Ngày 01 tháng 08
Ta là một Bà la môn chân chính, sẵn sàng giúp đỡ người khác trở nên trong sáng liêm khiết, ta đang trải qua kiếp sống cuối cùng, là một bác sĩ nội ngoại khoa xuất sắc. Các con là những đứa con đích thực của ta, sinh ra từ miệng của ta, sinh ra từ Phật pháp, được tạo nên từ Phật pháp. Là người thừa kế về tinh thần của ta chứ không phải là vật chất.
Ngày 02 tháng 08
Có sáu hành động thể hiện sự cân nhắc chu toàn. Là những hành động nào? Cho dù là nơi công cộng hay nơi riêng tư, đều nên dùng những hành động yêu thương để đối xử với những người bạn đồng tu có đời sống thánh thiện. Cho dù là nơi công cộng hay nơi riêng tư, đều nên dùng những lời nói yêu thương để đối xử với những người bạn đồng tu có đời sống thánh thiện. Cho dù là nơi công cộng hay nơi riêng tư, đều nên dùng những ý nghĩ yêu thương để đối xử với những người bạn đồng tu có đời sống thánh thiện. Những gì gặt hái được bằng hình thức chính đáng, cho dù đó chỉ là những đồ bỏ đi cũng nên chia sẻ một cách vô tư với các bạn đồng tu có cuộc sống thánh thiện. Hơn nữa, cần có đủ các đức tính hoàn chỉnh, không khuyết điểm, không tì vết, không vết bẩn, có thể đem lại tự do, có thể giúp ích cho thiền định v.v để ta có thể sống hòa thuận với các bạn đồng tu. Cuối cùng, nên trau dồi Chính kiến để có thể cứu rỗi, dẫn dắt người khác đưa ra hành động loại bỏ phiền não, dùng Chính kiến này để sống cùng với các bạn đồng tu. Đó chính là sáu hành vi thể hiện sự cân nhắc chu toàn.
Ngày 03 tháng 08
Đức Phật giống như một người kiên định có thể bảo hộ chúng ta tránh khỏi sự sợ hãi, Pháp giống như một phòng tuyến phòng thủ chống lại sự sợ hãi, Tăng đoàn giống như người tìm ra phương pháp phòng vệ.
Đức Phật giống như người biết an ủi, Pháp giống những vật để an ủi, Tăng đoàn giống như người được an ủi.
Đức Phật giống như người bạn chân chính, Pháp giống như lời khuyên hữu ích, Tăng đoàn giống như người nhờ làm theo lời khuyên nên thực hiện được các ước nguyện.
Ngày 04 tháng 08
Một người không thể kiểm soát, quản lý, loại trừ dục vọng của mình, thì không thể kiểm soát, quản lý, loại trừ dục vọng giúp cho người khác. Nhưng một người có thể tự kiểm soát, quản lý, loại trừ dục vọng của mình, thì có thể giúp đỡ người khác cũng làm được như vậy.
Ngày 05 tháng 08
Lâu xa về trước, nước Xá Vệ có vị vua bảo với cận vệ rằng: “Này người hầu cận tốt của ta, hãy tập hợp tất cả những người dân bị mù bẩm sinh về đây cho ta.”
“Vâng, thưa Bệ hạ.” Người hầu đó trả lời và làm theo thánh chỉ.
Sau khi cận vệ hoàn thành nhiệm vụ, nhà vua lại hỏi: “Này người hầu cận tốt của ta, hãy cho đám dân mù đó xem một con voi.”
“Vâng, thưa Bệ hạ.” Người đó lại làm theo thánh chỉ. Anh ta dẫn những người mù đó tới bên những vị trí khác nhau của con voi từ đầu, tai, ngà, mũi, chân, mông, đuôi, đoạn cuối của đuôi v.v., Sau đó nói với họ rằng: “Đây là con voi.”
Sau khi xong việc, người đó về bẩm lại với nhà vua: “Thưa Bệ hạ, voi đã được mang đến trước mặt những người mù, mời người hạ chỉ dạy!”
Nhà vua liền tiến lên trước mặt từng người mù và hỏi: “Này những kẻ mù lòa kia! Ngươi đã nhìn thấy voi chưa?”
Những người mù trả lời: “Đã nhìn thấy rồi, thưa bệ hạ.”
Nhà vua lại hỏi: “Vậy hãy nói cho ta biết con voi trông như thế nào.”
Người đứng ở chỗ đầu con voi nói: “Con voi giống như một chiếc nồi.”
Người đứng ở chỗ tai con voi trả lời: “Voi giống như cái mẹt dùng để sảy cám.”
