Ngày 01 tháng 02
Mục đích của việc tu tập không phải là để đạt được danh lợi, hay là những điều lợi do đức hạnh, thiền định, tri thức, nhãn quan mang lại, mà là đạt được sự giải thoát thực sự của tâm hồn. Đây mới là mục tiêu cuối cùng mà một đời sống thánh thiện hướng đến.
Ngày 02 tháng 02
Người trí không kết bạn với kẻ mang tâm niệm ác độc và đố kỵ, cũng không kết bạn với kẻ cười trên nỗi đau của người khác. Thật vậy, kết bạn với kẻ ác chính là tội ác.
Người trí nên kết bạn với những người tràn đầy lòng tin, thân thiện và thông minh, nên chơi với những người thông thái. Đúng vậy, kết bạn với người lương thiện là hạnh phúc.
Ngày 03 tháng 02
Khi bố thí thức ăn, người bố thí thường bố thí năm đồ vật. Đó là những đồ vật nào? Đó là cuộc sống, vẻ đẹp, niềm vui, sức mạnh và trí tuệ. Người bố thí cũng có thể chia sẻ những phẩm chất của cuộc sống, vẻ đẹp, niềm vui, sức mạnh và trí tuệ trong hiện tại và tương lai.
Ngày 04 tháng 02
Một hành giả vẫn chưa thể kiểm soát tâm niệm của mình, nếu thực sự mong muốn giải phóng tất cả mọi sự ràng buộc và xem đó như một vấn đề hệ trọng của bản thân, thì tôi cho rằng chú tâm quán sát tâm niệm là một việc rất hữu ích đối với họ.
Ngày 05 tháng 02
Tâm niệm bị ô uế, chúng sinh cũng bị ô uế;
Tâm niệm thanh tịnh, chúng sinh cũng được thanh tịnh.
Ngày 06 tháng 02
Tu tập thiền định thông qua việc tập trung tâm niệm vào hơi thở, có thể mang lại kết quả và lợi ích tuyệt vời. Làm thế nào để tập trung tâm trí vào hơi thở? Nó mang lại kết quả và lợi ích tuyệt vời như thế nào?
Hành giả nên vào trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc nơi thoáng đãng, ngồi xếp bằng, thẳng lưng, bắt đầu quán sát hơi thở, tập trung tâm niệm vào việc hít thở. Khi hít sâu, nên nghĩ rằng: “Tôi hít vào một hơi dài.” Khi thở ra nên nghĩ rằng: “Tôi thở ra một hơi dài.” Khi nhẹ nhàng hít vào hãy nghĩ rằng: “Tôi hít vào một hơi ngắn”. Khi nhẹ nhàng thở ra hãy nghĩ rằng: “Tôi thở ra một hơi ngắn.”
Hơn nữa, khi hít vào hành giả cần nghĩ rằng: “Khi tôi hít vào tôi có thể cảm nhận mọi chuyển động của cơ thể.” Khi thở ra hành giả cần nghĩ rằng: “Khi thở ra tôi có thể cảm nhận được mọi chuyển động của cơ thể.” Và khi hít vào nên nghĩ rằng: “Khi hít vào tôi có thể trấn tĩnh mọi chuyển động của cơ thể.” Khi thở ra cũng nên nghĩ rằng: “Khi thở ra tôi có thể trấn tĩnh mọi chuyển động của cơ thể.”
Ngày 07 tháng 02
Nếu một câu nói có đủ năm đặc điểm sau đây thì đó là lời nói thiện lành, không phải lời thô ác, không có lỗi lầm, không bị người khôn ngoan trách cứ. Đó là: Nói đúng lúc, nói đúng sự thật, nói ngữ khí nhẹ nhàng thân thiện, nói đúng mục tiêu, nói với tấm lòng chan chứa yêu thương.
Ngày 08 tháng 02
Gia đình có những người con biết hiếu kính thì cha mẹ được ví như Bà la môn, hiền nhân, hay các vị thần linh cổ đại, là những người thực sự đáng để cúng dường.
Tại sao lại dùng những từ Bà la môn”, “Hiền nhân”, “Những vị thần linh cổ đại”, “Đáng để cúng dường” để mô tả cha mẹ? Bởi vì cha mẹ đã đánh đổi rất nhiều vì con cái - họ đã đưa con cái đến với thế giới này, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng.
