Ý nghĩa Kinh Dược Sư
Quyển Ý nghĩa Kinh Dược Sư này do Hòa thượng Thích Phổ Tuệ dịch và biên soạn từ năm 1980. Nhân dịp tổ chức khóa lễ Dược Sư cầu quốc thái dân an và kỷ niệm Đức Đại Lão Hòa Thượng - Đệ tam Pháp chủ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tròn 100 tuổi (PL. 2560 - DL. 2016), Tổ đình Viên Minh tái bản cuốn sách này nhằm thực hiện đúng như lời Tổ dạy: “Nghĩa lý bất minh, tụng kinh vô ích”.
PHẦN DUYÊN KHỞI ỨNG DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
Việc lớn đời người, không gì lớn hơn sống và chết, mà vấn đề rất khó giải quyết cũng chỉ có sống chết mà thôi.
Bởi thế chư Phật ra đời, vị nào cũng đem kinh nghiệm, và phương pháp vấn đề sống chết mà tự các Ngài đã chứng biết thế nào dạy rõ ra, cho hết thảy chúng sinh theo vào đó thực hành mà giải quyết được vấn đề sinh tử rất khó giải quyết.
Như Đức Thích Ca Thế Tôn giáng sinh làm giáo chủ ứng cơ cõi Ta bà này, thị hiện thành Phật thuyết pháp. Cái mục đích Ngài làm là khiến cho chúng ta đối với vấn đề sống chết có được biện pháp giải quyết một cách tương đương, hoặc rốt ráo.
Vì vậy người ta gọi Phật Thích Ca là Bản Sư, thông thường đều tôn Ngài là “Tam giới đại sư, tứ sinh từ phụ” (Đại sư ba cõi, cha lành bốn loài). Phàm đệ tử Phật đều thờ Ngài là thầy căn bản, cũng bởi là hiện nay Phật pháp được lưu hành trên thế giới, đều do Phật Thích Ca truyền bá vậy.
Cho nên tín đồ ta thường niệm Phật Thích Ca, Phật Di Đà và Phật Dược Sư, coi Đức Thích Ca là chủ. Như như bất động, tuy không làm nhưng không việc gì không làm, tất cả các pháp đều nương tựa vào đấy, tất cả các việc đều hướng vào đấy, cho nên hay thông suốt sinh tử vốn không mà giải thoát được rốt ráo, mà không phải cầu đâu.
Nhưng đối với chúng sinh, kẻ chưa liễu sinh tử, từ ở trong thể màu nhiệm như như bất động, mở ra hai pháp môn lớn là Di Đà và Dược Sư: Đem việc tế độ cho sự sống, giao phó cho Phật Dược Sư phương Đông; độ việc chết phó cho Phật Di Đà ở phương Tây. Bởi Đông đứng đầu bốn phương, tứ quý mùa xuân đứng đầu, sinh trưởng muôn vật cho nên thuộc về việc giúp đỡ cho sự sống lâu dài. Tây Phương, ngôi thứ ba của bốn phương, tứ quý thuộc mùa thu, cảnh vật xơ xác cho nên thuộc về cứu tử độ vong.
Thế thì biết Phật Dược Sư, Phật Di Đà, đại dụng được sinh khởi ra toàn thể đều từ Đức Thích Tôn cõi này. Tuy tiêu tai nạn với độ vong linh có khác nhau, nhưng thu dụng về thể, đều không ngoài Phật Thích Ca, không làm nhưng không việc gì không làm; mà thể và dụng thì khác.
Nước ta từ trước đối với Phật pháp, chú trọng cứu độ vong linh, lâm chung vãng sinh, hướng về pháp môn Di Đà, cho nên pháp môn Di Đà rất thịnh hành, thông thường người ta ít biết đến Phật Dược Sư, Phật Thích Ca, nhưng Đức Di Đà thì ai ai cũng biết, bởi vì chỉ tin và dùng Phật giáo về việc độ vong. Vì lẽ đó người trong xã hội thường có những người lầm nhận dùng Phật giáo chỉ vào việc độ người chết, chết rồi mới phải cần dùng, chứ không phải dùng cho cuộc sống. Thế là rất không hiểu toàn thể đại dụng của Phật giáo...
