Ngày 01 tháng 06
Còn điều gì khác ta nên làm? Ta nên nghĩ rằng: “Cử chỉ nên chuyên chính, trong sáng, quang minh lỗi lạc, không chút tì vết và biết tự tiết chế. Nhưng tuyệt đối không được vì bản thân đã thuần khiết mà trở nên tự cao tự đại, coi thường người khác.” Ta nên tự rèn luyện bản thân mình như vậy.
Ngày 02 tháng 06
Trên thế gian này có tám loại người luôn trốn tránh trách nhiệm. Tám lỗi họ mắc phải là gì? Khi một người bị đồng nghiệp trách cứ, anh ta thường xuyên viện cớ hay quên và nói: “Tôi không nhớ, tôi không nhớ.” Điều này giống như một con ngựa bất kham bị người phu xe quất roi thúc giục, bắt đầu lồng lên, quay đầu xe chạy ngược lại. Kiểu người đó giống y như loại ngựa này.
Khi bị đồng nghiệp trách móc, anh ta gân cổ lên cãi lại: “Anh lấy tư cách gì mà nói như vậy, anh dựa vào đâu mà cho rằng mình có thể nói những lời đó!” Điều này chẳng khác gì con ngựa bất kham nhảy ngược ra phía sau đạp gãy cả thùng chắn trên xe ngựa. Kiểu người đó giống y như loại ngựa này.
Ngoài ra, khi bị đồng nghiệp trách móc, anh ta bắt bẻ: “Anh cũng làm như vậy đấy, hãy sửa mình trước đi!” Điều này chẳng khác gì con ngựa bất kham vì giằng co để thoát khỏi hai chân đang bị trói ở cột mà giẫm hỏng cả cột. Kiểu người đó giống y như loại ngựa này.
Lại nữa, khi bị đồng nghiệp trách móc, anh ta lảng tránh không trả lời, trở nên tức giận, tỏ ra cáu gắt. Điều này chẳng khác gì con ngựa bất kham đi nhầm đường khiến cho xe ngựa rung lắc không thôi. Kiểu người đó giống y như loại ngựa này.
Lại nữa, khi bị đồng nghiệp trách móc, thậm chí anh ta khua chân múa tay với người khác, biện hộ cho lỗi sai của mình. Điều này giống như một con ngựa bất kham nhảy chồm người lên tung vó đá. Kiểu người đó cũng giống như loại ngựa này.
Lại nữa, khi bị đồng nghiệp trách móc, anh ta phớt lờ không quan tâm tới người khiển trách và mọi người, vẫn tiếp tục làm bất cứ điều gì mình muốn. Điều này giống như một con ngựa bất kham không nghe lời người phu xe, không sợ đòn roi, chỉ cắn chặt dây cương. Kiểu người đó cũng giống như loại ngựa này.
Lại nữa, khi bị đồng nghiệp trách móc, anh ta nói rằng: “Tôi không sai, tôi chẳng quan tâm” rồi không lên tiếng nữa, khiến mọi người ai cũng bực bội. Điều này giống như một con ngựa bất kham khi bị thúc giục nhưng không chịu tiến lên cũng không lùi lại, đứng ì ra như một cái cột. Kiểu người đó cũng giống như loại ngựa này.
Lại nữa, khi bị đồng nghiệp trách móc, anh ta nói rằng: “Mọi người cần gì phải lo cho tôi, tôi muốn buông bỏ tu tập, tôi muốn sống cuộc sống của một kẻ phàm phu, mọi người vừa lòng rồi chứ!” Điều này giống như một con ngựa bất kham khi bị phu xe quất roi thúc giục liền chùn bước khụy chân ngồi xuống. Kiểu người đó cũng giống như loại ngựa này.
Ngày 03 tháng 06
Chứng kiến một Tỳ kheo đạt được sự giải thoát nhờ có đức hạnh, định lực1, sự tinh tế, tri thức và sự quán sát, có ích không ít với chúng ta; được nghe những sự tích về một Tỳ kheo như vậy, cũng rất có ích cho chúng ta. Nếu có thể được diện kiến vị Tỳ kheo ấy, ngồi bên cạnh vị ấy, ghi nhớ những điều vị ấy giảng giải, noi theo vị ấy để sống đời thánh thiện, sẽ thực sự có lợi cho chúng ta.
1. Định lực (H.定力, P. Samādhibala): chỉ sức mạnh do thiền định mang lại nhằm loại bỏ mọi tham ái.
Ngày 04 tháng 06
Bà la môn Aramadanda nói: “Thưa thầy Kaccana, tại sao quý tộc, Bà la môn và cư sĩ thường cãi cọ nhau?”
“Bởi họ chấp vào ham muốn nhục dục, bị ràng buộc và phải làm nô lệ cho nhục dục.”
“Thưa thầy Kaccana, tại sao các Sa môn cũng cãi cọ nhau?”
“Bởi vì họ tham lam, chấp trước vào quan niệm; bị ràng buộc và làm nô lệ cho quan niệm.”