Ngày 09 tháng 02
Khoái cảm của giác quan đến từ năm cảnh1. Đó là gì? Đó là hình ảnh mà mắt có thể phân biệt được, nó thú vị dễ thương, quyến rũ, hấp dẫn và liên quan tới khoái cảm của giác quan. Những âm thanh có thể cảm nhận được bằng tai; những mùi có thể ngửi được bằng mũi; những vị có thể cảm nhận được bằng lưỡi; những cảm giác có thể cảm nhận được bằng cơ thể, tất cả đều thú vị, đáng yêu, quyến rũ, hấp dẫn và đều liên quan tới khoái cảm của giác quan. Chúng là năm nguồn khoái cảm của giác quan. Vì vậy, niềm vui do năm cảnh ở trên đem lại được gọi là khoái cảm của giác quan. Đó là những niềm vui trần tục, niềm vui của những người bình thường, là những niềm vui vô thưởng vô phạt. Nó không đáng để theo đuổi, phát triển hoặc coi trọng. Ta cho rằng nó thật đáng sợ.
1. Còn gọi là Ngũ trần, Ngũ diệu dục cảnh. Nhằm để chỉ cho năm loại đối cảnh khách quan để năm căn tiếp xúc, như đối cảnh của mắt là sắc, đối cảnh của tai là thanh, đối cảnh của mũi là mùi hương, đối cảnh của lưỡi là mùi vị, đối cảnh của thân là xúc chạm. Nếu như thếm đối cảnh của ý là pháp thì gọi là sáu cảnh.
Ngày 10 tháng 02
Hành giả nếu muốn tu tập được tâm niệm cao hơn, thì mọi lúc mọi nơi đều phải chú ý tới năm bước. Đó là những bước nào?
Con người khi làm một việc gì đó, thì những niệm ác liên quan tới tham, sân, si liền trỗi dậy, ta nên biết cách chuyển sự chú ý vào việc sửa chữa, như vậy niệm ác sẽ tiêu tan, tâm niệm ổn định vững vàng hơn, có thể bình tĩnh, tập trung, chuyên chú hơn. Điều này cũng giống như người thợ mộc hay học trò của người thợ mộc đó cần mẫn tỉ mỉ khắc từng chi tiết trên tác phẩm của họ.
Khi tâm niệm của chúng ta tập trung vào sự thuần khiết, niệm ác liên quan tới tham, sân, si lại được đà trỗi dậy, chúng ta nên phân tích những điều có hại của niệm ác, cần suy nghĩ rằng: “Khẳng định một điều rằng niệm ác là tội lỗi, là đáng trách, sẽ gây ra đau khổ.” Như vậy, niệm ác sẽ biến mất, tâm niệm ổn định, bình tĩnh, tập trung chuyên chú hơn. Điều này cũng giống như nam thanh nữ tú ăn mặc đoan trang, cảm thấy ghê tởm và xấu hổ với cái xác rắn hay xác chó, xác chết đang quấn quanh cổ mình.
Khi suy ngẫm về những mặt xấu của niệm ác, những thứ liên quan tới tham, sân, si lại được đà trỗi dậy, chúng ta nên quên chúng đi, không nghĩ đến chúng. Như vậy, niệm ác sẽ biến mất, tâm niệm ổn định, bình tĩnh và tập trung hơn. Điều đó cũng giống như một người có thị lực bình thường, vì không muốn nhìn thấy một điều gì đó mà hướng mắt đi chỗ khác hoặc nhắm mắt lại.
Trong khi ta cố gắng quên hoặc không chú ý đến những niệm ác, nhưng những điều liên quan tới tham, sân, si lại bùng lên, khi đó ta nên để chúng tự hạ xuống. Như vậy, niệm ác sẽ biến mất, tâm trí sẽ ổn định, bình tĩnh, tập trung hơn. Điều này giống như khi một người không tìm thấy lý do để chạy, thì anh ta sẽ chạy chậm lại và bước đi; khi thấy không có lý do để đi, anh ta sẽ đứng; khi thấy không có lý do để đứng, anh ta sẽ ngồi; khi thấy không có lý do để ngồi, anh ta sẽ nằm xuống. Như vậy, anh ta đã chuyển từ trạng thái tiến về phía trước sang trạng thái yên lặng.
Khi để cho các niệm ác tự mình dịu đi, thì những niệm ác liên quan tới tham, sân, si lại bùng lên, thì ta phải nghiến chặt răng, đưa lưỡi lên vòm miệng, dùng tâm niệm để trấn áp, dứt bỏ, khắc chế niệm ác. Bằng cách này, niệm ác sẽ biến mất, tâm trí ổn định, bình tĩnh, tập trung, chuyên chú hơn. Nó giống như một người đàn ông mạnh mẽ tóm lấy đầu và vai một người đàn ông gầy gò yếu đuối rồi ghì chặt anh ta xuống.
