Trong các câu chuyện ở hai chương trước, chúng ta đã thấy rằng những người phụ nữ yêu mù quáng đều thể hiện nhu cầu được quan tâm, giúp đỡ người họ yêu thương. Thật ra, chính cơ hội được giúp đỡ những người đàn ông đó lại là yếu tố hấp dẫn chủ yếu đối với họ. Trong khi đó, những người đàn ông thuộc đối tượng của họ lại đang đi tìm một người phụ nữ có thể mang lại cho anh ta cảm giác an toàn hoặc thậm chí là “cứu rỗi”.
Hình ảnh những người phụ nữ chuyên bù đắp cho nam giới bằng cách chấp nhận tất cả và quên đi bản thân mình không phải là mới. Những câu chuyện cổ tích từ bao thế kỷ dường như đã tạo ra và tác động đến suy nghĩ, cảm nhận của mọi người, khiến họ có phần quen thuộc với những dáng dấp, hình ảnh tương tự. Trong câu chuyện “Giai nhân và Quái vật”, một cô gái ngây thơ xinh đẹp đã gặp phải con quái vật ghê tởm, đáng sợ. Để cứu gia đình, cô gái đã đồng ý ở lại với nó. Nhưng dần dà, cô hiểu hơn về con quái vật và càng có thiện cảm với nó. Cho đến một ngày, cô đem lòng yêu con quái vật, bất kể vẻ ngoài gớm ghiếc và bản chất thú tính của nó. Và rồi, với tình yêu của cô, con quái vật thoát khỏi hình thù xấu xí, trở lại với bản chất vốn có của mình là một hoàng tử lịch thiệp, tài hoa. Khi trở lại làm người, hoàng tử biết ơn cô gái và đáp trả lại tình yêu của cô. Như vậy, tình yêu và sự hy sinh của cô gái đã được đền đáp khi cô gái được sánh vai cùng chàng hoàng tử giàu có, tài hoa. Và họ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Như biết bao câu chuyện cổ tích khác, “Giai nhân và Quái vật” đã được lưu truyền qua hàng thế kỷ, chuyển tải một giá trị tinh thần sâu sắc. Giá trị tinh thần thường rất khó hiểu và mơ hồ vì nó thường đi ngược lại với những giá trị đương thời. Vì thế, chúng ta thường có khuynh hướng hiểu sai ý nghĩa của câu chuyện cổ tích này, dẫn đến quan niệm sai lệch về nó. Chúng ta sẽ khám phá giá trị nhân văn sâu sắc của “Giai nhân và Quái vật” trong phần sau. Trước hết, tôi muốn mời bạn tìm hiểu về quan niệm sai lệch mà dường như câu chuyện này đã tạo nên cho mỗi người chúng ta, rằng phụ nữ có thể thay đổi người yêu của mình, miễn là tình yêu trong cô đủ lớn.
Niềm tin đó phổ biến, mạnh mẽ và bén rễ sâu trong suy nghĩ của mỗi người. Trong mọi hành vi và lời nói hàng ngày của chúng ta đều ngấm ngầm phản ánh giả định rằng với tình yêu, ta có thể thay đổi một ai đó và khiến họ trở nên tốt đẹp hơn. Khi người ấy không hành động hay cảm nhận như cách mà ta mong muốn, ta sẽ tìm mọi cách để thay đổi họ và thường là theo sự gợi ý, khuyên bảo của bạn bè, người thân… Những lời khuyên của mọi người thì vô vàn và cũng lắm mâu thuẫn. Thế nhưng, hầu như bạn bè, người thân của chúng ta ai cũng muốn góp lời khuyên bảo. Ngay cả giới truyền thông cũng tham gia và họ không chỉ phản ánh niềm tin này mà còn tác động, củng cố và duy trì niềm tin ấy sống mãi, đồng thời tiếp tục giao cho phụ nữ đảm nhiệm trọng trách thay đổi người mình yêu. Ví dụ, các tạp chí dành cho phụ nữ cùng một số chuyên mục dành cho phụ nữ trên các tờ báo được mọi người ưa thích dường như luôn có những bài viết đại loại như: “Làm thế nào để anh ấy trở thành…”, trong khi những đề tài như “Làm thế nào để cô ấy trở thành…” lại không bao giờ xuất hiện trên các tạp chí dành cho nam giới.
Và thế là, phụ nữ chúng ta cố gắng làm theo những lời khuyên trên các tạp chí ấy với hy vọng sẽ giúp được người đàn ông mình yêu trở thành mẫu hình mình mong muốn.
Vậy thì tại sao ý nghĩ thay đổi một ai đó, từ trạng thái tiêu cực, bất hạnh hoặc ốm yếu thành một người yêu hoàn hảo lại hấp dẫn chúng ta đến thế? Tại sao cái ý nghĩ đầy quyến rũ ấy cứ tồn tại mãi thế?
Câu trả lời rất rõ ràng: hầu hết chúng ta đều được dạy dỗ rằng phải luôn giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình và thương xót, bao dung trước những hoàn cảnh khó khăn. Nói tóm lại, giúp đỡ thay vì phán xét gần như là phương châm sống của nhiều người.
Đáng tiếc thay, đây chính là động cơ dẫn đến trạng thái yêu mù quáng ở hàng triệu phụ nữ - những người chấp nhận sống bên người bạn đời hoặc bạn tình nhẫn tâm, xa cách, nghiện ngập, lạm dụng và không hề có ý định gắn bó với họ. Sở dĩ như thế là vì họ luôn mong muốn được kiểm soát người mình yêu thương. Mong muốn đó có thể bắt nguồn từ tuổi thơ dữ dội khi phải đối mặt với những cảm giác tiêu cực như sợ hãi, giận dữ, căng thẳng, tội lỗi, xấu hổ, thương hại cho người khác và cho cả bản thân mình. Cảm xúc của những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như thế có thể bị hủy hoại đến độ không còn khả năng cảm nhận bình thường, trừ khi chúng biết cách tự bảo vệ mình. Và công cụ tự vệ thường thấy ở những trẻ này chính là sự phủ nhận cùng động cơ vô thức không kém phần quan trọng, đó là tính kiểm soát. Trong suốt cuộc đời mình, tất cả chúng ta đều sử dụng phương thức chối bỏ này một cách vô thức, từ việc lớn đến việc nhỏ. Vì nếu không như thế, chúng ta sẽ phải đối diện với những thực tế không mong muốn về hình ảnh và cảm xúc của bản thân. Sự phủ nhận này đặc biệt tỏ ra hữu ích trong việc giúp ta bỏ qua những thông tin thực tế mà bản thân ta không muốn giải quyết. Ví dụ, việc không nhìn thấy hoặc cảm thấy (tức phủ nhận) thực tế rằng cơ thể mình đang dư cân khi đứng trước gương hoặc thử quần áo có thể cho phép ta thỏa sức ăn những món mình ưa thích.
Sự phủ nhận được xem như là sự chối bỏ thực tế ở hai cấp độ: chối bỏ thực tế sự việc và chối bỏ cảm nhận của bản thân trước sự việc đó. Chúng ta hãy tìm hiểu xem vì sao sự phủ nhận lại giúp một bé gái trở thành người phụ nữ yêu mù quáng. Chẳng hạn khi còn bé, cô bé ít khi được gặp cha buổi tối vì ông bận ra ngoài với người tình. Thế nhưng, người khác bảo với cô bé (hoặc bản thân cô bé tự nhủ) rằng cha “đi làm”. Khi đó, cô bé đã chối bỏ thực tế rằng giữa cha mẹ mình đang xảy ra rắc rối hoặc có điều gì đó bất thường đang diễn ra trong gia đình. Điều này sẽ giúp cô không cảm thấy lo sợ cho gia đình cũng như quyền lợi của bản thân. Thậm chí cô bé còn tự nhủ rằng cha phải làm việc vất vả nên càng thương ông, thay vì giận dữ hoặc xấu hổ nếu đối diện sự thật. Do vậy, cô bé đã phủ nhận cả thực tế sự việc lẫn cảm xúc của mình và tạo ra một ảo ảnh để sống. Nếu cứ tiếp tục sống như thế, cô bé sẽ thành thục trong việc tự bảo vệ bản thân tránh khỏi đau khổ nhưng đồng thời cũng đánh mất khả năng được tự do lựa chọn những điều mình muốn làm. Sự phủ nhận này tự động diễn ra mà không hề gặp bất kỳ sự cản trở nào.
Hầu như lúc nào sự phủ nhận cũng xuất hiện trong những gia đình bất ổn. Bên cạnh đó, nếu bất kỳ thành viên nào trong gia đình cố gắng loại trừ sự phủ nhận ấy bằng cách nêu chính xác các vấn đề đang diễn ra thì lập tức những người còn lại sẽ lên tiếng phản đối quan điểm đó. Thông thường, mọi người sẽ chế nhạo khiến thành viên đó phải im lặng trở lại hoặc sẽ cô lập thành viên “nổi loạn” đó khỏi những sinh hoạt gia đình hoặc mối quan hệ chung.
Chẳng ai chủ ý chối bỏ hoặc nhìn nhận sai lệch về thực tế; cũng không ai “quyết tâm” chối bỏ cảm xúc của chính mình cả. Tất cả chỉ là “điều tự nhiên” bởi trong lúc đấu tranh tự vệ trước những mâu thuẫn, gánh nặng, nỗi sợ hãi quá mức trong cuộc sống, cái tôi của ta đã loại bỏ những thông tin hoặc sự việc quá phức tạp.
Ví dụ, một cô bé mời bạn về chơi và ngủ lại nhà mình. Nhưng suốt đêm đó, cả hai đều thao thức vì bố mẹ của cô bé chủ nhà cãi nhau ầm ĩ. Cô bạn bèn hỏi: “Này, sao bố mẹ cậu to tiếng thế? Có chuyện gì vậy?”. Cô bé chủ nhà - vốn đã quen thuộc với những đêm trằn trọc vì bố mẹ cãi nhau như thế này - bối rối đáp lại trong mơ hồ: “Tớ không biết!”, và nằm im đau khổ. Trong khi đó, vị khách trẻ tuổi thì không tài nào hiểu được vì sao sau đó, bạn mình lại trở nên xa cách như vậy.
Sau đó, có thể cô bé chủ nhà sẽ tránh mặt người bạn đã chứng kiến điều bí mật của gia đình mình, bởi việc gặp lại bạn sẽ càng gợi nhắc đến thực tế mà cô bé muốn chối bỏ. Những sự việc khó xử tương tự như việc bố mẹ cãi nhau đêm ấy khiến cho cô bé đau lòng đến độ muốn phủ nhận sự thật để cảm thấy dễ chịu hơn. Chính vì thế, cô bé sẽ tránh né tất cả những gì có thể phá vỡ lớp phòng vệ của mình trước nỗi đau ấy. Cô bé không muốn phải cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, giận dữ, đơn độc, tuyệt vọng, thương hại hay oán giận. Vậy là cô bé chọn cách sống vô cảm thay vì đối diện thực tế và chiến thắng những cảm xúc tiêu cực của mình. Đó chính là lý do vì sao cô bé luôn mong muốn kiểm soát mọi vấn đề trong cuộc sống của mình. Bằng cách đó, cô bé sẽ có được cảm giác an toàn nhất định. Không ngạc nhiên, không gây sốc và không cảm giác.
