Ngày 01 tháng 03
Đứng dậy, ngồi thẳng!
Ước mơ có lợi ích gì?
Tại sao bạn bị bệnh, bị mũi tên muộn phiền bắn trúng,
Nhưng vẫn có thể tiếp tục ngủ yên.
Đứng dậy! Ngồi thẳng!
Rèn luyện bản thân, đạt được tâm bình yên,
Đừng để Diêm Vương biết rằng bạn đang lười nhác,
Lừa bạn vào vùng đất của ông ta.
Thiên thần và con người đều bị mắc kẹt bởi sự cố chấp,
Bạn nên loại bỏ sự cố chấp đó,
Đừng để lỡ cơ hội,
Người bỏ lỡ nó chỉ còn con đường đi vào địa ngục.
Lười nhác là trần ai,
Trần ai xuất hiện cùng với sự lười nhác,
Dùng kiến thức và sự cảnh giác,
Để loại bỏ mũi tên đang cắm trên cơ thể mình.
Ngày 02 tháng 03
Cơ thể không thể thiếu lương thực, buộc phải dựa vào lương thực để duy trì sự sống. Cũng giống như vậy, “năm chướng”1 cũng cần phải có lương thực để tiếp tục duy trì. Loại lương thực nào đã khơi dậy dục vọng của giác quan? Đó là chú tâm vào sự hấp dẫn của sự vật một cách mất kiểm soát. Loại lương thực nào đã khơi dậy sự thù hận? Đó là tập trung vào điều đáng ghét của sự vật một cách mất kiểm soát. Loại lương thực nào đã khơi dậy sự lười nhác? Đó chìm đắm trong sự thù hận, mệt mỏi chán ghét, tinh thần không phấn chấn. Loại lương thực nào đã khơi dậy tâm trạng bồn chồn bất an? Đó là chú tâm không có kiểm soát vào những thứ gây xao nhãng tâm trí. Loại lương thực nào đã khơi dậy sự hoài nghi? Đó là chú tâm không có kiểm soát vào những điều không chắc chắn.
1. Năm chướng: Bao gồm tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, hoài nghi.
Ngày 03 tháng 03
Ugga đến từ Migara Rohaneyga đã nói với Đức Thế Tôn: “Thưa Thế Tôn, của cải của đức vua thật khiến người khác phải kinh ngạc!”
“Ugga, của cải của đức vua là bao nhiêu?”
“Rất khó để đoán chính xác, có thể là 100 triệu tiền vàng và 100 triệu tiền bạc!”
“Những thứ đó có phải là của cải thật không? Nó có thể bị mất vì nước, lửa, bạo chúa, trộm cướp, kẻ thù, con cháu bất hiếu. Nhưng có bảy bảo vật không bao giờ bị mất bởi những nguyên nhân trên. Đó là bảy bảo vật nào? Chính là niềm tin, đức hạnh, tính trách nhiệm, tính liêm sỉ, học thức, bố thí và trí tuệ. Bảy bảo bối này không hề bị ảnh hưởng bởi nước, lửa, bạo chúa, trộm cướp, kẻ thù và con cháu bất hiếu.”
Ngày 04 tháng 03
Người không còn nói dối nữa thì không còn bị người đời coi là kẻ dối trá lừa đảo, mà trở thành người thật thà, đáng tin cậy, có thể dựa dẫm. Người không còn phỉ báng người khác thì sẽ không còn ăn nói luyên thuyên, đâm bị thóc chọc bị gạo, mà trở thành người hòa giải các bất hòa, ủng hộ sự đoàn kết. Người đó sẽ đề cao sự hòa hợp, thích đứng ra hòa giải. Hòa giải là động cơ cho lời nói của người đó. Người không còn dùng lời lẽ thô bạo khó nghe nữa, thì lời nói của họ không còn làm người khác tổn thương, mà đã thành những lời nói dễ chịu, cảm động, nhẹ nhàng nhã nhặn, được người nghe yêu thích. Một người không còn nói những lời khoa trương phù phiếm, sẽ biết mở lời khi đúng lúc, nói đúng sự thật, đúng sự việc; nói về Phật pháp, giới luật và những lời có giá trị; nói đúng lúc, hợp lý, rõ ràng, đúng mục đích.