Hành giả nào làm được năm bước trên thì người đó có thể làm chủ được tâm trí. Họ chỉ nghĩ đến những điều mình muốn, không nghĩ tới những điều mà mình không muốn. Họ không còn cố chấp, đã giải thoát khỏi sự trói buộc, kiềm chế được sự kiêu ngạo và tiêu diệt được mọi phiền muộn.
Ngày 11 tháng 02
Người có trái tim nhân từ,
Luôn từ bi với mọi chúng sinh,
Cho dù ở trên, dưới, phải, trái,
Hay mỗi một ngóc ngách vô tận.
Tràn ngập vô hạn, hoàn chỉnh,
Với lòng từ bi toàn diện,
Những lỗi lầm trong quá khứ,
Nào còn vương vấn trong tim.
Ngày 12 tháng 02
Một người chỉ biết dùng đôi mắt để nhìn sự việc, dùng mũi để ngửi mùi, dùng lưỡi để nếm vị, dùng cơ thể để cảm nhận xúc chạm, dùng tâm hồn để nhận biết ý niệm mà không chú ý tới ngoại hình và những tiểu tiết của sự việc đó. Nếu để năm giác quan này tự do buông thả, sẽ tạo cơ hội cho cám dỗ, chán ghét, ý nghĩ xấu xa trỗi dậy. Vì lý do đó, hành giả nên kiểm soát những giác quan này. Nếu biết kiểm soát tốt các giác quan, ta sẽ cảm nhận được niềm vui khi không bị lôi kéo, hay bị chọc giận.
Ngày 13 tháng 02
Có năm loại tạp chất ảnh hưởng đến khả năng uốn cong, khả năng gia công, độ bóng, độ dẻo dai của vàng, khiến nó khó đạt được kết quả hoàn hảo. Năm tạp chất đó là gì? Chính là sắt, đồng, thiếc, chì và bạc. Nếu vàng nguyên chất không lẫn tạp chất, thì việc uống cong sẽ dễ dàng hơn, khả năng gia công chế tạo cao, độ bóng tốt, không bị giòn, có thể đạt được kết quả hoàn hảo. Chúng ta có thể dùng nó để tạo ra nhiều loại trang sức như: con dấu, nhẫn, khuyên tai, dây chuyền...
Tương tự như vậy, cũng có năm tạp niệm sẽ ảnh hưởng đến sự linh hoạt, khả năng gia công, độ bóng của tâm hồn, khiến nó khó mà loại bỏ được các vết nhơ bẩn. Năm tạp niệm đó là gì? Chính là dục vọng, hận thù, lười biếng, lo lắng bất an, nghi ngờ. Khi tâm loại bỏ được năm tạp niệm này, nó có thể phát triển tính linh hoạt, khả năng gia công, độ bóng và không còn mỏng manh yếu đuối, thích hợp để loại bỏ các vết nhơ bẩn. Vì vậy, con người có thể hướng tâm tới thanh tịnh, có thể lĩnh hội tất cả những điều cần phải dùng tâm để cảm nhận, dù nó ở vị trí sâu đến đâu, xa tới mức nào thì tâm đều có thể nhìn thấy rõ ràng.
Ngày 14 tháng 02
Dùng sự cố gắng để vượt qua dòng sông phẫn nộ
Dùng nghị lực để vượt qua biển cả khổ đau.
Ngày 15 tháng 02
Tập trung vào việc tu tập “niệm tức pháp”1 là một việc rất yên bình, siêu việt và hoàn mỹ, đồng thời cũng là một cách sống hết sức vui vẻ. Không chỉ vậy, thực hành “niệm tức pháp” có thể nhanh chóng dập tắt những ý nghĩ xấu nảy sinh trong chốc lát, giống như một cơn mưa rào trong mùa khô hạn có thể rửa sạch đám bụi bẩn trong không khí trong phút chốc.
1. Niệm tức pháp: Đó là thông qua cách thở để cân bằng cảm xúc bên trong và nâng cao khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Ngày 16 tháng 02
Một người tốt được sinh ra là để mang lại lợi ích, niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh, bao gồm cha mẹ, vợ con, tôi tớ, công nhân, bạn bè, cộng sự, thậm chí cả ẩn sĩ và Bà la môn.
