Putin - một “Sa hoàng” mới. Putin - kẻ độc tài. Một trong 10 người giàu nhất thế giới (tài sản dao động từ 40 tỉ đến 200 tỉ đô la theo các ước tính khác nhau đăng trên tờ Time)? Sở hữu 20 dinh thự, 4 du thuyền, 58 máy bay và bộ sưu tập đồng hồ trị giá 400.000 bảng Anh (theoTelegraph)? Putin đứng sau cái chết của 10 người phê bình điện Kremlin (theo Uk.BusinessInsider)? Vì sao John McCain gọi Putin là kẻ giết người?... Dường như đến nay vẫn chưa hết những biệt danh và câu hỏi mà thế giới đặt ra cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mà đâu chỉ thế giới. Trong nước Nga, Vladimir Putin cũng phải đối diện với những câu hỏi khó. Gần đây nhất là tại cuộc giao lưu trực tuyến thường niên với dân Nga, diễn ra vào ngày 15-6-2017. Trên màn hình chạy những tin nhắn dân Nga gởi SMS tới mà không ít người cảm thấy “bất tiện” thay cho Tổng thống: “Chắc ông mệt rồi, ông có cần nghỉ không?”, “Chừng nào ngài mới cho [Thủ tướng] Medvedev, [Phó Thủ tướng thứ nhất] Chubais, [Bộ trưởng Tài chính] Kudrin, [Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại] Gref và những người khác nghỉ hưu? Ngài không mệt với họ sao?”, “[Phó Thủ tướng] Rogozin kiếm việc làm cho con trai ông ta. Có thể ông ta cũng tìm được việc làm cho con trai tôi?”, “Putin, ông thật sự nghĩ là nhân dân tin cái gánh xiếc với những câu hỏi bịa đặt này à?”, “Khi nào thì ông mới thôi vi phạm quy định của Hiến pháp về việc làm tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ?”…
Khi chúng tôi chuẩn bị biên dịch cuốn sách Putin - Logic của quyền lực, kênh truyền hình cáp Showtime (Hoa Kỳ) đã trình chiếu bộ phim tài liệu của đạo diễn Oliver Stone Phỏng vấn Putin (The Putin Interviews(1)) từ ngày 12 đến 15-6-2017. Được hỏi về mục đích thực hiện bộ phim, Oliver Stone nói ông muốn ngăn chặn việc tiếp tục xấu đi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga, và rằng “đối với Hoa Kỳ, việc quan trọng sống còn là cần phải học để hiểu quan điểm khác”. Lập luận của đạo diễn sở hữu ba giải Oscar đơn giản: “Putin là một trong những lãnh đạo uy tín nhất thế giới, và bởi vì Hoa Kỳ tuyên bố ông ta là kẻ thù, kẻ thù lớn, nên tôi nghĩ việc lắng nghe xem ông ta nói gì là điều rất quan trọng!(2)”.
(1) http://www.sho.com/the-putin-interviews.
(2)http://www.smh.com.au/entertainment/movies/director-oliver-stone-on-his-new-film-subject-russian-president-vladimir-putin-20170422-gvq7mu.html.
Bộ phim của Stone ra đời sau bộ phim tài liệu của truyền hình Đức Tôi, Putin. Chân dung 5 năm và sau cuốn sách của nhà báo Đức Hubert Seipel Putin - trong hành lang quyền lực (tên tiếng Đức của cuốn sách này) 2 năm, nhưng mục đích của đạo diễn người Mỹ Oliver Stone và nhà báo người Đức Hubert Seipel vô hình trung không khác nhau là mấy. Điều đó cho thấy, những cảnh báo của Hubert Seipel không phải là không có căn cứ, và nỗi lo của Oliver Stone không phải là thiếu cơ sở. Những con người uy tín trong lĩnh vực của mình đã làm điều họ cần làm: Góp một tiếng nói, một góc nhìn về nước Nga không phải từ góc nhìn “chính thống”, nhưng không kém lý lẽ và thuyết phục.
