P
rem Pradhan, một người Nepal, là Ki-tô hữu vĩ đại nhất mà tôi từng biết. Những gì ông trải qua trong cuộc sống vượt xa mọi câu chuyện đời mà tôi từng nghe. Hành trình của ông đã trải qua trong khổ ải, đàn áp, trong sứ vụ và trong công cuộc xây dựng giáo hội dưới những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Để tìm được một câu chuyện có mức độ thăng trầm ngang với câu chuyện của Prem Pradhan, chúng ta cần đi ngược dòng lịch sử trở về thời của Phao-lô.
Bạn chỉ cần đọc thư thứ hai của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô, chương sáu và chương mười một, là có thể hiểu chuyện đời của Prem Pradhan.
Nếu bạn nghi ngờ về câu chuyện làm chứng cho Chúa của Prem Pradhan thì hãy thực hiện thử thách của tôi: Hãy thử xem bạn có thể tìm được ai mang trên mình đầy vết sẹo của gông cùm và xiềng xích xung quanh cổ tay và cổ chân không. Nếu bạn chưa từng thấy những vết sẹo kiểu đó, thì hãy cố tưởng tượng thế này: vết sẹo có màu trắng đục như sữa và cứng như tấm da thuộc, và lông không thể mọc trên những vết sẹo đó.
Đó cũng là những gì tấm lưng của Thánh Phao-lô thành Tarsus phải chịu sau khi ông bị người Do Thái dùng roi đánh năm lần (mỗi lần ba mươi chín roi). Ngoài ra, ông còn bị tra tấn ba lần bằng roi bạch dương La Mã, một hình phạt kinh khủng hơn nhiều so với bị đánh bằng roi da. Ông liên tục phải chịu đau đớn với những cử động nhỏ nhất, từ vươn vai đến bị ai đó vô tình va vào người. Đó là thân thể Phao-lô thành Tarsus, và những vết sẹo của Prem Pradhan cũng y như thế.
Trong suốt nhiều năm, Prem là bạn thân nhất của tôi. Ngoài kết hôn với Helen, vinh dự lớn nhất của đời tôi là thỉnh thoảng được làm việc cùng Prem Pradhan. Chúng tôi ngồi lại với nhau nhiều lần tại nhà tôi và tại các buổi họp mặt.
Một ngày nọ, tôi có vinh dự phỏng vấn Prem.
Tôi hỏi ông tên và địa điểm của từng trại giam trong số năm lần ông ngồi tù. Ông liền nhớ lại tên các trại giam, sau đó ông mô tả và cho tôi biết vị trí chính xác của chúng. Thậm chí ông còn kể chi tiết những gì đã xảy ra khi ông phải ngồi tù bốn lần, mỗi lần bốn năm, tổng cộng là mười sáu năm tù. (Trong lần đi tù thứ năm, ông chỉ bị giam đúng một ngày. Tuy nhiên, đó lại là ngày đau khổ nhất cuộc đời ông.)
Prem luôn mở đầu câu chuyện làm chứng cho Chúa của mình bằng câu nói: “Tôi đến từ Nepal, một quốc gia nhỏ ở phía bắc Ấn Độ”.
Nepal có một số luật lệ rất thú vị. Nếu cải sang một tôn giáo khác với tôn giáo bạn đã theo khi vừa sinh ra, thì bạn phải ngồi tù một năm. Nếu rao giảng sứ điệp của tôn giáo mới, bạn phải ngồi tù bốn năm. Prem có một vai trò lịch sử mà không ai khác trên thế giới đã, đang hoặc sẽ trải qua. Prem là Ki-tô hữu đầu tiên và cũng là nhà truyền giáo đầu tiên ở Nepal. Hơn nữa, hàng trăm người cải đạo tiếp theo đều được chính Prem Pradhan đưa đến với Chúa. Họ là những người được ông cải đạo trong bốn năm đầu ông ngồi tù và những năm sau đó. (Ông cải đạo cho tất cả tù nhân trong lúc bị giam cùng họ.)
Prem là người khởi xướng giáo hội Ki-tô giáo đầu tiên ở Nepal. Giáo hội này được hình thành chủ yếu bởi những người được Prem dẫn dắt đến với Chúa và chịu phép rửa tội khi đang ở trong tù.
Sau đây là câu chuyện cải đạo của Prem.