Người đứng ở vị trí ngà voi thì nói voi giống như chiếc lưỡi cày, người đứng ở chỗ vòi voi thì nói rằng voi giống như trụ chiếc cày, người đứng ở chân voi nói voi giống như cột nhà, người đứng ở chỗ lưng voi thì nói voi giống như cái cối, người đứng ở chỗ đuôi voi thì nói rằng voi giống như cái chày, người đứng ở lông đuôi voi thì nói rằng voi giống chiếc chổi. Tiếp đến, họ bắt đầu cãi nhau, vừa cãi vừa hò hét: “Con voi không phải như vậy”, “Nó như thế này cơ!”. Cuối cùng, họ thậm chí đã đánh nhau. Nhà vua thấy vậy cũng thấy thú vị.
“Tương tự như vậy, những người ngoại đạo chẳng khác gì người mù, nhìn không rõ, không phân biệt được thiện ác, không phân biệt được đâu là Phật pháp, đâu không phải là Phật pháp. Sự ngu dốt của họ khiến họ ưa thích tranh cãi, ưa thích tranh biện, ham ưa tranh chấp, ai cũng khăng khăng cho mình là đúng.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn, người hiểu rõ hiện tượng này đã lên tiếng giải thích:
Tự xưng là Sa môn và Bà la môn,
Nhưng không ngừng tranh luận và cố chấp;
Bảo vệ ý kiến của mình mà tranh cãi,
Chỉ nhìn thấy một mặt của sự việc.
Ngày 06 tháng 08
Người thợ mộc và đồ đệ của anh ta có thể nhìn thấy công cụ bị bào mòn vì hàng ngày nó tiếp xúc với tay của họ, nhưng họ không thể biết được những công cụ đó hôm nay đã mòn đi bao nhiêu, hôm qua mòn đi bao nhiêu, sau này sẽ còn mòn thêm bao nhiêu nữa. Cũng giống như vậy, người chuyên tâm tu tập thiền định không thể biết hôm nay họ đã loại bỏ được bao nhiêu phiền não, hôm qua họ loại bỏ được bao nhiêu phiền não, sau này sẽ loại bỏ thêm bao nhiêu phiền não nữa. Họ chỉ biết được rằng phiền não sẽ không ngừng được loại bỏ theo từng ngày.
Ngày 07 tháng 08
Tu tập tình yêu thương, tăng trưởng tình yêu thương, mở rộng tình yêu thương, khiến tình yêu thương đó trở thành phương tiện và nền tảng cho mọi thứ, kiên trì bảo vệ từ tâm, khiến cho tình yêu thương trở thành thói quen và làm cho nó vững chắc thêm. Tu tập như vậy giúp cho tâm niệm được giải thoát, ta sẽ đạt được mười một điều tốt. Đó là những điều gì? Đó là cho dù lúc thức hay lúc ngủ ta đều được an lạc, không gặp ác mộng, được người và thần thánh yêu quý, được thiên thần bảo vệ, không bị tai họa bởi lửa, thuốc độc hay đao kiếm, tâm trí dễ dàng tập trung, da dẻ hồng hào. Lúc lâm chung đầu óc vẫn được tỉnh táo, cho dù không được tu tập thêm thì ít nhất kiếp sau anh ta vẫn được sinh lên cõi sắc giới.
Ngày 08 tháng 08
Người đã được giải thoát về tâm niệm, sẽ không tranh luận với người khác, cũng không xảy ra tranh chấp với họ. Người ấy vẫn sử dụng những ngôn từ mà thế gian thường dùng, nhưng không quá chấp trước vào chúng.
Ngày 09 tháng 08
“Thưa Cồ Đàm chí thiện, con có lập trường và quan điểm rằng, nếu ai đó nói ra những điều họ nhìn thấy, nghe thấy, cảm giác thấy, thì họ có thể yên tâm nói rằng: ‘Đây là những điều tôi nhìn thấy, đây là những điều tôi nghe thấy, đây là những điều tôi cảm giác thấy. Anh ta làm như vậy sẽ không gây ra tổn hại gì chứ ạ?.’”
“Này Bà la môn, bản thân ta không nói rằng một người nào đó nên nói ra những điều mà họ nhìn thấy, nghe thấy, hay cảm thấy. Ta cũng không nói không được nói ra những điều này. Nếu một ai đó nói ra điều mình nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và những điều mình hiểu mà sẽ dẫn đến tình huống không tốt thì anh ta không nên nói. Nếu nói ra nói ra những điều mình nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và những điều mình hiểu sẽ dẫn đến tình huống tốt xảy ra thì anh ta nên nói.”
Ngày 10 tháng 08
Một lần nọ, vị Tỳ kheo tên là Visakha ở Pancaks đang giảng pháp trong hội trường. Khi màn đêm buông xuống, Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa liền đứng dậy bước vào hội trường, ngồi vào vị trí dành sẵn cho Ngài và hỏi rằng: “Là ai đang giảng pháp mà hay như vậy?”
