Cư sĩ VƯU TRÍ BIỂU soạn
TÂM QUANG dịch
Hơn 50 năm trước, tôi bắt đầu đọc các bản dịch chuyên ngành toán - lý - hóa của phương Tây, nhận thấy tri thức các lĩnh vực này là bộ phận quan trọng trong việc xây dựng đất nước ngày nay, cho nên tôi nôn nóng dốc sức vào việc du nhập văn hóa mới của phương Tây. Đồng thời, do bị khoa học tự nhiên ảnh hưởng, nên cho rằng tất cả tôn giáo đều là mê tín.
Mãi đến gần 40 năm trước, sau khi nghe buổi thuyết pháp của cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Nam Kinh, tôi mới hiểu Phật pháp đích thực là chân lý. Nhưng khoa học tự nhiên ngày càng phát triển, quan niệm tất cả tôn giáo và Phật giáo là các học thuyết mê tín cũng trở nên phổ biến, thực sự đây chẳng phải là phúc của xã hội. Muốn thay đổi quan niệm sai lệch này, phải nhanh chóng thuyết pháp cho các nhà khoa học tự nhiên, giúp họ biết được Phật pháp là chân lý, có công dụng khiến lòng người hướng thiện và ổn định xã hội. Các nhà khoa học tự nhiên đã có sự thấy biết đúng đắn như vậy, thì trong xã hội bình thường mỗi người tự nhiên không đến nỗi nhận thức sai lệch là tôn giáo đều là mê tín rồi làm cho lòng người bị chuyển theo hướng xấu.
Tôi đã học khoa học tự nhiên, lại may mắn được nghe Phật pháp, vậy thì việc hoằng dương Phật pháp cho các nhà khoa học, không phải tôi thì là ai? Nhưng đất nước tôi khoa học lạc hậu, bị các nước phương Tây coi thường, gấp thì giải quyết phần ngọn, nhưng trước tiên cũng phải nỗ lực du nhập văn hóa phương Tây, để cẩn thận từng bước mà hoằng pháp. Vì vậy, mãi cho đến 20 năm trước, tôi mới bắt đầu viết về hoằng pháp khoa học. Tất nhiên, sau đó về sau tuy tôi liên tục viết, nhưng sách vở lưu hành còn hạn chế, nên kết quả mang lại thật ít ỏi, lời cao siêu quá thì ít người hiểu được, thật là đáng tiếc.
Tháng 7 năm nay, nguyệt san Chính Tín ở Hán Khẩu đăng bài viết này của cư sĩ Vưu Trí Biểu, sau khi đọc, tôi thấy ông dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu kinh Phật, không một từ nào trái với khoa học, không một câu nào trái với sự thật, thật sướng vui vô cùng. Giữa lúc đang định tìm cách liên lạc, thì cư sĩ Vưu đã đi trước tôi một bước, ông viết thư đến để bàn thảo. Đọc thư mới biết cư sĩ Vưu cũng là bạn học ngành điện công, tốt nghiệp năm 1924 khoa Điện cơ của Trường đại học Giao thông. Chú của ông là cư sĩ Vưu Cảnh Khê từng là tú tài của triều đại nhà Thanh, có nền tảng vững chắc về Phật học, đặc biệt ông tinh thông về Lăng Nghiêm, am hiểu giáo chỉ của tông Thiên Thai và tông Hoa Nghiêm. Niềm tin của cư sĩ Trí Biểu phần lớn ảnh hưởng từ người chú hiếu học của mình.
