L
úc đó là một giờ sáng. Tôi nhận ra giọng nói ở đầu dây bên kia điện thoại là của một trong các sếp ở công ty dầu mỏ nơi tôi làm việc. Ông gọi tôi bằng biệt danh. Mỗi công nhân làm việc trên giàn khoan dầu đều có một biệt danh, và có khi chúng tôi còn chẳng biết tên thật của nhau.
“Rockbit, khoảng hai mươi phút nữa anh có mặt ở giàn khoan Cold Springs được không?”
“Không kịp đâu, nhưng tôi có thể đến đó trong hai mươi lăm phút nữa.”
“Có gió bấc thổi từ Canada, và đây là một trong những đợt rét kỷ lục. Mấy tuần qua vùng đông nam Texas có mưa lớn. Gió bấc mà vào nữa thì cả khu vực cuối Texas sẽ đóng băng. Chúng ta cần tập hợp mọi công nhân của giàn khoan đến Cold Springs để giữ giếng dầu ở đó hoạt động. Nếu ngưng làm việc ba hoặc bốn ngày, chúng ta sẽ mất giếng”.
“Blackie đâu rồi?”
“Chắc ông ấy đang ở giàn khoan gần Shepherd, nhưng điện thoại di động của chúng tôi đang chập chờn. Chúng tôi vẫn đang cố gọi ông ấy. Nếu Blackie không tới được, chúng ta chắc chắn sẽ mất giếng.”
Tôi trả lời: “Blackie chưa từng để mất giếng dầu nào trong đời”.
“Chúng tôi biết, nhưng nếu giàn khoan bị đóng băng thì chúng ta sẽ mất giếng.”
Tôi gác máy, và điều đầu tiên tôi làm là trải một tấm vải xuống sàn phòng khách của căn nhà nhỏ xíu mà tôi đang sống. Sau đó tôi quăng đồ hộp cùng mọi thứ mà tôi nghĩ là không thể bị đổ lên tấm vải. Tôi túm bốn góc của tấm vải rồi cột lại và quăng nó lên băng ghế sau xe.
Tôi mở thùng xe và kéo ra bốn xích lốp. Các xích lốp này dùng để quấn quanh lốp xe như lớp bọc thép, nhờ đó mà xe không bị mắc kẹt trên con đường đóng băng. Sau đó tôi lái xe đến trạm xăng duy nhất còn mở cửa giữa đêm khuya, mua sáu thùng xăng mười chín lít và đặt vào thùng xe.
Khi tôi rời nhà mình ở Cleveland, bang Texas, trời đang mưa lớn và gió thổi rất mạnh. Tôi đi được khoảng tám cây số thì gió bấc thổi đến và làm đóng băng mọi thứ trong tầm nhìn. Nếu không nhờ mấy chuỗi xích thép, có lẽ xe của tôi đã không trụ nổi trên đường. Cuối cùng kính xe của tôi cũng bắt đầu bị đóng băng. Xe tôi có đèn pha, loại đèn mà hầu như xe của công nhân khoan dầu nào cũng có. Tuyết dày lên nhanh đến nỗi ánh sáng chói lọi của đèn cũng không đủ để tôi nhìn thấy con đường trước mặt.
Tôi thò đầu ra cửa sổ để có thể nhìn thấy đường lái xe, chốc chốc tôi lại phải dừng xe để lau lớp băng bám trên mặt. Cuối cùng tôi phải vừa mở cửa xe vừa cố giữ chân ga.
Rốt cuộc tôi cũng đến được Cold Springs. Tôi rẽ vào một con đường đất và đối mặt với điều gần như bất khả thi, đó là phải lái xe hơn gần hai cây số trên con đường lát ván gỗ phủ băng để đi sâu vào trung tâm khu rừng. Con đường được lát bằng những tấm ván dày mười xăng-ti-mét và có chiều rộng gần bốn mét. Và con đường lúc ấy đã bị biến thành một tảng băng cứng.