Góc nhìn đó là gì?
Ngay đầu cuốn sách, thay cho lời tựa, Hubert Seipel đã dẫn lời bậc thầy tâm lý, nhà văn Nga nổi tiếng F. Dostoyevsky về sự tương phản trong góc nhìn thế giới giữa phương Tây và Nga: “…Đã đến lúc phải tỉnh táo lại. Và tất cả những điều này, tất cả những trò ngoại quốc này, tất cả châu Âu này của các ông chỉ tuyệt là ảo tưởng; và cả chúng ta nữa, khi ở ngoại quốc này, tất cả chúng ta cũng chỉ là ảo tưởng…”. Không dễ để tiếp nhận nhau nếu không vượt qua những rào cản của dị biệt văn hóa và tâm lý. Mà muốn thế cần thiện chí. Dostoyevsky viết về sự sụp đổ ảo tưởng của người Nga về châu Âu trong Chàng ngốc từ năm 1868, đến nay đã hơn thế kỷ nhưng dường như vẫn còn tính thời sự.
Tờ Komsomolskaya Pravda - trong một cuộc tranh cãi liên quan đến thái độ của người Nga đối với Trung tâm kỷ niệm cố Tổng thống Boris Yeltsin ở Moskva, đã mở một chuyên mục đặc biệt. Họ mời người Nga kể lại đã sống thế nào vào thập niên 1990 - khi nước Nga bước vào con đường, mà Hubert Seipel gọi là “chủ nghĩa tư bản ăn thịt”. Theo dõi những tâm tình bạn đọc gởi tới hưởng ứng, người đọc có thể “cười ra nước mắt” trước sự sụp đổ ảo tưởng của dân Nga thời kỳ này. Dưới đây là ba trong số rất nhiều câu chuyện được những người Nga “sống sót qua thập niên 1990” gởi tới Komsomolskaya Pravda:
“Tôi nhớ mình đến chỗ bạn gái. Bạn gái tôi là phó tiến sĩ sử học, lúc đó đang bán tất ở cây số 7 đường Ovidiopolskaya [Thành phố Odessa, nay thuộc Ukraine]. Bên phải cô là một trung tá về hưu bán dây giày và tấm lót chân. Còn bên trái là giáo viên vật lý của một trường đại học kỹ thuật bán đồ lót. Đang là mùa đông. Cả nhóm đang tranh cãi về lý thuyết siêu dây, rót từ một cái ấm ra thứ rượu Cô-nhắc đáng ngờ mà một triết gia nào đó ở đấy đã mua sỉ rồi về chiết ra chai đem bán. Giữa các gian hàng là những đống lửa được đốt lên để sưởi. Ở đó đã đập những nhịp trí thức lụi tàn của thành phố chúng tôi.”
(Tachiana Travka)
“Thập niên 1990, chúng tôi tìm thấy mứt mơ được bà chúng tôi nấu từ thuở xa xưa. Đến năm 1991, bà tôi đã mất được năm năm. Bà đã trải qua những năm 1930 sóng gió ở sông Đông, nơi như bà kể, có những thi thể trương phình nằm đầy trên đường.
Bà chúng tôi luôn làm thức ăn dự trữ để không lâm vào cảnh đói túng. Và đấy, những hũ mứt mơ nâu đen không hề bị hỏng của bà đã được chúng tôi ăn với bánh mì năm 1991. Cũng như trước, bà vẫn luôn giúp chúng tôi.”
(Mứt Mơ)
“… Người Mỹ xuất hiện với những bài giảng về yoga. Không, chúng không làm chúng tôi no, nhưng giúp giảm stress và nhờ những kiến thức Ấn Độ, chúng tôi thành công khi biết có mặt ở cửa hàng đúng vào giờ họ vất bỏ thứ gì đó để chộp lấy. Đương nhiên, việc ăn chay rất có lợi, bởi khoai tây, cà rốt và củ cải thì rẻ và luôn có bán. Một phụ nữ khôn ngoan còn dạy tôi nấu súp ‘tả pí lù’ và khi đó tôi nghĩ, mình sẽ ăn mỗi bữa sáng, trưa, chiều một muỗng. Sẽ không chết đâu!