Ông là đại úy của quân đội Nepal và được huấn luyện đặc biệt ở Ấn Độ. Trong thời gian đó, ông đã nghe một số người rao giảng phúc âm trên phố. Prem vội đến chỗ họ và hỏi câu hỏi mà ông đã suy tư trong suốt cuộc đời mình: “Tôi có thể làm gì để không phải xuống địa ngục?”. Ông kinh hãi địa ngục.
Họ kể cho ông nghe về Chúa Giê-su, và ngay trong ngày hôm đó, ông đã tuyên nhận Thiên Chúa và chịu phép rửa tội.
Các Ki-tô hữu dẫn đưa Prem đến với Chúa đã khuyên ông đọc toàn bộ Kinh Thánh mỗi sáu tuần và đọc Kinh Tân Ước hàng tuần. Prem nói: “Tôi đã làm như vậy suốt hai mươi năm, nhưng tôi không học theo Kinh Thánh, mà học theo Chúa Giê-su. Chúa Giê-su quan trọng hơn Kinh Thánh”.
Mỗi khi giảng đạo cho người dân Nepal, Prem luôn nói thêm: “Anh chị không thể đến với Chúa, trừ khi anh chị sẵn sàng chịu phép rửa và ngồi tù một năm”.
Điều đáng ngạc nhiên là họ đồng ý chịu phép rửa tội và ngồi tù một năm.
Một trong những điều đầu tiên Prem nói và thu hút được sự chú ý của tôi chính là: “Tôi đến Mỹ; tôi nhìn thấy sự phồn vinh. Mọi người ở đó đều muốn nghe tôi nói. Tôi về nhà, và người dân ở đất nước tôi nói: ‘Hãy cho chúng tôi xem hình nước Mỹ’. Nhưng tôi không chụp hình. Người dân nước tôi không hiểu được thế nào là tòa nhà, bục giảng, ghế ngồi trong nhà thờ; các nhà truyền giáo cứ đứng giảng đạo, nhưng không ai làm gì đó thiết thực. Khi tôi gặp gỡ những tín hữu họp mặt tại gia ở Mỹ, họ ca hát và chia sẻ. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh, và người dân của tôi có thể hiểu được điều này”.
Prem đã rút ra những điều này khi ông giảng đạo tại một buổi họp mặt toàn quốc của các Ki-tô hữu họp mặt tại gia.
Trong thời gian ở Mỹ, Prem đã truyền đạt một chuỗi thông điệp về sự đau khổ. Tôi đề nghị ghi lại lời giảng của ông rồi đem in thành sách. Tôi cứ nghĩ bản thảo đó phải dài hàng trăm trang. Nhưng không. Khi bản thảo hoàn tất và đến tay tôi, nó chỉ có năm mươi trang. Khi hỏi: “Phần còn lại đâu rồi?”, tôi nhận được câu trả lời: “Prem lặp đi lặp lại một điều trong năm thông điệp: ‘Nếu là một Ki-tô hữu, anh chị phải chấp nhận chịu đau khổ’”.
Bạn đã từng nghe thuật ngữ “sự hiện diện của Ki-tô hữu” chưa? Thuật ngữ này được dùng khi một quốc gia không cho phép rao giảng phúc âm, thậm chí là không ai được nhắc đến từ “Chúa Giê-su”. Nepal không cho phép rao giảng phúc âm, tuy nhiên các nhà truyền giáo đã thành lập phong trào “sự hiện diện Ki-tô hữu” tại Nepal. Họ xây dựng bệnh viện, trường học, trại trẻ mồ côi và các phòng khám ngoại trú. Những cơ sở này đều do các Ki-tô hữu điều hành, nhưng phúc âm của Chúa Giê-su không bao giờ được đề cập đến.
Rồi Prem bất ngờ xuất hiện. Ông là một người Nepal đã chịu phép rửa và đã ngồi tù vì cải đạo. Tất cả giáo phái dựng nên phong trào “sự hiện diện của Ki-tô hữu” tại Nepal đều mời Prem gia nhập và trở thành một phần của giáo phái mình, nhưng Prem đã từ chối.
Ông nói với họ: “Tôi chỉ là một Ki-tô hữu. Tôi không có danh xưng gì ở đằng trước hay đằng sau tên của mình. Xin hãy cất tiền của quý vị đi. Tôi không cần tiền và cũng không muốn đến Mỹ. Tôi không muốn giàu có hay nổi tiếng. Tôi chỉ muốn rao giảng phúc âm cho dân tộc mình. Tôi muốn người dân của tôi ngồi tù một năm sau khi họ chịu phép rửa tội. Tôi cũng phải ngồi tù. Trong thời gian ngồi tù, tôi đã mang Ki-tô giáo đến với các trại giam”.
