Ngày 01 tháng 04
Tâm vốn dĩ trong sáng nhưng lại bị vấy bẩn bởi những yếu tố bên ngoài, kẻ phàm phu không hiểu điều này, vì vậy họ không tu tập tâm. Tâm vốn dĩ trong sáng, có thể gột rửa tất cả những vết bẩn bên ngoài, người đệ tử thánh thiện hiểu rõ điều này, cho nên họ luôn tu dưỡng tâm hồn.
Ngày 02 tháng 04
Ai là người bạn thân nhất của ta? Ai là kẻ thù lớn nhất của ta? Một người nếu thân, khẩu, ý không thuần khiết thì cho dù họ có cao giọng tuyên bố: “Tôi yêu bản thân” thì họ vẫn là kẻ thù lớn nhất của chính họ. Tại sao như vậy? Bởi vì họ đã dùng cách đối xử với kẻ thù để đối xử với thân, khẩu, ý của chính mình. Một người nếu thân, khẩu, ý thực sự thuần khiết, thì cho dù có tuyên bố: “Tôi không yêu bản thân” thì họ vẫn là những người bạn tốt nhất của chính họ. Tại sao như vậy? Bởi vì họ đối xử với thân, khẩu, ý của mình như đối xử với bạn bè.
Ngày 03 tháng 04
Tham lam, sân hận, tà kiến đều là những điều không thuần khiết, không chính đáng. Vì tham lam, sân hận, tà kiến đã tạo ra thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp cũng không được thuần khiết và chính đáng. Bởi tâm của chúng ta bị che lấp bởi tham lam, sân hận, tà kiến nên không thể tự kiểm soát, dẫn tới dùng những thủ đoạn áp bức, giam giữ, trừng phạt, nhục mạ, bài xích hoặc mượn danh nghĩa công lý dùng cường quyền bức hại người khác. Những hành vi khiến người khác phải đau khổ cũng không thể nào là thuần khiết, chính đáng.
Ngày 04 tháng 04
Bốn yếu tố có thể giúp thế giới tiến lên, đó là thành tựu của việc đề cao cảnh giác, thành quả của việc cẩn thận chu đáo, thành tựu của việc kết giao bạn bè, thành tựu của việc cân bằng cuộc sống.
Thế nào gọi là thành tựu trong việc đề cao cảnh giác? Tức là một người cho dù làm công việc gì, như: trồng trọt, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, xạ thủ, hầu hạ quân chủ, nghệ nhân v.v. đều có thể dần trở nên thành thạo, không chán ghét, có thể linh hoạt tận dụng nhiều biện pháp khác nhau để sắp xếp và hoàn thành công việc.
Thế nào gọi là thành tựu của việc cẩn thận chu đáo? Đó là một người có thể nỗ lực làm việc, kiếm tiền bằng mồ hôi công sức của mình một cách công bằng và hợp pháp, bảo vệ của cải và sử dụng tiết kiệm, đảm bảo của cải không bị vua chúa, trộm cướp, thiên tai hỏa hoạn hay con cháu bất hiếu hủy hoại mất.
Thế nào gọi là thành tựu về việc kết giao bạn bè? Một người cho dù là ở thôn quê hay thành thị đều có thể giao tiếp với các đối tượng già trẻ lớn bé, có giáo dục, tự tin, đức hạnh, có lòng bố thí và đầy trí tuệ. Lời nói hành động của người đó sẽ tùy thuộc vào đối tượng để thể hiện ra sự tự tin, đức hạnh, lòng bố thí hay trí tuệ.
Thế nào gọi là thành tựu về việc cân bằng cuộc sống? Đó là một người biết rõ về thu nhập và chi tiêu của mình. Họ không lãng phí, cũng không keo kiệt, biết cách liệu cơm gắp mắm. Giống như người thợ kim hoàn hoặc đồ đệ của anh ta lúc cầm cân1 liền biết được bên này nâng lên bao nhiêu và bên kia hạ xuống bao nhiêu. Tương tự như vậy, người này biết rõ về tình trạng thu chi của mình. Thu nhập thấp nhưng chi tiêu vung tay quá trán sẽ bị người khác bàn tán: “Anh ta đang hưởng thụ sự giàu có của mình, giống như một người chặt cả khu rừng chỉ vì để ăn một quả táo.” Người có thu nhập tốt nhưng chi tiêu tằn tiện sẽ bị người khác nói rằng: “Anh ta sẽ chết như một kẻ ăn mày.”
1. Ở đây là cân tiểu ly kiểu cổ, có hai đĩa cân hai bên.