“Thưa Đức Thế Tôn, là Tỳ kheo Visakha ạ.”
Sau đó, Đức Thế Tôn nói với Tỳ kheo Visakha: “Giảng hay lắm! Visakha, nói hay lắm! Con đã dùng những lời nói nho nhã, rõ ràng, không thô tục, dễ hiểu và không thiên vị để giảng giải Phật pháp cho chúng Tăng, giúp họ tiến bộ, giác ngộ và tích cực.”
Tiếp đến, Thế Tôn đọc bài kệ:
Nếu anh ta không lên tiếng thì mọi người không biết đến anh ta,
Vậy anh ta là bậc trí giả lẫn trong đám đông.
Nếu anh ta cất lời và giảng giải về sự siêu thoát,
Mọi người sẽ biết đến anh ta.
Vậy nên, hãy để anh ta thắp lên ánh sáng của Phật pháp,
Để anh ta dương cao ngọn cờ của bậc trí giả,
Bậc trí giả với bài phát biểu khai sáng,
Phật pháp chính là ngọn cờ hiệu cho các bậc trí giả.
Ngày 11 tháng 08
Ta đã truyền thụ toàn bộ Phật pháp, một người chỉ cần hiểu rõ bốn câu kệ trong Phật pháp, đồng thời ứng dụng nó vào trong cuộc sống thì có thể được gọi là người uyên bác, là người nhớ hết Phật pháp.
Ngày 12 tháng 08
Khi Đức Thế Tôn sống tại Tinh xá Ghosita ở Kosambi, Tôn giả Ca Lưu Đà Di (Kālodayin) đang thuyết pháp cho các cư sĩ đứng xung quanh mình. Đúng lúc ngài A Nan trông thấy, liền đến thưa với Đức Thế Tôn. Thế Tôn nói: “Này A Nan, thật không dễ để thuyết pháp cho người khác. Khi thuyết pháp cho người khác cần phải xác định được năm điều. Đó là gì? Khi thuyết pháp cần nghĩ: ‘Tôi sẽ giới thiệu các pháp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp, tôi sẽ lấy đó là đề tài để thuyết giảng, tôi cần dùng tấm lòng nhân ái để thuyết giảng, tôi không mưu cầu lợi ích gì từ việc thuyết pháp, việc tôi thuyết pháp không đem đến thảm họa gì cho bản thân và người khác’. Này A Nan, thuyết pháp cho người khác thực sự không dễ chút nào. Chính vì vậy, trước khi thuyết pháp cho người khác phải nắm rõ được năm điều này.”
Ngày 13 tháng 08
Nếu gặp phải người dùng lời nhục mạ bạn, dùng nắm đấm đánh bạn, dùng đất đá ném bạn, dùng gậy gộc đánh bạn hoặc dùng kiếm để tấn công bạn; bạn nên gạt bỏ mọi ham muốn và lo lắng trần tục sang một bên, nên rèn luyện bản thân bằng cách: “Lòng ta không được dao động, ta không được nói lời độc ác, phải biết thương xót cho người khác và không ôm lòng sân hận, phải biết nghĩ cho lợi ích của người khác.” Bạn nên tự rèn luyện bản thân mình như vậy.
Ngày 14 tháng 08
Nên tự rèn luyện bản thân theo cách này, phải nghĩ rằng: “Ta phải luôn luôn học tập những lời dạy sâu sắc, uyên bác, siêu việt của Đức Thế Tôn.” Hãy nên tự rèn luyện bản thân như vậy.
Ngày 15 tháng 08
Một người vô gia cư tên Potaliya đến bái kiến Đức Thế Tôn, cung kính vấn an Ngài rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn liền nói với người này: “Này Potaliya, trên thế gian có bốn loại người. Đó là những loại người nào? Thứ nhất, đó là kiểu người nói ra những lời phê bình vào những thời điểm thích đáng, nói ra sự thật của vấn đề, nhưng không khen ngợi những điều đáng khen ngợi. Thứ hai là kiểu người đưa ra lời khen vào thời điểm thích đáng, nói đúng sự thật của vấn đề, nhưng không phê bình những điều cần phải phê bình. Thứ ba là kiểu người không phê bình điều cần phê bình cũng không khen ngợi điều cần khen ngợi. Cuối cùng đó là kiểu người đưa ra lời khen vào thời điểm thích đáng và khen ngợi điều cần khen ngợi, nói đúng sự thật của vấn đề. Trong bốn kiểu người này, con cho rằng kiểu người nào đáng kính nhất, và hiếm có nhất?”
