Ngày 01 tháng 05
Người chăm chỉ sẽ có lòng tin, không nghi ngờ.
Người chăm chỉ luôn tràn đầy năng lượng, không lười biếng.
Người chăm chỉ ổn định chuyên chú, không phân tán.
Người chăm chỉ hiểu biết rõ ràng, không hỗn loạn.
Người chăm chỉ trí tuệ uyên bác, không ngu muội.
Khi bạn có năm phẩm chất này, bạn nên trau dồi thêm sáu phẩm chất nữa. Đối với Đức Như Lai, bạn nên suy nghĩ: “Như Lai là Đức Thế Tôn, là đấng tối cao (người được tôn vinh nhất trên thế gian), Chính Biến Tri (có thể biết mọi sự trên đời một cách chính xác), Minh Hạnh Túc (viên mãn hoàn thiện về cả đức hạnh và thiện hạnh), Thiện Thệ (tuy Ngài đã nhập Niết bàn nhưng không bao giờ bỏ rơi chúng sinh), Thế Gian Giải (thấu hiểu mọi lý lẽ trên thế gian), Điều Ngự Trượng Phu (có thể khéo léo điều chỉnh gốc rễ bản tính của chúng sinh và hướng dẫn họ), Thiên Nhân Sư (là người thầy giảng dạy cho cả con người và thần thánh), Ứng Cúng (đức hạnh viên mãn, được mọi người cúng dường), Thế Tôn (là người được cả thế giới kính trọng).
Đối với Phật pháp, bạn phải nên nghĩ như vầy: “Những lời dạy của Thế Tôn về Phật pháp là tuyệt đối hoàn hảo. Phật pháp dễ dàng nhận thấy, không bị giới hạn bởi thời gian, ai cũng có thể đích thân trải nghiệm, Phật pháp là sự vươn lên, người trí có thể tự mình chứng ngộ.”
Đối với Tăng đoàn, bạn nên suy nghĩ: “Đệ tử của Đức Thế Tôn tu tập rất vui vẻ, rất thẳng thắn, rất chính xác, rất có phép tắc. Bốn cặp người này, tám kiểu người này đều đáng để cúng dường, tiếp đãi tận tình, tặng lễ vật và chắp tay đảnh lễ, họ là cội nguồn của sự tốt lành mà trên thế gian này không gì sánh được.”
Đối với đức hạnh của bản thân, bạn nên suy nghĩ: “Nó là hoàn hảo vẹn toàn, không chút tì vết, không mất đi sự lộng lẫy, đem đến tự do, được người trí ca ngợi, nó là thuần khiết, có thể giúp tâm trí được tập trung.”
Đối với sự bố thí của bản thân, bạn nên suy nghĩ: “Bố thí đối với chúng ta chính là thu hoạch. Đứng giữa đám người keo kiệt, ta có thể khảng khái mở hầu bao, chia sẻ niềm vui, vui vẻ giúp người, hoan hỷ với sự bố thí.”
Đối với thiên thần, bạn nên suy nghĩ: “Tứ đại thiên vương, tam thập tam thiên thần, Nhã Mã thiên thần, Hoan Hỷ thiên thần, Chế Tạo thiên thần, Bảo Hộ thiên thần, các thiên thần xung quanh Brahma (Đại Phạm Thiên). Sự tự tin, đức hạnh, trí tuệ và bố thí của các vị thần linh này có được trước khi lên cõi trời, thì chúng ta cũng có đầy đủ như vậy.”
Khi đệ tử thánh thiện nghĩ được những điều đó, tâm niệm sẽ giải thoát được khỏi tham, sân, si. Lúc này, tâm niệm của người đó sẽ cố định vào những sự vật đó. Người đó thực sự cảm nhận được niềm vui của cái thiện, niềm vui của Phật pháp và những niềm vui do Phật pháp đem lại. Con người khi vui vẻ, cảm giác vui sướng sẽ nảy sinh một cách tự nhiên. Vì vui sướng, nên cơ thể có thể đạt được sự bình yên. Có được một cơ thể bình yên, họ sẽ cảm thấy vui vẻ, tâm niệm từ đó cũng có thể tập trung chuyên chú hơn, có câu nói hình dung một người như sau: “Người đệ tử thánh thiện khi nghĩ về Phật, Pháp, Tăng, suy nghĩ về đức hạnh, bố thí và thiên thần, anh ta có thể sống bình ổn giữa một đám người xôn xao.”
Ngày 02 tháng 05
Muốn thanh lọc đức hạnh thì cần những yếu tố gì? Khi tiến hành thanh lọc, một người có đức hạnh nên giữ được giới luật, lập chí quyết tâm thanh lọc được đức hạnh một cách triệt để như sau: “Nếu đức hạnh của tôi không được viên mãn, tôi sẽ cố gắng thanh lọc, khiến chúng trở nên viên mãn. Cho dù đức hạnh của tôi đã viên mãn, tôi vẫn tiếp tục củng cố chúng bằng trí tuệ.” Đó chính là sự thanh lọc đức hạnh một các hoàn hảo. Lập ước nguyện, tinh lực, nghị lực, phấn đấu, sự cảnh giác cũng như sự tập trung cao độ xảy ra trong quá trình thanh lọc đều là yếu tố quan trọng để thanh lọc đức hạnh.