Người Mỹ đến để kiếm lợi từ nguồn bông rẻ. Vải tự nhiên ở phương Tây thì đắt. Ngược lại, mua một tấm khăn trải bàn bằng lanh và sáu bộ khăn ăn giá 24 rúp ở Nga, có thể bán ở Mỹ với giá 500 đô la!”
(Baba Yoga)
Nếu bạn đọc đến chương về tư hữu hóa ăn cướp trong cuốn sách của Seipel, thì những câu chuyện “người thật việc thật” trên đây sẽ minh họa sinh động cho thời kỳ đó. Đồng thời, nó cũng là minh họa cho lời của Dostoyevsky về sự tỉnh thức khỏi ảo tưởng của người Nga và sự tìm về với những giá trị truyền thống, mà với người Nga, đó là tôn giáo và tinh thần dân tộc. Chẳng phải vô tình mà một độc giả nói trong giờ phút đói khổ của cô, mứt mơ của người bà quá cố đã giúp nhà cô chống chọi!
Có lẽ cũng sẽ có những bạn đọc, như lời Nhà xuất bản Thụy Sĩ, thất vọng vì không tìm thấy trong cuốn sáchPutin - Logic của quyền lực những chi tiết về con người Tổng thống Nga ở góc độ riêng tư. Một lẽ dễ hiểu, như tác giả nói từ đầu, ông không chọn phản ảnh chi tiết này vì “tổng thống cũng có quyền có cuộc đời riêng”.
Nhưng “cuộc đời riêng” đó gần đây đã được phần nào bóc tách. Trả lời Oliver Stone trong bộ phim nêu trên, Putin từng thú nhận điều ông lo ngại nhất khi nhận lời đề nghị của Boris Yeltsin làm Thủ tướng, và sau đó, tranh cử chức Tổng thống Nga, là “giấu các con gái của mình đi đâu”, “bảo vệ người thân của mình thế nào”. Nhưng ông đã làm được điều đó. Hai con gái của ông đã được học hành trong những trường đại học Nga như những thanh niên Nga bình thường, và ngày nay, đã thành đạt như bất cứ người cùng tuổi nào có cùng điều kiện như thế. Ông cũng cho đạo diễn Oliver Stone biết các con gái ông “không gắn với hoạt động chính trị, không dính líu với những doanh nghiệp lớn”, họ “làm việc trong lĩnh vực khoa học, giáo dục”, và đã lập gia đình. Ông cũng đã trở thành ông ngoại của hai đứa cháu, và thỉnh thoảng có “tranh luận với các con rể” vì cũng có những vấn đề ông và con rể lẫn con gái không đồng quan điểm, và rằng ông tiếc vì không có nhiều thời gian chơi với cháu. Nhưng nói chung, các con gái ông đã có được cuộc sống bình thường như bao nhiêu người bình thường khác.
Gần đây hơn, trong buổi giao lưu trực tuyến với người Nga ngày 15-6-2017, cũng trả lời câu hỏi về các cháu ngoại của mình, ông nói rõ hơn quan điểm của mình, rằng ông “không muốn chúng lớn lên có máu hoàng tử”. “Tôi muốn chúng lớn lên thành những người bình thường. Muốn thế, chúng phải được giao tiếp bình thường trong những tập thể trẻ thơ. Giờ đây, chỉ cần tôi nói ra tên tuổi, chúng sẽ được nhận diện và sẽ không được yên. Nó sẽ gây hại cho sự phát triển của đứa trẻ. Xin hãy hiểu cho tôi”.