“Thưa Cồ Đàm chí thiện, con cho rằng kiểu người không phê bình điều cần phê bình, cũng không khen ngợi điều cần khen ngợi là kiểu người đáng kính nhất và hiếm có nhất. Vì họ không quan tâm tới tất thảy mọi thứ, vì vậy mà trở nên đáng kính.”
“Ta lại cho rằng người biết đưa ra lời phê bình đúng thời điểm, khen ngợi điều đáng khen ngợi, nói ra đúng sự thật của sự việc là nhân tài đáng kính. Tại sao như vậy? Bởi anh ta nắm bắt được thời điểm thích hợp, vì vậy mà trở nên đáng kính.”
Ngày 16 tháng 08
Giống như nước sông Hằng chảy về phía đông, một người đang nuôi dưỡng và tu tập Bát chính đạo sẽ hướng tới Niết bàn.
Ngày 17 tháng 08
“Ta nói cho con biết rằng: Nếu một người trẻ tuổi thông minh, chân thành, thật thà, thẳng thắn đến chỗ ta, ta sẽ dạy Phật pháp cho người đó. Nếu anh ta có thể tu tập theo Phật pháp, trong vòng bảy năm, dựa vào kiến thức học được và khả năng quan sát cũng đủ để cho người trẻ tuổi xuất gia đó đạt được những gì anh ta muốn. Đừng nói là bảy năm, cho dù trong bảy ngày anh ta cũng có thể làm được.”
“Có thể con sẽ nghĩ: ‘Sa môn Cồ Đàm nói vậy chẳng qua là để thu hút đệ tử.’ Nhưng cách nghĩ này hoàn toàn không đúng. Người thầy hiện tại của con có thể tiếp tục hướng dẫn con. Con có thể sẽ nghĩ: ‘Ngài ấy muốn chúng ta từ bỏ giới luật của mình.’ Nhưng cách nghĩ này hoàn toàn không đúng, con có thể tiếp tục tuân thủ giới luật của con. Con cũng có thể nghĩ: ‘Ngài ấy muốn chúng ta từ bỏ phương thức sống hiện tại.’ Nhưng cách nghĩ này hoàn toàn không đúng, con có thể tiếp tục duy trì phương thức sống hiện tại. Con cũng có thể sẽ nghĩ: ‘Ngài ấy muốn chúng ta tu tập những điều mà tôn giáo chúng ta cho rằng là sai, hoặc không tu tập những điều mà tôn giáo chúng ta cho là đúng.’ Nhưng cách nghĩ này hoàn toàn sai, con có thể tiếp tục tu tập những điều tôn giáo con cho rằng đúng và tránh tu tập những điều tôn giáo con cho rằng sai. Nhưng trên đời còn những thứ chưa vứt bỏ được, những thứ vô ích bị vấy bẩn, những thứ dẫn đến luân hồi, những thứ khiến con người sợ hãi, những thứ sẽ gây ra đau khổ trong tương lai, những thứ liên quan đến sinh lão bệnh tử. Ta đang giảng giải Phật pháp để mọi người có thể vứt bỏ được những thứ đó. Nếu con tu tập đúng cách, những vết bẩn này sẽ được loại bỏ, những thứ trong sạch thuần khiết ngày sẽ nhiều lên. Trong kiếp sống này, con có thể dựa vào kiến thức và khả năng quan sát của mình để được khai sáng trí tuệ và gìn giữ nó.”
Ngày 18 tháng 08
Những điều con người mong muốn,
Thường không giống với thực tế,
Vậy nên sinh ra thất vọng.
Là cách thế sự vận hành.
Ngày 19 tháng 08
Trên đời có ba kiểu bệnh nhân. Đó là ba kiểu nào?
Có một kiểu bệnh nhân cho dù nhận đủ thức ăn, thuốc thang và được chăm sóc cẩn thận nhưng không thể bình phục.
Một kiểu bệnh nhân khác là cho dù không nhận đủ thức ăn, thuốc thang, không được chăm sóc cẩn thận nhưng lại bình phục.
Một kiểu bệnh nhân khác nữa là chỉ khi nhận đủ thức ăn, thuốc thang và được chăm sóc cẩn thận thì mới có thể bình phục.
Chế độ ăn uống hợp lý, thuốc men và chăm sóc đầy đủ là dành để chữa trị cho kiểu bệnh nhân thứ ba, nhưng hai kiểu bệnh nhân còn lại vẫn cần có sự chăm sóc.
Trên đời có ba kiểu người có thể so sánh với ba kiểu bệnh nhân này. Đó là ba kiểu người nào?
Kiểu thứ nhất, cho dù có cơ hội được gặp Như Lai, học tập Phật pháp và gìn giữ giới luật hay không thì họ đều không chịu thực hành nghiệp thiện.
Kiểu thứ hai, cho dù có cơ hội được gặp Như Lai, học tập Phật pháp và gìn giữ giới luật hay không thì họ đều thực hành nghiệp thiện.
