Ngày 01 tháng 07
Giống như ánh sáng của tất cả các ngôi sao gộp lại cũng không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng; giống như tháng cuối cùng của tiết mùa thu đầy mưa gió, trời quang mây tạnh, khi mặt trời mọc tỏa ra ánh sáng chói lọi xua tan mọi bóng tối; giống như các vì sao ra sức tỏa sáng trước bình minh. Cũng vậy, những nghiệp thiện ta tạo ra để có thể được tái sinh vào cõi an lành hơn, cũng không bằng một phần mười sáu lòng từ bi của trái tim đã được giải thoát. Ánh hào quang của lòng từ bi này vượt xa mọi hành động lương thiện.
Hãy để tình thương phát triển không giới hạn
Tập trung tâm trí quan sát điểm kết thúc của luân hồi
Sự ràng buộc mà người ấy phải gánh chịu sẽ được giảm bớt
Với một trái tim trong sáng
Lan tỏa tình thương cho sự sống duy nhất
Cũng đủ để anh ấy trở thành người tốt
Với trái tim tràn đầy tình thương
Bậc thánh đã tạo ra nghiệp thiện.
Ngày 02 tháng 07
Ta giảng dạy Phật pháp, khiến nó trở nên rõ ràng dễ hiểu, thuyết giảng công khai, giải thích kỹ càng và lược bỏ những phần không quan trọng. Vì vậy, người nào có lòng tin và hiểu rõ Phật pháp, người đó chắc chắn sẽ đạt được giác ngộ.
Ngày 03 tháng 07
Làm thế nào để một người với tràn đầy tâm từ1 có thể lan tỏa nó đến một nơi nào đó? Cũng như chúng ta luôn tràn đầy tâm từ khi đối diện với một người đáng yêu thân thiện, tương tự như vậy, chúng ta cũng nên lan tỏa tâm từ đó đến với hết thảy chúng sinh. Vậy tâm từ là gì? Đó là tình thương nằm trong con tim của mỗi chúng sinh, là những hành động thương yêu, là những cảnh giới của tình thương, một tình thương không mang tính thù địch.
1. Tâm từ (Metta): Một trong Tứ vô lượng tâm. Tâm từ trầm tĩnh, bi mẫn khoan dung. Tình yêu thương (không phải là tình yêu đôi lứa) to lớn, đồng đều dành cho tất cả chúng sinh vạn vật, không thành kiến, phân biệt đối tượng.
Làm thế nào để một người tràn đầy tâm bi1 có thể lan tỏa nó đến một nơi nào đó? Giống như chúng ta vẫn tràn đầy tâm bi khi đối xử với một người bất hạnh hoặc tội lỗi, tương tự như vậy, chúng ta cũng nên lan tỏa tâm bi đó đến với hết thảy chúng sinh. Vậy tâm bi là gì? Đó là sự thấu hiểu nằm trong con tim của mỗi chúng sinh, là hành động cảm thông, là cảnh giới thương xót, một sự xót thương không hề mang chút tàn nhẫn.
1. Tâm bi (Karuna): Là sự thương xót, thấu hiểu, cảm thông, cũng là liều thuốc chữa chứng bệnh hung dữ, ngang tàng, độc ác. Là động lực làm cho tâm người thiện lành, rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, biết suy nghĩ và chia sẻ, giúp đỡ vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Làm thế nào để một người tràn đầy tâm hỷ1 có thể lan tỏa nó đến một nơi nào đó? Giống như chúng ta cảm thấy tràn ngập niềm vui khi đối diện với người thân thiện dễ thương, tương tự như vậy, chúng ta nên lan tỏa tâm hoan hỷ đó đến với hết thảy chúng sinh. Vậy tâm hỷ là gì? Đó là niềm vui trong con tim của mỗi chúng sinh, là hành động hoan hỷ, là cảnh giới đầy hoan hỷ, một niềm vui không hề có chút đố kỵ.
1. Tâm hỷ (Mudita): Là tâm hoan hỷ, vui mừng thành tâm với hạnh phúc, thành công, thành quả của người khác. Là một trạng thái bình tĩnh và hạnh phúc của chân tâm.