Có bốn con đường sẽ làm chúng ta tiêu hao hết của cải tích lũy được, đó là: ăn chơi sa đọa, trác táng, nghiện rượu, cờ bạc, kết giao bạn xấu. Hãy tưởng tượng có một bể nước lớn, có bốn đường dẫn nước vào và bốn đường thoát nước ra. Một người đóng cửa nước vào và mở cửa nước thoát, nếu trời không mưa, lượng nước sẽ ngày một giảm đi. Tương tự như vậy, của cải cũng sẽ thất thoát dần qua bốn lối này.
Có bốn con đường giúp ta bảo vệ của cải đã tích lũy được: lấy ví dụ là bể nước vừa rồi, bên trong cũng có bốn đường dẫn nước vào và bốn đường thoát nước. Một người mở cửa nước vào và đóng cửa nước thoát. Nếu trời không mưa, lượng nước vẫn dần tăng lên. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có thể thông qua bốn con đường này bảo vệ của cải.
Ngày 05 tháng 04
Có ba kiểu suy nghĩ không thuần khiết, không chính đáng. Là loại suy nghĩ nào? Đó là suy nghĩ tự cao tự đại, suy nghĩ tranh giành danh lợi, vì người khác mà phải suy nghĩ lo lắng.
Ngày 06 tháng 04
Có năm nghề mà cư sĩ tại gia không nên làm. Đó là những nghề gì? Chính là nghề đồ tể, nghề mua bán nô lệ, nghề buôn bán vũ khí, nghề buôn bán rượu bia và thuốc phiện.
Ngày 07 tháng 04
Một người nếu có đủ bốn phẩm chất sau sẽ được xem là người tốt. Đó là những phẩm chất gì?
Một người tốt là cho dù có người hỏi thì họ cũng không bao giờ nêu ra những khuyết điểm của người khác; nếu không có người hỏi đến, thì họ càng không được nêu ra. Giả sử, khi bị người khác hỏi nhưng lại không thể không trả lời, thì họ cũng chỉ trả lời một cách ngắn gọn, sơ lược và miễn cưỡng mà thôi. Người như vậy mới xứng đáng là một người tốt.
Lại nữa, là một người tốt thì cho dù không ai hỏi, họ cũng sẽ nêu ra những ưu điểm của người khác; nếu có người hỏi đến, đương nhiên họ sẽ lập tức trả lời. Giả sử, nếu bị hỏi nhưng lại không thể không trả lời, thì họ sẽ kể thật tường tận, không do dự, không giấu diếm. Người như vậy mới xứng đáng là một người tốt.
Lại nữa, là một người tốt thì cho dù không có người hỏi, họ cũng nêu ra khuyết điểm của mình; nếu có người hỏi đến, đương nhiên họ sẽ thật thà kể ra hết. Giả sử, nếu bị hỏi nhưng lại không thể không trả lời, thì họ sẽ kể thật tường tận, không do dự, không giấu diếm. Người như vậy mới xứng đáng là một người tốt.
Cuối cùng, là một người tốt thì cho dù có người hỏi đến, họ cũng sẽ không nêu ra những ưu điểm của mình; nếu không ai hỏi đến, chắc chắn họ sẽ không nói ra. Giả sử, nếu bị hỏi nhưng lại không thể không trả lời, thì họ cũng chỉ trả lời một cách ngắn gọn, sơ lược và miễn cưỡng mà thôi. Người như vậy mới xứng đáng là một người tốt.
Ngày 08 tháng 04
Nếu một người tham lam vô độ, có nhiều ham muốn, tâm ý độc ác, tư tưởng đen tối, bất cẩn cẩu thả, phóng túng càn quấy, tâm niệm hỗn loạn, không biết cách kiềm chế giác quan. Nếu vậy thì cho dù người đó có nắm lấy vạt áo cà sa của Như Lai và luôn theo sát bên cạnh, thì vẫn cách ta rất xa. Tại sao như vậy? Vì người đó không nhìn thấy Phật pháp. Không nhìn thấy Phật pháp tức là không nhìn thấy ta.
Nếu một người không tham lam sắc dục, nhu cầu không quá nhiều, tâm địa trong sáng, lương thiện, ý niệm rõ ràng, ung dung đĩnh đạc, ôn hòa nhã nhặn, tập trung chuyên chú, có thể kiểm soát giác quan. Nếu vậy thì cho dù người đó có cách xa hàng trăm dặm, cũng có thể rất gần với ta. Tại sao như vậy? Bởi vì người đó đã nhìn thấy Phật pháp. Nhìn thấy Phật pháp là nhìn thấy ta.
Mặc dù ở cạnh người điềm tĩnh,
Nhưng luôn mưu cầu danh lợi, không phút giây nào ngừng nghỉ.
Kẻ luôn nhốn nháo cách người điềm tĩnh rất xa!
Kẻ luôn xao động cách người bình tĩnh rất xa!