Quyết định phi thường này cho chúng ta thấy rõ quan điểm của Prem về phẩm cách của một Ki-tô hữu đích thực.
Prem đã làm đúng lời ông nói. Mỗi khi rao giảng phúc âm, ông nhắc đi nhắc lại: “Đừng trở thành Ki-tô hữu trừ khi anh chị sẵn sàng ngồi tù một năm”.
Tôi thường nghe ông nói: “Các Ki-tô hữu tại Mỹ cũng nên ngồi tù một năm. Nước Mỹ có quá nhiều tín đồ Ki-tô giáo. Nước Mỹ sẽ không có nhiều Ki-tô hữu đến thế nếu mỗi tín đồ phải ngồi tù ở Nepal một năm”.
Vào thời điểm tôi gặp Prem, nếu tính trên cuộc đời làm Ki-tô hữu của ông thì thời gian ông ngồi tù còn dài hơn thời gian ông được tự do.
Prem từng vào tù năm lần. Lần đầu tiên, ông vào tù vì họ xem ông là một mối phiền toái. Lần thứ hai và thứ ba, họ nhận ra Nepal đang đối diện với một vấn đề nghiêm trọng nên đã cố thủ tiêu ông. Sau lần ngồi tù thứ tư, ông trở thành huyền thoại ở Nepal, đến mức chính phủ cũng muốn đứng ra bảo vệ ông.
Lần đầu tiên Prem bị cầm tù là một trong những lần tồi tệ nhất. Ông bị giam tại một nhà tù khét tiếng là vô nhân đạo ở Nepal. Tuy nhiên, bốn năm sau, ông được ra tù và mọi tù nhân trong đó đều trở thành Ki-tô hữu đã chịu phép rửa tội. Sau khi ra tù, Prem tiếp tục rao giảng phúc âm và thành lập một số nhà thờ. Nhiều giáo dân trong số đó là những người đã được Prem dẫn đưa đến với Chúa trong lần đầu tiên ông ngồi tù.
Lúc Prem ngồi tù lần thứ hai, các nhà truyền giáo khác đã mua chuộc những người được Prem cải đạo. Ý tôi là các nhà truyền giáo này đã trả cho mỗi người được Prem cải đạo bảy mươi lăm đô-la một năm chỉ để họ tham dự các buổi truyền giảng. Những ai được Prem cải huấn và có đóng góp cho nhà thờ thì được trả tổng cộng hai trăm bảy mươi lăm đô-la một năm. (Thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình ở Nepal thời đó là bảy mươi lăm đô-la một năm). Khi Prem ra tù lần thứ hai, không một Ki-tô hữu nào chào đón hay tham dự buổi họp mặt cùng ông. Tất cả bọn họ đều đã bị những đồng đô-la mua chuộc.
Trong lần thứ hai ông ngồi tù, chính quyền đã quyết định người đàn ông rắc rối này phải chết. Người Nepal không quen với việc giết chóc, vì thế các nhà chức trách đã nghĩ ra một cách khác để thủ tiêu ông. Prem bị đưa vào một căn phòng nhỏ có chứa xác của những người đã chết trong tù, rồi ông bị xích cả tay và chân lại. Ông thậm chí không nghĩ đến chuyện đào tẩu. Chết vì bệnh tả là cách duy nhất để ông được đưa ra khỏi phòng giam đó. Nhưng Prem lại không mắc bệnh.
Cuối cùng, họ cũng chuyển các xác chết đi. Họ kết luận rằng nếu không thể giết ông bằng cách làm ông nhiễm bệnh từ xác thối, họ sẽ đóng băng ông cho đến chết. Thế là Prem bị đưa ra ngoài trời tuyết lạnh và bị để mặc cho chết cóng dưới thời tiết khắc nghiệt của vùng Himalaya. Tôi nhớ rõ điều ông đã nói lúc đó: “Tôi ca ngợi Chúa vì tôi đang được ở ngoài trời tuyết. Băng tuyết giết hết chấy rận trên người tôi, ngợi ca Thiên Chúa”.
Khi đó các lính canh và tù nhân có chút hoảng sợ vì rõ ràng con người này không thể chết và cũng không ngừng rao giảng về Chúa Giê-su. Người ta đành đưa ông trở lại trại giam. Mỗi ngày Prem đều rao giảng phúc âm cho các tù nhân, và từng người trong số họ đã nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế cũng như chịu phép rửa tội trong tù.
