Nàng là bến bờ cho ta nương tựa. Nàng là tia nắng của ngày mai.
Dẫu cho miệng đời điều tiếng không hay, Nàng vẫn đã tạo nên ta của ngày hôm nay.
-Nàng là bến bờ của ta
Có thể bạn đang băn khoăn về những người đàn ông được phụ nữ yêu mù quáng. Họ cảm thấy như thế nào trong giây phút đầu tiên gặp nhau? Tiếp theo đó, khi mối quan hệ của họ tiến triển, đặc biệt nếu nó chuyển sang tình trạng tiêu cực hoặc tích cực hơn, những người đàn ông này cảm thấy như thế nào?
Những câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về những người đàn ông này. Tuy rằng câu chuyện về cuộc đời họ có khác nhau nhưng tất cả đều có chung một điểm, đó là họ bị hấp dẫn bởi những người phụ nữ mạnh mẽ hứa hẹn bù đắp những khiếm khuyết vốn có trong cuộc đời họ.
Tom: 48 tuổi, cai rượu được 12 năm, có cha và anh trai chết vì nghiện rượu
Tôi vẫn nhớ buổi tối đầu tiên gặp Elaine khi đi nhảy ở một câu lạc bộ ngoại thành. Hồi đó, chúng tôi đều mới hơn hai mươi tuổi và đều đã có người yêu. Chứng nghiện rượu của tôi thật tệ hại. Tôi từng bị bắt vì lái xe khi say rượu vào năm hai mươi tuổi và hai năm sau, tôi gây ra một tai nạn nghiêm trọng cũng vì say xỉn. Nhưng dĩ nhiên lúc đó, tôi không hề nghĩ đó là tại rượu mà chỉ nghĩ mình là một thanh niên trẻ người non dạ, đang tập tành tận hưởng các thú vui trong đời.
Elaine đi cùng với một người quen của tôi và người ấy đã giới thiệu chúng tôi với nhau. Trông cô ấy rất quyến rũ và tôi rất vui vì đêm đó chúng tôi chơi trò "đổi bạn nhảy". Tối đó, nhờ có rượu nên tôi cảm thấy mình khá bạo dạn và cũng muốn gây ấn tượng với Elaine khi nhảy nên đã thử phô diễn vài đường bứt phá. Tôi cố gắng bước thật điêu luyện nhưng lại đâm sầm vào cặp bên cạnh đến nỗi khiến người phụ nữ đó suýt té. Trong lúc tôi bối rối không biết nói gì ngoài việc lắp bắp xin lỗi thì Elaine lại tỏ ra rất nhanh nhẹn. Cô đỡ lấy người phụ nữ đó, xin lỗi cả hai người và đưa họ về tận chỗ ngồi. Cô ấy cư xử dịu dàng đến nỗi người đàn ông gần như rất vui vẻ trước sự cố đáng tiếc ấy. Khi quay lại, cô ấy cũng tỏ ra rất quan tâm đến tôi. Nếu là người khác hẳn đã phải cáu tiết lên và có thể sẽ không thèm nói chuyện với tôi nữa. Vì thế, tôi không thể nào để cô ấy biến mất sau sự việc đó.
Tôi và cha của Elaine rất thân thiết với nhau cho đến khi ông qua đời. Dĩ nhiên, ông cũng là một người nghiện rượu. Trong khi đó, mẹ tôi lại rất yêu quý Elaine. Lúc nào bà cũng bảo tôi cần được một người như Elaine chăm sóc, lo lắng.
Suốt một thời gian dài, lúc nào Elaine cũng tỏ ra quan tâm, bảo bọc cho tôi như trong đêm đầu tiên gặp gỡ. Cuối cùng, khi cô ấy hiểu ra vấn đề và chấm dứt việc nuông chiều thói quen uống rượu của tôi, tôi lại cho rằng cô ấy không còn yêu mình nữa nên chuyển sang quen với một cô thư ký hai mươi tuổi. Sau đó, tôi tụt dốc rất nhanh. Sáu tháng sau, tôi tham dự khóa huấn luyện giúp người nghiện cai rượu và kể từ đó, tôi đã sống tỉnh táo.
Chúng tôi quay lại với nhau sau khi tôi cai rượu được một năm. Quả là một việc không dễ dàng nhưng chúng tôi vẫn còn yêu nhau lắm. Tất nhiên, chúng tôi đã khác rất nhiều so với thời mới cưới hai mươi năm trước. Ngày nay, chúng tôi biết yêu thương bản thân mình và yêu thương lẫn nhau nhiều hơn xưa, nhưng đồng thời cả hai luôn xử sự với nhau thật chân thành.
Vì sao Tom say mê Elaine?
Câu chuyện gặp gỡ giữa Tom và Elaine mang đậm đặc trưng của mối quan hệ giữa người nghiện rượu và người đồng nghiện. Tom gặp rắc rối, và Elaine - thay vì cảm thấy bị xúc phạm - lại tìm cách giúp Tom giải quyết vấn đề và tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái hơn. Elaine mang lại cho Tom cảm giác an toàn, một điều vốn vô cùng hấp dẫn đối với anh bởi cuộc sống của anh đang ngày càng mất kiểm soát.
Khi Elaine tham gia khóa huấn luyện dành cho những người có liên quan đến chứng nghiện rượu, cô đã học được cách giúp Tom thoát khỏi cuộc sống say xỉn triền miên bằng cách không bảo bọc, chăm sóc anh nữa. Lúc ấy, Tom đã hành động hệt như những người nghiện khác khi người yêu của họ tìm cách giúp họ thoát khỏi cuộc sống tiêu cực ấy. Tom đã tìm cách trả đũa thật cay nghiệt. Vì mỗi người nghiện rượu đều có rất nhiều bạn gái đồng nghiện sẵn sàng hy sinh bản thân để thực hiện vai trò chăm sóc, bảo vệ cho anh ta, nên Tom đã nhanh chóng tìm được người thay thế cho Elaine. Người con gái này sẵn sàng thay Elaine để tiếp tục “sứ mệnh cứu vớt” Tom. Chỉ đến khi buộc phải chọn giữa việc cai rượu hoặc chết vì nó thì Tom mới tìm cách thay đổi.
Mối quan hệ hiện nay giữa Tom và Elaine vẫn tốt đẹp như xưa bởi cả hai đã tham dự những khóa huấn luyện đặc biệt dành cho người nghiện rượu và đồng nghiện. Ở đó, lần đầu tiên trong đời họ học được cách cư xử với nhau lành mạnh để nuôi dưỡng một mối quan hệ tích cực.
Charles: 65 tuổi, kỹ sư về hưu, hai con, ly hôn rồi tái hôn và hiện nay góa vợ
Helen mất được hai năm thì tôi mới bắt đầu hiểu ra mọi việc. Trước đây, chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại cần đến sự giúp đỡ của chuyên viên trị liệu tâm lý khi đã ở vào lứa tuổi này. Nhưng từ sau cái chết của cô ấy, tôi cảm thấy giận dữ nhưng lại lo sợ vô cùng. Tôi luôn cảm thấy muốn làm tổn thương Helen. Tôi mơ thấy mình đánh đập cô ấy và tỉnh dậy mà miệng vẫn còn la hét. Tôi nghĩ chắc mình phát điên mất. Cuối cùng, tôi lấy hết can đảm kể cho bác sĩ nghe. Ông ấy đã lớn tuổi và cũng bảo thủ như tôi. Thế nên khi ông ấy bảo tôi nên đến gặp một chuyên viên tâm lý thì tôi đã dẹp bỏ niềm kiêu hãnh và nghe theo lời ông. Tôi liên hệ với tổ chức Hospice và được tư vấn bởi một chuyên viên chuyên giúp mọi người vượt qua đau buồn. Dù chúng tôi đã làm việc với nhau nhưng nỗi buồn trong tôi vẫn cứ biến thành cơn giận dữ đến nỗi cuối cùng, tôi bắt đầu tin là mình điên thật sự và cần được giúp đỡ để tìm ra nguyên nhân.
Helen là vợ sau của tôi. Người vợ đầu của tôi là Janet hiện đang sống trong thành phố với người chồng mới của cô ấy. Nói đến từ “mới” thật là buồn cười. Mọi chuyện bắt đầu từ hai mươi lăm năm trước. Khi gặp Helen, tôi là một kỹ sư dân sự của tỉnh còn cô ấy làm thư ký trong phòng kế hoạch. Tôi thường trông thấy Helen tại cơ quan và đôi khi được gặp cô ấy ở quán cà phê nhỏ trong phố. Hồi đó, Helen trông rất xinh, lúc nào cũng ăn mặc đẹp đẽ, hơi rụt rè nhưng rất thân thiện. Chỉ cần nhìn ánh mắt và nụ cười của Helen là tôi biết ngay cô ấy thích mình. Điều đó khiến tôi có phần hãnh diện. Tôi được biết Helen đã ly dị chồng và đang một thân nuôi hai con nhỏ. Tôi cảm thấy thương cho hoàn cảnh của cô ấy. Thế rồi, một bữa nọ, tôi mời Helen một tách cà phê và chúng tôi đã có một cuộc chuyện trò rất thú vị. Tôi nói rõ rằng mình cũng đã lập gia đình và có lẽ hôm đó, tôi cũng đã phàn nàn không ít về cuộc hôn nhân đáng chán của mình. Tôi không hiểu được vì sao trong mắt Helen, tôi là người đàn ông tuyệt vời đến nỗi không thể nào có một cuộc sống bất hạnh được. Hôm đó, tôi ra về với cảm giác lâng lâng, thấy mình chẳng khác gì một anh hùng đồng thời muốn gặp lại Helen để được cảm nhận sự ngưỡng mộ và niềm hạnh phúc mà cô ấy đã mang đến cho mình. Có thể do Helen thiếu vắng và nhớ nhung hình ảnh người đàn ông trong đời mình nên mới có suy nghĩ về tôi như vậy. Nhưng dù sao đi nữa, cuộc nói chuyện ngắn đó đã khiến tôi cảm thấy mình vĩ đại và đặc biệt vô cùng.
Lúc đó, tôi vẫn chưa có ý định sẽ quen Helen. Trước kia, tôi chưa bao giờ làm những việc như thế. Giải ngũ về là tôi ổn định cuộc sống gia đình với người vợ đang chờ ở quê nhà và cứ thế mà sống. Tuy chẳng phải là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất nhưng mối quan hệ giữa Janet và tôi cũng chưa phải là tồi tệ nhất. Và tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ dính líu đến Helen.