Nếu theo giáo pháp Tam thừa mà tu thành xuất thế thì còn được vượt qua luân hồi sáu đạo, theo pháp môn Di Đà được sinh về Tịnh độ thì vấn đề chết được giải quyết.
Nếu vì cuộc sống mong cầu chưa hết thì phải nhờ pháp môn Dược Sư mà tiêu tai trừ nạn, thành tựu phúc thọ, và cải thiện sinh hoạt gia đình xã hội, làm việc công ích, khiến cho đời sống hiện tại được lợi ích của Phật pháp, cũng là cải biến các lệ trước kia chỉ trọng tiến vong, độ quỷ là Phật giáo. Nay Phật giáo giúp ngay cho sự sống trong thời hiện thực, như ý nghĩa trong pháp môn Dược Sư mà Đức Thích Ca đã phó thác, trong Kinh Dược Sư này rất hợp với nghĩa quan hệ giúp nhau cùng sống, thời hiện tại này.
Người ta nhờ hai Phật Dược Sư và Di Đà có được biện pháp tương đương đối với hai việc sống và chết. Nhưng biện pháp rốt ráo, vẫn là còn phải thẳng tới nơi chủ trong chủ, như như bất động là Phật Thích Ca, đó chính là pháp giới chân như vốn không có các tên giả chúng sinh và chư Phật.
Trong tuệ bình đẳng đâu có hình tướng: Ta và người, sống chết, Niết bàn chỉ là hoa đốm trong hư không cả thôi. Thế thời trong nghĩa đúng thứ nhất tìm đâu ra sống và chết nữa mà có việc lớn sống chết phải đợi cầu giải quyết?
Nhưng khốn nỗi bất giác từ vô thủy, chúng sinh phiêu bạt đọa vào biển sống chết bóng bọt, mộng mơ, quay lộn không thôi, đó là cái lý do chư Phật phải vào đời lập ra Phật giáo vậy. Bởi thế mà phải hiểu sống chết vốn không, thì đừng nên hướng ra ngoài mà tìm kiếm.
Nếu như cuộc sống còn phải nguyện cầu thì nên nhờ pháp môn Dược Sư mà tiêu tai trừ nạn, mong thêm phúc thọ, thời cuộc sống này được hưởng lợi lạc cao nhất, bằng những sự giúp đỡ lẫn nhau, duy trì trật tự gia đình, xã hội, đất nước yên vui, cho đến các nước giúp đỡ lẫn nhau mà thành thế giới nhân loại hòa bình.
Lại nữa, thế giới đã có thành - trụ - hoại - không thời chúng sinh nương ở trong ấy cũng có sống - già - bệnh - chết luân chuyển, thì rõ ràng sống chết không đoạn tuyệt. Khi sống có cha mẹ, vợ con, bầu bạn, gia tộc, xã hội với bao nhiêu quan hệ, nếu hay dựa vào pháp môn tiêu tai diên thọ này mà phải làm những việc lợi ích chung thời vấn đề sống đã được giải quyết vậy.
GIẢI THÍCH TÊN DƯỢC SƯ
Người ta thường tụng: Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật.
Dược Sư là tiếng Ấn Độ cổ, tiếng Phạn gọi là “Bề Xát Xã Lũ Rô”. Cũng có thể gọi là Phật - vua - thầy thuốc lớn, nghĩa là vua thầy thuốc cao nhất, giỏi giải chữa các bệnh, nhổ bỏ hết gốc khổ cho chúng sinh cho nên ví dụ như thầy thuốc.
Thuốc là thứ vật liệu chữa bệnh cho thế gian, ví như những loại thuốc bày trong cửa hàng.
Như nói theo Phật pháp thì không chỉ người ta mắc bệnh mới uống thuốc, phàm chúng sinh trong thế giới, không lúc nào không ngâm ở trong bệnh, hoặc, nghiệp, khổ, thân tâm đầy rẫy bệnh tật. Nếu thân bị bệnh, thời có thuốc thế tục trị được. Nếu bệnh tâm thời phải điều trị bằng thuốc đạo pháp.