Làm thế nào để một người tràn đầy tâm xả1 có thể lan tỏa nó đến một nơi nào đó? Giống như chúng ta vẫn giữ được tâm buông bỏ khi đối diện với những người không phải là bạn tốt cũng không phải không là bạn tốt. Tương tự như vậy, chúng ta nên lan tỏa tâm xả đó đến với hết thảy chúng sinh. Vậy tâm xả là gì? Nghĩa là đó là sự buông xả trong con tim của mỗi chúng sinh, là hành động buông bỏ, cảnh giới buông xả, một sự buông xả không hề có chút do dự hay lo lắng.
1. Tâm xả (Upekkha): Là lòng buông xả, không câu chấp bám chặt vào bất cứ điều gì, từ bỏ tham lam ích kỷ, vọng tâm, kiêu ngạo...
Ngày 04 tháng 07
Nuôi dưỡng năm điều này có thể giúp nữ đệ tử cao thượng, trưởng thành hơn, nắm bắt được điều tinh túy và tông chỉ của Phật pháp. Đó là năm điều nào? Đó là tăng trưởng niềm tin, đức hạnh, học thức, bố thí và trí tuệ.
Ngày 05 tháng 07
Có bốn thời điểm tốt. Đó là những thời điểm nào? Nghe được Phật pháp vào thời điểm thích hợp, thảo luận Phật pháp vào thời điểm thích hợp, nhập định vào thời điểm thích hợp, khai sáng trí tuệ vào thời điểm thích hợp.
Ngày 06 tháng 07
Chúng ta nên đi theo và tôn kính loại người nào? Đó là người có đức hạnh và tính tình lương thiện. Tại sao ta nên đi theo họ? Nếu đi theo họ, cho dù bất đồng quan điểm, nhưng vì họ là bạn tốt, là những người bạn đáng kính nên tiếng tốt vẫn truyền xa.
Ngày 07 tháng 07
Lúc đó, tại nơi giáp ranh giữa thành Xá Vệ và Kỳ Viên, vài đứa trẻ đang xúm lại hành hạ mấy con cá. Đức Thế Tôn nhìn thấy, tiến lên và nói: “Này các con, các con có sợ đau không? Các con ghét bị đau đúng không?”
“Sợ! Thưa Trưởng giả.”
Đức Thế Tôn liền đọc mấy lời kệ:
Nếu con sợ và ghét bị đau,
Đừng làm điều ác trong tối hay ngoài sáng.
Nếu con đang làm điều ác, hay dự định làm điều ác,
Dù trốn tránh hay bỏ chạy, cũng không thoát khỏi đớn đau.
Ngày 08 tháng 07
Maha Kotthita hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất: “Những điều nào có thể phát khởi Chính kiến?”
“Có hai điều giúp phát khởi Chính kiến: lời nói của người khác và sự tập trung cao độ.”
“Những điều nào giúp thúc đẩy Chính kiến, giúp đạt được sự giải thoát tâm niệm, lợi ích của việc tâm niệm được giải thoát, nhờ trí tuệ để đạt được giải thoát và lợi ích của việc nhờ trí tuệ đạt được giải thoát?”
“Nếu tận dụng năm điều sau để thúc đẩy Chính kiến: đức hạnh, học vấn, thảo luận, bình tĩnh và kiến thức, thì có thể đạt được giải thoát về tâm niệm, lợi ích của việc giải thoát tâm niệm, nhờ trí tuệ đạt được giải thoát và lợi ích của việc nhờ trí tuệ đạt được giải thoát.”
Ngày 09 tháng 07
Có hai loại bệnh tật. Đó là gì? Đó là bệnh về thân xác và bệnh về tâm lý. Chúng ta có thể nhìn thấy những chúng sinh trong vòng một năm, hai năm, năm năm, mười năm, thậm chí hàng trăm năm mà không mắc bệnh; nhưng, ngoài những người đã quét sạch được mọi phiền não ra, thì khó có thể tìm thấy một ai đó không mắc tâm bệnh cho dù là chỉ trong giây lát.