Kẻ luôn tham lam cách người biết đủ rất xa!
Hiểu rõ Phật pháp, gạt bỏ tham dục,
Người trí diệt trừ tất cả dục vọng,
Họ tĩnh lặng như mặt hồ không chút gợn sóng,
Người bình yên đó rất gần với bình yên!
Người bình tĩnh đó rất gần với bình tĩnh!
Người biết đủ đó rất gần với biết đủ!
Ngày 09 tháng 04
Tất cả các lời dạy của Đức Phật từ khi thành đạo cho đến lúc nhập Niết bàn đều rất chân thật, không ngụy tạo. Cũng chính vì vậy, Ngài được gọi là “Như Lai”.
Ngày 10 tháng 04
Vết thương của kẻ thù gây ra,
Vết thương của kẻ hận thù gây ra,
Cũng không sánh được một trái tim bị dẫn dắt sai lầm
Vết thương đó đau đớn hơn rất nhiều
Không phải mẹ, không phải cha
Cũng không phải những người thân khác
Có thể sánh được một trái tim được dẫn dắt đúng đắn
Khiến cho con người đạt được nhiều lợi ích hơn.
Ngày 11 tháng 04
Để tăng cường sự nhẫn nại, ta nên nghĩ rằng: “Người nào không có tính nhẫn nại, kiếp này sẽ chịu nhiều phiền não, các nghiệp tạo ra khiến kiếp sau cũng chịu phiền não.” Người ấy nên suy nghĩ: “Tuy những khổ đau này do các hành vi sai trái của người khác gây ra, nhưng chịu đau khổ lại là thân ta, khiến cho chính ta là người phải chịu đựng cảm giác đau khổ.” Người ấy nên nghĩ rằng: “Nỗi khổ này có thể giúp ta quét sạch mọi nghiệp chướng.” Lại nên nghĩ rằng: “Nếu không có người phạm sai lầm, sao ta có cơ hội để rèn luyện đức tính nhẫn nại?” Rồi cũng nên nghĩ: “Tuy bây giờ họ làm sai, nhưng trước kia đã từng là ân nhân của mình.” Rồi lại nghĩ: “Họ là người làm sai, đồng thời cũng là ân nhân của mình, vì nhờ họ mình mới có thể rèn tính nhẫn nại.” Lại nghĩ rằng: “Chúng sinh như con cái của ta vậy, có ai nổi trận lôi đình với lỗi sai của con cái?” Cuối cùng nghĩ rằng: “Họ mạo phạm mình có thể là do lỗi lầm của mình, mình nên cố gắng sửa đổi.”
Ngày 12 tháng 04
Một người đàn ông hay phụ nữ nếu nóng giận sẽ tạo ra bảy điều có lợi cho đối thủ của họ. Đó là bảy điều nào?
Ví dụ có một người nguyền rủa đối thủ của họ như vầy: “Tôi cầu cho anh ta thật xấu xí.” Tại sao như vậy? Bởi vì con người thường không thích có một đối thủ xinh đẹp. Người này đã bị cơn nóng giận kiểm soát, đánh bại, cho dù được tắm rửa, thoa dầu, râu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ, nhưng rồi người đó cũng vẫn vì cơn nóng giận mà trở nên xấu xí.
Lại ví dụ có một người nguyền rủa đối thủ của họ như vầy: “Tôi cầu cho anh ta ngủ không được ngon.” Tại sao như vậy? Vì không ai muốn đối thủ của mình có thể ăn ngon ngủ yên cả. Người này đã bị cơn nóng giận kiểm soát, đánh bại, cho dù có ngủ trên giường trải thảm lông cừu, bên trên còn được phủ ga giường bằng lông cừu, có gối thêu hoa, bốn phía đều có thảm ngồi màu đỏ, nhưng vì cơn nóng giận khiến cho người đó vẫn không thể ngủ được.
Lại ví dụ có một người nguyền rủa đối thủ của họ như vầy: “Tôi cầu cho anh ta nghèo kiết xác.” Tại sao như vậy? Vì không một ai muốn đối thủ của mình trở nên giàu có. Người này đã bị cơn nóng giận kiểm soát, đánh bại, cho dù của cải người đó có được bằng sự nỗ lực, mồ hôi công sức của bản thân người đó, hay bằng con đường hợp pháp và chính đáng, thì cũng bởi vì người đó không kiềm chế được cơn nóng giận mà bị quốc vương ra lệnh thu hồi, sung công quỹ.
Lại ví dụ có một người nguyền rủa đối thủ của họ như vầy: “Tôi cầu cho anh ta mãi là một tên vô danh tiểu tốt.” Tại sao như vậy? Vì không ai muốn đối thủ của mình trở thành người danh tiếng lẫy lừng. Người này đã bị cơn nóng giận kiểm soát, đánh bại, cho dù anh ta đã từng gặt hái được danh lợi, nhưng vì không kiềm chế được cơn nóng giận mà danh tiếng tiêu tan.
