Bạn còn nhớ chàng phục vụ trẻ tuổi Jacob Miller, người đã nhờ quản lý mua giúp tôi chai Coca dành cho người ăn kiêng mà tôi đã kể đến ở phần đầu quyển sách không? Anh ta mang phẩm chất của một nhà lãnh đạo và người quản lý của anh ấy cũng vậy.
Hãy nghĩ lại giây phút chàng nhân viên Jacob chạy đến gặp cấp trên của mình và nói: "Ông có thể vui lòng mua hộ ông khách kia một lon Coca dành cho người ăn kiêng không?", và vị quản lý đã đáp lại rằng: "Được thôi!".
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì nói "được thôi", vị quản lý lại hỏi:
- Nếu tôi đi mua, ai sẽ phụ trách phần việc của tôi?
- Anh có thể làm việc đó sau được không?
- Nhớ nhé, anh đang đẩy việc cho tôi.
- Nếu tôi giúp anh, anh sẽ làm gì cho tôi?
Dĩ nhiên ở vai trò cấp trên, ông ta hoàn toàn có thể vặn vẹo nhân viên của mình như vậy. Thế nhưng, ông ấy lại chọn lựa một cách hành xử khác. Ông đã phục vụ Jacob như một khách hàng theo quan điểm: "Tôi là cấp trên của anh và tôi ở đây để giúp anh hoàn thành tốt công việc" thay vì "Tôi là sếp. Anh ở đây để làm việc cho tôi".
Tuy nhiên như thế không có nghĩa là những người làm lãnh đạo sẽ làm choàng công việc của thuộc cấp, lãnh nhận trách nhiệm và công việc thay cho họ. Đó không phải là thái độ phục vụ mọi người mà đó chính là hành vi gây cản trở và làm thui chột ý chí tiến thủ của nhân viên. Do đó, một lãnh đạo giỏi phải luôn biết khi nào cần giúp đỡ nhân viên của mình, khi nào cần để cho họ độc lập, tự do bộc lộ khả năng.
Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, khi cha mẹ dọn phòng thay cho con cái hoặc làm bài tập hộ cho chúng - họ đã vô tình làm hỏng con cái của mình. Nó hủy hoại dần ý chí vươn lên, tính tự quyết, sự độc lập và khả năng giải quyết vấn đề của "người - bị - làm - thay".
Do đó, "Lãnh đạo là phục vụ", nhưng người lãnh đạo đồng thời cũng phải "là người tạo ra các vấn đề để thử thách khả năng thuộc cấp của mình" như tác giả W. Steven Brown đã nói.