Vấn đề về tội lỗi của thảm họa máy bay hành khách bị bắn rơi MH17
Tiếng ồn đơn điệu của các động cơ máy bay tổng thống IL 96-300 đã ru ngủ hầu hết hành khách. Chuyến bay từ Rio de Jainero đến Moskva dài hơn 12 tiếng. Những ngày vừa qua là một cuộc chạy marathon căng thẳng, tự nhiên thôi, nếu tính chuyến thăm chính thức bốn quốc gia trong sáu ngày. Nhưng giờ đây, ngày 17-7-2014, Vladimir Vladimirovich Putin nói chung hài lòng với chuyến thăm Nam Mỹ này. Cuộc đón tiếp ở Cuba, Nicaragua, Argentina và Brazil đã vô cùng thân thiện, các thỏa thuận hợp tác tương lai trong lĩnh vực năng lượng và vũ trang đã được ký kết. Cuộc gặp các nước BRICS - một liên minh kinh tế bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã diễn ra ở Brazil năm nay liên quan đến World Cup, cũng xứng đáng với những mong đợi.
Trong hai năm qua, Tổng thống Nga đã dồn tất cả nỗ lực để cùng với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thực hiện kế hoạch thành lập hai ngân hàng. Hiện giờ, tất cả đã ký một thỏa thuận tương ứng và cung cấp số vốn ban đầu là 100 tỉ đô la. Mục đích của nó trong tương lai là tạo ra một đối trọng với Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bởi vũ hội trong những cơ cấu này được điều khiển trước tiên bởi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Mô hình tài chính Anh - Mỹ là cái gai trong mắt đại diện các nước với dân số ba tỉ người, chiếm 40% cư dân hành tinh. Việc thành lập ngân hàng sẽ phục vụ việc mở rộng không gian cho những vận hành chính trị.
Nói ngắn gọn, mọi việc diễn ra không tệ, nếu không tính cuộc gặp tay đôi với Thủ tướng Liên bang Đức ở Rio de Janeiro. Cuộc trò chuyện với bà Angela Merkel ngày 13-7-2014 trên khán đài dành cho các vị khách danh dự của sân vận động Maracana trước trận đấu cuối cùng của World Cup, hầu như không mang lại kết quả. Cuộc gặp ngắn ngủi không cải thiện quan hệ Nga - Đức vốn đã trở nên phức tạp bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Thủ tướng Liên bang Đức Merkel và Putin trước đó đã thỏa thuận rằng quân ly khai thân Nga và Chính phủ Ukraine phải bắt đầu đàm phán. Angela Merkel sẽ bàn bạc điều này với Tổng thống Ukraine.
Trong cuộc thảo luận với Putin, bà Merkel cam đoan với ông rằng bà đã liên tục nói về điều này với Poroshenko(11), nhưng hiện không có gì thay đổi, xung đột vẫn tiếp diễn. Đến nay, bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa bốn ngoại trưởng Đức, Pháp, Ukraine và Nga nhằm giải tỏa căng thẳng, đều đã bị phá vỡ trong vòng hai ngày sau khi ký kết. Tuy nhiên, trận chung kết bóng đá lại là một thành công. Người Đức đã đánh bại Argentina, nhưng phải đợi đến hiệp phụ.
(11) Petro Poroshenko (sinh năm 1965): Tổng thống đương nhiệm của Ukraine, nhậm chức vào ngày 7-6-2014 - BTV.