Bất kỳ ai khi gặp phải tình huống không thoải mái đều tìm cách kiểm soát nó ở mức độ cho phép. Phản ứng tự nhiên này càng trở nên thái quá đối với những người trưởng thành trong gia đình bất thường bởi vì họ đã phải trải qua quá nhiều đau khổ. Chuyện của Lisa là một ví dụ điển hình. Cô bé bị áp lực phải học thật tốt ở trường để làm cha mẹ vui lòng. Nguồn căn của mọi sự bất ổn trong gia đình Lisa nằm ở thói quen rượu chè của người mẹ. Thế nhưng, thay vì phải đối diện với thực tế rằng họ hoàn toàn bất lực trước thói hư tật xấu của bà mẹ, thì các thành viên trong gia đình lại xoay sang vấn đề điểm số của Lisa, cho rằng không khí gia đình chỉ có thể tốt hơn nếu cô đạt nhiều điểm cao hơn ở trường.
Ngay cả Lisa cũng tin vào điều đó. Thế là cô không ngừng cố gắng để cải thiện không khí gia đình bằng cách tỏ ra “ngoan ngoãn, tử tế”. Những điều tốt đẹp cô làm chẳng phải để thể hiện tình yêu thương hay đem lại niềm tự hào cho gia đình mà ngược lại, nó chính là cố gắng tuyệt vọng của cô nhằm khắc phục những tình huống tệ hại trong gia đình mà ở vai trò một đứa con, cô nghĩ mình cũng gánh phần trách nhiệm.
Trẻ thường không tránh khỏi cảm giác tội lỗi và muốn nhận lãnh trách nhiệm trước một số vấn đề nghiêm trọng xảy đến với gia đình. Bắt nguồn từ trí tưởng tượng về sức mạnh của bản thân, trẻ nghĩ mình vừa là nguyên nhân gây nên các vấn đề ấy vừa có khả năng thay đổi chúng. Cũng giống như Lisa, rất nhiều trẻ không may mắn đã tự nhận lãnh trách nhiệm do cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình đặt để trước những sự việc mà chúng hoàn toàn không có khả năng kiểm soát. Nhưng ngay cả khi mọi người không trực tiếp đổ lỗi, trẻ vẫn tự nhận phần lớn trách nhiệm về mình trước các vấn đề không may của gia đình.
Thật khó để nhận ra rằng những hành vi quên mình và cố gắng giúp ích cho mọi người lại chính là biểu hiện của nỗ lực kiểm soát mọi thứ ở trẻ chứ chẳng hề mang ý nghĩa vị tha. Tôi đã thấy một hình ảnh mô tả súc tích điều này qua một tấm bảng treo bên ngoài cửa văn phòng làm việc trước đây của mình. Trên tấm bảng đó, nửa trên có màu vàng trong khi nửa dưới lại được tô màu đen. Tấm bảng có in dòng chữ: “Sự giúp đỡ chính là mặt sáng của việc kiểm soát”. Nó nhắc nhở chúng tôi - những người làm công tác tư vấn - lẫn các khách hàng luôn ghi nhớ đến động cơ nằm sau nhu cầu thay đổi người khác của bản thân mình.
Đặc biệt, nếu sự giúp đỡ ấy đến từ những người xuất thân trong một gia đình bất thường hoặc đang có những mối quan hệ căng thẳng, thì ta cần phải xét đến nhu cầu kiểm soát người khác của họ. Khi ta giúp một ai đó điều mà họ có thể làm, khi ta lên kế hoạch tương lai hoặc hoạt động hàng ngày cho một ai đó, khi ta thúc giục, khuyên bảo, nhắc nhở, cảnh báo hoặc lừa phỉnh một người đã lớn, khi ta không thể để một ai đó phải đối diện với những hậu quả đã gây ra và giúp người ấy sửa đổi hành vi hoặc ngăn ngừa hậu quả, nghĩa là chúng ta đang cố gắng kiểm soát tình huống. Chúng ta hy vọng khi kiểm soát được người ấy, ta sẽ kiểm soát được cảm xúc của chính mình. Và dĩ nhiên, càng cố gắng kiểm soát người ấy, chúng ta càng thất bại nhưng lại không thể nào chấm dứt được.
Một phụ nữ có thói quen phủ nhận và kiểm soát sự việc thường cảm thấy bị lôi cuốn trước những tình huống đòi hỏi các đặc điểm ấy. Sự phủ nhận - thông qua việc giữ mình tránh xa những tình huống và cảm xúc liên quan - sẽ dẫn người phụ nữ ấy đến các mối quan hệ đầy ắp khó khăn. Khi đó, cô sẽ phải tận dụng kỹ năng kiểm soát để mọi thứ diễn ra ổn thỏa hơn đồng thời phủ nhận tình trạng tệ hại của sự việc.
Điều này được thể hiện trong các câu chuyện mà tôi sắp kể dưới đây. Qua quá trình trị liệu, những phụ nữ này đã khám phá được động cơ dẫn đến hành vi kiểm soát của mình. Họ đã nhận ra rằng bản chất của hành vi giúp đỡ của mình chính là nỗ lực trong vô thức nhằm chối bỏ nỗi đau của bản thân. Với những phụ nữ này, khao khát được giúp đỡ người yêu một cách mãnh liệt xuất phát từ nhu cầu nhiều hơn là sự chọn lựa.
Connie: 32 tuổi, ly hôn, sống với con trai 11 tuổi
Trước khi tham gia trị liệu, tôi không thể hiểu được lý do tại sao ngày trước cha mẹ tôi lại cãi nhau thường xuyên đến vậy. Mỗi ngày, mỗi bữa cơm, hầu như là từng giờ từng phút, họ chỉ trích và xúc phạm nhau trước mặt anh em tôi. Cha tôi thường xuyên vắng nhà, nhưng ngay khi về đến nhà là ông lại cãi nhau với mẹ. Ban đầu, tôi giả vờ như không có gì xảy ra. Nhưng sau đó, tôi lại tìm cách bày trò vui để chi phối cha hoặc mẹ, hoặc cả hai. Tôi thường lúc lắc cái đầu, cười thật lớn, hoặc làm bất cứ trò gì có thể. Thật ra, những lúc đó tôi sợ chết khiếp đi nhưng vẫn cố diễn trò thật hoàn hảo. Thế là tôi trở thành cô bé dễ thương trong mắt cha mẹ. Nhưng một thời gian sau, tôi bắt đầu diễn trò ở mọi nơi. Lúc nào tôi cũng cố luyện tập cho vai diễn của mình được thành thục hơn. Và rồi, mỗi khi xảy ra sự cố gì, tôi lại cố phớt lờ và tìm cách che đậy nó đi. Đó cũng chính là điều tôi đã làm trong cuộc hôn nhân của mình sau này.
Tôi gặp Kenneth tại hồ bơi trong khu nhà ở vào năm hai mươi tuổi. Là dân lướt sóng, Kenneth trông rất điển trai với làn da rám nắng. Chúng tôi gắn bó đến độ quyết định chung sống với nhau chỉ sau một thời gian quen biết. Kenneth cũng là người rất vui tính. Chính vì thế, tôi cho rằng cả hai đang có mọi yếu tố cần thiết để xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Kenneth khá mơ hồ và thiếu quyết đoán về sự nghiệp tương lai cũng như về những mong muốn đạt được trong đời. Tôi phải thường xuyên động viên, khuyến khích và giúp anh định hướng khi cần thiết. Tôi cũng chính là người thực hiện những dự định chung mà cả hai đã thống nhất ngay từ khi mới chung sống, trong khi Kenneth chỉ làm những gì anh thích. Tôi cảm thấy mình thật mạnh mẽ, còn anh thì cảm thấy thoải mái khi nương tựa vào tôi. Tôi nghĩ, có lẽ chính vì thế mà chúng tôi cần có nhau.
Chúng tôi sống chung với nhau được chừng ba bốn tháng thì có người bạn gái cũ làm chung với Kenneth gọi tới nhà. Cô ấy rất ngạc nhiên khi biết tôi đang sống chung với anh. Cô ấy bảo Kenneth chưa bao giờ nói về mối quan hệ của chúng tôi với cô ấy, mặc dù họ thường xuyên gặp nhau tại công ty. Và cô gọi điện đến nhà là để xin lỗi Kenneth về chuyện gì đó. Tôi thật sự bị sốc và hỏi Kenneth đầu đuôi câu chuyện. Kenneth bảo rằng anh không nghĩ chuyện này quan trọng đến mức phải báo cho cô bạn đó biết. Tôi cảm thấy rất giận dữ và đau đớn nhưng rồi cảm giác đó cũng mau chóng qua đi. Tôi lấy lại sự tỉnh táo cần thiết khi nghĩ về vấn đề này. Tôi nhận ra mình chỉ có hai chọn lựa: hoặc cãi vã với Kenneth hoặc chấm dứt mọi chuyện. Và tôi đã chọn điều thứ hai: bỏ cuộc và xem mọi chuyện như một trò đùa bởi tôi không muốn mình rơi vào tình thế cãi vã như bố mẹ ngày trước. Nhưng trên thực tế, cảm giác giận dữ khiến tôi phát ốm. Bên cạnh đó, do chưa bao giờ trải nghiệm những cảm xúc dữ dội như những gì đang diễn ra nên tôi cảm thấy vừa sợ hãi vừa mất thăng bằng. Cuối cùng, với mong muốn giữ cho mọi việc được yên bình, ổn thỏa, tôi chấp nhận lời giải thích của Kenneth và chôn kín những nghi ngờ của mình về sự trung thực của anh. Và vài tháng sau đó, chúng tôi đã cưới nhau.
Mười hai năm trôi qua thật nhanh, và vào một ngày nọ, tôi tìm gặp một bác sĩ tâm lý theo lời đề nghị của đồng nghiệp. Tôi nghĩ mình vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát cuộc sống riêng nhưng người bạn ấy cứ cảm thấy lo lắng cho tôi nên buộc tôi phải đi gặp chuyên viên tâm lý.
Tôi và Kenneth lấy nhau ngần ấy năm và tôi nghĩ cả hai đều rất hạnh phúc. Thế nhưng bây giờ, chúng tôi lại chia tay theo lời đề nghị của tôi. Chuyên viên tâm lý hỏi về những chuyện đã xảy ra trong gia đình tôi. Tôi kể về nhiều điểm khác nhau giữa vợ chồng tôi, trong đó có cả chuyện Kenneth thường vắng nhà vào buổi tối, ban đầu là một đến hai đêm một tuần, sau đó là ba đến bốn đêm và rồi lên đến sáu đêm một tuần trong vòng năm năm trở lại đây. Cuối cùng, tôi bảo với Kenneth rằng nếu anh ta thích sống ở chỗ khác hơn cứ việc dọn ra khỏi nhà.