Ngày 03 tháng 05
Những người có thừa niềm tin nhưng không đủ trí tuệ thì sẽ thiếu khả năng phán đoán, niềm tin của họ thiếu căn cứ. Những người có trí tuệ hơn người mà thiếu đi lòng tin thì cái sai của họ nằm ở chỗ gian dối xảo quyệt, thói quen này cũng giống như việc uống nhầm thuốc, khó lòng mà “chữa” khỏi bệnh. Một người đạt được sự cân bằng giữa niềm tin và trí tuệ chỉ tin tưởng vào những sự vật có căn cứ.
Ngày 04 tháng 05
Đệ tử của Nigantha Nataputla là Asibandha Kaputla đến gặp Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi anh ta: “Nigantha Nataputla dạy các đệ tử những giáo lý gì?”
“Bạch Đức Thế Tôn, Nigantha Nataputla dạy rằng: Nếu một người đã quen với việc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, thì anh ta sẽ bị xuống địa ngục. Vận mệnh của con người được quyết định bởi thói quen và hành động hàng ngày của chính họ.”
“Nhưng theo như những gì con nói: Vận mệnh của con người được quyết định bởi thói quen và hành động hàng ngày của chính họ. Vậy thì, chiếu theo những điều Nigantha Nataputla giảng, sẽ không có ai phải xuống địa ngục. Giả sử có một người chỉ sát sinh vào buổi sáng hoặc buổi tối hoặc vào thời điểm nhất định nào đó, vậy con thấy hành động thói quen của người kia là sát sinh hay không sát sinh?”
“Thưa Thế Tôn, hành động thói quen của người đó là không sát sinh.”
“Giả sử có người thầy dạy bảo các đệ tử như vậy. Nếu có người đệ tử nào tin tưởng vào lời dạy của thầy sẽ nghĩ:
‘Thầy ta đã dạy rồi, nếu ai sát sinh, trộm cướp, tà dâm hoặc nói dối sẽ phải xuống địa ngục. Ta đã từng làm những việc này, nên nhất định ta sẽ bị đày xuống địa ngục’. Do vậy anh ta sẽ cố chấp với suy nghĩ này, không còn học cách chia sẻ, buông bỏ, không ngừng nghĩ về sự lý giải trên, kết quả là anh ta đã phải xuống địa ngục. Nhưng khi Như Lai còn tại thế, Ngài từng lên án, lên án rất nghiêm khắc việc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, Ngài nói: ‘Giữ gìn tuyệt đối những giới này’. Tôi đã từng làm những việc này, đó là sai trái, là không tốt. Hơn nữa, nghĩ về những giới này thì không thể thay đổi được gì nữa, tôi thấy rất hối hận.” Khi đã có suy nghĩ như vậy, anh ta liền từ bỏ những hành động đó, thoát khỏi ác đạo. Vì buông bỏ sát sinh, anh ta đã kiêng được sát sinh; vì buông bỏ trộm cướp, anh ta đã kiêng được trộm cướp; vì buông bỏ tà dâm, anh ta kiêng được tà dâm; anh ta cũng không còn nói lời khó nghe hay những câu nói nhảm nhí vô vị; anh ta đã bỏ được hết những điều đó; do buông bỏ được sự tham lam, anh ta trở nên khảng khái; do bỏ được sân hận, anh ta trở nên tử tế hơn; do bỏ được tà kiến, anh ta trở thành người có Chính kiến. Người đệ tử thánh thiện giải thoát khỏi tham, sân, si như vậy, thì tâm niệm sẽ trở nên phân minh, tập trung, không còn hỗn loạn. Anh ta sẽ phóng chiếu tâm từ bi hỷ xả tràn ngập khắp nơi, mọi ngóc ngách từ bên trên bên dưới cho đến đối diện, đồng thời khiến tâm từ bi hỷ xả được mở rộng và mạnh mẽ hơn. Giống như tráng sĩ thổi tù và, không cần phải nhọc công mà vẫn truyền tải thông điệp đi tứ phía. Giống như vậy, tấm lòng từ bi hỷ xả cũng có thể phát tán ra khắp nơi mà không cần giữ lại điều gì.
Ngày 05 tháng 05
Có hai việc có thể thiêu đốt lương tâm của một người. Đó là hai việc nào? Khi một người nhớ lại các nghiệp xấu về thân, khẩu, ý mà mình đã tạo ra hoặc nhớ lại việc mình không thực hiện các nghiệp tốt về thân, khẩu, ý, thì người đó sẽ bị thiêu đốt bởi sự ăn năn hối hận.
Ngày 06 tháng 05
Giữa món quà thế tục và món quà tinh thần, món quà thứ hai là tối cao.
Giữa sự chia sẻ trần tục và chia sẻ tinh thần, sự chia sẻ thứ hai là tối cao.
Giữa lòng nhân ái trần tục và lòng nhân ái tinh thần, lòng nhân ái thứ hai là tối cao.
Ngày 07 tháng 05
Thường xuyên kiểm điểm lỗi sai của bản thân là việc tốt,
Thường xuyên kiểm điểm lỗi sai của người khác là điều tốt.
Thường xuyên xem xét tiến bộ của bản thân là điều tốt,
Thường xuyên xem xét tiến bộ của người khác là điều tốt.
Ngày 08 tháng 05
Bản chất tự nhiên của nước là giữ vững cân bằng, không lay chuyển, không bị xáo trộn và thuần khiết. Những người nghiêm túc tu tập thiền định, sau khi loại trừ được sự lừa dối, lừa đảo, ám chỉ và che đậy, sẽ duy trì được bản chất cân bằng, không lay chuyển, không bị xáo trộn và tinh khiết như nước vậy.
Bản chất của nước cũng là êm đềm và mát mẻ. Những người nghiêm túc tu tập thiền định cũng nên như vậy, mở lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, cần phải có lòng nhẫn nại, tình yêu thương và lòng từ bi.