Kiểu người thứ ba, chỉ khi nhìn thấy Như Lai, học tập Phật pháp và gìn giữ giới luật thì mới thực hành nghiệp thiện.
Phật pháp là dành cho kiểu người thứ ba, nhưng vẫn cần được truyền thụ cho hai kiểu người còn lại.
Ngày 20 tháng 08
Một người nên quan tâm tới lợi ích của bản thân và người khác như thế nào? Người đó trước tiên phải nên khắc chế sự tham, sân, si của chính mình, sau đó mới động viên người khác làm theo.
Ngày 21 tháng 08
Có năm yếu tố khiến cho món quà của một người trở nên hoàn hảo. Đó là năm yếu tố nào? Người tặng quà với thái độ tôn kính, trao quà với tấm lòng tràn đầy thân thiện, đích thân trao tặng, mang những thứ tốt lành đi tặng, lúc tặng có suy xét đến hậu quả của nó.
Ngày 22 tháng 08
Tôn giả A Nan đến trước cửa nhà, tựa người vào cột cửa vừa khóc vừa nói rằng: “Tôi vẫn chỉ là một người học trò, cần cố gắng để hoàn thiện, vậy mà người thầy từ bi đáng kính của tôi sắp nhập diệt rồi.”
Lúc này, Đức Thế Tôn hỏi chúng Tăng: “A Nan đang ở đâu?”
Chúng Tăng liền thuật lại sự tình, Đức Thế Tôn nghe xong, nói: “Hãy đi đi! Tỳ kheo, đi nói với A Nan rằng: ‘Này A Nan người bạn của ta, Đức Thế Tôn đang gọi ngài.’”
Khi A Nan đến nơi, Thế Tôn liền nói: “Đủ rồi! A Nan, đừng khóc nữa! Trước đây chẳng phải ta đã dạy cho các con rồi sao? Điều ta yêu quý có lúc rồi cũng tiêu tan, có sinh, có hình thành, có hội họp tất có ly biệt và tan rã, điều này sao có thể có ngoại lệ được? Từ trước tới nay, con vẫn luôn hòa nhã thân thiện, toàn tâm toàn ý phụng sự Như Lai, con phụng sự Như Lai với thân khẩu ý nhân từ, con đã tích được thiện đức rất lớn. Giờ đây con chỉ cần nỗ lực tinh tiến, không lâu sau chắc chắn con sẽ thoát khỏi sự trói buộc của phiền não.”
Ngày 23 tháng 08
“Nếu có người phê bình ta, phê bình Phật pháp hay chúng Tăng, các con không được vì vậy mà tức giận, sân hận hay phiền muộn. Bởi nếu tức giận, sân hận hay phiền muộn sẽ cản trở các con, khiến các con không thể phân biệt được lời nói của họ đúng hay sai, các con có thể phân biệt rõ được không?”
“Không thể, thưa Thế Tôn.”
“Vậy nên, khi người khác phê bình ta, phê bình Phật pháp hoặc chúng Tăng, các con nên giải thích với họ điều gì là không chính xác, hãy nói: ‘Điều đó không đúng, đó không phải con đường của chúng tôi, chúng tôi không làm như vậy.’ Tương tự như vậy, nếu có người khen ngợi ta, Phật pháp hay chúng Tăng, các con cũng không nên lấy đó làm hân hoan, vui mừng hay tự phụ. Vì hân hoan, vui mừng và tự phụ sẽ cản trở chúng ta phân biệt chân tướng sự việc. Vì vậy, khi có người khen ngợi ta, khen ngợi Phật pháp hay chúng Tăng, các con nên giải thích với họ rằng: ‘Điều đó là đúng, đó là con đường của chúng tôi, là cách mà chúng tôi đang làm.’’’
Ngày 24 tháng 08
Con người nếu có điều gì chưa bằng lòng, đau khổ tất sẽ tìm đến, khiến chúng ta cho dù đang đi, đứng, ngồi hay nằm đều không cảm thấy vui vẻ, hoan hỷ; cho dù trong rừng sâu, dưới gốc cây, ở một mình, ở nơi hoang vắng hoặc ở giữa Tăng đoàn, cũng không thể tìm thấy niềm vui, hoan hỷ.
Con người nếu biết đủ, thì cho dù đang đi, đứng, ngồi hay nằm đều cảm thấy vui vẻ, an lạc; cho dù đang ở trong rừng sâu, dưới gốc cây, nơi cô độc, nơi hoang vắng hay giữa Tăng đoàn, đều có thể tìm thấy niềm vui, hoan hỷ.