Helen đã từng có hai đời chồng và phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong cả hai cuộc hôn nhân đó. Cả hai người đàn ông đều ra đi và mỗi người để lại cho cô một đứa con. Giờ đây, cô phải tự nuôi con mà không có ai hỗ trợ cả.
Điều tệ nhất mà chúng tôi đã làm là quan tâm tới nhau. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho Helen dù biết rằng mình không thể làm gì được. Thời đó, người ta không thể cứ muốn ly hôn là được và tôi cũng không giàu có đến mức có thể đánh mất tất cả để bắt đầu lại từ đầu với một người phụ nữ khác. Ngoài ra, tôi thật sự không muốn ly dị. Dù không còn tha thiết với vợ như xưa nhưng tôi thương mấy đứa nhỏ và muốn cả nhà có nhau. Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi tôi và Helen cứ liên tục gặp gỡ nhau. Cả hai chúng tôi đều không thể dừng lại. Helen cô đơn và bảo rằng thà được gặp gỡ tôi đôi chút còn hơn không có gì. Còn tôi, tôi hiểu là cô ấy nói thật lòng. Và một khi cả hai đã bắt đầu quan hệ với nhau, thì chẳng có cách gì chấm dứt mà không làm cho nhau đau lòng. Chẳng bao lâu, tôi bắt đầu cảm thấy mỏi mệt trước gánh nặng trách nhiệm của mình. Cả hai người phụ nữ đều trông cậy vào tôi, còn tôi thì lại chỉ làm cho họ đau buồn. Helen phát điên lên vì tôi. Cô ấy làm tất cả mọi thứ để được gặp tôi. Khi tôi cố chấm dứt mối quan hệ với Helen, cô ấy đến gặp tôi với nét mặt buồn bã, tha thiết đến não lòng. Khoảng một năm sau thì Janet biết chuyện và đề nghị tôi, hoặc chấm dứt với Helen hoặc ly hôn.
Và mặc dù đã cố gắng nhưng tôi không tài nào dứt khỏi được Helen. Bên cạnh đó, tình cảm giữa tôi và Janet giờ cũng khác xưa rất nhiều. Chính vì thế, tôi lại càng khó rời bỏ Helen hơn.
Quả là một câu chuyện dài. Tôi và Helen yêu nhau đến chín năm, và trong suốt thời gian đó, vợ tôi hết níu kéo lại quay sang trừng phạt tôi vì đã bỏ cô ấy. Tôi và Helen chuyển về sống chung với nhau vài lần trong suốt chín năm đó, mãi cho đến khi Janet chịu hết nỗi và đồng ý ly hôn.
Thật tình tôi không thích nghĩ đến hậu quả mà cả ba chúng tôi phải chịu đựng qua chuyện này. Thời đó, sống chung với nhau đâu phải là chuyện đơn giản. Tôi nghĩ mình đã đánh mất tất cả niềm tự hào về bản thân trong suốt thời gian đó. Tôi cảm thấy xấu hổ cho bản thân, cho các con của mình, cho Helen và cho các con cô ấy, thậm chí cho cả Janet.
Sau khi ly hôn với Janet, tôi và Helen đã cưới nhau. Nhưng rồi ngay trong thời điểm đó, tôi nhận thấy giữa hai chúng tôi có điều gì đó khác lạ đã xảy ra. Suốt bao nhiêu năm, Helen lúc nào cũng là một người phụ nữ ấm áp, tình cảm và rất quyến rũ. Và dĩ nhiên, tôi yêu tất cả những điều đó. Chính những điều đó đã giữ tôi lại bên cô ấy, bất chấp mọi khổ đau đã gây nên với gia đình hai bên. Cô ấy mang đến cho tôi cảm giác mình là người đàn ông tuyệt vời nhất trần đời. Dĩ nhiên, trước lúc cưới nhau chúng tôi cũng đã từng tranh cãi vì những căng thẳng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lần nào chúng tôi cũng kết thúc những “cuộc chiến tranh” đó bằng giây phút ái ân mặn nồng và tôi càng cảm thấy mình quan trọng, được cô ấy quan tâm, chăm sóc hết mực. Tôi có cảm giác những gì mà Helen và tôi có với nhau thật đặc biệt, đến nỗi cái giá mà chúng tôi phải trả xem chừng cũng xứng đáng.
Nhưng đến khi được sống bên nhau thì Helen lại thay đổi. Tuy vẫn chăm sóc đầu tóc khi đi làm nhưng đôi lúc ở nhà, cô ấy không còn quan tâm đến bề ngoài của mình nữa. Dù không lấy làm phiền lòng nhưng tôi vẫn nhận ra điều đó. Và chuyện chăn gối của chúng tôi cũng giảm sút; cô ấy không còn hứng thú như trước nữa. Tuy cố hết sức để không gây áp lực cho Helen nhưng tôi không thể không buồn chán. Trong khi tôi đã xóa bỏ được mọi cảm giác tội lỗi để đến với cô ấy thì cô ấy lại hững hờ, xa cách.
Chỉ được hai năm thì chúng tôi đã phòng ai nấy ngủ. Và mọi chuyện cứ thế, lạnh lùng, xa cách cho đến ngày cô ấy mất. Nhưng tôi chẳng hề nghĩ đến chuyện bỏ cô ấy. Tôi đã trả giá quá đắt để được sống với cô ấy, nay sao có thể làm được điều đó chứ.
Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng Helen đã chịu đựng nhiều hơn tôi trong những năm chúng tôi quan hệ bí mật với nhau. Hồi đó, Helen không biết được tôi sẽ chọn ai, Janet hay cô ấy. Helen thường khóc rất nhiều
và đôi lần còn dọa tự tử nữa. Cô ấy ghét phải làm “người thứ ba”. Nhưng chính những năm khủng khiếp đó, chúng tôi lại được sống trong bầu không khí tràn đầy yêu thương, quan tâm, thú vị và đặc biệt.
Tôi có cảm giác chuyện chúng tôi cưới nhau là một sai lầm lớn vì nó đã không thể mang lại cho cô ấy hạnh phúc.
Nhờ khóa trị liệu, tôi đã hiểu ra được nhiều điều và sẵn lòng nhìn lại một số vấn đề về Helen mà trước đây tôi không muốn đối diện. Rõ ràng, cô ấy thể hiện vai trò của mình trong những hoàn cảnh căng thẳng, áp lực tốt hơn là trong điều kiện bình thường. Đó là lý do vì sao tình yêu của chúng tôi đã nhanh chóng lụi tàn khi cả hai bước vào cuộc sống vợ chồng hợp pháp.
Khi đã có thể nhìn thẳng vào sự thật này, tôi bắt đầu cảm thấy giận dữ trước cái chết của Helen. Tôi tức giận vì mình đã phải trả cái giá quá đắt cho cuộc sống chung với Helen: gia đình, tình yêu của các con tôi, sự tôn trọng của bạn bè đối với tôi đều mất cả. Tôi có cảm giác như mình bị lừa.
Vì sao Charles say mê Helen?
Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, vẻ xinh đẹp và quyến rũ của Helen đã cuốn hút Charles. Sự say mê quá lớn mà anh dành cho Helen, bất chấp cuộc hôn nhân hiện tại khá ổn định và thỏa mãn, gần như không cần phải giải thích gì. Về phía Helen, cô xem nhiệm vụ của mình là khơi sâu tình yêu của Charles, đồng thời giúp anh cảm thấy việc thoát khỏi sự ràng buộc của cuộc hôn nhân hiện tại không hề quá sức chịu đựng với anh, thậm chí là còn xứng đáng.
Điều cần giải thích ở đây chính là thái độ thờ ơ, hững hờ đột ngột của Helen dành cho người đàn ông mà cô đã từng chờ đợi suốt một thời gian dài mới có được. Vì sao cô đã từng yêu Charles điên cuồng khi anh ta chưa ly hôn rồi lại nhanh chóng tỏ ra chán chường khi anh ta thật sự đến được với mình?
Nguyên nhân là vì Helen chỉ muốn điều mà cô không thể có. Để có được cảm hứng lâu dài với một người đàn ông, cả về mặt tinh thần lẫn tình dục, cô cần sự cản trở từ cuộc hôn nhân của Charles. Chỉ trong hoàn cảnh đó, cô mới có thể thể hiện tình yêu của mình. Cô cảm thấy không thoải mái trong một mối quan hệ bình thường, khi không có căng thẳng. Helen cần một mối quan hệ đầy thử thách, có thể mang lại cho cô cảm giác phấn khích lẫn khổ đau. Một khi bị tách khỏi môi trường quen thuộc đó, nghĩa là không còn phải phấn đấu, nỗ lực để giành được Charles, cô hầu như buông trôi cảm xúc yêu thương lẫn sự dịu dàng của mình.
Tuy vậy, trong suốt những năm còn chờ đợi Charles, Helen cũng thể hiện rõ cô là một người phụ nữ yêu mù quáng. Cô phải chịu đựng mòn mỏi và than khóc rầu rĩ vì không có được người đàn ông mình yêu thương. Đối với cô, Charles quan trọng hơn mọi thứ cho đến khi cô thật sự có được anh. Để rồi khi đã là vợ chồng của nhau, tình yêu đầy ngọt ngào lẫn cay đắng trong cô lại biến mất. Cô không còn cảm thấy niềm say mê của chín năm yêu đương chờ đợi ngày xưa nữa, dù là với cùng một người đàn ông.
Người ta quan sát thấy rằng, khi những cặp tình nhân yêu nhau thật lâu và thật sâu đậm quyết định lấy nhau thì thường xảy ra nhiều thay đổi, hoặc họ hết yêu nhau hoặc tình cảm đôi bên không còn nồng nàn như xưa. Điều này xảy ra không hẳn vì họ không còn quan tâm nhau nữa mà là vì quyết định đó đã vượt quá khả năng của một hoặc của cả hai người. Một chuyện tình dang dở thường mang đến cho chúng ta cảm giác an toàn và sâu đậm hơn khi nó trọn vẹn. Sau khi kết hôn, tình cảm thường dễ phai nhạt vì ta co mình lại nhằm bảo vệ bản thân.