Khi chuyên viên tư vấn hỏi tôi có biết những lúc ấy Kenneth đã đi đâu không thì tôi trả lời là không biết. Thật sự, tôi chưa bao giờ hỏi anh về điều đó. Tôi còn nhớ cô ấy đã rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói vậy: "Từng ấy đêm trong suốt bấy nhiêu năm, vậy mà chị chưa bao giờ hỏi anh ấy ư?". Tôi gật đầu bởi tôi vẫn cho rằng mỗi người cần có không gian riêng của mình. Dù vậy, tôi vẫn thường nhắc Kenneth phải dành nhiều thời gian hơn cho Thad, con trai của chúng tôi. Lúc nào anh cũng đồng ý nhưng rồi sau đó thì vẫn thói nào tật nấy. Tôi đành phải nghĩ rằng Kenneth là một người chưa trưởng thành nên tôi cứ phải luôn giảng giải, uốn nắn anh không ngừng. Thực tế, mọi chuyện ngày càng trở nên tệ hại hơn, bất kể mọi cố gắng của tôi. Trong suốt giai đoạn đầu của quá trình trị liệu, chuyên viên tâm lý cứ hỏi tôi về nơi Kenneth có thể đến vào những tối vắng nhà. Điều đó khiến tôi phát cáu lên. Thật sự, tôi không muốn nghĩ về điều đó vì nó chỉ càng khiến tôi đau lòng thêm mà thôi.
Giờ đây nghĩ lại, tôi biết Kenneth không thể chỉ chung sống với mỗi mình tôi, dù anh ưa thích sự yên ổn, an toàn trong mối quan hệ hiện tại. Có rất nhiều dấu hiệu của Kenneth cho thấy điều này, cả trước lẫn sau hôn nhân, chẳng hạn trong những buổi cắm trại của công ty, Kenneth thường đi đâu đó hàng giờ hoặc tại các bữa tiệc, anh làm quen với một cô gái nào đó và sau đó thì cả hai biến mất cùng nhau. Trong những tình huống đó, tôi thường lấy vẻ duyên dáng của mình để đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người và để chứng tỏ mình là một con người đáng yêu chứ chẳng phải như trên thực tế là một người bị chồng bỏ rơi.
Phải qua điều trị một thời gian dài thì tôi mới nhận ra rằng vấn đề giữa Kenneth và tôi cũng tương tự như chuyện đã xảy ra với cha mẹ tôi ngày trước. Hồi đó, cha mẹ tôi luôn cãi vã về chuyện cha tôi vắng nhà thường xuyên. Mẹ tôi dù không nói thẳng ra nhưng vẫn bóng gió xa xôi rằng cha là một kẻ bội bạc và không ngừng nhiếc móc ông đã bỏ rơi chúng tôi. Ngày đó, tôi vẫn nghĩ chính mẹ đã đẩy cha rời xa gia đình và quyết định sẽ không bao giờ lặp lại vết xe đổ của mẹ. Vì thế, lúc nào tôi cũng cố gắng mỉm cười chịu đựng. Thậm chí, ngay cả khi con trai lên chín của tôi có ý định tự tử, tôi vẫn cười vui vẻ như không. Tôi nhìn mọi thứ như một trò đùa và chính điều đó đã khiến bạn đồng nghiệp của tôi phải lên tiếng cảnh báo. Từ rất lâu, tôi vẫn tin rằng nếu mình tỏ ra tử tế và không bao giờ giận dữ thì mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp.
Việc xem Kenneth là người chưa trưởng thành cũng "có lợi" cho tôi. Khi đó, tôi có dịp giáo huấn và giúp anh sắp xếp cuộc sống. Nhưng thực tế, nó là cái giá quá rẻ mà Kenneth phải trả để có người dọn dẹp, nấu nướng trong khi anh ta thỏa sức làm những gì mình muốn mà không phải lo lắng gì.
Mức độ phủ nhận sự thật trong tôi lớn đến nỗi tôi không tài nào từ bỏ được nếu không có ai đó giúp đỡ. Con trai tôi cực kỳ bất hạnh nhưng tôi lại không thể nhìn nhận sự thật đó. Tôi cứ tìm cách né tránh, xem nhẹ hoặc pha trò về sự thật ấy mà không để ý rằng chính điều đó càng khiến thằng bé cảm thấy tệ hại hơn. Tôi cũng không chịu nhìn nhận rằng mọi việc đã trở nên tồi tệ hơn. Kenneth đã bỏ nhà đi sáu tháng nhưng tôi không thông báo cho bất kỳ ai biết về chuyện này. Điều đó lại càng khiến cho con trai tôi cảm thấy đau lòng hơn. Giống như tôi, thằng bé cũng phải giữ kín mọi chuyện và che giấu nỗi đau của mình. Tôi cấm thằng bé không được nói cho bất kỳ ai nghe về chuyện gia đình mình mà không nhận thấy rằng nó cần được chia sẻ với mọi người xiết bao. Chuyên viên tư vấn tâm lý thúc giục tôi kể cho mọi người nghe về cuộc hôn nhân tan vỡ của mình. Nhưng điều đó thật khó khăn bởi tôi vẫn không thể thừa nhận sự thật. Giờ đây, tôi hiểu rằng có thể việc Thad tự tử chính là nhằm mục đích thông báo cho mọi người biết sự bất ổn trong gia đình tôi.
Giờ thì mọi việc đã bắt đầu tốt hơn. Hai mẹ con tôi đang tham dự khóa trị liệu tâm lý và học được cách chia sẻ với nhau những cảm xúc riêng của mình. Có một nguyên tắc mà tôi buộc phải tuân thủ suốt trong thời gian chữa trị là không được xem nhẹ hay tìm cách pha trò trên sự thật. Thật chẳng dễ dàng khi từ bỏ thói quen tự phòng thủ ấy của mình, nhưng chắc chắn là tôi đã khá hơn rất nhiều. Khi hẹn hò với những người đàn ông khác, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến việc giúp họ nhưng rồi tôi hiểu rằng tốt hơn là mình cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên. Và đó cũng chính là những dịp tôi tự pha trò đả kích bản thân trong suốt quá trình điều trị. Nhưng thà tự cười nhạo vào mặt tiêu cực của bản thân còn hơn là pha trò để che đậy chúng.
Khi còn bé, Connie đã chọn cách pha trò để chi phối bản thân và cha mẹ. Bằng cách vận dụng tất cả khiếu hài hước và vẻ đáng yêu của mình, Connie đã khiến cha mẹ bỏ qua cuộc cãi vã, ít nhất là ngay trong thời điểm đó. Cứ mỗi lần như vậy, Connie lại tự biến mình thành nhịp cầu hàn gắn cha mẹ và luôn cố gắng hết mình để hoàn thành trách nhiệm đó. Chính điều này đã làm nảy sinh nhu cầu kiểm soát mọi thứ ở Connie, giúp cô luôn cảm thấy an toàn, yên ổn. Cùng với thời gian, Connie trở nên nhạy cảm trước những biểu hiện của sự giận dữ và thái độ thù địch ở những người chung quanh. Cô tìm cách thoát khỏi tình huống ấy bằng những trò khôi hài đúng lúc.
Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng chối bỏ cảm xúc bản thân ở Connie. Thứ nhất, cô không thể chịu đựng được ý nghĩ rằng bố mẹ sắp ly hôn. Thứ hai, mọi cảm xúc xuất hiện trong thời điểm đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng pha trò của cô. Chính vì thế, cô sẽ tìm cách chối bỏ mọi cảm xúc của mình và thao túng, kiểm soát mọi tình huống chung quanh. Sự nhiệt tình giả tạo đó của Connie sẽ khiến một số người xa lánh cô. Tuy nhiên, với những người vốn không hề có ý định gắn bó lâu dài và chỉ tìm đến những mối quan hệ hời hợt như Kenneth thì cô lại có sức hút rất lớn.
Việc Connie có thể sống ngần ấy năm với một người đàn ông bỏ nhà đi hàng đêm nhưng lại không hề thắc mắc anh ta đi đâu, làm gì, với ai… chính là biểu hiện chính xác khả năng phủ nhận thực tế siêu hạng cùng nỗi sợ hãi tương đương đằng sau đó. Connie không muốn tìm hiểu sự việc, cũng không muốn đấu tranh hay đối diện với sự thật. Và trên tất cả, cô không muốn sống lại cảm giác khiếp sợ ngày bé - cảm giác sụp đổ khi gia đình có sự chia rẽ, bất đồng.
Tham gia quá trình trị liệu tâm lý quả là việc không dễ đối với Connie bởi yêu cầu tiên quyết của nó là cô phải từ bỏ thói quen pha trò để phòng thủ. Điều đó chẳng khác gì bắt Connie phải ngừng thở bởi ở một mức độ nào đó, cô chẳng thể sống mà không lặp lại thói quen của mình. Sự van nài của cậu con trai trước thực trạng đau lòng của gia đình đã chọc thủng lớp vỏ che đậy sự thật của Connie. Cô đã xa rời sự thật đến mức gần như điên dại. Trong suốt thời gian dài điều trị, cô cứ mãi nói về những vấn đề của Thad mà phủ nhận vấn đề của bản thân mình. Lúc nào Connie cũng đóng vai "một người mạnh mẽ" và không hề có ý định từ bỏ vị trí chiến đấu của mình! Nhưng dần dà, khi sẵn lòng trải nghiệm nỗi đau, bớt thói quen pha trò trước thực tế tệ hại, Connie bắt đầu cảm thấy an toàn hơn. Giờ đây, Connie học được một kinh nghiệm mới mẻ, đó là việc đối diện và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống có lợi hơn so với việc phủ nhận nó. Cô bắt đầu đối diện, bộc lộ cảm xúc cũng như những nhu cầu của bản thân. Cô cũng học được cách sống trung thực hơn với chính bản thân mình lẫn với mọi người. Và cuối cùng, cô đã có thể cải tạo tính hài hước hóa đau khổ của mình để tạo ra những nụ cười vui vẻ thật sự.
Pam: 36 tuổi, ly hôn hai lần, hai con trai ở tuổi thiếu niên
Tôi lớn lên trong một gia đình bất hạnh. Cha bỏ đi từ khi tôi chưa ra đời và mẹ phải một thân một mình nuôi tôi khôn lớn. Thời ấy, tình trạng ly hôn chưa phổ biến nên chúng tôi bị xem là một gia đình khác biệt so với mọi người trong cái thị trấn nhỏ bé ấy.
