, ý thức và tư duy chính là thế giới, là khởi điểm của thế giới, cũng là điểm kết thúc của thế giới và tu tập giúp đến được điểm tận cùng của thế giới.”
Ngày 10 tháng 10
Nghe nói bộ tộc Śākya (Thích Ca) và bộ tộc Koliya (Câu Ly) cùng nhau xây đập nước trên sông Rohini ở thành Kapilavastu và Koliya để cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho những cánh đồng ở hai bên bờ sông. Vào tháng Jetthammùla (tức khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 mùa hạn), cũng là mùa hoa màu đang phát triển, nhân dân hai bên đều cần nước để tưới tiêu. Khi đó, vùng Jetthamula, hoa màu bắt đầu khô héo. Nông dân hai thành phố tụ tập lại với nhau. Người dân ở Koliya nói: “Nếu dẫn nước chia đều cho hai bên bờ sông thì chắc chắn chúng ta hai bên đều không đủ nước để dùng. Vì ngũ cốc của chúng tôi chỉ cần tưới nước một lần nữa là chín, vậy nên hãy dẫn nước sang phía chúng tôi.”
Nhưng người dân Śākya lại trả lời rằng: “Đợi khi ngũ cốc bên các anh chất đầy kho rồi, chúng tôi còn mặt mũi nào mang thúng mang túi đi gõ cửa từng nhà để xin các anh lương thực. Vì ngũ cốc bên chúng tôi chỉ cần tưới thêm một lần nữa là chín, vậy nên hãy dẫn nước sang phía chúng tôi.”
“Chúng tôi không dẫn nước sang cho các anh đâu.”
“Chúng tôi cũng không dẫn nước sang cho các anh đâu.”
Trận cãi vã ngày càng kịch liệt, một số người bắt đầu dùng vũ lực, đối phương cũng kịch liệt phản đòn, cuối cùng hai bên đã đánh nhau, thậm chí hai bên còn phỉ báng tổ tiên của nhau. Người của bộ tộc Koliya nói: “Đem con cái các người về chỗ của các người đi! Loại người sống với em gái như bầy chó và sói lang các người thì voi, ngựa, khiên và vũ khí của các người sao có thể làm tổn thương chúng ta được chứ?”
Người của bộ tộc Śākya cũng phản pháo lại rằng: “Cái đồ phong hủi các người, hãy đưa con cái các ngươi về nơi thuộc về các người đi! Những con người bần cùng bị xua đuổi, giống như lũ súc sinh sống trên cây Chà là thì voi, ngựa, khiên và vũ khí của các người làm sao có thể tổn thương chúng ta được chứ?”
Sau đó, hai bên báo sự việc này cho người phụ trách, người phụ trách báo lên hoàng gia. Người thuộc bộ tộc Śākya bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh, họ nói: “Chúng ta hãy thể hiện sức mạnh của những người sống cùng em gái nào.”
Người thuộc bộ tộc Koliya cũng bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh, họ nói: “Chúng ta hãy cùng thể hiện sức mạnh của những người sống trên cây Chà là nào.”
Lúc rạng đông, khi đang quán chiếu thế gian, Đức Thế Tôn nhìn thấy gia tộc của mình, Ngài nghĩ: “Nếu ta không đến đó, họ sẽ chém giết và tiêu diệt lẫn nhau, ta có bổn phận phải ngăn cản họ lại”. Vì vậy, Đức Thế Tôn đến nơi bộ tộc mình đang tập hợp, ngồi xếp bằng lơ lửng trên sông Rohini. Khi bộ tộc Śākya nhìn thấy Ngài, tất cả họ đều đặt vũ khí xuống và cung kính chào Ngài. Đức Thế Tôn hỏi: “Thưa Đại vương, cuộc cãi vã này có mục đích gì?”
“Chúng con không biết, thưa Tôn trưởng.”
“Vậy ai biết rõ nguyên do?”
“Người Tổng phụ trách biết ạ.”