Hơn nữa, nước có thể chuyển hóa sự ô uế thành sạch sẽ. Người nghiêm túc tu tập thiền định cũng nên như vậy. Cho dù ở trong làng xóm, dưới gốc cây hay ở bất cứ tình huống nào cũng không bao giờ vi phạm pháp luật, không bị giáo thọ (upajjhàya) hay thầy giám hộ phê bình.
Hơn nữa, nước là điều mà mọi người khao khát mong cầu. Tương tự như vậy, người nghiêm túc tu tập thiền định, không nhiều ham muốn, biết biết đủ; họ có thể sống tách biệt, tự tu tập thiền định một mình. Là đối tượng luôn được chúng sinh hướng tới.
Cuối cùng, nước không gây phiền phức cho bất cứ ai. Những người nghiêm túc tu tập thiền định cũng nên như vậy, tránh phạm sai lầm về thân, khẩu, ý, gây ra tranh chấp, cãi cọ, tranh luận với người khác, bỏ qua thiền định rồi sinh ra ghét bỏ và thù hận nhau.
Ngày 09 tháng 05
Bị nhục mạ, đánh đập hoặc trừng phạt,
Có thể chịu đựng mà không oán hận,
Dùng sự kiên nhẫn làm sức mạnh và sự phòng thủ,
Ta gọi người này là một Bà la môn đích thực.
Ngày 10 tháng 05
Người làm điều thiện kiếp này được hạnh phúc, kiếp sau cũng được hạnh phúc,
Kiếp này và kiếp sau đều hạnh phúc;
Khi nghĩ về những việc tốt mình đã làm, lại càng thấy hạnh phúc hơn.
Người làm điều thiện kiếp này được hoan hỷ, kiếp sau cũng hoan hỷ,
Kiếp này và kiếp sau đều hoan hỷ.
Khi nhớ lại “Tôi đã làm điều tốt” trong lòng ngập tràn hoan hỷ,
Khi vãng sinh lên cõi trời, lại càng hoan hỷ hơn.
Ngày 11 tháng 05
Khi nghĩ về Vô Lượng Phật,
Tuyệt đối tin tưởng, ngập tràn hạnh phúc,
Bạn sẽ được cổ vũ và truyền cảm hứng.
Khi nghĩ về Vô Lượng Pháp,
Tuyệt đối tin tưởng, ngập tràn hạnh phúc,
Bạn sẽ được cổ vũ, truyền cảm hứng.
Khi nghĩ về Vô Lượng Tăng,
Tuyệt đối tin tưởng, ngập tràn hạnh phúc,
Bạn sẽ được cổ vũ, truyền cảm hứng.
Ngày 12 tháng 05
Chúng ta nên nhận ra bốn loại bạn do kẻ thù ngụy trang thành sau đây: Những kẻ tham lam vô độ, những kẻ chỉ biết nói mà không làm, những kẻ xu nịnh và những kẻ tiêu xài phung phí.
Có bốn lý do khiến kẻ tham lam vô độ là bạn bè do kẻ thù ngụy trang thành của chúng ta: Người ấy tham lam, muốn cho ít lại được nhiều, chỉ khi bị đe dọa mới chịu làm những việc nên làm, chỉ biết đến lợi ích của bản thân.
Có bốn lý do khiến kẻ chỉ biết nói mà không làm là bạn bè do kẻ thù ngụy trang thành của chúng ta: Nhắc nhở ta về những điều tốt đẹp mà họ đã làm cho ta, nói với ta về những điều tốt đẹp họ sẽ làm cho ta, lấy lòng ta bằng những lời nói hoa mĩ nhưng sáo rỗng, nhưng khi ta cần sự giúp đỡ thì họ lại từ chối với lý do “lực bất tòng tâm”.
Có bốn lý do khiến kẻ xu nịnh là bạn bè do kẻ thù ngụy trang thành của chúng ta: Người ấy khuyến khích ta làm những điều sai trái, ngăn cản ta làm điều đúng đắn, trước mặt thì khen ngợi ta nhưng sau lưng chỉ trích ta.
Có bốn lý do khiến kẻ tiêu xài hoang phí là bạn bè do kẻ thù ngụy trang thành của chúng ta: Người ấy nhậu nhẹt cùng ta, rồi lại cùng ta lang thang chơi bời đến nửa đêm, cùng ta xem những màn trình diễn hạ đẳng, cùng ta đánh bạc.
Những người bạn chỉ lấy mà không cho,
Những người bạn chỉ nói không làm,
Những người bạn chỉ biết xu nịnh,
Những người bạn cùng bạn làm việc xấu,
Bốn loại bạn này chính là kẻ thù,
Người trí nhìn thấu sự thật,
Coi đó là con đường nguy hiểm,
Tránh xa ba thước.
Chúng ta nên nhận ra bốn kiểu bạn đúng nghĩa sau đây: Những người luôn dang đôi tay giúp đỡ, những người đồng cam cộng khổ, những người luôn đưa ra những lời khuyên chân thành, những người ủng hộ chúng ta hết mình.
Có bốn lý do cho thấy người sẵn lòng dang đôi tay giúp đỡ ta mới là bạn bè đúng nghĩa: Họ bảo vệ ta khi ta sơ sẩy, họ trông chừng đồ đạc cho ta khi ta bất cẩn, khi ta sợ hãi họ an ủi ta, khi ta gặp khó khăn họ sẵn lòng giúp đỡ nhiều hơn thế.