Lần ngồi tù thứ ba của Prem thì sao? Lần đó ông bị đưa đến trại giam ở tận cực bắc Nepal. Các tù nhân ở đó thuộc dạng khét tiếng nhất đất nước. Trong thời gian ông ngồi tù, ở đó đã xảy ra một vụ vượt ngục. Thật ra âm mưu đó đã thành công. Lúc tên thủ lĩnh của vụ nổi loạn giết hết lính canh, Prem đang ngồi trong phòng giam của mình. Hắn đến chỗ Prem và nói: “Ông phải đi ngay”.
Prem đáp: “Tôi không muốn tham gia vào chuyện anh đang làm”.
Tên thủ lĩnh đe dọa: “Tôi sẽ giết ông”.
Prem trả lời: “Vậy thì cứ giết tôi đi. Tôi không đi đâu hết”.
Hắn giơ súng lên, nhắm thẳng vào đầu Prem và bóp cò. Thế nhưng viên đạn không bay ra. Hắn kiểm tra lại khẩu súng, và một lần nữa nhắm thẳng vào đầu Prem, còn Prem nhìn thẳng vào mắt hắn. Súng vẫn không nổ. Hắn kiểm tra khẩu súng lần nữa và lại nhắm vào Prem. Lần này Prem đứng dậy và nói: “Đừng kéo cò! Chúa đã hai lần ngăn anh giết tôi. Nếu bóp cò lần nữa, anh sẽ phải xuống hỏa ngục và bị lửa hỏa ngục thiêu đốt đời đời”.
Gã đàn ông sững người trong giây lát. Hắn nhìn khẩu súng rồi nhìn Prem và bỏ chạy khỏi phòng giam. Đến khi các nhà chức trách của các thị trấn lân cận biết về vụ vượt ngục thì tất cả sĩ quan và lính canh đều đã bị sát hại. Các tù nhân còn lại cũng rời khỏi nhà tù vì sợ bị những kẻ đào tẩu bắn. Người duy nhất còn lại là Prem Pradhan, và tất nhiên ông vẫn còn sống. Những kẻ vượt ngục sau đó đã bị bắt và nhận án tử hình. Sau chuyện này, Prem trở thành một huyền thoại.
Trong lần thứ tư ông bị giam, người ta đối xử với ông như một người nổi tiếng. Ông có thể làm bất cứ điều gì ông muốn, kể cả rao giảng phúc âm.
***
Khi Prem đến Mỹ, người ta có nghe đến quyền năng chữa lành của ông và chuyện ông hồi sinh người chết. Một số người đến gặp ông để hỏi về bí quyết để có được quyền năng như vậy. Prem biết họ khao khát quyền năng này chỉ vì họ muốn nổi tiếng.
Prem giận dữ trả lời những người này:
“Nếu muốn được Chúa ban cho quyền năng, anh chị phải chịu gian khổ. Nếu anh chị muốn có quyền năng đó, hãy theo tôi đến Nepal. Ở đó anh chị sẽ rao giảng phúc âm rồi ngồi tù bốn năm. Chúa sẽ thử thách anh chị, nhưng Ngài chưa ban cho anh chị quyền năng đâu. Nếu hôm nay Chúa ban cho anh chị quyền năng mà anh chị mong mỏi, quyền năng đó sẽ hủy hoại bản thân anh chị. Ngài không ban cho anh chị quyền năng chữa lành; Ngài ban cho anh chị quyền năng để Ngài có thể hủy hoại anh chị. Chúa ban quyền năng cho ai là để hủy hoại người đó.
Anh chị trở lại Nepal với tôi thêm lần nữa, ngồi tù thêm bốn năm, và nếu anh chị vẫn chưa suy sụp thì Chúa vẫn chưa ban quyền năng cho anh chị. Anh chị đi tù lần thứ ba, và lần này Chúa đã để mắt đến anh chị. Ngài làm cho anh chị khổ sở hơn lần đầu tiên và lần thứ hai rất nhiều. Ngài có thể tước đi mạng sống của anh chị, nhưng cũng có thể Ngài để anh chị sống tiếp. Ngài sẽ liên tục thử thách và làm anh chị tan nát hết lần này đến lần khác. Anh chị sẽ không còn ham muốn quyền năng hay sức mạnh nữa, mà chỉ muốn Chúa để yên cho mình. Thế nhưng Ngài sẽ tiếp tục thử thách anh chị cho tới khi anh chị thật sự không còn mong muốn quyền năng nữa.