Ngày 05 tháng 03
Có điều kiện nhưng không nuôi dưỡng cha mẹ già, Đó là nguyên nhân khiến chúng ta thân bại danh liệt.
Ngày 06 tháng 03
Có lần, Đức Thế Tôn ở trong vườn cây đa của gia tộc Thích Ca tại nước Ca Tỳ La Vệ, một người thuộc gia tộc Thích Ca tên là Mahanama đến hỏi Đức Thế Tôn: “Thưa ngài, phải làm thế nào để trở thành đệ tử tại gia?” Đức Thế Tôn trả lời: “Sau khi quy y Phật, Pháp, Tăng thì sẽ trở thành đệ tử của Phật.”
“Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử tu tại gia cần phải làm gì để tu tập đức hạnh?”
“Đệ tử tu tại gia nếu có thể giữ được không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, bỏ rượu, là đã có đức hạnh rồi.”
“Bạch Đức Thế Tôn, thế nào được gọi là làm lợi cho mình chứ không phải cho người khác?”
“Khi một người xây dựng niềm tin, đức hạnh, có thể buông bỏ, thích thân thiện với Tăng chúng, thích nghe Phật pháp, có thể chuyên tâm lắng nghe và suy nghĩ cặn kẽ, thấu hiểu ý nghĩa của Phật pháp và tu tập theo, nhưng lại không tích cực giúp đỡ người khác cùng xây dựng những tố chất trên, đó chính là người chỉ biết làm lợi cho mình chứ không phải người khác.”
“Bạch Đức Thế Tôn, làm thế nào để vừa có lợi cho mình mà vẫn có lợi cho người khác?”
“Khi bản thân đã xây dựng được niềm tin, đức hạnh, có thể cắt đứt buông bỏ, thân cận với chúng Tăng, thích nghe Phật pháp, có thể chuyên tâm lắng nghe và suy nghĩ cặn kẽ, thấu hiểu ý nghĩa của Phật pháp và tu tập theo, đồng thời cũng tích cực giúp đỡ người khác cùng xây dựng những tố chất đó, đó chính là vừa làm lợi cho mình và làm lợi cho người khác.”
Ngày 07 tháng 03
Nếu bạn trộn cánh kiến đỏ (có thể dùng làm thuốc nhuộm màu đỏ), bột nghệ, thuốc nhuộm màu xanh hoặc vàng vào một bát nước, người có thị lực tốt đến mấy cũng không thể nhận ra hoặc nhìn thấy bóng mình trong nước ấy. Cũng giống như vậy, nếu tâm một người bị dục vọng của các giác quan che lấp, nhấn chìm, không còn biết phòng bị, thì họ không thể nào nhìn thấy phúc lợi của mình hay của người khác; tất cả những lời kinh văn vốn đã ghi nhớ từ trước đều bị lãng quên, huống hồ những điều mới học gần đây.
Nếu đem một bát nước đặt trên lửa và đun sôi, người có thị lực tốt đến mấy cũng không thể nhận biết hoặc nhìn rõ bóng của mình trong nước ấy. Cũng giống như vậy, nếu tâm một người ngập tràn sự hận thù, nhưng lại không biết cách ngăn chặn, người đó không thể nhận biết hay nhìn rõ phúc lợi của bản thân hay của người khác; tất cả những lời kinh văn vốn đã ghi nhớ từ trước đều bị lãng quên, huống hồ những điều mới học gần đây.
Nếu một bát nước mọc đầy rong rêu thì người có thị lực tốt đến đâu cũng khó mà nhận biết hoặc nhìn rõ bóng mình trong nước ấy. Cũng giống như vậy, nếu tâm của một người bị nhấn chìm trong sự lười biếng mà không biết cách ngăn chặn thì người đó không thể nhận biết hay nhìn rõ phúc lợi của mình hay của người khác; tất cả những lời kinh văn vốn đã ghi nhớ từ trước đều bị lãng quên, huống hồ những điều mới học gần đây.
