Khát vọng kết tinh thành hành động
Suy cho cùng thì tất cả đều phụ thuộc vào phẩm chất và tính cách, người lãnh đạo phải hình dung được mình phải trở thành nhà lãnh đạo như thế nào, chứ không phải lãnh đạo bằng cách nào, và chính điều đó sẽ quyết định cách thể hiện và kết quả.
- FRANCES HESSELBEIN
NHƯ VẬY LÀ BẠN ĐÃ CÓ ĐƯỢC KHÁT VỌNG MÃNH LIỆT MUỐN HOÀN THÀNH MỘT MỤC TIÊU NHẤT ĐỊNH NÀO ĐÓ, có NIỀM TIN vào chính bản thân và khả năng của mình để hoàn thành, bạn có KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN cần thiết và ÓC TƯỞNG TƯỢNG của bạn đang bay bổng. Bạn tạo cho mình một LỜI TUYÊN BỐ SỨ MỆNH CÁ NHÂN và thực hiện 6 bước đã đã chỉ ra trong chương 1 để TỰ KỶ ÁM THỊ cho bản thân.
QUY LUẬT HẤP DẪN chỉ ra rằng: “Hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và chúng sẽ xảy ra với bạn”, hay “Bạn có thể thu hút bất cứ điều gì bạn muốn vào cuộc sống của bạn”. Theo Napoleon Hill, “cái gì mà bạn có thể hình dung ra và tin vào nó, thì bạn hoàn toàn có thể đạt được”.
Như vậy có nghĩa là THÀNH CÔNG của bạn cần phải được đảm bảo một cách chắc chắn, đúng không nào?
Trong chương nói về NIỀM TIN, tôi đã chia sẻ về Phương trình Thành công Cá nhân từ cuốn sách Think and Grow Rich: Three Feet from Gold (tạm dịch Nghĩ Giàu Và Làm Giàu: Một thước tới vàng) và tầm quan trọng của NIỀM TIN đối với thành công của bạn. Một thành phần quan trọng khác của công thức trên chính là HÀNH ĐỘNG. Để có thể đảm bảo sức hấp dẫn của những gì bạn muốn hoặc những gì bạn cần, bạn phải hành động!
Thực chất là Hill cũng từng nói rằng bạn cần phải “đi thêm một dặm”, và cần có một KẾ HOẠCH RÕ RÀNG. Vậy thì, những kế hoạch này đến từ đâu?
Khi mà bạn yêu cầu trí tưởng tượng của mình khởi động bằng một KHÁT VỌNG MÃNH LIỆT, nó sẽ kết hợp cả tư duy chiến lược và những KẾ HOẠCH RÕ RÀNG, thiết thực để biến thành công của bạn thành sự thật.
Những nhà lãnh đạo thành công nhất đã diễn tả quá trình dẫn đến thành công dưới một số hình thức khác nhau, tuy nhiên tất cả đều là biến thể của quá trình bao gồm 4 bước dưới đây:
1. TẦM NHÌN – Mục tiêu nào bạn ao ước đạt được? (What)
2. CHIẾN LƯỢC – Bạn sẽ đạt được những mục tiêu đó như thế nào? (How)
3. NGUỒN NHÂN LỰC – Ai sẽ là người thực hiện? Hãy phân công đúng người làm đúng việc. (Who)
4. LÃNH ĐẠO – Bạn chính là người dẫn đường cho đội ngũ tuyển chọn của mình đến THÀNH CÔNG. (You)
Đây chính là điểm mà nguyên lý của Hill đứng tách biệt với những quan điểm truyền thống khác và có thể sẽ mở ra một bước đột phá cho bất cứ ai thực sự mong muốn đạt được thành công. Ông ấy nhấn mạnh rằng bạn phải luôn luôn ghi nhớ hai điều quan trọng sau:
Thứ nhất. Bạn đang tham gia vào việc thực hiện một yếu tố quan trọng hàng đầu. Để nắm chắc thành công, bạn nhất định phải có những kế hoạch hoàn mỹ.
Thứ hai. Bạn phải biết cách vận dụng những lợi thế đến từ kinh nghiệm, kiến thức, bản năng, và óc tưởng tượng của những người khác trong quá trình tạo lập kế hoạch.
Như vậy, dưới quan điểm của Hill, bạn phải có được yếu tố con người (Who) trước khi bắt tay vào việc thiết lập chiến lược và kế hoạch, từ đó bạn sẽ có khả năng chuyển hóa thành lợi ích từ kinh nghiệm, kiến thức, bản năng và óc tưởng tượng của những chuyên gia xung quanh vào quá trình lập kế hoạch. Bạn xây dựng đội ngũ để giúp bạn tạo ra những chiến lược và kế hoạch hiệu quả nhất. Bạn kết nối họ trước khi tạo ra CHIẾN LƯỢC và nhận lấy lợi ích từ ÓC TƯỞNG TƯỢNG của họ trong quá trình làm việc. Bằng cách này, bạn có thể phát triển một kế hoạch không những được tổ chức tốt mà còn được thực hiện một cách hiệu quả và thành công.
1. TẦM NHÌN – Mục tiêu nào mà bạn ao ước muốn đạt được? (What)
2. ĐỘI NGŨ PHÁT TRIỂN – Những ai sẽ tham gia vào đội ngũ CHUYÊN GIA của bạn để giúp đỡ bạn hoạch định chiến lược và lập ra những kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên? (Who)
3. CHIẾN LƯỢC – Bạn và đội ngũ của mình sẽ hoàn thành mục tiêu đã đặt ra như thế nào? (How)
4. NHỮNG KẾ HOẠCH RÕ RÀNG – Những kế hoạch được tạo ra và đồng nhất thông qua bởi tất cả những CHUYÊN GIA trong đội ngũ của bạn.
5. NGUỒN NHÂN LỰC – Ai sẽ là người thực hiện? Hãy phân công đúng người làm đúng việc. (Who)
6. LÃNH ĐẠO ĐỘI NGŨ
Ở đây còn có một sự khác biệt nữa. Theo quan điểm của Hill, người lãnh đạo không chỉ tham gia làm việc và sử dụng năng lực của các CHUYÊN GIA, mà còn nhận được sự tán thành và có được sự cảm thông của tất cả thành viên trong nhóm. Đây chính là điểm đối lập với những phong cách lãnh đạo khác – cách lãnh đạo thể hiện bằng uy lực sẽ không nhận được sự đồng thuận và cảm thông từ cấp dưới.
Một cách khác để chỉ ra sự tương phản trong hai phong cách lãnh đạo trên đó là gọi phong cách đầu tiên là lãnh đạo bằng sự cộng tác và phong cách thứ hai là lãnh đạo độc đoán. Hill nhấn mạnh quan điểm của mình rằng: “Lịch sử đã được lấp đầy bởi những bằng chứng cho thấy lãnh đạo bằng uy lực không thể kéo dài mãi. Sự suy tàn và sụp đổ của những kẻ độc tài và các nhà vua là điều tất yếu. Điều này có nghĩa là con người sẽ không mãi phục tùng một chế độ lãnh đạo độc tài”.
