Quá khứ đã xác định thế nào mối quan hệ của Putin và Merkel?
Khí sắc trên Quảng trường Đỏ trước các bức tường điện Kremlin khá trầm tĩnh, mặc dù hôm nay, ngày 9-5-2015, cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước Nga hậu chiến sẽ được tiến hành. Bầu trời trong xanh, lăng Lenin bằng đá hoa cương đỏ - đen được che bởi những tấm chắn màu xanh. Cuộc diễu hành của ký ức lịch sử và sức mạnh quân sự bắt đầu bằng tiếng gõ cuối của chiếc đồng hồ trên tháp chuông Spassky đúng vào lúc 10 giờ. Cuộc duyệt binh được lên kế hoạch rõ ràng. 16.000 binh sĩ, xe tăng, tên lửa đi thành từng hàng ngang, các cựu binh mang huân chương và các vị khách mời danh dự. Sau đó, theo truyền thống, những máy bay tân tiến nhất của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga sẽ tô điểm bầu trời bằng màu quốc kỳ Nga. Những gương mặt khách mời danh dự trên khán đài không phải là những người mà chúng tôi từng thấy các năm trước. Phương Tây từ chối tham gia kỷ niệm 70 năm chiến thắng nước Đức Hitler vì cuộc xung đột Ukraine. Vì vậy, Vladimir Putin đã mời những người bạn mới và bây giờ, họ đang theo dõi những gì diễn ra. Lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, Tổng thống các nước cựu cộng hòa liên bang cũ, Ai Cập và Nam Phi. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cũng ở đây.
Giọng điệu diễn văn của Tổng thống Nga tại buổi khai mạc cuộc diễu binh khá mềm mỏng. Ông nói về chiến thắng vĩ đại của Hồng quân năm 1945 và nhắc rằng Liên bang Xô viết đã phải trả giá bằng 27 triệu sinh mạng, và như thế, họ đã phải chịu đựng nhiều hơn tất cả trong Thế chiến thứ hai. Putin cũng không quên những đồng minh vắng mặt, đã cảm ơn họ: “Chúng tôi cảm ơn nhân dân các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ vì những đóng góp của họ cho chiến thắng. Cảm ơn lực lượng chống phát xít ở các nước khác nhau, những người đã chiến đấu quên mình trong các hàng ngũ du kích hay hoạt động ngầm. Trong số đó có ở chính nước Đức” (16).
Ông không nhắc đến cái tên Lenin hay Iosif Stalin dù Stalin từng là Tổng chỉ huy tối cao trong thời chiến. Việc phê phán giai đoạn lịch sử này được phóng viên truyền hình Nga nhận lãnh, người mà trong phần tường thuật trực tiếp đã nói không được quên rằng cái tên Iosif Stalin không tách rời khỏi GULAG(12). Còn lại thì, theo ông ta, chủ nghĩa yêu nước - đó không phải là tình yêu chính quyền, mà là tình yêu Tổ quốc.
(12) GULAG là tên gọi tắt của Tổng cục Lao động Cải tạo Liên Xô, ra đời vào ngày 25-4-1930 dưới thời Stalin và giải thể ngày 13-1-1960. Tại Liên Xô, cụm từ GULAG thường ám chỉ hệ thống lao động cải tạo, nơi giam giữ mọi thành phần, từ tù chính trị cho đến tù dân sự, nhưng truyền thông phương Tây thường dùng GULAG để chỉ việc các công dân bất đồng chính kiến bị giam giữ cộng với lao động khổ sai - ND.
Sau đó, Vladimir Putin cùng vài trăm nghìn người đã đi qua một phần trong tuyến đường Moskva. Nhiều người mang chân dung cha mẹ hay ông bà, những người mà số phận đã bị cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chạm đến. Ông cũng mang chân dung cha mình. Với ông, đó là một phần của bản sắc và lịch sử - có hay không có phương Tây. Tâm trạng lễ hội. Nước Nga đã sáp nhập Crimea, nhưng giờ thì ít ai nghĩ tới điều đó. Việc thắng lợi địa chính trị trong tình huống xung đột nên không được phép ăn mừng cùng chiến thắng phát xít, chỉ gợi lên chút hoang mang nhỏ.