Ngày 05 tháng 06
Phụ nữ nếu nắm vững bốn năng lực này thì có thể làm chủ thế giới. Đó là bốn khả năng nào? Phụ nữ nên quản lý công việc một cách thỏa đáng, quản lý người làm một cách hợp lý, giành được tình yêu của chồng và bảo vệ tốt tài sản của chồng.
Phụ nữ nên quản lý công việc của mình như thế nào cho hợp lý? Khi chăm lo công việc làm ăn của gia đình chồng, dù là ngành len hay bông, thì đều phải nắm rõ, không ghét bỏ nó, hơn nữa còn có thể linh hoạt sử dụng các biện pháp khác nhau để sắp xếp và triển khai công việc.
Phụ nữ nên quản lý người làm thế nào cho hợp lý? Khi quản lý người lao động trong gia đình chồng, cho dù là người giúp việc, người đưa thư hay chỉ là người làm công việc vặt thì đều phải nắm rõ tình hình công việc của họ như thế nào, họ đã hoàn thành tốt công việc hay chưa. Đồng thời cũng nắm rõ tình trạng của những người làm đau ốm, dựa vào tình trạng của họ để phân phối phần thức ăn cứng mềm phù hợp cho họ.
Người phụ nữ nên làm thế nào để có được tình yêu của chồng? Cô ấy sẽ không làm bất cứ điều gì mà người chồng không thích, ngay cả khi việc đó có thể cứu mạng cô ấy, thì cô cũng không làm.
Người phụ nữ nên làm thế nào để bảo vệ tài sản của chồng? Cô ấy nên bảo quản tốt tiền bạc, lương thực, vàng bạc v.v do chồng mang về, giữ gìn cẩn thận, không để bị trộm cắp, lạm dụng hay lãng phí.
Ngày 06 tháng 06
Khi tranh cãi, nếu bên mắc lỗi và bên trách lỗi không tự kiểm điểm bản thân sẽ khiến cho việc tranh cãi khó mà hòa giải được, dẫn đến đôi bên không vui, không thể hòa thuận với nhau. Đôi bên nên nghiêm túc kiểm điểm như thế nào? Bên mắc lỗi cần tự nghĩ: “Mình mắc lỗi, bị anh ta bắt gặp, chính vì vậy mà anh ta mới tức giận, trách mắng mình, mình tức giận nên mới đi nói xấu anh ta. Rốt cuộc, mình vẫn là người sai.” Người trách mắng nên tự kiểm điểm như thế nào? Anh ta nên tự kiểm điểm: “Người kia tuy làm sai một số việc và bị mình bắt gặp. Nếu anh ta không từng làm điều gì sai thì mình cũng sẽ không bắt gặp. Bây giờ anh ta đã phạm sai lầm, mình là người nhìn thấy, mình thấy không hài lòng nên đã trách mắng anh ta. Anh ta tức giận mới đi đặt điều nói xấu mình với người khác. Cho nên, người có lỗi là mình.”
Đúng vậy, nếu đôi bên biết tự kiểm điểm thì mọi người có thể sống hòa thuận với nhau.
Ngày 07 tháng 06
Có bốn kiểu người có thể soi sáng Tăng đoàn, họ thực sự là những người có trí tuệ, những người giữ giới luật, những người đầy lòng tin tưởng, những người có học và những người tu trì theo pháp Phật. Bốn kiểu người đó là ai? Đó là các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thiện nam và tín nữ.
Nếu ai là người có trí tuệ, lòng tin tràn đầy, học vấn uyên bác
Gìn giữ giới luật và như pháp tu hành,
Đó được gọi là “ánh sáng của Tăng đoàn”,
Các Tỳ kheo với đức hạnh cao thượng,
Các Tỳ kheo ni học vấn uyên bác,
Những thiện nam tín nữ lòng tin tràn đầy,
Chính họ là người soi sáng Tăng đoàn,
Họ được biết đến như là “ánh sáng của Tăng đoàn”.
Ngày 08 tháng 06
Malunkaputta thưa với Đức Thế Tôn: “Thưa Đức Thế Tôn, khi con thiền định, con nghĩ rằng ‘Thế giới là hữu hạn, là vô hạn, vừa hữu hạn lại vừa vô hạn, hoặc vừa không hữu hạn cũng không vô hạn; con lại suy đoán xem linh hồn và thể xác là đồng nhất hay không đồng nhất; Như Lai sau khi nhập Niết bàn thì có tồn tại hay không tồn tại, hay là vừa tồn tại vừa không tồn tại, hay là chẳng phải tồn tại cũng không phải là không tồn tại’. Những phỏng đoán này Đức Thế Tôn chưa từng giải thích, Ngài luôn gạt nó sang một bên. Thưa Đức Thế Tôn, nếu Ngài không giải thích những điều này cho con, con sẽ thôi không tu nữa. Nếu Ngài thực sự biết câu trả lời thì xin giải thích cho con hiểu, nếu không Ngài hãy thẳng thắn thừa nhận rằng Ngài không biết!”
“Này Malunkaputta, ta đã từng nói với con rằng: ‘Hãy đến đây, hãy làm đệ tử của ta, ta sẽ giải đáp các vấn đề này cho con không?’”
“Bạch Đức Thế Tôn, không ạ.”
