Lời nói đầu
“Khoa học là nhân tố chủ chốt mở ra nền văn hóa hiện đại” - tin rằng nhận định này chắc sẽ không bị ai phản đối. Những năm gần đây, nhờ việc phát hiện năng lượng nguyên tử có thể được giải phóng, khoa học đã dẫn dắt nhân loại bước vào một thời đại mới, đó là thời đại mà chúng ta thường gọi là “Thời đại nguyên tử”. Nhưng, thật bất hạnh làm sao, khúc dạo đầu đánh dấu sự ra đời của thời đại mới này lại nhờ vào một loại vũ khí vô cùng đáng sợ, tàn khốc - sự bùng nổ của bom nguyên tử.
Từ đó, nhân loại bắt đầu hoang mang lo sợ, cho rằng cuộc sống trong thời đại này vô cùng nguy hiểm và kém may mắn, bất cứ lúc nào sức mạnh của nguyên tử cũng có thể phá hủy hoàn toàn nhân loại, chủng tộc và toàn bộ nền văn hóa của cả thế giới. Người bình thường khó tránh khỏi nảy sinh suy nghĩ: Chi bằng loại bỏ mối nguy hại này, triệt tiêu nguồn năng lượng có tính hủy diệt hàng loạt, thà rằng được sống một cuộc sống yên ổn, giản dị, đơn thuần, giống với cuộc sống tĩnh lặng, hòa bình như tổ tiên chúng ta trước đây.
Tuy nhiên, sự phát triển của lịch sử không cho phép bánh xe thời đại quay ngược trở lại, giống như nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ - Compton đã nói: “Không có nhóm người nào có khả năng ngăn cản sự tiến đến của thời đại nguyên tử”. Vì vậy, nhân loại chỉ còn duy nhất một việc có thể làm, chính là tự giác nhận thức rằng mình đang trong hoàn cảnh vô cùng nghiêm trọng, lúc nào cũng cần đề cao cảnh giác, tu sửa tư tưởng và lối sống của bản thân. Biện pháp đó, giúp con người khi đã nắm chắc nguồn sức mạnh mới mẻ này sẽ biết sử dụng nó vào những lĩnh vực có ích. Trên thực tế, bản thân bom nguyên tử hoàn toàn không có sai lầm và tội lỗi, nếu như có lỗi, thì lỗi thuộc về bản thân con người.
Sự bùng nổ của bom nguyên tử không chỉ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực khoa học mà đồng thời còn tác động đến tất cả lĩnh vực tri thức khác, như: triết học, tâm lý học, cho đến tôn giáo,... Mục đích của bài viết này là muốn giới thiệu và chỉ ra cho bạn đọc thấy được hàng loạt sự thật quan trọng cùng những khái niệm mới mẻ mà các nhà khoa học hiện đại đã phát hiện ra, so với chân tướng cơ bản của vũ trụ (trong Phật pháp gọi là thực tướng) mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (ý là Giác giả - bậc đại giác ngộ) đã giác ngộ và tuyên thuyết từ cách đây 2.500 năm về trước, có những nét tương đồng như thế nào, đồng thời có thể so sánh chúng với nhau.
Diễn tiến của khái niệm nguyên tử
Năm 1808, John Dalton lần đầu tiên đưa ra lý luận về nguyên tử. Ông cho rằng mỗi nguyên tố thực sự đều do các nguyên tử độc lập và không thể phân tách, không quan sát được chúng được tổ hợp từ đâu. Ông tưởng tượng nguyên tử giống như quả bóng bi-a trên bàn. Đến cuối thế kỷ XIX, các nhà khoa học lớn như: Faraday, Maxwell, Kelvin,… bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu nguyên tử từ phương diện điện tử, từ đó cũng phát hiện ra một phần tính năng điện tử của nguyên tử. Năm 1913, nhà vật lý học người Đan Mạch - Bohr đề xuất lý luận: Mỗi nguyên tử có thể chia thành hai bộ phận: Một là hạt nucleon mặc dù rất nhỏ nhưng chất và lượng của nó giữ vai trò vô cùng quan trọng, được bao quanh bởi các electron. Bên ngoài nucleon có một lớp không gian có khoảng cách, ngoài lớp không gian đó là rất nhiều electron chuyển động bao quanh nucleon, giống như các hành tinh chuyển động quanh mặt trời vậy. Xung quanh electron có từ trường, tầm ảnh hưởng của lực từ trường về mặt lý thuyết có thể nói là phổ biến bao trùm toàn thể vũ trụ.
