Đầu tháng 3-2015, các phương tiện truyền thông đại chúng thế giới cuống cuồng đi tìm lời đáp cho câu hỏi ngắn: “Putin đâu rồi?”. Suốt nhiều ngày, Vladimir Vladimirovich Putin không thấy xuất hiện trước công chúng. Chuyến đi ngắn đã được lên kế hoạch tới Kazakhstan bị hủy bỏ, và càng bất thường hơn khi ông thậm chí còn không có mặt tại ngày hội hàng năm của FSB(3), diễn ra ở Moskva trong tuần lễ đó. Công chúng chỉ tìm thấy một giải thích hợp lý duy nhất. Nếu một tổng thống, nhiều thập niên trước đã bắt đầu sự nghiệp của mình như một nhân viên tình báo đối ngoại, mà lại không có mặt tại “ngày hội gia đình” - thì rõ ràng phải có gì đó bất thường. Câu hỏi chỉ còn là: “Đó là lý do gì?”.
(3) Cơ quan An ninh Liên bang Nga. Từ đây, các chú thích đi kèm dưới chân trang được ký hiệu ND là của người dịch, BTV là của biên tập viên, còn các chú thích bằng số in đậm là của tác giả, mời xem ở Phụ lục Chú thích cuối sách.
Đầu tiên, những giả thiết vô hại đã được đưa ra. Có người bảo ông bị cảm lạnh hay bị cúm vốn đang lây lan ở Moskva thời điểm đó. Tuy nhiên, khi thư ký báo chí của ông, Dmitry Peskov liên tục mấy ngày khẳng định trong các cuộc phỏng vấn là Tổng thống bận rộn vì cuộc khủng hoảng Ukraine đến độ không thể thường xuyên lên truyền hình phát biểu, cỗ máy tin đồn đã làm việc hết công suất. Tại sao ông Vladimir Putin không phát biểu trên truyền hình? Bởi điện Kremlin thường không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để quảng bá cho nhân vật thứ nhất của đất nước dưới một góc nhìn thích hợp.
Và khi Peskov bổ sung rằng cái bắt tay của Putin vẫn còn mạnh như trước, mạnh đến nỗi có thể bẻ gãy ai đó, mọi người bắt đầu bàn tán những phương án khác nhau. Phổ biến từ thời Yeltsin, những lời bàn tán và công thức này được sử dụng mọi lúc, khi Tổng thống đương nhiệm ốm đau hay khi mức cồn trong máu tăng cao đến nỗi không cho phép ông ta xuất hiện công khai. Công thức quá khứ này thường chẳng tiên đoán điều gì tốt đẹp.
Chuyện gì đã xảy ra? Đột quỵ? Âm mưu? Đảo chính cung đình? Hoặc có thể, Putin đang bị nhốt trong hầm mật của Kremlin? Hay tất cả chỉ là một thủ thuật truyền thông tinh vi để lôi kéo công chúng khỏi những khó khăn kinh tế và chính trị?
Một cựu Cố vấn Tổng thống viết trên blog mình rằng Tổng thống đã bị những người ủng hộ đường lối chính trị cứng rắn lật đổ và đang bị quản thúc tại gia, còn chủ mưu là Nhà thờ Chính thống giáo. Chẳng bao lâu nữa, theo lời ông ta, sẽ có tuyên bố trên đài truyền hình, theo truyền thống tốt đẹp của điện Kremlin, rằng ông Putin muốn có một sự nghỉ ngơi xứng đáng khỏi lịch làm việc điên cuồng những năm qua. Nhiều người nhận định, đây là một dấu hiệu chắc chắn rằng cuộc đua tranh vào ngôi vị kế thừa rõ ràng đã kết thúc bằng thắng lợi của một trong các ứng viên.
Các nhà báo thậm chí còn hỏi cả đại diện Nhà Trắng, liệu Washington có biết Putin đang ở đâu không, và liệu Barack Obama có được báo tin về việc Putin đã biến mất không, để tránh khỏi những phản ứng khó lường. Nhưng vị đại diện cáu kỉnh của Nhà Trắng không đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Ông ta bảo, việc luôn phải biết Tổng thống Mỹ đang ở đâu đã là quá đủ với ông ta, còn về Tổng thống Nga thì nên hỏi những cơ quan Nga có liên quan ấy.
Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác mỗi giờ lại đưa ra những giả thuyết âm mưu mới. Một số giả định khá đơn giản. “Bạn gái mới hay vợ của Tổng thống sinh con tại Thụy Sĩ”, tờ Neue Zürcher Zeitung viết, “vì thế ông phải rút khỏi công việc vài ngày”.
Sự âu lo bao trùm chúng ta mùa xuân 2015 là điển hình, khi nói về Vladimir Putin. Không có ngày nào mà báo chí không viết về ông, và như một quy luật, không viết gì tốt đẹp. Còn nếu có, như một ngoại lệ, họ không viết gì đặc biệt xấu xa, thì Tổng thống, theo ý kiến của họ, ít ra là đã đánh giá quá cao điều gì đó hoặc cư xử không đúng. Rõ ràng, ông đã không hiểu những yêu cầu hiện đại, nhưng dẫu sao, ông quá quan trọng nên không thể bỏ qua, đành phải viết về, còn các chính khách của chúng tôi, phải nghiến răng mà giao tiếp với ông. Không một chính khách nước ngoài nào được báo chí quan tâm đặc biệt như Vladimir Putin. Cùng lúc, mọi thứ trông có vẻ như dưới thời Liên Xô: quá nhiều đồn đoán trên cặn cà phê(4). Ngày này sang ngày khác, các chuyên gia về điện Kremlin đã đưa ra những giả thuyết mới mà không tiếp cận được nguồn tin ngoại giao nào (phải công nhận là không dễ có được sự tiếp cận này).
(4) Một cách thức bói toán dân gian của người Nga và các dân tộc Slavơ: sau khi uống cà phê, lớp cặn còn lại trên tách của một người có thể nói gì đó về số phận anh ta - ND.
Sự biến mất đột ngột của Putin vào tháng 3-2015 được chính Tổng thống giải thích rất đơn giản vài tuần sau đó: “Tôi bị cảm nặng và sốt cao, vì vậy phải nghỉ dưỡng mất mấy ngày”. “Và chắc là, tôi đã đánh giá không đúng mức mối quan tâm của các bạn tới cá nhân tôi”. Ông giễu cợt nói thêm: “Trong tất cả các lời đồn đoán, tôi thích nhất ý tưởng về Thụy Sĩ và người nối dõi mới, không tệ chút nào đối với một người đàn ông ở tuổi tôi”. Ông biết, mình ảnh hưởng thế nào tới công chúng và biết cách sử dụng điều đó.
Việc hình ảnh ở nước ngoài sẽ thay đổi đáng kể trong suốt cuộc đời mình là điều ông đã biết từ lâu.
Ở Đức, và không chỉ ở Đức, Putin thuộc nhóm chính khách nước ngoài được các nhà báo quan tâm gần như nhiều hơn giới tinh hoa chính trị nước mình. Ở phương Tây, người ta ngờ rằng Putin luôn nghĩ những điều không tốt đẹp. Trong nhiều năm, các phương tiện truyền thông hàng đầu của Đức đã tốn hàng khối sức lực cho ông. Thỉnh thoảng, họ lại nhận định rằng người kế thừa hoặc những người kế thừa ông có thể còn tệ hơn. Nói ngắn gọn, ở phần này của thế giới, khó mà mong đợi điều gì tốt đẹp. Trong khi đó, theo quy luật, họ quên rằng đa số người Nga đã vài lần bỏ phiếu cho con người đó. Và nếu họ không quên điều đó, thì khi nhắc lại việc này, họ thường bổ sung rằng các cuộc bầu cử tại Nga luôn bị làm cho sai lệch. Các cuộc thăm dò ở Nga lại đưa ra một bức tranh khác: sự nổi tiếng của Putin ở trong nước đạt tới mức kỷ lục - hơn 80%. Nói cách khác, Vladimir Putin - đó là đề tài không chỉ cho những cuộc trò chuyện giải trí mà còn cho một cuộc bàn luận nghiêm túc. Trong nhiều thập niên thảo luận về đề tài này, ông là một giá trị không đổi, mâu thuẫn và không thể thay thế trong lĩnh vực chính trị. Ông như một người quen cũ không thể quên, thậm chí cả khi người ta liên tục đòi ông từ chức.
