L
àm sao tôi có thể kể cho bạn nghe về Beta đây? Không lời nói hay hành động nào của bà giải thích được ảnh hưởng của bà lên đời sống đạo của tôi.
Tôi gặp Beta sau khi biết đến một nhóm tín hữu thường họp mặt tại gia ở Louisville, bang Kentucky. Lúc bấy giờ, họ là nhóm duy nhất họp mặt tại phòng khách ở nhà thay vì đến nhà thờ. Năm đó tôi ba mươi mốt tuổi, còn Beta - một cựu giáo sĩ đến từ Trung Quốc - bảy mươi mốt tuổi. Beta là thành viên của tổ chức Đàn Chiên Nhỏ Trung Hoa (Little Flock). Bà đã sống ở Thượng Hải dưới thời truyền giáo của Nghê Thác Thanh. Tôi cũng được biết bà từng bị quân Nhật ở Trung Quốc giam giữ trong Thế chiến II.
Rất ít người Mỹ có đặc quyền gặp gỡ hay biết đến Beta. Những người biết bà đều đồng tình rằng bà là một trong những Ki-tô hữu vĩ đại nhất mà họ từng gặp trong đời.
Lần đầu tiên gặp Beta, tôi chỉ hỏi: “Hãy kể cho cháu nghe chuyện của bà”.
Khi Beta kể chuyện, tôi biết mình đang được nghe điều mà mình chưa từng được biết, vì vậy tôi tuyệt đối giữ im lặng.
Đột nhiên bà tạm ngừng câu chuyện và hỏi: “Cậu có muốn tôi dừng kể không?”.
Tôi không hề gây ra một tiếng động nào, thậm chí tôi còn không nhúc nhích trong lúc bà kể chuyện. Tôi chỉ đáp thật khẽ: “Thưa bà, dù có chuyện gì xảy ra, xin bà cũng đừng dừng kể chuyện. Cháu đang rất chăm chú lắng nghe bà nói đây”.
Và thế là tôi được nghe câu chuyện của bà.
Beta lớn lên trong một gia đình mộ đạo. Năm hai mươi hai tuổi, bà đến Trung Quốc dưới sự bảo trợ của giáo hội Giám Lý. Bà sống ở Trung Quốc, học tiếng Hoa và trở thành một nhà truyền giáo.
Tại khu phức hợp của giáo hội Giám Lý, bà gặp một chàng trai người Hoa có vẻ nông cạn và thờ ơ. Sau đó, anh có dành thời gian gặp gỡ Đàn Chiên Nhỏ. Beta biết Đàn Chiên Nhỏ khi đó là một phong trào Ki-tô giáo đang gây tranh cãi ở Trung Quốc, chứ chưa có được danh tiếng như ngày nay. Khi chàng trai trở về khu phức hợp, Beta nhận thấy anh đã thay đổi và trở thành một con người hoàn toàn khác. Anh nói năng sâu sắc và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Beta kể tiếp: “Tôi quyết định đến Thượng Hải để gặp tổ chức Đàn Chiên Nhỏ. Tôi cũng có một câu hỏi mà dường như không ai có lời giải đáp”.
Bà đến Thượng Hải, tìm đến nơi các giáo sĩ tụ họp và xin phép được gặp Nghê Thác Thanh để hỏi ông một câu hỏi. Bà ngồi xuống và đợi ông một lúc. Ông bước tới, ngồi xuống chiếc ghế trước mặt bà và nói: “Cô muốn hỏi tôi điều gì?”.
Trong khoảng hai mươi phút, Beta cố giải thích rằng bà không hiểu truyền thống phụ nữ phải dùng khăn che đầu khi cầu nguyện. Khi bà nói xong, ông trả lời bằng một câu: “Tôi ước mình có thể mang một ngàn chiếc khăn che đầu vì Chúa”.
Ông đứng dậy và rời khỏi phòng.
Beta quyết định ở lại và làm quen những Ki-tô hữu thích tranh luận này, những người không cần đến sự giúp đỡ của phương Tây hay những nhà truyền giáo khác.
“Vài hôm sau, tôi quyết định tham gia vào Đàn Chiên Nhỏ. Tôi trở về khu phức hợp và viết một lá thư cho giáo hội Giám Lý và những người ở Kentucky đã hỗ trợ tôi.”
Trong thư, bà có nêu một yêu cầu: “Vui lòng đừng gửi thêm tiền cho tôi. Tôi sẽ sống ở đây cùng các Ki-tô hữu người Hoa và sẽ tự xoay xở để nuôi sống bản thân”.
Beta kể tiếp câu chuyện của bà, nhưng điều làm tôi xúc động sâu sắc không phải những gì bà nói mà là sự hiện diện của Chúa Giê-su trong cuộc đời bà.