Nếu một bát nước do tác động của gió thổi mà nổi lên những gợn sóng, thì người có thị lực tốt đến đâu cũng khó mà nhận biết hoặc nhìn rõ bóng mình trong nước ấy. Cũng giống như vậy, nếu tâm một người bị ngập chìm trong sự bồn chồn bất an, nhưng lại không biết cách ngăn chặn, thì người đó sẽ không thể nhận biết hay nhìn thấy rõ phúc lợi của bản thân hay của người khác; tất cả những lời kinh văn vốn đã ghi nhớ từ trước đều bị lãng quên, huống hồ những điều mới học gần đây.
Một bát nước nếu bị khuấy lên trở nên vẩn đục như bùn và đặt nó vào một chỗ tối, thì người có thị lực tốt đến đâu cũng khó mà nhận biết hoặc nhìn rõ bóng mình trong nước ấy. Cũng giống như vậy, nếu tâm một người bị nhấn chìm trong sự nghi hoặc mà không biết cách phòng bị, người đó sẽ không thể nhận biết hay nhìn thấy rõ phúc lợi của bản thân hay của người khác; tất cả những lời kinh văn vốn đã ghi nhớ từ trước đều bị lãng quên, huống chi những điều mới học gần đây.
Ngày 08 tháng 03
Hướng suy nghĩ của bạn như thế nào, thì tâm trí của bạn cũng sẽ đi theo hướng đó.
Ngày 09 tháng 03
Cho dù là vua chúa, nông dân, tướng quân, trưởng thôn, chủ quản, hay là tộc trưởng, chỉ cần có đủ năm phẩm chất thì sẽ nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành và không bị suy thoái. Đó là năm phẩm chất nào?
Lấy tộc trưởng làm ví dụ! Anh ta dùng sức lực, máu, mồ hôi của mình và những phương thức hợp pháp để kiếm tiền. Anh ta biết tôn kính hiếu thuận bố mẹ, bố mẹ liền đáp lại anh ta với tình cảm đầy yêu thương: “Mong cho con được sống lâu, xin thần Phật phù hộ cho con!” Do vậy, người có phẩm chất hiếu thuận với bố mẹ, nhất định sẽ được tiến bộ, trưởng thành và không bị suy thoái. Anh ta chắc chắn sẽ đối xử tử tế với vợ con, người làm, công nhân; đối xử tử tế với người thuê đất, người thuê nhà, Sa môn và Bà la môn, đồng thời những người đó cũng sẽ đáp lại anh ta rằng: “Mong cho bạn được sống lâu, xin thần Phật phù hộ cho bạn.”
Ngày 10 tháng 03
Ba phương diện của việc thanh lọc cơ thể là gì? Con người không nên sát sinh, phải nên buông bỏ gươm giáo, gậy gộc, đối xử từ bi và nhân hậu với tất cả chúng sinh, sống một cách ôn hòa nhã nhặn. Con người nên từ bỏ trộm cắp, dù trong rừng hay giữa làng xóm, nếu người khác không cho thì nhất quyết không bao giờ lấy trộm. Con người nên tránh xa tà dâm, không quan hệ với bất kỳ phụ nữ nào còn ở dưới sự giám hộ của cha mẹ, anh chị em hoặc họ hàng; cũng như không được quan hệ với phụ nữ được sự bảo vệ của pháp luật, hay người có lời thề trung thành với chồng, hoặc người đang chịu hình phạt hay phụ nữ chuẩn bị kết hôn1.
1. Tham khảo thêm về cuộc sống của người phụ nữ Ấn Độ cổ đại.
Ngày 11 tháng 03
Người nào ngày đêm cố gắng thanh tịnh thân, khẩu, ý thì sẽ luôn được an vui.
Ngày 12 tháng 03
Đức Thế Tôn hỏi: “Số cát trong móng tay ta và số cát trên trái đất thì cái nào nhiều hơn?”
“Bạch Đức Thế Tôn, số cát trên trái đất nhiều hơn rất nhiều so với số cát trong móng tay Ngài, chẳng thể so sánh được.”