Ở trường, tôi học tập rất chăm chỉ và lại khá xinh xắn nên được nhiều thầy cô yêu mến. Điều đó rất hữu ích với tôi bởi ít ra tôi cũng thành công về mặt học hành. Tôi trở thành một học sinh xuất sắc với toàn điểm A trong suốt các năm học cấp I. Nhưng lên cấp II, những áp lực trong cuộc sống tinh thần đã khiến tôi không thể tập trung vào việc học nữa. Điểm số ở trường của tôi bắt đầu trượt dốc dù tôi chưa bao giờ dám xao lãng việc học. Lúc nào tôi cũng có cảm giác mẹ thất vọng về mình.
Mẹ tôi làm thư ký cho một công ty và bà luôn làm việc cật lực để nuôi sống gia đình. Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra rằng hồi đó gần như lúc nào mẹ cũng kiệt sức vì quá tải. Mẹ tôi là một người rất kiêu hãnh nên bà rất hổ thẹn về việc ly hôn. Bà thường tỏ ra khó chịu mỗi khi có đứa trẻ nào đến nhà tôi chơi. Chúng tôi nghèo nên quanh năm phải vật lộn với miếng ăn. Thế nhưng mẹ bắt chúng tôi phải cố giữ cho vẻ ngoài được tươm tất để không ai biết được cuộc sống thật của mình. Khi bạn bè mời tôi đến nhà chúng chơi và ngủ lại, mẹ tôi bèn phản đối: "Tụi nó không thích con đến chơi đâu". Sở dĩ mẹ bảo thế là vì bà lo một ngày nào đó tôi phải mời bạn bè đến nhà mình chơi. Thế nhưng ngày đó, tôi chưa hiểu hết ẩn ý của mẹ nên chỉ biết tin vào lời bà, nghĩa là tin rằng mọi người không thích chơi với mình.
Tôi lớn lên với niềm tin rằng mình là một người bất ổn. Tôi không biết cụ thể đó là gì mà chỉ cảm nhận mơ hồ rằng mọi người không chấp nhận và không yêu mến mình. Trong gia đình tôi không hề tồn tại tình yêu thương mà tất cả chỉ có trách nhiệm. Điều tệ hại nhất là chúng tôi không bao giờ đề cập đến sự lừa dối đang bao phủ trong gia đình. Chúng tôi tìm cách che đậy sự thật mỗi khi bước ra ngoài, để mọi người đều nghĩ rằng gia đình mình hạnh phúc và giàu có. Điều đó tạo nên một áp lực ghê gớm đối với chúng tôi, nhưng chẳng ai thừa nhận nó cả. Bản thân tôi cũng rất sợ khi phải đối diện với sự thật nên cố gắng phớt lờ nó như mọi người. Những lúc ăn vận đẹp đẽ và thể hiện năng lực ở trường, tôi thấy mình chẳng khác gì một kẻ lừa dối. Dưới lớp vỏ hoàn hảo đó là đầy rẫy những vết rạn và khiếm khuyết. Mọi người yêu mến tôi bởi vì tôi không để họ biết con người thật của tôi.
Thật tệ hại khi lớn lên trong một gia đình không có cha bởi không ai dạy tôi cách giao tiếp đúng mực với đàn ông. Trong suy nghĩ của tôi, họ là những sinh vật kỳ lạ, vừa hấp dẫn vừa đáng sợ. Mẹ tôi hiếm khi kể cho tôi nghe về cha, nhưng qua những điều ít ỏi mà tôi được biết thì ông chẳng có gì đáng để tự hào. Chính vì thế, tôi chẳng dám hỏi thêm mẹ bởi sợ phải nghe những điều không hay khác về ông. Mẹ tôi không thích đàn ông nên thường bóng gió nói rằng họ là những người nguy hiểm, ích kỷ và không đáng tin cậy. Mặc dù vậy, tôi luôn cảm thấy thích thú trước nam giới, mà khởi đầu là những đứa bạn trai học cùng lớp mẫu giáo. Tôi luôn có cảm giác mình phải đi tìm điều mà mình không có được trong cuộc sống nhưng lại không biết rõ đó là điều gì. Tôi đoán có thể đó là do tôi quá mong muốn được gần gũi với ai đó, được yêu thương và yêu thương người khác. Tôi biết giữa đàn ông và đàn bà, chồng và vợ có sợi dây yêu thương ràng buộc. Thế nhưng, mẹ tôi lại bảo rằng đàn ông sẽ chỉ mang đến cho tôi toàn khổ đau, bất hạnh bằng cách chạy theo đám bạn hữu hoặc phản bội tôi. Đó là điều tôi đã học được ở mẹ trong suốt những năm tháng trưởng thành. Ngay từ bé, tôi quyết định sẽ tìm cho mình một người đàn ông không bao giờ và cũng không thể bỏ rơi tôi, có thể đó là một người mà không ai muốn tranh giành với tôi cả. Nhưng rồi tôi quên khuấy đi quyết định ấy mà chỉ biết chú tâm vào thực hiện nó.
Trong suy nghĩ của tôi, cách duy nhất để xây dựng được mối quan hệ với ai đó, đặc biệt là với nam giới, là tôi phải tỏ ra hữu ích đối với họ. Khi đó, anh ta sẽ không những không thể rời bỏ tôi mà còn phải biết ơn tôi.
Bởi thế, chẳng có gì là ngạc nhiên khi người yêu đầu tiên của tôi là một người tàn tật. Anh bị gãy xương sống trong một tai nạn ô tô nên phải chống nạng khi đi lại. Mỗi tối, tôi thường cầu xin Thượng đế hãy để tôi bị tàn tật thay cho anh ấy. Những lúc đi khiêu vũ, tôi thường ngồi bên cạnh anh ấy suốt cả buổi tối. Anh ấy là một chàng trai dễ thương nhưng tôi yêu anh vì còn có một lý do khác nữa. Đó là vì tôi cảm thấy mình đang giúp ích cho anh ấy và anh chẳng có lý do gì để chối bỏ hay làm tổn thương tôi cả. Điều đó cũng giống như một chiếc áo chống đạn giúp tôi không bị thương. Khiếm khuyết của anh ấy quá rõ ràng nên tôi có thể cảm thấy an tâm và thoải mái bày tỏ lòng trắc ẩn của mình đối với anh. Cho đến bây giờ, anh ấy là người bạn trai "lành mạnh" nhất của tôi. Sau anh ấy, tôi quen thêm nhiều người là tội phạm thanh thiếu niên hoặc những người thất bại trong cuộc sống.
Tôi gặp người chồng đầu tiên của mình vào năm 17 tuổi. Hồi ấy, anh vừa thi trượt và đang gặp rắc rối ở trường. Cha mẹ anh ấy đã ly hôn nhưng vẫn thường xuyên gây gổ, đánh chửi nhau. So với hoàn cảnh của anh thì gia đình tôi vẫn còn khá hơn nhiều! Với anh, tôi cảm thấy thoải mái đôi chút và không phải xấu hổ về gia cảnh của mình. Thêm nữa, tôi còn cảm thấy tội nghiệp cho anh. Dù anh khá nổi loạn nhưng tôi cho rằng đó là vì chưa có ai thật sự hiểu được anh.
Bên cạnh đó, chỉ số IQ của tôi còn hơn anh ấy những hai mươi điểm. Chừng đó yếu tố đã khiến tôi tin rằng mình xứng đáng với anh ấy và anh ấy sẽ không bao giờ bỏ rơi mình để đi theo người khác.
Mối quan hệ giữa chúng tôi, bao gồm cả mười hai năm chung sống sau khi cưới, là cả một quá trình chối bỏ thực tế về con người thật của anh ấy lẫn nỗ lực của bản thân tôi nhằm biến đổi anh thành con người mà tôi mong muốn. Tôi luôn nghĩ rằng anh ấy sẽ hạnh phúc và tự tin hơn về bản thân nếu để tôi hướng dẫn cách dạy dỗ con cái, làm ăn lẫn đối xử với bên gia đình anh ấy. Lúc đó, tôi đang học đại học chuyên ngành tâm lý học. Thật buồn cười khi bản thân tôi không thể kiểm soát được cuộc sống khốn khổ của mình nhưng lại theo học chuyên ngành tư vấn cho mọi người. Trước tình huống đó, tôi nhận thấy để công bằng với bản thân mình, tôi phải tìm ra lời đáp cần thiết cho tất cả hành động của mình. Và tôi nhận ra rằng chìa khóa hạnh phúc của mình nằm ở chỗ phải làm cho anh ấy thay đổi. Rõ ràng, anh ấy cần được tôi giúp đỡ. Anh ấy không thể trả các hóa đơn chi tiêu lẫn những khoản thuế. Anh hứa hẹn với mẹ con tôi nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Anh bỏ dở nhiều công việc khiến các khách hàng tức điên lên và gọi điện phàn nàn với tôi.
Mãi cho đến khi đã nhìn ra sự thật về chồng mình, tôi mới có đủ can đảm để rời bỏ anh ấy. Ba tháng cuối cùng sống chung với nhau, tôi chẳng làm gì khác ngoài chuyện quan sát. Tôi im lặng quan sát thay vì tuôn ra những tràng lên lớp bất tận như trước. Chính lúc đó, tôi nhận ra mình không thể sống với con người này được nữa. Suốt thời gian qua, tôi đã luôn hy vọng anh ta thay đổi thành con người tuyệt vời mà mình mong muốn. Trong suốt ngần ấy năm, tôi đã sống chỉ với mỗi hy vọng đó.
Thế nhưng, tôi cũng chưa nhận ra xu hướng chọn lựa người yêu của mình có vấn đề, rằng mình đã không chọn một người đàn ông có sẵn những bản tính tốt mà chỉ thích những ai cần được giúp đỡ. Chỉ sau này, khi tiếp tục quen biết thêm một vài người đàn ông khác - những người không hề mang đến cho tôi hạnh phúc, thì tôi mới nhận ra điều đó. Sau khi chia tay người chồng đầu tiên, tôi đã quen một người nghiện cờ bạc, một người đồng tính, một người bất lực, và rồi kết hôn với một người khác. Cuộc hôn nhân đó khá dài lâu nhưng vẫn chứa đầy bất hạnh. Và khi chấm dứt nó, tôi không thể tiếp tục huyễn hoặc mình rằng mọi chuyện xảy ra là do mình kém may mắn nữa. Tôi biết hẳn bản thân mình cũng là một phần nguyên nhân của những điều tệ hại đó.
Thời gian đó, tôi đã trở thành một chuyên viên tâm lý có giấy phép hành nghề. Tôi dành tất cả thời gian trong ngày để giúp đỡ mọi người. Giờ đây, tôi biết nhiều người trong ngành cũng rơi vào tình huống tương tự như tôi, tức họ giúp đỡ người khác nhưng vẫn cần được "giúp đỡ" trong cuộc sống riêng của mình. Đối với các con trai của mình, tôi chỉ biết nhắc nhở, động viên và lo lắng cho chúng. Tất cả những hiểu biết của tôi về tình yêu chỉ là giúp đỡ và quan tâm đến người khác. Tôi không biết gì về việc chấp nhận bản thân người khác như vốn có, có lẽ vì tôi chưa bao giờ biết chấp nhận chính mình.