Tầm quan trọng của lãnh đạo trong quá trình lập kế hoạch không thể diễn tả bằng cách nào cường điệu hơn được nữa. Những người lãnh đạo “chèo lái con thuyền” dựa vào kế hoạch và biết cách làm thế nào để khai phá những phẩm chất tốt nhất của mỗi cá nhân nhằm thực hiện kế hoạch đã được thống nhất kỹ lưỡng bởi chính họ trước đó.
Chúng ta tán dương phong cách LÃNH ĐẠO VỚI SỰ ĐỒNG THUẬN hay LÃNH ĐẠO CỘNG TÁC và đồng ý rằng đây là công thức tốt nhất dẫn đến THÀNH CÔNG. Kể từ khi phụ nữ trở nên xuất chúng với phong cách lãnh đạo này, họ sẽ tiếp tục đảm nhận ngày càng nhiều vai trò lãnh đạo hơn nữa, và đạt được thành công.
Một ví dụ tuyệt vời về một nhà nữ lãnh đạo tài ba đó là Frances Hesselbein, chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm giám đốc điều hành của Học viện Leader to Leader. Trước khi đảm nhận vị trí này, bà làm giám đốc điều hành cho Hội Nữ Hướng đạo Hoa Kỳ (The Girl Scouts of the USA) trong 14 năm (1976 – 1990). Bà được biết đến bởi những đóng góp làm bùng lên phong trào Hướng đạo nữ với kỹ năng tổ chức và lãnh đạo của mình, cũng như bởi nỗ lực làm gia tăng sự đa dạng của phong trào này cùng với sự thành lập của chương trình Hướng đạo Hoa Cúc (Daisy Scouts) dành cho những bé gái nhỏ tuổi. Dưới sự dẫn dắt của bà, Hội Nữ Hướng đạo Hoa Kỳ đã nâng số tổng thành viên của mình lên đến 2,25 triệu hướng đạo sinh với lực lượng tình nguyện viên thường trực là 780.000 người. Frances Hesselbein đã được tổng thống Mỹ trao tặng Huy chương Tự do cho những đóng góp to lớn của bà dành cho tổ chức.
Khi được hỏi về kỹ năng lãnh đạo, bà đã trả lời một cách đơn giản nhưng đầy năng lượng rằng: “Lãnh đạo là băn khoăn về việc trở thành nhà lãnh đạo như thế nào, chứ không phải lãnh đạo bằng cách nào”. Trong một bài báo được viết bởi Joanne Fritz, người đã từng là một thành viên của tổ chức Hướng đạo Nữ dưới sự dẫn dắt của Hesselbein, bà đã chia sẻ: “Tô đã làm việc trong nhiều lĩnh vực gồm có kinh doanh, giáo dục và cả các tổ chức phi lợi nhuận trong suốt sự nghiệp của mình, nhưng không nơi nào có thể đạt đến ngưỡng nghệ thuật tổ chức tuyệt vời được như ở Hội Nữ Hướng đạo”. Nguyên lý lãnh đạo của Hesselbein bao gồm những chỉ dẫn sau:
1. Tìm kiếm những người cố vấn có chuyên môn giỏi nhất trong lĩnh vực của họ.
2. Xây dựng tổ chức của bạn trở thành một tổ chức cầu tiến. Trong các phát biểu của mình, bà đã từng nói: “Khoản chi đầu tiên trong ngân sách của bạn phải là khoản chi để học hỏi, đào tạo và phát triển con người”.
3. Hãy loại bỏ mọi sự phân cấp. Bà đặt người lãnh đạo ở giữa trong sơ đồ tổ chức thay vì đặt lên đầu và gọi nó là “quản trị vòng tròn”. Bà nói rằng: “Chúng tôi phát triển những nhà lãnh đạo trên tất cả các cấp bậc, và chúng tôi phát hiện ra rằng việc quản trị vòng tròn giúp giải phóng năng lượng của các thành viên, giải phóng tâm hồn con người”.
4. Hãy tôn trọng cảm giác của những người không có cùng ý kiến với bạn. Bằng cách này, bạn có thể chuyển đối kháng thành hợp tác.
5. Hãy thực hiện một cuộc khảo sát. Lắng nghe khách hàng, chú trọng vào nhu cầu của họ, chứ không phải chú trọng vào những giả thuyết của cá nhân bạn. Sau khi khảo sát, hãy tiến hành chạy những phép thử để kiểm tra các ý tưởng và/hoặc chương trình được đề ra.
Phụ nữ tiếp cận khái niệm lãnh đạo theo cách khác với đàn ông. Công ty McKinsey đã tiến hành nghiên cứu trên hơn một ngàn nhà quản lý từ rất nhiều công ty khác nhau, và chỉ ra được điểm khác biệt giữa phong cách lãnh đạo của phụ nữ và đàn ông. Bảng sau đây trình bày những chiến lược mà phụ nữ và đàn ông có xu hướng lựa chọn áp dụng trong quá trình lãnh đạo của mình:
Ngày nay, việc thực hành lãnh đạo tại Hội Nữ Hướng đạo tiếp tục được đổi mới và tập trung vào việc bồi dưỡng những nhà lãnh đạo cho thế hệ tương lai. Anna Maria Chavez, giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết: “Các khảo sát cho thấy con gái có cách nhìn về lãnh đạo khác so với con trai”. Tuyên bố Sứ mệnh của Hội Nữ Hướng đạo nêu rằng: “Phong trào Hướng đạo Nữ tạo ra những cô gái dũng cảm, tự tin và cương nghị, những người sẽ chung tay tạo nên một thế giới tươi đẹp hơn”. Ba Chìa Khóa hướng tới Sự Lãnh Đạo của họ là:
Khám phá: Những cô gái hiểu giá trị của bản thân, họ vận dụng KIẾN THỨC và kỹ năng của mình để khám phá thế giới.
Kết nối: Những cô gái quan tâm, truyền cảm hứng và kết nối với những cô gái khác trong địa phương và trên toàn thế giới.
Hành động: Những cô gái hành động để tạo nên một thế giới tươi đẹp hơn.
Với phương thức huấn luyện này, chúng ta sẽ tiếp tục được nhìn thấy những thế hệ nữ lãnh đạo tuyệt vời bước ra từ Hội Nữ Hướng đạo.
Khi nhìn vào các nữ doanh nhân làm lãnh đạo ngày nay, rất nhiều người thường nhắc đến một sự thật là phụ nữ hiện chỉ chiếm 23 vị trí trong Bảng xếp hạng Fortune 500 CEO (theo thống kê tháng 1/2014). Tuy nhiên, qua mỗi năm, tỷ lệ này lại tiếp tục bền bỉ tăng lên. Trong năm 2012, phụ nữ chiếm 51,5% trong số các nhà quản lý, chuyên gia và các vị trí liên quan tại Mỹ. Điều này là một minh chứng cho sự gia tăng về số lượng nữ lãnh đạo ngày nay.
Hãy chú tâm vào những tiến trình được tạo nên bởi người phụ nữ và hãy khích lệ họ khi mà sức ảnh hưởng của họ đang tăng dần tại nơi làm việc, phòng họp, và cả các văn phòng giám đốc điều hành. Đã đến lúc thay thế các mẩu chuyện tiêu cực về những thiếu sót của nữ giám đốc điều hành bằng những câu chuyện tích cực về những giá trị mà họ đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra cho tổ chức với cương vị là nhà lãnh đạo ở nhiều cấp độ quản trị khác nhau.