Tôi từ từ cho xe chạy vào con đường lót ván và thận trọng đi sâu vào khu rừng hiểm trở. Tôi xoay xở lái xe được đến cuối con đường, và đèn pha của tôi soi rõ hai thứ. Một là giàn khoan cao bảy tầng đã biến thành tháp băng. Hai là thứ mà người trong ngành dầu khí chúng tôi gọi là “chuồng chó”. Thực ra đó là phòng giám sát khoan - một căn phòng di động nhỏ có rất ít tiện nghi. Lúc đó, có vẻ như chúng tôi sẽ bị cô lập ít nhất một tuần.
Tôi nhìn tháp băng một lần nữa. Nếu trong vòng ba ngày mà bùn và xi măng vẫn không lưu thông được thì chúng tôi sẽ mất giếng. Theo tôi, dù là người hay là thánh cũng không thể cứu vãn chuyện này.
Tôi bước vào phòng giám sát khoan. Tôi vẫn nhớ tên của những người thợ có mặt ở đó. Tôi cảm thấy biết ơn khi biết mình được ở cùng bảy trong số những công nhân giàn khoan giỏi giang, mạnh mẽ và can đảm nhất Texas. Đó là Grunt, Mopey, Runt, Stump, Brother và Little Brother, và còn có cả anh thợ khoan Tarz. Người duy nhất có chức vụ cao hơn anh ấy là Blackie, giám sát viên của ba điểm khoan khác nhau. Năm đó tôi mười bảy tuổi và là người nhỏ tuổi nhất trong phòng, nhưng tôi đã là một thợ khoan dầu mỏ từ năm mười bốn tuổi.
“Có ai liên lạc được với Blackie không?”
“Có, mới một phút trước.”
Một điều cần lưu ý là Blackie là một huyền thoại của ngành dầu khí. Ông chưa bao giờ nói về mình, nhưng những ai từng làm việc với ông đều có rất nhiều câu chuyện về ông.
Blackie từng thuê một thanh niên tên Red - người không có chút kiến thức gì về giếng dầu. Sau này, Red trở thành người nổi tiếng nhất trong ngành dầu khí, kiếm tiền bằng nghề dập tắt các đám cháy mỏ. Chi phí cho một lần chữa cháy của Red là một triệu đô-la. Nhưng phải công nhận là công việc của ông xứng đáng với mức giá đó, vì nếu Red đang dập đám cháy mà ngọn lửa bùng lên lại, ông sẽ chìm trong biển lửa.
Có lẽ Red không bao giờ thừa nhận điều này, nhưng Blackie không chỉ thuê Red vào làm công nhân giàn khoan dầu, mà còn dạy ông cách dập tắt các đám cháy. Với năng lực của mình, Red nhìn ra tiềm năng tài chính từ việc chữa cháy hơn Blackie, và nhờ vậy mà ông trở thành một trong những người giàu nhất Texas.
Blackie còn thuê một người nữa và người này cũng trở thành huyền thoại trong ngành dầu khí. Tên của ông ấy là Glenn McCarthy. Cuộc đời của Glenn cũng lắm thăng trầm, có khi mới năm trước ông còn là triệu phú mà năm sau đó ông đã không còn một xu dính túi. Mới đây ông xây một khách sạn mang tên Shamrock ở Houston.
Điều phi thường nhất về Blackie là ông có khả năng phán đoán xem dưới lòng đất sâu một ngàn năm trăm mét kia có dầu hay không. Một lần nọ, Haliburton đến để lấy mẫu lõi. Ở đó, người có bằng tiến sĩ dầu khí thường phải sử dụng hóa chất để kiểm tra mẫu lõi. Blackie thì không có bất kỳ phương pháp nào hay ho như vậy để xác định vị trí của mỏ dầu. Ông đơn giản chỉ cầm một mẫu lõi, cắn và nhai nó. Bất kể các kỹ sư dầu khí phán đoán ra sao, khi Blackie đưa ra ý kiến thì ý kiến của ông sẽ thắng thế.