Scandal nổ ra vào hôm sau. Bà Angela Merkel cùng Tổng thống Nga đặt vòng hoa tại tượng đài Chiến sĩ vô danh ở bức tường điện Kremlin. Nghi thức tiếc thương mà Thủ tướng Merkel tham gia được xem như một sự đền bù chính trị, bởi việc sáp nhập Crimea đã khiến bà từ chối tham gia cuộc diễu hành Chiến thắng. Đầu tiên, mọi việc diễn ra theo kế hoạch: quân nhạc, những đứa bé muốn chụp ảnh chung với Thủ tướng và Tổng thống. Chuyến thăm này, vốn được lên kế hoạch như một phần của kịch bản trước công chúng và như một dấu hiệu thiện chí của nước Đức trong thời buổi phức tạp cũng như sự sẵn sàng đối thoại của họ, đã thoát khỏi khuôn khổ trong cuộc họp báo chung được phát sóng truyền hình trực tiếp vài tiếng đồng hồ sau đó. Cử chỉ của Thủ tướng Liên bang Đức cho thấy việc tạo khoảng cách tối đa của bà với Tổng thống Nga. Angela Merkel nhìn vào ống kính với vẻ mặt lo âu và sau khi đặt vòng hoa, bà đã bày tỏ sự hoàn toàn không chấp nhận những hành động của phía chủ nhà.
“Sự thôn tính phạm tội ở Crimea vi phạm luật quốc tế, và cuộc xung đột vũ trang ở đông Ukraine đã làm suy yếu nghiêm trọng mối quan hệ của chúng ta”. Từ “phạm tội” trong phát biểu của bà đã được sử dụng chỉ một lần, khi nói về Holocaust(13). Sự tương đồng này được đưa ra ngay trong ngày lễ của đất nước, Vladimir Putin đã nhận ra. Ông đã không bình luận tràng bắn phá trên không phi ngoại giao từ tất cả các loại vũ khí như thế này. Bởi tình hình phức tạp. Nhưng một so sánh như thế, vào một ngày như thế, ông không quên (17).
(13) Trong nghĩa hẹp, thuật ngữ này có nghĩa là cuộc truy bức và tàn sát hàng triệu người Do Thái trên lãnh thổ Đức, các đồng minh Đức và các vùng đất bị chiếm đóng bởi chính quyền Đức Quốc xã trong giai đoạn 1933-1945. Trong nghĩa rộng, từ này chỉ cuộc truy bức và sát hại những cộng đồng sắc tộc và xã hội khác nhau (tù binh Liên Xô, người Ba Lan, Do Thái, Di gan, đồng tính, những người bệnh nan y và tàn tật…) thời Đức Quốc xã - ND.