Faraday miêu tả nguyên tử giống con sao biển, thân hình nhỏ nhưng các chi đặc biệt dài, nó sẽ tiếp xúc, tương tác với bất cứ vật chất nào có thể tiếp cận ở xung quanh mình. Điều này nói lên rằng: Các hạt cấu thành nên vô vàn vật chất khác nhau của vũ trụ đều liên kết với nhau và rất khó để chia tách chúng. Khái niệm nguyên tử này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt triết học, nó đã chứng minh vật chất hoàn toàn không hề tồn tại độc lập, cho nên suy nghĩ cho rằng vật chất tồn tại đơn độc thực ra chỉ là sự ảo tưởng tâm lý của chúng ta mà thôi.
Nói đơn giản, vũ trụ chẳng qua chỉ là một hệ thống không ngừng biến đổi và mỗi một tổ hợp hoạt động liên quan mật thiết với nhau. Trong quá trình vận hành đó, không có một yếu tố nào biến đổi độc lập mà không ảnh hưởng đến các yếu tố khác. Tất cả đều ở trong trạng thái vận động không ngừng đó.
Cách nói này rất giống với lối ẩn dụ khi Đức Phật nói về thực tướng vũ trụ trong Kinh Phạm Võng (梵網經). Đức Phật mô tả thực tướng pháp giới (tức chân tướng của vũ trụ) ví như lưới ngọc tỏa sáng bên ngoài cung điện trời Đế Thích. Mỗi viên ngọc sáng ở mỗi mắt lưới ẩn chứa hình ảnh của nghìn nghìn vạn vạn viên ngọc khác, đồng thời nghìn nghìn vạn vạn viên ngọc khác cũng đều chứa đựng hình ảnh của viên ngọc kia.
Cấu tạo của vũ trụ cũng giống như lưới ngọc trời Đế Thích, lấp lánh phản chiếu lẫn nhau, trùng trùng vô tận. Những điều này vô cùng khế hợp với thế giới nguyên tử điện tử mà các nhà khoa học đã phát hiện. Chỉ là, Đức Phật thể chứng thực tướng của pháp giới từ phương diện tâm là chủ thể nhận thức (năng nhận thức), còn các nhà khoa học phát hiện ra trạng thái liên quan đến nhau của các chất điểm trong vũ trụ thông qua nghiên cứu đối tượng của nhận thức (sở nhận thức), có thể nói đó tuy là các con đường khác nhau nhưng cùng dẫn về một đích.
Trước khi các nguyên tử được giải phóng, các nhà khoa học luôn có một niềm tin, cho rằng toàn vũ trụ có hơn một trăm loại nguyên tố. Trong trí tưởng tượng của họ, đơn vị nhỏ nhất trong nguyên tố là nguyên tử, nó không thể bị hủy diệt. Nhưng ngay từ năm 1905, nhà khoa học vĩ đại Einstein đã nhìn thấy trước “vật chất và năng lượng có thể chuyển đổi cho nhau”, ông đã lập ra công thức đơn giản mà rõ ràng: E = MC2 (E là năng lượng, M là vật chất, C là vận tốc ánh sáng).
Từ công thức trên có thể thấy: Nếu như một khối lượng cực kỳ nhỏ có thể chuyển đổi hoàn toàn thành năng lượng, sẽ phát ra một năng lượng vô cùng lớn. Công thức này đã được chứng thực về cơ bản là chính xác ở những nơi từng xảy ra các vụ nổ bom nguyên tử như Hiroshima và Nagasaki. Vì vậy, chi bằng chúng ta hãy mô tả vật chất hoặc nguyên tử là trạng thái ngưng tụ cao độ của năng lượng.
