Ngày 01 tháng 09
An trú vào tâm từ có thể diệt trừ được sân hận; an trú vào tâm bi sẽ không làm hại chúng sinh; niệm trụ tâm hỷ sẽ tiêu diệt được ác niệm; an trú vào tâm xả sẽ cắt đứt được phản ứng của giác quan; an trú vào quán Bất tịnh sẽ loại bỏ được sự cố chấp; an trú vào quán Vô thường sẽ cắt đứt được bản ngã tự cao tự đại.
Ngày 02 tháng 09
Khi tranh cãi, tất sẽ nói nhiều; khi nói nhiều tất sẽ kích động, cho nên sẽ mất kiểm soát. Khi mất kiểm soát, thì không thể tập trung chuyên chú.
Ngày 03 tháng 09
Người nghiện rượu sẽ phải đối mặt với sáu mối nguy hiểm: mất mát của cải, thường xuyên tranh cãi, tổn hại sức khỏe, bại hoại danh dự, bộc lộ cái xấu, ảnh hưởng trí lực.
Ngày 04 tháng 09
Từ bỏ ham muốn với các vấn đề ở thế gian, tâm niệm của một người sẽ không còn bị ham muốn trói buộc nữa, từ đó được thanh lọc. Từ bỏ ý niệm thù hận, con người sẽ tràn đầy lòng từ bi, sẽ làm những việc lợi cho chúng sinh, từ đó thanh lọc được sân hận và thù địch. Từ bỏ sự lười biếng, con người sẽ thấy ánh sáng mặt trời, tâm trí tập trung hơn, lý giải được thấu suốt hơn, từ đó thanh lọc được sự lười biếng và uể oải. Từ bỏ được cảm giác bất an và lo lắng, con người sẽ duy trì được nội tâm yên tĩnh, từ đó thanh lọc được tâm bất an và lo lắng. Từ bỏ sự nghi hoặc, con người sẽ vượt qua được giai đoạn nghi ngờ, không còn do dự về lòng tốt, từ đó thanh lọc được tâm hay nghi hoặc.
Giống như một người vay tiền để kinh doanh, sau đó công việc làm ăn phát đạt, anh ta không những trả hết nợ nần mà còn thừa tiền để nuôi sống vợ con, anh ta sẽ nghĩ: “Trước kia mình nợ nần, bây giờ đã trả xong.” Và anh ta cảm thấy vô cùng vui mừng vì điều đó.
Giống như có một người đau đớn vì bệnh tật, cơ thể suy nhược và không thiết ăn uống, một thời gian sau người đó bình phục và nghĩ rằng: “Trước đây mình bị bệnh, bây giờ đã hồi phục.” Và anh ta cảm thấy vô cùng vui mừng vì điều đó.
Lại giống như người bị giam giữ, một thời gian sau anh ta được trả tự do và nghĩ rằng: “Trước đây mình bị giam cầm, bây giờ đã được phóng thích.” Và anh ta cảm thấy rất đỗi vui mừng vì điều đó.
Lại giống một người bị bắt làm nô lệ, không còn tự do, bị người khác khống chế, không thể làm theo ý mình, một thời gian sau anh ta được giải thoát và nghĩ rằng: “Trước đây mình là một tên nô lệ, bây giờ đã được giải thoát rồi.” Và anh ta cảm thấy rất đỗi vui mừng vì điều đó.
Lại giống như một người khách du lịch mang theo tiền bạc cùng nhiều vật dụng khác, đến một vùng hoang vu hẻo lánh, đối diện với nguy cơ thiếu lương thực, một thời gian sau, anh ta an toàn đến được một thôn làng và nghĩ rằng: “Mấy ngày trước mình rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, bây giờ đã được an toàn.” Và anh ta cảm thấy vô cùng vui mừng vì điều đó.