***
Hôm đó có một bữa tối đặc biệt và một buổi họp mặt để chào đón vị khách mới đến từ Texas. Tôi bước ra ngoài và ngồi ở hiên sau. Điều gì đã khiến tôi, người đang ngồi dưới hiên nhà, trải nghiệm một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời? Đó chính là việc nhìn thấy Beta Scheirich đung đưa một đứa trẻ ba tuổi trên một chiếc xích đu. Beta đứng cách tôi ít nhất sáu mét, nhưng tôi vẫn choáng ngợp trước sự hiện diện của Chúa nơi bà.
Chưa ai nói rằng Beta xinh đẹp. Bà cao một mét tám và gầy khẳng khiu, nhưng bà không hề bận tâm đến chuyện đó.
Tôi đã sống nhiều năm và đi khắp thế giới. Tôi quen biết hàng ngàn nhà truyền giáo và làm việc trực tiếp với nhiều người trong số họ, nhưng chưa có ai khiến tôi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa chỉ bằng cách ở gần họ.
Đó không chỉ là cảm nhận của tôi, mà còn là cảm nhận của những người quen biết Beta. Đối với tôi, sự hiện diện của Beta luôn đi đôi với sự hiện diện của Chúa. Tôi không biết Beta từng đạt được thành tựu vĩ đại nào và cũng không nhớ một câu cụ thể mà bà từng nói. Thế nhưng đến tận bây giờ, ngoài Thiên Chúa ra thì bà là người có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất đến tôi, nhưng không phải qua lời nói hay hành động của bà.
Bây giờ tôi xin kể nốt những gì đã xảy ra với Beta ở Trung Quốc.
Beta không phải là nhà truyền giáo duy nhất tham gia Đàn Chiên Nhỏ. Ngoài bà còn có Mary Jones đến từ xứ Wales, một người phụ nữ tên Rademacher và cô Fishbacher đến từ nước Anh - người thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa. Cô Fishbacher đã hỗ trợ Nghê Thác Thanh trong quá trình ông viết nhiều quyển sách về thông điệp truyền giáo, chỉ trừ quyển Our Missions (tạm dịch: Sứ Vụ Của Chúng Ta) mà ông tự viết tay.
Ngày 8 tháng Mười Hai năm 1941, có một thay đổi lớn diễn ra tại Trung Quốc. Hôm đó, quân Nhật tiến hành xâm lược đồng thời Philippines, Singapore, vùng duyên hải Trung Quốc và đảo Guam.
Chỉ trong vài tuần, quân Nhật đã chiếm được toàn bộ Thượng Hải.
Một số người nước ngoài bỏ trốn, số khác quyết định ở lại. Vài tuần sau đó, Beta và những phụ nữ kể trên bị bắt đến ga xe lửa và bị đưa đến trại giam.
Beta không giấu được xúc động khi giải thích với tôi rằng Nghê Thác Thanh đã mạo hiểm tính mạng để đi cùng họ đến ga xe lửa, nơi quân Nhật đã trừng mắt nhìn nhưng không bắt giữ ông.
Beta chia sẻ khá chi tiết với tôi trải nghiệm của bà trong trại tập trung. Mỗi ngày bà được phát một phần ăn bao gồm một mẩu bánh mì và một ít súp. Beta kể rằng ai cũng nhắm chặt mắt trong lúc ăn để khỏi phải nhìn thấy thứ mình đang cho vào miệng. Bà còn kể một số chuyện khác về thức ăn và điều kiện sinh hoạt trong trại, nhưng tôi nghĩ mình không nên kể chi tiết ở đây.
Bạn đọc thân mến, thậm chí đến tận bây giờ, tôi cũng không dễ gì thuật lại câu chuyện này.
Lúc đó Nhật đang giao chiến với Mỹ. Những người Mỹ bị quân Nhật bắt đều bị đối xử rất tồi tệ. Người Nhật tự hào vì họ chưa bao giờ trở thành tù nhân. (Họ thà chết còn hơn là phải đầu hàng quân địch, vì thế những người chịu đầu hàng, dù thuộc quốc tịch nào, đều bị coi là kẻ hèn nhát và không xứng đáng được tôn trọng.) Nhiều người Nhật đang sinh sống và làm việc tại Đại sứ quán Nhật ở Mỹ cũng bị đưa đến trại giam. Người Nhật ở các trại giam tại Mỹ được đối xử rất tử tế, không như những người Mỹ bị giam trong các trại tập trung ở Nhật.
Đại sứ quán Thụy Điển đã đứng ra sắp xếp cuộc trao đổi tù nhân giữa nhóm người Mỹ bị quân Nhật giam giữ và tù nhân Nhật bị quân Mỹ bắt giam. Sau nhiều tháng và nhiều báo cáo sai trái, cuộc trao đổi bắt đầu. Một chiếc tàu của Nhật đã lên đường đến Ấn Độ, chở theo nhóm tù nhân Mỹ, trong đó có Beta; đồng thời một tàu trung lập khởi hành từ Mỹ chở tù nhân Nhật cũng xuất phát. Hai con tàu gặp nhau ở gần Mũi Hảo Vọng. Lúc đó, tù nhân Mỹ rời khỏi tàu Nhật và lên tàu trung lập, còn tù nhân Nhật rời tàu trung lập và lên tàu của Nhật. Sau đó con tàu của Nhật quay trở về Nhật Bản, và tàu trung lập của Thụy Điển đưa các cựu tù nhân Mỹ đến một cảng ở New Jersey.