“Vậy, con có từng hỏi ta: ‘Chỉ khi nào Ngài trả lời những vấn đề này thì con mới làm đệ tử của Ngài không?’”
“Bạch Đức Thế Tôn, không ạ.”
“Nếu đã như vậy, thì con còn phàn nàn gì nữa hả kẻ ngốc kia? Nếu có người nói rằng chờ đến khi tất cả những điều nghi vấn này được giải đáp thì mới trở thành đệ tử của ta vậy thì có thể chưa đợi được câu trả lời anh ta đã chết rồi. Cũng giống như việc một người bị trúng tên độc, khi người khác mời thầy thuốc đến chữa cho anh ta thì anh ta lại nói:
‘Đợi một chút, trước khi rút tên độc ra, tôi muốn biết ai là người bắn tên? Anh ta xuất thân như thế nào? Cao hay thấp, béo hay gầy? Nếu không, tôi sẽ không rút mũi tên ra. Trước khi rút mũi tên ra, tôi muốn biết mũi tên được bắn bằng nỏ hay là cung? Nếu không tôi sẽ không rút mũi tên ra. Trước khi rút mũi tên ra, tôi muốn biết mũi tên được làm bằng thân cây lau, bằng gỗ hay là bằng trúc? Nếu không, tôi sẽ không rút mũi tên ra.’ Như vậy thì trước khi những câu hỏi này được trả lời thì anh ta đã chết rồi. Tương tự như vậy, nếu có người đợi đến khi trả lời được câu hỏi thế giới là vô hạn hay hữu hạn mới chịu làm đệ tử của ta thì chỉ e rằng trước khi có được câu trả lời thì người đó đã chết từ lâu rồi.”
“Có cần phải sống một cuộc đời thánh thiện?”
“Quyết định sống thánh thiện không phải là hỏi liệu thế giới là hữu hạn hay vô hạn, vừa hữu hạn lại vừa vô hạn, hay chẳng phải vô hạn cũng chẳng phải hữu hạn. Quyết định sống thánh thiện không phải để xác định linh hồn và thể xác có phải là đồng nhất hay không. Dù thế giới là hữu hạn hay vô hạn, sinh, lão, bệnh, tử, đau buồn, phiền não, đau đớn và thất vọng vẫn ở đó. Lời dạy của ta là cắt bỏ tất cả những điều này. Đối với những gì không giải thích được với ta, con phải hiểu rằng những điều này chưa được giải thích. Đối với những gì có có thể giải thích được, con phải hiểu rằng những điều này đã được giải thích. Những điều ta không giải thích là gì? Chính là những câu hỏi mang tính phỏng đoán của con. Vì sao như vậy? Bởi vì chúng cùng với mục đích tu hành không liên quan đến nhau, chúng không phải là nền tảng của đời sống thánh thiện, chúng không nuôi dưỡng sự cắt đứt, buông bỏ, trấn tĩnh, tĩnh lặng, kiến thức sâu sắc, giác ngộ và chứng đắc Niết bàn. Những điều ta đã giải thích là gì? Chính là Tứ diệu đế. Tại sao như vậy? Bởi vì nó với mục đích tu hành có liên quan đến nhau, nó là nền tảng của đời sống thánh thiện, nó thúc đẩy sự từ bỏ, từ bỏ, trấn tĩnh, tĩnh lặng, kiến thức sâu sắc, giác ngộ và chứng đắc Niết bàn.”
Ngày 09 tháng 06
Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhuti) cùng một Tỳ kheo mộ đạo đến gặp Đức Thế Tôn. Sau khi họ ngồi xuống, Đức Thế Tôn hỏi: “Tôn giả Tu Bồ Đề, Tỳ kheo này là ai?”
“Bạch Đức Thế Tôn, anh ấy là một tín đồ mộ đạo, là con trai của một tín đồ mộ đạo và đến từ một gia đình mộ đạo.”
“Nhưng, Tu Bồ Đề, anh ta có đầy đủ tố chất truyền thống của một người mộ đạo không?”
“Bạch Đức Thế tôn, xin Ngài hãy nói cho con biết phẩm chất truyền thống của người mộ đạo là gì, con có thể dựa vào đó để đánh giá vị Tỳ kheo này.”
“Vậy hãy chú ý lắng nghe cho kỹ! Tỳ kheo cần phải có đức hạnh, tuân thủ phép tắc tu hành, có thói quen tu tập tốt, có thể nhìn thấy nguy cơ xảy ra dù là lỗi nhỏ nhất, hành động nghiêm ngặt theo phép tắc. Hơn nữa, anh ta nên học Phật pháp nhiều hơn, nghiêm túc học tập và ghi nhớ trong lòng. Những kiến thức về Phật pháp cho dù là phần khởi đầu, phần giữa hay phần cuối, cho dù là câu từ hay ý nghĩa tất thảy đều rất tuyệt vời. Phật pháp cũng giúp cuộc sống thánh thiện và hoàn mỹ được hiển thị đầy đủ toàn diện. Tín đồ mộ đạo phải nghe nhiều, ghi nhớ nhiều, đọc nhiều, suy nghĩ nhiều và dùng trí tuệ để có cái nhìn thấu suốt hơn về Phật pháp.”