Tuy nhiên, khi được hỏi thì người Tổng phụ trách lại đùn đẩy rằng Tổng đô đốc mới rõ tình hình. Thế Tôn gọi từng người đến gạn hỏi, không ai biết được nguồn cơn cuộc cãi vã. Cho đến khi hỏi tới những người công nhân, họ mới trả lời: “Là cãi nhau vì nước.’
Tiếp theo, Đức Thế Tôn hỏi quốc vương: “Thưa Đại vương, nước đáng giá bao nhiêu tiền?”
“Rất ít, thưa Tôn trưởng.”
“Chiến binh đáng giá bao nhiêu tiền?”
“Thưa Tôn trưởng, chiến binh thì không thể định giá được ạ.”
Đức Thế Tôn nói: “Chỉ vì một chút nước mà giết hại những chiến binh vô giá là không đúng.” Mọi người đều im lặng không lên tiếng. “Hai vị Đại vương, tại sao hai vị lại hành động như vậy? Nếu hôm nay ta không đến đây, chẳng phải hai vị sẽ tàn sát cho máu chảy thành sông rồi sao. Hành động như vậy thật không đáng! Mọi người sống trong thù hận, bị năm loại thù hận kiểm soát, còn ta sống với lòng nhân ái. Mọi người bị trói buộc bởi căn bệnh, ta không bị ràng buộc bởi bệnh tật. Mọi người suốt ngày chạy theo ngũ dục1, còn ta sống trong an lạc và mãn nguyện.”2
1. Ngũ dục: Là 5 sự ham muốn, là năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là Ngũ trần. Ngũ dục là: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục.
2. Câu chuyện này được rút ra từ bài kinh số 536 trong kinh Tiểu Bộ tên là “Truyện Chúa Chim Kunāla”. Nội dung câu chuyện kể về việc hai bộ tộc Thích Ca và Câu Ly vì nguồn nước mà dẫn đến chiến tranh, Đức Phật biết vậy liền đến hòa giải, đồng thời ngài nói cho dân chúng và chính quyền hai bên hiểu được mạng người là cao quý nhất, không nên dùng mạng người để đánh đổi những vật chất khác.
Ngày 11 tháng 10
Lấy tình thương chiến thắng hận thù,
Lấy từ bi chiến thắng lầm lỗi,
Lấy hào phóng chiến thắng keo kiệt,
Lấy chân thật chiến thắng dối trá.
Ngày 12 tháng 10
Họ mắng tôi, đánh tôi,
Đàn áp tôi, cướp bóc của tôi,
Người nào vẫn giữ suy nghĩ này,
Hận thù sẽ không bao giờ dừng lại.
Họ mắng tôi, đánh tôi,
Đàn áp tôi, cướp bóc của tôi,
Người nào không còn giữ suy nghĩ này,
Hận thù lập tức biến mất.
Hận thù không vì hận thù mà biến mất,
Chỉ có tình yêu mới chiến thắng được hận thù,
Đó là chân lý vĩnh hằng.
Ngày 13 tháng 10
Vải Benares1 lên màu đẹp, sờ vào thấy thoải mái dễ chịu, giá trị cao, cho dù là hàng loại trung hoặc vải cũ chất lượng cũng như vậy. Mọi người dùng vải Benares để gói đá quý hoặc để lót trong hộp đựng hương.
1 Benares: Thành phố cổ nằm phía bắc Ấn Độ.
Cũng giống như vậy, người mới bắt đầu học chân lý nếu có được đức hạnh và bản lĩnh tốt, thì ta gọi anh ta là người có màu sắc tươi đẹp. Những người đi theo, kết bạn, tôn trọng, thấu hiểu quan niệm của anh ta sẽ nhận được lợi ích và niềm vui lâu dài, ta gọi những người này là xúc cảm dễ chịu. Những người mang quà đến tặng anh ta, phát hiện ra mình cũng được lợi từ việc đó, ta gọi những người này là có giá trị cao.
Tương tự, những Trưởng lão tu tập một thời gian hay tu tập lâu dài đều như vậy. Giả sử khi Trưởng lão định nói điều gì đó với mọi người, chúng ta sẽ nghĩ: “Yên lặng! Trưởng lão bắt đầu giảng giải Phật pháp và giới luật rồi!” Những lời nói của các vị Trưởng lão đó sẽ được xem như là đá quý, được trưng bày ra, giống như lấy tấm vải Benares trong hộp đựng hương ra để trưng bày vậy.