Ngày 25 tháng 08
Mah“n”ma của bộ tộc Thích Ca đến gặp Đức Thế Tôn, nói rằng: “Thành Ca Tỳ La Vệ rất giàu có, phồn vinh, dân số đông, mật độ dân cư cao. Vào chập choạng tối, sau khi cúng dường Đức Thế Tôn hoặc Tăng đoàn, rồi quay trở lại thành, chắc chắn sẽ gặp đội voi, ngựa, chiến xa, xe chở hàng và các đoàn người hùng dũng đi trên phố. Đúng lúc đó, trong lòng con vốn đang niệm Phật, Pháp, Tăng bỗng nhiên hoàn toàn tán loạn mất phương hướng. Rồi con chợt nghĩ: ‘Nếu lúc này con chết đi, vận mệnh của con sẽ ra sao? Con sẽ được vãng sinh vào nơi nào?’”
“Không cần phải sợ! Mah“n”ma, không cần phải sợ! Con sẽ có kết cục tốt. Đối với người đã tu tập niềm tin, đức hạnh, tri thức, xả bỏ và trí tuệ trong thời gian dài, cho dù có là tấm thân do tứ đại hợp thành bị chim muông cầm thú ăn thịt, nhưng tâm của người đã tu tập niềm tin, đức hạnh, học thức, xả bỏ và trí tuệ trong thời gian dài sẽ được chắp thêm đôi cánh bay cao bay xa, sẽ đạt được điều tối thượng đó. Nó giống như một người đổ một bình đầy bơ xuống vực sâu, giả sử chiếc bình đó bị vỡ, các mảnh vỡ chìm xuống đáy vực, nhưng lớp bơ vẫn nổi trên mặt nước. Cũng như vậy, này Mah“n”ma, tâm của con từ lâu đã được tu tập niềm tin, đức hạnh, học thức, xả bỏ và trí tuệ, vì vậy, không cần phải sợ, con sẽ có kết thúc tốt đẹp, con sẽ có kết cục tốt đẹp!”
Ngày 26 tháng 08
Cầy Mangut cũng phải phủ một lớp chất độc lên người mới dám tiếp cận và săn bắt rắn độc. Tương tự như vậy, người tích cực tu tập thiền định, khi đối diện với thế giới đầy phẫn nộ, thù hận, thù địch, tranh cãi, tranh biện và tranh chấp, buộc phải phủ lên cơ thể mình một lớp thuốc đó là tình yêu thương.
Ngày 27 tháng 08
Trên đời có bốn kiểu người. Đó là bốn kiểu người nào? Kiểu thứ nhất, là kiểu học thức nông cạn, nhưng lại không biết thu lợi từ nó. Kiểu thứ hai, là kiểu học thức nông cạn nhưng biết tận dụng nó để thu lợi. Kiểu thứ ba là học thức uyên bác nhưng không biết tận dụng kiến thức của mình để làm lợi. Kiểu thứ tư đó là không những có học thức uyên bác mà còn biết làm lợi từ nó.
Tại sao người có học thức nông cạn lại không biết làm lợi từ những gì mình học được? Bởi kinh văn mà kiểu người này học được là rất ít, lại không hiểu rõ được câu từ và ngữ nghĩa của nó, cũng không thể nương vào Pháp mà tu tập.
Nhưng tại sao lại có những người tuy học thức nông cạn nhưng lại thu được lợi tích từ kiến thức mình học được? Vì kinh văn những người này học được tuy ít, nhưng họ hiểu rõ được ý câu từ và ngữ nghĩa của nó, đồng nương vào Pháp mà tu tập.
Vì sao có những người học thức uyên bác, nhưng không thu lời từ những gì mình học được? Bởi vì kinh văn mà những người này học được tuy rất rộng, nhưng họ không thật sự hiểu rõ được câu từ và ngữ nghĩa của nó, cũng không thể nương vào Pháp mà tu tập.
Cuối cùng, vì sao có những người có học thức uyên bác, lại có thể thu được lợi ích từ những gì mình học được? Là bởi vì kinh văn mà những người này học là rất rộng, họ lại có thể hiểu được câu từ và ngữ nghĩa của nó, đồng thời biết nương vào Pháp mà tu hành.
Ngày 28 tháng 08
Bharadvaja hỏi Đức Thế Tôn: “Thưa Cồ Đàm chí thiện, những sự vật nào giúp ích cho việc chứng ngộ chân lý? Chúng con muốn hỏi Ngài về những sự vật có ích cho việc giác ngộ chân lý.”
“Này Bharadvaja, sự siêng năng có ích nhất cho việc giác ngộ chân lý. Một người nếu không siêng năng cần cù, thì sẽ không giác ngộ được chân lý, nếu siêng năng cần cù, thì nhất định sẽ chứng ngộ được chân lý.”
“Điều gì giúp ích cho sự siêng năng?”