Được biết đến là một trong những nữ lãnh đạo xuất sắc lọt vào bảng xếp hạng Fortune 500 CEO, đồng thời cũng là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, Indra Nooyi, giám đốc điều hành của PepsiCo, gọi phong cách lãnh đạo của mình là một “quá trình có mục đích” và bà đã chia sẻ năm bài học quan trọng về lãnh đạo dành cho các nhà quản lý toàn cầu trong thế kỷ 21.
1. Cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn. Nhà lãnh đạo giỏi cần phải tìm được sự cân bằng, tìm cách tạo ra lợi nhuận trong ngắn hạn nhưng vẫn gắn liền với tầm nhìn dài hạn của tổ chức.
2. Phát triển những mối quan hệ cộng sự công khai hoặc riêng tư. Những kiểu cộng tác này có thể tạo nên những chiến lược đôi bên cùng có lợi và giúp phát triển nền kinh tế địa phương cũng như toàn cầu.
3. Tư duy toàn cầu, hành động địa phương. Bà công khai ủng hộ việc phá vỡ sự cô lập giữa các tổ chức, thiết lập mạng lưới cộng tác xuyên tổ chức, trong khi vẫn tích cực đề cao những phong tục, tập quán địa phương có thể giúp tạo ra những bước đổi mới và những ý tưởng đột phá.
4. Luôn giữ một cái đầu mở và sẵn sàng thay đổi. Bà xúc tiến việc đưa ra những câu hỏi mang tính chất thăm dò để tạo điều kiện cho việc đối thoại, khám phá và trở nên linh hoạt thay vì giữ lối suy nghĩ rập khuôn. Hãy lãnh đạo bằng cả cái đầu và trái tim của bạn.
5. Người lãnh đạo cần phải mang “toàn bộ bản thân vào công việc mỗi ngày”. Trên thực tế, bà đã viết thư gửi cho bố mẹ của tất cả nhân viên trong đội ngũ thừa hành của mình, nói với họ rằng họ nên cảm thấy tự hào về con cái của họ. Rõ ràng hành động này đã đóng góp một phần to lớn cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Niềm đam mê và sự nhận thức về mục đích của đội ngũ thừa hành đã được truyền năng lượng trong việc hiện thực hóa sứ mệnh doanh nghiệp.
Indra Nooyi cũng có một thông điệp đầy ý nghĩa gửi đến những người phụ nữ: “Phụ nữ chúng ta phải lắng nghe tiếng nói từ bên trong. Phụ nữ dễ dàng làm được điều này hơn vì họ không sợ phải nói ra những gì họ cảm nhận. Chúng ta phải giữ cả nét nữ tính và sức mạnh của mình. Là một nhà lãnh đạo, tôi thử thách bản thân và nâng cao tiêu chuẩn dành cho người khác, tuy nhiên, tôi làm vậy bởi vì tôi quan tâm đến họ, tôi muốn họ trở nên thật xuất sắc trong công việc họ đang làm, từ đó, họ có thể hướng đến trở thành người như tôi trong tương lai”.
Bà khuyến khích thái độ tích cực và ý chí mãnh liệt trong mọi trường hợp. Nooyi cho hay, khi bạn có thái độ tiêu cực, bạn sẽ trở nên giận dữ. Nếu bạn đối mặt với một vấn đề xấu với thái độ tiêu cực, bạn sẽ phải đối mặt với 2 luồng tiêu cực đấu tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu thay vào đó, bạn loại bỏ đi sự giận dữ ấy và tiếp cận vấn đề tiêu cực với một ý chí tích cực, bạn sẽ bất ngờ bởi kết quả đạt được. Bạn sẽ phân tán được tình hình và sẽ trở nên chính chắn hơn về mặt cảm xúc, bởi vì lúc này, bạn không còn phản ứng một cách ngẫu hứng nữa.
Napoleon Hill rất tin tưởng vào tiềm năng lãnh đạo trong người phụ nữ. Năm 1983, tổ chức của ông đã từng trao Huy chương Vàng cho Mary Kay Ash, nhà sáng lập của hãng mỹ phẩm Mary Kay. Trong lúc trao giải thưởng này cho bà, Jim Oleson – đại diện cho ban điều hành tổ chức – đã nhắc lại niềm tin của Hill khi ông ấy nói: “Đây là lần đầu tiên, là một sự kiện lịch sử, và trong ngày hôm nay, trong thời đại này, nơi mà những người phụ nữ đang chứng tỏ rằng họ hoàn toàn có thể bước ra ngoài kia và làm việc không thua kém gì cánh đàn ông, nếu không nói là làm tốt hơn”.
Trong bài phát biểu lúc nhận giải, Mary Kay chia sẻ: “Lúc đầu, tôi đã đọc Nghĩ giàu và làm giàu giống như đọc một cuốn tiểu thuyết, sau đó, tôi chỉ đọc một chương của cuốn sách mỗi ngày. Tôi đã đọc chương đó suốt một tuần liền cho đến khi tôi bắt tay vào việc thực hành những gì được viết trong đó. Và khi đã đọc đến chương cuối cùng, khi những chuỗi ngày nghiền ngẫm cuốn sách của tôi kết thúc… cuộc sống của tôi bắt đầu trở nên đảo lộn… Tôi cảm thấy phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn… nếu như mong muốn đó đủ mãnh liệt. Và đây cũng chính là thông điệp mà tôi luôn cố gắng truyền đạt đến tất cả chị em phụ nữ trên toàn đất nước này cũng như ở những quốc gia khác: “Bạn có thể làm được, bạn có thể làm được bất cứ điều gì…”. Và, đúng vậy, bất cứ điều gì một người đàn ông có thể làm được, một người phụ nữ có thể làm tốt hơn”.
Con đường dẫn đến thành công của Mary Kay phản ánh đúng theo những chỉ dẫn trong cuốn Nghĩ giàu và làm giàu. Bà có một KHÁT KHAO CHÁY BỎNG khi bắt đầu xây dựng công ty với một khoản tiết kiệm trị giá 5.000 đô-la. Mục tiêu của bà là mang đến cho những người phụ nữ một cơ hội vô hạn để đạt được thành công cho cá nhân hoặc thành công về mặt tài chính. Bà có NIỀM TIN và ÓC TƯỞNG TƯỢNG, và bà có một ý tưởng hay – cho phép phụ nữ phát triển bằng cách giúp đỡ những người khác đạt được thành công. Bà cho thấy một Ý CHÍ BỀN BỈ đến tuyệt vời, và bà là một nhà lãnh đạo tài ba.
Là nhà lãnh đạo, bà ghi nhận giá trị riêng của mỗi người và tin rằng:
Mỗi người đều mong muốn trở thành một ai đó, muốn hoàn thành một điều gì đó, và đều có những giá trị nhất định;
Mỗi người đều mong muốn trở thành một ai đó, muốn hoàn thành một điều gì đó, và đều có những giá trị nhất định;
Không ai quan tâm bạn biết những gì cho đến khi họ biết rằng bạn quan tâm đến điều đó nhiều như thế nào;
Mỗi người đều cần một ai đó.
Bạn không thể gặt hái được những thành quả vĩ đại khi chỉ dựa vào bản thân.