Sự bùng nổ của bom nguyên tử đã chứng minh lý luận nguyên tử không thể phân tách là không chính xác
Chữ “nguyên tử” (Atom) là mượn từ tiếng Hy Lạp (Atoms), nghĩa gốc của Atoms là “không thể phân tách”, nhưng sau khi giải phóng thành năng lượng nguyên tử thì điều đó chứng tỏ nó có thể chia tách, tức là: Không có lý thuyết “nguyên tử không thể phân tách”. Tuy nhiên trong hóa học phổ thông và lý luận nguyên tử truyền thống, vì mục đích thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, quan điểm nguyên tử (không thể phân tách) vẫn có thể được sử dụng trong phạm vi ứng dụng, diễn giải cơ bản như sau: Một nguyên tử (mang nghĩa không thể phân tách) thực ra không phải nguyên tử (vì nó có thể phân tách) mà ta gọi nó là nguyên tử chỉ nhằm mục đích làm phương tiện.
Trên cơ sở quan điểm này, nếu quý độc giả có cơ hội đọc Kinh Phật Thuyết Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật (佛說 金剛般若波羅密經), trong đó có câu rằng: “Như Lai nói thế giới không phải thế giới, đó gọi là thế giới” (Cái gọi là thế giới được cấu thành từ vô vàn các nhân tố đa dạng, các nhân tố đó bao hàm, ảnh hưởng lẫn nhau, không thể tồn tại đơn độc, sự kết hợp này không thể trở thành đối tượng cho ý thức của chúng ta, cho nên nói thế giới mà không phải thế giới. Nhưng vì mục đích phương tiện ngôn thuyết, không thể không đặt cho nó một tên gọi giả tạm trên danh nghĩa - là thế giới. Thế giới thực sự là thứ không diễn tả được bằng ngôn ngữ lời nói, cũng chẳng thể nghĩ bàn). Và chắc chắn chúng ta sẽ nhận thấy câu nói của Đức Phật hoàn toàn phù hợp với phát hiện của các nhà khoa học. Bây giờ, tôi muốn chuyển đề tài sang một lĩnh vực mới để cùng độc giả nghiên cứu - một lĩnh vực thường không được các nhà khoa học quan tâm coi trọng, đó là chức năng của “tâm”.
Phật pháp nói về tâm tính
Chúng ta đều công nhận rằng các hoạt động tâm lý thường phức tạp, tinh vi và khó nắm bắt hơn các động thái vật lý. Trên thực tế mỗi hữu tình (động vật có sinh mệnh) vốn đã sẵn có đầy đủ công cụ và tư liệu hoàn chỉnh để tự nghiên cứu, chỉ cần bản thân tự nguyện quán sát và tư duy thì nhất định sẽ nhận ra. Do đó, chức năng tâm lý hoặc tinh thần của chúng ta được chia thành hai: Một là ở trạng thái có ý thức; hai là ở ngoài trạng thái ý thức hay còn gọi là trạng thái vô ý thức.
Vô ý thức (hoặc tiềm ý thức) bao hàm những nội dung mà ngày nay các nhà tâm lý học dùng rất nhiều khái niệm để gọi tên: dục vọng, bản tính, trạng thái bản năng,… Thẳng thắn mà nói, hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang ở trạng thái tương đối hạn chế về phương diện này. Có một sự thật hẳn khiến người ta cảm thấy kinh ngạc, chính là nhân loại trong thời đại năng lượng nguyên tử vẫn chưa có cách nào hiểu rõ lĩnh vực vô ý thức (hay tiềm ý thức), nhưng từ lâu trong các kinh điển Phật giáo đã có những giải thích vô cùng tường tận, lặp đi lặp lại nhiều lần và đầy đủ toàn diện về lĩnh vực này.
Kinh điển Phật giáo không chỉ đưa ra lý luận liên quan đến “tâm thức” (bao gồm các hoạt động có ý thức và vô thức) mà còn tiến thêm một bước khi đưa ra cách thức huân tập tu sửa thân tâm, từ đó chế ngự những thôi thúc và ham muốn mà bề ngoài tưởng chừng như không thể kiểm soát được, giúp chúng ta chứng đắc thực tướng của tất cả các pháp (hiện trạng chân thực của vũ trụ) và giác ngộ chân lý vô ngã (chẳng có bản ngã tồn tại độc lập, cũng không có bất kỳ vật chất nào có thể tồn tại độc lập).
Vì lý do bố cục chương bài nên tôi không thể trình bày chi tiết về triết học Phật giáo cũng như các phương pháp tu tập thân tâm, nay chỉ xin được giới thiệu khái quát với quý độc giả một phần nội dung giản lược trong Duy Thức Luận của Phật giáo để cùng nhau tham khảo, nghiên cứu.