Lại ví dụ có một người nguyền rủa đối thủ của họ như vầy: “Tôi hi vọng anh ta sẽ luôn cô độc, không có bạn bè.” Tại sao như vậy? Vì không ai muốn đối thủ của mình kết giao được nhiều bạn tốt. Người này đã bị cơn nóng giận kiểm soát, đánh bại, cho dù có bạn bè, người thân, họ hàng và gia tộc, thì cuối cùng bởi vì không thể kiểm soát được cơn nóng giận của mình mà bị xa lánh.
Cuối cùng, ví dụ có một người nguyền rủa đối thủ của họ như vầy: “Tôi cầu cho hắn ta bị đọa vào địa ngục.” Tại sao như vậy? Vì không ai muốn đối thủ của mình được lên thiên đường. Người này đã bị cơn nóng giận kiểm soát, đánh bại, khiến nghiệp thân, khẩu, ý lâm vào tình trạng không chính đáng, khiến anh ta bị rơi vào địa ngục.
Đây chính là bảy điều có lợi mà những người nam người nữ ưa thích nóng giận tạo ra cho đối thủ của mình.
Ngày 13 tháng 04
Nếu một người mắc bệnh phong, kí sinh trùng tấn công khiến tứ chi họ bị lở loét, rụng rời. Vết thương của người đó bị gãi đến trầy xước, cơ thể bị bỏng do nằm trên hố than. Người đó càng làm vậy thì vết thương càng thối rữa, nặng mùi và mưng mủ. Gãi ngứa chỉ đem lại một chút cảm giác dễ chịu nhất thời. Tương tự như vậy, chúng sinh chưa giải thoát khỏi ham muốn của giác quan, bởi họ không ngừng mong muốn, đắm chìm trong sự thỏa mãn ham muốn của các giác quan, rồi lại tiếp tục theo đuổi sự thỏa mãn mới. Càng theo đuổi càng cố chấp, càng hưng phấn, điều đó cũng chỉ mang lại chút ít niềm an ủi mà thôi.
Ngày 14 tháng 04
Uể oải lười biếng có thể gây ra sáu tác hại. Nó khiến người ta nghĩ rằng: “lạnh quá” nên không làm việc; nghĩ rằng “nóng quá” nên không làm việc; nghĩ rằng: “khô hạn quá” nên không làm việc; nghĩ rằng: “muộn quá rồi” nên không làm việc; nghĩ rằng: “đói quá” nên không làm việc; nghĩ rằng: “no quá” nên không làm việc.
Ngày 15 tháng 04
Khi Đức Cồ Đàm thuyết pháp cho chúng sinh trong vương quốc, Ngài không khen ngợi họ, cũng không chê bai họ; ngược lại, Ngài dùng Phật pháp để khuyên nhủ, động viên, khích lệ quần chúng. Âm thanh tuyệt vời phát ra từ kim khẩu của Ngài có tám đặc điểm: Rõ ràng, dễ hiểu, vui tai, dễ nghe, lưu loát, thâm trầm, sang sảng. Vì vậy, khi Ngài giảng giải cho đám đông, giọng nói đó lọt vào tai của đám đông. Sau khi nghe Phật pháp, đám đông cảm thấy vui tươi, phấn khởi và tràn đầy cảm hứng. Họ chăm chú nhìn Ngài không chớp mắt, lưu luyến không muốn rời đi.
Ngày 16 tháng 04
Từ biểu hiện hành vi của một người có thể nhận biết được họ là người thông minh hay là kẻ ngu dốt. Trí tuệ có thể thông qua hành vi của con người để thể hiện ra bên ngoài.
Ngày 17 tháng 04
Một đệ tử thánh thiện chuyên tâm tu tập sẽ có niềm tin vững chắc như bàn thạch vào Đức Phật. Người ấy sẽ kiên định niềm tin vào những điều mà Đức Phật đã giảng dạy, tuyệt đối không dao động. Người đệ tử này ý chí kiên cường, ra sức loại bỏ thói quen xấu, nuôi dưỡng những thói quen tốt, người ấy siêng năng chăm chỉ, nỗ lực thực hành, tuyệt đối không bao giờ ngừng làm việc tốt.
