Ngày 01 tháng 01
Trong trường hợp không có thầy giỏi, hành giả nên tu tập theo Phật pháp. Phật pháp là chân thực. Thực hành đúng sẽ mang lại cho ta niềm an vui và hạnh phúc vĩnh cửu.
Ngày 02 tháng 01
“Hãy tưởng tượng nếu trái đất bị nhấn chìm trong nước, một người đàn ông cầm chiếc ách1 khoét lỗ và ném xuống nước. Chiếc ách bị gió thổi, trôi dạt khắp nơi. Lại giả sử cứ mỗi một trăm năm, sẽ có con rùa bị mù nổi lên mặt nước, vậy, các con thử tính xem, tỉ lệ đầu của con rùa mù một trăm năm mới nổi lên một lần đó lọt vào lỗ ách kia là bao nhiêu?”
1. Đoạn gỗ cong mắc lên cổ trâu bò để buộc dây kéo xe, cày, bừa.
“Thưa Thế Tôn, tỉ lệ đó cực kì ít ỏi.”
“Đúng vậy! Cơ hội chúng ta được sinh ra làm người cũng ít ỏi như vậy; cơ hội để một Như Lai trụ thế và chứng ngộ hoàn toàn cũng cực kì ít ỏi; Phật pháp và giới luật của Như Lai được thuyết giảng trên thế giới cũng vô cùng ít ỏi như vậy. Nay các con đã được sinh ra làm thân người, Như Lai cũng đã trụ thế thuyết giảng Phật pháp cho chúng sinh, vậy nên mỗi người hãy cố gắng tu tập để chứng ngộ Tứ diệu đế1.”
1. Tứ diệu đế hay còn gọi là Bốn chân lý cao thượng, hoặc Bốn sự thật cao thượng, là những lời dạy vô cùng quan trọng xuyên suốt trong toàn bộ giáo pháp của Đức Phật, chúng bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
Ngày 03 tháng 01
Cánh cửa vĩnh hằng của sự sống đã được mở ra, bất cứ ai nghe thấy nó đều đáp lại một cách đầy tự tin.
Ngày 04 tháng 01
Một tín đồ tin tưởng lời dạy của Đức Phật và có thể ứng dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày của mình, thì họ sẽ nghĩ rằng: “Thầy là người giảng dạy, còn mình là người tu tập. Người giảng dạy biết rõ mọi thứ, còn mình thì không.”
Một tín đồ tin tưởng lời dạy của Đức Phật và có thể ứng dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày của mình, thì những lời dạy của Thầy sẽ không ngừng giúp họ trưởng thành, phát huy sức mạnh. Đối với họ mà nói: “Chỉ cần thực hiện những gì mà sức người có thể đạt được, thì cho dù da, xương, gân của tôi có bị teo đi, cơ bị khô lại cũng không hề hối tiếc.”
Một tín đồ tin tưởng lời dạy của Đức Phật và có thể ứng dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày của mình, tức là thời điểm này họ có kiến thức uyên bác hoặc nếu như có nghiệp luân hồi, thì sẽ tái sinh vào giai đoạn “không trở lại1.”
1. Ở đây chỉ cho quả vị A na hàm hay còn gọi là Bất lai, quả vị thứ ba trong Tứ thánh quả. Những người chứng đắc được quả vị này không còn tái sinh vào cõi ác trược nữa, mà sinh lên cõi trời Ngũ Bất Hoàn (trời Ngũ A Na Hàm) và sẽ ở tại đây cho đến khi chứng đắc quả vị A la hán.