Lúc đó Chúa sẽ ban cho anh chị một chút quyền năng. Nếu anh chị vẫn căm ghét quyền năng đó và thành tâm dành trọn cuộc sống mình để phục vụ dân Chúa, nếu Chúa là tất cả những gì anh chị muốn, có lẽ Chúa sẽ ban cho anh chị thêm một chút quyền năng của Ngài, nhưng lúc đó trái tim của anh chị sẽ dành cho dân Chúa, chứ không phải cho bản thân nữa. Trái tim của anh chị thuộc về Chúa Giê-su, chứ không còn thuộc về chính mình. Sau đó, Ngài sẽ làm anh chị khổ sở thêm nhiều lần cho đến ngày anh chị qua đời. Anh chị có chắc mình còn muốn sở hữu quyền năng của Chúa không?”
Những người nghe Prem nói đều bỏ đi. Họ không muốn dính líu gì với thứ quyền năng mà Prem nói tới nữa.
Khi nói chuyện tại một buổi họp mặt tại gia của các Ki-tô hữu, Prem nhận xét: “Tôi thích cách anh chị gặp gỡ nhau. Các anh chị đều rất giản dị. Ai cũng trò chuyện vui vẻ. Ai cũng ngợi khen Chúa. Và không ai gọi tôi là tiến sĩ”.
***
Có lần Prem mời tôi đến Nepal: “Anh đến Nepal đi. Không ai bắt anh đâu vì anh sinh ra đã là một Ki-tô hữu. Anh sinh tại một quốc gia Ki-tô giáo”. Rồi ông nói thêm: “Chúng ta sẽ tổ chức một buổi họp. Chúng tôi thường tổ chức các buổi họp mặt ở lòng sông cạn khô và ăn hạt kê”. Ông chỉ nói như thế, sau đó chúng tôi hẹn ngày và giờ.
Khi ngồi trong phòng khách nhà tôi, Prem đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau.
“Mỗi lần tôi ra tù, tôi đều không có giáo dân nào. Bốn lần tôi ra tù là bốn lần đồng tiền phương Tây mua chuộc hết giáo dân của tôi. Họ đều đi theo các nhà truyền giáo khác. Bây giờ nhiều giáo dân ở Nepal đang bị Tây hóa.”
Rồi ông kể cho tôi nghe câu chuyện đau lòng về một nhà thờ nọ. Ban lãnh đạo của giáo phái nọ đến nhà thờ và xin chụp hình cùng với tất cả tín hữu của Prem. Một biểu ngữ lớn bằng tiếng Anh được đặt ở giữa nhóm. Các giáo dân của Prem không biết tiếng Anh và họ cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Biểu ngữ bằng tiếng Anh viết, “Đây là thành quả của giáo phái. Những Ki-tô hữu này thuộc về ——”. Bên dưới ký tên giáo phái đó.
Bức ảnh đó được mang sang Mỹ, được in ra và gửi đến tất cả các nhà thờ của giáo phái đó. Trong lá thư đó, họ quyên góp tiền cho nhóm tín hữu Ki-tô giáo ở Nepal: “Xin hãy gửi tiền sang Nepal để chúng tôi có thể giúp đỡ nhà thờ của người anh em của chúng ta ở Nepal”. Tiền từ Mỹ được chuyển đến, sau đó, những nhà truyền giáo của giáo phái đó sử dụng số tiền này để mua chuộc các Ki-tô hữu thuộc nhà thờ của Prem.
Ông kể tiếp: “Các nhà truyền giáo Mỹ nhiều lần đến chụp ảnh tôi và cho tôi xem hình chụp những nhóm giáo dân đã được tôi cải đạo trong tù. Họ gửi ảnh về Mỹ và nói: ‘Hãy gửi tiền để giúp Prem Pradhan phát triển các nhà thờ ở Nepal’. Rất nhiều tiền được gửi đến. Số tiền này không được dùng để giúp tôi, mà để mua chuộc những người được tôi rao giảng phúc âm trong tù. Những nhà truyền giáo này trả tiền cho họ để trở thành Ki-tô giáo, và giáo dân của tôi đã bị tây hóa. Họ ngồi trên những băng ghế dài trong nhà thờ, hát những bài hát phương Tây được phổ lời theo tiếng Nepal, rồi họ nghe một giáo sĩ giảng phúc âm và họ lại hát. Sau thánh lễ thì ai về nhà nấy”.