Ngày 18 tháng 04
Khi những ý niệm sân hận trỗi dậy, chúng ta nên lập tức kiềm chế. Có năm biện pháp để kiềm chế. Đó là những cách nào? Bất kỳ lúc nào khi những ý niệm sân hận dấy lên, ta nên nuôi dưỡng lòng thương yêu. Bất kỳ lúc nào khi những ý niệm sân hận dấy lên, ta nên nuôi dưỡng lòng xót thương. Bất kỳ lúc nào khi những ý niệm sân hận dấy lên, ta nên nuôi dưỡng sự buông bỏ (buông bỏ tất cả chỉ còn lại một tấm lòng không còn cố chấp). Bất kỳ lúc nào khi những ý niệm sân hận dấy lên, ta nên chuyển hướng sự chú ý, hãy lãng quên nó. Bất kỳ lúc nào khi những ý niệm sân hận dấy lên, ta nên cho rằng đó là do mình tự gây ra, nên nghĩ rằng: “Đây là nghiệp do mình tạo ra, nghiệp tự mình gây ra thì tự mình chịu, mọi hành động cử chỉ đều là bản chất, họ hàng, nền tảng của nghiệp. Khi một người tạo ra nghiệp thiện hay nghiệp ác, họ sẽ trở thành người thừa kế của nghiệp thiện hay nghiệp ác đó.”
Hãy dùng năm cách này để quét sạch những ý niệm sân hận.
Ngày 19 tháng 04
Ta sẽ đem pháp Kính1 truyền lại cho con. Nếu có được nó rồi sẽ tự tin nói rằng: “Tôi không bị rơi vào cõi ác làm súc sinh hay ác quỷ. Tôi là người tu tập đạt được quả vị Dự lưu2. Tôi không còn phiền não, nhất định sẽ chứng ngộ Chính giác.”
1. Pháp Kính: Phật pháp có thể chiếu soi vạn vật, như tấm gương sáng vậy, nên gọi là pháp Kính.
2. Dự lưu (Srotāpanna, Tu đà hoàn), còn gọi là Nhập lưu, Nghịch lưu, là quả vị đầu tiên trong bốn Thánh quả và là giai vị đầu tiên trong 18 giai vị Hữu học.
Pháp Kính là gì? Người đệ tử thánh thiện có niềm tin vững chắc như bàn thạch vào Đức Phật, nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn là đấng Vô Thượng Sĩ (người được tôn kính nhất thế gian), Chính Biến Tri (có thể biết mọi chuyện một cách chính xác), Minh Hạnh Túc (đức hạnh và thiện hạnh đều viên mãn), Thiện Thệ (tuy đã nhập Niết bàn nhưng không bao giờ bỏ rơi chúng sinh), Thế Gian Giải (hiểu biết vạn vật trên đời), Điều Ngự Trượng Phu (có thể khéo léo điều chỉnh, kiểm soát gốc rễ của chúng sinh và hướng dẫn họ), Thiên Nhân Sư (là người thầy dạy dỗ vị thần và con người), Ứng Cúng (đức hạnh viên mãn, được con người và thần linh cúng dường), Thế Tôn (người được thế giới kính trọng).
Người đệ tử thánh thiện có niềm tin vững như bàn thạch vào Phật pháp, nghĩ rằng: “Những lời dạy của Đức Thế Tôn thật sự hoàn hảo. Phật pháp dễ dàng nhận thấy, không bị giới hạn bởi thời gian, ai cũng có thể tự mình thử nghiệm, Phật pháp là sự vươn lên, người trí có thể tự mình lĩnh ngộ.”
Người đệ tử thánh thiện có niềm tin vững như bàn thạch vào Tăng đoàn sẽ nghĩ rằng: “Đệ tử của Đức Phật tu tập rất vui vẻ, tu tập ngay thẳng, chính xác, có phép tắc. Bốn cặp người này, tám kiểu người này, đều xứng đáng để cúng dường, tiếp đãi nồng hậu, tặng quà và chắp tay đỉnh lễ. Họ là nguồn gốc thiện lành có một không hai trên thế giới.”
Hơn nữa, người đệ tử thánh thiện có những đức tính thánh thiện đáng ca ngợi, là những đức hạnh toàn diện hoàn chỉnh, tốt đẹp hoàn mĩ, hữu ích cho sự giải thoát, được người trí khen ngợi, không bị ảnh hưởng bởi thế tục, hữu ích cho việc thiền định.
