Sức khoẻ là lợi ích lớn nhất,
Biết đủ là của cải lớn nhất,
Tín nhiệm là người bạn tốt nhất,
Niết bàn là niềm vui lớn nhất.
Đức Phật xuất hiện trên thế gian này là vì một nhân duyên lớn, đó chính là “làm cho chúng sinh được giác ngộ, và nhập vào tri kiến của Phật”. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, đó là “giúp chúng sinh nhìn thấy và thực hành con đường mà Đức Phật đã chỉ ra”. Chúng sinh nương nhờ vào con đường đó mà thoát khỏi những nỗi khổ niềm đau, những ô nhiễm do thân và tâm gây ra, hướng đến mục đích tối thượng là đạt được sự giác ngộ rốt ráo, mà đích đến cuối cùng đó chính là sự giải thoát hoàn toàn – Niết bàn, chính như lời Phật dạy:
Sức khoẻ là lợi ích lớn nhất,
Biết đủ là của cải lớn nhất,
Tín nhiệm là người bạn tốt nhất,
Niết bàn là niềm vui lớn nhất.
Đến với đạo Phật, trước tiên chúng ta cần phải có niềm tin vào chính pháp, “… một người đệ tử thánh thiện có niềm tin vững chắc nơi Phật, Pháp và Tăng, có đầy đủ những đức tính của bậc thánh, dựa vào những điều đó, họ có thể giống như dòng nước chảy xối xả, cuối cùng sẽ đến được bờ bên kia, cắt đứt được mọi phiền não.” Niềm tin đó được thể hiện qua hành động Quy y Tam Bảo, đây là bước chân chính thức đầu tiên trên con đường học Phật, ngôi nhà Tam Bảo là nơi trú ẩn an toàn và ổn định cho chúng ta trong hiện tại và mãi mãi về sau:
Đây là nơi trú ẩn an toàn,
Là nơi nương tự lý tưởng nhất,
Ai đến đây tìm sự bảo hộ,
Sẽ thoát khỏi mọi sự khổ đau.
Khi chúng ta đã quyết định đặt bước chân vững chãi trên con đường giải thoát rồi, thì không nên chạy theo những ý tưởng viển vông, những vấn đề siêu hình, hay những luận bàn sáo rỗng, vì nó không những không giúp ích cho việc tu tập của chúng ta, mà còn làm cho chúng ta bị xao lãng thiếu tập trung. Bởi vậy, khi Đức Phật thuyết pháp, Ngài đều không muốn đề cập đến những vấn đề này, câu chuyện “Mũi Tên Tẩm Độc” trong kinh Trung Bộ là một ví dụ điển hình. Thế nên, phải biết điều gì là quan trọng với mình, đừng mãi kiếm tìm những điều viển vông vô ích, xa xôi tận cuối chân trời. Nếu để định nghĩa đạo Phật là như thế nào, thì chúng ta có thể đơn giản gói gọn trong bốn câu sau:
Không tạo nghiệp ác,
Cố gắng hành thiện,
Thanh lọc tâm niệm,
Đó là lời dạy của chư Phật.
Sau khi đã xây dựng được niềm tin vững vàng, chúng ta lại tiếp tục xác định rõ mục đích tu tập là: “…không phải là để đạt được danh lợi, hay là những điều lợi do đức hạnh, thiền định, tri thức, nhãn quan mang lại, mà là đạt được sự giải thoát thực sự của tâm hồn. Đây mới là mục tiêu cuối cùng mà một đời sống thánh thiện hướng đến.” để đạt được mục đích đã xác định, thì chúng ta cần phải giữ gìn năm giới và nương theo bốn chân lý vi diệu (Tứ diệu đế) và tám con đường đưa đến sự giải thoát giác ngộ (Bát chính đạo) để tu tập, đây chính là giá đỡ vững chắc cho người đau ốm, là ngọn đèn soi sáng cho người đi trong đêm tối mịt mù. Phải tự nhận ra “Tôi là người Phật tử chân chính, được sinh ra từ miệng Phật, từ Phật pháp, được bắt đầu bởi Phật pháp, là người thừa kế Phật pháp.”
Tu tập theo Phật pháp không có nghĩa là chúng ta thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội, ngược lại một người tu tập chân chính là người con hiếu kính với cha mẹ, hoà thuận với anh chị em, là người vợ người chồng chuẩn mực, đặt biệt là một người có tình thương bao la đối với muôn loài và những người xung quanh, “một người tốt được sinh ra là để mang lại lợi ích, niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh, bao gồm cha mẹ, vợ con, tôi tớ, công nhân, bạn bè, cộng sự, thậm chí cả ẩn sĩ và Bà la môn.” Hạnh phúc của một gia đình được duy trì lâu dài là được quản bởi “…người đàn ông có đức độ hoặc người phụ nữ đảm đang và đức hạnh.”
Tình thương yêu luôn thúc đẩy trái tim của người tốt biết hành động trước đau khổ của người khác. Chúng ta cần phải vận dụng phương pháp thực tập tình thương yêu, tăng trưởng tình thương yêu, mở rộng tình thương yêu đến với mọi người để thấu hiểu nỗi khổ niềm đau của chúng sinh. Nhưng vì nhiều lí do khác nhau, đôi lúc chúng ta lại dè dặt trước những việc chúng ta sắp làm, tôi khuyên các bạn “Đừng dè dặt khi làm việc thiện, nó là tên gọi khác của niềm vui. Tôi chắc chắn làm việc thiện sẽ đưa đến kết quả ngọt bùi, đó là niềm vui và hạnh phúc mãi mãi.” Lợi ích của phương pháp thực tập này giúp cho chúng ta “...lúc thức hay lúc ngủ đều được an lạc, không gặp ác mộng, được người và thần thánh yêu quý, được thiên thần bảo vệ, không bị tai họa bởi lửa, thuốc độc hay đao kiếm, tâm trí dễ dàng tập trung, da dẻ hồng hào, lúc lâm chung đầu óc vẫn được tỉnh táo….”
Cuốn sách này ngoài những lời dạy của Đức Phật được tác giả trích từ những ghi chép trong Tam Tạng kinh điển ra, còn được dẫn từ những tài liệu diễn thuyết chính thống khác. Sách được sắp xếp dưới hình thức mỗi ngày mỗi bài học thiết thực. Hy vọng độc giả nghiền ngẫm suy xét rồi ứng dụng nó vào cuộc sống hằng ngày của mình, từ đó lan toả tình yêu thương đến mọi người, giúp mình và người đều đạt được sự trưởng thành trong nội tâm, phát huy sức mạnh tiềm ẩn, nhờ đó đạt được những kết quả tốt đẹp ngay trong đời sống hiện tại.
Huế, ngày 15 tháng 12 năm 2022
Trung Tấn