Tương tự như vậy, trước khi buông bỏ được năm chướng ngại, con người cảm thấy mắc nợ, mắc bệnh, bị giam cầm, bị làm nô lệ, bị lạc vào nơi hoang vu hẻo lánh. Nhưng sau khi buông bỏ được năm chướng ngại, con người sẽ cảm thấy thật nhẹ nhõm khi không mắc nợ, cơ thể khỏe mạnh, tự do, được giải thoát và an toàn. Khi nhận ra năm chướng ngại đã được loại bỏ, cảm giác vui mừng tự nhiên trỗi dậy, từ cảm giác vui mừng dẫn đến hoan hỷ. Vì hoan hỷ nên thân thể trở nên bình yên. Vì thân thể bình yên nên con người sẽ cảm thấy vui vẻ, tâm trí cũng vì cảm giác vui vẻ đó mà tập trung chuyên chú hơn.
Ngày 05 tháng 09
Nếu kiếp này bạn hội tụ đủ hai điều sau thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên vui vẻ và an nhiên hơn, bạn sẽ có thể vững vàng tiến tới con đường diệt trừ phiền não. Đó là hai điều nào? Khi hăng hái hãy vui với sự hăng hái đó, hãy nỗ lực một cách ổn định và chắc chắn.
Ngày 06 tháng 09
Thế nào gọi là kết giao với người tốt? Chính là thường xuyên đi theo, kết giao, tiếp xúc với những người luôn giữ chính niệm, có đức hạnh, có học vấn, khẳng khái và có trí tuệ. Và thường xuyên thỉnh giáo họ, làm bạn với họ, đối đãi chân thành với họ, kính phục họ, gắn kết với họ.
Ngày 07 tháng 09
Sau khi được giải thoát khỏi những suy nghĩ không thuần khiết và ham muốn nhục dục, con người sẽ bước vào an trú trong giai đoạn thiền định đầu tiên. Trong giai đoạn này, tâm trí họ vẫn còn tính logic và chông chênh bất định, tràn ngập niềm vui và hạnh phúc đến từ việc đã giải thoát khỏi những ham muốn và cố chấp. Họ bị lấp đầy bởi niềm vui và hạnh phúc do thiền định mang lại, cảm giác đó căng tràn toàn thân, tới mọi nơi, mọi ngóc ngách trên cơ thể.
Giống như nhân viên phụ tắm khéo léo hoặc là người học việc của anh ta, cho bột tắm massage đã thấm nước vào trong chiếc bát kim loại rồi nhào thành viên hình tròn. Lượng nước trong đó không hề bị mất đi. Tương tự như vậy, người bước vào giai đoạn thiền định đầu tiên bị lấp đầy bởi cảm giác hỷ lạc và thích thú, cảm giác đó tràn ngập khắp cơ thể.
Ngày 08 tháng 09
Asurinda thuộc bộ tộc Bharadvaja Brahmin nghe nói tộc trưởng xuất gia tu tập theo Tăng đoàn của Đức Cồ Đàm thì cảm thấy vô cùng tức giận. Anh ta chạy đến trước Đức Thế Tôn, dùng những lời nói cay nghiệt để nhục mạ, chửi rủa Ngài. Anh ta chửi mắng xong, Đức Thế Tôn vẫn giữ vẻ trầm lặng. Thế nên Asurinda lại nói: “Ông đã bị đánh bại! Sa môn, ông đã bị đánh bại rồi!”
Đức Thế Tôn trả lời:
Kẻ ngu dốt dùng lời nói thô bạo để dọa nạt người khác,
Tự cho là mình đã thắng,
Tuy nhiên, biết cách tự kiềm chế và khoan dung,
Mới khiến chúng ta chiến thắng.
Trong đó, điều tồi tệ nhất chính là,
Người bị xúc phạm xong liền tìm cách trả thù.
Người không chống trả lại,
Đã chiến thắng trong trận chiến khó khăn.
Biết đối phương đang tức giận,
Vẫn giữ bình tĩnh, suy nghĩ rõ ràng,
Có những phản ứng có lợi cho mình,
Có những phản ứng có lợi cho người khác.
Anh ta là người chữa trị cho mình,
Đồng thời cũng chữa trị cho người khác,
Chỉ những ai không hiểu Phật pháp,
Mới nói anh ta là người ngu dốt.