Ở một mức độ lớn hơn, cuộc khủng hoảng Ukraine còn khiến Putin trở thành hiện thân của cái ác. Cuộc xung đột quanh Ukraine ngay từ đầu là câu chuyện cách điệu về cái thiện và cái ác, về cuộc đấu tranh anh dũng của một cộng đồng thế giới dân chủ chống lại những mưu đồ u ám của bạo chúa Nga. Đó là sự tiếp nối của một vở kịch mà Ronald Reagan(5) có thể đòi bản quyền - năm 1983, tại cuộc họp của những người theo trào lưu chính thống Kitô giáo, ông ta đã gây ấn tượng mạnh khi gọi nước Nga là “đế chế của cái ác”.
(5) Ronald Wilson Reagan (1911-2004): Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (1981–1989) - BTV.
Sau khi chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời đông Ukraine, đối với các phương tiện truyền thông trong nhiều tháng, Vladimir Putin đã trở thành hiện thân duy nhất cho một thế lực đen tối cần phải được đấu tranh. Kinh tởm, nhưng khéo léo và thông minh, ông tiếp tục sự tàn bạo của mình, mặc cho những nỗ lực của Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel, người thường xuyên trò chuyện với ông (và quả thật, bà Merkel giao tiếp nhiều với Putin), tuồng như xung đột có thể giải quyết ở mức độ “trị liệu” bằng lời, chứ không phải ở mức độ hiểu biết tường tận những lợi ích chính trị. Đối với báo giới phương Tây, Putin là người không muốn gì khác ngoài việc phục hồi Liên bang Xô viết đã bị tan rã, bằng việc lấy lại Baltic và Ba Lan. Nhưng kịch bản đó không chút khả thi bởi những nước này từ lâu đã gia nhập NATO, và một nỗ lực như thế, theo hiệp ước của NATO, sẽ lập tức dẫn tới một thế chiến mới.
Giờ đây, cơn kích động đã phần nào nguôi bớt. Ukraine khó nhọc thành lập nhà nước sao cho tối thiểu phải giống một nhà nước dân chủ. Mà chính mục tiêu này đã được đa số phương tiện truyền thông tuyên bố, và cũng vì nó mà nhiều người đã thiệt mạng bên các chướng ngại vật. Các nhà chính trị học vẫn còn tranh cãi, liệu đúng được bao nhiêu luận điểm thống thiết của phương Tây, vốn ca ngợi Liên minh châu Âu (EU) như một đối trọng tự do và tuyệt vời so với nước Nga thực dân, đế chế này, mặc dù tan rã, nhưng vẫn không muốn buông Ukraine khỏi tay mình.