Có bốn lý do cho thấy người đồng cam cộng khổ mới là người bạn đúng nghĩa: Họ chia sẻ với ta những bí mật của họ, bảo vệ ta, không bao giờ bỏ rơi ta khi bạn gặp khó khăn, thậm chí vì ta mà hi sinh cả tính mạng.
Có bốn lý do cho thấy người đưa ra những lời khuyên chân thành mới là người bạn đúng nghĩa: Họ khuyên ta không nên làm điều sai trái, động viên ta làm việc đúng đắn, kể cho ta nghe những chuyện mà ta chưa từng được nghe, dẫn dắt ta đến được con đường đi tới thiên đàng.
Có bốn lý do cho thấy người ủng hộ ta hết mình mới là người bạn đúng nghĩa: Họ đau lòng khi thấy ta bất hạnh, họ vui mừng khi thấy ta gặp vận tốt, họ ngăn chặn người khác nói xấu ta, họ khen ngợi những người nói tốt về ta.
Người luôn sẵn lòng dang đôi tay giúp đỡ,
Người sẵn lòng đồng cam cộng khổ,
Người đưa ra những lời khuyên chân thành,
Người luôn hết lòng ủng hộ,
Đó mới là bốn kiểu bạn đúng nghĩa,
Người trí thấu hiểu mọi chuyện,
Biết trân trọng và quan tâm tới họ,
Giống như người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình.
Ngày 13 tháng 05
Đối với bạn tốt, chúng ta nên suy nghĩ như vậy: “Kết giao với những người bạn tốt ta sẽ được lợi. Được bạn bè quan tâm, động viên, hướng dẫn, chăm sóc cho phúc lợi của ta, ta thực sự hưởng lợi rất nhiều.”
Ngày 14 tháng 05
Tham lam vinh hoa phú qúy, tiền tài danh lợi là một việc hết sức nguy hiểm. Ta có quen biết một người, hiểu rõ tâm trí của anh ta. Anh ta sẽ không vì số vàng bạc để trong chiếc khay vàng mà tùy tiện nói dối. Tuy nhiên, khi ta gặp lại anh ta trong một kiếp khác, tâm trí anh ta đã bị che mờ bởi vinh hoa phú qúy, tiền tài danh vọng, anh ta đã bắt đầu nói dối. Vinh hoa phú qúy, tiền tài danh vọng quả thật rất nguy hiểm.
Ngày 15 tháng 05
Ta không cổ xúy cho hành vi sai trái của Tăng sĩ hay cư sĩ. Nếu có một vị Tăng sĩ hay cư sĩ lầm đường lạc lối vì hành vi sai trái của mình, thì sẽ không thể thực hành chính đạo, Phật pháp và hành thiện. Bởi vậy, ta tán dương những hành vi đúng đắn của Tăng sĩ, cư sĩ. Nếu một vị Tăng sĩ hoặc cư sĩ vì hành vi đúng đắn của mình mà có thể tiến tới con đường chính đạo thì họ có thể thực hiện chính đạo, Phật pháp và hành thiện.
Ngày 16 tháng 05
Đức Phật giống như một người thầy thuốc tài ba có thể chữa trị mọi phiền não; Phật pháp như một liều thuốc tốt, những vị Tăng sĩ đã quét sạch mọi phiền não cũng giống như người bệnh nhờ được uống thuốc mà khỏi bệnh.
Ngày 17 tháng 05
Hoa sen tuy ở gần bùn nhưng lại không bị ô uế; tương tự như vậy, Niết bàn cũng không bị phiền não làm cho ô uế. Niết bàn mang phẩm chất của loài hoa sen.
Nước lạnh giúp hạ sốt; tương tự như vậy, Niết bàn giúp làm giảm nhiệt của phiền não. Nước lạnh giúp giải cơn khát, nỗi sợ hãi, mệt mỏi khi ta bị say nắng; tương tự như vậy, Niết bàn giúp loại bỏ cảm giác ham muốn nhục dục và những khát vọng được hình thành từ lâu. Niết bàn cũng có hai phẩm chất này của nước lạnh.
Dược phẩm như liều thuốc giải cho những chúng sinh bị nhiễm độc; tương tự như vậy, Niết bàn là thuốc giải cho các chúng sinh bị bao vây bởi phiền não. Thuốc có thể làm giảm cảm giác đau đớn; Niết bàn cũng vậy. Thuốc như dòng nước cam lồ của cuộc sống; Niết bàn cũng vậy. Niết bàn mang đủ hai phẩm chất này của thuốc.
Trên đại dương không có tử thi; Niết bàn cũng vậy, không bao giờ có thi thể của phiền não. Đại dương bao la rộng lớn, không bao giờ bị đầy bởi nước các con sông đổ về; giống như vậy, Niết bàn cũng rộng lớn vô biên, không bao giờ bị chật chội bởi chúng sinh chứng ngộ Niết bàn. Đại dương là ngôi nhà của các động vật to lớn; tương tự như vậy; Niết bàn là ngôi nhà của các bậc thánh, những người khổng lồ có thể kiểm soát tâm trí, có sức mạnh, không phiền não và hoàn mỹ không chút tì vết. Trong đại dương nở rộ vô vàn các loại san hô khác nhau; tương tự như vậy, Niết bàn cũng “nở rộ” vô vàn các dạng trí tuệ và tự do trong sáng thuần khiết. Niết bàn có đầy đủ bốn phẩm chất này của đại dương.