Ngày 14 tháng 10
Một người đã chứng ngộ có thể dẫn đường cho người mù, chỉ cho họ con đường đúng đắn. Anh ấy có thể hướng dẫn người điếc bằng ngôn ngữ ký hiệu, giúp ích cho họ và cũng hướng dẫn người câm bằng cách tương tự. Đối với những người tàn tật, anh ấy tặng xe lăn hoặc các dụng cụ di chuyển khác. Anh ấy cố gắng khiến người không có lòng tin được lòng tin, khiến kẻ lười nhác phấn chấn hơn, khiến người nghi ngờ thấy rõ ràng hơn, giúp người tâm trí đang phiêu bồng bất định được tập trung, khiến cho kẻ ngu si đần độn trở nên thông minh. Anh ấy nỗ lực giúp những người đang mắc kẹt với ngũ chướng có thể loại bỏ ham muốn, ác niệm, lười biếng, lo lắng bất an và nghi hoặc. Anh ấy đấu tranh để giúp đỡ những người đang mắc kẹt bởi những ham muốn của các giác quan, những suy nghĩ xấu xa tàn bạo và thoát khỏi những suy nghĩ đó. Để đền đáp, anh ấy giúp đỡ với lợi ích tương đương hoặc nhiều gấp đôi, hiếu kính những người đã từng giúp đỡ mình. Lời nói của anh ấy nhẹ nhàng, nhã nhặn và được mọi người yêu thích.
Ngày 15 tháng 10
Một lần nọ, tại rừng Simsapa Grove thuộc vùng Alavi, Đức Thế Tôn trải lá trên đoạn đường mòn do gia súc tạo ra để làm chỗ ở. Lúc này, một người dân Alavi tên là Hotthaka tản bộ ngang qua. Trông thấy Đức Thế Tôn ngồi trên đám lá, Hotthaka liền tiến lên hỏi: “Trưởng giả, Ngài sống có vui vẻ không?”
“Con của ta, ta sống rất vui vẻ. Ta là người sống vui vẻ nhất trong tất cả mọi người trên thế gian này.”
“Thế nhưng thưa Trưởng giả, mùa đông ban đêm rất lạnh, lại có nửa tháng trời kết băng lạnh giá; đất đã bị gia súc giẫm cho đến cứng, lá cây lót dưới đất cũng rất ít, lá còn lại trên cây cũng chẳng là bao, y áo của Ngài thì mỏng manh như vậy, cơn gió lùa đến lạnh cắt da.”
“Cho dù như vậy, ta vẫn sống rất vui vẻ. Để ta hỏi ngươi một câu hỏi, ngươi cứ tùy ý trả lời: Giả sử một người có một căn nhà to lớn lộng lẫy, bên trong bên ngoài đều trát vữa, cửa nẻo kiên cố; trong phòng có một chiếc giường trải thảm lông cừu, ngoài ra còn có tấm ga làm bằng lông cừu, một tấm vỏ thêu hoa, một tấm da linh dương quý giá, còn có màn che, bốn bên đặt bốn chiếc gối kê màu đỏ. Trong phòng thắp nến sáng rực, còn có bốn người hầu nữ đang chăm chỉ làm việc. Người sống ở đây có vui vẻ không?”
“Thưa Trưởng giả, anh ta nhất định rất vui vẻ.”
“Vậy con cho rằng anh ta sẽ khiến cho bản thân không vui vẻ vì tham, sân, si sao?”
“Điều đó cũng có thể, thưa Trưởng giả.”
“Này con của ta, điều tạo ra tham, sân, si đã bị loại bỏ, giống như cây cọ bị chặt hết gốc, không thể tiếp tục sinh trưởng. Ta vì vậy mà sống rất vui vẻ.”
Ngày 16 tháng 10
Sương sớm không bám được vào lá sen,
Nước bẩn không làm hoen ố hoa sen.