“Hơn nữa, anh ta cần phải gần gũi với người tốt, kết giao với người tốt, đồng hành cùng những người tốt.”
“Lại nữa, đó là anh ta phải dễ gần, nhẫn nại, thông minh lanh lợi, khả năng hiểu biết tốt, là một đối tượng giao tiếp tốt.”
“Lại nữa, đó là khi anh ta tiếp xúc với các đồng môn, cho dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ đều tỏ ra thông minh và tràn đầy nghị lực, biết suy nghĩ cho đồng môn, xử lý mọi việc một cách thỏa đáng.”
“Lại nữa, anh ta phải yêu mến Phật pháp, đạt được niềm vui từ giới luật và kiến thức Phật pháp sâu sắc, và rất vui vẻ khi chia sẻ những điều này với người khác.”
“Lại nữa, anh ta có thể dùng nghị lực kiên cường để loại bỏ những thói quen xấu, dùng ý chí kiên định để nuôi dưỡng thiện đức, cũng không nên vì có nhiều thiện đức mà mang đến gánh nặng đến nỗi lựa chọn rút lui.”
“Lại nữa, anh ta có thể dễ dàng đạt được ý thức thanh tịnh và niềm vui do Tứ thiền1 mang lại.”
1. Tứ thiền (Rupajhana): Là bốn cấp độ nhập định được chia thành Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.
“Lại nữa, anh ta có thể nhớ được tiền kiếp của mình, một kiếp trước, hai kiếp trước, năm kiếp trước, mười kiếp trước, một trăm kiếp trước, một vạn kiếp trước.”
“Lại nữa, anh ta có đôi mắt tinh tường, siêu việt, thanh tịnh hơn người thường, có thể nhìn thấu sự sinh diệt của chúng sinh.”
“Cuối cùng, trong kiếp này, anh ta có thể tự giác ngộ, quét sạch phiền não, đạt được tự do về tâm niệm, nhờ có trí tuệ mà đạt được tự do, và bảo vệ sự tự do đó. Hỡi Tu Bồ Đề, đây chính là phẩm chất của tín đồ mộ đạo.”
Ngày 10 tháng 06
Người vô gia cư tên Samandakani hỏi ngài Xá Lợi Phất: “Thưa Tôn giả, làm thế nào để phân biệt tốt xấu?”
“Này Tôn trưởng, luân hồi là điều không tốt, chấm dứt được luân hồi mới là tốt. Nếu còn luân hồi sẽ xuất hiện các hiện tượng không tốt sau: lạnh và nóng, đói và khát, phân và nước tiểu, bị thương vì lửa, bị thương vì đánh, bị thương vì bắn, thậm chí bị thương vì những lời nhục mạ trong lúc gặp gỡ người thân hay bạn bè. Nhưng khi chấm dứt được luân hồi sẽ có những hiện tượng tốt sau: không còn nóng và lạnh, không còn đói và khát, không còn phân và nước tiểu, không còn bị thương do bỏng, hay bị đánh, bị bắn và không phải chịu tổn thương vì những lời nhục mạ của người thân bạn bè nữa.”
Ngày 11 tháng 06
Có bốn phương pháp để tu tập Chính tinh tiến. Đó là bốn phương pháp nào? Chính là phải phát nguyện ngăn chặn những niệm ác còn chưa phát sinh, cố gắng tinh tiến, toàn tâm toàn lực hoàn thành mục tiêu này. Phát nguyện loại bỏ những niệm ác đã phát sinh, đồng thời nỗ lực tinh tiến, toàn tâm toàn ý hoàn thành mục tiêu này. Phát nguyện nuôi dưỡng những niệm thiện chưa sinh, đồng thời nỗ lực tinh tiến, toàn tâm toàn ý hoàn thành mục tiêu này. Phát nguyện thúc đẩy những niệm thiện đã nảy sinh, cầu nguyện cho nó duy trì lâu dài, không bị hỗn loạn, có sự tiến bộ, được nhân rộng, được nuôi dưỡng và đạt đến viên mãn. Đồng thời phải luôn nỗ lực tinh tiến, toàn tâm toàn ý để hoàn thành mục tiêu này.
Ngày 12 tháng 06
Từ bỏ hành vi xấu xa là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Nếu không thể thực hiện được, ta cũng sẽ không thúc giục con làm như vậy. Vì điều đó con không thể làm được nên ta sẽ nói với con rằng: “Hãy từ bỏ điều ác.” Nếu từ bỏ những việc làm xấu xa sẽ mang lại mất mát và đau buồn, thì ta sẽ không thúc giục con làm điều đó. Nhưng, nếu vứt bỏ nó có thể đem lại lợi ích và niềm vui thì ta sẽ thúc giục con rằng: “Hãy từ bỏ điều ác.”
Nuôi dưỡng điều thiện là việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Nếu không thể thực hiện được ta cũng không thúc giục con. Nếu như không thể làm được, ta sẽ nói với con rằng: “Hãy nuôi dưỡng điều thiện.” Nếu làm điều thiện sẽ mang lại mất mát và đau buồn thì ta sẽ không thúc giục con làm điều đó. Nhưng, nếu làm điều thiện có thể đem lại lợi ích và niềm vui thì ta sẽ thúc giục con rằng: “Hãy làm điều thiện.”