Sự so sánh đã làm ông tổn thương, mặc dù với phong cách đặc trưng của mình, ông diễn giải vụ việc này như một trò chơi chính trị thường tình. “Bà ấy là đại diện duy nhất của chính phủ một trong các nước lớn G7 ở đây, thế thôi. Những gì gắn với chiến tranh, lẽ đương nhiên, thường gợi lên những cơn kích động cảm tính và chính trị”, ông đã nói về quan điểm của mình một cách kiềm chế như thế một tháng sau đó, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về khía cạnh tình cảm của quan hệ Nga - Đức. Cử chỉ gửi cho phía Ukraine của bà Merkel trong tình huống ấy được ông cho là một tín hiệu có tính toán và chuyên nghiệp, có thể vang lên trong bất cứ thời điểm nào. Lẽ đương nhiên, ông không đồng tình với nhận định của bà, mà theo lời ông, lúc đó lẽ ra cần phải nhắc về cuộc đảo chính tội ác ở Kiev và những người thiệt mạng ở đó, về sự thay đổi trật tự hậu chiến ở Nam Tư hay Iraq. Ông bình tĩnh liệt kê những vi phạm tương tự từ phía phương Tây. Danh sách nhận được khá dài và kết thúc bằng một xác nhận sắc nét và cứng rắn: “Thủ tướng Liên bang đại diện cho nước Đức chứ không đơn giản là một trong những quốc gia châu Âu, vì thế, từ phía bà ấy, điều đó là thái quá. Nhưng bà ấy là khách nên tôi chọn sự im lặng. Sẽ không đúng nêu sa vào tranh cãi”. Theo lời của một trong những người tin cậy của bà Merkel, đánh đồng sự thôn tính Crimea và Holocaust là một nhầm lẫn. Ngay trong chuyến bay đến Moskva, họ đã thảo luận nội dung phát biểu cho chuyến thăm không đơn giản này. Trong cuộc họp báo, khi liếc qua văn bản, Thủ tướng đã không nhìn vào đúng cột chữ mà nhìn vào đoạn văn nói về Holocaust. Không thể loại trừ giả thiết này.
Vấn đề của bà Angela Merkel là ở chỗ, Vladimir Putin xem sơ suất giả định đó như một sự sỉ nhục có mục đích. Với Tổng thống Nga, trong ngày lễ quốc gia kỷ niệm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại này, giữ im lặng còn phức tạp hơn bao giờ hết, hơn thế nữa, sự bất nhã của Merkel không phải là trường hợp duy nhất. Sự so sánh không thích hợp này hoàn toàn tương ứng với những cuộc tấn công của Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna, người mà trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh nhân kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng trại tập trung Auschwitz đã khẳng định, Auschwitz được các binh sĩ Ukraine chứ không phải Xô viết, giải phóng. Trong ngày lễ ấy, Ba Lan đã không mời Tổng thống Nga, đại diện cho người giải phóng, mà lại mời Tổng thống Liên bang Đức Joachim Gauck, trong khi Đức chính là nước chịu trách nhiệm cho những tội ác xảy ra ở đó. Nhà sử học nổi tiếng Gotz Aly đã bình luận sự cố này trên báo Berliner Zeitung như sau: “Không phải Ba Lan, không phải ‘phương Tây’, không phải ‘xã hội công dân’, cũng không phải NATO giải phóng Auschwitz, mà chính là quân đội Liên Xô. Vì thế, việc kỷ niệm 70 năm giải phóng Auschwitz mà không có các đại diện Nga là dấu hiệu của việc thiếu lương tâm, thiếu suy nghĩ và tắc trách về chính trị. Về bề ngoài, Chính phủ Ba Lan phải chịu trách nhiệm cho lỗi lầm này, Thủ tướng Đức dường như chẳng liên can gì”. Gotz Aly thậm chí còn nêu đích danh đơn vị quân giải phóng trại tập trung này: “Đó là các chiến sĩ Hồng quân Binh đoàn 60 của mặt trận Ukraine thứ nhất. 213 đồng chí đã hy sinh trong các trận chiến giải phóng Auschwitz” (18).
Mực thước chính trị thay cho phân tích
“Đó không phải là hình ảnh mà nhân dân tôi muốn nhìn thấy ở tôi”, đó là câu trả lời ngắn gọn của Putin ở một trong các phỏng vấn đầu tiên khi tôi hỏi ông rằng, chẳng lẽ những giá trị phương Tây chẳng có vai trò gì đối với ông. Những mong muốn của đa số người dân đều được Vladimir Putin cũng như các nguyên thủ quốc gia và chính phủ khác, trong số đó có cả Thủ tướng Liên bang Đức xác định dựa vào các kết quả thăm dò. Việc bà Angela Merkel cảm nhận được một cách tuyệt vời tâm trạng của dân Đức, không hề gắn với tài tiên tri mà chỉ nhờ vào xã hội học ứng dụng. Trong giai đoạn bầu cử từ năm 2009 đến năm 2013, Văn phòng Báo chí Liên bang đã đặt hàng gần 600 cuộc điều tra bí mật về mức độ nổi tiếng của một số bộ trưởng, kể cả nhận thức của người dân về các kế hoạch có thể của chính phủ. Putin cũng làm như vậy. Nếu tin vào các cuộc thăm dò thường xuyên được các tổ chức khác nhau tiến hành theo đơn đặt hàng của Chính phủ, đồng thời theo Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Levada tại Moskva, thân cận phe đối lập, thì với đa số người Nga, thế giới được hợp thành từ nhiều kẻ thù và chỉ một ít đồng minh. Quyền của thiểu số và nhân quyền với họ không quá quan trọng, và chỉ một tỉ lệ nhỏ giới trẻ mơ gia nhập EU.