“Cũng giống như vậy, có rất ít chúng sinh được đầu thai vào cõi người, ít hơn rất nhiều so với các cõi khác.” Do vậy, chúng ta cần phải tu tập mọi lúc mọi nơi, luôn nhắc nhở bản thân: “Chúng ta phải sống thật nghiêm túc.”
Ngày 13 tháng 03
Bình minh là khởi đầu của mặt trời mọc, đức hạnh là khởi đầu của Bát chính đạo.
Ngày 14 tháng 03
Có ba loại ý nghĩ sẽ dẫn chúng ta đi đến sự mù quáng, vô minh, làm trí tuệ tiêu tán, sinh khởi phiền não, không có lợi ích cho việc chứng ngộ Niết bàn. Đó là ba loại ý nghĩ gì? Đó chính là những ý nghĩ về tham, sân và làm tổn thương.
Có ba ý nghĩ giúp mở rộng tầm nhìn và kiến thức, tăng trưởng trí tuệ, thúc đẩy hòa hợp, giúp ích cho chúng ta trong việc chứng ngộ Niết bàn. Ba ý nghĩ đó là gì? Đó chính là ý nghĩ về buông bỏ, từ bi và giúp đỡ.
Ngày 15 tháng 03
Đức Thế Tôn hỏi Mục Kiền Liên: “Con có thấy hôn trầm1 không?”
1. Hôn trầm: Là một trong năm triền cái (năm chướng ngại), đó là trạng thái mà con người thấy mệt mỏi, uể oải, lười biếng và buồn ngủ.
“Có, thưa Thế Tôn.”
“Vậy, lúc con cảm thấy hôn trầm, thì đừng cố chấp với ý niệm hôn trầm đó, nó có thể vì vậy mà biến mất. Hoặc là con có thể nghiền ngẫm về những lời dạy của Đức Phật, nó cũng có thể giúp con loại bỏ cảm giác hôn trầm. Nếu không, con hãy tụng đi tụng lại những lời kinh, nó cũng có thể giúp loại bỏ cảm giác hôn trầm. Hoặc con đứng dậy đi rửa mặt, ngắm nhìn bầu trời đầy sao, nó cũng có thể loại bỏ cảm giác hôn trầm. Hoặc, xây dựng ý thức sáng suốt trong lòng, cho dù là ban ngày hay ban đêm đều có thể tỏa sáng rực rỡ, nó cũng có thể làm tiêu tan cảm giác hôn trầm. Nếu không, con có thể đi tới đi lui, có thể nhìn rõ mọi điều phía trước phía sau mình, nhưng tâm tập trung vào bên trong, điều này cũng giúp dập tan cảm giác hôn trầm. Hoặc giả, con nằm theo tư thế nghiêng sang bên phải, chân trái gác lên chân phải, duy trì sự tỉnh táo, ý niệm rõ ràng, trong lòng nghĩ rằng ‘một lúc nữa thôi là ta sẽ đứng dậy’ sau khi tỉnh giấc thì lập tức đứng dậy, trong lòng nghĩ: “Ta không tham lam cảm giác nằm và ngủ”. Hãy nên thường xuyên tập luyện như vậy.”
Ngày 16 tháng 03
Quy y Phật, Pháp, Tăng tất sẽ không còn thấy lo lắng và sợ hãi nữa.
Ngày 17 tháng 03
Có bốn sự việc giúp thăng tiến trí tuệ, giúp ích rất nhiều cho các chúng sinh đang ở trong cõi người. Đó là bốn việc gì? Chính là kết giao với người lương thiện, lắng nghe Phật pháp, cẩn thận khôn khéo, tu tập như pháp dạy.
Ngày 18 tháng 03
Một người vô gia cư tên Nandiya hỏi Đức Thế Tôn: “Cần có những điều kiện gì để sau khi tu tập và phát triển, con người có thể đạt tới mục tiêu là đến Niết bàn.”
“Này Nandiya, có tám điều kiện để sau khi tu tập tinh tiến sẽ giúp con người bước lên con đường Niết bàn và đạt được mục tiêu là chứng ngộ Niết bàn. Đó là những điều kiện nào? Đó là Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định.”