Thực phẩm duy trì sự sống cho chúng sinh; tương tự như vậy, Niết bàn loại bỏ được già chết, duy trì sự sống cho chúng sinh. Thức ăn cung cấp cho chúng sinh sức mạnh siêu nhiên, tạo ra vẻ đẹp cho chúng sinh; cũng như vậy, Niết bàn cung cấp hai điều đặc biệt này cho những chúng sinh đã giác ngộ. Thức ăn xoa dịu nỗi đau cho chúng sinh; tương tự như vậy, Niết bàn cũng giúp xoa dịu nỗi đau cho các chúng sinh đã được giác ngộ. Thức ăn giúp chúng sinh loại bỏ cảm giác yếu đuối do mệt mỏi; tương tự như vậy, Niết bàn giúp loại bỏ cảm giác đau khổ cho các chúng sinh đã được giác ngộ. Niết bàn có đầy đủ năm phẩm chất này của thức ăn.
Không gian là không sinh, không già, không diệt, không xuất hiện ở đây, không biến mất ở kia, khó có thể định nghĩa, kẻ trộm chẳng thể lấy đi, không được nâng đỡ bởi bất cứ điều gì, thuộc về phạm vi của loài chim, không bị ngăn cản, không có ranh giới. Cũng giống như vậy, Niết bàn là không sinh, không già, không diệt, không xuất hiện ở đây, không biến mất ở kia, khó có thể định nghĩa kẻ trộm chẳng thể lấy đi, không được nâng đỡ bởi bất cứ điều gì, thuộc về phạm vi của loài chim, không bị ngăn cản, không có ranh giới. Niết bàn cũng có đầy đủ mười một phẩm chất của không gian.
Đá quý có thể giúp thực hiện những ước vọng; cũng giống như vậy, Niết bàn cũng có thể thực hiện ước vọng. Đá quý mang lại niềm vui; Niết bàn cũng mang lại niềm vui. Đá quý rực rỡ xán lạn; Niết bàn cũng như vậy. Niết bàn cũng hội tụ đầy đủ ba phẩm chất này của đá quý.
Gỗ đàn hương đỏ không dễ kiếm; tương tự như vậy, Niết bàn cũng không dễ chứng ngộ. Gỗ đàn hương đỏ có mùi thơm không gì sánh bằng; mùi hương của Niết bàn cũng không gì sánh bằng. Gỗ đàn hương đỏ được người tốt đánh giá cao; Niết bàn cũng được các vị thánh nhân đánh giá cao. Niết bàn hội tụ đầy đủ ba phẩm chất này của gỗ đàn hương đỏ.
Loại bơ được chiết xuất từ lớp trên cùng của kem bơ có màu sắc tuyệt đẹp; tương tự như vậy; Niết bàn cũng có màu sắc đặc trưng riêng của mình. Bơ có mùi hương thơm phức; Niết bàn cũng có mùi thơm của đức hạnh. Bơ rất giàu hương vị; hương vị Niết bàn cũng rất phong phú. Niết bàn hội tụ đầy đủ ba phẩm chất trên của bơ.
Các đỉnh núi cao không gì sánh được; tương tự như vậy, Niết bàn là tối cao. Núi không bao giờ dao động; Niết bàn cũng không bao giờ dao động. Núi cao rất khó leo; Niết bàn cũng giống như vậy không dễ để leo lên bởi phiền não chướng ngại. Hạt giống không thể mọc trên núi; cũng như phiền não không thể phát triển trong Niết bàn. Đỉnh núi không có yêu thích hay ghét bỏ; Niết bàn cũng không có yêu thích hay ghét bỏ. Niết bàn hội tụ đầy đủ năm phẩm chất này của một ngọn núi.
Ngày 18 tháng 05
“Ví dụ có một con gà mẹ đang ấp ổ trứng có 8 quả, 10 quả hoặc 12 quả, nó ấp rất cẩn thận. Vậy con gà đầu tiên dùng mỏ và chân phá vỏ trứng an toàn và ra ngoài là con lớn nhất hay là con nhỏ nhất?”
“Bạch Đức Thế Tôn, con đầu tiên mổ vỏ ra ngoài theo lý thì sẽ là con lớn nhất.”
“Thật đúng như vậy, để cứu độ những chúng sinh còn đắm chìm trong vô minh, ta là người đầu tiên chọc thủng lớp vỏ vô minh đạt được giác ngộ triệt để. Ta chính là Đấng tối cao.”
Ngày 19 tháng 05
Người có đức hạnh giống như liều thuốc giải độc cho mọi phiền não của chúng sinh;
Người có đức hạnh giống như một loại thuốc xoa dịu những phiền não của chúng sinh;
Người có đức hạnh giống như bảo vật có thể thỏa mãn nguyện vọng của chúng sinh;
Người có đức hạnh giống như con tàu lớn có thể chở chúng sinh ra khỏi bốn dòng nước lớn;
Người có đức hạnh giống như một nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt chúng sinh vượt qua sa mạc luân hồi;
Người có đức hạnh giống như ngọn gió lớn có thể giúp chúng sinh dập tắt ba ngọn lửa hung dữ;
Người có đức hạnh giống như một cơn mưa mang lại cho chúng sinh những giọt cam lồ thiện niệm;
Người có đức hạnh giống như một vị thầy có thể giúp chúng sinh tu tập hành thiện;
Người có đức hạnh giống như một nhà lãnh đạo tốt, có thể dẫn dắt chúng sinh đến con đường an toàn ổn định.