Bất cứ ai có thể giúp đỡ một người nào đó đều có thể truyền động lực cho rất nhiều người nữa (Kể cả là trực tiếp hay gián tiếp, bạn đều đang giúp đỡ mọi người trong vòng tròn động lực của họ).
Khi được hỏi về phong cách lãnh đạo của mình, bà chia sẻ: “Chúng tôi đối xử với nhân viên và đồng nghiệp của mình theo phong cách những bậc vua chúa. Nếu bạn trân trọng và phục vụ những người đang làm việc cho mình, họ sẽ trân trọng và phục vụ bạn”.
Mỗi người phụ nữ mà tôi nhắc đến trên đây đều là những tấm gương lãnh đạo sáng ngời và là minh chứng cho những tố chất quan trọng để trở thành lãnh đạo:
11 TỐ CHẤT QUAN TRỌNG ĐỂ TRỞ THÀNH LÃNH ĐẠO
1. Lòng can đảm và tính kiên định
2. Tự chủ
3. Ý thức mạnh mẽ về sự công bằng
4. Sự rõ ràng trong quyết định
5. Sự rõ ràng trong kế hoạch
6. Thói quen làm nhiều hơn những gì được yêu cầu
7. Tính cách dễ chịu
8. Sự cảm thông, thấu hiểu
9. Chú trọng chi tiết
10. Sẵn sàng gánh vác toàn bộ trách nhiệm
11. Tinh thần hợp tác. Lãnh đạo cần sức mạnh, và sức mạnh cần phải có sự hợp tác.
Ngoài việc nắm bắt những tố chất cần thiết để trở thành một người lãnh đạo giỏi, một việc không kém phần quan trọng là hiểu được điều gì có thể dẫn đến thất bại trong quá trình phấn đấu trở thành người lãnh đạo. Hill đã chỉ ra 10 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong lãnh đạo bởi vì theo ông, việc biết ĐIỀU GÌ KHÔNG NÊN LÀM cũng có tầm quan trọng tương đương với việc biết điều gì nên làm:
10 NGUYÊN NHÂN CHÍNH DẪN ĐẾN THẤT BẠI TRONG LÃNH ĐẠO
1. Không có khả năng tổ chức, sắp xếp các chi tiết
2. Không sẵn lòng làm những việc mà người khác cho là thấp kém
3. Mong được trả công cho những gì họ “biết” thay vì những điều họ làm được với những kiến thức đó
4. Lo sợ về sự cạnh tranh với cấp dưới
5. Thiếu óc tưởng tượng
6. Ích kỷ
7. Thái độ không đúng mực
8. Bất trung
9. Nhấn mạnh vào “quyền lực” trong lãnh đạo
10. Xem trọng chức danh
Hãy tập trung vào “sự rõ ràng trong kế hoạch” và “chú trọng chi tiết”, là những tố chất quan trọng cần có để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, cũng như “sự thiếu khả năng sắp xếp, tổ chức các chi tiết” là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong lãnh đạo. Hill đã nhấn mạnh: “Thành quả bạn đạt được không thể to lớn hơn những gì mà KẾ HOẠCH của bạn đã đặt ra”.
Kế hoạch của bạn cần phải rõ ràng, chúng cần phải bao hàm được cả ngắn hạn và dài hạn, và chúng phải được gắn liền với những mục tiêu cụ thể. Nếu kế hoạch đầu tiên không thành công, hãy tạo một kế hoạch mới, và nếu kế hoạch mới đó cũng gặp thất bại, hãy tiếp tục thay thế nó bằng một kế hoạch mới khác, cho đến khi bạn tìm thấy một bản kế hoạch thành công. Đây chính là SỰ BỀN BỈ. Rất nhiều người trong chúng ta vấp phải thất bại bởi vì chúng ta từ bỏ trước khi tìm được một kế hoạch có thể dẫn đến thành công. Một lần nữa, Hill nhắc nhở chúng ta rằng:
Một kẻ hay bỏ cuộc sẽ không bao giờ chiến thắng – và – một người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc.
Mỗi một người phụ nữ kể trên đều mang trong mình một tầm nhìn vĩ đại, một lòng can đảm sắt đá, và sự bền bỉ phi thường để đạt được THÀNH CÔNG. Nhưng họ cũng có NHỮNG KẾ HOẠCH RÕ RÀNG cụ thể và được tổ chức tốt trong định hướng chiến lược mà họ đã đề ra để tạo nên những kế hoạch đó.
Ingrid Vanderveldt, nhà sáng lập Quỹ Tín dụng Sáng Tạo Dell (Dell Innovator’s Credit Fund) và chương trình Entrepreneur in Residence tại Dell, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch trong một tuyên bố đơn giản nhưng đầy nội lực: “Một khát khao không có đường đi nước bước cũng giống như một giấc mơ mãi mãi chỉ nằm trong khuôn khổ là một điều ước mà thôi. Để ‘biến cái không thể thành có thể’, hay nói đúng hơn là để kiến tạo và sống trong cuộc sống mà bạn hằng mong ước – một cuộc sống tạo nên của cải cho chính bản thân bạn và những người xung quanh – bạn buộc phải xây dựng một kế hoạch xoay quanh mục tiêu của mình với những cột mốc đo lường mà bạn có trách nhiệm phải hoàn thành”.
Hãy nghĩ về cuộc sống của bạn. Bạn có vạch ra những kế hoạch rõ ràng không? Bạn đã bao giờ tham vấn ý kiến của các quân sư khi lập kế hoạch không? Bạn có kỹ năng sắp xếp, tổ chức không? Hay có óc tổ chức không? Quá trình lập kế hoạch có thể không phải là phần thú vị nhất, nhưng đây là một trong những bước quan trọng nhất trên con đường dẫn đến thành công. Judith Williamson, giám đốc của Trung tâm Đào tạo Toàn cầu Napoleon Hill (Napoleon Hill Word Learning Center), đã tham khảo trong kho tàng rộng lớn những công trình nghiên cứu của Hill và chia sẻ chiến lược của bà trong việc lập kế hoạch có tổ chức, bà đã đưa ra những lời khuyên thiết thực mà tất cả chúng ta đều có thể áp dụng:
Lợi ích của việc lập kế hoạch có tổ chức
Lập kế hoạch là một điều tất yếu trong thành công của bất cứ ai. Từ việc viết một cuốn sách, xây dựng một căn nhà búp bê, cho đến chuẩn bị bữa tối, tất cả đều cần có sự chuẩn bị và kế hoạch kỹ lưỡng. Nguyên tắc trên cũng đúng cho việc xây dựng thành công trong sự nghiệp và kinh doanh. Một kế hoạch chi tiết được tổ chức, sắp xếp tốt là đại lượng quan trọng hàng đầu trong đồ thị thành công của bạn.
Một khi kế hoạch tổng thể của tôi đã được thiết lập, tôi tạo một danh sách những việc cần làm hằng ngày bao gồm ít nhất 10 đầu việc thiết yếu mà tôi muốn hoàn thành trong ngày hôm đó để có thể giúp tôi đạt được mục tiêu dài hạn. Khi hoàn thành một đầu việc nào đó, việc gạch bỏ nó khỏi danh sách khiến cho tôi cảm thấy phấn chấn hơn. Tôi tự thách thức bản thân mình bằng cách bắt đầu với đầu việc khó nhằn nhất trong danh sách, và việc hoàn thành nó sẽ tái khởi động ngày mới của tôi.