Ngày 20 tháng 04
Một người có thể không nhận biết được thói quen tâm trí của người khác, nhưng ít nhất có thể hạ quyết tâm tìm hiểu tâm trí và thói quen của bản thân. Có thể rèn luyện bản thân theo cách sau: Thông thường con trai hay con gái lứa tuổi thanh thiếu niên thường rất thích trang điểm. Khi soi gương hoặc nhìn bóng mình trong nước, nếu phát hiện thấy vết bẩn hoặc mụn liền tìm cách để làm sạch, sau khi làm sạch được rồi sẽ cảm thấy rất hài lòng, vui vẻ, liền nghĩ: “Sạch sẽ thực sự rất tốt”. Tương tự như vậy, cách tốt nhất để xây dựng phẩm cách tốt đó là tự kiểm điểm bản thân. Con người nên biết tự hỏi: “Bình thường mình có tham lam, sân hận, lười nhác, nghi hoặc, phẫn nộ không? Tư tưởng của chúng ta trong sạch hay dơ bẩn? Tình cảm là mạnh mẽ hay vô vị? Chúng ta lười biếng hay tinh tiến? Chúng ta có thể kiểm soát bản thân hay không thể kiểm soát bản thân?” Trong lúc tự kiểm điểm bản thân, nếu thấy tâm trí của mình thường ngày luôn có những ý niệm xấu xa và vô ích, thì phải quyết tâm cố gắng gấp đôi, phấn đấu, đề cao cảnh giác, tập trung chuyên tâm loại bỏ chúng. Ngược lại, nếu phát hiện ra trong cuộc sống hàng ngày ta không có những ý niệm xấu xa và vô ích, thì nên cố gắng nỗ lực phát huy trạng thái đó, tiến thêm một bước nữa trong việc loại trừ những ý niệm xấu xa.
Ngày 21 tháng 04
Một thuở nọ, Đức Phật ở tại Benaves một thời gian, rồi Ngài đi đến rừng khổ hạnh. Trên đường đi, Ngài ngang qua một cánh rừng, ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ngơi. Lúc đó, có đoàn ba mươi người có vẻ rất thân thiện đem theo các bà vợ vào rừng để chơi. Trong số đó có một thanh niên còn độc thân, được một người bạn sắp xếp cho đi cùng một kỹ nữ. Khi đoàn người này đang chơi đùa rất vui vẻ thì cô kỹ nữ kia lặng lẽ lấy hết đồ đạc của mọi người rồi bỏ trốn. Nhóm người đó liền tỏa ra đi tìm cô.
Họ nhìn thấy Đức Phật ngồi nghỉ dưới gốc cây liền tiến lại hỏi: “Thưa Tôn giả, Ngài có nhìn thấy một cô gái đi ngang qua qua đây không?”
Sau đó, họ kể lại ngọn ngành câu chuyện cho Đức Phật nghe. Ngài nghe xong liền hỏi: “Theo mọi người, tìm cô gái đó quan trọng hơn hay tìm thấy bản thân mình quan trọng hơn?”
“Thưa Tôn giả, nói thật thì tìm bản thân quan trọng hơn.”
“Vậy thì hãy ngồi xuống đây, ta sẽ giảng pháp cho mọi người.”
Vậy là nhóm người đó đã ngồi xuống nghe Đức Phật giảng giải về sự giả dối và hủ bại của đức hạnh, thiên đường, nguy hiểm, niềm vui của các giác quan, cũng như lợi ích của việc từ bỏ ham muốn nhục dục. Đức Phật biết rằng, giờ đây tâm niệm của họ đã thoát được chướng ngại, có thể rèn luyện, phấn chấn, vui vẻ; bởi vậy, Ngài liền giảng giải cho họ về những lời dạy của chư Phật: Khổ đế - Tập đế - Diệt đế - Đạo đế.
Ngày 22 tháng 04
Mê đắm cờ bạc sẽ đem đến sáu điều nguy hiểm: Nếu thắng, sẽ khơi dậy sự thù hận của đối phương; nếu thua, sẽ mất tiền bạc và đau khổ vì mất tiền bạc; lời nói không có giá trị trước pháp luật; bị bạn bè, quan chức xa lánh; không ai đồng ý kết hôn với người như vậy, bởi ai cũng cho rằng, kẻ ham mê cờ bạc sẽ không bao giờ nuôi nổi vợ con.
Ngày 23 tháng 04
Nhẫn nhục là cảnh giới cao nhất của khổ hạnh.
Ngày 24 tháng 04
Tôi từng được nghe rằng: “Tình yêu mãi là điều cao cả và vĩ đại nhất”. Đức Thế Tôn là nhân chứng cho câu nói này, bởi Ngài đã chứng minh được tình yêu thương vĩnh cửu.
Ngày 25 tháng 04
Một lần, có một Tỳ kheo bị bệnh kiết lỵ ngã gục bên bãi phân của chính mình. Đức Thế Tôn và Tôn giả A Nan đang đi thị sát khu Tăng xá. Gặp phải vị Tỳ kheo đó, Đức Thế Tôn liền hỏi: “Này Tỳ kheo, con bị làm sao vậy?”
“Thưa, con bị bệnh kiết lỵ.”
“Không có ai chăm sóc con sao?”
“Thưa Thế Tôn, không có ạ.”
“Tại sao các Tỳ kheo khác không chăm sóc con?”
“Thưa Thế Tôn, vì con không có ích gì cho họ cả.”