Đây chính là điều đã diễn ra trong chuyện tình cảm của Charles và Helen. Về phía mình, Charles đã bỏ qua những dấu hiệu cho thấy tình cảm của Helen thiếu sâu sắc vì lúc nào cô ấy cũng mang đến cho anh cảm giác được quan tâm, chăm sóc. Không chỉ là một nạn nhân của ý đồ lôi kéo của Helen, bản thân Charles cũng có lỗi khi không chịu nhìn nhận thực tế là tính cách của Helen không hề phù hợp với hình ảnh mà cô đã tạo nên cho anh, vốn cũng chính là hình ảnh mà anh muốn tin, rằng anh là một người rất đáng yêu và hấp dẫn. Anh sống trong một thế giới kỳ diệu do Helen tạo dựng một cách cẩn thận suốt nhiều năm trời và không muốn phá vỡ ảo ảnh đó. Phần lớn cơn giận dữ của anh sau cái chết của Helen đều nhằm vào chính mình, như sau này anh đã thừa nhận. Charles cũng thừa nhận rằng anh đã chối bỏ thực tế đồng thời đã góp phần tạo ra và sống trong cái thế giới tưởng tượng về một tình yêu đầy ám ảnh. Tất cả những điều đó đã dẫn đến cuộc hôn nhân bất hạnh, chết dần chết mòn của họ.
Russell: 32 tuổi, nhân viên hoạt động xã hội, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình cộng đồng dành cho những phạm nhân trẻ tuổi
Những đứa trẻ do tôi phụ trách trong chương trình hỗ trợ phạm nhân trẻ tuổi luôn ấn tượng với hình xăm trên cánh tay trái của tôi. Hình xăm đó đã nói lên rất nhiều về cuộc sống của tôi ngày xưa. Tôi đã xăm tên mình vào năm mười bảy tuổi vì nghĩ rằng có thể một ngày nào đó mình sẽ nằm chết ở ngoài đường mà không ai biết tôi là ai. Tôi nghĩ mình đã từng là một thằng nhỏ tệ hại, xấu xa.
Tôi sống với mẹ đến khi lên bảy tuổi. Sau khi mẹ tôi tái hôn thì tôi bỏ nhà đi vì không thể nào hòa hợp được với dượng. Vào thời đó, việc bỏ nhà ra đi có thể sẽ bị bắt nhốt vào tù. Đầu tiên, tôi bị bắt vào nhà giam dành cho trẻ vị thành niên, sau đó chuyển qua nhà nuôi trẻ vô gia cư và rồi tiếp tục bị bắt trở lại vào nhà giam dành cho trẻ vị thành niên. Lớn hơn một chút, tôi đã quen thuộc với việc ra vào các nhà giam địa phương. Đến năm hai mươi lăm tuổi, tôi đã trải qua tất cả các hình thức cải tạo từng có tại bang California, từ giam lỏng cho đến nhà tù được canh gác nghiêm ngặt.
Phần lớn tuổi trẻ của tôi trải qua trong nhà tù chứ không được sống tự do ngoài xã hội. Thế nhưng tôi vẫn có dịp gặp Monica. Một tối nọ ở San Jose, tôi cùng một người bạn cũ quen trong một trại giam mượn tạm một chiếc xe của ai đó lái đi chơi vòng vòng. Chúng tôi ghé vào một tiệm ham-bơ-gơ phục vụ khách ngay trong ô-tô và đậu xe cạnh hai cô gái. Chúng tôi trò chuyện, vui đùa với nhau và chẳng mấy chốc đã sang ngồi băng xe sau của họ.
Giờ nghĩ lại, tôi thấy anh bạn của tôi quả là người hùng trong mắt của các cô gái. Cậu ấy có nhiều biệt tài hấp dẫn, vậy nên mỗi khi ở gần các cô gái là tôi lại để cho anh đảm nhiệm việc trò chuyện làm quen. Hôm đó, gần như cậu ấy đã quyến rũ được cả hai cô gái cùng lúc, và dĩ nhiên cậu ấy được quyền chọn lựa trước. Dù tối hôm đó cậu bạn tôi chọn cặp bồ với cô gái tóc vàng nhỏ nhắn, hấp dẫn cầm lái nhưng tôi cũng chẳng phàn nàn gì khi quen Monica. Lúc ấy Monica 15 tuổi, rất xinh, dịu dàng với đôi mắt to và rất thú vị. Ngay từ đầu, ở Monica đã toát lên vẻ rất dịu dàng và quan tâm đến người khác.
Khi đã phạm tội nhiều lần, bạn sẽ học được cách nhận biết hai loại phụ nữ khác nhau. Có những phụ nữ sẽ ghê tởm và xa lánh những người như tôi; nhưng cũng có những người lại cảm thấy hấp dẫn. Họ nghĩ những người như tôi là sự kết hợp giữa cái tốt và cái xấu, nên họ càng cảm thấy thích thú trước ý nghĩ sẽ thay đổi được tôi. Hoặc cũng có thể họ cho rằng những người như tôi đã từng bị tổn thương nên cảm thấy thương cảm và sẵn lòng giúp đỡ. Monica thuộc tuýp phụ nữ thứ hai. Không những thế, cô ấy còn rất dễ thương nữa. Trong khi anh bạn tôi huyên thuyên trổ tài tán tỉnh yêu đương thì chúng tôi chỉ đi dạo dưới ánh trăng và trò chuyện. Cô ấy hỏi đủ thứ về cuộc đời tôi. Dĩ nhiên, tôi cũng lược bớt một số tình tiết về mình để cô ấy không cảm thấy e dè, đồng thời kể cho cô ấy nghe rất nhiều chuyện buồn xảy ra trong đời mình, chẳng hạn như việc cha dượng không ưa tôi hay một số nhân viên trong trại trẻ mồ côi luôn cho tôi mặc quần áo cũ để dành tiêu chuẩn của tôi cho các con họ. Trong lúc tôi kể chuyện, Monica siết chặt lấy tay tôi, vỗ về và thậm chí còn rơm rớm nước mắt. Quả thật là tôi đã phải lòng Monica ngay trong đêm hôm đó. Lúc về, Monica có cho tôi địa chỉ và số điện thoại của cô ấy. Tôi nghĩ chắc chắn hôm sau mình sẽ gọi cho cô ấy. Thế nhưng, khi vừa lái xe khỏi thành phố thì chúng tôi bị cảnh sát chặn lại vì chiếc xe chúng tôi đang dùng là xe ăn cắp. Lúc đó, điều duy nhất tôi nghĩ đến chính là Monica. Tôi tin chắc mọi chuyện đã kết thúc vì tôi vừa hứa với Monica rằng mình sẽ cố gắng hoàn lương và sống tử tế.
Khi bị bắt trở lại Trại quản lý trẻ vị thành niên, tôi quyết định thử viết thư cho Monica. Tôi báo cho cô ấy biết rằng mình đã tái phạm nhưng lần này hoàn toàn không phải do lỗi của tôi, rằng sở dĩ cảnh sát bắt tôi vì tôi đã từng có tiền án và họ không ưa những người như tôi. Monica trả lời thư tôi ngay và từ đó trở đi, suốt hai năm sau, gần như ngày nào cô ấy cũng viết thư cho tôi. Chúng tôi tâm sự về tình yêu, sự nhớ nhung và những dự định chung khi tôi được mãn hạn.
Vì mẹ của Monica không cho cô ấy gặp tôi tại Stockton nên khi được mãn hạn, tôi phải đáp xe về San Jose để gặp cô ấy. Nghĩ đến giây phút gặp lại Monica, tôi vừa hồi hộp vừa cảm thấy lo ngại vì sợ nàng không còn thích mình nữa. Thế là thay vì đi gặp ngay Monica, tôi lại liên hệ với một số bạn cũ và gặp gỡ hết người này đến người khác. Chúng tôi bù khú với nhau mãi đến bốn ngày sau, mấy người bạn tôi mới chở tôi đến nhà Monica. Lúc đó, tôi đã rất suy nhược nên cần phải nạp thuốc mới đủ can đảm gặp lại cô ấy. Tôi rất sợ cô ấy bảo mình hãy quên mọi chuyện đi.
Nhờ trời là hôm đó mẹ của Monica đã đi làm. Mấy người bạn thả tôi trên vỉa hè trước nhà của Monica. Cô ấy bước ra, mỉm cười và bảo rằng rất vui vì được gặp lại tôi dù chẳng hề nghe tin tức gì từ khi tôi được thả. Tôi nhớ hôm đó chúng tôi đã cùng nhau đi dạo rất vui. Và mặc dù tôi không có cả tiền lẫn xe để chở cô ấy đi chơi nhưng dường như Monica cũng không để ý lắm đến chuyện đó thì phải.
Suốt một thời gian dài, trong mắt Monica, tôi vẫn là người đàn ông không có gì đáng phàn nàn. Cô ấy tha thứ cho tất cả những thiếu sót lẫn lỗi lầm của tôi. Tôi cứ ra vào nhà tù nhiều năm mà cô ấy vẫn cưới tôi và bám chặt lấy tôi. Cha Monica bỏ gia đình đi từ khi cô ấy còn rất nhỏ. Mẹ cô ấy khá cay đắng về chuyện đó và bản thân Monica cũng rất buồn. Có lẽ đó cũng chính là lý do vì sao chúng tôi cưới nhau. Lần nọ, sau khi tôi bị khám xét vì tội sử dụng giấy tờ và tiền giả, mẹ Monica đã không cho phép cô ấy đến gặp tôi trong thời gian tôi được tạm tha chờ ngày ra tòa. Thế là chúng tôi đã cùng nhau bỏ trốn và cưới nhau. Năm ấy, Monica mới tròn mười tám tuổi. Chúng tôi thuê khách sạn ở với nhau cho đến ngày tôi ra tòa. Lúc đó, công việc của Monica là làm bồi bàn nhưng cô ấy đã bỏ việc để có mặt tại tất cả các ngày tòa nghị án. Cuối cùng, tôi dĩ nhiên là phải vào tù còn Monica thì quay trở về nhà mẹ ruột. Hai mẹ con xung đột đến nỗi Monica phải dọn đến sống tại thành phố gần nhà tù nơi tôi bị giam và đi làm bồi bàn trở lại. Ở thành phố đó có một trường đại học và tôi muốn Monica đi học lại vì tôi biết cô ấy thông minh và ham học. Thế nhưng, Monica bảo rằng cô ấy chỉ muốn chờ tôi về. Và chúng tôi thường xuyên viết thư cho nhau, thỉnh thoảng cô ấy lại đến thăm tôi khi được phép. Cô ấy thường kể cho người giáo sĩ trong tù nghe rất nhiều về tôi, mong ông cố gắng trò chuyện và giúp đỡ tôi, mãi đến khi tôi yêu cầu thì cô ấy mới chấm dứt chuyện đó. Tôi không thích nói chuyện với ông ta vì không muốn nhắc lại mọi chuyện.
Ngay cả khi thăm nuôi tôi thường xuyên, Monica vẫn giữ thói quen viết thư cho tôi. Cô ấy gửi cho tôi rất nhiều sách và bài viết nói về sự phục thiện và cải tạo bản thân. Monica bảo rằng cô ấy luôn cầu nguyện cho tôi thay đổi. Tôi cũng rất muốn được tự do nhưng có lẽ vì đã sống trong tù quá lâu nên tôi gần như không còn nhớ được cuộc sống bên ngoài nữa.