Ngày 05 tháng 01
Nói về phương diện tu tập đức hạnh của mỗi cá nhân, thì không gì có thể so sánh với lời dạy của Đức Phật. Mỗi người cần phải trung thành, không lừa dối, không ba hoa, không nhiều lời, không đặt điều thị phi, không khinh thường người khác, không cố mưu cầu tăng thêm lợi ích cho cá nhân. Chúng ta nên kiểm soát nghiêm ngặt các cảm quan, ăn uống điều độ, thúc đẩy hòa bình, nâng cao cảnh giác, tích cực hành động, năng nổ không mệt mỏi. Nên tu tập thiền định, suy nghĩ rõ ràng, lời nói trang nghiêm, tiến bộ từng ngày, ý chí kiên định và thấu hiểu lý lẽ. Không ham muốn dục lạc, chỉ cần giữ vững chính niệm và thận trọng. Đây là lời dạy tối cao về đức hạnh cá nhân. Đức Thế Tôn hoàn toàn giác ngộ về phương diện này, không một Tỳ kheo hay Bà la môn nào có thể hiểu đức hạnh này hơn Đức Thế Tôn.
Ngày 06 tháng 01
Thế Tôn hỏi: “Tác dụng của gương là gì?”
La Hầu La1 trả lời: “Thưa Thế Tôn, là phản ánh.”
1. Tôn giả La Hầu La (Rāhula) là vị A la hán trẻ tuổi nhất trong thập đại đệ tử của Đức Phật.
“Nếu đã như vậy thì cần phải suy nghĩ cặn kẽ trước khi tạo các thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.”
Ngày 07 tháng 01
Những người bị nỗi sợ hãi kiểm soát,
Đi đến ngọn núi thần, vào sâu trong rừng rậm,
Đến trước gốc cây thánh và đền thiêng.
Nhưng đó đều không phải là nơi trú ẩn an toàn,
Không phải là nơi nương tựa lý tưởng nhất, Không phải là đi tới đó,
Đau khổ sẽ được loại trừ.
Nhưng nếu ai quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng,
Thì sẽ được khởi phát trí tuệ, lĩnh ngộ Tứ diệu đế;
Khổ (Khổ đế), nguồn gốc của đau khổ (Tập đế),
Sự diệt khổ (Diệt đế), Bát chính đạo giúp diệt khổ (Đạo đế)
Đây là nơi trú ẩn an toàn,
Là nơi nương tựa lý tưởng nhất; Ai đến đây tìm sự bảo hộ,
Sẽ thoát khỏi mọi sự khổ đau.
Ngày 08 tháng 01
Nếu không còn mặt trời, mặt trăng, thì không còn ánh sáng, không còn hào quang, chỉ còn lại vô minh; thế gian này cũng không có ngày đêm, năm tháng và bốn mùa. Nhưng sau khi mặt trời, mặt trăng được hình thành, chúng có thể phát ra ánh sáng, hào quang để xua đuổi bóng tối và sự vô minh; thế gian nhờ vậy mới có chia thành ngày đêm, năm tháng và bốn mùa.
Tương tự như vậy, khi Như Lai - bậc tối thượng giác ngộ hoàn toàn chưa xuất hiện, thì thế gian này chưa không có ánh sáng hay hào quang, chỉ có bóng tối và sự vô minh; trên đời cũng chưa có tuyên ngôn, giáo nghĩa, giải thích, thúc đẩy, khai mở, phân tích và giãi bày về Tứ diệu đế. Nhưng khi Như Lai - bậc tối thượng giác ngộ hoàn toàn đã xuất hiện, thì thế gian này liền có ánh sáng, hào quang để xua đuổi bóng tối và vô minh; và những tuyên ngôn, giáo lý, giải thích, quảng bá, khai mở, phân tích và giải thích về Tứ diệu đế cũng bắt đầu có mặt trên đời.
Ngày 09 tháng 01
“Ta sẽ vì con mà giảng giải, phân tích về Bát chính đạo. Ta sẽ giảng giải ngay đây, con hãy lắng nghe cho kĩ. Bát chính đạo là gì? Bát chính đạo là bao gồm: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm và Chính định.”
Chính kiến là gì? Chính kiến là hiểu rõ một cách chính xác về nỗi khổ niềm đau, nguồn gốc của sự đau khổ, sự đoạn diệt đau khổ và cách để tiêu diệt nỗi đau khổ.
Chính tư duy là gì? Chính tư duy là tư duy lìa bỏ dục vọng, từ bi và giúp người.