Ngày 17 tháng 02
Cư sĩ Nakulapita và vợ là Nakulamata đến gặp Đức Thế Tôn. Sau khi ngồi xuống, Nakulapita nói: “Khi vợ con về làm dâu nhà con, lúc đó con mới chỉ là một cậu bé, cô ấy cũng chỉ là một cô bé. Cho đến ngày nay, con vẫn chưa nhận thức được là mình đã từng làm gì vượt quá phạm vi lễ giáo với cô ấy dù chỉ trong ý nghĩ hay thân thể. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con muốn được mãi mãi ở bên nhau cho dù là kiếp này hay kiếp sau.”
Nakulamata tiếp lời: “Bạch Đức Thế Tôn, khi con được gả về nhà chồng, con mới chỉ là một cô bé, anh ấy mới chỉ là một cậu bé. Cho đến ngày nay, con vẫn chưa nhận thức được là mình đã từng làm gì vượt quá phạm vi lễ giáo với anh ấy dù chỉ trong ý nghĩ hay thân thể. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con muốn được mãi mãi ở bên nhau cho dù là kiếp này hay kiếp sau.”
Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nếu cả hai vợ chồng đều mong muốn kiếp này và kiếp sau đều được ở bên nhau, đồng thời niềm tin, đức hạnh, bố thí, trí tuệ có thể phối hợp với nhau, thì các con có thể gặp nhau ở kiếp này và cả kiếp sau.”
Ngày 18 tháng 02
Nếu con người không ngừng hồi tưởng về những điều họ mong muốn có được trong quá khứ, hiện tại và tương lai, thì những ý niệm dục vọng sẽ được sinh ra từ đây. Khi dục vọng đã hiện diện, con người sẽ bị ràng buộc bởi những gì người ta mong muốn. Một trái tim tràn đầy dục vọng chính là điều mà ta vẫn thường gọi đó là “mối dây ràng buộc”.
Ngày 19 tháng 02
Sở hữu nhiều của cải thường có năm điều bất lợi. Đó là năm điều nào? Chính là của cải có thể bị phá hủy bởi hỏa hoạn, ngập lụt, bị hoàng đế cấm đoán, bị cướp bóc, bị tranh giành bởi những đứa con bất hiếu.
Sở hữu nhiều của cải cũng sẽ đem đến cho ta năm điều lợi. Đó là năm điều nào? Đó là dùng của cải để khiến bản thân vui vẻ, đồng thời có thể khiến bố mẹ, vợ con, công nhân, bạn bè, đối tác cùng vui vẻ, với một mục tiêu cao cả là có một tương lai tốt đẹp hơn, dùng của cải để cúng dường cho các Sa môn và Bà la môn, ta sẽ có được niềm vui tái sinh vào cõi trời.
Ngày 20 tháng 02
“Bạch Đức Thế Tôn, có thể nhìn thấy kết quả của việc bố thí không?”
Thế Tôn trả lời: “Có chứ! Người thích bố thí sẽ được chúng sinh yêu quý, những người tốt và người khôn ngoan cũng sẵn sàng theo người đó. Tiếng tốt về người đó sẽ được truyền đi xa. Đây là những kết quả hiển nhiên của việc bố thí mang lại. Ngoài ra, khi giao tiếp với chức sắc, Bà la môn, cư sĩ hay Sa môn, người thích bố thí cũng thể hiện ra đầy vẻ tự tin, thong dong. Đây chính là những kết quả của việc bố thí mang lại. Hơn nữa, sau này khi mất đi, người đó chắc chắc sẽ được tái sinh lên cõi trời, đây là kết quả trong tương lai của việc bố thí mang lại.”
Ngày 21 tháng 02
Nào! Trong cuộc sống hàng ngày, hãy canh gác tốt các “cánh cổng giác quan”. Hãy quán sát hoạt động của tâm niệm một cách tỉ mỉ, chuyên chú, luôn giữ đầu óc tỉnh táo, sáng suốt.
Ngày 22 tháng 02
Akkosalca thuộc bộ tộc Bharadvaja Brahmin nghe lời tộc trưởng đi theo Tăng đoàn của Ngài Cồ Đàm1 để tu tập. Một lần, ông ta tức giận, bất bình chạy đến dùng những lời lẽ rất vô lễ và thô lỗ chửi mắng Đức Thế Tôn. Sau khi ông ta mắng chửi xong, Đức Thế Tôn mới lên tiếng: “Ông đã từng tiếp đón người thân, bạn bè hay là những vị khách đến nhà chơi chưa?”
