Fujihara Kazuyo
Quê quán tại Hiroshima, Fujihara Kazuyo là tiếp viên hàng không của Hãng Hàng không ANA từ năm 1978. Sau đó bà thôi việc, lập gia đình, sinh con và chuyển sang nghề dẫn chương trình. Học xong lớp hướng dẫn cách sử dụng giọng nói như một phát thanh viên, từ năm 2002, bà thành lập Công ty cổ phần Coral chuyên giới thiệu và cung cấp nhân sự, chịu trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn các nữ nhân viên trẻ tuổi mà Công ty đã giới thiệu cho các doanh nghiệp.
Phong Cách Làm Việc Không Phải Là Chuyện Ngày Một Ngày Hai.
Hãy Là Người Đi Làm Biết “Tự Lập” Và “Tự Quản”!
Có lẽ không ít người cho rằng những phong cách làm việc dành cho người mới đi làm được trình bày trong cuốn sách này chỉ toàn là những điều mang tính lý thuyết, khó mà thực hiện được!
Tuy nhiên, đó chính là những nguyên tắc rất cơ bản mà chúng ta ai cũng phải biết. Vì trong môi trường làm việc, chúng ta sẽ tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau, thuộc những thế hệ khác nhau, kinh nghiệm và cách suy nghĩ của họ cũng rất khác nhau. Có thể nói, đây là những cung cách hay thuật xử thế mà mỗi người đi làm đều phải biết. Tôi tin rằng sự nhận thức về tầm quan trọng của tất cả những điều này sẽ giúp ta có được vị trí vững vàng trong xã hội.
Người trưởng thành là người biết “tự lập” và “tự quản” đời sống cá nhân và đời sống xã hội của mình. Và quan trọng là phải có chính kiến của mình!
Đầu tiên, “tự lập” có nghĩa là đứng trên đôi chân của mình, làm việc bằng khả năng và chính sức lực của mình chứ không dựa dẫm vào ai. “Tự lập” cũng có thể được xem đồng nghĩa với “độc lập”. Nói một cách dễ hiểu thì “tự lập” là sống được bằng khả năng kinh tế của mình. Từ thứ hai là “tự quản”, có nghĩa là tự quản lý mình, sống và làm việc theo những nguyên tắc mình tự đề ra.
Để dễ hình dung về ý nghĩa của hai từ này, ta hãy thử liên tưởng đến những từ, những hành động trái nghĩa với nó nhé!
Ví dụ, trái nghĩa của “tự lập” là “phụ thuộc”, “trông chờ người khác”, “nhờ vả người khác”. Với những người không biết tự lập, việc gì họ cũng trông chờ vào người khác, mọi thứ trong cuộc sống đều phải phụ thuộc vào người khác. Việc đưa ra những “suy nghĩ riêng” là điều quá xa vời với họ.
Trái nghĩa với “tự quản” là không có khả năng tự quản lý, không thể tự kiểm soát mình. Người không thể tự quản có những biểu hiện như dùng điện thoại cho việc riêng, hút thuốc trong giờ làm việc mà tôi đã dẫn ra trong quyển sách này. Những người này gặp thất bại trong công việc còn vì họ không có khả năng tự quyết định. Họ luôn phân vân tự hỏi, trong việc này mình hành động giống như người khác liệu có được không, v.v. Muốn thành công và trở thành một người đi làm thực thụ, ta phải có chính kiến của mình.
Tôi cho rằng một người trưởng thành thật sự là người biết “tự lập” và “tự quản” cả trong cuộc sống riêng tư lẫn cách hành xử ngoài xã hội.
Hãy học hỏi với tinh thần tìm “thầy” cho chính mình
Trong xã hội có rất nhiều người thành đạt, giàu kinh nghiệm mà một nhân viên mới như bạn nên nhìn vào để học hỏi.
Tất cả các bạn đều hiểu rõ rằng thành công trong sự nghiệp không liên quan đến các yếu tố như giới tính, tuổi tác hay lý lịch bản thân. Có người có nhân cách đáng nể phục, có người thành đạt trong kinh doanh, cũng có người có được cả hai thứ đó… Nếu bạn đã có ý “muốn học hỏi” thì chắc chắn bất cứ lúc nào bạn cũng có thể tìm được “thầy”.
Bạn sẽ học được những bí quyết tinh hoa mà những bậc tiền bối đã tốn nhiều năm trong đời để hun đúc nên mà chẳng tốn đồng nào! Có tuyệt không nào? Từ cách nói chuyện, cách suy luận, hành động, đến lối sống, và còn biết bao kinh nghiệm sống khác nữa. Hãy cố học hỏi từ họ với một tấm lòng trong sáng và khát khao vươn đến sự thành đạt!
Hầu hết những người thành công đều nắm vững bí quyết nằm trong hai nguyên tắc “Tự lập” và “Tự quản”. Tuy nhiên, cũng có những người tỏ ra rất ngạc nhiên trước hai khái niệm ấy. Với những người này, bạn tuyệt đối đừng học theo nhé.