Ngày 09 tháng 09
Có một lần, khi Tôn giả A Nan ở tại vườn Ghosita thuộc Kosambi, Bhaddaji đến thăm, A Nan hỏi ông ta: “Hỡi Bhaddaji, thế nào được gọi là tầm nhìn cao nhất, âm thanh cao nhất, niềm vui cao nhất, cảnh giới ý thức cao nhất, sự hình thành cao nhất?”
“Phạm Thiên là người có quyền lực nhất, không ai có quyền lực, cách nhìn toàn diện, sức mạnh và khả năng chi phối hơn ngài ấy cả. Có thể nhìn thấy Phạm Thiên tức là tầm nhìn cao nhất. Có một số vị thiên thần toàn thân phát ánh hào quang, tràn ngập niềm vui, họ đã reo lên: ‘Lành thay! Lành thay!’, có thể nghe thấy những âm thanh này là âm thanh tối cao. Một số thiên thần có thể đạt tới cảnh giới
‘không’, đó là cảnh giới ý thức cao nhất. Một số thiên thần có thể đạt tới phi ý thức, cảnh giới phi phi ý thức, đó là sự hình thành cao nhất.”
“Bhaddaji, những gì bạn nói không khác gì quần chúng bình thường, chuyên tâm lắng nghe, tôi sẽ giải thích cho bạn. Nếu một người đang quan sát, phiền não sẽ được dẹp bỏ, đó mới là tầm nhìn cao nhất. Nếu một người trong lúc đang vui vẻ, phiền não được loại bỏ, đó mới là niềm vui lớn nhất. Nếu một người trong lúc đang nâng cao ý thức, phiền muộn được cắt đứt, đó mới là cảnh giới ý thức cao nhất. Nếu một người trong lúc đang hình thành, phiền não được loại bỏ, đó mới là sự hình thành cao nhất.”
Ngày 10 tháng 09
Con người không nên trách cứ hay khinh miệt người khác,
Tại bất cứ nơi đâu và vì bất kỳ lý do gì.
Cũng không nên vì tức giận hay cạnh tranh,
Mà cầu mong cho người khác phải đau khổ.
Cũng giống như người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất,
Mà không màng mạo hiểm cả mạng sống của mình.
Tương tự như vậy, con người nên nuôi dưỡng tình thương,
Ban phát tình thương đến với tất cả chúng sinh.
Ngày 11 tháng 09
“Hiện tại, trong số các con, có thể sẽ có người nghĩ rằng: ‘Thầy đã ngừng giảng dạy rồi. Chúng ta đã đánh mất thầy rồi.’ Nhưng đừng nghĩ sự việc theo hướng như vậy. Sau khi ta nhập diệt, Phật pháp và giới luật ta từng diễn thuyết sẽ là thầy của các con.”
Ngày 12 tháng 09
Tâm bi thúc đẩy trái tim của người tốt biết hành động trước đau khổ của người khác. Vì nó có thể diệt trừ đau khổ của người khác nên mới gọi nó là tâm bi; vì nó có thể chấp nhận và bảo vệ những người đang chịu đau khổ, nên mới được gọi là tâm bi.
Ngày 13 tháng 09
Kể từ khi Đức Phật nói: “Bốn tháng sau ta sẽ nhập diệt”, hàng nghìn người đã đến hầu hạ Ngài. Người chưa đắc quả vị Dự Lưu không kìm nén được mà rơi lệ, người chưa được khai ngộ tâm tình trở nên chán nản, từng tốp người không ngừng đi đi lại lại, nói: “Chúng ta phải làm sao đây?” Duy chỉ có một Tỳ kheo tên Dhammarama tách biệt với các Tỳ kheo khác. Khi được hỏi: “Ông có gì không ổn sao?” thì ông ấy cũng không trả lời. Trong lòng nghĩ: “Đức Thế Tôn nói sau bốn tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết bàn, mà ta thì vẫn chưa cắt đứt được dục vọng, vì thế, ta phải nhân lúc Thế Tôn còn tại thế, cố gắng tinh tiến để chứng ngộ chân lý.” Vì vậy Dhammarama tự cô lập, tự mình trầm tư suy nghĩ, nhớ lại những lời giáo pháp mà Thế Tôn đã giảng dạy. Khi các Tỳ kheo đến trước Đức Thế Tôn: “Bạch Đức Thế Tôn, Dhammarama không hài lòng về Ngài một chút nào. Từ khi Ngài nói sau bốn tháng nữa sẽ nhập Niết bàn thì ông ấy không còn nói chuyện với chúng con nữa.” Thế Tôn liền gọi Dhammarama tới hỏi: “Chúng Tỳ kheo nói với ta rằng, con không còn qua lại với họ nữa, có đúng như vậy không?”