Nghe vậy Đức Thế Tôn liền nói với A Nan: “Con đi lấy nước đến đây, chúng ta cùng tắm rửa cho Tỳ kheo này.” Nước được mang đến, Thế Tôn dội nước còn A Nan giúp tắm rửa. Vị Tỳ kheo được tắm rửa sạch sẽ và được hai thầy trò khiêng lên giường.
Sau đó, Đức Thế Tôn triệu tập Tăng chúng lại hỏi: “Này các Tỳ kheo, tại sao không có ai chăm sóc cho Tỳ kheo mắc bệnh kia?”
“Thưa Thế Tôn, vì vị không có ích gì cho chúng con.”
“Các con đều không có bố mẹ bên cạnh để chăm sóc, nếu lúc này không biết quan tâm lẫn nhau, sau này ai sẽ là người chăm sóc các con?”
Ngày 26 tháng 04
Tôn giả Xá Lợi Phất nói có năm cách có thể tiêu diệt được sân hận đang khởi phát. Đó là năm cách nào?
“Hãy lấy một người có lời nói trong sáng, nhưng hành vi của anh ta lại không trong sáng làm ví dụ. Giả sử có một nhà sư mặc áo cà sa được vá bằng nhiều miếng vải vụn, nhìn thấy trên đường có một mảnh vải vụn, liền dùng chân trái giữ miếng vải, dùng chân phải trải bằng miếng vải, thấy nó cũng có ích, rồi tiếp tục lên đường. Tương tự như vậy, đối với người có lời nói thanh tịnh nhưng việc làm thì không thanh tịnh, chúng ta không nên để ý đến việc làm của người đó, trái lại, chúng ta nên chú ý đến chỗ thanh tịnh của người đó”.
“Đối với người lời nói không trong sáng, hành vi cũng không trong sáng, thì chúng ta làm sao để diệt ý niệm sân hận với họ? Giả sử có một người đang rất mệt mỏi vì thời tiết nóng bức, cổ họng khô rát đi đến bên hồ nước đầy rong rêu. Anh ta nhảy xuống hồ nước, dùng tay gạt đám rong ra và vốc nước để uống, toàn thân cảm thấy vô cùng sảng khoái, sau đó tiếp tục lên đường. Tương tự như vậy, đối với người có lời nói không trong sáng, hành vi cũng không trong sáng, chúng ta không cần để ý đến lời nói của họ, trái lại, chúng ta nên chú ý đến chỗ thanh tịnh trong sạch của người đó.”
“Còn đối với một người tuy lời nói và việc làm không trong sáng, nhưng tâm trí lại có lúc đạt được sự trong sáng, yên bình thì sao? Giả sử có một người đang vô cùng chán nản mệt mỏi vì cái nóng của thời tiết, cổ họng khô rát, nhìn thấy một cái vũng chân trâu đầy nước, liền nghĩ rằng: ‘Đây là cái vũng chân trâu, nếu mình dùng tay hoặc kiếm đồ gì đó để múc nước, chắc chắn bùn sẽ bị khuấy lên, nước không thể uống được nữa. Mình cứ nằm bò xuống mặt đất rồi cúi đầu uống nước như trâu thì sao?’. Tương tự như vậy, đối với một người lời nói và việc làm không trong sáng, nhưng ý nghĩ của họ đôi lúc đạt được sự trong sáng và yên bình, chúng ta không cần phải chú ý đến việc làm và lời nói của họ, nên chú trọng vào những ý nghĩ trong sáng và yên bình của họ”.
“Còn đối với người mà lời nói và việc làm không trong sáng, tâm trí cũng không thể đạt được sự trong sáng và yên bình thì sao? Giả sử có một người bị bệnh rất nặng và rất đau đớn, đi một mình trên con đường không bóng làng mạc, không những không tìm được thức ăn, thuốc men để uống, cũng không tìm được người để chăm sóc, hoặc dẫn anh ta đi sang một ngôi làng khác. Nếu ai đó nhìn thấy anh ta, họ sẽ cảm thấy thương hại và nghĩ: ‘Người này thật tội nghiệp, nếu không được người khác giúp đỡ, anh ta chắc chắn sẽ chết.’ Tương tự như vậy, khi lời nói và việc làm của một người không trong sáng, tâm trí của họ cũng không thể đạt được sự trong sáng, yên bình thì chúng ta nên khởi lòng từ bi, cảm thông cho họ, nên nghĩ rằng: ‘Con người tội nghiệp này nên từ bỏ hành vi xấu xa, nuôi dưỡng những hành vi lương thiện, nếu không thì sau khi chết sẽ không thể đầu thai đến cảnh giới tốt lành được.’”