Người trí không phụ thuộc vào bất cứ điều gì,
Không chấp trước những điều thấy nghe và cảm nhận.
Ngày 17 tháng 10
Đức Thế Tôn là đấng giác ngộ, Ngài dạy phương pháp giác ngộ.
Đức Thế Tôn là người thuần hóa, Ngài dạy phương pháp thuần hóa.
Đức Thế Tôn là đấng tĩnh lặng, Ngài dạy phương pháp tĩnh lặng.
Đức Thế Tôn đã tới được bờ bên kia, Ngài dạy phương pháp đến bờ bên kia.
Đức Thế Tôn đã chứng ngộ Niết bàn, Ngài dạy phương pháp chứng ngộ Niết bàn.
Ngày 18 tháng 10
Lúc đó, một Tỳ kheo hỏi người bạn đồng tu: “Bạn của tôi, làm thế nào để thanh lọc hoàn toàn những kiến giải?”
“Khi một người có thể thấu rõ được thật tướng sinh diệt của sáu căn, thì lúc đó kiến giải của họ đã hoàn toàn được thanh lọc.”
Vị Tỳ kheo đó không thực sự hài lòng với câu trả lời này liền đi hỏi một người bạn đồng tu khác. Người đó trả lời: “Bạn của tôi, một người khi có thể nhìn thấu thật tướng sinh diệt của Ngũ uẩn1 thì lúc đó kiến giải anh ta đã hoàn toàn thanh lọc.”
1. Ngũ uẩn: Là sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn (Sắc là sắc thân vật lý; thụ là cảm giác; tưởng là tri giác, hành là các trạng thái tâm lý; thức là ý thức, nhận thức).
Vị Tỳ kheo này vẫn chưa hài lòng với đáp án đó, bèn tiếp tục đi hỏi một người bạn đồng tu khác, câu trả lời là: “Bạn của tôi, một người nếu có thể thấu rõ được thật tướng sinh diệt của Tứ đại, thì lúc đó kiến giải của anh ta đã hoàn toàn được thanh lọc.”
Vị Tỳ kheo đó vẫn chưa hài lòng với câu trả lời này, lại đi hỏi một người bạn đồng tu khác. Vị Tỳ kheo kia trả lời: “Bạn của tôi, một người nếu có thể thấu rõ được thật tướng rằng mọi vật sinh ra cuối cùng đều phải chết, thì kiến giải của anh ta đã được hoàn toàn thanh lọc.”
Vị Tỳ kheo đó vẫn chưa hài lòng với câu trả lời này, cuối cùng đi đến gặp Đức Thế Tôn, kể với Ngài về câu hỏi và những câu trả lời ở trên, rồi hỏi: “Thưa Thế Tôn, làm thế nào để kiến giải của mình có thể hoàn toàn được thanh lọc.”
Đức Thế Tôn trả lời: “Giả sử có người chưa từng thấy cây Kimsuka, đến gặp một người đã từng thấy cây Kimsuka và hỏi: ‘Cây Kimsuka trông như thế nào?’ Người kia trả lời: ‘Cây Kimsuka có màu đen, những cành cây trông như vừa bị lửa đốt cháy’. Người hỏi không hài lòng với câu trả lời liền đi hỏi một người khác đã từng nhìn thấy cây Kimsuka, người đó trả lời: ‘Cây Kimsuka có màu đỏ, trông như một miếng thịt.’ Cho đến lúc đó, những hiểu biết của người đó về cây Kimsuka chỉ giống như những gì được miêu tả. Thế nên anh ta không hài lòng, bèn tiếp tục đi hỏi một người khác đã từng nhìn thấy cây Kimsuka. Người đó trả lời: ‘Thân cây Kimsuka không có vỏ, còn quả của nó sẽ nở bung ra như cây Acacia.’ Đến lúc đó, khái niệm về cây Kimsuka lại giống như người kia vừa miêu tả. Những người có thiện chí này có cách hiểu khác nhau về cây Kimsuka, nên họ có câu trả lời không giống nhau. Tương tự như vậy, những Tỳ kheo mà con tới hỏi, cũng vì mỗi người có quan điểm và khuynh hướng riêng của họ nên có kiến giải khác nhau về việc thanh lọc hoàn toàn và đưa ra những đáp án khác nhau.”