Ngày 19 tháng 03
Có năm giai đoạn trong cuộc đời thích hợp để phấn đấu. Đó là năm giai đoạn nào? Chính là khi ta còn trẻ, tóc còn xanh, đang trong độ tuổi thanh xuân, thời kỳ hoàng kim của tuổi trẻ, là giai đoạn đầu tiên. Khi sức khỏe ta còn tốt, khả năng tiêu hóa tốt, cơ thể không nóng không lạnh, đó là giai đoạn thứ hai. Khi không có nạn đói xảy ra, không cần lo lắng về vấn đề lương thực, con người có thể sống nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè, đó là giai đoạn thứ ba. Khi con người sống hòa thuận với nhau, tình cảm khăng khít, ánh mắt ôn hòa thiện chí, không có tranh giành, yêu thương lẫn nhau, đó là giai đoạn thứ tư. Khi chúng Tăng sống hòa thuận, không xúc phạm hay buộc tội, hay tranh chấp lẫn nhau, đều đồng tình với một lời dạy dỗ, người thiếu tự tin tìm được sự tự tin, người đã có tự tin thì càng trở nên mạnh mẽ hơn, đó là giai đoạn thứ năm.
Ngày 20 tháng 03
Đừng nhìn vào lỗi lầm của người khác,
Đừng nhìn vào những việc người khác đã làm hay chưa làm,
Hãy nhìn vào những việc bản thân đã làm hay chưa làm.
Khi một người miệt thị lỗi lầm của người khác,
Nhưng lại mang trong lòng mình một trái tim mến mộ,
Thì phiền não của người ấy sẽ không ngừng tăng lên, khó mà dập tắt.
Chỉ khi bạn có thể làm được những điều mà bạn chỉ bảo người khác,
Như vậy là bạn đã kiềm chế được bản thân,
Thì bạn mới có thể kiềm chế được người khác,
Quả thực, kiềm chế bản thân là một điều không dễ dàng.
Bạn phải theo dõi bản thân,
Bạn phải kiểm điểm bản thân,
Bảo vệ bản thân là bảo vệ chính niệm
Hỡi các Tỳ kheo, các bạn sẽ được sống trong hạnh phúc.
Ngày 21 tháng 03
Cái gọi là “tư duy”, “tâm” hay “ý thức” thường xuyên trỗi dậy rồi lại biến mất liên tục cả ngày lẫn đêm, giống như con khỉ nắm lấy cành cây đung đưa trong rừng rậm, thả cành cây này lại lập tức chộp lấy cành cây khác. Cái gọi là “tư duy”, “tâm” hay “ý thức” cũng không ngừng trỗi dậy rồi biến mất giống như thế.
Ngày 22 tháng 03
Một người vô gia cư tên Jambukhadaka đến hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất: “Thưa ngài, mọi người đều bàn tán về Niết bàn, vậy Niết bàn là gì?”
“Loại trừ được tham, sân, si chính là Niết bàn .”
“Có con đường nào có thể đi đến Niết bàn không?”
“Đúng là có đường và có cách để đi đến Niết bàn.”
“Đó là gì ạ?”
“Này bạn của ta! Đó chính là Bát chính đạo, tức là Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định. Đây là một con đường may mắn, là phương pháp giúp ta chứng ngộ Niết bàn, cũng là lý do để cho ta tu tập nghiêm chỉnh.”
Ngày 23 tháng 03
Trong thế gian này,
Con người nên thận trọng tu tập đức hạnh;
Bởi vì tu tập tốt đức hạnh,
Thành công sẽ nằm trong tay ta.
Người tu tập cẩn thận nên giữ lấy đức hạnh,
Theo đuổi ba loại hạnh phúc:
Lời khen ngợi của người khác, thu được của cải, sau khi chết được lên thiên đường.
Người có đạo đức tất có tính kỷ luật,
Vì vậy kết giao được nhiều bạn bè;
Người không có đạo đức sẽ làm điều sai trái,
Cho nên sẽ bị bạn bè xa lánh.