Ngày 10 tháng 07
Đặc tính của tâm từ là giúp cho người khác được hạnh phúc. Tác dụng của nó là theo đuổi hạnh phúc. Điều nó thể hiện ra ngoài là diệt trừ phiền não. Nguyên nhân kích hoạt nó chính là nhìn thấy sự đáng yêu của chúng sinh. Thành công của nó là loại bỏ ác niệm; thất bại của nó là khơi dậy những ham muốn ích kỉ.
Đặc tính của tâm bi là giúp cho người khác giải thoát khỏi đau khổ. Tác dụng của nó là không nhẫn tâm nhìn thấy người khác đau khổ. Điều nó thể hiện ra ngoài là sự nhân từ và cảm thông. Nguyên nhân kích hoạt nó chính là nhìn thấy sự bất lực của chúng sinh khi phải chịu đau khổ. Thành công của nó là khắc chế được sự tàn nhẫn; thất bại của nó là khơi dậy cảm giác đau thương.
Đặc tính của tâm hỷ là cảm thấy vui mừng cho sự thành công của người khác. Tác dụng của nó là loại bỏ lòng đố kỵ. Điều nó thể hiện ra là diệt trừ cảm giác chán ghét. Nguyên nhân kích hoạt nó chính là nhìn thấy sự thành công của chúng sinh. Thành công của nó là khắc chế được sự chán ghét; thất bại của nó là gây chuyện vui đùa.
Đặc tính của tâm xả là đối xử bình đẳng với tất thảy chúng sinh. Tác dụng của nó là có thể nhìn thấy những tố chất bình đẳng ở chúng sinh. Điều nó thể hiện ra là xoa dịu cảm giác thích thú và chán ghét. Điều kích hoạt nó chính là nhìn thấy nghiệp do chúng sinh tạo ra, thấu hiểu được người phải gánh chịu nghiệp do chúng sinh tạo ra; là họ tự mình lựa chọn có cần vui vẻ hay không, có cần giải thoát khỏi đau khổ hay không, hay là tự mình trụy lạc trong chính thành công mà mình đạt được. Thành công của nó là loại bỏ được cảm giác chán ghét và yêu thích; thất bại của nó thái độ không thèm quan tâm tới sự vô tri.
Ngày 11 tháng 07
Một người có thể trở thành một tín đồ có đức hạnh và học thức, nhưng không thể trở thành vị thầy hướng dẫn Phật pháp. Những người như vậy chưa thể gọi là chưa toàn vẹn. Nếu muốn bù đắp thiếu sót này, họ cần phải tự mình sám hối: “Làm sao để mình có thể trở thành người vừa có đức hạnh, vừa có học thức lại có thể trở thành vị thầy hướng dẫn Phật pháp?” Khi một người đã có đầy đủ những điều kiện trên thì mới có thể coi là toàn vẹn.
Ngày 12 tháng 07
Đức Thế Tôn nói với các Tỳ kheo rằng: “Cư sĩ Hatthaka ở vùng Alan thực sự có bảy loại tố chất kỳ diệu. Đó là bảy loại nào? Anh ta có đức tin, đức hạnh, trách nhiệm, liêm sỉ, học vấn, khẳng khái và trí tuệ.” Nói xong, Đức Thế Tôn đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đi vào trong phòng. Sau đó, có một Tỳ kheo đã đi tìm gặp Hatthaka và thuật lại cho anh những lời Đức Thế Tôn đã nói. Hatthaka trả lời: “Tôi hi vọng là lúc đó không có cư sĩ tại gia mặc đồ trắng có mặt ở đó.”
“Không có, bạn của tôi ạ, không có ai cả.”
Sau khi mang bình bát đi khất thực, vị Tỳ kheo đó về kể lại với Đức Thế Tôn về buổi nói chuyện của mình với Hatthaka. Đức Thế Tôn nói: “Lành thay! Lành thay! Này Tỳ kheo, anh ta thật khiêm tốn biết bao! Không hề muốn người khác biết được mình có bảy tố chất tốt đó. Vì vậy, Hatthaka có thêm phẩm chất thứ tám khiến mọi người phải khen ngợi, đó là khiêm tốn.”
Ngày 13 tháng 07
Người được xếp vị trí hàng đầu trên thế gian này là người thầy hướng dẫn, là người trí tuệ.