Nhưng rồi sau đó, cuộc đời đã ban cho tôi một ân huệ thật sự khi đẩy tôi vào một bước ngoặt thật khó khăn. Cuộc sống của tôi bỗng như sụp đổ khi hôn nhân tan vỡ, cả hai con trai đều dính dáng đến pháp luật còn sức khỏe của tôi thì hoàn toàn kiệt quệ. Tôi không thể tiếp tục quan tâm đến mọi người được nữa. Chính người quản chế của con trai tôi đã khuyên tôi nên chăm sóc bản thân mình nhiều hơn. Và tôi đã nghe lời ông ấy. Sau ngần ấy năm gắn bó với ngành tâm lý, ông ấy là người khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ. Tôi đã gần như đánh mất cả cuộc đời mình, bỏ qua mọi thứ để rồi khi nhìn lại bản thân, tôi thấy vừa thương cảm, vừa căm thù sâu sắc.
Một trong những điều tệ hại nhất mà tôi từng phải đối diện chính là sự thật rằng mẹ tôi không hề muốn nuôi nấng tôi. Bà không hề muốn có tôi trên đời. Giờ đây khi đã trưởng thành, tôi hiểu điều đó hẳn đã từng khó khăn với bà biết bao. Và việc bà thường nói rằng những người chung quanh không hề thích tôi thật ra chính là những điều bà mô tả về chính bản thân mình. Khi còn bé, tôi lờ mờ hiểu được điều đó nhưng vì không thể đối diện với nó nên đành phớt lờ đi. Và rồi tôi dần dần phớt lờ rất nhiều thứ trong cuộc sống. Tôi bỏ ngoài tai những lời chỉ trích lẫn thái độ giận dữ của mẹ mỗi khi bà thấy tôi vui vẻ. Thật đáng sợ nếu cứ để bản thân mình đau khổ trước thái độ thù nghịch, tiêu cực của bà. Vậy nên tôi nhủ lòng phải vô cảm và câm lặng trước thực tế, đồng thời dồn hết năng lượng vào việc rèn luyện bản thân thành một người tốt. Và mỗi khi tập trung vào vấn đề của người khác, tôi không còn thời gian để chú ý đến bản thân, không còn cảm thấy đau đớn, khổ sở nữa.
Tuy lòng kiêu hãnh có bị tổn thương nhưng tôi đã tìm đến với một nhóm phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh trong mối quan hệ với nam giới tương tự như mình. Trong công việc, tôi thường là người hướng dẫn những nhóm như thế này nhưng khi đến đây, tôi chỉ tham gia với vai trò thành viên. Dù cảm thấy cái tôi của mình lên tiếng phản đối nhưng tôi phải thừa nhận rằng nhóm sinh hoạt này đã giúp tôi nhìn lại nhu cầu thích kiểm soát của bản thân và học cách từ bỏ thói quen ấy. Tâm hồn tôi dần lành lặn và tôi bắt đầu biết chăm sóc mình. Và một khi đã bỏ được khát khao chỉnh sửa người khác, tôi tập giữ im lặng! Trước nay, tôi luôn tỏ ra "hữu ích" khi mãi đưa ra các nhận xét, ý kiến của mình. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhận ra một con người ưa kiểm soát và quản lý trong mình. Việc thay đổi hành vi của bản thân đã nhanh chóng dẫn đến sự thay đổi rõ rệt trong sự nghiệp của tôi. Thay vì cảm thấy mình phải có trách nhiệm sửa chữa những sai lầm của người khác, tôi bắt đầu tìm cách hỗ trợ họ nhưng vẫn để họ tự giải quyết vấn đề. Và quan trọng hơn cả là tôi đã có thể hiểu được tâm tư tình cảm của họ.
Thời gian trôi qua và một người đàn ông tử tế xuất hiện trong đời tôi. Anh không hề cần đến sự giúp đỡ của tôi và cuộc sống của anh cũng không hề có vấn đề gì. Ban đầu, tôi cảm thấy rất khó chịu khi phải học cách sống với anh. Nhưng khi tôi áp dụng bài thực hành không làm gì cả ngoài việc là chính mình thì mọi thứ bắt đầu ổn thỏa. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên tham gia sinh hoạt với nhóm hỗ trợ của mình để tránh lặp lại các thói quen cũ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn có cảm giác muốn hành động như xưa nhưng ngay lập tức, tôi gạt bỏ ngay nhu cầu không lành mạnh đó.
Vậy, tất cả những điều này liệu có liên quan gì đến nhu cầu kiểm soát mọi việc và thói quen từ chối sự thật?
Ban đầu, Pam không chịu nhìn nhận sự thật về lòng căm thù và thái độ giận dữ của mẹ qua cách bà đối xử với mình. Cô không chấp nhận thực tế rằng mình sinh ra không được chào đón nên không cho phép mình cảm nhận về nó. Khi trưởng thành, vì không còn khả năng cảm nhận và trải nghiệm cảm xúc của bản thân nên cô chọn lấy những người đàn ông chỉ mang đến cho mình bất hạnh. Thói quen chối bỏ sự thật được hình thành quá lâu trong cô đã khiến cho bộ phận cảnh báo cảm xúc của cô hoạt động sai lệch. Vậy là thay vì nhận biết và tránh xa những người đàn ông ấy, cô lại cảm thấy họ cần đến sự giúp đỡ và cảm thông của mình.
Thói quen hình thành những mối quan hệ mà trong đó bản thân đóng vai trò thấu hiểu, động viên và giúp cho người mình yêu thương ngày càng tiến bộ chính là công thức quen thuộc của hầu hết phụ nữ yêu mù quáng. Nhưng điều này thường chỉ mang lại những kết quả trái ngược với điều họ mong muốn. Thay vì tìm kiếm một người đàn ông chung thủy, tận tụy và gắn bó lâu dài với mình, họ lại tìm đến với mẫu người đàn ông nổi loạn, đầy lòng căm hận và thường xuyên chỉ trích họ. Bên cạnh nhu cầu được duy trì quyền tự trị và lòng tự trọng của mình, những người đàn ông này xem người phụ nữ yêu mù quáng vừa là giải pháp vừa là nguyên nhân của mọi khó khăn trong cuộc đời anh ta.
Khi điều này xảy ra và mối quan hệ giữa đôi bên bắt đầu rạn vỡ, người phụ nữ sẽ chìm sâu trong cảm giác thất bại và tuyệt vọng. Nếu cô không thể khiến một người đàn ông kém cỏi yêu mình thì làm sao cô có thể hy vọng tìm và giữ được một người đàn ông đàng hoàng, tử tế hơn chứ? Chính suy nghĩ này đã đẩy những người phụ nữ yêu mù quáng tìm đến với các mối quan hệ tệ hại hơn. Càng thất bại, họ càng cảm thấy thiếu tự tin và kém xứng đáng hơn.
Thật khó để một người phụ nữ yêu mù quáng có thể tự phá bỏ thói quen của mình, trừ khi cô hiểu được cội nguồn sâu xa của vấn đề. Cũng như những phụ nữ hoạt động trong các ngành nghề tư vấn, Pam dùng sự nghiệp để bổ trợ cho sự yếu đuối về mặt cảm xúc trong mình. Pam có thể cảm nhận được nhu cầu của người khác, còn trong cuộc sống riêng tư, cô lại luôn tìm cách né tránh cảm giác thua kém của mình. Chỉ đến khi tham gia nhóm hỗ trợ và được trải nghiệm những yếu tố giúp chữa lành tâm hồn, Pam mới học được cách chấp nhận sự thật cũng như phát huy được lòng tự trọng của mình, từ đó hình thành nên những mối quan hệ tích cực với mọi người chung quanh.
Janice: 38 tuổi, mẹ của ba đứa con vị thành niên
Khi bạn phải làm việc cật lực để giữ thể diện và hình thức bên ngoài của mình thì rất có thể bạn không còn khả năng để bộc lộ những điều đang thật sự diễn ra bên trong mình nữa. Thậm chí bạn cũng cảm thấy khó lòng hiểu được bản thân. Trong suốt nhiều năm, tôi đã che giấu sự thật về gia đình mình dưới vẻ ngoài hoàn hảo trong mắt mọi người. Ngay từ khi mới đến trường, tôi đã tỏ ra là người có khả năng nhận lãnh mọi trách nhiệm. Cảm giác đó thật tuyệt. Nhiều lúc tôi nghĩ nếu được sống mãi cái thời ấy thì tuyệt vời biết bao. Khi đó, tôi cảm thấy mình thật thành công. Tôi không chỉ là nữ hoàng của nhóm mà còn là lớp phó kỷ luật hẳn hoi. Thậm chí, tôi và Robbie còn được bình chọn là cặp đôi đẹp nhất trong cuốn niên giám của trường. Mọi thứ đều thật tuyệt !
Ở nhà, mọi việc cũng rất suôn sẻ. Cha tôi là một nhân viên bán hàng thành công. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà đẹp đẽ, có hồ bơi và mọi tiện nghi vật chất. Thế nhưng, vấn đề duy nhất của gia đình tôi nằm ẩn sâu bên trong, không hề lộ diện.
Hầu như lúc nào cha tôi cũng rong ruổi bên ngoài. Ông thích sống ở các nhà trọ và qua đêm với các cô gái bán quán bar. Và cứ mỗi lần ông về nhà là lại cãi nhau với mẹ tôi, thậm chí còn đánh nhau dữ dội. Ông thường đem mẹ tôi ra so sánh với những người đàn bà khác. Mỗi lần như thế, hoặc anh trai tôi tìm cách can ngăn họ hoặc tôi phải gọi cảnh sát tới. Thật là kinh khủng!
Khi cha tôi bỏ ra ngoài thì mẹ tôi thường gọi anh em tôi đến và nói chuyện rất lâu. Mẹ hỏi chúng tôi rằng liệu bà có nên bỏ cha không. Cả hai anh em tôi thường lảng tránh câu trả lời bởi cả hai đều không muốn phải chịu trách nhiệm về quyết định đó, dù rằng chúng tôi rất ghét những màn cãi vã, đánh chửi nhau của cha mẹ. Thế nhưng, chẳng bao giờ mẹ tôi bỏ được cha bởi bà sợ mất khoản trợ cấp mà ông mang về. Vậy là bà đến gặp bác sĩ và uống hàng đống thuốc để tiếp tục chịu đựng hoàn cảnh ấy. Sau đó, mẹ hầu như chẳng còn quan tâm đến chuyện cha đi đâu và làm gì nữa. Bà chỉ biết ra khỏi phòng, uống thuốc rồi quay trở vào ở lỳ trong căn phòng đóng kín của mình. Sau khi mẹ về phòng, tôi phải đảm nhận tất cả những gì bà vẫn làm nhưng lại không cảm thấy phiền lòng chút nào. Dù gì thì làm việc vẫn tốt hơn là phải nghe họ cãi nhau.