Một trong những câu chuyện cảm động nhất trong Thế chiến II mà gần như trôi vào quên lãng chính là sự xuất hiện của con tàu MS Gripsholm tại một bến cảng ở Mỹ. Quá trình trao đổi tù binh giữa hai con tàu trên biển phải mất bốn tháng mới hoàn tất. Khi tàu trung lập của Thụy Điển về đến gần bờ biển nước Mỹ, các tàu hoa tiêu từ bờ đông dắt tàu vào cảng để chào mừng trước sự chứng kiến của hàng trăm ngàn người. Các tàu hoa tiêu phun một vòm nước ngang tàu lớn. Còi báo động kêu vang, và các con tàu cùng kéo những hồi còi giòn giã.
Beta đã trở lại Mỹ. Đó là năm 1943.
Bà bắt đầu cầu nguyện cho những người lao động bản địa Mỹ, người xây dựng các giáo hội phi truyền thống tại Mỹ. Đây là trọng trách mà bà phải gánh vác cho đến ngày về với Chúa.
Tôi cần giải thích thêm ý sau. Nước Mỹ lúc đó chưa đầy ba trăm năm tuổi. Văn hóa của quốc gia này không hoàn toàn là văn hóa Mỹ, mà được du nhập từ Anh Quốc. Beta biết một điều mà hầu hết chúng ta không nhận ra: thời điểm đó chưa có một giáo hội kiểu Mỹ nào. Vì sao bà hiểu ra chuyện này vẫn là một điều bí ẩn.
Một số người gọi Beta là người cầu nguyện cho người khác. Đó không phải là từ phù hợp dành cho Beta. Không, Beta không phải là người cầu nguyện, điều khiến bà trở nên đặc biệt là khả năng thể hiện sự hiện diện của Chúa ở trong bà.
Ngoài ra còn một yếu tố khác. Đó là nỗi đau. Nhưng đó không phải thứ đau khổ mà chúng ta phải cắn răng chịu đựng hay thậm chí nổi loạn để chống lại, mà là việc ta chấp nhận nỗi đau và sự khước từ.
Vốn tính khiêm nhường, Beta thường giúp mọi người nấu ăn hoặc tình nguyện trông con cho họ. Vì vậy hầu hết mọi người không nhận thức được con người thật sự của Beta.
Không lâu sau khi gặp Beta, tôi có tham dự một hội nghị ở New York. Tôi cùng một số thanh niên khác ở lại sau buổi họp để cầu nguyện. Tôi quỳ xuống, cầu xin Chúa hãy thử thách tôi. Tôi không biết lúc đó Beta cũng có mặt trong phòng, và bà đã dâng tên của tôi lên với Chúa.
Cũng trong mùa hè năm đó, tôi đã mắc một căn bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa.
Đã nhiều năm tôi không gặp Beta. Một ngày nọ, bà đến thăm tôi, nhưng tôi yếu đến nỗi không thể bước xuống giường. Đó là lần cuối tôi được gặp bà, và trong lần đó bà kể rằng bà đã lo sợ đến thế nào khi nghe tôi cầu xin Chúa thử thách tôi tại hội nghị ở New York, và từ đó bà đã cầu nguyện cho tôi trước Chúa mỗi ngày.
Khoảng hai năm sau, tôi dần hồi phục sau cơn bạo bệnh. Đáng tiếc là đó cũng là lúc Beta qua đời. Bà đã bảy mươi bảy tuổi. Khi nghe tin Beta ra đi, tôi bỗng nhiên thốt lên những lời này: “Đã đến lúc rồi. Lạy Chúa, đã đến lúc rồi”.
Tôi thường tự hỏi ở một nơi không thời gian, không có quá khứ hay tương lai như thiên đàng, liệu những lời nguyện của Beta dành cho tôi có đến hồi chấm dứt. Hay ở nơi đó, Beta vẫn tiếp tục nguyện cầu cho tôi?
Nếu đúng là như vậy thì tôi là một trong những người vinh hạnh và hạnh phúc nhất trên đời.
Kể từ khi Beta qua đời, không ngày nào tôi không nhớ đến bà. Không có lời nói nào của bà thay đổi cuộc đời tôi hay khiến tôi nhớ mãi. Người phụ nữ này đã ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của tôi nhiều hơn tất cả mọi yếu tố khác cộng lại, nhưng không phải bằng lời nói hay hành động, mà bằng sự hiện diện của Đấng Cứu Thế tuôn đổ trên bà.
Đó là cách Beta đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi.
Beta kính mến, cháu sẽ gặp lại bà, ở một nơi quen thuộc với bà và ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.