Tới Moskva còn phải bay thêm 40 phút nữa. Thư ký báo chí của Putin, ông Dmitry Peskov mang đến tài liệu cho các cuộc gặp sắp tới. Không có gì đặc biệt, những công việc thường ngày, ngoại trừ cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ sau khi máy bay hạ cánh. Cuộc điện đàm đã được thỏa thuận từ trước đó khá lâu. Không hẳn là Vladimir Putin chú trọng đến việc đối thoại với Barack Obama, bởi sự ghẻ lạnh lẫn nhau đã tăng lên trong vài năm qua. Vẻ ưu việt về đạo đức mà Tổng thống Mỹ thể hiện trong các tuyên bố công khai về Nga đã làm Putin khó chịu, cũng như tuyên bố mới nhất của Obama khi gọi Nga là “cường quốc khu vực” và so sánh Tổng thống Nga với một học sinh không có khả năng tập trung ngồi ở bàn cuối (7). Cho đến nay, Vladimir Putin không để ý đến những công kích mang tính cá nhân nhưng ông thường xuyên phát biểu chống lại yêu sách của Hoa Kỳ đòi thống trị thế giới.
Những phát biểu công khai ở Washington trước cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2012 cho thấy Obama ủng hộ Tổng thống mãn nhiệm Medvedev hơn tân Tổng thống Putin, cũng như không tạo điều kiện tháo dỡ những căng thẳng và hiện thực hóa việc tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ đã được tuyên bố. Sau cuộc đảo chính diễn ra ở Maidan của Kiev, giai đoạn đóng băng dài đã ngự trị trong chính trị, với triển vọng mở ra một kỷ băng hà mới trong quan hệ giữa Tây và Đông.
Có thể dễ dàng hình dung nội dung của cuộc điện đàm sắp diễn ra. Cố vấn về chính sách đối ngoại của Putin, ông Yuri Ushakov, đã thông báo cho Tổng thống về những cấm vận mới của Washington. Hoa Kỳ dự kiến cô lập có chủ đích các định chế tín dụng lớn của Nga như Gazprombank hay Vnesheconombank ra khỏi thị trường tài chính quốc tế.
Nhưng chuyên cơ của Tổng thống Nga không phải là chiếc máy bay duy nhất bay trên Đông Âu ở độ cao gần 11.000 mét khi đó. Không phận không bị đóng, mặc cho những giao tranh dữ dội ở đông Ukraine. Nhiều hãng hàng không sử dụng tuyến đường truyền thống này cho các chuyến bay ở Viễn Đông để không kéo dài lộ trình và không tăng chi phí. Vài phút sau, các điều phối viên không lưu Ukraine ở Dnepropetrovsk đã gọi các đồng nghiệp Nga ở Rostov. Trên rađa của mình, “kiểm soát không lưu Dnipro” không tìm thấy chuyến bay MH17. Chuyến bay đều đặn của hãng hàng không Malaysia Airlines chở theo 298 người đang bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã không còn chuyển tín hiệu. Lần liên lạc cuối là hai phút trước.
Đoạn hội thoại ngắn gọn giữa các nhân viên không lưu Nga và Ukraine diễn ra vào lúc 16 giờ 22 phút giờ địa phương là một văn bản tài liệu khô khan mà từ đó, cuộc khủng hoảng nặng nề nhất giữa Đông và Tây từ sau kết thúc chiến tranh lạnh đã bắt đầu (8).
Nhân viên không lưu Dnipro: Rostov, các anh có thấy máy bay Malaysia trên rađa không?
Nhân viên không lưu Rostov: Không, dường như nó gặp sự cố trên không rồi.
Nhân viên không lưu Dnipro: Họ không trả lời chúng tôi. Họ nhận được chỉ thị đổi hướng bay, đã xác nhận và…
Nhân viên không lưu Rostov: Và hết, hả?
Nhân viên không lưu Dnipro: Vâng, và máy bay biến mất. Các anh có thấy gì không?
Nhân viên không lưu Rostov: Không gì cả.
Thảm họa chuyến bay MH17 là tin đầu tiên mà lãnh đạo bộ phận kiểm soát không lưu Nga báo cho Tổng thống Vladimir Putin sau khi chuyên cơ tổng thống hạ cánh ở Vnukovo, sân bay lâu đời nhất của Moskva. Khu vực riêng biệt Vnukovo-3 chuyên dành cho các máy bay của chính phủ. Sau đó, Tổng thống mới cầm điện thoại.