Cuối cùng, một sự thay đổi cũng xảy đến bên trong con người tôi khi tôi tham gia vào một chương trình hỗ trợ phạm nhân quay lại với thế giới bên ngoài. Khi còn trong tù, tôi đã được các quản giáo cho học nghề. Thêm vào đó, tôi cũng đã học xong trung học và bắt đầu chương trình cao đẳng. Khi ra tù, tôi gần như từ bỏ cuộc sống trước đây và tiếp tục theo đuổi chuyện học hành cho đến khi nhận được bằng thạc sĩ chuyên ngành xã hội học. Nhưng cũng đúng khi ấy, tôi mất vợ. Ban đầu, khi chúng tôi cùng nhau nỗ lực thì mọi chuyện diễn ra rất êm đẹp. Nhưng khi mọi thứ bắt đầu suôn sẻ, cuộc sống trở nên dễ dàng hơn và chúng tôi dần đạt được những điều mình ao ước thì Monica lại tỏ ra hay cáu kỉnh hơn. Chưa bao giờ tôi thấy cô ấy như thế, kể cả trong những năm tháng khó khăn nhất. Cô ấy bỏ tôi khi cuộc sống đang hồi tốt đẹp nhất. Đến bây giờ, tôi thậm chí cũng không biết cô ấy đang ở đâu. Mẹ Monica không nói cho tôi biết chỗ ở của cô ấy. Cuối cùng, tôi hiểu rằng mình không cần phải đi tìm Monica mãi khi mà cô ấy đã không còn muốn sống với tôi nữa. Nhiều lúc, tôi có cảm tưởng Monica sẽ dễ chịu hơn khi sống với hình ảnh của tôi thay vì với chính con người của tôi. Chúng tôi đã yêu nhau thắm thiết khi không có dịp sống bên nhau, khi chỉ có thể viết thư qua lại, thỉnh thoảng viếng thăm nhau và cùng mơ mộng về tương lai. Còn khi tôi bắt đầu biến những điều mơ ước đó thành sự thật thì cô ấy lại quay lưng đi. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy đã không còn thương cảm tôi nữa.
Vì sao Russell say mê Monica?
Russell lớn lên trong hoàn cảnh bất hạnh nên không hề biết cách ứng xử trong các mối quan hệ tình cảm. Gần như anh luôn chủ động đi tìm cảm giác an toàn và mạnh mẽ bằng cách bỏ đi xa hoặc tham dự những hành động phiêu lưu, nguy hiểm. Những hành động đó khiến anh luôn bận bịu và nhờ vậy mà tránh né được nỗi tuyệt vọng của mình. Anh tìm đến chúng để khỏi phải đối mặt với cảm giác bơ vơ và đau đớn vì bị chối bỏ.
Khi gặp Monica, anh cảm thấy bị cuốn hút trước vẻ dịu dàng quyến rũ lẫn thái độ mềm mỏng của cô. Thay vì né tránh và xem anh là “người xấu”, cô đã chia sẻ với anh bằng thái độ chân thành và lòng thương cảm sâu sắc. Ngay lập tức, cô đã thể hiện thiện chí sẽ làm tất cả vì anh. Khi anh bặt tăm, Monica kiên nhẫn chờ đợi. Dường như ở cô tồn tại một tình yêu bền vững và sức chịu đựng đủ lớn để đối diện với tất cả những gì Russell gây ra. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Có một điều mà cả hai con người trẻ tuổi này đều không nhận ra, đó là Monica chỉ có thể tận tụy, hết lòng với Russell khi anh không đáp ứng trọn vẹn nhu cầu tình cảm của cô. Chỉ khi sống xa nhau, Monica mới thể hiện mình là một người vợ hoàn hảo, đặc biệt là trong vai trò vợ của một tù nhân. Cô sẵn lòng chờ đợi và hy vọng rằng Russell sẽ thay đổi và họ sẽ đoàn tụ. Những người vợ tù nhân như Monica điển hình cho hình ảnh người phụ nữ yêu mù quáng. Bởi vì chưa bao giờ biết đến những cảm xúc yêu đương tích cực nên họ thà sống trong ảo tưởng, mơ ước về một tình yêu hoàn hảo trong tương lai khi người chồng, người tình của họ thay đổi và thuộc về họ hơn là chấp nhận thực tại. Do vậy, họ chỉ có thể yêu trong ảo tưởng mà thôi.
Khi Russell thay đổi và bắt đầu trở thành người tử tế thì Monica lại tỏ ra xa lánh anh. Trong thực tế, Monica cảm thấy dễ chịu hơn trong quãng thời gian sống xa Russell nhưng lại cảm thấy lo ngại cho tình cảm giữa hai người khi có được anh thật sự. Cũng như vậy, việc cô được sống mỗi ngày bên Russell không thể cạnh tranh với viễn ảnh lý tưởng về tình yêu của cả hai mà cô từng ấp ủ khi xa cách. Những người phụ nữ như Monica thường sống với sự tưởng tượng về một hình ảnh lãng mạn nào đó, tượng trưng cho tình yêu mà họ khao khát. Chẳng hạn, họ luôn tưởng tượng đến hình ảnh một cỗ xe sáu ngựa chờ sẵn ngoài cửa và đón họ đi trong một tình yêu hoàn hảo. Khi sống chung với những người chồng tội lỗi, họ dễ dàng chấp nhận thực trạng tệ hại và sống trong mơ mộng, ước ao thay vì cố gắng biến ước mơ đó thành hiện thực.
Điều quan trọng mà ta cần hiểu ở đây là, Russell là một người không có khả năng yêu ai một cách sâu đậm trong khi Monica, với tất cả lòng cảm thương và sự kiên nhẫn, lại rất hoàn hảo về mặt này. Thực tế, cả hai đều không biết thế nào là một tình yêu sâu sắc. Đó chính là lý do vì sao tình yêu của họ rất thắm thiết khi họ sống xa nhau nhưng lại tàn lụi khi họ có cơ hội sống gần nhau. Cần nói thêm rằng, cho đến giờ phút này, Russell vẫn sống cô độc vì bản thân anh đang phải vật lộn với vấn đề tình cảm.
Tyler: 42 tuổi, doanh nhân, đã ly hôn, không có con
Ngày trước, tôi thường kể đùa với mọi người rằng lần đầu tiên gặp Nancy, tim tôi đập nhanh đến nghẹt thở. Thực tế thì cũng đúng như thế thật. Chúng tôi gặp nhau vào một ngày khá buồn tẻ khi tôi đến chỗ Nancy khám bệnh về đường hô hấp. Hôm đó, sếp tôi bảo tôi phải đi khám vì thấy tôi lên cân quá nhanh và thường than bị đau lồng ngực. Thực tình, dáng người tôi lúc đó là quá khổ. Một năm rưỡi trước, vợ tôi đã đi theo một người đàn ông khác. Và thay vì sa vào rượu chè bê tha như những người đàn ông khác trong cùng hoàn cảnh, tôi lại ngồi lỳ ở nhà, xem ti-vi và ăn.
Dạo đó, hầu như lúc nào tôi cũng chỉ thích ăn. Trước kia, hai vợ chồng tôi thường chơi tennis cùng nhau và nhờ vậy mà thân hình tôi khá cân đối. Nhưng từ khi cô ấy bỏ đi, hễ nhìn thấy tennis tôi lại buồn. Gần như cái gì cũng làm tôi buồn! Hôm đó, trong phòng khám của Nancy, tôi được biết mình đã lên khoảng ba mươi ba ký trong vòng mười tám tháng. Trước đó, tôi chẳng bao giờ thèm leo lên bàn cân dù thấy mình đang phải mặc đồ quá khổ. Tôi có còn gì để quan tâm nữa đâu chứ!
Lúc đầu, Nancy chỉ đơn thuần trò chuyện về bệnh tình của tôi, rằng tôi cần phải giảm cân đi. Nhưng tôi cảm thấy mình già nua và thật sự chẳng có lòng dạ nào thay đổi.
Có lẽ, tôi chỉ cảm thấy thương hại cho bản thân mình. Một lần, vợ cũ gặp lại tôi cũng lên tiếng quở mắng rằng: “Tại sao anh lại có thể để mình ra nông nỗi này kia chứ?”. Hồi đó, tôi cứ hy vọng cô ấy sẽ quay lại để cứu vớt mình, nhưng mà chẳng phải.
Nancy hỏi liệu có phải tôi vừa trải qua một sự kiện gì đó đặc biệt nên mới dẫn đến tình trạng tăng cân đột ngột như thế này không. Khi nghe tôi kể về chuyện ly hôn, Nancy bỗng tỏ vẻ thân thiện hẳn và nắm nhẹ tay tôi ra chiều cảm thông. Tôi thoáng xúc động trước hành động đột ngột đó và cảm thấy hơi bất ngờ vì đã lâu lắm tôi không có cảm giác gì trước một người hay một vật nào đó. Nancy hướng dẫn tôi chế độ ăn kiêng cần thiết và cho tôi tham khảo hàng tá tài liệu, biểu đồ rồi dặn tôi hai tuần sau quay lại để kiểm tra. Tôi mong đến ngày đó vô cùng. Hai tuần trôi qua, tôi chẳng hề ăn kiêng theo lịch hay giảm được cân nào nhưng tôi tin chắc mình đã giành được sự thông cảm của Nancy. Suốt buổi gặp lần thứ hai đó, chúng tôi chỉ nói chuyện về tác hại của cuộc ly dị đối với tôi. Nancy lắng nghe và khuyên tôi những điều mà mọi người vẫn khuyên bảo: tham gia các khóa học, tập thể dục, đi du lịch cùng bạn bè và phát huy những sở thích cá nhân. Tôi đồng ý tất cả nhưng lại chẳng làm điều gì và chỉ mong sao chóng qua hai tuần để gặp lại Nancy. Đến lần gặp thứ ba thì tôi mời cô ấy đi chơi. Tôi biết mình rất to béo và trông thật thảm hại nhưng lại chẳng hiểu vì sao lại can đảm đến thế. Thật may là cuối cùng Nancy đã nhận lời. Khi tôi đến đón Nancy vào tối thứ Bảy, cô ấy thậm chí còn đưa thêm cho tôi một số tài liệu hướng dẫn, các bài báo viết về đề tài ăn kiêng, bệnh tim mạch, rèn luyện thể dục và nỗi đau buồn. Đó là những vấn đề mà đã từ rất lâu tôi chẳng hề quan tâm.