Thứ đến là những người đệ tử tu tập có thành tựu,
Tiếp theo là những người thực hành chính đạo, học thức uyên bác, người tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về đức hạnh.
Ba loại người này xếp hạng cao nhất trong số các vị thần và con người,
Họ là những sứ giả của ánh sáng, những nhà hùng biện của Phật pháp;
Họ đã mở ra cánh cửa dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu,
Giúp chúng sinh đạt được giải thoát.
Bất cứ ai đi trên con đường được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo tối thượng,
Hãy nghiêm túc tuân theo giáo lý,
Kiếp này chắc chắn sẽ thoát khỏi phiền não.
Ngày 14 tháng 07
Một nữ vô gia cư tên Sucimukht đến hỏi Tôn giả Xá Lợi
Phất rằng: “Khi ngài dùng bữa, tại sao mắt lại nhìn xuống?”
“Khi ta dùng bữa, mắt ta không nhìn xuống.”
“Vậy khi ngài dùng bữa, mắt ngài nhìn lên trên sao?”
“Khi ta dùng bữa, mắt ta cũng không nhìn lên trên.”
“Vậy khi ngài dùng bữa, mắt ngài nhìn quanh bốn phía sao?”
“Khi ta dùng bữa, mắt ta không nhìn quanh bốn phía.”
“Vậy khi ngài dùng bữa, chắc chắn là ngài sẽ nhìn vào giữa?”
“Khi ta dùng bữa, mắt ta không nhìn vào giữa.”
“Vậy thì ngài dùng bữa như thế nào?”
“Bất kỳ Sa môn hay Bà là môn nào kiếm sống bằng nghề nghiệp không chính đáng, ví như bói toán hay những thủ thuật thấp hèn khác, những người đó mới bị coi là ăn mà nhìn xuống. Bất kỳ Sa môn hay Bà là môn nào kiếm sống bằng nghề nghiệp không chính đáng, ví như chiêm tinh lá số hay những thủ thuật thấp hèn khác, những người đó mới bị coi là ăn mà nhìn lên. Bất kỳ Sa môn hay Bà là môn nào kiếm sống bằng nghề nghiệp không chính đáng, ví như truyền tin hoặc làm chân chạy những thủ thuật thấp hèn khác, những người đó mới bị coi là ăn mà nhìn quanh bốn phía. Ta không kiếm sống bằng những nghề đó, ta kiếm sống bằng những con đường chân chính, ta dùng bữa bằng hình thức chính đáng.”
Ngày 15 tháng 07
Người biết đủ là người như thế nào? Người biết đủ là thấy bằng lòng khi cơm đủ ăn, áo đủ mặc. Người biết đủ tiếp nhận đồ bố thí rồi tiếp tục lên đường, tựa như chú chim nhỏ bay tới bay lui, ngoài đôi cánh của mình thì không cần mang theo thêm đồ vật nào khác.
Ngày 16 tháng 07
Có năm điều tốt khi nghe giảng Phật pháp. Đó là năm điều nào? Đó là được nghe những điều mà trước đó chưa từng được nghe, làm sáng tỏ những điều được nghe trước đó, giải tỏa nghi vấn, đính chính lại cách nhìn nhận vấn đề, giúp tâm bình an.
Ngày 17 tháng 07
Như Lai và đệ tử của Ngài trụ thế là vị lợi ích to lớn cho chúng sinh, nó xuất phát từ lòng thương xót đối với thế gian, vì lợi ích, phúc lợi, niềm vui của thiên thần và của con người.
Vậy Như Lai là gì? Như Lai đản sinh tại trần gian là một đấng Vô Thượng Sĩ (người được tôn kính nhất thế gian), Chính Biến Tri (có thể biết mọi chuyện một cách chính xác), Minh Hạnh Túc (đức hạnh và thiện hạnh đều viên mãn), Thiện Thệ (tuy đã nhập Niết bàn nhưng không bao giờ bỏ rơi chúng sinh), Thế Gian Giải (hiểu biết vạn vật trên đời), Điều Ngự Trượng Phu (có thể khéo léo điều chỉnh và kiểm soát gốc rễ của chúng sinh, và hướng dẫn họ), Thiên Nhân Sư (là người thầy dạy dỗ các vị thần và con người), Ứng Cúng (đức hạnh viên mãn, được con người và thần linh cúng dường), Thế Tôn (người được thế giới kính trọng).