Không ai nghĩ Blackie sở hữu khả năng thiên tài đó. Ông lớn lên trong một gia đình mù chữ gốc Cajun(5) và sống tại một quận nghèo nhất nước Mỹ. Đến khi cưới vợ, ông vẫn không biết đọc hay viết tên mình, nhưng ông đã bộc lộ tố chất thiên tài trong việc giải quyết vô số vấn đề nảy sinh khi khoan dầu. Có lẽ điều khiến ông được đồng nghiệp biết đến nhiều nhất chính là sức mạnh siêu phàm của mình.
(5) Cajun: những cư dân người Canada gốc Pháp định cư tại vùng Louisiana, miền Nam nước Mỹ
Trở về phòng giám sát khoan, chúng tôi đang đợi Blackie đến thì thấy đèn pha của một chiếc xe đang chạy xuống con đường lát gỗ đóng băng. Chúng tôi gần như đồng thanh kêu lên: “Blackie kìa!”.
Blackie bước vào phòng giám sát khoan, và Tarz lên tiếng phát biểu một điều đã quá rõ ràng: “Blackie, chúng ta sẽ mất giếng dầu này”.
Blackie không nói một lời nào. Ông bước ra ngoài và nhìn tháp khoan thật lâu. Mặt đất bên ngoài phòng đã bị phủ trong lớp băng dày chừng mười phân. Cầu thang dẫn lên sàn giàn khoan cao ba phẩy sáu mét so với mặt đất và cũng bị băng bao phủ. Tháp khoan trông như làm bằng băng chứ không phải bằng kim loại nữa. Một mặt tháp khoan có dựng cái thang bằng thép, rộng hai tấc và cao bảy tầng. Khoảng cách giữa mỗi bậc thang là ba tấc.
Blackie vào kho dụng cụ và trở ra với một túi đeo có đựng một cái cờ lê. Ông đeo cái túi quanh hông rồi đi về phía tháp băng bảy tầng.
“Blackie đang cố cứu cái giếng đó”, có người hét to.
“Vô ích thôi”, một người khác nói.
“Không chừng ông ấy sẽ phải bỏ mạng đấy!”
Theo bản năng, tất cả chúng tôi chạy lại xe của mình và hướng toàn bộ đèn pha vào Blackie. Lúc đó là hai giờ rưỡi sáng. Tôi cứ nghĩ đêm hôm đó tôi phải chứng kiến cảnh Blackie ngã từ tầng bảy xuống đất và tử vong.
Blackie bắt đầu phá các khối băng bám trên cầu thang dẫn lên sàn giàn khoan. Nhiều lần ông suýt trượt chân, nhưng ông luôn nắm được một tay vào thang. Sau đó ông phá được một lối nhỏ để đến được cái thang dựng ở một mặt tháp khoan. Cái thang này cũng đang bị vùi dưới tám phân băng đá.
Blackie cứ thế phá khối băng ở hai bên thang cho đến khi cái thang trống được khoảng ba tấc. Sau đó, chúng tôi thấy ông làm một việc mà rất ít người trên đời làm được. Với một tay bấu chặt lớp băng cứng và hai chân treo lủng lẳng, Blackie dùng sức của một cánh tay để nâng cả người lên cho đến khi thắt lưng của ông ngang với bàn tay.
Có người thì thầm: “Tôi biết ông ấy rất khỏe, nhưng tôi chưa từng thấy ai làm được như vậy”.
Một người khác nói thêm: “Chưa ai từng chứng kiến chuyện này đâu”.
Hành trình chinh phục tháp băng của Blackie thật dài. Ông phá băng ở mỗi bậc thang, cất cái cờ lê vào túi, nhấc mình lên bậc tiếp theo rồi lại tiếp tục đập bỏ khối băng cứng gần như bất di bất dịch ở bậc tiếp theo.
Chúng tôi đứng xem ông làm việc hàng giờ liền. Cuối cùng Blackie cũng lên được đến lan can bọc quanh đỉnh tháp. Sau khi phá được khoảng sáu tấc băng trên lan can, Blackie xoay xở đến được chỗ trục quay khổng lồ trên đỉnh tháp khoan. Nếu bây giờ ông trượt tay thì ông sẽ ngã từ độ cao hai mươi lăm mét xuống đất.