Sau ngày hôm đó, chúng tôi bắt đầu hẹn hò thường xuyên hơn và chẳng bao lâu thì nảy sinh tình cảm thật sự. Tôi nghĩ Nancy sẽ giúp tôi xua đi những nỗi đau. Và thật sự cô ấy đã cố gắng hết sức. Thậm chí, tôi còn dọn đến ở chung với Nancy. Cô ấy nấu cho tôi những món ít cholesterol và giám sát nghiêm ngặt chế độ ăn uống của tôi mỗi ngày. Không những thế, cô ấy còn chuẩn bị luôn cả bữa trưa cho tôi mang đi làm. Và mặc dù đã chấm dứt tình trạng ngồi một mình trước tivi ăn uống vô tội vạ, nhưng tôi vẫn không giảm được một ký-lô-gram nào. Tình trạng tôi vẫn như vậy, không béo lên mà cũng chẳng ốm đi. Có thể nói, Nancy vất vả gấp mấy lần tôi trong cuộc chiến giảm béo của tôi, cứ như thể đó là việc của cô ấy và chỉ có cô ấy mới là người phải chịu trách nhiệm vậy.
Tôi nghĩ để thay đổi tình trạng hiện tại, tôi cần phải tích cực luyện tập mới mong đốt cháy được năng lượng thừa. Thế nhưng tôi lại chẳng vận động mấy. Nancy thường chơi golf và thỉnh thoảng tôi cũng tham gia với cô ấy, nhưng đó không phải là môn thể thao ưa thích của tôi.
Sống chung với Nancy được tám tháng thì tôi trở về quê nhà Evanston của tôi để công tác. Hai ngày sau, tôi gặp lại vợ chồng người bạn thời trung học. Tôi vốn chẳng muốn gặp ai nhưng vì họ là bạn cũ nên cũng có nhiều điều để nói. Cả hai rất ngạc nhiên khi nghe tin tôi đã ly dị. Vợ tôi cũng sống trong thành phố này. Sau một hồi trò chuyện, họ rủ tôi đi chơi tennis - môn thể thao ưa thích của chúng tôi hồi còn ở trường. Mặc dù tôi từ chối, bảo rằng mình khó lòng mà chơi được hết một ván, nhưng họ vẫn cứ nằng nặc rủ tôi tham gia cùng.
Cảm giác chơi lại tennis thật thú vị, dù tôi chậm chạp hơn trước rất nhiều và luôn bị thua. Tôi hứa với hai người bạn của mình là sẽ quay trở lại vào năm sau và hạ gục cả hai.
Khi tôi về nhà, Nancy bảo rằng cô ấy đã tham dự một buổi hội thảo về dinh dưỡng và yêu cầu tôi thử áp dụng những điều cô ấy mới học được. Nhưng tôi từ chối và bảo sẽ làm theo cách của mình một thời gian.
Từ trước tới nay, tôi và Nancy chưa bao giờ cãi nhau. Lúc nào cô ấy cũng quan tâm đến tôi. Nhưng từ khi tôi chơi tennis lại thì chúng tôi bắt đầu tranh cãi. Tôi chơi tennis vào buổi chiều để vẫn có thời gian dành cho cô ấy. Thế nhưng, tình cảm giữa chúng tôi không bao giờ còn được như trước nữa.
Nancy là một cô gái quyến rũ, trẻ hơn tôi đến tám tuổi nên khi bắt đầu lấy lại vóc dáng gọn gàng, tôi cứ nghĩ chúng tôi sẽ càng hòa hợp nhau hơn vì cô ấy sẽ tự hào khi đi bên tôi. Và về phía mình, tôi cũng cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như thế. Nancy phàn nàn rằng tôi đã thay đổi và cuối cùng cô ấy đề nghị tôi dọn đi chỗ khác. Tại thời điểm đó, tôi đã giảm được gần 30 ký so với buổi đầu gặp Nancy và chỉ còn nặng hơn thời gian trước khi ly dị khoảng ba ký rưỡi. Tôi khó lòng quên được Nancy. Tôi đã hy vọng chúng tôi sẽ cưới nhau. Nhưng có lẽ
Nancy đã nói đúng khi cho rằng mọi chuyện giữa chúng tôi không còn được như trước nữa khi tôi đã giảm được cân.
Vì sao Tyler say mê Nancy?
Tyler là một người có nhu cầu lệ thuộc vào người khác rất cao và điều này tạo ra một cú sốc rất lớn khi anh bị vợ ly hôn. Sự sa sút có chủ ý của anh, nhằm mục đích khơi dậy lòng thương hại của người vợ cũ đã không thành công, nhưng lại tạo nên sức hấp dẫn đối với một người phụ nữ thuộc tuýp yêu mù quáng như Nancy – người luôn xem niềm vui, hạnh phúc của người khác là tất cả đối với mình. Tình trạng cô đơn, đau khổ của Tyler và sự nhiệt tình của Nancy chính là nền tảng cơ bản tạo nên sự hấp dẫn đối với cả hai.
Cho đến lúc gặp Nancy, Tyler vẫn còn nhức nhối trước sự tan vỡ của cuộc hôn nhân và sự bỏ rơi của vợ. Lúc ấy, chính con người Nancy không hấp dẫn Tyler bằng vai trò y tá và những việc làm của cô. Chúng hứa hẹn sẽ chấm dứt những nỗi đau khổ triền miên mà Tyler đang chịu đựng.
Tương tự như việc đã từng lấy ăn uống vô tội vạ làm nguồn vui để khỏa lấp nỗi trống vắng và xoa dịu sự mất mát của mình ngày trước, Tyler đã tận dụng sự quan tâm, lo lắng của Nancy để tạo nên cảm giác an toàn cũng như bênh vực cho tình trạng sa sút giá trị của bản thân. Tuy nhiên, nhu cầu được Nancy quan tâm của Tyler chỉ là tạm thời. Một khi Tyler đã xóa bỏ được hình bóng của người vợ cũ và sự tổn thương của mình thì sự quan tâm, bảo vệ quá mức của Nancy lại khiến anh khó chịu. Trong khi đó, nhu cầu được chăm sóc người khác lại là điểm cốt lõi trong tính cách của Nancy, đồng thời là nền tảng cơ bản trong các mối quan hệ của cô. Trên thực tế, Nancy chính là “y tá” cả trong công việc lẫn trong cuộc sống gia đình. Và mặc dù nhu cầu được sống lệ thuộc vào người khác của Tyler vẫn còn đôi chút sau khi anh lấy lại cân bằng, thì nó vẫn không thể nào thích ứng được với nhu cầu muốn kiểm soát và điều khiển cuộc đời người khác ở mức độ cao của Nancy. Sự khỏe mạnh của anh, cả về thể chất lẫn tinh thần, chính là mục tiêu mà Nancy không ngừng nỗ lực để đạt được, lại chính là hồi chuông báo tử cho mối quan hệ của cả hai.
Bart: 36 tuổi, cựu quản lý, nghiện rượu từ năm 14 tuổi, cai rượu được hai năm
Trước khi gặp Rita, tôi đã ly hôn và sống đơn độc khoảng một năm. Rita là một cô gái chân dài, mắt sẫm và nhìn rất lập dị. Ban đầu, chúng tôi cùng nhau hút xách rất nhiều. Do dạo đó tôi vẫn còn rất nhiều tiền nên cả hai được sung sướng tận hưởng một thời gian. Nhưng thực chất, Rita chẳng phải là một cô gái lập dị. Cô ấy rất có trách nhiệm nên không thể nào sống buông thả được. Rita có thể cùng tôi hút cần sa nhưng bên trong cô ấy vẫn còn sự đúng mực của người Boston. Căn hộ của cô ấy lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Quen với Rita, tôi cảm thấy rất an toàn vì luôn nghĩ rằng cô ấy sẽ chẳng bao giờ để mình sa đà quá mức.
Tối hôm đầu tiên hẹn hò với nhau, chúng tôi đi ăn một bữa thật thịnh soạn rồi về nhà cô ấy. Lúc đó tôi đã say mèm và chẳng còn biết gì nữa. Nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên trường kỷ, được đắp một tấm chăn bông mềm mại còn đầu thì gối trên một cái gối thơm tho chẳng khác nào được ở nhà. Cảm giác bình yên tràn ngập trong lòng tôi! Rita biết rõ phải làm gì khi chăm sóc một người say rượu. Cha cô ấy, vốn là một chủ ngân hàng, đã qua đời vì bệnh tật. Và chỉ vài tuần sau đó, tôi đã dọn đến ở chung với Rita, cứ thế sắm vai người khéo mặc cả trong vài năm vì nếu không, tôi sẽ mất tất cả.
Sống với nhau được chừng sáu tháng, Rita bắt đầu ngừng hút cần sa. Tôi đoán cô ấy cảm thấy cần phải kiểm soát mọi thứ vì tôi tỏ ra không quan tâm mấy đến mọi việc. Sau khi cưới nhau, tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ khi nghĩ đến trách nhiệm của mình. Tôi vốn dĩ là người không mấy có trách nhiệm trong cuộc sống. Thêm vào đó, đúng lúc chúng tôi cưới nhau thì tiền bạc của tôi cũng đã cạn kiệt. Làm sao tôi có thể giữ được tiền bạc khi cứ uống rượu suốt cả ngày cơ chứ! Nhưng Rita không hề biết chuyện đó bởi tôi giấu giếm rất khéo. Mỗi sáng, tôi bảo với cô ấy là mình đi gặp khách hàng nhưng thực tế lại lái chiếc Mercedes ra thẳng bờ biển và ngồi đó uống rượu. Cuối cùng, tiền bạc hết và nợ nần khắp nơi, tôi lâm vào cảnh bế tắc thật sự.
Chẳng còn cách nào khác, tôi bèn thực hiện một chuyến đi dài, dự định sẽ tự sát dưới hình thức một tai nạn giao thông. Thế nhưng, cô ấy đã đuổi theo tôi, tìm thấy tôi trong một khách sạn nhếch nhác và đưa tôi về nhà. Dù chẳng còn tiền bạc nhưng cô ấy vẫn đưa tôi vào một bệnh viện cai nghiện. Cuộc sống ở đó vui nhưng tôi chẳng hề biết ơn cô ấy vì điều đó. Không những thế, tôi còn tỏ ra cáu gắt đồng thời lạnh nhạt hẳn với cô ấy trong chuyện vợ chồng suốt năm đầu tiên. Dù cũng không biết chúng tôi có làm được không nhưng giờ đây, mọi chuyện cũng đang dần tốt đẹp hơn.