Vậy thế nào là đệ tử của Như Lai? Họ là những vị thầy hướng dẫn Phật pháp. Phật pháp này cho dù là lúc bắt đầu, ở giữa hay ở cuối; cho dù là ở câu từ hay ý nghĩa đều rất tuyệt vời. Các đệ tử của Như Lai có thể giải thích một cách rõ ràng và hoàn chỉnh về đời sống thánh thiện và thanh tịnh đó.
Đây chính là Như Lai và đệ tử của Như Lai. Họ sống ở thế gian là để làm lợi ích lớn lao cho chúng sinh. Nó xuất phát từ lòng thương cảm với thế gian, vì lợi ích, phúc lợi và niềm vui của các vị thần và con người.
Ngày 18 tháng 07
Ta nên lý giải phẩm chất cao thượng của tâm từ theo cách này: “Người chỉ biết suy tính cho lợi ích cá nhân mà không màng tới lợi ích của người khác, kiếp này sẽ không đạt được thành tựu gì, kiếp sau cũng không được vui vẻ. Người nguyện giúp đỡ tất cả chúng sinh nhưng lại không thương yêu bản thân mình, làm sao có thể chứng ngộ Niết bàn? Nếu bạn muốn dẫn dắt chúng sinh chứng ngộ Niết bàn, thì trước tiên phải chúc phúc cho chúng sinh đạt được lợi ích ở thế gian. Bạn nên nghĩ rằng: “Chỉ nghĩ suông thì không thể giúp chúng sinh đạt được lợi ích và niềm vui, hãy để tôi cố gắng thực hiện nó.” Bạn nên nghĩ: “Bây giờ tôi ủng hộ họ, thúc đẩy lợi ích cho họ, sau này họ sẽ là những người đồng hành cùng tôi để chia sẻ Phật pháp.” Bạn cũng nên nghĩ: “Không có những chúng sinh này, tôi không thể tích lũy, đạt được những yếu tố tất yếu của Chính giác, bởi họ chính là nguyên nhân để tôi tu tập và đạt được Phật tính. Tất cả chúng sinh này là nguồn phúc báo để tôi tích đức, để tôi gieo trồng căn lành. Vì vậy, họ chính là những đối tượng được tôn kính nhất.” Vì vậy, bạn nên khơi dậy mong muốn mạnh mẽ để cải thiện lợi ích cho tất cả chúng sinh. Tại sao phải lan tỏa tâm từ tới tất cả chúng sinh? Bởi vì đây chính là nền tảng của tâm từ. Khi một người dùng vô lượng tâm để mưu cầu lợi ích và niềm vui cho chúng sinh, mong muốn giải trừ đau khổ cho chúng sinh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tâm từ là yếu tố bắt buộc, là nền tảng, là cội nguồn, là sự dẫn dắt để người tu tập có thể trở thành Phật.”
Ngày 19 tháng 07
Vào một dịp nọ, trên đồi Ngạc Ngư (Cá Sấu) trong vườn Lộc Uyển (Sarnath) thuộc Bhesakala Grove, Ấn Độ, Đức Thế Tôn sống với tộc người Bhagqis. Khi đó, cư sĩ Nakulapita bị ốm rất nặng. Bà Nakulamata vợ ông Nakulapita nói với chồng: “Tôi xin ông đừng chết trong lo âu sầu muộn. Vì Đức Thế Tôn từng nói, người chết trong lo âu sầu muộn thì kết cục sẽ không được tốt. Có thể ông sẽ nghĩ: ‘Ôi, tôi chết rồi thì vợ tôi không có khả năng nuôi dạy con cái và quản lý gia đình. Nhưng ông đừng nghĩ như vậy, vì tôi rất giỏi việc dệt vải và xử lý lông cừu. Sau khi ông qua đời, tôi có thể nuôi dạy con cái và quản lý gia đình.’”