Cuối cùng, với hai bàn tay như hai gọng kìm, Blackie nhấc người lên, leo lên sợi cáp khổng lồ rồi bắt đầu phá khối băng bao quanh nó.
Một trong những điều gây tò mò về Blackie là ông không bao giờ khoe khoang về bản thân. Nhưng ông luôn biết rõ mình là ai và mình đang làm gì. Ông có một cái răng bằng vàng, và hiếm lắm ông mới cười tươi tới mức bạn có thể nhìn thấy cái răng đó. Thường thì ông chỉ mỉm cười. Đó là cách Blackie nói: “Tôi làm được rồi!”.
Tất cả chúng tôi đều lặng người. Chuyện xảy ra tiếp theo thật bất ngờ. Blackie - người đàn ông chỉ cao một mét sáu mươi lăm, đứng thẳng người, giơ cao nắm đấm với điệu bộ của một võ sĩ quyền anh vừa thắng trận. Khi Blackie làm vậy, chúng tôi chiếu tất cả đèn pha về phía ông và đồng thanh kêu lên…
“King Kong!”(6)
(6) Một trong những biểu tượng điện ảnh lớn nhất thế giới, có hình dạng một chú khỉ đột khổng lồ và sở hữu sức mạnh phi thường.
Chúng tôi bắt đầu cổ vũ ông. Ai nấy đều chạy ra xe, bấm còi inh ỏi và hướng đèn pha lên tháp khoan, vòng lan can và Blackie.
Việc tiếp theo Blackie làm thậm chí còn nguy hiểm hơn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết ông đã làm điều đó như thế nào. Bên dưới trục quay lơ lửng một sợi cáp dài khoảng mười mét nối với khối ròng rọc khổng lồ bên dưới. Chúng tôi kinh hãi nhìn Blackie trượt xuống chiếc cáp phủ đầy băng dài ba mươi mét dẫn xuống ròng rọc. Ông đứng trên đó một lúc, hoàn toàn cô lập.
Sau khi Blackie đã phá băng khỏi lan can trên đỉnh tháp thì việc phá băng phủ trục cáp trên sàn là chuyện nằm trong khả năng của một người thợ bậc thầy. Chúng tôi lao ra khỏi phòng giám sát khoan và trượt ngã, trèo lên rồi lại ngã xuống cho đến khi lên được sàn của giàn khoan. Với mọi công cụ trong tay, chúng tôi bắt đầu đập lớp băng đóng cứng dây cáp chính. Việc này giúp chúng tôi khởi động lại động cơ diesel.
Giờ thì Tarz có thể chầm chậm kéo khối ròng rọc xuống sàn. Ông bắt đầu kéo dây cáp lên xuống nhẹ nhàng khoảng vài xăng-ti-mét. Những mảng băng nhỏ từ chỗ lan can đến chỗ Blackie đang đứng bắt đầu bong ra. Tarz lại kéo dây cáp thêm nhiều lần nữa. Việc này mất ba mươi phút, nhưng băng đang dần rơi khỏi trục cáp và lan can tháp khoan. Bằng cách kéo ròng rọc di chuyển lên xuống từng chút một, Tarz đã cứu được toàn bộ hệ thống ròng rọc đang đóng băng. Trong lúc đó, Blackie bám chặt vào sợi cáp đóng băng, biết chắc rằng Tarz có thể phá vỡ băng tại khu vực trung tâm tháp.
Khối ròng rọc to cỡ một chiếc xe buýt và nặng còn hơn thế.
Blackie không hề rời khỏi đó. Khối ròng rọc khổng lồ từ từ được hạ xuống sàn tháp khoan, nơi giờ đây đã không còn đóng băng. Blackie nhảy xuống khi nó gần tiếp sàn.