Vì chúng ta đều là những người đa nhiệm, việc phân loại các vấn đề dựa trên tác động của chúng đến tâm hồn, tinh thần, thể chất, xã hội, cảm xúc và mục tiêu tài chính trở nên rất quan trọng, từ đó chúng ta có thể quan tâm đến mọi khía cạnh của bản thân mình. Nếu không, bạn có thể sẽ rất thành công về mặt tài chính, nhưng đổi lại bạn sẽ không có đủ sức khỏe để tận hưởng những thành quả ấy.
Hãy bắt đầu những đầu việc trong danh sách cần làm bằng một động từ, ví dụ như: 1) Rửa xe, 2) Lau dọn nhà tắm, 3) Viết một chương sách… Việc này sẽ giúp bạn có nhiều động lực hơn để thực hiện những việc đã đặt ra trong danh sách, và cũng giúp cho bạn dễ dàng phân định xem mình đã hoàn thành nó hay chưa vào cuối ngày.
Khi bạn hoàn thành những mục tiêu nhỏ để góp phần thực hiện một mục đích lớn hơn, từng bước một, quá trình tạo dựng thành công sẽ dần tự động đi vào khuôn khổ.
Hãy cùng xem xét các ví dụ sau, khi để ý những sự việc xảy ra xung quanh ngôi nhà của bạn, bạn đã bao giờ cảm thấy ngạc nhiên khi thấy mọi thứ xung quanh tích trữ lại nhanh chóng đến thế chưa? Những tờ nhật báo chất đống đầy ắp vào mỗi cuối tuần. Những bức thư ngổn ngang trên bàn và nhanh chóng lấp đầy toàn bộ những khoảng trống trên mặt bàn nếu không được sắp xếp và phân loại. Tủ lạnh quá tải bởi thức ăn thừa được tích trữ lại cho “lần sau” sử dụng nhưng dường như cái “lần sau” ấy mãi chưa đến. Vừa rồi chỉ là một vài ví dụ rất quen thuộc về xu hướng tích tụ những sự việc. Bằng cách tạo ra danh sách những việc cần làm và chú tâm vào ý muốn sắp xếp một chu kỳ làm việc hợp lý mỗi ngày, bạn sẽ đạt được những kết quả đáng mong đợi vào cuối mỗi tháng. Mô hình này có thể được nhân rộng cho những mục tiêu mà chúng ta khao khát đạt được, miễn là chúng ta hiểu làm thế nào để vận dụng quy luật tự nhiên này một cách tốt nhất.
Tôi làm tốt nhất khi tôi biết sắp xếp và tổ chức mọi thứ. Sếp cũ của tôi từng nói với tôi rằng mỗi tập hồ sơ dự án phải thể hiện trong đó sự tổ chức, sắp xếp cần có để mang lại thành công. Khi tôi chuyển từ dự án này sang dự án khác, tôi đều lưu trữ dưới dạng tập tin tất cả các tài liệu, sổ sách, biên lai, ghi chú… Đồng thời, tôi cũng in ra một cuốn lịch có ghi chú tất cả những cuộc hẹn và cuộc gọi liên quan để giúp tôi ghi nhớ chúng sau này. Những thư mục này luôn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng khi tôi cần đến chúng để truy vấn. Đây là một cách rất đơn giản nhưng lại rất hiệu quả nếu bạn sử dụng nó.
Lập kế hoạch có tổ chức là một điều tất yếu cho bất cứ ai muốn thành công. Tuy nhiên, ngay cả những cá nhân xuất sắc nhất trong việc sắp xếp, tổ chức sự việc cũng cần phải có tính cách dễ chịu, có thể xây dựng được những mối quan hệ xã hội thân thiết và chân thành. Cùng với niềm tin, lòng chân thành, sự trung thực trong việc nâng cao lợi ích và thành quả chung, bằng cách tuân theo quy tắc vàng “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, chúng ta có thể chung tay làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn – bắt đầu từ việc làm cho bản thân chúng ta trở nên tốt hơn.
Người duy nhất mà chúng ta có thể thay đổi là chính mình. Về căn bản, sự thay đổi được bắt đầu từ chính bản thân, và khi chúng ta thay đổi, mọi thứ xung quanh cũng sẽ thay đổi theo. Bằng cách sắp xếp và tổ chức tốt những công việc của bản thân, chúng ta sẽ có thể dẫn dắt người khác hoàn thành việc của họ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Những lời khuyên của Judy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức và sắp xếp, gợi ý một số quy trình đơn giản mà chúng ta có thể sử dụng để trở nên có tổ chức hơn mỗi ngày. Khi bạn không phải là một nhà lãnh đạo có khả năng sắp xếp, tổ chức tốt, bạn sẽ rất dễ bị quá tải và phân tâm. Việc sắp xếp, tổ chức công việc có thể sẽ chiếm một quỹ thời gian nhỏ hôm nay, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra những lợi thế trong tương lại, bao gồm:
1. Năng suất cao hơn – Tạo ra một danh sách cho phép bạn định ra mức độ ưu tiên các đầu việc và từ đó phân bổ sự tập trung của mình cho những đầu việc đó một cách hợp lý;
2. Giảm căng thẳng – Với sự sắp xếp và tổ chức các đầu việc phải làm một cách hợp lý, bạn sẽ trở nên tự tin hơn; và với sự tự tin đó, cảm giác căng thẳng sẽ giảm bớt;
3. Môi trường làm việc tốt hơn – Bằng cách giảm bớt sự lộn xộn, thiếu ngăn nắp tại nơi làm việc, bạn sẽ có không gian làm việc rộng rãi hơn, qua đó cho phép bạn xử lý những thông tin quan trọng nhanh chóng hơn.
Một mẹo nhỏ là bạn hãy cố gắng giữ tình trạng ngăn nắp, có tổ chức ấy cho đến cuối ngày. Việc này đòi hỏi bạn phải tạo cho mình những thói quen giúp bạn xác định rõ mục đích của mình. Allyn Reid, người làm công việc xuất bản và cũng là vợ của Greg Reid – đồng tác giả cuốn sách Three Feet From Gold – chia sẻ sự thật về thói quen như sau: “Điểm chính yếu của những thói quen đó là chúng rất khó để hình thành và duy trì. Nếu bạn có niềm tin vào bản thân rằng thói quen đó sẽ giúp ích cho bạn, thì bạn hãy kiên trì thực hiện. Từ đó, bạn sẽ nhận thấy cuộc sống của mình chuyển động nhanh hơn rất nhiều và những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Chỉ cần luôn ghi nhớ và thực hiện theo hai điều sau: thấm nhuần mục đích của bạn và rèn luyện những thói quen tốt.
THỰC HÀNH NGHĨ GIÀU VÀ LÀM GIÀU TRONG CUỘC SỐNG
Vào giai đoạn đầu sự nghiệp của mình, tôi đã từng cảm thấy mình cần phải biết mọi thứ, rằng việc đặt ra những câu hỏi là biểu hiện của sự thiếu KIẾN THỨC và sẽ khiến mọi người đánh giá thấp bản thân mình. Tôi cho rằng nỗi sợ này đến từ những năm tháng đi học trên ghế nhà trường, nơi mà tôi được xếp hạng dựa trên thành tích cá nhân.