“Hoặc ông có thể nghĩ rằng: ‘Sau khi tôi chết vợ tôi sẽ tái giá.’ Nhưng ông đừng nghĩ như vậy, vì tôi và ông đều biết, trong mười sáu năm qua, chúng ta đều sống cuộc đời thánh thiện của một người cư sĩ.”
“Hoặc ông có thể sẽ nghĩ: ‘Sau khi tôi chết, vợ con sẽ không còn khát vọng được gặp Đức Thế Tôn và chúng Tăng nữa.’ Nhưng ông đừng nghĩ như vậy, vì khát vọng được gặp họ sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn mà thôi.”
“Hoặc ông có thể nghĩ rằng: ‘Sau khi tôi chết, vợ con sẽ không còn giữ đức hạnh.’ Nhưng ông đừng nghĩ như vậy, vì chỉ cần Đức Thế Tôn còn cho phép thu nhận nữ đệ tử mặc áo trắng, tuân thủ đức hạnh tại gia, thì tôi vẫn là một trong những người đó. Ai mà còn nghi ngờ thì có thể đến hỏi Đức Thế Tôn.”
“Hoặc ông có thể nghĩ: ‘Sau khi tôi chết, vợ con không thể chuyên tâm.’ Nhưng ông đừng nghĩ như vậy, vì chỉ cần đức Thế Tôn vẫn thu nhận những người nữ đệ tử tại gia mặc trang phục màu trắng đạt tới cảnh giới đó, thì tôi là một trong những người đó. Ai mà còn nghi ngờ có thể đến hỏi đức Thế tôn.”
“Hoặc ông có thể nghĩ: ‘Vợ mình không thể thiết lập nền tảng kiên cố và chỗ đứng vững chắc trong Phật pháp và giới luật. Bà ấy sẽ không đạt được an lạc, giải tỏa nghi ngờ, xây dựng niềm tin, tự lập và tu tập theo lời dạy vị thầy hướng dẫn.’ Nhưng ông không phải lo về điều đó, bởi chỉ cần nữ đệ tử tại gia mặc trang phục màu trắng mà Thế Tôn thu nhận có thể thiết lập nền tảng kiên cố và chỗ đứng vững chắc trong Phật pháp và giới luật, đạt được an lạc, xóa bỏ nghi ngờ, xây dựng niềm tin, tự lập và tu tập theo lời dạy của các thầy, thì tôi sẽ là một trong những người đó. Nếu ai còn nghi ngờ, có thể đến hỏi Đức Thế Tôn.”
Nhờ những lời an ủi của vợ, bệnh tình của Nakulapita dần chuyển biến tốt, cuối cùng ông đã hồi phục. Ông ngồi dậy, chống gậy đi gặp Đức Phật, kể lại chuyện đó với Ngài. Đức Thế Tôn nói: “Đây là lợi ích của con. Con được Nakulamata hướng dẫn và dìu dắt; Bà ấy tràn đầy lòng từ bi và quan tâm tới hạnh phúc của con. Con được hưởng lợi rất nhiều từ điều đó.”
Ngày 20 tháng 07
Tôi học được hai điều: không tự mãn với cảnh giới tốt đẹp mà mình đã đạt được, không nên từ bỏ những điều chưa đạt được. Tôi không bỏ cuộc, tiếp tục nỗ lực, đồng thời tôi nghĩ rằng: “Chỉ cần những điều có thể dùng sức người để đạt được thì dù da, xương, gân bị co rút, máu thịt khô cạn thì tôi cũng không từ nan.” Nhờ vào nỗ lực tinh tấn, tôi chứng đắc quả vị Chính giác không còn bị trói buộc và đạt được tự do.
Ngày 21 tháng 07
Không nhanh không chậm, tôi vượt qua được cơn hồng thủy. Nếu kéo dài thời gian, tôi sẽ bị chết đuối; nếu quá vội vàng, tôi sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của dòng nước. Và với cách không nhanh không chậm tôi đã vượt qua dòng nước lũ an toàn.
Ngày 22 tháng 07
Giống như đại dương ngày càng sâu hơn, không có hiện tượng dốc đứng đột ngột. Tương tự như vậy, Phật pháp và giới luật là phát triển từng bước, là một hình thức tu tập theo tuần tự, rèn luyện theo thứ tự; hoàn toàn không phải là sự giác ngộ một cách đột ngột.