“Rồi, thưa Cồ Đàm, tôi đã từng tiếp đón.”
“Vậy ông có chuẩn bị đồ ăn cứng, mềm và để chỗ cho họ nghỉ ngơi không?”
“Có, thưa Cồ Đàm, đôi khi tôi có làm như vậy.”
“Vậy nếu như họ không nhận những thứ mà ông vừa chuẩn bị thì những thứ đó sẽ thuộc về ai?”
“Thuộc về tôi.”
1. Tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
“Này Bà la môn kia, bây giờ cũng như vậy, ta không nhận những lời lẽ thô lỗ mà ông dùng để mắng chửi, xúc phạm ta, vậy thì chúng đương nhiên vẫn thuộc về ông. Là của Bà la môn ông. Khi bị người khác mắng chửi trách cứ, nếu bắt bẻ lại, chẳng khác gì khách và chủ cùng nhau nhập tiệc, tận hưởng món ăn, hai bên cùng có lợi. Bà la môn, ta và ông chưa từng nhập tiệc cùng nhau, chia sẻ thức ăn và lợi ích với nhau. Chúng vẫn là của ông, Bà la môn, chúng vẫn thuộc về ông.”
Ngày 23 tháng 02
Ham muốn của các giác quan là một loại chướng ngại, chúng sẽ làm lu mờ trái tim bạn, khiến trí tuệ của bạn bị suy yếu. Hận thù, lười biếng, bồn chồn bất an, hoài nghi cũng là một loại chướng ngại, chúng sẽ che lấp trái tim bạn, làm trí tuệ của bạn bị suy giảm. Nếu ta loại bỏ được những chướng ngại đang nảy sinh trong lòng, thì trí tuệ sẽ được thăng tiến, có thể nhận biết được lợi ích của bản thân, lợi ích của người khác, lợi ích chung, thậm chí đạt được tri thức cũng như tầm nhìn của một bậc thánh nhân, từ đó có thể thoát ra được khỏi “nhân đạo”1.
1. Ở đây được hiểu là những cảnh giới của con người.
Ngày 24 tháng 02
Chiếc bình nếu không có giá đỡ sẽ dễ bị đổ vỡ, nếu có giá đỡ sẽ vững chắc hơn. Cũng vậy, trái tim nếu không có giá đỡ sẽ dễ bị sụp đổ, có giá đỡ rồi sẽ vững chãi. Vậy giá đỡ của trái tìm là gì? Đó chính là Bát chính đạo: Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định, Chính kiến, Chính tư duy.
Ngày 25 tháng 02
Tấm vải đã bị ố bẩn thì cho dù có ngâm trong nước nhuộm màu xanh, vàng, đỏ tươi hay đỏ thẫm thì cũng khó mà nhuộm được cho đều màu. Tại sao lại như vậy? Vì chính vải vốn đã không sạch. Cũng như vậy, khi một trái tim bị ô nhiễm, thì vận rủi cũng theo đó mà đến. Một tấm vải sạch được nhuộm màu xanh, vàng, đỏ hoặc đỏ thẫm sẽ ra được màu sắc đều đẹp. Tại sao? Vì tấm vải bản chất là sạch. Tương tự như vậy, nếu một trái tim được giữ trong sạch, vận may chắc chắn sẽ đến.
Ngày 26 tháng 02
Khi bạn sử dụng đúng các từ “cuộc sống thánh thiện, cảnh giới cao cả, cách sống của Như Lai”, bạn sẽ hiểu được chúng đều dùng để mô tả trạng thái quán chiếu “niệm tức pháp”.
Ngày 27 tháng 02
Đừng nên xem thường tội lỗi,
Cho rằng nó không đến với chính mình.
Bằng cách tích lũy từng chút một,
Bình nước có ngày sẽ đầy;
Thông qua lộ trình tương tự,
Kẻ ngốc tích lũy nhiều tội lỗi.
Đừng thờ ơ với những việc tốt,
Cho rằng nó không đến với chính mình.
Bằng cách tích lũy từng chút một,
Bình nước có ngày sẽ đầy,
Thông qua lộ trình tương tự,
Người khôn ngoan biết tích lũy việc tốt.
Ngày 28 tháng 02
Mất của cải chỉ là chuyện nhỏ, mất trí tuệ mới là chuyện lớn;
Cầu được của cải là chuyện nhỏ, cầu được trí tuệ mới là chuyện lớn.