Theo giải thích của triết học Duy Thức Luận: Toàn thể vũ trụ có thể chia làm tám thức (thức ở đây nghĩa là có chức năng thấu hiểu, biết phân biệt), chức năng của năm thức đầu tiên: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân - là cảm giác, đối tượng của nhận thức: sắc, thanh, hương, vị, xúc - chính là thế giới vật chất mà các nhà khoa học hiện nay vẫn gọi.
Thức thứ sáu (ý thức) mang chức năng tri giác, là thức hoạt động năng động nhất, bao gồm tất cả các hoạt động tâm lý, đối tượng của nó được các nhà khoa học gọi là khái niệm, còn Phật giáo gọi là “pháp trần”. Chức năng của thức thứ bảy (Mạt na) là chấp ngã, là bản năng tâm lý bẩm sinh, bám chấp mù quáng vào phần năng tri (chủ thể nhận thức) của thức thứ tám rồi coi đó là “bản ngã”. Thức thứ tám (A lại da) còn gọi là tàng thức, là thức quan trọng nhất, chức năng của nó bao hàm tất cả tập khí của nghiệp sinh ra bởi quá trình tích lũy kinh nghiệm và các hành vi trong quá khứ, mà dẫn tới hình thành mọi chủng tử trong thế giới vật chất.
Chức năng của thức thứ bảy và thức thứ tám duy trì vĩnh viễn không gián đoạn. Trong hệ thống tâm lý của chúng ta, bất kể là ở trạng thái có ý thức hay trong khi ngủ, cho đến ngay cả khi rơi vào tình trạng thông thường gọi là tử vong thì chức năng của hai thức này vẫn hoạt động liên tục như cũ, đặc biệt là thức thứ bảy, năng lực chấp ngã mù quáng vô cùng mạnh mẽ. Nó giống như lõi hạt nhân trong nguyên tử với năng lượng cực kỳ khủng khiếp. Thức thứ bảy và thức thứ tám khơi dậy trên bề mặt tâm lý bản năng tham ái sự sống, ham muốn sinh tồn ở đời sau và khát khao chiếm hữu,…
Trên thực tế bản năng chấp ngã dẫn dắt, thổi bùng lên tất cả mọi thôi thúc khuấy động về mặt tình cảm và cảm xúc bên ngoài, thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng lý trí của chúng ta, khiến chúng ta phát sinh ảo tưởng sai lầm trong tâm niệm của ý thức, dẫn đến hình thành ngộ nhận về sự tồn tại độc lập của “ngã” và “pháp”. Chính vì những ngộ nhận này che lấp bản tính vô thường, vô ngã thực sự vốn có, cho nên tất cả các chức năng của ý thức đều bị một thế lực chấp trước vào cái tôi mù quáng thao túng.
Có thể ví von như thế này: Khu vực tiềm ý thức là hạt nhân của hoạt động ý thức, ngã chấp trong hạt nhân có sức mạnh kiểm soát và ràng buộc lớn. Các hoạt động tâm lý khác (hoạt động có ý thức) nếu lấy lý thuyết nguyên tử để so sánh thì vô ý thức giống như hạt nhân của nguyên tử, ý thức tương tự như các electron chuyển động xung quanh hạt nhân.
Cách thức sắp xếp, chuyển động của các electron xung quanh hạt nhân của các nguyên tử không giống nhau, sự không giống nhau đó quyết định tính chất hóa học khác nhau của các nguyên tử. Cũng như vậy, với chúng sinh hữu tình (động vật có sinh mệnh), các hoạt động có ý thức đa dạng như: hành vi, tâm trạng, cảm xúc, tư tưởng,… quyết định tính cách và cá tính riêng của chủ thể đó.
Ở đây xin đặc biệt đưa ra một vấn đề, đó là thức thứ sáu của con người có sức mạnh phân biệt cấp độ cao. Sức mạnh này có khả năng lý giải, phân tích và tổng hợp hoàn cảnh xung quanh cũng như các kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ, từ đó nhân loại có thể truyền đạt và trao đổi qua lại sự hiểu biết và suy nghĩ của mỗi cá nhân.