Quyền lực và cuộc chiến quan điểm
Vai trò của Vladimir Putin trong các sự kiện Ukraine đã dẫn tới cuộc tranh luận về tính xác thực của các phương tiện truyền thông đại chúng. Không phải tất cả mọi người đều chia sẻ ý kiến của các tờ báo uy tín, các nhà báo, những người dẫn chương trình truyền hình, vốn khẳng định chỉ mình nước Nga có lỗi trong cuộc khủng hoảng này. Việc các Đài truyền hình ZDF và ARD, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng nhận được vô số khiếu nại do đưa tin một chiều về chính sách của Putin và các sự kiện Ukraine, không phải là không có nguyên nhân. Hội đồng biên tập ARD, chẳng hạn, đã phê bình khá gay gắt kênh truyền hình của mình vì đưa tin như thế. Sau khi nhận được các khiếu nại, các chủ biên đã tự mình phân tích chi tiết một loạt các chương trình và đi tới kết luận tương tự. Theo lời họ, ARD đưa tin “một chiều” và “có thiên kiến”. Tháng 6-2014, họ đã biên soạn và giới thiệu một danh sách dài các lỗi rõ ràng này. Cụ thể như: họ đã không đưa “những kế hoạch có tính chiến lược của NATO trong quá trình mở rộng liên minh về phía đông”; trong thời gian đảo chính, Kiev đã “không phân tích chi tiết vai trò của Hội đồng Maidan(6), cũng như của những lực lượng dân tộc cực đoan, chẳng hạn như đảng ‘Tự Do’”. Tóm tắt chính thức của Hội đồng ARD ghi rõ: “Trên cơ sở những xem xét của mình, Hội đồng biên tập ARD đã đi đến kết luận: việc đưa thông tin về cuộc khủng hoảng Ukraine trên Kênh Một của Đài truyền hình Đức phần nào tạo ấn tượng sai lệch và thiên vị, chống lại Nga và vị thế của Nga”(1).
(6) Maidan: Tiếng Ukraine có nghĩa là quảng trường, ở đây là Maidan Nezalezhnosti (Quảng trường Độc lập) tại Kiev (Ukraine), nơi vào những năm 2013-2014 đã diễn ra các cuộc biểu tình rồi lật đổ chính quyền Yanukovich - BTV.
Ở các tờ nhật báo lớn, tình hình cũng tương tự.Frankfurter Allgemeine Zeitung, Die Zeit và Süddeutsche Zeitung đã nhận được hàng nghìn khiếu nại với những bình luận chỉ trích. Độc giả tuyên bố họ nhận thấy quan điểm của những tờ báo này là thiên vị, và dọa không tiếp tục đặt báo. Tuy nhiên, nhiều nhà báo thà nghi ngờ năng lực của độc giả qua việc đánh giá thông tin được cung cấp hơn là hoài nghi chất lượng những phóng sự của riêng mình. Trong sự hạn chế do độc quyền thông tin của mình, họ chỉ thấy thêm một bằng chứng của công tác tuyên truyền về Nga ở Đức hiệu quả tới đâu.
Thế nhưng, các phương tiện truyền thông uy tín lại hiểu ra rất chậm rằng trong các cuộc bàn cãi này không chỉ có những hành động “troll”(7) ủng hộ Putin. Độc quyền diễn giải thông tin của các nhà báo đã bị phá vỡ từ lâu. Và “công việc hàng ngày với những chính khách ngu ngốc và bất tài”, như lời Frank-Walter Steinmeier(8) phát biểu vào tháng 11-2014 mô tả một cách độ lượng mối quan hệ giữa các chính khách với báo giới, đã thay đổi rất ít ở đây. Cần phải giữ khoảng cách, mà điều đó chỉ có thể xảy ra khi “các nhà báo tránh tự bóp méo sự kiện như các chính khách”. Chính khách - không phải nhà báo, và nhà báo - không phải chính khách. Vị Ngoại trưởng, được cho là khá khôn ngoan, đã để lại cho giới truyền thông vài câu nói làm kỷ niệm: “Có trường hợp, khi mỗi sáng đọc qua bảng tổng kết thông tin báo chí của bộ chúng tôi, trong tôi nảy sinh cảm giác là thuở xưa, phạm vi ý kiến từng rộng lớn hơn”. “Tôi có cảm tưởng khao khát đối đầu trong tâm trí các nhà báo là khá mạnh” (2).
(7) Hành vi cố tình khiêu khích nhằm làm xáo trộn hay tranh cãi trong cộng đồng - ND.
(8) Tổng thống Liên bang Đức từ tháng 3-2017. Trước đó, ông là Ngoại trưởng Đức hai nhiệm kỳ (2005-2009) và từ 2013 đến tháng 1-2017 - ND.