Không mất nhiều thời gian để tôi nhận ra rằng ý nghĩ này thật là ngớ ngẩn, nhưng tôi đã mất rất nhiều thời gian để từ bỏ thói quen muốn đưa ra câu trả lời đúng trong mọi trường hợp. Tôi quyết định sẽ thực hiện một chiến dịch loại bỏ “hội chứng học sinh giỏi” này.
Trong quá trình rèn luyện từ bỏ thói quen trên, tôi đã khám phá ra một nguồn năng lượng to lớn và đầy thú vị đến từ quá trình thu thập ý kiến từ nhóm Trí tuệ Ưu tú (Mastermind). Việc động não (Brainstorming), khi mà nhiều bộc óc cùng hỗ trợ nhau mổ xẻ vấn đề, giúp thổi bùng trí tưởng tượng của mỗi cá nhân. Quá trình này bao gồm việc ghi nhận lại tất cả các ý kiến được các thành viên nêu lên mà không đưa ra bất kỳ đánh giá nào cho những ý kiến đó, tiếp sau đó là hàng loạt những câu hỏi, giả định được đưa ra nhằm khai thác và mở rộng thêm tư duy của mọi người trong nhóm. Người đứng đầu nhóm Trí tuệ Ưu tú cần phải thiên về vai trò tư vấn nhiều hơn để hỗ trợ cho quá trình diễn ra một cách suôn sẻ. Tôi đã từng nhận được sự khen ngợi tại một cuộc họp trong quá trình thu thập ý kiến Quân Sư khi một thành viên trong nhóm thảo luận nói với tôi rằng: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ai có khả năng dẫn dắt nhóm thảo luận một cách vô cùng khéo léo với sự tập trung và định hướng rõ ràng đến vậy”.
Trong một buổi tư vấn với nhóm Trí tuệ Ưu tú giống như trên, tôi và chồng tôi, Michael, đang tìm cách để quảng bá cho Cherry Creek Lodge – trang trại mà chúng tôi vừa mua được ở Young, Arizona. Một trong những người bạn của chúng tôi đã hỏi rằng liệu chúng tôi đã quảng bá nó trên Arizona Highways (một cơ quan truyền thông có tiếng ở địa phương) chưa, nếu chưa làm điều đó, cô ấy sẽ thay mặt chúng tôi liên hệ với tòa soạn. Eureka! Trang trại của chúng tôi xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Arizona Highways số tháng 1 năm 2010. Và vào cuối năm đó, đài truyền hình Arizona Highways đã thực hiện một thước phim đặc biệt về trang trại của chúng tôi. Sau này, thước phim đó được phát sóng lại nhiều lần nữa.
Trong khi nó có vẻ là một cơ hội truyền thông khá dễ dàng, vào buổi họp ngày hôm ấy, chúng tôi cũng đã nghĩ ra rất nhiều phương thức kinh doanh có thể thực hiện tại trang trại bao gồm nghỉ dưỡng (qua đêm và kèm bữa sáng), tham quan những địa danh lịch sử nơi mà Cuộc chiến Pleasant Valley diễn ra, cưỡi ngựa, lái xe địa hình, lớp học bắn súng và tổ chức những sự kiện đặc biệt. Mục đích ban đầu của buổi họp vốn chỉ là muốn tìm cách để kiếm một chút doanh thu từ trang trại, nhưng khi buổi họp kết thúc, chúng tôi đã vạch ra được một mô hình kinh doanh thực thụ với đầy đủ mô hình và kế hoạch kinh doanh, chiến lược marketing, kế hoạch xúc tiến kinh doanh và tầm nhìn cho tương lai.
Cũng trong một buổi họp Tư vấn với nhóm Trí tuệ Ưu tú tại công ty Pay Your Family First của tôi, chúng tôi chia sẻ với mọi người rằng hiện chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc đưa trò chơi ThriveTime for Teens mà chúng tôi tạo ra vào các trường học. Chúng tôi bắt đầu cuộc họp với hy vọng sẽ tìm ra giải pháp giúp tiếp cận và thuyết phục ban giám hiệu về tầm quan trọng của việc giáo dục tài chính và tác động của trò chơi trong việc giúp trẻ vị thành niên chuẩn bị bước vào đời. Và kết quả là khi kết thúc buổi họp, chiến lược của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi tập trung toàn bộ nguồn lực của mình để giới thiệu chương trình đến từng giáo viên tại trường trung học, tuyên dương những người chiến thắng tại mỗi trường, tổ chức những cuộc thi đấu với quy mô toàn bang và những người chiến thắng cuộc thi này sẽ nhận được học bổng vào trường đại học.
Những câu hỏi giả định mà chúng tôi đã sử dụng bao gồm:
- Sẽ thế nào nếu chúng ta trả hoa hồng cho những trường học đồng ý sử dụng dịch vụ của mình?
- Sẽ thế nào nếu chúng ta tặng cho Top 3 người chiến thắng trò chơi tại mỗi trường một khoản tiền nhỏ để thu hút sự tham gia?
- Sẽ thế nào nếu chúng ta mời người chiến thắng tại mỗi trường tham gia vào cuộc thi đấu toàn bang?
- Sẽ thế nào nếu chúng ta có rất nhiều giải thưởng và một giải độc đắc tại cuộc thi toàn bang?
- Sẽ thế nào nếu chúng ta tìm được một trường đại học có ý muốn tài trợ cho cuộc thi toàn bang?
- Sẽ thế nào nếu chúng ta yêu cầu sự hỗ trợ từ những người lãnh đạo cộng đồng, nhằm thể hiện sự hợp tác?
- Sẽ thế nào nếu chúng ta yêu cầu các doanh nghiệp tài trợ cho các cuộc thi, nhằm thể hiện mối quan hệ hợp tác công khai?
- Sẽ thế nào nếu chúng ta hoàn thiện mô hình này tại Arizona, rồi sau đó phát triển nó ở những tiểu bang khác, và những quốc gia khác trên thế giới?
Và thế là cuộc thi The ThriveTime Challenge ra đời. Một lợi thế gia tăng khác mà chúng tôi nhận được đó là mỗi năm có một trường đại học danh tiếng không chỉ tài trợ cho cuộc thi mà còn trao học bổng cho người chiến thắng cuộc thi năm đó. Tất cả những thành quả trên chúng tôi đạt được là nhờ vào sức mạnh của một tập thể cùng chung chí hướng, chung niềm đam mê, một mục tiêu rõ ràng và những kế hoạch được sắp xếp, tổ chức tốt.