Nói về ý nghĩa thuốc, thuốc là vật liệu chữa bệnh, nếu không bệnh thì không cần thuốc, cho nên theo mặt trái không bệnh không cần thuốc, mà nói rõ có nhiều thứ thuốc chữa bệnh.
Nhưng cũng không ngoài hai loại:
1/ Thuốc vật liệu chữa bệnh về thân thể.
2/ Thuốc đạo pháp chữa về tâm bệnh.
Thuốc vật liệu chữa bệnh về thân thể thì từ vua Thần Nông ở Trung Quốc xưa kia nếm một trăm thứ cỏ chế ra thuốc, đến nay là nguồn gốc phát sinh thuốc vật liệu. Nhưng vật liệu làm thuốc không chỉ có cỏ cây, ngay đến khoáng vật vàng, đá, đất than và động vật chim bay, thú chạy, v.v. đều là nguyên liệu chế thuốc. Người ta kiểm xét thuốc đã được chế ra ở trong cửa hàng thì nguyên liệu yếu tố đều không ngoài ba loại thực vật, động vật, khoáng vật.
Nhưng nói theo nghĩa gốc, thuốc bệnh thì chỉ khi ốm là bệnh thì thuốc là thuốc, đó là nghĩa hẹp. Nói về nghĩa rộng thì rét phải dùng áo, đói phải ăn, mệt mỏi phải dùng ở, khốn phải dùng đi. Cho đến đi bộ mệt mỏi phải dùng thuyền xe đỡ bước, mệt mỏi phải dùng giường ghế, thì những khi mệt mỏi, đói rét đều là bệnh cả, những thứ ăn, mặc, ở, đi, v.v. đều là thuốc cả.
Tóm lại trong cuộc sống, còn cần thiết gì đều là bệnh cả, những thứ cần dùng thiết yếu đều là thuốc cả, vậy cuộc sống thì đầy rẫy bệnh tật, vạn vật trong vũ trụ đều là thuốc cả.
Hãy lấy một đoạn nhân duyên hỏi đáp giữa Bồ tát Phổ Hiền và đồng tử Thiện Tài lại càng rõ ý nghĩa thuốc và không phải thuốc.
Một hôm, Ngài Phổ Hiền sai Thiện Tài vào rừng kiếm thuốc: “Phàm cỏ cây có thể làm thuốc được đều hái về đây”. Nhưng đồng tử Thiện Tài đi khắp rừng này núi nọ rồi lại về không, hỏi tại sao thì nói núi nào cũng đầy thuốc cả, nên không biết hái thứ nào.
Ngài Phổ Hiền lại sai đi vào núi và bảo: “Hái cây nào không phải thuốc đem về”. Thiện Tài lại đi không về rồi hỏi tại sao. Thiện Tài trả lời không có cây gì là thuốc cả.
Thế là tâm Thiện Tài nhìn cho là thuốc, cho nên đầy núi đều là thuốc cả. Ý ông coi là không phải thuốc thì đầy núi cũng đều không phải là thuốc cả. Thế thì biết thuốc với không phải thuốc, đều ở tâm người chế thuốc chấp hay không. Hợp thì “tỳ sương” (một loại thuốc độc - như Asen) cũng làm thuốc được, không hợp thì nhân sâm cũng chết người. Vì vậy, nói theo nghĩa rộng về thuốc, tuy vạn vật trong vũ trụ đều làm nguyên liệu thuốc được, nhưng nếu không qua thầy thuốc phối chế thì những vật liệu khoáng, thực cũng đều phi dụng. Thuốc phải qua thầy thuốc pha chế mới thành, mới có thể chữa bệnh được. Trong thuốc lại có viên, bột, cao, đơn đã chế thành, đó là thuốc gia truyền. Khi phối chế tuy không ai biết, chỉ có lương tâm, trời biết, tùy thời có thể chữa bệnh.
