- Ai đã gây ra chuyện này?
- Ai đã làm gián đoạn kế hoạch của chúng ta?
- Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
Ngay khi những câu hỏi này bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, có nghĩa là ta đang muốn tìm ra người phải chịu trách nhiệm cho sự việc xảy ra, hay tìm một ai đó để đổ lỗi cho họ. Và có lẽ đây là cách chúng ta áp dụng khá phổ biến như việc mặc cho mình chiếc áo khoác phòng vệ với hai bàn tay bắt chéo trước ngực và chỉ về hai phía.
Một lần khi trên đường từ khu trượt tuyết Snowbird tại Utah đến phi trường Salt Lake, tôi bắt chuyện với người tài xế. Rồi khi được hỏi về tình hình hoạt động của công ty anh hiện nay, anh nói: "Ôi, trong công ty tôi lúc này mọi người cứ hay đổ lỗi cho nhau". Cảm thấy như được lắng nghe, anh tiếp tục kể về những chuyện lục đục đang diễn ra trong công ty: "Nhân viên tiếp tân thì luôn phàn nàn về nhân viên giao nhận, nhân viên giao nhận phàn nàn tài xế, tài xế phàn nàn nhân viên kinh doanh...".
- Thế công ty anh có bao nhiêu nhân viên? -
Tôi hỏi.
- Mười hai. - Anh đáp với vẻ chán nản. - Chỉ có mười hai người mà mọi chuyện đã rối tinh lên rồi!
Dường như hiện tượng "đổ lỗi cho nhau" xuất hiện ở khắp mọi tổ chức, từ công ty nhỏ đến tập đoàn lớn, chẳng nơi đâu là không có hiện tượng này. Tổng giám đốc than phiền phó chủ tịch, phó chủ tịch phàn nàn trưởng phòng, trưởng phòng quở trách nhân viên, nhân viên đổ lỗi cho khách hàng, khách hàng quy trách nhiệm cho chính quyền, chính quyền quy tội người dân... và cứ thế tiếp diễn. Cái vòng lẩn quẩn này là một câu chuyện không có hồi kết và chẳng dẫn đến kết quả gì tốt đẹp ngoài việc mang đến những mối bất đồng, phá hỏng sợi dây liên kết giữa mọi người và là bức tường ngăn trở sự sáng tạo. Thay vì cùng hợp tác tìm ra phương hướng giải quyết công việc tốt hơn thì chúng ta lại tạo ra một làn sóng tranh cãi vô ích. Thế thì tại sao chúng ta không tự đặt ra cho mình những câu hỏi hữu ích như:
- Tôi nên giải quyết khó khăn này như thế nào?
- Tôi cần làm gì để hoàn tất dự án?
- Trong tình hình này tôi nên làm gì?