Nghe đến cuối câu chuyện, tôi hỏi Prem một câu. Tôi hỏi về việc ông bị đánh đập và phải chịu đựng nhiều đau khổ không thể tưởng tượng nổi ở cả trong lẫn ngoài nhà tù. Tất cả đều có bàn tay can thiệp của chính quyền Nepal.
Câu hỏi của tôi như sau: “Ai là người đã gây cho ông nhiều đau khổ nhất? Đó là chính quyền đã cầm tù, đánh đập và cố thủ tiêu ông, hay là những nhà truyền giáo phương Tây?”.
Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ câu trả lời của ông. Tôi nhớ lúc đó ông cử động các ngón tay theo cách truyền thống của người Nepal để nhấn mạnh lời họ nói, và ông đáp: “Ồ, không so sánh được đâu. Tôi chịu nhiều khổ sở vì các Ki-tô hữu hơn là vì chính quyền Nepal”.
Prem đã xây dựng thành công một nhóm tín hữu Nepal, và nhóm này họp mặt hai lần một năm. Ông đã rất hy vọng vào tương lai của sứ vụ ở Nepal. “Rồi tôi lại bị bắt giam. Khi ra tù, tôi kêu gọi một cuộc họp mặt với các giáo dân của tôi. Một trong những nhà truyền giáo nói với tôi: ‘Ông không được phép đến dự buổi họp mặt này’”.
“Tại sao?”, ông ngạc nhiên hỏi. “Tôi đã đưa những người này đến với Chúa và đã chỉ dạy họ. Chúng ta cùng nhau chia sẻ phúc âm. Tại sao tôi lại không được đến buổi họp mặt?”
Nhà truyền giáo đó trả lời: “Họ không còn chào đón ông đâu. Giờ đây họ đều trở thành mục sư của các nhà thờ và nhận được thu nhập từ phương Tây”.
Người ta hỏi Prem: “Nếu lần tới ông mãn hạn tù và thấy giáo dân của mình đã đi theo người khác, thì ông có nghĩ tới chuyện bỏ cuộc không?”.
Prem giận dữ trả lời: “Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Ngày nào còn sống thì ngày đó tôi còn rao giảng phúc âm và phát triển các nhóm tín hữu Ki-tô giáo ở Nepal. Tôi dành trọn cuộc đời mình để làm điều đó”.
Lần ngồi tù thứ năm và cũng là lần ngồi tù cuối cùng của Prem thì thế nào? Lần này một số lãnh đạo của chính quyền Nepal đã đưa ông vào một nhà thương điên. Họ tống ông vào chung phòng với một kẻ giết người uống máu. Hắn khỏe kinh khủng. Prem bị đẩy vào phòng. Ông dựa sát tường và chờ đợi. Nhưng có lẽ ông không nhận ra thực chất là ông đang dựa lưng vào cửa phòng. Khi gã điên lao đến Prem, cánh cửa bỗng mở ra. Người mở cửa chính là anh trai của quốc vương Nepal.
Sau khi Prem ra tù, anh trai của quốc vương Nepal đã mời Prem đến gặp ông ấy. Họ gặp nhau vài lần và Prem đã chia sẻ phúc âm cho ông ấy. Tôi không biết người đàn ông đó có trở thành Ki-tô hữu hay không. Nhưng chúng tôi biết một điều: ông ấy đồng cảm với Prem và giáo dân của ông. Prem được đưa ra khỏi phòng giam và nhà tù. Anh trai của nhà vua tuyên bố rõ với chính quyền trên khắp Nepal rằng Prem Pradhan sẽ không bao giờ bị bắt vì rao giảng phúc âm và sẽ được đối xử như một trong những công dân được kính trọng nhất đất nước.
***
Vào ngày nghe tin Prem qua đời, tôi đột nhiên thốt lên: “Prem, không! Đừng như thế! Xin đừng đi!”.
Prem đã ra đi như thế nào? Ông được Chúa gọi về khi đang làm công việc mà ông đã dành trọn cuộc đời mình để cống hiến. Ông đang đi trên con đường mòn dẫn vào một ngôi làng vô danh xa xôi ở tận trên dãy Himalaya để rao giảng phúc âm thì đột ngột bị vỡ động mạch chủ và chết ngay tại chỗ. Ông đã được chôn cất ngay ven đường.
Theo đánh giá của tôi, Prem thuộc nhóm số ít người nổi tiếng được vinh danh vì đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Một trong những vinh dự lớn nhất đời tôi là được làm bạn thân của Prem. Prem đã cho chúng ta thấy cách sống của một người nhận được ơn gọi của Chúa.