Vì sao Bart say mê Rita?
Ngay trong lần hẹn hò đầu tiên, Bart đã say mèm và Rita - với sự chăm sóc chu đáo của cô - đã mang đến cho anh cảm giác bình yên, thoải mái. Trong một quãng thời gian ngắn ngủi, Bart cảm thấy Rita có thể giúp mình tránh khỏi sự hủy hoại bản thân vì chứng nghiện rượu. Chính sự che chở của Rita đã tạo điều kiện để Bart kéo dài tình trạng nghiện ngập mà không cần phải lo nghĩ đến hậu quả và càng dung dưỡng thói hư tật xấu của anh. Bart không cần người giúp mình cai nghiện mà chỉ cần ai đó có thể tạo cho anh cảm giác sống bám an toàn. Và Rita là một mẫu người hoàn hảo, cho đến khi Bart đã trở nên tệ hại đến đỗi cô không còn giúp được gì nữa.
Khi Rita tìm thấy Bart trong khách sạn và đưa anh vào bệnh viện cai rượu, Bart bắt đầu bỏ rượu và lấy lại cuộc sống cân bằng. Trong khi đó, Rita lại phân vân khi đứng giữa một bên là người yêu và một bên là cơn nghiện của anh ta. Vì vậy mà cô không còn thể hiện sự quan tâm, an ủi và luôn giúp đỡ anh trong mọi việc. Chính điều đó đã khiến Bart nổi giận với Rita vì nghĩ rằng cô đã phản bội cũng như đã lừa dối khi đã cố tạo vẻ mạnh mẽ lúc anh yếu đuối và đơn độc.
Cho dù chúng ta có làm hỏng một việc gì đó ở mức độ nào chăng nữa thì ta cũng cần ghi nhớ rằng không ai có thể thay ta gánh chịu trách nhiệm cả. Khi được người khác giúp đỡ, ta thường cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng họ mạnh mẽ và có khả năng hơn mình. Ngoài ra, nam giới luôn muốn tỏ ra mạnh mẽ để tự tin là mình vẫn hấp dẫn trong mắt người phụ nữ mà họ thương yêu. Trong khi đó, việc Rita mang Bart vào bệnh viện điều trị trở thành bằng chứng rõ rệt chứng minh cho sự yếu đuối của anh. Không những thế, sự quan tâm của Rita càng khiến anh cảm thấy sức hấp dẫn của mình bị suy giảm, ít nhất là trong thời điểm đó.
Bên cạnh yếu tố tâm lý, mối quan hệ của Bart và Rita còn phải kể đến một yếu tố sinh lý cũng không kém phần quan trọng. Đối với một người đàn ông đã từng dính líu đến rượu và ma túy như Bart, thì khi ngừng sử dụng những chất trên, họ phải cần ít nhất một năm để những yếu tố sinh hóa trong cơ thể lấy lại cân bằng và sinh hoạt tình dục bình thường mà không cần đến sự trợ giúp của các chất kích thích. Trong suốt thời gian này, cả hai người cần hiểu và chấp nhận rằng có thể anh ta sẽ cảm thấy không hứng thú hoặc không có khả năng quan hệ.
Nhưng cũng có thể xảy ra tình huống ngược lại, tức là ham muốn tình dục của anh ta trở nên mạnh mẽ bất thường, do sự mất cân bằng về hoóc-môn hoặc tâm lý gây nên. Một thanh niên đã cai rượu và ma túy được vài tuần cho biết: “Hiện giờ chỉ có tình dục mới giúp tôi đạt được đỉnh cao hưng phấn”. Vì thế, tình dục có thể trở thành yếu tố thay thế cho ma túy hoặc rượu, giúp họ thoát khỏi cảm giác lo lắng, bất an vốn rất phổ biến trong giai đoạn đầu cai nghiện.
Chấm dứt tình trạng nghiện ngập và đồng nghiện là quá trình vô cùng phức tạp và khó thực hiện đối với các cặp tình nhân hoặc vợ chồng. Có thể Rita và Bart đang phải hứng chịu hệ lụy tiêu cực của sự biến đổi đó, mặc dù ban đầu chính sự nghiện ngập và đồng nghiện đã khiến họ cảm thấy hấp dẫn về nhau. Nhưng để vẫn duy trì tình cảm trong trạng thái bình thường, không có chất gây nghiện, họ phải tạm xa rời nhau một thời gian và chú tâm vào việc cai nghiện của mình. Cả hai phải tự nhìn nhận và gìn giữ giá trị bản thân mà họ đã cố gắng tạo dựng bằng cách yêu nhau hơn, dìu dắt nhau để tránh lặp lại vết xe đổ.
Greg: 38 tuổi, cai nghiện được 14 năm tại trung tâm Narcotics Anonymous, hiện đã lập gia đình và có hai con, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn cho các thanh niên nghiện ma túy
Chúng tôi gặp nhau tại công viên vào một buổi chiều hè thứ Bảy, trời khá nóng nực nhưng yên tĩnh. Cô ấy đang đọc báo còn tôi thì chỉ đi dạo hóng mát.
Tôi hai mươi hai tuổi và đã bỏ học từ năm thứ nhất đại học nhưng luôn miệng bảo với mọi người là sẽ đi học lại. Nhờ thế, cha mẹ tôi vẫn đều đặn gửi tiền cho tôi mỗi tháng. Vì luôn mong đến ngày tôi tốt nghiệp đại học và có nghề nghiệp ổn định nên họ đã nuôi tôi suốt một thời gian dài.
Alana là một cô gái khá béo và cũng chẳng xinh. Và chính vì thế nên nếu có bị cô ấy từ chối thì tôi cũng chẳng lấy làm e ngại hay xấu hổ. Tuy vậy, bắt chuyện với Alana cũng không mấy khó khăn, tôi chỉ cần hỏi thăm về tờ báo cô đang đọc thế là quen nhau. Cô ấy cười rất nhiều, khiến cho tôi có cảm giác như mình là một anh chàng rất vui tính vậy. Cô ấy kể cho tôi nghe về Mississippi, Alabama, rồi Martin Luther King và chuyện về những con người luôn nỗ lực tạo ra sự khác biệt.
Lúc đó, tôi chẳng hề có ý gì mà chỉ muốn nói chuyện với cô ấy để khuây khỏa. Trước nay, tôi chưa bao giờ nghiêm túc chú tâm đến điều gì ngoài việc chơi bời, hút xách. Phương châm sống của tôi là: “Thà quá liều còn hơn không đủ “đô””. Alana tỏ vẻ căng thẳng khi bảo rằng cô ấy thích được trở lại California nhưng lại thấy mình không có quyền được sống thoải mái quá trong khi biết bao người đang phải sống trong cảnh cơ hàn.
Cứ thế, chúng tôi ngồi nói chuyện đến hai ba tiếng đồng hồ trong công viên, kể cho nhau nghe về bản thân mình và tìm hiểu về đối phương. Lát sau, chúng tôi về phòng tôi để hút xách nhưng Alana than đói bụng. Thế là cô ấy xuống nhà bếp nấu nướng và dọn dẹp trong khi tôi phê thuốc nằm lại trong phòng khách đầy tiếng nhạc. Tôi vẫn còn nhớ lúc Alana bước ra, tay cầm lọ bơ đậu phộng và bánh quy rồi ngồi xuống bên cạnh tôi. Chúng tôi cười nói như điên. Tôi nghĩ rằng, trong giây phút đó, chúng tôi đã để lộ cho nhau biết mình là kẻ nghiện một cách khéo léo nhất. Chẳng có gì để thanh minh về những hành động đó. Và cả hai chúng tôi đều đang làm những gì mình thích và còn tìm cách chia sẻ với nhau khoảnh khắc dễ chịu ấy. Chỉ đơn giản là thế. Không cần phải giải thích nhiều, tự chúng tôi biết mình hợp nhau.
Sau này, chúng tôi cũng đã có rất nhiều cơ hội vui vẻ bên nhau nhưng tôi nghĩ chẳng có lần nào dễ chịu như vậy, khi cả hai được hoàn toàn tự do và không phải biện hộ về bất kỳ điều gì. Những người nghiện thường rất hay biện hộ cho hành vi của mình.
Tôi còn nhớ chúng tôi thường cãi nhau về chuyện tôi được hay không được phê thuốc khi quan hệ với nhau. Alana biết rõ bất lợi về hình thể của mình nên cứ hễ mỗi lần tôi phê thuốc trước khi quan hệ thì cô ấy lại cho rằng tôi làm thế là để có thể chịu đựng cô ấy. Thực ra, tôi phải phê thuốc thì mới có thể quan hệ với bất kỳ ai. Cả hai chúng tôi đều tự ti về bản thân mình. Nhưng rõ ràng, Alana khó che đậy sự tự ti của mình hơn vì vóc người quá khổ cứ hiển hiện ra trước mắt. Cuộc sống bồng bềnh, vô định và thiếu động lực của tôi lại khó bị phát hiện hơn con số hai mươi lăm cân thừa của Alana. Và thế là chúng tôi rất thường cãi nhau về chuyện tôi có thật lòng yêu cô ấy hay không. Alana bắt tôi phải nói rõ tôi yêu cô ấy vì tâm hồn chứ chẳng phải vì hình dáng bên ngoài của cô ấy. Và nhờ thế, mối quan hệ của chúng tôi được bình yên trong một thời gian.
Alana bảo sở dĩ cô ấy ăn nhiều vì cảm thấy mình thật bất hạnh. Còn tôi bảo mình phải phê thuốc vì cảm thấy mình thật yếu kém khi không thể mang đến hạnh phúc cho cô ấy. Với lý do bệnh hoạn đó, chúng tôi đã biện hộ và tạo điều kiện cho nhau dung dưỡng thói tật của mình.
Hầu như lúc nào chúng tôi cũng cố làm ra vẻ không có chuyện gì bởi cho rằng trên thế gian này có vô số người đang ăn uống vô tội vạ và nghiện ma túy như mình. Vì vậy, chúng tôi cứ phớt lờ mọi chuyện đi.
Sau đó, tôi bị bắt vì tội tàng trữ thuốc gây nghiện trái phép. Tôi bị bắt giam mười ngày và cha mẹ tôi chạy tìm luật sư giỏi nhất biện hộ cho tôi. Người đó đã khuyên tôi nên gặp chuyên viên tư vấn. Trong thời gian đó, Alana dọn đi ở chỗ khác khiến tôi hết sức giận dữ. Tôi có cảm giác mình đã bị bỏ rơi. Thật ra thời kỳ đó, chúng tôi ngày càng bất đồng với nhau hơn. Giờ nhìn lại, tôi nhận ra rằng lúc ấy, tôi gần như không thể sống chung được với bất kỳ ai.