Nhiều người, sau sự tan rã của Liên Xô một thời từng là cường quốc thế giới, đã cảm thấy mình là công dân hạng hai. Vẫn như trước, một bộ phận đáng kể dân chúng mơ về một nhà nước Nga dân chủ không cần sự giúp đỡ của kẻ khác và những lời khuyên tốt đẹp từ bên ngoài, và không quan trọng việc nền dân chủ đó chính xác phải trông như thế nào. Mong muốn an ninh là rất lớn, và sự toàn vẹn lãnh thổ là ưu tiên tuyệt đối. Đồng thời, nỗi sợ trước các yếu tố ngoại lai và Hồi giáo không ngừng gia tăng. Những dữ liệu này đã xây dựng nên một công thức mà dựa vào đó, Vladimir Putin và giới tinh hoa chính trị Nga kiến tạo nên các chính sách của mình (19). Kết quả của các nghiên cứu có thể làm ai đó thích hay không thích, nhưng nhất thiết phải quan tâm tới chúng.
Những ai (không hiếm khi là bà Angela Merkel) rao giảng về sự mực thước chính trị thay cho việc phân tích ai có những lợi ích nào, đã mất đi cơ hội theo đuổi một chính sách thực tiễn để đạt được sự thỏa hiệp, và trong trường hợp tốt nhất là đưa ra được danh sách những điều mong muốn để tự thực hiện. Trong một số trường hợp, cách tiếp cận này có thể rất thành công, nhưng như một quan điểm chính trị cho một triển vọng dài hạn, nó tỏ ra kém tác dụng. Và như một nguyên tắc của nghề báo cũng thế. Bởi không một đất nước nào và không một nguyên thủ quốc gia nào mà không được báo chí đánh giá liên quan tới mức độ tự thể hiện của họ.
Việc một viên chức cũ của Liên đoàn Thanh niên Tự do Đức (FDJ) từ Đông Đức và một cựu điệp viên mật Nga, người từng 5 năm ở Dresden, giờ ngồi đàm phán về hòa bình ở châu Âu - đơn giản là một sự trớ trêu của lịch sử. Việc mỗi người trong số họ đều nói được ngôn ngữ của người đối thoại - là một sự trùng hợp nữa. Tuy nhiên, điều đó không làm mọi việc dễ dàng hơn. Những chuyện kể của bà Angela Merkel về kinh nghiệm sống ở Đông Đức và việc tiếp xúc với các lực lượng chiếm đóng Nga bị bó hẹp ở giai đoạn đầu sự nghiệp chính trị của bà bởi câu chuyện các nhân viên quân sự Nga đã từng đánh cắp chiếc xe đạp của bà. Còn việc bà bí mật ngưỡng mộ công đoàn “Đoàn kết” Ba Lan, vốn mang tự do đến cho Ba Lan, rõ ràng đã tác động đến sự phát triển tính cách cá nhân mà sự nghiệp chính trị của bà đã chứng minh điều đó (20).