Ngày 19 tháng 10
Lúc đó, thành Vương Xá xuất hiện một con voi to lớn hung dữ, chuyên ăn thịt người, tên là Nalagiri. Một hôm, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) vào thành Vương Xá, đến chỗ ở của con voi và nói với người quản tượng: “Ta là người thân của Quốc vương, có thể làm cho người khác được thăng quan tiến chức. Nên khi nào Sa môn Cồ Đàm đi từ con đường lớn đến, thì hãy lập tức thả Nalagiri ra đường lớn.”
“Được thôi, thưa Tôn trưởng.” Người quản tượng trả lời.
Sáng sớm, Đức Thế Tôn mặc áo cà sa, mang tay nải cùng một số Tỳ kheo vào thành khất thực. Khi Ngài đi vào đường lớn, quản tượng liền thả Nalagiri ra. Con voi to lớn nhìn thấy Đức Thế Tôn từ xa đi tới liền huơ cao vòi, vểnh hai tai, dựng đuôi và tiến về phía Ngài. Các Tỳ kheo nhìn thấy liền nói với Đức Thế Tôn: “Thưa Thế Tôn, con voi này rất hung dữ, còn ăn thịt người nữa, Ngài hãy quay lại đi!”
“Các Tỳ kheo, đừng sợ! Như Lai không thể bị giết, Như
Lai không thể vì bị bạo lực mà đi vào Niết bàn.”
Các Tỳ kheo nhiều lần khuyên can Đức Thế Tôn tránh xa con voi. Nhiều người trèo lên mái nhà chờ đợi. Những người chỉ có chút ít niềm tin và những người không phải là tín đồ đều nói: “Dung mạo của Sa môn này quả là trang nghiêm, nhưng ông ta cũng sắp bị con voi kia làm hại rồi.”
Những người có niềm tin và những tín đồ thì nói: “Lành thay! Con voi kia sắp được nhìn thấy một sinh linh vĩ đại thực sự rồi.”
Lúc này, Đức Thế Tôn phát tâm từ bi về phía con voi, con voi lập tức hạ vòi xuống, tiến về phía Đức Thế Tôn và đứng bên cạnh Ngài. Đức Thế Tôn dùng tay phải xoa đầu con voi, đọc lên bài kệ:
Voi à! Đừng làm hại một sinh linh vĩ đại,
Làm vậy sẽ rất đau khổ.
Voi à! Nếu ngươi làm hại sinh linh vĩ đại,
Sau khi rời khỏi thế gian, sẽ không được sinh vào cõi thiện.
Đừng ngạo mạn, đừng lỗ mãng,
Nếu không sẽ không được vãng sinh vào cõi thiện,
Hãy làm những điều thiện giúp ích cho việc vãng sinh vào cõi thiện!
Tiếp đến, Nalagiri dùng vòi của hút bụi bám trên chân của Đức Thế Tôn rồi bỏ lên đầu mình, sau đó nó nhìn chằm chằm vào Đức Thế Tôn, vừa khom mình vừa lui về phía sau. Nó quay trở về chỗ ở của mình, đứng vào vị trí của nó, nó đã được thuần phục. Lúc đó, mọi người đều cùng xướng bài kệ:
Một số được thuần hóa bằng cành cây, gậy gộc, gai nhọn, roi đòn,
Con voi này bị thuần hóa bởi đấng tiên tri vĩ đại,
Không cần tới khúc cây hay một thứ vũ khí nào khác.
Mọi người đều khinh thường và chỉ trích Devadatta, nói rằng: “Devadatta là kẻ độc ác và xui xẻo, không ngờ ông ta lại mưu hại Sa môn Cồ Đàm trang nghiêm với sức mạnh siêu nhiên và vĩ đại.” Danh tiếng của Devadatta cũng vì vậy mà trở nên tồi tệ hơn, danh tiếng của Đức Thế Tôn thì ngày một vang xa.