Vài phút sau, chúng tôi đều quay trở lại xe của mình, bóp còi và nhá đèn xe, tạo thành một bữa tiệc mừng chói lóa trên ngọn tháp.
Ngày hôm sau, và cả trong vài tuần tiếp theo, tất cả mọi người trong ngành dầu khí ở Texas truyền tai nhau câu chuyện Blackie cứu một giếng khoan bị đóng băng. Đêm đó, chúng tôi đã khoan giếng dầu, kéo đường ống lên rồi nhét nó xuống mặt đất trở lại để chắc chắn rằng cả bùn lẫn xi măng đều không bị đông cứng.
Giờ hãy cùng tôi quay lại thời điểm Blackie bước xuống tháp khoan. Người ông phủ đầy băng tuyết. Tôi chạy thật nhanh ra xe trong khi ông đang lảo đảo bước xuống thang. Tôi bật máy sưởi trong xe hết công suất và mang hết chăn mền xuống ghế sau. Blackie bước tới xe của tôi, mở cửa và ngồi vào trong. Tôi đã kinh hoàng trước những gì mình nhìn thấy. Toàn thân ông run bần bật. Băng bám khắp người ông, cả trong người lẫn ngoài lớp quần áo. Tôi chưa từng thấy ai đổ mồ hôi nhiều như vậy, và hơi nước bốc lên khắp người ông.
Vài phút sau khi ngồi trong xe, Blackie hỏi: “Con ấm chứ?”. Tôi trả lời: “Dạ vâng”. Blackie cười toe toét, để lộ chiếc răng vàng của ông.
Blackie biết trong bốn giờ đồng hồ vừa qua, ông đã làm một điều mà không ai trên đời này làm được. Người đàn ông Louisiana thầm lặng này là ai… mà được yêu thương, tôn trọng và thậm chí là kính nể đến thế?
Blackie lớn lên trong cảnh nghèo đói và thất học khó ai tưởng tượng nổi. Năm mười lăm tuổi, Blackie đến buổi họp mặt của các Ki-tô hữu gần Winnfield, bang Louisiana. Hôm đó ông để chân trần, mặc áo jean, quần dài và dùng một sợi dây thừng để thắt lưng. Đó là bộ quần áo duy nhất ông có. Ông không biết đọc, không biết viết và cũng không thể đánh vần tên của mình. Cuối buổi họp mặt, Blackie tiến về phía trước, quỳ xuống và nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế của mình.
Ở Texas, hai mươi năm sau khi cải đạo, ông kết hôn và có hai người con trai. Blackie xót xa nhìn con trai nhỏ mắc bệnh bạch hầu, bị sốt thấp khớp và sau đó bị bệnh ban đỏ. Cuối cùng, cậu bé mắc bệnh viêm phổi. Không có gì ngạc nhiên khi một hôm bác sĩ thông báo với vợ chồng Blackie: “Con trai anh sẽ không qua khỏi đêm nay”. Nghe vậy, Blackie gom hết thuốc men trong nhà đi đổ.
Cả nhà thức đêm cầu nguyện cho cậu bé. Cậu bé đang sốt bừng bừng. Bác sĩ đến khám hai lần mỗi ngày. Cậu bé ba tuổi phải vật lộn với từng hơi thở vì hai phổi tràn dịch.
Cuối cùng, Blackie vừa khóc lóc vừa run rẩy quỳ xuống và bắt đầu mặc cả với Chúa. “Xin Ngài để thằng bé sống và chúng con xin dâng con của mình lên Ngài. Thằng bé thuộc về Ngài và hãy làm mọi thứ Ngài muốn.” Chỉ một lúc sau, cậu bé hạ sốt. Cuối cùng thì cậu bé đã sống.
Tôi có cần tiết lộ với bạn không nhỉ? Tôi chính là cậu bé ba tuổi đó. Tôi là con trai út của vợ chồng Blackie.
Và giờ đây, bằng tất cả niềm kiêu hãnh và vinh dự mà một người con có thể dành cho cha mẹ mình, tôi muốn nói rằng Blackie Edwards chính là cha của tôi.