Trước khi gặp người chồng tương lai của mình, tôi đã hoàn toàn thành thạo trong việc đảm nhận trách nhiệm của người khác.
Hồi chúng tôi mới gặp nhau vào năm lớp mười, Robbie đã tập tành uống rượu bia. Thậm chí, anh còn có biệt danh là "Burgie" vì thường uống bia Burgermeister. Nhưng điều đó chẳng khiến tôi bận lòng. Tôi tin rằng mình có thể quản mọi thói hư tật xấu của Robbie. Người ta thường nhận xét rằng tôi già dặn so với tuổi và tôi thấy quả là đúng như thế thật.
Ở Robbie có điểm gì đó rất ngọt ngào mà tôi luôn cảm thấy bị cuốn hút. Chuyện hẹn hò của chúng tôi bắt đầu khi tôi bày tỏ tình cảm của mình với Robbie trước mặt người bạn thân nhất của anh. Và tôi là người chủ động bởi Robbie quá nhút nhát. Từ đó, quan hệ giữa chúng tôi tiến triển đều đặn. Thỉnh thoảng, anh thất hẹn với tôi để rồi hôm sau lại tha thiết xin lỗi với lý do say quá. Tôi trách mắng, giảng giải một hồi rồi cũng tha thứ cho anh. Robbie tỏ vẻ biết ơn vì nhờ có tôi mà anh không đi sai đường. Có vẻ tôi giống như mẹ của anh hơn là một người bạn gái. Tôi thường sắm sửa quần áo cho anh, nhắc anh nhớ ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình anh, khuyên nhủ anh nên làm thế nào ở trường và ở chỗ làm thêm. Cha mẹ của Robbie rất dễ mến nhưng gia đình anh có đến sáu người con cộng thêm người ông đau yếu nên cuộc sống khá chật vật. Vậy nên tôi sẵn lòng bù đắp cho Robbie sự quan tâm, chú ý mà anh không có được trong gia đình.
Tốt nghiệp phổ thông được vài năm thì Robbie đến tuổi phải vào quân dịch. Hồi đó là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng theo quy định lúc bấy giờ thì nếu một thanh niên cưới vợ, anh ta sẽ được miễn đầu quân. Tôi không dám tưởng tượng về những điều có thể xảy đến với Robbie nếu anh tham gia chiến trường Việt Nam. Tất nhiên, tôi lo sợ anh bị thương hoặc thiệt mạng ở đó. Nhưng thành thật mà nói, tôi còn sợ Robbie sẽ thay đổi khi tham chiến và khi trở về Mỹ, anh sẽ không còn cần đến tôi nữa.
Tôi nói rõ với Robbie ý định của mình, rằng tôi sẵn lòng tổ chức đám cưới để anh được miễn quân dịch. Vậy là chúng tôi cưới nhau khi cả hai đều mới hai mươi tuổi. Sau tiệc cưới, Robbie say mèm đến nỗi tôi phải lái xe đưa cả hai đi hưởng tuần trăng mật. Nghe thật là nực cười!
Những đứa con trai của chúng tôi lần lượt ra đời, nhưng tật nhậu nhẹt của Robbie thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn trước. Anh bảo rằng chúng tôi cưới nhau hãy còn quá trẻ nên chưa hiểu hết sự đời. Và thế là anh cứ mải vắng mặt để đi câu, qua đêm với đám bạn nhậu của mình. Nhưng chưa bao giờ tôi nổi giận vì điều đó. Lúc nào tôi cũng cảm thấy tội nghiệp cho Robbie. Cứ mỗi lần Robbie say xỉn, tôi lại tìm cách bào chữa cho anh và cố gắng thu xếp chuyện nhà được tốt hơn.
Tôi cứ nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục sống mãi như thế, dù sự việc ngày càng tồi tệ hơn. Thế nhưng cuối cùng, công ty Robbie cũng phát hiện ra thói nghiện ngập của anh. Sếp và đồng nghiệp của Robbie quyết định giải quyết vấn đề một cách triệt để: hoặc cai rượu hoặc mất việc. Và thế là Robbie đã chọn cách cai rượu.
Nhưng rắc rối cũng bắt đầu từ đó. Trong suốt những năm Robbie nghiện rượu, tôi chỉ biết có hai điều: một là anh ấy cần có tôi và hai là không ai có thể chịu đựng được anh ấy ngoài tôi. Và đó là điều duy nhất trong cuộc sống có thể mang đến cho tôi cảm giác an toàn. Phải, dù phải sống trong sự chịu đựng nhưng tôi cảm thấy rất ổn thỏa. Ngày trước, cha tôi còn làm những điều tệ hơn cả Robbie bây giờ. Ông không những cặp bồ với các cô gái phục vụ quán bar mà còn đánh đập mẹ tôi nữa. Vì vậy, việc sống với người chồng nghiện rượu cũng không phải là quá tệ đối với tôi. Bên cạnh đó, tôi còn có thể làm chủ căn nhà theo ý mình. Mỗi lần Robbie bỏ nhà đi, tôi lại la khóc khiến anh tu tỉnh được một hoặc hai tuần, nhưng sau đó lại chứng nào tật nấy. Tuy vậy, thật lòng mà nói, tôi chẳng mong gì hơn thế.
Dĩ nhiên, tôi cũng chẳng nhận ra điều này nếu Robbie không cai rượu. Ngày nọ, đột nhiên anh chồng tội nghiệp của tôi bỗng dưng tham dự các buổi gặp gỡ hằng đêm của tổ chức cai nghiện rượu A.A., kết bạn và nói năng rất nghiêm chỉnh qua điện thoại với những người mà tôi thậm chí còn không hề biết. Sau đó, anh tìm được một chuyên viên hỗ trợ tại tổ chức cai nghiện. Cứ mỗi lần có vấn đề hay thắc mắc gì là anh lại tìm đến người tư vấn đó. Tôi có cảm giác như mình bị thất nghiệp và bắt đầu giận dữ vì điều đó! Một lần nữa, thành thật mà nói thì tôi vẫn thích cuộc sống trước kia hơn, khi Robbie vẫn còn nghiện rượu. Hồi đó, mỗi lần Robbie say xỉn không thể đi làm được là tôi lại gọi cho sếp của anh để xin lỗi. Tôi nói dối mọi người về những rắc rối mà anh gặp trong công việc hoặc khi say xỉn. Tóm lại, tôi là chiếc cầu nối giữa anh với cuộc sống xung quanh. Còn bây giờ, tôi thậm chí còn không thể chen chân vào cuộc sống của anh được nữa. Cứ hễ có bất kỳ khó khăn gì là anh lại gọi điện ngay cho chuyên viên tư vấn của mình. Và lúc nào anh chàng kia cũng bảo với Robbie là anh đang có vấn đề. Thế là Robbie đối diện với nó, rồi sau đó lại gọi điện báo cáo kết quả cho anh ta nghe. Rõ ràng, tôi hoàn toàn bị ra rìa.
Cuộc sống của tôi khá ổn đinh sau nhiều năm sống chung với người đàn ông vô trách nhiệm, không đáng tin cậy và thiếu trung thực. Nhưng khi Robbie cai rượu được chín tháng và bắt đầu tiến bộ rõ rệt thì chúng tôi lại nảy sinh mâu thuẫn. Điều làm tôi giận nhất là anh dám gọi cho cả chuyên viên tư vấn để tìm cách đối phó với tôi. Robbie cứ làm như tôi là mối cản trở lớn nhất đối với việc cai nghiện của anh ấy vậy!
Khi tôi đang chuẩn bị mọi thủ tục để ly hôn thì vợ của chuyên viên tư vấn gọi điện mời tôi đi uống nước. Trong lúc tôi đang phân vân chưa biết trả lời thế nào thì chị ấy bộc bạch thẳng thắn. Chị cho biết chị cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thời kỳ chồng cai rượu. Lúc ấy chị cảm thấy mình không còn quản lý được chồng cũng như mọi khía cạnh khác trong cuộc sống chung. Chị cho biết lúc ấy, đã căm hận cái tổ chức A.A., nhất là chuyên viên tư vấn của anh ấy biết bao. Nhưng bây giờ, theo chị thì quả là phép màu khi hai vợ chồng họ vẫn chung sống với nhau, mà lại còn rất hạnh phúc là đằng khác. Chị cho biết tổ chức Al-Anon dành cho những người sống chung với người nghiện rượu đã giúp ích cho chị rất nhiều và khuyên tôi hãy thử tham dự một vài buổi gặp mặt của tổ chức ấy xem sao.
Thật tình, tôi chẳng để tâm đến những lời khuyên của chị ấy. Tôi tin rằng mình chẳng có vấn đề gì còn Robbie thì nợ tôi rất nhiều bởi tôi đã chịu đựng anh suốt ngần ấy năm. Tôi cảm thấy anh nên tìm cách bù đắp lại cho tôi thay vì cứ tham dự các buổi gặp gỡ ấy mãi. Tôi không hề biết rằng việc cai rượu rất khó khăn với Robbie và sở dĩ anh không dám nói với tôi vì lo ngại tôi sẽ can thiệp trong khi chẳng hề biết gì về lĩnh vực ấy!
Cũng trong thời gian này, một trong các con trai của tôi bắt đầu có dấu hiệu bất ổn ở trường. Vợ chồng tôi đến trường họp phụ huynh và mọi người nhận ra Robbie đang tham dự khóa cai rượu của A.A.. Thế là người tư vấn bèn đề nghị chúng tôi đưa con trai đến trung tâm giáo dục dành cho trẻ vị thành niên Alateen, đồng thời hỏi tôi đã tham dự các khóa tư vấn của Al-Anon chưa. Tôi cảm thấy như bị dồn vào chân tường. Thế nhưng, người tư vấn ấy dường như đã có rất nhiều kinh nghiệm đối với những gia đình như chúng tôi nên hỏi han tôi rất dịu dàng. Sau đó, tất cả các con trai tôi đều tham dự khóa huấn luyện của Alateen, nhưng tôi thì vẫn tránh xa Al-Anon. Tôi tiếp tục hoàn tất thủ tục ly hôn và chuyển cả gia đình, tất nhiên là trừ Robbie, đến một căn hộ mới. Vào giây phút cuối cùng, các con trai của tôi khẽ bảo rằng chúng muốn sống với cha. Mọi thứ như sụp đổ dưới chân tôi. Khi rời bỏ Robbie, tôi đã nói với bọn trẻ rằng tôi dành hết tình yêu thương và sự quan tâm cho chúng, nhưng chúng lại quyết định chọn sống với cha, chứ không phải tôi! Tôi buộc phải để bọn trẻ ở lại với Robbie bởi dẫu sao chúng cũng đã lớn để tự quyết định lấy cuộc sống của mình. Chỉ còn lại tôi sống đơn độc trong căn hộ mới, điều mà trước kia tôi chưa từng nghĩ đến. Tôi cảm thấy vừa sợ hãi, vừa đau đớn đến gần như điên loạn.