Còn một điều quan trọng nữa, thức thứ sáu ít bị tác động bởi bản năng chấp ngã nhất, ngược lại thông qua quá trình tư duy và lý giải, chúng ta còn có thể tự nhận thức được chân lý vô ngã. Trên thực tế, biết cách vận dụng chức năng ý thức tinh tế vi diệu này - thức thứ sáu (tư duy) hoàn toàn có khả năng giúp xả bỏ bản ngã chấp trước. So sánh hình tượng hơn, chính là con người có thể thành tựu khai nổ quả bom nguyên tử trên phương diện tâm lý.
Khái niệm mới về ý thức của các nhà khoa học và các nhà triết học
Có lẽ là do sự hình thành các khái niệm mới mẻ và sự gợi mở về mặt lý luận của một loạt phát minh khoa học gần đây, các nhà khoa học và triết gia thông thường đã có bước tiến mới trong nhận thức về khái niệm ý thức, như nhà khoa học đồng thời là nhà triết học William James đã tuyên bố: “Ý thức thật ra là một quá trình”. Triết gia người Anh - Russell thì phát biểu: “Bản thân thuật ngữ ‘tâm niệm’ hoàn toàn không thuộc về thứ gì đó độc lập có tự tính (tức: bản ngã ảo giác), đó chẳng qua là một tổ hợp được tạo thành bởi các loại điều kiện đơn thuần”. Những tuyên bố như vậy đã báo trước rằng nhân loại đối với sự hồi sinh về ý niệm “vô ngã”, đã phục hồi niềm tin về tướng trạng thực tại chân như. Tâm niệm đó được xây dựng trên cơ sở triết học và lý trí thuần túy, triết học và khoa học hiện đại có mối quan hệ vô cùng mật thiết và khế hợp với nhau.
Tuy nhiên, hiểu được chân lý “vô ngã” là một chuyện, còn nhận thức, thực hành và sống một cuộc sống “vô ngã” lại là một chuyện khác. Ví dụ, Einstein sớm đã hình dung về lý thuyết năng lượng nguyên tử sẽ được giải phóng, nhưng trên thực tế phải bốn mươi năm sau việc giải phóng năng lượng nguyên tử mới xảy ra. Cũng tức là nói, hiểu về “vô ngã” luôn dễ dàng hơn là thực hành điều đó, muốn thực sự giác ngộ “vô ngã” nhất định phải trải qua tu tập hành trì thực tiễn. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bỏ qua lý luận, bởi lý luận là kim chỉ nam dẫn đường và hỗ trợ chúng ta thực hành. Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các A la hán đệ tử của Ngài, ngay từ hơn 2.500 năm trước đã chứng ngộ cảnh giới tự giác ngộ hoàn toàn và triệt để trừ bỏ “ngã chấp” nhưng vẫn miệt mài truyền bá, hoằng dương đạo pháp cho nhân loại. Mặc dù mục đích của các vị ấy không giống với mục đích của các nhà khoa học hiện đại, nhưng trạng thái giác ngộ cứu cánh này của họ vô cùng hiếm hoi trong số hàng tỷ chúng sinh hữu tình, trân quý như những nguyên tố phóng xạ hiếm có trên thế giới: uranium, radium,…
Còn về phương pháp hành trì như thế nào, trong mỗi kinh điển Phật giáo đều có nhắc đến, không thể giới thiệu chi tiết trong phạm vi bài giảng này, song có một điểm tôi tin chắc rằng quý vị độc giả sẽ cảm thấy hứng thú để quan tâm, đó là trong các kinh điển Phật giáo, chỗ nào cũng đề cập đến nguyên lý trung đạo. Tinh thần của nguyên lý này nhắc nhở và dẫn dắt chúng ta tránh rơi vào cực đoan dù là trong tâm lý hay khi hành động. Trên nền tảng nguyên lý này, chúng ta có thể từng bước từng bước tự tiến đến giác ngộ.
Trong quá trình khai phá hạt nhân, các nhà khoa học phát hiện ra rằng mỗi nguyên tử có một lớp electron mang điện tích âm phức tạp, bao quanh một hạt nhân mang điện tích dương ở một khoảng cách tương đối. Một hạt mang điện tích (như: hạt positron, electron hoặc alpha) và tia bức xạ của điện từ trường (như tia Gamma) khi đi qua lớp không gian này, năng lượng của chúng sẽ biến mất, tốc độ cũng giảm dần. Các nhà khoa học cuối cùng đã phát hiện ra một loại hạt mới - gọi là neutron (hạt không mang điện tích) có khả năng xuyên qua lớp electron mà không bị cản trở cho đến khi nó va vào hạt nhân.