Ngày 20 tháng 10
Niềm tin là tài sản quý giá nhất mà con người có được.
Ngày 21 tháng 10
Vật báu của học vấn là gì? Học vấn của một đệ tử thánh thiện rất uyên bác. Anh ấy có thể ghi nhớ rất nhiều kiến thức mà mình đã học được, đối với những thứ cho dù mở đầu, phần giữa hay phần kết đều rất tuyệt diệu, những lời giải thích về chi tiết và ý nghĩa của cuộc sống thánh thiện, anh ấy đều học tập, ghi nhớ, suy nghĩ, thông qua thảo luận để đạt được sự thuần thục, thông qua Chính kiến để hiểu được triệt để. Đó chính là vật báu của học vấn.
Ngày 22 tháng 10
Người bệnh nếu hội tụ đủ năm tố chất này sẽ rất có lợi cho quá trình điều trị bệnh. Đó là năm tố chất nào? Anh ta biết rõ loại thuốc nào có lợi cho mình, biết rõ cần dùng liều lượng bao nhiêu, đã uống loại thuốc nào, nói rõ bệnh tình của mình với người quan tâm và chăm sóc mình, rằng: “Bệnh khỏi như vậy, bệnh đến như vậy, bệnh diễn ra như vậy.” Anh ta có thể chịu đựng được mọi đau đớn của bệnh tật.
Ngày 23 tháng 10
Nếu một người gạt bỏ được mọi nguồn cơn gây nên cám dỗ và chán ghét, có thể hăng hái, tỉnh táo và chuyên tâm quán sát bản thân. Lúc này, một số cảm giác mới sẽ nảy sinh, cơ thể sẽ cảm thấy khó chịu hoặc mệt mỏi buồn ngủ, khiến tư duy của anh ta chuyển sang những sự vật bên ngoài. Nếu vậy, anh ta cần phải chuyển sự tập trung vào một sự vật hoặc tư tưởng vui vẻ. Như vậy niềm vui sẽ nảy sinh. Vì vui vẻ nên cảm giác hạnh phúc mãn nguyện cũng nảy sinh; mà tâm vui vẻ chính là chuyên chú, do đó anh ta sẽ nghĩ: “Những điều tôi đặt ra đều đã thực hiện được, hãy để tâm của tôi được thoát ra từ cảm giác hoặc tư tưởng vui vẻ đó!” Và anh ta đã lấy tâm mình ra theo cách đó, không còn tiếp tục hay bắt đầu bất kỳ suy nghĩ nào.
Ngày 24 tháng 10
Người chăm sóc bệnh nhân cần có năm phẩm chất này. Đó là gì? Đó là anh ta phải biết sắc thuốc; có thể phân biệt được điều gì phù hợp với bệnh nhân, điều gì không phù hợp đồng thời cung cấp cái thích hợp, loại bỏ cái không thích hợp; chăm sóc bệnh nhân xuất phát từ tình yêu thương chứ không phải vì lợi ích; dọn dẹp phân, nước tiểu, đồ nôn, đờm dãi cho bệnh nhân mà không cảm thấy chán ghét; thường dùng Phật pháp để hướng dẫn, gợi mở, vui vẻ và đáp ứng bệnh nhân.
Ngày 25 tháng 10
Ngài Ca Diếp thưa với Đức Thế Tôn: “Thưa Đức Cồ Đàm đáng kính, để làm một ẩn sĩ chân chính quả là rất khó, để làm một Bà la môn chân chính cũng rất khó.”
“Mọi người đều nói như vậy. Nhưng nếu một ẩn sĩ khỏa thân tu tập mọi loại khổ hạnh và những khổ hạnh này chính là tiêu chuẩn để đánh giá độ khó, vậy câu nói ‘để làm một ẩn sĩ chân chính quả là rất khó, để làm một Bà la môn chân chính cũng rất khó’ là sai. Vì bất kỳ ai, cư sĩ, con trai cư sĩ, thậm chí một tỳ nữ gánh nước cũng có thể khỏa thân hoặc tu tập khổ hạnh. Nhưng một loại đạo hạnh khác lại phù hợp với câu nói này ‘để làm một ẩn sĩ chân chính quả là rất khó, để làm một Bà la môn thực sự cũng rất khó.’ Khi một Tỳ kheo rèn luyện một trái tim không có hận thù, không có ý niệm xấu, đầy lòng nhân ái, an trú trong một trái tim tự do sau khi đã gột rửa được mọi vết bẩn nhờ sự tập trung quán sát thì người đó đã trở thành một ẩn sĩ thực thụ, một Bà la môn thực thụ.”