Chính ngữ là gì? Chính ngữ là không nói dối, không đặt điều thị phi, không nói lời thô ác và lời nhơ bẩn bất chính.
Chính nghiệp là gì? Chính nghiệp là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm.
Chính mệnh là gì? Chính mệnh là từ bỏ những công việc sai trái, kiếm sống bằng những công việc chân chính.
Chính tinh tiến là gì? Chính tinh tiến là phát khởi ý nghĩ bỏ ác làm lành, nỗ lực tập trung và dẫn dắt tâm niệm để ngăn chặn sự sinh trưởng của ý nghĩ xấu ác, diệt trừ các ý nghĩ xấu ác đang trỗi dậy, nuôi dưỡng những ý nghĩ thiện lành đã được sinh ra cũng như chưa sinh, để nó phát triển một cách toàn diện và đạt đến sự hoàn hảo.
Chính niệm là gì? Chính niệm là duy trì sự tỉnh táo, luôn quán chiếu đến những hành vi, cảm nhận, tư duy, tâm niệm của bản thân để khắc chế mọi cám dỗ và thù hận trên thế gian.
Chính định là gì? Chính định là tu tập Tứ diệu đế.
Ngày 10 tháng 01
Nắm bùn đất ném vào không trung,
Chắc chắn lại rơi xuống mặt đất;
Lời dạy của Đức Phật cũng vậy,
Là chắc chắn và đáng tin cậy.
Sau khi màn đêm dần tan biến,
Mặt trời chắc chắn sẽ mọc lên;
Lời dạy của Đức Phật cũng vậy,
Là chắc chắn và đáng tin cậy.
Khi Sư tử bước ra khỏi hang,
Sẽ cất tiếng rống đầy oai hùng;
Lời dạy của Đức Phật cũng vậy.
Là chắc chắn và đáng tin cậy.
Ngày 11 tháng 01
Phàm những lời dạy nào không dẫn dắt con người hướng đến từ bỏ, buông xả, điềm nhiên, tĩnh lặng, kiến thức uyên thâm, giác ngộ hay Niết bàn, thì ta có thể khẳng định rằng đó không phải là Phật pháp, không phải là giới luật, không phải là lời dạy của Đức Phật. Chỉ có những lời chỉ dạy có thể thúc đẩy chúng ta đi đến từ bỏ, buông xả, điềm nhiên, tĩnh lặng, kiến thức uyên thâm, giác ngộ hay Niết bàn, thì ta mới có thể chắc chắn rằng đó là Phật pháp, là giới luật, là lời dạy của Đức Phật.
Ngày 12 tháng 01
Đại dương rộng lớn chỉ có một mùi vị duy nhất là mặn.
Lời dạy của đức Phật chỉ có một mùi vị duy nhất là tự do.
Ngày 13 tháng 01
Nếu chúng sinh đều giống như ta hiểu rõ về công đức bố thí, thì những dấu tích “keo kiệt” sẽ không còn in dấu trong lòng. Khi dùng những vật dụng, nếu không biết chia sẻ chúng cùng người khác thì họ không thể cảm nhận được cảm giác hạnh phúc. Ngay cả phần thức ăn cuối cùng, nếu như không biết chia sẻ với người khác, thì họ cũng sẽ không cảm nhận được cảm giác hạnh phúc.
Ngày 14 tháng 01
Ma Ha Lợi (Mahali) hỏi Đức Thế Tôn: “Bạch Đức Thế
Tôn, những nguyên nhân nào tạo ra nghiệp ác?”
“Tham, sân, si, tâm không chuyên chú và tà niệm, đây chính là những nguyên nhân gây ra nghiệp ác.”
“Bạch Đức Thế Tôn, vậy những nguyên nhân nào tạo ra nghiệp thiện?”
“Không keo kiệt, từ bi, trí tuệ, tâm chuyên chú và chính niệm, đây là những nguyên nhân tạo ra nghiệp thiện.”