Cuộc thảo luận ồn ào về Vladimir Putin dựa không ít vào những luận điểm của sự mực thước chính trị. Sự mực thước chính trị quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhưng vai trò của nó trong việc phân tích chính sách đối ngoại lại không cao. Có mưu toan nhằm làm cho niềm tin cá nhân của ai đó trở thành bắt buộc cho rất cả, không màng đến những hiệu ứng phụ khó chịu cũng như các ưu tiên khác. Và phải làm không chậm trễ, ngay bây giờ. Nó được thực hiện theo công thức lối sống riêng tương ứng với chương trình nghị sự riêng. Hôm nay ăn tối ở đâu, nhà hàng chay nào ngon nhất? Mặc gì? Và tại sao cuối cùng, Vladimir Putin không đạt được việc cho phép hôn nhân đồng tính ở Nga?
Thái độ của báo giới chúng ta với nước Nga mới - đó là một ly cocktail cảm xúc pha từ thiện cảm và niềm tin vào giá trị của riêng mình. Ngay sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, các nhà báo Đức, dựa trên cảm xúc mới về tính cộng đồng, đã sản xuất hàng nghìn bài báo với những lời khuyên thiện chí và những cảnh giác trước các sai lầm. Chúng ta chưa bao giờ ngưng việc đánh giá hành vi và cho rằng, chúng ta luôn biết, như “một quốc gia chưa thành hình”, Nga lẽ ra đã có thể tiến lên phía trước, trên con đường hướng về phương Tây. Thế nhưng, có vẻ như nền chính trị Nga không quá bị tác động bởi ngành sư phạm tiên tiến Đức. Hướng dịch chuyển không được đồng tình. Như thế, mối quan hệ đã chấm dứt, cũng như một niềm đam mê không được đáp lại luôn chấm dứt bằng sự vỡ mộng về nhau.
Bản ghi chép những mong đợi ở Đức gắn liền với nước Nga Putin là kết quả của nhiều năm ảo tưởng. “Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, người ta cho rằng nước Nga và châu Âu đang chia sẻ cùng những giá trị” - tờ Die Zeit thất vọng viết trong một bài xã luận (3). Và không chỉ tờ báo này. Thế nhưng, giả định chiếm ưu thế lúc ấy (và dường như cho đến tận ngày nay) và về sau hóa ra là đáng ngờ, lại có rất ít cái chung với thực tiễn xã hội khi đó.
Sự kết thúc của Liên bang Xô viết không thu xếp được một thỏa thuận Đông và Tây, ngay lập tức trên cơ sở nhân quyền được thông qua ở phương Tây, đã bắt đầu hình thành người Nga mới. Sự sụp đổ Liên bang Xô viết là kết quả của thất bại khổng lồ về kinh tế và việc thiếu năng lực của giới tinh hoa quyền lực quan liêu chính trị trong việc dự báo phát triển kinh tế để thay đổi đường lối. Mikhail Gorbachev đã khởi đầu cho sự sụp đổ Liên Xô, chứ không phải những bài xã luận trên báo chí Đức. Ngay từ năm 2008, trong một thư ngỏ, Gorbachev đã cáo buộc các nhà báo Đức tấn công Nga: “Khi xem xét dòng ấn bản trên báo chí Đức, khó mà thoát khỏi một ấn tượng rằng đang hiện hữu một cuộc vận động khổng lồ nào đó. Như thể tất cả đều chỉ sử dụng một nguồn độc quyền, trong đó chứa chừng một chục luận điểm (nước Nga thiếu dân chủ; đàn áp tự do ngôn luận; tiến hành một chính sách năng lượng nham hiểm; chính quyền đang trượt về phía độc tài, v.v.) (4).
Người Nga không chấp nhận những đánh giá chỉ trích như thế của chúng ta. Trong khi chúng ta lại hy vọng là nhân dân Nga ở mức độ này hay khác đang học hỏi. Theo đánh giá của nhiều nhà báo, người dân Nga, đáng thương thay, đơn giản là không biết phải thoát khỏi Tổng thống Vladimir Putin của mình bằng cách nào. Vì thế họ lại bầu ông ta lần nữa, rồi lần nữa.