Các tín đồ Phật giáo niệm một câu Phật hiệu (thường hay niệm bốn chữ A Di Đà Phật) hoặc tham một câu thoại đầu (thuật ngữ Thiền tông sử dụng, dùng nó khởi lên nghi tình, luôn luôn phải nghiên cứu tham khảo), cứ như vậy cho đến khi xuyên phá được ngã chấp thì thôi, cách áp dụng này rất tương đồng với phương pháp các nhà khoa học dùng hạt neutron phá vỡ hạt nhân.
Khoa học nguyên tử và Phật pháp nhìn qua dường như là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng thực ra cả hai đều đang giải quyết cùng một vấn đề - năng lượng và sự giải phóng năng lượng, phá vỡ loại năng lượng ở trạng thái ngưng tụ cực kỳ kiên cố mà khoa học gọi là “nguyên tử”, còn với Phật giáo thì đó là “bản ngã”. Còn nữa, phương hướng của cả hai cũng giống nhau, đều là hướng vào bên trong. Tuy nhiên, phá vỡ sức mạnh của ngã chấp - giải phóng bản ngã hoàn toàn không rõ rệt và đáng sợ như khi năng lượng nguyên tử được giải phóng. Cho nên, chúng ta không cần quá kinh ngạc về sự tương đồng khá lớn giữa hai lĩnh vực này. Đồng thời, chúng ta cũng nên nhận thức và thấu hiểu sự vĩ đại, trí tuệ tối cao và tâm từ bi khôn cùng của Đức Phật rất giống với ánh sáng và nhiệt lượng tỏa ra từ nguồn năng lượng nguyên tử tự nhiên (mặt trời).
Tam pháp ấn trong Phật pháp
Phần trên đã trình bày sơ lược về hai trong ba nguyên tắc căn bản của Phật pháp (trong Phật pháp gọi là Tam pháp ấn) là vô thường (tất cả đều không ngừng biến đổi, không có gì thường trụ bất biến) và vô ngã (do nhân duyên hợp thành, không có bản ngã tồn tại độc lập), còn một nguyên tắc quan trọng nữa, đó là Niết bàn (vì không bám chấp vô ngã thành hữu ngã, không bám chấp vô thường thành hữu thường mà thể chứng cảnh giới vô sinh diệt). Ba pháp ấn đó giữ vị trí tối quan trọng trong Phật pháp, được công nhận là “đá thử vàng” cho toàn bộ Phật giáo, có nghĩa là, bất kỳ một học thuyết hay lý luận nào nếu hoàn toàn tương hợp với ba nguyên lý trên, ta đều có thể gọi nó là Phật pháp. Từ sự thật này, ta sẽ thấy không khó để nhận ra bản chất duy lý tính của Phật pháp, ngay cả khi ngoài ra vẫn còn một nguyên tắc - Niết bàn.
Vì không liên quan trực tiếp đến chủ đề này nên đành chờ cơ hội khác sẽ cùng quý độc giả nghiên cứu chi tiết hơn.
(Bài giảng này được cư sĩ La Vô Hư trình bày bằng tiếng Anh tại Hiệp hội Thanh niên Tình nguyện viên Hỗ trợ YMCA - Y’s Men International, Hồng Kông năm 1947. Bản thảo gốc được cư sĩ thuật miệng, cư sĩ Vương Hòe ghi chép lại, xin đính kèm theo đây).
Kinh thư pháp bảo, khó gặp khó tìm
Nghiên cứu tu tập, lợi lạc vô biên
Trí tuệ mở mang, tăng trưởng đức hạnh
Tùy duyên truyền bá, vạn sự như mong.
Hồi hướng
Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc
Tai chướng tiêu trừ, bệnh họa không sinh
Chính pháp trường tồn, pháp luân thường chuyển
Pháp giới hữu tình, đều sinh Cực Lạc.
Kệ hồi hướng
Tâm Bồ đề vô cùng trân quý, ai chưa phát nay hãy khởi sinh.
Đã khởi sinh sẽ không thoái chuyển, tích thêm lên tăng trưởng không ngừng.