Kẻ không có đức hạnh là kẻ tiếng xấu đồn xa, khét tiếng độc ác,
Người có đức hạnh được mọi người đón nhận, danh tiếng vượt trội.
Đức hạnh là cội nguồn, tiền thân, nền tảng của chân thiện mỹ,
Cho nên con người nên thanh lọc đức hạnh của mình.
Đức hạnh là kiểm soát, là kỷ luật,
Đức hạnh mang lại niềm vui,
Đức hạnh là cầu nối cho chư Phật thành Phật,
Cho nên con người nên thanh lọc đức hạnh của mình.
Đức hạnh là sức mạnh dồi dào,
Đức hạnh là vũ khí sắc bén,
Đức hạnh là trang sức cao quý,
Đức hạnh là bộ giáp thần kỳ.
Đức hạnh là cây cầu vững chắc,
Đức hạnh là gia vị tuyệt đỉnh,
Đức hạnh là phương thuốc tốt nhất,
Hương thơm lan tỏa khắp nơi.
Đức hạnh là trang bị cần thiết đầu tiên,
Đức hạnh là lương thực cho cuộc hành trình,
Đức hạnh là phương tiện giao thông tốt nhất,
Có thể đưa ta đi tới bất cứ nơi đâu.
Ngày 24 tháng 03
Có ba kiểu người rất có ích cho chúng sinh. Là những kiểu người nào? Đó là người dẫn dắt chúng sinh quy y Phật, Pháp, Tăng; là người hướng dẫn chúng sinh hiểu được Tứ diệu đế; là người giúp chúng sinh tiêu diệt phiền não, đạt được sự giải thoát triệt để ở kiếp này. Không có ai hữu ích cho chúng sinh hơn những người này.
Ngày 25 tháng 03
Tôn giả Vakkali sống trong ngôi nhà cỏ của một thợ gốm, ông bị ốm rất nặng, trong người vô cùng mệt mỏi, liền dặn dò người theo hầu: “Này bạn của ta, hãy đến chỗ Đức Thế Tôn, thay ta đỉnh lễ Ngài, báo với Ngài ta bị bệnh, hi vọng với lòng từ bi của Ngài, mong Ngài đến thăm ta.”
Người hầu liền tới chỗ của Đức Thế Tôn, đỉnh lễ Ngài theo lời dặn và mời Ngài đến gian nhà cỏ. Đức Thế Tôn nhận lời, đắp áo cà sa, cầm lấy bình bát rồi Ngài lên đường.
Khi Vakkali thấy Đức Thế Tôn tiến lại gần, ông đã cố gắng đứng dậy để nghênh đón Ngài. Đức Thế Tôn thấy vậy liền nói: “Không cần đâu, Vakkali, hãy nằm xuống đi! Ở đây có chỗ ngồi, ta ngồi đây là được rồi.” Sau khi ngồi xuống, Đức Thế Tôn nói với Vakkali: “Ta hy vọng con có thể chịu được, ta hy vọng con có thể chống chọi được. Cơn đau nhiều lên hay là đã đỡ hơn rồi?”
“Không ạ, bạch Đức Thế Tôn, con không thể chịu đựng được nữa, con không thể chống chọi được nữa. Cơn đau không tăng lên nhưng cũng không giảm đi.”
“Vậy con có bất kỳ nghi ngờ hay hối tiếc gì không?”
“Bạch Đức Thế Tôn, nói thật lòng, con không có nghi ngờ cũng không hối hận điều gì.”
“Về đức hạnh con có điều gì tự trách không?”
“Bạch Đức Thế Tôn, không có.”
“Vậy con có điều gì còn lo lắng hay tiếc nuối không?”
“Nếu nói về phương diện này, từ rất lâu rồi con mong muốn được gặp Ngài, nhưng do vấn đề sức khỏe mà chưa thực hiện được.”
“Vakkali, tại sao con lại muốn nhìn thấy thân xác bẩn thỉu này của ta chứ? Nhìn thấy Phật pháp cũng chính là nhìn thấy ta, nhìn thấy ta cũng chính là nhìn thấy Phật pháp. Đúng vậy, nhìn thấy Phật pháp cũng chính là nhìn thấy ta, nhìn thấy ta cũng chính là nhìn thấy Phật pháp.”