“Biết cân nhắc mức độ nặng nhẹ của sự vật sẽ có ích cho sự siêng năng. Một người nếu không biết cân nhắc mức độ nặng nhẹ của sự vật thì sẽ không siêng năng; nếu biết cân nhắc mức độ nặng nhẹ của sự vật, thì sẽ siêng năng chăm chỉ.”
“Điều gì có ích cho việc cân nhắc mức độ nặng nhẹ của sự vật?”
“Cố gắng chăm chỉ cân nhắc sự vật. Nếu một người không cố gắng, sẽ không biết cách cân nhắc mức độ nặng nhẹ của sự vật; nếu chịu khó cố gắng, sẽ biết cách cân nhắc mức độ nặng nhẹ của sự vật.”
“Điều gì có ích cho việc cố gắng?”
“Sự khát vọng có ích cho việc cố gắng. Một người nếu không có khát vọng gì, thì sẽ không cố gắng; nếu như có khát vọng, thì sẽ cố gắng.”
“Điều gì giúp ích cho việc khơi dậy sự khát vọng?”
“Việc tán thành một sự vật nào đó sẽ giúp ích cho việc khơi dậy khát vọng. Một người nếu không biết tán thành sự vật nào đó, sẽ không khơi dậy khát vọng đối với nó; nếu tán thành một sự vật nào đó thì sẽ khơi dậy khát vọng đối với nó.”
“Điều gì giúp ích cho việc tán thành một sự vật nào đó?”
“Đánh giá ý nghĩa của sự vật sẽ giúp ích cho việc tán thành sự vật. Vì một người nếu không biết đánh giá ý nghĩa của sự vật thì sẽ không tán thành sự vật; nếu biết đánh giá ý nghĩa sự vật nào đó thì sẽ tán thành sự vật đó.”
“Điều gì giúp ích cho việc đánh giá ý nghĩa của một sự vật nào đó?”
“Ghi nhớ Phật pháp sẽ giúp ích cho việc đánh giá ý nghĩa sự vật. Nếu một người không ghi nhớ Phật pháp thì sẽ không biết đánh giá ý nghĩa sự vật; nếu ghi nhớ Phật pháp tất sẽ biết đánh giá ý nghĩa sự vật.”
“Điều gì giúp ích cho việc ghi nhớ Phật pháp?”
“Lắng nghe Phật pháp sẽ giúp ích cho việc ghi nhớ Phật pháp. Bởi vì nếu một người không chịu nghe Phật pháp thì sẽ không thể ghi nhớ Phật pháp; nếu anh ta biết lắng nghe Phật pháp thì sẽ ghi nhớ được Phật pháp.”
“Điều gì giúp ích cho việc lắng nghe Phật pháp?”
“Mở to đôi tai sẽ giúp ích cho việc lắng nghe Phật pháp. Vì một người nếu không biết mở to đôi tai, thì sẽ không thể lắng nghe Phật pháp; nếu biết mở to đôi tai thì sẽ lắng nghe được Phật pháp.”
“Điều gì giúp ích cho việc mở to đôi tai tốt hơn?”
“Tiếp cận sẽ giúp ích cho việc mở to đôi tai. Bởi vì một người không biết cách tiếp cận sẽ không thể mở to đôi tai lắng nghe Phật pháp, nếu biết tiếp cận sẽ có thể mở to đôi tai để nghe Phật pháp.”
“Điều gì có thể giúp ích cho việc tiếp cận?”
“Thăm hỏi có thể giúp ích cho việc tiếp cận. Vì một người nếu không đi thăm hỏi ai thì sẽ không thể tiếp cận; nếu đi thăm hỏi sẽ có thể tiếp cận.”
“Điều gì giúp ích cho việc thăm hỏi?”
“Niềm tin có thể giúp ích cho việc thăm hỏi. Vì một người nếu không có niềm tin thì không thể đi thăm hỏi; nếu có niềm sẽ có thể đi thăm hỏi.”
Ngày 29 tháng 08
Đức Thế Tôn hỏi Lohicca: “Có phải con đã nghĩ như thế này: ‘Nếu một Sa môn hoặc Bà la môn phát hiện ra một pháp tuyệt diệu nào đó, anh ta không nên đem pháp này truyền cho người khác, vì một người làm sao có thể tạo phúc cho người khác chứ? Làm như vậy khác gì một người vừa cắt đứt được sự ràng buộc cũ lại bị trói vào một sự ràng buộc mới. Đây là nghiệp ác cắm rễ trong sự cố chấp, vì một người thì có thể làm điều gì cho người khác chứ?’”
“Đúng thế, thưa Cồ Đàm đáng kính, con đúng là đã nghĩ như vậy.”