Tóm lại mà biết, vật liệu làm thuốc không ngoài ba thứ: khoáng, thực, động vật làm nguyên liệu thuốc, từ đó chế phối có bài hoàn, tán, cao, đơn, những thuốc đã sẵn.
THUỐC PHÁP CŨNG CÓ BA LOẠI
1/ Kinh, luật, luận.
2/ Ngũ thừa, Tam thừa, Nhất thừa.
3/ Đà la ni.
Phật vì chúng sinh mà đặt ra kinh luật, đều để đối trị bệnh thân, bệnh tâm của chúng sinh. Chúng sinh đọa vào vô minh mê hoặc mà thân nghiệp báo đầy rẫy các bệnh. Phật thuyết ra các kinh để làm thuốc chữa, cho đến Bồ tát, Thanh văn kết tập kinh luật tạo ra luận để làm rõ nghĩa, nhiều lớp chân lý, pháp môn vô biên, kể ra không xiết, dùng cũng không hết, cũng như đầy rẫy trong vũ trụ những loài thực vật, động vật đều là những nguyên liệu làm thuốc.
Nhưng chúng sinh có 84.000 bệnh. Phật dạy ra 84.000 pháp môn, đối từng cơ mà đặt ra thuốc mới có thể chữa bệnh, cho nên có Ngũ thừa, Tam thừa và giáo pháp Nhất thừa. Ngũ thừa là Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa.
Vì Nhân thừa thì cho năm giới, mười thiện, chữa bệnh năm tội nghịch, mười nghiệp ác.
Vì Thiên thừa thì cho bốn phép thiền, tám phép định, v.v. đối trị các bệnh tán tâm.
Hai thừa này là nền tảng Tam thừa xuất thế, đó là bậc thang phải qua. Cho nên cũng gọi là phép chung Ngũ thừa.
Xét ngược lên, lại nói phép chung Tam thừa, khiến Thanh văn, Duyên giác dựa vào những giáo pháp tứ đế, mười hai nhân duyên, diệt trừ tam độc phiền não, giải thoát bệnh khổ sống chết.
Những pháp tứ đế mà Thanh văn tu hành tuy thuộc Nhị thừa, nhưng là việc chung của Đại thừa, vì vậy cũng gọi là phép chung Tam thừa, lại cũng có loại có phát tâm Bồ đề tu Đại thừa, cũng là giáo pháp trực thuộc của Nhất thừa, thi hành riêng hẳn.
Phật đối với căn tính sai khác của chúng sinh, mà cho thuốc pháp Ngũ thừa, Tam thừa, Nhất thừa, cũng như thầy thuốc thế tục, đối với người ốm mà chế bài cắt thuốc vậy.
Đà la ni địa phương này gọi là tổng trì, tóm thâu tất cả các pháp, còn gọi là gia trì. Gia trì là ngăn tất cả bệnh ác, giữ tất cả phép thiện, có khả năng chữa hết thảy các bệnh cũng như thuốc vật chất cao, đơn, hoàn, tán, gia truyền bí mật, không thể cho ai biết được. Bởi vì thần chú bí mật không giải nghĩa được và cũng không cần tìm xét về nghĩa, nếu cứ theo đó mà tu trì: Thân mật kết ấn, miệng mật trì chú, ý mật quán tưởng, ba phép bí mật hợp nhau, thì cầu sao được vậy, giải trừ được sinh tử, tiêu diệt được lo sợ, được tác dụng màu nhiệm. Như thế thì thần chú trong Kinh Dược Sư, nếu cứ theo đấy mà tụng trì, cũng hẳn tiêu tai, được phúc, có công hiệu thoát chết sống lại.
Chữ “sư” chính là nói rõ vị có khả năng dùng nguyên liệu làm thuốc vật chất, thuốc đạo pháp, để trị bệnh thân, bệnh tâm cho chúng sinh. Đời xưa nói “dược sư”, gồm nghĩa thầy thuốc. Trước nói rõ thuốc vật chất, khoáng vật, động vật, thực vật và thuốc pháp. Kinh luật luận đều phải được thầy điều chế mới ra thành thuốc, nếu không thầy thì cũng không thành thuốc. Thiền sư Hoàng Nghiệt đời Đường đã nói: “Trong nước Đại Đường không thiền sư”; lại nói: “Không phải không thiền sư mà là không thầy”. Vì vậy lấy thầy làm thiết yếu, như ông Biển Thước, ông Thần Nông ở đời, lấy thuốc vật chất chữa bệnh thân, tức là thầy thuốc vật chất.