Như thế, bà Merkel, khi còn là người đứng đầu phái đối lập CDU/CSU(14) trong Nghị viện Đức, tất nhiên đã ủng hộ sự tham gia của Đức vào cuộc chiến Iraq đứng về phía Mỹ, chỉ trích Thủ tướng Đức khi đó là Gerhard Schroeder đã không đủ hiểu biết về dân chủ khi cùng với Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Vladimir Putin bác bỏ đề nghị tham gia vào chiến dịch. Bằng chứng về việc Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt mà Hoa Kỳ trình cho cộng đồng thế giới trong cuộc họp báo chấn động như một nguyên nhân gây chiến, hóa ra chỉ là tuyên truyền chiến tranh - chúng đã bị làm giả.
(14) CDU: Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo, CSU: Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo - ND.
Dẫu vậy, từ quan điểm của cô con gái thực dụng của vị mục sư, Mỹ là người bảo đảm cho hòa bình và tự do trên toàn thế giới. Chiến tranh ở Iraq hay những cuộc chiến tranh đáng ngờ khác đang được tiến hành ở nhiều khu vực khắp hành tinh, chỉ đóng vai trò thứ yếu. Các vụ bê bối với Cơ quan An ninh Quốc gia cho thấy Mỹ đang xây dựng hệ thống giám sát và theo dõi khắp thế giới, trong đó có cả bạn bè và đồng minh của họ, thí dụ như nghe lén cả điện thoại di động của bà Merkel hay ăn cắp có hệ thống thông tin của các công ty Đức - tất cả những thứ đó đối với bà không phải là nguyên nhân làm ghẻ lạnh quan hệ đôi bên. Việc Cơ quan tình báo Liên bang Đức từ thời sáng lập theo sáng kiến của Hoa Kỳ, trở thành một chi nhánh của tình báo Mỹ, và tình hình đó vẫn không thay đổi ngay cả khi nước Đức có chủ quyền - cũng chỉ là một phía khác của quyền lực mà không có nó, theo logic của bà Merkel, đơn giản là không thể. Trong cuộc sống có những mặt tối, và ta phải “bảo hoàng hơn vua”(15) nếu muốn ở về phía đúng. Mà hơn ai hết, bà Angela Merkel luôn ở về phía đúng, mặc dù bà phải thường xuyên tự điều chỉnh.
(15) Nguyên văn: “приходится быть ортодоксальнее ортодоксов”: phải chính thống hơn những người chính thống - ND.
“Đối với bà, Hoa Kỳ là hiện thân của tự do, bởi cuối cùng thì bà chịu ơn sự kiên cường của đất nước này vì tự do của chính mình”, Stefan Kornelius, người viết tiểu sử cho bà, lãnh đạo bộ phận đối ngoại của tờ Süddeutsche Zeitung (cũng nổi tiếng là người ủng hộ các quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ) viết trong cuốn sách Angela Merkel - Thủ tướng và thế giới của bà. Thực tế, các bình luận của Kornelius trùng hợp với quan điểm của chính Thủ tướng. Ông dẫn ra phát biểu của bà Merkel: “Chúng ta, người châu Âu, được liên kết bởi một cơ sở những giá trị chung. Đó là sự hiểu biết chung về tự do và trách nhiệm”. Nước Đức không có quyền tiến hành một chính sách mâu thuẫn với lợi ích Hoa Kỳ. Kornelius đã giải thích như thế về nguyên tắc quan trọng nhất của Thủ tướng (21).
Đó là di sản chung của Đức, tìm thấy biểu hiện đặc thù trong cá nhân bà Angela Merkel. Thí dụ, ưu tiên của Thủ tướng là Đông Âu, và bà đang nỗ lực để góp phần chữa lành những vết thương do Thế chiến thứ hai gây ra, khiến tạo nên một số vấn đề nhất định. Mong ước của bà Merkel là đại diện cho Ba Lan và các nước Baltic trong việc giải quyết xung đột lịch sử của họ với Nga, có thể không có hiệu quả trong lĩnh vực chính trị. Những vết thương chỉ có thể chữa lành trong khuôn khổ ý thức riêng của từng dân tộc thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các nạn nhân chứ không thể qua trung gian đại diện quyền lợi cho những người bị nạn. Bên cạnh đó, những nỗ lực này còn tác động tiêu cực lên quan hệ lâu dài của Đức với Nga. Cả ông Putin lẫn bà Merkel đều yêu thích quyền lực và chiến thuật. Điều đó cũng gây khó khăn cho việc giao tiếp của họ. Cả hai đều lo âu vì bên cạnh các tuyên bố công khai, mỗi người đều có thể nhìn vào các quân bài của người khác và bất ngờ nhận ra mình không có một chiến lược nào.