Vậy Vladimir Putin là người thế nào? Điều gì thôi thúc những hành động của ông, cái gì đã tác động lên sự đặc thù của ông? Cuốn sách này cho phép độc giả làm quen với thế giới của Vladimir Putin. Đây không phải là một luận án tiến sĩ, không mưu cầu sự đầy đủ của thông tin. Lần đầu tiên tôi gặp Tổng thống Nga là vào tháng 1-2010 ở Moskva, khi phỏng vấn ông về vấn đề năng lượng. Đó là nửa sau của thời kỳ ông làm thủ tướng, giữa hai nhiệm kỳ thứ hai và thứ ba của chức tổng thống, bởi Hiến pháp Nga không cho phép một người giữ chức vụ tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Chúng tôi nói về việc làm một bộ phim tài liệu truyền hình. Ông chấp nhận điều kiện là chúng tôi không cần phải xin phép bằng cách cho ông xem lại cả bộ phim lẫn phần phỏng vấn mà chúng tôi quay trước khi chiếu nó trên truyền hình Đức năm 2012. Việc làm bộ phim Tôi, Putin. Chân dung cho hãng ARD (5) đòi hỏi tôi phải tiến hành một loạt các cuộc gặp và trò chuyện mới được diễn ra thường xuyên ở Moskva, Sochi, Saints Petersburg, Vladivostok cũng như trong thời gian các chuyến thăm nước ngoài của Vladimir Putin. Bộ phim đánh dấu cho việc làm quen của tôi với Tổng thống Nga. Quan hệ giữa chính khách và nhà báo thường dựa trên thông tin và niềm tin, và chỉ có thể xảy ra trong trường hợp cả hai phía nhìn nhận nhau nghiêm túc. Các nhà báo thường cư xử công kích đối với các chính khách nên không thể nhận được nhiều thông tin. Nhưng phương pháp của các chính khách và các phương tiện truyền thông đại chúng rất giống nhau. Chính khách cố sử dụng nhà báo, còn nhà báo thì sử dụng chính khách. Tất cả như nhau ở Berlin, Washington và Moskva, và không quan trọng chính khách đó là ai, Merkel, Obama hay Putin. Ở đây nói về tính chất xã hội của loại hoạt động đặc trưng cho cả hai nghề nghiệp.
Sự gần gũi là một tiền đề cần thiết để nhận thông tin vượt khỏi khuôn khổ những vở kịch quy chuẩn. Phần còn lại là công việc kỹ thuật. Ngoài Putin, tôi đã nói chuyện với nhiều đồng sự của ông ở Moskva, với các chính khách ở Berlin, Brussels và Washington. Một số không ý kiến gì về việc tôi trích dẫn lời họ, những người khác đề nghị không nêu tên họ. Đó cũng là một phần của nghề nghiệp.
Vladimir Putin như một chính khách, cũng giống như các đồng nghiệp của ông ở phương Tây, sẵn sàng đóng thử bất cứ vai trò nào nếu nó đem lại lợi ích. Tuy nhiên, ông yêu cầu đặt ra một ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời tư, để bảo vệ bản thân và gia đình. Không một câu chuyện nào về gia đình hay những quan hệ riêng tư theo tinh thần của Gala và Bunte(9). “Tôi thú vị với các phương tiện truyền thông bởi vì tôi là chính khách và là Tổng thống Nga”, ông nói, “còn các con gái tôi không giữ chức vụ chính trị, những quan hệ cá nhân của tôi không thuộc về các vấn đề chính trị - đó là việc riêng của tôi”. Tác giả cũng tôn trọng các khuôn khổ này. Một phần bởi vì tôi cũng đồng ý cách tiếp cận ấy.
(9) Gala là tuần san chuyên cung cấp thông tin về các nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí, thời trang và xã hội. Ra đời lần đầu tiên ở Pháp vào năm 1993, đến nay, Gala có năm ấn bản, in bằng các thứ tiếng Pháp, Đức, Ba Lan và Nga. Bunte là một tuần san của Đức chuyên về thông tin giải trí, ngôi sao và các vấn đề lối sống - ND.