Phật dùng nhiều thứ thuốc đạo pháp khéo chữa lành bệnh cho chúng sinh gọi là thuốc đạo pháp. Bồ tát Địa thượng là thầy thuốc chữa bệnh cho Bồ tát Địa tiền. Nhưng Phật thì lại là thầy chữa bệnh cho Bồ tát Địa thượng, bởi chưa hết vô minh rất nhỏ, còn phải dùng thuốc pháp của Phật điều trị. Bồ tát Địa tiền lại là thầy chữa bệnh tâm cho cõi người, cõi trời, mà Bồ tát Địa thượng cũng làm thầy. Loài người, cõi trời cũng có thể tạm gọi là thầy chữa bệnh cho chúng sinh ngoại đạo tà giáo. Ngoại đạo tà giáo chỉ là bệnh nhân mà không phải là thầy thuốc.
Lại thực ra phàm thánh chín cõi đều là bệnh nhân, chỉ có cõi Phật mới là thầy thuốc rốt ráo, cao nhất vậy.
Chữ Lưu Ly Quang nói đủ là Bệ Lưu Ly, hay Phệ Lưu Ly, nghĩa là màu xanh thẫm của đá quý, đá quý cũng như báu ngọc, thể nó bóng trong như sắc trời xanh, có chất trong veo trong ngoài trong suốt, tức là ánh sáng trong sạch chứa trong bầu trời xanh này, hình tướng nó như bầu trời muôn dặm không một vẩn mây mà rất xanh thẫm. Không gian trong xanh không mây che này là tỏ rõ nghĩa “không” thứ nhất, chẳng còn lời gì, hình dung gì tả được, trong nghĩa “không như - như” thứ nhất này, tức ánh sáng lưu ly của ngọc sáng màu xanh đó là chân như không cấu nhiễm, hiển hiện Như Lai tạng, tròn sáng ra khỏi chướng ngại, cũng như dùng trí Bát nhã vô phân biệt, quét sạch “hoặc nhiễm vô minh” mà soi rõ tạng tính Như Lai chân như pháp giới.
Đức Phật thuyết pháp đều khế lý khế cơ, ánh sáng ngọc lưu ly này càng rất hợp tính, nghĩa không thứ nhất, cảnh trí như như.
Chữ Như Lai được rõ cả hai nghĩa Dược Sư là Lưu Ly Quang. Như là ánh sáng ngọc lưu ly. Lai là Dược Sư, không biết, không khác là như, không hai, không khác, khắp chốn, khắp nơi, khắp kim, khắp cổ là như, nghĩa là trí như như hợp lý như như, lý như như ẩn trong trí như như, lý và trí dung hòa, cho nên gọi là như như, cũng là trí căn bản không phân biệt, chứng được tính chân như màu nhiệm căn bản vô phân biệt. Tính chân như nhiệm màu này, Nhị thừa, Tam thừa chưa chứng được. Bồ tát Địa thượng chứng được từng phần, chỉ có mười phương chư Phật mới chứng minh rốt ráo. Cũng như ngọc lưu ly trong sạch sáng chói vậy.
Chữ Lai là thầy thuốc. Chư Phật chứng chân như màu nhiệm, Phật với chúng sinh là bình đẳng không thể nghĩ bàn, nhưng bởi chúng sinh mười phương, mê mà không giác ngộ, tư tưởng càn quấy điên đảo, chưa thể chứng chân như được. Vì muốn cho chúng sinh trừ được vọng tưởng điên đảo, gạt mây mù vô minh mà thấy mặt trời Phật rực rỡ trên không là bởi sức nguyện đại bi, từ trong tính chân như, trở lại thị hiện thành Phật, hợp cho thuốc, dạy bảo chúng sinh thì Lai là Dược Sư vậy.