Ngày 23 tháng 07
Vào một thuở nọ, khi ta vừa mới đắc đạo, đang ngồi dưới cội Bồ đề bên bờ sông Neranjara, Mara nói với ta: “Hãy nhập diệt1 đi! Đây là thời điểm tốt để Đức Thế Tôn nhập diệt.” Nhưng ta đã nói với Mara: “Khi các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, các cư sĩ tại gia có thể học tập sâu hơn, mở mang trí tuệ, rèn luyện tốt hơn, ghi nhớ giáo lý, thông hiểu mọi giáo lý lớn nhỏ, trau dồi đức hạnh, giảng dạy và hoằng truyền Phật pháp khiến đạo Phật được hưng thịnh, mở mang Phật pháp, giải thích kỹ càng khiến nó trở nên rõ ràng hơn, có thể phản bác lại những giáo lý sai lầm do người khác giảng dạy, truyền bá chân lý của tự do và niềm tin ra bên ngoài, thì lúc đó ta mới nhập diệt; khi cuộc sống tu tập đã thịnh hành, đã thành công nhận được sự đón nhận của chúng sinh, không còn bị xem thường, được phổ biến rộng rãi trong cõi trời và cõi người, thì lúc đó ta mới nhập diệt.”
1. Nhập diệt: Nhập vào cõi vắng lặng, Niết bàn.
Ngày 24 tháng 07
Có năm điều mà đệ tử xuất gia và các cư sĩ tại gia cần ghi nhớ. Đó là năm điều gì? “Tuổi già cuối cùng rồi cũng sẽ tìm đến chúng ta, chúng ta chưa vượt qua được nó; bệnh tật cuối cùng rồi cũng sẽ tìm đến chúng ta, chúng ta chưa qua được nó; cái chết cuối cùng rồi cũng sẽ tìm đến chúng ta, chúng ta chưa vượt qua được nó; tôi là kết quả của nghiệp báo chính mình, là người gánh chịu nghiệp báo - nghiệp chính là nguồn gốc, thân thuộc về nền tảng. Bất cứ nghiệp nào do tôi tạo ra, cho dù là thiện hay ác, tôi đều phải gánh chịu hậu quả.” Năm điều này, những người xuất gia hay cư sĩ tại gia đều phải nhớ lấy.
Ngày 25 tháng 07
Ở vùng phía Nam có một kiểu lễ rửa tội, trong khi hành lễ cần chuẩn bị đầy đủ thức ăn cứng và mềm, kẹo ngọt và đồ uống, ca hát, nhảy múa và có cả âm nhạc. Tuy đây là lễ rửa tội, nhưng nó không gột rửa được bất cứ điều gì. Nó là một hoạt động thấp kém, tầm thường, dung tục, đáng xấu hổ, không thể giúp con người hành thiện, loại bỏ điều ác, loại bỏ dục vọng, ổn định tâm trí, đạt được kiến thức uyên thâm và giác ngộ Niết bàn.
Ta sẽ giảng giải cho mọi người một kiểu rửa tội khác. Nó có thể giúp con người hành thiện, loại bỏ điều ác, loại bỏ dục vọng, ổn định tâm trí, đạt được kiến thức uyên thâm và giác ngộ Niết bàn. Nó còn có thể giúp chúng sinh thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi sự yếu đuối, chết chóc, bi thương, đau khổ, đau buồn, phiền muộn, tuyệt vọng. Vậy thì cách thức rửa tội như thế nào? Một người nếu có được Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định, tự do và tri thức hoàn thiện và tự do, thì cái thấy sai lầm, suy nghĩ sai lầm và lời nói sai lầm của người đó đều được gột rửa sạch, tình trạng xấu xa do những điều trên gây ra cũng được rửa sạch. Các điều kiện để sản sinh cảnh giới tốt thông qua Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định cũng trở nên tốt hơn.
Ngày 26 tháng 07
Khi ta giao tiếp với người khác, thời điểm giao tiếp có thể là thích đáng hoặc không thích đáng; nội dung giao tiếp có thể phù hợp với thực tế hoặc xa rời thực tế, hợp với tôn chỉ hoặc xa rời tôn chỉ; ngữ khí nói chuyện có thể nhã nhặn hoặc thô lỗ; trong lòng có thể tràn đầy tình yêu thương hoặc đầy sân hận.