Sau một vài ngày, tôi gọi cho vợ của chuyên viên tư vấn hôm nọ. Tôi đổ lỗi cho chị về những gì đã xảy ra với chồng con tôi, về tất cả! Chị im lặng lắng nghe tôi la hét và khóc lóc. Ngày hôm sau, chị dẫn tôi đến tham dự một cuộc nói chuyện của tổ chức Al-Anon. Tôi lắng nghe chăm chú, dẫu lòng vẫn còn giận dữ và sợ hãi. Tôi dần nhận ra những điều bất ổn ở bản thân mình và đều đặn tham dự các cuộc họp mặt mỗi ngày trong suốt ba tháng. Sau đó, tôi giảm dần xuống còn ba hay bốn lần một tuần.
Trong những cuộc họp mặt đó, tôi đã học được cách nhìn nhận nhẹ nhàng hơn đối với những sự việc mà trước kia luôn rất nghiêm trọng trong mắt tôi, chẳng hạn như việc luôn tìm cách thay đổi, kiểm soát và quản lý cuộc sống của người khác. Tôi được nghe những người khác chia sẻ rằng họ đã rất khó khăn mới có thể học được cách chăm sóc bản thân, thay vì tập trung vào việc rượu chè. Điều đó cũng đúng cả với bản thân tôi. Trước đây, tôi luôn tin rằng mình sẽ hạnh phúc nếu Robbie tu tỉnh. Tôi nhận thấy những người ở đó thật đẹp và một số người thậm chí vẫn đang sống với cha mẹ nghiện rượu. Nhưng họ đã học cách phớt lờ điều đó và tiếp tục chú tâm vào cuộc sống của bản thân. Tôi hiểu rằng để làm được điều đó thật chẳng dễ dàng gì, nhất là khi phải gạt bỏ thói quen cứ gánh vác mọi chuyện. Khi được nghe họ kể về quá trình vượt qua cảm giác cô đơn và trống rỗng, tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi học cách loại bỏ cảm giác thương hại bản thân cũng như học cách hài lòng về những gì mình đã làm được trong cuộc sống. Chẳng bao lâu sau, tôi không còn cảnh ngồi than khóc hàng giờ nữa đồng thời nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều thời gian vào việc ấy. Thế là tôi trở lại làm việc bán thời gian và điều này giúp tôi cảm thấy ổn thỏa hơn rất nhiều. Một thời gian sau, tôi và Robbie tính đến chuyện quay lại với nhau. Tôi chỉ muốn nắm lấy cơ hội ấy ngay lập tức nhưng người tư vấn của tôi khuyên nên đợi thêm một thời gian nữa.
Cả người tư vấn của Robbie cũng bảo như thế với anh. Lúc đó, quả thật tôi không hiểu được dụng ý của họ cho lắm nhưng do tất cả những cặp khác cùng tham gia khóa học đều đồng tình với họ nên chúng tôi cũng nghe theo. Giờ thì tôi đã hiểu lý do vì sao phải như thế. Tôi cần phải lấy lại được sự cân bằng thật sự, để không còn cảm thấy trống rỗng và đơn độc dù sống một mình.
Ban đầu, tôi cảm thấy trống rỗng như thể có một cơn gió lớn thổi ngang qua và cuốn sạch mọi thứ trong tôi. Nhưng mỗi quyết định tôi dành cho mình đã dần lấp đầy khoảng trống trong lòng. Tôi cần phải tìm hiểu những vấn đề quanh mình như: tôi là người thế nào, tôi thích cái gì và không thích cái gì, tôi mong muốn điều gì trong cuộc đời này. Và tôi không thể nào khám phá được những điều đó nếu không ở trong trạng thái cô độc hoàn toàn. Hễ có ai đó bên cạnh là lập tức tôi lại bỏ rơi chính mình và chạy theo những mối bận tâm của họ.
Khi bắt đầu nghĩ đến chuyện quay lại với nhau, tôi nhận thấy hễ có chuyện gì là tôi cũng gọi điện thoại cho Robbie, đòi gặp anh và kể lể mọi chi tiết. Nhưng tôi nhận thấy mỗi lần mình gọi điện cho Robbie thì bản thân mình lại đi lùi một bước. Vậy nên cuối cùng, hễ khi nào cần trò chuyện với ai đó, tôi lại đến các cuộc gặp mặt ở hội Al-Anon hoặc gọi điện cho người nào đó cùng hội. Tập làm điều đó chẳng khác gì tập cai sữa cho mình vậy, nhưng tôi biết tôi và Robbie cần giữ cho nhau một không gian riêng và để mọi việc diễn tiến tự nhiên, thay vì cứ cố tìm cách giải quyết, điều chỉnh nó theo ý mình. Việc kìm nén bản thân như thế thật khó khăn với tôi vô cùng. So sánh ra, tôi cảm thấy việc tôi học cách để Robbie được một mình cũng khó khăn như việc cai rượu của anh ấy vậy. Nhưng tôi biết đó là điều mình phải làm. Nếu không, tôi sẽ lại rơi vào vết xe cũ. Và thật buồn cười khi tôi nhận ra rằng mình thích được sống một mình thì cũng chính là lúc tôi sẵn sàng quay lại cuộc hôn nhân với Robbie. Gần một năm sau đó thì cả gia đình chúng tôi sum họp bên nhau. Thật ra, anh ấy chưa bao giờ muốn ly dị, dù đến tận bây giờ tôi cũng không thể hiểu được lý do vì sao. Trước đây, tôi kiểm soát tất cả mọi người. Nhưng khi tôi bắt đầu thay đổi bằng việc học cách xem nhẹ mọi việc và chấp nhận sự độc lập tương đối thì tất cả mọi người đều cảm thấy ổn thỏa. Tôi nghĩ hiện nay, mỗi thành viên trong gia đình chúng tôi đều đã có được thái độ sống tích cực hơn trước kia bởi mỗi người đều đang thật sự sống cuộc đời của riêng mình.
Ở đây, không có gì nhiều để nói thêm về câu chuyện của Janice. Nhu cầu mãnh liệt được sống với một người đàn ông yếu đuối, phụ thuộc và quản lý cả cuộc đời anh ta chính là những biểu hiện của thái độ chối bỏ, sự né tránh cũng như sự trống rỗng trong tâm hồn cô, vốn là kết quả của tuổi thơ bất hạnh. Theo nghiên cứu, những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình bất ổn thường cảm thấy có lỗi trước những rắc rối của gia đình. Chính vì vậy, chúng luôn tìm cách để giải quyết mọi vấn đề. Trẻ thường sử dụng ba cách cơ bản sau để "cứu" gia đình mình: Tỏ ra không hiện hữu, tỏ ra tệ hại hoặc tỏ ra tốt đẹp.
"Tỏ ra không hiện hữu “nghĩa là trẻ không bao giờ đòi hỏi bất kỳ thứ gì cho mình cũng như không bao giờ gây rắc rối. Sở dĩ trẻ chọn cách này là vì không muốn tạo thêm gánh nặng cho bầu không khí vốn đã căng thẳng của gia đình. Lúc nào nó cũng ở lỳ trong phòng, nói rất khẽ và tạo cho mọi người cảm giác những gì nó nói không hề có ý cam kết. Ở trường, trẻ học không giỏi nhưng cũng không tệ và hầu như không hề đọng lại trong trí nhớ của bạn bè. Và nó tê liệt trước nỗi đau của chính mình, không hề cảm nhận được điều gì.
"Tỏ ra tệ hại" nghĩa là trẻ nổi loạn và phạm tội ở tuổi vị thành niên. Khi một đứa trẻ chọn cách xử sự này thường nghĩ rằng đời mình coi như bỏ đi và chấp nhận trở thành tâm điểm của nỗi đau khổ, sự giận dữ, sợ hãi và thất vọng của gia đình. Nó sẽ trở thành đề tài chung cho cha mẹ quan tâm – bất kể họ có mối bất hòa gì chăng nữa. Có thể họ sẽ phải hỏi nhau: "Mình nên làm gì với con bé Joan bây giờ?", thay vì băn khoăn: "Mình sẽ làm gì với cuộc hôn nhân này?". Bằng cách này, trẻ tin rằng mình đang "giải cứu" cho gia đình.
Riêng với bản thân, trẻ chỉ có duy nhất một cảm xúc, đó là sự giận dữ. Cảm xúc đó che lấp cả nỗi đau và sự sợ hãi bên trong nó.
Trong khi đó, những đứa trẻ "tỏ ra tốt đẹp" lại tương tự như trường hợp của Janice. Những thành tích đạt được của cô chính là nhằm mục đích khỏa lấp tình trạng tệ hại của gia đình cũng như sự trống vắng trong lòng cô. Bên ngoài, trông cô thật hạnh phúc, sáng ngời và đầy sức sống trong khi bên trong cô chính là sự lo sợ, căm phẫn và căng thẳng. Với cô, việc tỏ ra mình đang sống thật tốt đẹp còn quan trọng hơn cả việc cảm thấy mình tốt đẹp hoặc bất kỳ điều gì khác.
Và điều không thể tránh khỏi là Janice cần chăm sóc một ai đó để bổ sung vào danh sách thành tích của mình. Và do đó, Robbie - bản sao của người cha nghiện rượu và một người mẹ sống lệ thuộc thụ động - chính là sự lựa chọn hoàn hảo của cô. Robbie (và sau này là những đứa con) trở thành sự nghiệp và mục tiêu để cô né tránh cảm xúc thật của mình.
Khi không còn chồng con để bận tâm chăm sóc, Janice không tránh khỏi cảm giác đổ vỡ và hụt hẫng. Không có họ, những cảm xúc ấy sẽ chế ngự cô. Trước nay, Janice luôn nghĩ mình là một phụ nữ mạnh mẽ, có thể giúp đỡ, động viên và khuyên bảo mọi người khác. Thế nhưng thật ra, vai trò của Robbie và bọn trẻ đối với cô quan trọng hơn là vị trí của cô đối với họ. Dù họ thiếu "sự mạnh mẽ" và "chín chắn" của cô, nhưng họ vẫn có thể tồn tại mà không có cô. Trong khi đó, cô lại không thể sống bình thường mà không có họ. Việc gia đình của Janice được cứu vãn chủ yếu là do họ đã gặp được cặp vợ chồng chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm và tốt bụng. Họ nhận ra rằng bệnh tình của cả Janice lẫn Robbie đều nguy hại như nhau và mỗi bước tiến nhỏ trong quá trình bình phục của Janice đều hết sức quan trọng.