Ngày 15 tháng 01
Tu tập những pháp nào sẽ giúp chúng ta đạt được nhiều lợi ích? Với câu hỏi này, người đệ tử thánh thiện sẽ tự phản tỉnh: “Tôi quý trọng mạng sống, không muốn chết đi; tôi yêu thích hưởng thụ niềm vui, căm ghét nỗi khổ niềm đau, tôi không muốn bị người khác giết hại; tương tự như vậy, người khác cũng không muốn bị tôi giết hại. Bởi những gì chúng ta thấy không vui thì người khác cũng sẽ cảm thấy không vui, vậy tại sao tôi có thể áp đặt những điều không vui đó lên người khác chứ?” Nếu biết suy xét như vậy, có thể giúp con người từ bỏ sát sinh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sinh, ca ngợi những hành động từ bỏ sát sinh.
Người đệ tử thánh thiện sẽ tiếp tục tự phản tỉnh: “Nếu đồ của tôi bị người khác trộm mất, tôi sẽ thấy không vui. Cũng như vậy, nếu tôi lấy đồ của người khác thì họ cũng sẽ không vui, bởi vì những điều tôi thấy không vui thì người khác cũng sẽ thấy không vui, vậy tại sao tôi có thể áp đặt những điều không vui đó lên người khác chứ?” Nếu biết suy xét như vậy, có thể giúp con người không trộm cắp, khuyến khích người khác từ bỏ việc trộm cắp, khen ngợi những hành động từ bỏ việc trộm cắp.
Người đệ tử thánh thiện tiếp tục tự phản tỉnh: “Nếu người khác cưỡng hiếp bạn đời của tôi, tôi sẽ thấy không vui. Tương tự như vậy, nếu tôi đi cưỡng hiếp bạn đời của người khác, họ cũng sẽ không vui, bởi những điều tôi thấy không vui thì người khác cũng sẽ thấy không vui, vậy tại sao tôi có thể áp đặt những điều không vui đó lên người khác chứ?” Nếu biết suy xét như vậy, có thể giúp con người từ bỏ tà dâm, khuyến khích mọi người từ bỏ thói tà dâm và cổ vũ những hành động từ bỏ thói tà dâm.
Người đệ tử thánh thiện lại tiếp tục tự phản tỉnh: “Nếu người khác dùng những lời dối trá làm tổn hại lợi ích của tôi, tôi sẽ không vui. Giống như vậy, nếu tôi cũng dùng những lời dối trá để làm tổn hại lợi ích của người khác thì họ cũng sẽ không vui, bởi những điều tôi thấy không vui thì người khác cũng sẽ thấy không vui, vậy tại sao tôi có thể áp đặt những điều không vui đó lên người khác chứ?” Nếu biết suy xét như vậy, có thể giúp con người từ bỏ nói dối và tuyên dương những hành động từ bỏ nói lời dối trá.
Người đệ tử thánh thiện lại phản tỉnh thêm: “Nếu người khác dựng chuyện thị phi, tạo ra mâu thuẫn để phá hoại tình bạn của tôi, hoặc chửi mắng tôi, dùng những lời vô nghĩa làm xáo trộn tâm trạng của tôi, tôi sẽ thấy không vui. Tương tự, nếu tôi cũng đối xử với họ như vậy, họ cũng sẽ thấy không vui; bởi những điều tôi thấy không vui thì người khác cũng sẽ thấy không vui, vậy tại sao tôi có thể áp đặt những điều không vui đó cho người khác chứ?” Nếu biết suy xét như vậy, con người sẽ không đi gây chuyện thị phi, không chửi bới, không nói lời nhơ bẩn bất chính, khuyên người khác từ bỏ những hành động như đặt điều, chửi bới, buông lời bất chính, tán dương những hành động từ bỏ chửi bới, buông lời nhơ bẩn bất chính.
Ngày 16 tháng 01
Tham - phải chịu sự khiển trách khá nhẹ, nhưng thời gian để sửa đổi nó tương đối lâu.
Sân - phải chịu sự khiển trách khá nặng, nhưng thời gian để sửa đổi nó tương đối nhanh.