Ngày 20 tháng 05
Vacchagotta thưa với Đức Thế Tôn rằng: “Con được nghe rằng ‘Ngài - Đức Cồ Đàm tối thượng đã nói rằng: Chỉ nên bố thí cho Ngài, không nên bố thí cho các thầy khác, chỉ nên bố thí cho đệ tử của Ngài, không nên bố thí cho đệ tử của các thầy khác.’ Người nói lời này có truyền đạt chính xác ý của Ngài mà không bóp méo nó hay không? Lời nói này có phù hợp với lời dạy của Ngài hay không? Đức Cồ Đàm tối thượng, con thực sự không muốn hiểu sai về lời dạy của Ngài.”
Đức Thế Tôn trả lời: “Vacchagotta, người nói ra những lời này đã hiểu sai ý của ta. Những điều họ nói là không đúng, đó không phải là ý của ta. Kỳ thực, người ngăn cản người khác bố thí sẽ tạo ra ba rào cản. Đó là gì? Vừa ngăn cản thí chủ tích đức, ngăn cản người được bố thí nhận quà và hủy hoại bản thân vì chính sự bủn xỉn của mình.”
Ngày 21 tháng 05
Nếu bạn quan sát cây cối hoặc cỏ dại,
Chúng thể hiện bản chất và vẻ đẹp khác nhau,
Chúng có rất nhiều chủng loại khác nhau.
Lại quan sát những loài côn trùng như bọ cánh cứng, bướm đêm hoặc kiến,
Chúng thể hiện các bản chất và loại hình khác nhau,
Chúng có rất nhiều chủng loại khác nhau.
Quan sát những loài động vật bốn chân lớn nhỏ,
Chúng thể hiện các bản chất và loại hình khác nhau,
Chúng có rất nhiều chủng loại khác nhau.
Quan sát các loài bò sát và rắn,
Chúng thể hiện các bản chất và loại hình khác nhau,
Chúng có rất nhiều chủng loại khác nhau.
Quan sát cá và các động vật dưới nước,
Chúng thể hiện các bản chất và loại hình khác nhau,
Chúng có rất nhiều chủng loại khác nhau.
Quan sát chim và các loài động vật có cánh,
Chúng thể hiện các bản chất và loại hình khác nhau,
Chúng có rất nhiều chủng loại khác nhau.
Bản chất và loại hình của những sinh vật này có thể phân biệt,
Nhưng con người lại không có những sự phân biệt về bản chất và chủng loại này.
Dù đầu hay tóc, tai hay mắt, miệng hay mũi, môi hay lông mày,
Đều không có sự khác biệt lớn.
Cho dù cổ hay vai, bụng hay ngực hoặc bộ phận sinh dục,
Đều không có sự khác biệt lớn.
Dù là tay hay chân, ngón tay hay móng tay, bắp chân hay đùi hoặc màu da.
Đều không có nhiều loại như các sinh vật khác,
Con người kém đa dạng hơn nhiều so với các sinh vật khác,
Sự khác biệt giữa con người với nhau chỉ là sự khác biệt về phong tục tập quán.
Ngày 22 tháng 05
Quốc vương hỏi: “Thưa Tôn giả Nagasena, thiện và ác, cái nào lớn hơn?”
“Thưa bệ hạ, thiện lớn hơn, ác bé nhỏ không đáng kể.”
“Làm sao để giải thích điều này?”
“Thưa bệ hạ, nếu kẻ ác thực sự hối hận và nghĩ rằng:
‘Tôi đã làm điều ác.’ Thì tội ác của anh ta không còn tăng lên nữa. Nhưng người làm việc tốt thì sẽ không cảm thấy ăn năn, trong lòng không có cảm giác hối hận nuối tiếc. Bởi vậy, cảm giác vui vẻ sẽ nảy sinh một cách tự nhiên, từ vui vẻ sẽ sinh ra sung sướng. Vì sung sướng, cơ thể sẽ được yên bình. Có một cơ thể yên bình, con người sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc, tâm niệm cũng vì sự hạnh phúc đó mà trở nên chuyên chú tập trung hơn. Tâm niệm tập trung sẽ nhìn thấu chân tướng sự vật, hành thiện cũng vì vậy mà không ngừng tăng lên.”
Ngày 23 tháng 05
Một lần, Đức Thế Tôn sống ở một gian nhà trong khu rừng gần Vesali. Vào thời điểm đó, có một người Bà la môn tên là Karanapalin đang xây một ngôi nhà cho Licchavis. Một hôm, Karanapalin nhìn thấy Bà la môn Pingiyanin từ xa đi đến, liền hỏi: “Pingiyanin đáng kính của tôi, ngài đi từ đâu đến mà sớm vậy?
“Tôi từ chỗ Sa môn Cồ Đàm đến.”
“Vậy ngài nhìn nhận thế nào về những hiểu biết sâu sắc của Sa môn Cồ Đàm? Ngài có nghĩ rằng thầy ấy là một bậc trí giả không?”
“Ta làm sao mà so sánh được với Ngài ấy? Ta là ai chứ, làm sao có thể bình luận về những hiểu biết sâu sắc của Ngài được? Chỉ có những người giống như Ngài ấy mới có thể bình luận về trí tuệ của Sa môn Cồ Đàm.”
“Ngài đánh giá rất cao Sa môn Cồ Đàm !”
“Sao ta có thể so sánh với Ngài ấy được? Ta là ai chứ, làm sao ta có thể không tán dương Sa môn Cồ Đàm?
Phải chăng người được tán dương cũng thật lòng khen ngợi Sa môn Cồ Đàm? Đúng vậy, người được tán dương cũng thật lòng khen ngợi Sa môn Cồ Đàm, Ngài là bậc cao quý nhất trong các vị thần và loài người.”