Ngày 13 tháng 06
Các thầy hướng dẫn phải coi học trò như con của mình, học trò cũng coi thầy như cha. Có như vậy hai bên mới tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa thuận, trưởng thành và tiến bộ trên con đường tu tập Phật pháp.
Ngày 14 tháng 06
Một người nếu có niềm tin vững chắc kiên định về Đức Như Lai, không bao giờ dao động vì bất kỳ một vị ẩn sĩ, Bà la môn, thiên thần, thần chết Mara, đấng sáng tạo Brahma hay người trần, người đó có thể khẳng định chắc chắn rằng: “Tôi là Phật tử chân chính, được sinh ra từ miệng Phật, từ Phật pháp, được bắt đầu bởi Phật pháp, là người thừa kế Phật pháp.”
Ngày 15 tháng 06
Đức Thế Tôn nói: “Nếu ngôn ngữ có đủ bốn tố chất sau, thì có thể gọi là thiện ngữ, không phải là những lời ác ngữ, sai lầm, không bị người trí quở trách. Đó là bốn tố chất nào? Chính là: Khi nói chuyện sử dụng những từ ngữ ngọt ngào không xấu xa, chính xác không sai lầm, nhẹ nhàng không gay gắt, chân thực không dối trá.”
Người có đức hạnh xem lời nói ngọt ngào đứng đầu,
Xem lời nói chính xác không sai lầm đứng thứ hai,
Xem lời nói nhẹ nhàng không gay gắt đứng thứ ba,
Xem lời nói chân thực không dối trá đứng thứ tư.
Lúc này, Tôn giả Vangisa từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt y lên vai, chắp tay hành lễ với Đức Phật, rồi nói: “Bạch Thế Tôn, con bỗng nhớ ra một số thứ.” Tiếp đó, Tôn giả Vangisa dùng những lời lẽ tươi đẹp để thưa với Đức Thế Tôn:
Con người chỉ nên nói những lời không làm tổn thương chính mình,
Cũng không làm tổn thương người khác,
Đó mới là những lời lẽ ngọt ngào đích thực.
Nên nói những lời nhẹ nhàng,
Khiến người khác dễ dàng đón nhận và cảm thấy vui vẻ,
Không nói lời có ác ý,
Giao tiếp thân thiện với người khác.
Lời nói chân thực không bao giờ mục nát,
Đó là chân lý vĩnh hằng,
Người có đức nên kiên trì sử dụng:
Lời nói chân thực, hữu dụng, chính xác.
Những lời dạy của Đức Phật,
Khiến người khác được an lạc,
Quét sạch phiền não, chứng ngộ Niết bàn.
Đó chính là những lời dạy tối thượng.
Ngày 16 tháng 06
Có người cho rằng con người ta một khi đã tạo nghiệp, thì mọi trải nghiệm của anh ta sau này đều được nghiệp đó định sẵn. Nếu giả thuyết này là đúng thì con người sẽ không thể có cuộc sống thánh thiện, bởi vì họ hoàn toàn không có cơ hội dứt trừ phiền não.
Có người cho rằng nếu một ai đó đã tạo nghiệp, thì cuộc sống sau này của họ sẽ gặp báo ứng. Nếu giả thuyết này là đúng, thì con người có thể có cuộc sống thánh thiện, bởi vì họ vẫn còn có cơ hội để dứt trừ phiền não.
Ví dụ, nếu một người tạo một nghiệp ác nhỏ, có thể kiếp này người đó sẽ gặp nghiệp báo, cũng có thể hoàn toàn không phải chịu nghiệp báo. Thiết nghĩ, loại người đó sẽ vì một chút tội lỗi nhỏ mà phải xuống địa ngục sao? Một người nếu không chuyên tâm đến việc tu tập thân, khẩu, ý, chưa mở mang trí tuệ, chưa rèn luyện bản thân, đó là một con người nhỏ bé. Cuộc sống của người đó sẽ bị hạn chế, không có hạnh phúc. Chỉ một chút nghiệp ác nhỏ cũng có thể khiến loại người này phải xuống địa ngục.
Nay có một người chuyên tâm tu tập phát triển thân, khẩu, ý, đã mở mang trí tuệ, đã rèn luyện bản thân, không còn là một con người nhỏ bé nữa. Cuộc sống của người ấy không bị hạn chế, là không thể đo lường. Những người như vậy, nếu kiếp này tạo một chút nghiệp ác nhỏ, có thể sẽ phải chịu nghiệp báo cũng có thể không.
Giả sử, có một người bỏ một viên muối vào cốc nước, cốc nước đó sẽ không thể uống được nữa. Tại vì sao vậy? Vì cốc nước đó rất nhỏ. Ví dụ một người bỏ viên muối vào sông Hằng thì nước sông vẫn có thể dùng được, tại vì sao vậy? Vì nước sông Hằng rất nhiều.