Đối với những phụ nữ được đề cập đến trong chương này, để thật sự hồi phục, họ phải đối diện với nỗi đau của mình, cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Khi còn bé, họ phải tự tạo cho mình một hình thức để tồn tại, trong đó có cả việc chối bỏ thực tại và kiểm soát tình huống. Khi lớn lên, hình thức đó đã trở thành những khiếm khuyết của họ.
Đối với những phụ nữ yêu mù quáng, thói quen chối bỏ thực tế đã được tái diễn dưới suy nghĩ rất cao thượng là "bỏ qua những khuyết điểm của anh ấy" hoặc "giữ quan điểm lạc quan" đồng thời xem khiếm khuyết của người bạn đời chính là cơ hội để thực hành vai trò quen thuộc ngày trước. Dưới lớp suy nghĩ ngụy trang "có ích và khuyến khích người khác", họ phớt lờ nhu cầu kiểm soát của bản thân.
Chúng ta cần hiểu rằng việc chối bỏ sự thật và tìm cách kiểm soát mọi việc không giúp ta cải thiện được các mối quan hệ quanh mình. Tệ hơn nữa, nó sẽ dẫn ta đến các mối quan hệ giúp tái hiện những khó khăn ngày trước và buộc ta phải đấu tranh không ngừng để kiểm soát mọi việc và thay đổi người khác thay vì thay đổi chính bản thân mình.
Bây giờ, chúng ta hãy quay lại với câu chuyện cổ tích "Giai nhân và Quái vật" mà tôi đã đề cập ở phần đầu chương. Như đã lưu ý với bạn, câu chuyện này chuyển tải niềm tin rằng người phụ nữ hoàn toàn có khả năng thay đổi nam giới, chỉ cần cô yêu anh ta hết mình. Hiểu như thế, dường như câu chuyện này đã bào chữa cho thái độ chối bỏ thực tế và nhu cầu kiểm soát mọi thứ nhằm đạt được hạnh phúc trong tình yêu của người phụ nữ. Bằng tình yêu không suy tính (nghĩa là chối bỏ thực tế) dành cho con quái vật, cô gái trong câu chuyện đã có một sức mạnh để thay đổi (kiểm soát) anh ta. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng sự diễn giải này không hề góp phần tạo nên giá trị của câu chuyện. Câu chuyện này tồn tại không phải vì nó củng cố đạo lý hay khuôn mẫu văn hóa của thời đại mà là do nó tiêu biểu cho một định luật siêu hình, một bài học sống động về cách sống khôn ngoan. Câu chuyện chính là một tấm bản đồ bí mật mà chúng ta, nếu đủ khôn ngoan để giải mã ý nghĩa và đủ can đảm để thực hành theo, có thể sẽ tìm thấy được một kho tàng vô giá. Đó chính là "hạnh phúc vĩnh hằng" của bản thân ta.
Thế thì, ý nghĩa của câu chuyện "Giai nhân và Quái vật" là gì ? Đó chính là sự thừa nhận. Thừa nhận là phản đề của sự chối bỏ và kiểm soát. Đó là tinh thần sẵn sàng nhận biết thực trạng của vấn đề và cho phép thực trạng đó tồn tại mà không có ý định thay đổi nó. Khi đó, con người sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc từ cảm giác yên bình nội tại chứ không phải từ tác động bên ngoài, ngay cả khi họ phải đối diện với thử thách và hiểm nguy.
Bạn hãy nhớ rằng trong chuyện cổ tích, "Người đẹp" không hề có ý muốn thay đổi con quái vật. Cô ngợi ca và chấp nhận chính bản thân con quái vật cũng như trân trọng những đức tính của nó. Cô không hề có ý biến đổi nó từ con quái vật thành hoàng tử. Cô ta không hề nói: "Tôi sẽ hạnh phúc nếu chàng biến thành người”. Cô cũng không hề thương hại nó. Và bài học nằm ngay ở đây. Nhờ thái độ chấp nhận của "Người đẹp”, con quái vật cảm thấy tự do để thể hiện những mặt tốt nhất ở mình. Việc con quái vật hóa thân thành hoàng tử điển trai (và trở thành người bạn đời hoàn hảo của "Người đẹp”) chính là sự tưởng thưởng cho việc biết chấp nhận thực tế của cô. Đó là một phần thưởng lớn lao bởi về sau, họ đã sống hạnh phúc cùng nhau đến đầu bạc răng long.
Chấp nhận bản chất vốn có của một con người mà không hề cố ý thay đổi người ấy là sự thể hiện của một tình yêu cao cả nhưng lại rất khó thực hiện đối với hầu hết chúng ta. Thật ra, nguồn căn của những nỗ lực thay đổi người khác trong chúng ta chính là động cơ mang tính ích kỷ, với niềm tin rằng sự thay đổi của người ấy sẽ mang đến hạnh phúc cho mình. Ở đây, mong muốn được sống hạnh phúc không có gì là sai trái cả, nhưng đi tìm hạnh phúc từ những yếu tố bên ngoài bản thân hoặc đặt nó trong tay người khác đồng nghĩa với việc ta đã tránh né khả năng lẫn trách nhiệm của bản thân trong việc thay đổi cuộc sống của mình.
Trong khi đó, chính hành động chấp nhận thực tế của ta lại có khả năng thay đổi được người khác. Hãy cùng phân tích xem vì sao lại như thế nhé. Giả sử một cô gái có người yêu nghiện việc và cô không ngừng giảng giải, tranh cãi với anh ta về việc anh ta cứ vắng nhà biền biệt. Vậy thì kết quả thông thường của hành động này là sao? Anh ta sẽ vắng nhà nhiều hơn và cảm thấy mình có quyền làm thế để thoát khỏi những lời ca thán bất tận của cô. Nói cách khác, khi la rầy, van xin và cố gắng thay đổi người yêu của mình, cô gái ấy lại khiến cho anh ta tin rằng vấn đề của họ không phải nằm ở tật tham công tiếc việc của anh ta mà chính là thói ca cẩm của cô. Không những thế, việc cô gái không ngừng thúc bách người yêu của mình thay đổi có thể đào sâu thêm hố ngăn tình cảm giữa hai người. Do vậy, nỗ lực xóa bỏ khoảng cách trong tình yêu của cô gái đó lại càng đẩy người yêu của cô đi xa cô hơn.
Tham công tiếc việc cũng là một chứng rối loạn nghiêm trọng và nó cũng giống như mọi hành vi mang tính ép buộc khác. Có thể anh ta nghiện việc là nhằm bảo vệ bản thân khỏi những trải nghiệm tình cảm khiến anh ta cảm thấy sợ hãi, đồng thời giúp ngăn chặn việc nảy sinh những cảm xúc bất ổn khác, mà trước hết là sự lo lắng và tuyệt vọng. Cần nói thêm rằng nghiện việc là biện pháp mà những người đàn ông xuất thân từ các gia đình bất ổn dùng để tránh né bản thân mình, giống như bản chất của thái độ yêu mù quáng của những phụ nữ lớn lên từ các gia đình tương tự. Cái giá mà anh ta phải trả cho thái độ né tránh của mình chính là cuộc đời đơn điệu, không tận hưởng hết được những niềm vui trong cuộc sống. Chỉ khi nào thật sự thức tỉnh, anh ta mới có thể chấp nhận đương đầu với mọi rủi ro để thay đổi mình. Và nhiệm vụ của người phụ nữ đứng sau những người đàn ông này không phải là cố gắng sửa chữa anh ta mà chính là cải thiện bản thân mình.
Phần lớn chúng ta đều có khả năng được sống hạnh phúc và thỏa mãn nhiều hơn những gì ta có thể nhận biết. Nhưng thường thì ta lại không nhận ra điều đó vì mãi bị chi phối bởi hành vi của người khác. Chúng ta phớt lờ trách nhiệm của mình trong việc phát triển bản thân nhưng lại luôn tìm cách thay đổi và lôi kéo người khác, để rồi trở nên giận dữ, thất vọng và đau khổ khi gặp thất bại. Cố gắng thay đổi người khác thường chỉ mang lại cho ta đau khổ và bực dọc; trong khi sử dụng sức mạnh vốn có để thay đổi bản thân lại có thể giúp ta tạo ra nhiều niềm vui lớn.
Để vợ của người nghiện việc có thể tự do sống một cuộc đời trọn vẹn bất kể người chồng có làm gì chăng nữa thì cô ấy phải tin rằng vấn đề của anh ta cũng như việc thay đổi anh ta nằm ngoài khả năng, trách nhiệm và quyền hạn của cô. Cô cần phải học cách tôn trọng quyền tự do của anh ta.
Một khi làm được điều đó, người phụ nữ ấy sẽ cảm nhận được cảm giác tự do: không còn oán giận vì sự bất tài của chồng mình, thoát khỏi gánh nặng và cảm giác tội lỗi khi không thể thay đổi được anh ta (vốn là điều cô không thể làm được). Khi đó, cô có thể yêu thương và trân trọng chồng mình nhiều hơn vì những phẩm chất tốt đẹp ở anh.
Một khi từ bỏ thói quen thay đổi người bạn đời của mình và chuyển nguồn năng lượng của bản thân sang việc phát triển những sở thích cá nhân, người phụ nữ ấy sẽ trải nghiệm được những mức độ khác nhau của hạnh phúc. Cuối cùng, cô có thể đạt được những mục tiêu của mình và được tận hưởng cuộc sống xứng đáng với mình mà không cần phải dựa dẫm quá nhiều vào chồng. Hoặc có thể khi ấy, cô sẽ quyết định sống một cuộc đời tự do, không ràng buộc với cuộc hôn nhân không xứng đáng. Và cả hai tình huống đó chỉ xảy ra khi cô từ bỏ mong muốn thay đổi người bạn đời của mình. Nếu không, cô mãi mãi sẽ sống trong cuộc đời ảo mộng, luôn chờ đợi viễn cảnh một ngày nào đó người ấy sẽ thay đổi và cô có thể bắt đầu một cuộc đời mới cho mình.
Khi một phụ nữ yêu mù quáng chấm dứt việc tìm cách thay đổi người đàn ông của mình, thì người đàn ông ấy sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Và trong khi người phụ nữ trở nên tự tin hơn thì người đàn ông lại rơi vào trạng thái trái ngược, nghĩa là trăn trở nhiều hơn về sự tồn tại của bản thân mình. Lúc đó, có thể anh ta sẽ phải đấu tranh để thoát khỏi mọi sự ám ảnh của đời mình, để sống đàng hoàng, tử tế và gắn bó với cô hơn, cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Hoặc cũng có thể anh ta sẽ không làm được điều đó. Nhưng dù cho anh ta có chọn lựa thế nào chăng nữa thì người phụ nữ vẫn sẽ cảm thấy tự do khi biết chấp nhận bản chất vốn có của người bạn đời của mình, để có thể sống một cuộc đời hạnh phúc cho riêng mình mãi mãi.