“Ngài nhìn thấy ở thầy ta có những ưu điểm gì, khiến cho ngài bị thuyết phục như vậy?”
“Cũng giống như một người sau khi được thưởng thức các món ăn ngon thì sẽ không còn muốn nếm thử những món ăn khác nữa, một người nếu được nghe Sa môn Cồ Đàm giảng giải diệu pháp thì sẽ không còn mong muốn nghe người khác, đám đông, ẩn sĩ hay Bà la môn thuyết giảng nữa.”
“Giống như một người được thưởng thức hương vị của một miếng bánh trong lúc mệt mỏi vì đói lả; tương tự như vậy, sau khi được nghe Sa môn Cồ Đàm giảng giải toàn bộ diệu pháp, trong lòng cũng cảm thấy rất ngọt ngào và yên bình.”
“Giống như một người được một thanh gỗ đàn hương đỏ hoặc vàng, cho dù anh ta ngửi ở gốc, ngọn hay ở giữa thanh gỗ thì đều cảm nhận được mùi hương nhất hạng; cũng giống như vậy, sau khi được nghe Sa môn Cồ Đàm giảng giải toàn bộ diệu pháp, mọi cảm giác ưu phiền, buồn bã, đau khổ, âu sầu, tuyệt vọng đều được tiêu tán.”
“Ví như có một người đang cảm thấy mệt mỏi, cổ họng khô đắng vì nắng nóng, bỗng nhiên tìm thấy được ao nước mát ngọt, đấy là một nơi lý tưởng để dừng chân, liền nhảy xuống uống nước và tắm, để xoa dịu cảm giác buồn khổ, mệt mỏi và bực bội; tương tự như vậy, sau khi được nghe Sa môn Cồ Đàm giảng giải về toàn bộ diệu pháp, thì cảm giác buồn khổ, mệt mỏi và bực bội sẽ được tiêu tán.”
Nghe được những lời này của Pingiyanin, Karanapalin lập tức đứng dậy, sửa lại tà áo choàng trên vai, quỳ gối phải xuống đất, đưa hai tay ra phía trước hướng về nơi ở của Đức Thế Tôn, nói to ba lần: “Kính lễ Đức Thế Tôn, Thánh Giả, Chính Đẳng Chính Giác Phật Đà.”
“Lành thay! Lành thay! Pingiyanin, tựa như đỡ một người bị ngã đứng dậy, mở chiếc nắp bị đóng kín, dẫn đường cho kẻ mù lòa, ngọn đèn trong đêm tối giúp cho người có thị lực bình thường có thể nhìn rõ. Tương tự như vậy, ngài đã giảng rõ cho tôi về Phật pháp, tôi sẽ quy y Phật, Pháp, Tăng. Trong cuộc đời còn lại, hãy coi tôi như một người đệ tử đã quy y và tu tại gia!”
Ngày 24 tháng 05
Có một thứ, nếu tập trung tu tập và phát triển, sẽ giúp nuôi dưỡng đức tính từ bỏ, buông xả, điềm nhiên, tĩnh lặng, kiến thức uyên thâm, giác ngộ, chứng đắc Niết bàn. Đó là điều gì? Đó là trầm tư suy nghĩ về sự bình tĩnh.
Ngày 25 tháng 05
Bà la môn Sangarava nói với Đức Thế Tôn: “Thưa Đức Cồ Đàm chí thiện, đệ tử Bà la môn chúng con tổ chức lễ cúng tế, cùng động viên mọi người tế lễ. Người cúng tế sẽ được tích đức, cũng tạo phúc cho nhiều người. Ngược lại, người xuất gia tu hành chỉ giúp đỡ bản thân, khiến bản thân được yên bình, chỉ dẫn dắt bản thân đi đến con đường chứng ngộ Niết bàn. Điều người đó tu tập cũng chỉ tạo phúc lợi cho mỗi bản thân anh ta mà thôi.”
Đức Thế Tôn trả lời: “Này Bà la môn, ta hỏi ngươi một câu hỏi, tùy ý ngươi trả lời. Nếu Như Lai sinh ra ở trần gian, là một đấng Vô Thượng Sĩ (người được tôn kính nhất thế gian), Chính Biến Tri (có thể biết mọi chuyện một cách chính xác), Minh Hạnh Túc (đức hạnh và thiện hạnh đều viên mãn), Thiện Thệ (tuy đã nhập Niết bàn nhưng không bao giờ bỏ rơi chúng sinh), Thế Gian Giải (hiểu biết vạn vật trên đời), Điều Ngự Trượng Phu (có thể khéo léo điều chỉnh và kiểm soát gốc rễ của chúng sinh, và hướng dẫn họ), Thiên Nhân Sư (là người thầy dạy dỗ vị thần và con người), Ứng Cúng (đức hạnh viên mãn, được con người và thần linh cúng dường), Thế Tôn (người được thế giới kính trọng). Ngài nói: ‘Hãy đến đây! Ta đã tự mình đạt được giác ngộ, đạt được đại hoan hỷ, mọi người hãy cùng đến đây! Bằng chính sức lực của mình, cùng nhau chứng đắc giác ngộ, được đại hoan hỷ.’ Người thầy đã truyền giảng Phật pháp cho hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn người. Này Bà la môn, kiểu xuất gia tu tập này có lợi cho cá nhân hay là cho chúng sinh?”
“Thưa Đức Cồ Đàm chí thiện, đây là hình thức tu hành có lợi cho chúng sinh.”