“Này Lohicca, con sinh sống trong thành Salavatika, nếu có người nói với con rằng: ‘Bà la môn Lohicca nên được hưởng tất cả mọi thu nhập và sản vật của thành Salavatika, không cần phải chia sẻ với ai.’ Người nói lời này có phải là mối đe dọa cho những người thuê nhà của con không? Con thấy thế nào?”
“Đúng vậy, thưa Cồ Đàm đáng kính.”
“Anh ta làm như vậy, có phải đang nghĩ cho lợi ích của người khác không?”
“Không có.”
“Nếu không suy nghĩ cho lợi ích của người khác, vậy trong lòng anh ta chứa đầy tình yêu thương hay là sân hận?”
“Đầy ắp sân hận, thưa Cồ Đàm đáng kính.”
“Một người mà trong lòng đầy ắp sân hận thì sẽ cầm nắm tà kiến hay Chính kiến?”
“Là tà kiến.”
“Một người nếu mang tà kiến, theo ta thấy, quả báo của anh ta chỉ có hai loại: đọa sinh địa ngục hoặc đầu thai làm súc sinh.”
Ngày 30 tháng 08
Sau mười tháng mang thai, Kisa Gotami đã hạ sinh một cậu con trai. Nhưng khi cậu bé vừa tuổi biết đi thì lại bị chết yểu. Kisa Gotami chưa từng được trải nhiệm chân tướng của cái chết, khi mọi người chuẩn bị đem thi thể con trai cô đi hỏa thiêu, cô liền chặn lại, tự lẩm bẩm với mình: “Tôi phải đi tìm thuốc chữa cho con mình.”
Nói rồi cô bế đứa bé lên đi cầu xin từng nhà: “Ông bà có cách nào chữa trị cho con trai tôi không?”
Tất cả mọi người đều trả lời cô: “Cô gái, cô vì muốn cứu con nên phát điên rồi sao.”
Nhưng cô vẫn không bỏ cuộc, cô nghĩ: “Nhất định tôi sẽ tìm ra người biết cách cứu cho con tôi.”
Có nhà thông thái gặp thấy việc này, ông nghĩ: “Ta phải giúp cô ấy.” Liền nói với Kisa Gotami: “Cô gái à! Ta không chắc có loại thuốc nào cứu được con cô. Nhưng ta biết một người biết cách cứu chữa. ”
“Trưởng giả, đó là ai vậy?”
“Cô gái à, Đức Thế Tôn biết, hãy đi hỏi Ngài ấy!”
Kisa Gotami nghe theo, cô đi đến gặp Đức Thế Tôn, hành lễ với Ngài, sau đó đứng sang một bên và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, mọi người đều nói rằng Ngài có cách chữa cho con trai con, có phải không ạ?”
“Đúng, ta biết.”
“Vậy con cần chuẩn bị gì ạ?”
“Một ít hạt cải.”
“Con có thể tìm được. Nhưng bạch Đức Thế Tôn, con phải xin hạt cải ở nhà ai?”
“Con hãy xin một ít hạt cải ở gia đình nào chưa từng có người thân hoặc con cái qua đời.”
“Tốt quá! Thưa Thế Tôn.” Kisa Gotami trả lời. Cô cung kính đỉnh lễ Đức Thế Tôn sau đó bế đứa con đi vào trong làng hỏi từng gia đình. Cô dừng lại ở ngôi nhà đầu tiên, hỏi:
“Cô có hạt cải không? Họ nói hạt cải có thể cứu con trai tôi.”
Chủ nhà vào trong lấy cho Kisa Gotami một ít hạt hạt cải. Kisa Gotami lập tức hỏi: “Này bạn của tôi, trong gia đình cô từng có con trai hay con gái qua đời không?”
“Cô gái, cô đang hỏi cái gì vậy? Người chết trong nhà này còn nhiều hơn cả người sống.”
“Vậy cô hãy cầm lại số hạt cải này, nó không giúp được cho con tôi.”
Nói xong Kisa Gotami liền trả lại số hạt cải đó. Cứ như vậy, Kisa Gotami lần hỏi hết nhà này đến nhà khác, nhưng vẫn chưa tìm được loại hạt cải mà cô cần. Cô nghĩ thầm: “Ồ! Đây quả thật là một việc không dễ dàng, mình vốn nghĩ chỉ mình mình bị mất con, không ngờ trong ngôi làng này, số người chết còn nhiều hơn người sống!” Khi Kisa Gotami nghĩ như vậy, trái tim vốn run rẩy của cô cũng đã bình tĩnh hơn rất nhiều.
Ngày 31 tháng 08
Cho dù chân tay con bị cưa đứt bởi một kẻ phạm tội hèn hạ. Nhưng thời khắc đó, nếu trong lòng con vẫn ôm sân hận, thì con vẫn không được coi là đang tu tập theo lời dạy của ta.