Tôi phải thừa nhận các đồng nghiệp của tôi có thể chế nhạo tôi khi gọi tôi là kẻ cuồng lập kế hoạch. Trong khi tôi tự cho mình là một người đa nhiệm, họ ân cần giúp tôi đạt được mục tiêu của mình. Tôi cho rằng mình linh hoạt, họ cho rằng tôi có tố chất doanh nhân. Trong bất kỳ sự kiện nào, tôi biết rằng điểm yếu của tôi là không thể tạo lập được những kế hoạch rõ ràng, nhưng tôi có khả năng liên kết với họ – khả năng mà tôi biết rằng nhờ nó, đồng nghiệp của tôi sẽ giúp tôi khắc phục điểm yếu của mình. Giám đốc điều hành (COO) của Pay Your Family First, Angela Totman, đã làm việc với tôi trong hơn 12 năm. Cô ấy là người tập trung cao độ, có tổ chức, và cô ấy là một vị thẩm phán với cái búa làm bằng nhung.
Nhưng quan trọng hơn, cô ấy đã và đang phát huy những kỹ năng lãnh đạo mà chúng ta đã bàn đến trong chương này.
Có một vài thói quen mà tôi đã rèn luyện để giúp cho mình luôn tập trung và tổ chức tốt những kế hoạch đã đề ra. Ngoài việc lập ra danh sách việc cần làm như cách của Judy Williamson, tôi còn tạo một danh sách những việc cần phải ngưng làm. Trong danh sách đó, tôi liệt kê những việc tôi làm được, nhưng cũng việc đó, người khác sẽ làm tốt hơn. Tôi tìm được cách để không thực hiện nó nữa. Trên thực tế, tôi bắt đầu có người giúp việc giúp tôi dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ, thay vào đó, tôi dành thời gian trò chuyện cùng gia đình và hoàn thành những bản thảo của mình. Mặc dù chồng tôi vẫn thường xuyên kêu ca về việc những đôi tất của anh ấy không được xếp đúng cách, đối với tôi, đây vẫn là một quyết định đúng đắn. Nó giúp tôi giải tỏa nỗi căng thẳng khi cứ phải cố gắng hoàn thành mọi việc, và rõ ràng tôi không việc gì phải cảm thấy có lỗi về điều đó.
Tôi cũng tạo ra “kế hoạch 2-2-2”. Nó giúp tôi tạo thói quen tập trung vào sự nghiệp tương lai của tôi mỗi ngày. Trước khi tắt máy tính vào mỗi buổi chiều, tôi sẽ tìm cách liên hệ với 6 người có thể giúp tôi mở ra cơ hội cho công việc kinh doanh của mình. Thông thường sẽ là 2 cuộc điện thoại, 2 lá thư và 2 bản fax (điều này giải thích cho bạn biết tôi đã làm việc trong ngành này lâu như thế nào). Còn hôm nay, việc của tôi là 2 bài đăng trên mạng xã hội, 2 email và 2 bản ghi chú viết tay. Tuy nhiên, mục đích của chúng đều là nhằm giúp tôi tập trung vào việc đi theo những kế hoạch đã đề ra để phát triển công việc kinh doanh của mình. Thói quen trên giúp tôi có thể đo lường được hiệu quả làm việc, và đồng thời cũng thể hiện lòng biết ơn của tôi đến những người đã giúp đỡ tôi phát triển.
Tất cả chúng ta đều biết rằng lòng biết ơn là rất quan trọng để sống hạnh phúc. Nhưng tôi chỉ thực sự nhận ra tầm quan trọng của lòng biết ơn khi nghe tiến sĩ Brené Brown, giáo sư khoa Công tác Xã hội bậc cao học của trường Đại học Huston, chia sẻ trong bài TED Talk của cô ấy: “Tôi không bao giờ tách riêng lòng biết ơn và sự vui vẻ khi nói về chúng. Bởi vì trong suốt 12 năm nay, tôi chưa bao giờ gặp một người nào có thể diễn tả về cuộc sống tươi đẹp của họ, về sự vui vẻ của họ mà lại không mang theo trong tim một lòng biết ơn đối với ai đó/điều gì đó”.
Từ những minh chứng được đưa ra bởi các chuyên gia, bây giờ tôi đã thực sự tin rằng:
Tích cực thể hiện lòng biết ơn sẽ mang lại những kết quả viên mãn.
Bên cạnh việc nhận thức được sức mạnh của lòng biết ơn trên bước đường rèn luyện trở thành nhà lãnh đạo giỏi, tôi cũng nhận ra rằng trước tiên, tôi phải tự dẫn dắt bản thân mình để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Chương tiếp theo sẽ nói về quá trình ra quyết định, không những giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, mà còn là quá trình đưa bạn đến thành công nhanh hơn.
LỜI KHUYÊN TỪ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ THÔNG THÁI
Châm ngôn của những phụ nữ thành công và có cuộc sống ý nghĩa nhờ biết LẬP KẾ HOẠCH:
ELEANOR ROOSEVELT (1884-1962)
ĐỆ NHẤT PHU NHÂN NƯỚC MỸ TRONG THỜI GIAN DÀI NHẤT – SUỐT 4 NHIỆM KỲ CỦA CHỒNG BÀ – CỰU TỔNG THỐNG FRANKLIN D. ROOSEVELT. SAU NÀY, TỔNG THỐNG HARRY S. TRUMAN ĐÃ GỌI BÀ LÀ “ĐỆ NHẤT PHU NHÂN CỦA THẾ GIỚI” DỰA TRÊN NHỮNG ĐÓNG GÓP VÀ THÀNH QUẢ CỦA BÀ TRONG VIỆC ĐẤU TRANH CHO QUYỀN CON NGƯỜI.
“Sẽ thật không công bằng khi yêu cầu người khác phải làm một việc mà chính bản thân bạn còn không muốn làm”.
MEG WHITMAN
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ KIÊM GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH CỦA HEWLETT – PACKARD
“Một người lãnh đạo trong thương trường phải luôn hướng toàn bộ tổ chức tập trung vào sứ mệnh của mình. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng nó là một thử thách lớn lao trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt và thay đổi không ngừng này. Một lãnh đạo giỏi cần phải biết cách khuyến khích và thúc đẩy những đối tác tiềm năng cùng tham gia với mình”.
JOANNE HARRIS
NHÀ VĂN NGƯỜI ANH VÀ LÀ TÁC GIẢ CỦA CUỐN RUNEMARKS
“Một người đàn ông có thể trồng một cái cây với rất nhiều lý do. Có thể vì anh ta thích cây xanh. Có thể vì anh ta muốn có bóng mát. Nhưng cũng có thể anh ta biết rằng một ngày nào đó, anh ta có thể cần dùng đến củi”.
CONNIE LINDSEY
PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM HỘI TRƯỞNG TỔ CHỨC TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TẠI NOTHERN TRUST, VÀ LÀ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA CỦA HỘI NỮ HƯỚNG ĐẠO HOA KỲ
“Người lãnh đạo giỏi cũng chính là kẻ tôi tớ giỏi”.
HARRIET WOODS (1927 – 2007)
CHÍNH TRỊ GIA NGƯỜI MỸ, KIÊM THƯỢNG NGHỊ SĨ HOA KỲ
“Bạn có thể đứng cao hơn những người khác mà không cần phải đứng trên vai họ. Bạn có thể trở thành người chiến thắng mà không cần phải đánh bại ai”.
MARGARET THATCHER (1925 – 2013)
THỦ TƯỚNG ANH (1979 – 1990)
“Việc trở nên quyền lực cũng giống như việc trở thành một tiểu thư đài các. Nếu bạn phải nói cho mọi người biết điều đó, chứng tỏ bạn không phải là người như thế”.