“Đúng vậy, thưa Thế Tôn?”
“Tại sao con lại như vậy?”
“Con nghĩ rằng: Đức Thế Tôn nói sau bốn tháng nữa sẽ nhập Niết bàn, mà con thì chưa loại bỏ được dục vọng. Vì vậy, con muốn nhân lúc Ngài còn tại thế, cố gắng tinh tiến để chứng ngộ chân lý. Vì vậy con mới tự mình cô lập, tự suy ngẫm và nhớ lại những lời dạy của Đức Thế Tôn.”
“Tốt quá! Tỳ kheo, tốt quá!” Đức Thế Tôn nói.
Sau đó, Thế Tôn giảng giải cho các Tỳ kheo: “Mỗi Tỳ kheo đều nên học theo cách của Dhammarama để thể hiện sự quan tâm đối với ta. Đem những thứ như vòng hoa, nước thơm đến để kính lễ với ta, không được gọi là kính trọng ta, nhưng những người tu tập toàn bộ Phật pháp, đó mới chính là hành động chí thành chí kính đối với ta.”
Ngày 14 tháng 09
Nếu có thể trau dồi tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, thì có thể gặt hái được quả báo và lợi ích rất lớn.
Ngày 15 tháng 09
Phát triển thiền định như nước để những ý niệm tốt hoặc những ý niệm xấu đã nảy sinh không tiếp tục tồn tại. Cũng giống như việc người ta rửa phân, nước tiểu, đờm, mủ và máu bằng nước, nước cũng không vì vậy mà cảm thấy khó chịu, lo lắng hoặc ghê tởm. Cho nên, hãy phát triển thiền định như nước vậy.
Ngày 16 tháng 09
Có bốn loại sức mạnh. Đó là gì? Chính là sức mạnh của chính niệm, sức mạnh của thiền định, sức mạnh của sự trong sáng chân thật, sức mạnh của việc thể hiện tình yêu thương.
Ngày 17 tháng 09
Đừng dè dặt khi làm việc thiện, nó chính là tên gọi khác của niềm vui. Tôi chắc chắn làm việc thiện sẽ đưa đến kết quả ngọt bùi, đó là niềm vui và hạnh phúc lâu dài.
Ngày 18 tháng 09
Người có đức hạnh thì có năm cái lợi. Đó là gì? Người có đức hạnh thường vì thành khẩn nên đạt được nhiều của cải. Người có đức hạnh sẽ được danh tiếng tốt. Người có đức hạnh dù làm bạn với ai, dù là thánh nhân hay Bà la môn, cư sĩ, Sa môn thì họ đều tự tin không hoảng sợ. Người có đức hạnh, nhờ vào đó nên khi chết cũng không hề thấy mê muội. Cuối cùng, người có đức hạnh kiếp sau sẽ được vãng sinh vào cõi trời.
Ngày 19 tháng 09
Một người nên tự suy luận thế này: người mà trong lòng chất chứa đầy rẫy những suy nghĩ xấu xa và bị những suy nghĩ xấu xa đó khống chế, thì người đó không thể giao tiếp vui vẻ với người khác được, bản thân mình cũng không hợp với người đó. Tương tự như vậy, nếu trong lòng mình cũng chất chứa đầy rẫy những suy nghĩ xấu xa và bị những suy nghĩ xấu xa đó điều khiển, thì người khác không thể giao tiếp vui vẻ với mình, không thể hòa hợp với mình. Khi chúng ta thấu rõ được những điều này thì phải hạ quyết tâm không khởi lên những suy nghĩ xấu xa.