Tóm lại chứng tính chân như màu nhiệm, đều thuộc vào như bằng những nghi tướng đi, lại, sinh, diệt, đi, đứng, nằm, ngồi thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh, đều thu vào nghĩa Lai cả.
Vì vậy Lai là không phải Lai, không phải Lai mà Lai, xét nghĩa Lai đó thì hoặc đi hay đứng, hoặc ngồi hay nằm đều là Như mà Lai.
Ngược lại xét về nghĩa, Như đều từ Lai mà Như, cho nên không ở trong những tướng đi, lại, nằm, ngồi mà thấy Như Lai.
Kinh Kim Cương dạy: “Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi đâu, nghĩa các pháp là như, gọi là Như Lai vậy”.
BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC
Công đức trang nghiêm đã thành quả Dược Sư, đều xuất phát từ trong nhân địa nguyện lớn khi tu hạnh Bồ tát, bởi đại nguyện đã phát trong nhân địa này là thành quả đức trang nghiêm cho nên gọi là bản nguyện, nhưng thệ nguyện mà chư Phật, Bồ tát đã phát trong nhân địa có chung có riêng.
Nguyện chung là: Chúng sinh bao nhiêu nguyện độ hết, phiền não bao nhiêu thệ nguyện đoạn hết. Pháp môn bao nhiêu thệ nguyện học hết, đạo Phật cao nhất thệ nguyện tu thành. Đó là nguyện chung chư Phật, Bồ tát mười phương đã thường phát.
Trong nguyện chung thường có nguyện riêng, như Ngài Di Đà có bốn mươi tám nguyện, Phật Dược Sư có mười hai nguyện lớn, cho đến các vị Phật khác hoặc có tám nguyện, bốn nguyện, v.v. đều gọi là nguyện riêng. Chư Phật đều có những căn bản riêng để nhiếp thu các nguyện nhành, lá khác, vì vậy bản nguyện là nguyện căn bản vậy.
Phát nguyện là lập chí quyết tâm làm nên sự nghiệp, thì dù lội qua nước sôi, dẫm lên đống lửa cũng không từ chối, cốt sao đạt được mục đích mới thôi.
Chí nguyện đã quyết là nguyên nhân thành công sự nghiệp, cho nên lập chí nguyện thực là vấn đề tiên quyết của cuộc sống con người. Nhân địa Bồ tát, chư Phật phát nguyện cùng thế, còn gọi là thệ nguyện: Thệ nguyện là thề ước, chính là nói rõ chí nguyện đã lập, lấy lời thề bó buộc mà không có chí nguyện thì không hoàn thành được. Cho nên người ta thường nói chỉ lo không lập chí, nếu chí đã lập nhất định thành công.
Bây giờ Bồ tát đã lập những chí nguyện (bao nhiêu chúng sinh cùng độ) thì dù trải qua bao nhiêu sóng gió hiểm nguy, ngang trái, cũng sẽ có một ngày đạt tới mục đích như nước trăm sông lớn nhỏ, tuy trải núi đồi đất đá, bao nhiêu trở ngại cuối cùng cũng về biển cả. Đúng là: “Khe lạnh há hay ngăn trở được, phải về biển cả nổi ba đào” vậy.
Cho nên xem từ nguyện chung của chư Phật, Bồ tát đã phát, lại nguyện vô lượng vô biên, nhưng quả tu hành chứng được vốn là từ thệ nguyện căn bản này. Pháp môn các Ngài đặt ra tế độ chúng sinh vô cùng, vô tận, vô trệ vậy.
Quan sát từ thệ đến nguyện, thì thệ như Đức Di Đà, nguyện khi thành Phật tiếng khen đồn khắp: “Nếu nghe tên tôi, đều được vãng sinh, nếu không được thế, thề không thành Phật”. Thì nay Đức Di Đà đã thành Phật rồi, lời Ngài thề hẳn đã thành vậy.
Lại như khoa Thủy Lục thường có câu: “Duy nguyện bất vi bản thệ”.