Tôi bắt đầu bị chứng hoang tưởng thường thấy ở những người nghiện ma túy. Thêm vào đó, lúc nào tôi cũng muốn được phê thuốc nhiều hơn. Alana đứng ra gánh nhận mọi trách nhiệm, lúc nào cũng cho rằng nếu cô ấy khác đi một chút thì tôi hẳn đã muốn được ở bên cô ấy nhiều hơn, tỉnh táo hơn và không phải phê thuốc suốt ngày như thế. Cô ấy cứ nghĩ rằng tôi làm thế là để né tránh cô ấy mà đâu hay rằng tôi đang né tránh chính bản thân mình.
Alana biến mất khoảng độ mười tháng. Trong thời gian đó, chuyên viên tư vấn của tôi đã khuyên tôi tham dự chương trình cai nghiện Narcotics Anonymous. Và vì không có chọn lựa nào khác ngoài chuyện đi tù hoặc cai nghiện nên tôi đã đồng ý. Ở đó, tôi đã gặp một số người từng quen biết trong những ngày lang bạt ngoài phố trước kia. Sau một thời gian, một sự thay đổi đã diễn ra trong tôi khi tôi nhận ra tác hại của ma túy đối với bản thân mình. Và trong thời gian ấy, tôi thấy những người quen của mình đang dần bắt nhịp với cuộc sống mới còn tôi vẫn cứ phê thuốc suốt ngày. Thế là tôi bắt đầu học cách chấm dứt cuộc sống vô bổ của mình qua việc tham dự những buổi giao lưu của chương trình cai nghiện và nhờ vào sự giúp đỡ của một người bạn. Anh ấy trở thành người đỡ đầu của tôi xuyên suốt chương trình và mỗi ngày hai lần vào các buổi sáng tối, tôi đều gọi điện cho anh ấy để được tư vấn, giúp đỡ. Cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi - từ các mối quan hệ bạn bè, các buổi tiệc, nói chung là mọi thứ. Người bạn đỡ đầu ấy am hiểu tất cả những gì sắp xảy ra với tôi nên luôn cảnh báo trước để tôi chuẩn bị tinh thần. Dù sao đi nữa, tôi cũng đã thành công và tránh xa được rượu và ma túy.
Alana quay lại khi tôi đã dần tỉnh táo sau bốn tháng cai nghiện tại N.A. Và ngay lập tức, chuyện cũ lại tái diễn. Chúng tôi lặp lại trò chơi cũ. Người bạn tư vấn của tôi gọi đây là “sự thông đồng”, nghĩa là chúng tôi tận dụng cảm xúc riêng của mỗi người để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Tôi biết mình sẽ lại phê thuốc nếu để bản thân tái diễn các thói quen cũ với Alana. Chính vì thế giờ đây, chúng tôi thậm chí còn không làm bạn với nhau nữa. Nỗ lực của tôi chẳng thể có hiệu quả nếu chúng tôi cứ bám vào nhau một cách bệnh hoạn như thế.
Vì sao Greg say mê Alana?
Ngay từ đầu, giữa Greg và Alana đã có mối dây ràng buộc rất vững chắc. Cả hai đều có những thú nghiện riêng chi phối cuộc sống của mình. Ngay từ buổi đầu tiên gặp nhau, họ chú tâm vào thú nghiện của đối phương hòng giảm nhẹ tầm quan trọng và tác hại của thú nghiện của chính mình. Thế rồi dần dần, khi mối quan hệ giữa đôi bên đã phát triển, họ kín đáo và sau đó là công khai thể hiện sự đồng tình đối với thú nghiện của nhau. Đây là điều rất thường thấy ở những cặp nghiện ngập, bất kể họ có cùng thú nghiện hay không. Họ tận dụng những hành vi và rắc rối của nhau để tránh nhìn thẳng vào sự suy sụp của bản thân. Càng suy sụp, bệ rạc, họ càng tìm đến một điều gì đó có thể khiến mình phân tán tư tưởng và không phải tập trung vào bản thân. Chính điều này lại càng khiến họ trở nên bệnh hoạn và mất tự chủ.
Bên cạnh đó, trong mắt Greg, Alana là một cô gái rất biết cảm thông và sẵn lòng chịu đựng vì một niềm tin nào đó. Điều này luôn có sức hút rất lớn đối với những người nghiện như anh ta, bởi thái độ cam chịu chính là điều kiện tiên quyết trong mối quan hệ với một người nghiện. Nó giúp Greg yên tâm rằng mình sẽ không bao giờ bị bỏ rơi khi mọi việc trở nên tồi tệ. Dù trải qua một thời gian dài cãi vã nhau nhưng phải đợi đến khi Greg đi tù thì Alana mới có đủ sức mạnh để từ bỏ anh ta, dẫu chỉ là tạm thời. Nhưng cuối cùng, cô lại quay lại, sẵn sàng sống tiếp cuộc đời cũ để cả hai cùng nuông chiều nhau tận hưởng thú nghiện của mình.
Greg và Alana thiết lập một mối quan hệ có hại cho cả đôi bên. Với chứng nghiện ăn uống không thể kiểm soát, Alana chỉ cảm thấy ổn thỏa và tự tin khi Greg không ngừng phê thuốc. Tương tự, Greg chỉ có thể cảm thấy chứng nghiện ngập của mình là không đáng kể khi so với thói quen ăn uống vô độ và tình trạng béo phì của Alana. Chính sự thay đổi của Greg đã khiến cho Alana cảm thấy sự bất ổn trong cuộc sống của mình, để rồi cả hai không thể nào sống thoải mái bên nhau được nữa. Và để mối quan hệ của cả hai trở lại trạng thái cân bằng như trước kia, có lẽ Greg phải trở lại cuộc sống nghiện ngập như cũ.
Erik: 42 tuổi, đã ly hôn rồi tái hôn
Sau khi ly hôn được một năm rưỡi, tôi đã gặp Sue. Dịp đó là bữa tiệc tân gia của một giáo viên trợ giảng trong trường đại học nơi tôi huấn luyện đá bóng, tôi đã đến chơi và ngồi một mình trong phòng ngủ lớn của gia đình, xem trò Rams-Forty Niners trong khi mọi người vui vẻ dự tiệc ngoài phòng khách.
Sue bước vào phòng tôi đang ngồi để treo áo khoác và chúng tôi chào hỏi nhau. Sau đó cô ấy bỏ ra ngoài, độ tiếng rưỡi sau thì quay lại xem tôi có còn ở đó không. Cô ấy trêu chọc tôi vì cứ ngồi ru rú trong phòng với cái ti-vi. Chúng tôi ngồi tán gẫu với nhau một lát thì Sue lại bỏ đi. Sau đó cô ấy quay lại, mang theo một đĩa đầy các món ngon. Tôi ngắm Sue và lần đầu tiên nhận ra vẻ xinh xắn của cô ấy. Khi chương trình ti-vi kết thúc, tôi ra ngoài chơi cùng mọi người thì Sue đã về. Tìm hiểu thêm, tôi được biết Sue là trợ giảng tiếng Anh bán thời gian của trường. Và thế là sang hôm thứ Hai, khi gặp lại Sue ở trường, tôi đã ngỏ lời mời cô ấy đi ăn trưa để đáp lại chuyện cô ấy đã mang thức ăn vào cho tôi hôm trước.
Sue nhận lời ngay, với một điều kiện là đi ăn ở chỗ nào không có ti-vi! Câu nói đùa ấy khiến cả hai chúng tôi cùng cười vui vẻ. Tuy nhiên, đó cũng không hẳn là một câu nói đùa bởi có thể nói, trước khi gặp Sue, thể thao là tất cả cuộc sống của tôi. Ngày nào tôi cũng tập chạy. Tôi tham gia công tác huấn luyện cho các vận động viên marathon và đưa họ đi khắp nơi để tham dự các giải thi đấu. Tôi liên tục theo dõi các bản tin thể thao trên ti-vi mỗi ngày.
Trong khi cuộc sống của tôi rất cô đơn thì Sue trông thật hấp dẫn. Ngay từ buổi đầu, cô ấy đã tỏ ra rất quan tâm đến tôi khi tôi cần nhưng lại không can dự vào các nhu cầu hay sở thích của tôi. Sue có một đứa con trai sáu tuổi tên là Tim và tôi cũng thích thằng bé. Chồng cũ của Sue sống ở tiểu bang khác và rất hiếm khi đến thăm con, vì thế tôi và Tim nhanh chóng thân thiết với nhau. Thằng bé quả rất thích được chơi đùa với một người đàn ông.
Chúng tôi làm đám cưới sau một năm tìm hiểu, nhưng chẳng mấy chốc thì bắt đầu lục đục. Sue than phiền rằng tôi chẳng quan tâm đến hai mẹ con cô ấy, rằng lúc nào tôi cũng đi vắng và mỗi khi có mặt ở nhà chỉ biết ôm lấy cái ti-vi xem thể thao. Còn tôi, tôi lại thấy cô ấy suốt ngày càu nhàu trong khi đã hiểu tôi rất rõ từ khi mới gặp. Nếu cô ấy không thích như thế thì tại sao lại chấp nhận lấy tôi kia chứ? Nhiều lúc tôi phát điên lên với Sue nhưng hiểu rằng mình không thể đối xử như thế với bé Tim. Tôi cũng biết nếu chúng tôi cứ lục đục như thế sẽ làm tổn thương thằng bé. Mặc dù chưa bao giờ thừa nhận với Sue nhưng quả thật tôi thấy cô ấy có lý. Đúng là tôi đang né tránh hai mẹ con cô ấy. Thể thao cho tôi cái để làm, đề tài để nói và mỗi khi nghĩ đến thể thao, tôi thấy rất an toàn, thoải mái. Tôi đã lớn lên trong một gia đình mà thể thao là đề tài duy nhất có thể bàn luận được với cha tôi. Để giành được sự quan tâm của cha, tôi buộc lòng phải am hiểu thể thao. Và gần như đó là tất cả những gì tôi biết để trở thành một người đàn ông.
Và gia đình nhỏ của chúng tôi gần như sắp đi đến chỗ tan vỡ bởi chúng tôi ngày càng cãi nhau nhiều hơn. Sue càng gây áp lực thì tôi càng xa lánh cô ấy. Suốt ngày tôi chỉ biết vùi đầu vào việc chạy bộ hoặc tham gia các môn thể thao khác. Thế rồi một chiều thứ Bảy nọ, khi hai đội Miami Dolphins và Oakland Raiders đang thi đấu trận quyết định thì điện thoại nhà tôi reo. Hôm đó, cả Sue và Tim đều đi vắng nên tôi rất bực bội vì bị làm phiền giữa lúc đang theo dõi trận đấu. Hóa ra đó là điện thoại của anh trai tôi, báo tin cha tôi đã qua đời vì một cơn đau tim đột ngột.
