Nhiều người thường nói: "Sáng tạo là sự suy tính xa hơn và rộng hơn đối với sự việc hiện tại", và xem sáng tạo là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Do đó, chúng ta thường có xu hướng tập trung vào tìm những ý tưởng mới hơn là bắt tay vào ứng dụng từ những ý tưởng đã có. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây không phải là con đường hoàn toàn đúng đắn.
Tôi lấy một ví dụ từ kinh doanh chẳng hạn. Theo tôi, kinh doanh là một nghề "tuy khó mà dễ". Bạn có thể trở thành một nhà kinh doanh giỏi khi biết tuân thủ các nguyên tắc căn bản trong kinh doanh như: thường xuyên giữ liên lạc với khách hàng, chia sẻ cùng khách hàng về giá trị sản phẩm mà bạn đang kinh doanh và luôn tận tâm phục vụ khách hàng của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận ý nghĩ này bởi họ cho rằng nó quá đơn giản. Họ nghĩ rằng muốn thành đạt trong kinh doanh thì phải có thật nhiều những ý tưởng "tầm cỡ", còn nếu đơn giản quá như vậy thì ai cũng có thể làm được, ai cũng có thể trở thành nhà kinh doanh giỏi. Nhưng sự thật lại nằm ở những điều tưởng chừng đơn giản như thế. Bạn muốn thành công? Vấn đề không phải là chúng ta thiếu những ý tưởng mới mà là chúng ta không nhận ra rằng mình chưa ứng dụng hết những ý tưởng đã có.
Điều này có thể không đúng với ngành kỹ thuật, khi mà công nghệ ngày nay phát triển không ngừng và chỉ cần sau 5 phút, bạn có thể đã trở thành người lạc hậu. Nhưng với các nguyên tắc kinh điển được xem là nguyên lý thì chúng luôn là mới với những người biết ứng dụng nó.
Không phải lúc nào chúng ta cũng cần ý tưởng mới. Cái mà chúng ta cần thường xuyên hơn là biết cách vận dụng những nguyên lý căn bản cho mọi vấn đề phát sinh hằng ngày.
"Khi nào chúng ta sẽ tìm ra ý tưởng mới?" - đó là một câu hỏi không phải luôn luôn đúng. Câu hỏi đúng đắn phải là: "Tôi có thể làm gì để ứng dụng những ý tưởng sẵn có vào hoàn cảnh hiện tại?".