Ngày 20 tháng 09
“Nếu Đức Cồ Đàm chí thiện dựa vào sự hiểu biết toàn diện về Phật pháp của mình hướng cho các đệ tử đi giáo hóa chúng sinh, khắc phục đau thương và thất vọng, chấm dứt lo âu và chán nản, vạch ra con đường đắc đạo, con đường chứng ngộ Niết bàn. Vậy thì cuối cùng toàn bộ chúng sinh hay chỉ một nửa, một phần ba chúng sinh trên thế giới này có thể chứng ngộ đây?”
Đức Thế Tôn nghe rồi không lên tiếng. Lúc đó A Nan nghĩ: không thể để người này nghĩ rằng Đức Thế Tôn không thể trả lời câu hỏi quan trọng này, A Nan liền nói: “Tôi sẽ lấy ví dụ cho anh rõ, giả sử có một thành phố, bên trong có nhiều tòa nhà cao tầng và một cổng thành. Giữ cổng thành là một người tinh anh, cảnh giác, chỉ cho những người quen biết vào thành, người lạ liền bị chặn lại ngoài cổng. Khi anh ta đi tuần kiểm tra tường thành, luôn đảm bảo rằng không có lỗ nào trên tường dù chỉ là lỗ đi lọt một nửa con mèo: tất thảy dân chúng dù lớn hay nhỏ muốn ra vào thành đều phải thông qua cổng lớn. Tương tự như vậy, giống như câu hỏi vừa rồi của anh, đối với Đức Thế Tôn mà nói, nó không quan trọng. Điều Ngài muốn nói là: những chúng sinh đã thoát khỏi thế gian, những chúng sinh đang thoát khỏi thế gian, những chúng sinh sắp thoát khỏi thế gian, họ đều phải thông qua việc loại trừ năm chướng ngại, xóa bỏ những vết nhơ làm suy giảm trí tuệ, thiết lập Tứ niệm xứ, trau dồi Thất
giác chi1 mới có thể đạt được giải thoát.”
1. Chính là Thất Bồ Đề Phần, bao gồm: Trạch pháp, tinh tiến, hỷ, khinh an, niệm, định và xả.
Ngày 21 tháng 09
Ai có thể khiến cho tâm từ phát triển vô hạn,
Quyết tâm nhận ra điểm kết thúc của thức tỉnh,
Thì xiềng xích của người đó đã được gọt mỏng.
Ngay cả khi người đó chỉ yêu một sinh linh duy nhất,
Những việc tốt cũng theo đó mà đến.
Bậc Thánh nhân yêu quý, thương xót cả thế giới,
Tạo nên vô vàn những việc tốt.
Ngày 22 tháng 09
Trong chuyến du hành của mình, Đức Thế Tôn đến Parileyya, Ngài trú dưới gốc cây Sala xinh đẹp trong khu rừng Guarded Woodland Thiclcet. Khi đang ngồi tĩnh tọa, Đức Thế Tôn liền khởi ý niệm: “Khi ta sống cùng các Tỳ kheo ở Kosambi, họ suốt ngày tranh cãi và đánh nhau, phá vỡ kỷ luật của Tăng đoàn, khiến ta không có lấy một nơi yên tĩnh để ở. Nay ta một mình rời khỏi những Tỳ kheo suốt ngày thích tranh cãi đó, cuối cùng cũng có thể ở tại một nơi yên tĩnh.”
Lúc này, một con voi đực sau khi bị những con voi lớn, voi nhỏ, voi cái khác bắt nạt liền nghĩ: “Ta bị các con voi khác bắt nạt, chỉ ăn cỏ thừa của chúng bỏ lại, còn chúng ăn vỏ cây do ta bóc được; ta phải uống nước mà chúng đã làm cho vẩn đục. Khi ta qua sông, chúng lại tới để xô đẩy ta. Nếu ta rời đi và sống một mình thì tốt biết mấy!” Thế là con voi đực đó quyết định rời đàn, đến khu rừng Guarded Woodland Thiclcet ở Parileyya, đến nơi gốc cây Sala xinh đẹp mà Đức Thế Tôn đang ngồi. Con voi dùng chiếc vòi dài của mình để lấy nước sạch dâng cho Đức Thế Tôn uống và tắm rửa, đồng thời nó cũng dọn dẹp cỏ dại xung quanh chỗ Ngài ngồi. Lúc này, nó nghĩ: “Trước đây khi ta còn sống với đàn voi, ta cảm thấy chẳng thoải mái chút nào, giờ đây khi đã rời đàn, cuộc sống của ta trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.”