Vậy không trái bản thệ, là yếu tố bảo đảm chữ tín và danh dự, nếu trái với thệ nguyện nhân bản, thời trái với chính mình vậy.
Vì vậy người học Phật cũng trước phải phát thệ nguyện để thúc giục mình vậy. Lại nữa, tuy có bản nguyện phải nhờ công hạnh đầy đủ, mới khiến cho bản nguyện được thỏa mãn như phát những câu: “Chúng sinh bao nhiêu nguyện độ hết”, công thành quả tròn, mới hay thực hiện được lý tưởng: “Chúng sinh bao nhiêu nguyện độ hết”. Nếu không có công hạnh thì thành nguyện suông, cho nên bình thường nói phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát. Tâm Bồ đề này là tâm “trên cầu đạo Phật, dưới hóa độ chúng sinh”; hạnh Bồ tát này là vạn hạnh, bốn nhiếp, lục độ.
Bốn nhiếp là bố thí, nói lời ân nghĩa, giúp việc lợi ích và cùng làm công việc. Lục độ là bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ, hẳn phải làm những công việc này đầy đủ, mới được quả vị trang nghiêm, công dụng màu nhiệm. Vì vậy bởi công hạnh mà phúc được rõ rệt, cũng từ công hạnh mà sinh ra đức độ, mà hai đức này từ thệ nguyện sinh ra, công phu mà được thành tựu.
Cho nên quả đức y chính trang nghiêm của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cũng từ nhân bản nguyện thúc đẩy mà được viên mãn.
NÓI VỀ CHỮ KINH
Tiếng Phạn là “Tu đa la”, hoặc “Tố đát lãm”, Trung Hoa phiên dịch là “kinh”. Nghĩa dịch chẳng là sợi chỉ, như vải lụa dùng sợi dọc ngang mà dệt thành hoa tán loạn, phải dùng chỉ xâu chuỗi. Chính là ví dụ các pháp trong pháp giới, chúng sinh, chư Phật là bình đẳng, không thêm không bớt, mà chúng sinh mê, cho nên tán loạn quên mất, không thành hệ thống. Chư Phật chứng minh thấy rõ thế nào thì thuyết giảng ra thế ấy, như nắm dường của lưới, xâu chuỗi được rõ rệt vậy.
Lại nữa Tu đa la rộng thời bao gồm tất cả các kinh, hẹp thời chỉ cực hạn trong mười hai bộ.
Hơn nữa, nhờ giọng nói mà nghe pháp không chép thành kinh, sau rồi các đệ tử kết tập sắp xếp lời Phật, cũng như chỉ xâu hoa mà thành kinh vậy. Còn dịch là khế kinh thì có hai nghĩa là khế lý, khế cơ.
Khế lý là lời Phật dạy ra, đều khế hợp với chân lý, các ẩn thực tướng và ba pháp ấn, ấn định mới được coi là kinh, không thì cũng cùng chuyện ma vương, ngoại đạo.
Khế cơ là: “Phật thuyết pháp vì khiến cho chúng sinh mở bảo, ngộ vào tri kiến của Phật. Nếu không có khả năng cho chúng sinh giác ngộ được, thì cũng là chuyện bỏ đi, vì vậy phải hợp cơ mới thành tác dụng”.
Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức là thế, là dùng lời Người, được nói tới là Kinh, nghĩa lý được nói tới là công đức, về nguyện căn bản Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai được bàn tới riêng hẳn chỉ thuộc kinh này. Giáo năng thuyên là chung, kinh thuộc chung trong tạng kinh luật luận, dựa vào riêng gọi chung, giải thích y vào chữ. Nếu nói theo nghĩa rộng, tất cả giáo lý hành quả của chư Phật đều gọi là kinh, cho nên nghĩa lý hành quả của Phật Dược Sư nói ở đây cũng là kinh này.
Vì vậy, gọi là Kinh Bản Nguyện Công Đức Của Ngài Dược Sư Lưu Ly Quang.
Sa môn THÍCH PHỔ TUỆ dịch (năm 1980)