Si - phải chịu khiển trách khá nặng, nhưng thời gian để sửa đổi nó tương đối lâu.
Ngày 17 tháng 01
Người tại gia có thể cảm nhận được bốn loại niềm vui thông qua thời gian hoặc cảm quan. Đó là bốn loại nào? Niềm vui khi có quyền sở hữu tài sản, niềm vui khi có của cải, niềm vui khi không mắc nợ và niềm vui khi không mắc lỗi lầm.
Thế nào gọi là niềm vui sở hữu tài sản? Đó là những của cải chính đáng, hợp pháp mà người tại gia đạt được bằng chính mồ hôi công sức của bản thân bỏ ra, nghĩ tới điều đó, họ sẽ cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn.
Thế nào là niềm vui khi có của cải? Đó là khi người tại gia dùng những phương thức chính đáng, hợp pháp để có của cải và dùng nó để hành thiện, chỉ cần nghĩ đến điều đó họ liền cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn.
Thế nào là niềm vui khi không mắc nợ? Đó là khi người tại gia không mắc nợ người khác dù là nhiều hay ít, chỉ cần nghĩ tới điều đó họ liền cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn.
Thế nào là niềm vui khi không mắc lỗi lầm? Người đệ tử thánh thiện không mắc một lỗi lầm nào từ nơi thân thể, lời nói và tư tưởng, chỉ cần nghĩ tới điều đó họ liền cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn.
Ngày 18 tháng 01
Có trí tuệ, giữ kỷ luật,
Lương thiện và thông minh,
Khiêm tốn, không kiêu ngạo,
Những người như vậy sẽ được người khác tôn trọng.
Sáng sớm thức dậy, từ bỏ lười biếng,
Những lúc cãi vã, giữ được bình tĩnh,
Đức hạnh viên mãn, hành sự khéo léo,
Những người như vậy sẽ được người khác tôn trọng.
Kết giao bạn bè, quý trọng tình bạn,
Tiếp đãi thiện chí, chia sẻ phúc lành,
Là người chỉ đường, triết gia, bạn tốt,
Những người như vậy sẽ được người khác tôn trọng.
Khảng khái độ lượng, ăn nói nhẹ nhàng,
Tích cực hành thiện, đối xử công bằng,
Những người như vậy sẽ được người khác tôn trọng.
Ngày 19 tháng 01
Trên đời này có bốn hạng người. Đó là những hạng người nào? Hạng thứ nhất là không biết quan tâm đến lợi ích của mình cũng như lợi ích của người khác; hạng thứ hai là chỉ lo cho lợi ích người khác mà không màng tới lợi ích của mình; hạng thứ ba là chỉ quan tâm lợi ích của mình mà không quan tâm tới lợi ích của người khác; hạng thứ tư là vừa quan tâm tới lợi ích của người khác vừa quan tâm tới lợi ích của mình.
Hạng người không biết quan tâm tới lợi ích của mình và người khác giống như một que củi trong lò hỏa táng, ở giữa phủ đầy phân mà hai bên toàn là lửa, vừa không thể làm nhiên liệu cho dân làng, cũng không thể làm cây cối trong rừng. Hạng người chỉ biết lo cho lợi ích người khác mà không màng tới lợi ích của mình thì cao siêu và vượt trội hơn hạng người phía trước. Hạng người chỉ biết tập trung vào lợi ích của mình mà không màng đến lợi ích của người khác lại càng cao siêu vượt trội hơn. Hạng người đồng thời vừa quan tâm tới lợi ích của mình và người khác chính là thủ lĩnh trong bốn hạng người; là hạng người giỏi nhất, cao nhất.
Cũng giống như việc ta vắt sữa từ bò sữa, làm phô mai từ sữa bò, làm bơ từ phô mai, rồi lại chiết xuất những gì tinh hoa nhất từ bơ và có thể nói đó là sản phẩm tốt nhất trong bốn loại sản phẩm. Giống như vậy, người biết quan tâm lợi ích mình và người khác chính là thủ lĩnh của bốn hạng người, là tốt nhất, tột cùng, tối thượng.
