Mặc dù thói quen tự chọn thức ăn của bé (BLW) vẫn luôn tồn tại, nhưng lý thuyết giải thích tại sao và phương pháp BLW lại do Gill Rapley - đồng tác giả cuốn sách phát triển. Với hơn 20 năm kinh nghiệm là một y tá chăm sóc người bệnh tại nhà, chị đã thấy rất nhiều gia đình gặp phải các rắc rối khi cho con ăn; rất nhiều bé không chịu được đút thìa hoặc chỉ chịu ăn lượng thức ăn rất hạn chế. Một số cha mẹ còn tìm đến phương pháp ép ăn nhằm bắt con ăn. Nghẹn và ọe khi ăn thức ăn lổn nhổn là hết sức phổ biến. Bữa ăn thực sự gây căng thẳng cho cả cha mẹ và bé.
Gill ngờ rằng bé cưỡng lại việc được làm cho bé, thay vì bản thân thức ăn. Gợi ý đơn giản là đợi thêm một thời gian (nếu bé dưới 6 tháng tuổi), hoặc để bé tự thử ăn (nếu bé lớn hơn) dường như tạo một sự khác biệt rất lớn với hành vi của bé và mức độ căng thẳng của cha mẹ. Rốt cục, quyền kiểm soát được trả lại cho bé - và điều này đặt ra câu hỏi: “Tại sao ngay từ đầu chúng ta lại tước đi quyền kiểm soát đó của bé?”
Khi thực hiện luận văn Thạc sĩ, Gill mời một nhóm cha mẹ có em bé 4 tháng tuổi (độ tuổi tối thiểu được khuyến khích tập ăn dặm vào thời điểm đó) nhằm giúp chị quan sát xem bé sẽ làm gì nếu bé được cho cơ hội chạm và cầm thức ăn mà không bị đút thìa. Khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, tất cả các bé đều được bú mẹ hoàn toàn và các bé tiếp tục bú mẹ trong suốt quá trình nghiên cứu. Cuộc nghiên cứu kết thúc khi bé được 9 tháng tuổi.
Các bậc cha mẹ được đề nghị cùng ngồi ăn với bé vào mỗi bữa ăn, cho phép bé cầm và khám phá các loại thức ăn khác nhau, và nếu bé muốn, hãy để bé ăn. Cứ hai tuần một lần, các bậc cha mẹ này quay các thước phim ngắn về hành vi của bé vào giờ ăn và viết nhật ký về phản ứng của bé đối với thức ăn và sự phát triển chung của bé.
Các thước phim và nhật ký cho thấy, khi 4 tháng tuổi, các bé gần như có thể cầm thức ăn lên, không lâu sau đó các bé sớm với tay lấy thức ăn. Ngay khi các bé cầm được thức ăn (có bé sớm hơn, có bé muộn hơn) các bé đều đưa hết vào miệng. Một số bé cắn hoặc gặm thức ăn từ rất sớm, khi mới 5 tháng tuổi, nhưng các bé không nuốt. Có vẻ như tất cả các bé đều mải mê vào công việc của mình, mặc dù các bé không cần phải thức ăn đó.
Khi khoảng 6,5 tháng, gần như tất cả các bé đều phát hiện ra cách đưa thức ăn lên miệng và sau khi “tập” nhai 1 hoặc 2 tuần, các bé bắt đầu phát hiện ra cách nuốt. Dần dần, các bé “chơi đùa” ít hơn với thức ăn và bé ăn có chủ đích hơn. Khi sự phối hợp tay- mắt và các kĩ năng vận động của bé phát triển, các bé có thể cầm các mẩu thức ăn mỗi ngày một nhỏ hơn.
Khi 9 tháng tuổi, tất cả các bé ăn rất nhiều món ăn thông thường trong bữa ăn gia đình. Hầu hết các bé đều dùng ngón tay, nhưng một số bé bắt đầu thử dùng thìa hoặc dĩa. Cha mẹ bé cho biết, các bé không gặp khó khăn gì với thức ăn lổn nhổn và hầu như các bé không hề ọe trong khi ăn. Các bé đều sẵn sàng thử thức ăn mới và dường như rất thích giờ ăn.
Trong khoảng thời gian Gill tiến hành cuộc nghiên cứu này, rất nhiều nghiên cứu bắt đầu chỉ ra rằng, lý tưởng nhất là các bé nên bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và dần dần hướng tới chế độ ăn đa dạng sau thời điểm này. Các kết quả của Gill, cùng với các câu chuyện của các bậc cha mẹ ủng hộ kết quả đó, cho thấy, các em bé khỏe mạnh bình thường - giống như các động vật có vú ở khắp mọi nơi - phát triển các kĩ năng cần thiết để tự ăn dặm vào độ tuổi thích hợp.