Chúng ta nên tự rèn luyện bản thân bằng cách: “Tâm không mang ý niệm sai lầm, miệng không nói lời ác ý, thể hiện sự ôn hòa nhân từ, đầy tình yêu thương, sống không thù hận. Trước tiên nên thể hiện lòng nhân từ đối với một ai đó, dần dần lan tỏa nó ra khắp thế giới mà không có giới hạn, để nó trở thành một tình thương vô lượng vô biên, không có giới hạn, không có ác niệm và không có sân hận.” Chúng ta nên tự rèn luyện bản thân mình như vậy.
Ngày 27 tháng 07
Thế nào là ngưỡng mộ sai lầm? Ví dụ, có một cư sĩ hoặc con trai ông ta có rất nhiều lúa mì, vàng và bạc, tôi tớ trong nhà nhìn thấy sẽ nghĩ: “Nếu như số của cải này không thuộc về họ!” hoặc giả có một Sa môn hoặc Bà la môn được người khác tặng nhiều quần áo, lương thực, chỗ ở, thuốc thang, rồi có một Sa môn hoặc Bà la môn khác nhìn thấy sẽ nghĩ: “Nếu như họ không nhận được nhiều đồ vật như vậy!” đó là sự ngưỡng mộ sai lầm. Ta không thể loại bỏ sự ngưỡng mộ sai lầm này bằng lời nói hay hành động. Chỉ có thể nhờ vào trí tuệ để nhìn thấu nó mới có thể tiêu trừ được nó.
Ngày 28 tháng 07
Con người nên kiểm soát được lời nói và suy nghĩ,
Cũng không nên để thân thể làm điều sai trái.
Nếu gia đình giàu có về vật chất,
Nên chia sẻ với người khác,
Đối xử với mọi người bằng sự ôn hòa và tự tin,
Lời nói cũng nên thân thiện và gần gũi.
Ngày 29 tháng 07
Một người, nếu sáng trưa chiều tối đều bố thí một trăm đồng, hoặc sáng trưa chiều tối đều phát triển lòng yêu thương của mình, cho dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thời gian vắt sữa cho một chú bò. Nếu so sánh hai hành động này thì hành động thứ hai có lợi hơn. Vì vậy, chúng ta cũng nên rèn luyện bản thân mình như vậy và nên nghĩ rằng: “Chúng ta thông qua tình yêu thương để phát triển tâm tự do, chúng ta thường xuyên tu tập, giúp tình yêu thương trở thành phương tiện và nền tảng cho chính mình. Chúng ta nên hỗ trợ, bảo vệ và phát triển nó.”
Ngày 30 tháng 07
Nếu một người nào đó nắm bắt được lời kinh một cách chính xác, rồi thực hành theo những lời dạy trong kinh đã chỉ dẫn, thì người đó sẽ có trách nhiệm với niềm vui, hạnh phúc và lợi ích của chúng sinh. Ngoài ra, họ sẽ tạo nên nghiệp thiện lớn và giúp ích cho việc củng cố Phật pháp.
Ngày 31 tháng 07
Cư sĩ Nakulapita thưa với Đức Thế Tôn rằng: “Thưa Đức Thế Tôn, con là người già cả yếu đau, không còn sống được bao lâu nữa, được gặp Đức Thế Tôn đáng kính và chúng Tăng là một điều rất đáng quý. Vì vậy, mong Đức Thế Tôn hãy động viên an ủi con. Điều này sẽ khiến cho con được hưởng lợi và vui vẻ trong một thời gian dài.”
“Này cư sĩ, con nói rất đúng. Thật là ngu ngốc khi một người có thân xác thịt lại tuyên bố rằng anh ta có sức khỏe cho dù chỉ trong chốc lát. Vì vậy, con nên rèn luyện bản thân, phải tự nghĩ rằng: ‘Tuy thân xác thịt của ta đang bị bệnh, nhưng tâm của ta thì không.’ Con nên tự rèn luyện mình như vậy.”