Ngày 17 tháng 06
Thiên thần hỏi Đức Thế Tôn: “Thưa Trưởng giả, mọi ẩn sĩ và Bà la môn có giảng dạy cùng một loại pháp, cùng tuân thủ một loại giới luật, mong muốn đạt được những điều giống nhau, theo đuổi cùng một mục tiêu giống nhau không?”
“Không phải vậy, này vua của các vị thần! Thế giới được tạo nên bởi nhiều yếu tố khác nhau, con người dựa dẫm vào một trong các yếu tố đó và chìm đắm trong đó. Họ nói rằng: ‘Chỉ có điều này mới là chân thực, những thứ khác đều là giả dối. Bởi vậy, các ẩn sĩ và Bà la môn đều không giảng dạy cùng một loại pháp, không tuân thủ cùng một giới luật, không mong muốn những điều giống nhau và không theo đuổi cùng một mục tiêu giống nhau.”
Ngày 18 tháng 06
Sức mạnh của tình thương là gì? Tình thương có bốn trụ cột vững chắc, đó là khảng khái bố thí; những lời hay ý đẹp thì nên lặp đi lặp lại nói cho những người chăm chú lắng nghe; sự giúp đỡ tốt nhất đó là động viên khích lệ, khơi dậy lòng tin ở những người thiếu lòng tin, tích đức cho những kẻ thiếu đức hạnh, bố thí cho những kẻ keo kiệt, mở mang trí tuệ cho kẻ ngu dốt. Sự đối xử bình đẳng cao nhất là đối đãi bình đẳng giữa quả vị Dự lưu và quả vị Dự lưu, quả vị Nhất lai và quả vị Nhất lai, quả vị Bất hoàn và quả vị Bất hoàn, thánh nhân và thánh nhân. Đó được gọi là sức mạnh của tình thương.
Ngày 19 tháng 06
Trên thế gian này, cuộc sống là vô thường khó lường,
Cuộc sống thì khó khăn, ngắn ngủi và đầy rẫy khổ đau.
Có sinh tất có tử, đó là bản chất của thế sự,
Có già tất có chết, đó là sự phát triển của thế sự.
Quả đã chín muồi, ắt sẽ rụng vào sớm mai,
Cũng giống như vậy, con người từ khi sinh ra, có thể sẽ phải chết bất cứ lúc nào.
Đồ vật do thợ gốm làm ra,
Cuối cùng rồi cũng nứt vỡ,
Cũng giống như vậy, mọi sinh mệnh rồi cũng phải kết thúc.
Cho dù già hay trẻ, ngu dốt hay thông minh,
Không ai có thể thoát khỏi cái chết,
Tất cả đều đang đi về phía chết chóc.
Họ bị cái chết khuất phục,
Lại tiếp tục đầu thai sang một thế giới khác,
Cha mẹ cũng không thể cứu được con cái,
Gia đình không cứu được các thành viên của mình.
Hãy nhìn xem! Họ hàng dõi theo, đau thương rơi lệ,
Từng người từng người rồi bị khiêng đi,
Giống như trâu bò bị đem vào lò mổ.
Vì vậy, già và chết là điều hết sức tự nhiên,
Người trí thấu rõ chân tướng thế gian,
Bởi vậy họ chẳng hề đau buồn.
Ngày 20 tháng 06
Khi có sự tồn tại của bất sinh, bất diệt,
Sao lại còn theo đuổi những thú vui bị ràng buộc bởi tuổi già và cái chết?
Mọi sự sinh ra đều không thể tránh khỏi bệnh tật và cái chết.
Đây chính là bất tử,
Đây cảnh giới của bất tử,
Không có đau thương và sân hận,
Không có trở ngại và vấp ngã,
Không có sợ hãi và thiêu đốt.
Đây là cảnh giới của bất tử,
Rất nhiều người đã từng chứng ngộ,
Những người tự thân nỗ lực, hôm nay cũng có thể được chứng ngộ,
Những người không chịu cố gắng, thì không có thể nào chứng ngộ.
Ngày 21 tháng 06
Khi Tôn giả Sona một mình tu tập thiền định, ngài nghĩ: “Các đệ tử của Đức Thế Tôn đều tu tập với năng lượng dồi dào. Ta cũng là đệ tử của Đức Thế Tôn, nhưng lo sợ tâm niệm không thoát khỏi phiền não. Gia đình ta giàu có, hoàn toàn có thể từ bỏ tu tập, hoàn tục về nhà hưởng thụ cuộc sống và tiếp tục hành thiện.”
Lúc này, Đức Thế Tôn biết được suy nghĩ của Tôn giả Sona, Ngài lập tức xuất hiện trước mặt Tôn giả Sona dễ dàng như vươn bàn tay ra vậy, Ngài nói: “Này Sona, có phải trước khi xuất gia con rất giỏi đánh đàn?”
“Đúng vậy, thưa Thế Tôn.”
“Khi dây đàn quá căng, tiếng đàn nghe có hay không? Có thể chơi nhạc được không?”
“Không thể, thưa Thế Tôn.”
“Vậy khi dây đàn quá chùng, tiếng đàn nghe có hay không? Có thể chơi nhạc không?”
“Không thể, thưa Thế Tôn.”