Ngày 20 tháng 01
Có mười điều nuôi dưỡng mười điều mà con người luôn khao khát, yêu thích, say mê nhưng lại khó đạt được. Đó là mười điều gì? Nghị lực và nỗ lực nuôi dưỡng sự giàu có; Trang phục lộng lẫy, trang sức tinh tế tô điểm cho dung mạo xinh đẹp; Sống điều độ nuôi dưỡng sức khỏe; Kết giao với bạn tốt nuôi dưỡng đức hạnh và biết kìm nén dục vọng nuôi dưỡng cuộc sống thánh thiện. Từ bỏ tranh chấp nuôi dưỡng tình hữu nghị; Ôn luyện nhiều lần nuôi dưỡng kiến thức sâu rộng; Biết lắng nghe hay học hỏi nuôi dưỡng trí tuệ; Học tập và kiểm tra nuôi dưỡng sự hiểu biết về giáo lý; Sống đúng đắn nuôi dưỡng cơ hội tái sinh về cõi lành.
Ngày 21 tháng 01
Khi kẻ ngu xuẩn phạm phải năm giới ngồi trong đại điện, trên đường phố hay giữa ngã ba đường, nghe người ta nói về mình, kẻ đó chắc chắn sẽ nghĩ rằng: “Những người này đang bàn tán về mình, vì mình đã làm những điều đó.” Đây là loại đau khổ, phiền muộn đầu tiên mà kẻ này phải chịu đựng ở đây trong lúc này.
Khi kẻ này nhìn thấy nhà vua truy bắt và trừng phạt kẻ trộm hay tội phạm, thì tất sẽ nghĩ rằng: “Nhà vua đang trừng phạt tội phạm mà mình cũng làm những điều này, nếu nhà vua biết chuyện, chắc chắn ngài cũng sẽ trừng phạt mình!” Đây là loại đau khổ, phiền muộn thứ hai mà kẻ này phải chịu đựng ở đây trong lúc này.
Khi kẻ này ngồi trên ghế, nằm trên giường hoặc ngủ dưới đất, những lỗi lầm về thân, khẩu, ý mà anh ta đã phạm phải sẽ bao trùm lấy anh ta, giống như khi màn đêm buông xuống thì bóng của những ngọn núi cao sẽ che phủ khắp mặt đất vậy. Lúc này, kẻ này sẽ nghĩ rằng: “Mình chưa bao giờ làm việc thiện, cũng không tích đức, khi đối mặt với những điều khủng khiếp, cũng chưa từng tìm nơi trú ẩn. Mình sẽ phải đến một nơi chỉ dành cho những kẻ chuyên làm điều ác mà không làm việc thiện.” Vì vậy, kẻ này buồn bã, khóc lóc, đấm ngực giậm chân, thần trí không còn tỉnh táo. Đây là loại đau khổ, phiền muộn thứ ba mà kẻ này phải chịu đựng ở đây trong lúc này.
Ngày 22 tháng 01
Người tu tập Phật pháp,
Nên bỏ rượu và khuyên người khác bỏ rượu,
Nên biết rằng rượu sẽ khiến ta say xỉn.
Kẻ ngu ngốc vì say xỉn mà tạo nghiệp ác,
Khiến người khác lơ là sơ suất,
Vậy nên, cần phải tránh nguyên nhân tạo ra tai ương này,
Hành vi ngu ngốc này chỉ những kẻ ngu ngốc mới làm theo.
Ngày 23 tháng 01
Dựa vào bốn phẩm chất, người thông minh sáng suốt, đức cao vọng trọng sẽ có cuộc sống chân thực, sôi động, không phạm lỗi, không bị người có trí tuệ chê trách. Đó là bốn loại phẩm chất nào? Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đều thanh tịnh và biết đền ơn đáp nghĩa.
Ngày 24 tháng 01
Người vốn không phạm sai lầm,
Nhưng làm bạn với kẻ ác,
Sẽ bị người khác nghi ngờ,
Danh dự cũng bị ảnh hưởng.