Không một chính khách phương Tây nào tiếp xúc với lãnh đạo Kremlin qua điện thoại thường xuyên hơn bà Angela Merkel. Thế nhưng, khi bà nhấc máy, điều đó tuyệt nhiên không có nghĩa bà biết được lợi ích của người đối thoại, đừng nói về việc thừa nhận chúng. Với Thủ tướng Đức, “Putin đang sống trong một thế giới khác”, như lời bà đã nói với Barack Obama trong một cuộc trao đổi mật nào đó. Bà lưu ý là mình không tin lắm việc Putin vẫn giữ liên hệ với hiện thực. Và ngay sáng hôm sau, bà Thủ tướng đã có thể tìm thấy phát biểu này của mình trên tờ New York Times (22). Ý thức được việc “thế giới khác” ấy còn liên can cả tới chúng ta, chỉ có thể có được nhờ kết quả của việc học hỏi khó khăn. Và việc học hỏi này không chỉ cần cho Văn phòng Phủ Thủ tướng Liên bang.
Bên cạnh một niềm tin không lay chuyển đối với Hoa Kỳ, bà Merkel còn thể hiện việc thiếu tinh tế khi không biết mình nên và không nên hành động như thế nào trong một thời điểm cụ thể, cũng như không quan tâm đến lịch sử của người khác. Tất cả những điều đó không ít lần dẫn đến những tình huống phức tạp mà sau đó rất khó thoát ra. Cultural Intelligence(16) là một quan điểm đối ngoại mới của Cộng hòa Liên bang Đức, ý nói đến kinh nghiệm của đất nước mà Đức xây dựng quan hệ. Nhưng trong giao tiếp với Moskva, ít khi cảm nhận được điều đó.
(16) Ngoại giao văn hóa - ND.
Có lần đã xảy ra chuyện, chẳng hạn, vào tháng 6-2013 ở Saint Petersburg. Một cuộc gặp thường nhật. Đoàn đại biểu các doanh nhân hàng đầu của Đức và bà Angela Merkel muốn nói chuyện với Nga về các kế hoạch cụ thể trong khuôn khổ “Đối tác cho việc hiện đại hóa” - tên gọi dự án hợp tác kinh tế giữa hai nước. Buổi tối, Vladimir Putin và Thủ tướng Đức, như để đưa ra một tín hiệu chung của thiện ý, sẽ đồng khai mạc triển lãm ở Hermitage. Chủ đề triển lãm đòi hỏi sự tinh tế lớn, nói về “nghệ thuật của các chiến lợi phẩm”. Hermitage, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đức và Nga, đã chuẩn bị cho việc trưng bày công khai kho báu ở Eberswalde mà vào cuối cuộc chiến tranh ở Đức, những người lính Xô viết đã mang về Liên Xô. Bà Angela Merkel muốn phát biểu nhân dịp này, Văn phòng Thủ tướng Liên bang cho biết. Ý tưởng chính của bài phát biểu: kho báu phải được trả về nơi trước đây nó từng thuộc về, tức nước Đức. Cuộc tranh cãi về việc này đã diễn ra từ lâu. Quan điểm của Nga là số vàng này đã được trả giá bằng hàng triệu sinh mạng người Nga, Berlin biết nhưng không công nhận.