Tôi đi dự đám tang một mình. Dạo đó, tôi và Sue thường cãi nhau nên tôi chỉ muốn đi một mình. Việc trở lại quê nhà đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của tôi. Tại đám tang của cha, tôi cảm thấy xốn xang khi đứng trước người cha đã khuất – người mà tôi chưa bao giờ được trò chuyện một cách bình thường. Tôi nghĩ đến cuộc hôn nhân lần thứ hai sắp tan vỡ của mình. Lúc đó, tôi cảm thấy mất mát ghê gớm đồng thời không tài nào hiểu được vì sao mọi chuyện lại xảy ra như thế. Tôi là một người tử tế, chăm chỉ làm ăn và chưa từng làm tổn thương ai. Tôi cảm thấy xót xa cho bản thân mình và cô độc vô cùng.
Trên đường về, tôi đi cùng đứa em trai út của mình. Nó đã khóc khi bảo rằng chưa bao giờ nó gần gũi được với cha và mọi chuyện bây giờ đã trở nên muộn màng. Khi về đến nhà, mọi người lại thay nhau nói về cha, về những môn thể thao yêu thích và thói quen theo dõi tin thể thao thường xuyên của ông. Thậm chí anh rể của tôi còn cố pha trò cho mọi người khuây khỏa: “Đây là lần đầu tiên anh về nhà mà không thấy cha ngồi trước ti-vi!”. Trong khi đó anh trai tôi thì khóc một cách cay đắng. Ngay trong phút giây đó, tôi hình dung được tất cả những gì cha tôi đã làm trong suốt cuộc đời ông và nhận thấy mình đang trở thành bản sao của ông. Tôi chẳng để cho ai đến gần mình, hiểu mình hay trò chuyện với mình. Chiếc ti-vi là bộ áo giáp mà tôi đã mặc hết ngày này sang ngày khác, ngăn cách tôi với mọi thứ chung quanh.
Tôi theo anh trai bước ra ngoài. Chúng tôi lái xe xuống phía hồ và trò chuyện với nhau rất lâu. Khi nghe anh nói về những cố gắng của anh nhằm thu hút sự chú ý của cha, tôi như nhìn thấy hình ảnh khác của mình bởi tôi cũng chẳng khác gì cha. Tôi nghĩ đến Tim; thằng bé lúc nào cũng buồn bã chờ đợi để được tôi quan tâm chú ý trong khi tôi cứ né tránh bằng cách tỏ ra bận bịu liên tục.
Trên chuyến bay về nhà, tôi suy nghĩ xem mình muốn mọi người nhắc đến mình như thế nào một khi mình qua đời. Chính điều đó đã giúp tôi biết phải làm gì trong hoàn cảnh này.
Về nhà, tôi đã có cuộc trò chuyện rất chân thành với Sue. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi làm điều đó. Chúng tôi đã khóc và gọi cả Tim vào, thằng bé cũng khóc nốt.
Mọi thứ trở nên tuyệt vời trong một thời gian. Chúng tôi dành thời gian cho nhau, cùng đạp xe, đi cắm trại, đi chơi và còn rủ cả bạn bè tham gia cùng. Đối với tôi, việc từ bỏ các môn thể thao là điều rất khó khăn nhưng trong một thời gian ngắn, tôi phải cố gắng làm điều đó để mọi thứ được đâu vào đấy. Tôi thật sự muốn gần gũi với những người mình yêu thương và không muốn lặp lại vết xe đổ của cha tôi.
Nhưng hóa ra, mọi chuyện lại khó khăn với Sue hơn là với tôi. Được chừng vài tháng sau, cô ấy bảo sẽ làm thêm một công việc bán thời gian vào những ngày cuối tuần. Tôi gần như không tin vào tai mình. Chúng tôi đã cố hết sức để dành thời gian cho nhau, thế mà giờ đây mọi thứ lại đảo lộn. Cô ấy đang né tránh tôi! Cuối cùng, chúng tôi quyết định đi gặp chuyên viên tư vấn để được giúp đỡ.
Trong quá trình tư vấn, Sue bảo rằng thời gian chúng tôi ở bên nhau đã khiến cô ấy muốn phát điên lên vì cô ấy không biết phải cư xử với tôi thế nào cho phải. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy khó khăn khi hiện diện bên người khác. Khi tôi tỏ ra thân thiết với Tim, quan tâm, giáo dục thằng bé thì Sue lại cảm thấy mình bị ra rìa và mất quyền kiểm soát đối với thằng bé. Dù ngày trước Sue vẫn thường cằn nhằn về sự hờ hững của tôi nhưng bây giờ, sự quan tâm của tôi lại khiến cô ấy không thoải mái. Sue không quen với điều đó bởi cô ấy đã lớn lên trong một gia đình còn tệ hơn gia đình tôi, nếu xét về tác hại từ sự hững hờ của cha mẹ. Cha của Sue là một thuyền trưởng và ông thường xuyên đi vắng; còn mẹ cô ấy thì lại rất thích như vậy. Sue lớn lên cô độc, lúc nào cũng muốn được gần gũi với ai đó nhưng lại chẳng biết phải làm thế nào, giống hệt như tôi.
Theo đề nghị của chuyên viên tư vấn, chúng tôi gia nhập hội dành cho các gia đình có cha mẹ kế có tên là Stepfamily Association. Việc tham gia vào hội này đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Họ tổ chức những buổi họp nhóm cho các gia đình có hoàn cảnh tương tự gia đình tôi và nhờ thế, tôi có dịp lắng nghe tâm sự của các ông bố khác. Những buổi gặp gỡ đó giúp tôi có thể trò chuyện với Sue về các vấn đề của gia đình mình.
Ngày nay, chúng tôi vẫn thường xuyên chia sẻ với nhau đồng thời học cách để sống và tin tưởng lẫn nhau. Tuy vẫn còn nhiều khiếm khuyết nhưng cả hai chúng tôi vẫn không ngừng hoàn thiện bản thân. Đây quả thật là một trò chơi mới mẻ cho cả tôi và Sue.
Vì sao Erik say mê Sue?
Lớn lên trong sự cô độc tự áp đặt cho mình, Erik khát khao được yêu thương và chăm sóc mà không dám mở lòng để người khác gần gũi. Cho đến ngày Sue xuất hiện với cử chỉ ngụ ý rằng cô chấp nhận thái độ né tránh mọi người và chỉ quan tâm đến thể thao trong cuộc sống của Erik thì anh tự hỏi có phải mình đã gặp được người phụ nữ lý tưởng – một người quan tâm đến anh nhưng đồng thời để cho anh được tự do một mình. Mặc dù Sue đã tế nhị trách móc Erik khi đề nghị hẹn nhau ở chỗ không có ti-vi, anh vẫn phỏng đoán rằng cô là người có khả năng chịu đựng sự xa cách bởi nếu không, cô đã né tránh anh ngay từ buổi đầu.
Thực ra, chính những khiếm khuyết về kỹ năng giao tiếp xã hội lẫn trong quan hệ tình cảm của Erik lại là những yếu tố hấp dẫn Sue. Đối với Sue, sự vụng về của anh vừa khiến anh trở nên dễ thương hơn vừa là dấu hiệu đảm bảo rằng anh không có khả năng thu hút người khác, nhất là phái nữ. Cũng giống như những phụ nữ yêu mù quáng khác, Sue rất sợ bị bỏ rơi. Sue thà sống với một người không đáp ứng được mọi yêu cầu của cô nhưng chẳng bao giờ bỏ rơi cô còn hơn với một người đáng yêu nhưng có thể xa rời cô bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, lối sống cô lập của Erik tạo nên một hố sâu ngăn cách mà nhờ đó, Sue có thể đóng vai trò nhịp cầu giữa anh và xã hội. Cô sẽ giúp anh chuyển tải mọi suy nghĩ, cảm xúc đến với mọi người. Nói tóm lại, anh sẽ cần đến cô trong cuộc đời này.
Nhưng rồi Erik đã thay đổi rõ rệt nhờ sự kiện lớn diễn ra trong cuộc sống của anh. Anh sẵn sàng đối diện với phần chìm khuất trong con người mình, tức tính dè dặt để không lặp lại vết xe đổ của người cha lạnh lùng đã mất. Nhận ra bóng dáng của mình qua hình ảnh chú bé Tim cô độc là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Erik. Tuy nhiên, sự thay đổi của bản thân anh đòi hỏi các thành viên trong gia đình cũng phải thay đổi. Sue, vốn quen với cảm giác bị lãng quên, sẽ cảm thấy khó chịu khi nhận được sự quan tâm mà cô hằng khao khát. Có thể cả hai sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi dừng lại ở thời điểm này. Họ có thể thay đổi vai trò của nhau, luôn giữ mức độ xa cách cần thiết và duy trì trạng thái thoải mái vừa phải đó. Thế nhưng, cả Erik và Sue đều muốn tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ của họ và tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý cùng sự ủng hộ của bạn bè trong hiệp hội Stepfamily Association, để có thể sống gắn bó với nhau như một gia đình thật sự.
Ấn tượng của lần gặp mặt đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Với tôi - một chuyên gia trị liệu tâm lý, thì những ấn tượng trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với thân chủ có thể cung cấp cho tôi những thông tin quan trọng nhất về người đó. Thông qua những điều được nói ra hoặc còn giấu kín, hay cử chỉ điệu bộ như tư thế, cách ăn mặc, nét mặt, văn phong, giọng nói, cách tiếp xúc bằng mắt và phong cách của người đối diện, tôi có thể có được vô số thông tin về người ấy, nhất là đối với những người đang bị stress. Tất cả những yếu tố đó giúp tôi rút ra ấn tượng chủ quan mạnh mẽ không thể phủ nhận, từ đó vận dụng trực giác để cảm nhận xem đâu là liệu pháp tư vấn, chữa trị tốt nhất dành cho người đó.
Và cũng với kinh nghiệm của một chuyên gia trị liệu tâm lý, tôi nhận ra rằng đằng sau những câu hỏi được nêu trong các buổi hẹn hò ban đầu giữa hai người, điều mà những người phụ nữ yêu mù quáng thật sự quan tâm chính là: “Anh có cần em không?”, trong khi những người đàn ông đến với họ lại muốn biết: “Liệu em có sẵn lòng chăm sóc và giải quyết các vấn đề cho anh không?”.