Người chịu ảnh hưởng từ bạn bè và lãnh đạo,
Mưa dầm thấm đất, lâu dần như vậy,
Sẽ trở nên giống như họ.
Ta thường sẽ giống người mà mình đi theo,
Giống người mà mình thường tiếp xúc,
Một mũi tên đã tẩm thuốc độc,
Chạm vào mũi tên chưa tẩm thuốc độc,
Kết quả cả hai đều bị dính thuốc độc,
Người chân chính không muốn mình bị tiêm nhiễm,
Không muốn làm bạn với kẻ ngu dốt.
Nếu đem những lát cá thối xâu lên cỏ “Cô sa”1
Thì cỏ cũng nhuốm mùi hôi thối,
Làm bạn với kẻ ngu dốt,
Kết quả cũng như vậy.
Nếu đem Nhũ hương2 gói trong những chiếc lá bình thường,
Chiếc lá đó cũng nhanh chóng nhuốm mùi thơm,
Kết bạn với người có trí tuệ,
Kết quả cũng như vậy.
Ghi nhớ ví dụ về chiếc lá,
Và hiểu rõ kết quả của nó,
Ta nên kết bạn với người thông minh,
Tuyệt đối không chơi với kẻ ngu dốt.
1. Cỏ Cô sa: Rau thơm.
2. Nhũ hương: Nhựa trầm hương.
Ngày 25 tháng 01
Chúng ta có thể thông qua ba đặc điểm để xác định đâu là người Chính tín. Đó là ba đặc điểm nào? Họ khao khát được gặp những người tài đức; Họ khao khát được nghe Phật pháp; Họ không keo kiệt, rất hào phóng, trong sạch, sẵn sàng bố thí, sẵn sàng giúp đỡ người khác và sẵn sàng chia sẻ của cải cho người khác.
Ngày 26 tháng 01
Dựa trên lòng từ bi đối với chúng sinh, biết nghĩ cho lợi ích và hạnh phúc của chúng sinh và các vị thiên thần, siêng năng nỗ lực tìm kiếm phúc lợi và niềm vui cho chúng sinh, xét từ cổ chí kim cũng chỉ có Đức Thế Tôn mà thôi, không có ai khác.
Phật pháp là hoàn hảo, hiển bày dễ thấy và không bị hạn chế bởi thời gian. Ai cũng có thể thử nghiệm, tu tập theo từng bước một, đó là điều mà một người thông minh có thể làm được. Có thể tuyên truyền và giảng dạy theo từng bước như vậy, xét từ cổ chí kim cũng chỉ có Đức Thế Tôn mà thôi, không có ai khác.
Đức Thế Tôn giảng giải rõ ràng điều gì đúng, điều gì sai, ai đáng trách, ai đáng khen, điều gì nên làm, điều gì nên tránh, điều gì thấp, điều gì cao, điều gì thanh tịnh, điều gì không thanh tịnh. Có thể giải thích một cách chi tiết như vậy, xét từ cổ chí kim cũng chỉ có Đức Thế Tôn mà thôi, không có ai khác.
Đức Thế Tôn dạy các đệ tử con đường dẫn đến Niết bàn. Niết bàn và con đường dẫn đến Niết bàn được phối hợp với nhau hài hòa thành một, giống như sông Hằng và sông Yamuna hòa làm một, cùng tuôn chảy, người thầy có thể hướng dẫn chúng ta bước trên con đường dẫn đến Niết bàn, xét từ cổ chí kim cũng chỉ có Đức Thế Tôn mà thôi, không có ai khác.
Đức Thế Tôn có nhiều bạn đồng hành, kể cả những người mới bắt đầu và những người đã đoạn trừ phiền não, Đức Thế Tôn sống cùng họ, cùng tận hưởng niềm vui đoàn kết. Một người thầy như vậy, xét từ cổ chí kim cũng chỉ có Đức Thế Tôn mà thôi, không có ai khác.