Ở đây nói về chính trị. Chính trị được xác định bởi lịch sử, bởi những mối quan tâm cụ thể và kinh nghiệm tập thể của đất nước, và dĩ nhiên, còn bởi những sự kiện đang diễn ra. Nó, nói riêng, thể hiện qua thảm họa chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn ở đông Ukraine, làm nguội lạnh hoàn toàn quan hệ giữa Tây và Đông. Vladimir Putin, trong ý nghĩa này, không khác gì với Barack Obama và Angela Merkel. Và bất kỳ đất nước nào cũng có cái nhìn riêng về lịch sử của mình. Tổng thống Nga sẽ không trụ lại được ở các cương vị chính trị cao nhất trong 15 năm nếu như ông đưa ra những quyết định xuất phát từ sở thích cá nhân và không tính tới lịch sử Nga, những xung đột nội bộ và cuộc chiến quyền lực trong lĩnh vực địa chính trị.
Những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Putin trùng khớp với những thời khắc bước ngoặt của lịch sử Nga. Tuổi thơ ông là thời ổn định Xô viết, ở Saint Petersburg. Cùng với sự tan rã đất nước, sau 5 năm làm nhân viên tình báo đối ngoại Liên Xô ở Dresden, ông tìm được chỗ đứng trong đời sống dân sự với tư cách cố vấn luật cho chính quyền thành phố quê hương. Sau vài năm làm việc cho chính quyền điện Kremlin, ông chứng kiến sự tan rã của nhà nước và nhanh chóng học hỏi cách thức hoạt động của các cơ chế quyền lực trong kỷ nguyên hỗn loạn của Yeltsin.
Giờ đây, trên cương vị Tổng thống Nga, ông cố gắng khôi phục lòng tự trọng đã bị suy sụp của nhân dân mình, tìm khởi nguồn cho nó trong kinh nghiệm lịch sử của ông - từ đế chế Nga đến thời Xô viết, đồng thời trong Chính thống giáo - cho dù phương Tây có thích hay không. Với Putin, việc mở rộng liên tục của NATO về hướng biên giới Nga từ năm 1999 cùng với những khuyến nghị cấp bách của Washington và Berlin, áp đặt các quan điểm chính trị của họ - là sự mở rộng có ý thức các khu vực hoạt động chiến sự của chiến tranh lạnh. Mà những đánh giá thường là sai lầm này, đã đặt gánh nặng lên mối quan hệ giữa Vladimir Putin với Thủ tướng Angela Merkel, người mà bản thân cũng có nguồn gốc từ Đông Đức.
Cuốn sách này nói về mối quan hệ giữa những lợi ích cạnh tranh và quan điểm thật sự của Vladimir Putin được ông chia sẻ ở các cuộc gặp của chúng tôi. Đây là biên niên sử của một cuộc đối đầu được công bố, đạt đỉnh điểm vào năm 2014. Đó là vào tháng 2-2014, nước Nga tổ chức Thế vận hội ở Sochi như một ngày hội của đất nước, thì những người biểu tình trên Quảng trường Độc Lập của Kiev đã lật đổ chính quyền Ukraine, sau một năm đọ sức giữa phương Tây và Nga ở đây. Câu trả lời của Putin là sáp nhập Crimea. “Bôi xấu Vladimir Putin, đó không phải là chiến lược, đó là bằng chứng ngoại phạm để che đậy sự thiếu chiến lược”, suy đoán của Henry Kissinger(10), người từng là đại diện nổi tiếng của trường phái cứng rắn (6). Thế nhưng, bằng chứng ngoại phạm đó cũng chính là vũ khí, điều sẽ được thảo luận trong cuốn sách này.
(10) Henry Kissinger: sinh năm 1923, là một nhà ngoại giao Mỹ gốc Đức. Ông từng giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 1969 đến năm 1975, Ngoại trưởng Hoa Kỳ từ 1973 - 1977. Kissinger giành giải Nobel Hòa bình năm 1973 - BTV.