Những khác biệt như thế là nguyên liệu dồi dào cho trò chơi hai chiều giữa các chính trị gia và nhà báo, những người đang muốn làm nóng lên đề tài này. Ở Berlin, buổi sáng trước chuyến bay, Thư ký báo chí thông tin cho báo giới về sự bất đồng đáng kể giữa điện Kremlin và Văn phòng Thủ tướng. Người Nga không muốn bà Merkel phát biểu, nhưng Thủ tướng Đức không cho phép ai cản trở mình. Vụ bê bối bùng nổ. “Nghệ thuật chiến lợi phẩm ở Saint Petersburg: Merkel phá hỏng buổi đồng khai mạc triển lãm với Putin”, vài giờ sau, tờ Spiegel online viết (23). Báo Die Welt chạy dòng tít: “Merkel phá vỡ cuộc gặp với Putin” (24). Các phương tiện truyền thông khác cũng phản ứng theo tinh thần đó.
Kết quả, cuộc xung đột giả tạo giữa tự do phát biểu và hành vi độc tài theo tinh thần Putin đã tạo ra cơn chấn động trong ngày. Tuy nhiên, cuộc gặp không bị hủy. Trong chiều ngày 21-6-2013, ở Saint Petersburg, Vladimir Putin đã bàn thảo mật với Angela Merkel. Ông nhắc bà về việc, cuộc triển lãm sẽ phải mở cửa vào hôm sau cho khách tham quan.
Đối với nước Nga, đó là ngày rất đặc biệt. Vào ngày 22 tháng 6 năm 1941, Đức tấn công Liên Xô. Khi đó, Đại sứ Đức ở Moskva, Bá tước Von Schulenburg đã gọi cho Ngoại trưởng Liên Xô vào sáng sớm, dựng ông ta dậy, thông báo cuộc tấn công có mật mã “Kế hoạch Barbarossa” đã nổ ra. Có thể Cố vấn Phủ Thủ tướng Liên bang Đức không nhớ về sự kiện này, nhưng đối với một chuyên gia đối ngoại như Christoph Heusgen, quên lãng là điều ít có khả năng xảy ra. Đối với Tổng thống Nga, những lời về việc kho báu phải được trả lại Đức vang lên đúng vào ngày này là một đòn tấn công chính trị. Báo chí Đức còn chẳng viết gì về ý nghĩa lịch sử của ngày này.
Đối với Vladimir Putin, vài năm trở lại đây là câu chuyện của sự ghẻ lạnh, và điều đó liên quan không chỉ tới Mỹ mà còn cả châu Âu và Đức. Đối với ông, những mối liên hệ với châu Âu và Đức còn mang tính chất cá nhân. Cả hai con gái của ông đều nói tiếng Đức và có thời gian đã học trong trường học Đức. Không có một Tổng thống Nga nào chịu ảnh hưởng mạnh bởi nước Đức như Putin. Đầu những năm 1990, ông là Phó Chủ tịch thứ nhất của chính quyền Thành phố Saint Petersburg và phụ trách quan hệ đối tác với Hamburg. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Putin, luật sư Henning Voscherau, từng là Thị trưởng đầu tiên của Hamburg, đã nhiều lần đến Nga cùng một nhóm cộng sự để tham mưu cho phía Nga khi làm việc về các tiêu chí luật Hiến pháp. Còn Gerhard Schroeder, cựu Thủ tướng Liên bang của SPD(17), đã trở thành bạn thân của Putin. Họ thậm chí còn gọi nhau theo cách thân mật. Và điều đó xảy ra sau khi Cố vấn Thủ tướng Đức về các vấn đề đối ngoại trước cuộc gặp đầu tiên với Vladimir Putin đã khăng khăng yêu cầu ông không đưa tay cho Tổng thống bắt. Mối quan hệ đặc biệt Đức - Nga ở cấp độ chính trị đó giờ đây đã là lịch sử. Và ở Phủ Thủ tướng từ lâu đã lan truyền khái niệm “change regime” (thay đổi chế độ).
(17) Đảng Dân chủ Xã hội Đức - BTV.