Cư sĩ Trí Biểu sau khi tốt nghiệp đại học Giao thông, từng làm biên tập cho nhà in Thương Vụ, và cùng ở trọ với chú mình tại Hạp Bắc Thượng Hải, thường chất vấn chú mình, lại được đọc nhiều sách tại thư viện Đông Phương, nên kiến thức Phật học của ông tiến bộ nhiều. Sau đó ông đi du học nghiên cứu về điện vô tuyến ở trường đại học Harvard của Mỹ. Ông về nước không bao lâu thì người chú mất. Sau khi về nước, ông phục vụ cho không quân và giảng dạy tại trường đại học Chiết Giang. Trong kháng chiến, ông bôn ba ở hậu phương, hòa bình lập lại, ông nhận lệnh của chính quyền tỉnh Hồ Bắc, lên kế hoạch khai phá khu rừng rậm Thần Nông ở phía tây tỉnh Hồ Bắc. Chu vi hằng trăm dặm xung quanh nơi này là cổ thụ rậm rạp, đây là rừng nguyên sinh vài trăm năm tuổi, chỉ riêng loại cây linh sam mọc thành rừng, có khoảng 80 triệu cây, lượng gỗ đủ để cung cấp cho kế hoạch xây dựng đường sắt Trung Quốc, số lượng gấp đôi số tà vẹt cần để xây dựng 140.000km đường sắt; đội chính thức chuẩn bị thăm dò đo đạc tuyến đường giao thông, vừa đợi thẩm tra quyết định tuyến đường này, rồi căn cứ vào đó để có kế hoạch khai phá, chuẩn bị thành lập công ty gỗ, thực hiện khai phá. Công việc này có lợi ích rất lớn đối với phát triển đất nước và đời sống nhân dân. Trong tương lai, công lao to lớn trong xã hội và lục độ vạn hạnh trong pháp xuất thế của cư sĩ Vưu sẽ hỗ trợ cho nhau và tỏa sáng, hẳn có thể tỏa rạng trong cõi Ta bà này.
Trong thư cư sĩ Vưu gửi đến cho tôi có nói: “Trộm nghĩ các học giả trong nước mình bị những hiểu biết của họ chướng ngại nặng nề quá, đối với kinh sách Phật giáo ý nghĩa cao siêu vi diệu thế này, họ lại bỏ qua không đếm xỉa, thật đáng thương thay. Nếu có người khiêm tốn đọc Phật pháp mà không mến mộ thì rất ít có”. Lại nói: “Nếu những nhà nghiên cứu học vấn đều giỏi Phật học, người làm chính trị đều tin nhân quả, dùng thuật dưỡng sinh khoa học, thực hành tinh thần giúp đời của Bồ Tát, thì Trung Quốc sẽ là đất nước dẫn đầu về văn hóa trên thế giới, hòa hợp muôn nước thành một nhà, giữ gìn hòa bình muôn năm, đâu có gì khó?”.
Hỡi ôi! Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, nay dùng mắt trần của phàm phu để nhìn nhận vấn đề thì đúng là đông đúc náo nhiệt, ai cũng đã được thân người rồi, thân người không còn xem là khó được nữa. Nhưng thời đại mạt pháp, cư sĩ có lòng rộng lớn, tuy lần lượt lập ra tạp chí Phật học, nhà xuất bản Phật học, hội in ấn và phát hành Đại tạng kinh, thư viện Phật học… phần tử trí thức mới bạc phước mỏng đức, bị thành kiến che lấp, lại không đủ duyên đọc được một chữ một câu của Phật học. Phật pháp khó nghe được, hơn nữa còn khó hơn cả việc được thân người muôn vạn lần, không phải cũng là việc đáng buồn sao. Như cư sĩ Vưu, kinh Kim Cương Bát Nhã dạy: “…nên biết người này không chỉ trồng thiện căn với một vị Phật, hai vị Phật, ba bốn năm vị Phật, mà đã trồng thiện căn ở nơi vô lượng đức Phật, cho nên phúc đức cũng nhiều đến số không thể kể hết như vậy”, nên những điều mà giới trí thức trẻ còn thiếu không phải là ngẫu nhiên vậy. Tôi thuật lại duyên khởi này để trình bày với những người đọc bài viết của cư sĩ Vưu.
Vương Lý Đồng, tháng 11 năm 1946 (Dân quốc năm 35)