Đó là tuổi thơ của các cháu ông. Còn về tuổi thơ của Tổng thống Nga Vladimir Putin? Ông đã trải qua thời tuổi thơ khó khăn ít nhiều để lại dấu ấn trong con người ông. Trả lời câu hỏi một người Nga trong buổi giao lưu trực tuyến ấy, Putin thú nhận khi còn nhỏ, ông thấy cha mình “luôn nhìn… đồng hồ điện, tính toán từng cô-pêch để trả tiền điện đủ và đúng hạn”. Sau này, ông có thói quen là không bao giờ để đèn sáng khi rời đi đâu đó. Luôn luôn ông tắt đèn.
Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ được Hubert Seipel kể về tình cảm của Putin đối với người thầy - huấn luyện viên judo thuở thiếu niên của mình, những giờ tập “trên những chiếc chiếu ướt đẫm mồ hôi của phòng tập gió lùa”. Cuộc phỏng vấn Oliver Stone gần đây cho biết thêm chi tiết: thể thao đã giúp thay đổi cuộc đời cậu thiếu niên Putin. Thuở nhỏ cha mẹ ông - như bao nhiêu người lao động khác - tất bật kiếm sống, chẳng có mấy thời gian cho con trai, và phần lớn thời gian, “tôi chơi ngoài đường, ngoài sân”. Nhưng rồi những lớp học judo đã giúp ông rèn luyện bản thân, sống có kỷ luật hơn. Khi được hỏi về ấn tượng sau các cuộc phỏng vấn Putin, Oliver Stone bày tỏ sự khâm phục sức làm việc dẻo dai, bền bỉ của Tổng thống Nga, 16 tiếng một ngày, điều mà theo nhà đạo diễn Mỹ, “không một Tổng thống Hoa Kỳ nào làm việc ngần ấy tiếng”.
Tổng thống Nga có mơ mộng không? Một công dân Nga trong buổi giao lưu trực tuyến đã hỏi Putin nếu có cỗ máy thời gian, ông muốn quay lại thời kỳ nào? Putin đáp: “Chúng ta biết nhiều tác phẩm gắn với những cỗ máy thời gian. Cần phải tự mình quyết định, cỗ máy đó cho phép đi ngược hay đi tới và nó có cho phép can thiệp vào những sự kiện đang diễn ra và sửa đổi tương lai, tức hiện tại của chúng ta hay không”. Theo ông, “tốt nhất không nên động gì vào quá khứ vì những gì phải diễn ra thì sẽ vẫn thế thôi, chỉ với những hậu quả không lường trước được”. Và ông nói thêm: “Dĩ nhiên tôi rất thích xem đất nước chúng ta đã được phát triển, xây dựng thế nào, Petersburg được xây dựng thế nào, và cha ông chúng ta đã chiến thắng ra sao trong Chiến tranh Vệ quốc”.
Putin có tài khoản ở nước ngoài hay không, mà theo các đồn đại, là ở Cyprus? Câu trả lời của Tổng thống Nga cho Oliver Stone là “không”. Bác bỏ tin đồn rằng ông “là người giàu có nhất thế giới”, Vladimir Putin không tin rằng giàu có là hạnh phúc vì “thời khủng hoảng phải nghĩ tới việc phải làm gì với các cổ phiếu, giữ nó thế nào, đầu tư vào đâu… cũng đủ nhức đầu”; và nói đạo diễn Oliver Stone thực tế “còn giàu có hơn những ai có nhiều tiền trong tài khoản vì Oliver Stone có “chính kiến của mình”, có tài và “có thể để lại phía sau mình dấu ấn đáng kể”. Ông Putin dẫn câu ngạn ngữ cổ: “Trong quan tài không có túi” để kết thúc câu chuyện về tiền tài và hạnh phúc.