Cuộc trò chuyện với Barack Obama đã diễn ra như chờ đợi. Theo lời Tổng thống Hoa Kỳ, những biện pháp cấm vận mới là cái giá nước Nga phải trả cho việc ủng hộ và cung cấp vũ khí cho những kẻ nổi loạn ở đông Ukraine. Bốn ngân hàng lớn của Nga sẽ không còn được tiếp cận với việc cho vay dài hạn trên thị trường tài chính thế giới nữa. Các công ty khác thì bị cấm hợp đồng ở phương Tây. Câu trả lời của Vladimir Putin cũng dễ đoán trước. Những kiểu cấm vận thế này, như ông nói, có hại cho chính Hoa Kỳ và về lâu dài, sẽ tác động đến lợi ích của người Mỹ. Sau đó, ông Putin kể cho ông Obama về thảm họa máy bay hành khách Malaysia ở Ukraine, điều mà Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng chưa biết. Sự cố không được thảo luận thêm. Vài ngày sau, khi nói chuyện với chúng tôi về những biến cố bi thảm ngày hôm đó, Tổng thống Putin cho biết cuộc trò chuyện lại một lần nữa tiếp tục về chủ đề cấm vận.
Chỉ một chốc sau, trong chuyến bay tới căn cứ không quân Andrews, cố vấn của Obama, ông Dan Pfeiffer thông báo cho Tổng thống Mỹ những dữ liệu mới nhất mà Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine yêu cầu phổ biến trên tất cả các kênh, như là bằng chứng cho tội ác của Nga. Theo lời ông ta, chiếc máy bay đã bị bắn bởi tên lửa Nga. Trong vài phút, các thông báo lần lượt nối tiếp nhau. Washington chuyển sang chế độ hoàn toàn sẵn sàng. Ở Nhà Trắng, các chuyên gia soạn thảo văn bản cho trận chiến thông tin sắp tới. George Ernest, Thư ký báo chí của Obama điều phối chiến dịch và bảo đảm Tổng thống luôn nắm được thông tin. Phó Tổng thống Joe Biden đề nghị Tổng thống Ukraine Poroshenko thường xuyên cập nhật cho ông ta diễn tiến sự kiện cũng như tất cả thông tin mà Kiev nắm được vào lúc đó.
Các cơ quan của điện Kremlin cũng làm việc hết công suất. Dmitry Peskov một lần nữa xem lại văn bản tuyên bố chính thức mà các đồng nghiệp của ông ở Văn phòng của Phủ Tổng thống trên Quảng trường Cổ soạn thảo, trước khi Tổng thống Nga phát biểu trước ống kính truyền hình ở nhà nghỉ chính phủ tại Novo-Ogaryovo gần Moskva không lâu trước nửa đêm (9). Sau vài lời chia buồn và một phút im lặng, Vladimir Putin hứa sẽ làm tất cả để điều tra thảm kịch. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ đâu là nguyên nhân thảm họa, theo ý kiến của ông. “Sẽ chẳng có gì xảy ra”, ông nói, “nếu như không có xung đột ở đông Ukraine. Và không nghi ngờ gì, sự việc xảy ra trên lãnh thổ nước nào thì nước đó phải chịu trách nhiệm cho bi kịch khủng khiếp này”. Washington không bắt người ta phải đợi lâu cho câu trả lời của mình. Vài giờ sau, ở Nhà Trắng, Barack Obama tuyên bố: “Có bằng chứng cho thấy máy bay bị bắn bởi tên lửa đất đối không, được phóng đi từ lãnh thổ do những kẻ ly khai được sự hậu thuẫn từ nước Nga, kiểm soát”.