GOLDA MEIR (1898 – 1978)
THỦ TƯỚNG THỨ TƯ CỦA ISRAEL
“Không phải tự nhiên mà có rất nhiều lời buộc tội rằng tôi đã dùng trái tim thay vì cái đầu để thi hành quản lý công. Nếu tôi thực sự làm như thế thì sao? Những người không biết làm sao để khóc bằng cả trái tim thì họ cũng chẳng biết phải cười như thế nào”.
GLORIA STEINEM
NHÀ LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO NỮ QUYỀN HOA KỲ VÀ LÀ MỘT NHÀ BÁO
“Việc lập kế hoạch là một cách phân định giai cấp. Những người giàu, kể cả những người thuộc tầng lớp trung lưu, lập kế hoạch cho thế hệ tương lai, tuy nhiên những người nghèo chỉ có thể lập kế hoạch cho từng tuần, thậm chí chỉ là một vài ngày sắp tới”.
ABIGAIL ADAMS (1744 – 1818)
VỢ CỦA JOHN ADAMS – TỔNG THỐNG ĐỜI THỨ 2 CỦA NƯỚC MỸ
“Những nhu cầu to lớn tạo ra những nhà lãnh đạo tài ba”.
Khi Hill chia sẻ tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và kỹ năng lãnh đạo, ông ấy đã chuẩn bị cho chúng ta những nội dung trong chương tiếp theo. Chúng ta là những người nắm trong tay vận mệnh của chính mình, và chúng ta phải QUYẾT ĐỊNH rằng mình muốn thành công. Đây chính là yếu tố Hành Động trong Phương trình Thành công Cá nhân.
JUDI SHEPPARD MISSETT
NHÀ SÁNG LẬP KIÊM GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH CÔNG TY JAZZERCISE
“Hãy tập hợp những người có khả năng nâng bạn lên, và sau đó dẫn dắt họ bằng cách để những người khác trở thành những ngôi sao đang tỏa sáng”.
TỰ VẤN BẢN THÂN
Hãy dùng một quyển sổ ghi chép để xác định các bước hành động của bạn, những khoảnh khắc khiến bạn phải thốt lên “À ha” và lập kế hoạch để đạt đến thành công!
Dù chương này có tên là LẬP KẾ HOẠCH, nhưng nó lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc LÃNH ĐẠO. Trong sổ ghi chép, hãy ghi chú lại những phẩm chất của một nhà lãnh đạo giỏi và tự chấm điểm cho mình trên những tiêu chí đó.
11 Tố Chất Quan Trọng Để Trở Thành Lãnh Đạo
1. LÒNG CAN ĐẢM VÀ TÍNH KIÊN ĐỊNH
2. TỰ CHỦ
3. Ý THỨC MẠNH MẼ VỀ SỰ CÔNG BẰNG
4. SỰ RÕ RÀNG TRONG QUYẾT ĐỊNH
5. SỰ RÕ RÀNG TRONG KẾ HOẠCH
6. THÓI QUEN LÀM NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ ĐƯỢC YÊU CẦU
7. TÍNH CÁCH DỄ CHỊU
8. SỰ CẢM THÔNG, THẤU HIỂU
9. CHÚ TRỌNG CHI TIẾT
10. SẴN SÀNG GÁNH VÁC TOÀN BỘ TRÁCH NHIỆM
11. TINH THẦN HỢP TÁC.
Lãnh đạo cần phải có SỨC MẠNH, và sức mạnh cần phải có SỰ HỢP TÁC.
Bây giờ hãy xem xét lại những gì bạn đã ghi chú, và chọn ra hai đến ba vấn đề mà bạn cho rằng mình có thể cải thiện được. Ghi chú những điều này lại, lập ra một bản kế hoạch cụ thể để cải thiện điều đó, và hãy cam kết rằng bạn sẽ thực hiện theo kế hoạch vừa đề ra trong vòng 30 ngày tới.
Ngoài việc biết những tố chất cần có để trở thành nhà lãnh đạo giỏi, việc biết những nguyên nhân dẫn đến thất bại trên con đường hướng tới trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc cũng quan trọng không kém. Hill chỉ ra 10 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong việc lãnh đạo bởi vì biết VIỆC GÌ KHÔNG NÊN LÀM cũng quan trọng y như việc biết cần phải làm gì. Hãy ghi chú 10 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong việc lãnh đạo mà Hill đã nêu ra vào trong nhật ký của bạn, và ghi chú lại những việc này đã từng cản trở công việc và cuộc sống của bạn như thế nào trước đây.
10 Nguyên Nhân Chính Dẫn Đến Thất Bại Trong Lãnh Đạo
1. KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG TỔ CHỨC, SẮP XẾP CÁC CHI TIẾT
2. KHÔNG SẴN LÒNG LÀM NHỮNG VIỆC MÀ NGƯỜI KHÁC CHO LÀ THẤP KÉM
3. MONG ĐƯỢC TRẢ CÔNG CHO NHỮNG GÌ HỌ “BIẾT” THAY VÌ NHỮNG ĐIỀU HỌ LÀM ĐƯỢC VỚI NHỮNG KIẾN THỨC ĐÓ
4. LO SỢ VỀ SỰ CẠNH TRANH VỚI CẤP DƯỚI
5. THIẾU ÓC TƯỞNG TƯỢNG
6. ÍCH KỶ
7. THÁI ĐỘ KHÔNG ĐÚNG MỰC
8. BẤT TRUNG
9. NHẤN MẠNH VÀO “QUYỀN LỰC” TRONG LÃNH ĐẠO
10. XEM TRỌNG DANH HIỆU
Bây giờ hãy xem lại những ghi chú của bạn, chọn ra 2 đến 3 điểm mà bạn đã cảm thấy “chột dạ” khi đọc đến nó. Bạn phải làm thể nào để vượt qua chúng? Ghi chú những điều này lại, lập ra một bản kế hoạch cụ thể để cải thiện, và hãy cam kết rằng bạn sẽ thực hiện theo kế hoạch vừa đề ra trong vòng 30 ngày tới.
Hãy lập ra một danh sách những việc phải ngưng làm. Nghĩ đến ít nhất 3 việc, bất kể lớn hay nhỏ, mà bạn có thể dừng và nên dừng làm để có thời gian tập trung hơn cho những Kế hoạch Rõ ràng dẫn tới Thành công. Tôi sẽ dừng việc…
Tạo ra bản “Kế hoạch 2-2-2” để xây dựng thói quen tốt cho việc thực hiện những kế hoạch tương lai mỗi ngày.
Tương tác với nhóm Trí tuệ Ưu Tú xung quanh bạn. Lập ra một nhóm gồm những đối tác và/hoặc bằng hữu, cùng nhau thảo luận về những tố chất cần thiết và nguyên nhân thất bại trong việc lãnh đạo. Bạn sẽ học được từ họ, và rất có thể họ sẽ giúp bạn chỉ ra những điểm bạn cần phải chú trọng cải thiện để trở nên tốt hơn mà bạn chưa hề nghĩ tới. Hoặc là bạn cũng có thể phát hiện ra rằng đối tác hay bạn bè của bạn có những ý kiến hay ho hơn về kỹ năng lãnh đạo. Hãy tận hưởng chúng!