Công đức của việc cúng dường Đức Phật cũng hết sức lớn lao. Vì danh tiếng lẫy lừng của Đức Thế Tôn, nên những người danh tiếng hiển hách cũng tìm đến để tặng quà Ngài. Tuy nhiên, Đức Thế Tôn không vì thế mà tỏ ra kiêu căng ngạo mạn. Một người thầy như vậy, xét từ cổ chí kim cũng chỉ có Đức Thế Tôn mà thôi, không có ai khác.
Đức Thế Tôn đã đưa ra lời giải cho những mối nghi ngờ trong lòng và Ngài không còn do dự nữa. Đối với tông chỉ cho cuộc sống thánh thiện, không còn chút hoài nghi nào, Ngài đã hoàn thành mục tiêu của mình. Có thể đạt được cảnh giới như vậy, xét từ cổ chí kim cũng chỉ có Đức Thế Tôn mà thôi, không có ai khác.
Ngày 27 tháng 01
Trận mưa lớn trút xuống xối xả, nước chảy vào mương, khi mương đầy thì chảy tràn sang những chỗ trũng, khi chỗ trũng đầy thì chảy vào hố sụt, rồi xuống các ao nhỏ, ao lớn, hồ, lạch, sông và cuối cùng đổ ra biển. Tương tự như vậy, một người đệ tử thánh thiện có niềm tin vững chắc nơi Phật, Pháp và Tăng, có đầy đủ những đức tính của bậc thánh, dựa vào những điều đó, họ có thể giống như dòng nước chảy xối xả, cuối cùng sẽ đến được bờ bên kia, cắt đứt được mọi phiền não.
Ngày 28 tháng 01
Khi bạn muốn khuyên bảo người khác, trước tiên bạn nên tự quán chiếu lại bản thân: “Tôi có đang tu tập thanh tịnh thân thể và lời nói hay không? Tôi đã thực sự hoàn hảo không còn khiếm khuyết, trau dồi tu tập để thân thể và lời nói được thanh tịnh chưa? Những tố chất đó đã hiện rõ trên con người của tôi chưa?” Nếu đáp án là chưa, người khác chắc chắn sẽ nói: “Bạn nên tu tập đức hạnh và lời nói của chính bạn trước đi!”
Hơn nữa, muốn khuyên bảo người khác, trước tiên bạn nên tự quán chiếu lại bản thân: “Tôi đã tu tập được một tấm lòng thân thiện, không còn mang chút tà niệm đối với các bạn đồng tu1 chưa? Những phẩm chất này đã có trong tôi chưa? Nếu câu trả lời là chưa, người khác chắc chắn sẽ nói: “Bạn nên tu tập tấm lòng thân thiện của chính bạn trước đi!”
1. Đồng tu: Những người cùng tu tập với mình.
Ngày 29 tháng 01
Một bó hoa tươi,
Có thể kết thành nhiều vòng hoa,
Tương tự như vậy, một con người,
Có thể tạo nên nhiều nghiệp thiện.
Ngày 30 tháng 01
Thông qua ba điều, chúng ta có thể xác định được ai là người thông minh, có trí tuệ. Đó là ba điều nào? Họ có thể nhận rõ khuyết điểm, khi nhận biết được khuyết điểm, họ liền nỗ lực sửa chữa, khi người khác thừa nhận khuyết điểm, họ liền tha thứ cho người đó.
Ngày 31 tháng 01
Không tạo nghiệp ác,
Cố gắng hành thiện,
Thanh lọc tâm niệm,
Đó là lời dạy của chư Phật.
Không khinh thường và làm tổn thương người khác,
Tuân thủ nghiêm ngặt giới luật của Tăng đoàn,
Ăn uống điều độ, sống nơi yên tĩnh, vắng vẻ,
Chuyên tâm tu tập thiền định,
Đó là lời dạy của chư Phật.
Do đó, hãy tu tập từ bi quán1,
Cho chính bạn và người khác,
Tất cả phải tràn đầy tình yêu thương,
Đây là lời dạy của chư Phật.
1. Từ bi quán: Là một phép quán để phát triển tâm từ và tâm bi, nhưng cũng là một phép quán để đối trị sân hận và căm thù.