Ngày 26 tháng 10
Học đạo lý này từ dòng nước chảy,
Từ vết nứt trên các ngọn núi,
Nước suối chảy ra rất huyên náo,
Nhưng nước trên các dòng sông lại bình lặng.
Đồ vật trống rỗng mới tạo âm thanh.
Vật đầy đặn thường chỉ im lặng;
Kẻ ngu dốt giống như bình nước chỉ đầy một nửa,
Người khôn ngoan giống như một vực sâu tĩnh lặng.
Ngày 27 tháng 10
Khiêm tốn là chỉ thái độ khiêm cung không cao ngạo. Người khiêm tốn sẽ gạt bỏ được lòng tự trọng và sự kiêu ngạo sang một bên, họ giống như một tấm thảm lau chân, một con bò đã cưa cặp sừng, một con rắn đã bẻ răng nanh độc. Họ ấm áp, vui vẻ và dễ gần.
Ngày 28 tháng 10
Một người khi tu tập thiền định, trong lòng nảy sinh mong muốn như sau: “Cầu mong tâm của ta giải thoát khỏi sự ô uế, không còn vướng bận” thì chưa chắc anh ta đã được như ý muốn. Tại sao lại như vậy? Bởi vì anh ta vẫn chưa phát triển được Tứ niệm xứ, Tứ chính cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chính đạo. Điều này giống như một chú gà con được sinh ra khi trứng còn chưa được ấp đủ thời gian, cho dù gà mẹ có mong muốn rằng: “Cầu mong con mình có thể mổ vỏ để chui ra một cách an toàn” thì thực tế sẽ không diễn ra như vậy, tại sao? Vì những chú gà con đó vẫn chưa được ấp đủ thời gian.
Một người đang phát triển Tứ niệm xứ, Tứ chính cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và Bát chính đạo, cho dù trong lòng không cầu mong thì tâm của anh ta cũng được giải thoát. Tại sao lại như vậy? Vì khi anh ta đã phát triển được những phẩm chất này, điều đó giống như quả trứng gà đã được ấp đủ thời gian, cho dù gà mẹ không cầu mong rằng: “Mong cho gà con được nở ra an toàn” thì tất cả các quả trứng đều nở thành gà con. Tại sao lại như vậy? Bởi vì chúng đã được ấp đủ thời gian.
Ngày 29 tháng 10
Có năm loại cúng dường được xem là rất hợp thời. Đó là những loại nào? Chính là cúng dường cho người mới đến, cúng dường cho người chuẩn bị rời đi, cúng dường cho người bệnh, cúng dường khi thiếu thốn lương thực, khi thu hoạch quả đầu mùa, cúng dường cho người có đức.
Ngày 30 tháng 10
Đúng như vậy, người tốt luôn biết ơn và báo ơn.
Ngày 31 tháng 10
Nơi nào có đau khổ,
Tất có khát vọng hạnh phúc;
Tương tự như vậy, nơi nào có sự hình thành,
Tất có mong muốn không có sự hình thành.
Nơi nào nóng nực,
Tất có sự mát mẻ;
Tương tự như vậy, nơi nào có Tam hỏa1,
Tất có Niết bàn.
Nơi nào có tội ác,
Tất có điều tốt lành;
Tương tự như vậy, nơi nào có sinh
Có thể suy luận ra sự tồn tại của vô sinh.
1. Tam hỏa: Tham, sân, si được coi như là “tam độc”, ngoài ra còn có tên gọi khác như “tam cấu”, chính nó khiến con người trầm luân vào vòng sinh tử luân hồi, là nguồn cơn của cái ác và được coi là “tam bất thiện căn”.