“Nếu muốn thấy cầu vồng, bạn cần phải chấp nhận cơn mưa.”
- Dolly Parton
Năm năm sau thảm kịch 11–9 tại New York, Lauren Manning đã lấy lại tinh thần và lòng tự tin của một người phụ nữ đẹp và thông minh. Trước đó, cô từng giữ chức phụ tá giám đốc cho công ty Canton Fitzgerald, chuyên đầu tư chứng khoán, nơi đã mất tất cả 658 nhân viên trong vụ khủng bố tấn công vào World Trade Center ngày ١١ tháng ٩ năm ٢٠٠١.
Vào buổi sáng định mệnh ấy, Lauren vừa bước vào tòa nhà thì một quả cầu lửa chụp đến từ thang máy, đốt cháy đến hơn ٨٢٪ thân thể của cô. Khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ cho rằng chỉ có ١٥٪ hy vọng là cô sẽ sống sót mà thôi.
Khi nhớ lại thảm kịch kinh hoàng đó, Lauren không thể tin rằng nó đã qua đi những năm năm rồi. Quãng thời gian để Lauren hồi phục sức khỏe là một tiến trình đầy gian khổ mà sau này khi kể lại, cô so sánh sự cố gắng đó với việc hàng ngày phải đẩy một tảng đá nặng lên dốc. Cô đã trải qua tất cả hai mươi lăm cuộc giải phẫu, bao gồm việc ghép da và vá lại những phần thân thể bị cháy ở lưng, mặt và bàn tay. Những đau khổ về thể chất và tinh thần mà cô đã phải gánh chịu là không thể nói hết thành lời. Mới đây, cô vừa được phép cởi bỏ bộ áo quần đặc biệt mà cô đã phải mang trên người hai mươi ba giờ mỗi ngày. Các bác sĩ buộc cô mặc nó để giữ cho những lớp tế bào mới và da non có điều kiện hình thành.
Lauren nhìn cuộc hành trình năm năm tranh đấu để hồi phục của mình song song với thời gian mà con trai của cô khôn lớn. Cô nói: “Tôi nhìn thấy Tyler thay đổi từ việc bắt đầu bò, đứng dậy, đi, chạy nhảy, rồi đạp xe đạp hai bánh. Trong khi đó thì tôi cũng học cách ngồi, đứng, đi, uống bằng ly và dùng dao, nĩa trở lại”.
Vào tháng 9 năm 2005, Tyler xem ti vi và thấy cha mẹ cậu xuất hiện trên chương trình Today Show. Thằng bé quay qua ôm mẹ và nói: “Con ước gì ngày ấy mẹ không đi vào tòa nhà kia để bị thương như vậy!”. Lauren đã cố gắng để giải thích cho con về biến cố 11– 9, rằng đã có những kẻ xấu gây ra chuyện độc ác này, nhưng cuộc sống vẫn còn có rất nhiều người tốt. Cô còn trấn an Tyler là chuyện xấu đó sẽ không bao giờ xảy ra với cậu, và cha mẹ cậu sẽ bảo vệ cậu bằng mọi cách.
Bây giờ thì cả gia đình Lauren đang hạnh phúc với những gì mà họ tìm lại được. Họ vui với những điều bình thường của đời sống, mà với riêng Lauren đã trở thành một phép màu, như đi dạo mát trong công viên và nhìn Tyler chơi đùa trên sân cỏ, hay lái chiếc xe scooter trong công viên Hudson River. Lauren nói rằng cô rất phấn khởi vì đã có thể tìm lại cuộc sống bình thường, cuộc sống mà giờ đây khiến cô cảm thấy hạnh phúc hơn bội phần với những công việc nội trợ hằng ngày mà trước kia cô đã nghĩ là mình sẽ không bao giờ có thể làm được.
Qua câu chuyện của Lauren Manning, hẳn mỗi chúng ta đều có những cảm nghĩ riêng. Đôi khi, cuộc sống trở nên khắc nghiệt đến độ bạn tưởng chừng đã chạm đến giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng. Vấn đề là những ngày tháng dài đằng đẵng còn lại của cuộc đời, bạn sẽ phải làm gì nếu cứ tiếp tục đứng yên một chỗ? Tôi cũng đã từng lâm vào tình trạng như thế, cũng đã từng có suy nghĩ và đặt ra câu hỏi như thế và tôi nhận ra không có giải pháp nào khác cho tương lai của mình ngoài việc tiếp tục bước đi về phía trước với niềm tin và hy vọng sẽ gặp được những điều tốt đẹp hơn.
Niềm tin ở bản thân là tài sản giá trị nhất mà mỗi chúng ta có được. Niềm tin ấy tuy không thể khiến mọi thứ hóa thành sự thật nhưng có thể giúp ta đạt được những gì đáng trân trọng và có ý nghĩa trong đời.
Hãy bắt tay vào thiết lập niềm tin, như cái cách mà gia đình Lauren đã thể hiện. Chúng ta làm điều đó không phải cho mọi người mà là cho chính mình. Từ niềm tin, chúng ta thẳng bước đi tìm thành công; và một khi đạt được, phần thưởng lớn nhất là sự thừa nhận, khẳng định cho một niềm tin. Vòng tròn tương tác này cứ tiếp tục nới rộng mãi, và dần dần, chúng ta sẽ nhận thấy cuộc đời mình đang ngày một giàu đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
“Bạn tận mắt nhìn thấy những sự vật, sự việc rất xác thực và bạn đặt ra câu hỏi 'tại sao?'. Nhưng tôi lại mơ mộng về những điều không hiện hữu và tôi đặt ra câu hỏi ‘tại sao không?'.”
- George Bernard Shaw