“Khi dây đàn được chỉnh không quá căng cũng không quá chùng, âm thanh vừa phải, tiếng đàn nghe có hay không? Có thể chơi nhạc không?”
“Dạ được, thưa Thế Tôn.”
“Cũng tương tự như vậy, này Sona, vội vã mong thành công đến sớm sẽ gây nên hoảng loạn; nếu thả lỏng quá, lại khiến ta lười nhác, duy chỉ có giữ vững cân bằng, giúp các phương diện đều được phát triển cân bằng, mới có thể đạt được sự giác ngộ có giá trị.”
Ngày 22 tháng 06
Quốc vương Milindl hỏi rằng: “Thưa tôn giả Na Tiên, đặc tính của niềm tin là gì?”
“Niềm tin có hai đặc tính là yên tĩnh và hăng hái.”
“Đặc tính yên tĩnh của niềm tin là như thế nào?”
“Khi niềm tin khởi lên, nó có thể phá vỡ mọi sự trở ngại. Khi tâm trí không còn trở ngại, mọi thứ đều trong suốt, thuần khiết và yên tĩnh.”
“Ngài hãy lấy một ví dụ cho ta nghe đi!”
“Một vị vua dẫn bốn đạo quân gồm có voi, kỵ binh, chiến xa và bộ binh băng qua một con suối. Nước suối đã bị đoàn quân làm cho vẩn đục. Lúc này, quốc vương có thể nói: ‘Lấy nước lại đây cho ta! Chúng ta cùng nhau uống.’ Quân lính sẽ trả lời: ‘Tuân lệnh, thưa Bệ hạ.’ Nói rồi, quân lính lập tức lấy viên ngọc quý có phép thuật làm lắng trong dòng nước ra. Họ thả viên ngọc xuống nước, rong rêu lập tức biến mất, bùn đất lắng xuống đáy. Nước suối trong trở lại, tinh khiết và tĩnh lặng. Sau đó họ múc nước dâng lên cho Quốc vương và nói: ‘Mời bệ hạ dùng nước.’”.
“Tâm trí cũng phải giống như nước, chúng sinh giống như những hành giả tu tập thiền định nghiêm túc, phiền não giống như rong rêu và bùn đất, còn niềm tin chính là viên ngọc có phép thuật làm trong dòng nước. Khi thả viên ngọc vào nước, rong rêu biến mất, bùn đất lắng xuống, nước trong xanh trở lại, tinh khiết và yên tĩnh. Tương tự như vậy, khi niềm tin khởi phát, mọi trở ngại đều được loại bỏ. Không có trở ngại nữa thì tâm trí sẽ trở nên trong sáng, tinh khiết và yên bình.”
“Thưa Tôn giả, đặc tính hăng hái của niềm tin là như thế nào?”
“Thưa bệ hạ, khi một học sinh tu tập thiền định nghiêm túc, họ sẽ nhìn thấy tâm niệm của mình đã được giải thoát, bản thân sẽ hăng hái chứng nhập quả vị Dự lưu, quả vị Nhất lai, quả vị Bất lai hoặc quả vị A la hán; Tu tập thiền định để đạt được những điều mình giác ngộ, nắm bắt những điều mình còn chưa nắm bắt được, hiểu rõ những điều mình chưa hiểu. Do vậy, hăng hái chính là đặc tính của niềm tin.”
“Ngài hãy lấy một ví dụ nữa đi!”
“Giống như một đám mây giông, biến thành nước rơi xuống núi đồi. Nước mưa chảy xuống theo sườn núi, lấp đầy khe núi, sơn cốc, khe suối và sông hồ, thậm chí làm vỡ cả đê điều. Giờ đây có nhóm người đang đứng bên bờ sông, do không biết được độ sâu rộng của dòng sông, nên cảm thấy sợ hãi, không dám tiến lên. Có một người khá tự tin về khả năng và sức lực của mình đã tiến gần ra bờ sông, buộc dây thừng vào eo và lội xuống nước, sang được bờ bên kia. Những người khác nhìn thấy vậy liền học theo anh ta qua sông. Tương tự như vậy, người tu tập thiền định nghiêm túc khi nhận thấy tâm niệm của mình đã được giải thoát, bản thân liền hăng hái chứng nhập quả vị Dự lưu, quả vị Nhất lai, quả vị Bất lai hoặc quả vị A la hán; tu tập thiền định giác ngộ những điều chưa giác ngộ, nắm bắt những điều còn chưa nắm bắt, hiểu rõ những điều còn chưa hiểu. Do vậy, hăng hái là đặc tính của niềm tin.”
Ngày 23 tháng 06
Khi chúng ta nghĩ rằng: “Có ai đó đã làm hại mình, đang làm hại mình, sẽ làm hại mình”, ngay lúc đó chúng ta đã khởi lên tâm sân hận.
Khi chúng ta nghĩ rằng: “Có ai đó đã làm hại người mình yêu thương, người mình quý trọng; đang làm hại người mình yêu thương, người mình quý trọng; sẽ làm hại người mình yêu thương, người mình quý trọng”, ngay lúc đó chúng ta đã khởi lên tâm sân hận.