Sau khi hiểu được nguyên nhân rời đàn và tâm trạng của con voi kia, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ:
Một bậc trí đã giác ngộ,
Và con voi có chiếc ngà dài như lưỡi cày,
Hai sự sống tuyệt vời này đều giống nhau,
Họ yêu thích cuộc sống yên tĩnh của rừng sâu.
Ngày 23 tháng 09
Tôi không nói rằng việc tiếp thu được tri thức sâu sắc là trực tiếp. Ngược lại, nó phải đi kèm với sự rèn luyện, thực hành thực tiễn, tu tập mới có được.
Ngày 24 tháng 09
Trên dãy Himalaya - vua của các ngọn núi, có những vùng đất rộng lớn, do không có đường đi nên không có người và khỉ sinh sống ở đó. Trong vùng núi đó cũng có một khu đất rộng rãi khác, vì phong cảnh đẹp nên có nhiều người và khỉ sinh sống. Các thợ săn thường đặt bẫy ở đây để săn khỉ. Những chú khỉ thông minh và không tham ăn đã tránh được những chiếc bẫy đó. Nhưng có một chú khỉ ngu ngốc và tham ăn tới bên chiếc bẫy, nó thò tay chạm vào đó, kết quả tay nó bị kẹp vào bẫy. Nó liền dùng tay còn lại tìm cách gỡ ra, cuối cùng cả hai tay đều bị mắc kẹt. Để gỡ hai tay ra, nó liền giơ một chân lên, cái chân liền bị mắc kẹt. Để giải cứu tay và chân, con khỉ dùng mũi và mũi nó cũng bị dính bẫy. Cứ như vậy, khắp người nó đều dính bẫy. Con khỉ chỉ còn biết khóc rống lên, do xui xẻo nên nó đã trở thành con mồi của người thợ săn, phó mặc số mệnh vào tay người thợ săn.
Đây chính là kết quả của những ai đi lại trong lãnh địa của người khác. Do vậy, không nên đi lang thang ở nơi lạ. Nếu làm như vậy, Māra1 sẽ có cơ hội để xâm nhập. Vậy những vùng nào không phải là lãnh địa của mình? Đó chính là năm cảnh2. Là những cảnh nào? Là hình ảnh mà mắt thường có thể phân biệt được, âm thanh mà tai có thể nghe thấy, mùi mà mũi có thể ngửi được, vị mà đầu lưỡi có thể nếm được, xúc giác mà cơ thể có thể cảm nhận được. Những điều này đều khiến con người ham muốn, thoải mái, thích thú, say đắm, có khả năng khơi dậy ham muốn. Vậy đâu là lãnh địa của chúng ta? Đó chính là Tứ niệm xứ.
1. Māra: Lũ ác quỷ làm hại mạng người, có khả năng cướp đoạt tính mạng con người.
2. Ngũ cảnh: Năm đối cảnh, đây là năm yếu tố để cho ngũ căn tiếp xúc.
Ngày 25 tháng 09
Khi tâm niệm mang tính logic và trôi dạt bất định của một người đã dừng lại, đạt được sự bình yên trong nội tâm và sự chuyên tâm của tâm trí, thì người đó có thể bước vào giai đoạn Nhị thiền. Ở giai đoạn này, tâm niệm của người đó không còn tính logic hay là trôi dạt bất định nữa, chỉ còn lại cảm giác vui vẻ do nhập định mang lại. Toàn thân người đó ngập tràn cảm giác vui vẻ, nó được thẩm thấu khắp người, không có nơi nào là không có cảm giác vui vẻ đó.