Ngày 26 tháng 05
Thiên thần nói với Thế Tôn: “Có sáu điều sẽ không làm cho con người bị sa ngã? Đó là sáu điều gì? Chính là tôn trọng người thầy hướng dẫn, Phật pháp, Tăng đoàn, tu hành, nhiệt thành và từ bi.”
Sau đó, Thế Tôn nhắc lại lời này của Thiên thần với
Tăng chúng và nói:
“Giữ lòng thành kính sâu sắc đối với Phật, Pháp, Tăng, đầy nhiệt thành và từ bi.
Một Tỳ kheo như vậy sẽ không bị sa ngã, mà đang tiến gần đến Niết bàn.”
Ngày 27 tháng 05
Nếu một người bị bệnh, không tìm cách chữa trị;
Ngay cả khi có bác sĩ, đó không phải là lỗi của bác sĩ.
Tương tự như vậy, khi bị phiền não kiềm chế,
Bị giày vò bởi phiền não, không tìm kiếm thầy để được giúp đỡ, đó không phải là lỗi của người thầy.
Ngày 28 tháng 05
Thật kỳ diệu! Thật không thể tưởng tượng! Sa môn Cồ Đàm trông khoan thai biết bao, hào quang tỏa sáng, long lanh trong suốt, óng ánh sáng bóng như quả chà là; lấp lánh như quả cọ vừa hái trên cây xuống; cũng giống như người thợ kim hoàn khéo léo dùng một miếng vàng để nung thành một món đồ trang sức, sau đó đặt trên một tấm vải màu vàng để nó trông càng thêm sáng lấp lánh; tương tự như vậy, Siddhartha (Tất Đạt Đa) sáu căn thanh tịnh, khuôn mặt rạng rỡ sáng ngời, sáng lấp lánh.
Ngày 29 tháng 05
Giả sử có một hồ nước đầy bùn đục, một người dù thị lực tốt đến mấy, đứng ở sát mép nước cũng không thể nhìn thấy con hàu, vỏ sò, đất đá, cát sỏi, cá bơi lội tung tăng dưới nước. Tại sao như vậy? Vì nước đã bị vẩn đục không còn trong sạch nữa. Tương tự như vậy, một người có tâm trí hỗn loạn thì không thể hiểu rõ được lợi ích của bản thân mình và người khác, không thể đạt đến cảnh giới cao hơn, tại sao như vậy? Vì tâm trí hỗn loạn. Lại ví dụ có một hồ nước trong vắt tĩnh lặng, một người có thị lực hoàn hảo, đứng bên mép nước có thể nhìn thấy rõ ràng con hàu, vỏ sò, cát sỏi và đàn cá bơi lội dưới nước. Tại sao vậy? Vì nước tĩnh lặng, không bị khuấy động. Tương tự như vậy, một người nếu tâm trí tĩnh lặng có thể nhìn thấu lợi ích của bản thân và người khác, có thể đạt tới cảnh giới cao hơn. Vì sao như vậy? Vì tâm của họ được tĩnh lặng, không bị xáo động.
Ngày 30 tháng 05
Những người bạn quan tâm và tiếp xúc như bạn bè, họ hàng thân thiết, dòng tộc, thân quyến của bạn, mỗi người đều cần được biết, đặt nền móng và thiết lập bốn điều kiện để “nhập lưu”1. Bốn điều kiện đó là gì? Đó là tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng cùng tất cả những điều mà các vị thánh yêu thích đồng thời có thể khiến cho tập trung tâm niệm.
1. Nhập lưu (Sotāpattiphala): Còn gọi là Dự lưu, Sơ quả, Tu đà hoàn. Là một trong bốn thánh quả, sở dĩ gọi là Nhập lưu là vì từ đây bắt đầu dự vào dòng thánh, không còn là phàm phu nữa. Những vị đắc quả vị này đã đoạn trừ được thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Vị thánh Nhập lưu vẫn còn tái sinh, bảy lần, nên còn có tên gọi là quả vị Thất lai. Và mặc dù còn tái sinh bảy lần nhưng đều sinh vào các cõi an vui mà thôi.
Ngày 31 tháng 05
Lúc đó, Bà la môn Sundcrika Bharadvaja ngồi cạnh Đức Thế Tôn, hỏi rằng: “Thưa Cồ Đàm chí thiện, Ngài có ra sông Bahuka tắm không?”
“Sông Bahuka có gì đặc biệt? Có gì tốt?”
“Thưa Cồ Đàm chí thiện, rất nhiều người đều tin rằng sông Bahuka có thể giúp họ thanh lọc. Họ ra đó để gột rửa tội lỗi.”
Thế Tôn liền nói rằng:
“Sông Bahuka, sông Ehikaka,
Sông Jaya, sông Sundarika,
Sông Sarasati, sông Payako,
Hay là sông Bahumati,
Những kẻ ngốc thường tắm ở đó,
Nhưng tội lỗi không thể rửa sạch.
Những con sông đó có tác dụng gì?
Không thể thanh tẩy kẻ ác,
Không thể thanh tẩy những kẻ âm mưu làm điều ác.
Người tốt mỗi ngày đều đặc biệt,
Người tốt mỗi ngày đều thánh thiện,
Người tốt mỗi ngày đều làm việc tốt.
Tắm mình trong những việc thiện,
Chúng sinh đều được bảo vệ.
Nếu bạn không nói dối, không làm tổn thương, không trộm cắp,
Nếu bạn tin vào Phật pháp, khẳng khái và rộng lượng,
Thì tới sông Jaya có ích gì?
Sông Jaya chẳng khác gì cái giếng sau nhà.