“Đối với một người mà lời nói, việc làm trong sáng, tâm trong sáng, thanh thản thì làm cách nào để từ bỏ sân hận? Giả sử có một người quá mệt mỏi vì thời tiết nóng nực, cổ họng khô rát, đi đến một ao nước trong veo và mát mẻ. Ven hồ trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tốt, thật là một nơi tuyệt vời để dừng chân nghỉ ngơi. Vậy là anh ta nhảy xuống hồ tắm rửa và uống nước, rồi lên nằm nghỉ dưới bóng râm. Tương tự như vậy, đối với những người này, chúng ta cần nghĩ đến sự trong sáng trong lời nói, hành động và ý nghĩ của họ.”
Ngày 27 tháng 04
Nếu kẻ thù của bạn,
Dùng sở trường của họ để làm hại bạn;
Hà cớ gì bạn phải muộn phiền,
Tự làm tổn thương trong chính lĩnh vực của bạn.
Rưng rưng nước mắt vòng quanh,
Bạn rời bỏ người thân, những người luôn ân cần hỏi han, ủng hộ giúp đỡ bạn.
Tại sao bạn lại không rời xa kẻ thù?
Tại sao không trút bỏ được cơn giận dữ tột cùng?
Cơn thịnh nộ bao bọc lấy bạn,
Ăn mòn tất cả những gốc rễ đức hạnh mà bạn đã dày công vun đắp,
Có ai lại ngu ngốc đến như vậy?
Sao phải vì họ mà tạo nghiệp ác,
Vì người mà nổi sân hận?
Không lẽ bạn muốn bắt chước theo hành vi xấu xa của anh ta?
Nếu có kẻ xúi giục, chọc tức bạn,
Muốn bạn làm điều xấu,
Tại sao bạn phải giận,
Tại sao bạn lại làm điều anh ta muốn.
Nếu bạn tức giận,
Anh ta có thể bị tổn thương hoặc không,
Nhưng bạn sẽ thấy cơn nóng giận,
Chắc chắn đang làm hại chính bạn.
Nếu kẻ thù tức giận đến mù quáng,
Tự nguyện đi lên con đường đau khổ,
Chẳng lẽ bạn muốn đi theo vết xe đổ của họ,
Khi kẻ thù chọc giận bạn, làm tổn thương bạn,
Hãy để cơn nóng giận đó tự tiêu tan,
Đừng làm tổn thương mình một cách vô nghĩa.
Ngày 28 tháng 04
Cư sĩ Citta nói với các Tỳ kheo rằng: “Nếu dùng sợi dây thừng hoặc ách bò để trói hai con bò đực màu trắng và màu đen vào với nhau, vậy nên nói rằng con bò đen là xiềng xích của con bò trắng? Hay con bò trắng mới là xiềng xích của con bò đen?”
“Không! Đều là không phải thưa cư sĩ, bò đen bò trắng đều bị trói buộc bởi sợi dây thừng hoặc ách bò.”
“Này các Tỳ kheo, cũng tương tự như vậy, nhãn căn không phải là xiềng xích của đồ vật, đồ vật cũng không phải là xiềng xích của đôi mắt; những dục vọng và sự cố chấp phát sinh ra từ hai điều này mới chính là xiềng xích. Nhĩ căn và âm thanh, tỷ căn và mùi, thiệt căn và vị, tâm và ý nghĩ đều không phải là xiềng xích. Dục vọng và sự cố chấp được khơi dậy từ sự tương tác của chúng mới thực sự là xiềng xích.”
“Lành thay! Thưa cư sĩ, ngài nói rất đúng. Ngài có đôi mắt nhìn thấu tất cả những lời giảng của Đức Phật.”
Ngày 29 tháng 04
Kimbila bạch hỏi Đức Thế Tôn: “Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, yếu tố nào có thể giúp Phật pháp được trường tồn?”
“Khi Như Lai nhập Niết bàn, nếu Tăng chúng, cư sĩ có thể tôn trọng và chú ý tới Phật, Pháp, Tăng, tôn trọng và chú ý tu tập, thiền định, nhiệt thành, thiện chí, thì Phật pháp sẽ được trường tồn.”
Ngày 30 tháng 04
Khi ta nói với những kẻ ngu ngốc rằng: “Hãy buông bỏ đi”. Họ lại nói với ta: “Đây chẳng qua chỉ là chuyện nhỏ không đáng kể, Sa môn này đã cường điệu hoá những điều nhỏ nhặt.” Họ không những không buông bỏ, còn tỏ ra không bằng lòng với ta và những người tu hành khác. Điều này sẽ tạo nên một chiếc gông cùm rất kiên cố, chắc chắn, vững chãi, không dễ để phá vỡ, giống như một khúc gỗ lớn, khó có thể mài mòn gông cùm lấy họ.