Nhà tôi rất nghèo, lại ở nông thôn nên tôi không có điều kiện học hành nhiều. Mặc dù rất muốn vào đại học, nhưng tôi đành phải chia tay với trường lớp từ rất sớm. Sau khi kết hôn, vì muốn con cái sau này có điều kiện học hành hơn cha mẹ chúng ngày trước, vợ chồng tôi chuyển lên thành phố sống. Ngày ngày, tôi ở nhà, an phận với công việc nội trợ. Sau mỗi buổi đi làm về, chồng tôi lại giúp đỡ tôi những việc vặt trong gia đình. Các con tôi ngoan ngoãn và thông minh. Gia đình tôi thực sự là một mái ấm hạnh phúc và tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã mang đến cho tôi điều đó.
Một ngày nọ, tôi đã chuẩn bị xong bữa cơm tối và cùng hai con đợi mãi nhưng vẫn không thấy chồng tôi về. Mỗi lần về muộn, anh ấy đều gọi điện báo nhưng lần này thì không. Linh cảm trong tôi mách bảo anh ấy có thể gặp chuyện chẳng lành. Tôi cũng thầm mong là mình lo xa. Đột nhiên, chuông điện thoại reo, tim tôi như muốn nhảy ra ngoài. Con gái út lập tức nghe máy. “Mẹ ơi, không phải ba. Có chú nào tìm mẹ này!”. Tôi cầm điện thoại lên và người gọi thông báo cho tôi một tin đã làm tôi ngã quỵ: chồng tôi qua đời trong một tai nạn.
Suốt một năm sau đó, tôi không thể làm việc gì ra hồn. Khắp nhà, nhìn đâu tôi cũng thấy hình bóng của anh. Nỗi mất mát quá lớn đã khiến tôi đôi khi còn nghĩ đến việc đi theo anh ấy, may mà tôi vẫn còn các con.
Sau một thời gian dài đắm chìm trong nỗi đau, cuối cùng tôi nghĩ mình đã vượt qua được. Thay vì cứ giam mình trong bốn bức tường và than khóc cho những mất mát đã qua, tôi quyết định thực hiện ước mơ còn dang dở ngày nào, đó là học đại học. Các con tôi giờ đã lớn, đứa lớn nhất đã tốt nghiệp đại học và đứa nhỏ nhất đã học đến lớp 12, vì vậy tôi cũng không vướng bận gì nhiều. Tôi tin các con sẽ ủng hộ tôi.
Trong môi trường đại học, tôi không xem sự cách biệt về tuổi tác giữa mình và các sinh viên là điều cản trở nên thấy khá thoải mái. Được hòa nhập vào môi trường trẻ trung và năng động, nỗi đau trong tôi cũng dần nguôi ngoai. Các sinh viên giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học. Tôi còn nhận được sự quan tâm từ các giảng viên của trường. Ở nhà, các con tôi không chỉ ủng hộ mà còn để tôi yên tâm dành toàn bộ thời gian cho việc học.
Đến lúc này, tôi chợt nhận ra mình có thể học hỏi được rất nhiều điều từ cuộc sống bên ngoài thay vì một mình gặm nhấm nỗi đau. Ở trường đại học, tôi đã tìm lại được ý nghĩa và niềm vui cuộc sống và cảm giác được sống một cuộc đời mới.
Cuối cùng, ước mơ của tôi đã được thỏa nguyện dù có hơi muộn màng. Ở tuổi sáu mươi tám, có lẽ tôi là cử nhân lớn tuổi nhất trường. Đôi khi ngẫm lại những giai đoạn cuộc đời mình đã trải qua, tôi còn thấy khâm phục bản thân. Bởi chính tôi cũng không thể ngờ mình có thể làm được như vậy. Lúc chồng tôi còn sống, chưa một lần tôi có ý nghĩ mình sẽ bước chân vào đại học. Sau khi anh ấy mất, tôi lại càng không nghĩ mình sẽ học tiếp. Nhưng thực tế là tôi đã hoàn thành ước mơ ở cái tuổi mà hầu hết nhiều người đã an dưỡng tuổi già bên con cháu.
Đôi khi quên mất vấn đề tuổi tác, tôi say sưa trao đổi, tranh luận với các sinh viên, chia sẻ với họ kinh nghiệm sống, ngược lại họ giúp tôi thêm yêu đời và mới mẻ trong từng suy nghĩ. Cuộc sống của tôi luôn đầy ắp niềm vui. Ann – một sinh viên khá lém lỉnh trong lớp – có lần đã hỏi tôi: “Cô Mildred này, bí quyết gì làm cho cô lúc nào cũng đầy vẻ tự tin và năng động vậy?”. Tôi chỉ cười và nghĩ mình không cần có câu trả lời, vì Ann thích ghẹo tôi thế thôi chứ cô bé vẫn biết đó là nhờ tôi đã vượt qua được chính mình, luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan. Và điều quan trọng nhất là, tôi biết tìm cách bước ra ngoài nỗi đau và học được cách sống tự tin, luôn nhìn về phía trước.