Giống như một hồ nước được tạo thành từ nước suối, xung quanh không có nguồn nước nào khác, khi thần mưa thỉnh thoảng ban một chút nước xuống, nước mưa lập tức ngấm vào đất, tiếp đó mới phun ra từ mạch nước ngầm, do đó hồ nước đổ đầy bởi nguồn nước mát lạnh. Tương tự như vậy, bước vào giai đoạn Nhị thiền, ta sẽ cảm thấy toàn thân ngập tràn niềm vui, được lấp đầy và thẩm thấu, không nơi nào trên cơ thể không được bao trùm bởi niềm vui.
Ngày 26 tháng 09
Sức khỏe là lợi ích lớn nhất,
Biết đủ là của cải lớn nhất,
Tín nhiệm là người bạn tốt nhất,
Niết bàn là niềm vui lớn nhất.
Ngày 27 tháng 09
Khi Đức Thế Tôn đi đến trước cửa nhà của một vị Bà la môn tên là Rammaka, thì thấy một nhóm đông các Tỳ kheo đang cùng nhau thảo luận về Phật pháp. Ngài liền ở bên ngoài, đợi đến khi cuộc thảo luận kết thúc mới ho nhẹ một tiếng và gõ cửa. Các Tỳ kheo mở cửa mời Đức Thế Tôn vào ngồi ở vị trí định sẵn. Đức Thế Tôn hỏi: “Vừa rồi mọi người thảo luận điều gì vậy?”
“Chúng con đang luận bàn về Ngài! Thưa Thế Tôn.”
“Mọi người đều là những thanh niên xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh tốt, có thể xuất gia tu tập, cùng nhau thảo luận Phật pháp hoặc học tập cách yên lặng của thánh nhân, điều đó rất tốt.”
Ngày 28 tháng 09
Có bốn cách để trả lời câu hỏi. Đó là bốn cách nào? Có những câu hỏi cần phải trả lời theo kiểu khẳng định, có những câu hỏi phải dùng câu hỏi lại để trả lời, lại có những câu hỏi cần phải trả lời theo kiểu phân tích, có những câu hỏi phải để lại mà không trả lời.
Ngày 29 tháng 09
Trong tình huống nào thì câu nói: “Sa môn Cồ Đàm là người theo chủ nghĩa hủy diệt, giảng giải về học thuyết hủy diệt” là đúng? Điều ta giảng dạy là hủy diệt tham, sân, si. Ta thuyết giảng về một cảnh giới hủy diệt mọi hành vi xấu xa độc ác. Nếu nói từ những khía cạnh này, thì câu nói “Sa môn Cồ Đàm là người theo chủ nghĩa hủy diệt, giảng giải về học thuyết hủy diệt” mới được coi là đúng.
Ngày 30 tháng 09
Bà la môn tên Unnabha đến hỏi Tôn giả A Nan: “Mục đích của việc tu tập theo Sa môn Cồ Đàm là gì?”
“Để xóa bỏ dục vọng.”
“Có cách nào hay biện pháp tu tập nào để xóa bỏ dục vọng không?”
“Đúng là có một cách, đó là thông qua khát khao, nghị lực, tư duy, suy nghĩ, định lực và tinh tiến.”
“Nếu đúng như vậy, thưa tôn giả A Nan, chẳng phải nó sẽ trở thành một việc không có hồi kết sao? Vì dùng một ham muốn này để cắt đứt một ham muốn khác là điều không thể.”
“Vậy để ta hỏi ông một câu hỏi, tùy ông trả lời. Trước khi ông đến đây, ông từng có ham muốn, nghị lực, tư duy, suy nghĩ về việc đến đây? Có phải sau khi đến rồi, những ham muốn, nghị lực, tư duy, suy nghĩ đó đã biến mất không?”
“Đúng như vậy.”
“Tương tự như vậy, một người xóa bỏ phiền não, trong thời khắc anh ta đạt được giác ngộ, thì mong muốn, nghị lực, tư duy và suy nghĩ xóa bỏ phiền não cũng lập tức tan biến.”