Ngày 26 tháng 03
Theo ta được biết, không có thứ gì được cho là vô dụng hơn một trái tim chưa giác ngộ. Thật vậy, một trái tim chưa giác ngộ thì không thể nào dùng được. Theo như ta được biết, không có gì hữu dụng hơn một trái tim đã giác ngộ. Thật vậy, trái tim đã được giác ngộ thì thực sự rất hữu dụng.
Ngày 27 tháng 03
Phàm những điều mà một người thầy từ bi, biết nghĩ cho lợi ích của đệ tử cần phải làm, thì ta cũng đã làm rồi. Đây là dưới gốc cây, đây là khu đất trống, hãy tu tập thiền định ở đây, không được lười biếng, kẻo hối hận về sau. Đó là những điều ta muốn hướng dẫn cho các con.
Ngày 28 tháng 03
Nên kết bạn với những người có đủ bảy đức tính tốt. Đó là bảy đức tính gì? Đó là có thể cho đi những thứ rất khó để cho người khác, có thể làm những việc khó làm, có thể gánh vác những điều khó gánh vác, có thể chia sẻ bí mật của bản thân, nhưng có thể giữ bí mật cho bạn, khi bạn gặp nạn không bao giờ bỏ rơi bạn, khi bạn tuyệt vọng cũng không bao giờ rời bỏ bạn.
Ngày 29 tháng 03
Làm thế nào người đệ tử có thể đối xử với thầy bằng tình yêu thương chứ không phải là thái độ thù địch? Vì lợi ích của các đệ tử, người thầy từ bi đã dạy cho cho họ Phật pháp, rằng: “Điều này là vì sự phúc lợi và niềm vui của các con.” Do đó, các đệ tử tập trung vào việc tiếp nhận kiến thức uyên thâm đó. Họ không đi ngược lại lời dạy của thầy. Họ sẽ đối xử với những người thầy của mình bằng tình yêu thương chứ không phải là thái độ thù địch. “Vì vậy, các con cũng nên đối xử với ta bằng tình yêu thương chứ không phải là thù địch, điều này sẽ đem lại phúc lợi và niềm vui lâu dài cho chúng ta. Ta sẽ không nhào nặn các con như người thợ gốm nhào nặn đất sét; ngược lại sẽ nói đi nói lại, thử đi thử lại. Chỉ có những người có năng lực mới vượt qua được thử thách.”
Ngày 30 tháng 03
Con người ở trên thế gian này có thể chia làm ba kiểu. Là ba kiểu nào? Đó là kiểu dấu khắc trên đá, kiểu dấu vết trên cát và kiểu viết trên mặt nước. Những người thuộc kiểu dấu khắc trên đá là như thế nào? Đó là những người hay nóng giận và sự tức giận đó kéo dài dai dẳng, giống như được khắc trên đá, sẽ không dễ dàng bị gió, nước hay thời gian bào mòn và xóa mất. Những người nào thuộc kiểu viết trên cát? Đó là những người hay nổi nóng, nhưng cơn giận biến mất nhanh chóng, giống như dấu vết trên cát, rất nhanh có thể bị gió, nước hoặc thời gian bào mòn rồi bị xóa mất. Người thuộc kiểu viết trên nước là như thế nào? Đó là những người nếu bị người khác nói lời ác ý có thể lớn tiếng cao giọng đáp trả, nhưng cũng có thể lập tức làm hòa với đối phương, giữ hòa khí hữu hảo, cũng giống như chữ viết trên mặt nước, nhanh chóng biến mất.
Ngày 31 tháng 03
Một gia đình muốn duy trì hạnh phúc được lâu dài, thì cần bốn yếu tố sau: Họ có thể tìm thấy và bù đắp những gì đã mất, sửa chữa những thứ hỏng hóc, ăn uống điều độ, trao quyền quản lý gia đình cho người đàn ông có đức độ hoặc người phụ nữ đảm đang và đức hạnh.