Do hậu quả vụ nổ, các mảnh vỡ của chiếc Boeing 777-200 ER bị bắn tung ra một diện tích 35 km2, nằm không xa thành phố Torez ở đông Ukraine. Trong những bức ảnh đầu tiên chụp từ hiện trường thảm họa còn thấy rõ những mảnh vỡ máy bay bốc khói, những thân thể biến dạng và những chiến binh để râu vũ trang. Một tấm ảnh truyền đi khắp thế giới cho thấy một dân quân thân Nga dường như đang hân hoan giơ cao món đồ chơi của một đứa trẻ đã chết. Cử chỉ gây chấn động này được xem như lời khẳng định cho sự tàn ác của những kẻ ly khai. Trên thực tế, nó không là gì ngoài một phân cảnh trong một diễn biến kéo dài, chứng minh điều ngược lại: sau khi chỉ món đồ chơi cho các nhà báo xem, người đàn ông đã cẩn thận đặt nó lại chỗ cũ và làm dấu thánh (10).
Chỉ ra chỉ một phần của sự kiện thay vì toàn bộ sự thật đã mang tính tượng trưng cho toàn bộ cuộc xung đột ở Ukraine. Ngay từ đầu của cuộc đối đầu, chúng ta đã nói về việc làm sao để trình bày quan điểm của mình một cách đúng đắn, không tính đến lịch sử, những sự kiện và lợi ích khác. Cả quân đội Ukraine, cả những người ly khai thân Nga ở gần nơi xảy ra tai nạn đều sở hữu các phương tiện tên lửa phòng không do Nga sản xuất, kiểu như “Buk-M1” có khả năng bắn trúng những máy bay như chiếc MH17 ở trên cao.
Việc một tên lửa giống như tên lửa đất đối không trở thành nguyên nhân cái chết của 298 con người vô tội trên một tuyến đường thường xuyên được sử dụng giữa phương Đông và phương Tây, Fred Westerbeke cũng đưa ra nhận định được đánh giá là giả thuyết nhiều khả năng nhất. Công tố viên người Hà Lan này lãnh đạo nhóm quốc tế điều tra thảm họa đã kiểm tra các thông tin từ phía Nga mà theo đó, có thể máy bay hành khách đã bị bắn bởi một máy bay quân sự Ukraine. Westerbeke biết cuộc điều tra của mình có tiềm năng bùng nổ thế nào (11). Ông và nhóm của ông cần nhiều tháng để làm việc với hàng nghìn tấm ảnh, các đoạn video và lời khai của các nhân chứng. Một năm sau thảm họa, Hoa Kỳ vẫn không cung cấp các tấm ảnh vệ tinh vũ trụ của họ chụp được, lẽ ra có thể giúp xác định chính xác hơn vị trí phóng tên lửa.
Chịu trách nhiệm cho thảm họa lần nữa được gán cho người đã nhiều năm qua là đối thể của các kiểu tưởng tượng - Vladimir Vladimirovich Putin, sinh năm 1952, người lần thứ ba trở thành Tổng thống của nước Nga. “Ngăn Putin ngay!” là nhan đề mà tạp chí Der Spiegel phát hành ngay sau thảm họa. Tờ báo cố thuyết phục độc giả là gần như chính ông chủ điện Kremlin đã bắn tên lửa. “Ở đây, trong vùng Ukraine xa xôi, Putin đã để lộ bộ mặt thật của mình. Tổng thống Nga không xuất hiện như một nhà hoạt động nhà nước mà là một kẻ bị ruồng bỏ của cộng đồng quốc tế” (12).
Tiêu đề không thành công - như Tổng biên tập của Der Spiegel, Klaus Brinkboymer thừa nhận như một cách tự phê vài tháng sau đó. “Nước Nga có lỗi”, tờSüddeutsche Zeitung bình luận, và đến tận ngày hôm nay, họ vẫn không chút nghi ngờ gì điều đó (13). “Biểu dương sức mạnh”, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đề nghị và yêu cầu tăng cường sức mạnh quân sự. “Phương Tây phải củng cố tiềm năng kinh tế, chính trị, quân sự và thể hiện khả năng sẵn sàng tự bảo vệ của mình” (14). “Những cụm từ như thế”, Gabor Steingart, Tổng biên tập của tờ Handelsblatt nhận định vào ngày hôm sau, “đọc lên nghe như lời kêu gọi cho một cuộc huy động đạo đức” (15).