Khi chúng ta nghĩ rằng: “Có ai đó đã đối tốt với người mình không thương yêu, người mình không quý trọng; đang đối tốt với người mình không thương yêu, người mình không quý trọng; sẽ đối tốt với người mình không thương yêu, người mình không quý trọng”, ngay lúc đó tâm sân hận của chúng ta đã khởi lên.
Như vậy khi không chúng ta lại bị những điều đó làm cho khó chịu.
Ngày 24 tháng 06
“Này các Tỳ kheo! Bà la môn và các cư sĩ đã giúp đỡ mọi người rất nhiều. Họ cho mọi người quần áo, bình bát, nơi ở, ghế ngồi, thuốc thang và vật dụng chữa bệnh. Mọi người cũng đã giúp đỡ Bà la môn và các cư sĩ rất nhiều. Mọi người giảng giải cho họ những điều cao quý của Phật pháp, cho dù là phần đầu, phần giữa hay phần cuối, cho dù là trên câu chữ hay ý nghĩa đều rất tuyệt diệu; giới thiệu với họ sự hoàn hảo thuần khiết của cuộc sống thánh thiện. Vì vậy, trong cuộc sống thánh thiện, hai bên có thể hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua cơn lũ, cắt đứt phiền não.”
Ngày 25 tháng 06
Đức Phật giống như người truyền lại di sản Phật pháp; Phật pháp chính là món di sản đó; Tăng đoàn như nhóm con cái, họ là những người sẽ thừa kế phần di sản trên; họ là những người kế thừa Phật pháp.
Ngày 26 tháng 06
Có một số Sa môn, Bà la môn nhận sự cúng dường của tín đồ, đồng thời cũng kiếm sống bằng những kỹ năng khiêm tốn. Họ làm những nghề không chính đáng như xem bói tay, xem tướng số, bói may rủi, giải mộng, tìm kiếm dấu hiệu tốt lành, xem bói chuột, cúng tế thần linh bằng các lễ vật như cám gạo, cám ngô, ngũ cốc, tế thần lửa bằng bơ và các vật khác, tế thần bằng vật trong miệng hoặc máu, xem bói đầu ngón tay, học thuyết nhà ở, học thuyết sân vườn, học thuyết quạ, bói tuổi thọ, làm bùa tránh mũi tên, giải mộng về động vật v.v. Sa môn Cồ Đàm không muốn học theo những thủ thuật thấp kém đó, đó đều là những nghề không chính đáng.
Ngày 27 tháng 06
Cũng giống như bình minh là tiền đề cho mặt trời mọc, gần gũi với chân thiện mỹ chính là đang tiến gần đến con đường Bát chính đạo. Khi một người kết bạn với chân thiện mỹ, thì nhất định sẽ nuôi dưỡng và phát triển được Bát chính đạo.
Ngày 28 tháng 06
Người có đức hạnh viên mãn không cần phải cố ý nghĩ rằng: “Cầu mong cho tôi tránh khỏi những điều đáng tiếc”, vì những người có đức hạnh viên mãn tự nhiên sẽ tránh khỏi những điều đáng tiếc. Người đã tránh khỏi những điều đáng tiếc cũng không cần có ý nghĩ: “Cầu mong cho tôi được vui vẻ”, vì khi tránh khỏi những điều đáng tiếc tự nhiên sẽ được hoan hỷ.
Ngày 29 tháng 06
Một người chuyên tâm dốc sức cho việc thanh tịnh, thì cho dù khi thức hay khi ngủ đều cảm thấy an lạc, ngũ căn thanh tịnh, tâm niệm cũng được thanh tịnh. Họ biết liêm sỉ, sợ phạm sai lầm, tự tin, quyết tâm giác ngộ cảnh giới cao nhất. Họ được đồng môn kính trọng và tôn sùng. Cho dù họ không đạt được cảnh giới giác ngộ cao nhất thì cũng được tái sinh vào nơi tốt lành.
Ngày 30 tháng 06
Trên đời, ân huệ của hai kiểu người sau là khó trả nhất. Đó là hai kiểu người nào? Chính là cha và mẹ của chúng ta. Dù cho chúng ta có cõng cha mẹ trên lưng hàng trăm năm, đỡ đần chăm sóc, thuốc thang, tắm rửa, xoa bóp chân tay, vệ sinh chất bài tiết v.v. cũng không thể nào báo đáp đủ công ơn của cha mẹ. Cho dù chúng ta cho họ quyền cai quản cả thế giới này, cũng không thể nào báo đáp đủ. Tại sao như vậy? Bởi vì cha mẹ đã hi sinh quá nhiều cho con cái: Nuôi dưỡng, dạy dỗ, họ là người đã đưa chúng ta đến với thế gian này. Nhưng nếu chúng ta làm cho cha mẹ từ những người không tin vào Phật pháp, trở nên tin sâu vào Phật pháp, từ không có đức hạnh trở nên có đức hạnh, từ keo kiệt trở nên khảng khái bố thí, từ ngu dại trở thành những người có trí tuệ, thì ta đã báo đáp được công ơn của cha mẹ. Thậm chí ta đã làm được nhiều hơn những gì cần thiết để báo đáp công ơn của cha mẹ.