Còn những gì đáng quan tâm tới đời riêng một tổng thống? Trả lời Oliver Stone, người đã bảo nếu ông là Putin hẳn phải có nhiều đêm mất ngủ, Tổng thống Nga cho hay ông “vẫn ngủ ngon” và “không mơ thấy ác mộng”. Putin có sợ bị ám sát không? Đặc biệt từ chính cận vệ của mình? Tổng thống Nga đáp: “Ông biết dân gian nói thế nào không? ‘Số ai phải chết treo cổ, người đó sẽ không thể chết đuối’. Tôi làm việc của tôi, họ [cận vệ] làm việc của họ. Và đến nay họ làm không tệ”. Khi Oliver Stone nói với Putin rằng ông được biết từng có 5 mưu toan ám sát Putin và 50 âm mưu giết Fidel Castro, Putin kể: Ông đã nói chuyện này với Fidel Castro lúc sinh thời, và Fidel cho biết: “Anh có biết vì sao tôi vẫn sống?”, “Vì sao?”, “Bởi vì tôi luôn tự quan tâm tới vấn đề an ninh của mình”. Cũng trong trả lời phỏng vấn Oliver Stone, bình luận về ý kiến cho rằng mình “muốn trở thành Sa hoàng”, Vladimir Putin nói: “Vấn đề là sử dụng quyền lực mà tôi có. Và sử dụng đúng”. Putin nói báo chí phương Tây thích gọi ông là Sa hoàng vì họ thích hình ảnh đó: “Họ không thể thoát khỏi những định kiến cũ này”.
Trở lại với câu nói của Dostoyevsky được nhà báo Hubert Seipel trích dẫn đầu cuốn sách, nhà báo Seipel nói Vladimir Putin không biết việc ông trích dẫn câu nói này, nhưng ông tin Putin chia sẻ cái nhìn của ông. Seipel không sai. Trong tập một của bộ phim Phỏng vấn Putin phát trên kênh truyền hình Showtime, Vladimir Putin đã đề nghị Hoa Kỳ xây dựng quan hệ bình đẳng với Nga, thay vì bỏ hàng tỉ đô la tiêu tốn cho quốc phòng. “Cái chính mà nước Nga có - đó là người Nga với bản sắc của mình, với tình trạng nội tâm của họ. Dân tộc này không thể tồn tại bên ngoài chủ quyền của họ, bên ngoài nhà nước của họ, và hiểu biết đó sẽ hướng các đối tác phương Tây vào việc xây dựng quan hệ bình đẳng lâu dài với nước Nga, chứ không phải đe dọa đáp trả hạt nhân. Khi đó sẽ không phải mất bấy nhiêu tiền cho việc quốc phòng”.
Liệu những “tiếng nói kẻ thù” - được nhà báo Đức Hubert Seipel và đạo diễn Hoa Kỳ Oliver Stone truyền đi - có được lắng nghe? Sách của Hubert từng bị đồng nghiệp xé bỏ. Còn Oliver Stone, sau khi bộ phim được phát đi, đã bị một số tờ báo ở đất nước ông chỉ trích là có thiện cảm với Vladimir Putin...
Khi cuốn sách này tới tay bạn, những độc giả Việt Nam, lịch sử đã đi trọn một thế kỷ kể từ cuộc Cách mạng tháng Mười 1917. Nước Nga từ “mười ngày rung chuyển thế giới” đó - nói theo nhà báo Mỹ John Reed - hiện nay đang như thế nào? Vấp váp tan rã thiếu một thỏa thuận Đông - Tây, vội vã “tư hữu hóa ăn cướp”, phải tìm cách thoát khỏi những bóng đen quá khứ và lấy lại tự cường dân tộc ra sao? Trong bối cảnh chiến tranh thông tin, khi dòng thông tin quốc tế “chính thống” ngày càng lấn át, thì một cái nhìn khác (alternative) cũng của một nhà báo phương Tây, sẽ mang tới cho độc giả một chiều kích khác.
Còn với người dân Nga, mức ủng hộ ông Putin hiện hơn 61%. Đối với những câu hỏi “bất tiện” nêu trên, ông Putin không trả lời. Có lẽ người Nga cần chờ đợi ít nhất đến cuối nhiệm kỳ này, 2018… Lịch sử sẽ phán xử!
- First News