Để giúp sinh viên tiếp thu bài học hứng thú và hiệu quả hơn, tôi áp dụng phương pháp thảo luận nhóm cho bộ môn tâm lý học mà tôi giảng dạy. Nhưng đáp lại sự nhiệt tình của tôi là thái độ thờ ơ, bất hợp tác, ngoại trừ một số em thực sự yêu thích phương pháp học tập này.
Là giảng viên bộ môn, tôi chỉ có thể gắn bó với các em trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, tôi ý thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Ngày nào còn đứng trên bục giảng, ngày đó tôi sẽ còn cống hiến hết sức mình. Thế nhưng, dù tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng xem ra tất cả những nỗ lực ấy đều vô nghĩa. Tuy các em vẫn đến lớp, vẫn tham gia vào những buổi thảo luận, nhưng với một thái độ thiếu nhiệt tình hoặc đầy vẻ miễn cưỡng. Thậm chí, một vài sinh viên không ngại bộc lộ sự chán ngán, họ cho rằng phương pháp của tôi chỉ lãng phí công sức và thời gian. Cả lớp không ai muốn học nữa. Tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để chấm dứt tình trạng này.
Một hôm, tôi đến lớp sớm hơn thường lệ. Tất cả sinh viên khi vào lớp đều chăm chăm nhìn dòng chữ được ghi rõ ràng trên bảng: “Nếu có thể thay đổi một điều trong cuộc sống, bạn muốn thay đổi điều gì?”. Tôi cho phép sinh viên làm bất cứ việc gì họ muốn trong suốt buổi học hôm đó, chỉ với một yêu cầu duy nhất: Hãy cho tôi biết câu trả lời vào cuối buổi.
Không khí cả lớp chợt lắng xuống một lúc, rồi tất cả cắm cúi viết, trừ một vài người lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Lần lượt từng sinh viên ghi câu trả lời của mình vào một mảnh giấy nhỏ. Sau đó, tôi thu thập các mảnh giấy lại, chọn ngẫu nhiên trong số đó để đọc cho cả lớp nghe.
Một sinh viên đã thổ lộ: “Mong ước lớn nhất của tôi là cha trở về đoàn tụ với mẹ con tôi và có việc làm ổn định. Từ nhỏ tôi đã phải sống trong cảnh túng thiếu, cả về vật chất và tinh thần. Tôi không muốn mẹ mất chồng và anh chị em tôi lại thiếu cha”.
Một sinh viên khác viết: “Tôi ước gì mẹ đừng mắc căn bệnh ung thư quái ác. Nếu thế, tôi đã không phải mất mẹ”.
Tôi dừng lại một lúc, kín đáo quan sát thái độ của sinh viên. Cả lớp đều ngồi yên lặng, những gương mặt cúi xuống nghĩ suy với những ánh nhìn xa xăm. Căn phòng dường như không có một tiếng động nào. Trong lúc các sinh viên yên lặng ngồi viết, tôi chú ý tới một nam sinh viên ngồi trầm ngâm cuối lớp. Khuôn mặt cậu lộ rõ sự ăn năn day dứt, và chốc chốc, cậu lại buông những tiếng thở dài. Tôi thấy cậu viết được vài dòng, không hiểu sao cậu lại dừng bút, vo tròn mảnh giấy ném đi. Tôi chầm chậm bước tới góc phòng, cúi nhặt tờ giấy nhàu nát và mở ra rồi đọc to: “Tôi đã không thèm nhìn mặt mẹ, tôi nghĩ bà ấy đã bỏ cha con tôi để đi theo người khác. Nhưng sự thật không phải vậy... Mẹ tôi đã mất cách đây một tuần. Tôi...”.
Sau đó tôi còn đọc thêm nhiều mảnh giấy khác nữa. Từng mảnh giấy tuần tự bộc lộ những khát khao mà bấy lâu nay nhiều sinh viên đã chôn giấu tận đáy lòng.
Nước mắt đã lăn dài trên má nhiều người. Tôi không cần phải dạy thêm gì trong buổi học này nữa, bởi qua những giây phút có thể mở lòng như thế, tôi tin các em đã tìm được sự đồng cảm. Mỗi người đều có những vấn đề khó khăn và nỗi khổ riêng trong cuộc sống. Và chúng ta cần sống thật lòng mình, mạnh dạn vứt bỏ cái vỏ bọc cứng rắn giả tạo bên ngoài để đối xử với nhau bằng sự chân thành.
Kể từ hôm đó, lớp học như được phả vào một luồng sinh khí mới. Mỗi khi bước vào lớp, tôi đều cảm nhận niềm hạnh phúc đang dâng tràn trong lòng mình trước những gương mặt trẻ trung thân thiết. Không khí lớp học đã thực sự thay đổi, bởi các em đã tìm thấy lý do để hợp tác cùng nhau.
Khi nào lòng can đảm vẫn còn tôi luyện cho khát vọng, khi ấy thất bại chỉ là thành công tạm thời bị trì hoãn.
Thói quen kiên định chính là thói quen chiến thắng.
- Herbert Kaufman