Như tôi đã nói, bạn hãy biết tự quản mình. Phải quyết định mọi việc theo tiêu chuẩn của mình và nghiêm khắc quản lý mình.
Nếu thấy thất vọng vì người khác không dạy mình thì hãy tự đặt ra mục tiêu phấn đấu cho riêng mình. Tự mình rèn luyện mình.
Điều tôi cảm nhận được trong quá trình hướng dẫn các bạn trẻ trong những năm gần đây là họ có tinh thần rất ham học hỏi. Tuy nhiên, tôi cũng nhận được những lời than phiền: “Vì người hướng dẫn không chỉ bảo cụ thể nên tôi không biết rõ” hay “tôi không được ai chỉ dạy những nguyên tắc đó cả”.
Về phương diện này, đúng ra họ phải được người lớn chỉ bảo từ khi còn nhỏ. Nếu không, đến tuổi vào đời họ sẽ cảm thấy lạc lõng do không có khái niệm gì về những chuẩn mực chung, những quy tắc ứng xử căn bản trong xã hội.
Những vấn đề nói trên nghe qua thì có vẻ là ý chủ quan của người chịu trách nhiệm dẫn dắt, nhưng bản thân tôi nghĩ cốt lõi vấn đề nằm ở thời điểm và phương pháp chỉ dẫn.
Những phong cách mà đa phần các bạn trẻ được hướng dẫn thường không hướng tới một mục đích cụ thể nào cả, do đó các bạn ấy khó có thể áp dụng chúng vào thực tiễn công việc.
Phong cách là những vấn đề mà nếu hướng dẫn theo phương pháp thông thường sẽ khiến học viên buồn ngủ lắm. Ngày xưa, người ta xem lời giáo huấn của những người đi trước là lời vàng lời ngọc, nhưng giới trẻ ngày nay thì lại thấy là vô vị, chán ngắt! Họ không có niềm tin vào sự chỉ dạy của người đi trước nên việc học tập, thực hành của họ không đạt kết quả như mong đợi.
Vậy, nếu dạy theo cách thông thường không hiệu quả thì người hướng dẫn phải làm như thế nào? Nếu là tôi thì tôi sẽ gõ đầu học trò của mình một cái rồi giải thích tại chỗ rằng tại sao họ đáng bị gõ vào đầu.
Tóm lại, hình phạt gõ vào đầu là để cho giới trẻ trong vị trí của người đi học thấy rằng mình không được phép quên những gì tiền bối đã dạy. Biết ơn người dạy dỗ là hành động cần phải có của một người trưởng thành trong xã hội. Đó là những chuẩn mực truyền thống của xã hội mà ta không được phép quên.
Chính những lúc thất bại, lúc gặp khó khăn, lúc thật sự khốn đốn, ta mới cảm nhận được giá trị từ lời chỉ dạy của những người đi trước.
Thế nên, tôi đã nói ở trên “phong cách làm việc không phải là chuyện ngày một ngày hai”. Nó là một thành quả mà nếu không có sự khổ luyện thì không thể có được.
Đúng là khó có ai có thể chỉ bảo tận tình, cụ thể cho các bạn hàng loạt những phong cách chuẩn mực khắt khe như vậy. Nhưng nếu thấy thất vọng vì không được dạy, thì ta cần phải biết đặt ra yêu cầu tự rèn luyện mình.
Giọng nói là một yếu tố quan trọng. Không gì sánh bằng ấn tượng đầu tiên mà giọng nói để lại trong lòng người khác.
Một điều nữa mà tôi đã nhận ra trong quá trình làm công việc hướng dẫn của mình, đó là tầm quan trọng của giọng nói.
Giọng nói có vai trò quan trọng hơn ta tưởng nhiều. Tôi nghĩ trong việc tạo ấn tượng với người khác, không gì có tác động mạnh mẽ hơn là giọng nói của bạn.
Điều này không chỉ giới hạn ở lời chào hỏi với những người mới gặp lần đầu, mà còn thể hiện rõ trong khi trao đổi với người khác trong công ty, âm điệu khi nói chuyện điện thoại… Làm sao để bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu ta cũng giữ được giọng nói khỏe khoắn, tươi vui, truyền cảm khi giao tiếp với người khác.
Người được nhận tình yêu sẽ dùng chính tình yêu để truyền dạy.
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, rồi đây các bạn sẽ trưởng thành và sẽ trở thành những người hướng dẫn cho lớp đàn em tiếp bước. Tôi rất mong các bạn hãy truyền lại cho người đi sau những gì chính các bạn đã được hướng dẫn hôm nay. Tôi nghĩ rằng người có tình yêu công việc thì cũng có thể truyền dạy khối nhiệt huyết đó cho thế hệ sau.
Và khi ấy, xin các bạn hãy nhớ điều này: Đào tạo thế hệ sau cũng là một bước đánh dấu sự trưởng thành của chính mình.
Khi đã trở thành những bậc đàn anh, đàn chị, các bạn sẽ bắt gặp bóng dáng “một thời trẻ dại” của mình trong những gương mặt trẻ trung đó.